Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật và đại chúng:
- Những người nào ở đời này mà tự kềm chế tâm, giữ ý chân chánh, thân không làm điều ác, thì đó là bậc đức thiện vĩ đại, là bậc tối thượng, khắp mười phương không ai sánh bằng. Vì sao? - Vì chư thiên và loài người trong vô số cõi nước khắp mười phương đều tự nhiên làm điều thiện, không làm những việc xấu ác nên dễ giáo hóa. Nay Ta làm Phật ở thế gian này, trong năm ác, năm đau khổ, năm thiêu đốt mà làm Phật, thật là vô cùng khó khăn! Ta chỉ dạy cho mọi người, làm cho họ đoạn tận năm ác, từ bỏ năm đau khổ, xa lìa năm sự thiêu đốt, chinh phục và giáo hóa tâm họ, làm cho họ giữ năm điều thiện, được phước đức, vượt qua thế gian và đạt đạo Niết-bàn miên viễn.
Đức Phật dạy:
- Thế nào là năm ác? Thế nào là năm khổ đau? Thế nào là năm sự thiêu đốt? Thế nào là mòn dần hết năm ác, làm cho giữ năm điều thiện? Thế nào là giữ năm điều thiện, được phước đức, vượt qua thế gian và đạt đạo Niết-bàn miên viễn?
Đức Phật dạy:
- Điều ác thứ nhất: trên từ chư thiên, loài người; dưới cho đến loài cầm thú và những côn trùng nhỏ nhít, muốn làm những việc ác, kẻ mạnh lấn áp kẻ yếu, chuyển dần đến làm giặc, tự giết hại lẫn nhau, cùng ăn nuốt lẫn nhau, không biết làm thiện, ác nghịch vô đạo, bị tai ương chém giết, tự nhiên sẽ dẫn đến kết quả như vậy. Thần minh đã ghi rõ, phạm thì không tha, cứ thế liên tục tiếp nối cho nên có người bần cùng hạ tiện sống cô độc làm kẻ hành khất, có người mù điếc, câm ngọng, ngu si, xấu ác, cho đến gầy gò ốm yếu,... không thể nói hết được. Có người giàu sang tôn quý, tài cao, trí tuệ thông đạt dõng mãnh, đều do nhân đời trước làm thiện, có tâm từ hiếu kính, thí đức ban ân, cho nên khi có việc quan, vương pháp, lao ngục, chẳng chịu lo lắng cẩn thận, mà còn làm ác và phạm pháp, phải bị lỗi lầm, trách phạt rất nặng. Có cầu mong thoát khỏi cũng khó mà thoát ra được. Đời nay những dữ kiện này hiện ra trước mắt, đến lúc qua đời thật là kinh khủng. Bị sanh vào chỗ tối tăm, ví như vương pháp gia hình, rất là cực khổ. Có kẻ tự nhiên sanh vào loài quỷ đói, địa ngục hay cầm thú, thuộc loài động vật, côn trùng, thay hình đổi dạng, theo ác khinh đạo, tuổi thọ dài ngắn, thần hồn tinh mạng tự nhiên hướng về nẻo gá thai thọ hình. Phải một mình thẳng hướng, cùng theo mà sanh ra, tiếp nối báo đền, sẽ cùng trở lại chịu tai ương trách phạt. Những sự kiện này chưa chấm dứt thì chẳng bao giờ được lìa xa, xoay vần trong chốn ấy nhiều kiếp nhiều đời, không hẹn được thời gian, khó mà được thoát ra, đớn đau không thể nói được, giữa đất trời tự nhiên có như vậy. Tuy không phải thời nhưng bỗng nhiên chợt kéo đến, đúng thời không giữ đạo tự nhiên, đều phải quay về con đường thiện ác. Đây là điều ác lớn thứ nhất, là điều khổ sở thứ nhất, là sự thiêu đốt thứ nhất.
Khổ nhọc như vậy, than ôi, sầu bi đau khổ sánh bằng lửa dữ bốc cháy, thiêu đốt thân người. Người nào ở trong đó mà nhất tâm định ý, đoan thân chánh hạnh, làm những điều thiện, không làm các việc ác thì sẽ được vượt khỏi chốn lửa thiêu đốt và được nhiều phước đức, được trường thọ và vượt khỏi thế gian hay thiên thượng mà đạt đạo Niết-bàn. Đây là điều thiện lớn nhất.
Đức Phật dạy:
- Điều ác thứ hai: vua chúa, quan quyền, cha con, anh em, gia đình, chồng vợ ở thế gian với những mưu toan vô nghĩa lý, không tuân theo chính nghĩa, đưa đến dâm dục, kiêu sa, ngã mạn. Ai cũng muốn sống vui theo ý họ nên tâm buông lung, lừa dối hoàn toàn, không sợ chết. Tâm và miệng khác nhau, lời nói ý nghĩ không chân thật, dối trá quanh co, không thành thật, ngôn từ xảo trá, nịnh bợ. Hành động không nghiêm túc, dẫn đến sự ghét ganh, vùi dập vào nơi oan uổng.
