Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Như Bạc Già Phạn có nói qua về 5 Uẩn: (1) Một là Sắc Uẩn. (2) Hai là Thọ Uẩn. (3) Ba là Tưởng Uẩn. (4) Bốn là Hành Uẩn. (5) Năm là Thức Uẩn. I. Sắc Uẩn
Vậy, thế nào là Sắc Uẩn? Sắc Uẩn gồm có 4 Đại Chủng và các Sắc do 4 Đại Chủng tạo ra.
1. Bốn Đại Chủng
Thế nào là 4 Đại Chủng? Bốn Đại Chủng là:
(1) Địa Giới
(2) Thủy Giới
(3) Hỏa Giới
(4) Phong Giới
(1) Thế nào là Địa Giới? Địa Giới là tính chất cứng chắc (kiên cường tính)
(2) Thế nào là Thủy Giới? Thủy Giới là tính chất ướt và lưu chảy (lưu thấp tính)
(3) Thế nào là Hỏa Giới? Hỏa Giới là tính chất ấm và khô (ôn tháo tính)
(4) Thế nào là Phong Giới? Phong Giới là tính chất di động như nhẹ nhàng v.v... (khinh đẳng động tính)
2. Sắc do Đại Chủng tạo ra (Đại chủng sở tạo sắc)
Thế nào là các Sắc do 4 Đại Chủng tạo ra? Tức 5 Căn là Căn mắt, Căn tai, Căn mũi, Căn lưỡi, Căn thân, cùng với 5 Cảnh là Sắc, Thanh, Hương, Vị, một phần thuộc Sở Xúc, và Vô biểu sắc v.v...
(1) Thế nào là Căn mắt? Căn mắt là loại Sắc thanh tịnh có Sắc cảnh làm cảnh.
(2) Thế nào là Căn tai? Căn tai là loại Sắc thanh tịnh có Thanh cảnh làm cảnh.
(3) Thế nào là Căn mũi? Căn mũi là loại Sắc thanh tịnh có Hương cảnh làm cảnh.
(4) Thế nào là Căn lưỡi? Căn lưỡi là loại Sắc thanh tịnh có Vị cảnh làm cảnh.
(5) Thế nào là Căn thân? Căn thân là loại Sắc thanh tịnh có Xúc cảnh làm cảnh.
(6) Thế nào là Sắc? Sắc là Cảnh giới của Căn mắt, gồm có Hiển sắc, Hình Sắc và Biểu sắc v.v...
(7) Thế nào là Thanh? Thanh là Cảnh giới của Căn tai, gồm âm thanh nhân nơi đại chủng được chấp thọ (chấp thọ đại chủng nhân thanh), âm thanh nhân nơi đại chủng không có chấp thọ (phi chấp thọ đại chủng nhân thanh), âm thanh nhân nơi cả hai đại chủng (câu đại chủng nhân thanh)
(8) Thế nào là Hương? Hương là Cảnh giới của Căn mũi, gồm hương thơm, hương khó ngửi và các mùi hương khác.
(9) Thế nào là Vị? Vị là Cảnh giới của Căn lưỡi, gồm 6 vị như vị ngọt, vị chua, vị mặn, vị cay, vị đắng, vị nhạt.
(10) Thế nào là một phần của Sở Xúc? Một phần của Sở Xúc là Cảnh giới của Căn thân, chỉ cho các Xúc được tạo ra (sở tạo xúc), ngoài 4 Đại Chủng, đó là các tính chất trơn (hoạt tính), tính chất nhám (sáp tính), tính chất nặng (trọng tính), tính chất nhẹ (khinh tính), lạnh, đói, khát.
(11) Thế nào có nghĩa là Vô biểu sắc? Vô biểu sắc là loại Sắc không thấy được và không có xúc chướng (vô kiến vô đối), loại Sắc này do từ Hữu biểu nghiệp và Tam ma địa (tức thiền định) mà phát sinh ra. II. Thọ Uẩn
Thế nào là Thọ Uẩn? Thọ Uẩn là 3 loại "thọ nhận" (lãnh nạp): (1) Một, Khổ. (2) Hai, Sướng (lạc). (3) Ba, không Khổ không Sướng (bất khổ bất lạc).
(1) Sướng là khi cảnh được thọ nhận diệt đi, thời đối với cảnh ấy có ý muốn được hòa hợp (diệt thời hữu hòa hợp dục.)
(2) Khổ là khi cảnh được thọ nhận phát sinh, thời đối với cảnh ấy có ý muốn chống lại lìa xa (sinh thời hữu quai ly dục.)
(3) Không khổ không sướng là đối với cảnh được thọ nhận không có cả hai ý muốn trên. III. Tưởng Uẩn
Thế nào là Tưởng Uẩn? Tưởng Uẩn là đối với các Cảnh giới, nắm giữ lấy mọi loại hình tướng (ư cảnh giới thủ chủng chủng tướng) của các Cảnh Giới. IV. Hành Uẩn
Thế nào là Hành Uẩn? Hành Uẩn là trừ Thọ và Tưởng ra, (1) các Tâm pháp khác cùng với (2) các Hành không tương ưng với Tâm (bất tương ưng hành).
1. Tâm Pháp
Thế nào là các Tâm pháp khác? Các Tâm pháp khác là các Pháp tương ưng với Tâm ngoài Thọ và Tưởng.
Các Pháp ấy gồm 51 pháp, phân thành 6 loại như sau:
(1) Năm pháp Biến Hành là: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư.
(2) Năm pháp Biệt Cảnh là: Dục, Thắng giải, Niệm, Tam ma địa, Huệ.
(3) Mười một pháp Thiện là: Tín, Tàm, Qúy, Vô tham thiện căn, Vô sân thiện căn, Vô si thiện căn, Tinh tiến, Khinh an, Bất phóng dật, Xả, Bất Hại.
(4) Sáu pháp Phiền Não là: Tham, Sân, Mạn, Vô minh, Kiến, Nghi.
(5) Hai mươi pháp Tùy Phiền Não là: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, San, Cuống, Siểm, Kiêu, Hại - Vô tàm, Vô qúy - Hôn trầm, Trạo cử, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Vong niệm, Tán loạn, Bất chính tri.
(6) Bốn pháp Bất Định là: Ác tác, Thùy miên, Tầm, Ti.
(1) Năm Biến Hành
1. Thế nào là Xúc? Xúc lấy ba pháp (Căn, Cảnh và Thức) hòa hợp phân biệt làm tự tính (tam hòa hợp phân biệt vi tính).
2. Thế nào là Tác Ý? Tác Ý lấy công năng khơi động Tâm khiến tỉnh giác làm tự tính (năng linh tâm phát ngộ vi tính).
3. Thọ như trên đã giải thích.
4. Tưởng cũng như trên đã giải thích.
5. Thế nào là Tư? Tư lấy ý nghiệp, đối với các việc công đức hoặc lỗi lầm hoặc không cả hai khiến Tâm tạo tác, làm tự tính (ư công đức quá thất cập câu tương vi, linh tâm tạo tác ý nghiệp vi tính).
(2) Năm Biệt Cảnh
1. Thế nào là Dục? Dục lấy việc mong cầu đối với các điều đáng ưa thích làm tự tính (ư khả ái sự hy vọng vi tính).
2. Thế nào là Thắng giải? Thắng giải lấy sự xác nhận đúng như mình đã biết rõ đối với các điều hoàn toàn rõ ràng làm tự tính (ư quyết định sự tức như sở liễu ấn khả vi tính).
3. Thế nào là Niệm? Niệm lấy sự nhớ rõ, đối với các điều quen thuộc khiến tâm không quên, làm tự tính (ư quán tập sự linh tâm bất vong minh ký vi tính).
4. Thế nào là Tam ma địa? Tam ma địa lấy sự tập trung lại không để phân tán đi, đối với sự thể được quán sát khiến tâm chuyên chú một cảnh, làm tự tính (ư sở quán sự linh tâm nhất cảnh bất tán vi tính).
5. Thế nào là Huệ? Huệ lấy "trạch pháp" đối với sự thể được quán sát kia làm tính (ư bỉ trạch pháp vi tính). Hoặc [chọn lọc] đưa sự thể kia ra là đúng như Lý, hoặc [chọn lọc] đưa ra là không đúng như Lý, hoặc [chọn lọc] đưa ra là đều không phải cả hai trường hợp trên (hoặc như lý sở dẫn, hoặc bất như lý sở dẫn, hoặc câu phi sở dẫn).
(3) Mười Một Thiện
1. Thế nào là Tín? Tín lấy tâm thanh tịnh, đối với nghiệp quả, Đế lý và Tam Bảo hoàn toàn chân chính phù hợp và tùy thuận, làm tự tính (ư nghiệp quả chư đế bảo trung cực chính phù thuận tâm tịnh vi tính).
2. Thế nào là Tàm? Tàm lấy sự hổ thẹn, đối với việc làm có tội, phát sinh từ sự tự trọng hoặc trọng Pháp, làm tự tính (tự tăng thượng cập pháp tăng thượng, ư sở tác tội tu sỉ vi tính).
3. Thế nào là Qúy? Qúy lấy sự hổ thẹn, đối với việc làm có tội, phát sinh từ sự coi trọng [sự cười chê của] thế gian, làm tự tính (thế tăng thượng ư sở tác tội tu sỉ vi tính).
4. Thế nào là Vô tham? Vô tham lấy không bám trước, đối trị Tham khiến ngán sợ vô cùng, làm tự tính (tham đối trị linh thâm yếm hoạn vô trước vi tính).
5. Thế nào là Vô sân? Vô Sân lấy Từ, đối trị Sân, làm tự tính (sân đối trị dĩ từ vi tính).
6. Thế nào là Vô si? Vô si lấy chỗ chân chính thực hành đúng như thật, đối trị Si, làm tính (si đối trị dĩ kỳ như thật chính hành vi tính).
7. Thế nào là Tinh tiến? Tinh tiến lấy chỗ Tâm đối với các việc thiện dũng mãnh thực hành, đối trị giải đãi, làm tính (giải đãi đối trị, tâm ư thiện phẩm dũng hãn vi tính).
8. Thế nào là Khinh an? Khinh an lấy chỗ thân tâm điều hòa sảng khoái lành mạnh, đối trị thô nặng, làm tính (thô trọng đối trị, thân tâm điều sướng kham năng vi tính).
9. Thế nào là Bất phóng dật? Bất phóng dật chính là đối trị phóng dật, do Vô tham, Vô sân, Vô si và Tinh tiến y theo Bất phóng dật này mà xả bỏ đi các pháp bất thiện, và đồng thời cũng là tu các thiện pháp đối trị (phóng dật đối trị, tức thị vô tham nãi chí tinh tiến y thử cố xả bất thiện pháp, cập tức tu bỉ đối trị thiện pháp).
10. Thế nào là Xả? Xả chính là Vô tham, Vô sân, Vô si và Tinh tiến do y chỉ Xả này mà làm cho Tâm đạt được trạng thái bình đẳng, trạng thái chính trực, trạng thái không tác ý. Lại do pháp này mà đối với các pháp ô nhiễm đã được trừ bỏ rồi, Tâm được an trụ không nhiễm (tức vô tham nãi chí tinh tiến y chỉ thử cố hoặch đắc sở hữu tâm bình đẳng tính, tâm chính trực tính, tâm vô phát ngộ tính. hựu do thử cố ư dĩ trừ khiển nhiễm ô pháp trung vô nhiễm an trụ).
11. Thế nào là Bất hại? Bất hại lấy Bi, đối trị Hại, làm tự tính (hại đối trị dĩ bi vi tính).
(4) Sáu Phiền Não
1. Thế nào là Tham? Tham lấy sự nhiễm ái đam trước đối với Năm Thủ Uẩn làm tính (ư ngũ thủ Uẩn nhiễm ái đam trước vi tính).
2. Thế nào là Sân? Sân lấy sự làm tổn hại niềm vui thú của hữu tình làm tự tính (ư hữu tình lạc tác tổn hại vi tính).
3. Thế nào là mạn? Mạn gồm có 7 loại: Một Mạn, hai Quá mạn, ba Mạn quá mạn, bốn Ngã mạn, năm Tăng thượng mạn, sáu Ti mạn, bẩy Tà mạn. (1) Thế nào là Mạn? Mạn lấy tâm cao ngạo đối với người kém mình cho là mình hơn, hoặc đối với người bằng mình cho là mình bằng, làm tự tính. (2) Thế nào là Quá mạn? Quá mạn lấy tâm cao ngạo đối với người bằng mình cho là mình hơn, hoặc đối với người hơn minh cho là mình bằng, làm tự tính. (3) Thế nào là Mạn quá mạn? Mạn quá mạn lấy tâm cao ngạo đối với người hơn mình cho là mình hơn làm tự tính. (4) Thế nào là Ngã mạn? Ngã mạn lấy tâm cao ngạo hoặc quán 5 Thủ Uẩn là Ngã hoặc là Ngã sở làm tự tính. (6) Thế nào là Tăng thượng mạn? Tăng thượng mạn lấy tâm cao ngạo đối với pháp tăng thượng thù thắng mà mình chưa đắc được, cho là mĩnh đã đắc rồi, làm tự tính. Thế nào là Ti mạn? Ti mạn lấy tâm cao ngạo thua kém, đối với chỗ mình hơn nhiều mà cho là mình chỉ được chút ít, làm tự tính. (7) Thế nào là Tà mạn? Tà mạn lấy tâm cao ngạo cho là mình có đức trong khi thật sự mình không hề có đức, làm tự tính.
4. Thế nào là Vô minh? Vô minh lấy chỗ vô trí, đối với nghiệp quả, Đế lý và Tam Bảo không thấu tỏ rõ ràng, làm tự tính (ư nghiệp quả cập đế bảo trung vô trí vi tính). Vô minh có hai loại: (1) Đó là Vô minh tự bản chất của chúng sinh, sinh ra là đã có, tức "câu sinh vô minh", (2) và Vô minh do phân biệt suy xét không đúng với Đế lý mà thành, tức "phân biệt sở khởi Vô minh". Ngoài ra còn có "dục triền Vô minh", đi cùng với dục triền Tham và dục triền Sân, được gọi là ba "bất thiện căn": Tham bất thiện căn, Sân bất thiện căn và Si bất thiện căn.
5. Thế nào là Kiến? Kiến là nói cho 5 Kiến: Một, Tát ca gia Kiến. Hai, Biên chấp Kiến. Ba, Tà Kiến. Bốn, Kiến thủ. Năm, Giới cấm thủ. (1) Thế nào là Tát ca gia Kiến? Tát ca gia Kiến lấy Huệ nhiễm ô, đối với 5 thủ Uẩn hoặc quán là Ngã hoặc quán là Ngã sở, làm tự tính (ư ngũ thủ Uẩn tùy quán vi ngã hoặc vi ngã sở, nhiễm ô huệ vi tính). (2) Thế nào là Biên chấp Kiến? Biên chấp Kiến lấy Huệ nhiễm ô, do lực của Tát ca gia Kiến tăng trưởng mà tùy theo đó quán 5 thủ Uẩn hoặc là "thường" hoặc là "đoạn", làm tự tính (tức do bỉ tăng thượng lực cố, tùy quán vi thường hoặc phục vi đoạn, nhiễm ô huệ vi tính). (3) Thế nào là Tà Kiến? Tà Kiến lấy Huệ nhiễm ô, hoặc bác bỏ nhân hoặc bác bỏ quả, hoặc bài tác dụng hoặc hoại thiện sự, làm tự tính (hoặc báng nhân hoặc phục báng quả, hoặc báng tác dụng hoặc hoại thiện sự, nhiễm ô huệ vi tính). (4) Thế nào là Kiến thủ? Kiến thủ lấy Huệ nhiễm ô, đối với ba Kiến trên và các Uẩn mà ba Kiến trên y cứ, cho đó là tối thượng là hơn hết là cùng cực, làm tự tính (tức ư tam kiến cập bỉ sở y chư uẩn, tùy quán vi tối vi thượng vi thắng vi cực, nhiễm ô huệ vi tính). (5) Thế nào là Giới cấm thủ? Giới cấm thủ lấy huệ nhiễm ô, đối với các giới cấm và các Uẩn mà giới cấm y cứ trên đó, coi đó là thanh tịnh, là giải thoát, là xuất ly, làm tự tính (ư giới cấm cập bỉ sở y chư uẩn, tùy quán vi thanh tịnh, vi giải thoát, vi xuất ly, nhiễm ô huệ vi tính).
6. Thế nào là Nghi? Nghi lấy chỗ do dự nghi ngờ đối với các Đế lý làm tự tính (ư đế đẳng dụ dự vi tính).
Trong 6 Phiền Não này, thời 3 Kiến sau cùng và Nghi là chỉ do phân biệt suy xét không đúng mà sinh ra. Còn lại thì đều vừa do sinh ra đã có sẵn, tức "câu sinh", mà cũng vừa do phân biệt nên sinh khởi, tức "phân biệt khởi".
(5) Hai Mươi Tùy Phiền Não
Mười Tiểu Tùy Phiền Não
1. Thế nào là Phẫn? Phẫn lấy tâm phiền muộn bực bội đối trước các sự việc bất lợi làm tự tính (ngộ hiện tiền bất nhiêu ích sự tâm tổn não vi tính).
2. Thế nào là Hận? Hận lấy sự ôm lòng oán hận không xả bỏ làm tự tính (kết oán bất xả vi tính).
3. Thế nào là Phú? Phú có nghĩa là che đậy, Phú lấy việc che đậy tội lỗi của chính mình làm tự tính (ư tự tội phú tàng vi tính).
4. Thế nào là Não? Não lấy việc nói lời ác độc chửi rủa làm tính (phát bạo ác ngôn vưu thư vi tính).
5. Thế nào là Tật? Tật là tật đố, nghĩa là ganh tị. Tật lấy tâm đố kœ đối với sự hưng thịnh của người khác làm tự tính (ư tha thịnh sưụ tâm đố vi tính).
6. Thế nào là San? San nghĩa là keo kiết, bủn xỉn. San lấy tâm tiếc giữ, không chịu bố thí, làm tự tính (thí tương vi tâm lận vi tính).
7. Thế nào là Cuống? Cuống nghĩa là dối gạt. Cuống lấy việc giả tạo ra các sự không thật để dối gạt người làm tự tính (vị cuống tha trá hiện bất thật sự vi tính).
8. Thế nào là Siểm? Siểm là lươn lẹo không thẳng thắn. Siểm lấy tâm quanh co để tạm thời che dấu sự sai lầm của chính mình làm tự tính (phú tàng tự quá phương tiện sở nhiếp tâm khúc vi tính).
9. Thế nào là Kiêu? Kiêu lấy tâm cao ngạo ta đây do › vào sự hưng thịnh của chính mình làm tự tính (ư tự thịnh sự nhiễm trước cứ ngạo tâm thị vi tính).
10. Thế nào là Hại? Hại lấy việc làm tổn hại sầu não các hữu tình làm tính (ư chư hữu tình tổn não vi tính).
Hai Trung Tùy Phiền Não
11. Thế nào là Vô tàm? Vô tàm lấy chỗ làm tội mà không tự thấy hổ thẹn với chính mình làm tự tính (ư sở tác tội bất tự tu sỉ vi tính).
12. Thế nào là Vô quý? Vô quý lấy chỗ làm tội mà không biết hổ thẹn đối với người khác làm tự tính (ư sở tác tội bất tu sỉ tha vi tính).
Tám Đại Tùy Phiền Não
13. Thế nào là Hôn trầm? Hôn trầm lấy chỗ mù mờ không tỏ do Tâm không được điều hòa thoải mái, không có năng lực, làm tự tính (tâm bất điều sướng vô sở kham năng mông muội vi tính).
14. Thế nào là Trạo cử? Trạo cử lấy chỗ Tâm không lặng lẽ tĩnh lắng làm tự tính (tâm bất tịch tĩnh vi tính).
15. Thế nào là Bất tín? Bất tín là đối tượng đối trị của Tín. Bất tín lấy chỗ Tâm không thanh tịnh, đối với các vấn đề nghiệp quả v.v... không chân chính tin theo, làm tự tính (tín sở đối trị, ư nghiệp quả đẳng bất chính tín thuận, tâm bất thanh tịnh vi tính).
16. Thế nào là Giải đãi? Giải đãi là đối tượng đối trị của Tinh tiến. Giải đãi lấy chỗ Tâm không dũng mãnh thực hành đối với các thiện sự làm tự tính (tinh tiến sở trị, ư chư thiện phẩm tâm bất dũng mãnh vi tính).
17. Thế nào là Phóng dật? Phóng dật lấy chỗ do nơi Tham Sân Si và Giải đãi nên đối với các phiền não Tâm không đề phòng, đối với các việc thiện Tâm không tu tập, làm tự tính (tức do tham sân si giải đãi cố, ư chư phiền não tâm bất phòng hộ, ư chư thiện phẩm tâm bất tu tập vi tính).
18. Thế nào là Thất niệm? Thất niệm lấy chỗ do niệm ô nhiễm nên đối với các thiện pháp Tâm không nhớ rõ được làm tự tính (nhiễm ô niệm ư chư thiện pháp bất năng minh ký vi tính).
19. Thế nào là Tán loạn? Tán loạn lấy chỗ Tâm do Tham Sân si mà phân tán ra trôi nổi tứ tung làm tự tính (tham sân si phân tâm lưu đãng vi tính).
20. Thế nào là Bất chính tri? Bất chính tri lấy chỗ đối với ba nghiệp thân ngữ ý ngay khi đang hiện hành, không biết y trụ vào chính tri, chỉ y theo tà giải mà hoạt động, làm tự tính (ư thân ngữ ý hiện tiền hành trung, bất chính y trụ vi tính).
(6) Bốn Pháp Bất Định
1. Thế nào là Ác tác? Ác tác lấy Tâm nghĩ lại việc làm ác mà phát sinh hối hận làm tự tính (tâm biến hối vi tính).
2. Thế nào là Thùy miên? Thùy miên lấy chỗ Tâm cùng cực mê mờ không hoạt động được tự tại làm tự tính (bất tự tại chuyển tâm cực muội lược vi tính).
3. Thế nào là Tầm? Tầm nghĩa là tìm kiếm. Tầm lấy "tư huệ" phân biệt tìm cầu các ý nghĩa sai khác của ý thức, khơi động Tâm một cách thô tháo, làm tự tính (năng tầm cầu ý ngôn phân biệt tư huệ sai biệt linh tâm thô vi tính).
4. Thế nào là Ti? Ti lấy "tư huệ" phân biệt theo dõi quán sát các ý nghĩa sai khác của ý thức, khơi động Tâm một cách vi tế, làm tự tính (năng ti sát ý ngôn phân biệt tư huệ sai biệt linh tâm tế vi tính).
Tầm có nghĩa là tầm cầu, nghĩa là tâm thoạt đầu tiên (hốt nhĩ) gặp cảnh thuộc thức thứ sáu, đối với danh nghĩa của các pháp ra sức thô mãnh thôi cầu.
Ti có nghĩa là ti sát, nghĩa là tâm thoạt tiên (hốt nhĩ) gặp cảnh thuộc thức thứ sáu, đối với danh nghĩa của các pháp ra sức vi tế ti sát.
Tầm Ti đều lấy một phần của Tư, Huệ làm thể, lấy danh cú các nghĩa làm sở duyên, lấy tầm cầu, ti sát làm hành tướng. Lại Du Già Sư Địa Luận quyển 5 luận về sự sai khác giữa Tầm Ti và Phân biệt. Phân biệt là tác dụng tự tính của Tâm Tâm sở, cũng là tên khác của Tâm Tâm sở. Phân biệt nghĩa rộng hơn là Tầm Ti mà chỉ là thành phần của Phân biệt thôi.
Tầm xưa dịch là Giác, phân thành Thiện Giác và Ác Giác, như Tam Ác Giác hay Tam Bất Thiện Giác: Dục Giác (Tham Giác), Sân Giác (Khuể Giác), Hại Giác (Não Giác). Ngược lại là Tam Thiện Giác: Ly Dục Giác (Viễn Ly, Xuất Ly hay Xuất Giác), Vô Sân Giác (Vô Khuể Giác), Vô Hại Giác (Vô Não Giác). Bồ Tát thánh nhân còn có 8 loại Giác gọi là "Bát Đại Nhân Giác" hoặc "Đại Nhân Bát Niệm": (1) Thiểu dục Giác. (2) Tri túc Giác. (3) Viễn ly Giác. (4) Tinh tiến Giác. (5) Chính niệm Giác. (6) Chính định Giác. (7) Chính Huệ Giác. (8) Bất hí luận Giác. Đều thuộc về Thiện Giác.
2. Hành Không Tương Ưng với Tâm
Thế nào là Hành không tương ưng với Tâm? Hành không tương ưng với Tâm là y theo vị trí tương đối của Sắc, Tâm và Tâm pháp mà lập nên, chỉ là giả pháp chứ không có thật, không thể nào xác định được chắc chắn là dị tính hay không dị tính (y sắc, tâm, tâm pháp phận vị, đãn giả kiến lập, bất khả thi thiết quyết định dị tính cập bất dị tính).
Hành không tương ưng với Tâm này lại gồm có 14 loại như sau: (1) Đắc, (2) Vô tưởng Đẳng chí, (3) Diệt tận Đẳng chí, (4)Vô tưởng sở hữu, (5) Mệnh căn, (6) Chúng đồng phận, (7) Sinh, (8) Lão, (9) Trụ, (10) Vô thường, (11) Danh thân, (12) Cú thân, (13) Văn thân, (14) Dị sinh tính.
(1) Thế nào là Đắc? Đắc là hoặc sở hữu được hoặc thành tựu (nhược hoạch nhược thành tựu). Đắc lại có 3 loại: Hoặc là chủng tử, hoặc tự tại, hoặc hiện tiền, tùy theo trường hợp mà áp dụng.
(2) Thế nào là Vô tưởng đẳng chí? Đẳng chí tức là định. Vô tướng đẳng chí (tức Vô tưởng định) đã lìa khỏi tâm Tham thuộc Biến tịnh, song chưa lìa khỏi tâm Tham vào các tầng trên, do trước tiên hết tác ý lià bỏ Tưởng, lấy chỗ diệt Tâm, Tâm pháp mà không thường hiện hành làm tự tính (dĩ ly biến tịnh tham vị ly thượng tham, do xuất ly tưởng tác ý vi tiên, bất hằng hiện hành tâm tâm pháp diệt vi tính).
(3) Thế nào là Diệt tận Đẳng chí? Diệt tận đẳng chí (tức Diệt tận định) là đã lìa khỏi tâm Tham vào tầng định Vô sở hữu, từ tầng Hữu cao nhất (tức Phi tưởng phi phi tưởng Xứ định) lại cầu tiến vượt lên nữa, do trước tiên hết tác ý ngưng dứt Tưởng hoàn toàn, lấy chỗ diệt hết các Tâm, Tâm pháp không thường hiện hành, và một phần các Tâm Tâm pháp thường hiện hành, làm tự tính (dĩ ly vô sở hữu xứ tham, tùng đệ nhất hữu cánh cầu thắng tiến, do chỉ tức tưởng tác ý vi tiên, bất hằng hiện hành cập hằng hành nhất phận tâm tâm pháp diệt vi tính).
(4) Thế nào làVô tưởng sở hữu? Vô tưởng sở hữu (tức Vô tưởng thiên) là quả của Vô tưởng đẳng chí. Hữu tình vô tưởng sinh vào cõi trời ấy rồi, lấy chỗ các Tâm Tâm pháp không thường hiện hành diệt hết làm tự tính (vô tưởng đẳng chí quả, vô tưởng hữu tình thiên trung sinh dĩ, bất hằng hiện hành tâm tâm pháp diệt vi tính).
(5) Thế nào là Mệnh căn? Mệnh căn là do nghiệp đời trước dẫn dắt mà an trụ hoàn toàn ổn định trong Chúng đồng phận, lấy lúc an trụ ổn định ấy làm tự tính (ư chúng đồng phận trung tiên nghiệp sở dẫn, trụ thời quyết định vi tính).
(6) Thế nào là Chúng đồng phận? Chúng đồng phận lấy sự tương tợ cùng loại với nhau giữa các hữu tình làm tự tính (chư hữu tình tự loại tương tự vi tính).
(7) Thế nào là Sinh? Sinh lấy các Hành vốn trước đó không có trong Chúng đồng phận mà nay thời có làm tự tính (ư chúng đồng phận trung, chư hành bổn vô kim hữu vi tính).
(8) Thế nào là Lão? Lão là lấy chính các Hành trên liên tục biến khác đi làm tự tính (tức như thị chư hành tương tục biến dị vi tính).
(9) Thế nào là Trụ? Trụ là lấy chính các Hành trên liên tục chuyển dịch làm tự tính (tức như thị chư hành tương tục tùy chuyển vi tính).
(10) Thế nào là Vô thường? Vô thường là lấy chính các Hành trên liên tục diệt mất đi làm tự tính (tức như thị chư hành tương tục tạ diệt vi tính).
(11) Thế nào là Danh thân? Danh là "tên" hay là "danh từ", thân là "thân thể", có nghĩa như đống, khối, tụ, nhóm, tích tập v.v... Danh thân lấy các "danh từ chữ nghĩa" nói cho tự tính của các pháp, làm tự tính (chư pháp tự tính tăng ngữ vi tính).
(12) Thế nào là Cú thân? Cú là câu. Cú thân lấy các "danh từ chữ nghĩa" nói lên sự sai biệt của các pháp, làm tự tính (chư pháp sai biệt tăng ngữ vi tính).
(13) Thế nào là Văn thân? Văn thân lấy các mẫu tự làm tự tính. Do làm cho hai loại Danh và Cú thân trên hiển rõ ra ngoài, nên cũng gọi là Hiển. Vì là chỗ y cứ của Danh và Cú để mà hiển rõ nghĩa ra, nên cũng gọi là "chữ cái" hay "mẫu tự", không vì sự khác nhau giữa Danh Cú mà biến khác đi (chư tự vi tính.dĩ năng biểu chương tiền nhị chủng cố diệc danh vi hiển. Do dữ danh cú vi sở y chỉ hiển liễu nghĩa cố diệc danh vi tự. Phi sai biệt môn sở biến dị cố).
(14) Thế nào là Dị sinh tính? Dị là khác nhau, sinh là loài (sinh loại). Khác với thánh nhân nên gọi là Dị sinh. Lại "sinh" là sinh khởi các tà kiến các phiền não khác loại nhau, tạo các nghiệp khác loại nhau, để rồi chịu các quả, sinh vào các loài khác loại nhau, thì gọi là Dị sinh. Tóm lại Dị sinh chỉ cho phàm phu chúng sinh luân hồi trong các "thú" sai khác nhau. Dị sinh tính lấy chỗ không đắc được các thánh pháp làm tự tính (ư chư thánh pháp bất đắc vi tính).
Kể ra các loại pháp như trên chính là nói về Hành Uẩn vậy. V. Thức Uẩn
Thế nào là Thức Uẩn? Thức Uẩn lấy chỗ phân biệt biết rõ các cảnh sở duyên làm tự tính (ư sở duyên cảnh liễu biệt vi tính).
Tâm
Do vì tính chất thu góp tích tập của Thức Uẩn, nên Thức Uẩn còn được gọi là Tâm. Lại do vì Thức Uẩn được bao hàm trong ý nghĩa của Ý, thế nên cũng được gọi là Ý (diệc danh tâm ý, do thái tập cố, ý sở nhiếp cố).
A lại gia Thức
Nghĩa tối thắng hơn hết của Tâm là A lại gia Thức. Tại sao vậy? Bởi trong Thức này chủng tử của các Hành đều được thu góp tích tập trong đó (do thử thức trung chư hành chủng tử giai thái tập cố).
Lại nữa không thể nào phân biệt rõ được hoạt động duyên "cảnh" của Thức này, chỉ cứ trước sau như nhất liên tục chuyển vận không cùng (thử hành duyên bất khả phân biệt, tiền hậu nhất loại tương tục tùy chuyển).
Lại cũng do Thức này mà khi từ Diệt tận đẳng chí, Vô tưởng đẳng chí, Vô tưởng sở hữu, khởi dậy, các Thức nhận biết về các cảnh danh kia mới sinh trở lại, mới lại nương theo sở duyên duyên sai khác nhau mà chuyển vận hoạt động, mới có thể bao phen gián đoạn như thế mà vẫn chuyển vận hoạt động được (do thử cố tùng diệt tận đẳng chí, vô tưởng đẳng chí, vô tưởng sở hữu khởi giả, liễu biệt cảnh danh chuyển thức hoàn sinh, đãi sở duyên duyên sai biệt chuyển cố, sổ sổ gián đoạn hoàn phục chuyển cố).
Lại Thức này làm cho sinh tử lưu chuyển lòng vòng (hựu linh sinh tử lưu chuyển toàn hoàn cố).
Nghĩa của A lại gia Thức
Còn nói A lại gia Thức thời có nghĩa là Thức này gom nhiếp cất chứa tất cả các chúng tử (năng nhiếp tạng nhất thiết chủng tử cố). Lại vì Thức này gom nhiếp cất chứa hình tướng của Ngã (năng nhiếp tạng ngã mạn tướng cố). Lại duyên theo Thân, lấy đó là cảnh giới (duyên thân vi cảnh giới cố).
Nghĩa của A đà na Thức
Chính Thức này còn gọi là A đà na Thức do vì thức này nắm giữ và duy trì Thân này vậy (năng chấp trì thân cố).
Tối thắng Ý
Còn nghĩa tối thắng hơn hết của Ý là Thức mà duyên theo A lại gia Thức, lấy đó làm cảnh, luôn luôn tương ưng với ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, Ý này trước sau như nhất liên tục chuyển vận không cùng, trừ trường hợp đắc quả A la hán, và các trường hợp Thánh Đạo, Diệt tận đẳng chí, hiện tiền (Tối thắng ý giả vị duyên a lại gia thức vi cảnh, hằng dữ ngã si, ngã kiến, ngã mạn cập ngã ái đẳng tương ưng chi thức, tiền hậu nhất loại tương ưng tùy chuyển, trừ a la hán quẳ cập dưũ thánh đạo, diệt tận đẳng chí hiện tại tiền vị). VI. Nghĩa của Uẩn
Hỏi: Do nghĩa nào mà lại gọi là Uẩn?
Đáp: Do nơi nghĩa "tích tụ" nên mới gọi là Uẩn. Nghĩa là nói tổng quát hết cho tất cả các Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức sai khác nhau thuộc về đủ loại các "thú" các "xứ" tương tục của thế gian (dĩ tích tụ nghĩa thuyết danh vi uẩn, vị thế tương tục phẩm loại thú xứ sai biệt sắc đẳng tổng lược nhiếp cố). VII. Mười Hai Xứ
Lại có mười hai Xứ là:
1. Nhãn xứ
2. Sắc xứ
3. Nhĩ xứ
4. Thanh xứ
5. Tị xứ
6. Hương xứ
7. Thiệt xứ
8. Vị xứ
9. Thân xứ
10. Xúc xứ
11. Ý xứ
12. Pháp xứ
Năm Xứ nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân và bốn Xứ sắc, thanh, hương, vị, ở trên đã giải thích.
Còn Xúc xứ là gồm bốn Đại chủng và một phần Sở xúc như trên đã có nói.
Nói Ý xứ tức chính là Thức Uẩn.
Nói Pháp xứ là gồm ba Uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Vô biểu sắc cùng với các pháp Vô vi.
Vô vi pháp
Thế nào là Vô vi? Tức các pháp Hư không Vô vi, Phi trạch diệt Vô vi, Trạch diệt Vô vi, Chân như Vô vi.
1. Thế nào là Hư không? Dung chứa và thọ nhận các Sắc (nhược dung thọ chư sắc).
2. Thế nào là Phi trạch diệt? Tức diệt mà không phải là lìa trói buộc khỏi ba cõi (nhược diệt phi ly hệ). Nghĩa là thế nào? Nghĩa là trường hợp tuy không phải do đối trị phiền não mà các Uẩn rốt cuộc không sinh (vị ly phiền não đối trị nhi chư uẩn tất cánh bất sinh).
3. Thế nào là Trạch diệt? Tức diệt mà lìa trói buộc khỏi ba cõi (nhược diệt thị ly hệ). Nghĩa là thế nào? Nghĩa là trường hợp do phiền não bị đối trị nên các Uẩn rốt cuộc không sinh nữa (vị do phiền não đối trị cố chư uẩn tất cánh bất sinh).
4. Thế nào là Chân như? Chân như là pháp tính của các pháp, là tính vô ngã của các pháp (vị chư pháp pháp tính, pháp vô ngã tính).
Nghĩa của Xứ
Hỏi: Do ý nghĩa nào mà lại gọi là Xứ?
Đáp: Do nghĩa đó là các "cửa" qua đó mà các Thức sinh trưởng, lấy đó làm nghĩa của Xứ (chư thức sinh trưởng môn nghĩa thị xứ nghĩa).(Xứ có nghĩa là "chỗ". Các Thức vốn vô hình tướng, nên không thể nhận thấy được một cách cụ thể trong không gian. Song chúng ta vẫn có thể phát hiện ra "chỗ" của các Thức vào ra qua lại, các "chỗ" ấy tức là mười hai Xứ nói trên. Ngoài ra Thức không tự có, không phải là sắc pháp vật chất, sinh tức diệt liền, nên cần phải có "chỗ" để phát sinh và nương tựa vào đó mà liên tục phát sinh, thì mới thành có được. Các "chỗ" ấy chính là mười hai Xứ. Lại nữa mười hai chỗ ấy cũng có nghĩa là nơi các Thức "đi vào" thế gian này, là nơi để tiếp xúc với thế gian này, nên các "chỗ" ấy còn có nghĩa là "cửa", từ nghĩa "cửa" này mà xưa kia Xứ còn được dịch là "Nhập", có ngĩa là "đi vào" qua các "cửa".) VIII. Mười Tám Giới
Lại còn có mười tám Giới, gồm có:
1. Nhãn giới -- Sắc giới -- Nhãn thức giới
2. Nhĩ giới -- Thanh giới -- Nhĩ thức giới
3. Tị giới -- Hương giới -- Tị thức giới
4. Thiệt giới -- Vị giới -- Thiệt thức giới
5. Thân giới -- Xúc giới -- Thân thức giới
6. Ý giới -- Pháp giới -- Ý thức giới
Nghĩa của các Thức giới
Về ý nghĩa của sáu giới nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý và sáu giới sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì như trong mười hai Xứ đã giải thích rồi. Còn sáu Thức giới có nghĩa là y theo các sáu Căn nhãn, nhĩ v.v... duyên các Cảnh sắc, thanh v.v... rõ biết riêng từng cảnh, lấy đó làm tự tính (y nhãn đẳng căn duyên sắc đẳng cảnh liễu biệt vi tính).
Nghĩa của Ý giới
Nói Ý giới có nghĩa tức chính là các Thức diệt liền không cách quãng (tức bỉ vô gián diệt đẳng). Lập nên Ý giới là cốt để nói lên chỗ y cứ của Ý thức thứ sáu, và cũng để thành lập đầy đủ về mười tám Giới.
Tóm lại về liên hệ giữa Uẩn Xứ Giới
Theo đó, Sắc Uẩn tức mười Xứ, mười Giới và một phần của Pháp xứ, Pháp giới.
Còn Thức Uẩn là Ý xứ và bẩy Tâm giới.
Ngoài ra ba Uẩn còn lại và một phần của Sắc Uẩn cùng các Vô vi tức chính là Pháp Xứ, Pháp giới.
Nghĩa của Giới
Hỏi: Do nghĩa nào mà lại gọi là Giới?
Đáp: Do các nghĩa trì giữ, vô tác dụng tính, tự tướng, nên mới gọi là Giới (dĩ năng nhậm trì, vô tác dụng tính, tự tướng nghĩa cố, thuyết danh vi giới).
1) Lại nữa trong mười tám Giới thời bao nhiêu Giới là có sắc (hữu sắc)? Gồm có 10 Giới và một ít phần là tự tính thuộc Sắc Uẩn.
2) Có bao nhiêu Giới không có sắc (vô sắc)? Tức các Giới còn lại ngoài 10 Giới và ít phần trên.
3) Bao nhiêu Giới là thấy được (hữu kiến)? Chỉ riêng Sắc giới thôi.
4) Bao nhiêu Giới không thấy được (vô kiến)? Các Giới còn lại ngoài Sắc giới.
5) Bao nhiêu Giới có xúc chạm chướng ngại được (hữu đối)? Gồm 10 Giới có Sắc. Nếu cái gì để vào chỗ cái kia mà bị chướng ngại, thì đó là nghĩa có xúc chạm chướng ngại được (nhược bỉ ư thị xứ hữu sở chướng ngại, thị hữu đối nghĩa).
6) Bao nhiêu Giới không xúc chạm chướng ngại được (vô đối)? Tức các Giới còn lại.
7) Bao nhiêu giới là hữu lậu? Gồm 15 Giới và ít phần của 3 Giới sau cùng. Do ở chỗ các Giới ấy phiền não khởi lên, do các Giới ấy là các chỗ hiển hiện ra các hành (do ư thị xứ phiền não khởi cố, hiện sở hành xứ cố).
8) Bao nhiêu Giới là vô lậu? Là ít phần của ba Giới sau cùng.
9) Bao nhiêu Giới hệ thuộc vào Dục giới? Tất cả 18 giới
10) Bao nhiêu Giới hệ thuộc vào Sắc giới? Gồm 14 Giới, trừ hai cảnh hương, vị, và hai Thức tị, thiệt.
11) Bao nhiêu Giới hệ thuộc vào Vô sắc giới? Ba Giới sau cùng.
12) Bao nhiêu Giới không bị hệ thuộc vào ba cõi? Chính là Vô lậu giới.
13) Bao nhiêu Giới thuộc về Uẩn (uẩn sở nhiếp)? Chỉ trừ Vô vi ra thôi.
14) Bao nhiêu Giới thuộc về Thủ Uẩn (thủ uẩn sở nhiếp)? Tức các hữu lậu
15) Bao nhiêu Giới là thiện, bao nhiêu là không thiện, bao nhiêu là vô ký? Mười Giới có đủ cả ba tính. Còn bẩy Tâm giới, Sắc, Thanh và một phần Pháp giới, cả thảy là 8 thuộc về vô ký tính.
16) Bao nhiêu Giới thuộc bên trong (nội)? Gồm 12 Giới, trừ sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp giới.
17) Bao nhiêu Giới thuộc bên ngoài (ngoại)? Tức 6 Giới được trừ ra vừa rồi.
18) Bao nhiêu Giới là có duyên (hữu duyên)? Tức bẩy Tâm giới và ít phần Tâm sở hữu pháp thuộc Pháp giới.
19) Bao nhiêu Giới không có duyên (vô duyên)? Tức 10 Giới và ít phần thuộc Pháp giới.
20) Bao nhiêu Giới có phân biệt (hữu phân biệt)? Tức Ý giới, Ý thức giới và ít phần Pháp giới.
21) Bao nhiêu Giới thuộc chấp thọ? Tức 5 Nội giới và ít phần của 4 Giới, tức sắc, hương, vị, xúc.
22) Bao nhiêu Giới thuộc không phải chấp thọ (phi chấp thọ)? Tức 9 Giới còn lại và ít phần của 4 Giới.
23) Bao nhiêu Giới là đồng phận? Tức 5 Giới có sắc thuộc bên trong, do bình đẳng cùng một cảnh giới với tự thức (ngũ nội hữu sắc giới, do dữ tự thức đẳng cảnh giới cố).
24) Bao nhiêu Giới thuộc bỉ đồng phận? Tức tự thức kia vào lúc không khởi lên tác dụng, nhưng vẫn bình đẳng với tự loại vậy (bỉ tự thức không thời, dữ tự loại đẳng cố).
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.198.90 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.