Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Chương I: BỐ THÍ ĐỘ VÔ CỰC (tt)
11 - Kinh vua Ba-da.
Xưa, vua nước Ba-la-nại tên là Ba-da, dùng nhân từ trị nước, bỏ binh đao, dẹp roi gậy, hủy nhà tù, ngoài đường không tiếng than trách muôn dân an cư, nước mạnh, dân giàu, chư Thiên khen ngợi đức nhân từ ấy. Thành của vua rộng dài bốn trăm dặm, chu vi một ngàn sáu trăm dặm. Hàng ngày, người trong thành ăn uống vua đều cho họ theo ý muốn. Vua nước láng giềng biết nước này giàu có, tai nạn đều dứt bèn cùng quần thần bàn mưu:
- Nước kia thịnh vượng, dân chúng giàu có an vui, ta muốn chiếm lấy nước đó , nếu ta đến ắt thắng.
Các quan đều tâu:
- Xin vui theo ý vua.
Tức thì khởi binh kéo đến đất nước nhân từ. Quần thần nước nhân từ tâu lên vua muốn xuất quân cự địch. Vị vua nhân từ bùi ngùi nói:
- Vì thân của ta, một mình ta, mà giết hại thân mạng hàng triệu dân. Vì yêu chỉ một mạng người của ta, mà hại thân mạng hàng triệu dân. Một miệng ngày hai bữa ăn, một thân mặc vài bộ quần áo, có gì phải tranh giành, để bỏ đi cái đức của trời xuân, giữ lấy sự tàn tệ của loài lang sói? Ta thà bỏ mạng sống một đời, chứ quyết không bỏ chí nguyện lớn, quên mình để quần sinh được an ổn, đó là nhân đức trùm cả trời đất.
Bèn lệnh cho các bề tôi:
- Thôi các khanh hãy trở về, sáng mai rồi hãy bàn!
Đêm đến, nhà vua vượt thành trốn đi xa, vào tận trong núi, ngồi cạnh gốc cây. Có vị Phạm chí, tuổi độ sáu mươi đến hỏi vua:
- Vua nước nhân từ kia có được muôn phước an lành không?
Vua đáp:
- Vua ấy đã chết rồi.
Vị Phạm chí nghe nói thế liền ngã lăn xuống đất khóc thương.
Nhà vua hỏi ông:
- Sao ông quá bi ai vậy?
Phạm thưa:
- Tôi nghe vị vua ấy nhân đức thấm khắp muôn loài như Đế Thích, nên vội tìm đến để nương thân. Nay vua ấy đã chết, thân già tôi thật đã cùng đường!
Nhà vua nói:
- Vị vua nhân từ kia chính là ta đây. Vua nước láng giềng biết nước ta giàu có thịnh vượng, dân chúng đông đúc nhiều của báu, đã lệnh cho võ sĩ: "Ai lấy được đầu ta thì sẽ được thưởng tôi tớ nam nữ mỗi loại một ngàn người, ngựa một ngàn con, bò một ngàn con, vàng bạc mỗi thứ một ngàn cân". Nay ông hãy lấy đầu ta, đem mũ vàng, kiếm báu để làm chứng, đến chỗ vua đó, sẽ được thưởng nhiều, có thể lấy những thứ ấy làm của truyền đời, lòng ta hoàn toàn thanh thản.
Phạm chí đáp:
- Bất nhân trái đạo, thà chết chứ không làm!
Vua nói:
- Ông già rồi, nhờ cậy nơi ta để sống, mà ta nỡ để ông cùng khốn sao? Ta nay tự lấy đầu cho ông, để ông không có tội.
Rồi vua đứng dậy, cúi đầu lễ mười phương, rơi nước mắt thề rằng:
- Quần sinh ai bị nguy khổ, ta sẽ đem an vui lại cho họ. Kẻ bỏ chân theo tà, ta sẽ khiến họ quy mạng Tam bảo. Nay dùng đầu này để cứu ông khỏi sự nghèo khốn, nên ông không có tội.
Rồi vua tự rút kiếm hủy mình để cứu nạn cho kẻ ấy. Phạm chí đem đầu, mũ, kiếm của vua đến chỗ vua kia. Vua hỏi các cựu thần:
- Vua nhân từ sức mạnh địch cả ngàn người, mà lại bị ông này bắt được sao?
Các cựu thần cúi đầu lăn ra đất khóc than đau đớn, không thể trả lời được. Vua lại hỏi Phạm chí. Phạm chí tâu rõ gốc ngọn sự việc. Hàng triệu dân đổ xô ra đường kêu khóc, có người gào đến thổ huyết, có người chết sững. Từ vị vua ác kia cho tới quần thần, võ sĩ lớn, nhỏ, không ai là không nghẹn ngào. Vua ác ngửa mặt lên trời than dài:
- Ta thật vô đạo, đã tàn hại một bậc nhân từ như trời!
Bèn lấy thi thể và đầu vị vua nhân từ gắn liền lại, dùng vàng dát mỏng phủ lên thân, đặt thân ấy ngồi trên điện, làm vua ba mươi hai năm, sau mới lập con vua đó lên kế vị. Nước láng giềng không ai là không thương người con ấy. Vị vua nhân từ chết rồi được sinh lên cõi trời.
Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
- Vị vua nhân từ ấy là thân Ta, vua nước láng giềng là Mục-kiền-liên, quần thần nước đó nay là các Tỳ-kheo.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
* *
*
12- Kinh vua nước Ba-la-nại.
Xưa kia, thái tử của vua nước Ba-la-nại, tên là Ca-lan, có hai anh em. Khi vua cha qua đời, anh em nhường cho nhau, không chịu lên ngôi. Người anh đem vợ trốn vào trong núi học đạo, đến ngụ bên bờ sông.
Bấy giờ, ở nước khác có một tội phạm, theo phép nước bị chặt cả tay chân, cắt tai mũi, bỏ bè trôi sông. Tội nhân kêu trời kể lể. Đạo sĩ nghe tiếng kêu thảm thiết, động lòng thương cảm, nghĩ:
- Ôi! Người ấy là ai mà khốn khổ đến thế! Phàm người có tâm Từ bao la là quên mình nguy khốn để cứu ách nạn cho muôn loài, đó chính là sự nghiệp của bậc Đại sĩ.
Liền lao mình xuống nước, rẽ sóng, lướt dòng, kéo bè vô bờ, rồi cõng anh ta về chỗ ở, hết lòng chăm sóc, thương tật khỏi dần, tánh mạng được an toàn, suốt bốn năm trời thương nuôi không mệt mỏi. Người vợ dâm đãng không ngần ngại tư thông với tội nhân, âm mưu giết chồng. Người vợ kia bảo:
- Ngươi giết hắn đi, để ta cùng ngươi chung sống với nhau.
Tội nhân nói:
- Ông ấy là người hiền, cớ sao giết đi?
Người vợ lại nói như lần trước. Tội nhân nói:
- Tôi không còn tay chân, không thể giết được.
Người vợ nói:
- Ông cứ ngồi đó, tự ta có kế vậy.
Bèn giả đau đầu, bảo chồng:
- Đây chắc là do thần núi làm ra, thiếp muốn giải trừ. Sáng mai, thiếp theo chàng cùng đi cầu phúc.
Chồng nói:
- Rất tốt.
Rạng ngày vợ chồng liền lên sườn núi cao đến bốn mươi dặm, ba mặt vách núi dựng đứng, nhìn thấy đã sợ rồi. Người vợ nói với chồng:
- Theo đúng phép, chàng phải đứng hướng về phía mặt trời, để tự thiếp cúng lễ.
Người chồng liền hướng theo phía mặt trời. Người vợ giả vờ đi quanh vài vòng, rồi thình lình xô chồng rơi xuống núi. Nhưng nhờ lưng chừng núi có cây nhô ra, lá cây rậm rạp lại mềm mại, đạo sĩ chụp lấy cành dừng lại được. Trái cây ấy ngon ngọt, ăn vào thì toàn mạng. Cạnh cây có một con rùa, hàng ngày cũng đến ăn trái cây, thấy trên cây có người, nên sợ chẳng dám đến. Nhịn đói đã năm ngày, rùa bèn liều tới tìm trái cây, cả hai không hại nhau nên trở thành gần gũi. Một hôm, đạo sĩ nhảy cỡi lên lưng rùa, rùa hoảng kinh phóng đại xuống đất. Nhờ Thiên thần nâng đỡ, nên cả hai không hề hấn gì Nhân đó, đạo sĩ trở về nước cũ. Người em đem đất nước nhường lại cho anh. Người anh lấy lòng độ lượng rộng lớn của mình thương khắp, cứu giúp quần sinh, làm vua cai trị nước ấy. Cứ sáng ngày ra là bố thí, trong vòng bốn trăm dặm, người, ngựa, xe, cộ, các vật báu, đồ ăn thức uống... mọi người tự do lấy mà dùng. Đông, Tây, Nam, Bắc vua đều ban ân huệ, nuôi dưỡng như vậy. Công ơn, tiếng tốt vang khắp nơi, mười phương đều ca ngợi đức độ của vua.
Người vợ, tưởng chồng đã chết, người trong nước không ai biết mình, nên cõng người chồng tàn tật về nước, rồi tự giải bày về hoàn cảnh cưới nhau, gặp lúc đời suy loạn, thân lại tàn phế, nghe thiên vương từ bi thi ân nên đến xin được cứu giúp. Người trong nước khen bà như vậy nên mách rằng:
-Thiên vương lòng Từ ban khắp, nuôi dưỡng hết quần sinh, sáng mai ngài sẽ ra cửa thành đông bố thí, ngươi đến đó mà đón xin. Quý trọng hạnh tốt của ngươi, ắt ngài sẽ cho ngươi nhiều đấy.
Rạng ngày, chúng theo vua xin ăn. Nhà vua ngầm biết đó là vợ mình, nên nói hết đầu đuôi sự việc về người vợ ấy cho quần thần nghe. Một vị quan tâu:
- Phải thiêu sống người đó đi.
Một vị khác thưa:
- Phải chém đi.
Vị quan chấp pháp tâu:
- Phàm gây tội, không gì lớn hơn là bỏ chánh theo tà, làm những điều bội nghịch. Vậy phải đem người đàn ông hung dữ đóng đinh lên lưng người đàn bà độc ác, để chúng cõng nhau mãi mãi.
Quần thần đều nói:
- Phải đấy! Hãy cho chúng theo chỗ chúng thích, để làm rõ việc giữ đúng pháp.
Nhà vua đem mười điều thiện giáo hóa muôn dân, mọi người đều vui mừng đón nhận. Nhà vua cùng thần dân sau khi chết đều sinh lên cõi trời, còn vợ chồng tội nhân kia sau khi chết bị đọa vào địa ngục.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
- Vị vua ấy là thân Ta, tội nhân là Điều-đạt, người vợ là con gái của Hoài Vu.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
***
13- Kinh Vua Tát-hòa-đàn.
Xưa có vị quốc vương hiệu là Tát-hòa-đàn, có nghĩa là Bố thí khắp tất cả. Ai có điều cầu xin đều không trái ý. Do bố thí như thế nên tên tuổi vua ấy vang khắp tám phương, không ai là không nghe biết.
Bấy giờn đức Văn-thù-sư-lợi muốn đến xem thử, nên hóa làm một người Bà-la-môn trẻ tuổi, từ nước khác đến thẳng cửa vương cung, nói với quan giữ cửa:
- Tôi từ xa đến muốn được yết kiến đại vương.
Khi nghe quan giữ cửa tâu như vậy, nhà vua rất vui mừng, liền ra tiếp đón như con gặp cha, trước là chào hỏi, mời ngồi, rồi thưa:
- Đạo nhân từ đâu lại trên đường lặn lội đến đây có được khỏe không?
Bà-la-môn nói:
- Tôi ở nước khác, nghe công đức của vua nên đến để được gặp, nay muốn xin của cải.
Nhà vua nói:
- Tốt lắm! Muốn xin gì là được ngay, chớ có ngần ngại! Tên ta gọi là Bố thí tất cả. Vậy ngài muốn xin những vật gì?
Vị Bà-la-môn nói:
- Tôi không xin vật gì khác, chỉ muốn được thân vua làm đầy tớ trai cho tôi và vợ vua thì làm tớ gái cho tôi. Nếu được như thế thì nhà vua đi theo tôi.
Nhà vua rất vui mừng, đáp:
- Tốt lắm! Nay thân ta thì ta tự định được, nguyện đem thân này giao cho đạo nhân sai khiến. Còn vợ ta vốn là con gái của một vị đại quốc vương, phải đến hỏi ý kiến xem sao.
Nhà vua liền vào nói với phu nhân:
- Nay có vị đạo nhân, tuổi trẻ, đoan chánh, từ phương xa đến, muốn xin thân ta về làm tớ trai, nay lại muốn xin luôn khanh về làm tớ gái, ý khanh thế nào?
Phu nhân hỏi :
- Nhà vua đã trả lời ra làm sao?
Vua nói:
- Ta đã hứa làm tớ trai cho ông ấy rồi, nhưng chưa hứa cho khanh.
Phu nhân nói:
- Vua vì được việc cho riêng mình mà muốn bỏ nhau, không nghĩ đến việc độ cho thiếp.
Rồi phu nhân theo vua ra thưa với đạo nhân:
- Nguyện được đem thân này dâng cho đạo nhân sai khiến.
Vị Bà-la-môn lại nói với vua:
- Vua đã xét kỹ chưa? Bây giờ ta muốn đi đây.
Vua thưa với đạo nhân:
- Tôi bình sinh bố thí chưa từng hối hận, xin theo đạo nhân.
Bà-la-môn nói:
- Các vị theo ta đều phải đi chân đất, không được mang giầy, đúng theo phép tôi tớ, không được che giấu.
Nhà vua và phu nhân đều nói:
- Thưa vâng! Xin theo lời đại gia dạy bảo, không dám trái lệnh.
Bấy giờ, vị Bà-la-môn liền dẫn hai nô tỳ băng đường mà đi. Đức Văn-thù-sư-lợi liền hóa ra người khác, thay cho vua Tát-hòa-đàn và phu nhân ở lại lo việc nước, khiến ở đó mọi việc như cũ. Phu nhân của vua vốn là con gái của một đại quốc vương, đoan chánh vô song, tay yếu chân mềm, sinh trưởng ở chốn thân cung, không hề cực khổ, thân lại mang thai mấy tháng, bà gắng đi bộ theo đại gia, toàn thân đau đớn, chân cẳng bị thương, không thể tiến lên trước, đành mệt nhọc lê bước theo sau. Vị Bà -la-môn ngoảnh lại mắng:
- Ngươi là tớ gái phải theo phép tớ gái, không thể có thái độ như ngày trước.
Phu nhân quỳ dài, thưa:
- Không dám thế, chỉ hơi mệt mỏi một chút nên phải dừng lại nghỉ thôi.
Vị Bà-la-môn la:
- Hãy mau đến đây, theo sau ta ngay!
Khi đến phía trước chợ của một nước, ông Bà-la-môn bèn bán riêng mỗi nô tỳ cho một chủ, cách nhau vài dặm. Có ông trưởng giả mua được tớ trai ấy, sai giữ nhà đất cho ông ta, có ai đem chôn người chết thì thu thuế, không được làm chuyện sai quấy. Lúc này người tớ gái đã thuộc về phu nhân của một đại gia hay ghen, ngày đêm bắt nàng làm việc không hở tay. Sau đó vài ngày thì người tớ gái chuyển bụng, sinh được một đứa con trai. Phu nhân chủ giận dữ nói:
- Người là tớ sao có đứa con ấy, mau đem giết đi!
Theo lời bảo của vợ đại gia, người nữ tỳ liền đem giết đứa bé ấy rồi mang đi chôn, ghé sang chỗ người tớ trai. Hai người được gặp nhau, nàng nói:
- Thiếp sinh được một đứa con trai, nhưng nay đã chết rồi, mà không mang theo tiền, đâu có thể dối chôn được ở đây, phải không?
Người tớ trai nói:
- Đại gia rất nóng nảy, ông ấy mà biết được thì tội tôi không nhỏ. Nàng hãy mang đi tìm chỗ khác, không nên đứng ở đây.
Vua và phu nhân tuy được gặp nhau, nhưng không hề kể lể về chuyện cực khổ, lòng đều không oán giận. Nói năng như vậy trong giây lát, chập chờn như trong giấc mơ, vua và phu nhân tự nhiên trở lại ngồi trên chánh điện trong cung tại nước mình như trước, không gì khác. Các quần thần, hậu cung thể nữ thảy đều như cũ. Thái tử vừa sinh cũng tự nhiên sống. Trong lòng vua và phu nhân tự hoài nghi: "Duyên cớ gì đến như vầy?"
Đức Văn-thù-sư-lợi, hiện thân sắc tướng ngồi trên tòa sen bảy báu ở trong không trung, khen:
- Lành thay! Nay ông bố thí chí thành như vậy!
Vua và phu nhân vô cùng vui mừng, liền đến trước mặt làm lễ đức Văn-thù-sư-lợi vì họ thuyết giảng kinh pháp. Ba ngàn quốc độ đều chấn động mạnh, dân chúng khắp cả nước đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vua và phu nhân ngay lúc đó liền đạt được quả Pháp nhẫn bất khởi (Vô sinh pháp nhẫn).
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
- Đức vua thời đó chính là thân Ta, phu nhân ngày ấy nay là Câu-di, thái tử nay là La-vân.
Đức Phật dạy:
- Này A-nan, Ta kiếp trước đã từng bố thí như thế, vì tất cả mọi người nên không tiếc thân mạng, trải qua vô số kiếp không hề hối hận, không hề mong cầu danh lợi, tự đạt đến Chánh giác.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
***
14- Kinh Tu-đại-noa.
Xưa, vua nước Diệp-ba hiệu là Thấp Tùy, tên là Tát-xà dùng pháp chân chánh trị nước, dân chúng không oán. Nhà vua có vị thái tử tên là Tu-đại-noa, dung mạo tươi sáng hơn đời, lòng nhân đức hiếu khó sánh, luôn đem bốn tâm vô lượng cứu giúp khắp, lời nói không tổn thương người. Vua chỉ có một người con nên vô cùng thương quý.
Thái tử thờ kính cha như thờ trời. Tới tuổi hiểu biết, thường nguyện bố thí, cứu giúp muôn loài để đời sau được hưởng phước vô cùng. Người ngu không thấy sự biến đổi vô thường, nên cho là có thể bảo tồn được. Kẻ sĩ có trí thấy rõ năm nhà nên hay chuộng bố thí. Chư Phật mười phương, Duyên giác, Bậc Vô Sở Trước, không ai là không khen ngợi: Bố thí là điều quý nhất trên đời. Thái tử liền bố thí cùng khắp, ban cho tất cả các loài. Người muốn xin được ăn mặc, đáp lời cho ngay; kẻ muốn vàng bạc, chân báu xe ngựa, ruộng nhà… xin gì cho nấy.
Tiếng thơm lan xa, bốn biển khen ngợi. Vua cha có con voi trắng sức lực dũng mãnh chống cự một lúc được sáu mươi con voi thường. Nước địch đến gây chiến, voi trắng luôn chiến thắng. Các vua bàn nhau:
- Thái tử là bậc Hiền thánh xin gì cũng cho, nên sai tám người Phạm chí đến chỗ thái tử xin con voi trắng ấy. Nếu xin được voi, chúng ta sẽ trọng thưởng cho họ.
Đám Phạm chí lãnh mạng đi liền. Họ mặc áo da nai, mang dép, cầm bình, chống gậy, lặn lội trải qua các quận, huyện xa xôi, có hơn ngàn dặm mới đến được nước Diệp-ba. Họ đều chống gậy, đứng một chân, hướng về cửa cung, gọi thị vệ nói:
- Ta nghe Thái tử bố thí kẻ nghèo khó, ân nhuần khắp muôn loài nên từ xa lặn lội đến xin cái ta thiếu.
Vệ sĩ liền đem sự việc thưa lên. Thái tử nghe xong thì vui mừng, vội vàng ra đón tiếp, như con gặp cha mẹ, cúi đầu sát chân, an ủi, hỏi:
- Do đâu mà quý vị khổ nhọc đến thân thể vậy! Muốn cầu xin điều gì mà phải đứng một chân thế?
Họ thưa:
- Đức sáng của thái tử chiếu khắp tám phương, trên thấu đến trời xanh, dưới xuống tận suối vàng, vòi vọi như Thái sơn, ai mà không khen ngợi, kính ngưỡng. Ngài là con của vua trời, lời nói ra ắt đáng tin tưởng, thường bố thí không trái ý nguyện của mọi người. Nay chúng tôi muốn xin ngài "con voi trắng đi trên hoa sen" tên là La-xà-hòa-đại-đàn.
Thái tử nói:
- Tốt lắm! Xin dâng các vị vàng bạc, chân báu, cứ mặc lòng chọn lấy, không nên tự làm khó!
Liền ra lệnh người hầu mau chóng trang bị cho voi trắng nào là bành vàng, dàm bạc, rồi dắt đến ngay. Thái tử tay trái nắm dàm voi, tay phải bưng bình vàng rót nước rửa tay các Phạm chí. Các Phạm chí vui mừng, chú nguyện xong họ đều cỡi lên voi, mỉm cười ra đi.
Tướng quốc, các quan không ai là không buồn bã, cùng nói với nhau:
- Con voi ấy sức lực hùng mạnh, nước nhà nhờ nó mà được an ổn. Kẻ địch đến đánh đều bị thua chạy. Nay thái tử đã đem cho nước cừu địch thì ta còn dựa vào đâu?
Họ cùng đến yết kiến vua, tâu rõ:
- Con voi trắng ấy sức lực có thể quật ngã sáu mươi con voi khác. Đối với nước, nó là của báu chống địch, vậy mà thái tử đem cho kẻ thù. Còn kho tàng trong nước mỗi ngày một rỗng mà thái tử tự ý bố thí không ngừng nghỉ, khoảng vài năm nữa chúng thần e rằng vợ con cả nước ắt sẽ trở thành vật bố thí hết.
Nhà vua nghe lời ấy, lặng buồn hồi lâu, rồi nói:
- Thái tử ham chuộng đạo Phật, lấy việc cứu giúp kẻ bần cùng, từ bi nuôi dưỡng muôn loài làm đầu các hạnh. Như thế, nếu ta cấm chỉ, hoặc bắt phạt thái tử thì vô đạo.
Bá quan đều nói:
- Lời dạy thiết tha khuôn phép của đại vương, chúng thần không dám trái, nhưng bắt phạt vì chuyện ngang ngược, chúng thần xin mạnh dạn tâu, cho trục xuất thái tử ra khỏi nước đến nơi đồng ruộng thôn dã khoảng mười năm, để thái tử thẹn mà tự hối lỗi. Đó là ý nguyện của chúng thần.
Nhà vua liền sai sứ giả đến bảo thái tử:
- Voi là vật báu của nước, sao lại đem cho kẻ địch? Nhà vua không nỡ phạt tội, vậy hãy mau ra khỏi nước!
Sứ giả phụng mạng đến nói như thế. Thái tử đáp:
- Không dám trái với mạng trời, nhưng nguyện xin bố thí giúp kẻ nghèo thêm bảy ngày, rồi sẽ ra khói nước, không chút ân hận.
Sứ giả về tâu, vua bảo:
- Đi mau, ta không cho phép!
Sứ giả quay lại nói:
- Lệnh vua chẳng cho.
Thái tử xin một lần nữa:
- Không dám trái mệnh trời, nhưng ta có của riêng, không dám xâm phạm của nước.
Sứ giả về tâu lại vua, vua liền cho phép. Thái tử vui vẻ lệnh cho người hầu xem trong nước có ai nghèo thiếu thì khuyên họ đến mau, theo chỗ cầu xin của họ mà thi ân cho hết. Đất nước, quan tước, ruộng nhà, của báu… đều là các thứ mộng ảo, tất cả đều bị hao mòn, hủy diệt.
Hàng triệu dân chúng lớn nhỏ vội chạy đến cửa cung. Thái tử đem đồ ăn, thức uống, quần áo, bảy báu và các thứ châu ngọc khác, tất cả đều cho theo chỗ mong muốn của dân chúng. Bố thí xong xuôi, kẻ nghèo đều trở nên giàu.
Vợ thái tử tên là Man-để, con gái hàng vương giả, nhan sắc xinh đẹp, cả nước không hai, từ đầu đến chân đều mang chuỗi ngọc bảy báu.
Thái tử gọi vợ đến hỏi:
- Hãy nghe lời ta nói! Đại vương đày ta đến núi Đàn-đặc, thời hạn là mười năm, nàng có biết không?
Người vợ cả kinh đứng lên nhìn thái tử, rơi lệ, nói:
- Chàng có tội tình gì mà bị trục xuất, phải bỏ đất nước giàu sang đến ở nơi rừng sâu núi thẳm vậy?
Thái tử đáp lời vợ:
- Vì ta bố thí làm hao tổn tài sản quốc gia, con voi danh tiếng là vật báu để chiến đấu mà ta cũng đem cho kẻ địch, nên vua cùng quần thần giận dữ trục xuất ta.
Vợ thái tử liền bày tỏ lời nguyện cho đất nước được giàu thịnh, vua, tôi, cùng hàng triệu dân chúng được sung túc, sống lâu vô cùng. Riêng nàng sẽ lập chí, cùng thái tử vào chốn núi đầm để thành tựu đạo quả với thệ nguyện rộng lớn.
Thái tử nói:
- Núi đầm kia là nơi đầy những thứ đáng sợ, hổ lang, thú dữ, rất khó dung thân. Lại còn độc trùng, yêu cây, quái đá, tệ quỷ, sấm chớp, giông bão, gió mưa, mây mù ... thật là ghê rợn. Lạnh nóng quá mức, cây cối khó nương, gai gốc, sỏi đá ... nàng không kham nổi đâu. Nàng là con của bậc vương giả, sinh ở chốn vinh hoa, lớn lên trong cung cấm, áo quần mịn màng, ăn uống ngon ngọt, nằm thì màn trướng, âm nhạc luôn vui tai, muốn gì được nấy. Nay ở nơi núi đầm, nằm thì gối cỏ, ăn thì hoa trái, không phải ai cũng chịu được, liệu nàng kham nổi chăng?
Vợ đáp:
- Mịn màng, tốt đẹp, vật báu, trướng màn, ngon ngọt… liệu có ích gì cho mình khi cùng với thái tử phải sinh ly? Lúc vua ra đi, dùng cờ làm hiệu, lửa lấy khói làm hiệu, vợ lấy chồng làm hiệu. Thiếp nay cậy nhờ thái tử như con trẻ nương dựa mẹ cha. Lúc thái tử còn ở trong nước bố thí khắp nơi, thiếp luôn đồng tình, nay chàng sẽ trải hiểm nguy mà thiếp thì ở lại giữ lấy vinh hoa, há còn là nhân đạo sao! Hoặc giả có kẻ đến xin, mà thiếp không còn thấy thái tử đâu thì lòng thiếp thương nhớ không nguôi, ắt là phải chết; chứ không còn nghi ngờ gì nữa.
Thái tử nói:
- Nếu người nước xa đến xin vợ con, ta thì không trái ý cầu xin của họ, còn nàng thì vì tình quyến luyến mà không chịu, hóa ra trái với đạo bố thí làm dứt tuyệt ân lớn lao đã từng thấm nhuần khắp, hủy hoại trách nhiệm nặng nề của ta.
Vợ thưa:
- Sự bố thí của thái tử thật là hiếm thấy trên đời! Nên quyết thành tựu lời thệ nguyện lớn chớ có mệt mỏi. Trăm ngàn kiếp không ai như chàng, luôn tiếp nối và phát huy trách nhiệm nặng nề của Phật, thiếp chẳng dám trái ý.
Thái tử nói:
- Tốt.
Bèn đem vợ con đến từ biệt mẹ, cúi đầu sát đất, xót xa từ tạ:
- Xin mẹ đừng lo nghĩ về chúng con, hãy giữ gìn vóc ngọc, việc nước có gì xin mẹ nhiều phen dùng tâm Từ can gián, không nên để triều đình mặc sức làm oan uổng muôn dân. Phải nhẫn chịu điều không thể nhẫn, nhẫn được là quý.
Người mẹ nghe lời từ biệt, quay lại nói với kẻ hầu:
- Thân ta như đá, lòng như thép cứng. Nay có một đứa con mà bị đuổi đi, lòng ta sao nỡ? Khi chưa có con thì kết nguyện cầu tự, những ngày mang thai thì như cây ngậm hoa, đợi ngày nở nhụy. Trời không cướp lời thệ ước nên cho ta có con, nuôi đến lúc trưởng thành mà nay phải sinh ly sao?
Các phu nhân, phi tần, hầu thiếp… những người vốn ganh ghét thì vui mừng ra mặt, chẳng còn kính nể. Thái tử và vợ con cúi đầu lạy mẹ rồi lui ra. Trong cung, người lớn kẻ nhỏ ai ai cũng nghẹn ngào. Thái tử ra cửa thành cùng với trăm quan và dân chúng buồn bã nói lời từ biệt rồi tất cả đều đi ra khỏi thành. Mọi người không ai là không trộm nghĩ:
- Thái tử là Thánh linh của đất nước, là thứ tôn quý nhất trong các vật báu, sao cha mẹ ngài đành lòng trục xuất?
Thái tử ngồi ở ngoài thành, cảm tạ những người tiễn đưa, bảo họ trở về nhà. Dân chúng đều bái phục, ai cũng thương xót. Có người lăn ra đất kêu trời, âm thanh vang động cả nước.
Thái tử cùng vợ con lên đường. Khi biết mình đã cách xa đất nước, thì cả nhà tạm ngồi nghỉ dưới một bóng cây. Có một Phạm chí từ xa đến xin, thái tử liền cởi chiếc áo quý nơi thân mình và các châu ngọc của vợ cho hết, rồi bảo vợ con lên xe tự tay mình cầm cương. Vừa sắp lên đường, thì có một Phạm chí đến xin con ngựa, Thái tử bèn tháo ngựa ra cho, rồi tự mình kéo xe ra đi. Lại gặp Phạm chí khác đến xin chiếc xe, thái tử liền dìu vợ con xuống xe, lấy xe cho kẻ ấy. Xe ngựa, áo quần, châu báu trên người và các vật khác đều đã cho hết không còn gì. Thái tử bèn bảo vợ bế con gái, còn mình thì bồng con trai ra đi. Khi còn ở trong nước, bố thí cho kẻ khác voi quý, châu báu, xe ngựa... đến nỗi bị đuổi ra khỏi nước lưu đày mà chưa hề giận dữ, hối hận, lòng vẫn luôn hòa hợp vui vẻ đi vào núi.
Trải qua hai mươi mốt ngày mới đến được núi Đàn-đặc. Thái tử thấy trong núi cây cối sum sê, suối chảy nước trong, trái ngọt đầy dẫy, le le, nhạn, uyên ương… dạo chơi đây đó, hàng trăm loài chim ríu rít hòa nhau vui hót. Thái tử thấy thế, gọi vợ bảo:
- Nàng xem núi ấy cây cối rợp trời, ít có gẫy đổ, chim bầy kêu hót giọng thật dễ thương, nơi nơi đều có suối chảy, hoa quả rất nhiều, có thể dùng làm đồ ăn thức uống, chỉ lấy đạo làm sự nghiệp, không nên trái với thệ nguyện.
Trong núi các đạo sĩ đều giữ vững tiết tháo, hiếu học.
Có một đạo sĩ tên là A-châu-đà, ở lâu trong núi, đạo đức thâm diệu cao xa. Thái tử cùng vợ con tìm đến đảnh lễ, rồi chắp tay đứng, hướng về đạo sĩ, thưa:
- Tôi đem vợ con đến đây học đạo, cúi xin ngài rủ lòng Từ rộng lớn dạy bảo cho chí nguyện tôi được thành tựu.
Đạo sĩ chỉ dạy gì thái tử đều nghe theo. Rồi lấy cây cỏ làm nhà, y phục sơ sài, ăn trái cây, uống nước suối. Đứa con trai tên là Da-lợi mặc áo cỏ nhỏ, thường theo bên cha, bé gái tên là Kế-noa-diên mặc áo da nai theo mẹ ra vào. Ở trong núi qua một đêm thì trời làm cho nước suối tăng thêm vị ngọt, sinh nhiều cây thuốc quý, quả ngon đầy cành.
Về sau, có ông Phạm chí già nghèo, ở huyện Cưu-lưu, vợ ông tuy nhiều tuổi nhưng nhan sắc đoan chánh, thường mang bình đi lấy nước, hôm ấy, gặp một người trẻ tuổi ngăn lại, đùa cợt:
- Bà sống nghèo khổ vậy thì lấy gì để nuôi thân? Tham chi tài sản của lão già ấy mà theo sống với hắn? Lão già ấy học đạo sai đúng không thông, thời gian giáo hóa khó mong thành được, một người ngu si điếc lác mà bà còn tham gì ở đấy? Hình dáng thì vừa xấu vừa đen, mũi thì méo lệch, thân thể thì quắt queo, mặt nhăn nhúm, môi vễu ra, nói năng lắp bắp, hai mắt lại xanh giống như mắt quỷ… toàn thân không chỗ nào đẹp, ai mà chẳng gớm ghiếc! Bà làm vợ hắn không thấy xấu hổ, chán ngấy sao?
Người vợ nghe lời chê bai ấy bèn rơi nước mắt, nói:
- Tôi thấy ông ấy tóc bạc phơ như sương phủ cây, sớm hiện chiều tan, lòng mong cho ông ta sớm chết nhưng chưa được toại nguyện. Không như thế thì làm gì?
Bà trở về nhà kể lại việc trên với chồng, rồi nói:
- Ông phải có tôi tớ để sai bảo, tôi không đi lấy nước nữa đâu. Nếu gặp chuyện như hôm nay thì tôi bỏ ông thôi.
Người chồng bảo:
- Tôi nghèo lấy đâu ra tôi tớ để sai khiến?
Người vợ nói:
- Tôi nghe có bậc Thượng sĩ bố thí tên là Tu-đại-noa, vì lòng Từ rộng lớn cứu giúp mọi người làm hao tổn của cải quốc gia, nên vua cùng quần thần đày vào trong núi. Vị ấy có hai người con, nếu ông xin thì sẽ cho ngay.
Người vợ nói nhiều lần, vì thương vợ nên khó trái ý, ông ta liền nghe theo lời vợ tìm đến nước Diệp-ba, tới thẳng cửa cung, nói:
- Thái tử được bình an chăng?
Vệ sĩ tâu lên, vua nghe lời ấy thì nghẹn ngào, nước mắt chan hòa, hồi lâu mới nói:
- Thái tử bị đuổi đi cũng chỉ vì bọn này, mà nay lại đến nữa sao?
Vua cho người gọi đến, an ủi rồi hỏi hắn tới làm gì?
Phạm chí thưa:
- Tiếng thơm của thái tử thấm nhuần khắp, xa gần đều ca ngợi, nên tôi từ xa tìm tới đây để nương nhờ, mong được sống tiếp.
Vua bảo:
- Châu báu của thái tử bố thí hết sạch rồi, nay đang ở trong núi sâu, ăn mặc còn không đủ, lấy gì bố thí cho ông?
Lão thưa:
- Đức mầu của thái tử lồng lộng, dù xa xôi cũng hết sức ngưỡng mộ, huống chi được nhìn thấy dung quang, thì dù mất mạng cũng không hối hận.
Vua sai người chỉ cho lão đường tắt. Trên đường đi gặp người thợ săn, lão hỏi:
- Ông từng trải qua nhiều núi, có gặp thái tử chăng?
Người thợ săn vốn biết thái tử bị trục xuất là vì bọn này, nên nổi giận mắng:
- Ta chém đầu ngươi đấy; chớ hỏi thái tử làm chi?
Phạm chí vừa xấu hổ vừa rồi sợ hãi, nghĩ: "Ta ắt bị tên này giết mất". Rồi lão quyền biến, nói dối với người thợ săn:
- Vua và quần thần sai tôi đi gọi thái tử về lại nước để làm vua.
Người thợ săn đáp:
- Tốt lắm.
Rồi vui vẻ chỉ chỗ ở của tháỉ tử. Lão từ xa trong thấy một mái nhà nhỏ, thái tử cũng thấy lão đi đến. Hai đứa bé thấy lão Phạm chí này thì trong lòng kinh sợ, anh em bàn với nhau:
- Cha ta vốn ưa bố thí, mà nay ông này tìm đến của cải lại không còn gì, ắt cha đem anh em mình cho ông ấy chăng!
Chúng bèn dắt tay nhau chạy trốn. Có sẵn hố do mẹ đào từ trước có thể dung thân được, hai đứa bèn vào trong đó, lấy củi phủ lên, cùng dặn nhau:
- Cha có gọi thì đừng lên tiếng.
Thái tử hỏi thăm lão ta và mời ngồi trước mình, lấy trái cây, nước uống bày trước mặt. Ăn quả, uống nước xong, thái tử an ủi ông ấy:
- Trải qua đường xa chắc ông mệt mỏi lắm?
Lão đáp:
- Tôi từ xa đến, toàn thân đau nhức và rất đói khát, đức thơm của thái tử lan tỏa khắp, nơi nơi đều ca tụng, lồng lộng chiếu xa như Thái sơn, Thiên thần, Địa kỳ, ai mà không vui mừng. Vì thế nên nay từ xa đến, tìm chỗ nương cho sự nghèo cùng, ngõ hầu kéo dài mạng sống nhỏ nhoi.
Thái tử áy náy đáp:
- Tôi không tiếc với ông gì cả, nhưng của cải đều hết rồi.
Phạm chí nói:
- Có thể đem hai đứa trẻ cấp dưỡng cho già này.
Thái tử đáp:
- Ông từ xa đến đây xin hai đứa trẻ, ắt không trái ý.
Thái tử lớn tiếng gọi con. Anh em chúng sợ quá nên nói với nhau:
- Cha ta gọi tìm, ắt là đem cho quỷ đấy!
Chúng trái lệnh không lên tiếng. Biết chúng ẩn núp trong hố kia, thái tử bèn giở củi ra thấy chúng. Hai đứa trẻ vội chạy ra ôm lấy cha, run bần bật, khóc lóc. Chúng vừa nức nở vừa nói:
- Đó là quỷ chứ không phải Phạm chí đâu. Con mấy lần thấy Phạm chí rồi, nhưng chưa thấy thứ người nào mặt mày như vậy cả. Cha đừng đem chúng con cho quỷ ăn thịt. Mẹ ơi! Sao mẹ hái quả về chậm thế, hôm nay nhất định là bị quỷ nuốt rồi. Mẹ về tìm con, như trâu mẹ tìm trâu nghé, thương xót chạy như điên dại, nhất định cha sẽ hối hận cho mà xem.
Thái tử nói:
- Ta từ lúc làm chuyện bố thí, chưa hề có chút hối hận. Cha đã hứa rồi, các con không được trái lời.
Phạm chí nói:
- Ngài đã lấy lòng Từ rộng khắp mà cho tôi, nếu để mẹ các cháu về ắt làm hỏng ân lớn của ngài, mà cũng trái với bản nguyện của tôi, chi bằng sớm đem đi thì hơn.
Thái tử nói:
- Ông cầu xin trẻ nên từ xa tìm đến, tôi nhất định không dám trái, vậy hãy mau đi đi.
Rồi thái tử tay phải rót nước rửa tay cho Phạm chí, tay trái dắt con giao cho lão ta.
Phạm chí nói:
- Tôi già yếu, nếu hai trẻ chạy trốn về nơi chỗ mẹ chúng thì tôi làm sao bắt được? Thái tử rộng cho xin hãy trói chúng lại rồi mới trao cho tôi.
Thái tử giữ hai con để cho Phạm chí trói lại, tự tay nắm mối dây, hai đứa trẻ lăn ra đất, vật vã trước mặt cha, nức nở gào kêu mẹ:
- Thiên thần địa kỳ, các Thần núi rừng, xin hãy một lượt thúc gọi lòng dạ mẹ con: "Hai trẻ đã bị đem cho người rồi, phải mau bỏ việc hái hoa quả kia để được một lần gặp gỡ!"
Ai oán cảm động cả trời đất, thần núi xót thương tạo nên tiếng vang như sấm động. Người mẹ lúc này đang hái trái, thấy lòng bỗng nôn nao, ngước nhìn trời xanh không thấy mây mưa, mắt bên phải máy động, nách bên trái ngứa ngáy, hai vú sữa chảy ra liên tục. Người mẹ nghĩ: "Điều này lạ quá! Ta còn hái quả làm chi, phải mau trở về xem thử con ta có chuyện gì chăng?"
Rồi bà bỏ việc hái quả, vội vàng quay về, bàng hoàng như cuồng dại. Đế Thích nghĩ: "Bồ-tát chí cao cả, muốn hoàn thành trách nhiệm nặng nề của lời thệ nguyện sâu rộng ấy, nếu vợ về đến thì sẽ hủy hoại chí cao kia". Bèn hóa ra sư tử ngồi lù lù ngang giữa đường đi. Người vợ nói:
- Ngươi là chúa trong loài thú, ta cũng là con vua của loài người, đều ở trong núi này. Ta có hai đứa con hãy còn thơ dại, sáng giờ chưa ăn gì đang mong ta về
Sư tử tránh đi, người vợ lên đường. Rồi trời lại hóa cọp… đợi cho Phạm chi đi xa rồi mới chịu lui. Người vợ trở về, thấy thái tử ngồi một mình, nàng buồn bã, sợ hãi hỏi:
- Con ta đâu rồi mà chàng ngồi một mình? Hai con thường ngóng trông thần thiếp hái quả về là chạy a vào người thiếp, nằm lăn ra đất, rồi lại đứng dậy, nhảy nhót vui cười nói rằng mẹ đã về, con đói được no! Nay sao không thấy chúng, hay đã đem cho người nào rồi? Khi thiếp ngồi thì con đứng, đứa bên phải, đứa bên trái, thấy mình thiếp lấm bụi chúng tranh nhau phủi sạch. Nay con không thấy lại chỗ mẹ, cũng chẳng thấy đâu cả, hay chàng đã đem cho ai sao? Hãy mau nói ra cho thiếp biết. Cầu cúng trời đất, thật tình khó nói, chàng cho cả đến con hiền nối dõi! Nay đồ chơi của con, nào voi ngựa, trâu, heo... bằng đất và các vật khác ngổn ngang trên mặt đất này, thấy mà thương tâm, thiếp đến phát cuồng mất. Chàng đã đem con làm mồi cho cọp, sói, quỷ quái, đạo tặc nuốt rồi sao? Hãy mau cởi mở gút mắc này, nếu không thiếp chẳng thể sống nổi!
Thái tử hồi lâu mới lên tiếng:
- Có một Phạm chí từ xa đến xin hai con. ông ta nói là tuổi già sức yếu muốn có người giúp đỡ nên tôi đem chúng cho ông ấy rồi.
Người vợ nghe nói thế, xúc động lăn ra đất, vật vã, khóc thương, nước mắt đầm đìa, nói:
- Thật đúng như ta đã thấy trong giấc mộng. Một đêm thiếp nằm mơ thấy một Phạm chí già nghèo túng, quẫn bách đến cắt hai vú của thiếp rồi mang chạy đi mất. Thì ra chính là chuyện hôm nay đây!
Rồi bà khóc lóc kêu trời, vang động cả một vùng núi:
- Con ta đã như thế, biết đâu mà tìm!
Thái tử thấy vợ buồn thương quá thảm thiết bèn gọi, bảo:
- Ta vốn cùng nàng đã thề tuân giữ nẻo hiếu cao rộng, chí ta theo đạo lớn cứu giúp chúng sinh, nên họ xin gì ta cho nấy. Lời thề đã rõ ràng, mà nay sao nàng quá buồn thương làm loạn tâm ta?
Vợ nói:
- Thái tử cầu đạo, phải khó nhọc đến thế sao! Phàm kẻ sĩ sống nơi gia đình, đều quý trọng vợ con, ai ai cũng vậy. Huống chi là bậc được mọi người tôn kính. Rồi nguyện: "Xin cho cầu gì được nấy như Bậc Nhất Thiết Trí".
Đế Thích và chư Thiên cùng bàn với nhau:
- Đạo bố thí của thái tử rộng lớn vô cùng, chúng ta nên thử thách đến vợ, xem lòng ngài thế nào?
Rồi Đế Thích hóa thành vị Phạm chí đến trước thái tử thưa:
- Nghe ngài mang lòng nhân từ như trời đất, tế độ khắp quần sinh, bố thí không trái ý người xin, nên đến nhờ cậy. Đức hiền trinh của vợ ngài thơm tỏa lan xa nên tôi đến xin bà, chắc ngài chịu cho chứ?
Thái tử đáp:
- Rất tốt.
Rồi thái tử tay phải rót nước rửa tay cho Phạm chí, tay trái dắt vợ. Khi vừa muốn trao cho ông ấy thì chư Thiên ca ngợi, không ai là không khen hay. Trời đất bỗng nhiên chấn động mạnh, người quỷ đều kinh hãi. Phạm chí nói:
- Thôi ta không nhận đâu.
Thái tử hỏi:
- Người vợ này há có gì xấu sao? Mọi cái xấu của đàn bà người này đều không có, còn về lễ nghĩa của phái nữ thì người này đứng đầu, đầy đủ. Hơn nữa, vua cha nàng chỉ có một người con gái này thôi. Nàng đã hết lòng theo lễ thờ chồng, không nề hà chuyện lầm than khổ cực. Ăn mặc thú vui, không hề đòi hỏi ngon đẹp; siêng năng khỏe khoắn, nhan sắc hơn người. Ông nên nhận cho tôi vui lòng, đó là cách tốt nhất để dứt mọi bận lo về sau.
Phạm chí nói:
- Vợ ngài hiền đức đúng như lời vừa nói, tôi xin kính nhận lấy, rồi đem gởi lại cho ngài không được đem cho người khác.
Rồi trời lại nói tiếp:
- Ta là trời Đế Thích, không phải là người thế tục, đến là để thử thách ngài. Ngài chuộng trí tuệ giác ngộ của Phật, hình bóng phép tắc ấy khó ai sánh .được. Nay ngài muốn nguyện gì, cứ mặc sức xin, sẽ được như ý.
Thái tử nói:
- Tôi nguyện được giàu lớn, thường ưa bố thí, không hề tham lam hơn cả hiện nay. Xin khiến phụ vương tôi và quần thần, dân chúng trong nước nghĩ đến việc gặp nhau.
Trời Đế Thích nói:
- Tốt.
Ngay khi đó liền biến mất.
Nói về lão Phạm chí xin được hai đưa trẻ kia, mừng được như ý nên đi không biết mệt, lôi dẫn hai trẻ vì sắp được thỏa ước nguyện sai khiến. Hai đứa trẻ này vốn con cháu hàng vương giả, giàu sướng tự do, nay phải rời cha mẹ, bị dây trói buộc, khắp mình thương tích, thường khóc gọi mẹ, nhưng sợ đòn roi nên phải chạy theo lão già. Nhân lúc Phạm chí ngủ, hai trẻ bèn chạy trốn, tự ngâm mình trong ao, lấy lá sen cỏ nhược phủ lên, trùng nước bám đầy nơi thân. Phạm chí tỉnh dậy đi tìm được hai trẻ, dùng gậy đánh chúng dọc ngang khắp thân thể, máu chảy đỏ đất. Thiên thần thương xót nên mở dây, trị lành thương tích, làm ra quả ngọt, khiến đất trên đường đi mềm mại, anh em hái quả trao cho nhau ăn, cùng bảo:
- Vị ngọt trái này khác nào trái trong vườn vua, đất đây mềm mại giống như nệm bông của vua.
Anh em ôm nhau ngước lên trời gọi mẹ, khóc than nước mắt ướt cả thân mình. Chỗ Phạm chí đi thì đất ấy gập gềnh, đầy những sỏi đá gai góc... thân và chân hắn giẫm phải, gây lở lói đau đớn. Còn nếu thấy trái cây thì toàn là đắng hoặc cay. Phạm chí trở nên gầy ốm, da bọc lấy xương, còn hai đứa trẻ thì da dẻ hồng hào, nhan sắc trở lại như trước. Khi về tới nhà, Phạm chí hí hửng nói với vợ:
- Ta vì nàng xin được hai đứa nô tỳ, từ đây tha hồ sai khiến.
Người vợ nhìn bọn trẻ, nói:
- Nô tỳ không phải thế! Hai đứa trẻ này đoan chánh, chân tay mềm mại, không làm được việc nặng nhọc, mau đem ra chợ bán đi rồi mua lại đứa khác để sai bảo.
Lại bị vợ sai khiến, lão định sang nước khác để bán hai đứa trẻ. Nhưng trời làm lộn đường, mới trở lại nước cũ. Dân chúng nhận biết ngay, đều nói:
- Đó là con của thái tử, cháu của đại vương đấy.
Họ nghẹn ngào chạy đến cửa cung tâu lên. Vua cho gọi Phạm chí đem hai trẻ vào cung. Cung nhân lớn nhỏ ai ai cũng sục sùi. Nhà vua gọi chúng lại muốn bồng, hai trẻ không đến, Nhà vua hỏi tại sao? Đứa trẻ trai thưa:
- Xưa là cháu vua, nay là nô tỳ. Kẻ nô tỳ hạ tiện sao dám ngồi trên gối vua được?
Vua hỏi Phạm chí:
- Ngươi hãy nói rõ, do đâu mà có hai đứa trẻ này?
Phạm chí cứ như sự việc cũ trình bày. Nhà vua hỏi:
- Bán trẻ được bao nhiêu tiền?
Phạm chí chưa kịp đáp thì đứa cháu trai đã vội cất tiếng nói:
- Con trai giá một ngàn đồng bạc, trâu đực một trăm con. Con gái thì giá hai ngàn đồng vàng, trâu cái hai trăm con.
Nhà vua hỏi:
- Con trai lớn hơn mà giá thấp, con gái nhỏ hơn mà giá cao, vì duyên cớ gì vậy?
Đứa bé đáp:
- Thái tử vừa là bậc Thánh vừa có lòng nhân từ, bố thí thấm nhuần khắp cả trời đất, thiên hạ vui mừng, nhờ cậy y như con trẻ nương vào cha mẹ. Ông ấy đã đạt được nẻo sáng chói tốt đẹp cho thiên hạ mà bị lưu đày nơi núi đầm xa xôi, làm bạn với cọp sói, độc trùng, ăn trái cây, mặc áo cỏ, mưa gió sấm sét luôn đe dọa con người, quả là thứ tệ mạt cùng loại với cỏ rác! Nhìn thấy sự ruồng bỏ này đủ biết con trai giá thấp. Còn con gái của thứ dân có chút nhan sắc thì được đem vào cung, nằm thì đệm lông, đắp thì trướng báu, mặc thì áo quần nổi tiếng trong thiên hạ, ăn đều là những món của thiên hạ cống dâng. Xem đó thì biết con gái đắt giá hơn.
Nhà vua nói:
- Trẻ con mới tám tuổi mà đã có cách lý luận của bậc cao sĩ, huống chi là cha nó!
Cung nhân lớn nhỏ nghe cháu vua nói lời bóng gió như vậy, không ai mà không thương xót. Phạm chí nói:
- Tôi xin bán bọn trẻ giá một ngàn đồng bạc, trâu đực trâu cái mỗi thứ một trăm con. Đúng như vậy thì tốt, bằng không thì thôi.
Nhà vua nói:
- Được.
Rồi vua liền ban cho đủ số đó. Phạm chí lui ra. Vua ẵm hai cháu đặt lên gối mình rồi hỏi:
- Lúc trước cháu không đến đây, sao bây giờ đến mau vậy?
Thưa:
- Lúc trước cháu là nô tỳ, còn bây giờ là cháu vua.
Vua hỏi:
- Cha cháu ở trong núi tự kiếm ăn ra sao?
Hai trẻ đáp:
- Tự sống được là nhờ rau cỏ và trái cây. Ngày ngày vui với muông thú, chim chóc, lòng không vướng bận chút buồn lo.
Nhà vua sai sứ đi đón thái tử về. Sứ giả lên đường.
Bấy giờ trong núi cây cối đều cúi xuống ngẩng lên, co duỗi tợ như quỳ lại làm lễ. Hàng trăm loài chim hót bi ai làm cảm động lòng người. Thái tử nói:
- Điềm ứng gì đây?
Người vợ nằm dưới đất nói:
- Lòng của phụ vương đã cởi mở, cho sứ đến đón chúng ta về! Thần đất rất vui, nên khởi lên điềm như thế.
Từ khi mất con, vợ thái tử cứ nằm mãi dưới đất. Khi sứ giả đến, mới đứng dậy bái mệnh vua. Sứ giả nói:
- Vua cùng hoàng hậu bỏ ăn, nuốt lệ, thân mạng ngày một suy yếu, nhớ trông mong gặp thái tử.
Thái tử quay người nhìn khắp bốn phía, quyến luyến cảnh cây cối suối nước nơi núi rừng, gạt nước mắt mà bước lên xe.
Từ lúc sứ giả ra đi, cả nước vui mừng, quét dọn đường sá sạch sẽ, treo sẵn trướng màn, đốt hương, tung hô, tấu kỷ nhạc, giăng treo cờ đẹp lọng quý… Cả nước kéo nhau đi chúc thọ đông nhiều vô kể. Thái tử vào thành dập đầu tạ lỗi, rồi lui ra an ủi hỏi han mọi người. Nhà vua lại đem kho báu của nước giao cho thái tử, khuyến khích ngài bố thí. Dân chúng nghèo khó của các nước láng giềng đầu đuôi quy thuận như các dòng sông đổ về biển cả. Những thù oán cũ đều tiêu tan, thảy đến triều bái dưng biểu xưng thần, vâng lệnh hiến cống. Giặc cướp chuộng nhân từ, trộm cắp đua nhau bố thí, đao binh cất vào kho, nhà tù được dẹp bỏ, muôn loài mãi an lạc, mười phương đều khen ngợi tích đức không ngừng, nên đạt được đạo Chánh chân vô sở trước của Như Lai, là đạo Chánh giác tối thượng, một mình qua lại ba cõi, làm vua của các bậc Thánh.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Ta nhận lấy trách nhiệm nặng nề của chư Phật, thề cứu giúp muôn loài, tuy phải chịu nhiều cực khổ, nay mới làm bậc tôn quý, dứt mọi sự ngăn che.
Thái tử sau khi chết sinh lên cõi trời Đâu-suất. Từ cõi ấy, hạ sinh nơi cung vua Bạch Tịnh, nay là thân ta. Còn phụ vương lúc đó là A-nan, người vợ nay là Câu-di, con trai là La-vân, con gái là mẹ của A-la-hán Châu Trì, trời Đế Thích là Đức Di-lặc, thợ săn là Ưu-đà-da, đạo sĩ A-châu-đà là Đại Ca-diếp, người Phạm chí bán trẻ con là Điều-đạt, vợ Phạm chí ấy nay là vợ của Điều-đạt, tên là Chiên-già.
Thân mạng ta từ xưa đến nay luôn chuyên cần, thọ khổ không lường, nhưng trọn không hề sợ hãi mà trái với lời thề lớn, đem pháp bố thí vì các đệ tử mà thuyết giảng rõ.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.29.202 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.