Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Tần Bà Sa La Vương Kinh [頻婆娑羅王經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Tần Bà Sa La Vương Kinh [頻婆娑羅王經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.25 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.24 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Vua Tần Bà Sa La

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Nghe như vầy:
Một thời Phật ở trong thành Vương Xá cùng đông đủ chúng đại Bí sô đều là những bậc A La Hán kỳ cựu trong Phật pháp, các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng, tự mình đã được lợi lạc, đã hết các kiết sử, chứng được giải thoát. Chúng như vậy cả thảy một ngàn người.
Bấy giờ đức Thế Tôn khởi lên ý nghĩ: “Nay ta hãy đến chỗ Linh Tháp, trong núi Trượng Lâm”. Nghĩ như vậy xong, Ngài cùng chúng Bí sô đồng đến chỗ ấy, đến xong liền an cư tại đó.
Bấy giờ vua Tần Bà Sa La, nước Ma Dà Ðà nghe đức Phật Thế Tôn cùng đông đủ một ngàn người là bậc A La Hán kỳ cựu đi đến Linh Tháp, núi Trượng Lâm. Khi ấy vua suy nghĩ, muốn đến đó để nghe pháp. Vua liền ra lệnh chuẩn bị xe cộ. Khác với lúc bình thường, những xe đi theo có đến một vạn hai ngàn chiếc, một vạn tám ngàn cái giường trang điểm ngọc báu, tám thứ âm nhạc, bốn loại binh chủng dẫn đầu, theo sau quyến thuộc, quan liêu phò tá vây quanh mà đi.
Khi ấy vua ra khỏi thành, đến núi Trượng Lâm vào chỗ đức Phật để thân cận cúng dường. Lại có bà la môn, trưởng giả... cũng đi theo vua để đến chỗ đức Phật.
Bấy giờ đức Thế Tôn thấy nhà vua đi đến, Ngài thị hiện năm tướng: đảnh đầu, tán cái lọng che, ma ni, phất trần và kiếm báu các tướng để trang nghiêm thân đức Phật.
Bấy giờ đại vương đi đến hội chúng của đức Phật rồi vứt bỏ hình tướng tự tại của bậc vua chúa, đi đến trước đức Phật, trịch vai bên phải, quỳ xuống, chắp tay hướng về đức Phật, dùng ngôn từ hay đẹp mà tán thán công đức của đức Phật, đầu mặt lạy sát đất, lạy Phật xong, nhiễu quanh ba vòng rồi đứng trước đức Phật, tự xưng tên mình, thưa đức Thế Tôn:
–Con là vua Tần Bà Sa La, vua nước Ma Dà Ðà.
Nhà vua ba lần bạch đức Phật như vậy, đức Phật ba lần đáp lại:
Vâng, đúng vậy! Ông là vua Tần Bà Sa La nước Ma Dà Ðà.
Ðức Phật lại dùng lời từ ái hỏi thăm, an ủi đức vua, mời vua ngồi xuống. Vua nghe đức Phật dạy, hoan hỷ, hớn hở, rồi ngồi xuống một bên. Quyến thuộc của vua cùng các quan hầu đều hướng về đức Phật, quỳ xuống chắp tay, cũng dùng những lời vi diệu tán thán công đức của Phật, dùng đầu mặt lạy Ngài xong rồi lui về ngồi xuống một bên. Các bà la môn và trưởng giả..., có người dùng những lời tán thán, lễ bái, có người chỉ chắp tay đảnh lễ, có người từ xa nhìn đức Phật một cách im lặng. Các chúng như vậy đều ngồi xuống một bên.
Bấy giờ các bà la môn, trưởng giả ở trong hội chúng bỗng thấy Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là bậc kỳ cực đứng hầu một bên của đức Phật, họ bèn nghĩ như vầy: “Than ôi, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là bậc kỳ cựu, lại ở chỗ Ðại sa môn để tu hành phạm hạnh”.
Ðức Thế Tôn biết các bà la môn và trưởng giả... ấy trong lòng sanh ra ý niệm nghi ngờ, cho nên Ngài liền nói bài kệ hỏi tôn giả Ca Diếp rằng:
Này Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp,
Ngày xưa thờ lửa không gián đoạn
Thấy lợi gì và được pháp gì?
Hãy vì ta mau nói nghĩa này!
Tôn giả Ca Diếp đáp:
Mùi vị ăn uống của thế gian
Cho đến lục dục người ưa thích
Con thấy lợi này nên chí cầu
Cho nên thờ lửa không gián đoạn.
Ðức Phật hỏi:
Tại sao tham đắm việc dục lạc?
Cho đến tham đắm mùi ăn uống
Tâm yêu thích thiên thượng, nhân gian
Vì nghĩa này, mau nói ta nghe.
Tôn giả Ca Diếp đáp:
Con vì câu “Tối thượng tịch tịnh”
Vì không hiểu nên mới thối lui
Ðam mê ngũ dục, không như lý
Cho nên thờ lửa không gián đoạn.
Vi đà thờ lửa, chứng giải thoát
Chúng sanh do đây tâm mê hoặc
Kẻ mù khác đâu người đã chết
Ðánh mất điều tối thượng tịch tịnh.
Nay con thấy rõ pháp vô vi
Tối thượng sư, Ðại Long khéo nói
Bậc Năng nhân vì lợi ích lớn
Thế Tôn xuất hiện đại tinh tấn.
Ðức Phật lại bảo: “Này Ca Diếp, ngươi khéo đến, khéo trụ, không có các tà niệm, khéo có thể phân biệt được pháp tối thượng. Này Ca Diếp, nay ngươi hãy nên khéo léo hóa độ chúng hội này”.
Bấy giờ tôn giả Ca Diếp vâng theo lời đức Phật bảo, liền nhập Tam ma địa, hiện đại thần thông, ở trong chúng hội mà biến mất, xuất hiện trong hư không phương Ðông, hiện bốn thứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến hiện ra Hỏa tam muội, ở trong hỏa giới phóng ra vô số ánh sáng. Ðó gọi là: xanh, vàng, đỏ, trắng và pha để ca sắc (màu hỗn hợp, màu thủy tinh ...). Lại nữa, phần trên thân phóng ra nước thì phần dưới thân phóng ra lửa. Phần dưới thân phóng ra nước thì phần trên thân phóng ra lửa, lúc ẩn lúc hiện tương tục không gián đoạn. Cũng như vậy, ở trên hư không của phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng lại hiện bốn tướng oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến hiện ra Hỏa tam muội (Hỏa định), ở trong hỏa giới phóng ra vô số ánh sáng, đó gọi là: xanh, vàng, đỏ, trắng và pha lê, màu hòa... Lại ở trên thân thì phóng ra nước, dưới thân thì phóng ra lửa, phần dưới thân thì phóng ra nước, trên thân thì phóng ra lửa, lúc ẩn lúc hiện tương tục không gián đoạn.
Bấy giờ tôn giả Ca Diếp ở trên hư không của bốn phương hiện các thần biến xong rồi thâu nhiếp thần lực, đến trước đức Phật, chắp tay đảnh lễ, bạch đức Phật rằng:
–Ðức Thế Tôn là thầy của con, con là đại Thanh văn.
Lại thưa:
–Ðức Thế Tôn là thầy của con, con là đại Thanh văn.
Ðức Phật đáp lại tôn giả Ca Diếp:
–Ta là thầy của ngươi, ngươi là đại Thanh văn.
Ngài lại đáp:
–Ta là thầy của ngươi, ngươi là đại Thanh văn. Ngươi hãy nên trở về chỗ cũ mà ngồi.
Bấy giờ các bà la môn và trưởng giả... ở trong chúng lại nghĩ như vầy: “Như vậy tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là bậc kỳ cựu mà còn ở chỗ Phật, bậc đại Sa môn để tu hành phạm hạnh chăng?”. Ðức Phật biết ý của họ, ngài dạy vua Tần Bà Sa La:
–Này đại vương, nên biết, sắc là pháp có sanh có diệt. Biết rõ pháp này có sanh có diệt; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại là pháp có sanh có diệt; nên đối với pháp của năm uẩn này nên biết nó đã có sanh, phải biết nó phải có diệt. Này đại vương, pháp của sắc uẩn này, nếu thiện nam tử có thể thật sự rõ biết có sanh thì liền diệt; sắc uẩn vốn là không, sắc uẩn đã không sanh tức chẳng có sanh. Sanh đã không thì diệt làm gì có? Sắc uẩn như vậy, các uẩn khác cũng giống thế. Nếu thiện nam tử hiểu rõ nó như vậy rồi liền ngộ các uẩn không sanh không diệt, không đứng không đi, liền không có ngã. Ta nói người này ở trong vô lượng A tăng kỳ kiếp là bậc chơn tịch tĩnh vậy.
Bấy giờ các bà la môn và trưởng giả... nghĩ như vầy: “Do pháp gì mà có thể được rõ biết vô ngã, vô thọ, tưởng, hành, thức? Sao gọi là có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả ấy; cho đến Ma na phạ ca, chủ tể, tác giả, sanh giả, khởi giả, vô động giả, thuyết giả, phân biệt giả, tri giả. Những loại như vậy, loại nào không sanh, loại nào không diệt? Vã lại các loại ấy vì duyên cớ gì mà tạo thiện và bất thiện nghiệp để thọ quả báo?”.
Bấy giờ đức Thế Tôn biết các bà la môn và trưởng giả ấy... khởi lên tâm niệm như vậy, Ngài liền bảo các Bí sô:
–Này Bí sô, chính vì kẻ ngu si, ít nghe chánh pháp, phàm phu, ngoại giáo chấp ngã tướng, cho nên đối với “vô ngã nói là ngã”. Này Bí sô, nên biết ngã vốn là vô ngã, và đối tượng của ngã cũng là vô ngã. Nhưng đối với pháp khổ nếu có tưởng sanh thì khổ uẩn liền sanh, nếu sanh tưởng diệt thì khổ uẩn liền diệt. Cùng với các hành nếu có tưởng sanh thì các hành liền sanh, nếu có tưởng diệt thì các hành liền diệt. Nhân đây, duyên đây sanh các hành pháp, do hành duyên này liền có sanh diệt. Ta đối với những vấn đề như vậy liễu tri một cách như thật về pháp sanh diệt rồi mới đem ra dạy cho tất cả chúng sanh.
Này các Bí sô, ta dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn mắt thường, thấy các chúng sanh sanh diệt, tốt xấu hoặc sang hay hèn, hoặc trên hay dưới, sanh ở cõi lành hay cõi dữ là do chúng sanh đó tạo nghiệp thiện ác mà phải thọ lấy quả báo, ta đều biết một cách như thật. Lại nữa, chúng sanh có đầy đủ ba nghiệp bất thiện nơi thân, khẩu, ý hủy báng bậc hiền thánh, khởi ra tà kiến, do tà kiến này tạo ra các tà nghiệp, làm các pháp tà. Do nhân duyên này, sau khi thân hoại mạng chung, phải đọa vào ác thú, thọ khổ trong địa ngục. Lại nữa, nếu chúng sanh có đủ ba thiện nghiệp nơi thân, khẩu, ý, không hủy báng bậc hiền thánh, khởi sanh chánh kiến. Do chánh kiến này, tạo các nghiệp lành, làm các pháp lành. Do nhân duyên này, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời làm trời. Ta biết chúng sanh ấy như thật, ta thấy chúng sanh ấy như thật.
Này các Bí sô, khi ấy ta không nói: “Có ngã, có nhân, có chúng sanh, có thọ giả”. Lại có người biết các thứ ấy thì cái gì sanh, cái gì diệt? Tạo nghiệp thiện ác phải thọ quả báo. Các pháp như vậy không có tưởng ngã. Năm uẩn có ra là do có tưởng pháp, do tưởng pháp này mới sanh năm uẩn. Vã lại, do vô minh này duyên nơi hành pháp, các hành pháp sanh ra, tập pháp mới sanh, các hành pháp diệt thì tập pháp liền diệt.
Này các Bí sô, hành khổ như vậy, do nhân duyên mà có, từ nhân duyên mà diệt cho nên hành khổ liền diệt. Khổ pháp đã diệt, phi pháp đều diệt, không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là đã tận cùng biên giới của khổ. Này Bí sô, lại làm sao để chứng diệt? Chính biên giới của khổ này là chơn tịch diệt, thì được thanh lương, đó gọi là cứu cánh. Này Bí sô, sự tịch diệt này, đó là xả tất cả các điều kiện đưa đến ái. Nếu đã hết pháp dục thì được diệt. Ðó chính là tịch diệt Niết bàn.
Bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo nhà vua:
–Này đại vương, ý vua thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
Vua đáp:
–Sắc diệt chính là pháp vô thường.
Ðức Phật lại bảo:
–Vậy (vô thường) là khổ hay không khổ?
Vua thưa:
–Bạch Thế Tôn, khi khổ đã diệt liền được không khổ. Khổ là pháp điên đảo. Pháp điên đảo này thì các Thanh văn ít biết, ít nghe mới gọi là Ngã, là đại Thanh văn, Ngã là đại trí. Vậy có nên cho rằng: “Cái này là ngã tưởng, cái kia là ngã tưởng chăng?”.
–Chẳng phải vậy, thưa Thế Tôn.
Ðức Phật lại bảo rằng:
–Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
Vua thưa:
–Nó là pháp hoại diệt nên vô thường.
–Vậy nó là khổ hay không khổ?
Khổ pháp do điên đảo sanh, pháp điên đảo này đó chính là khổ. Thanh văn kia vì ít biết, ít nghe nên sanh ngã tưởng, cho nên gọi ngã là đại Thanh văn, ngã là đại trí, kia là ngã tưởng?
–Chẳng phải vậy, thưa Thế Tôn.
Ðức Phật dạy:
–Này đại vương, đúng vậy, đúng vậy! Hãy khéo mà suy niệm như vầy: “Pháp của sắc uẩn này, hoặc ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, trung gian hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc cao hoặc thấp, hoặc gần hoặc xa, tất cả pháp kia vốn là vô hữu, vô tướng, vô ngã. Này đại vương, do chánh trí ấy nên thấy như thật.
Ðức Phật lại nói:
–Này đại vương, cho đến thọ, tưởng, hành, thức hoặc ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, trung gian hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc cao hoặc thấp, hoặc gần hoặc xa, tất cả pháp kia vốn là vô hữu, vô tướng, vô ngã. Này đại vương, do chánh trí ấy nên thấy như thật.
Bấy giờ chúng Thanh văn ở trong hội chúng... nghe pháp này rồi, biết rõ vì sắc là vô thường, cho đến thọ, tưởng, hành, thức cũng lại biết rõ để sanh tâm nhàm chán, xa lìa nên liền được giải thoát. Chứng giải thoát rồi, chánh trí hiện tiền, ta được giải thoát: “Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”.
Khi ấy vua Tần Bà Sa La nghe nói pháp này xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Ở trong hội lại có tám vạn thiên nhân và vô số trăm ngàn bà la môn, trưởng giả cũng được xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ vua Tần Bà Sa La được pháp nhãn thanh tịnh, được chánh tri kiến, trụ nơi pháp kiên cố, xa lìa các dục lạc, lìa các khổ não, được pháp vô úy ở trong Phật pháp. Bấy giờ đại vương từ tòa đứng dậy, trịch áo vai phải, hướng về đức Phật chắp tay, tin một cách chắc thật, đảnh lễ mà bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn, con được lợi lớn, con được lợi lớn. Con xin tuyên thệ quy y Phật, Pháp và Tăng chúng, thọ giới cận sự. Kể từ hôm nay trở về sau, cho đến lúc mạng chung không sát sanh, cho đến không uống rượu ...
Lại bạch đức Phật rằng:
–Nay con tâm thành tha thiết thỉnh Phật Thế Tôn trở lại thành Vương Xá. Cúi mong đức Thế Tôn thương xót nhận lời mời của con. Con sẽ thừa sự cúng dường Thế Tôn cho hết cuộc đời này, cho đến y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, các vật thọ dụng thảy đều đầy đủ. Ðối với các chúng Bí sô con cũng cúng dường như vậy.
Bấy giờ đức Thế Tôn nhận lời mời của vua xong, im lặng. Ðại vương thấy Phật im lặng nhận lời, đầu mặt sát đất lạy đức Phật rồi lui ra.
PHẬT NÓI KINH VUA TẦN BÀ SA LA

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Công đức phóng sinh


Cho là nhận


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.205.114 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập