Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc [2].
Bấy giờ, có chúng đại Bí-sô[3] khi ôm bát ăn[4], đến đạo tràng Ca-lý-lê, cùng nhau ngồi suy nghĩ[5]:
“Trong thời quá khứ có đức Phật nào xuất hiện? Giòng họ, danh hiệu, tuổi thọ ngắn dài của các vị ấy như thế nào?”
Sau khi suy nghĩ như vậy, họ hỏi nhau nhưng vẫn không thể biết được.
Bấy giờ, đức Thế Tôn biết các Bí-sô này suy nghĩ sự việc ấy. Ngài rời chỗ ngồi, đến đạo tràng Ca-lý-lê, ngồi kiết già.
Các Bí-sô cúi đầu lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, chắp tay cung kính, nhất tâm chiêm ngưỡng Phật.
Thế Tôn hỏi:
“Này các Bí-sô! Các Thầy đang nghĩ về chuyện gì?”
Bí-sô thưa:
“Chúng con suy nghĩ: Trong thời quá khứ có vị Phật nào ra đời, với dòng họ, danh hiệu, tuổi thọ ngắn dài như thế nào, nhưng không ai biết được.”
Phật hỏi các Bí sô:
“Các Thầy muốn biết không?”
Các Bí sô thưa:
“Nay đã đúng lúc, ngưỡng mong Thế Tôn dạy cho chúng con.”
Phật dạy:
“Các Thầy lắng nghe! Ta sẽ nói về việc đó.
“Thời quá khứ, cách đây chín mươi mốt kiếp có Phật Tỳ-bà-thi, là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian.
“Cách đây ba mươi mốt kiếp, có Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù[6], là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện ở thế gian.
“Vào kiếp thứ sáu trong hiền kiếp có Phật Câu-lưu-tôn, là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện ở thế gian.
“Vào kiếp thứ bảy, có Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện ở thế gian.
“Vào kiếp thứ tám, có Phật Ca-diếp-ba[7], là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện trong thế gian.
“Vào kiếp thứ chín, Ta là Phật Thích-ca Mâu-ni, xuất hiện ở thế gian, là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác.
“Trong kiếp quá khứ, Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù giảng dạy thi-la[8], là giới luật thanh tịnh, và công hạnh để thành tựu trí tuệ tối thượng.
“Trong hiền kiếp, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp-ba, cũng giảng dạy luật nghi thanh tịnh và pháp thiền định giải thoát. Pháp của Ta giảng dạy cũng như vậy.
“Này các Bí-sô! Phật Tỳ-bà-thi, thời quá khứ, thuộc giòng Sát-đế-lị, phát tâm tịnh tín, mà xuất gia, thành đạo Chánh giác. Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù cũng thuộc giòng Sát-đế-lị. Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp thuộc giòng Bà-la-môn. Ta sinh trong cung vua Tịnh Phạn, dòng Sát-đế-lợi.”
Bấy giờ, để trùng tuyên ý nghĩa này, Thế Tôn bèn nói bài kệ:
Ta nói đời quá khứ,
Vào kiếp chín mươi mốt;
Có Phật Tỳ-bà-thi,
Xuất hiện trong thế gian.
Trong kiếp ba mươi mốt,
Thi Khí, Tỳ-xá-phù;
Bậc Chánh đẳng giác ấy,
Thuộc giòng Sát-đế-lị.
Như Lai Câu-lưu-tôn,
Câu-na-hàm, Ca-diếp;
Cả ba Thế Tôn này,
Đều thuộc Bà-la-môn.
Ta ở cõi Diêm-phù,
Con đức vua Tịnh Phạn;
Tu giác ngộ thành Phật,
Thuộc giòng Sát đế lị.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Các Thầy hãy lắng nghe: Ta lại nói về tộc họ của bảy Phật, Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác. Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, thuộc họ Kiều-trần[9]. Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp-ba, thuộc họ Ca-diếp. Thích-ca Như Lai thuộc họ Cù-đàm.”
Thế Tôn lặp lại bằng kệ:
Như Lai Tỳ-bà-thi,
Thi-khí, Tỳ-xá-phù;
Cả ba vị Phật này,
Đều mang họ Kiều-trần.
Như Lai Câu-lưu-tôn,
Câu-na-hàm, Ca-diếp;
Cả ba vị Phật này,
Đều mang họ Ca-diếp.
Ta ở cõi Diêm-phù,
Sinh trong cung Tịnh Phạn;
Nên mang họ Cù-đàm,
Xuất gia chứng Bồ-đề.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Ta nói về tuổi thọ dài ngắn của bảy Phật Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác.
“Phật Tỳ-bà-thi, Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện trong thế gian, sống tám vạn tuổi. Phật Thi-khí, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, xuất hiện trong thế gian, sống bảy vạn tuổi. Phật Tỳ-xá-phù, Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện trong thế gian, sống sáu vạn tuổi. Phật Câu-lưu-tôn, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, xuất hiện trong thế gian, sống bốn vạn tuổi. Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, xuất hiện trong thế gian, sống ba vạn tuổi. Phật Ca-diếp-ba, Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện trong thế gian, sống hai vạn tuổi. Ta hóa độ chúng sanh trong đời năm trược, sống một trăm tuổi.”
Thế Tôn lặp lại bằng kệ:
Như Lai Tỳ-bà-thi,
Thi-khí, Tỳ-xá-phù;
Đức Phật Câu-lưu-tôn,
Câu-na-hàm, Ca-diếp.
Chư Phật khi ra đời,
Đều theo tuổi thọ người;
Tám vạn rồi bảy vạn,
Sáu vạn xuống bốn vạn.
Ba vạn đến hai vạn,
Phật Thích-ca cũng vậy;
Xuất hiện, đời năm trược,
Loài người thọ trăm tuổi[10].
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Nay Ta nói về tên, danh hiệu cha mẹ, quốc gia, thành phố của bảy vị Phật Như Lai.”
“Phụ vương của Phật Ty-bà-thi tên là Mãn-độ-ma[11], mẹ tên Mãn-độ-ma, kinh thành cũng tên Mãn-độ-ma.
“Phụ vương Thi-khí Như Lai tên A-rô-noa[12], mẹ cũng tên A-rô-noa; kinh thành tên A-rô-phược-đế[13].
“Phụ vương Tỳ-xá-phù Như Lai tên Tô-bát-la-để-đô, mẹ tên Bát-la-bà-phược-để, kinh thành tên A-nỗ-bát-ma[14].
“Cha của Phật Câu-lưu-tôn tên Dã-nghê-dã-na-đa, hiệu Sát-mô-sát-ma, mẹ tên Vĩ-xá-khư, kinh thành tên Sát-ma[15].
“Cha của Phật Câu-na-hàm Mâu-ni tên Dã-nghê-dã-na-đỗ, mẹ tên Ô-đa-la; vua hiệu Thâu-bộ, kinh thành tên Thâu-bà-phược-đế[16].
“Cha của Ca-diếp Như Lai tên Tô-một-ra-hạ-ma, mẹ tên Một-ra-hạ-ma-ngu-bát-đa; vua hiệu Ngật-lý-kế, kinh thành tên Ba-la-nại[17].
“Nay, Ta bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, phụ vương ta tên Tịnh Phạn, mẹ tên Ma-ha-ma-da; kinh thành tên Ca-tỳ-la.”
Thế Tôn lặp lại bằng kệ:
Bản sinh của chư Phật,
Tỳ-bà-thi Như Lai;
Cha tên Mãn-độ-ma,
Mẹ Mãn-độ-ma-đế.
Kinh đô thành quách lớn,
Cũng tên Mãn độ ma;
Lúc đó nước ấy giàu,
Nhân dân sống an lạc.
Phật Thi-khí Thế Tôn,
Phụ vương A-rô-noa;
A-rô-noa-phược-đế,
Là tên của mẹ Phật.
Thành ngài ở cùng tên,
A-lỗ-phược-đế;
Nhân dân sống phồn thịnh,
Giàu có thường an ổn.
Tỳ-xá-phù Như Lai,
Phụ vương và mẹ tên;
Tô-bát-ra-đế-đô,
Bát-ra-bà-phược-đế.
Kinh thành của nước ấy,
Tên A-nỗ-bà-ma.
Thời đó sống an ổn,
Không có các tai hại.
Thế Tôn Câu-lưu-tôn,
Tên thân phụ của ngài;
Dã-nghê-dã-na-đa,
Mẹ tên Vĩ-xá-khư.
Vua Sát-mô-sát-ma;
Kinh thành tên Sát-ma;
Nhân dân sống thời ấy,
Tôn trọng điều hiền thiện.
Câu-na-hàm-mâu-ni,
Dã-nghê-dã-na-đổ,
Là tên cha của ngài;
Mẹ tên Ô-đa-ra.
Quốc vương hiệu Thâu-bộ,
Thành Thâu-bà-phược-đế;
Cao rộng thật tráng lệ;
Chúng sanh không cực nhọc.
Cha Phật Ca-diếp-ba,
Tô-một-ra-hạ-ma;
Mẹ tên gọi Một-ra,
Hạ-ma-ngu-bát-đa.
Quốc vương Ngật-lý-kế,
Thành đô Ba-la-nại;
Chúng sanh trong thành ấy,
Ngày đêm sống an ổn.
Nay chỗ sinh của Ta,
Phụ vương hiệu Tịnh Phạn;
Mẹ Ma-ha Ma-da,
Thành tên Ca-tỳ-la.
Như trên phân biệt rõ,
Tên cha mẹ, nước, thành;
Của bảy Phật Như Lai,
Chánh đẳng giác như vậy.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Ta nói về đệ tử Thanh văn của bảy vị Phật Như Lai. Đệ tử đại trí của Tỳ-bà-thi Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Khiếm-noa-để-tả[18], là bậc đệ nhất trong chúng Thanh văn.
“Đệ tử đại trí của Thi-khí Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Bộ-tam-bà-phược[19], là bậc đệ nhất trong chúng Thanh văn.
“Đệ tử đại trí của Tỳ-xá-phù Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Dã-tâu-đa-la[20], là bậc đệ nhất trong chúng Thanh văn.
“Đệ tử đại trí của Câu-lưu-tôn Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Tán-nhĩ-phược[21], là bậc đệ nhất trong chúng Thanh văn.
“Đệ tử đại trí của Câu-na-hàm Mâu-ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Tô-rô-nỗ-đa-la[22], là bậc đệ nhất trong chúng Thanh văn.
“Đệ tử đại trí của Ca-diếp-ba Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Bà-ra-đặc-phược-nhạ[23], là bậc đệ nhất trong chúng Thanh văn.
“Ta, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, có đệ tử đại trí tên Xá-lợi-phất[24] là bậc đệ nhất trong chúng Thanh văn.”
Thế Tôn lặp lại bằng kệ:
Tỳ-bà-thi Như Lai,
Có đệ tử đại trí,
Tên Khiếm-noa-để-tả.
Phật Thi-khí Thế Tôn,
Có đệ tử đại trí,
Tên Bộ-tam-bà-phược.
Tỳ-xá-phù Như Lai,
Có đệ tử đại trí,
Tên Dã-thâu-đa-ra.
Câu-lưu-tôn Như Lai,
Có đệ tử đại trí,
Tên là Tán-nhĩ-phược.
Câu-na-hàm Mâu-ni,
Có đệ tử đại trí,
Tô-rô-noa-đa-ra.
Phật Thế Tôn Ca-diếp,
Có đệ tử đại trí,
Bà-ra-đặc-phược-nhạ.
Nay Ta, Ứng Chánh giác,
Có đệ tử đại trí,
Tên là Xá-lợi-phất.
Bảy vị Phật tử ấy,
Đều đệ nhất đại trí,
Ở trong chúng Thanh văn.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Ta nói về đệ tử thị giả của bảy vị Phật Như Lai.
“Thị giả của Tỳ-bà-thi Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác tên A-thâu-ca[25].
“Thị giả của Thi-khí Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác tên Sát-ma-ca-rô[26].
“Thị giả của Phật Tỳ-xá-phù, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Ô-ba-phiến-đổ[27].
“Thị giả của Phật Câu-lưu-tôn, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Một-đề-du[28].
“Thị giả của Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên To-rô-đế-lý-dã[29].
“Thị giả của Ca-diếp Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Tát-lý-phược mật-đát-la[30].
“Nay Ta, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, có thị giả tên A-nan-đà[31].”
Thế Tôn lặp lại bằng kệ:
Phật tử A-du-ca,
Và Sát-ma-ca-rô;
Với Ô-ba-phiến-đổ,
Tôn giả Một-đề-du.
Tô-rô-đế-lý-dã,
Tát-phược-mật-đát-ra;
Bí-sô A-nan-đà,
Đều là thị giả Phật.
Thường hành tâm từ bi,
Thành tựu được chánh định;
Thông đạt các pháp tướng,
Đầy đủ đại trí tuệ.
Đa văn lại thông minh,
Là bậc Thầy đại pháp;
Đệ nhất ở trong chúng;
Danh tiếng khắp mười phương,
Trời người đều quy kính;
Sức tinh tấn kiên cố;
Đoạn sạch các phiền não.
Chứng quả không sinh diệt.
Thị giả Phật Thế Tôn,
Tự thân thường được lợi;
Thành tựu chơn Phật tử,
Của chư Phật là vậy.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí sô:
“Các Thầy lắng nghe! Ta nói về chúng Thanh văn do bảy Phật Như Lai hóa độ.
“Hội thuyết pháp thứ nhất của Tỳ-bà-thi Như Lai có sáu vạn hai ngàn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có mười vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
“Hội thuyết pháp thứ nhất của Thi-khí Như Lai có mười vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có tám mươi ức Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
“Hội thuyết pháp thứ nhất của Tỳ-xá-phù Như Lai có tám vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có sáu vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
“Câu-lưu-tôn Như Lai thuyết pháp một hội có bốn vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
“Phật Câu-na-hàm Mâu-ni thuyết pháp một hội có ba vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
“Phật Ca-diếp thuyết pháp một hội có hai vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
“Hiện nay, Ta thuyết pháp một hội có một ngàn hai trăm năm mươi Bí-sô đắc quả A-la-hán.”
Thế Tôn lập lại bằng kệ:
Tỳ-bà-thi Như Lai,
Thi-khí, Tỳ-xá-phù,
Thế Tôn Câu-lưu-tôn,
Câu-na-hàm, Ca-diếp,
Và Thích-ca Mâu-ni.
Khi chư Phật ra đời,
Chúng Thanh văn được độ,
Số có bảy mươi ức,
Chín vạn thêm ba ngàn,
Hai trăm năm mươi người,
Đều chứng A-la-hán,
Không tái sinh đời sau.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, cho đến, nay Ta xuất hiện ở thế gian, trụ trì giáo hóa, nêu giảng giáo pháp, giáo hóa, dẫn dắt các hữu tình, về giới hạnh luật nghi, thọ trì y bát, cầu chứng Bồ-đề, không có pháp nào sai khác nhau cả.”
Thế Tôn nói kệ:
Kiếp quá khứ đến nay,
Tỳ-bà-thi các Phật;
Chúng Bí-sô được độ,
Thành tựu đại trí tuệ.
Dốc tu nơi Chánh đạo,
Các phần pháp Bồ-đề;
Năm căn và năm lực,
Bốn niệm, bốn thần túc.
Bảy giác, tám thánh đạo,
Cùng với Tam-ma-địa;
Các căn được tịch tĩnh,
Thông đạt nơi pháp tạng.
Khai ngộ các quần sinh,
Tuệ mạng được tăng trưởng;
Trong hiền kiếp như vậy,
Thật là chưa từng có.
Phật dùng trí đại bi,
Tự giác và giác tha;
Đại thần thông uy đức,
Được nêu bày như vậy.
Thế Tôn nói kệ xong, cùng các Bí-sô rời chỗ ngồi, trở về vườn Cấp Cô Độc.
Qua đêm ấy, đến sáng sớm hôm sau, các chúng Bí-sô rời thất của mình, đi đến đạo tràng Ca-lý-lê. Họ hỏi nhau về việc các đức Như Lai trong thời gian quá khứ nhập đại Niết-bàn, xa lìa hý luận, đoạn trừ hẳn luân hồi, không còn lỗi lầm. Bậc đại trượng phu như vậy, có đại trí tuệ như vậy, trì giới như vậy, thiền định như vậy, giải thoát như vậy, uy đức như vậy, chủng tộc như vậy, giáng thế lợi sinh, thật ít có, không thể nghĩ bàn.
Thế Tôn biết ý nghĩ của các Bí-sô, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến đạo tràng Ca-lý-lê, ngồi kiết già, hỏi chúng Bí-sô:
“Các Thầy bàn luận về việc gì?”
Các Bí-sô bạch:
“Chúng con nghe nói Đức Như Lai trong quá khứ nhập đại Niết-bàn, xa lìa các hý luận, cắt đứt luân hồi, không còn lỗi lầm. Bậc đại trượng phu như vậy, có trí tuệ như vậy, trì giới như vậy, thiền định như vậy, giải thoát như vậy, uy đức như vậy, chủng tộc như vậy, giáng thế lợi sinh, rất là ít có, không thể nghĩ bàn.”
Phật hỏi:
“Này các Bí-sô! Tại sao các Thầy nói những điều như thế?”
Bí-sô bạch Phật:
“Phật có pháp giới thanh tịnh, chứng Chân giác trí, hiểu biết tất cả, ngưỡng mong giảng giải.”
Phật dạy:
“Này các Bí-sô! Các Thầy lắng nghe, Ta sẽ nói về việc ấy.
“Vào thời quá khứ, có quốc vương lớn hiệu Mãn-độ-ma; Vương phi của vua tên Mãn-độ-ma-đế. Khi ấy, Phật Tỳ-bà-thi từ cung trời Đâu-suất giáng sinh xuống cõi Diêm-phù, nhập vào bụng mẹ, an trú trong thai, phóng ra ánh sáng chiếu khắp các cõi trong thế gian, không còn chỗ tối tăm, đến cả các cảnh giới ác, địa ngục, nơi ánh sáng mặt trời mặt trăng không thể chiếu tới. Ánh sáng của Phật đến đâu, nơi ấy bỗng sáng rực lên. Hữu tình ở những nơi ấy được trông thấy nhau, liền lên tiếng: Tại sao ở đây lại có chúng sanh khác?”
Thế Tôn nói kệ:
Bồ-tát từ Đâu-suất,
Khi xuống cõi Diêm-phù;
Như mây bay gió thổi,
Nhanh chóng vào thai mẹ.
Thân phóng ánh sáng lớn,
Chiếu rực cõi trời người;
Địa ngục núi Thiết vi,
Đều không còn tối tăm.
Tất cả chúng đại tiên,
Các cảnh giới cõi Phật;
Đều tập hợp nhau lại,
Hộ vệ thân mẹ ngài.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các thầy lắng nghe. Khi Đại Bồ-tát ấy từ trời Đâu-suất giáng sinh xuống Diêm-phù, vào thai mẹ, Dạ-xoa Bộ-ma lớn tiếng tuyên bố: Vị Đại Bồ-tát có uy đức lớn, bậc đại trượng phu này, bỏ thân Trời, thân A-tu-la, ở trong thai mẹ để thọ thân người. Lần lượt trời Tứ thiên vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma cho đến các cõi trời Phạm phụ v.v... nghe lời này, đồng xướng lên: Bồ tát giáng thần ở trong thai mẹ, tất cả phải vân tập đến.”
Thế Tôn nói kệ:
Bồ-tát từ Đâu-suất,
Khi giáng thần thai mẹ;
Đại Dạ-xoa Bộ-ma,
Tuyên bố: đức Bồ-tát.
Từ bỏ thân cõi trời,
Và thân A-tu-la;
An trú trong thai mẹ,
Để thọ báo thân người.
Tứ thiên, Đao-lợi thiên,
Dạ-ma và Đâu-suất;
Cho đến cõi Phạm thiên,
Đều nghe rõ việc này.
Bồ-tát xuống nhân gian,
Thân sắc vàng vi diệu;
Chư Thiên đều tập hợp,
Tâm ý rất vui mừng.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe: Khi Đại Bồ-tát ấy từ trời Đâu-suất giáng sinh xuống Diêm-phù, có bốn Đại thiên tử đầy đủ uy đức, thân mặc áo giáp, tay cầm cung đao, hộ vệ Bồ-tát, loài người và phi nhân đều không thể gây tổn hại.”
Thế Tôn lặp lại bằng kệ:
Khi Bồ-tát giáng sinh,
Đế Thích, trời Đao-lợi;
Sai Tứ đại thiên vương,
Đều đủ đại uy lực.
Thân mang áo giáp vàng,
Tay cầm cung đao thương,
Luôn luôn hộ vệ ngài;
Loài La-sát, phi nhân.
Không dám gây não hại,
Ngài an trú thai mẹ;
Như ở cung điện lớn,
Thường thọ các diệu lạc.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy từ cõi trời Đâu-suất giáng sinh xuống cõi Diêm-phù, ở trong thai mẹ; thân ngài thanh tịnh tỏa ánh sáng rực rỡ như ngọc Ma-ni; tâm ý mẹ ngài an vui không có phiền não.”
Thế Tôn nói kệ:
Bồ-tát ở trong thai,
Thanh tịnh không vết nhiễm;
Trong sáng như lưu-ly,
Quý báu như Ma-ni.
Ánh sáng chiếu thế gian,
Như mặt trời không mây;
Thành tựu đệ nhất nghĩa,
Xuất sinh trí tối thượng.
Khiến mẹ không ưu não,
Thường làm các việc thiện;
Hữu tình đều quy ngưỡng,
Ngự ngôi Sát-đế-lợi.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy từ trời Đâu-suất giáng sinh xuống cõi Diêm-phù, ở trong thai mẹ; chưa từng nghe người mẹ có dục nhiễm và tham đắm năm trần, sắc v.v...”
Thế Tôn nói kệ:
Bồ-tát ở trong thai,
Khiến tâm mẹ thanh tịnh;
Không nghe tên nhiễm ô,
Xa lìa tội năm dục.
Đoạn trừ gốc tham ái,
Không có các khổ não;
Thân tâm thường an ổn,
Luôn luôn được an lạc.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy từ trời Đâu-suất giáng sinh xuống cõi Diêm-phù ở trong thai mẹ; người mẹ tự thọ trì năm giới cận sự. Một, không sát sanh. Hai, không trộm cắp. Ba, không dâm dục. Bốn, không nói dối. Năm, không uống rượu. Mẹ Bồ tát sinh ngài nơi hông bên phải. Sau đó mệnh chung, sinh lên cõi trời.”
Thế Tôn nói kệ:
Bồ tát ở trong thai,
Mẹ ngài giữ năm giới;
Hông phải sinh đồng tử,
Khi sinh không khổ não.
Cũng như trời Đế Thích,
Thọ năm dục vi diệu;
Sau đó, khi mạng chung,
Liền sanh lên cõi trời.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông phải mẹ, quả đất chấn động. Thân ngài màu sắc như vàng ròng không có uế nhiễm, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả cảnh giới trong thế gian. Những cảnh giới ác, nơi tối tăm như địa ngục bỗng nhiên sáng rực. Những chúng sanh nơi đó cũng trông thấy nhau. Tất cả đều như ngỡ ngàng nói: Tại sao nơi đây lại có chúng sanh khác?”
Thế Tôn nói kệ:
Khi Bồ tát giáng sinh,
Cả quả đất chuyển động;
Thân thể như vàng ròng,
Không nhiễm những trần cấu.
Đại thần thông, uy đức,
Chiếu sáng khắp nơi nơi;
Chúng sinh nơi tối tăm,
Đều được nhìn thấy nhau.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải, mẹ ngài không mệt nhọc, không ngồi không nằm. Bồ-tát với đại uy đức của bậc đại trượng phu, tâm không mờ tối, chân không đạp đất, có bốn Đại Thiên vương đỡ thân đồng tử.”
Thế Tôn nói kệ:
Khi Bồ-tát giáng sinh,
Tâm mẹ không tán loạn;
Không ngồi cũng không nằm,
Tự tại và vui thích.
Uy đức đại trượng phu,
Tâm lìa các ám muội;
Tứ thiên bồng chân ngài,
Chân ngài không đụng đất.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải, thân thể ngài thanh tịnh như ngọc lưu-ly quí báu không bị dính những vật bất tịnh như máu, mủ, nước dãi. Cũng như ngọc Ma-ni, như y phục của trời Kiều-thi-ca, tất cả bụi bặm không thể dính vào.”
Thế Tôn nói kệ:
Khi Bồ-tát giáng sinh,
Thân thể ngài thanh tịnh;
Xa lìa những bất tịnh,
Như máu mủ nước dãi.
Như y phục vua trời,
Như ngọc quí Ma-ni;
Tâm sạch thân sáng rực,
Bụi bặm không dính được.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải, có hai vị Thiên tử từ trên hư không, tuôn hai vòi nước một mát, một ấm để tắm rửa đồng tử.”
Thế Tôn nói kệ:
Khi Bồ-tát giáng sinh,
Hai vị trời trên không;
Tắm rửa thân đồng tử,
Bằng hai vòi nước sạch.
Ấm, mát cho thích nghi,
Biểu thị tròn phước tuệ;
Thành tựu đại vô uý,
Xem khắp cả chúng sinh.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải; ngài đủ ba mươi hai tướng, hình dáng đoan nghiêm, mắt thanh tịnh thấy xa mười do-tuần.”
Thế Tôn nói kệ:
Khi Bồ-tát giáng sinh,
Các tướng đều đầy đủ;
Mắt trong lại đoan nghiêm,
Thấy xa mười do-tuần.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải, nhìn đến cõi trời Đao-lợi. Thiên đế Thích cũng thấy đồng tử này chính là thân Phật, liền cầm lọng trắng che thân đồng tử. Lạnh nóng gió bụi, tất cả các vật xấu không xâm phạm được.”
Thế Tôn nói kệ:
Khi Bồ-tát mới sinh,
Nhìn xa hơn Đao-lợi;
Đế Thích cũng thấy ngài,
Vội cầm lọng trắng lớn.
Đến che thân cho ngài,
Lạnh nóng gió bụi nắng;
Và các thứ độc hại,
Không thể xâm phạm được.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải, mẫu hậu, nhũ mẫu và dưỡng mẫu cùng các cung nhân vây quanh để giữ gìn, che chở, tắm rửa, xoa chất thơm, hầu hạ ngài chu toàn.”
Thế Tôn nói kệ:
Khi đồng tử mới sinh,
Ba người mẹ nuôi dưỡng;
Cùng với các cung nhân,
Thường vây quanh bên ngài.
Tắm rửa xoa hương thơm,
Khiến ngài luôn an ổn;
Hầu cận suốt ngày đêm,
Không lúc nào rời ngài
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải, hình dáng ngài đoan nghiêm đủ ba mươi hai tướng. Vua Mãn-độ-ma liền triệu vị thầy xem tướng đến xem tướng cho đồng tử. Vị Bà-la-môn ấy tâu: Nếu Ngài sống tại gia thì thọ pháp Quán đỉnh, giữ ngôi vị Chuyển luân vương, làm chủ cả thiên hạ, đủ ngàn người con uy đức không sợ hãi. Hàng phục các quân đội khác mà không cần đến binh đao cung kiếm. Nếu Ngài xuất gia tu hành chắc chắn thành bậc Chánh đẳng giác.”
Thế Tôn nói kệ:
Tướng sư Bà-la-môn,
Xem tướng đồng tử này;
Tâu với vua cha rằng,
Bậc đủ ba hai tướng.
Như trăng giữa muôn sao,
Ít có trong thế gian;
Nếu ngài ở cung điện,
Tất làm vua Chuyển luân.
Thống lĩnh cả bốn châu,
Sinh một ngàn Thái tử;
Nếu xuất gia tu hành,
Liền chứng Vô thượng giác.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi hông bên phải, thân ngài màu vàng ròng, tướng mạo đoan nghiêm, như hoa sen mọc trong nước không dính bụi trần. Tất cả mọi loài chiêm ngưỡng ngài không chán. Âm thanh ngài nói ra dịu dàng nhỏ nhẹ thanh nhã lưu loát, như chim Ca-vĩ-la ở Tuyết sơn. Chim này rất thích ăn hoa, hót lên giọng thanh nhã dịu dàng. Chúng sinh nghe tiếng hót đều ưa thích. Âm thanh ngôn ngữ của đồng tử cũng vậy.”
Thế Tôn nói kệ:
Đồng tử lúc mới sinh,
Thân thể màu vàng ròng;
Cũng như hoa sen hồng,
Bụi trần không dính được.
Tiếng nói ngài thanh nhã,
Như tiếng chim ca-vĩ;
Mọi người khi được nghe,
Ưa thích không biết chán.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí-sô:
“Các Thầy lắng nghe! Khi Đại Bồ-tát ấy còn là đồng tử đã xa lìa gian tà dối trá, tâm ý thuần chính, tự giác giác tha thường hành chánh pháp. Mọi người đều tôn trọng phục vụ như Thiên đế Thích tôn kính cha mẹ. Do đó, ngài tên là Tỳ-bà-thi.”
Thế Tôn nói kệ:
Tỳ-bà-thi Như Lai,
Khi còn là đồng tử;
Thông minh đại trí tuệ,
Xa lìa sự dối trá.
Tự giác và giác tha,
Tu tập theo chính pháp;
Mọi người thường ái kính,
Như vị trời Đế Thích.
Kính phụng dưỡng cha mẹ,
Danh tiếng khắp thế gian;
Nên hiệu Tỳ-bà-thi,
Lợi ích cho chúng sanh. Chú thích:
[1]. Bản Hán: Phật thuyết thất Phật kinh, Tống Pháp Thiên dịch (Đại I, No. 2 , trang 150a-154b). Tham chiếu: Phật thuyết Trường A-hàm kinh, Hậu Tần Hoằng Thỉ Phật-đà-da-xá cọng Trúc Phật Niệm dịch, " Đệ nhất phẩm sơ đại bản kinh đệ nhất," Đại I, No. 1(1), trang 1b-10c.
[2]. No. 2: Kỳ thọ Cấp cô độc viên 祇 樹 給 孤 獨 園 rừng cây Kỳ đà vườn Cấp Cô Độc; No. 1(1): Kỳ thọ hoa lâm khốt, dữ đại Tỳ-kheo chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu 祇 樹 花 林 窟 與 大 比 丘 衆 千 二 百 五 十 人 俱 động Hoa lâm vườn cây Kỳ đà, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi.
[3]. Bí-sô 苾 芻, No. 1 (1): Tỳ-Kheo hay Tỷ-khưu 比 丘.
[4]. Nguyên văn: trì bát thực thời 持 鉢 食 時, khi ôm bát ăn; chính xác: “sau khi ăn xong. Xem “Kinh Đại Bản Duyên”, cth. 3.
[5]. No. 2: nghệ Ca- lý-lê đạo tràng cọng tọa tư duy 詣 迦 里 梨 道 場, 共 坐 思 惟, “đến đạo tràng Ca-lý-lê, cùng nhau ngồi suy nghĩ.” No. 1(1): ư khất thực thời tập Hoa lâm đường các cọng nghị ngôn 於 乞 食 後 集 花 林 堂 各 共 議 言 “(Sau) khi khất thực, tụ tập ở Hoa lâm đường, cùng nhau bàn luận rằng:”
[6]. Tỳ-xá-phù 毘 舍 浮; No. 1(1): Tỳ-xá-bà 毘 舍 婆.
[7]. Ca-diếp ba 迦 葉 波; No. 1(1): Ca-diếp 迦 葉.
[8]. Thi-la 尸 羅, phiên âm Skt. śīla, hay Pāli: sīla .
[9] Kiều-trần 憍 陳, No. 1(1): Câu-lị-nhã 拘 利 若.
[10] Trong đoạn văn nói về tuổi thọ dài ngắn của bảy Phật Như Lai trong bản No 2 này so với bản No 1(1) có sự sai khác như sau: Bản No 2 viết: 爾 時 世 尊 說 此 偈 已, 告 苾 芻 眾 言, 汝 等 諦 聽, 我 今 復 說 七 佛 如 來, 應 等 正 覺 壽 量 長 短 Khi Thế tôn nói kệ xong, bảo chúng Bí sô: Các Thầy lắng nghe! Nay Ta nói về tuổi thọ dài ngắn của bảy Phật Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác. Phật Tỳ-bà-thi, Ứng cúng, Chánh đẳng giác xuất hiện trong thế gian, sống tám vạn tuổi... cho đến Ta hóa độ chúng sanh trong đời năm trược, sống một trăm tuổi. Thế tôn nói laị bằng bài tụng: 'Như Lai Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá-phù; Đức Phật Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm, Ca-diếp. Chư Phật khi ra đời, Đều theo tuổi thọ người; Tám vạn rồi bảy vạn, Sáu vạn xuống bốn vạn. Ba vạn đến hai vạn, Phật Thích-ca cũng vậy; Xuất hiện đời năm trược, Loài người thọ trăm tuổi.' Còn đoạn văn trong bản No 1(1) nếu đem so sánh với No 2 thì những câu bắt đầu của nó không có những câu này, mà chỉ có một một câu: 'Các ngươi nên biết.' Kế đến nói đến tuồi thọ ngắn dài của bảy Như Lai, một đàng theo bản No 2 thì Phật Tỳ-bà-thi Ứng cúng, Đẳng chánh giác, xuất hiện trong thế gian, thọ tám vạn tuổi, trong khi bản No 1(1) thì Thời đức Phật Tỳ-bà-thi, nhân loại sống tám vạn tuổi, và tiếp cho đến sáu vị Phật kia cũng như vậy. Nhưng đến baì tụng thì trên ý giống nhau, còn lối hành văn diễn tả thì khác nhau xa.
[11] Tên cha, mẹ, thành phố cùng là tên Mãn-độ-ma 滿 度 摩; No. 1(1) Bàn-đầu 盤 頭.
[12] Tên cha A-lỗ-noa 阿 嚕 拏; No. 1(1) Minh tướng 明 相, hay 將 曉 (阿 盧 那 A-lô-na).
[13] Tên mẹ và kinh thành lúc đó là A-rô-phược-đế 阿 嚕 ... 帝 hay A-rô-noa-phược-đế 阿 嚕 拏 縛 帝; No. 2: mẹ là Quang diệu 光 耀, thành Quang tướng 光 相.
[14] Tô-bát-la-để-đô 穌 鉢 囉 底 都, Bát-la-bà-phược-để 鉢 囉 婆 嚩 底, A-nỗ-bát-ma 阿 努 鉢 麼; No. 1(1): Thiện Đăng 善 燈; Xứng Giới 稱 戒; Vô dụ 無 喻.
[15] Cha tên Dã-nghê-dã-na-đa 野 倪 也 那多, mẹ tên Vĩ-xá-khư 尾 舍 佉 , vua vào lúc đó hiệu Sát-mô-sát-ma 殺 謨 殺 摩 , thành Sát-ma 殺 摩; No. 1(1): tên Tự đắc 祀 得; mẹ tên Thiện Chi 善 枝; hiệu An hòa 安 和; thành An hòa 安 和 城.
[16] Cha tên Dã-nghê-dã-na-đổ 野 倪 也 那 睹, tên mẹ Ô-đa-la 烏 多 囉, vua thời đó hiệu Thâu-bộ 輸 部, thành Thâu-bà-phược-đế 輸 婆 縛 帝; No. 1(1):Cha tên Đại Đức 大 德, mẹ Thiện Thắng 善 勝; vua thời đó hiệu Thanh Tịnh 清 淨, đô thành tên là Thanh Tịnh 清 淨 城.
[17] Cha tên Tô-một-ra-hạ-ma 穌 沒 囉 賀 摩, mẹ Một-ra-hạ-ma-ngu-bát-đa 沒 囉 賀 摩 虞 鉢 多, vua thời đó hiệu Ngật-lý-kế 訖 里 計, thành Ba-la-nại 波 羅 奈; No. 1(1): cha tên Phạm Đức 梵 德, mẹ Tài Chủ 財 主; vua thời đó là Cấp-tỳ 汲 毗; thành Ba-la-nại 波 羅 奈 như No. 2.
[18] Khiếm-noa-để-tả 欠 拏 底 寫; No. 1(1): có hai đệ tử Khiên-trà 騫 茶 (hay Khiên-đồ 騫 荼), và Đề-xá 提 舍 (hay Chất-sa 躓 沙).
[19] Bộ-tam-bà-phược 部 三 婆 縛; No. 1(1): A-tỳ-phù 阿 毗 浮, và Tam-bà-bà 三 婆 婆.
[20] Dã-thâu-đa-ra 野 輸 大多 囉 , No. 1(1): Phù-du 扶 遊, và Uất-đa-ma 鬱 多 摩.
[21] Tán-nhĩ-phược 散 爾 縛; No. 1(1): Tát-ni 隡 尼 , và Tỳ-lâu 毗 樓.
[22] Tô-lỗ-noa-đa-la 穌 嚕 拏 多 囉; No. 1(1): Thư-bàn-na 舒 盤 那, và Uất-đa-lâu 鬱 多 樓.
[23] Bà-la-đặc-phược-nhạ 婆 羅 特 縛 惹; No. 1(1): Đề-xá 提 舍, và Bà-la-bà 婆 羅 婆.
[24] Xá-lợi-phất 舍 利 弗; No. 1(1), ngoài Xá-lợi-phất 舍 利 弗 , kể thêm Mục-kiền-liên 目 揵 連.
[25] A-thâu-ca 阿 輸 迦 , No. 1(1): Vô ưu 無 優.
[26] Sát-ma-ca-lỗ 殺 摩 迦 嚕; No. 1(1): Nhẫn Hành 忍 行.
[27] Ô-ba-phiến-đổ 烏 波 扇 睹; No. 1( 1): Tịch Diệt 寂 滅.
[28]. Một-đề-du 沒 提 踰; No. 1(1): Thiện Giác 善 覺.
[29] Tô-rô-đế-lý-dã 穌 嚕 帝 里 野; No. 1(1): An Hòa 安 和.
[30] Tát-lý-phạ-mật-đát-ra-sa 薩 里 縛 蜜 怛 邋 囉; No. 1(1): Thiện Hữu 善 友.
[31] A-nan-đà 阿 難 陀; No. 1(1) , cùng tên.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.186.156 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.