Trên vua không sáng suốt, tâm không suy xét rõ ràng tác dụng đến bề tôi. Hàng bề tôi vẫn giữ những luật lệ thô thiển đó để thi hành. Họ biết tình hình thế lực của nhà vua tại vị bất chánh, đã điều hành với tâm dối gian mà bỏ đi sự chân thành lương thiện, không xứng đáng ý trời, rất trái với đạo lý làm người. Từ đó, quan lừa dối vua, con lừa dối cha, em lừa dối anh, vợ lừa dối chồng. Trong ngoài gia đình, sự nhận biết tiếp nối nhau, mỗi người đều ôm lòng tham dâm, tâm ác độc sân hận, ngu si mê muội, lại muốn lợi nhiều. Có tôn ti thượng hạ mà không nam không nữ, không lớn không nhỏ, tâm đều như nhau nên muốn mình là lớn lao tốt đẹp, phá hoại gia đình, quên mất tự thân. Không nghĩ đến trước sau, gia đình thân thuộc, mắc tội phá hoại dòng họ. Có khi nội ngoại trong gia đình, bạn bè quen biết, xóm giềng, phố thị, dân nghèo cùng làm việc với nhau, lại giết hại lẫn nhau. Họ tranh nhau của cải tiền bạc, giận dữ trở thành thù địch, tranh nhau thắng bại. Lòng tham đốt cháy tâm tư, không biết bố thí, tiếc rẻ ôm giữ bo bo, tham tiền thích của, lòng luôn nhớ nghĩ không thôi, nên tâm nhọc nhằn, thân đau khổ, và cuối cùng chẳng nơi nương cậy, đến đi một mình, không ai theo cùng. Thiện ác hay họa phước, tai ương lầm lỗi trách phạt, đeo đuổi cả đời đến lúc sanh sang đời khác. Hoặc ở nơi sung sướng, hoặc vào chỗ khổ đau, sau đó mới ăn năn hối hận, muốn trở lại làm sao kịp? Có lúc làm người, tâm trí ngu si kém cõi, thấy điều thiện thì giận dữ, chê bai, không hề thích thú, nhưng lại muốn làm ác. Dối trá, làm việc phi pháp mà muốn lợi nhiều, thường ôm lòng độc hại; của cải người khác lại dùng cung cấp cho mình, làm tiêu tan khánh kiệt lại rong ruỗi tìm cầu. Với tâm tà bất chánh, thường bị khủng hoảng một mình, sợ người có sắc. Hiện thời không suy tính, việc đến mới ăn năn. Hiện tại đời này bị đọa đày trong lao ngục, tự nhiên hướng đến chịu nhiều lầm lỗi tai ương. Nơi thế gian bị bần cùng, cô quạnh đi xin ăn. Do đời trước mang tội không tin đạo đức, chẳng chịu làm thiện; đời nay làm ác nên thiên thần ghi rõ, khi chết lại vào đường ác. Thế nên có người tự nhiên ở nơi địa ngục, cầm thú đói khát, loài côn trùng nhỏ nhít, xoay vần trong những chốn này đời đời kiếp kiếp không có ngày ra và khó được thoát khỏi, đau đớn không thể nói hết. Đây là điều ác lớn thứ hai, là điều đau khổ thứ hai, là sự thiêu đốt thứ hai.
Khổ nhọc như vậy sánh bằng lửa dữ bốc cháy thiêu đốt thân người. Người nào ở trong đó mà nhất tâm định ý, đoan thân chánh hạnh, làm những điều thiện, không làm các việc ác thì thân được thoát khỏi và được phước đức, được trường thọ và vượt khỏi thế gian hay thiên thượng mà tiến đến đường Niết-bàn. Đây là điều thiện thứ hai.
Đức Phật dạy:
- Điều ác thứ ba: người đời ở đậu, gởi thân cùng nương sống giữa đất trời, tuổi thọ ở đó chẳng được bao năm, có người thì giàu có sang trọng, hiền minh tốt đẹp, có người thì nghèo nàn, tiều tụy, ngu si. Trong đó có người bất lương, chỉ ôm lòng ác độc, thân tâm không ngay thật,thường nghĩ đến sự dâm dật, nung nấu ngập lòng, ái dục chồng chéo nên ngồi đứng không yên. Ý tham tiếc, bỏn sẻn, lại muốn được nhiều. Thói ác dâm dật, liếc mắt sắc đẹp. Có người phụ nữ chán ghét, lén lút ra vào, nắm giữ của cải trong nhà, kết hợp làm việc phi pháp, tụ tập ăn uống với nhau, cùng nhau làm ác, khởi binh làm giặc, vây thành đánh lộn, cướp giết chém chặt, cưỡng đoạt vô đạo, lấy tài sản của người, đưa đến con đường trộm cắp. Không biết sắp đặt cho đời sống yên ổn, tốt đẹp. Chỗ đáng mong cầu lại không chịu làm. Lòng ác hướng ngoại, không làm việc chuyên cần, muốn đoạt sự thành công của người bằng cách dùng thế lực khủng bố, bức hiếp đem về cung cấp cho gia đình, cùng nhau sinh sống. Tâm ý buông lung, hưởng lạc tối đa, làm việc dâm loạn với phụ nữ của người khác, hoặc không kể cả người thân thuộc. Không biết tôn ty, trưởng lão, mọi người đều ghét, mang tai họa khổ đau cho người trong gia đình và xã hội, cũng không biết sợ luật pháp, quan quyền, nên không biết đường mà tránh. Những điều ác như vậy bị ghi chép, tất nhiên phải vào lao ngục. Ngày tháng xét soi, thần minh giữ sổ, các thần ghi chép tổng quát. Thế nên có người tất nhiên rơi vào chốn địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ, hay những loài côn trùng nhỏ nhít. Xoay vần trong những chốn này, đời đời kiếp kiếp không có ngày ra và khó được thoát khỏi. Đau đớn không thể nói hết. Đây là điều ác lớn thứ ba, là điều đau khổ thứ ba, là sự thiêu đốt thứ ba.
Khổ đau như thế, sánh bằng lửa dữ bốc cháy thiêu đốt thân người. Người nào có thể ở trong đó mà nhất tâm định ý, đoan thân chánh hạnh, làm những điều thiện, không làm các việc ác thì thân được thoát khỏi và được phước đức, được trường thọ và vượt khỏi thế gian hay thiên thượng để tiến đến đạo lộ Niết-bàn. Đây là điều thiện lớn thứ ba.
Đức Phật dạy:
- Điều ác thứ tư: Những kẻ ác thì không thể làm thiện, tự làm bại hoại lẫn nhau, dần dần truyền nhau cùng làm những việc ác. Đứng đầu việc rao truyền chỉ muốn nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, mắng nhiếc, dối gạt, ganh tị, sanh ra gây gỗ nhau. Oán ghét người tốt, phá hoại sự hiền thiện, khoái chí việc ác, không hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ, khinh thường thầy tổ, bạn tốt. Dối trá, không thành thật, tự cho rằng mình có tôn quý đạo đức nên tác oai tác quái, hành động ngang ngược, bạo lực, dùng sức mạnh đánh đập, xâm phạm người khác mà không tự biết. Làm điều ác không tự hổ thẹn, tự cho mình là anh hùng, bắt mọi người phải kính sợ vâng theo. Không biết kính sợ trời đất, thần minh nhật nguyệt, cũng không dạy cho người làm thiện, không thể hóa độ một ai mà còn lếu láo kiêu ngạo và cho rằng luôn luôn phải như vậy. Không có lòng xót thương lo lắng, cũng chẳng biết sợ hãi là gì, ý buông lung kiêu mạn như vậy, trời thần đều ghi nhận. Nhờ túc duyên đời trước có làm chút ít phước đức, chút ít điều thiện nên nâng đỡ, hổ trợ cho. Đến đời này làm ác nên phước đức cạn kiệt, chư quỷ thần thiện đều lánh xa, phải trơ vơ một mình giữa cõi mênh mông, không nơi nương tựa, chịu nhiều tai ương. Đến lúc qua đời, thần ác trói buộc, tự nhiên bức xúc, đeo đuổi theo hoài không dừng lại được. Tự nhiên những việc ác cùng hướng đến họ một cách nhanh chóng. Họ bị ghi sổ nơi các thần minh, tai ương dẫn dắt nên phải nhận chịu lôi kéo, hướng đến chịu những hình phạt thích ứng, làm cho thân tâm tan nát, hình hài thần thức vô cùng khổ sở, không thể lìa bỏ được, nhưng phải đi tới trước rơi vào vạc lửa. Ngay lúc ấy có hối hận thì cũng chẳng ích gì, thiên đạo tự nhiên làm sao trở lại kịp?! Chớ nên vấp ngã.
Có kẻ phải vào nơi cầm thú hay địa ngục, ngạ quỷ, hoặc ở trong loài côn trùng nhỏ nhít... xoay vần trong những chốn này, đời đời kiếp kiếp không có ngày ra và khó được thoát khỏi. Đau đớn không thể nói hết. Đây là điều ác thứ tư, là điều đau khổ thứ tư, là sự thiêu đốt thứ tư.
Khổ đau như thế sánh bằng lửa dữ bốc cháy thiêu đốt thân người. Người nào ở trong đó mà nhất tâm định ý, đoan thân chánh hạnh, làm những điều thiện, không làm các việc ác thì thân được thoát khỏi và được phước đức, được trường thọ và vượt khỏi thế gian hay thiên thượng để tiến đến đạo lộ Niết-bàn. Đây là điều thiện lớn thứ tư.
Đức Phật dạy:
- Điều ác thứ năm: Người đời chỉ dựa vào sự giải đãi buông lung, không chịu làm thiện, không biết nghĩ sắp đặt sao cho đời sống yên ổn, tốt đẹp. Vợ con đói lạnh, cha mẹ cũng vậy. Muốn quở trách dạy dỗ con cái thì gặp con hư tâm ác, trợn mắt nóng giận, nói ra gây bất hòa, ngỗ nghịch chống trái kịch liệt còn hơn người nơi hoang dã, ví bằng oan gia; thà rằng không có con cho rồi. Dối gạt vay mượn khắp nơi, mọi người đều ghét, lại không biết việc đền trả, chẳng biết báo ân, bần cùng khốn khổ, lại chẳng được gì. Tội lỗi tranh đua như vang theo tiếng, phóng túng khắp nơi, tích tập thật nhiều, tha hồ sử dụng cho mình, không sợ sự cấm ngăn, ăn uống vô độ, ham thích uống rượu ăn nhậu, ra vào không chừng mực. Ngu si xúc phạm, không biết tình người, hung hăng cưỡng bức. Thấy người có thiện tâm lại ghét ganh giận dữ họ. Thiếu lễ nghĩa, tự cho mình có quyền lực nên không ai can gián hay bảo ban. Cũng không lo nghĩ đến cha mẹ, vợ con có hay không. Không nghĩ đến sự báo đền ân đức cha mẹ, chẳng nghĩ đến ân đức của thầy tổ. Tâm thường nghĩ ác, miệng thường nói ác, cả ngày không dứt. Không tin đạo đức, không tin có bậc thánh hiền minh đi trước, không tin làm thiện là con đường có thể vượt khỏi cuộc đời xấu ác, không tin có Phật ở thế gian. Muốn giết La-hán, tranh đấu với Tỳ-kheo Tăng, thường muốn giết người, muốn giết cha mẹ, anh em, vợ con thân thuộc, bạn bè và có ác cảm oán ghét khi thấy cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc, bạn bè; chỉ muốn làm cho những người này bị chết. Không tin lời kinh Phật. Không tin người chết sẽ tái sanh đời sau. Không tin làm thiện được quả báo thiện. Không tin làm ác bị quả báo ác. Những hạng người như vậy - hoặc là nam hay nữ - tâm ý đều như vậy, chống trái, phản nghịch, ngu si mê muội, ham thích dục lạc và sân giận, không có sự hiểu biết. Họ tự cho đó là hạnh phúc, là đại trí tuệ. Chẳng biết từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Không chịu từ tâm hiếu thuận mà còn ác nghịch với trời đất. Ở trong khoảng thời gian ấy lại mong cầu may mắn, muốn được sống lâu, được thân bất tử, nhưng tựu trung chỉ trở về con đường thiện ác, sanh tử đau khổ nhọc nhằn. Thân đã ạo ác thì sẽ đưa đến những nơi tai ương, tội vạ, không được độ thoát, cũng không thể giáo hóa khiến cho làm điều thiện.
Những lời chỉ dạy bởi tâm từ, mở lối dẫn đường từ sanh tử, thiện ác, đến chỗ tốt đẹp, lại hoàn toàn không tin. Những khổ tâm nhọc lời, muốn làm cho họ được độ thoát thì thật vô ích đối với họ. Trong tâm họ bế tắc, ý không giải ngộ. Thân sắp qua đời, đến lúc này rất ăn năn, ăn năn muộn màng làm sao kịp nữa?! Không tạo thiện trước, đến bước đường cùng hẳn có ích gì? Giữa đất trời chia rõ năm đường, mênh mông sâu thẳm, tối tăm, bao la mờ mịt, tiếp nối nhận lãnh khổ đau, thiện ác. Tự thân gánh chịu, không ai có thể thay được. Con đường tự nhiên tùy theo nghiệp đã tạo, đeo đuổi cuộc đời, chẳng được tự do.
Người thiện thì làm thiện, từ thiện được từ hiếu, từ vui vào cõi vui, từ sáng đi vào cõi sáng. Người ác thì làm ác, từ nơi khổ vào cõi khổ, từ nơi tối đi vào cõi tối. Ai có thể biết điều này? Ngoại trừ đức Phật mới thấy biết rõ như vậy.
Những lời chỉ dạy của Phật rất ít người tin và thực hành, thế nên triền miên sanh tử, đường ác không dứt. Người đời như vậy không thể thoát khỏi đường mê. Thế nên tự mình bị rơi vào chốn địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ hay những loài côn trùng nhỏ nhít, luân chuyển trong những chốn này đời đời kiếp kiếp không có ngày ra và khó được thoát khỏi. Đau đớn không thể nói hết. Đây là điều ác thứ năm, là điều đau khổ thứ năm, là sự thiêu đốt thứ năm.
Khổ đau như thế sánh bằng lửa dữ bốc cháy thiêu đốt thân người. Người nào có thể ở trong đó nhất tâm định ý, đoan thân chánh hạnh, lời nói và hành động tương xứng, làm với tâm chí thành, nói những lời chân thật, tâm và lời không khác nhau, làm những việc thiện, không làm những việc ác thì thân được thoát khỏi và được phước đức, được trường thọ, vượt khỏi thế gian hay thiên thượng để tiến đến đạo lộ Niết-bàn. Đây là điều thiện lớn thứ năm.
Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật và đại chúng:
- Ta bảo các ngươi rằng: Năm đường ác trong cuộc đời này khổ đau như vậy, làm cho phát khởi năm sự thống khổ, làm cho phát khởi năm sự thiêu đốt, lần lượt sanh ra. Mọi người ở thế gian không chịu làm thiện, chỉ muốn làm những việc ác này, đương nhiên sẽ vào trong đường ác ngay. Hoặc ở trong đời hiện tại, trước tiên họ bị bệnh tật tai ương, muốn sống hay chết chẳng được, hiện báo rõ ràng ai cũng thấy. Khi chết, hướng về chốn đại cực khổ, sầu đau khốc hại, tự thiêu đốt nhau, đi dần đến tàn lụi. Cho đến đời sau cùng tạo tác oan gia, sát hại lẫn nhau. Từ nghiệp nhỏ nhặt nhất đến sự khốn đốn cùng cực nhất đều phát khởi bởi tâm lý tham lam, dâm dục, tiền tài và sắc đẹp, không biết bố thí, nhẫn nhục. Ai cũng chỉ muốn vui riêng cho tự thân, không biết điều phải trái, lại muốn được khang kiện nổi danh. Bị si dục hành hạ, không thể đạt theo ý muốn nên thắt chặt trong lòng, tài sắc làm trói buộc, không thể giải thoát, không biết nhàm chán, tự mình tranh dục thật nhiều, không có sự tỉnh thức nên hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì. Không theo con đường chân chánh mà lại vui thích vinh hoa phú quý. Không thể nhẫn nhục, không biết bố thí hành thiện. Oai thế chẳng có bao nhiêu mà theo danh ác đốt cháy, thân bị tội khổ lao nhọc, tự nhiên đeo đuổi mãi hoài, vô cùng kịch liệt, không có ngày thoát ra. Phép vua ban hành rộng rãi, tự nhiên phá hoại pháp luật tương ứng dưới trên, bị bủa vây trong kỷ cương giềng mối, lo lắng ưu tư phải vào trong chốn ngục tù. Từ xưa đến nay có những hạng người như vậy. Khổ thay! Thật đáng thương thay!
Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật và đại chúng:
- Người nào ở đời được gặp Phật, đều được Phật từ bi thương xót, oai thần che chở, nên tất cả việc ác đều được tiêu trừ, làm cho bỏ được việc ác, thành tựu việc lành, chấm dứt mọi lo âu, biết vâng giữ kinh giới, lãnh hội tất cả mà thi hành kinh pháp, không dám trái ngược, tổn thất và đạt đạo Niết-bàn vô vi, được an lành hạnh phúc, trí tuệ vô tận.
Đức Phật dạy:
- Hàng chư thiên, vua quan, nhân dân, mọi người đời sau được nghe lời kinh Phật, tư duy chín chắn lời Phật dạy. Có thể ở nơi lời pháp ấy đoan tâm chánh hạnh, đứng đầu việc giáo hóa mọi người tuân theo làm điều thiện, xem xét cai trị thiên hạ, giáo hóa nhân dân, chuyển dần thành sắc lệnh, lần lượt cùng nhau làm điều thiện, cùng được độ thoát. Ai nấy đều tự giữ gìn nghiêm trang, thương yêu nhân từ, suốt đời không xao lãng. Tôn kính Tam bảo, hiếu kính cha mẹ, sư trưởng, thương yêu tất cả mọi loài. Đối với lời giáo huấn của Phật không dám thiếu sót trái ngược. Phải lo vượt khỏi cuộc đời xấu ác để tiến đến đạo lộ Niết-bàn, phải lo đoạn hẳn nỗi khổ đau sanh tử, nhổ bật gốc rễ độc ác. Phải lo đoạn hẳn chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và loài côn trùng nhỏ nhít cùng con đường đau khổ xấu ác. Phải cố gắng tiến đến cõi Phật, kiên trì kinh đạo không dám bỏ qua.
Đức Phật dạy:
- Các người hãy làm việc thiện. Những gì là điều khẩn cấp nhất? - Đó là: Phải tự đoan thân, phải tự chánh tâm, phải tự phòng hộ mắt, phải tự phòng hộ tai, phải tự phòng hộ mũi, phải tự phòng hộ miệng, phải tự giữ tay nghiêm túc, phải tự giữ chân nghiêm túc mới có thể tự thúc liễm tu tập. Chớ làm điều sai trái, thân tâm phải trong sạch, hoàn toàn tương ưng với thiện nghiệp. Bó buộc trong tâm ngoài thân, chớ nên thuận theo lòng ham muốn, không phạm các điều ác. Lời nói và hành động phải hòa hợp, thân hành chuyên nhất, đi - đứng - ngồi- nằm không giao động. Làm những việc đáng làm, trước hết phải suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc tài năng, xem xét bàn tính cẩn thận, thong thả sắp xếp công việc được yên ổn. Làm việc mà hấp tấp, không dự tính cẩn thận, làm việc không chắc chắn, mất cả công lao khó nhọc đã làm, sau bị thất bại lại hối tiếc, mất thân chịu nhiều đau khổ. Trung tín, chí thành, đạt đạo ngay trong hiện tại.
Đức Phật dạy:
- Những hạng người như vậy, nên càng làm thêm những điều thiện, ban ân thí đức, không phạm giới cấm mà nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Dần dần cùng giáo hóa chúng sanh, làm thiện tạo đức đúng theo kinh pháp, tâm từ chuyên nhất, giữ giới thanh tịnh trong một ngày một đêm. Người này vượt hơn người ở nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh làm việc thiện cả trăm năm. Vì sao? - Vì ở nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều làm nhiều điều thiện và tích tập nhiều đức, tự nhiên vô vi. Đối với sự tìm cầu mong muốn không có những điều ác, cho dù chỉ bằng sợi lông hay tóc.
Đức Phật dạy:
- Người làm việc thiện như vậy suốt mười ngày đêm sẽ được phước đức thù thắng hơn nhân dân trong nước Phật ở phương khác làm thiện cả ngàn năm. Vì sao? - Vì ở cõi nước phương khác mọi người đều làm thiện. Người làm thiện rất nhiều mà người làm ác thì ít, nên họ có những vật dụng tự nhiên, không cần phải tìm kiếm nhọc nhằn mà vẫn đầy đủ tất cả. Ở cõi này nhiều người làm ác và ít người làm thiện nên không tìm cầu thì không thể có. Người nào có thể tự làm thiện nghiêm túc theo phép tắc, chí tâm cầu đạo thì sẽ đạt được như vậy. Ở thế gian này không có gì là sự tự nhiên, không có sự tự cung cấp mà phải đi tìm cầu khổ sở nhọc nhằn để có cuộc sống tạm yên. Dần dần đưa đến sự lừa dối, làm việc tốt xấu để có của cải đem về cung cấp cho vợ con. Ăn uống đắng cay kham khổ, đọa đày lao nhọc thân tâm và cuối cùng dẫn đến tâm ý bất định, quanh quẩn không yên. Người nào có thể tự an tịnh làm thiện, tinh tấn làm đức, tất nhiên sẽ đạt phước báo tốt đẹp.
Đức Phật dạy:
- Ta xót thương tất cả chúng sanh, từ chư thiên, vua chúa, nhân dân... Ta đều chỉ dạy cho họ làm những điều thiện, không làm các việc ác. Tùy theo cơ duyên của mỗi người có thể tiếp nhận giáo pháp, Ta đều chỉ dạy mở lối cho họ thực hành theo. Rồi thì vua được giáo hóa làm thiện nghiệp, chỉ dạy lại cho quan, đến cha dạy cho con, anh dạy cho em, chồng dạy cho vợ, gia đình bà con nội ngoại, bạn bè chỉ dạy lẫn nhau, nói và làm điều thiện, làm việc đạo. Ai ai cũng đều giữ gìn cẩn thận, phụng trì kinh giới, kẻ trên người dưới đều thúc liễm lẫn nhau, bất luận là sang hay hèn, là nam hay nữ đều trai giới thanh tịnh nên không ai mà không hoan hỷ, hòa thuận nghĩa lý, từ hiếu an vui, cùng nhau tự chế ngự thân tâm. Những người này được lời kinh Phật, đều gìn giữ suy tư, không dám tạo tội. Nếu như có phạm thì tự hối lỗi, ăn năn, bỏ ác tích thiện, bỏ tà làm chánh, buổi sáng được nghe buổi chiều hối cải, phụng trì giới kinh vô cùng chặt chẽ, như người nghèo được của báu. Những nơi nào Phật đến - hay dầu ở đất nước nào - Ta liền trao cho kinh giới. Và chư thiên, chư thần, mặt trời, trăng, sao, quốc vương, quan dân, trưởng giả, nhân dân, các rồng, quỷ thần, địa ngục, cầm thú dều thờ phụng vâng làm. Thế nên tất cả đều cải hóa làm thiện, tâm ý chuyên tinh trai giới, tự gột rửa thật trong sạch, đoan tâm chánh hạnh, nghiêm tịnh đứng đầu giáo hóa mọi người làm thiện, phụng hành giới cấm, làm cho ngôn từ chân chánh. Bề tôi biết thờ vua, chất trực trung thành, vâng lệnh không dám chống trái. Cha dạy con làm cho biết hiếu thuận, vâng lời. Anh em, chồng vợ, bà con, bạn bè cùng nhau hòa thuận; tôn ty lớn nhỏ tôn kính lẫn nhau, dùng lễ như nghĩa, không phụ trái nhau. Sửa sai lỗi cũ và làm việc tốt trong tương lai, gột rửa tâm tư, thay đổi từ trong đến ngoài đều được chân chánh, tự nhiên thực hành việc thiện nên sở nguyện được viên thành. Thiện nghiệp cảm hóa thấm nhuần đạo tự nhiên, nên mong cầu bất tử thì được sống lâu. Mong cầu vượt khỏi thế gian thì được đạo Niết-bàn.
Đức Phật dạy:
- Oai thần của Phật rất cao siêu thâm hậu, làm cho nghiệp ác trừ diệt, giáo hóa điều thiện, không ai mà không được độ thoát. Nay Ta xuất hiện nơi cuộc đời đầy khổ đau xấu ác này, làm Phật với tâm từ thương xót, giáo hóa, dìu dắt, chỉ đường cho hàng chư thiên, vua quan cận thần, trưởng giả, nhân dân... Tùy tâm ưa thích mong cầu của họ, Ta đều làm cho họ đạt đạo. Những nơi nào Phật đến, hay những chốn Phật đã đi qua, từ đất nước, quận lỵ, gò nỗng, xóm làng hay phố thị đều được thịnh vượng, thiên hạ thái bình thuần thục. Mặt trời, mặt trăng luôn vận hành đúng, chiếu sáng rực rỡ, nên mưa gió hợp cùng thời tiết, nhân dân an ổn, hùng mạnh kiên cường. Tất cả những nơi họ cư trú đều không có năm xấu, tật dịch, không có người bệnh gầy còm, không có binh đao nổi dậy, trong nước không có đạo tặc, không có sự oan uổng, không có người bị nhốt trói, tù đày. Tất cả vua quan, nhân dân đều vui vẻ, thân thiết, trung thành. Họ tự giữ gìn nghiêm minh nên tự nhiên bảo vệ quê hương, ôn hòa hiếu thuận an vui. Cùng nhau ban ân thí đức, tâm hân hoan giúp đỡ và yêu kính nhau, đem tài vật đổi lấy nhân nghĩa, khiêm nhường với người trên, trước sau đều dùng lễ kính thờ, như cha như con, như anh như em, không ai mà không là bậc hiền nhân, thuận hòa tiết lễ đều không tranh cãi, chống nghịch nhau, tốt đẹp vô cùng tận.
Đức Phật dạy:
- Ta thương xót mọi loài và muốn họ được độ thoát, mãnh liệt như cha mẹ nhớ con thơ. Ngày nay chư thiên, vua quan, nhân dân và những loài côn trùng nhỏ nhít trong khắp mười phương đều được giới kinh Phật mà phụng hành Phật đạo. Tâm tuệ sáng suốt đều được khai mở, ai cũng vượt khỏi sự lo buồn đau khổ.
Nay Ta làm Phật ở nơi năm ác, năm đau khổ, năm thiêu đốt; Ta chinh phục và giáo hóa năm ác, đoạn tận năm sự đau khổ, dứt hẳn năm sự thiêu đốt. Dùng thiện thay cho ác, nhổ bỏ gốc rễ khổ đau, làm cho năm thiện được trong sáng, tốt đẹp, điều ác bị đốt cháy, không phát khởi được. Sau khi Ta vào Niết-bàn, kinh đạo dần dần mất hẳn, con người dối gạt quanh co, chỉ thuần làm những điều ác, không làm việc thiện nên năm sự thiêu đốt nổi lên, năm sự thống khổ kịch liệt cũng như pháp trước, tự nhiên trở lại như cũ. Lâu dần về sau đưa đến kịch liệt, không thể nói hết. Ta chỉ vì các ngươi mà nói chút ít như vậy.
Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật và đại chúng:
- Các ngươi hãy nên suy tư và vâng giữ lời Phật dạy, lần lượt dạy bảo nhau, như pháp kinh Phật không dám trái phạm.
Bồ-tát A-Dật quỳ gối chắp tay thưa:
- Đức Phật đã nói về những thống khổ cùng cực, vì con người làm ác nên nỗi khổ ấy mãnh liệt như vậy, như vậy... Và Ngài đã từ tâm thương xót cứu độ tất cả. Chúng con xin lãnh thọ lời dạy sâu xa của Phật và xin lần lượt chỉ dạy nhau, không dám phạm.
Đức Phật bảo A-Nan:
- Ta thương xót các ngươi nên làm cho tất cả đều được gặp Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán ở cõi nước này. Vậy các ngươi có muốn gặp chăng?
Tôn giả A-Nan rất vui mừng, quỳ xuống chắp tay thưa:
- Chúng con xin muốn được gặp chư vị ấy.
Đức Phật bảo:
- Các ngươi hãy đứng dậy đắp y và chắp tay hướng về phía Tây, ngay hướng mặt trời lặn mà đảnh lễ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cúi đầu kính lễ sát đất, niệm: “Nam mô Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”.
Tôn giả A-Nan vâng lời Phật dạy, sửa y ca-sa và chắp tay hướng về phía Tây, ngay phía mặt trời lặn, đảnh lễ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cúi đầu kính lễ sát đất, niệm:
- Nam mô Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác.
Tôn giả A-Nan chưa kịp đứng dậy thì Phật Vô Lượng Thanh Tịnh liền hiện oai thần, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương. Đất trời vô số các cõi nước đều chấn động lớn. Vô số trời đất, chư thiên, như lưới báu núi Tu-Di, lưới báu núi lớn Ma-ha Tu-Di, cõi nhỏ, cõi lớn các trời đất; trong đó có những địa ngục nhỏ, địa ngục lớn, nơi những núi rừng, khe hang tối tăm thăm thẳm, ánh sáng lớn ấy đều chiếu soi rộng mở. Tức thì A-Nan, các Bồ-tát, A-la-hán, chư thiên, vua chúa, nhân dân... Tất cả đều thấy Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các vị Bồ-tát, A-la-hán nơi cõi nước bảy báu. Tâm họ vô cùng hoan hỷ, phấn chấn, liền đứng dậy kính lễ sát đất Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và đồng niệm: - Nam mô Vô Lượng Thanh Tịnh Chánh đẳng Chánh giác.
Phật Vô Lượng Thanh Tịnh phóng ra hào quang chói sáng oai thần, rồi thì vô số trời người và những loài côn trùng nhỏ nhít đều được trông thấy ánh sáng rực rỡ của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, nên ai nấy cũng được tâm từ, hoan hỷ làm việc thiện. Những loài cầm thú hay những ngạ quỷ nơi chốn địa ngục, những nơi bị tra khảo vô cùng khổ sở thì được ngưng nghỉ, không bị tra khảo nữa và được thoát khỏi lo sầu khổ não. Những người mù thì được mắt sáng, những kẻ què quặt thì được đi, được chạy bình thường, những người bệnh được bình phục, những người yếu đuối thì được khỏe mạnh, người ngu si được sáng suốt; những người dâm dục, sân hận đều được tâm từ, làm thiện nghiệp. Những người bị độc thì chất độc không thể làm hại. Những nhạc cụ như: chuông, trống, đàn sắt, đàn cầm, không hầu... tự phát ra âm thanh. Những vòng xuyến của phụ nữ cũng tự phát ra âm thanh. Chim muông, cầm thú đều tự cất tiếng kêu rất hay. Ngay trong thời điểm đó, tất cả mọi loài đều được hoan hỷ và được hóa độ.
Khi ấy ở các cõi Phật, chư thiên đem hương hoa trời ở giữa hư không cúng dường và tung hoa lên chư Phật cùng Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Chư thiên cùng trỗi lên muôn loại âm nhạc tự nhiên để làm đẹp lòng chư Phật và các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong lúc này, không khí thật vô cùng vui vẻ, không thể nói hết.
Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật, tôn giả A-Nan cùng đại chúng:
- Ta nói về bảy báu tự nhiên của cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán có gì sai khác chăng?
Tôn giả A-Nan quỳ xuống chắp tay thưa:
- Đức Phật nói về sự an vui thù thắng của cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh không có một điểm nào sai khác.
Đức Phật dạy:
- Nếu Ta nói về sự an vui thù thắng của cõi nước và công đức của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh suốt ngày đêm trong một kiếp cũng không thể hết. Nhưng Ta chỉ nói chút ít cho các ngươi mà thôi.
Bồ-tát A-Dật quỳ xuống, chắp tay hỏi Phật:
- Từ cõi Phật đây có khoảng bao nhiêu Bồ-tát Bất thối chuyển được vãng sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh? Chúng con muốn nghe điều này.
Đức Phật bảo:
- Nếu muốn biết thì các ngươi hãy chú tâm và lắng nghe cho rõ.
Bồ-tát A-Dật xin vâng lời.
Đức Phật bảo:
- Từ nơi cõi nước của Ta sẽ có bảy trăm hai mươi ức Bồ-tát Bất thối chuyển được vãng sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Những vị Bồ-tát này lần lượt cúng dường vô số chư Phật, tuần tự như Bồ-tát Di-Lặc đều sẽ làm Phật. Và ngoài ra, trong cõi nước này còn có rất nhiều vị tiểu Bồ-tát, nhiều vô số không thể tính đếm, đều sẽ vãng sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:
- Không những chỉ có các Bồ-tát trong nước Ta sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, mà có Phật ở những cõi nước phương khác cũng lại như vậy.
Phật thứ nhất hiệu Quang Viễn Diễm, trong nước của Ngài có 180 ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ hai hiệu là Bảo Tích, trong nước của Ngài có 90 ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ ba, hiệu là Nhu Vô Cấu, có 220 ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật A-Di-Đà.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ tư hiệu là Vô Cực Quang Minh, trong nước của Ngài có 250 đức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ năm hiệu là Ư Thế Vô Thượng, trong nước của Ngài có 600 ức Bồ-tát sé sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ sáu hiệu là Dõng Quang, trong nước của Ngài có 1 vạn 4000 Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ bảy hiệu là Cụ Túc Giao Hảo, trong nước của Ngài có 14 ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ tám hiệu là Hùng Tuệ vương, trong nước của Ngài có 8 ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ chín hiệu là Đa Lực Vô Quá Giả, trong nước của Ngài có 811 ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ 10 hiệu là Cát Lương, trong nước của Ngài có vạn ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ 11 hiệu là Tuệ Biện, trong nước của Ngài có 1 vạn 2 ngàn Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ 12 hiệu là Vô Thượng Hoa, trong nước của Ngài có vô lượng vô số Bồ-tát - nhiều không kể xiết - đều là những bậc Nhất thiết trí, có trí tuệ dõng mãnh. Các Bồ-tát này đã cúng dường vô số các đức Phật và cùng một lúc đều có tâm nguyện muốn được vãng sanh nên sẽ được sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Cõi nước phương khác, đức Phật thứ 13 hiệu là Nhạo Đại Diệu Âm, trong nước của Ngài có 790 ức Bồ-tát sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.
Đức Phật dạy:
- Các vị Bồ-tát này đều Bất thối chuyển. Và trong những cõi nước này còn có những thầy Tỳ-kheo cùng vô số Bồ-tát nhỏ đều sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Không chỉ riêng các Bồ-tát trong 14 cõi Phật đó được vãng sanh, mà các Bồ-tát nơi vô số cõi Phật khắp mười phương cũng đều được như vậy. Họ sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, nhiều vô lượng vô biên. Tất cả đều vân tập nơi cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, đại chúng nhiều không thể tính đếm được. Ta chỉ nói danh tự của vô số chư Phật khắp mười phương suốt cả ngày đêm trong một kiếp vẫn chưa xong. Ta lại nói về các thầy Tỳ-kheo cùng chúng Bồ-tát nơi cõi Phật và số người sẽ sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh suốt một kiếp không ngưng nghỉ vẫn chưa hết được. Nhưng Ta vì các ngươi chỉ nêu lên một ít nét khái quát mà thôi.
Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật, tôn giả A-Nan cùng đại chúng:
- Các bậc vua chúa, nhân dân, thiện nam, thiện nữ ở các cõi nước đó đời trước đã thực hành thiện nghiệp nên đạt được phước lộc. Thế nên khi nghe âm thanh của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thì họ có tâm từ hoan hỷ nên Ta cũng hoan hỷ cùng họ.
Đức Phật dạy:
- Những thiện nam, thiện nữ ấy khi nghe âm thanh của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thì tâm từ hoan hỷ, đồng thời tâm ý thanh tịnh, phấn chấn. Họ sởn tóc gáy và xúc động, tất cả đều do đời trước đã từng thừa hành Phật đạo.
Hoặc ở phương khác, nơi những Bồ-tát phi phàm, có những nhân dân hay thiện nam, thiện nữ được nghe âm thanh của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh mà không tin là có Phật, không tin lời kinh Phật, không tin có Tỳ-kheo Tăng, trong lòng nghi ngờ, họ không tin một cái gì cả. Nên biết, những người này đến từ con đường ác, từ nơi mê muội sanh ra nên không hiểu biết gì về đời trước. Họ chưa dứt được tai họa xấu ác, chưa thể thoát khỏi đường sanh tử cho nên trong lòng đầy sự nghi ngờ mà không biết hướng đến niềm tin nào cả.
Đức Phật dạy:
- Các ngươi đã thực hành thiện pháp thì hãy tin tưởng và làm theo thiện pháp ấy. Chớ để sau khi Ta nhập Niết-bàn các ngươi và những người đời sau lại nói rằng: “Tôi không tin có nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh”, vì thế Ta làm cho các ngươi đều được thấy nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Những người đang làm hoặc tự mong cầu, Ta đều làm cho các ngươi giảng nói giới kinh thuận pháp. Các ngươi hãy giữ gìn như pháp Phật, chớ để thiếu sót. Ta đem kinh này di chúc lại cho các ngươi. Các ngươi hãy giữ gìn cẩn thận, không nên để cho pháp kinh này bị tăng giảm sai lầm. Sau khi Ta nhập Niết-bàn, kinh đạo chỉ lưu lại một ngàn năm, và sau ngàn năm ấy, kinh đạo sẽ mất hẳn không còn. Các ngươi có thể đạt đạo tùy nguyện tại tâm.
Đức Phật dạy:
- Là bậc thầy mở đường chỉ lối, trí tuệ minh đạt, cứu giúp mọi người, làm cho họ được thiện pháp, hợp với đạo Niết-bàn thì thường phải từ hiếu. Đối với Phật như cha mẹ, thường nghĩ nhớ ân thầy, nhớ mãi không quên, ắt sẽ nhanh chóng đạt đạo.
Trong thế gian rất khó được gặp Phật và người có lòng tin thọ lời kinh pháp sâu xa của bậc thầy cũng khó có. Rất khó được gặp vị Sa-môn hay vị thầy nào mà giảng nói kinh Phật cho người.
Khi đức Phật dạy kinh này, có một vạn hai ngàn ức chư thiên, nhân dân đều được thiên nhãn trông thấy xuyên suốt tất cả. Họ cùng nhất tâm thực hành đạo Bồ-tát. Có 220 ức chư thiên và loài người đắc đạo A-na-hàm, có 800 Sa-môn đắc đạo A-la-hán và có bốn mươi ức Bồ-tát đạt đến Bất thối chuyển.
Đức Phật dạy kinh này rồi, các vị Bồ-tát, A-la-hán, chư thiên, vua chúa, nhân dân đều rất hoan hỷ hướng về đức Phật cung kính nhiễu quanh Phật ba vòng và cúi đầu cung kính đảnh lễ dưới chân Phật mà lui ra. KINH PHẬT THUYẾT
VÔ LƯỢNG THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Hết quyển 4
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.116.169 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.