Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời đức Bạc-già-phạm cùng với các đại bí-sô nhóm họp tại núi Linh Thứu. Khi ấy, đại trí Xá-lợi-phất, bậc tối thắng trong pháp tướng[1] thương xót thế gian, từ chỗ ngồi đứng dậy, lộ bày vai phải, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính thưa Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Nay con muốn thưa hỏi vài điều, xin Ngài rũ lòng xót thương chấp nhận.
Đức Phật bảo:
- Ông cứ hỏi, ta sẽ giải đáp!
Bấy giờ, Xá-lợi Tử liền thuyết kệ thỉnh Thế Tôn:
Đại sư từng thụ kí
Vị lai Phật hạ sinh
Danh hiệu là Từ Thị
Như trước sau kinh nói.
Cúi xin bậc tôn kính
Dùng kệ giảng nói lại
Thần thông, uy đức Phật
Con rất muốn được nghe!
Phật bảo Xá-lợi-phất:
Hãy chí tâm lắng nghe!
Vì ông mà giảng nói
Việc Từ Thị vi lai.
Bấy giờ nước biển lớn
Đã giảm mất ba nghìn
Hai trăm du-thiện-na
Để lộ đường Luân vương
Ngang dọc châu Thiệm-bộ
Mười nghìn du-thiện-na[2].
Hữu tình ở trong đó
Sống đầy khắp các nơi
Cõi nước đều giàu có
Không tội, không tai ách.
Những người nam, người nữ
Do nghiệp thiện mà sinh.
Đất không mọc gai góc
Chỉ sinh cỏ xanh mềm
Đất lún theo bước chân
Như đi trên Đâu-la[3].
Lúa thơm mọc tự nhiên
Mùi vị đều đầy đủ
Các cây trổ y phục
Nhiều màu để trang nghiêm
Cây cao ba câu-xá
Hoa trái rất sum suê.
Nhân dân cõi nước ấy
Đều thọ tám vạn tuổi
Không có những bệnh khổ
Lìa não, thường an lạc
Thân tướng đều đoan nghiêm
Sắc, lực đều viên mãn.
Con người có ba nạn:
Ăn, già yếu, tiểu tiện.
Người nữ năm trăm tuổi
Mới được lập gia đình.
Khi chúng sinh tiểu tiện
Đất nứt ra tiếp nhận.
Khi thọ mạng gần hết
Liền đi đến Thi lâm.
Thành tên Diệu Tràng Tướng
Là kinh đô của Luân vương.
Dài hai mươi do-tuần
Rộng chỉ bảy do-tuần.
Những chúng sinh trong thành
Đều từng trồng diệu nhân.
Thành này rất thù thắng
Người ở đều vui vẻ
Lâu đài và vọng gác
Đếu làm bằng bảy báu
Cửa, khóa và cổng chính
Dùng các báu trang hoàng.
Các tường hào bao quanh
Được xây bằng trân bảo
Hoa đẹp nở đầy khắp
Chim quí tụ thành đàn.
Bảy hàng cây đa-la
Được báu vật trang nghiêm
Vây chung quanh tòa thành
Lại giăng lưới treo linh
Gió nhẹ thổi cây báu
Phát ra tiếng vi diệu
Giống như trổi tám âm
Người nghe lòng vui mừng.
Mọi nơi có ao hồ
Hoa nhiều màu che phủ.
Vườn đẹp và rừng cây
Trang nghiêm thành quách này.
Trong nước có Thánh chủ[4]
Tên gọi là Hưởng-khư
Kim luân lãnh bốn châu
Giàu có, uy lực lớn
Vua này nhiều phúc đức
Dũng mãnh, có bốn binh
Thành tựu cả bảy báu
Đầy đủ nghìn người con
Bốn biển đều thanh bình
Không có nạn chiến tranh
Chính pháp thấm quần sinh
Giáo hóa đều bình đẳng.
Vua có bốn kho lớn
Nằm trong cõi nước mình
Mỗi mỗi kho đều có
Trăm vạn ức trân bảo.
Trong nước Yết-lăng-già
Có kho Băng-kiệt-la
Trong nước Mật-hi-la
Có kho Bát-trục-ca
Kho Y-la-bát-la
Nằm trong nước Kiền-đà
Nước Bà-la-nhiếp-kì
Có kho báu Hưởng-khư.
Bốn phục tạng báu này
Đều thuộc vua Hưởng-khư
Do trăm phúc trợ giúp
Quả báo đều thành tựu.
Bà-la-môn Thiện Tịnh
Là đại thần phụ quốc
Bốn minh đều thông hiểu
Đa Văn làm quốc sư
Thông suốt những tạp luận
Giáo hóa có Văn Trì
Giải thích về Thanh minh
Tất cả đều rốt ráo.
Con gái tên Tịnh Diệu
Là phu nhân đại thần
Nổi tiếng lại đoan nghiêm
Người thấy đều vui mừng.
Đại trượng phu Từ Thị
Là bồ-tát hậu thân
Rời cõi trời Tri Túc[5]
Gá vào thai phu nhân
Làm nơi sinh hậu thân
Đã mang thai Đại thánh
Trong thai đủ mười tháng.
Bấy giờ mẹ Từ Thị
Đi đến vườn Diệu hoa
Khi vào trong vườn này
Không ngồi cũng không nằm
Vừa đứng vịn cành cây
Thì sinh Thắng Từ tôn.
Bấy giờ Tối Thắng tôn
Từ hông phải đản sinh
Như mặt trời khỏi mây
Chiếu ánh sáng khắp nơi.
Không nhiễm trước thai mẹ
Như sen vươn khỏi nước.
Ánh sáng chiếu ba cõi
Mọi người đều chiêm ngưỡng.
Khi bồ-tát giáng trần
Đế Thích chủ thiên nhãn
Đích thân ẵm bồ-tát
Mừng gặp Lưỡng Túc tôn.
Lúc bấy giờ bồ-tát
Tự nhiên đi bảy bước
Nơi bàn chân Ngài đặt
Đều mọc hoa sen báu.
Bồ-tát nhìn mười phương
Và bảo chúng trời người:
Đây là thân sau cùng
Ta sẽ chứng Niết-bàn.
Rồng phun nước trong mát
Tắm gội thân Đại Bi
Trời rải hoa quí lạ
Hư không gió nhè nhẹ
Chư thiên cầm lọng trắng
Che mát Đại Từ Tôn
Đều khởi tâm hiếm có
Cùng bảo vệ bồ-tát.
Bảo mẫu ẵm bồ-tát
Thân đủ ba hai tướng
Ánh sáng chiếu khắp nơi
Dâng trao lên Thánh mẫu.
Thị tùng dâng xe đẹp
Trang hoàng bằng trân bảo
Mẹ và con cùng lên
Chư thiên cùng giữ xe
Trổi nghìn âm nhạc hay
Dẫn đường trở về cung.
Từ Thị vào kinh thành
Hoa trời tuôn như mưa.
Ngày Từ Tôn hạ sinh
Các thể nữ mang thai
Thân đều được an ổn
Sinh con trai trí tuệ.
Thiện Tịnh thấy con mình
Dung mạo rất kì diệu
Đủ ba mươi hai tướng
Nên lòng rất vui mừng
Ông căn cứ tướng pháp
Biết hai tướng chỉ rõ
Tại thế làm Luân vương
Xuất gia thành Chính Giác.
Bồ-tát đã lập chí
Thương xót các chung sinh
Đang bị khổ hiểm nạn
Luân hồi không chỗ dừng.
Ngài phóng ánh sáng vàng
Giọng nói như Phạm âm
Mắt như lá sen xanh
Các căn đều đầy đủ
Thân cao tám mươi trửu[6]
Vai rộng hai mươi trửu
Khuôn mặt bằng nửa vai
Đoan nghiêm như trăng rằm
Bồ-tát giỏi các nghề
Lại khéo dạy mọi người
Trẻ nhỏ đến xin học
Tám mươi bốn nghìn người.
Bấy giờ vua Hưởng-khư
Bảo may cờ bảy báu
Chiều cao bảy mươi tầm[7]
Chiều ngang sáu mươi tầm.
Khi cờ báu may xong
Vua phát tâm đại xả.
Cấp cho Bà-la-môn
Lập đại hội Vô già.
Bấy giờ các Phạm chí
Số lượng đến nghìn người
Cờ báu trong khoảnh khắc
Bị họ giành xé rách.
Bồ-tát thấy việc này
Nghĩ cõi đời là thế
Nhốt trong lồng sinh tử
Muốn cầu lìa khỏi khổ
Tu học đạo tịch diệt
Bỏ tục xin xuất gia.
Trong sinh già bệnh chết
Cứu giúp họ giải thoát.
Khi Từ Tôn phát nguyện
Tám mươi bốn nghìn người
Đều sinh lòng chán lìa
Cùng theo tu Phạm hạnh.
Ngay đêm mới phát tâm
Liền bỏ tục xuất gia.
Đến nửa đêm hôm ấy
Bồ-tát thành Đẳng giác.
Bấy giờ cội bồ-đề
Tên gọi là Long Hoa
Cao bốn na-do-tha
Rất xanh tốt sum suê
Cành lá phủ bốn phía
Che mát sáu Lô-xá[8].
Từ Thị ngồi nơi ấy
Thành tựu Chính đẳng giác
Tối thắng trong loài người
Đầy đủ tám Phạm âm
Nói pháp độ chúng sinh
Giúp họ lìa phiền não
Dứt trừ hết tất cả
Khổ và nơi sinh khổ.
Tu tập tám chính đạo
Lên bờ niết-bàn kia
Lại giảng bốn chân đế
Cho thiện nam, tín nữ,
Nghe được diệu pháp diệu này
Họ chí thành vâng giữ.
Trong vườn cây Diệu hoa
Đại chúng nhóm họp đến
Chu vi trăm do-tuần
Tất cả đều đầy khắp.
Luân vương Hưởng-khư kia
Nghe pháp vi diệu xong
Bỏ hết những trân bảo
Thành tâm muốn xuất gia
Không luyến tiếc cung điện
Mong cầu được xuất li.
Tám mươi bốn nghìn người
Đồng tử Bà-la-môn
Nghe vua bỏ thế gian
Cũng đến cầu xuất gia.
Trưởng giả quản kho tàng
Tên gọi là Thiện Tài
Cùng một nghìn quyến thuộc
Cũng đến xin xuất gia.
Bảo nữ Tì-xá-khư
Và những người tùy tùng
Tám mươi bốn nghìn người
Cũng đến xin xuất gia.
Lại có hơn trăm nghìn
Thiện nam cùng tín nữ
Nghe Phật nói diệu pháp
Cũng đến xin xuất gia.
Thiên Nhân Tôn vô thượng
Thánh chủ đại từ bi
Quán sát tâm chúng hội
Mà diễn nói yếu pháp:
Này các ông nên biết!
Nhờ Thích-ca từ bi
Dạy các ông chính đạo
Mà sinh trong pháp ta.
Hoặc người dâng vòng hoa
Cờ phướn, lọng trang nghiêm
Cúng dường Phật Mâu-ni
Mà sinh trong pháp ta.
Hương Uất kim, Trầm thủy
Bùn thơm tô quét tường
Cúng dường tháp Mâu-ni
Mà sinh trong pháp ta.
Hoặc qui y Tam bảo
Cúng dường, thường gần gũi
Lại tu những thiện hạnh
Mà sinh trong pháp ta.
Hoặc ở trong Phật pháp
Thụ trì các học xứ[9]
Khéo giữ gìn không phạm
Mà sinh vào pháp ta.
Hoặc dâng những thuốc quí
Quần áo và thức ăn
Cúng dường bốn phương tăng
Mà sinh vào pháp ta.
Hoặc vào bốn ngày trai
Và ba tháng thần thông[10]
Thụ trì tám trai giới
Mà sinh vào pháp ta.
Hoặc người dùng ba thông
Thần cảnh trí[11] dạy dỗ
Giáo hóa chúng thanh văn
Giúp họ diệt phiền não.
Hội thuyết pháp đầu tiên
Độ thoát hàng thanh văn
Chín mươi sáu ức người
Xa lìa phiền não chướng.
Hội thuyết pháp thứ hai
Độ thoát hàng thanh văn
Chín mươi bốn ức người
Giúp lìa biển vô minh.
Hội thuyết pháp thứ ba
Độ thoát hàng thanh văn
Chín mươi hai ức người
Khiến tâm khéo điều phục.
Ba lần chuyển pháp luân
Trời người đều thuần tịnh.
Phật dẫn hàng đệ tử
Vào trong thành Diệu Tràng
Khất thực theo thứ lớp.
Đường phố được trang hoàng
Vì cúng dường Đức Phật
Trời rải hoa mạn-đà
Bốn thiên vương, Phạm vương
Và chư thiên cõi khác
Dâng cúng vòng hoa thơm
Phụ tá Đại Bi tôn.
Chư thiên nhiều uy đức
Tung y phục vi diệu
Rực rở khắp thành ấp
Chiêm ngưỡng Đại Y vương
Dùng trân bảo, hương hoa
Rải khắp các đường phố.
Chân bước đi trên đó
Giống đi trên Đâu-la.
Âm nhạc và cờ phướn
Xếp hàng đi hai bên.
Đế Thích và trời người
Ca ngợi Đại Từ tôn
Nam-mô Thiên Thượng Tôn
Nam-mô Sĩ Trung Thắng.
Quí thay! Bạc-già-phạm
Luôn thương xót thế gian.
Có trời uy đức lớn
Hóa làm chúng ma vương
Thành tâm chắp tay lễ
Ca ngợi bậc Đạo sư.
Phạm vương và chư thiên
Cùng quyến thuộc vây quanh.
Phật phát tiếng Phạm âm
Xiển dương pháp vi diệu
Bấy giờ trong thế giới.
Đa phần A-la-hán
Đã dứt nghiệp hữu lậu
Xa lìa khổ phiền não.
Trời, người, rồng, quỉ thần
Càn-thát-bà, tu-la
La-sát và dọa-xoa
Đều vui mừng cúng dường.
Lúc bấy giờ đại chúng
Đoạn chướng, trừ nghi hoặc
Siêu thoát dòng sinh tử
Khéo tu hạnh thanh tịnh.
Khi ấy cả chúng hội
Lìa tham, bỏ của cải
Tâm vô ngã-ngã sở
Khéo tu hạnh thanh tịnh.
Lại nữa, cả đại chúng
Phá hủy lưới tham ái
Viên mãn tâm thiền định
Khéo tu hạnh thanh tịnh.
Từ Thị Thiên Nhân tôn
Thương xót các hữu tình
Sống sáu mươi nghìn tuổi
Nói pháp độ chúng sinh
Đến trăm nghìn ức người
Giúp thoát biển phiền não.
Độ hết người có duyên
Rồi mới vào Niết-bàn.
Từ Thị Đại Bi tôn
Sau khi vào Niết-bàn
Chính pháp trụ thế gian
Cũng sáu mươi nghìn năm.
Nếu người trong pháp ta
Thành tâm mà tin nhận
Khi Từ Thị hạ sinh
Nhất định phụng thờ Ngài.
Là những người thông minh
Nghe ta nói việc này
Tâm không vui mừng sao?
Nguyện gặp Đại Bi tôn.
Nếu người cầu giải thoát
Mong gặp hội Long Hoa
Thường cúng dường Tam bảo
Siêng năng, chớ buông lung.
Thế Tôn nói việc hạ sinh của bồ-tát Từ Thị vào vị lai cho Xá-lợi-phất và đại chúng xong, rồi lại bảo Xá-lợi-phất:
- Nếu có thiện nam, tín nữ nghe pháp này mà thụ trì, đọc tụng, giảng nói, tu hành đúng pháp, dâng cúng hương hoa, biên chép quyển kinh thì vào đời vị lai người này nhất định gặp Từ Thị hạ sinh, trong ba hội đều được cứu thoát.
Nghe Thế Tôn nói kệ xong, Xá-lợi-phất và đại chúng vui mừng, tin nhận, đỉnh lễ vâng làm. Chú thích:
[1] Pháp tướng: Vị tướng trong Phật pháp, các vị cao tăng đức độ.
[2] Du-thiện-na: Do-tuần.
[3] Đâu-la: Gọi đủ là Đâu-la miên, là tơ của cây Đâu-la, giống như tơ liễu, rất mềm và mịn.
[4] Thánh Chủ: Chỉ cho Đức Phật.
[5] Cõi trời Tri Túc: Cõi trời Đâu-suất-đà.
[6] Trữu: Một đơn vị đo chiều dài, bằng hai mươi bốn ngón tay.
[7] Tầm: Một đơn vị đo chiều dài, tương đương tám thước.
[8] Lô-xá: Gọi đủ là Câu-lô-xá, một đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ thời xưa. Có rất nhiều thuyết nói về chiều dài của một câu-lô-xá, trong đó có thuyết nói tương đương với 3600 thước Tàu.
[9] Học xứ: Những điều cần phải học, chỉ chung cho giới luật, tức là những giới điều mà tì-kheo, tì-kheo-ni phải tuân thủ, như năm giới, tám giới, mười giới...
[10] Tháng thần thông: Chỉ cho tháng giêng, tháng năm và tháng chín hàng năm là ba tháng trì trai tu thiện nên gọi là tam trường trai nguyệt.
[11] Thần cảnh trí: Gọi đủ Thần cảnh trí chứng thông, một trong sáu món thần thông.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.4.135 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.