Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Di Sa Tắc Bộ Hoà Hề Ngũ Phần Luật [彌沙塞部和醯五分律] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Di Sa Tắc Bộ Hoà Hề Ngũ Phần Luật [彌沙塞部和醯五分律] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.66 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.76 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Ngũ Phần

Kinh này có 30 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

I. BẤT TỊNH HẠNH[2]
A. DUYÊN KHỞI

1. Sự kiện tại ấp Tì-lan-nhã
[1a08] Đức Phật ở nước Tu-lại-bà[3] cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm vị, đến trú dưới rừng cây, ấp Tì-lan-nhã.[4] Ấp này có Bà-la-môn tên là Tì-lan-nhã, vì vua Ba-tư-nặc[5] phong cho ông ta ấp này (nên nó mang tên ông ta).*[6] Nghe đức Phật dòng họ Thích xuất gia[7] học đạo, thành bậc Như Lai,[8] Ứng cúng,[9] Đẳng chánh giác,[10] Minh hạnh túc,[11] Thiện thệ,[12] Thế gian giải,[13] Vô thượng,[14] Điều ngự sĩ,[15] Thiên nhơn sư,[16] Phật,[17] Thế Tôn,[18] biết tất cả tâm niệm thế gian đã thuyết chánh pháp sơ, trung, hậu đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện,[19] đầy đủ tướng thanh bạch Phạm hạnh,[20] cùng các đệ tử đến du hóa nơi ấp này. Ông hoan hỷ nói: “Lành thay, ta nguyện được chiêm ngưỡng Phật”. Liền cùng 500 quyến thuộc trước sau vây quanh đến chỗ đức Phật. Từ xa trông thấy đức Thế Tôn ở dưới rừng cây, các căn tịch định, ánh sáng đặc thù, ông vui mừng hớn hở, xuống xe đi bộ đến, dừng lại hỏi chào rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì mọi người nói pháp mầu, chỉ dạy điều lợi khiến được hoan hỷ. Nghe pháp hoan hỷ rồi, liền bạch Phật: “Cung thỉnh Phật và Tăng nhận sự cúng dường an cư ba tháng của con.”
Đức Phật dạy:
“Chúng này của tôi thì đông, mà đức tin, kiến giải, sở thích cùng việc thừa sự (thờ kính)* của ông có khác!”
Lại bạch Phật:
“Tuy đức tin, kiến giải, sở thích của con có khác, nhưng không vì số chúng đông đảo của Thế Tôn đâu!”
Qua ba lần thỉnh như vậy, đức Phật mới nhận lời. Ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh bên hữu mà lui, về nhà chuẩn bị đầy đủ phẩm vật cúng dường an cư.
Khi ấy, ma Ba-tuần[21] nghĩ như vầy: “Nay Bà-la-môn thỉnh Phật và Tăng an cư ba tháng, ta sẽ gây mê hoặc rối loạn tâm ông ta”. Nghĩ xong liền gây mê loạn ông. Bà-la-môn kia bị ma mê hoặc, liền vào hậu cung hưởng thụ ngũ dục lạc, ra lệnh cho người giữ cửa: “Nay ta cần mở tiệc vui hưởng ba tháng nơi nội cung, mọi việc tốt, xấu bên ngoài cũng không được báo.” Ông hoàn toàn không nhớ đến chuyện thỉnh Phật và Tăng.
Bấy giờ, quốc độ kia tin theo tà đạo nên nơi ấp đó chưa có tinh xá, giảng đường. Phía Bắc thành có núi rừng, nước chảy trong sạch, đức Phật cùng đại chúng an cư nơi đó. [1b01]
Khi ấy, là lúc đói khát (mất mùa)*, khất cầu khó được, vào xóm khất thực[22] không nhận được gì. Lúc ấy, có người lái buôn nước Ba-lợi,[23] đầu mùa hạ, lùa 500 thớt ngựa đến đây, gặp lúc trời nóng, thấy nơi ấp này có nước mát mẻ và cỏ tươi tốt nên dừng nghỉ để nuôi ngựa.
Khi ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ chủ ngựa đứng yên lặng. Người buôn ngựa kia với tịnh tâm tin Phật, nghĩ thương các Tỳ-kheo khất thực không được, bèn nói như vầy:
“Tôi có lúa cho ngựa ăn, nếu các thầy có thể dùng được thì (tôi)* sẽ bớt nửa phần, một thăng biếu quý vị, đủ nuôi sống để hành đạo.”
Các Tỳ-kheo nói, đức Phật chưa cho phép chúng tôi ăn phần lúa ngựa, rồi đem việc này bạch Phật. Nhân việc này đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bằng mọi cách khen ngợi thiểu dục tri túc, bảo các Tỳ-kheo:
“Từ nay về sau, cho phép ăn phần lúa ngựa.”
Lúc ấy Tôn giả A-nan nhận phần của Phật, nhờ người làm bánh[24] cúng dường Thế Tôn. Các Tỳ-kheo tự giã nấu để ăn.
Lúc đó, Tôn giả Mục-kiền-liên[25] tại chỗ vắng nghĩ như vầy:
“Hiện nay trong nước này khất thực khó được, nay ta sẽ cùng các vị có thần thông đến Uất-đơn-việt[26] lấy thức ăn bằng thứ lúa gạo tự nhiên.”[27]
Nghĩ vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng qua một bên, bạch Phật:
“Bạch đức Thế Tôn, vừa rồi con nghĩ như vầy: Hiện nay, trong nước này khất thực khó được, con sẽ cùng với các vị có thần thông đến Uất-đơn-việt để lấy thức ăn bằng thứ lúa gạo tự nhiên”.
Đức Phật bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:
“Các thầy có thể làm như vậy, còn các Tỳ-kheo phàm phu thì sẽ như thế nào?”
Tôn giả Mục-kiền-liên bạch Phật: “Con sẽ dùng thần lực của con tiếp sức họ.”[28]
Đức Phật dạy: “Thôi đi! Thôi đi! Ông tuy có thần lực này, nhưng đối với nhân duyên đời trước nên để chỗ nào? Lại nữa, đối với các phàm phu đời tương lai thì làm thế nào?”
Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời đức Phật dạy, đứng im lặng.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất[29] ở chỗ vắng, nghĩ như vầy: “Các đức Phật đời quá khứ, vị Phật nào Phạm hạnh không tồn tại lâu dài? Vị Phật nào Phạm hạnh tồn tại lâu dài?”[30] Nghĩ xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Con vừa nghĩ như vầy: Các đức Phật đời quá khứ, vị Phật nào Phạm hạnh không lâu dài? Vị Phật nào Phạm hạnh lâu dài?”
Bấy giờ, đức Phật khen ngợi Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Lành thay, lành thay! Những gì ông nghĩ là hay, những câu hỏi của ông cũng hay. Này Xá-lợi-phất! Đức Phật Duy-vệ,[31] đức Phật Thi-khí,[32] đức Phật Tùy-diếp[33] Phạm hạnh không tồn tại lâu dài; đức Phật Câu-lâu-tôn,[34] đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni,[35] đức Phật Ca-diếp[36] Phạm hạnh tồn tại lâu dài.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
“Bạch đức Thế Tôn, do nhân duyên gì mà ba đức Phật Phạm hạnh không tồn tại lâu dài, ba đức Phật Phạm hạnh tồn tại lâu dài?”[37]
[1c01] Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Ba đức Phật, không vì đệ tử rộng nói pháp, không kết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa,[38] nên sau khi Phật và đệ tử Bát-nê-hoàn,[39] các đệ tử xuất gia (sau này)* gồm nhiều chủng tộc làm Phạm hạnh chấm dứt mau chóng. Ví như rải hoa đầy trên chiếc mâm gỗ, đem để giữa ngã tư đường, gió từ bốn phương thổi đến, theo gió thổi rơi xuống. Tại sao vậy? Vì không có chỉ xâu giữ lại. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất, ba đức Phật không vì đệ tử rộng nói pháp, không kết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa, Phạm hạnh vì vậy không được tồn tại lâu dài. Lại nữa, này Xá-lợi-phất, đức Phật Tùy-diếp cùng 1.000 đệ tử du hành đến rừng Khủng bố.[40] Sở dĩ gọi là rừng Khủng bố là vì người nào chưa ly dục mà vào trong rừng này thì lông áo đều dựng ngược lên, cho nên gọi là rừng Khủng bố. Đức Phật kia vì đệ tử nói pháp bằng tâm niệm, chứ không dùng lời là: ‘Các Tỳ-kheo nên tư duy điều này, không nên tư duy điều này; nên niệm điều này, không nên niệm điều này; nên đoạn điều này, nên tu điều này, nên y điều này mà hành.’ Các Tỳ-kheo dụng tâm biết điều này rồi, thì lậu tận, ý giải thoát, đắc A-la-hán đạo.
Này Xá-lợi-phất, đức Phật Câu-lâu-tôn, đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Ca-diếp vì đệ tử rộng nói pháp không biết mỏi mệt, đó là: Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, Dục-đa-già-bà, Bổn sanh, Tỳ-phú-la, Vị tằng hữu, A-bà-đà-na, Ưu-ba-đề-xá,[41] Kết giới, nói Ba-la-đề-mộc-xoa. Sau khi đức Phật và đệ tử Bát-nê-hoàn, các đệ tử tuy gồm nhiều dòng họ xuất gia nhưng Phạm hạnh không mau diệt. Thí như các loại hoa dùng chỉ xâu nó lại, rồi đặt nơi ngã tư đường, gió bốn phương thổi cũng không thể bay tứ tản. Vì sao vậy? Bởi có sợi chỉ giữ nó lại. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất, ba đức Phật vì các đệ tử [2a01] nói pháp như trên, cho nên Phạm hạnh vì vậy tồn tại lâu dài.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
“Thưa Đức Thế Tôn, nếu do không rộng nói chánh pháp, không kết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa mà Phạm hạnh không tồn tại lâu dài thì cúi xin đức Thế Tôn vì các đệ tử rộng nói chánh pháp, kết giới, nói Ba-la-đề-mộc-xoa, điều đó nay đã đúng lúc.”
Đức Phật dạy:
“Hãy thôi! Như lai tự biết thời. Này Xá-lợi-phất, chúng này của Ta thanh tịnh, chưa từng có việc gì xảy ra; kẻ thấp nhất trong chúng này của Ta cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Các đức Phật Như Lai chưa vì đệ tử mà kết giới, khi pháp hữu lậu chưa phát sanh! Trong chúng này của Ta vì chưa có ai ỷ mình là đa văn, nên không sanh các lậu hoặc; vì chưa có lợi dưỡng, tiếng tăm, nên chưa có người nhiều ham muốn; vì chưa có người hiện thần túc làm cho trời người biết, nên chưa sanh các lậu hoặc.”
An cư ba tháng xong, bấy giờ, đức Thế Tôn liền bảo Tôn giả A-nan:
“Ông và Tôi cùng đến chỗ Tỳ-lan-nhã.”
A-nan vâng lời, sửa soạn y phục để theo Phật đến trước cửa ngõ nhà. Lúc đó, Bà-la-môn đang thụ hưởng ngũ dục trên lầu cao, từ xa trông thấy đức Thế Tôn liền sực tỉnh nhớ lại, vội vàng xuống lầu, lau chỗ ngồi đón mời an tọa, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ Phật, hối hận tự trách: “Con là kẻ ngu si, thỉnh Phật an cư rồi không cúng dường. Không phải không có lòng, và cũng không phải không có phương tiện, chỉ vì mê vọng nên không nhớ nghĩ lại. Cúi xin đức Thế Tôn nhận sự sám hối của con.”
Đức Phật dạy:
“Ông thật là ngu si, thỉnh Phật và Tăng rồi không cúng dường, sám hối là điều hợp lý. Nay Tôi và chúng Tăng nhận sự sám hối của ông.”
Lại bảo Bà-la-môn:
“Trong Thánh pháp của Ta, người biết sám hối thì pháp lành được tăng trưởng.”
Bà-la-môn kia lại bạch Phật:
“Xin Phật và Tăng lưu lại một tháng để con được cúng dường.”
Đức Phật không nhận lời và dạy:
“Ông là Bà-la-môn, đức tin, kiến giải có khác, chỉ việc thỉnh Phật đã là đại sự rồi.”
(Thỉnh)* đến ba lần như vậy, đức Phật đều không nhận lời và nói:
“Ta đã an cư nơi đây ba tháng, nay cần đi du hoá, không thể ở lại được.”
Bà-la-môn kia lại bạch Phật:
“Cúi xin đức Thế Tôn nhận bữa cơm cúng dường tiễn đưa của con vào ngày mai.”
Đức Phật im lặng nhận lời.
Trong đêm, Bà-la-môn chuẩn bị các thức ăn thượng vị xong. Sáng ngày, đến giờ ăn, trải tòa ngồi rồi, đến bạch đã đúng giờ. Đức Thế Tôn cùng chúng đệ tử đến tòa an tọa. Bà-la-môn kia thiết lễ cúng dường, tự tay châm sớt thức ăn, rồi đem nước đến. Ông đem một đôi giày và bốn xấp Kiếp-bối[42] dâng lên đức Phật và chúng Tăng mỗi vị hai xấp Bệnh can tiêu và một đôi giày, [2b01] gọi là phẩm vật cúng dường an cư.
Các Tỳ-kheo nói:
“Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận phẩm vật an cư.”
Và đem việc này bạch Phật. Đức Phật bằng mọi cách khen ngợi thiểu dục tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Nhân việc Tỳ-lan-nhã, từ nay về sau cho phép nhận phẩm vật an cư.”
(Các Tỳ-kheo)* liền thọ nhận. Bà-la-môn lúc này lòng rất vui mừng, lấy một chiếc ghế nhỏ, ngồi đối diện trước đức Phật, đức Phật lại vì ông nói kệ tùy hỷ:
Trong tất cả thờ cúng
Thì thờ lửa hơn hết.
Trong tất cả học thuyết
Thì Tát-bà-đế hơn.
Trong tất cả loài người
Thì Chuyển luân hơn hết.
Trong tất cả dòng nước
Thì nước biển nhiều nhất.
Trong tất cả ánh chiếu
Ánh trời, trăng sáng nhất.
Trong tất cả trời, người
Ruộng phước Phật là nhất.
Sau khi nói bài kệ này rồi, đức Thế Tôn lại vì ông nói pháp, chỉ bày việc lợi ích khiến ông ta vui mừng.
2. Nhân duyên Tu-đề-na: Kết giới lần thứ nhất.
Từ chỗ ngồi đứng dậy, hướng về quốc độ Tăng-già-thi,[43] tuần tự du hóa. Cuối cùng trú ở giảng đường Trùng Các[44] bên sông Di Hầu,[45] tại Tỳ-xá-ly,[46] vì tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và quốc vương, đại thần, Sa-môn, Bà-la-môn cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán.
Bấy giờ, các Gia chủ ấp Ca-lan-đà[47] có việc vào thành, nghe đức Phật Thế Tôn đang ở tại giảng đường Trùng Các, họ đến chỗ Phật, thấy đức Phật Thế Tôn đang nói pháp cho vô lượng chúng đang vây quanh. Trong số người kia, có con Gia chủ Ca-lan-đà tên là Tu-đề-na,[48] nghe pháp hoan hỷ, liền nghĩ như vầy: “Như những gì đức Phật dạy, theo chỗ ta hiểu thì người tại gia bị ân ái buộc ràng, trọn đời không thể rộng tu Phạm hạnh được. Xuất gia không bị ràng buộc ví như hư không. Tốt hơn nay sẵn có đức tin tại gia ta nên xuất gia tu đạo.”
Khi hội chúng đều về, Tu-đề-na đến trước đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi thưa:
“Bạch đức Thế Tôn, con vừa nghe Phật thuyết pháp mà nghĩ như vầy: ‘Như những gì Phật dạy, theo con hiểu thì người tại gia bị ân ái ràng buộc, trọn đời không thể rộng tu Phạm hạnh, còn xuất gia thì vô trước ví như hư không. Nay ta há bằng lòng vì đức tin tại gia, mà nên xuất gia tu đạo.’ Kính bạch đức Thế Tôn, con đã nghĩ như vậy, nay muốn xuất gia, cúi xin Ngài cho con được xuất gia thọ giới.”
Đức Phật dạy:
“Tốt lắm, nhưng cha mẹ của con đã cho phép chưa?”
Thưa:
“Chưa cho phép.”
Đức Phật dạy:
“Tất cả pháp Phật, cha mẹ không cho, không được phép làm.”
Liền bạch Phật:
“Bây giờ, con xin trở về để xin phép [2c01] cha mẹ.”
Đức Phật dạy:
“Nay, đã đúng lúc.”
Ngay lúc đó, Tu-đề-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng rồi trở về nhà thưa với cha mẹ:
“Con nghe đức Phật dạy, tại gia ràng buộc, nay con muốn xuất gia rộng tu Phạm hạnh.”
Cha mẹ nói:
“Này Tu-đề-na! Thôi đi, đừng nói những lời này. Trước đây không con, (cha mẹ)* cầu khẩn thổ thần mới có được con. Tình yêu nhung nhớ đối với đứa con duy nhất thật là nặng, dù chết cũng không muốn xa nhau, huống chi sống mà chia lìa. Nhà mình nhiều của cải, vàng bạc, châu báu, con cứ tu phước theo ý muốn, hiện đời hưởng lạc, việc gì phải xuất gia làm tổn thương tình thương của cha mẹ.”
Tu-đề-na khổ cầu đến ba lần, nhưng cha mẹ vẫn không cho phép. (Tu-đề-na)* liền từ chỗ ngồi đứng dậy về phòng riêng, thề như vầy: “Nếu không được xuất gia thì nhất định không ăn, cứ vậy mà chết, không sống làm gì!?”
Liền sau đó nhịn ăn cho đến ngày thứ 6. Thân thích nghe việc này đều đến thăm hỏi và khuyên:
“Cha mẹ bạn chỉ có một mình bạn là con, nên nặng tình thương nhớ, chết còn không muốn xa lìa, huống là sống mà biệt ly. Nhà bạn rất giàu, có thể lấy làm việc phúc đức. Đạo từ nơi tâm chứ đâu do nơi hình thức, hà tất gì mãi làm tổn thương cuộc sống và trái lại cha mẹ!”
Khuyên đến ba lần như vậy, (Tu-đề-na)* vẫn im lặng không nhận (lời khuyên).* Nhiều lúc bạn bè cũng đến tha thiết khuyên can nói như trên, cũng lại như vậy, họ đều bỏ đi, đến chỗ cha mẹ Tu-đề-na nói:
“Như những gì tụi cháu thấy thì không thể nào chuyển lại được. Tốt hơn là cho phép xuất gia thì còn có thể gặp, nếu Tu-đề-na không thích sống đạo có lúc trở về, chứ đã hơn sáu ngày nhịn ăn rồi, mạng sống không còn bao lâu, chỉ trong vòng vài ngày nữa sẽ phải vất nơi hoang dã, để cho chim quạ, cọp, beo tranh nhau ăn, làm cha làm mẹ đâu nỡ nhẫn tâm trước thảm cảnh ấy.”
Cha mẹ (Tu-đề-na)* nghe qua nuốt lệ nói:
“Cho phép con tôi xuất gia tu Phạm hạnh, nhưng cần phải thường xuyên trở về để thăm chúng tôi.”
Bạn bè (Tu-đề-na)* nghe qua rất vui mừng, lại đến chỗ Tu-đề-na báo:
“Cha mẹ bạn đã cho phép bạn xuất gia rồi, nhưng đừng quên, thường trở về (nhà thăm)* thì mới được đi!”
Tu-đề-na rất vui mừng, đến chỗ cha mẹ thưa:
“Nay con đến chỗ đức Phật xuất gia tu đạo.”
Cha mẹ thương khóc, nói:
“Cho phép con xuất gia rộng tu Phạm hạnh, nhưng chớ quên, thỉnh thoảng về nhà thăm cha mẹ.”
Ngay lúc đó, Tu-đề-na bái từ cha mẹ, đi quanh (cha mẹ)* ba vòng rồi ra đi, lại đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, bạch:
“Kính bạch đức Thế Tôn, cha mẹ con đã cho phép rồi, cúi xin (Thế Tôn)* cho con xuất gia thọ giới.”
Đức Phật dạy:
“Lành thay! Tỳ-kheo tu các Phạm hạnh, Ta khéo nói pháp để đoạn tất cả khổ.”
Đức Phật dạy như vậy rồi, râu tóc Tu-đề-na tự rụng, thân mặc cà-sa, tay cầm bình bát, liền thành Sa-môn, đắc Cụ túc giới.
(Tu-đề-na)* xuất gia chưa bao lâu, gặp lúc mất mùa, [3a01] các Tỳ-kheo vào thành khất thực[49] đều không nhận được gì! Tại chỗ vắng, Tu-đề-na nghĩ như vầy: “Hiện nay mất mùa, khất thực khó được, nơi quê nhà ta thức ăn dư dật, ta nên đưa các Tỳ-kheo về nơi quê nhà để dòng họ ta được cơ hội cúng dường tu phước”. Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng các Tỳ-kheo trở về bổn ấp, trú dưới rừng cây. Cha mẹ (Tu-đề-na)* nghe, liền bảo người vợ cũ của Tu-đề-na rằng: “Con phải trang điểm thứ sắc phục mà chồng con ưa thích như khi còn ở nhà.” Sau khi trang điểm xong, cha mẹ cùng dẫn đến khu rừng kia. Khi ấy, Tu-đề-na thấy cha mẹ đến, đứng dậy chào hỏi. Cha mẹ nói:
“Sao con phải hủy hoại hình hài nơi rừng cây để làm gì? Con có thể bỏ đạo, ở nhà tu các việc thiện!”
Thưa cha mẹ: “Con không thể bỏ đạo để trở lại làm kẻ hạ tiện!”
Cho đến lần thứ ba, vẫn kiên trì giữ ý. Cha mẹ nghẹn lời bỏ về nhà. Vợ Tu-đề-na chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày nguyệt thủy,[50] liền đem việc này thưa mẹ chồng. Mẹ chồng vui mừng nói:“Đó là hiện tượng có thể có con (thụ thai).” Liền bảo con dâu trang điểm y phục như trước. Cha mẹ chồng lại đưa con dâu đến rừng kia. Lúc này, Tu-đề-na, cũng chào hỏi như trên. Cha mẹ lai nói:
“Sao con phải hủy hoại hình hài nơi rừng cây, chấp nhận gió sương, đói lạnh khốn khổ để làm gì? Nhà ta giàu có mọi người đều biết. Chỉ riêng châu báu dành dụm của ta không có người hơn, huống nữa là vật cha mẹ (để lại)* ai có thể tính hêt. Con nên về nhà mặc ý tu thiện, hiện đời thọ lạc, về sau hưởng phúc.”
Thưa cha mẹ:
“Như những gì con biết thì, ngũ dục tổn hại đến đức, hoan lạc chỉ trong chớp nhoáng, còn ưu khổ kéo dài, con quyết không vì thế mà bỏ tu Phạm hạnh.”
Cho đến ba lần như vậy, nhưng vẫn thưa đáp nghiêm túc đầy đủ (như vậy)*.
Cha mẹ lại nói:
“Con tuy là con của ta, nhưng nay theo giòng họ Thích, vì đạo mà trái lại ta. Song lại phải nói sao, theo tình trọng nhân luân thì tổ tông phải có kế từ (thừa kế Từ đường). Còn theo pháp luật của vua, nếu không có người thừa kế, thì tài sản thuộc về nhà quan. Cha mẹ đã chuẩn bị, con đâu không biết mọi mong muốn kỳ vọng cuối cùng đều đặt nơi sự kế thừa của con. Con nghĩ kỹ đi! Cha mẹ đã nói hết lời rồi đó!”
Lúc ấy, Tu-đề-na nghe theo lời dạy, tuy phụng mạng nhưng khóc thầm, liền cùng người vợ trở về nơi phòng cũ,[51] ba phen hành dục mới có Thần giáng. Khi ấy, có vị Đại Oai Đức trời Đâu-suất-đà[52] mạng chung nhập vào thai. Bấy giờ, Địa thần báo với thần Hư Không rằng:
“Con của Ca-lan-đà làm việc chưa từng có, ở trong chúng Tăng chưa từng có!” Thần Hư Không báo cho Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương báo cho Đao-lợi Thiên và lần lượt báo cho nhau đến trời Phạm Thiên. Vợ Tu-đề-na đủ tháng sanh con, đứa con thông minh, đặt tên là Tục Chủng,[53] lớn lên xuất gia thành A-la-hán.[54]
Khi Tu-đề-na phạm phải điều ác này rồi, liền tự hối trách [3b01]:
“Nay ta mất điều lợi. Tại sao xuất gia trong chánh pháp Phật, mà đối Phạm hạnh không tu rốt ráo, để rồi phải tiều tụy xanh xao mất hết khí lực thế này!?”
Các Tỳ-kheo thấy vậy hỏi:
“Trước kia nhan sắc của thầy rất đẹp, tại sao nay tiều tụy thế này? Phải chăng không thích Phạm hạnh, hay phạm phải tội ác chăng?”
Trả lời:
“Tôi đã phạm phải tội ác cho nên mới như vầy!”
Liền hỏi:
“Thầy phạm tội ác gì?”
Đáp:
“Tôi đã cùng với bổn nhị (vợ cũ) làm hạnh bất tịnh.”
Các Tỳ-kheo nói:
“Việc thầy làm là bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp Sa-môn, không tùy thuận đạo.”
Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách như lời Phật dạy, quở trách rồi, dẫn đến chỗ đức Phật, trình bày sự việc lên Phật. Đức Phật nhân việc này tập hợp Tỳ-kheo Tăng. Lệ thường của chư Phật là biết mà vẫn cố hỏi, biết mà vẫn không hỏi, biết hỏi đúng thời, không hỏi phi thời, có lợi thì hỏi, không lợi thì không hỏi. Thường pháp của chư Phật là có 500 vị thần Kim Cang hộ vệ hai bên. Nếu đức Phật hỏi ba lần mà không như thật trả lời lại thì đầu sẽ bị vỡ làm bảy phần. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:
“Muốn nói những điều gì?”
Các Tỳ-kheo trình bày trở lại.
Đức Phật hỏi Tu-đề-na:
“Thật sự ông có như vậy không?”
Thưa:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật dạy:
“Ông là người ngu si, làm điều bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận. Điều này không thể khiến người chưa tin được tin, khiến cho người đã tin bị thối chuyển. Ông không nghe Ta bằng mọi cách quở trách về dục, dục tưởng, dục giác, dục nhiệt; khen ngợi đoạn dục, xa lìa dục tưởng, đoạn trừ dục giác, diệt tận dục nhiệt hay sao! Ta thường nói: ‘Dục như đống xương khô, như hầm lửa lớn, như dao bén, như tên nhọn, như rắn độc, như thuốc độc, như mộng, như huyễn mê hoặc con người.’[55] Tại sao nay ông lại làm cái việc đại ác này? Ông đâu không nghe những gì Ta đã nói: ‘Người chưa ly dục có thể khiến ly dục, người đã phóng dật khiến không phóng dật, có khả năng đoạn khát ái, lìa pháp hữu vi, vô học lìa dục, hướng đến đạo vô vi, chỉ người con đường chánh yếu cứu cánh Niết-bàn hay sao?’ Ông đâu không sợ cái khổ của ba đường ác! Nếu ông không làm điều đại ác này, trong chánh pháp của Ta ắt được vô lượng các thiện công đức. Ông là người đầu tiên mở cửa lậu hoặc, làm điều đại ác này. Ma Ba-tuần thường chờ đợi sở đoản của các Tỳ-kheo, nay ông lại mở con đường tắt cho ma, xô ngã cờ pháp, dựng ngọn cờ đầu cho ma. Này Tu-đề-na, thà đem thân phần để vào trong hầm lửa lớn, hay miệng rắn độc, chứ không nên đem nó xúc chạm đến thân người nữ. Việc ác ông đã phạm, vĩnh viễn trôi lăn trong sanh tử, hoàn toàn không thể nuôi lớn pháp lành lại được!”
Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Ta vì mười điều lợi[56] nên vì các Tỳ-kheo kết giới. Những gì là mười?
1) Tăng hòa hợp.
2) Nhiếp phục Tăng.
3) [3c01] Điều phục người ác.
4) Người tàm quí được an lạc.
5) Đoạn lậu hoặc đời này.
6) Đoạn lậu hoặc đời sau.
7) Khiến người chưa tin khởi lòng tin.
8) Người đã tin, khiến tăng trưởng.
9) Chánh pháp cửu trụ.
10) Phân biệt Tỳ-ni Phạm hạnh, lâu bền.[57]
Từ nay giới này nên nói như vầy
“Tỳ-kheo nào, hành pháp dâm dục, phạm Ba-la-di, không được sống chung.”
3. Nhân duyên vượn cái: kết giới lần thứ hai.[58]
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ,[59] có Tỳ-kheo A-lan-nhã,[60] ở chỗ thanh vắng, có bầy khỉ lưu trú xung quanh ông. Lúc ấy, Tỳ-kheo này có ý niệm với một con vượn cái, dùng thức ăn dụ nó để cùng hành dâm. Sau đó, có số đông Tỳ-kheo đi xem xét tọa cụ,[61] đến nơi trú xứ đó. Lúc ấy, Tỳ-kheo kia vào thành khất thực, con vượn cái ấy đến chỗ các Tỳ-kheo thể hiện tướng dâm dục. Các Tỳ-kheo nói như vầy: “Nhìn hiện tướng của con vượn cái này chắc có vấn đề…” (Các Tỳ-kheo)* cùng rình xem sự kiện kia tất sẽ xảy ra. Trong chốc lát, Tỳ-kheo trụ nơi trú xứ này trở về, con vượn cái liền đến hiện tướng thọ dục, thì Tỳ-kheo kia cùng hành dâm...
Các Tỳ-kheo thấy nói:
“Thầy không nghe đức Phật kết giới, Tỳ-kheo hành dâm mắc Ba-la-di hay sao?”
Trả lời: “Phật cấm với người nữ chứ đâu cấm với súc sinh.”
Các Tỳ-kheo nói:
“Người nữ với súc sinh có gì khác đâu? Điều thầy làm là bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận. Điều này không thể khiến người chưa tin được tin, mà khiến cho người đã tin thối lui. Thầy đâu không nghe đức Thế Tôn bằng mọi cách quở trách dục, dục tưởng, dục giác, dục nhiệt... (nói đầy đủ như trên) sao?”
Quở trách rồi, dẫn đến chỗ Phật trình bày mọi việc lên đức Phật. Nhân việc này đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi rằng:
“Thật sự thầy có như vậy không?”
Tỳ-kheo kia thưa: “Thật vậy, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật dạy:
“Thầy là người ngu si, làm những việc phi pháp.”
Bằng mọi cách quở trách như trên, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Từ nay về sau giới này nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sanh, phạm Ba-la-di, không được sống chung.”
4. Nhân duyên Tôn-đà-la-nan-đà: kết giới lần thứ ba[62]
[4a01] Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo không thích tu Phạm hạnh, cùng nhau nói: “Xuất gia trong pháp của Phật thật là khổ. Chúng ta nên cùng nhau hành theo nghi pháp bạch y, nghi pháp ngoại đạo, làm việc bạch y, làm việc ngoại đạo. Đúng giờ cũng vào xóm, không đúng giờ cũng vào xóm, làm việc sát sanh, trộm cắp, dâm dục, uống rượu, ăn thịt, ngày đêm xem ca múa kỹ nhạc tự vui.” Họ nói những lời như vậy mà không có xấu hỗ. Khi ấy có Tỳ-kheo trì giới, thiểu dục, tri túc, bằng mọi cách quở trách rồi dẫn họ đến chỗ Phật trình bày mọi việc lên đức Phật.
Nhân việc này đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng và hỏi:
“Các thầy, có thật như vậy không?”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn, .”
Đức Phật bằng mọi cách quở trách:
“Các ông không nên nói những lời như vầy: ‘Hành theo nghi pháp ngoại đạo, nghi pháp bạch y.’ Nếu ai nói, hành theo nghi pháp ngoại đạo thì mỗi lời nói phạm một Thâu-lan-giá, hành theo nghi pháp bạch y thì phạm Đột-kiết-la.”
Đức Phật ở tại thành Vương Xá.[63] Khi ấy có Tỳ-kheo ấp Bạt-kỳ tên là Tôn-đà-la Nan-đà,[64] có nhiều người quen biết cúng dường cung kính, nhưng không thích tu Phạm hạnh, hành theo nghi pháp ngoại đạo, nghi pháp của Bạch y, làm nhũng việc sát sanh, ăn trộm, dâm dục cùng mọi việc ác. Các cư sĩ ở đó không tin ưa Phật pháp chê trách: “Tại sao Sa-môn Thích tử lại làm điều ác như vậy?!” Khắp nơi đều nói: “Tỳ-kheo Tôn-đà-la cũng hưởng năm dục lạc. Những Tỳ-kheo này không có hạnh Sa-môn, không có hạnh Bà-la-môn, không thọ pháp Sa-môn, không thọ pháp Bà-la-môn. Những Tỳ-kheo này, nơi nào họ không đến thì điều thiện lợi!” Tiếng xấu ác, nghe truyền khắp trong thiên hạ.
Khi ấy, Tôn-đà-la trở lại trong chúng, nói:
“Cho tôi xuất gia thọ giới”.
Các Tỳ-kheo nói:
“Cần bạch đức Thế Tôn”.
(Các Tỳ-kheo)* liền bạch Phật. Nhân việc này, đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng và bảo các Tỳ-kheo:
“Tôn-đà-la chẳng phải Tỳ-kheo, nếu đã thọ giới thì Bạch tứ yết-ma tác pháp diệt tẫn.”
Vị Thượng tọa hay tương đương Thượng tọa biết pháp luật nên bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo Tôn-đà-la giới sút kém mà không xả, hành pháp dâm dục. Nay Tăng trao cho Tỳ-kheo Tôn-đà-la pháp Yết-ma diệt tẫn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đây là lời tác bạch.”
Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo Tôn-đà-la giới sút kém, không xả, hành pháp dâm dục. Nay Tăng trao cho Tỳ-kheo Tôn-đà-la pháp Yết-ma diệt tẫn. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.”
Lần thứ 2, lần thứ 3 cũng nói như vậy.
“Tăng đã trao cho Tỳ-kheo Tôn-đà-la pháp diệt tẫn rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.”[65]
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào nói: ‘Hành nghi pháp bạch y, [4b01] nghi pháp ngoại đạo thì không gọi là xả giới.’ Nếu miệng nói: ‘tôi xả giới’, như vậy gọi là xả giới. Từ nay về sau, giới này nên nói như vầy:
B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, cùng các Tỳ-kheo đồng học giới pháp, giới sút kém, không xả,[66] hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sanh, Tỳ-kheo ấy là kẻ tội Ba-la-di, không được sống chung.”
C. THÍCH TỪ
Tỳ-kheo: Gồm Tỳ-kheo khất thực,[67] Tỳ-kheo mặc y hoại sắc cắt rọc,[68] Tỳ-kheo phá ác, Tỳ-kheo chân thật, Tỳ-kheo kiên cố, Tỳ-kheo thấy lỗi, Tỳ-kheo nói một lời thọ giới, Tỳ-kheo nói hai lời thọ giới, Tỳ-kheo nói ba lời thọ giới, Tỳ-kheo thiện lai thọ giới, Tỳ-kheo như pháp bạch tứ Yết-ma thọ giới.[69] Như vậy gọi là Tỳ-kheo.[70]
Đồng học:[71] Như lời Phật dạy, trọn đời không phạm. Cùng học những học xứ như vậy gọi là đồng học.
Giới pháp: Những giới đã thọ không khiếm khuyết, không phát sanh ác pháp giới, thành tựu thiện pháp giới, định cọng giới.
Giới sút kém, không xả:[72] Xả giới khi ngủ, hướng đến người ngủ xả giới, không gọi là xả giới; hay xả giới khi say, hướng đến người say xả giới; xả giới khi cuồng, hướng đến người cuồng xả giới; xả giới khi tâm tán loạn, hướng đến người tâm tán loạn xả giới; xả giới khi tâm bệnh hoạn, hướng đến người tâm bệnh hoạn xả giới; hướng đến loài không phải chúng sanh, không phải người, hướng đến loài súc sanh mà xả giới; sai sứ, viết thư xả giới, ra dấu xả giới, cử động tay xả giới, nói lời tương tợ xả giới; một mình tưởng một mình,[73] một mình không tưởng là một mình, không phải một mình tưởng một mình xả giới. Người nói tiếng trung châu[74] hướng đến người biên địa,[75] người nói tiếng biên địa hướng đến người trung châu xả giới; vui đùa xả giới, nói lời bất định xả giới, tâm giận xả giới, cưỡng bức xả giới, không hướng đến người xả giới mà nói xả giới,[76] tất cả đều không gọi là xả giới. Không nói lên lời xả giới thì không gọi là xả giới. Như vậy gọi là không xả giới. Ngược lại trên thì gọi là xả giới.
Hoặc giới sút kém chẳng phải xả giới, hoặc xả giới chẳng phải giới sút kém, hoặc giới sút kém cũng xả giới, hoặc chẳng phải giới sút kém chẳng phải xả giới.
Thế nào là giới sút kém mà chẳng phải xả giới? Nếu Tỳ-kheo không thích tu Phạm hạnh, không thích tu Phạm hạnh rồi mà còn kính Phật, Pháp, Tăng, kính giới, kính Sa-môn pháp, kính Tỳ-kheo pháp, kính Tỳ-ni, kính Ba-la-đề-mộc-xoa, kính Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng A-xà-lê, kính người đồng Phạm hạnh,[77] không hủy báng Tam tôn, mà nhớ xóm làng, vườn tược, ao hồ, núi rừng, cây cối, cha mẹ, anh chị em, con trai, con gái cho đến nô tỳ... nhớ nghĩ như vậy sầu ưu không vui, mà suốt đời không phạm đến Phạm hạnh. Như vậy gọi là giới sút kém mà chẳng phải xả giới.
Thế nào là xả giới mà chẳng phải giới sút kém? Nếu Tỳ-kheo [4c01] không thích tu Phạm hạnh, không thích tu Phạm hạnh rồi mà còn kính Phật... cho đến kính người đồng Phạm hạnh. Vị ấy nghĩ như vầy: “Muốn làm Sa-di, hoặc Ưu-bà-tắc, cho đến muốn làm Phạm-chí ngoại đạo, chẳng phải Sa-môn Thích tử”. Lại nghĩ như vầy: “Nay ta muốn xả Phật, Pháp, Tăng, xả giới, xả Tỳ-ni, xả Ba-la-đề-mộc-xoa, xả Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng A-xà-lê, xả người đồng Phạm hạnh, rồi liền nói như vầy: “Nay tôi xả Phật, dụng Phật làm gì? Phật có nghĩa gì? Nay tôi được thoát khỏi Phật”, cho đến nói như vầy: “Nay tôi được thoát khỏi người đồng Phạm hạnh”. Lại nói như vầy: “Tôi thích hợp với nếp sống chẳng phải Sa-môn Thích tử”. Phỉ báng Phật, Pháp, Tăng như vậy, cho đến phỉ báng người đồng Phạm hạnh, mà hướng về người khác, tâm nghĩ miệng nói những lời như vậy thì gọi đó là xả giới chứ chẳng phải giới sút kém.
Thế nào gọi là giới sút kém cũng là xả giới? Nếu Tỳ-kheo không thích tu Phạm hạnh, ít kính Phật, Pháp, tăng, cho đến ít kính người đồng Phạm hạnh, nhớ nghĩ xóm làng cho đến nô tỳ, nghĩ như vầy: “Nay ta muốn xả Phật, Pháp, Tăng cho đến xả người đồng Phạm hạnh”, rồi liền nói như vầy: “Nay tôi xả Phật. Dụng Phật làm gì? Phật có nghĩa gì? Nay tôi được thoát khỏi Phật, cho đến thoát khỏi người đồng Phạm hạnh”. Lại nói như vầy: “Tôi thích sống với nếp sống chẳng phải Sa-môn Thích tử”. Hủy báng Phật, Pháp, Tăng như vậy, cho đến hủy báng người đồng Phạm hạnh, mà hướng về người khác, tâm nghĩ miệng nói những lời như vậy thì gọi là giới sút kém cũng là xả giới.
Thế nào gọi là chẳng phải giới sút kém, chẳng phải xả giới? Nếu Tỳ-kheo đối với giới đã thọ, kiên trì không xả, không động, không chuyển. Đó gọi là chẳng phải giới sút kém, chẳng phải xả giới.
Hành pháp dâm dục: Pháp dâm dục tức là chẳng phải pháp Phạm hạnh,[78] là pháp giải đãi, là pháp chó, là pháp đáng ghét. Hai thân giao hội, xuất bất tịnh, đó gọi là hành pháp dâm dục.
Ba-la-di:[79] Tức là pháp đọa, pháp ác, pháp đoạn đầu, chẳng phải pháp của Sa-môn.
Không được sống chung:[80] Như trước kia còn làm bạch y, không cùng học chung (nhất học), học giống (đẳng học), học không giống (bất đẳng học), không học khác (bất dư học) với Tỳ-kheo. Không Yết-ma cùng, Yết-ma giống, không Yết-ma giống, bất Yết-ma khác với Tỳ-kheo. Không cùng thuyết giới chung, thuyết giới giống, không thuyết giới giống, không thuyết giới khác với Tỳ-kheo. Đó gọi là không chung sống.
Các đức Phật Thế Tôn khéo nói chánh pháp, cũng khéo nói thí dụ, người phạm dâm dục như kim bị sứt đít không thể dùng lại, như người đã chết không thể sống lại, như hòn đá bị vỡ không thể hiệp lại, như chặt cái tim cây Đa-la[81] không thể sống lại.
D. PHẠM TƯỚNG
[5a01] Ở đây, Tỳ-kheo nào cùng ba loại chúng sanh hành dâm thì phạm Ba-la-di: Người, phi nhân,82 súc sinh.
Tỳ-kheo cùng ba loại giống cái (nữ) hành dâm phạm Ba-la-di: Người nữ, phi nhân nữ, súc sanh cái. Cùng ba giống đực: Người nam, phi nhân nam, súc sanh đực. Ba loại huỳnh môn:[83] Người huỳnh môn, phi nhân huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn. Ba loại vô căn:[84] Người vô căn, phi nhân vô căn, súc sanh vô căn. Ba loại 2 căn:[85] Người 2 căn, phi nhơn 2 căn, súc sanh 2 căn. Hành dâm (với những loại kể trên) cũng như vậy.
Tỳ-kheo hành dâm với người nữ, phi nhân nữ, súc sanh cái, vào ba chỗ: đường đại tiện, tiểu tiện và miệng, khi ngủ, khi say, khi cuồng, khi tâm tán loạn, khi tâm bị bệnh hoại, khi chết, khi vào phân nửa, phạm Ba-la-di. Khi còn bộ xương, vào quá nửa, xuất bất tịnh, phạm Tăng-già-bà-thi-sa; không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá.[86] Đối nữ vô căn, hai căn cũng như vậy.
Tỳ-kheo hành dâm với người nam, phi nhân nam, súc sanh đực vào hai chỗ: đường đại tiện và miệng, khi ngủ cho đến khi vào phân nửa phạm Ba-la-di. Khi còn bộ xương, vào quá phân nửa, xuất bất tịnh, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá. Đối nam vô căn, huỳnh môn cũng như vậy.
Đối với các chỗ như trên mà hành dâm, phương tiện bên ngoài, xuất bất tịnh bên trong; phương tiện bên trong, xuất bất tịnh bên ngoài, khi ngủ cho đến khi vào phân nửa đều phạm Ba-la-di. Khi còn bộ xương, vào quá phân nửa, xuất bất tịnh phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá.
Nếu Tỳ-kheo bị cường lực bắt ép hành dâm các chỗ trên, khi vào thọ lạc, trụ, xuất không thọ lạc; khi xuất thọ lạc, vào, trụ không thọ lạc; khi trụ thọ lạc, xuất, nhập không thọ lạc; xuất nhập thọ lạc; khi trụ không thọ lạc, vào, xuất[87] thọ lạc; khi xuất không thọ lạc, vào,[88] trụ thọ lạc; khi vào không thọ lạc; khi xuất, vào, trụ đều thọ lạc; khi ngủ cho đến khi vào phân nửa đều phạm Ba-la-di.
Khi còn bộ xương, vào quá nửa, xuất bất tịnh, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá.
Khi xuất nhập trụ đều không thọ lạc thì không phạm.
Nếu Tỳ-kheo với tâm dâm dục, dùng nam căn để vào những chỗ trên, một phần thôi cũng phạm Ba-la-di. Nếu dùng ngón tay, hay tất cả vật bên ngoài để vào trong các chỗ nói trên đều phạm Thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni cũng phạm Ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la, và bị tẫn xuất.
Không phạm: cuồng tâm, loạn tâm, bệnh hoại tâm, phạm lần đầu. Bốn trường hợp này đều không phạm. Tất cả các giới sau đều như vậy, khỏi phải chép lại.
(.......)

Chú thích:
[2] Tăng-kỳ 1 (T22n1425, tr. 227a08); Tứ phần 1 (T22n1428, tr. 568c6); Thập tụng 1 (T23n1435, tr. 1a09); Căn bản 1 (T23n1442, tr. 627c27). Pāli, Suttavibhaṅga, Vin. iii. 1.
[3] Tu-lại-bà quốc 須賴婆國; Tứ phần: Tô-la-bà quốc 蘇羅婆國; cả hai phiên âm từ Skt. Śūrasena (Pāli: Sūrasena), 1 trong 16 đại quốc thời Phật; xem Trường A-hàm 5, “Kinh Xà-ni-sa”; D.18. Javasabha. Tăng-kỳ: Xá-vệ quốc 舍衛國, (Skt. Śrāvasti, Pāli: Sāvatthī). Thập tụng: Phật tại Tỳ-da-li 毘耶離, Skt. Vaiśāli (Pāli: Vesālī): Căn bản: Phật tại nước Lật-thị栗氏國.
[4] Tỳ-lan-nhã 毘籣若. Pāli: Verañjā, thị trấn gần Sāvatthī, trên đường đi Vesālī.
[5] Pasenadi.
[6] Những từ ở trong ngoặc đơn do người dịch thêm vào cho sáng nghĩa.
[7] Thích chủng xuất gia 釋種出家, Pāli: Sakyakulā pabbajito.
[8] Như Lai 如來, Pāli: Tathāgata.
[9] Ứng cúng 應供, Pāli: Arahant.
[10] Đẳng chánh giác 等正覺, Pāli: Sammāsambuddha.
[11] Minh hạnh túc 明行足, Pāli: Vijjācaraṇasampanna.
[12] Thiện thệ 善逝, Pāli: Sugata.
[13] Thế gian giải 世間解, Pāli: Lokavidū.
[14] Vô thượng 無上, Pāli: Anuttara.
[15] Điều ngự sĩ 調御士, Pāli: Purisadammasārathi.
[16] Thiên nhân sư 天人師, Pāli: Devamanussānaṃ satthā.
[17] Phật佛, Pāli: Buddha.
[18] Thế tôn 世尊, Pāli: Bhagavant.
[19] Pāli, thành cú: So dhammaṃ deseti ādikalyāṇaṃ majjhekalyāṇaṃ pariyosāna-kalyāṇaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ. “Ngài diễn thuyết pháp; pháp ấy thiện xảo phần đầu, thiện xảo phần giữa, thiện xảo phần cuối, có nghĩa, có văn.”
[20] Pāli, thành cú: kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti; “Ngài hiển thị phạm hạnh tuyệt đối hoàn bị, hoàn toàn thanh tịnh.”
[21] Skt: Māra-pāpman; Pāli: Māra-Pāpimant. Chỉ loài ác dứt mất sự sống và gốc thiện của con người.
[22] Để bản: Phần vệ 分衛, là phiên âm của từ Paiṇḍapātika (Skt.), piṇḍapāta (Pāli), là chỉ cho việc khất thực.
[23] Ba-lợi quốc 波利國; Tứ phần: Ba-ly quốc 波離國. Pāli (Vin. iii. 6): Uttarāpathakā assavāṇijā, những người buôn ngựa từ Uttarāpatha, địa danh chỉ chung vùng Bắc Ấn.
[24] Được dịch nghĩa từ tiếng Phạn tarpaṇa (Skt.) Trung hoa phiên âm Đát-bát-na, và, tappaṇa (Pāli) chỉ cho bánh khô.
[25] Pāli. Moggallāna.
[26] Uất-đơn-việt 鬱單越; Skt.(=Pāli): Uttarakuru.
[27] Tự nhiên canh mễ 自然粳米, một thứ lúa tự nhiên mọc, không do người trồng; xem Trường A-hàm 6, kinh Tiểu duyên, Đại 1 tr. 38a1. Cf., D.iii.88 (Aggañña-suttanta): akaṭṭha-pāko sāli pātur ahosi akaṇo athuso, xuất hiện loại lúa chín tự nhiên không do gieo trồng, không vỏ, không cám.
[28] Pāli (Vin.iii. 7), Mahāmoggallāna bạch Phật: “Phần dưới kia của đại địa này rất sung túc. Con sẽ chuyển ngược đại địa để các Tỳ-kheo có thể có thức ăn.”
[29] Pāli. Sāriputta.
[30] Tứ phần 1, tr. 569a20, hà giả Đẳng chánh giác tu phạm hạnh, Phật pháp cửu trụ, …. Phật pháp bất cửu trụ, 何者等正覺修梵行, 佛法久住. 何者等正覺修梵行, 佛法不久住 (Vị Đẳng chánh giác nào có pháp phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài? Vị Đẳng chánh giác nào có pháp phạm hạnh tu tập và Phật pháp không tồn tại lâu dài?).
[31] Duy-vệ Phật 維衛佛; Tứ phần: Tỳ-bà-thi Phật 毘婆尸佛. Pāli: Vipassī.
[32] Thi-diếp Phật 尸葉佛; Tứ phần: Thức Phật 式佛. Pāli: Sikhī.
[33] Tuỳ-diếp Phật 隨葉佛. Pāli: Vissabhu.
[34] Tứ phần: Câu-lưu-tôn Phật 拘留孫佛. Pāli: Kakusandha.
[35] Câu-na-hàm Mâu-ni Phật 拘那含牟尼佛. Pāli: Konāgamana.
[36] Ca-diếp Phật 迦葉佛. Pāli: Kassapa.
[37] Pāli, Vin. iii, tr. 7: Các Thế Tôn Vipassī, Sikkhī và Vessabhu, phạm hạnh không tồn tại lâu dài. Các Thế Tôn Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa có phạm hạnh tồn tại lâu dài.
[38] Skt: pratimokṣa; Pāli: pāṭimokkha.
[39] Bát-nê-hoàn 般泥洹, Skt. parinirvāṇa=Niết-bàn 涅槃, Skt: nirvāṇa; Pāli: nibbāna.
[40] Khủng bố lâm 恐怖林. Tứ phần: Khủng úy lâm 恐畏林. Pāli: aññtarasmiṃ bhiṃsanake vanasaṇḍe, trong một khu rừng có nhiều sự kinh sợ kia. Hình như không chỉ khu rừng có tên là Kinh sợ (Khủng bố hay Khủng uý). Trong thời Thích Tôn, cũng có một khu rừng mang tên như vậy, Pāli: Bhesakalāvana (Khủng bố lâm) thuộc nước Bhagga (Bà-kỳ); Cf. A.ii. 61, iii. 295; S.iii. 1, iv. 116.
[41] Tứ phần 1, T22n1428, tr. 569b04: Khế kinh 契經, Kỳ-dạ kinh 祇夜經, Thọ ký 授記經, Cú kinh 句經, Nhân duyên kinh 因緣經, Bản sanh kinh 本生經, Thiện đạo kinh 善道經, Phương đẳng kinh 方等經, Vị tằng hữu kinh 未曾有經, Thí dụ kinh 譬喻經, Ưu-bà-đề-xá kinh 優波提舍經. Liệt kê theo Pāli, chỉ có 9: suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthā udānaṃ itivuttakaṃ jātakaṃ abbhuta-dhammaṃ vedallaṃ.
[42] Kiếp-bối 劫貝: Skt. Karpāsa, Pāli. Kappāsa, tên một loại vải được dệt từ cây bông vải Kiếp-bối. Cây này được trồng ở miền Đông châu Á, xứ Decan, Ấn Độ v.v..., tên khoa học là Gasapium hebaceam.
[43] Quốc độ Tăng-già-thi 僧伽尸國: Skt: Saṃkāśya, Pāli: Saṃkassa. Tên một nước đời xưa ở lưu vực sông Hằng, Trung Ấn Độ.
[44] Pāli. Kūṭagārasālā. Skt. Kūṭāgāra-śālā.
[45] Sông Di Hầu 獼猴江: Skt. Markaṭa hrada. Di Hầu là một giống khỉ nhỏ, còn gọi là khỉ Macác (macacus monkey; macaque), vì loài khỉ này sinh sống bên sông nên gọi sông Di Hầu.
[46] Tỳ-xá-ly 毘舍離: Skt. Vaiśāli, Pāli. Vesāli, còn gọi là Phệ-xá-ly, Tỳ-da-ly..., Hán dịch là Quảng Nghiêm. Một trong 16 nước lớn ở Trung Ấn Độ đời xưa. Vị trí hiện nay tương đương với vùng Besārh, đông ngạn sông Gandak, bắc ngạn sông Hằng Ấn Độ.
[47] Pāli: Kalandakagāma.
[48] Tăng-kỳ: Thành Tỳ-da-ly có con trai trưởng giả tên là Da-xá 耶舍. Tứ phần: Con trai của Tu-đề-na ở thôn Ca-lan-đà 迦蘭陀村須提那子. Thập tụng: Con trai trưởng giả tên là Tu-đề-na Gia-lan-đà 加蘭陀. Căn bản: Con trai của Yết-lan-đạc-ca tên là Tô-trần-na 羯蘭鐸迦子蘇陳那. Pāli (Vin.iii. 11): Sudinno nāma Kalanda(ka)putto seṭṭhiputto, Sudinna, con trai của phú hộ Kalandaka.
[49] Để bản: Phần vệ 分衛. Xem cht 22 trước.
[50] Nguyệt thủy 月水; Thập Tụng: Tịnh khiết 淨潔. Căn bản, Tứ phần: Nguyệt kỳ 月期. Thiện kiến 6, tr. 713a11, T24n1462: Nguyệt hoa (月華, Pāli. puppha) là trong tháng sinh ra nước hoa. Đây là tên một loại máu..., là kinh nguyệt hằng tháng của người nữ.
[51] Tăng-kỳ 1, tr. 229b06: Phòng riêng tại nhà. Tứ phần 1, tr.570a24: Nơi chỗ vắng trong vườn. Thập tụng 1, tr. 1b13: Tại chỗ vắng.
[52] Đâu-suất-đà 兜率陀 (Skt. Tuṣita, Pāli. Tusita), tức trời Đâu-suất (Đâu-suất thiên).
[53] Tăng-kỳ, Thập tụng: Tục Chủng 續種. Tứ phần, Căn bản: Chủng Tử 種子. Pāli: Bījaka, hạt giống nối dõi.
[54] Pāli, Vin. iii. 19, về sau, Bījaka và mẹ đều xuất gia, và cả hai đều đắc quả A-la-hán.
[55] Các thí dụ về tai hại của dục, xem Trung A-hàm 54 (T1, tr.763c17); Cf. Pāli, M. 22. Alagaddūpama.
[56] Ngũ phần, Thập tụng: Dĩ thập lợi cố 以十利故; Tăng-kỳ: Thập sự lợi ích 十事利益. Pāli: dasa atthavase paṭicca, căn cứ trên 10 ý nghĩa (mục đích). Tứ phần: Tập thập cú nghĩa集十句義.
[57] Tăng-kỳ (tr. 228c24): 1. Nhiếp Tăng; 2. Cực nhiếp Tăng; 3. Để Tăng an lạc; 4. Chiết phục người không biết hổ thẹn; 5. Để người có tàm quý sống yên vui; 6. Người chưa tin được tin; 7. Người đã tin thì tin thêm; 8. Trong đời này được lậu tận; 9. Các lậu đời vị lai không sinh; 10. Để chánh pháp cửu trụ. Tứ phần (tr. 570c3): 1. Nhiếp thủ đối với Tăng. 2. Khiến cho Tăng hoan hỷ. 3. Khiến cho Tăng an lạc. 4. Khiến cho người chưa tín thì có tín. 5. Người đã có tín khiến tăng trưởng. 6. Để điều phục người chưa được điều phục. 7. Người có tàm quý được an lạc. 8. Đoạn hữu lậu hiện tại. 9. Đoạn hữu lậu đời vị lai. 10. Chánh pháp được tồn tại lâu dài. Căn bản (tr. 629b22), như Pāli. Pāli, Vin. iii. tr. 32: saṅghasuṭṭhutāya(vì sự ưu mỹ của Tăng); saṅghaphāsutāya (vì sự an lạc của Tăng); dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya (để chế phục hạng người không biết hổ thẹn); pesalānaṃbhikhūnaṃ phāsuvihārāya (để các Tỳ-kheo nhu hòa sống an lạc); diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya (để ngăn chặn hữu lậu đời này); sampāratikānaṃ āsavānaṃpaṭighātāya (để đối trị hữu lậu đời sau); appasannānaṃ pasādāya (vì tịnh tín của người chưa có tín); pasannānaṃ bhiyyobhāvāya (vì sự tăng trưởng của người có tín);saddhammaṭṭhitiyā (vì sự trường tồn của chánh pháp); vinayānuggahāya (để nhiếp hộ tì-ni).
[58] Tứ phần 1, tr. 571a4, Thập tụng 1, tr. 2a1: Nhân duyên kết giới lần thứ ba.
[59] Thành Xá-vệ 舍衛城: Cũng là nước Xá-vệ, Skt. Śrāvastī, P. Sāvatthī. Xá-vệ vốn là tên thành phố thủ đô nước Bắc Kiều-tát-la (Skt. Uttara-Kośalā), để phân biệt với nước Nam Kiều-tát-la (Skt. Dakṣiṇa-Kośalā) nên lấy tên thành gọi thay tên nước.
[60] A-luyện(lan)-nhã Tỳ-kheo 阿練(蘭)若比丘: Tỳ-kheo chỉ sống ở những nơi núi rừng thanh vắng, cách xa làng xóm; một trong 12 hạnh đầu-đà. Tứ phần (tr.571a4): Khất thực Tỳ-kheo 乞食比丘; Thập tụng (tr. 2a1), một Tỳ-kheo sống một mình trong rừng, ở Câu-tát-la (Câu-tát-la 拘薩羅, Kiều-tát-la 橋薩羅 là tên của nước Xá-vệ, là một ttrong 16 nước lớn vào lúc bấy giờ. Pāli: Kosalā, thủ đô là Sāvatthī). Pāli (Vin.iii.22), một Tỳ-kheo sống trong rừng Đại lâm (Mahāvana), Vesāli.
[61] Nguyên Hán: Án hành ngọa cụ 案行臥具; Tứ phần: án hành trú xứ 案行住處. Pāli, nt., senāsanacarikaṃ āhiṇḍantā, du hành để tìm chỗ ngủ nghỉ.
[62] Đoạn duyên khởi này, trong Tăng-kỳ, Tứ phần, Thập tụng, không có. Pāli, Vin. iii. 23, sambahulā vesālikā vajjiputtakā bhikkhū, một số đông các Tỳ-kheo người Vajji ở Vesālī.
[63] Thành Vương Xá 王舍城: Skt. Rājagṛha Pāli. Rājagaha, thủ đô nước Ma-yết-đà thuộc Trung Ấn Độ. Vị trí hiện nay ở vùng Rajgir thuộc tiểu bang Behar, phía Nam thành phố Patna, trung du sông Hằng.
[64] Tôn-đà-la Nan-đà (Pāli. Sundara). Tăng-kỳ (tr. 231b24), Phật trụ Tì-xá-li, có hai người Li-xa 離車子. Tứ phần (tr. 570c9), Bạt-xà Tử 跋闍子. Thập tụng (tr.1c22), Phật tại Xá-vệ, Tỳ-kheo tên Bạt-kỳ Tử 跋耆子.
[65] Đoạn tác pháp Bạch tứ yết-ma tẫn xuất này, trong Tăng-kỳ, Tứ phần, Thập tụng không có.
[66] Tứ phần: Giới luy bất tự hối 戒羸不自悔. Thập tụng: Giới luy bất xuất 戒羸不出. Pāli: dubbalyaṃ anāvikatvā, không tuyên bố sự bất lực của mình (không kham nổi đời sống Tỳ-kheo).
[67] Khất Tỳ-kheo 乞比丘; Tứ phần (tr. 571a25): Khất cầu Tỳ-kheo 乞求比丘; Thập tụng (tr. 2b30): khất Tỳ-kheo, vì xin ăn nơi người khác. Như bà-la-môn khi đi xin ăn cũng tự nói “Ta là Tỳ-kheo”. Pāli: bhikkhakoti bhikkhu, bhikkhācaryaṃ ajjhupagatoti bhikkhu, Tỳ-kheo, là người hành khất, là người chấp nhận sống cuộc đời hành khất.
[68] Hoại sắc cát tiệt y 壞色割截衣. Tứ phần: Cát tiệt y 割截衣; Pāli: bhinnapaṭadharoti bhikkhu, Tỳ-kheo, là người mặc y từ những miếng vải rách (khâu lại).
[69] Tứ phần: Tỳ-kheo thọ đại giới do Bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu hợp cách. Pāli: samaggena saṅghena ñatticatutthena kammena akuppena ṭhānārahena upasampanno ti bhikkhu, Tỳ-kheo, là người thọ Cụ túc (=đã thành tựu) với sự hợp cách không di động do bạch tứ yết-ma bởi Tăng hoà hiệp.
[70] Ngũ phần không nói đến ba hạng Tỳ-kheo như trong Tứ phần: Tỳ-kheo danh tự, Tỳ-kheo tương tợ, Tỳ-kheo tự xưng.
[71] Tứ phần: đồng giới 同戒; Thập tụng: đồng nhập Tỳ-kheo học pháp 同入比丘學法; Căn bản: đồng đẳng học xứ. Pāli: sikkhāsājīvasamāpanno, đã chấp nhận đời sống và học xứ (của các Tỳ-kheo); giải thích (Vin. iii. 23): sikkhā (học) chỉ cho ba học: tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ (adhisīla, adhicitta, adhipaññā); sājīvaṃ (đời sống): chỉ các học xứ mà Phật đã qui định (bhagavatā paññattaṃ sikkhāpadaṃ).
[72] Giới sút kém, không xả: Giới sút kém, Hán: Giới luy 戒羸. Pāli, nt., dubbalyaṃ, sự yếu đuối (của mình). Tứ Phần: Tại sao gọi là giới sút kém mà không xả giới? Nếu Tỳ-kheo sầu ưu, không thích phạm hạnh, muốn được về nhà, nhàm chán pháp Tỳ-kheo, ôm lòng xấu hổ, ý muốn ở nhà, cho đến ưa muốn làm pháp phi Sa-môn, phi Thích tử, bèn nói như vầy: “Tôi nghĩ đến cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, xóm làng, thành ấp, ruộng vườn, ao hồ. Tôi muốn xả Phật, Pháp, Tăng, cho đến học sự.” Liền muốn thọ trì gia nghiệp, cho đến, phi Sa-môn, phi Thích tử. Như vậy gọi là giới sút kém mà không xả giới.
[73] Tứ phần: Tĩnh tưởng 靜想: tưởng là tĩnh; Căn bản: Độc tĩnh xứ 獨靜處, chỗ vắng vẻ một mình.
[74] Người nói tiếng trung châu, Hán: Trung quốc ngữ 中國語. Pāli. ariyakena, người nói tiếng quí phái.
[75] Người biên địa 邊地人. Pāli. milakkhaka, người quê mùa.
[76] Để bản: Bất ưng hướng xả giới, nhi hướng xả giới, 不應向捨戒, 而向捨戒.
[77] Đồng phạm hạnh 同梵行 hay chư phạm hạnh 諸梵行; (Pāli: sabrahmacārin) đây chỉ các Tỳ-kheo đồng học, hay bạn đồng tu.
[78] Phạm hạnh (Skt.=Pāli: brahmacariya) nguyên nghĩa, sống cuộc đời (đoạn dục để) phụng sự Phạm thiên. Trong Phật giáo, chỉ sự đoạn trừ dâm dục. Luận trí độ 20: “Chư thiên đoạn trừ dâm dục đều được gọi là Phạm.”
[79] Tăng-kỳ (tr. 237b24): “Ba-la-di, là đối với pháp trí mà thối thất, đọa lạc, không có đạo quả phần.” Tứ phần (tr. 571c6): “Ba-la-di, ví như cái đầu của con người đã bị chặt thì không thể mọc trở lại.” Thập tụng (tr. 4b13): “Ba-la-di, là đọa lạc, không bằng 墮不如; là tội cực ác, sâu nặng.” Căn bản (tr. 630c6): “Ba-la-thị-ca 波羅市迦, là tội cực trọng, rất đáng ghê tởm, rất đáng bị ruồng bỏ... mất thể tính Bí-sô, trái ngược với thể tính Niết-bàn; là sự đọa lạc, sụp đổ, bị kẻ khác đánh bại không còn cứu được nữa.” Pāli, Vin.iii. 28: pārājiko hotī ti seyyathāpi nāma puriso sīrascchinno abhobbo tena sarīrabandhanena jīvituṃ, “Pārājika, người phạm Ba-la-di, như một người mà cái đầu đã bị chặt, không thể sống với thân được ráp nối lại.”
[80] Bất cộng trú 不共住. Pāli, nt., Asaṃvāsoti saṃvāso nāma ekakammaṃ ekuddeso samasikkhatā. Eso saṃvāso nāma. So tena saddhiṃ natthi. Tena vuccati — “asaṃvāso” ti. “Bất cộng trú: cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là cộng trú. Vị đó không có được điều ấy, vì thế gọi là ‘không được sống chung’ (bất cộng trú).”
[81] Cây Đa-la 多羅樹: Skt. Tāla, cây này thuộc họ cây cọ, nó sinh sản ở những vùng đất cát gần bờ biển các nước Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện... Cây Đa-la nếu bị chặt ngang thân thì không nảy chồi lại được nữa.
[82] Phi nhân 非人 (không phải người), chỉ các loại trời, thần, và tương tự. Pāli: amanussa.
[83] Huỳnh môn 黃門, bất năng nam 不能男 (bất lực, hay chỉ cho người nam căn bị hư hoại). Căn bản: bán-trạch-ca 半擇迦. Pāli: paṇḍaka, người bị hoạn/thiến.
[84] Vô căn 無根: không có bộ phận sinh dục. Người bị hoạn, thiến cũng gọi là vô căn (Pāli. paṇḍaka, - eunuch).
[85] Tứ phần: Nhị hình 二形. Thập tụng: nhị căn 二根. Pāli: ubhatovyañjana, lưỡng tính, ái nam ái nữ.
[86] Tứ phần: Thâu-lan-giá 偷蘭遮. Pāli: thulla/thūlaccaya; Skt. sthūlātyaya, dịch: thô tội, đại tội, trọng tội; Thiện kiến 9: “Thâu-lan-giá (Pāli: thulla, thūla; Skt. sthūla), nghĩa là lớn. Giá 遮, chỉ sự chướng ngại đạo, về sau đọa ác đạo.”
[87] Để bản: Trụ 住.
[88] Để bản: Xuất 出.

« Kinh này có tổng cộng 30 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.47.139 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập