Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phủ Châu Tào Sơn Bổn Tịch Thiền Sư Ngữ Lục [撫州曹山本寂禪師語錄] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Phủ Châu Tào Sơn Bổn Tịch Thiền Sư Ngữ Lục [撫州曹山本寂禪師語錄] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Ngữ Lục Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Nguyên Chơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Sư thượng đường, có một vị tăng hỏi:
- Thế nào là người đại xiển-đề?
Sư đáp: Người không sợ nghiệp.
Tăng hỏi: Thế nào là người vô minh?
Sư đáp: Hoàn toàn không giác ngộ.
Tăng hỏi: Hai loại người này ai trước?
Sư đáp: Người vô minh.
Tăng hỏi: Người xiển-đề vì sao lại sau?
Sư đáp: Vì là người mai sau.
Tăng hỏi: Thế thì người vô minh không đi từ hôm nay?
Sư đáp: Đúng!
Tăng hỏi: Đã không từ hôm nay đi thì vô minh từ đâu đến?
Sư đáp: Chỗ sáng không dám vào!
Tăng hỏi: Đâu chẳng phải là chỗ không sáng không tối?
Sư đáp: Đúng.
Tăng hỏi: Ngay lúc ấy thì thế nào?
Sư đáp: Chẳng bị xúc chạm _ Sư lại tiếp: Hàng xiển-đề có nhiều loại:
- Một là giết cha giết mẹ, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, phá hoại chùa chiền. Loại này chắc chắn chịu các loại qủa báo đau khổ.
- Hai là cũng như trên, nhưng mà giết cha vô minh, mẹ tham ái, không tin có Phật, Pháp, Tăng để phá, có già-lam để có thể hủy hoại. Nhưng vì chấp là sở đắc của tâm, cho nên cũng đọa, chịu các qủa báo hư vọng, lên xuống không đồng.
- Ba là biết rõ việc bản lai của tự kỷ, gọi là cha mẹ. Chẳng từ bên ngoài cầu, vô tu vô chứng, chẳng nhân chẳng quả, chẳng do thầy mà được, chẳng từ chứng mà thành. Không khởi kiến giải về cha gọi là giết, không khởi kiến giải về mẹ gọi là hại. Nghĩa là tất cả việc chính chẳng giữ chẳng còn, nên gọi là sát hại. Vừa sanh mảy may tôn phụng, được mùi vị, tức chẳng thành tựu việc biết tự kỷ, cho nên gọi là đại Xiển-đề. Lấy đây phát khởi diệu lực, tức là từ nơi Tông thừa mà biết gánh vác việc nhà. Cần phải đoạn dứt huyền đạo, phá con đường quanh co xa xôi. Như Tân Phong lão nhân[13] đã chỉ bày.
(Quốc sư Huệ Trung gọi thị giả, thị giả đến, Quốc sư cúi đầu im lặng, thị giả đứng lâu, bèn đi ra. Quốc sư lại gọi, ba lần như thế, Quốc sư nói:
- Tưởng rằng ta phụ ông, nào ngờ ông phụ ta!
Thiền sư Bá Trượng hỏi Triệu Châu:
- Quốc sư ba lần gọi thị giả, ý chỉ thế nào?
Triệu Châu đáp: Như người ở trong tối viết chữ, tuy không thành, nhưng nét chữ đã hiện).
Về sau có người đem việc trên hỏi Sư, Sư đáp:
- Lần thứ hai thị giả quay đầu nói: “Con không tin Hòa thượng gọi”.
***
(Ngài Nam Tuyền nói rằng:
- Khi bào thai chưa đủ, có nói chăng?
Có người hỏi Tuyết Phong, Tuyết Phong đáp:
- Nói có, nói không thì bị ăn 30 gậy.
Lại hỏi Chiêu Khánh, Khánh đáp: Tùy nó nói!)
Có người hỏi Sư, Sư đáp: Có.
Tăng nói: Thỉnh Hòa thượng liếc nhìn xem!
Sư nói: Dùng gì để nghe?
Tăng hỏi: Người điếc nghe chăng?
Sư đáp: Nếu người điếc nghe được thì đủ tai mắt.
Tăng hỏi: Người nào nghe được?
Sư đáp: Người bào thai chưa đủ nghe được!
***
Vị tăng hỏi Sư: Một câu có thể bao hàm trăm ngàn vạn nghĩa. Thế nào là một câu?
Sư đáp: Kim đâm chẳng vào.
***
(Có một vị Tọa chủ từ biệt ngài Nam Tuyền, ngài Nam Tuyền bèn hỏi: Ông đi về đâu?
Tọa chủ đáp: Xuống núi!
Nam Tuyền nói: Thứ nhất là chẳng được phỉ báng Vương lão sư!
Tọa chủ đáp: Đâu dám phỉ báng Hòa thượng!
Ngài Nam Tuyền phun nước miếng và hỏi:
- Bao nhiêu?
Tọa chủ liền bước đi).
Sư nghe liền nói: Nhờ cậy!
***
(Một hôm thiền sư Qui Sơn gọi Viện chủ, Viện chủ đến, ngài Qui Sơn nói: Ta gọi Viện chủ, ông đến làm gì?
Viện chủ không đáp được).
Sư đáp thay:
- Cũng biết Hòa thượng không gọi con.
(Lại bảo thị giả gọi Đệ nhất tọa, Đệ nhất tọa đến, ngài Qui Sơn bèn nói:
- Ta gọi Đệ nhất tọa, ông đến làm gì?)
Sư đáp thay: Nếu bảo thị giả gọi, sợ không đến!
***
Một vị tăng từ biệt ngài Dược Sơn về thăm quê hương, ngài Dược Sơn nói: Có một người toàn thân thối rữa, nằm trong đám gai gốc.
- Thế thì đệ tử không về. _ Tăng đáp.
Dược Sơn nói: Nhưng hãy cứ về đi, ta cho ông tiền lộ phí!
Tăng hỏi: Thế nào là lộ phí?
Sư nói: Mỗi ngày đến trai đường cắn không bể một hạt gạo. _ Sư bèn nói tiếp: Như Cổ đức nói có người toàn thân thối rữa, đó chỉ là người xấu xí thô lậu, mọi người gần chẳng được, không có chỗ để điểm xuyết. Lại nói nằm trong đám gai gốc, chỉ là nói trong sinh hoạt hàng ngày, cũng không tạo ra chỗ để điểm xuyết hay việc bảo nhậm hộ trì).
Bấy giờ có một vị tăng hỏi Sư:
- Khi toàn thân thối rữa thì thế nào?
Sư đáp: Mang nặng.
Tăng hỏi: Người nào mang nặng?
Sư đáp: Không thối rữa đến Xà-lê đâu!
