Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Viên ngọc ở Kinh sơn, nếu không gặp thời vận tốt và Biện Hòa[1] thì sẽ luống ẩn tàng nơi đất đá. Vẻ đẹp rực rỡ liên thành của nó đâu thể hiển lộ! Ngọc qúy thật ra chẳng thiếu, chỉ khó gặp được thời vận tốt và Biện Hòa mà thôi. Ngữ lục của Tân Phong Hà Ngọc, từ xưa vốn thạnh hành ở đời. Nhưng lại giống như hạt châu lẫn trong đống mắt cá, như vàng ròng vùi nơi đất cát vậy. Nay có thượng tọa Nghi Mặc cảm thương cho bộ Ngữ lục nầy nhiều sai lạc, nên tham cứu Ngũ Tông lục của Quách Chánh Trung và những bộ Ngữ lục khác, rồi chọn lấy phần tinh yếu, lược bỏ chỗ rườm rà mà biên tập lại thành bộ sách này.
Tôi và Thượng tọa có giao tình “Phương ngoại hữu”[2] rất sâu, nên khi vừa biên tập xong, liền nhờ tôi xem đọc. Tôi nói: “Thượng tọa là Biện Hòa của viên ngọc Tân Phong đấy ư?” Tuy đã gặp họ Hòa, nhưng chẳng gặp thời vận tốt thì làm sao có thể đạt đến như vậy? Ô hô! Đức lớn thay! Nhật Bản ta là một quốc gia văn minh ở phương Đông, cho đến có được cái đẹp như ngày hôm nay, thì hàng môn đồ Khổng Phu Tử đâu dám không tán dương vẻ đẹp ấy, đâu dám không thích cái giá trị ấy!
Ngữ Lục Tân Phong đã khắc bản xong, sách Hà Ngọc nay cũng đã thành. Kẻ bất tài này ghi lại cái sở dĩ đẹp và giá trị của Hà Ngọc, giúp cho người học khắp nơi biết được Chánh pháp nhãn của thượng toạ Huyền Khế.
Ngày Rằm tháng Tám năm Canh Thân, niên hiệu Nguyên Văn, tại cửa sổ phía Nam, thư phòng Lục Trúc, làng Liễu Trạch, Quận Sơn, Cung Công Mĩ kính ghi.
II
Người xưa có câu: “Ý chẳng tại lời”, lại nói: “Được ý quên lời”. Trong đó, Ý chính là chỉ thú, lời tức là tiêu kí. Nhưng chỉ thú thì khó nhận mà tiêu kí lại dễ biết. Cho nên, mượn tiêu kí dễ biết để đạt được chỉ thú khó nhận. Nếu đã đạt được chỉ thú thì nên quên tiêu kí mới hợp. Nếu đã mất chỉ thú, thì cần tiêu kí làm gì? Cho nên người xưa, vì những kẻ cố chấp vào tiêu kí, nên mới gọi ngôn từ là cát đằng, là miếng ngói dùng gõ cửa.
Thiền sư Nghi Mặc Huyền Khế tìm được những lời của đại sư Hà Ngọc nơi bộ Ngũ Tông lục của Quách Chánh Trung và những trứ tác của các vị Huệ Hà, Quảng Huy, Hối Nhiên... Sau đó đối chiếu, so sánh những chỗ dị đồng, phân biệt chân nguỵ, rồi biên tập lại và đặt tên là Tào Sơn Ngữ lục. Trong đó có phụ thêm bộ Động Sơn Ngữ Lục đã được san hành từ trước để lưu truyền rộng rãi. Chí lớn thay! Đáng tán dương như thế! Nhưng tôi chưa biết, thật sự Sư đã “được ý” chưa, hay vẫn còn chấp lời? Lấy đây làm miếng ngói để gõ cửa ư? Xin hỏi các Thiền giả!
Mùa Xuân năm Tân Dậu, niên hiệu Khoan Bảo, chủ nhân Nguyên Quang Nhạn Phong là Thỉnh Tuần hoà-nam đảnh lễ kính ghi!
III
Rỗng lặng sâu xa không dính mắc, vô cùng khéo léo chuyển máy linh[3]. Đêm khuya mặt trời lên cao, ngựa gỗ hí vang trước gió. Tứ cấm Tam đoạ[4] như đốt sừng tê ngưu[5] trong tay, năm tướng trùng li[6] như gọt bùn nơi chóp mũi[7]. Rượu nhà họ Bạch ở Thanh Nguyên, khiến người say không phân phương hướng; mắt mi chẳng biết nhau, làm cho Thiền khách vẫn còn mê. Làng trùng độc từng đi qua, một giọt nước cũng khó dính.
Cái này vẽ ra, kia liền mất
Cháu con cùng khắp rõ mối manh.
Lâm Tuyền, Sa-môn Nguyên Chỉ hoà-nam kính ghi! TRÙNG BIÊN
NGÔN HẠNH CỦA THIỀN SƯ TÀO SƠN NGUYÊN CHỨNG
TỰ TỰA
Ngữ Lục này là gì? Đó là ngôn cú của đại sư Hà Ngọc. Những lời Đại sư nói ra có lưu truyền bản xưa, bản nay. Từ bản xưa mà đối chiếu, so sánh với bản nay, thì bản xưa là đúng, bản nay chưa đúng ư? Nếu chọn lấy, thì chọn bản xưa hay chọn bản nay, hay chọn lấy cả hai? Ô hô! Chọn bản nào, bỏ bản nào đây? Chẳng bằng đối chiếu, so sánh xưa và nay rồi tuyển chọn mới được. Phần lớn những bản gọi là Ngữ Lục của Đại sư lưu hành ở thế gian đều là nguỵ soạn. Như phần Thượng đường dạy chúng, hoặc kệ tụng Tứ cấm lại thêm trợ từ để làm phần Thăng đường. Từ đó, có thể biết được đều là nguỵ soạn.
Ở Trung Quốc, ngữ lục của Động Tào do Quách Lê Mi biên tập, là bản nay chứ không phải bản xưa. Nhưng chưa toàn bích, cũng chưa sáng tỏ, chỉ thuộc loại đá núi Yên[8] mà thôi. Thế là kẻ kém hèn này trích những lời dạy của đại sư Hà Ngọc trong Ngũ Tông lục, chọn những điều đáng lấy, bỏ những việc đáng bỏ, tham cứu thêm những bản xưa để bổ khuyết, thế là thành bộ Ngữ lục .
Ô hô! Người xưa giáo huấn thì đời sau, những người mang chí ấy, nhờ đó mà tiến tu. Nếu chẳng có lời giáo huấn thì đời sau, những người mang chí ấy, đâu thể tiến tu! Vì thế, kẻ hèn này trích chọn những cơ ngữ của cổ nhân, hiệu chỉnh lại những chân nguỵ của các bản xưa và nay rồi biên tập lại để giáo nầy mãi mãi lưu truyền rộng khắp.
Kính xin người đời sau mang chí ấy nên lấy đó tiến tu, lấy đó thâm nhập, lấy đó thể hội. Nếu được như thế, thì có thể nói rằng tôi và Tổ sư cùng ngồi trên một chiếc thuyền con, bồng bềnh dạo chơi nơi đầm lắng. Há chẳng vui thú lắm sao?
Mùa Đông năm Canh Thân, niên hiệu Nguyên Văn, sa-môn Nghi Mặc Huyền Khế, Nhật Bản hoà-nam kính ghi.
***
Ngữ lục thiền sư Tào Sơn Bản Tịch
Việt Dịch: Thích Nguyên Chơn
Quyển Thượng
Thiền sư Tào Sơn người Bồ Điền, Tuyền Châu, Trung Quốc, họ Hoàng, húy Bản Tịch. Lúc nhỏ Sư theo Nho học, nhưng lên 19 tuổi lại quy hướng Phật pháp nên đến Linh Thạch, Phước Châu thế phát xuất gia, 25 tuổi thì đăng đàn thọ giới Cụ túc. Sau đó, Sư du phương tham học, đến tham lễ ngài Động Sơn. Ngài Động Sơn vừa thấy Sư liền hỏi: Xà-lê tên gì?
Sư đáp: Bản Tịch!
Động Sơn nói: Hãy nói việc hướng thượng!
Sư đáp: Chẳng nói!
- Vì sao chẳng nói? _ Động Sơn hỏi.
Sư đáp: Chẳng phải tên là Bản Tịch.
Động Sơn nghe Sư đáp, rất xem trọng. Từ đó Sư được chấp nhận là một đệ tử ưu tú. Trải qua mấy năm, một hôm Sư từ giã, thiền sư Động Sơn thầm trao yếu chỉ Động Thượng[9] và hỏi:
- Ngươi đi về đâu?
Sư đáp: Đi đến chỗ không biến dị!
Động Sơn: Chỗ không biến dị, có thể đi đến sao?
Sư đáp: Đi cũng không biến dị!
Sư bèn từ giã, đến Tào Khê lễ bái tháp Lục Tổ rồi trở về Cát Thủy. Người học nghe danh đến thỉnh Sư khai đàn thuyết pháp. Sư kính ngưỡng Lục Tổ nên đổi tên là Tào Sơn. Gặp lúc nơi đây loạn lạc, nên Sư đến Nghi Hoàng, được Vương Nhược Nhất thỉnh trụ trì Hà Vương quán. Sư nhận lời và đổi tên là Hà Ngọc. Từ đó pháp tịch ngày càng hưng thịnh, người học ngày càng đông đảo. Tông phong Tào Động đến đời Sư thì vang tiếng.
***
Sư dạy chúng: Có kiến giải phàm thánh đều là bị khóa vàng phong tỏa huyền lộ, cần phải dung thông. Phàm người muốn giữ Chánh mạng thực[10], phải biết ba loại đọa:
- Mang lông đội sừng.
- Chẳng đọa thanh sắc.
- Chẳng thọ thực.
Lúc bấy giờ có Trù Bố Nạp hỏi:
- Mang lông đội sừng là đọa gì?
Sư đáp: Là Loại đọa.
- Chẳng đoạn thanh sắc là đọa gì? _ Bố Nạp hỏi.
Sư đáp: Là Tùy đọa.
Bố Nạp hỏi: Chẳng thọ thực là đọa gì?
Sư đáp: Là Tôn quí đọa.
***
Có vị tăng hỏi Sư về yếu chỉ của Ngũ vị quân thần, Sư trả lời:
- Chánh vị tức Không giới, xưa nay không một vật; Thiên vị tức Sắc giới, vạn tượng vạn vật hữu hình. Thiên trong chánh là bỏ lý theo sự. Chánh trong thiên là bỏ sự về lý. Kiêm đới là thầm hợp các duyên, chẳng rơi vào các hữu, chẳng nhiễm chẳng tịnh, chẳng chánh chẳng thiên; cho nên nói rằng đại đạo hư huyền, không dính mắc vào chơn tông. Các bậc Tiên đức cho rằng một vị này tối diệu tối huyền, cần phải biện biệt thật rõ ràng chính xác!
Vua là chánh vị; thần là thiên vị; thần hướng về vua là chánh trong thiên; vua nhìn thần là thiên trong chánh; đạo vua tôi hợp là lời kiêm đới.
Có vị tăng hỏi: Thế nào là vua?
Sư đáp: Diệu đức trùm vũ trụ,
Rực sáng khắp hư không!
Tăng hỏi: Thế nào là thần?
Sư đáp: Máy linh truyền đạo Thánh
Chơn trí lợi quần sanh.
Tăng hỏi: Thế nào là thần hướng về vua?
Sư đáp: Chẳng đọa vào đường khác
Lắng lòng nhìn Thánh quân
Tăng hỏi: Thế nào là vua nhìn thần?
Sư đáp: Dung nhan tuy chẳng động
Soi chiếu chẳng lệch nghiêng.
Tăng hỏi: Thế nào là đạo quân thần hợp?
Sư đáp: Rõ ràng không nội ngoại
Hòa hợp trên dưới đồng.
Sư lại dạy: Theo Quân thần, Thiên chánh để luận bàn, thì vì chẳng muốn phạm tội bất trung cho nên thần chỉ khen vua chứ không dám có lời chê bai. Đó là ý chỉ của Tông ta. Hãy nghe kệ của ta:
Người học trước tiên biết Tự tông
Chớ xen chơn tế với ngoan không.
Chơn thể diệu minh tri xúc chạm
Sức tại gặp duyên chẳng mượn Trung.
Xuất ngôn cần phải thiêu chẳng cháy
Hạnh ẩn nên với cổ nhơn đồng
Không thân, có việc qua đường hiểm
Không việc, không thân lạc thủy chung.
Sư lại làm bài tụng Ngũ tướng:
1.◓ Thường dân được phong Tể tướng.
Việc ấy chẳng lạ gì
Bao đời đã tôn quí
Chẳng nói lúc hàn vi
2.◒ Nửa đêm ngay chánh vị
Sáng tỏ tại quân thần
Chưa rời cung Đâu-suất
Trên tuyết lộ gà đen
3.ž Băng kết trong lò lửa
Hoa thông tháng chín bay
Trên nước trâu đất rống
Theo gió ngựa gỗ kêu
4.○ Ngày mới giáng Vương cung
Thỏ ngọc chẳng thể rời
Chưa đạt vô công dụng
Trời người sao quá chậm
5.● Mịt mờ ẩn sự lí
Tín hiệu cũng chẳng bày
Oai Âm Vương không biết
Di-lặc há rõ rành.
***
Khi hành cước, Sư hỏi thiền sư Ô Thạch Quán:
- Thế nào là Pháp môn chủ của Tỳ-lô sư?
Sư: Nếu ta nói cho ông, tức là có một cái riêng biệt!
Sư thưa lại với ngài Động Sơn, ngài Động Sơn nói:
- Thật là câu thoại rất hay, nhưng thiếu lời hỏi tiếp theo! Sao ông không hỏi “vì sao chẳng nói?”
Sư đến Ô Thạch, lặp lại lời ngài Động Sơn. Ô Thạch nói:
- Nếu cho rằng ta không nói, thì miệng ta câm mất; nếu cho rằng ta nói, thì lưỡi ta cứng mất. Sư trở về thuật lại cho ngài Động Sơn, ngài Động Sơn thầm chấp nhận Ô Thạch.
***
Thiền sư Vân Môn hỏi Sư:
- Thế nào là hạnh Sa-môn?
Sư đáp: Là ăn lúa mạ của thường trụ.
Vân Môn hỏi: Khi đến như thế thì thế nào?
Sư hỏi: Ông có nuôi được chăng?
- Nuôi được! _ Vân Môn nói
Sư hỏi: Làm sao nuôi?
- Cho mặc áo, ăn cơm, có khó gì? _ Vân Môn đáp
Sư nói: Sao chẳng nói mang lông đội sừng?
Vân Môn liền lễ bái.
***
Sư dạy chúng: Các bậc Tôn túc trong thiên hạ nắm giữ tất cả phép tắc, vì sao không nói cho y một chuyển ngữ, làm cho y hết nghi đi?
Vân Môn nghe xong bước ra thưa:
- Chỗ bí mật vì sao không thấu?
Sư đáp: Chỉ vì bí mật, cho nên không thấu được!
(Tuyết Đậu hạ biệt ngữ: Đạt-ma đến rồi!)
Vân Môn nói: Người này làm sao gần gũi?
Sư nói: Chớ nên gần gũi chỗ bí mật!
Vân Môn hỏi: Khi không gần gũi chỗ bí mật thì thế nào?
Sư đáp: Mới biết gần gũi!
Vân Môn: Dạ! Dạ!
(Diệu Hỷ hạ biệt ngữ: Dầu dơ làm đen tim đèn!)
Thiền sư Vân Môn hỏi Sư:
- “Người không biến đổi” đến, Hòa thượng có tiếp chăng?
Sư đáp: Tào Sơn không có công việc nhàn rỗi như thế!
***
Hòa thượng Mễ đến, chưa gặp nhau đã ngồi trên giường thiền của Sư, Sư không ra tiếp, hòa thượng Mễ liền bỏ đi. Vị tăng Chủ sự thấy thế liền hỏi:
- Giường thiền của Hòa thượng vì sao bị người khác ngồi?
Sư đáp: Y sẽ trở lại!
Thật vậy, sau hòa thượng Mễ trở lại cùng Sư tương kiến.
***
Thiền sư Trí Cự đến tham kiến, Sư hỏi rằng:
- Người xưa nắm chặt người bên kia, học nhơn làm sao thể hội?
Trí Cự đáp: Lui bước liền thôi, vạn người chẳng mất một!
Trí Cự ngay đó quên hết những kiến giải Phật pháp.
***
Sư hỏi Kim Phong Chí: Đến làm gì?
Phong Chí đáp: Lợp nhà!
Sư hỏi: Xong chưa?
- Bên này thì xong. _ Phong Chí đáp.
Sư hỏi: Còn việc bên kia thì sao?
Phong Chí: Đợi xong ngày công mới trình Hòa thượng.
Sư nói: Như thế! Như thế!
***
Thiền sư Thanh Thuế thưa: Con nghèo khổ, cầu xin Hòa thượng từ bi cứu giúp!
Sư bèn gọi: Xà-lê Thuế, đến đây!
Thuế dạ và bước đến gần Sư, Sư liền nói:
- Uống cạn ba chén rượu của nhà họ Bạch ở Tuyền Châu (Thanh Nguyên) mà nói chưa dính môi.
(Huyền Giác hạ biệt ngữ: Cùng với ông ta uống rượu chỗ nào?)
***
Thiền sư Cảnh Thanh hỏi: Lý thanh tịnh rỗng rang, rốt cuộc khi không có thân thì như thế nào?
Sư hỏi lại: Lý tức như thế, còn Sự thì sao?
Cảnh Thanh đáp: Như Lý như Sự.
Sư nói: Dối gạt một mình Tào Sơn thì được, nhưng đâu có thể qua được con mắt của chư Thánh!
Cảnh Thanh nói: Nếu không có con mắt của chư Thánh, thì đâu thể soi xét được cái chẳng như thế.
Sư nói: Pháp luật tuy nghiêm minh, nhưng cũng phải tùy cơ phương tiện.
(Thiền sư Đại Qui Mộ Triết hạ biệt ngữ: Tào Sơn tuy khéo mài giũa ngọc, nhưng đâu thể làm gì với viên ngọc Cảnh Thanh vốn không tỳ vết! Nếu không qua đôi tay khéo léo, thì rốt cuộc cũng thành vật phế bỏ).
***
Sư hỏi thượng tọa Đức: Câu “Bồ-tát trụ trong định, nghe Hương tượng qua sông” trích từ kinh nào?
- Từ kinh Niết-bàn. _ Thượng tọa Đức đáp.
Sư hỏi: Nghe trước khi định hay sau khi định?
Thượng tọa Đức nói: Hòa thượng trôi mất rồi!
Sư nói: Nói quá nhiều, cũng chỉ mới nói được một nửa!
Thượng tọa Đức hỏi: Hòa thượng thì thế nào?
Sư đáp: Dưới thác tiếp lấy!
***
Đạo giả Chỉ Y đến tham vấn. Sư hỏi:
- Chỉ Y đó chăng?
- Dạ, không dám! _ Chỉ Y đáp.
Sư hỏi: Thế nào là việc của Chỉ Y?
Chỉ Y đáp: Áo lông cừu vừa mặc, vạn pháp thảy đều như!
Sư hỏi: Thế nào là dụng của Chỉ Y?
Chỉ Y đến gần cất tiếng dạ rồi thoát hóa.
Sư liền nói: Ngươi chỉ biết đi như thế, sao chẳng biết đến như thế?
Chỉ Y bỗng nhiên mở mắt hỏi: Chơn tánh minh linh, khi chẳng gá bào thai, thì thế nào?
Sư đáp: Chưa phải là diệu!
Chỉ Y hỏi: Thế nào mới là diệu?
Sư đáp: Chẳng gá mà gá!
Chỉ Y tạm biệt rồi thị tịch.
Sư làm bài tụng:
Giác tánh viên minh không tướng thân
Chớ đem tri kiến luận xa gần
Niệm khác, khiến cho Huyền thể ngại
Tâm sai, chẳng hợp đạo tương lân
Tình phân, vạn pháp chìm tiền cảnh
Thức chia, trăm mối mất bản chân
Trong câu, như thế toàn liễu ngộ
Rõ ràng vô sự, Tích thời nhân! (Người bản lai)
***
Có vị tăng nêu lại nhân duyên vấn đáp giữa Lục Hoàn đại phu và thiền sư Nam Tuyền rằng:
“- Hòa thượng họ gì?
- Họ Vương!_ Lục Hoàn đáp.
Nam Tuyền hỏi: Vương có quyến thuộc không?
- Có bốn cận thần sáng suốt! _ Lục Hoàn đáp.
Nam Tuyền hỏi: Vương ở vị nào?
- Rêu xanh trong điện ngọc. _ Lục Hoàn đáp”.
Nêu xong tăng hỏi Sư: Rêu xanh trong điện ngọc, ý chỉ thế nào?
Sư đáp: Chẳng ở chánh vị.
Tăng hỏi: Bốn phương đều đến thì thế nào?
Sư đáp: Y không nhận lễ.
Tăng hỏi: Như thế đâu cần vào chầu?
Sư đáp: Trái lệnh thì chém!
Tăng hỏi: Trái nghịch là việc của bề tôi, chưa biết ý Vương như thế nào?
Sư đáp: Cơ yếu bí mật chẳng được chỉ dụ.
Tăng nói: Như thế thì công lo liệu thuộc về thần vậy!
Sư hỏi: Ông biết ý của Vương chăng?
Tăng đáp: Bên ngoài không dám bàn luận!
Sư nói: Như thế! Như thế!
***
Tăng nói: Đệ tử toàn thân là bệnh, xin Hòa thượng chữa trị!
Sư đáp: Không chữa!
Tăng hỏi: Vì sao không chữa?
Sư đáp: Ta bảo ông không được cầu sống, cũng không được cầu chết!
***
Tăng hỏi Sư:
- Người xưa nói con người có bệnh nặng, thế gian không thể chữa trị được, chẳng biết đó là bệnh gì?
Sư đáp: Bệnh “tu tập không được”.
Tăng hỏi: Tất cả chúng sanh có bệnh này chăng?
Sư đáp: Ai cũng có!
Tăng hỏi: Hòa thượng có chăng?
Sư đáp: Tìm chỗ sinh khởi chẳng được!
Tăng hỏi: Tất cả chúng sanh vì sao không bệnh?
Sư đáp: Nếu chúng sanh bệnh tức chẳng phải chúng sanh.
Tăng hỏi: Không biết chư Phật có bệnh này chăng?
Sư đáp: Có!
Tăng hỏi: Đã có vì sao không thấy bệnh?
Sư đáp: Vì Y tỉnh thức!
***
Tăng hỏi: Sa-môn há chẳng phải là người có lòng đại từ bi sao?
- Đúng! _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Bỗng nhiên gặp sáu tên giặc đến thì thế nào?
Sư: Cũng cần phải đủ lòng đại từ bi.
Tăng hỏi: Thế nào mới đủ đại từ bi?
- Một kiếm chém sạch! _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Sau đó thì thế nào?
- Mới được hòa đồng. _ Sư đáp.
***
Vị tăng hỏi Sư: Mi và mắt có biết nhau chăng?
- Không biết nhau. _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Vì sao?
- Vì ở cùng một chỗ. _ Sư đáp.
Tăng nói: Thế thì không phân biệt được!
Sư nói: Mi chẳng phải là mắt, mắt chẳng phải là mi!
Tăng hỏi: Thế nào là mắt?
Sư đáp: Lãnh hội đi!
Tăng hỏi: Thế nào là mi?
- Tào Sơn lại còn nghi. _ Sư nói.
Tăng hỏi: Hòa thượng vì sao lại nghi?
- Nếu chẳng nghi tức đã lãnh hội. _ Sư đáp.
***
Tăng hỏi Sư: Khi Ngũ vị[11] đối với khách, thì thế nào?
- Nay ông hỏi vị nào? _ Sư hỏi.
Tăng nói: Con từ Thiên vị đến, thỉnh Hòa thượng từ Chánh vị tiếp!
- Không tiếp. _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Vì sao?
- Sợ lạc vào Thiên vị. _ Sư đáp.
Sư lại hỏi vị tăng: Như chẳng tiếp, là đối khách hay chẳng đối khách?
- Sớm đã đối khách rồi! _ Tăng đáp.
Sư nói: Như thế! Như thế!
***
Vị tăng hỏi: Vạn pháp từ đâu sanh?
- Từ điên đảo sanh. _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Khi không điên đảo, vạn pháp đâu có?
- Có! _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Tại nơi nào?
Sư đáp: Điên đảo làm gì?
***
Tăng hỏi Sư: Loại cỏ không nảy mầm, vì sao che giấu được Hương tượng[12]?
Sư đáp: Xà-lê chính là Tác gia, hỏi Tào Sơn làm gì?
***
Tăng hỏi Sư: Ba cõi loạn động, sáu đường mờ mịt, làm thế nào để phân biệt được sắc?
- Không phân biệt. _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Vì sao không phân biệt sắc?
Sư đáp: Nếu phân biệt sắc, tức mờ mịt vậy!
***
Một hôm Sư nghe tiếng chuông bỗng la:
- Ôi chao! Ôi chao!
Vị tăng bèn hỏi: Hòa thượng làm gì thế?
Sư nói: Nó đánh trúng tim ta!
Vị tăng không nói được.
(Ngũ Tổ Giới đáp thay: Có tật giật mình!)
***
Sư hỏi vị Duy-na: Từ đâu về?
- Khiêng bả hèm về! _ Duy-na thưa.
Sư hỏi: Đến chỗ hiểm làm sao khiêng?
Duy-na không đáp được.
(Vân Cư đáp thay: Chính lúc ấy nên tận lực!
Sơ Sơn đáp thay: Cần phải ném quách đi mới được!)
***
Một hôm, Sư vào tăng đường sưởi ấm, có một vị tăng hỏi rằng: Hôm nay trời lạnh quá?
Sư nói: Nên biết có người không lạnh!
Tăng hỏi: Ai không lạnh?
Sư bèn gắp cục than đỏ đưa ra.
Vị tăng bèn nói: Chớ nói không có người!
Sư bèn ném hòn than đỏ.
Vị tăng nói: Chỗ này con chẳng thể hội?
Sư nói: Mặt trời chiếu đầm sâu,
Sáng lại càng thêm sáng!
***
Tăng hỏi:
- Người không cùng môn pháp làm bạn, là ai?
Sư nói: Ông hãy nói, trong thành Hồng Châu, nhiều người như thế, đã đi đâu rồi?
***
Vị tăng hỏi: Thế nào là kiếm không mũi?
- Chẳng phải do tôi luyện mà thành! _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Xử dụng như thế nào?
- Người gặp đều chết! _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Người không gặp thì sao?
- Cũng phải rơi đầu! _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Người gặp đều chết, hẳn như thế, còn người không gặp vì sao lại rơi đầu?
Sư đáp: Ông không nghe nói trừ sạch tất cả sao?
Tăng hỏi: Sau khi trừ sạch thì như thế nào?
Sư nói: Mới biết có kiếm này!
***
Có một vị tăng hỏi Sư:
- Đã là tướng trạng vì sao lại chân?
- Tức tướng tức chân! _ Sư đáp.
Tăng hỏi: Nên hiển thị thế nào?
Sư đưa phất tử.
***
Hỏi: Gốc huyễn vì sao chân?
Sư nói: Gốc huyễn vốn chân!
(Pháp Nhãn hạ biệt ngữ: Gốc huyễn chẳng chân!)
Tăng hỏi: Ngay lúc huyễn hiển thị thế nào?
Sư đáp: Tức huyễn tức hiển.
(Pháp Nhãn hạ biệt ngữ: Huyễn tức chẳng có đương thể!)
Tăng hỏi: Thế thì trước sau chẳng lìa huyễn rồi!
Sư nói: Tìm tướng huyễn bất khả đắc!
***
Có vị tăng nói: Tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, thế nào là phi tâm phi Phật?
Sư đáp: Sừng thỏ chẳng phải không, sừng trâu chẳng phải có!
***
Hỏi: Thế nào là người thường tại?
Sư đáp: Vừa gặp Tào Sơn liền xuất hiện.
Tăng hỏi: Thế nào là người chẳng thường tại?
Sư đáp: Khó gặp!
***
Hỏi: Suy nghĩ há chẳng phải là “loại” sao?
Sư đáp: Cho dù chẳng suy nghĩ đi nữa cũng là “loại”!
Tăng hỏi: Thế nào là “dị”?
Sư đáp: Chẳng phải không biết đau ốm!
***
Có người hỏi: Cổ nhân nói rằng, người người đều có đủ, đệ tử ở trong trần lao, lại có chăng?
Sư bảo: Đưa bàn tay đây xem!
Người kia đưa ra, Sư bèn đếm ngón tay:
- 1, 2, 3, 4, 5, 6 đủ!
***
Có vị tăng hỏi: Thiền sư Lỗ Tổ quay mặt vào vách biểu thị việc gì?
Sư đưa tay bịt tai.
***
Người xưa có nói: Chưa có ai té trên đất mà không nương nơi đất để đứng lên.
Hỏi: Thế nào là té?
Sư đáp: Chấp nhận tức được!
Hỏi: Thế nào là đứng lên?
Sư đáp: Đứng lên!
***
Có vị tăng hỏi:
- Con trở về với bố, vì sao bố không đoái hoài?
Sư đáp: Theo lẽ phải như thế!
Tăng hỏi: Tình cha con còn đâu?
Sư đáp: Mới thành tình cha con!
Tăng hỏi: Thế nào là tình cha con?
Sư đáp: Đao chém chẳng lìa!
***
Hỏi: Khi không mặc áo tang thì thế nào?
Sư đáp: Tào Sơn đã mãn tang!
Hỏi: Sau khi mãn tang thì thế nào?
Sư đáp: Tào Sơn thích say rượu!
***
Kinh giáo có câu: Biển lớn không chứa tử thi, thế nào là biển lớn?
Đáp: Bao hàm vạn hữu.
Hỏi: Vì sao không chứa tử thi?
Đáp: Không dung chứa người tắt thở.
Hỏi: Đã bao hàm vạn hữu, vì sao không dung chứa người tắt thở?
Đáp: Vạn hữu chẳng có công ấy, người tắt thở có đức ấy!
Hỏi: Hướng thượng có việc hay không?
Đáp: Nói có nói không tức được, chứ Long vương vỗ kiếm biết làm sao?
***
Tăng: Có tri giải gì mà có thể ở trước chúng gạn hỏi?
Sư đáp: Không trình câu!
Tăng hỏi: Vấn nạn điều gì?
Sư đáp: Đao búa chém chẳng vào.
Tăng hỏi: Vấn nạn như thế, có người nào không chấp nhận chăng?
Sư đáp: Có!
Tăng hỏi: Ai?
Sư đáp: Tào Sơn!
***
Tăng hỏi: Thế gian, vật gì quí nhất?
Sư đáp: Đầu mèo chết quí nhất.
Tăng hỏi: Vì sao?
Sư đáp: Không ai trả giá nổi!
***
Vị tăng hỏi: Không lời nói, làm sao hiển bày?
Sư đáp: Chớ hướng vào trong đó mà hiển bày!
Tăng hỏi: Hướng vào đâu?
Sư đáp: Đêm qua, mất ba đồng trên giường.
***
Tăng hỏi: Mặt trời chưa mọc thì thế nào?
Sư đáp: Tào Sơn cũng từng đến như thế!
Tăng hỏi: Sau khi mọc thì như thế nào?
Sư đáp: Còn cách Tào Sơn nửa tháng lộ trình.
***
Sư hỏi một vị tăng: Làm gì?
Tăng đáp: Quét đất!
Sư hỏi: Quét trước Phật hay quét sau Phật?
Tăng đáp: Trước sau đều quét.
Sư nói: Đưa đôi giày đây cho Tào Sơn!
(Ngũ Tổ Giới đáp thay: Hòa thượng có tâm hành gì?)
***
Tăng hỏi Sư:
- Ôm ngọc đến dâng cho Sư, xin Sư mài giũa!
Sư đáp: Không mài giũa!
Tăng hỏi: Vì sao?
Sư đáp: Nên biết Tào Sơn khéo tay!
***
Hỏi: Thế nào là quyến thuộc của Tào Sơn?
Sư đáp: Trên đầu mang tóc trắng, trên đảnh một cành hoa!
***
Hỏi Sư: Cổ đức nói rằng: Cả đại địa chỉ có người này, chưa biết đó là ai?
Sư đáp: Chẳng thể có mặt trăng thứ hai!
Hỏi: Thế nào là mặt trăng thứ hai?
Sư đáp: Cũng mong lão huynh định mới được!
Hỏi: Thế nào là đệ nhất nguyệt?
Sư đáp: Hiểm!
***
Có vị tăng hỏi:
- Trong 12 thời, đệ tử phải bảo nhậm thế nào?
Sư đáp: Như đi qua làng có trùng độc, không nên để dính một giọt nước.
***
Tăng hỏi Sư: Thế nào là Pháp thân chủ?
Sư đáp: Cho rằng nhà Tần không người!
Tăng hỏi: Chẳng phải chính là cái ấy sao?
Sư đáp: Chém!
***
Tăng hỏi Sư: Gần gũi Đạo bạn nào mới được thường nghe điều chưa nghe?
Sư đáp: Cùng chung một cái đãy.
Tăng hỏi: Đó vẫn là Hòa thượng được nghe, thế nào là thường nghe điều chưa nghe?
Sư đáp: Chẳng đồng gỗ đá!
Tăng hỏi: Cái nào trước, cái nào sau?
Sư đáp: Ông chẳng từng nghe nói: Thường nghe điều chưa nghe sao?
***
Tăng hỏi Sư: Người trong nước, ai vỗ kiếm?
Sư đáp: Tào Sơn!
(Pháp Đăng hạ biệt ngữ: Ông chẳng phải là người như thế!).
Tăng hỏi: Định giết người nào?
Sư đáp: Tất cả đều giết!
Tăng hỏi: Bỗng gặp cha mẹ sanh ra thì làm sao?
Sư đáp: Chọn lựa làm gì?
Tăng hỏi: Còn mình thì sao?
Sư đáp: Ai làm gì được ta?
Tăng hỏi: Sao chẳng tự sát?
Sư đáp: Không có chỗ ra tay!
***
Tăng hỏi Sư: Nhà nghèo gặp cướp thì sao?
Sư đáp: Chẳng thể trừ sạch được.
Tăng hỏi: Vì sao?
Sư đáp: Vì giặc là người thân trong nhà.
***
Vị tăng hỏi: Một con trâu uống nước, năm ngựa chẳng hí là thế nào?
Sư đáp: Tào Sơn biết lời cấm kỵ!
Sư lại nói: Tào Sơn mãn tang!
***
Hỏi: Người thường chìm đắm trong biển sanh tử là ai?
Sư đáp: Mặt trăng thứ hai.
Tăng hỏi: Có cầu ra khỏi hay không?
Sư: Cũng có cầu ra khỏi, nhưng không có đường.
Tăng hỏi: Ra khỏi rồi, chưa biết ai tiếp được Y?
Sư đáp: Người mang gông sắt.
***
Tăng hỏi:
Tuyết phủ Thiên Sơn, vì sao đỉnh núi không trắng?
Sư đáp: Nên biết có dị trong dị.
Tăng hỏi: Thế nào là dị trong dị?
Sư đáp: Chẳng rơi vào sắc núi.
***
Có một vị tăng nêu nhân duyên thiền sư Dược Sơn hỏi người học: “- Bao nhiêu tuổi?
Đáp: 72 tuổi.
- Là 72 ư? _ Dược Sơn hỏi.
- Dạ! _ Người học đáp.
Dược Sơn liền đánh”.
Hỏi Sư rằng:
- Ý chỉ ấy như thế nào?
Sư đáp: Mũi tên trước còn có thể tránh, mũi tên sau bắn trúng người.
- Làm sao tránh bị ăn gậy?
Sư đáp: Sắc vua đã ban, chư hầu không được bàn luận.
***
Có vị tăng hỏi thiền sư Hương Nghiêm: Thế nào là Đạo?
Thiền sư Hương Nghiêm đáp:
- Rồng ca ngâm trong cây khô.
Tăng hỏi: Thế nào là người trong đạo?
- Cặp mắt trong đầu lâu. _ Hương Nghiêm đáp.
Vị tăng không lãnh ngộ được, bèn đến hỏi Thạch Sương: Thế nào là rồng ca ngâm trong cây khô?
Thạch Sương đáp: Vẫn còn vui.
Tăng hỏi: Thế nào là cặp mắt trong đầu lâu?
Thiền sư Thạch Sương đáp: Vẫn còn biết.
Vị tăng cũng không lãnh hội được, mới đến tham vấn Sư, Sư nói:
Lão Thanh văn Thạch Sương lại có kiến giải này. Nhân đó Sư làm bài tụng dạy chúng:
Cây khô rồng ngâm, chân kiến tính
Đầu lâu vô thức, nhãn mới minh
Vui – biết, diệt rồi tin tức bặt
Đương nhân đâu biện trọc với thanh.
Vị tăng lại hỏi:
- Thế nào là rồng ca ngâm trong cây khô?
Sư đáp: Huyết mạch không đoạn dứt.
Tăng hỏi: Thế nào là cặp mắt trong đầu lâu?
Sư đáp: Chẳng khô kiệt.
Tăng hỏi: Chưa biết có người nghe chăng?
Sư đáp: Khắp nơi chẳng được có một ai mà không nghe.
Tăng hỏi: Chưa biết rồng ca ngâm trong cây khô là chương cú gì?
Sư đáp: Không biết là chương cú gì mà người nghe đều chết.
***
Hỏi: Đại ý Phật pháp là gì?
Sư đáp: Lấp hồ lấp ao.
Hỏi: Thế nào là sư tử?
Sư đáp: Các loài thú khác chẳng đến gần được.
Hỏi: Thế nào là sư tử con?
Sư đáp: Nuốt cả cha mẹ.
Hỏi: Đã nói các loài thú khác đến gần chẳng được, vì sao bị con nuốt?
Sư đáp: Ông há chẳng nghe, nếu con gầm rống thì Tổ phụ đều chết.
Hỏi: Sau khi chết thì thế nào?
Sư đáp: Toàn thân trở về với cha.
Hỏi: Chưa biết khi Tổ phụ chết, cha trở về đâu?
Sư đáp: Cũng không còn chỗ.
- Vì sao lúc trước nói là toàn thân trở về với cha?
Sư đáp: Thí như Vương tử có thể thành vua của một nước _ Sư nói tiếp:
- Xà-lê! Việc này không được chấp trước, cần phải
rải ít hoa trên cây khô.
***
Hỏi: Vừa có thị phi liền mất tâm là thế nào?
Sư đáp: Chém! Chém!
***
Sư đọc bài kệ Pháp thân của Phó Đại sĩ trong truyện Đỗ Thuận, bèn nói:
- Ý ta không muốn nói như thế, nhưng đệ tử thỉnh cầu làm kệ tụng. Ta đã làm kệ và chú thích:
Y vốn chẳng phải là ta- (chẳng phải ta)
Ta vốn chẳng phải là y- (chẳng phải y)
Không có ta, Y ắt chết- (xin ông giữ lấy mạng sống)
Không có y, Ta ắt thừa- (không có ai khác)
Y như ta, tức là Phậ.- (nhưng chẳng phải là Phật)
Ta như y, tức là lừa. (cả hai đều chẳng lập)
Chẳng ăn gậy của Không vương- (nếu gặp thức ăn của vua cũng nên mửa ra)
Đâu nhờ chim nhạn chuyển thư- (chẳng gửi thư)
Ta nói đem thân ca xướng- (tín xướng)
Anh xem lông mọc trên lưng- (không giống hắn)
Thoạt như đồng dao tuyết trắng- (lẽ nào là tuyết trắng)
Còn ngại là tiếng Ba ca- (câu này không chú thích)
***
Có một vị tăng hỏi Sư: Khi trăng sáng trên không trung bao la thì thế nào?
Sư đáp: Còn là kẻ dưới thềm.
Tăng nói: Thỉnh Hòa thượng dắt lên thềm!
Sư nói: Sau khi trăng lặn đến gặp mặt!
***
Sư dạy: Có một người từ vách cao ngàn trượng nhảy xuống vực, đó là ai?
Đại chúng không đáp được, Đạo Diên bước ra thưa: Không còn!
Sư hỏi: Không còn cái gì?
Tăng đáp: Mới đập không vỡ!
Sư chấp nhận.
***
Một vị tăng nêu nhân duyên: “Một hôm Tây Viên tự nấu nước tắm. Có một vị tăng đến hỏi: Vì sao không bảo Sa-di làm? Tây Viên vỗ tay ba cái”, để hỏi Sư.
Sư bèn đáp: Cũng đồng là vỗ tay cả, nhưng tựu trung thì Tây Viên kỳ quái, Câu Chi thì Chỉ đầu thiền, đó là vì chỗ thừa đương không thích đáng.
Tăng hỏi: Tây Viên vỗ tay, há chẳng phải là việc của tớ trai tớ gái sao?
Sư đáp: Đúng!
Tăng hỏi: Hướng thượng có việc không?
Sư đáp: Có.
Tăng hỏi: Thế nào là việc hướng thượng?
Sư bèn quát: Loại tớ trai tớ gái này!
***
Nam Châu Soái là Nam Bình Chung vương nghe tin Sư đạo đức danh vang nên hết lòng dùng lễ kính thỉnh, nhưng Sư từ chối, làm bài thơ Đại Mai Sơn Cư gởi cho sứ đem về dâng cho Vương:
Cây khô xơ xác gởi hàn lâm
Bao độ xuân sang chẳng đổi tâm
Tiều lão thấy qua còn chẳng đoái
Việc chi người Dĩnh khổ công tầm.
***
Sư làm bài kệ Tứ Cấm:
Chớ đi đường tâm xứ
Chẳng mặc áo bản lai
Không nên xem chân thật
Rất kỵ lúc chưa sanh.
***
Sư làm kệ dạy bảo đệ tử:
Từ duyên ngộ được chóng tương ưng
Theo thể tiêu trừ chậm tận tường
Chớp mắt xưa nay không xứ sở
Thầy ta tạm nói chẳng nghĩ lường.
***
Sư thị chúng:
Hàng tăng sĩ mặc pháp phục này, theo lý thì nên biết rõ việc hướng thượng, chớ cho là việc tầm thường. Nếu chỗ thừa đương rõ ràng, tức có thể chuyển được chư Thánh về phía sau lưng của tự kỷ, như thế mới được tự do. Nếu không chuyển được thì dầu có học được 10 phần đi nữa cũng chắp tay đứng sau lưng các vị ấy mà thôi, còn nói được gì?
Nếu chuyển được tự kỷ, một khi các cảnh giới dù thô hiển hiện đến cũng có thể làm chủ được. Ví như té ngã trong bùn cũng làm chủ được. Như một vị tăng hỏi ngài Dược Sơn: “ Trong Tam thừa giáo, có ý Tổ chăng? Ngài Dược Sơn đáp: Có. Tăng hỏi: Đã có thì Đạt-ma đến làm gì? Dược Sơn đáp: Chỉ vì có nên mới đến”. Như thế, há chẳng phải đã làm chủ được, chuyển được trở về tự kỷ sao? Kinh dạy: “Phật Đại Thông Trí Thắng, 10 kiếp ngồi đạo tràng, Phật Pháp chẳng hiện tiền, chẳng thành Phật đạo”. Kiếp tức là dính mắc, gọi là 10 phần, cũng gọi là đoạn sấm lậu, là tuyệt ngã tư đường vậy, chẳng quên Đại quả. Cho nên nói: Giữ chặt, đắm trước là cẩu thả thừa đương, chẳng biết tốt xấu.
Ta thường thấy trong tòng lâm, có một loại người thích luận bàn, như vậy có thể lập được việc hướng thượng chăng? Bọn người này chỉ nói những việc đã rõ từ trước. Ông không nghe thiền sư Nam Tuyền nói: “Dẫu cho ông học được 10 phần, cũng còn cách Vương lão sư một quãng đường”. Việc rất khó, đến đây cần phải kỹ càng, mới được rõ ràng tự tại. Chẳng luận là thiên đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chỉ cần tất cả nơi không dời đổi. Vốn là người xưa, nhưng không đi con đường xưa mà thôi!
Nếu có tâm ham thích, lại thành ra chấp trước, nếu thoát được thì chọn lựa làm gì? Cổ đức nói: “Chỉ sợ không được luân hồi”. Ông nói thế nào? Như người hôm nay thích nói chỗ thanh tịnh, thích nói đến việc quá khứ, bệnh này rất khó trị. Như việc thô trọng của thế gian lại là nhẹ, còn bệnh thanh tịnh này là nặng, vì đắm trước tất cả mùi vị Tổ, Phật. Thầy ta nói: “Tâm sinh là phạm giới, biết vị là phá trai, hãy gọi cái gì là vị? Chỉ là mùi vị Phật, Tổ. Vừa khởi tâm ham thích liền phạm giới. Như nay nói phá trai phá giới thì vừa lập tam yết-ma là đã phá rồi, như ba hoặc tham, sân, si tuy khó đoạn nhưng lại nhẹ, còn thanh thanh tịnh tịnh, vô vi vô sự thì lại nặng không gì sánh nổi.
Tổ sư xuất thế cũng chỉ vì cái này, cũng chẳng vì một mình ông. Ngày hôm nay chớ xem thường. Mèo nhà, trâu trắng tu hành lại càng sung sướng, chẳng còn có thiền có đạo. Còn như ông tìm cầu đủ loại, nào Phật Tổ cho đến Bồ-đề Niết-bàn, đến bao giờ mới xong việc đây? Tất cả đều là tâm sanh diệt, vì thế không bằng mèo nhà, trâu trắng ngờ nghệch vô tri, không biết Phật, Tổ, Bồ-đề, Niết-bàn, cho đến thiện ác, nhân quả, chỉ biết đói ăn khát uống mà thôi. Nếu có thể như thế thì lo gì không thành tựu! Ông không nghe nói: “Tính toán suy lường thì không thành”. Vì thế biết rõ sẽ mang lông đội sừng, kéo dắt nhau đi. Được tiện nghi này mới có chút ít phần tương ưng.
Ông không nghe nói các thế giới A-súc, Di-lặc, Diệu Hỷ v.v..bị người Hướng thượng gọi là nơi của hàng Bồ-tát giải đãi vô tàm quí, cũng gọi là Biến dịch sanh tử. Như vậy đối với việc chính phải thế nào? Nên cẩn thận mới được!
Người người đều có một chỗ ngồi vững chắc, Phật ra đời chiếm chẳng được. Thể hội như thế mà tu hành, chẳng nên chạy theo danh lợi. Nay ông thành Phật, thành Tổ cũng chỉ cái ấy, đọa tam đồ, địa ngục, lục đạo, cũng chỉ cái ấy! Tuy không có chỗ dùng, nhưng lìa nó chẳng được, cần phải làm chủ, nếu làm chủ được, tức không biến dịch. Thiền sư Vĩnh Gia nói: “Mờ mờ mịt mịt chiêu ương họa”.
Hỏi: Thế nào là mờ mờ mịt mịt chiêu ương họa?
Đáp: Tất cả cũng chỉ cái ấy.
Hỏi: Làm sao tránh được?
Đáp: Biết rõ tức được, cần tránh làm gì? Không chỉ không tránh Bồ-đề, Niết-bàn, phiền não, vô minh mà các việc thô trọng thế gian cũng chẳng cần phải tránh. Tránh tức đồng với biến dịch, cho đến thành Phật, thành Tổ, Bồ-đề, Niết-bàn, các tai họa này không nhỏ. Vì sao như thế? Chỉ vì biến dịch. Nếu không biến dịch, ngay đó tự do tự tại nơi cảnh mới được.
Đêm mùa Hạ, năm Canh Dậu, niên hiệu Thiên Phục thứ I (901), Sư hỏi Tri sự:
- Hôm nay là ngày mấy?
Tri sự đáp: Ngày 15 tháng 6
Sư nói: Tào Sơn một đời hành cước khắp nơi, chỉ lo 90 ngày hạ. Sáng mai giờ Thìn ta hành cước!
Đến giờ Sư đốt hương, ngồi yên thị tịch, thế thọ 62, hạ lạp 37. Thụy hiệu Nguyên Chứng Thiền sư, tháp hiệu Phước Viên. Quyển Thượng Hết Chú thích:
[1] Biện Hoà: Người nước Lỗ, thời Xuân Thu. Tương truyền ông tìm được một viên ngọc quí ở Kinh Sơn, đem dâng cho Sở Lệ vương. Lệ vương sai thợ đến xem, người này nói là đá. Lệ vương buộc Biện Hòa tội khi quân, nên chặt chân trái của ông. Lệ vương băng, Vũ vương tức vị, Hòa lại dâng ngọc. Vũ vương bảo thợ đến xem, người này cũng cho là đá. Vũ vương cũng định Hòa tội dối vua, nên chặt chân phải của ông. Vũ vương băng, Văn vương lên ngôi, Hòa ôm ngọc khóc ở chân Kinh sơn. Văn vương nghe, sai thợ đến gọt giũa thì được viên ngọc quí (Hán Ngữ Đại Từ Điển).
[2] Phương ngoại hữu: Người bạn ngoài thế tục; tức Sa-môn kết bạn với người đời.
[3] Máy linh: Linh cơ, tức tâm ý linh thông, xảo diệu.
[4] Tứ cấm, Tam đọa: Bài kệ Tứ cấm và Ba loại đọa trong bộ Ngữ lục này.
[5] Đốt sừng tê ngưu: Tương truyền đốt sừng con Tê ngưu thì sẽ soi thấy tất cả mọi vật dưới biển. Ý nói xét biết rõ được những chỗ sâu kín (Hán Ngữ Đại Từ Điển).
[6] Năm tướng trùng li: (Xem trong Ngữ Lục này).
[7] Gọt bùn nơi chóp mũi: Tức câu chuyện người thợ tên Thạch, nước Sở thời Xuân Thu, Trung Quốc ghi trong thiên Từ Vô Quỉ trong Trang Tử. Chuyện ghi rằng: “Có một người đất Dĩnh, trét một lớp đất sét trắng mỏng như cánh gián lên chóp mũi của mình, rồi bảo Thạch dùng búa gọt. Thạch vung búa vù vù gọt sạch lớp đất sét mà mũi của Thạch không bị tổn thương, người đất Dĩnh nọ cũng không thất sắc (Hán Ngữ Đại Từ Điển).
[8] Yên thạch: Một loại đá ở núi Yên giống như ngọc quí.
[9] Động thượng: Chỉ cho tông phái do ngài Lương Giới sáng lập, cũng gọi chung là tông Tào Động.
[10] Chánh mạng thực: Phương cách đúng chánh pháp mà tỳ-kheo dùng nuôi sống thân mạng, đó là khất thực.
[11] Ngũ vị: Tức Ngũ vị Chánh Thiên và Ngũ vị Công Huân, do ngài Động Sơn lập. Ngũ Vị Quân Thần do ngài Tào Sơn lập.
[12] Hương tượng: loài voi lớn có sức mạnh phi thường. Vốn chỉ cho loài voi trong thời kì giao phối. Trong thời kì này từ nơi voi phát ra mùi thơm và có sức mạnh vô cùng, không thể chế ngự.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.61.147 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.