Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM 13: ĐÀ-LA-NI KHÔNG NHIỄM TRƯỚC
Bấy giờ Thế Tôn lại bảo cụ thọ Xá-lợi-phất rằng: “Nay có pháp môn Vô nhiễm trước đà-la-ni, là pháp môn tu hành của bồ-tát, mẹ của bồ-tát, các bồ-tát quá khứ đã thọ trì”. Xá-lợi-phất bạch: “Bạch đức Thế Tôn! Vậy câu và nghĩa của đà-la-ni này như thế nào? Không có nơi chốn hay chẳng phải không có nơi chốn?”.
Đức Phật dạy rằng: “Hay thay, hay thay! Này Xá-lợi-phất! Ông đã phát tâm Đại thừa, tin hiểu Đại thừa, tôn trọng Đại thừa. Như lời ông nói, đà-la-ni này chẳng có nơi chốn, chẳng phải không có nơi chốn; chẳng phải là pháp, chẳng phải phi pháp; chẳng thuộc quá khứ, vị lai hiện tại; chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tácp; chẳng thuộc nơi duyên, chẳng phải không thuộc các duyên; chẳng phải biến đổi, chẳng phải không biến đổi; chẳng từ pháp sanh không do pháp diệt. Nhưng vì lợi ích cho các bồ-tát, nên ta y theo công dụng-chánh đạo, lí thú-thế lực của đà-la-ni mà định đặt ra; đó là công đức, là những cấm giới, là pháp tu học, là ý bí mật, là nơi sanh của chư Phật, cho nên gọi là pháp môn Vô nhiễm trước đà-la-ni tối thượng tối diệu”.
Xá-lợi-phất bạch: “Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Thiện Thệ nói cho chúng con nghe pháp đà-la-ni này! Nếu các bồ-tát có thể an trụ, không lui sụt đạo Vô thượng bồ-đề, thành tựu chánh nguyện, được vô sở y, biện tài vô ngại, được việc hi hữu, trụ nơi thánh đạo đều là nhờ sức đà-la-ni này”.
Đức Phật dạy rằng: “Hay thay, hay thay! Đúng thế, đúng thế! Như lời ông nói, nếu bồ-tát đắc đà-la-ni này, thì không khác Phật. Người nào tôn trọng cúng dường, thân cận hầu hạ vị bồ-tát này, là cúng dường Phật. Những người nào nghe đà-la-ni này, thọ trì đọc tụng, sanh tâm tin hiểu, cũng như cung kính cúng dường chư Phật; cũng từ nhân duyên đó mà đạt được quả vị Vô thượng”.
Sau khi nói xong, Thế Tôn tuyên thuyết: Tát da tha, san đa ra ni, a pa đa ra ni, su sam pờ ra tít thi ta, su na ma, su pờ ra tít thi ta, vi ja da ba la, sát da, pờ ra ti sin ja, su rô ha, sin ja na ma ti, u pa đa ni, a ba na ma ni, a bi sích ni, a bi vi da ka ra, sú ba pa ti, su ni sí ta, ba hum, gun ja, a bi pa đa, sa va ha.
Đức Phật lại bảo Xá-lợi-phất: “Nếu các bồ-tát có thể an trụ, có thể chân chánh thọ trì thần chú Vô nhiễm, thì bồ-tát ấy trong một trăm kiếp, hoặc một ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp phát khởi chánh nguyện, không bao giờ tận; không bị đao gậy, thuốc độc nước lửa và thú dữ làm tổn thương thân mạng. Vì sao? Vì thần chú này là mẹ chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai và cả hiện tại. Nếu có người dùng bảy báu chất đầy mười a-tăng-kì tam thiên đại thiên thế giới các loại thức ăn thức uống tuyệt hảo, y phục thượng hạng cúng dường chư Phật, cũng không bằng một phần nhỏ phước đức của người chỉ thọ trì một câu thần chú này. Vì đây là pháp vô cùng sâu xa, là mẹ chư Phật”.
Xá-lợi-phất và tất cả đại chúng nghe Đức Phật nói pháp Vô nhiễm này, đều rất vui mừng, kính nguyện thọ trì. PHẨM 14: NHƯ Ý BẢO CHÂU
Bấy giờ Thế Tôn bảo A-nan-đà: “Có đà-la-ni Như ý bảo châu có thể giúp cho chúng sanh tránh được tai họa, ngăn chặn sấm sét, mà các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ đã thuyết. Nay trong kinh này, ta cũng tuyên thuyết cho các ông nghe, hầu giúp trời người được lợi ích lớn và cũng để bảo vệ thế gian, khiến cho mọi loài mãi được an lạc”. Tất cả đại chúng và A-nan-đà nghe Phật nói thế, chí tâm lắng nghe Ngài thuyết thần chú.
Đức Phật dạy rằng: “Các ông hãy nghe! Phương đông có vua sấm sét A-ga-ta, phương nam có vua sấm sét Sa-tát-ru, phương tây có vua sấm sét Ci-du-táp-ra-ba, phương bắc có vua sấm sét Su-ta-ma-ni. Nếu ai nghe được danh hiệu, biết được nơi chốn các vị vua này, sẽ tránh được tai họa và những nỗi sợ hãi. Nếu nơi nào viết tên bốn vị này, nơi ấy sẽ không có các tai ách, chướng nạn, chết oan”. Dạy đại chúng xong, Thế Tôn liền thuyết: “Ta đa tha, ni mi ni, ni mi ni, ni min đa ri, tri lô ca, lô ca ni, tri sút ra pa ni, rát sa rát sa, sa va ha. Cầu cho con tên… và nơi này không có những nỗi sợ hãi, những khổ não từ sấm sét, cho đến chết oan, sa va ha.”
Bấy giờ đại bồ-tát Quán Thế Âm từ chỗ ngồi trong đại chúng đứng dậy, y bày vai phải, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay con cũng cung kính đối trước Đức Phật, lược thuyết thần chú Như ý bảo châu, làm lợi ích lớn tất cả trời người, thương xót bảo vệ tất cả thế gian, khiến được an lạc, có đủ sức mạnh, thỏa mãn mong cầu”. Bồ-tát thưa xong, liền thuyết thần chú: “Tát da tha, ga tê, vi ga tê, ni ga tê, pờ rát ti a tha kê, pờ ra ti mi trê, sút đê, mút tê, vi ma lê, pờ ra ba sa va rê, an đa rê, pan đa rê, sơ vét tê, Pan đa ra va sít ni, Ha ri, Kan ta ri, Pin ga la ki, Đạt đi mu khi, rát sa rát sa, sa va ha. Nguyện cầu cho con và trụ xứ này xa lìa tất cả những nỗi sợ hãi, những việc khổ não, cho đến chết oan. Nguyện cho con không thấy những tội ác, luôn được bồ-tát Thánh Quán Tự Tại rũ lòng từ bi nghĩ nhớ bảo vệ. Sa va ha”.
Bồ-tát Chấp Kim Cang Bí Mật Chủ cũng vội đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay con cũng thuyết đà-la-ni Vô thắng làm lợi ích cho trời người, thương xót bảo vệ tất cả thế gian, giúp cho chúng sanh có đủ sức mạnh, thỏa mãn mong cầu”. Bạch Đức Phật xong, Bí Mật Chủ thuyết: “Tát da tha, mu ni mu ni, mu ni nê, ha rê, ma ti ma ti, su ma ti, ma ha ma ti, ha ha ha ha, ma ba, i na si thi tê, pa pa, vai ra pa ni, a ham, ci ri ca sa va ha. Bạch đức Thế Tôn! Bài thần chú này còn có tên là Vô thắng ủng hộ, nếu ai nhất tâm thọ trì biên chép, đọc tụng ghi nhớ không quên, con sẽ ngày đêm bảo vệ, để giúp người ấy không gặp sợ hãi, không bị chết oan”.
Bấy giờ Phạm vương, chủ cõi Ta-bà đứng dậy chắp tay, bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay con có pháp đà-la-ni nhiệm mầu, làm lợi ích lớn cho khắp trời người, thương xót bảo vệ tất cả thế gian, giúp cho chúng sanh có đủ sức mạnh, thỏa mãn mong cầu”. Bạch Đức Phật xong, Phạm thiên vương thuyết thần chú: “Tát da tha, hi li mi li, đi li, sa va ha. Bờ ra ma pu rê, Bờ ra ma ma ni, Bờ ra ma ga bê, put pa sam sa thi rê, sa va ha. Bạch đức Thế Tôn! Bài thần chú này tên là Phạm trị, người nào thọ trì, con sẽ bảo vệ, giúp họ xa lìa những việc lo buồn và các tội nghiệp, cho đến không còn trường hợp chết oan”.
Bấy giờ Đế Thích đứng dậy chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay con cũng có đà-la-ni tên Va rát san. Đây là thần chú có ánh sáng lớn, diệt trừ tất cả những nỗi sợ hãi và các ách nạn, tránh được chết oan, cứu khổ ban vui, lợi ích trời người”. Bạch Đức Phật xong, Đế Thích tuyên thuyết: “Tát da tha, vi mi va ri ni, van đa ma đân đê, ma ni nê ti ni, Gô ri, Can đa li, Ma tan ghi, Pút ca si, sa ráp ra ba, hi na ma ti a, ta ma, út ta ra ni, ma ha ra ni, đa ra ni ku, cát ra va kê, sa va ri, sa va ri, sa va ha”.
Bốn vị thiên vương: Đa Văn, Trì Quốc, Tăng Trưởng, Quảng Mục cũng liền đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay chúng con cũng có thần chú Thí nhất thiết chúng sanh vô úy, có năng lực lớn, bảo vệ chúng sanh xa lìa khổ não, giúp họ an lạc, tăng thêm tuổi thọ, không còn khổ não cho đến chết oan”. Bạch Đức Phật xong, bốn vị thiên vương đồng thuyết thần chú: “Ta da tha, pút pê, su pút pê, đu ma, pa ri ha rê, a ri da pa ri sa sít đê, san ti ni, mút kờ tê, mam ga li ê, sút tê, sít đa vi tê, sa va ha”.
Kế đến các vua rồng như: Mạt-na-tư, Điển Quang, Vô Nhiệt Trì, Điển Thiệt, Diệu Quang cũng đều đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay chúng con cũng có đà-la-ni Như ý bảo châu, có năng lực lớn, ngăn chặn sấm sét, trừ nỗi lo sợ, làm lợi ích lớn cho khắp trời người, thương xót bảo vệ tất cả thế gian, giúp cho chúng sanh có đủ sức mạnh, thỏa mãn mong cầu, không còn chết oan, các việc chẳng lành, cho đến tiêu trừ thuốc độc trùng độc, chú thuật hại người. Nay con xin dâng bài thần chú này lên đức Thế Tôn, xin Ngài từ bi xót thương nhận lãnh, để cho chúng con thoát khỏi thân rồng, vĩnh viễn không còn tâm niệm bỏn xẻn. Vì do bỏn xẻn, nên phải chịu khổ trong đường sanh tử. Ngày nay chúng con xin nguyện đoạn dứt nhân bỏn xẻn này”.
Bạch Đức Phật xong, các vua rồng thuyết: “Tát đa tha, a ca lê, a ma lê, am ra tê, át sa dê, a ba dê, pun da pát da pa tê, sát va pa pa pờ ra sa ma ni dê, sa va ha, a li dê, pan đu su pát ni dê, sa va ha. Bạch đức Thế Tôn! Nếu ai trùng tuyên bài thần chú này, hoặc biên chép hay thọ trì đọc tụng, cung kính cúng dường, thì sẽ không bị các nạn sấm sét, các nỗi sợ hãi, khổ đau cho đến tránh được các loại chết oan; đồng thời thuốc độc, trùng độc quỉ mị, ếm đối cầu đảo, sư tử rắn độc, muỗi mòng cũng không thể nào làm hại”.
Thế Tôn bảo rằng: “Hay thay, hay thay! Các thần chú này đều có uy lực, lại có năng lực tùy thuận thỏa mãn các tâm mong cầu của mọi chúng sanh, làm lợi ích lớn, trừ những người không có lòng chí thành, tất cả các ông chớ nên nghi ngờ”.
Nghe Đức Phật dạy, tất cả đại chúng vô cùng vui mừng, cung kính tin nhận. PHẨM 15: THIÊN NỮ ĐẠI BIỆN TÀI
Bấy giờ trong hội, Đại Biện Tài thiên đứng dậy đảnh lễ chân Phật rồi bạch: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu vị pháp sư giảng thuyết kinh này, con sẽ làm cho tăng trưởng trí huệ, đầy đủ biện tài, ngôn từ lưu loát. Nếu vị pháp sư quên sót văn nghĩa, con giúp vị ấy nhớ lại đầy đủ, khéo léo khai ngộ tất cả thính chúng và cũng trao môn tổng trì vô ngại. Kinh Kim quang minh được các hữu tình đã trồng căn lành từ nơi trăm ngàn Đức Phật thọ trì, lưu truyền khắp cõi Diêm-phù-đề này, không để chóng diệt. Con lại giúp cho vô lượng hữu tình nghe bộ kinh này đều được biện tài không thể nghĩ bàn, trí huệ vô tận, thông hiểu các luận, nghề nghiệp thế gian, vượt thoát sanh tử, đạt đến Vô thượng chánh đẳng bồ-đề. Lại giúp người ấy hiện đời thọ mạng dài lâu, đầy đủ vật dụng sinh hoạt hằng ngày.
Bạch đức Thế Tôn! Con sẽ vì vị pháp sư giảng thuyết kinh Kim quang minh, cùng với những người thích nghe kinh này, mà thuyết thần chú và cách tắm rửa bằng nước thuốc, giúp họ tiêu trừ tất cả chướng nạn, cùng những điềm xấu: sao xấu biến hiện xung khắc với sao bổn mạng lúc mới sanh, dịch bệnh chiến tranh, ác mộng quỉ thần, trùng độc bùa yểm, chú quỉ khởi thi[1]. Những người hiểu biết nên thực hành cách tắm rửa như sau:
Đầu tiên chuẩn bị đầy đủ ba mươi hai loại hương dược: xương bồ, ngưu hoàng, mục túc, xạ hương, hùng hoàng, hợp hôn, bạch cập, khung cùng, rễ câu kỉ, nhựa tùng, quế chi, hương phụ, trầm hương, chiên-đàn, linh lăng, đinh tử, uất kim, cao bà-luật, vi hương, trúc hoàng, đậu khấu nhỏ, cam tùng, hoắc hương, rễ tranh, sất-chi, ngãi nạp, an tức, hạt cải, mã cân, long hoa tu, bạch giao, thanh mộc; cân lượng bằng nhau; chọn đúng ngày sao Bố-sái[2] trộn chung các loại hương dược, rồi đem giã nhỏ, rây lấy bột mịn; trì vào hương dược một trăm lẻ tám biến thần chú sau: Ta da tha, su ka ri ti, ka ri ti, ka ri ti, ka ma ta lê, jan ca ri ti, u ka ri ti, in da ra ja li ni, sát ka ran tê, va cha ci lê, a ban ti, ca si kê na, ku đu, ku đu, kha ca vi lê, ka pi lê, ka pi lê, ka pi la ma ti, sí la ma ti, san đi đu ra ma ti, pa ba ka, bam chi lê, Si rê Si rê, sa ti da thi tê, sa va ha.
Nếu muốn tắm rửa đúng phương pháp
Nên chọn nơi an và vắng lặng
Lập một đàn vuông tám khuỷu tay[3]
Tâm luôn nghĩ đến việc mong cầu.
Đàn này, phân bò trải trên đất
Rồi rải các hoa đủ sắc màu
Sau dùng chén bát vàng bạc sạch
Đựng các món ngon và sữa, mật
Bốn mặt đàn tràng mở bốn cửa,
Bốn người canh cửa cho đúng pháp,
Chọn bốn đồng tử thân trang nghiêm
Đứng tại bốn góc bưng bình nước,
Lại luôn đốt hương thơm An tức
Tiếng nhạc ngũ âm thường không dứt
Chung quanh treo lọng và tràng phan,
Cùng các dải lụa nhiều màu sắc.
Bên trong đàn tràng đặt gương sáng,
Đao bén và tên, mỗi loại bốn
Trung tâm chôn một cái bát lớn
Đậy bằng tấm ván có đục lỗ
Dùng bột hương dược hòa nước nóng
Cũng đặt vào trong đàn tràng này
Sau khi lập đàn hoàn bị rồi
Tụng chú kết giới như sau đây:
Ta da tha, an ra kê, na da nê, hi lê, mi lê, gi lê, ki ki lê, sa va ha.
Sau khi kết giới như thế rồi
Mới vào đàn tràng tụng thần chú
Đủ hai mốt biến vào bình nước
Rồi đem vẩy khắp cả đàn tràng.
Sau đó trì vào nước hương dược
Đủ trăm lẻ tám biến không sai
Lại dùng màn che bốn phía đàn
Sau dùng nước này gội thân thể.
Thần chú trì niệm vào nước trong bình và nước hương dược: ta da tha, su ga ti, vi ga ti, vi ga ca, va đê, sa va ha.
Sau khi tắm xong, mang nước hương dược đã qua sử dụng được hứng trong bồn, và thức ăn uống đã qua dâng cúng bỏ vào sông hồ, rồi thu dọn tất cả những vật khác, thay y phục sạch, ra khỏi đàn tràng. Lại vào căn phòng yên tĩnh, vị thầy chú nguyện dạy phát nguyện rộng: ‘Vĩnh viễn đoạn ác, luôn làm việc lành, khởi tâm đại bi đối với chúng sanh. Do nhân duyên này, mà được vô lượng phước báo tùy tâm’. Đại Biện Tài lại thuyết kệ rằng:
Những chúng sanh nào bị bệnh khổ
Dùng nhiều thuốc thang vẫn không lành
Nếu y pháp này tắm gội thân
Đồng thời tụng kinh Kim quang minh
Ngày đêm nhớ nghĩ không quên sót
Thiết tha chuyên chú, phát lòng tin
Tất cả khổ não đều tiêu trừ
Không còn nghèo khổ, được giàu sang.
Tinh tú bốn phương và nhật nguyệt
Thi triển oai thần giúp sống lâu
Cát tường an ổn, phước đức tăng
Tai biến ách nạn thảy tiêu trừ.
Kế đến phải tụng hai mươi mốt biến thần chú hộ thân: Ta da tha, sam mê, vi sam mê, sa va ha, su ga tê, vi ga tê, vi ga tê, sa va ha. Vi ga ta, pam ga chi, va ti sa va ha, Sa ga ra sam bút đa da, sa va ha, Sa ga ra sam bút đa da, sa va ha, sa kan đa, ma ta da, sa va ha, ni la kan ta da, sa va ha, a pa ra ji ta, via da da, sa va ha, hi ma van ta da, sa va ha, a ni mi la vát ta da, sa va ha, na mo ba ga va tê, Bờ ra ma ni, sa va ha, na mô Sa rát va ti ma ha, đép dê, sa va ha, sít dan tu, mam man tra pa đa, sa va ha đa ra ta, va chi tô, Bờ ra ma nu, ma nô ra sa va ha.
Thiên nữ Đại Biện Tài nói pháp tắm rửa, cách lập đàn và các thần chú rồi, liền lễ chân Phật và bạch Ngài rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu có bí-sô, bí-sô-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thọ trì, đọc tụng biên chép, lưu truyền kinh này, theo đó tu hành, thì những người ấy và các thính chúng dù ở nơi đâu, hoặc trong núi rừng, đồng vắng thành thị xóm thôn, hay trụ xứ của tăng ni, chúng con cũng dẫn quyến thuộc trỗi nhạc trời đến bảo vệ, trừ hết bệnh khổ làm lợi ích lớn, cho đến không lui sụt đạo bồ-đề, mau vượt sanh tử”.
Nghe nói như thế, Đức Phật khen ngợi Đại Biện Tài rằng: “Hay thay, hay thay! Thiên nữ có thể làm cho vô lượng vô biên hữu tình an lạc và lợi ích lớn, từ bài thần chú và phương pháp tắm rửa hương dược này. Cô sẽ được phước không thể nghĩ bàn. Nhưng cô cũng nên bảo vệ và giúp kinh tối thắng này lưu truyền mãi mãi và khắp mọi nơi”.
Nghe Phật khen ngợi, thiên nữ vui mừng đảnh lễ chân Phật, rồi lui về ngồi nơi tòa của mình.
Cũng ngay lúc ấy, có bà-la-môn họ Kiều-trần-như, tên là Pháp Sư Thọ Kí nương oai thần Phật, ngay trước đại chúng nói kệ khen ngợi và thỉnh thiên nữ Đại Biện Tài rằng:
Thiên nữ thông minh và dõng mãnh
Trời người cúng dường, nên thọ nhận
Danh tiếng vang khắp cả thế gian
Thỏa mãn chúng sanh bao ước nguyện.
Hoặc đỉnh non cao, làm trụ xứ
Hoặc ở am thất, vách mái tranh
Luôn kết cỏ mềm làm y phục
Nơi nơi luôn đứng nhón một chân.
Thế nhưng trời người luôn nhóm họp
Một lòng ca ngợi và thưa thỉnh
Cầu mong thiên nữ Đại Biện Tài
Nói lời vi diệu ban cho khắp
Thiên nữ nhận lời thỉnh cầu, liền nói thần chú: “Ta da tha, mi ri, chi ô rê, a va tê, a va rê va ti, hin gu lê, min gu lê, pin ga lê va ti, an khu sa, ma ri ci ê, sam ma ti, vi sam ma ti, a gờ ra ti, ma khi ê, ta ra chi, ta ra chi va ti, chia si, chi ri, si ri mi ri, ma nan đi, đa ma khê, ma ri chi ê, pờ ra na pa ry ê, lô ka ja dếp tha, lô ka, sa nét thi, lô ka vi ri ê, sít đa, pa ra tê, bi ma mu khi, su chi cha ri, áp ra ti ha tê, áp ra ti ha ta bút đi, na mu chi, ma ha na mu chi, ma ha đép dê, pờ ra ti-gờ ra ha, na mát ka ra, ma ma but đi, đạc sa bi bút đi, áp ra ti ha ta, ba va tu, si ra ha mê, vi sút đa, ci tô, sát tra si lô ka, man tra-pi ta ka, ka pi da đi sô, tát da tha, ma ha pờ ra ba va, hi li mi li, vi cha ra tu, vi bút đi, ma ma bút đi, vi sút đi, ba ga va ty ê, đê vê dam, Sa rát va tim, ka ra ti, kê du ra ma ti, hi ri mi ri, hi ri mi ri, a ba da, mê ma ha đê vi, bút đa-sát dê na, đạt ma-sát dê na, san ga sat dê na, In đờ ra sát dê na, Va ru na sát dê na, dê lô ki ê sát da, sat dê na, tê sam, sat dê na, sát da va cha ni da, a ba da, mê ma ha đê vi, hi li mi li, hi li mi li, vi cha ra tu, ma ma bút đi, no na mô ba ga va ti, ma ha đê va, Sa rát va ti da, sít đi dan tu, man tra pa đa mê, sa va ha” .
Thiên nữ Biện Tài thuyết thần chú rồi, lại nói với vị bà-la-môn rằng: “Quí thay, quí thay! Đại sĩ có thể vì các chúng sanh mà cầu biện tài vô ngại, cùng những báu vật, trí huệ thần thông để làm lợi ích tất cả chúng sanh, mau chứng bồ-đề. Đại sĩ nên biết phương pháp như thế”. Thiên nữ thuyết kệ:
Trước nên đọc tụng thần chú này
Thật cho làu thông, không lầm lẫn
Qui kính Tam bảo và chư thiên
Cầu xin gia hộ, thỏa nguyện cầu.
Kính lễ chư Phật cùng pháp bảo
Bồ-tát, Độc giác và Thanh văn
Cũng lễ Phạm thiên cùng Đế Thích
Các trời hộ thế bốn thiên vương.
Cả với những người tu Phạm hạnh
Đều phải chí thành cung kính lễ.
Có thể đến nơi thật vắng lặng
Tụng lớn chú này, ca ngợi pháp
Trước tượng Đức Phật và chư thiên
Bày biện phẩm vật mà cúng dường
Khởi tâm từ bi, thương xót khắp
Tất cả chúng sanh ở mọi nơi.
Thân Phật vàng ròng, tướng đoan nghiêm
Chánh niệm quán tưởng, tâm không loạn
Thế Tôn xót thương thuyết giáo pháp
Tùy thuận căn cơ, dạy tập thiền.
Lại tư duy sâu từng câu nghĩa
Nương theo tánh không mà tu tập
Rồi đến trước tượng đức Thế Tôn
Nhất tâm chánh niệm, ngồi kết già
Sẽ được diệu trí tam-ma-địa[4]
Và được tối thắng đà-la-ni.
Kim khẩu Như Lai diễn nói pháp
Tiếng hay điều phục cả trời người
Lưỡi Ngài tùy duyên hiện điềm lạ
Dài rộng che phủ cả đại thiên.
Âm thanh chư Phật diệu như thế
Chí thành ghi nhớ, chẳng sợ lo
Do xưa Đức Phật phát nguyện rộng
Nay được tướng lưỡi chẳng nghĩ bàn
Giảng nói các pháp đều phi hữu
Thí như hư không, chẳng chấp trước.
Âm thanh và lưỡi của chư Phật
Chí tâm tư duy, nguyện sẽ thành.
Thấy người cúng dường Biện Tài thiên
Và thấy đệ tử thuận lời thầy
Nên trao pháp này khiến tu tập
Tôn trọng, tùy tâm, nguyện ắt thành.
Nếu ai muốn được trí tối thượng
Phải nên nhất tâm tu pháp này
Tăng trưởng phước trí và công đức
Nhất định thành tựu, chớ nghi ngờ.
Nếu ai cầu tài, được nhiều tài
Cầu mong thanh danh, có thanh danh
Nếu cầu giải thoát được giải thoát
Nhất định thành tựu, chớ sanh nghi.
Vô lượng vô biên các công đức
Tùy thuận nơi tâm đã ước mong
Nếu thuận pháp này mà tu tập
Nhất định thành tựu, chớ nghi ngờ.
Ở nơi thanh tịnh, thay y mới
Lại lập đàn tràng tùy lớn nhỏ
Dùng bốn bình sạch chứa vị ngon
Ngày đêm cúng dường hương và hoa
Treo lụa nhiều màu và cờ, lọng
Hương xoa, hương bột rải khắp nơi
Cúng dường chư Phật và Biện Tài
Cầu thấy thiên thân, liền thấy được.
Trong hai mốt ngày tụng chú này
Có thể đối diện Đại Biện Tài
Nếu chưa gặp được thiên nữ này
Cần thêm chín ngày chuyên tâm tụng.
Sau đêm cuối cùng còn chưa thấy
Lại đến một nơi thật thanh tịnh
Như pháp vẽ tượng Đại Biện Tài
Cúng dường, trì tụng tâm chuyên nhất
Đêm ngày siêng năng không biếng trễ
Tự lợi, lợi tha thật vô cùng
Quả báo đạt được ban chúng sanh
Tất cả sở cầu đều thành tựu.
Nếu chẳng toại ý, thêm ba tháng
Sáu tháng, chín tháng hoặc một năm
Miệt mài cầu thỉnh, tâm không bỏ
Sẽ được thiên nhãn và tha tâm.
Bà-la-môn Kiều-trần-như nghe nói như thế, lòng rất vui mừng khen chưa từng có, nên bảo mọi người: “Tất cả trời người! Các vị phải nên nhất tâm lắng nghe, nay ta muốn y theo thế tục đế ca ngợi thiên nữ”. Bà-la-môn liền nói kệ rằng:
Kính lễ thiên nữ Na-la-diên[5]
Trong thế gian này được tự tại
Tôi nay ca ngợi tôn giả này
Như xưa tiên nhân đã từng nói.
Cát tường, thành tựu tâm an ổn
Thông minh, tàm quí có thanh danh
Là mẹ sanh dưỡng cả thế gian
Dõng mãnh, lại thêm luôn tinh tiến.
Ở trong quân trận thường chiến thắng
Nuôi lớn, điều phục, tâm từ nhẫn
Hiện làm chị lớn của Diêm-la
Áo tơ tằm hoang, thường đắp mặc.
Dung mạo đẹp xấu đều hiện đủ
Mắt nhìn hay khiến người sợ lo
Vô lượng hạnh tốt vượt thế gian
Bảo vệ, giúp đỡ người tin kính.
Hoặc nơi vách núi, chốn cheo leo
Hoặc bên bờ sông hay hang động
Hoặc tại cây lớn, hoặc rừng sâu
Đều là trụ xứ Đại Biện Tài.
Như có dã nhân chốn thâm sơn
Thì cũng cúng dường cho thiên nữ
Dùng lông khổng tước làm cờ xí
Luôn theo bảo vệ cõi thế trần.
Sư tử, cọp beo thường tùy tùng
Trâu bò gà dê cũng nương theo
Khua linh gõ khánh âm thanh lớn
Chúng núi Tần-đà thảy lắng nghe.
Nghe rồi mang chĩa, đầu búi tròn
Hai tay lại cầm cờ nhật nguyệt
Mỗi tháng, mồng chín và mười một
Thiết lễ cúng dường Đại Biện Tài.
Hoặc hiện làm em Bà-tô thiên
Thấy có chiến tranh, lòng thương xót
Nhớ nghĩ tất cả loài hữu tình
Thiên nữ bậc nhất, không ai bằng.
Lại hiện nữ mục ngưu hoan hỉ
Chiến đấu với trời thường thắng lợi
Thường trụ dài lâu ở thế gian
Lúc hiện nhu hòa, lúc bạo ác.
Thấu suốt bốn pháp Bà-la-môn
Cả pháp huyễn hóa và chú thuật
Trong chúng thiên tiên, luôn tự tại
Tạo ra hạt giống và đất đai.
Mỗi khi thiên nữ đồng nhóm họp
Thế như thác đổ, như triều dâng
Đối với long thần và dạ-xoa
Hiện làm thượng thủ mà điều phục.
Phạm hạnh bậc nhất trong người nữ
Lời nói thì như chủ thế gian
Nếu hiện làm vua, như hoa sen
Nếu bên sông suối, làm cầu thuyền.
Dung mạo như trăng rằm tròn sáng
Học rộng nghe nhiều, chúng tựa nương
Luận biện cao vút như Diệu Cao
Vì người nghĩ nhớ, làm cồn bãi.
Tất cả chư thiên, A-tu-la
Cùng nhau khen ngợi công đức ấy
Cho đến Đế Thích có ngàn mắt
Cũng có ánh nhìn thật kính trọng.
Nếu chúng sanh nào lòng mong cầu
Liền giúp cho họ chóng thành tựu
Giúp người biện tài, sức nghe nhớ
Bậc nhất trong cả đại địa này.
Như ngọn đèn sáng thường chiếu soi
Mười phương cõi nước đều sáng tỏ
Cho đến quỉ thần và cầm thú
Thiên nữ đều thỏa những mong cầu.
Như ngọn núi cao giữa nữ nhân
Như tiên nhân xưa, mãi trụ thế
Như thiếu nữ thiên hằng li dục
Như Đại thế chủ[6], nói lời chân.
Xem khắp các loài ở thế gian
Cho đến cung trời thuộc cõi Dục
Chỉ có thiên nữ là tôn quí
Không có hữu tình nào vượt hơn.
Hoặc người bị vây trong chiến trận
Hoặc rơi hầm lửa, hoặc suối sông
Hoặc vào đường hiểm gặp giặc dữ
Thiên nữ giúp cho được an lành.
Người phạm phép vua bị gông cùm
Hoặc bị kẻ thù sắp gia hại
Nếu tâm chuyên chú, niệm không rời
Nhất định thoát khỏi những nạn khổ.
Từ bi thương xót khắp chúng sanh
Hiền ác đều giúp được an lành
Nên tôi chí thành xin đảnh lễ
Nương tựa thiên nữ Đại Biện Tài
Bà-la-môn lại dùng bài chú tán, khen ngợi thiên nữ:
Kính lễ, kính lễ bậc tối tôn!
Người mẹ bậc nhất ở trên đời
Ba loại thế gian đều dâng cúng
Diện mạo dung nghi, người thích nhìn.
Thân thể trang nghiêm nhiều tướng quí
Mắt dài và rộng tựa cánh sen
Phước trí rạng ngời, danh vang khắp
Thí như châu báu, chẳng tính lường.
Tôi nay ca ngợi bậc tối tôn
Giúp người thành tựu mọi ước mong
Tướng diệu cát tường, công đức thật
Như hoa sen ấy, thật sạch trong.
Thân tướng đoan nghiêm, người thích nhìn
Các tướng hiếm có, chẳng nghĩ bàn
Ý niệm tuyệt vời trong các niệm
Trí tuệ chiếu soi sáng sạch trong.
Giống như sư tử vua loài thú
Thường hiện tám tay ở nơi thân
Mỗi cầm cung tên, đao, mâu, búa
Chày dài, dây lụa với thiết luân.
Mặt đẹp, dễ nhìn tựa trăng rằm
Ngôn từ trôi chảy, phát hòa âm
Chư thiên, Đế Thích đều dâng cúng
Đồng thời ca ngợi, đáng về nương.
Các đức đều thật chẳng nghĩ bàn
Mọi lúc lòng tôi đều cung kính.
Sa va ha.
Ai muốn cầu xin Đại biện Tài
Y theo câu chữ chú tán này
Mỗi sáng trong lành, chí tâm tụng
Tất cả cầu mong sẽ trọn thành.
Bấy giờ Đức Phật bảo Bà-la-môn: “Hay thay, hay thay! Ông đã khéo léo làm lợi ích lớn, ban cho chúng sanh mọi sự an lạc, mà hết lòng ca ngợi thiên nữ và cầu xin bảo vệ, ông sẽ có được vô biên phước đức”. Chú thích:
[1] Chú quỉ khởi thi: trì chú vào thi thể người chết khiến đứng dậy đi giết người.
[2] Bố-sái: tức ngày mồng tám mỗi tháng.
[3] Khuỷ tay: một đơn vị do chiều dài của Ấn Độ thời xưa, tương tương với hai mươi bốn lóng tay.
[4] Tam-ma-địa: tam-muội, trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, không hôn trầm, điệu cử.
[5] Na-la-diên: một vị thần có sức mạnh vô địch trong truyền thuyết Ấn Độ cổ đại, còn gọi là Kim Cang lực sĩ, Nhân Trung lực sĩ.
[6] Đại thế chủ: tức Kiều-đàm-di, dì ruột của thái tử Tất-đạt-đa.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.152.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.