Tăng hỏi: Người xấu xí thô lậu và người toàn thân thối rữa, ai nặng?
Sư đáp: Người xấu xí thô lậu nặng. _ Sư lại hỏi vị tăng: Người Đại bảo nhậm, bảo nhậm cái gì?
Sư đáp thay vị tăng:
- Suốt ngày chỉ ở sau lưng, không biết nhìn xem.
***
(Phàm có người đến tham vấn, hòa thượng Câu Chi đều đưa một ngón tay. Sau có một Đồng tử bị người ngoài hỏi rằng: Hòa thượng có pháp yếu gì?
Vị Đồng tử này cũng đưa một ngón tay. Thiền sư Câu
Chi nghe được, bèn chặt ngón tay, Đồng tử đau đớn la khóc bỏ đi. Thiền sư Câu Chi bỗng gọi, Đồng tử quay đầu, thiền sư Câu Chi liền đưa một ngón tay, Đồng tử này hoát nhiên đại ngộ. Khi thiền sư Câu Chi sắp thị tịch, bảo đại chúng rằng:
- Ta hội được Thiền một ngón tay của hòa thượng Thiên Long, cả đời dùng không hết. Nói xong Sư ngồi yên thị tịch).
Sư nói: Chỗ thừa đương của Câu Chi quá đơn giản, chỉ nhận được một cơ một cảnh.
***
Thiền sư Động Sơn thượng đường dạy:
Đạo vô tâm hợp với người,
Người vô tâm hợp với đạo,
Muốn biết được ý trong đó,
Một già một chẳng già.
Sau có người hỏi Sư: Thế nào là một già?
Sư đáp: Chẳng cầu giúp đỡ.
Hỏi: Thế nào là một chẳng già?
Sư đáp: Cây khô.
***
Có một vị tăng hỏi Sư:
- Duy-ma im lặng, Văn-thù khen ngợi, chưa biết có hợp với ý của Duy-ma chăng?
Sư đáp: Ông có trói buộc được hư không chăng?
Tăng nói: Như thế không hợp với ý của Duy-ma rồi!
Sư nói: Y đâu có chịu.
- Rốt cuộc có chỗ quay về chăng? _ Tăng hỏi.
Sư: Nếu có chỗ quay về, tức đồng với hai vị ấy.
- Hòa thượng như thế nào? _ Tăng hỏi.
Sư đáp: Đợi ông mắc bệnh Duy-ma mới được!
***
Thiền sư Động Sơn đến hòa thượng Ty Thọ, hòa thượng Thọ hỏi: Đến làm gì?
Ngài Động Sơn đáp: Đến gần gủi Hòa thượng.
Hòa thượng nói: Nếu là gần gủi thì cần gì dùng môi mép?
Động Sơn không đáp được.
Về sau, Sư đáp: Con một gần gủi được.
Vị tăng hỏi thiền sư Động Sơn: Trong ba thân, thân nào không rơi vào số lượng?
Động Sơn đáp: Ta thường gần gũi chỗ này.
Vị tăng về sau hỏi Sư: Tiên sư nói: “Ta thường gần gũi chỗ này” là ý chỉ thế nào?
Sư đáp: Cần đầu liền chặt!
***
“Khi thiền sư Vô Trước uống trà, bồ-tát Văn-thù cầm một cái ly thủy tinh hỏi:
- Phương Nam có cái này chăng?
Vô Trước đáp: Không!
Văn-thù hỏi: Bình thường lấy gì uống trà?
Vô Trước không đáp được”.
Sư đáp thay: Từ lâu đã được Đại sĩ chỉ dạy, vì sao còn ở tại một trần?
Sư nói: Trước Phật Nhiên Đăng có hai loại: Một là chưa biết, đồng với sữa lẫn lộn trong máu; Hai là biết, giống như khi ý chưa manh nha mà nhận được bản vật.
Một loại biết rõ đến đi, ngôn ngữ, thanh sắc, thị phi, cũng không thuộc Chánh chiếu dụng, cũng không được thọ ký, đồng với sữa lẫn lộn máu, là việc sai lạc, đây là loại sau Phật Nhiên Đăng.
Việc ba thời đã hết, tình thức trong ngoài đều bặt, không gián đoạn, đây mới được gọi là Chánh Nhiên Đăng, gọi là được thọ ký.
***
GIẢI THÍCH ĐỘNG SƠN NGŨ VỊ HIỂN QUYẾT
Sư nói: Tiên sư ta trình bày Chánh thiên và Kiêm đới, tất cả đều dùng ý của Ngài, chớ không vì nói rõ giai vị công huân tiến tu mà dính vào ngôn giáo, cho dù đó là lời luận đàm siêu xuất hay diệu chỉ cốt yếu. Ngài chỉ nói rõ sự việc từ những vật thể hiện tiền mà thầm hợp với đạo của bậc Thánh xưa. Ngày nay thấy các học sĩ giải thích ý độ của Tiên sư, tựa hồ có chỗ lầm lẫn, không khỏi bị người nêu ra những sai sót của họ.
Cho nên, quí trọng ở chỗ là không làm hỗn tạp công huân; trong đó, hoặc là mượn Vị để nói về Công, mượn Công để nói về Vị, nhiều mối đa manh; khi Công đến thì xem thế lực của lời nói để không phụ người đến tham vấn, thật là diệu ở chỗ ý thú siêu tuyệt vậy!
Chánh văn: “Chánh vị khước Thiên, tựu Thiên biện đắc, thị viên lưỡng ý”.
Dịch nghĩa: Chánh vị lại là Thiên vị, theo Thiên vị mà biện biệt được Chánh vị, như thế là đầy đủ hai ý.
Giải thích: Chánh vị lại là Thiên vị, nghĩa là không đối vật, tuy không đối vật, nhưng lại đầy đủ (Dụng).
Không có Dụng trong Chánh vị là Thiên vị, toàn Dụng là Viên, tức đã đủ hai ý.
Thế nào là toàn Dụng? Người không thể hội thì được. Chánh vị này không nói về việc đến (lai), cho dù Phật xuất thế cũng vậy, Phật không xuất thế cũng vậy. Nên ngàn Thánh muôn Thánh đều gom về Chánh vị để gánh vác.
Thiên trong Chánh lại đầy đủ một vị này, hoàn toàn không nên động dụng chấp trước.
Như các người học cho rằng chỉ thoát ngoài vật là siêu việt chư thánh, là Chánh vị nhưng Viên, kỳ thật đã khuất lấp mất Chánh vị vậy. Những lời này Cổ đức đã nói qua, nay vẫn còn dấu tích, còn chưa được không lời trong có lời, nên gọi là Phi chánh vị. Vì có lời trong lời nên gọi là có bệnh Kiêm đới. Không được gọi là từ Tương kiêm đới mà đến.
Chánh văn: “Thiên vị tuy Thiên, diệc viên lưỡng ý, duyên trung biện đắc, thị hữu ngữ trung vô ngữ”.
Dịch nghĩa: Thiên vị tuy là Thiên, cũng tròn đủ hai ý; từ duyên mà biện biệt được là không lời trong có lời.
Giải thích: Vì chỗ Dụng không lập đích, không lập đích thì thật không thể thường dùng. Thiên vị tuy Thiên cũng là Viên, nghĩa là trong Dụng không có vật nào không xúc chạm. Hai ý này, tuy căn cứ theo Dụng để hiển bày, nhưng lời nói chẳng làm thương tổn. Đây chính là suốt ngày nói mà chưa từng nói. Cho nên nói Thiên vị tuy là Viên, nhưng cũng từ duyên chẳng xúc chạm.
Chánh văn: “Hoặc hữu Chánh vị trung lai giả, thị vô ngữ trung hữu ngữ”.
Dịch nghĩa: Hoặc có người từ Chánh vị mà đến, tức là có lời trong không lời.
Giải thích: Từ Chánh mà đến, tức không gồm duyên. Như thiền sư Dược Sơn nói: “Ta có một câu chưa từng nói với người”. Thiền sư Đạo Ngộ nói: “Cùng theo nhau đến”. Đó là do Y diệu ngộ được. Cũng như lời của Quan sát sứ Hồ Nam, loại ví dụ này rất nhiều. Cần phải theo thứ tự, không được lẫn lộn tôn ti. Đó gọi là có lời trong không lời.
“Ta có một câu, chưa từng nói với người”, các nhà đáp câu này, cần phải nêu ra không được chống trái, chống trái thì không liễu ngộ. Câu câu đều không lời, chẳng lập tôn quí, không lạc vào trái phải, cho nên gọi là Chánh trung lai.
Từ Chánh vị mà đến, nói về Chánh vị không dính dáng đến duyên. Ví dụ: Như khi đậu đen chưa nẩy mầm là cái gì? Lại như có một người không còn hơi thở, khi bào thai chưa đủ, có ngôn cú chăng? Chỗ mười phương chư Phật xuất thân. Tất cả ví dụ này gọi là có lời trong không lời, lại có chỗ nương cậy. Người từ Chánh vị hỏi, người đáp nên hướng vào Thiên vị để luận về thể, vật, không được vào Chánh vị để biện minh, điều này cần phải biết. Như Tiên sư hỏi một vị tăng người Tân La: “Khi chưa qua biển thì ở đâu?”. Vị tăng không đáp được. Thiền sư đáp thay: “Chỉ như nay đã qua biển cũng ở tại đâu?” cũng Tiên sư thay Thận Vi trưởng lão đưa trụ trượng ra và nói: Như nay đưa ra có người biện biệt được chăng? Những thí dụ này tuy từ duyên nhận được, không giống với hướng hạ biện biệt không được, sợ người sau lầm lạc Công huân cho là việc hướng thượng. Như người học hỏi về ý của Tổ sư, thì trả lời là: “Đợi trâu nghé sanh con thì nói cho ông nghe, rồi cho đây là Chánh vị trung lai”. Lời này không được gọi là Chánh vị trung lai, mà có thể gọi là “vấn đáp trong con đường huyền học”. Như thế rõ ràng là cũng có một con đường riêng, cũng chẳng được gọi là Tương kiêm đới. Nhưng vì để hiển bày, nên dù cho khách chủ hồi hỗ, cũng chỉ gọi là có bệnh Kiêm đới.
Chánh văn: “Hoặc hữu Thiên vị trung lai giả, thị hữu ngữ trung vô ngữ”.
Dịch nghĩa: Hoặc có người từ thiên vị đến, là không lời trong có lời.
Giải thích: Từ Thiên vị mà đến thì gồm cả duyên. Như hỏi: Nay gọi cái ấy là gì? Không ai đáp được. Tiên sư tự đáp thay: “Không được, không được!”. Loại ví dụ này cũng rất nhiều, gọi là không lời trong có lời. Lời nói từ thanh sắc thuộc bốn đại phát ra, không lập nơi chốn, thị phi. Cho nên nói trong duyên phân biệt được là từ Thiên vị mà đến. Ví dụ như: Vật gì đến như thế? Quang cảnh đều quên lại là vật gì? Tam học giới, định, huệ nói về kiến Phật tánh. Loại thí dụ này cũng nhiều, gọi là không lời trong có lời.
Từ Thiên vị mà đến là theo Vật để nói về Thể. Như nói: Vật gì đến như thế? Quang cảnh đều quên là vật gì? Những ví dụ nầy là nhờ vào Công để nói Vị. Cũng là ví dụ ta đã nêu khi xưa. Vật gì đến như thế? Câu này tuy từ duyên mà biết được, nhưng chẳng đồng với việc hướng hạ[14]. Tam học giới, định, huệ nói về kiến Phật tánh, lý này thế nào? Ví dụ này cũng chính là câu ta nêu khi trước. Quang cảnh đều quên là phép tắc trong Giáo, không giống Huyền học. Chỉ cần vượt ra ngoài Giáo thì đó là việc trong Tông môn, ngoài Huyền học. Chỉ như thở ra chẳng nương vào các duyên, hít vào chẳng trụ nơi ấm giới, lời này toàn là Công, chẳng giống với từ duyên nhận được. Đây cũng là lời ta nêu khi xưa.
Chủ nhà nhập vào Chánh vị, nghĩa là: Có một người không hít thở, khiến y biết được Chánh vị, lại có vị giáp công rất trong lặng, cũng được gọi là từ Thiên vị mà đến, điều này thật khó phân biện, cần phải giải thích. Như các học sĩ luận về việc một vị tăng hỏi Tiên sư rằng: Thế nào là Huyền chỉ? Tiên sư đáp: Như lưỡi người chết. Lại hỏi: Trong 12 thời lấy gì hiến cúng? Đáp: Không vật phụng hiến rồi cho đây là từ Thiên vị mà đến, ví dụ này không được gọi từ Thiên vị đến. Nếu là ví dụ về huyền chỉ thì có thể đồng với Công huân. Còn 2 ví dụ nầy chẳng được gọi là Thiên vị và Kiêm đới.
Trước đã nói phá rồi, là nhờ Công mà nói rõ Vị, nhờ Vị để nói Công, giống với đoạn này vậy!
Chánh văn: “Họăc hữu Tương kiêm đới lai giả, giá lý bất thuyết hữu ngữ vo ngữ, giá lý trực tu chánh diện nhi khứ, giá lý bất đắc bất viên chuyển, sự tu viên chuyển”.
Dịch nghĩa: Hoặc có người từ Tương kiêm đới mà đến, thì trong đó không nói có lời hay không lời, cứ ngay chánh diện mà đi, không thể không xoay chuyển, cần phải xoay chuyển- (giữ Chánh vị).
Giải thích: Từ Tương kiêm đới mà đến, tức là ngữ thế không Chánh không Thiên, chẳng còn chẳng mất, như toàn mà chẳng toàn, như thiếu mà chẳng thiếu, chỉ được hướng về chánh diện mà đi. Đi thì không lập đích, không lập đích thì lời vi diệu. Cảnh không viên là việc thường tình. Như Tiên sư đáp thay câu thoại “Văn-thù uống trà”: Như mượn cái ấy xem được chăng? Như Thúy Vi nói: Thường ngày ăn cái gì?
Chánh văn: “Nhiên tại đồ chi ngữ, tổng thị bệnh, phù đương nhân tiên tu biện đắc ngữ cú, chánh diện nhi khứ, hữu ngữ thị nhẫm ma lai; vô ngữ thị nhẫm ma khứ. Tác gia trung bất vô ngôn ngữ. Bất thiệp hữu ngữ vô ngữ, giá cá hoán tác kiêm đới ngữ, kiêm đới ngữ toàn vô đích đích dã”.
Dịch nghĩa: Như lời nói giữa đường đều là bịnh. Phàm người học, trước nên phân biệt được ngữ cú, ngay chánh diện mà đi. Có lời là đến như thế, không lời là đi như thế. Bậc tác gia chẳng phải không có lời, nhưng chẳng dính mắc vào có lời hay không lời. Cái ấy gọi là lời Kiêm đới. Lời Kiêm đới hoàn toàn không có mục đích.
Giải thích: Từ Tương kiêm đới mà đến, tức là không rơi vào có lời không lời. Như “Lời Đới đao của Dược Sơn”, là lời Kiêm đới, đến lúc xem thế lực của lời nói, thì hoặc là theo chánh diện mà đi, hoặc là hư trong dị. Việc này nếu không diệu ngộ thì cách xa ngàn dặm vạn dặm. Dẫn ví dụ về lời Tương kiêm đới lai:
Văn-thù uống trà – Người này hôm nay đi đâu? Vân Nham nói: Làm gì, làm gì? Tức như nay là cái gì? Loại thí dụ ấy rất nhiều, cũng có Kiêm đới trong Công huân, giống như việc hướng thượng, đến lúc biện biệt được như lạc vào chỗ tịnh diệu, thì nên biết còn có sự. Cần đi thì đi, cần dừng thì dừng, muôn ngàn uyển chuyển, không được qua loa đơn giản. Tất cả ngữ thế vấn đáp của hai người đều không ra khỏi Ngũ vị. Nhưng lời thí dụ có thô tế, đáp thì có cạn sâu. Cho nên Tiên sư trong chỗ không có ngôn cú, gượng dùng ngôn cú, đó đều là tùy theo duyên mà trình bày chỗ cơ yếu. Ví dụ như người đại vô minh, hoàn toàn chẳng giống Đại xiển-đề. Xiển-đề thì biết sự, nhưng lại mờ mịt, tuy mờ mịt lại trở thành hiếu dưỡng. Mờ mịt tức là không giữ Phật Tổ và việc chính của cha mẹ tự kỷ.
Người thối rữa là người mang nặng chẳng trở về, không lập chỗ chí tôn; người Đại bảo nhậm là người bước chân vào bùn giữ gìn kĩ lưỡng, chẳng thể qua loa.
Người từ Tương kiêm đới mà đến cũng như việc Văn-thù uống trà, Tiên sư đáp lời Vân Nham về xới đất trồng gừng; việc hòa thượng An về pháp đường, việc Thuần Bố Nạp tắm Phật của Dược Sơn. Trong đó những lời Kiêm đới tối diệu vẫn không hơn được lời Đới đao mà Dược Sơn đáp Đạo Ngô và câu “tại chỗ này” để đáp câu “là cái gì?” của Bá Trượng.
Kiêm đới trong tối, mượn Công để nói về Vật, mượn Vật để nói Công, mượn Lỗi để nói Công, mượn Công để nói Lỗi, tất cả đều như thế.
Dược Sơn, Tân Phong và những lời của chư tôn đức trước kia siêu nhập chánh vị, là câu huyền đàm kỳ đặc, kế đến là những câu có chút đắc lực thì tạm nhập
vào Chánh vị, những loại thí dụ này tôi thường dùng.
Ta trụ trì có nhiều việc, không tiện nói kỹ càng, chỉ lược trình bày ít phần, các ông đừng có dễ dui xem thường, nếu có nghi ngại, phải giải quyết gấp. Cần phải ra sức tu hành, cho đến đời vị lai không đoạn dứt việc này. Chẳng được tiết lộ cẩu thả, nhưng nếu gặp người thuần phác, bậc kỳ khí thì không nên giấu giếm.
Chánh văn: “Tha Trí thượng tọa lâm thiên hóa thời, hướng nhơn đạo: Vân Nham bất tri hữu, ngã hối đương thời bất hướng y thuyết. Tuy nhiên như thử, thả bất vi Dược Sơn thái tử. Khán Tha Trí thượng tọa hợp tác ma sanh lão bà tâm dã. Nam Tuyền viết: Dị loại trung hành, thả Mật Xà-lê bất tri hữu?”.
Dịch nghĩa: Lúc thượng tọa Tha Trí sắp thị tịch, nói với đại chúng rằng: “Vân Nham chẳng hiểu biết, ta hối hận lúc ấy không nói với Y. Tuy nhiên như thế, cũng chẳng trái với con rùa Dược Sơn. Xem thượng tọa Tha Trí vì sao có tâm từ bi như thế? Ngài Nam Tuyền nói: Đi trong Dị loại, vả lại Mật Xà-lê không biết rõ.
CHÚ THÍCH ĐỘNG SƠN NGŨ VỊ TỤNG
➣ Chánh trung thiên (Thiên trong chánh):
Chú thích: Trong đêm tối gật đầu.
Tam canh sơ dạ nguyệt minh tiền
(Đầu hôm sáng tỏ dưới ánh trăng)
Chú thích: Khi sáng tối chưa giao nhau thì phân biệt được lúc mầm mống chưa sanh. Chỉ như nay là lúc nào? Trong đó không có ngày đêm, không nói trước sau.
Mạc quái tương phùng bất tương thúc.
(Chớ trách gặp nhau chẳng biết nhau)
Chú thích: Quên mất cũng đến! Kiếp nào thì trái nghịch! Thế thì đều bó tay mất!
Ẩn ẩn du hoài cựu nhật nghiên.
(Ưu thương vẫn nhớ cảnh ngày xưa)
Chú thích: Hai câu này một ý, nhưng hoàn toàn không giống nhau. Lại nói Tròn đủ – Ngày nay xem trọng cái gì? Như thế thì chẳng được dối mình.
***
➣ Thiên trung chánh (Chánh trong thiên):
Chú thích: Trong duyên hiểu được.
Thất hiểu lão bà phùng cổ cảnh.
(Lão bà mù mắt soi gương cũ)
Chú thích: Lộ rõ. Vừa rồi lại nhớ được! Lại có dáng vẻ gì? Như thế thì chẳng lộ màu sắc.
Phân minh địch diện cánh vô chân.
(Rõ ràng nhìn mặt lại chẳng chân).
Chú thích: Tức hôm nay hiểu được, cũng chính là cái ấy. Mất! Thế thì lúc chưa chân thật, có được chút ít.
Tranh nại mê đầu hoàn nhận ảnh
(Sao lại mê đầu lầm nhận ảnh?)
Chú thích: Chẳng phải là đầu xưa nay, chớ nhận ảnh tức được, rốt cuộc không nhớ. Như thế thì không thể thay đổi.
***
➣ Chánh trung lai (Đến từ chánh vị):
Chú thích: Lỗi rồi!
Vô trung hữu lộ cách trần ai
(Trong “không” có lối cách bụi hồng)
Chú thích: Trong không câu lại có câu; cùng theo nhau đến. Việc xưa nay là gì? Như thế thì không thể nương nhau.
Đản năng bất xúc đương kim húy.
(Chỉ cần chẳng phạm Hoàng đế húy)
Chú thích: Nương tựa cái ấy, sớm đã nương tựa rồi. Chỉ là người tầm thường. Như thế thì khắp nơi không có người thứ hai.
Dã thắng tiền triều đoạn thiệt tài
(Cắt lưỡi tài hơn cả tiền triều)
Chú thích: Chẳng phải im lặng, lại gần gũi với cái này, nhưng rốt cuộc lại chẳng gần gũi. Như thế thì không dặn dò được.
***
➣ Thiên (kiêm) trung chí (Đến từ trong thiên):
Chú thích: Đến từ Hữu cú.
Lưỡng nhận giao phong bất tu tị
(Hai mũi giao phong chớ tránh nhau)
Chú thích: Chủ khách chưa xúc chạm thì người người chẳng thương tổn. Mũi mũi tên chạm nhau, liên tục chẳng dứt. Nếu chẳng đối địch thì chẳng lo cho nhau.
Hảo thủ du như hỏa lý liên
(Anh hùng nào khác sen trong lửa)
Chú thích: Hủy hoại chẳng được, ai được tiện lợi, kém hơn ai? Như thế thì rốt cuộc không làm người thứ hai.
Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí
(Rõ ràng tự có chí xung thiên)
Chú thích: Chẳng từ người khác được, thì không vay mượn. Chẳng phải vốn có, thì tự kỷ cũng chẳng còn, cũng chẳng phải tự kỷ có.
***
➣ Kiêm trung đáo
(Trở về với Chánh, Thiên, Lai, Chí):
Chú thích: Khéo léo nương tựa.
Bất lạc hữu vô thùy cảm hòa
(Chẳng lọt không có, ai dám hòa)
Chú thích: Chẳng đương đầu. Y là bậc tác gia, tốt nhất là nên thương lượng. Thế nào là thương lượng? Nói ra đi! Lại hỏi:
Nhân nhân tận dục xuất thường lưu.
(Người người đều muốn vượt tầm thường)
Chú thích: Chỉ muốn vượt ra khỏi các loài, có chỗ nào xuất đầu? Lại động thì chết. Như thế thì nơi nơi đều vui thú.
Tích hợp hoàn qui thán lý tọa.
(Hợp tan trở về nơi tro lạnh)
Chú thích: Một, tức có thể biết, biết hợp làm gì? Dối Y chẳng được. Như thế kẻ thì nhờ cậy được là ta. Sự trong vị này đều lấy Chánh vị làm chủ. Trong chánh vị thì không có ngôn thuyết, cũng không có đạo lý đối tân (khách). Nếu đối khách thì chỗ cực tắc của Thiên vị gọi là Đối tân (khách). Nếu là Kiêm đới, thì lúc đến gọi tìm không đồng, hoặc có lúc thì đối, có lúc không đối. Đó cũng gọi là không lời trong có lời. Có lời trong không lời, như đã nói rõ trong Thiên vị và Chánh vị. Lại có những lời không nhập vào Thiên, Chánh vị, mới khó vì người. Phải là người mắt sáng mới được, chẳng bị người dối gạt chỉ Đông vẽ Tây.
***
BA LOẠI ĐỌA
Phàm Sa-môn thọ thực có ba loại đọa:
- Làm trâu là Sa-môn đọa.
- Không thọ thực là Tôn qúy đọa.
- Không đoạn thanh sắc là Tùy loại đọa.
Như đọa là việc của ai?
(Muốn biết thì vào trong Dị loại, không nhận rõ việc của Sa-môn. Cho nên Cổ nhân tạm mượn trâu làm “Dị loại”, chỉ là “Dị loại” trên sự, chẳng phải Dị loại trên ngôn ngữ).
Nếu là “Dị loại” trong ngôn ngữ, thì nói năng qua lại đều là loại. Vì thế ngài Nam Tuyền nói: “Nếu trí không cùng khắp thì rất kỵ nói năng, nói năng thì sừng mọc trên đầu. Vừa gọi là như như thì đã sớm thay đổi rồi!”. Cần phải đi trong “Dị loại”. Như nay nên hướng vào “Dị” mà nói việc trong “Dị”.
Phàm không lời trong lời mới được. Như khi thiền sư Nam Tuyền bệnh, có người hỏi: Sau khi tịch, Hòa thượng sẽ đi đến đâu?
Ngài Nam Tuyền đáp: Ta sẽ làm một con trâu trong nhà đàn việt ở dưới núi.
Người ấy hỏi: Con đi theo được chăng?
Nam Tuyền đáp: Nếu theo ta, ông hãy ngậm một cọng cỏ!
(Đây là lời chuyển thân của Sa-môn, vì thế mới nói: Ông định gần gủi thì ngậm một cọng cỏ đến gần gủi Y; đó gọi là vô lậu, mới có thể dùng cúng dường cho Y).
Tùy loại đọa: Như nay đối với tất cả thanh sắc sự vật, đều chuyển thân được, không theo giai cấp, gọi là Tùy loại đọa.
Tôn qúy đọa: Pháp thân, pháp tánh là các việc tôn qúy cũng nên xoay chuyển đi, đó là Tôn qúy đọa.
Như trâu trắng lộ bày là lời cùng tột về Pháp thân cũng nên xoay chuyển để ngày kia không bị ngồi trong chỗ lặng lặng lẽ lẽ. Đó gọi là đoạn dứt việc cúng dường. Muốn cúng dường, cần phải được thức ăn như thế. Vì thế, vị mà không vị cũng gọi là Vô lậu, có thể dùng để cúng dường. Còn thức ăn ô uế khác, thì chẳng phải là thức ăn vô lậu giải thoát.
Có một vị tăng hỏi thiền sư Bá Trượng: Lấy gì làm thức ăn?
Bá Trượng đáp: Lấy vô lậu làm thức ăn!
Vân Nham nói: Chớ lấy vị để cúng dường!
Đạo Ngô nói:
- Biết chỗ bảo nhậm, đều là cúng dường!
Sư nói: Phàm người muốn giữ chánh mạng thực, cần phải có ba loại đọa. Bấy giờ có một vị tăng hỏi:
- Mang lông đội sừng là loại đọa gì? Chẳng đoạn thanh sắc là loại đọa gì? Chẳng thọ thực là đọa gì?
Ta trả lời rằng: Mang lông đội sừng là Sa-môn đọa; chẳng đoạn thanh sắc là Tùy loại đọa, chẳng thọ thực là Tôn qúy đọa.
- Chẳng thọ thực Tôn qúy đọa: Tức là biết có việc chính mà không chấp giữ.
- Mang lông đội sừng Sa-môn đọa: Không chấp giữ việc của Sa-môn và qủa vị của chư Thánh.
- Chẳng đoạn thanh sắc Tùy loại đọa: Khi sơ tâm biết có việc chính của tự kỷ, lúc hồi quang phản chiếu, dẹp bỏ tất cả sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Được vắng lặng thì sau khi thành tựu, không chấp trước lục trần. Đọa mà chẳng mê mờ, mặc tình vô ngại.
Cho nên kinh Duy-ma nói: “Bọn Lục sư ngoại đạo là thầy của ông, những người thầy kia đọa, ông cũng đọa theo, như thế mới có thể lấy mà ăn”. Thức ăn này là Chánh mạng thực, cũng gọi là việc chính. Kiến văn giác tri của sáu căn không bị nhiễm ô tức là đọa, không giống như sự sợ hãi nói ở trước.
- Việc chính còn không giữ, huống là việc khác!
Hỏi: Thế nào là những thầy kia bị đọa?
Sư đáp: Điền Xá Ông vào làng xóm, quên hết mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Tăng hỏi: Thế nào là Tùy loại đọa?
Sư đáp: Chẳng đoạn thanh sắc, chẳng mất hương vị.
Hỏi: Thế nào là “những ông thầy kia”?
Đáp: Lục xứ.
Hỏi: Thế nào là “ông thầy đọa theo”?
Đáp: Giữ!
Hỏi: Giữ cái gì?
Đáp: Không được động dụng, không lìa thanh sắc.
***
Hỏi: Chẳng thọ thực là đọa gì?
Đáp: Liễu đạt được chánh nhân, không còn chấp giữ những sự hiểu biết rốt ráo, cho nên gọi là Tôn quí đọa.
***
Ngài Qui Sơn nói:
Sau khi thị tịch, ta sẽ làm con trâu, bên hông có viết một hàng chữ “Ta là tăng núi Qui”. Ông hãy nói khi thấy thế, gọi là gì?
Không ai đáp được.
Về sau Sư đáp thay: Gọi là con trâu.
Hỏi: Chưa biết con trâu này có biết cày ruộng không?
Sư đáp: Rõ ràng là biết!
Hỏi: Là loại gì?
Sư đáp: Loại mang lông đội sừng.
Hỏi: Bốn mùa ăn cỏ gì?
Sư đáp: Chẳng ăn.
Hỏi: Thế nào là trâu?
Đáp: Chẳng chứng Thánh.
Hỏi: Thế nào là ngậm một cọng cỏ?
Sư đáp: Giống chim.
Hỏi: Siêu Thánh hay siêu loại?
Đáp: Siêu Thánh.
Hỏi: Thế nào là trâu?
Đáp: Mờ mờ mịt mịt.
Hỏi: Thế nào là ngậm một cọng cỏ đến?
Sư đáp: Cổ nhân nói rồi, cũng giống chim. Một cọng cỏ, cũng chỉ là nói không biến dị.
***
Ta nói: Phật Tổ chẳng biết, mèo nhà trâu trắng lại biết.
Hỏi: Vì sao mèo nhà trâu trắng lại biết?
Đáp: Chỉ vì hoàn toàn chẳng biết.
Hỏi: Phật Tổ vì sao không biết?
Đáp: Vì Tổ chấp vào ấn, vì Phật giống nhau.
Hỏi: Như mèo nhà trâu trắng biết cái gì?
Đáp: Chỉ biết mèo nhà trâu trắng.
Hỏi: Thế nào là việc mèo nhà trâu trắng biết?
Đáp: Chẳng từ Đông Tây đến, chẳng từ 32 tướng đến.
Hỏi: Thế nào là Tổ?
Đáp: Trên đã có!
Hỏi: Thế nào là Phật?
Đáp: Giống nhau.
***
BỐN DỊ LOẠI
1. Vãng lai dị loại:
Như nay tất cả thanh sắc, ngôn ngữ, giai cấp, địa vị, hoặc là tổ phụ thọ thế, đều vứt bỏ để hướng đến chư Tổ. Đã “dị loại” thì thiên đường, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, A-tu-la đều là “dị loại”.
2. Bồ-tát đồng dị loại:
Trước sáng tỏ việc tự kỷ, sau đó vào trong Dị loại sanh tử để nhiếp thọ. Đã chứng qủa Niết-bàn, nhưng không bỏ sanh tử, tự lợi lợi tha, nguyện cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, cuối cùng ta mới thành Phật. Vì thế, bậc đại nguyện Bồ-tát nếu trước không độ chúng sanh, thì việc của tự kỷ không thể thành tựu. Ngài Nam Tuyền nói: “Trước qua bên kia liễu ngộ, sau trở lại bên này giáo hóa”. Bậc Bồ-tát có lục độ, vạn hạnh. Kinh dạy rằng: “Nếu có một chúng sanh chưa được độ thoát, ta chẳng thành chánh giác. Thệ nguyện vô biên, chúng sanh vô biên, như thế mà hành trì, cho nên gọi là Bồ-tát đồng dị loại.
3. Sa-môn dị loại:
Trước ngộ việc chính rồi, vứt bỏ tất cả những công hạnh, nhân quả, phàm thánh hôm nay đi, mới được trở về Thể, gọi đó là người độc lập, cũng gọi là việc Sa-môn nên đoạn. Từ đó trong ngoài đều quên, việc của ba đời đã dứt, được vô lậu, được gọi là việc Phật, cũng gọi là một tay chỉ thiên địa, cũng gọi là Đại Sa-môn chuyển việc Sa-môn nên đoạn, chẳng vào địa vị Thánh. Như thế mới được gọi là Sa-môn hạnh, là Sa-môn chuyển thân, là mang lông đội sừng, là trâu. Thời tiết như thế mới được vào Dị loại, cũng gọi là việc bên “sắc loại”. Cho nên Cổ nhân nói: “Đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc”, chỉ là đạo lý ấy, không được hiểu khác.
4. Tông môn trung dị loại: (Dị loại trong Tông môn)
Ngài Nam Tuyền nói: Trí chẳng cùng khắp thì rất kỵ nói ra, nếu nói ra thì đầu mang sừng. Vừa nói là như như thì sớm đã biến dị rồi. Cần phải đi trong Dị loại, hãy nói việc trong Dị loại!
Ngài Động Sơn nói: Việc này cần phải diệu ngộ, Sự tại Diệu, Thể tại Diệu.
Ta nói: Việc này cần phải một vị rỗng không, hoàn toàn không mục đích. Thấy được Kiêm đới mới được như thế. Lời của bậc Tác gia không Thiên không Chánh, chẳng có chẳng không, gọi là “Dị loại trung hư”. Việc này bậc Tác gia cần phải an thân, gặp cây bám cây, gặp tre bám tre, phải ngăn chặn bất tịnh!
(Có người hỏi ta thế nào là Dị? Ta đáp: Nếu nói cho các ông nghe thì mãi đến năm lừa có được “Dị” chăng? Vì thế ngài Nam Tuyền nói: “Sau khi thị tịch ta sẽ làm một con trâu trong nhà đàn việt ở dưới núi. Hỏi: Con đi theo được chăng? Đáp: Nếu ông đi theo thì nên ngậm một cọng cỏ đến!”. Đối việc ấy, Ta nói: Trâu này không giống trâu Sa-môn. Cần phải cẩn thận mới được, chẳng lầm thời gian).
Hỏi: Thế nào là qua lại Dị loại?
Đáp: Chưa biết rõ tự kỷ, tất cả thanh sắc, ngôn ngữ, thị phi đều là Dị loại.
Hỏi: Thế nào là dị loại trong đồng?
Đáp: Không chọn lựa thân hình.
Hỏi: Thế nào là mang lông đội sừng?
Đáp: Chẳng lập tịnh, bất tịnh; lại phi thời đáp là bất tịnh, bất tịnh gặp tịnh liền tịnh.
Hỏi: Thế nào là Dị loại trong Tông môn?
Đáp: Cần đầu thì chặt đem đi.
Nhân một vị tăng hỏi về hạnh Sa-môn, Tiên sư Động Sơn đáp: “Đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc”. Vị tăng hỏi ta ý chỉ thế nào? Ta đáp:
- Câu nói thù thắng vi diệu.
Tăng hỏi: Thế nào là câu nói thù thắng vi diệu?
Đáp: Câu nói thù thắng vi diệu có ba nghĩa:
1. Đức Phật xuất thế 49 năm, lập bày phương tiện 12 phần giáo, trăm ngàn tam-muội diệu môn, mỗi mỗi đều xuyên suốt, cùng cực, tất cả đều là câu thù thắng vi diệu, đây là nói việc xuất thế.
2. Từ phàm vào thánh, thấu rõ tự kỷ và Phật không khác, được vô lậu toàn thân mới thông suốt, gọi là một trần chẳng nhiễm. Đến thời tiết như thế, không trụ ở Chánh vị, không chọn Báo thân, lại vào “Dị loại” mang lông đội sừng, không còn niệm nào khác. Cho nên nói: Tất cả các loài không thể so sánh được, Phật Tổ không suy lường được. Cổ nhân có câu: “Lời nói của Sa-môn không nên dùng thước đo lường tính toán để nói cho người”. Nên gọi là câu thù thắng vi diệu. Đây là nói việc bên sắc loại.
3. Tất cả những vật đã có không thể so sánh, mới gọi là câu thù thắng vi diệu. Cho nên Cổ nhân nói: “Ngàn loại sánh chẳng bằng, vạn vật không bì kịp, kẻ trí chẳng thể biết, bậc thượng căn chẳng thể hay”. Cũng gọi là xưa nay không giống nhau, đó là câu thù thắng vi diệu. Câu thù thắng vi diệu này, nhân gian hay trời đều chẳng thể suy lường được, cho nên Cổ nhân nói: “Câu siêu việt thủy chung”. Mượn đây làm ngữ loại để nói về hạnh.
***
Thiền sư Trù Bố Nạp hỏi: Thế nào là sắc loại?
Đáp: Mang lông đội sừng.
Hỏi: Thế nào là ngôn ngữ loại?
Đáp: Tào Sơn chỉ có một cặp mắt.
Hỏi: Thế nào là trâu?
Đáp: Mờ mờ mịt mịt!
Hỏi: Ý này thế nào?
Đáp: Chẳng biết trời đất.
Trù Bố Nạp lại hỏi: Một Thượng tọa hỏi Vân Cư rằng: Tiên sư có câu: “Từ nhỏ có nuôi một đứa bé đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc”. Làm sao từ nhỏ nuôi được đứa bé này?
Vân Cư đáp: Hằng ngày không quên cung cấp.
Hỏi: Vì sao đầu dài ba thước?
Đáp: Chẳng biết làm sao?
Tăng hỏi: Vì sao cổ dài hai tấc?
Vân Cư đáp: Đến nay đã “biết làm sao” chưa?
Hỏi: Thế nào là hàng ngày chẳng quên cung cấp?
Đáp: Thường có.
Hỏi: Thế nào là thường có?
Đáp: Không trái nghịch.
Hỏi: Thế nào là “chẳng biết làm sao”?
Đáp: Đến lúc như thế thì ai làm gì được.
Hỏi: Đến hôm nay đã “biết làm sao”, ý này thế nào?
Vân Cư đáp: Ba đời chư Phật chẳng biết làm sao?
Xong rồi hỏi ta rằng: Thế nào là đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc?
Ta đáp: Chẳng phải là việc xưa nay.
Hỏi: Thế nào là việc xưa nay?
Đáp: Nói cái gì?
Hỏi: Sa-môn hạnh là hạnh gì?
Đáp: Hạnh súc sanh.
Hỏi: Thế nào là hạnh súc sanh?
Đáp: Mang lông đội sừng.
Hỏi: Thế nào là Sa-môn hạnh?
Đáp: Vật vật không gián đoạn.
Hỏi: Việc không gián đoạn là thế nào?
Đáp: Mới được hạnh ấy.
Hỏi: Thế nào là người mang lông đội sừng?
Đáp: Người không sợ nghiệp.
Hỏi: Vì sao đến một nơi như thế?
Đáp: Nếu không sợ nghiệp thì nơi nào chẳng đến!
Hỏi: Từ phàm vào Thánh thì chẳng hỏi, từ Thánh vào phàm thì thế nào?
Đáp: Trâu.
Hỏi: Thế nào là trâu?
Đáp: Mờ mờ mịt mịt.
Hỏi: Ý này thế nào?
Đáp: Chỉ nhớ cỏ và nước, ngoài ra thì không biết gì cả.
Hỏi: Thành tựu được việc gì?
Đáp: Chỉ thành vật gặp cỏ ăn cỏ, gặp nước uống nước.
(Lời nói này rất có lực! Muốn biết có lực, người này không nên chấp trước vào việc của Sa-môn, cũng không vào qủa vị của bậc Thánh mà nên vào trong Dị loại. Dị loại tức là mang lông đội sừng, gọi là hạnh Sa-môn. Cũng là chỗ giáo hóa của Sa-môn, cũng gọi là đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc. Muốn biết ý này thì khi đạt đến hạnh Sa-môn, không cần đem thước tấc để phân biệt thân sơ, không nói Trương Tam, Lý Tứ v.v.. Lại đầu dài ba thước, chỉ là từ nhỏ đến lớn, ngày nay công thành, đạt đến thời tiết như thế, gọi là câu thù thắng vi diệu. Cổ dài hai tấc, nghĩa là không tại địa vị Sa-môn, cũng không ở qủa vị của chư Thánh. Như thế thì không được nói nổi tiếng hay chẳng nổi tiếng. Vì vậy cho nên nói: Không nên dùng thước tấc để suy lường nơi ấy. Tuy nhiên như thế, còn là việc bên “loại”. Cần phải biết việc trong “Dị loại”. Ông không nghe nói: Trí không cùng khắp, thì không nên nói năng, nói năng thì đầu mọc sừng. Gọi như như thì đã sớm biến dịch rồi. Nên đi vào trong “Dị loại”, gọi đó là một vị rỗng không (hư giả), gọi là nhìn mặt Kiêm đới, hoàn toàn không có mục đích)
***
Hỏi: Thế nào là loại?
Đáp: Mang lông đội sừng.
Hỏi: Thế nào là dị?
Đáp: Thế nào? Thế nào?
Hỏi: Thế nào là hành?
Đáp: Cần đầu liền chặt đem đi!
(Như Dị loại thành được việc gì?
Ta đáp: Việc này có hai nghĩa dị loại: Một là dị loại Sa-môn; Hai là dị loại trên sự.
Dị loại trên sự tức là mèo nhà trâu trắng. Dị loại Sa-môn: Gặp cảnh đều tự do, mới chẳng biến dị, chẳng giống loại kia.
Tiên sư hỏi ta: Ông đi đến đâu?
Ta đáp: “Đi đến chỗ không biến dị”, lại việc không biến dị này có hai loại: Một là người người đều có việc chính. Hai là người ngộ, chẳng bỏ thanh sắc thị phi mà đối với tất cả cảnh vật đều không bị trệ ngại. Đó gọi là tất cả chỗ không thay đổi, cũng gọi là mang lông đội sừng, là vào bùn vào nước, là người giáo hóa).
***
Hỏi: Thế nào là vào bùn, vào nước?
Đáp: Chẳng biến dị.
Hỏi: Chuyển thân hay không chuyển thân?
Đáp: Không chuyển thân.
Hỏi: Việc trong nhà người này thế nào?
Đáp: Chư Thánh suy lường chẳng được.
Hỏi: Vì sao không được?
Đáp: Vì Y chẳng giống chư Thánh.
Hỏi: Đây còn là việc bên “loại”, còn có việc hướng thượng chăng?
Đáp: Có!
Hỏi: Thế nào là việc hướng thượng?
Đáp: Nói cho ông nghe, sợ rơi vào “loại” mất.
***
* Bát huyền cơ trọng yếu
Hồi hỗ Chẳng hồi hỗ, Uyển chuyển, Bàng tham, Xu cơ, Mật dụng, Chánh án và Bàng đề.
* Ngũ vị Chỉ quyết
A. Chánh trung lai là Thái quá: Toàn thân độc lộ, gốc nguồn của vạn pháp, chẳng lỗi lầm, chẳng hay giỏi.
B. Thiên trung chí là Trung phù: Tùy thuận theo vật mà không ngại, thuyền gỗ trống không, lưu thông tự tại.
C. Chánh trung thiên là Tốn: Hư không vỡ từng mảnh, chốn chốn viên thông, căn trần vắng lặng.
D. Thiên trung chánh tức Đoài: Trăng trong nước, cảnh trong gương vốn không sanh diệt, há có dấu tích sao?
E. Kiêm trung đáo tức Trùng ly: Chánh bất tất phải hư, Thiên bất tất phải thật, không thuận không nghịch.
Lại nữa:
a’. Tâm cơ bặt, sắc không tiêu, lại không che giấu, toàn thể lộ bày, đó là Chánh trung thiên.
b’. Núi là núi, sông là sông, không do người đặt tên, không có vật sánh được, đó là Thiên trung chánh.
c’. Sạch trơn trơn, bày lồ lộ, mặt mũi rõ ràng, cùng trời tận đất, độc tôn vô nhị, đó là Chánh trung lai.
d’. Giống như Thiên tử trong hoàn vũ, không nhờ vào lệnh của Võ, Thang, Nghiêu, Thuấn; mắt thấy tai nghe, chẳng nhờ vào tha lực. Tai chẳng đến bên âm thanh, âm thanh không bít lấp lỗ tai. Bên trong vừa chuyển thân, nơi trần chưa đặt hiệu, đó là Kiêm trung chí.
e’. Chẳng phải tâm, chẳng phải cảnh, chẳng phải sự, chẳng phải lý, xưa nay lìa danh tướng. Thiên chân bặt tánh tướng, đó là Kiêm trung đáo.
***
Quyển Hạ Hết


Chú thích:
[13] Tân Phong lão nhân: Ngài Động Sơn Lương Giới.
[14] Hướng hạ: Việc tiếp độ người học.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 2 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thắp ngọn đuốc hồng


Đường Không Biên Giới


Báo đáp công ơn cha mẹ


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.211.71 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập