Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh [地藏菩薩本願經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh [地藏菩薩本願經] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » English version (1) » English version (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.6 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.74 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | Quyển cuối
Việt dịch: Ban phiên dịch Việt ngữ Vạn Phật Thánh Thành

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm Thứ Bảy
LỢI ÍCH CHO CẢ KẺ CÒN NGƯỜI MẤT

Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù, cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Họ từ bỏ những thiện lợi có được và phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu, nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng trưởng. Những hạng người này như kẻ đi trong bùn lầy mà còn mang đá nặng, nên càng khốn đốn, nặng thêm dần, chân càng lún xuống sâu.
Nếu được gặp hàng Tri Thức thì sẽ được gánh vác giùm bớt, hoặc gánh hết cho. Vì hàng Tri Thức đó có sức rất mạnh, lại dìu đỡ, khuyến khích làm cho mạnh chân lên. Nếu đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thì phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, không đi vào đó nữa."
"Bạch Ðức Thế Tôn! Những chúng sanh tập khí xấu ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.
Ðến khi những chúng sanh có tập khí như thế sắp sửa mạng chung, thì cha mẹ cùng quyến thuộc nên vì họ mà tạo phước đức, để giúp cho lộ trình phía trước của họ. Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc tôn kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng tượng của chư Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát cùng Bích Chi Phật, làm cho mỗi danh mỗi hiệu đều thấu vào nhĩ căn của người sắp mạng chung, hoặc nơi bổn thức nghe biết.
Các chúng sanh đó, cứ theo nghiệp ác đã gây tạo mà suy lường quả báo chiêu cảm, tất phải đọa vào ác đạo; song nhờ quyến thuộc vì kẻ lâm chung mà tu nhân Thánh này, các tội đó thảy đều tiêu sạch.
Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích."
"Vì lẽ đó nên nay con đối trước Ðức Phật Thế Tôn, cùng Thiên Long Bát Bộ, nhân và phi nhân v.v... mà khuyên bảo các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề: Vào ngày lâm chung, cần phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, cũng đừng bái tế quỷ thần, cầu xin vọng lượng.
Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế bái đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất, mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho thâm trọng hơn thôi.
Giả sử người chết đó, trong đời vị lai hoặc hiện tại sanh, đắc được phần Thánh Quả, sẽ sanh vào cõi trời, cõi người; nhưng vì lúc lâm chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, làm cho người chết cũng mắc lấy ương lụy, phải đối biện, chậm sanh vào chốn tốt lành.
Huống chi là người sắp chết lúc sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo! Hàng quyến thuộc nỡ nào làm tăng nghiệp tội của người ấy?!
Ví như có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, lại vác theo đồ vật nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gởi ít món đồ nữa, vì thế mà càng khốn đốn, nặng nề thêm."
"Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh cõi Diêm Phù Ðề, ở trong giáo pháp của chư Phật, nếu có thể làm thiện sự chừng bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một mảy bụi, thì tất cả đều tự mình được sự lợi ích."
Nói lời như thế xong, trong Pháp Hội có một vị Trưởng Giả tên là Ðại Biện, ông Trưởng Giả này từ lâu đã chứng Vô Sanh, hiện thân Trưởng Giả để hóa độ thập phương, chắp tay cung kính hỏi Ðịa Tạng Bồ Tát rằng: "Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sanh nào sau khi mạng chung mà hàng quyến thuộc kẻ lớn người nhỏ, đều vì người chết đó mà tu công đức, cho đến thiết trai, tạo những thiện nhân, thì người chết đó có được lợi ích lớn và được giải thoát chăng?"
Ðịa Tạng Bồ Tát đáp rằng: "Này ông Trưởng Giả! Nay tôi vì tất cả chúng sanh trong hiện tại cùng vị lai, nương oai lực của Ðức Phật mà lược nói về việc đó.
Này ông Trưởng Giả! Những chúng sanh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, danh hiệu của một vị Bích Chi Phật, thì bất luận là có tội hay không tội, thảy đều được giải thoát cả."
"Như có người nam hoặc người nữ nào, lúc sống đã không tu thiện nhân mà lại tạo nhiều nghiệp tội, sau khi mạng chung lại được hàng quyến thuộc vì người chết mà tu tạo phước lợi lớn nhỏ; thì tất cả Thánh sự, trong bảy phần công đức, người chết được một phần, còn sáu phần thuộc về người sống hiện lo tu tạo đó.
Vì thế cho nên, các thiện nam thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng tự tu hành, thì được hưởng trọn phần công đức.
Ðại quỷ Vô Thường không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ, chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, sau khi thẩm định xong thì cứ y theo nghiệp mà thọ sanh.
Trong lúc chưa biết ra sao đó thì đã ngàn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo!
Người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục quyến thuộc tu tạo phước lực để cứu vớt cho. Quá ngày ấy rồi thì cứ theo nghiệp mà thọ báo.
Nếu là tội nhân thì phải trải qua trong trăm ngàn năm, không có ngày được giải thoát; còn nếu là tội Ngũ Vô Gián thì phải đọa vào đại địa ngục, chịu mãi những sự đau khổ trong ngàn kiếp muôn kiếp."
"Lại nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây nghiệp tội như thế mạng chung, hàng cốt nhục quyến thuộc vì họ mà làm chay cúng dường để trợ giúp nghiệp đạo, thì khi thức ăn chưa làm xong cùng trong lúc đang làm, chớ có đem nước gạo, lá rau đổ vung vãi nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư Tăng thì chẳng được ăn trước.
Nếu ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó trọn không được trợ lực nào cả.
Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần.
Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả."
Nói lời này xong, tại cung trời Ðao Lợi có ngàn muôn ức na-do-tha quỷ thần của cõi Diêm Phù Ðề đều phát tâm Bồ Ðề vô lượng.
Ông Trưởng Giả Ðại Biện làm lễ mà lui ra.
Phẩm Thứ Tám
CÁC VUA DIÊM LA VÀ QUYẾN THUỘC KHEN NGỢI

Lúc đó, trong dãy núi Thiết Vi có vô lượng Quỷ Vương cùng với Thiên Tử Diêm La đồng lên cung trời Ðao Lợi, đến chỗ của Ðức Phật. Ðó là:
Quỷ Vương Ác Ðộc,
Quỷ Vương Ða Ác,
Quỷ Vương Ðại Tranh,
Quỷ Vương Bạch Hổ,
Quỷ Vương Huyết Hổ,
Quỷ Vương Xích Hổ,
Quỷ Vương Tán Ương,
Quỷ Vương Phi Thân,
Quỷ Vương Ðiển Quang,
Quỷ Vương Lang Nha,
Quỷ Vương Thiên Nhãn,
Quỷ Vương Ðạm Thú,
Quỷ Vương Phụ Thạch,
Quỷ Vương Chủ Hao,
Quỷ Vương Chủ Họa,
Quỷ Vương Chủ Thực,
Quỷ Vương Chủ Tài,
Quỷ Vương Chủ Súc,
Quỷ Vương Chủ Cầm,
Quỷ Vương Chủ Thú,
Quỷ Vương Chủ Mỵ,
Quỷ Vương Chủ Sản,
Quỷ Vương Chủ Mạng,
Quỷ Vương Chủ Tật,
Quỷ Vương Chủ Hiểm,
Quỷ Vương Tam Mục,
Quỷ Vương Tứ Mục,
Quỷ Vương Ngũ Mục,
Kỳ Lợi Thất Vương,
Ðại Kỳ Lợi Thất Vương,
Kỳ Lợi Xoa Vương,
Ðại Kỳ Lợi Xoa Vương,
A Na Tra Vương,
Ðại A Na Tra Vương.
Những vị Ðại Quỷ Vương như thế, mỗi vị cùng với trăm ngàn tiểu quỷ vương, toàn cư ngụ ở cõi Diêm Phù Ðề, ai nấy đều có chức trách, đều có phần chủ trị riêng.
Các vị Quỷ Vương đó cùng với Thiên Tử Diêm La, nương oai thần của Ðức Phật và oai lực của Đại Bồ Tát Ðịa Tạng , đồng lên đến cung trời Ðao Lợi và đứng qua một phía.
Bấy giờ, Thiên Tử Diêm La quỳ gối chắp tay bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Nay chúng con cùng các vị Quỷ Vương nhờ nương oai thần của Ðức Phật và oai lực của Đại Bồ Tát Ðịa Tạng mới được đến đại hội nơi cung trời Ðao Lợi này, mà cũng là chúng con được thiện lợi vậy. Nay con có chút việc nghi ngờ, dám bạch hỏi Ðức Thế Tôn, cúi xin Ðức Thế Tôn từ bi tuyên thuyết.”
Ðức Phật bảo Thiên Tử Diêm La: “Cho phép ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà nói rõ.”
Bấy giờ, Thiên Tử Diêm La chiêm lễ Ðức Thế Tôn và ngoái nhìn Bồ Tát Ðịa Tạng, rồi bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét Bồ Tát Ðịa Tạng ở trong sáu đường dùng trăm ngàn phương chước để cứu độ những chúng sanh mắc phải tội khổ, chẳng từ mệt nhọc. Vị Ðại Bồ Tát này có những sự thần thông bất khả tư nghì như thế, nhưng chư chúng sanh vừa được thoát khỏi tội báo, chẳng bao lâu lại phải đọa vào ác đạo nữa.
“Bạch Ðức Thế Tôn! Bồ Tát Ðịa Tạng đã có thần lực bất khả tư nghì như thế, cớ sao hàng chúng sanh chẳng chịu nương về thiện đạo để được giải thoát mãi mãi? Cúi xin Ðức Thế Tôn dạy rõ việc đó cho chúng con.”
Ðức Phật bảo Thiên Tử Diêm La: “Chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề tánh tình cang cường, khó điều khó phục. Ðại Bồ Tát đây trong trăm ngàn kiếp đã từng cứu vớt những chúng sanh đó, làm cho họ sớm được giải thoát.
“Những người bị tội báo cho đến bị đọa vào đường đại ác, Bồ Tát dùng sức phương tiện nhổ sạch cội gốc nghiệp duyên, làm cho họ hiểu được các việc đời trước. Nhưng vì chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề kết ác tập nặng, vừa ra khỏi lại trở vào, làm nhọc cho Bồ Tát phải trải qua nhiều số kiếp để độ thoát.
“Ví như có người quên mất nhà mình, đi lạc vào đường hiểm; trong con đường hiểm đó có rất nhiều quỷ Dạ-xoa, cùng cọp, sói, sư tử, rắn độc, bò cạp. Người mê muội đó ở trong đường hiểm chỉ chừng giây lát là sẽ gặp các thứ độc.”
“Có một vị Tri Thức hiểu nhiều phép thuật, khéo ngăn trừ thứ độc đó, cho đến quỷ Dạ-xoa cùng các loài ác độc v.v..., chợt gặp người mê muội kia đang muốn đi vào đường hiểm, bèn vội bảo rằng: ‘Ô hay, ông kia! Vì cớ gì mà vào con đường này? Ông có phép thuật lạ gì có thể ngăn trừ các thứ độc chăng?’
“Người lạc đường chợt nghe lời ấy mới biết là đường nguy hiểm, liền lùi lại, muốn ra khỏi con đường đó. Vị Thiện Tri Thức kia nắm tay dìu dắt, dẫn ra khỏi đường hiểm, tránh khỏi các sự ác độc, và đến con đường tốt lành, làm cho được an lạc; rồi bảo rằng: ‘Này người lạc đường! Từ nay về sau chớ đi vào con đường đó nữa. Ai mà vào con đường đó ắt khó ra được, lại còn bị tổn tánh mạng!’
Người lạc đường đó cũng sanh lòng cảm trọng. Lúc từ biệt nhau, vị Tri Thức lại căn dặn thêm: ‘Nếu gặp người thân quen, cùng những người đi đường hoặc trai hoặc gái, thì hãy bảo với họ rằng con đường đó có nhiều sự ác độc, vào đó có thể mất cả tánh mạng. Ông chớ để cho những người ấy tự vào chỗ chết.”
“Vì thế nên Bồ Tát Ðịa Tạng đầy đủ đức đại từ bi, cứu vớt những chúng sanh mắc tội khổ, khiến cho họ được sanh trong cõi trời, cõi người, hưởng sự vui sướng vi diệu.
“Những kẻ có tội đó rõ biết sự khổ trong nghiệp đạo rồi, khi đã được ra khỏi, vĩnh viễn chẳng còn trở vào nữa; như người lạc đường đi lầm vào con đường hiểm, gặp vị Thiện Tri Thức dẫn cho ra, không bao giờ còn lạc vào nữa, gặp gỡ người khác lại khuyên chớ vào đường ấy, còn tự nói rằng: ‘Tôi bị mê lầm, nay được thoát ra rồi, không còn trở vào đó nữa. Nếu đi vào nữa và còn mê lầm, không biết đó là con đường hiểm nạn mà mình đã từng lạc vào, thì có thể đến phải mất mạng.’
“Như có những chúng sanh bị đọa vào ác đạo, Bồ Tát Ðịa Tạng dùng sức phương tiện khiến họ được giải thoát, sanh trong cõi trời, cõi người, nhưng rồi họ lại trở vào lần nữa; nếu kết nghiệp nặng nề thì họ phải ở mãi chốn địa ngục, không lúc nào được giải thoát.”
Bấy giờ, Quỷ Vương Ác Ðộc chắp tay cung kính bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Hàng Quỷ Vương chúng con số đông vô lượng, ở cõi Diêm Phù Ðề hoặc làm lợi ích cho người, hoặc làm tổn hại cho người, mỗi mỗi không giống nhau. Nhưng vì nghiệp báo khiến quyến thuộc chúng con đi khắp thế giới làm ác nhiều, làm thiện ít.
“Ði qua sân nhà người ta, hoặc thành phố, xóm làng, trang trại, vườn cây, buồng nhà, trong đó như có người nam kẻ nữ nào tu được thiện sự bằng mảy lông sợi tóc; cho đến treo một tràng phan, một bảo cái và dâng chút hương, chút hoa cúng dường tượng Phật cùng tượng Bồ Tát, hoặc chuyển đọc tôn kinh, đốt hương cúng dường cho một bài kệ, một câu kinh; thì hàng Quỷ Vương chúng con sẽ kính lễ người đó như kính lễ các đức Phật thuở quá khứ, hiện tại cùng vị lai.
“Chúng con ra lệnh cho các tiểu quỷ có oai lực lớn và thần Thổ Ðịa đều phải bảo vệ, che chở, chẳng để cho các việc dữ, các tai nạn bất kỳ, hoặc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo bất kỳ, cho đến những việc không vừa ý đến gần chỗ của các nhà đó, huống là để cho vào cửa!”
Ðức Phật khen ngợi Quỷ Vương rằng: “Lành thay! Lành thay! Các ông cùng với Vua Diêm La có thể ủng hộ các thiện nam thiện nữ như thế! Ta cũng bảo Phạm Vương, Ðế Thích hộ vệ các ông!”
Ðức Phật nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Quỷ Vương tên là Chủ Mạng bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Nghiệp duyên căn bản của con là chủ về nhân mạng ở cõi Diêm Phù Ðề, khi sanh khi tử đều do con làm chủ. Bổn nguyện của con thì rất muốn làm lợi ích, nhưng vì chúng sanh không hiểu ý con nên đến nỗi khi sanh khi tử đều không được an ổn; tại sao thế?
“Người cõi Diêm Phù Ðề lúc mới sanh xong, không kể là con trai hay con gái, hoặc khi sắp sanh, chỉ nên làm thiện sự để thêm sự lợi ích cho nhà cửa, thì tự nhiên Thần Thổ Ðịa sẽ vô cùng hoan hỷ, ủng hộ cho cả mẹ lẫn con đều được sự an lạc lớn, hàng quyến thuộc cũng được lợi ích.
“Hoặc khi đã sanh rồi thì nên cẩn thận, chớ giết hại để lấy những vị tươi ngon cung cấp cho người sản mẫu, cùng nhóm họp hàng quyến thuộc lại để uống rượu, ăn thịt, ca hát, đánh đàn, thổi sáo; vì có thể khiến cho cả mẹ lẫn con chẳng được an lạc.”
“Vì sao thế? Bởi vì lúc sanh nở khó khăn đó, có vô số ác quỷ cùng vọng lượng, tinh mỵ, muốn tới ăn huyết tanh. Chính con sớm đã sai các thần linh của nhà cửa đất đai phải bảo hộ người mẹ và đứa con, làm cho họ được an vui mà hưởng nhiều sự lợi ích.
“Những người này thấy sự an ổn vui vẻ thì nên tạo phước để báo đáp các thần Thổ Ðịa, thế mà trái lại, họ còn giết hại, tụ tập quyến thuộc; vì lẽ này, hễ phạm tội tất phải tự gánh chịu, người mẹ và đứa con đều bị tổn hại!
“Lại ở cõi Diêm Phù Ðề, những người sắp mạng chung, bất luận là thiện hay ác, con đều muốn cho họ không bị đọa lạc vào đường ác; huống chi là kẻ tự tu thiện căn, làm tăng oai lực của con!
“Những người làm thiện ở cõi Diêm Phù Ðề, đến lúc lâm chung cũng còn có trăm ngàn quỷ thần trong ác đạo hoặc biến làm cha mẹ, cho đến hàng quyến thuộc, dẫn dắt người chết khiến cho lạc vào ác đạo; huống chi là những kẻ vốn đã tạo ác!”
“Bạch Ðức Thế Tôn! Những kẻ nam người nữ ở cõi Diêm Phù Ðề, lúc lâm chung thì thần thức hôn ám mê muội, không phân biệt được thiện ác, cho đến mắt và tai đều không còn thấy nghe gì nữa.
“Hàng quyến thuộc phải nên thiết đại cúng dường, chuyển đọc tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật cùng Bồ Tát; những thiện duyên như thế có thể khiến cho người chết thoát khỏi các đường ác, và các ma quỷ, ác thần đều phải rút lui hoặc giải tán.
“Bạch Ðức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh lúc lâm chung nếu được nghe đến danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, hoặc một câu hay một bài kệ trong kinh điển Ðại Thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô Gián và tội sát hại, còn những nghiệp ác nho nhỏ đáng phải đọa vào đường ác thì chẳng bao lâu đều được thoát khỏi cả.”
Ðức Phật bảo Chủ Mạng Quỷ Vương rằng: “Ông vì lòng đại từ nên có thể phát đại nguyện, ở trong sanh tử cứu hộ chúng sanh như thế. Như trong đời sau có kẻ nam người nữ nào đến thời điểm sanh tử, thì ông chớ rút lại lời nguyện đó, mà nên làm cho họ thảy đều được giải thoát, mãi mãi được an vui.”
“Bạch Ðức Thế Tôn! Những kẻ nam người nữ ở cõi Diêm Phù Ðề, lúc lâm chung thì thần thức hôn ám mê muội, không phân biệt được thiện ác, cho đến mắt và tai đều không còn thấy nghe gì nữa.
“Hàng quyến thuộc phải nên thiết đại cúng dường, chuyển đọc tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật cùng Bồ Tát; những thiện duyên như thế có thể khiến cho người chết thoát khỏi các đường ác, và các ma quỷ, ác thần đều phải rút lui hoặc giải tán.
“Bạch Ðức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh lúc lâm chung nếu được nghe đến danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, hoặc một câu hay một bài kệ trong kinh điển Ðại Thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô Gián và tội sát hại, còn những nghiệp ác nho nhỏ đáng phải đọa vào đường ác thì chẳng bao lâu đều được thoát khỏi cả.”
Ðức Phật bảo Quỷ Vương Chủ Mạng rằng: “Ông vì lòng đại từ nên có thể phát đại nguyện, ở trong sanh tử cứu hộ chúng sanh như thế. Như trong đời sau có kẻ nam người nữ nào đến thời điểm sanh tử, thì ông chớ rút lại lời nguyện đó, mà nên làm cho họ thảy đều được giải thoát, mãi mãi được an vui.”
Quỷ Vương bạch cùng Ðức Phật rằng: “Xin Ðức Thế Tôn chớ lo! Trọn đời con luôn luôn ủng hộ chúng sanh ở cõi Diêm Phù Ðề, làm cho lúc sanh lúc tử đều được an vui. Chỉ mong các chúng sanh trong lúc sanh cùng lúc tử đều tin theo lời con, thì không ai là không được giải thoát và được lợi ích lớn cả!”
Bấy giờ, Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Vị Ðại Quỷ Vương chủ về sanh mạng đây, đã từng trải qua trăm ngàn đời làm vị Ðại Quỷ Vương, ủng hộ chúng sanh trong lúc sanh và lúc tử. Bậc Ðại Sĩ này vì lòng từ bi phát nguyện hiện thân đại quỷ, chớ thật ra không phải quỷ.
“Quá một trăm bảy mươi kiếp sau, ông ấy sẽ được thành Phật hiệu là Vô Tướng Như Lai, kiếp tên là An Lạc, thế giới tên là Tịnh Trụ, thọ mạng của Ðức Phật đó đến số kiếp không thể tính đếm được.
“Này Ðịa Tạng Bồ Tát! Những việc của vị Ðại Quỷ Vương đó thì không thể nghĩ bàn như thế; hàng trời, người được độ thoát cũng đến số không thể hạn lượng.”
Phẩm Thứ Chín
XƯNG DANH HIỆU CHƯ PHẬT

Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nay con vì chúng sanh đời sau mà diễn nói về sự lợi ích, làm cho họ trong lúc sanh cùng lúc tử đều được những lợi ích lớn lao. Cúi xin Ðức Thế Tôn lắng nghe điều con nói."
Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Nay ông muốn khởi lòng từ bi, cứu vớt tất cả chúng sanh tội khổ trong Lục Ðạo mà diễn nói sự chẳng thể nghĩ bàn. Bây giờ chính đã phải lúc, ông nên nói ngay đi, Ta sắp sửa vào Niết Bàn rồi! Ông hãy sớm hoàn tất lời nguyện đó, thì Ta cũng không còn phải lo nghĩ gì đến tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai nữa."
Bồ Tát Ðịa Tạng bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Biên Thân Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này mà tạm thời sanh lòng cung kính, thì liền được vượt thoát tội nặng sanh tử trong bốn mươi kiếp; huống là vẽ đắp hình tượng, cúng dường, tán thán! Người này sẽ được vô lượng vô biên phước báo."
"Lại vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tánh Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này và trong khoảnh khắc bằng khảy móng tay liền phát tâm quy y, người đó sẽ vĩnh viễn không còn thối chuyển nơi Ðạo Vô Thượng.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ba Ðầu Ma Thắng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này thoáng qua lỗ tai, người đó sẽ được một ngàn lần sanh trong Lục Dục Thiên, huống chi là chí tâm xưng niệm!"
"Lại không thể nói hết, không thể nói hết a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Sư Tử Hống Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này mà nhất niệm quy y, người ấy sẽ được gặp vô lượng chư đức Phật xoa đảnh thọ ký cho.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Câu Lưu Tôn Phật. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này mà chí tâm chiêm lễ hoặc lại tán thán, người ấy nơi pháp hội của một ngàn đức Phật trong thời Hiền Kiếp sẽ làm vị Ðại Phạm Vương, được thọ thượng ký.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Phật. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này, thì vĩnh viễn không đọa vào ác đạo, thường được sanh vào chốn trời, người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Lại vô lượng vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Thắng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này, thì sẽ không bao giờ bị đọa vào ác đạo, mà thường ở trên cõi trời, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này bèn sanh lòng cung kính, thì người ấy không bao lâu sẽ đắc quả A La Hán.
Lại vô lượng vô số kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ca Sa Tràng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này, thì sẽ siêu thoát tội sanh tử trong một trăm đại kiếp."
"Lại về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Ðại Thông Sơn Vương Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Ðức Phật này, thì người ấy sẽ được gặp chư Phật nhiều như cát sông Hằng quảng thuyết giáo pháp cho và tất thành Ðạo Bồ Ðề.
Lại về thuở quá khứ có Ðức Tịnh Nguyệt Phật, Ðức Sơn Vương Phật, Ðức Trí Thắng Phật, Ðức Tịnh Danh Vương Phật, Ðức Trí Thành Tựu Phật, Ðức Vô Thượng Phật, Ðức Diệu Thanh Phật, Ðức Mãn Nguyệt Phật, Ðức Nguyệt Diện Phật, và các đức Phật như thế không thể nói hết đươc. .
Bạch Ðức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh trong thời hiện tại cùng vị lai, hoặc trời hoặc người, hoặc nam hoặc nữ, chỉ niệm được danh hiệu của một đức Phật thôi, thì sẽ được vô lượng công đức, huống là niệm được nhiều danh hiệu! Những chúng sanh đó lúc sanh lúc tử đều được lợi ích lớn lao, cuối cùng không phải đọa vào ác đạo.
Như có người nào sắp mạng chung, hàng quyến thuộc trong nhà dù chỉ một người, vì người bệnh đó mà cất cao tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì người sắp chết đó, trừ năm tội Vô Gián, còn các nghiệp báo khác đều được tiêu tan.
Năm tội Vô Gián kia dầu rất nặng nề, trải qua ức kiếp không được ra khỏi, nhưng nhờ lúc lâm chung được người khác vì mình mà xưng niệm danh hiệu của Phật, cho nên những tội đó cũng lần lần tiêu sạch; huống hồ chúng sanh tự xưng tự niệm, tất sẽ được vô lượng phước báo, trừ diệt vô lượng nghiệp tội."
Phẩm Thứ Mười
NHÂN DUYÊN VÀ SỰ SO SÁNH CÔNG ÐỨC BỐ THÍ

Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nương oai thần của Ðức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh về sự bố thí thì có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời; có người hưởng phước trong mười đời; có người hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, ngàn đời. Những việc này là như thế nào? Cúi xin Ðức Thế Tôn chỉ dạy cho con rõ."
Bấy giờ, Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Nay Ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Ðao Lợi này, giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ông phải lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói!"
Bồ Tát Ðịa Tạng bạch Phật rằng: "Con đang hoài nghi việc ấy, nên rất muốn được nghe."
Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Ở cõi Nam Diêm Phù Ðề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Trưởng Giả, Ðại Sát Lợi, Ðại Bà La Môn v.v... gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế; khi các Ðại Quốc Vương đó muốn bố thí và nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp hoặc sai bảo người khác bố thí, lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi; thì các Quốc Vương đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho chư Phật nhiều như số cát một trăm sông Hằng .
Vì cớ gì? Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia, cho nên được quả báo phước lợi như thế, trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống!"
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v... gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến tượng Bồ Tát, Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật, bèn đích thân thu xếp sửa sang, cúng dường, bố thí, thì các Quốc Vương đó sẽ được trong ba kiếp làm thân Ðế Thích, thọ hưởng sự vui sướng thù thắng, vi diệu. Nếu có thể đem phước lợi bố thí này hồi hướng cho Pháp Giới, thì các Ðại Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị Ðại Phạm Thiên Vương.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v..., gặp tháp miếu của chư Phật thuở trước, hoặc cả kinh điển, hình tượng bị hủy hoại, rách nát, liền có thể phát tâm tu bổ lại. Các Quốc Vương đó, hoặc tự mình lo liệu sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác, thậm chí cả trăm ngàn người cùng bố thí để kết Pháp duyên; thì các vị Quốc Vương đó trong trăm ngàn đời thường được làm thân Chuyển Luân Vương, còn những người cùng chung làm việc bố thí đó, trong trăm ngàn đời thường được làm thân Tiểu Quốc Vương.
Nếu lại có thể ở trước chùa tháp mà phát tâm hồi hướng, thì các Quốc Vương cho đến những người đó, thảy đều thành Phật Ðạo, bởi quả báo ấy là vô lượng vô biên."
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., gặp những người già yếu, tật bệnh và kẻ phụ nữ sinh đẻ, nếu trong một niệm mà đầy đủ lòng đại từ, đem thuốc men, đồ ăn thức uống, mền chiếu... bố thí cho, khiến cho họ được an vui, thì phước lợi đó không thể nghĩ bàn—trong một trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ cõi Lục Dục Thiên và rốt ráo sẽ được thành Phật, vĩnh viễn không còn đọa vào ác đạo, thậm chí trong trăm ngàn đời, tai không hề nghe đến tiếng khổ.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., có thể làm những việc bố thí như thế, sẽ được vô lượng phước lành. Nếu lại có thể đem hồi hướng, thì không kể là nhiều hay ít, rốt ráo đều sẽ thành Phật; huống gì là những quả báo Thích, Phạm, Chuyển Luân! Vì thế, này Ðịa Tạng, ông nên khuyến hóa chúng sanh đều phải học theo như thế!"
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp mà gieo trồng chút ít thiện căn chừng bằng mảy lông, sợi tóc, hạt cát, hạt bụi, thì phước lợi được thọ hưởng sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thì sẽ được vô lượng phước báo, thường ở cõi người, cõi trời, hưởng sự vui thù thắng, vi diệu. Như có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước lợi của người ấy sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển Ðại Thừa, hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng, cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, thì người ấy sẽ được đại quả báo vô lượng vô biên; nếu có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước báo này sẽ không thể ví dụ thế nào cho được."
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp thờ Phật và kinh điển Ðại Thừa—nếu còn mới thì bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ lạy, khen ngợi, chắp tay cung kính; nếu đã cũ kỹ hoặc hư hoại thì sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm, hoặc khuyên nhiều người khác cùng phát tâm. Như những người này, trong ba mươi đời thường được làm Tiểu Quốc Vương; còn vị Ðàn Việt thì thường làm Luân Vương, lại dùng thiện pháp mà giáo hóa các Tiểu Quốc Vương.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp đã gieo trồng thiện căn—hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang kinh điển, cho đến chừng bằng một mảy lông, một hạt bụi, một hạt cát, một giọt nước...; những thiện sự như thế mà đều có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì công đức của người này sẽ là trong trăm ngàn đời đều được hưởng sự vui sướng vi diệu, tối thượng.
Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong gia đình hoặc cho lợi ích của riêng mình, thì quả báo là sẽ được hưởng sự vui sướng trong ba đời, cứ thí xả một thì được báo đáp vạn lần trội hơn.
Cho nên, này Ðịa Tạng! Những nhân duyên của sự bố thí là như thế!"
Phẩm Thứ Mười Một
ĐỊA THẦN HỘ PHÁP

Lúc đó Kiên Lao Ðịa Thần bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Từ trước đến nay, con từng chiêm ngưỡng đảnh lễ vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát, đều là những bậc đại thần thông trí huệ không thể nghĩ bàn, quảng độ chúng sanh. Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đây so với chư Bồ Tát, thì thệ nguyện thâm trọng.
Bạch Ðức Thế Tôn! Bồ Tát Ðịa Tạng đây có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Ðề. Như các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc cũng hóa hiện trăm ngàn thân hình để độ Lục Ðạo, nhưng nguyện của các ngài còn có lúc hoàn mãn; còn Bồ Tát Ðịa Tạng đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong Lục Ðạo, trải đến kiếp số như số cát của trăm ngàn ức sông Hằng."
"Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh đời hiện tại và vị lai, nơi chỗ sạch sẽ ở phương Nam trong cuộc đất mình trú ngụ, mà dùng đất, đá, tre, gỗ dựng cất cái khám hoặc cái thất; ở trong đó có thể tô vẽ cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt làm hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát, đốt hương cúng dường, chiêm lễ, ngợi khen, thì ngay chỗ những người đó ở sẽ được mười điều lợi ích. Những gì là mười?
Một là đất đai mầu mỡ;
Hai là nhà cửa yên ổn mãi mãi;
Ba là người đã mất được sanh thiên;
Bốn là người hiện còn được tăng tuổi thọ;
Năm là mọi mong cầu đều được toại ý;
Sáu là không có tai họa về nước và lửa;
Bảy là trừ sạch việc hư hao;
Tám là dứt hẳn ác mộng;
Chín là ra vào đều có thần theo hộ vệ;
Mười là thường gặp nhân Thánh."
"Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng sanh trong đời vị lai cùng hiện tại, nếu có thể ở nơi mình trú ngụ mà làm ra sự cúng dường như thế, thì sẽ được sự lợi ích như vậy."
Lại bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Trong đời vị lai, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào, ở nơi mình cư ngụ mà có kinh điển này cùng hình tượng của Bồ Tát, người đó lại có thể đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát, thì con thường ngày đêm dùng thần lực của mình hộ vệ người đó, cho đến tất cả ác sự, các nạn nước, lửa, trộm cướp, và các tai họa bất trắc lớn nhỏ thảy đều tiêu sạch."
Ðức Phật bảo Kiên Lao Ðịa Thần rằng: "Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai bằng. Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù đều nhờ ông hộ trợ; cho đến cỏ, cây, cát, đá, lúa, mè, tre, lau, gạo thóc, của báu ... từ đất mà có, đều nhờ nơi sức của ông cả.
Ông lại luôn khen ngợi những sự lợi ích của Bồ Tát Ðịa Tạng, thì công đức và thần thông của ông sẽ trăm ngàn phần trội hơn của các địa thần bình thường.
Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Bồ Tát cùng đọc tụng kinh điển này, dù chỉ y theo một việc trong Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện mà tu hành, thì ông nên dùng thần lực của mình mà ủng hộ, chớ để mọi tai hại cùng sự không vừa ý lọt vào tai người đó, huống nữa là để cho phải chịu đựng.
Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, mà cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Ðế Thích, và quyến thuộc của chư thiên ủng hộ người đó nữa!
Tại sao người đó lại được chư hiền thánh ủng hộ như thế? Ấy đều do chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng cùng đọc tụng Kinh Bổn Nguyện này, nên tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng được Niết Bàn yên vui, vì thế mà được sự ủng hộ lớn lao."
Phẩm Thứ Mười Hai
THẤY, NGHE ĐỀU ĐƯỢC LỢI ÍCH

Lúc đó, từ trên đảnh môn Đức Thế Tôn phóng ra cả trăm ngàn vạn ức tướng tia sáng lớn.
Như là: Tia sáng tướng màu trắng, tia sáng tướng màu trắng lớn; tia sáng tướng tốt lành, tia sáng tướng tốt lành lớn; tia sáng tướng ngọc, tia sáng tướng ngọc lớn; tia sáng tướng màu tía, tia sáng tướng màu tía lớn; tia sáng tướng màu xanh, tia sáng tướng màu xanh lớn; tia sáng tướng màu xanh biếc, tia sáng tướng màu xanh biếc lớn; tia sáng tướng màu đỏ, tia sáng tướng màu đỏ lớn; tia sáng tướng màu lục, tia sáng tướng màu lục lớn; tia sáng tướng màu vàng y, tia sáng tướng màu vàng y lớn; tia sáng tướng mây lành, tia sáng tướng mây lành lớn; tia sáng ngàn vòng tròn, tia sáng ngàn vòng tròn lớn; tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn; tia sáng vầng mặt trời, tia sáng vầng mặt trời lớn; tia sáng vầng mặt trăng, tia sáng vầng mặt trăng lớn; tia sáng cung điện, tia sáng cung điện lớn; tia sáng mây biển, tia sáng mây biển lớn.
Từ trên đảnh môn phóng ra những tướng tia sáng như thế xong, lại nói ra tiếng vi diệu mà bảo đại chúng, Thiên Long Bát Bộ, nhân cùng phi nhân v.v... rằng: “Hãy lắng nghe hôm nay Ta, tại cung trời Đao Lợi, tuyên bày ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng về những sự lợi ích trong hàng trời, người, những sự không thể nghĩ bàn, những sự siêu vượt nhân Thánh, những sự chứng quả Thập Địa, những sự rốt ráo không thối chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”
Nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát hiệu là Quán Thế Âm từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay mà bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đây đầy đủ đức đại từ bi, thương xót chúng sanh mắc tội khổ. Bồ Tát ở trong ngàn vạn ức thế giới hóa hiện ra ngàn vạn ức thân, tất cả công đức cùng sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn.
Con được nghe Đức Thế Tôn cùng vô lượng chư Phật trong mười phương, khác miệng đồng lời ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng rằng dầu cho chư Phật trong thuở quá khứ, hiện tại và vị lai đều tuyên nói về công đức đó, vẫn chẳng thể nói hết được.
Vừa rồi lại được Đức Thế Tôn bảo khắp đại chúng rằng muốn tuyên nói các sự lợi ích của Bồ Tát Địa Tạng. Cúi mong Đức Thế Tôn, vì tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai, mà tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng, khiến cho Thiên Long Bát Bộ chiêm lễ được phước.”
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Ông có đại nhân duyên với thế giới Ta Bà. Nếu hàng trời hoặc rồng, hoặc kẻ nam người nữ, hoặc thần hoặc quỷ, cho đến các chúng sanh tội khổ trong Lục Đạo nghe danh hiệu của ông, thấy hình tượng của ông, mến tưởng đến ông, khen ngợi ông, thì những chúng sanh ấy đều ở nơi Đạo Vô Thượng quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi trời, hưởng đủ sự vui vi diệu; khi nhân quả sắp thành thục liền được gặp Phật thọ ký cho.
Nay ông sẵn lòng đại từ bi, thương xót các chúng sanh cùng Thiên Long Bát Bộ, mà muốn nghe Ta tuyên nói những sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng. Ông hãy lắng nghe, nay Ta sẽ nói rõ.”
Ngài Quán Thế Âm bạch rằng: “Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Con xin ưa muốn nghe.”
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, có vị thiên nhân nào phước trời thọ hưởng đã hết, có Ngũ Suy Tướng hiện ra, hoặc có vị phải đọa lạc nơi chốn ác đạo; các vị thiên nhân đó, hoặc nam hoặc nữ, đương lúc tướng suy hiện ra, mà hoặc thấy được hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng hoặc nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, thì các vị thiên nhân đó được phước trời thêm lớn, hưởng nhiều sự vui sướng, vĩnh viễn không phải đọa lạc vào ba ác đạo nữa; huống chi là được thấy tượng, được nghe tên của Bồ Tát, rồi đem các thức hương hoa, y phục, đồ ăn thức uống, vật báu, chuỗi anh lạc... mà bố thí cúng dường, thì công đức phước lợi có được sẽ vô lượng vô biên.”
“Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, nếu những chúng sanh trong Lục Đạo lúc sắp mạng chung mà được nghe một tiếng danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng thoáng qua lỗ tai, thì các chúng sanh đó vĩnh viễn không còn phải trải qua nỗi khổ nơi Tam Ác Đạo nữa.
Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, tài vật, của báu, y phục v. v... của người sắp chết đó mà đắp, vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc làm cho người bệnh lúc chưa chết, được mắt thấy tai nghe, biết rằng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, vật báu v. v... vì mình mà đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng; người đó nếu do nghiệp báo phải chịu bệnh nặng, thì nhờ công đức này liền được khỏi bệnh, tuổi thọ thêm lâu dài.
Còn nếu người đó nghiệp báo sanh mạng đã hết, đáng phải chịu tất cả tội chướng, nghiệp chướng, và đọa vào đường ác, song nhờ công đức này nên sau khi mạng chung liền được sanh vào cõi trời, cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng đều được tiêu trừ.”
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ nam người nữ nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất cha mẹ, cho đến chết mất anh em chị em, người đó khi khôn lớn thường nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng quyến thuộc, song không rõ họ lạc vào chốn nào, sanh về thế giới nào, hoặc sanh trong cõi trời nào.
Người đó như có thể đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thậm chí nghe danh hiệu, một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, trong từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm nguyện ban đầu mà nghe danh hiệu, ngắm hình tượng, chiêm lễ, cúng dường; thì quyến thuộc của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào đường ác lẽ ra phải chịu đến nhiều số kiếp, nay nhờ công đức đắp vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và chiêm lễ của con cái, anh em chị em, nên liền được giải thoát, sanh trong cõi trời cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Còn như quyến thuộc của người đó có phước lực, đã được sanh vào cõi trời, cõi người và hưởng thọ sự vui thù thắng vi diệu rồi, thì sẽ nhờ công đức này mà nhân Thánh tăng trưởng, hưởng vô lượng sự vui.”
“Như người đó lại có thể trong hai mươi mốt ngày nhất tâm chiêm lễ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và niệm danh hiệu của Ngài đủ một vạn biến, thì sẽ được Bồ Tát hiện thân vô biên, mách bảo người đó cõi giới mà hàng quyến thuộc đã sanh về; hoặc trong giấc mộng, Bồ Tát hiện đại thần lực, đích thân dắt người đó đến các thế giới để thấy hàng quyến thuộc của mình.
Nếu người đó lại có thể mỗi ngày đều niệm danh hiệu Bồ Tát một ngàn biến, luôn đến một ngàn ngày, thì người đó sẽ được Bồ Tát sai các quỷ thần và thổ địa sở tại hộ vệ trọn đời, hiện đời y phục thức ăn dư dật, không có các thứ bệnh khổ, cho đến các hoạnh sự còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân! Người đó rốt ráo sẽ được Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho.”
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn để cứu độ tất cả chúng sanh, muốn tu Đạo Bồ Đề Vô Thượng, muốn ra khỏi Tam Giới; những người đó thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng cùng nghe danh hiệu, rồi chí tâm quy y, hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn thức uống để cúng dường chiêm lễ, thì điều nguyện cầu của các thiện nam thiện nữ đó sẽ chóng được thành tựu, vĩnh viễn không bị chướng ngại.”
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn cầu trăm ngàn vạn ức điều nguyện, trăm ngàn vạn ức sự việc về hiện tại cùng vị lai, thì nên chỉ quy y, chiêm lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng; thì các điều sở nguyện sở cầu như thế tất đều thành tựu cả.
Nếu lại cầu mong Bồ Tát Địa Tạng, đấng đầy đủ lòng đại từ bi, mãi mãi ủng hộ cho mình, thì người đó trong giấc chiêm bao liền được Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho.”
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào đối với kinh điển Đại Thừa sanh lòng trân trọng thâm sâu, phát tâm không nghĩ bàn muốn đọc, muốn tụng, dầu gặp được bậc minh sư dạy bảo cho thành thục, song đọc rồi lại quên, trải đến cả tháng, cả năm vẫn không đọc tụng được; những kẻ thiện nam này vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch, cho nên đối với kinh điển Đại Thừa không có tánh đọc tụng.”
“Những hạng người này, khi nghe danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát cùng thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát, thì nên đem hết bổn tâm mà cung kính bày tỏ; rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn thức uống, cùng tất cả đồ chơi cúng dường Bồ Tát. Lại đem một chén nước trong đặt trước Bồ Tát một ngày một đêm, sau đó chắp tay thỉnh để uống, mặt day về hướng Nam; khi nước sắp vào miệng phải chí tâm trịnh trọng. Uống nước xong, phải kiêng cữ ngũ tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày. Những người thiện nam thiện nữ này, trong giấc chiêm bao sẽ thấy Bồ Tát Địa Tạng hiện thân vô biên đến chỗ họ ở mà rưới nước quán đảnh cho. Những người này thức dậy liền được thông minh, các kinh điển một phen lọt vào nhĩ căn thì liền nhớ mãi, không còn quên một câu kinh hay một bài kệ nữa!”
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có những người nào ăn mặc không đủ, cầu gì cũng trái nguyện, hoặc nhiều bệnh tật, hoặc nhiều sự hung suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc bị phân tán, hoặc các hoạnh sự cứ xảy đến làm thiệt thân, khi ngủ thường mộng thấy điều kinh sợ; những người như thế, khi nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, mà chí tâm cung kính niệm đủ một vạn biến, thì những sự không như ý sẽ tiêu sạch lần lần, liền được an vui, đồ ăn mặc dư dật, cho đến trong giấc mộng thảy đều an vui.”
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc vì việc làm ăn sinh sống, hoặc vì việc công chuyện tư, hoặc vì sự sanh sự tử, hoặc vì việc khẩn cấp, mà phải vào rừng lên núi, qua sông vượt biển, cho đến gặp nước lớn hoặc đi ngang hiểm đạo; người đó trước tiên nên niệm danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát một vạn biến, thì đi qua nơi nào cũng có các vị quỷ thần hộ vệ, đi đứng nằm ngồi mãi mãi được an lạc, cho đến dẫu gặp cọp, sói, sư tử... cùng tất cả mọi thứ độc hại, cũng đều không thể làm thương tổn đến được.”
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Bồ Tát Địa Tạng có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Đề. Nếu nói về những việc lợi ích nhờ được thấy, được nghe của chư chúng sanh, thì trong cả trăm ngàn kiếp cũng không thể nói hết được.
Vì thế, này Quán Thế Âm! Ông hãy dùng thần lực mà lưu bố kinh này, làm cho chúng sanh ở thế giới Ta Bà trong trăm ngàn vạn kiếp luôn được hưởng sự an lạc.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
“Ta xem Địa Tạng sức oai thần,
Hằng hà sa kiếp nói chẳng cùng.
Thấy, nghe, một niệm chiêm ngưỡng lễ,
Lợi ích trời, người vô lượng sự.
Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc rồng, thần,
Báo tận sẽ sa vào đường ác,
Chí tâm quy y thân Đại Sĩ,
Thọ mạng chuyển tăng, tội chướng trừ.”
“Trẻ thơ sớm mất tình phụ mẫu,
Chẳng rõ thần hồn lạc nơi đâu,
Anh em chị em cùng thân thuộc,
Sanh trưởng đến nay chẳng biết nhau.
Hoặc nặn hoặc vẽ hình Đại Sĩ,
Cảm thương chiêm lễ chẳng muốn rời,
Hăm mốt ngày luôn niệm danh hiệu,
Bồ Tát tất hiện thân vô biên,
Chỉ rành quyến thuộc ở nơi nao,
Dầu sa ác thú cũng ra mau;
Nếu được sơ tâm chẳng thối thất,
Liền đặng xoa đảnh, thọ Thánh ký.”
“Bồ Đề vô thượng muốn tu hành,
Thậm chí lìa xa khổ Tam Giới,
Người này đã phát đại bi tâm,
Trước nên chiêm lễ tượng Đại Sĩ,
Hết thảy nguyện ước chóng thành tựu,
Nghiệp chướng vĩnh viễn chẳng ngăn đặng.
Có người phát tâm tụng kinh điển,
Muốn độ quần mê vượt bỉ ngạn,
Dầu lập thệ nguyện chẳng nghĩ bàn,
Đọc rồi liền quên, luôn sót mất.
Người này nghiệp chướng khiến u mê,
Học Đại Thừa kinh chẳng nhớ được.
Cúng dường Địa Tạng với hương hoa,
Y phục, uống ăn, cùng ngoạn cụ,
Bày chén nước trong trước Đại Sĩ,
Cách một ngày sau bưng lấy uống.
Sanh lòng trân trọng, cữ ngũ tân,
Rượu, thịt, tà dâm, cùng vọng ngữ.
Hăm mốt ngày liền chớ sát sanh,
Chí tâm nhớ tưởng Đại Sĩ danh.
Trong mộng tất thấy thân vô biên,
Thức giấc nhĩ căn liền lanh lợi,
Đại Thừa kinh giáo nghe qua tai,
Suốt ngàn vạn đời mãi chẳng quên.
Chính nhờ Đại Sĩ bất tư nghì,
Thầm giúp người kia được huệ tài.”
“Chúng sanh nghèo khổ lại bệnh tật,
Nhà cửa hung suy, quyến thuộc lìa,
Ngủ mê mộng mị không an giấc,
Cầu chi cũng hỏng, chẳng toại lòng,
Chí tâm chiêm lễ tượng Địa Tạng,
Tất cả việc ác thảy tiêu trừ,
Cho đến mộng mị đều an ổn,
Quỷ thần ủng hộ, dư ăn mặc.
Muốn vào núi rừng, qua sông biển,
Cầm thú độc dữ cùng người ác,
Ác thần, ác quỷ, với ác phong,
Hết thảy tai nạn, mọi khổ não,
Chỉ cần chiêm lễ cùng cúng dường,
Địa Tạng Bồ Tát Đại Sĩ tượng,
Núi rừng biển cả dẫu có vào,
Tất cả sự ác đều tiêu sạch.
Quán Âm hãy lắng nghe Ta nói,
Địa Tạng vô tận không nghĩ bàn,
Trăm ngàn muôn kiếp chẳng kể xiết,
Rộng tuyên Đại Sĩ sức như vậy!
Như người nghe đến Địa Tạng danh,
Thậm chí thấy hình cùng chiêm lễ,
Hương hoa, thực phẩm, và y phục,
Cúng dường trăm ngàn hưởng diệu lạc.
Nếu đem hồi hướng khắp Pháp Giới,
Rốt ráo thành Phật, thoát sanh tử.
Vì thế, Quán Âm, ông hãy nên,
Bảo khắp Hằng sa các cõi nước!”
Phẩm Thứ Mười Ba
GIAO PHÓ CHO TRỜI NGƯỜI

Lúc đó, Đức Thế Tôn giơ cánh tay sắc vàng xoa đảnh Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát mà bảo rằng: “Này Địa Tạng! Địa Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn, biện tài của ông không thể nghĩ bàn. Dầu cho chư Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự không nghĩ bàncủa ông, trong ngàn vạn kiếp cũng chẳng nói hết được.
Này Địa Tạng! Địa Tạng! Ông hãy nhớ hôm nay Ta, trong cung trời Đao Lợi, nơi đại hội có trăm ngàn vạn ức không thể nói hết, không thể nói hết tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, cùng Thiên Long Bát Bộ, một lần nữa đem các chúng sanh trong cõi trời, người, những kẻ còn ở trong nhà lửa, chưa ra khỏi Tam Giới, mà giao phó cho ông.
Ông đừng để cho các chúng sanh đó bị đọa vào đường ác dù là một ngày một đêm, huống là để cho họ phải đọa lạc vào địa ngục Ngũ Vô Gián cùng địa ngục A-tỳ, trải đến ngàn vạn ức kiếp không lúc nào ra khỏi!
Này Địa Tạng! Chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề này chí tánh không định, kẻ quen theo thói ác thì nhiều.”
“Dầu phát thiện tâm nhưng chốc lát liền thối thất; nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng trưởng. Vì thế cho nên, Ta phải phân thân này ra làm trăm ngàn ức để hóa độ, tùy theo căn tánh mà độ thoát cho họ.”
“Này Địa Tạng! Nay Ta ân cần đem chúng trời, người giao phó cho ông. Vào đời vị lai, nếu có hàng trời, người cùng thiện nam thiện nữ nào, ở trong Phật Pháp mà trồng chút thiện căn chừng bằng một mảy lông, một hạt bụi, một hạt cát, một giọt nước, thì ông nên dùng Đạo lực mà ủng hộ người đó, làm cho lần lần tu Đạo Vô Thượng, chớ để thối thất.”
“Lại nữa, này Địa Tạng! Trong đời vị lai, hoặc trời hoặc người, phải tùy theo nghiệp mà thọ báo ứng, đọa lạc vào ác đạo; lúc sắp bị đọa ác đạo hoặc vừa đến ngưỡng cửa, những chúng sanh đó nếu có thể niệm được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, cùng một câu kinh một bài kệ của kinh điển Đại Thừa, thì ông hãy dùng thần lực, phương tiện để cứu vớt các chúng sanh đó; ở chỗ của các người đó hiện thân vô biên, vì họ mà phá tan địa ngục, làm cho họ được sanh thiên, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng...
“Hiện tại, vị lai chúng thiên, nhân,
Nay Ta ân cần dặn bảo ông:
Dùng đại thần thông phương tiện độ,
Chớ để đọa vào các ác đạo.”
Bấy giờ Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát quỳ gối, chắp tay bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Cúi xin Đức Thế Tôn chớ lo! Trong đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào đối với trong Phật Pháp mà có một niệm cung kính, con cũng dùng trăm ngàn phương tiện để độ thoát người đó, làm cho mau được giải thoát trong đường sanh tử; huống nữa là nghe các thiện sự rồi niệm niệm tu hành, thì sẽ tự nhiên ở nơi Đạo Vô Thượng vĩnh viễn được không còn thối chuyển.”
Lúc nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát tên là Hư Không Tạng bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con đến cung trời Đao Lợi nghe Đức Như Lai ngợi khen oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng. Trong đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào, cho đến tất cả hàng trời, rồng, nghe kinh điển này cùng danh tự của Ngài Địa Tạng, hoặc chiêm lễ hình tượng, thì sẽ được bao nhiêu điều phước lợi? Cúi mong Đức Thế Tôn vì tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai mà lược nói việc ấy cho.”
Đức Phật bảo Bồ Tát Hư Không Tạng: “Lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nói rõ. Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào trông thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng cùng nghe Kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, đồ ăn thức uống, y phục, châu báu, mà bố thí cúng dường, ngợi khen chiêm lễ, thì sẽ được hai mươi tám điều lợi ích.”
“Một là thiên long thường hộ niệm;
Hai là thiện quả ngày càng tăng;
Ba là tích tập các nhân thánh thượng;
Bốn là tâm Bồ Đề không thối chuyển;
Năm là y phục, thực phẩm đầy đủ;
Sáu là dịch bệnh không đến nơi thân;
Bảy là xa lìa các tai nạn về nước và lửa;
Tám là không bị tai ách trộm cướp;
Chín là người khác thấy đều cung kính;
Mười là quỷ thần đều hộ trì.”
“Mười một là thân nữ chuyển thành thân nam;
Mười hai là làm con gái hàng vương giả, đại thần;
Mười ba là tướng mạo đoan chánh, tốt đẹp;
Mười bốn là phần nhiều được sanh lên cõi trời;
Mười lăm là có thể làm bậc đế vương;
Mười sáu là biết rõ việc đời trước;
Mười bảy là có mong cầu thì đều được toại ý;
Mười tám là quyến thuộc an vui;
Mười chín là các hoạnh sự đều dứt sạch;
Hai mươi là các nghiệp đạo đều trừ hẳn;
Hai mươi mốt là đi đâu cũng tới nơi cả;
Hai mươi hai là đêm nằm mộng được an ổn, vui vẻ;
Hai mươi ba là tổ tiên đã mất được lìa khổ;
Hai mươi bốn là nhờ phước đời trước mà thọ sanh;
Hai mươi lăm là chư thánh đều khen ngợi;
Hai mươi sáu là căn tánh thông minh, lanh lợi;
Hai mươi bảy là giàu lòng từ mẫn;
Hai mươi tám là rốt ráo thành Phật.
Lại nữa, này Hư Không Tạng Bồ Tát! Như hàng trời, rồng, quỷ thần ở hiện tại và vị lai, nghe danh hiệu của Địa Tạng, lễ bái hình tượng của Địa Tạng, hoặc nghe các việc về bổn nguyện tu hành của Địa Tạng, mà ngợi khen chiêm lễ, thì sẽ được bảy điều lợi ích.”
“Một là mau vượt thánh địa;
Hai là ác nghiệp được tiêu trừ;
Ba là chư Phật đến ủng hộ;
Bốn là Bồ Đề không thối thất;
Năm là bổn lực được tăng trưởng;
Sáu là việc đời trước đều rõ biết;
Bảy là rốt ráo thành Phật.”
Bấy giờ không thể nói hết không thể nói hết tất cả chư Phật Như Lai cùng Đại Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ ở mười phương nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngợi khen tuyên bày sức đại oai thần không thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát, đều khen là việc chưa từng có.
Lúc đó, tại cung trời Đao Lợi mưa xuống vô lượng hương hoa, thiên y, châu báu để cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Địa Tạng. Xong rồi, tất cả đại chúng trong Pháp Hội đều lại chiêm lễ, chắp tay mà lui ra.
Kệ tán:
Kinh Địa Tạng Bổn Thệ,
So sánh các nghiệp nhân,
Ốm đau, tàn tật, câm ngọng do đời trước,
Đời này đọc tụng Đại Thừa,
Được phước lợi vô cùng,
Quyết định sen báu vãng sanh.
Nam mô Thường Trụ Thập Phương Phật.
Nam mô Thường Trụ Thập Phương Pháp.
Nam mô Thường Trụ Thập Phương Tăng.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 2 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Pháp bảo Đàn kinh


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Gọi nắng xuân về


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.208.73 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập