Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Sau khi nhận lời, chúng tăng cử Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu làm hòa thượng, Ma-Ha-Ðề-Bà (Mahàdeva) làm A-xà-lê, truyền mười giới; đại đức Mạt-Xiển-Ðề (Majjhantika) làm A-xà-lê để truyền giới cụ-túc. Khi ấy, đủ 20 tuổi nên Ma-Hê-Ðà thọ giới cụ-túc. Ngay tại giới đàn (upasampadàsìmàmandala), vị này chứng lậu tận la-hán với ba đạt trí, đủ sáu thần thông.
A-xà-lê của Tăng-Già-Mật-Ða là A-Do-Ba-La (Àyupàli), hòa tượng tên là Ðàm-Ma-Ba-La (Dhammapàli). Khi ấy vừa 18 tuổi nên Tăng-Già-Mật-Ða được xuất gia và thọ sáu pháp tại giới đàn. Vua lên ngôi được sáu năm thì hai người con xuất gia.
Khi học kinh và luật tạng với thầy mình, Ma-Hê-Ðà thọ trì thông thuộc tất cả Phật pháp trong ba tạng, đứng đầu trong 1000 bạn đồng học.
Vua A-Dục lên ngôi được chín năm, có Tỳ-kheo tên Ðế-Tu con ông Câu-Ða (Kontiputta Tissa) bị bệnh nặng, bưng bát đi xin thuốc và chỉ được một miếng bơ (sappi) nên bệnh càng nặng thêm và sắp chết. Khi sắp viên tịch, vị này nhắn nhủ với các Tỳ-kheo:
- Sống trong ba cõi, cẩn thận chớ lười biếng.
Nói xong, vị này bay lên ngồi trên hư không, tự hóa ra lửa hỏa thiêu thân mình mà vào Niết-bàn. Nghe mọi người truyền nhau việc cúng dường vị ấy, vua suy nghĩ: - Trong nước của ta mà Tỳ-kheo lại không xin thuốc được.
Do đó, vua lập những kho cấp thuốc và chứa đầy dược liệu (pokkharani) ở bốn cửa thành. Khi ấy, ở bốn hướng các cửa thành thuộc nước Ba-Thát-Lỵ-Phất có 4000 nhà khách (Sabhà). Hằng ngày, các nhà ấy nhận được 5000 tiền để nộp cho vua. Vua đem 1000 dâng đại đức Ny-Cù-Ðà, 1000 chi dụng cúng dường hoa hương cho tháp tượng, 1000 cung cấp pháp đường, 1000 cúng các vị luật sư, một vạn cúng chúng tăng, một vạn dùng chi phí kho cấp thuốc ở bốn cửa thành. Bấy giờ, Phật pháp hưng thịnh, các ngoại đạo suy vi. Bị mất lợi dưỡng, họ đi khất thực khắp nơi nhưng không xin được. Vì đói khát hành hạ, họ tạm nhờ vào Phật pháp làm sa-môn nhưng vẫn giữ theo pháp cũ của mình để giáo hóa mọi người; cho đó là pháp là luật nên không hành trì theo uy nghi cử chỉ pháp luật của Phật và không đến sống ở trong chùa, nhưng đến ngày bố tát (uposatha) lại vào giữa tăng. Do đó, các Tỳ-kheo thanh tịnh không chịu sinh hoạt chung với họ.
Thấy vậy, Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu suy nghĩ: - Tránh-sự đã phát sinh, không bao lâu nữa sẽ lớn mạnh, nếu ta ở trong tăng chúng thì không diệt được tránh-sự.
Sau khi đem đệ tử giao cho Ma-Hê-Ðà, tôn giả Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu vào ẩn cư một mình nơi yên tịnh trong núi A-hô-hà (Ahogangàpabbata).
Các Tỳ-kheo ngoại đạo muốn Phật-pháp thành nhơ bẩn nên đem sách vở của mình xen vào giáo pháp. Họ vẫn hành trì theo pháp của mình như thờ lửa, đốt nóng cả năm chi phần thân thể (keci pancàtape tappanti), hay vào nước khi trời rất lạnh, hoặc phá hoại Phật pháp. Thế nên, các Tỳ-kheo chân chính không chịu bố tát, tự-tứ và làm tăng-sự với họ. Như vậy, kéo dài đến bảy năm không thuyết giới được.
Biết sự việc này, vua A-Dục sai một đại thần đến tăng-già-lam A-Dục, thưa với chúng tăng nên giáo dục nhau diệt trừ sự đấu tranh mà cùng hòa hợp thuyết giới.
Nhận lệnh vua, đại thần đến chùa, đem lệnh vua thưa với chúng tăng nhưng không ai chịu hưởng ứng cả. Ðại thần đành trở về bàn với quan cận thần: Vua có sắc lệnh bảo chúng tăng phải chấm dứt sự bất hòa nhưng không ai thuận theo cả, ý bạn ra sao?
Vị cận thần đáp:
- Tôi thấy, khi đại vương đi chinh phục các nước, ai không thuận theo đều bị giết chết. Việc này cũng nên làm như thế.
Nghe cận thần nói như vậy, sứ thần đến chùa thưa với thượng tọa:
- Vua ra sắc lệnh chúng tăng phải hòa hợp thuyết giới nhưng họ không tuân theo.
Thượng tọa đáp:
- Các Tỳ-kheo chân chính không chịu bố tát chung với các Tỳ-kheo ngoại đạo chứ chẳng phải không tuân lệnh vua.
Khi ấy, từ thượng tọa trở xuống, tuần tự bị giết chết cho đến lượt vương đệ Ðế-Tu thì ngừng lại. Thấy các Tỳ-kheo bị giết, Ðế-Tu suy nghĩ: Vị quan này vâng sắc lệnh, vì hiểu sai lời vua nên giết chúng tăng.
Vị quan hỏi: - Ðế-Tu này là ai?
Ðáp: - Là em ruột của vua.
Khi vua A-Dục lên ngôi, lập em làm thái tử. Một hôm vào rừng du ngoạn, thấy các con nai giao hợp nhau, thái tử suy nghĩ: Các con nai này ăn cỏ uống nước lã mà còn như vậy. Huống chi các Tỳ-kheo ở trong phòng chùa, giường nệm mềm mại, ăn uống vừa miệng, sao lại không có việc ấy.
Du ngoạn về, đến gặp vua, thái tử tâu:
- Vừa rồi thần du ngoạn, thấy các con nai đực cái giao hợp nhau. Loài súc sinh ăn cỏ uống nước lã mà còn có việc ấy, các Tỳ-kheo tăng ở trong chùa được cúng dường đầy đủ, lẽ nào không có việc ấy.
Nghe tâu như vậy, vua suy nghĩ: - Chẳng phải chỗ nghi ngờ mà lại nghi ngờ.
Một hôm, thái tử Ðế-Tu vô ý xúc phạm vua, bị vua tức giận bảo:
- Từ nay trẫm cho khanh lên ngôi vua trong bảy ngày, sau đó trẫm sẽ giết.
Bấy giờ, bảy ngày ấy tuy đươc làm vua, ngày đêm hưởng thụ ca nhạc, ăn uống, được phục vụ đủ các cách nhưng tâm trạng thái tử Ðế-Tu không thích thú gì cả, thân thể gầy yếu, buồn khổ vô cùng. Vì sao? Vì sợ chết. Sau bảy ngày, vua hỏi Ðế-Tu:
- Vì sao khanh gầy yếu như vậy, ăn uống, ca nhạc không vừa ý hay sao?
Ðáp: - Bị sự chết hành hạ, tâm không thích thú gì cả.
Nghe tâu như vậy, vua bảo Ðế-Tu: - Ðã biết bảy ngày nửa mới chết mà khanh còn lo sợ như vậy, huống chi các Tỳ-kheo luôn luôn lo sợ vô thường trong từng hơi thở, tâm ý nào có nhiễm trước gì.
Nghe vua nói xong, Ðế-Tu phát sinh tín tâm với Phật pháp.
Một hôm, thái tử Ðế-Tu du ngoạn đi săn, dần dần đến nơi vắng vẻ (aranna) thấy một Tỳ-kheo đang ngồi tên là Ðàm-Vô-Ðức (yonakamahàdhammarakkhita). Có một con voi bẻ nhánh cây, quạt cho Tỳ-kheo này. Thấy như vậy, rất hoan hỷ, thái tử mong ước: Ðến bao giờ ta mới được như Tỳ-kheo kia.
Biết tâm nguyện của Ðế-Tu, Tỳ-kheo Ðàm-Vô-Ðức dùng thần lực bay lên hư không và ngồi trên không trung. Làm cho Ðế-Tu trông thấy, Tỳ-kheo hạ xuống hồ nước lớn ở chùa A-Dục (Asokàràme pokkharani) và ngồi đứng trên nước, thoát tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng (sanghàti, uttaràsanga) ném lên không trung rồi xuống nước tắm rửa.
Trông thấy đại đức này có thần thông lớn như vậy, thái tử Ðế-Tu rất hoan hỷ nói:
- Hôm nay, ta sẽ xuất gia.
Khi trở về cung, thái tử tâu vua:
- Thần muốn xuất gia, xin đại vương thương tình cho được xuất gia.
Nghe Ðế-Tu xin xuất gia, nhà vua rất kinh ngạc bảo rằng: - Trong cung với gái đẹp, món ăn trăm vị thơm ngon, khoái lạc thích ý, vì sao khanh lại xuất gia?
Bằng mọi cách, vua khuyên vị này từ bỏ ý định trên.
Với ý chí kiên cố không thay đổi, Ðế-Tu đáp:
- Gái đẹp hoan lạc trong cung chỉ là tạm thời, hội họp sẽ chia ly.
Nhà vua cảm thán khen: - Lành thay!
Vua sai các quan sửa sang đường sá, quét dọn sạch sẽ, dựng cờ treo phướn trang trí rực rỡ. Sau khi trang trí xong, các quan tâu vua: - Ðã trang trí hoàn tất.
Sau khi thu lấy triều phục, mão thiên quan, chuỗi ngọc anh lạc của thái tử, vua bố trí hàng ngàn xe ngựa vây quanh hộ tống thái tử đến chùa. Thấy thái tử Ðế-Tu xuất gia, chúng tăng rất hoan hỷ. Có người chuẩn bị sẵn tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội (antaravàsaka), bình bát (patta) đón chờ để cho thái tử được xuất gia ngay. Khi ấy, thái tử đi đến thiền phòng (padhànaghara) gặp Tỳ-kheo Ðàm-Vô-Ðức cầu xin xuất gia. Có một ngàn đồng tử con nhà hào quí cũng xuất gia theo thái tử, Thấy thái tử xuất gia, nhân dân trong nước suy nghĩ: Thái tử tôn quí như vậy mà còn bỏ vương vị để xuất gia tu đạo, chúng ta bần cùng thì có gì mà lưu luyến. Nghĩ như vậy nên có vô số người xuất gia theo. Vua A-Dục lên ngôi được bốn năm thì thái tử xuất gia. Chồng của Tăng-Già-Mật-Ða là cháu của vua tên A-Kỳ Bà-La-Môn (Aggibrahman) đã có một con trai, nghe thái tử xuất gia, rất kinh ngạc vui mừng, đến gặp nhà vua, tâu rằng: Con cũng muốn theo thái tử xuất gia, xin đại vương cho phép.
Vua khen ngợi và cho phép vị này cùng xuất gia trong một ngày với thái tử. Khi ấy, có nhiều người thuộc đẳng cấp sát-lị xuất gia theo chánh pháp nên Phật pháp hưng thịnh.
Trở lại việc trước... Ðế-Tu nói:
- Nên biết vị quan này hiểu sai ý vua nên giết các Tỳ-kheo.
Giết chưa xong, bị Tỳ-kheo Ðế-Tu đứng ra ngăn cản nên vị quan này không thể giết được nữa. Bỏ đao qua một bên, vị quan này về tâu vua:
- Thần phụng mệnh đại vương bảo các Tỳ-kheo hòa hợp thuyết giới nhưng họ không tuân theo. Căn cứ vào tội ấy, thần đã tuần tự xử trảm họ nhưng giết chưa hết thì bị Tỳ-kheo Ðế-Tu ngăn cản nên không thể giết nữa, vậy có giết Tỳ-kheo Ðế-Tu không?
Nghe vị quan này tâu đã giết các Tỳ-kheo, vua rất kinh hãi đau khổ ngất ngã lăn ra đất. Sau khi được rưới nước, một lúc sau tỉnh dậy, vua bảo vị quan này:
- Than ôi! Ta sai ngươi đến chùa vì muốn cho chúng tăng hòa hợp thuyết giới, sao lại tự tiện giết chết chúng tăng?
Ðích thân đến chùa, vua bạch với chư tăng:
- Trước đây, con có sai một vị quan đến khuyên chư tăng hòa hợp thuyết giới chứ không bảo họ giết các Tỳ-kheo. Vị quan này tự tiện giết oan chúng tăng, không biết tội lỗi của việc này thuộc về ai?
Có Tỳ-kheo đáp:
- Do vua nên giết vậy tội thuộc vua.
Có vị nói: - Cả hai đều bị tội.
Có một Tỳ-kheo hỏi vua:
- Tâm vua như thế nào, có tâm giết không?
Vua đáp:
- Con sai họ đi với ý tạo công đức chứ không có tâm giết hại.
Vị kia nói:
- Nếu tâm vua như vậy thì vua không có tội mà người giết bị tội.
Nghe khác nhau như vậy, vua sinh ra hồ nghi, hỏi các Tỳ-kheo:
- Ai có thể trừ được sự nghi ngờ của con. Nếu người nào trừ được tâm hồ nghi này thì con sẽ xây dựng lại Phật pháp.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Ngài Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu có thể diệt trừ sự nghi ngờ này để kiến lập Phật pháp.
Lập tức, vua phái bốn vị pháp sư (Dhammakathika), mỗi vị có ngàn Tỳ-kheo tùy tùng cùng lên đường. Vua lại sai bốn đại thần, mỗi người đều có ngàn tùy tùng, cùng nhau đi đón rước đại đức Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu trở về.
Hai phái bộ cùng nhau vào núi A-hô-hà nghênh đón Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu. Ðến nơi, họ thưa với Ðế-Tu: - Nhà vua cho gọi Ðế-Tu.
Nhưng Ðế-Tu không đi. Vua lại phái tám pháp sư, mỗi vị với ngàn Tỳ-kheo tùy tùng và tám đại thần, mỗi người cũng có ngàn người tùy tùng đến gặp Ðế-Tu. Ðến nơi họ cũng nói: - Vua cho gọi Ðế-Tu.
Nhưng Ðế-Tu vẫn không đi. Trông đợi lâu ngày mà hai phái đoàn trên cũng chưa về, vua sinh nghi ngờ hỏi các vị đại đức:
- Thưa đại đức! Con đã sai hai phái đoàn đi nghênh đón Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu đã lâu mà sao vẫn chưa thấy về.
Chúng tăng đáp:
- Sợ người đi đón truyền sai ý vua, nói là vua cho gọi Ðế-Tu nên ngài không đến.
Vua lại hỏi:
- Nói lời thỉnh như thế nào để ngài chịu đến?
Ðáp:
- Nếu thưa rằng Phật pháp đã bị mai một, xin đại đức đến hạ cố đến cùng nhau dựng lại Phật pháp thì ngài sẽ đến.
Nghe như vậy, vua lại sai mười sáu vị pháp sư, mỗi vị với ngàn Tỳ-kheo tùy tùng; mười sáu đại thần, mỗi vị với ngàn tùy tùng đi mời. Vua lại hỏi:
- Vị pháp sư ấy già (mahallanka) hay trẻ (dahara)?
Chúng tăng đáp: - Vị ấy đã già.
Vua nói:
- Nếu vị ấy già, nên dùng xe (sivìka) để rước.
Ðáp: - Ði xe không được.
Vua lại hỏi: - Vị đại đức ấy trú ở nơi nào?
Ðáp: - Trong núi A-hô-hà.
Vua nói: - Như vậy nên đem thuyền bè (nàvàsanghàta) đi rước.
Vua ra lệnh cho sứ giả:
- Ðến nơi, ngươi phải thỉnh đại đức lên ở thuyền lớn và sai người mang binh khí bảo vệ chung quanh.
Khi đến núi A-hô-hà, đoàn sứ giả đem lệnh vua thưa với đại đức:
- Bạch ngài! Phật pháp đã bị mai một, xin ngài hạ cố đi đến cùng nhau dựng lại Phật pháp.
Nghe sứ giả thưa như vậy, đại đức ấy nói:
- Tôi xuất gia chỉ vì Phật pháp, nay đã đúng lúc.
Ðứng dậy thu xếp tọa cụ, Ðế-Tu suy nghĩ: Ngày mai, ta sẽ đến nước Ba-thát-ly-phất.
Ðêm ấy, vua A-Dục mộng thấy sự việc như sau: Có một voi trắng đến, dùng vòi thoa lên đầu vua, kéo lấy tay vua. Sáng mai, vua gọi tướng sư (supinajjhàyaka) đến, bảo:
- Ta nằm mộng thấy sự việc như vậy, là lành hay dữ?
Có một tướng sư đáp: - Nắm lấy tay vua là bậc Sa-môn tôn quí (Samànanàga).
Nghe tướng sư nói xong, nhà vua được báo tin phải ra ngoài nghênh đón. Vua đích thân lội xuống nước ngập đến gối. Ðại đức Ðế-Tu muốn lên bờ, vua đưa tay phải đỡ lấy. Trong lúc đại đức Ðế-Tu nắm lấy tay vua, cận thần rút kiếm muốn chém tôn giả. Vì sao? Theo vương pháp (càritta) của vua A-Dục, nếu ai nắm đầu hoặc tay của vua thì bị chặt đầu; thế nên họ rút kiếm muốn giết.
Thấy có bóng kiếm trong nước, vua quay đầu lại nói: - Than ơi! Trước đây ta ra lệnh cho đại thần đến chùa khuyên chúng tăng hòa hợp thuyết giới, lại hiểu sai ý ta nên giết các Tỳ-kheo, bây giờ ngươi lại muốn giết nữa hay sao, thôi thôi! đừng gây tội cho ta nữa.
Pháp sư hỏi: - Tỳ-kheo không được nắm tay kẻ bạch y, vì sao ở đây được nắm?
Ðáp: - Vua đi thỉnh đến vì muốn nghe pháp, vậy vua là đệ tử của đại đức nên được nắm tay. Khi ấy, đưa đại đức đến trú xứ ở khu-vườn (Ùyyàna) có phòng vệ ba lớp, vua đích thân rửa chân và thoa dầu cho đại đức, sau đó ngồi qua một bên. Vua suy nghĩ: Vị đại đức này có thể trừ diệt nghi ngờ cho ta không, nếu trừ được nghi ngờ của ta thì trừ diệt được sự tranh chấp và sau đó xây dựng lại Phật pháp. Ta hãy thử vị đại đức này.
Vua thưa: - Con muốn thấy năng lực thần thông (Pàtihàriya), xin ngài thị hiện.
Ðế-Tu nói: - Vua muốn thấy những loại thần thông nào?
Vua đáp: - Con muốn thấy mặt đất chấn động.
Ðế-Tu hỏi: - Muốn chấn động một bên hay chấn động tất cả?
Vua hỏi: - Hai hiện tượng này, cái nào khó hơn?
Ðế-Tu đáp:- Ví dụ cái mâm đồng đựng đầy nước, có người lay động mâm, toàn thể nước bị lay động là khó hay chỉ lay động nữa phần nước là khó?
Vua đáp: - Chỉ lay động nửa phần nước thì rất khó.
Ðế-Tu đáp: - Ðúng vậy, này đại vương.
Vua nói: - Con muốn thấy nước nửa động nửa không động.
Ðế-Tu bảo vua: - Trong chu vi bốn do tuần giáp bốn phương, giăng dây làm ranh giới (Sìma). Phương Ðông đặt xe, phương Nam đặt ngựa, phương Tây đặt người, phương Bắc đặt mâm nước. Ðặt người, ngựa, xe tại ranh giới, một chân trong giới và một chân ngoại giới; mâm nước đặt một nửa trong giới và một nửa ở ngoài giới.
Sau khi vua làm như vậy xong, Ðế-Tu nhập vào thiền thứ tư rồi xuất khỏi thiền, hướng về vua nói: - Này đại vương Thiện-Kiến hãy xem.
Ðại đức Ðế-Tu dùng thần lực làm cho phần ngoài ranh giới trong bốn do tuần ở bốn phương đều chấn động mạnh nhưng bên trong ranh giới vẫn đứng yên. Phần xe, ngựa, người ở ngoài ranh giới bị chấn động, phần bên trong vẫn đứng yên; nửa phần nước bị chấn động nửa phần nước kia vẫn đứng yên. Thấy thần lực của đại đức như vậy, nhà vua rất hoan hỷ, suy nghĩ: Sự nghi ngờ trước đây của ta, từ nay được chấm dứt và ác pháp trong Phật pháp bị tiêu diệt.
Nhà vua hỏi đại đức Ðế-Tu:
- Trước đây con có sai một đại thần đến chùa ra lệnh cho chư tăng hòa hợp thuyết giới, nhưng đại thần này tự ý giết các Tỳ-kheo, tội này ai chịu?
Ðế-Tu hỏi: Ðại vương có ý giết không?
Ðáp: - Con không có ý giết.
Ðế-Tu nói: Nếu không có ý giết thì vua vô tội.
Nhân đó, Ðế-Tu thuyết cho vua nghe kinh Bổn-Sanh (Jàtaka Tittirajataka, Giá-cô bản-sinh kinh): Phật dạy - Này các Tỳ-kheo, phải có tâm tính toán trước rồi sau mới tạo thành nghiệp, tất cả nghiệp của hành động đều do tâm.
Ðế-Tu kể lại chuyện trong kinh Bổn-Sinh: Này đại vương! Ngày xưa có mọt con chim Giá-cô bị người nhốt dưới đất, lo buồn kêu cứu. Do đó đồng loại tụ tập đến và bị người giết chết. Giá-cô hỏi đạo sĩ (tàpasa): - Con có tội không?
Ðạo sĩ đáp: - Khi con kêu cứu có tâm giết hại đồng loại không?
Giá-cô đáp: - Con gọi bạn bè đến nhưng không có tâm giết hại.
Ðạo sĩ nói: - Nếu không có tâm giết hại thì con không có tội. Và nói bài kệ:
Hành động không gây nghiệp,
Nếu không do tâm sai,
Người thiện giữ vững tâm,
Nên không bị tội lỗi.
(Na paticcakammam phusati mano ce na ppadussati, appossukkassa bhadrassa na pàpam upalimpati)
Sau khi tuần tự dùng các phương tiện làm cho vua hiểu, đại đức Ðế-Tu ở lại trong vườn bảy ngày chỉ dạy cho vua rõ đây là Luật, đây là phi luật; đây là Pháp, đây là phi pháp; đây là lời Phật dạy, đây là trái lời Phật dạy.
Sau bảy ngày, vua ra lệnh dùng vách ngăn ra từng nơi, những người đồng quan điểm tập trung vào một nơi, những người khác quan điểm tập trung vào nơi khác, và cứ mỗi nơi như vậy đưa ra một Tỳ-kheo. Ðích thân vua hỏi vị ấy: - Ðại đức! Phật pháp là gì? (kimvàdi sammàsambuddho)
Có Tỳ-kheo đáp là thường (Sassatavàda), có người đáp là đoạn (ucchedavàda), có người nói là phi tưởng (asànnivàda), có người nói phi tưởng phi phi tưởng (nevasanninànivàda), có người nói thế Niết-bàn (ditthadhammannibbànavàda).
Nghe những Tỳ-kheo nào nói như vậy, vua biết đây không phải là Tỳ-kheo mà là ngoại đạo (annatitthiya). Sau khi biết rõ như vậy, vua cho những ngoại đạo này mặc y phục trắng của thế tục rồi đuổi ra, bắt hoàn tục. Còn lại những nơi ngăn khác có sáu vạn Tỳ-kheo. Vua lại hỏi: - Ðại đức! Phật pháp là gì?
Ðáp: - Phật phân biệt thuyết giảng (Vibhajjavàda).
Sau khi các Tỳ-kheo nói như vậy, vua lại hỏi đại đức Ðế-Tu:
- Phật có phân biệt thuyết không?
Ðáp: - Ðúng như vậy, đại vương.
Biết Phật pháp đã thanh tịnh, vua bạch với các đại đức: - Xin các đại đức bố tát thuyết giới.
Vua sai người bảo vệ chúng tăng rồi trở về thành. Sau khi vua ra về, chúng tăng tập hợp có sáu vạn Tỳ-kheo. Trong chúng này Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu là thượng tọa phá tan đồ chúng ngoại đạo tà kiến. Chúng tăng chọn ra một ngàn Tỳ-kheo thông ba tạng, chứng ba đạt-trí. Theo như đại đức Ca-Diếp tập hợp chúng tăng ở đại hội thứ nhất và Tu-Na-Câu (Sonaka, Samp.Yasatthera) tập hợp chúng lần thứ hai để kết tập tạng luật, tất cả Phật-pháp đều được thanh tịnh không còn cấu bẩn, kết tập pháp tạng trong lần thứ ba này được hoàn tất trong chín tháng. Khi ấy, mặt đất chấn động sáu cách. Do có một ngàn Tỳ-kheo cùng nói ra nên gọi là kết tập lần thứ ba.
Pháp sư hỏi: - Trong ba lần kết tập này, ai làm luật sư trong cõi Diêm-phù-lỵ này? Tôi xin tuần tự kể tên các vị ấy: thứ nhất là Ưu-Ba-Ly, thứ hai là Ðà-Tả-Câu (Dàsakà), thứ ba là Tu-Na-Câu (Sonaka), thứ tư là Tất-Già-Bà (Siggava), thứ năm là Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu. Năm vị luật sư này tuần tự đem tạng luật truyền lại cho nhau ở cõi Diêm-phù-lỵ này cho đến khi kết tập luật tạng lần thứ ba.
Sau khi kết tập lần thứ ba này, khi Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu sắp Niết-bàn đem luật tạng truyền lại cho đệ tử là Ma-Hê-Ðà con trai vua A-Dục. Ngài Ma-Hê-Ðà đem tạng luật đến nước Sư-Tử (Tích lan). Khi Ma-Hê-Ðà sắp vào Niết-bàn, trao lại cho đệ tử là A-Lật-Thát (Arittha). Từ đó về sau, cùng nhau truyền thọ đến ngày nay, nên biết như vậy.
Ta sẽ kể lại danh hiệu năm vị luật sư đem luật tạng từ đất Diêm-phù-lỵ đến nước Sư-Tử. Vị thứ nhất tên Ma-Hê-Ðà, vị thứ hai tên Ðịa-Du (Itthiya), vị thứ ba tên Uất-Ðế-Du (Uttiya), vị thứ tư tên Tham-Bà-Lầu (Sambala), vị thứ năm tên Bạt-Ðà-Sa (Bhaddanàma). Năm vị pháp sư này có trí tuệ vô cùng, thần thông vô ngại, đắc ba đạt trí, cùng nhau dạy bảo đệ tử ở nước Sư-Tử.
Khi Ma-Hê-Ðà sắp Niết-bàn giao phó lại cho đệ tử là A-Lật-Thát. Vị này trao lại cho đệ tử là Ðế-Tu-Ðạt-Ða (Tissadatta). Vị này truyền lại cho đệ tử là Già-La-Tu-Mạt-Na (Kàlasumana). Vị này truyền lại cho đệ tử là Ðịa-Già-Na (Dìghanàmaka). Vị này truyền lại cho Tu-Mạt-Na (Dìghasumana). Vị này truyền lại cho Già-La-Tu-Mạt-Na (Kàlasumana). Vị này truyền lại cho Ðàm-Vô-Ðức (Dhammarakkita). Vị này truyền lại cho Ðế-Tu (Tissa). Vị này truyền lại cho Ðề-Bà (Deva). Vị này truyền lại cho Tu-Mạt-Na (Sumana). Vị này truyền lại cho Chuyên-Na-Già (Cùlanàga). Vị này truyền lại cho Ðàm-Vô-Bà-Ly (Dhamma - pàlinàma). Vị này truyền lại cho Xí-Ma (Khemanàma). Vị này truyền lại cho Ưu-Ba-Ðế-Tu (Upatissa). Vị này truyền lại cho Pháp-Phả. Vị này truyền lại cho A-Bà-Da (Abhaya). Vị này truyền lại cho Ðề-Bà (Cùla-Deva). Vị này truyền lại cho Tư-Bà (Sìva). Các vị luật sư như trên với trí tuệ đệ nhất, thần thông vô ngại, đắc ba đạt-trí, chứng ái-tận La-hán. Các vị sư trưởng như vậy truyền thừa không dứt cho đến ngày nay.
Pháp sư nói: - Tôi xin kể lại nhân duyên từ đầu: Khi ấy tại nước Ba-Thát-Lỵ-Phất, sau khi kết tập lần thứ ba xong, tôn giả Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu suy nghĩ: Trong tương lai, Phật pháp sẽ trường tồn ở đâu?
Tôn giả dùng thần thông quán sát cõi Diêm-phù-lỵ, thấy Phật pháp sẽ hưng thịnh ở biên địa. Biết như vậy, tôn giả tập họp chúng tăng bảo các trưởng lão: - Quí vị hãy đem Phật pháp đến thiết lập ở các nơi biên địa.
Các Tỳ-kheo đáp: - Lành thay!
Khi ấy, đại đức Mạt-Xiển-Ðề (Majjhantika) được phái đến trong nước Kế-Tân Kiền-Ðà-La-Thát (Kasmìra - gandhàra). Ðại đức Ma-Ha Ðề-Bà (Mahà-deva) đến nước Ma-Ê-Bà-Mạt-Ðà-La (Mahisakamandala).Lặc-Khí-Ða (Rakkhita) đến nước Bà-Na-Bà-Tu (Vanavàsi). Ðàm-Vô-Ðức (Yonaka-Dhammarakkhita) đến nước A-Ba-Lan-Ða-Ca (Aparataka). Ma-Ha Ðàm-Vô-Ðức (Mahà-dhammarakkhita) đến nước Ma-Ha-Lặc-Thát (Maharattha). Ma-Ha-Lặc-Khí-Ða đến thế giới Du-Na (Yonakaloka - là đất Hán). Mạt-Thị-Ma (Majjhima) đến các nước ở cạnh Tuyết Sơn (Himavantapadesa). Tu-Na-Ca, Uất-Ða-Ca (Sonaka, Uttara) đến nước Kim-địa (Suvannabhùmi - Miến Ðiện). Ma-Hê-Ðà, Uất-Ðế-Dạ, Tham-Lầu-Bà, Bạt-Ðà (Uttiya, Sambala, Bhaddasàla) đến nước Sư-Tử (Sìhaladìpa = Tambapannidìpa - Tích lan) đều cùng nhau thiết lập Phật pháp. Các đại đức ấy đều có năm vị kết hợp nhau cùng đi đến các nước để kiến lập Phật pháp.
Tại nước Kế Tân có long vương tên A-La-Bà-Lầu (Aravàla). Vào lúc lúa trong cả nước đang kết hạt, long vương này làm mưa lớn làm cho cây lúa bị ngập nước trôi ra biển. Khi ấy, phái đoàn năm vị Tỳ-kheo của đại đức Mạt-Xiển-Ðề từ nước Ba-thát-lỵ-phất bay lên không trung, hạ xuống ao A-la-bà-lầu bên sườn Tuyết Sơn và đi đứng nằm ngồi trên mặt nước. Ðồng tử quyến thuộc của Long vương vào thưa: - Long vương! Không biết người nào mặc y phục màu đỏ [(bhandu) (kàsàvavasana)] đang ở trên mặt nước, xâm phạm đến địa phận chúng ta.
Nghe báo, rất giận dữ, bước ra khỏi cung, thấy đại đức Mạt-Xiển-Ðề, long vương càng tức giận dữ dội thêm nên thi triển nhiều pháp thần thông trên hư không để gây kinh hãi cho Mạt-Xiển-Ðề và các Tỳ-kheo. Long vương lại gây gió bão, mưa lớn, sấm sét chớp sáng, núi đá sụp đổ, cây cối ngã nghiêng, cả hư không như sụp xuống. Ðồng tử của long vương lại tập trung tất cả các rồng nhỏ khác cùng phun ra khói lửa dữ dội, mưa đá gạch lớn muốn gây khủng bố cho đại đức Mạt-Xiển-Ðề. Thấy các vị này không sợ hãi gì cả, bọn rồng la mắng: - Những kẻ trọc đầu, các ông là ai mà mặc y phục màu đỏ như vậy?
Bị mắng chửi như vậy nhưng nhan sắc của đại đức không bị thay đổi. Long vương lại mắng chửi: - Hãy bắt chúng lại đánh cho chết đi.
Sau khi la mắng như vậy, long vương kêu binh chúng hiện ra các thần thông nhưng vẫn không hàng phục được đại đức.
Dùng năng lực thần thông của mình, đại đức Mạt-Xiển-Ðề trấn áp thần thông của bọn rồng và bảo: - Này long vương! Giả như ngươi có thể ra lệnh cho tất cả chư thiên, loài người cùng đến gây khủng bố cũng không làm lay động một sợi lông của ta. Nếu ngươi có lấy núi Tu di và các núi nhỏ ném trên ta đi nữa thì cũng không thể xâm phạm đến ta được.
Nghe đại đức nói như vậy, long vương suy nghĩ: Ta đã thi thố thần thông quá mệt mỏi rồi mà cũng không xâm phạm được vị ấy.
Rất phẫn nộ nhưng long vương đành phải đứng yên. Biết rõ tâm của long vương, đại đức đem pháp vị cam lộ ra giáo hóa làm cho chúng hoan hỷ quy phục. Sau khi tiếp nhận được pháp cam lộ, long vương liền thọ ba qui y và năm giới cấm. Tám vạn bốn ngàn quyến thuộc đều thọ trì năm giới. Nghe đại đức Mạt-Xiển-Ðề thuyết pháp rồi, các quỉ dạ-xoa, kiền-bạt-bà (gandhabba), cưu-bàn-trà (kumbhanda) ở Tuyết sơn liền thọ trì tam quy và năm giới. Lại có dạ-xoa năm người (pancaka) cùng quyến thuộc là dạ-xoa nữ Ha-Lê-Ðế-Da (Harìtakin) với 500 người con đắc đạo quả Tu-đà-hoàn.
Khi ấy, đại đức Mạt-Xiển-Ðề bảo với tất cả dạ-xoa và long vương rằng từ nay về sau chớ nên giận dữ, chớ tàn phá mùa màng của dân chúng, nên có tâm từ bi với tất cả chúng sinh làm cho họ được an lạc.
Tất cả các rồng, quỉ đáp: - Lành thay! Xin tuân theo lời đại đức chỉ dạy.
Ngay hôm ấy, long vương tổ chức cúng dường to lớn, sai người hầu đem long tọa bằng bảy báu của mình cho đại đức Mạt-Xiển-Ðề dùng. Sau khi đại đức an tọa, long vương đứng bên cạnh long tọa, cầm quạt quạt cho tôn giả Mạt-Xiển-Ðề. Bấy giờ, vào những ngày lễ, nhân dân nước Kế tân Kiền-đà-lặc-xoa thường tập họp đến gặp long vương. Ðến cung điện này, thấy đại đức Mạt-Xiển-Ðề, họ nói với nhau: - Tỳ-kheo này có thần lực này thắng cả long vương.
Do đó, mọi người đảnh lễ đại đức Mạt-Xiển-Ðề, rồi ngồi xuống. Tôn giả thuyết giảng kinh Tục-Thí-Dụ (Asivisopamasuttanta - kinh Xà Dụ) cho mọi người nghe. Có tám vạn chúng sinh đắc đạo quả, ngàn người xuất gia.
Pháp-sư nói: - Từ đó về sau, khắp nước Kế-tân được sáng rực bởi màu y cà-sa.
Có bài kệ:
Nước Kế-tân Kiền đà,
Khi ấy Mạt-Xiển-Ðề,
Giáo hóa Long vương dữ,
Làm cho thọ qui giới,
Lại có rất nhiều người,
Giải thoát khỏi trói buộc,
Tám vạn được thiên nhãn,
Cả ngàn người xuất gia.
Sau khi đến nước Ma-ê-ta-mạn-đà-la, đại đức Ma-Ha Ðề-Bà thuyết giảng kinh Thiên-Sứ (Devadùtasutta). Có bốn vạn người đắc đạo quả và cùng nhau xuất gia. Có bài kệ:
Ma-Ha Ðề-Bà, Có đại thần lực,
Chứng ba đạt-trí, Ðến Ma-ê-ta.
Thuyết giảng kinh Thiên-Sứ
Ðộ thoát các chúng sinh
Bốn vạn đắc thiên nhãn,
Ðều cùng nhau xuất gia.
Ðến nước Bà-Na-Ba-Tư, đại đức Lặc-Khí-Ða ngồi trên không trung thuyết kinh Vô-Thỉ (Anamataggapariyàyakatha). Có sáu vạn người đắc thiên nhãn (Dhammacakkhu - pháp nhãn). Bảy vạn người xuất gia. Năm trăm ngôi chùa (Vihàra) được dựng lên. Có bài kệ:
Ðại đức Lặc-Khí-Ða,
Có sức thần thông lớn,
Ðến Ba-na-ba-tư,
An tọa trên hư không,
Thuyết giảng kinh Vô-thỉ,
Nhiều người được thiên nhãn,
Bảy ngàn người xuất gia,
Năm trăm chùa được cất.
Ðến nước A-Ba-Lan-Ða, đại đức Ðàm-Vô-Ðức thuyết kinh Hỏa-Tụ-Dụ (Aggik khandhùpamasuttantakathà) làm cho nhân dân hoan hỷ. Có sáu vạn người đắc thiên nhãn, được uống nước pháp cam lộ (Dhammàmata). Thanh niên và thiếu nữ thuộc chủng tộc Sát-lỵ (Khattiya), đều xuất gia 1000 người. Vậy là Phật pháp được truyền khắp, Có bài kệ:
Ðại đức Ðàm-Vô-Ðức,
Có sức thần thông lớn,
Ðến A-Bà-Lan-Ða,
Giảng kinh dụ Ðống-lửa,
Mọi người được thiên nhãn,
Uống nước pháp cam lộ,
Có một ngàn Tỳ-khưu,
Và một ngàn Tỳ-khưu-ny.
Ðến nước Ma-Ha-Lặc-Thát, đại đức Ma-Ha Ðàm-Vô-Ðức thuyết giảng kinh Ma-Ha-Na-La-Ðà-Ca-Diếp bản sinh (mahànàradakassapajàtaka) làm cho tám vạn bốn ngàn người được đắc đạo, ba ngàn người xuất gia, Phật pháp được truyền khắp như vậy. Có bài kệ:
Ðại đức Ma-Ha-Ðàm,
Có sức thần thông lớn,
Ðến Ma-Ha-Lặc-Thát,
Thuyết kinh Ca-Diếp bản,
Vô số đắc đạo quả,
Ba ngàn người xuất gia.
Ðến xứ sở Du-Na, đại đức Ma-Ha Lặc-Khí-Ða thuyết giảng kinh Ca-La-La-Ma (Kàlakàràmasuttanta). Có bảy vạn ba ngàn người đắc đạo quả, bảy ngàn người xuất gia làm cho Phật pháp được truyền rộng ở đây. Có bài kệ:
Ma-Ha Lặc-Khí-Ða,
Có sức thần thông lớn,
Ðến đất nước Du-Na,
Thuyết kinh Ma-Ca-La,
Nhiều người đắc đạo quả,
Cả ngàn người xuất gia.
Ðến vùng cạnh Tuyết Sơn, đại đức Mạt-Thị-Ma, Ca-Diếp, Ðề-Bà, Thuần-Tỳ-Ðế-Tu, Sa-Ha-Ðề-Bà (Kassapagotta, Alakadeva, Dumdubhissara, Sahadeva) thuyết giảng kinh Sơ-Chuyển-Pháp-Luân (Dhammacakkappavattanasuttanta). Có tám ức người chứng đắc đạo quả. Năm vị đại đức này giáo hóa cho năm vương quốc, độ cho năm ngàn người xuất gia. Như vậy là Phật pháp được truyền bá ở vùng Tuyết Sơn. Có bài kệ:
Ðại đức Mạt-Thị-Ca,
Có sức thần thông lớn,
Ðến bên vùng Tuyết Sơn,
Thuyết kinh Chuyển-pháp-luân.
Chúng sinh được đạo quả,
Năm ngàn người xuất gia.
Ðại đức Tu-Na-Ca-Na-Uất-Ða-La đến nước Kim-Ðịa. Tại đây, khi nào Vương phi sinh con thì có một nữ dạ-xoa từ biển cả đi vào vương cung bắt ăn trẻ ấy. Trong lúc vừa sinh được một bé trai, phu nhân của vua trông thấy đại đức Tu-Na-Ca đến, thì rất sợ hãi vì cho rằng đây là bạn của nữ dạ-xoa nên sai đem binh khí đến định giết tôn giả. Tu-Na-Ca hỏi: - Vì sao đem binh khí đến?
Mọi người đáp: - Trong cung có sinh trẻ con, mà bạn của nữ dạ-xoa định bắt để ăn thịt, ông không phải là bạn của chúng hay sao?
Ðáp: - Ta không phải là bạn của nữ dạ-xoa, chúng ta là Sa-môn, đã từ bỏ việc giết hại, giữ gìn mười điều thiện, rất tinh tấn. Ta có thiện pháp.
Nghe trong cung có sinh trẻ con, nữ dạ-xoa cùng tùy tùng ra khỏi biển, bảo nhau: - Vua sinh con, ta hãy đến bắt để ăn thịt.
Thấy bọn dạ-xoa đến, những người trong nước, ở cung vua rất kinh sợ, chạy đi báo với đại đức. Khi ấy, đại đức Tu-Na-Ca hóa ra một đám đông dạ-xoa nhiều gấp bội bọn kia và bao vây chúng lại. Thấy đám đông dạ-xoa này, bọn nữ dạ-xoa suy nghĩ: Bọn dạ-xoa kia đã chiếm nước này rồi, đang tiến đến muốn bắt chúng ta để ăn.
Với suy nghĩ như vậy, bọn nữ dạ-xoa vội bỏ chạy không kịp nhìn lại, bị đám đông dạ-xoa rượt theo đến mất dạng. Ðại đức Tu-Na-Ca lại tụng kinh chú nguyện phòng vệ khắp đất nước không cho các dạ-xoa xâm phạm được và thuyết giảng kinh Phạm-võng (Brahmajàlasuttanta) cho mọi người. Có sáu vạn người được đạo quả. Có nhiều người thọ trì ba quy y và năm giới. Ba ngàn năm trăm người xuất gia làm Tỳ-kheo tăng và một ngàn năm trăm Tỳ-kheo ny. Như vậy là Phật pháp được truyền bá rộng.
Pháp sư nói: Từ đó đến nay, nếu sinh con, vua nơi này đều đặt tên là Tu-Uất-Ða-La (Sonuttara). Có bài kệ:
Ðại đức Tu-Na-Ca,
Tỳ-kheo Uất-Ða-Ca,
Có sức thần thông lớn,
Ði đến nước Kim-Ðịa,
Thuyết giảng kinh Phạm-võng,
Chúng sinh được đạo quả,
Ba ngàn năm trăm tăng,
Một ngàn năm trăm ny.
Ðược đại đức Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu sai đi với chúng tăng đi đến đảo Sư-Tử, ngài Ma-Hê-Ðà suy nghĩ: - Nên đi lúc này hay không?
Sau khi nhập định quán sát, tôn giả biết rằng vua nước A-nậu-la-đà (Anuràdhapura) ở đảo Sư-tử là Văn-Trà-Tư-Ba (Mutasìva) đã già yếu, không thể tiếp nhận sự giáo hóa. Nếu đến đó giáo hóa, Phật pháp cũng không trường tồn vậy nên ở lại, chưa đến lúc đi. Khi vua qua đời, thái tử lên ngôi, ta sẽ cùng nhau đến đó truyền bá Phật pháp. Lúc này, ta nên về quê ngoại, thăm viếng mẫu hậu. Sau khi đến nước của mẹ, ta sẽ không trở về đây mà đi luôn đến đảo Sư-tử.
Sau khi đến gặp bổn-sư đảnh lễ từ giã, Ma-Hê-Ðà cùng chư tăng rời khỏi tăng-già-lam A-dục. Ðoàn này có sáu vị, Ma-Hê-Ðà là thượng tọa, sa di là Tu-Mạt-Na (Sumana) con của Tăng-Già-Mật-Ða và thêm một ưu-bà-tắc tên là Bàn-Ðầu-Ca (Bhanduka) cùng nhau lên đường. Qua khỏi thành Vương xá, đến thôn Nam Sơn (dakkhinagirijanapada), đoàn người tiếp tục đi đến nước của mẹ Ma-Hê-Ðà.
Pháp sư nói: - Vì sao? Trước đây, khi được phong cho nước Uất-chi (Ujjenì), trên đường đến nước ấy, ngang qua thôn Tỳ-Ðề-Tả (Vedisanagara) dưới chân núi Nam-Sơn, vua A-Dục được vị trưởng giả rất giàu sang gả con gái cho làm vợ. Ðến nước kia, hoàng nam Ma-Hê-Ðà được sinh ra ở đó. Khi Ma-Hê-Ðà lên mười bốn tuổi, A-Dục lên ngôi vua và để vợ ở lại thôn Tỳ-Ðề-Tả, nước Uất-Chi. Thế nên, trong kinh văn có ghi chú: Vào tháng sáu, Ma-Hê-Ðà đến gặp mẹ.
Khi Ma-Hê-Ðà đến nước của mẹ, người mẹ ra nghênh đón, lạy sát duới chân, mời thọ trai và dâng cúng chùa lớn hiệu Tỳ-Ðịa-Tả.
Sau khi trú tại chùa này một thời gian ngắn, Ma-Hê-Ðà suy nghĩ: Nơi này, việc làm đã xong, đến lúc lên đường chưa?
Tôn giả lại suy nghĩ: Hãy chờ vua A-Dục sai sứ đến đảo Sư-tử (Sìhaladìpa, Samp.Lankàdipa) phong cho thái tử Thiên-Ái Ðế-Tu (Devànampiyatissa) lên ngôi vua rồi ta sẽ sang đó. Nếu thái tử ấy được lên ngôi, lại được vua A-Dục phong vương và nghe được công đức của Như Lai thì rất vui mừng. Chờ vua ấy đi đến núi Mi-sa-già (Missakapabbata), ta sẽ đến gặp, một tháng sau sẽ đến đó.
Vào ngày mười lăm tháng tư, khi chúng tăng tập hợp bố tát, cùng nhau tính toán, mọi người đều nói: - Ðến lúc nên đi.
Pháp sư nói: - Khi ấy có nói kệ khen ngợi:
Thượng tọa Ma-Hê-Ðà,
Ðại đức Uất-Ðịa-Du,
Ðại đức Uất-Ðế-Du,
Ðại đức Bạt-Ðà-Ða,
Ðại đức Tham-Bà-Lầu,
Sa di Tu-Ma-Na,
Ðều chứng ba đạt trí,
Thiện nam Bàn-Ðầu-Ca,
Ðã chứng đắc đạo-tích,
Ðây là các đạo sĩ.
Khi ấy, biết vua Trà-Tư-Bà đã qua đời, Thiên-Ðế-Thích giáng hạ, thưa với Ma-Hê-Ðà: - Vua A-Nậu-La-Ðà nước Sư-Tử đã qua đời, thái tử Thiên-Ái Ðế-Tu đã nối ngôi. Con nhớ ngày xưa khi còn tại thế, Phật có báo trước Tỳ-kheo Ma-Hê-Ðà sẽ làm hưng thịnh Phật pháp ở nước Sư-Tử. Vì vậy đại đức nên đi ngay, con cũng đi theo đến nơi ấy. Khi ấy, dưới cội Bồ đề, dùng thiên nhãn quán sát khắp thế gian, thấy Phật pháp sẽ hưng thịnh ở nước Sư-Tử nên Phật ra lệnh cho con rằng hãy đi cùng đại đức Ma-Hê-Ðà sang đảo Sư-tử để xây dựng Phật pháp. Thế nên, con mới thưa như vậy.
Nghe Thiên-Ðế-Thích nói như vậy xong, từ núi Voi ở Tỳ-Ðịa-Tả (vedisakapabbata), đại đức Ma-Hê-Ðà cùng đại chúng bay lên hư không bay sang đảo Sư-Tử nước A-Nậu-La-Ðà, đến núi My-Sa-Ca ở hướng Ðông, hạ xuống. Thế nên, từ đó đến nay nơi này được gọi là núi Voi (cetiyapabbata). Pháp sư nói: - Có bài kệ nói rằng:
Ở lại thôn Tỳ-Ðịa,
Trải qua ba mươi ngày,
Ðã đến lúc lên đường,
Ði sang đảo Sư-Tử,
Từ lục-địa Diêm-phù,
Tuần tự bay sang đảo,
Như nhạn bay trên không,
Thẳng hàng đúng thứ tự,
Các vị đại đức này,
Tạo nhân duyên đầu tiên,
Như đám mây lớn đến
Núi hướng Ðông nước này,
Trên đỉnh núi Mi-sa,
Họ nhẹ nhàng hạ xuống.
Khi các vị đại đức này với Ma-Hê-Ðà là thượng tọa đến đảo Sư tử, vào năm thứ 236 sau đức Phật nhập Niết-bàn, nên biết đây là thời điểm bắt đầu Phật pháp được truyền bá sang đảo Sư-tử.
Phật nhập Niết-bàn khi vua A-Xà-Thế lên ngôi được tám năm. Vào năm này, đồng tử Sư-Tử (Sìhakumara) vừa lên ngôi vua ở đảo Sư-tử.
Lại có đồng tử tên Tỳ-Xà-Na (Vijaya) đến đảo Sư-tử, kiến thiết chỗ ở an ổn cho nhân dân. Khi ấy vua ở đất Diêm-phù tên là Uất-Ðà-Da-Bạt-Ðà-La (Udayabhadra) lên ngôi vua được 14 năm.
Khi Tỳ-Xà-Na qua đời ở đảo Sư-tử thì Uất-Ðà-Da-Bạt-Ðà-La đã làm vua được 15 năm.
Tại nước Sư-tử, Bán-Ðầu-Ðề-Tu-Ðề-Bà (Panduvàsadeva) lên ngôi vua thì tại Diêm-phù-lỵ, vào lúc Na-Ca-Trục-Tả-Ca (Nàgadassaka) lên ngôi vua đã 20 năm.
Khi vua Bán-Ðầu-Ðề-Tu-Ðề-Bà qua đời, A-Bà-Na (Abhaya) lên làm vua thì tại Diêm-phù-lỵ, vua tên Tu-Tu-Phật-Na-Ca (Susunàga) làm vua 17 năm.
Tại đảo Sư-tử, khi A-Bà-Da làm vua được 20 năm, có Bà-Quân-Trà-Ca-Bà-Da (pakundakàbhaya) nổi binh đánh chiếm ngôi và lên làm vua.
Tại cõi Diêm-phù, vua tên Ca-A-Dục (Kàlàsoka) trị vì được 16 năm thì vua Ba-Quân-Trà-Ca-Ba-Da đã trị vì 18 năm.
Vua ở Diêm-phù-lỵ tên Chiên-Ðà-Quật-Ða (Candagutta) trị vì được 14 năm thì vua Ba-Quân-Trà-Ca-Ba-Da ở đảo Sư-tử qua đời và Văn-Trà-Tư-Ba lên làm vua.
Tại Diêm-phù-lỵ, khi A-Dục ở ngôi vua được 17 năm (thì tại đảo Sư-tử ) Văn-Trà-Tư-Ba qua đời và vua Thiên-Ái Ðế-Tu lên thay thế.
Khi Phật đã nhập Niết-bàn, vua A-Nậu-Lậu-Ðà (Anurudha) và vua Mẫn-Trù (Munda) đều tại vị đã 8 năm. Vua Na-Ca-Ðãi-Bà-Ca (Nàgadassaka) làm vua được 14 năm, Tu-Tu-Phật-Na-Ca làm vua 18 năm thì con lên nối ngôi hiệu là A-Dục (Asoka, Kàlàsoka) làm vua được 18 năm. Vua A-Dục có 10 người con đều lên ngôi vua trong thời gian 22 năm.
Sau đó, Mân-Nan-Ðà (Nava Nanda) thay lên làm vua trong 22 năm. Lại có Chiên-Ðà-Quật-Ða làm vua trong 24 năm. Vua Tân-Ðầu-Sa-La (Bindusàra) lên thay ngôi trong 28 năm.
Vua A-Dục lên nối ngôi được 18 năm thì Ma-Hê-Ðà là con vua đi đến đảo Sư-tử; nên biết thứ tự các triều đại vua như vậy.
Khi ấy, vì đi tránh sao hạn xấu nên vua Thiên-Ái Ðế-Tu ra lệnh các quan đánh trống truyền lệnh vua sẽ ra khỏi thành để tránh hạn xấu. Sau khi truyền lệnh, cùng bốn vạn người vây quanh ra khỏi thành đến núi My-sa-ca, vua muốn săn bắn. Khi ấy, trong núi có một thần cây muốn làm cho vua gặp đại đức Ma-Hê-Ðà nên hóa ra một con nai đang từ từ đi ăn cỏ ở gần vua. Thấy con nai, vua liền giương cung lắp tên muốn bắn với ý nghĩ: Ta phải bắn trúng con nai này.
Nai chạy về hướng đường Xà-bà-đà-la (Ambatthalamagga) và vua rượt theo đến Xà-bà-đà-la (Ambatthala). Biết gần đến chỗ Ma-Hê-Ðà, con nai biến mất.
Thấy vua đã đến gần, Ma-Hê-Ðà suy nghĩ: ta hãy dùng thần lực làm cho vua chỉ thấy ta chứ không thấy người khác. Ðại đức Ma-Hê-Ðà gọi Ðế-Tu: - Này Ðế-Tu hãy đến đây.
Nghe gọi đến, vua suy nghĩ: Trong đất nước này, ai lại dám gọi tên ta, đây là ai vậy mà mặc y phục đỏ được may thành bằng cách cắt rọc ra (Chinnabhinnapatadhara Bhandukàsàvavasana) lại gọi tên ta.
Với sự nghi ngờ, vua hỏi: - Người nào vậy, là thần hay quỉ?
Ðại đức Ma-Hê-Ðà đáp: - Chúng tôi là Sa-môn Thích-tử của đức Pháp-Vương, vì thương tưởng đến đại vương nên từ Diêm-phù-lỵ đến đây.
Trước đây, vua Thiên-Ái Ðế-Tu và vua A Dục đã có giao tiếp quen biết nhau qua thứ tín. Vua Thiên-Ái Ðế-Tu với tướng mạo uy nghiêm đức độ, có ngọn núi tên Xa-đa-ca (Chàtakapabbata). Rừng tre bên cạnh núi này có ba loại tre lớn như trục xe. Một tên Ðằng-trượng, hai tên Hoa -trượng, ba tên Ðiểu-trượng. Ðằng-trượng có màu trắng như bạc, dây vàng quấn quanh. Hoa-trượng có các loại hoa anh lạc màu vàng biếc đỏ đen trắng. Ðiểu-trượng giống như sinh vật, có các loại chim như chim ưng, chim diêu (hamsa-hukkuta-jìvajivaka) chim kỳ bà, chim thị-tỳ-ca và các loại chúng sinh bốn chân.
Pháp sư nói: - Xưa có bài kệ (Dìpava):
Bên núi Xa-đa-ca,
Có một rừng tre rậm,
Trong có ba loại tre,
Màu sắc trắng như bạc,
Vàng, trắng, đỏ, xanh, đen,
Dây vàng quấn um tùm,
Các chim, thú bốn chân,
Nhiều loại hoa chiếu sáng.
Trong biển sản xuất ra nhiều báu vật như san hô, ngọc ma ni, vàng bạc... Lại có tám loại châu ngọc quí là Mã-châu, Tượng-châu, xa-châu, Bà-la-ca châu, Bà-la-da châu, Triền chỉ châu, Ca-cưu-đà-bà-la châu, Thế gian châu (attha muttà: - Hàyamuttà, gajamuttà, rathamutta, Amalakamutta, Vralayamutta, angulivetthakamutta, kakudhaphalamutta, pàtakikamutta). Vua Thiên-Ái Ðế-Tu sai sứ đem ba loại tre trên và các báu vật cùng tám loại ngọc quí ở trên dâng cho vua A-Dục. Nhận những vật này, vua A-Dục rất vui mừng và đáp lễ với năm loại vương phục là lọng, phất, kiếm, mão và giày bảy báu cùng vô số bảo vật (panjarajakakudhabhandàni: chatta, càmara, khagga, moli, ratana-pàduka). Những tặng vật quí giá như cái tù-và quí (Dakkhinàvatta-sankha), bát luôn đầy nước sông Hằng (Gangodaka), hoa trang sức ở tai (vatamsaka), bình quí bằng vàng (bhinkàra), một cặp y phục màu đen mượt như tóc, khăn tay (hatthapunchana), chiên-đàn xanh (haricandana), bột đất màu bình minh (arunavannamattika), quả duốt màu vàng (harìtaka), quả xoài (àmalaka), các cô gái đẹp.
Pháp sư nói lại bài kệ xưa (dìpava):
Mão vua phất, lọng, kiếm,
Giày trang trí bảy báu,
Bình vàng với tù-và,
Cặp y phục đen mượt,
Bát vàng trang bị đủ,
Ðựng nước ao A-nậu,
Khăn tay quí trắng sạch,
Chiên đàn xanh vô giá,
Ðất trắng màu bình minh,
Thuốc trị mắt của rồng,
Trái xoài, A-lê-lặc,
Thuốc cam lộ quí báu,
Gạo do anh-vũ dâng,
Số lượng năm trăm gánh,
Những báu vật đẹp này,
Nhờ công đức A-Dục.
Những báu vật trên là tặng vật thế gian (Amisapannàkàra), lại có những tặng vật Tam bảo (Dhammapannàkàrà). Vua A-Dục nói: - Ta đã quy y Phật, Pháp và Tăng bảo, làm người Ưu-bà-tắc; đây là pháp của người Thích tử đối với Tam-bảo. Ngươi hãy chí tâm tín thọ Phật pháp này.
Vua A-Dục đưa lễ vật thư tín đáp lại tặng vật của vua Thiên-Ái Ðế-Tu và phong vương vị cho vua này. Vào ngày rằm tháng ba, vua Thiên-Ái Ðế-Tu nhận lĩnh vương vị. Sau đó một tháng, tăng đoàn Ma-Hê-Ðà đến đảo này.
Nghe Ma-Hê-Ðà tự xưng là Thích tử, tại chỗ săn bắn, vua Thiên-Ái Ðế-Tu nhớ lại trong thư của vua A-Dục có nói đến Thích-tử, nên nhà vua vứt bỏ cung tên rồi xuống một bên chào hỏi nhau. Pháp sư nói lại bài kệ khen ngợi:
Vứt bỏ cung tên,
Ngồi xuống một bên,
Ðại vương ngồi yên,
Thăm hỏi đại đức,
Hỏi đáp giáo pháp,
Có bốn vạn người,
Ðến chỗ nhà vua,
Cùng nhau vây quanh.
Khi đoàn quân đã đến, đại đức Ma-Hê-Ðà liền hiện ra đủ sáu vị. Thấy như vậy, vua hỏi:
- Ðại đức! Sáu người này đến từ lúc nào vậy?
Ðáp: - Cùng đến với tôi.
Vua lại hỏi: - Ở Diêm-phù-lỵ có các vị Sa-môn như thế này không?
Ðáp: - Tại xứ ấy, chúng Sa-môn rất đông, màu y ca-sa chói sáng khắp nước. Họ đều chứng ba đạt trí, thần thông vô ngại, chứng quả lậu tận La-hán, thấu rõ tâm người khác; chúng Thanh văn đệ tử của Phật rất nhiều.
Vua lại hỏi: - Các đại đức đến đây bằng phương tiện gì?
Ðáp: - Chúng tôi không đến bằng đường thủy hay bộ.
Vua suy nghĩ: - Như vậy, họ vượt qua hư không đến.
Ma-Hê-Ðà lại suy nghĩ: - Nhà vua có trí tuệ hay không, ta sẽ thử xem.
Khi ấy, vua đang ngồi gần một cây xoài (ambarukkha). Nhắm vào cây xoài, Ma-Hê-Ðà hỏi: - Ðại vương! Ðây là cây xoài phải không?
Ðáp: - Ðúng là cây xoài.
Hỏi: - Bỏ cây xoài này qua, có còn cây khác không?
Ðáp: - Có cây khác.
Hỏi: - Bỏ cây này qua, có cây khác không?
Ðáp: - Có!
Hỏi: - Lại bỏ cây ấy qua, có cây khác không?
Ðáp: - Có.
Hỏi: - Bỏ hết những cây khác ấy đi, còn có cây nào không?
Ðáp: - Ðó là cây xoài phải không?
Ma-Hê-Ðà khen: - Lành thay! Ðại vương có trí tuệ lớn.
Ma-Hê-Ðà lại hỏi: - Ðại vương có thân tộc không? (nataka)
Ðáp: - Rất nhiều.
Hỏi: - Hãy để thân tộc của vua qua, người khác có thân tộc không?
Ðáp: - Rất nhiều.
Hỏi: - Hãy để thân tộc của vua và của người khác qua, vậy còn có ai không?
Ðáp: - Còn chính con.
Ma-Hê-Ðà đáp: - Lành thay! Lành thay! Ðại vương thông minh, tự biết thân mình chẳng phải là thân tộc của mình và của người khác.
Nhân đó, đại đức Ma-Hê-Ðà nói rằng vị vua trí tuệ này có thể kiến thiết Phật pháp, nên thuyết giảng kinh Chú-la-ha tượng-thí-dụ (Cùhalatthipadopamasuttta). Vua và bốn vạn người cùng thọ ba quy y một lượt. Sau khi nghe pháp xong, sai người trở lại kinh đô để lấy thức ăn, vua suy nghĩ: Giờ này là phi thời, không phải lúc sa-môn ăn.
Khi thức ăn đã được đem đến, vua muốn ăn một mình nhưng vẫn do dự nên hỏi: - Thưa các đại đức! Quí vị có thọ trai không?
Ðáp: - Giờ này không phải lúc Sa-môn chúng tôi thọ thực.
Hỏi: - Dùng giờ nào là thanh tịnh?
Ðáp: - Thời gian từ sáng sớm đến giữa trưa là tịnh pháp.
Vua nói: - Thỉnh quí đại đức, cùng trẫm trở lại kinh đô.
Ðáp: - Không được, chúng tôi ở lại đây.
Vua thưa: - Nếu quí đại đức ở lại, xin thỉnh đồng tử cùng đi.
Ðáp: - Ðồng tử này đã đắc đạo quả, thông hiểu Phật pháp, đang sắp xuất gia.
Vua đáp: - Như vậy, sáng mai con sẽ đưa xe đến nghênh đón.
Nói xong, vua đảnh lễ sát chân chư Tăng rồi từ giã. Vua đi chưa bao lâu, Ma-Hê-Ðà gọi sa di Tu-Ma-Na:
- Lúc này nên thuyết pháp, con hãy thông báo sắp chuyển pháp luân.
Tu-Ma-Na thưa: - Con sẽ truyền âm thanh đến đâu?
Ðáp: - Khắp nước Sư-tử.
Tu-Ma-Na thưa: - Lành thay, đại đức.
Sau khi nhập vào thiền thứ tư, rồi xuất định, với nhất tâm làm sao nhân dân khắp cả nước Sư-tử nghe tiếng nói của ta, vị này thông báo giờ thuyết pháp ba lần.
Nghe tiếng thông báo ba lần vang dội, vua sai người đến chỗ các vị đại đức hỏi có ai xúc phạm các vị làm cho phát ra tiếng vang lớn như vậy?
Các đại đức đáp: - Không ai xúc phạm cả, tiếng loan báo này là sắp thuyết giảng Phật pháp.
Nghe tiếng loan báo của sa di, địa thần rất hoan hỷ kêu lớn lên vang tận hư không. Trên hư không, chư thần tuần tự truyền cho nhau lên tận cõi Phạm-thiên. Nghe tiếng thông báo, chư thiên cõi Phạm tập họp lại hết.
Khi ấy, Ma-Hê-Ðà thuyết kinh Bình-Ðẳng-tâm (Samacittasuttanta). Sau khi thuyết giảng, có vô số chư thiên đắc đạo tích (dhammàbhisamaya); Ma-hầu-la-già, Ca-lâu-la... đều thọ ba quy y. Như ngày xưa, khi đại đức Xá-Lỵ-Phất giảng kinh Bình-Ðẳng-Tâm có vô số người được đạo quả, bấy giờ đại đức Ma-Hê-Ðà thuyết pháp này cũng được kết quả như vậy.
Qua đêm ấy, vào sáng hôm sau, vua đưa xe đến nghênh đón. Ðến nơi, sứ giả thưa: - Bạch chư đại đức! Xe đã đến, xin quí ngài hạ cố lên xe.
Chư tăng đáp: - Chúng tôi không đi xe, các vị về trước, chúng tôi theo sau.
Sau khi nói như vậy, các vị ấy vượt qua hư không đến phía Ðông kinh đô của nước A-nậu-la là trú xứ ngày xưa của chư Phật, hạ xuống. Tại nơi mà tăng đoàn Ma-Hê-Ðà bước xuống được gọi là Trú-xứ đầu tiên (Pathamacetiyatthàna). Vua sai sứ giả nghênh đón các đại đức và ra lệnh các quan xếp đặt phòng xá. Nghe vua ra lệnh như vậy, các quan rất vui mừng, vua lại suy nghĩ: - Theo pháp đã thuyết hôm qua thì pháp của sa-môn là không được sự dụng chỗ nằm ngồi rộng lớn.
Vua tính toán chưa xong thì sứ giả đã trở về đến cửa thành. Trông thấy các đại đức đã có mặt tại phía Ðông thành với y phục nghiêm trang, sứ giả rất vui mừng vào tâu vua: - Các đại đức đã đến.
Vua hỏi: - Các đại đức dùng xe phải không?
Ðáp: - Quí ngài không chịu dùng xe. Chúng tôi về trước, các đại đức theo sau nhưng đã có mặt trước ở phía Ðông thành.
Nghe sứ giả tâu, vua ra lệnh: - Không cần phải bố trí chỗ ngồi cao lớn, hãy trải chỗ ngồi bằng nệm êm trên đất.
Sau khi truyền lệnh, vua ra ngoài nghênh đón các vị đại đức. Các quan đại thần dùng các tấm len mịn trải trên nệm. Các thầy tướng trong nước thấy vua trải nệm trên đất nên suy nghĩ: Các sa-môn này đã chiếm cứ vùng đất này, vĩnh viễn không di chuyển được.
Ðến nơi đón các đại đức, nhà vua làm lễ sát dưới chân, đem các vật ra cúng dường rồi thỉnh vào trong nước. Thấy các tấm nệm trải trên đất, nhóm đại đức Ma-Hê-Ðà đều suy nghĩ: - Giáo pháp của chúng ta vĩnh viễn không di chuyển khỏi vùng đất này.
Sau khi các vị đại đức tuần tự an tọa theo thứ bậc, nhà vua đem các món ăn uống thơm ngon quí giá đích thân dâng lên cúng dường đầy đủ, được tin của vua báo, đại phu nhân tên A-Dật-La (Anulàdevì) cùng trong cung 500 phu nhân đều mang hương hoa đến dâng cho vua rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, vì đại chúng, đại đức Ma-Hê-Ðà mưa trận mưa pháp bằng cách thuyết kinh Ngạ-quỉ Bổn-sinh (petavatthu), Cung-điện bản-sinh (Vimànavatthu) giảng pháp Tứ-đế (Saccasamyutta). Nghe thuyết xong, 500 phu nhân đều đắc đạo quả. Nhân dân trong nước mà trước đây có theo vua đi đến núi My-sa-ca (Missakapabbata) đều cùng truyền nhau khen ngợi công đức cao tột của các đại đức. Gần xa đều kéo đến chen lấn nhau với số lượng quá đông che kín không được thấy các đại đức nên mọi người kêu la vang dậy.
Vua hỏi: - Cái gì kêu lớn như vậy?
Ðáp: - Nhân dân trong nước không được thấy các đại đức Tỳ-kheo nên kêu la vang dậy.
- Trong này quá chật hẹp, không thể vào được - Vua suy nghĩ như vậy rồi bảo các quan: - Hãy thu dọn trong nhà để voi lớn (hatthisàla), phủ cát trắng trên đất, rải hoa ngũ sắc, che các tấm màn và đưa quí đại đức vào an tọa ở đó. Sau khi bố trí xong, các quan vào tâu vua và sau đó các đại đức vào an tọa trong ngôi nhà voi rồi thuyết giảng kinh Thiên-Sứ, có ngàn người đắc đạo quả. Khi ấy, số người trong nhà voi lại tăng thêm nữa, nên pháp hội được di chuyển đến khu vườn Nan-đà (Nandanavana) ở ngoài cửa thành phía Nam. Các tấm nệm được trải ra trong vườn. Ðến đó, các đại đức Tỳ-kheo thuyết giảng kinh Ðộc-Dụ, có ngàn người đắc đạo. Thuyết pháp từ ngày thứ nhất đến ngày thứ ba, có 2500 người đắc đạo-tích. Khi các đại đức ở trong vườn Nan-đà, có các phụ nữ trưởng giả trong nước đến làm lễ thăm hỏi từ sáng đến chiều.
Thấy các Tỳ-kheo đứng dậy, các quan ngạc nhiên hỏi: - Quí đại đức, định đi đâu?
Ðáp: - Chúng tôi muốn trở về chỗ ở.
Các quan tâu vua: - Ðại vương, các pháp sư định ra đi, ngài đồng ý không?
Vua liền thưa: - Quí đại đức! Trời đã tối, làm sao đi được, xin ở lại đây.
Các Tỳ-kheo đáp: - Không ở được.
Vua lại thỉnh: - Cha con có khu vườn tên My-già (Meghavana) không quá gần, quá xa nơi đây, quí ngài có thể ở lại đó để đi lại dễ dàng.
Theo lời mời của vua, các đại đức ở lại đó. Sáng sớm hôm sau, lại đến thăm hỏi các đại đức, sau khi làm lễ, nhà vua thưa:
- Ðêm qua, quí ngài ngủ ngon không, sức khỏe như thế nào, có thể ở lại trong vườn này không?
Sau khi trả lời có thể ở được, các đại đức lại thuyết kệ pháp: Phật có dạy rằng ta cho phép các Tỳ-kheo sống trong vườn.
Nghe như vậy, vua rất vui mừng, cầm bình vàng đựng nước (Suvannabhinkàra) tự tay rót nước lên tay của tôn giả Ma-Hê-Ðà. Khi ấy, khắp đất nước chấn động. Vua rất kinh sợ, hỏi:
- Thưa các đại đức! Vì sao mặt đất chấn động mạnh như vậy?
Ma-Hê-Ðà đáp: - Ðại vương, đừng kinh sợ, giáo pháp của đức Mười lực hưng thịnh ở đất nước này, chùa lớn sắp được xây dựng ở đây, nên mặt đất báo trước điềm lành bằng hiện tượng này.
Nghe như vậy, vua vui mừng vô cùng.
Vào sáng sớm, Ma-Hê-Ðà và chúng tăng vào cung thọ thực. Sau đó, các vị cùng trở về vườn Nan-đà. Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa
- Quyển thứ hai -
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.164.176 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.