Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Vị Thắng Quang Thiên Tử Thuyết Vương Pháp Kinh [佛為勝光天子說王法經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Vị Thắng Quang Thiên Tử Thuyết Vương Pháp Kinh [佛為勝光天子說王法經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.2 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.24 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Vì Thiên Tử Thắng Quang Dạy Vương Pháp

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Thế Tôn ở tại khu lâm viên Thệ-đa cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm trăm ngàn người hội đủ, chư vị đều là những bậc A-la-hán, các lậu đã dứt sạch. Lại có vô lượng Đại Bồ-tát đều là bậc tăm tiếng trong loài người đều là hàng Nhất sinh bổ xứ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi kiết già trên tòa Thắng diệu nơi gốc cây, ở giữa đại chúng vì khắp hàng trời, người diễn nói pháp sâu xa do chính mình đã chứng đắc. Đó là văn nghĩa vi diệu, phần đầu, phần giữa, phần cuối đều thiện thuần một tướng phạm hạnh thanh tịnh, viên mãn.
Lúc này, quốc vương nước Kiều-tát-la là Thiên tử Thắng Quang, xa giá nghiêm chỉnh, cùng với đám tùy tùng ra khỏi thành Thất-la-phiệt, đi đến rừng Thệ-đa nhằm ra mắt cung kính cúng dường, phụng sự, gần gũi Đức Thế Tôn. Đến nơi, nhà vua xuống xe, sửa lại y phục để tới chỗ Đức Thế Tôn. Từ xa nhà vua thy Đức Như Lai đang an tọa bên cội cây, diễn nói giáo pháp cho đại chúng, tướng mạo oai nghiêm, các căn thuận hợp, tâm an lạc, tịch tĩnh trụ vào cõi định tăng thượng, là bậc Long tượng trong cõi người, như sư tử chúa, cũng như trâu chúa, như ngựa trí khéo léo, là bậc tôn quý nhất nơi loài người, như hoa sen trắng, như ao nước trong trẻo, vắng lặng, như núi Diệu cao trụ vững ở biển cả, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, như cờ vàng ròng tươi đẹp đủ các màu sắc, cũng như mặt trời tỏa rạng ngàn ánh sáng rực rỡ, như vầng trăng tròn với các ngôi sao vây quanh. Lúc vua nhìn thấy như vậy sinh tâm hoan hỷ, toàn thân xúc động, đạt được điều chưa từng có. Đại vương thọ pháp quán đảnh có đủ năm thứ: Là ngọc như ý, lọng trắng, phất trần trắng, giày báu, kiếm báu, tất cả những thứ ấy thảy đều bỏ lại, chỉ với y phục bình thường, dẫn theo các đại thần trụ vào chánh niệm, các căn tịch tĩnh, sửa lại áo mão, bày vai bên phải, cúi đầu chắp tay hướng đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ nơi chân Phật, rải các thứ hoa vi diệu, đốt các thứ hương thơm để cúng dường, đi quanh bên phải ba vòng rồi lui ra ngồi một bên.
Bấy giờ, vua Thắng Quang từ chỗ ngồi đứng dậy, luôn giữ oai nghi, chắp tay hướng về Đức Phật thưa:
-Nguyện xin Đại Sư khai ngộ cho con, khéo chỉ dạy về pháp của bậc quốc vương, khiến cho đời hiện tại được an lạc, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời, cho đến tâm Bồ-đề luôn được nối tiếp.
Phật bảo:
-Này đại vương! Lành thay, lành thay! Đại vương nên nhất tâm lắng nghe, đây là việc rất hiếm có, ai có thể thưa hỏi để cầu đạt những hành trang thù thắng thì nên thuận theo pháp mà hành hóa, dứt trừ việc ác. Vì sao? Này đại vương! Nếu vua và đại thần bỏ pháp lành, thực hành theo pháp ác thì ở đời hiện tại bị người khinh chê, không dám gần gũi đều sinh tâm nghi hoặc, thường thấy ác mộng có nhiều kẻ oán thù, lại sinh hối hận, sau khi chết đi bị đọa vào địa ngục.
Này đại vương! Nếu vua và đại thần xa lìa pháp ác, tu tập pháp lành thì ở trong đời hiện tại được người kính trọng đều đến thân cận, không sinh nghi ngờ, luôn thấy mộng lành, có thể trừ hết oán địch, không hề hối hận, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời, cho đến chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề thường lạc.
Này đại vương! Ví như cha mẹ thương yêu con, thường mong muốn cho các con được an ổn, không bị não hại, ngăn việc làm ác của chúng, khuyên tu tập điều thiện.
Này đại vương! Làm Thiên tử cũng như vậy. Đối với quần thần cho đến người hầu, muôn dân trong nước đều dùng bốn Nhiếp pháp mà giáo hóa họ. Đó là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Lúc đó, vị vua ấy ở trong cõi nước có thể tạo được nhiều lợi ích lớn như vậy, thì thành tựu hai việc. Những gì là hai?
1. Làm vua như cha mẹ thương con không khác.
2. Được muôn dân trong nước xem như con, hết lòng trung hiếu.
Lại nữa, này đại vương! Làm Thiên tử phải có ân tình, bao dung, giảm nhẹ thuế má, bớt phần siêu dịch, lập quân phân chức không cần số đông mà truất bỏ phạt người làm ác, tiến cử khen thưởng người hiền, kẻ không trung thành, lương thiện nên mau xa lìa, noi theo các bậc Thánh vương xưa, chớ hành hình, chém giết. Vì sao? Vì đạo đối với người sống nên dùng các duyên để cảm hóa là hơn hết, nếu đoạn dứt mạng sống thì nhất định phải nhận lấy quả báo ác.
Này đại vương! Thường phải nhất tâm cung kính đối với Tam bảo, chớ sinh tà kiến, sau khi ta nhập Niết-bàn thì giáo pháp nên được quốc vương, đại thần, tể tướng hết lòng ủng hộ, chớ để suy tổn, các vị phải thắp sáng ngọn đuốc chánh pháp mà chuyển pháp luân, cho đến tận cùng đời vị lai luôn khiến không bị đoạn tuyệt, nếu có thể nương theo giáo pháp mà thực hành như vậy thì khiến cho trong nước được Long vương hoan hỷ, mưa thuận gió hòa, chư Thiên vui vẻ, khiến muôn dân được giàu có, an lạc, các thứ tai họa tiêu trừ, đất nước thái bình, thân vua có được diệu lạc, ngôi vị luôn được giữ vững, phước đức oai lực được lâu dài, không còn ưu sầu khổ não, tuổi thọ tăng trưởng, trong đời hiện tại danh tiếng vang khắp mười phương, các vua nước khác đều khen ngợi: “Thiên tử nước ấy nhân đức khiêm cung, trung hiếu, dùng chánh pháp giáo hóa cứu giúp thương xót muôn dân, là vị tối thắng bậc nhất trong các nước, hiện tại chúng ta đều nên quy phục vị đại Pháp vương này”. Sau khi bỏ thân mạng được sinh lên cõi trời, thọ nhận những an lạc thắng diệu đạt đến đạo quả Bồ-đề.
Lại nữa, này đại vương! Tất cả các pháp thể tánh rỗng lặng, vô thường, hoại diệt. Ví như có người ban đêm nằm mộng thấy vườn hoa đẹp, núi sông, rừng rậm, suối trong, mọi người, nhà cửa, lầu gác, đối với những thứ ấy thảy đều ưa thích, đến khi thức dậy thì không còn thấy gì. Đại vương nên biết! Chỗ kế thừa vương vị và tuổi thọ, các thứ tốt đẹp tự tại tôn quý, vui thích nơi năm dục như voi ngựa, xe cộ, cha mẹ, anh em, nam nữ, hậu phi, muôn dân trong nước hiện có, rồi nào quần thần, thê thiếp, vàng bạc, châu báu, y phục, thức ăn uống và các kho báu, cho đến lúc chết đều xả bỏ hết, những thứ ấy đều là pháp vô thường, hoại diệt, khó giữ gìn, tướng của chúng luôn thay đổi, rốt cuộc đều ly tán, là chỗ đáng sợ hãi mới sinh ra khổ não, nên không có ngã và ngã sở, cũng không có chủ tể, nên thường quán xét chớ có buông lung.
Lại nữa, này đại vương! Ví như cây lớn, lúc đầu sinh lá trổ hoa, sau đó mới kết trái, đến khi trái chín lần lượt rơi rụng, lá xanh nối tiếp lá vàng, rốt cuộc thảy đều rụng hết, chỉ còn cây không, cây ấy héo khô, lại gặp lửa lớn thổi đến đốt cháy hừng hực, chốc lát thiêu sạch.
Lại nữa, này đại vương! Ví như mặt trăng, mặt trời có oai lực lớn, đầy đủ ánh sáng lớn, có thể xua tan chốn tối tăm, điều ấy cũng không lâu dài đều trở về sự hoại diệt. Đại vương nên quan sát những pháp vô thường, vô ngã, hoại diệt như vậy mà sinh lo sợ, làm vua của một nước nên lấy pháp giáo hóa chớ thi hành theo phi pháp, thường tu các điều thiện, đừng theo điều ác.
Lại nữa, này đại vương! Ví như bốn phía, mỗi phía đều có núi lớn nối tiếp khắp bốn phương, toàn bộ đều vững chắc không bị lủng, hở, phía trên lên đến hư không, phía dưới sát mặt đất, ở giữa có cây cỏ, rừng rậm và các loài đang sinh sông, không một loài vật nào có thể thoát ra được, không một người mạnh mẽ nào có thể chông đỡ nổi, cũng không thể dùng chú thuật thuốc men, của cải có thể khiến nó xoay chuyển.
Này đại vương! Bốn núi của thế gian cũng như vậy. Đó là các thứ già bệnh chết cùng mất hết thế lực.
Này đại vương! Đến lúc già thì người suy yếu, tiều tụy, bệnh tật đến thì sinh khổ não, cái chết hiện tiền chắc chắn sẽ đoạn dứt mạng sống, lúc mất thế lực thì oai lực cũng diệt.
Lại nữa, này đại vương! Như sư tử chúa nhanh nhẹn có nhiều sức lực, nanh vuốt bén nhọn, đi vào đàn nai, tùy ý bắt lấy ăn, không ai có thể ngăn được. Các loại thú ấy bị loài khác uy hiếp nên không được tự do. Đại vương nên biết! Tất cả chúng sinh bị mũi tên chết bắn trúng, không có sức mạnh, không chốn trở về, không ai cứu giúp, khi mạng sống sắp hết thì xương đốt rã rời, máu thịt khô cạn, miệng không thể nói, tay chân quờ quạng, sức lực sắp hết, nước dãi trào ra, tiểu tiện làm bẩn cả thân, sáu căn như mắt, tai... thảy đều ngưng hoạt động, cổ họng ngột ngạt, hơi thở không thông, ăn uống không được, niệm niệm nối nhau, sau đó thần thức xa lìa, từ vô thỉ đến nay luôn sinh, già, bệnh, chết, lưu chuyển trong biển khổ, theo nghiệp mà đi thọ sinh, tức ở lúc này mạng căn vừa đoạn, tùy chỗ tạo nghiệp đều hiện ra trước mắt, sứ giả của Diêm vương hết sức đáng sợ, đêm dài tăm tối không thể chống lại, hơi thở ra vào bỗng nhiên dứt hẳn, một mình ra đi hướng đến chốn sợ hãi, bỏ đời này thọ thân đời sau, sẽ rơi vào hầm lớn, vực sâu tối tăm, chỉ đi qua đường hiểm nạn, không có hành trang, gió nghiệp thổi tới không biết đường phía trước. Bấy giờ, những thứ khổ nạn tai ách không rõ nẻo quy về, chỉ theo nghiệp mà nhận lấy quả báo.
Này đại vương! Có pháp Đà-la-ni tên là Thắng tràng, nếu người nào lúc trước đã thọ trì, thì ở trong cõi sinh tử có thể làm bạn lành, cùng nhau cứu giúp. Đại vương lắng nghe, ta sẽ nói chú cho ông:
-Nẵng mỗ Thích-ca Mâu-ni mại duệ. Đát tha yết đa dã, a la hiết đế tam miệu tam bột đà dã. Đát diệt tha án. Thiêm mê thiêm mê tát bà ba bả, bát la thiêm mạt nê tá ha.
Đức Phật bảo:
-Này đại vương! Pháp Đà-la-ni ấy là lời nói của chư Phật, ở trong mỗi ngày tắm rửa sạch sẽ, thường đọc bảy lần thì có oai lực lớn, có thể được cứu giúp, giống như vào lúc trời cực lạnh gặp đống lửa lớn, khi trời rất nóng gặp nước mát lạnh, vào mùa hạ nóng bức trên đường đi bỗng gặp bóng cây, như khát nước gặp dòng suối trong, như đói gặp thức ăn ngon, như bệnh mong có được thần chú, thuốc thang, lại gặp thầy thuốc giỏi, người sợ hãi gặp bạn khỏe mạnh.
Này đại vương! Người có phước như vậy khi sắp chết tất có điềm tướng tốt dẫn đường cho họ.
Này đại vương! Ngay trong lúc đó chỉ có pháp lành mới có thể cùng hộ niệm và làm chỗ nương tựa, chính pháp Đà-la-ni này khéo có thể cứu giúp. Vì thế, này đại vương! Ngày ngày nên đọc tụng thần chú ấy, thì có thể tiêu trừ tất cả tội chướng, lại có thể phát sinh nhiều phước đức, nên khéo quán xét các pháp vô thường, hoại diệt, hoàn toàn đều là không, ở trong cửa tử nên sinh tâm sợ hãi lớn, đem việc thiện giáo hóa cho thế gian, chớ làm điều ác, luôn tu phước nghiệp, khởi tâm Từ bi. Vì sao? Vì đối với thân này thường ưa thích giữ gìn, cung cấp cho nó những thức ăn ngon nhất, tùy lúc nghỉ ngơi tự tại, không lo buồn, tuy thọ nhận những thứ vui thắng diệu như vậy, cuối cùng cũng không tránh khỏi sự chết, lúc sắp bỏ mạng, bị lửa đói sẽ đến hành hạ, thiêu đốt mà chết.
Này đại vương! Mặc y phục đều là những thứ tốt đẹp, lụa trắng Ca-thi, gấm vóc lụa là khi mặc vào mát ấm, thỏa tình hưởng thọ sự vui thích, rốt cuộc cũng không tránh khỏi cái chết. Lúc sắp chết nằm yên trên giường chiếu, xoay chuyển theo do người khác, các thứ cấu bẩn hiện quanh thân, đồ chăn mền phủ quanh chỗ nằm, khiến người trông thấy sinh tâm chán ghét.
Lại nữa, này đại vương! Hàng ngày lúc còn sống, luôn tắm rửa sạch sẽ, dùng đủ các thứ hương bột, hương xoa, các thứ đồ trang sức, xông ướp thơm ngát, trên đầu cài vòng hoa, dù cho hưởng thọ những thứ vui thượng diệu như vậy, nhưng rốt cuộc cũng không tránh khỏi cái chết, dần dần biến hoại trở lại hình trạng hôi thối như cũ, tắm rửa xoa các thứ hương đều là tạm bợ.
Lại nữa, này đại vương! ở trong đại cung có nhiều thể nữ vây quanh, đàn sáo thay nhau mặc sức múa hát, thỏa thích vui theo thời gian không còn nghĩ đến đau buồn, cuối cùng cũng không tránh khỏi sự khổ của cái chết đưa đến, bức bách khiến sợ hãi mà chết.
Lại nữa, này đại vương! Chỗ ở nơi cung điện với đủ thứ trang nghiêm, các cửa thoáng mát thích hợp với thời tiết, vui thú trọn ngày thọ hưởng thâu đêm, nơi phòng thì đèn đuốc sáng rực, có nhiều thể nữ, hương thơm tỏa xa, hoa đẹp rải khắp, trang trí bảy thứ báu nơi giường nằm, nệm lót nhiều lớp và gối sắp ngay thẳng, mặc tình ngủ nghỉ không lo lắng mệt nhọc, đến khi nghiệp hết thì cũng không tránh khỏi cái chết, sau khi thân mất thì đưa đến nghĩa địa, vứt nơi đồng vắng, thi hài thối nát, máu huyết chảy tràn, xương thịt rã rời, người thấy nhờm gớm, làm thức ăn cho chim, thú, rừng như chồn, sói, diều, quạ, thương thay thân ấy đến nỗi như vậy.
Lại nữa, này đại vương! Một buổi sáng trời đẹp, khiến đám tùy tùng chuẩn bị xa giá ra khỏi thành, đi đến rừng thơm, mặc tình dạo chơi, thưởng thức, voi ngựa xe cộ trước sau đều sẵn, dong ruổi thỏa thích, các quan hầu hạ đứng quạt luôn trang nghiêm, màn trướng treo cao lại có lọng báu, trống, nhạc đủ loại vang lên, mọi người đều cung kính phụng hành như trời Đế Thích. Nếu phước mạng hết, sứ của Diêm-ma tìm đến bắt lấy thần hồn dẫn đến trước Diêm vương, tùy theo nghiệp phân định, phán xét, khó có thể tránh khỏi, chỉ còn lại hài cốt ở nơi mặt đất, cha mẹ, vợ con và muôn dân trong nước đều buồn khóc, kêu gào, đấm ngực thảy đều ảo não, xe tang đưa quan tài đến nghĩa địa, hoặc thiêu, hoặc chôn, hoặc thả xuống nước, các loại chim bay thú chạy, các loài cá, ba ba, rùa, ếch nhái nghe mùi thịt ấy tranh nhau đến ăn, nuốt, rúc rỉa, xương thành bụi bặm cùng đất không khác. Đại vương nên biết! Tất cả chúng sinh, loài thọ nhận thần thức đều như vậy cả, hoàn toàn chịu sự vô thường hoại diệt, thân thể khó bảo tồn, niệm niệm dời đổi, các phiền não nơi thân không thể yêu thích, ai là người có trí thì nên sinh tâm xa lìa.
Vì thế, này đại vương! Nên quán thân này là gốc của hoạn nạn, tùy thuộc nơi vô thường, luôn bị thần chết theo đuổi, bức bách, biết việc này rồi nên dùng chánh pháp để trị nước, không nên để tham, sân, si sai khiến mà làm các việc ác. Vì sao? Này đại vương! Ta không nói có kẻ phàm phu ngu si, đối với cảnh của năm dục là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, luôn tích tụ nhiều, thường ưa thích gần gũi người như vậy mà có thể sinh tâm chán đủ.
Này đại vương! Người nào đối với cảnh của dục có thể dấy tâm nhàm chán, đó là bậc Hiền thánh, phát khởi trí tuệ thù thắng, ngay hiện tại mới có thể sinh tâm chán đủ, dần dần xa lìa, tu tập chứng đắc quả vị Niết-bàn vi diệu.
Bấy giờ, Thiên tử Thắng Quang nghe Đức Phật giảng nói về pháp tạo ra sự an ổn cho tự thân, pháp giữ nước lâu dài, làm lợi ích cho tất cả muôn loài, tiếng tốt vang khắp mười phương, khi qua đời sẽ được sinh lên cõi trời, thọ nhận mọi thứ diệu lạc, thì thâm tâm rất vui mừng, đạt được điều chưa từng có, chắp tay cung kính, nhất tâm chiêm ngưỡng, bạch Đức Thế Tôn:
-Như Lai Đại Từ vì con mà giảng nói nghĩa pháp vi diệu như vậy, nay con hết sức tôn kính, nguyện sẽ lưu truyền khắp cả nước, để mọi người đọc tụng tu tập.
Đức Phật khen:
-Lành thay, lành thay! Này đại vương! Ông đời trước đã tu tập nhân nên đời này thọ nhận quả báo thù thắng, được làm Thiên tử đều theo sở nguyện của tâm, nên làm đúng như chỗ thuyết giảng, chớ có buông lung.
Lúc ấy Thiên tử Thắng Quang và đại chúng đều vui mừng tín thọ phụng hành, đảnh lễ mà lui ra.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Bức Thành Biên Giới


Những tâm tình cô đơn


Sen búp dâng đời


Lược sử Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.118.7 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập