Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẦN I
Tôi nghe như vầy, có một lần, Phật ngự tại thành Xá Vệ, trong vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ Đà, cùng với một ngàn, hai trăm năm mươi vị Đại Tỳ Kheo.
Lúc ấy gần đến bữa ăn. Đức Thế Tôn mặc áo, ôm bát đi vào thành Xá Vệ khất thực. Sau khi theo thứ tự ghé từng nhà khất thực, Ngài trở về chỗ ở. Dùng trai xong, Ngài xếp dẹp y bát , rửa chân rồi trải tọa cụ mà ngồi.
Khi đó ở trong đại chúng, Trưởng Lão Tu Bồ Đề từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo phía vai hữu ra, gối bên hữu quì xuống, chắp tay cung kính bạch Phật rằng :
“ Đức Thế Tôn thật hiếm có, Như Lai thật khéo hộ niệm các vị Bồ-Tát, khéo phó chúc các vị Bồ-Tát. “
“ Bạch Thế Tôn, Thiện nam, tín nữ muốn phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì phải trụ tâm vào đâu và hàng phục tâm như thế nào?”
NGHI VẤN
Vì các Bồ-Tát có phát nguyện : Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ nên Ngài Tu Bồ Đề mới hỏi Phật câu đó vì Ngài thấy chúng sinh vô lượng, vô biên trong vũ trụ, làm sao độ được hết, vì vậy tâm hoang mang.
VĂN KINH
Phật dạy:
“ Lành thay! lành thay ! Tu Bồ Đề, như người vừa nói, Như Lai thật khéo hộ niệm các vị Bồ-Tát, thật khéo phó chúc các vị Bồ-Tát. Vậy ngươi hãy chăm chú nghe, ta sẽ vì ngươi chỉ dạy. Thiện nam, thiện nữ muốn phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì nên an trụ, nên hàng phục tâm như thế này.”
“ Dạ bạch Thế Tôn, tôi rất vui mừng được nghe”.
Phật dậy Tu Bồ Đề
“ Các vị Bồ-Tát Ma Ha Tát phải hàng phục cái tâm như thế này ”
GIẢI THÍCH:
Chỗ này Phật nói đến cách hàng phục tâm, chưa nói đến cách an trụ nó.
Vì mọi người đều có thói quen, chấp trước sai lầm vào cái danh,vào ngôn từ. Việc đầu tiên là diệt trừ thói quen sai lầm đó. Chúng sanh và Niết Bàn đều không phải là thật. đều không tồn tại. Một khi danh, ngôn từ đã trừ bỏ thì thói quen sai lầm đó lập tức tiêu tan, và tâm sẽ đương nhiên an tịnh, không cần phải hàng phục nữa. Ngài có nói “ Cái tâm điên cuồng không bao giờ ngơi nghỉ. Nếu ngơi nghỉ thì sẽ giác ngộ ngay. Chỉ cần làm cho tâm trống rỗng, không còn phàm tình nào thì lúc đó không cần phải giải thích lời các vị thánh nữa”.
VĂN KINH
Tất cả các loài chúng sinh: Loài sanh từ trứng, từ thai, loài sanh nơi ẩm thấp, loài sanh do chuyển hóa. Loài có hình sắc, loài không có hình sắc, loài có tưởng, loài không có tưởng. Tất cả đều được ta dẫn nhập vào Vô Dư Niết Bàn mà không diệt độ cho. Diệt độ cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sanh nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả.
Vì sao ? Này Tu Bồ Đề, nếu Bồ-Tát còn chấp tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ-Tát thật.
GIẢI THÍCH:
Thứ nhất : vì chúng sinh là giả có, do duyên khởi mà có nên không thực. Do chúng sinh và pháp giới chỉ là vọng kiến, như hoa đốm trong hư không, không thực có. Còn nếu xem chúng sinh trong căn bản là không thì trong căn bản chúng sanh là Như Như. Vì chúng sanh đã ở trạng thái Như Như nên chúng sanh đều đã tịch diệt. Do đó đều đã được Phật dẫn độ vào Niết Bàn rốt ráo. Kinh Tịnh Danh nói “ Tất cả chúng sanh sau cùng đều tịch diệt, không thể diệt hơn được nữa”.
Thư hai: Vì Bồ-Tát không chấp bổn ngã nên không thấy ta và người, do không thấy người nên không thấy có chúng sanh, không có chúng sanh phải thọ giả. Không có thọ giả thì chúng sanh tịch diệt. Cho nên nói “ Dẫn độ vô số vô lượng, vô biên chúng sanh đến Niết Bàn mà thực ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả” .
NGHI VẤN 1:
Phật dạy các Bồ-Tát thực hành bố thí Ba La Mật, mà người nhận bố thí là chúng sanh. Nay tất cả chúng sinh đều là không, đều không có thật, vậy thì ai là người nhận bố thí?
VĂN KINH
Hơn nữa, này Tu Bồ Đề ! Bồ tát không nên trụ tâm bất cứ nơi nào trong khi bố thí. Nghĩa là phải bố thí mà không để tâm trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp . Này Tu Bồ Đề! Bồ-Tát phải bố thí như thế đó, không để tâm trụ nơi sắc tướng.
GIẢI THÍCH
Pháp giới và chúng sinh được nhận ra do sáu giác quan, mà các đối tượng của giác quan đều không có thật , chúng sinh trong căn bản cũng không có thật nên Phật mới dạy “Tâm không nên trụ bất cứ nơi nào “ khi bố thí.
NGHI VẤN 2:
Nếu tâm không trụ nơi sắc tướng thì làm sao sanh phước đức?
VĂN KINH
Tại sao? Vì nếu Bồ-Tát không trụ tướng khi bố thí thì phước đức không thể suy tư, đo lường nổi. Này Tu Bồ Đề ! ý ông thế nào? Có thể suy tư, đo lường hư không ở phương Đông không?
- Bạch Thế Tôn ! không.
- Này Tu Bồ Đề ! có thể suy tư, đo lường hư không ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương bàng và phương Thượng, phương Hạ ?
- Bạch Thế Tôn! Không.
- Này Tu Bồ Đề ! Bồ -Tát bố thí mà tâm không trụ vào tướng thì phước đức cũng như thế đó, không thể suy tư, đo lường được.
GIẢI THÍCH :
Sự bố thí được thực hiện khi tâm còn bám víu vào sắc tướng sẽ bị sắc tướng hạn chế, mà trong Bổn Thể sắc tướng chỉ là một hạt bụi. Vì thế dù có bố thí bao nhiêu mà chấp tướng thì phước đức cũng không thể nhiều được. Nếu khi bố thí mà không cần biết đến người bố thí, người thọ thí và vật bố thí thì không bị sắc tướng hạn chế, và phước đức sẽ là vô lượng.
Khi bố thí mà không chấp người bố thí, người thọ thí và vật bố thí tức là đã thực hiện một hành đông vô vi, thể hợp với chân như, Phật tánh vì vậy phước đức nhiều vô lượng.
Khi bố thí mà không chấp người thí, người thọ thí và vật thí là đã phù hợp với lý tánh của Chân Như, vì người thí, người thọ thí và vật thí đều từ Chơn Như khởi hiện, và đều không thật.
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Bồ-Tát chỉ nên an trụ tâm như ta dạy đó.
GIẢI THÍCH:
Đoạn kinh văn này Phật dạy phương pháp làm cho tâm yên tịnh bằng cách xem Vô Ngã là điểm chánh. Nếu không có ngã tất nhiên không có nhân. Nếu Nhân, Ngã đã quên thì tự tâm tịch diệt. Nếu tự tâm tịch diệt thì chúng sanh tịch diệt. Chúng sanh tịch diệt thì bất tất phải cầu quả Phật nữa. Cái tâm bồn chồn cầu cạnh nay đã an nghỉ, đã quên hẳn mọi ham muốn nắm giữ hay vứt bỏ. Nội tâm, ngoại cảnh đều không thì chỉ có cái tâm duy nhất, bất động. Vì vậy nên nói tâm này là NHƯ. Đó là phương pháp an tâm.
NGHI VẤN 3:
Các Bồ-Tát trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh, làm phước bố thí. Nay chúng sinh vốn không, bố thí chẳng thật thì làm sao được thành Phật . Đức Như Lai thân tướng rõ ràng, chắc chắn không phải do một cái nhân không có sắc tướng.
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề, ý ngươi thế nào? Có thể thấy Như Lai bằng thân tướng của ngài không?
Bạch Thế Tôn ! không, không thể thấy thân tướng mà cho rằng thấy được Đức Như Lai. Tại sao? Vì khi Như Lai nói đến thân tướng thì đó không phải là thân tướng.
Phật dạy Tu Bồ Đề
“Phàm mọi vật có tướng đều là không thật” . Nếu nhận thấy được các sắc tướng đều không phải là tướng thì sẽ nhận thức được Đức Như Lai
GIẢI THÍCH:
Vì Tu Bồ Đề nghe nói đến cái nhân không có sắc tướng liền nghi ngờ cái nhân đó không thể cầu được quả Phật sắc tướng. Vì thế Đức Thế Tôn phá tan cái quan niệm về sắc tướng của Tu Bồ Đề. Đức Phật dạy rằng : Không nên nhận thức Đức Như Lai bằng sắc tướng, vì cái thân mà Phật nói đó là Pháp Thân Phật. Bởi thế mới nói “ Đó không phải là thân tướng thật”. Vì Pháp Thân không có sắc tướng. Nếu ở giữa sắc tướng của mọi sự vật , người ta nhận thấy chúng đều là không thật (không phải sắc tướng thật) thì người ta sẽ nhận thức Đức Như Lai có một sắc tướng đặc biệt bên ngoài sắc tướng của mọi sự vật. Thế thì rõ ràng là : Một cái nhân không có sắc tướng , hợp với một cái qủa không có sắc tướng.
NGHI VẤN 4:
Vì giáo lý “ Một cái nhân vô sắc tướng phù hợp với một cái quả vô sắc tướng “ là quá cao thâm nên chúng sinh khó tin, và khó giải thích được nó.
VĂN KINH:
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng
- Bạch Thế Tôn ! như có chúng sinh nghe được những lời nói ấy , không biết có đem lòng tin thật chăng?
Phật bảo Tu Bồ Đề :
- Đừng nói như thế. Sau khi Như Lai nhập diệt năm trăm năm sau cũng có chúng sinh trì giới hoặc tu phước được nghe những chương, những câu ấy đem lòng tin ngay và cho đó là thật. Nên biết những người đó chẳng những đã gieo căn lành trong một cõi Phật, hai cõi Phật, ba, bốn, năm cõi Phật , nhưng đã gieo trồng căn lành trong muôn ngàn, vô lượng cõi Phật. Vừa được nghe những câu kinh này liền tức khắc sinh lòng tin trong sạch
- Này Tu Bồ Đề ! Như Lai biết tất cả, thấy tất cả chúng sinh được phước đức vô lượng như thế. Tại sao? Vì các chúng sinh đó không còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, không còn tướng pháp, cũng không còn tướng phi pháp nữa. Tại sao? Vì các chúng sinh đó nếu tâm còn giữ tướng , tức chấp bốn niệm về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu tâm còn chấp tướng pháp, tướng phi pháp tức là còn chấp ngã . Tại sao? Vì nếu tâm còn chấp tướng pháp, tướng phi pháp tức là còn chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Vì thế không nên giữ ý niệm về pháp, mà cũng không nên giữ ý niệm về phi pháp. Vì lẽ đó nên Đức Như Lai thường nói
“ Các Tỳ Kheo nên biết cái pháp ta thuyết có thể ví như chiếc bè. Pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp”.
GIẢI THÍCH :
Ngaì Tu Bồ Đề thắc mắc: Cái chân lý ” Từ cái nhân vô sắc tướng dẫn đến một cái quả vô sắc tướng. Như thế nhân và quả đều không, người và pháp đều mất “ xem ra quá cao siêu đối với chúng sinh, nên có thể họ sẽ không tin.
Đức Phật dạy : Có những chúng sinh tin như thế. Tuy nhiên họ là những người đã gieo trồng căn lành nơi vô lượng cõi Phật thời quá khứ. Khi khởi một niệm tin họ đã nhận được vô lượng phước đức. Sở dĩ như vậy là vì phước đức này không bị giới hạn bởi sắc tướng.
Một khi khởi lòng tin tức là họ đã từ bỏ :ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Vì không còn bốn tướng đó nên tâm và cảnh đều không. Họ không chấp vào sắc tướng và phi sắc tướng tức là không chấp vào pháp và phi pháp.
Một khi đã hiểu thấu giáo lý này thì quan niệm về nhân và pháp không còn nữa. Tất cả chấp trước bị bỏ rơi tức khắc và do đó vượt lên trên tất cả những gì hiện hữu vậy.
Vì thế Đức Phật dạy chúng ta từ bỏ cái quyến niệm về pháp. Từ bỏ quyến niệm về pháp tức là từ bỏ tình cảm. Một khi tình cảm được từ bỏ thì chơn trí sẽ viên mãn vậy. Cho nên Đức Phật bảo “ Cho đến pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp”.
NGHI VẤN 5
Tu Bồ Đề nghĩ: Nếu Phật không có sắc tướng, và Pháp thì phải từ bỏ vậy là không có Phật và cũng không có Pháp. Nhưng nay ta hiện thấy có Phật đã thành và đang thuyết Pháp .Vậy sự thật như thế nào?
VĂN KINH:
Tu Bồ Đề, ý ngươi thế nào? Như Lai có chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng , Chánh Giác chăng? Như Lai có thật sự thuyết Pháp chăng?
Tu Bồ Đề nói :
Theo như tôi hiểu ý Phật nói thì không có cái Pháp đã định sẵn nào gọi là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cũng không có cái Pháp đã định sẵn nào mà Như Lai có thể thuyết. Vì sao ? Vì cái thuyết mà Như Lai thuyết không thể thủ được, mà cũng không thể miêu tả được bằng lời nói , nó không phải là Pháp mà cũng không phải là phi Pháp. Vì sao có thể như thế được? Tất cả các Hiền Thánh đều theo Vô Vi Pháp nhưng có chỗ khác biệt nhau về trình độ hiểu biết.
GIẢI THÍCH
Nếu có một cái pháp định sẵn thì nó đã nằm trong hữu vi, không thể là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác được. Như Lai chỉ dạy về pháp đó, là tùy theo căn cơ, trình độ của từng người, Pháp đó không thể thủ giữ được và cũng không thể miêu tả bằng lời được. Nó không phải là Pháp cũng không phải Phi Pháp. Tất cả các Hiền Thánh đều theo học pháp Vô Vi này. Nhưng địa vị cao thấp khác nhau vì trình độ thâm hiểu khác nhau.
NGHI VẤN 6
Tu Bồ Đề đã hiểu giáo lý “ Không có Phật và không có Pháp” nhưng vẫn chưa hiểu tại sao khi Tâm hòa hợp với vô vi thì lại được phước đức tột bậc.
VĂN KINH
- Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như có người chất chứa tam thiên đại thiên thế giới đầy bảy loại báu và đem ra bố thí, thì phước đức người đó có nhiều hay không?
Tu Bồ Đề nói:
- Bạch Thế Tôn thật nhiều, vì sao? Vì phước đức đó không có tánh chất phước đức nên Như Lai mới bảo là phước đức nhiều.
- Nếu có người chỉ thọ trì bốn câu kệ trong kinh này đem ra giảng thuyết cho người khác nghe, thì phước đức lại nhiều hơn người trước. Vì sao thế? Này Tu Bồ Đề! Tất cả các Đức Phật và cái Pháp Vô Thượng Chánh Dẳng, Chánh Giác của Phật đều xuất phát từ kinh này. Này Tu Bồ Đề! Tuy gọi là Phật và Pháp, nhưng không phải là Phật và Pháp.
GIẢI THÍCH
Đức Phật giảng về phước đức không có sắc tướng để cho thấy rõ cái Pháp không sắc tướng là cái Pháp tối cao. Tu Bồ Đề đã hiểu giáo lý vô tướng, nhưng không biết là hòa hợp với giáo lý vô tướng thì được phước đức vô tướng. Ông không hiểu rằng vì sao phước vô tướng lại có thể trội hơn phước đức thâu hoạch được trong lúc còn chấp tướng. Vì thế Đức Phật dạy rằng phước đức tột bực của bố thí khi chấp tướng cũng không thể bằng được phước đức do sự thọ trì một bài kệ bốn câu trong kinh này. Bởi vì một bài kệ bốn câu trong kinh này là trí tuệ, là Bát Nhã. Mà chư Phật đều xuất sanh từ Bát Nhã này. Ngài nói “Bát Nhã là mẹ của chư Phật”. Mà “ Một bà mẹ được tôn kính do nơi các đứa con lỗi lạc của bà ”. Cũng thế, Bát Nhã có thể sanh xuất Phật và Pháp, nhưng Bát Nhã thật sự không phải là Phật và Pháp vậy. Vì thế ngài nói “ Cái được gọi là Phật và Pháp không phải là Phật và Pháp thật sự “.
NGHI VẤN 7:
Vì không có Pháp để thuyết, không có Phật để thành nên cả hai Phật và Pháp đều không thể chứng đắc. Tuy nhiên trước kia Đức Thế Tôn đã vì đệ tử Thanh Văn mà giảng Pháp Tứ Đế. Đó chắc chắn là một Pháp. Họ đã y theo Pháp đó mà tu và thâu được kết quả là họ trụ trong Niết Bàn. Nay vì sao Thế Tôn lại nói ngược lại tất cả những giáo huấn trước kia, khi ngài nói tất cả đều KHÔNG, tức là không có gì tồn tại ?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Bậc Tu Đà Hoàn có nên có ý niệm “ Tôi đắc quả Tu Đà Hoàn” không?
Tu Bồ Đề nói :
- Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì Tu Đà Hoàn có nghĩa là “Nhập lưu”, nhưng thật sự không có nhập chỗ nào, không nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc. Vì vậy mới là Tu Đà Hoàn.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Bậc Tư Đà Hàm có nên có ý niệm “ Tôi đắc quả Tư Đà Hàm” không?
Tu Bồ Đề nói:
- Bạch Thế Tôn ! không. Vì sao? Vì Tư Đà Hàm có nghĩa là “Nhất vãng lai”. Nhưng thật sự không có vãng lai, vì vậy mới gọi là Tư Đà Hàm
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào?. Bậc A Na Hàm có nên có ý niệm “Tôi đắc quả A Na Hàm” không?
Tu Bồ Đề nói:
- Bạch Thế Tôn! Không. Vì A Na Hàm có nghĩa là “Không trở lại”, nhưng thật sự không có cái gì là không trở lại, vì thế mới gọi là A Na Hàm.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Bậc A La Hán có nên có ý niệm “ Tôi đắc quả A-La-Hán” không?
Tu Bồ Đề nói:
- Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì không có pháp nào gọi là A-La-Hán. Bạch Thế Tôn, nếu bảo A La Hán có ý niệm “ Tôi đắc đạo A-La-Hán “ tức là còn chấp trước ý niệm về Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Bạch Thế Tôn ngài dạy tôi rằng: Tôi đắc pháp Vô Tránh Tam Muội là cao nhất trong loài người, và tôi là A-La-Hán ly dục cao nhất. Bạch Thế Tôn tôi không có ý niệm “Tôi là A-La-Hán ly dục” . Bạch Thế Tôn! Nếu tôi có ý niệm “Tôi đắc đạo A-La-Hán “ thì Thế Tôn đã không dạy rằng : Tu Bồ Đề này ưa thích hạnh A-Lan-Na. Vì Tu Bồ Đề không có hành động dù là trong tâm trí nên mới gọi là Tu Bồ Đề ưa thích sự yên lặng trầm tịnh.
GIẢI THÍCH:
Đoạn trước Phật dạy rằng : Không có pháp nào để thủ, không có quả Phật nào để cầu. Đoạn này Phật khai triển xuống đến các thứ bậc quả vị Thanh Văn . Nhận xét nó bằng trí tuệ Bát Nhã. Phật hỏi Tu Bồ Đề : “ Ý ngươi thế nào?” về bốn quả của Thanh Văn.. Và ngài Tu Bồ Đề đã trả lời đúng theo tinh thần Bát Nhã.
1) Tu Đà Hoàn có nghĩa là nhập lưu, là vào dòng thánh, là đi ngược lại dòng sanh tử. Nhưng thật ra chẳng nhập vào đâu cả, chẳng trụ vào đâu cả, mà chính là không sa đà nơi lục trần, không bị lục trần lôi kéo.
2) Tư Đà Hàm có nghĩa là trở lại một lần. Người đắc quả này còn một lần sinh trở lại Dục giới. Thật ra người đạt quả này, trong tư tưởng vẫn còn một phần vương vấn ở cõi dục nên phải sinh trở lại. Nếu đoạn trừ dứt khoát thì đã khỏi sinh. Thật sự không có nơi nào để trở về, để an trụ.
3) A Na Hàm có nghĩa là bất lai, là không trở lại cõi dục giới này nữa chứ không có nghĩa là có nơi chốn nào để trở về, để an trụ.
4) A-La-Hán là vô sanh. Đối với A-La-Hán tất cả các pháp đều là không, Thật sự không một pháp, một ý niệm nào phát sanh trong tâm. (do đó mới chứng vô sanh) Nếu A-La-Hán có ý niệm “ Ta là A-La-Hán” tức là đã khởi niệm, đã sai lầm, đã chấp tướng “Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả”.
Tu Bồ Đề nói : Đức Thế Tôn nói tôi đắc Vô Tránh Tam Muội, lại khen tôi đứng bậc nhất giữa loài người. Ngài lại nói tôi là A-La-Hán ly dục bậc nhất . Được Thế Tôn khen ngợi nhiều như thế, nhưng tôi tự xét kỹ tâm mình, chưa từng phát sanh một niệm nào chấp trước :tôi là A-La-Hán ly dục vậy. Nếu tôi đã có ý niệm đó thì Thế Tôn đã không nói tôi ưa thích trầm tịnh yên lặng. Theo như tôi thấy bây giờ thì Niết Bàn đã nói lúc trước thật ra không phải là một nơi để an trụ. Như thế, thấy rõ là quả Bồ Đề của Đức Như Lai cũng không phải là một nơi mà tâm có thể an trụ vậy. Thế thì còn gì để nghi nữa?”.
NGHI VẤN 8
Nếu Phật quả là không có nơi an trụ thì tại sao Như Lai hiện tiền đây đã được Phật Nhiên Đăng thụ ký về việc thành Phật sau này ? Nếu đã có Phật để thành thì sao lại không có một cái quả để an trụ?
VĂN KINH
Phật dạy Tu Bồ Đề
- Ý ngươi thế nào? Khi xưa ở nơi Phật Nhiên Đăng , Phật có chỗ chi đắc Pháp không?
- Bạch Thế Tôn! không. Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng thật không có chỗ chi đắc Pháp.
GIẢI THÍCH :
Tu Bồ Đề nghĩ rằng tuy quả Bồ Đề vô trụ, nhưng chắc phải có một sự thành đạt nào đó.
Thế Tôn đón hỏi trước để Tu Bồ Đề hiểu rằng :Phật Nhiên Đăng nói là thọ ký, nhưng đó chỉ là ấn chứng sự giác ngộ của cái tâm này thôi, chớ thật ra không có cái gì để hoạch đắc hết. Nếu có hoạch đắc thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho ta như thế.
NGHI VẤN 9
Bồ Đề không nơi trụ, quả Phật không thể đạt được, như thế cần gì trang nghiêm cõi Phật? Nhưng vì sao Đức Thế Tôn lại dạy chúng ta thực hành những hạnh của Bồ-Tát để trang nghiêm cõi Phật?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề ! ý ngươi thế nào? Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật không?
- Bạch Thế Tôn! Không. Tại sao? Vì trang nghiêm cõi Phật không phải là trang nghiêm thật sự mà chỉ được gọi là trang nghiêm.
- Vì lẽ đó, này Tu Bồ Đề ! các vị Bồ-Tát Ma Ha Tát nên mở rông tâm yên tịnh như thế này: Không nên để tâm trụ sắc, thanh, hương, vị xúc và pháp. Họ phải sanh tâm không trụ vào đâu hết.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề nghĩ rằng : Nếu không thành Phật được, lại không có Niết Bàn để an trụ , thì cần gì phải trang nghiêm cõi Phật. Vì ông tưởng rằng thật sự có cõi Phật cần được trang nghiêm. Đó là do chấp tướng vậy. Bởi vậy Đức Thế Tôn mới hỏi Tu Bồ Đề
” Các vị Bồ-Tát có thật sự trang nghiêm cõi Phật không?”
Tu Bồ Đề hiểu ngay ý Phật và trả lời
“ Đó không phải là trang nghiêm cõi Phật mà chỉ được gọi là trang nghiêm”.
Làm sao hiểu được nghĩa câu này ? :
Cõi Phật là cõi thanh tịnh. Cõi thanh tịnh đó há có thể dùng bảy báu để trang nghiêm sao? Nơi cõi thanh tịnh của chư Phật, chỉ dùng cái tâm thanh tịnh, giác ngộ rửa sạch mọi uế nhiễm. Khi mọi uế nhiễm đã không còn thì cõi đó tự nhiên trở nên thanh tịnh. Đó là dùng tâm thanh tịnh để trang nghiêm. Tuy nhiên thứ trang nghiêm này không phải là thứ trang nghiêm như người đời thường nghĩ. Vì thế trong kinh mới nói “ Đó không phải là trang nghiêm thật sự mà chỉ được gọi là trang nghiêm”.
Như thế rõ ràng là khi Bồ-Tát trang nghiêm cõi Phật, họ không cần dùng thứ gì bên ngoài cả, mà chỉ tự mình làm cho tâm thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh thì cõi Phật tự nhiên thanh tịnh.
Tuy nhiên đã nói là thanh tịnh thì làm sao có thể sanh tâm?
Phật nói : Thanh tịnh làm sao sanh tâm? Chỉ cần đừng sanh cái tâm bị lục trần ô nhiễm mà thôi. Vì không có cái gì thanh tịnh để người ta có thể trụ trong đó mà sanh tâm. Đó chính là khi chấp trước không còn , tình cảm đã tan mất thì cái tâm thanh tịnh tự nhiên xuất hiện. Vì thế Phật nói “ Phải sanh tâm không trụ vào đâu hết”. Tam Tổ nói “ Đừng theo đuổi nhân duyên của cái tồn tại và đừng trụ trong cái Không nhẫn” (Không nhẫn là sự nhẫn nhục đạt đến bằng cách xem mọi vật là không). Không có phương pháp an tâm nào cao diệu hơn nó. Vì thế Lục Tổ vừa nghe câu kinh này đã tức khắc giác ngộ.
NGHI VẤN 10
Nếu không trang nghiêm cõi Phật, nếu không có cõi Phật thì Báo Thân Phật cao ngàn trượng sẽ cư ngụ tại đâu?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ví như có người thân thể như núi Tu Di. Ý ngươi thế nào? Thân thể đó có to lớn không?
Tu Bồ Đề nói
- Bạch Thế Tôn! To lớn lắm. Vì sao? Vì Phật nói đó không phải là thân thể thật, nhưng được gọi là thân thể to lớn.
GIẢI THÍCH
Báo Thân, Pháp Thân Phật không phải là một cái thân (Phi thân chi thân) thân đó vô tướng. Cõi Phật không phải là một cõi (Phi độ chi độ) cõi đó vô hình. Chỉ là cái tâm yên tịnh, sáng lạng.
Khi quan niệm về thân và cõi đều không còn. Quan niệm về tâm và cảnh đã dẹp tan, thì sẽ đạt đến Bát Nhã tuyệt đối và ý nghĩa về Pháp Thân vô trụ sẽ sáng tỏ. Vì thế, dẫn dắt đến mức nào thì Thực Tướng (Chân lý) không còn cần lời để miêu tả.
Kẻ nào tin tưởng vào giáo huấn này sẽ được phước đức vô lượng.
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ví như trong sông Hằng có bao nhiêu cát thì lại có bấy nhiêu sông Hằng. Ý ngươi thế nào? Số cát trong tất cả các sông Hằng đó có nhiều không?
Tu Bồ Đề nói :
- Bạch Thế Tôn ! nhiều lắm. Những sông Hằng đã là vô số rồi huống chi là cát.
- Này Tu Bồ Đề! Nay ta bảo thật với ngươi. Như có thiện nam, tín nữ đem bảy báu chứa đầy một số tam thiên đại thiên thế giới nhiều như số cát những sông Hằng của ngươi, dùng để bố thí thì có được phước đức nhiều chăng?
Tu Bồ Đề nói
- Bạch Thế Tôn! Thật là nhiều.
Phật dạy Tu Bồ Đề
- Như có thiện nam, tín nữ chỉ thọ trì bốn câu kệ trong kinh này và đem giảng dạy người khác , thì phước đức này trội hơn phước đức trước. Hơn nữa này Tu Bồ Đề ! nơi nào giảng thuyết kinh này, dù chỉ bốn câu kệ thì nên biết rằng nơi đó tất cả Tiên, Người, Thần trong thế gian đều phải cúng dường như là tháp miếu Phật. Huống chi là người có thể thọ trì và đọc tụng trọn kinh này! Này Tu Bồ Đề! Nên biết rằng người đó đã thành tựu cái Pháp tối cao và hiếm có nhất. Bất cứ nơi nào có kinh điển này thì tức là nơi đó có Phật và các đệ tử đáng kính của Ngài.
GIẢI THÍCH
Chỉ giảng thuyết bốn câu kinh thì phước đức trội hơn là bố thí bảy báu chất đầy một số thế giới nhiều như số cát trong vô số sông Hằng. Vì bài kệ bốn câu tiêu biểu toàn thể Pháp Thân cho nên không khác chi Phật còn tại thế với các đệ tử đang giảng thuyết kinh đó vậy. Pháp Thân được hoàn toàn hiển lộ nên các nghi ngờ đều bị phá tan. Từ những lời nói bị quên lãng, Chân Lý xuất hiện.
VĂN KINH
Lúc ấy Tu Bồ Đề bạch Phật rằng
- Bạch Thế Tôn! Nên gọi kinh này là kinh gì? Và chúng tôi phải phụng trì như thế nào?
Phật dạy Tu Bồ Đề:
- Kinh này là kinh Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật. Ngươi nên dùng tên đó mà phụng trì. Vì sao? Này Tu Bồ Đề! Phật nói Bát-Nhã Ba-La-Mật tức không phải là Bát-Nhã Ba-La-Mật. Chỉ được gọi là Bát-Nhã Ba-La-Mật.
GIẢI THÍCH
Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật là Trí huệ kim cang, đáo bỉ ngạn. Phật bảo dùng tên Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật là vì pháp này không có tên, chỉ dùng trí huệ để giải thoát. Trí huệ là dụng của tâm. Một khi đạt được bổn tâm thì trí huệ tự nhiên sáng tỏ. Cho nên nói trí huệ mà thực ra chẳng phải trí huệ nào khác. Chỉ là bản tâm. Vì thế mới nói Bát-Nhã Ba-La-Mật tức không phải Bát-Nhã Ba-La-Mật. Chỉ được gọi là Bát-Nhã Ba-La-Mật.
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có thuyết pháp không?
Tu Bồ Đề bạch Phật
- Bạch Thế Tôn! Như Lai không có giảng thuyết chi hết.
GIẢI THÍCH
Nếu nói Phật thuyết pháp tức chấp vào sắc tướng. Nhưng Phật Thân tức Pháp Thân, Pháp Thân không phải là thân nên không có thuyết pháp thật sự.
NGHI VẤN 11
Tu Bồ Đề nghĩ : Nếu Pháp Thân là vô tướng thì rơi vào đoạn diệt, nghĩa là không có Pháp Thân. Như vậy làm sao nhận biết Pháp Thân ở nơi nào?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Những bụi nhỏ trong tam thiên đại thiên thế giới có nhiều chăng?
- Bạch Thế Tôn! Thật là nhiều.
- Này Tu Bồ Đề! Những bụi nhỏ đó, Như Lai nói không phải thật là bụi nhỏ. Chỉ được gọi là bụi nhỏ. Như Lai nói thế giới không phải thật là thế giới, được gọi là thế giới.
GIẢI THÍCH
Đức Phật dụ Pháp Thân như Thế giới và bụi nhỏ. Được nhận thức như không có thật, nhưng không phải là không có. Không rơi vào đoạn diệt. Nếu nhìn vi trần và thế giới như là sắc tướng thì sẽ thấy muôn ngàn hiện tượng. Nếu nhìn chúng không phải như vi trần và thế giới thì sẽ thấy hư không không phải chỉ là cái “ hư vô trầm tịch và tịch diệt”.
NGHI VẤN 12
Nếu Pháp Thân không có sắc tướng mới là Phật, thì Đức Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp đang hiện diện đây là gì?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có thể nhận thức Như Lai bằng ba mươi hai tướng không?
- Bạch Thế Tôn không. Không thể nhận thức Như lai bằng ba mươi hai tướng được. Vì sao? Vì Như Lai nói ba mươi hai tướng tức không phải là tướng thật, nên gọi là ba mươi hai tướng.
GIẢI THÍCH
Không thể nói Phật có ba mươi hai tướng không phải là Phật thật, vì ba mươi hai tướng đó trong bản thể không phải là tướng thật. Nếu xem sắc tướng như vô tướng thì Hóa Thân chính là Pháp Thân vậy. Đến đây ta thấy ba Thân đều đồng một thể chất. Khi mà thân và cõi Phật đều là KHÔNG thì sẽ đạt đến Tuyệt Đối, mọi tình, thức đều chìm trong quên lãng. Ngôn và từ đều tịch.
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ví như có thiện nam, tín nữ dùng thân mạng mình nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. Lại như có người chỉ dùng bài kệ bốn câu trong kinh này đem giảng dạy kẻ khác, thì phước đức trội hơn người trước.
GIẢI THÍCH
Với giáo lý về Pháp Không, Chân Lý Tuyệt Đối đã được hiển lộ, bốn quan niệm sai lầm về sắc tướng (ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả) không còn nữa. Khi cái chấp về ngã không còn nữa thì Pháp Thân hiển lộ ra. Vì thế Đức Thế Tôn mới so sánh phước đức của sự bố thí: hy sinh xác thân nhiều như cát sông Hằng với phước đức vô biên do sự thọ trì trong tâm bốn câu kệ trong kinh và đem giảng thuyết cho người khác.
VĂN KINH
Lúc ấy Tu Bồ Đề nghe giảng kinh này, hiểu được ý nghĩa sâu xa nên cảm động sa nước mắt và bạch với Phật rằng :
- Bạch Thế Tôn thật là hiếm có! Đức Phật giảng một kinh điển thật là thâm sâu! Từ khi đệ tử đắc huệ nhãn đến nay , chưa từng được nghe một kinh điển nào như thế này.
- Bạch Thế Tôn! Như có người nghe được kinh này sanh lòng tin tưởng thanh tịnh chắc sẽ giác ngộ được thực tướng . Nên biết người này đã thành tựu được công đức cao siêu nhất và hiếm có nhất. Bạch Thế Tôn! Cái thật tướng đó không phải là thật tướng, nhưng Như Lai gọi là thật tướng. Bạch Thế Tôn! Đệ tử nay được nghe kinh này, tin hiểu và thọ trì không chút khó khăn .Nhưng về đời sau trong năm trăn năm sau cùng nếu có người nghe được kinh này , tin hiểu và thọ trì thì người đó thật là hiếm có nhất. Vì sao? Vì người đó không còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả nữa. Vì sao? Vì tướng ngã không phải là tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả đều không phải là tướng . Vì sao? Vì khi đã từ bỏ tất cả các tướng thì được gọi là Phật.
Phật dạy Tu Bồ Đề:
- Đúng thế! Đúng thế! Lại như có người nghe được kinh này mà không kinh hãi không rối loạn, không sợ sệt tì nên biết người đó thật là hiếm có lắm vậy. Vì sao? Này Tu Bồ Đề! Như Lai nói Đệ Nhất Ba-La-Mật tức không phải Đệ Nhất Ba-La-Mật, đó là Đệ Nhất Ba-La-Mật .
GIẢI THÍCH
Trong hơn hai mươi năm thuyết pháp,Đức Phật chưa từng nói đến việc cách ly sắc tướng. Đến nay ngài thấy đã đến thời dẫn dắt chúng sinh đến chỗ cao siêu vô tận của Đại Thừa. Nên ngài mới khai thị, chỉ bảo cho chúng tăng về cái Tâm Kim Cang, lấy đó để làm căn bản tu hành. Vì vậy Bát Nhã là cửa đầu tiên bước vào Đại Thừa. Cái Tâm đó chư Phật đã khéo hộ niệm, khéo phó chúc cho các Bồ-Tát mà các đệ tử Tiểu Thừa chưa từng nghe. Nay họ mới giác ngộ những điều chưa hiểu từ trước. Như trẻ em khát sữa bỗng nhiên gặp được mẹ hiền. Vì Thế Tu Bồ Đề vừa nghe được là đã cảm kích đến phát khóc. Vì thế ngài ca ngợi Phật “ Thật là hiếm có!”. Cái pháp mà từ trước đến nay ngài chưa từng nghe , quả thật là một cái pháp hiếm có. Tu Bồ Đề bầy tỏ về sự giác ngộ của mình, ngài nói “ Tôi đã nghe, đã hiểu, đã thấy nó, thật là hiếm có! Nếu có kẻ nào khi nghe nó có thể tin rằng tâm mình cũng thanh tịnh như thế, thì Thực Tướng chắc sẽ xuất hiện ngay trước mắt, mọi quan niệm sai lầm sẽ bị tiêu diệt. Người đó cũng thật là hiếm có vậy. Tại sao? Vì cái Pháp ly tướng thật là khó tin, khó hiểu. Ngay khi Phật còn tại thế cũng đã khó hiểu, huống chi năm trăm năm sau khi Phật nhập diệt, Pháp suy, ma thạnh thì thật khó có người có thể tin được Pháp này. Nếu có ai có thể tin nó được thì thật là người hiếm có bậc nhất vậy. Tại sao? Vì họ đã ly cách bốn tướng (ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả). Tuy nhiên trong căn bản, bốn tướng này thật ra là Như Như. Hiểu được điều này tức là thấy được Pháp Thân vậy. Vì thế mới nói “ Người nào ly cách tất cả các sắc tướng thì sẽ được gọi là Phật. Người như thế thật là hiếm có”.
Đức Thế Tôn nghe nói liền ấn chứng , ngài nói “ Đúng như thế! Đúng như thế”. Đúng như đã nói, Cái Pháp này quá quảng đại mà căn cơ con người lại quá thấp kém. Nếu có ai nghe mà không kinh sợ, thì người đó thật là hiếm có vậy. Vì cái Pháp mà ngài dạy không ở trong lời nói, nên mới nói “ Đệ Nhất Ba-La-Mật tức không phải Đệ Nhất Ba-La-Mật, đó mới là Đệ Nhất Ba-La-Mật”.
NGHI VẤN 13
Bố thí là đem tài vật, vật dụng cho người khác. Là từ bỏ các tiện ích thọ dụng của lục trần. Nhưng vừa từ bỏ lại đồng thời cầu được phước là để được nhiều hơn nữa các thọ dụng của lục trần cho mai sau. Vì thế đức Thế Tôn đã dạy không nên trụ tướng, vì phước đức vô tướng là cao hơn hết. Ngài nói “ Dù đem bảy báu chất đầy hư không ra bố thí cũng không thể sánh với phước đức vô tướng”. Nhưng đó là Ngoại thí.
Tu Bồ Đề nghĩ rằng vật dụng bên ngoài có thể cho đi được, nhưng thân mạng của mình thì làm sao có thể hy sinh được.
Về nội thí Đức Phật nói: “ dù đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng ra bố thí cũng không sánh được với phước đức vô tướng”.
Ngoại thí dùng để phá chấp pháp, nội thí để phá chấp ngã. Người ta chấp cái thân ngũ uẩn này là cái ngã của mình. Phật dạy dùng phép “ Nhẫn nhục Ba-La-Mật” để phá chấp ngã.
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Nhẫn nhục Ba-La-Mật, Như Lai nói không phải Nhẫn Nhục Ba-La-Mật là Nhẫn Nhục Ba-La-Mật. Vì sao? Này Tu Bồ Đề! Như thuở trước kia ta bị vua Ca Lỵ chặt đứt thân thể. Lúc đó ta không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Tại sao? Vì khi xưa trong lúc ta bị chặt đứt chân tay, nếu ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả chắc chắn đã sanh lòng hờn giận oán thù. Này Tu Bồ Đề! Ta lại nhớ đến thời quá khứ, trong năm trăm kiếp, ta là một hiền giả có đức nhẫn nhục và không có ý niệm nào về tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Bởi thế cho nên, này Tu Bồ Đề! Bồ-Tát cần phải rời bỏ tất cả các tướng và phát tâm Vô Thượng, Chánh-Đẳng, Chánh-Giác. Không nên đem tâm trụ nơi hình sắc, không nên đem tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp. Phải sanh tâm không trụ vào đâu hết. Nếu tâm có chỗ nào trụ, tức là trụ sai lầm. Chính vì lẽ đó, Phật dạy Bồ-Tát không nên đem tâm trụ sắc tướng khi bố thí. Này Tu Bồ Đề! Bồ-Tát vì lợi ích của tất cả chúng sinh nên mới bố thí như thế. Đức Như Lai dạy:” Tất cả các tướng, không phải là tướng” Lại nói “ Tất cả chúng sanh không phải là chúng sanh”.
GIẢI THÍCH
Ngài Tu Bồ Đề nghĩ rằng bố thí mà không trụ sắc tướng còn có thể làm được, còn bố thí thân mạng thì chắc không thể làm được. Hiển nhiên là nếu không thể xả thân mạng bố thí là còn chấp tướng, khó hòa hợp được với chân không ( thực tướng ). Vì thế Phật mới nhắc đến chuyện tiền kiếp khi ngài bị vua Ca Lỵ cắt xẻo thân thể mà không sanh lòng hờn giận, vì ngài đã biết ngũ uẩn vốn không có thật. Cũng thế, ngài dạy các vị Bồ-Tát phải từ bỏ tất cả sắc tướng mà phát Bồ-Đề Tâm. Họ không nên sanh tâm trụ vào lục trần, và phải sanh tâm không trụ vào đâu hết. Phật dạy “ Nếu cái tâm có nơi nào để trụ, thì quyết định tâm và cảnh đều là hư vọng và đó tất nhiên là trụ sai”. Vì thế Phật dạy các vị Bồ-Tát không nên để cái tâm trụ trong sắc tướng lúc thực hành bố thí. Các Bồ-Tát phải bố thí như vậy là vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Khi thực hành bố thí mà không chấp tướng thì không sanh ra vọng kiến. Trước kia ngài có nói “ Nếu xem tất cả sắc tướng là không thật thì sẽ thấy Như Lai” mà chúng sinh cũng là sắc tướng nên ngài nói “ Sắc tướng không phải là sắc tướng, chúng sinh không phải là chúng sinh”.
NGHI VẤN 14
Nếu không trụ sắc tướng thì mọi sự vật đều là không. Nếu mọi sự vật đều không thì trí tuệ cũng là không. Như vậy lấy một pháp không có bản thể làm nhân thì sao có thể đạt đến kết quả?
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Lời của Như lai là lời chân chánh, đúng với sự thật, lời hợp lý chứ không phải lời dối gạt hoặc bất chánh. Này Tu Bồ Đề! Cái pháp mà Như Lai đã thu được, cái pháp đó không thật mà cũng không hư.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề nghĩ rằng nếu quả là không thì cần gì phải có nhân, và nếu nhân là không thì làm sao sanh quả? Nếu bố thí không trụ tướng, nếu tâm không chỗ trụ thì chắc là không thể thu hoạch được một cái quả thật nào .
Đức Thế Tôn dạy rằng không nên nghi ngờ vì Pháp mà Như Lai đạt được không phải thực, không phải hư và không thể cầu được khi tâm còn tình cảm, còn chấp trước.
NGHI VẤN 15
Nếu bố thí không trụ tướng là sanh tâm vô sở trụ thì làm sao hòa hợp được với Bát Nhã?
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề ! Nếu Bồ-Tát đem tâm trụ nơi pháp mà bố thí thì cũng như người đi vào nơi tối tăm, chắc chắn không thấy chi hết. Còn nếu Bồ-Tát không đem tâm trụ nơi pháp mà bố thí thì cũng như mở mắt thấy mọi loại sắc vật dưới ánh sáng mặt trời.
GIẢI THÍCH
Nếu tâm đã trụ một pháp nào, một nơi nào thì đó là tự nó kết hợp với vô minh và do đó bị chướng ngại. Cái tâm đó được so sánh với người đi vào tăm tối, không thấy gì hết. Cái tâm không trụ vào đâu hết thì không bị chướng ngại nào và cũng vì các quan niệm về nhân và ngã đã quên. Cho nên nó ví như mặt trời soi sáng vạn vật. Thế thì cái tâm vô trụ không gì khác hơn là Bát Nhã chân thật. Cái mà Đức Phật đã tự mình chứng nghiệm chính là cái tâm này.
NGHI VẤN 16
Nếu cái tâm vô trụ đó là Bát Nhã đi nữa thì làm sao nó có thể hòa hợp được với Tâm và Phật?
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Về đời sau , như có thiện nam, thiện nữ nào thường thọ trì, đọc tụng kinh này, thì Như Lai dùng trí tuệ Phật sẽ biết rõ , thấy rõ những người đó đều thành tựu được công đức vô lượng, vô biên. Này Tu Bồ Đề! Nếu có thiên nam, thiện nữ buổi sáng dùng thân mình nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, buổi chiều cũng lại dùng thân mình như cát sông Hằng mà bố thí, và tiếp tục dùng thân mình để bố thí như vậy trong trăm ngàn vạn ức kiếp. Lại như có người nghe được kinh này, đem lòng tin tưởng, không chống đối, thì phước đức của người này sẽ trội hơn những người trước. Huống là ghi chép, thọ trì, đọc tụng và đem giảng giải cho người khác nghe.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề hoài nghi cái trí của mình không biết có hòa hợp với cái trí của Phật không. Phật giảng giải rằng : Kinh này là Bát Nhã, Bát Nhã không có văn tự nhưng ở đây văn tự là Bát Nhã. Kinh mà ngài đang giảng thuyết đây là toàn thể Bát Nhã. Nếu có người nào nghe, tin và thọ trì nó thì tâm họ sẽ hòa hợp một cách kỳ diệu với Trí của Phật, và Đức Phật, do trí huệ của ngài biết rõ công đức đó. Công đức do một ý niệm chỉ trong khoảng khắc hòa hợp ngay với Phật tâm. Dù có ai bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng ba thời mỗi ngày cũng không thể so sánh với công đức do một ý niệm thành tâm tin tưởng vào ý kinh. Chỉ một ý niệm thôi, đã là thể nhập vào Trí Huệ Bát Nhã của Phật một cách tốt đẹp. và công đức đã là nhiều hơn người trước, huống chi là ghi chép, đọc tụng, giảng thuyết cho người khác nghe.
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Tóm lại công đức gặt hái do kinh này không thể tưởng tượng được, không thể đo lường được và không có bờ bến. Như Lai giảng thuyết nó cho những bậc Đại Thừa và Tối Thượng Thừa. Nếu có người đủ năng lực để thọ trì, đọc tụng và giảng thuyết kinh này rộng ra cho người khác nghe thì Như Lai sẽ biết rõ , sẽ thấy rõ, những người đó đều thành tựu công đức không thể tả, không thể đo lường, không bờ bến, không thể tưởng tượng được. Hạng người như thế mới gánh vác nổi cái pháp Vô Thượng, Chánh-Dẳng, Chánh Giác của Như Lai. Vì sao ? Này Tu Bồ Đề! Nếu ta ưa thích cái pháp nhỏ và chấp trước vọng kiến về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì không thể nghe, thọ trì, đọc tụng và giảng giải kinh này cho kẻ khác.
GIẢI THÍCH
Pháp Bát Nhã này chỉ đem lại lợi ích cho những người có căn cơ thật tốt. Chấp bôn tướng :Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thuộc phần thô thì nay nói đến chấp trước vọng kiến về : Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thuộc phần vi tế.
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề ! Bất cứ nơi nào có kinh này thì tất cả các bậc : Trời, Người, Thần trong thế gian đều phải cúng dường. Nên biết nơi đó là Tháp Phật phải được tôn kính, làm lễ đi vòng quanh, dùng các thứ hoa và hương dâng cúng nơi đó.
Lại nữa này Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng kinh này mà bị người khinh rẻ , thì đáng lẽ họ bị tội ác và nghiệp quả kiếp trước ràng buộc phải sa vào đường ác. Nhưng vì bị người khinh rẻ trong đời này nên tội nghiệp kiếp trước đều tiêu diệt và họ đạt đến Vô Thượng, Chánh-Đẳng, Chánh-Giác.
GIẢI THÍCH
Đoạn văn kinh này ca ngợi Bát Nhã có lợi ích xa lìa mọi chướng ngại, thoát khỏi mọi ràng buộc. Chẳng những nó giúp chúng ta diệt trừ tội lỗi mà còn giúp chúng ta đạt đến quả vị cao nhất.
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! ta nhớ lại quá khứ, trong vô số kiếp , trước khi Phật Nhiên Đăng giáng lâm, ta đã gặp tám mươi bốn ngàn ức vị Phật mà ta đã cúng dường phụng sự không một sơ sót nào. Lại như nơi mạt thế sau này, có người có thể thọ trì, đọc tụng kinh này thì công đức lớn hơn sự cúng dường các vị Phật của ta nhiều. Công đức của ta chưa được một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn, một phần ức công đức của người đó. Thật ra không thể dùng con số nào để so sánh được.
Này Tu Bồ Đề! như trong đời mạt pháp sau này , có thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng kinh này thì công đức họ thâu được , nếu ta kể ra đầy đủ thì kẻ nào nghe được chắc chắn sanh tâm rối loạn, hồ nghi và không tin.
Này Tu Bồ Đề! Nên biết ý nghĩa kinh này không thể tưởng tượng được và cái quả báo của nó cũng không thể tưởng tượng được.
GIẢI THÍCH
Đức Phật ca ngợi những kẻ đã ngộ Bát Nhã trong nhất niệm tức khắc đã được sinh vào trong nhà Phật và đời đời , kiếp kiếp không khi nào bị tách rời khỏi Phật. Công đức của họ vì thế cao không có gì hơn được. Trong thời mạt pháp sau này, những kẻ có thể tin kinh này thì công đức càng lớn hơn nữa. Cái đức của Bát Nhã không thể tưởng tượng được nên quả báo của nó cũng không thể tưởng tượng được.
LỜI DẶN
Từ khi câu hỏi đầu tiên “ Làm sao trụ và hàng phục cái tâm?” được nêu lên, thì đến nay đã phá tan tất cả các mối nghi ngờ của đám chúng sanh phàm phu đã phát đại tâm tu theo hạnh Bồ-Tát. Tuy nhiên chấp ngã và chấp pháp có phần thô và có phần vi tế.
Chấp ngã là xem cái tâm và cái thân ngũ uẩn như là cái ngã.
Chấp Pháp là chấp những việc làm của mình khi thực hành sáu pháp Ba-La-Mật (đôi khi liên kết với sáu trần ) để cầu cho được quả Bồ Đề.
Hai thứ chấp này đều do chấp nơi sắc tướng. Để phá nghi ngờ của những người mới phát tâm Bồ-Đề mà chưa ngộ Bát-Nhã , Đức Phật chỉ cho họ thấy là “ Không có chúng sanh để cứu độ”. PHẦN II
Các vị Bồ-Tát đã giác ngộ Bát Nhã mà vẫn còn chấp ý niệm :
Trí huệ có thể chứng, là biểu hiện vi tế của chấp ngã
Chấp Chân Như là biểu hiên vi tế của chấp nhân.
Chấp cái gì có thể biểu hiện và giác ngộ là chấp chúng sanh
Chấp những biểu hiện chưa quên bỏ được và vẫn luôn luôn âm thầm bám víu như một sinh mạng là chấp thọ giả. (ở đây là chấp có năng giác và sở giác)
Câu 1 ( vì cho là Ta chứng, Ta đắc)
Câu 2 ( Cho là có Chân Như, là có một cái khác, ngoài Ta)
Câu 3 (Chấp Ta đã giác ngộ, và người kia cũng đã giác ngộ là tâm chúng sanh. Sở dĩ dùng chữ “ biểu hiện” là vì có những chúng sanh không có hình tướng).
Câu 4 ( là những ý niệm, tình cảm, chấp trược còn tồn đọng trong tâm. ở đây là chấp có năng giác và sở giác)
Bốn sắc tướng trên đây thật là tối cực vi tế được gọi là tồn ngã (chấp sự bảo tồn cái ngã) và giác ngã (chấp sự giác ngộ cái ngã). Nếu phá tan cái chấp về ngã đó sẽ thấy không có quả Phật có thể cầu.
VĂN KINH
Lúc ấy Tu Bồ Đề bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác thì nên trụ vào đâu? Làm sao hàng phục cái tâm?
Phật dạy Tu Bồ Đề:
- Thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác phải phát tâm như thế này : Ta phải diệt độ cho tất cả chúng sanh và đã diệt độ tất cả chúng sanh rồi, nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ. Vì sao? Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ-Tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì không phải là Bồ-Tát ! Vì sao? Này Tu Bồ Đề! thực không có pháp nào để phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
GIẢI THÍCH
Những người mới phát tâm Bồ Đề là những người trong đám phàm phu, mới bắt đầu phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh, do đó họ còn chấp vào sắc tướng. Trong khi tu hành họ còn chấp vào thể xác ngũ uẩn . Khi bố thí họ còn chấp vào sắc tướng, vào lục trần để cầu quả phước ?Trong khi cầu quả Bồ-Đề họ còn chấp trước vào sắc tướng hóa thân của Phật. Họ còn nghĩ Niết Bàn là một nơi nào đó, trang nghiêm đẹp đẽ, được xây dụng bằng bảy báu. Trong mọi hành vi họ còn chưa ly cách được sắc tướng, vì thế họ còn cách xa Bát-Nhã.
Đức Phật phá trừ mọi chấp trước về sắc tướng, gồm ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.
Các Bồ -Tát đã ngộ Bát-Nhã nhưng vẫn có ý niệm rằng “ Trí huệ có thể chứng được “, và tạo nên một cái ngã vi tế gồm hai phần : Tồn ngã (bảo tồn quan niệm về ngã) và Giác ngã ( quan niệm có thể giác được cái ngã nhờ pháp). Chính vì cái ngã này nên họ mới thấy có chúng sinh cần phải độ. Vì lẽ đó, Đức Thế Tôn phá tan mối nghi này, ngài nói “ Bồ Tát phải phát tâm diệt độ cho tất cả chúng sanh, và đã diệt độ cho tất cả chúng sanh rồi, nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ”. Vì sao? Vì Nếu Bồ -Tát không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, và chúng sanh cũng không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chúng sanh trong căn bổn đã là Như Như rồi thì không thể diệt độ được nữa.
NGHI VẤN 17
Tu Bồ Đề nghĩ: Nếu không có pháp nào để đưa con người đến Bồ Đề thì Bát Nhã mà tôi lãnh ngộ không phải một pháp sao? Lúc Đức Thế Tôn ở nơi Phật Nhiên Đăng nhờ đắc pháp này nên được thọ ký thành Phật, đó há không phải là được Bồ Đề thật sao? Sao lại nói là không có pháp nào có thể thâu hoạch?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Lúc Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng, Ngài có pháp chi để đạt đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác không?
- Bạch Thế Tôn! Không. Theo như tôi hiểu lời Ngài giảng dạy thì lúc ở nơi Phật Nhiên Đăng, Ngài không có pháp chi để đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Phật nói :
- Đúng thế! Này Tu Bồ Đề! Đúng thế! Thật không có pháp nào nhờ đó mà Như Lai đạt đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Này Tu Bồ Đề! Nếu có pháp nào mà nhờ đó Như Lai đạt đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì Phật Nhiên Đăng đâu có thọ ký cho ta “ Qua kiếp sau ngươi sẽ thành Phật , danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni”. Vì thật ra không có pháp nào để đạt đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta “ Qua đời sau ngươi sẽ thành Phật , danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni “.
GIẢI THÍCH
Quả Bồ Đề là có sẵn, chúng sanh đã tự Như rồi. Nên không có chứng đắc nữa. Của báu trong nhà không phải do ngoài đem tới. Nếu có một pháp có thể chứng đắc được tất không phải của báu trong nhà. Do đó nếu Thế Tôn có chứng đắc, Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho Ngài. Chỉ là khi thời tiết tới, Vô minh tiêu hết thì Chân Như mới hiển lộ hoàn toàn .
Đức Phật nói không thể chứng đắc Bồ Đề để phá tan mối chấp trước về Phật. Tu Bồ Đề nghi rằng Thế Tôn đã thật sự chứng đắc khi ở nơi Phật Nhiên Đăng. Thế Tôn phá tan ước đoán sai lầm này để cho ông thấy rõ “Không một pháp nào có thể chứng đắc”.
NGHI VẤN 18
Tu Bồ Đề nghĩ : Pháp Bát Nhã là nguyên nhân chân thật để thành Phật. Nếu bây giờ nói không có pháp thì tức là không có nguyên nhân vậy. Nếu không có nguyên nhân thì làm sao có thể thâu đắc quả Bồ Đề?
VĂN KINH
- Vì sao? Như Lai có nghĩa là tất cả các pháp đều giống như nhau. Nếu có ai nói “ Như Lai đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác”, này Tu Bồ Đề! Thật ra không có pháp nào mà nhờ đó Đức Phật đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Này Tu Bồ Đề! Cái Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà Phật đã đạt đến thật ra tự nó không phải là thật mà cũng không phải là hư. Vì thế Như Lai mới dạy rằng tất cả các pháp đều là Phật pháp. Này Tu Bồ Đề! nói tất cả các pháp, tức không phải là tất cả các pháp. Này Tu Bồ Đề! Ví như có người thân to lớn…
Tu Bồ Đề nói
- Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người to lớn thật ra không phải là thân to lớn, đó mới gọi là thân to lớn.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề không hiểu thấu chân thể của Pháp Thân ở trên cả hai : nhân và quả cho nên còn chấp Đức Như Lai đã tu hành và đã đắc quả. Phật phá cái chấp này bằng giáo lý “ Vô sở đắc”. Chữ Như Lai không thể dùng để gọi những vật có sắc tướng. Nó là Như Như tuyệt đối trong bản thể của mọi sự vật. Mọi sự vật trong căn bản đều là Như Như, há phải nhờ tu hành mới chứng được Như Như sao. Vì thế Phật mới nói thật không có pháp nào làm cho Phật đắc quả Bồ Đề.
Trong Thiền Tông gọi đó là “con đường hướng thượng” mà các vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai cấm con người dòm ngó tới. Ai dòm ngó sẽ trở nên mù (đối với chân lý) vì trong đó không còn sự tìm kiếm, nắm giữ gì nữa. Cái Bồ Đề , Niết Bàn của Như Lai không có gì là kỳ lạ, đặc biệt cho lắm. Chỉ cần đừng nảy sanh những ý kiến điên đảo, trái ngược về sự đoạn diệt hoặc trường cửu đối với sự vật là đủ rồi. Bởi vậy Phật mới nói “ Nó không thật mà cũng không hư, bởi tất cả các pháp đều không phải là pháp. Nếu hiểu được cái thân to lớn không phải là thân thì hiểu được tất cả các pháp không phải là pháp.
NGHI VẤN 19
Tu Bồ Đề nghĩ rằng : Các Bồ -Tát dùng Pháp để diệt độ cho chúng sanh, nếu không có pháp diệt độ thì đâu gọi là Bồ-Tát được
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Bồ -Tát cũng như thế đó, nếu nói “Ta phải diệt độ vô lượng chúng sanh “ thì không đáng được gọi là Bồ -Tát. Vì sao? Này Tu Bồ Đề, không có pháp nào gọi là Bồ -Tát . Vì lẽ đó Phật dạy rằng trong tất cả các pháp, không một pháp nào có ngã, có nhân, có chúng sanh, có thọ giả cả.
Này Tu Bồ Đề ! Nếu như Bồ -Tát nói “ Ta phải trang nghiêm cõi Phật ” thì không đáng được gọi là Bồ -Tát. Vì sao? Vì Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, đó là trang nghiêm.
Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ -Tát thấu đáo cái pháp vô ngã thì Như Lai mới gọi họ là Bồ -Tát chân thật.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề còn chấp rằng Bồ -Tát có một pháp để độ sanh, vì độ sanh để trang nghiêm cõi Phật, trang nghiêm hạnh Bồ -Tát. Nhưng Đức Phật dạy rằng Cõi Phật vốn đã thanh tịnh, quang minh, trang nghiêm, trường cửu, vô tướng. Không cần phải trang nghiêm nữa. Chỉ cần không có ý niệm về một nơi an trụ như thế là đã trang nghiêm cõi Phật rồi vậy. Và nếu còn chấp có Bồ -Tát độ sanh là còn chấp ngã, chấp pháp. Bồ -Tát phải đạt được NHỊ VÔ NGÃ (nhị vô ngã là nhơn vô ngã và pháp vô ngã : Nhơn vô ngã là nhận thức được mình, người , chúng sanh không có thật, chỉ do ngũ uẩn giả hợp mà thành. Pháp vô ngã là nhận thức pháp không có thật, chỉ do nhân duyên sanh ra). Ai thấu hiểu giáo lý Nhơn, Pháp vô ngã thì Như Lai mới gọi họ là Bồ -Tát chơn thật.
NGHI VẤN 20
Nếu Bồ Tát không thấy chúng sanh để cứu độ hoặc cõi Phật để trang nghiêm vậy Như Lai có ngũ nhãn để làm gì?
CHÁNH VĂN
- Này Tu Bồ Đề! ý ngươi thế nào? Như Lai có nhục nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có. Như Lai có nhục nhãn.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có thiên nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có. Như Lai có thiên nhãn.
- Này Tu Bồ Để! Ý ngươi thế nào? Như Lai có huệ nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có. Như Lai có huệ nhãn.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có pháp nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có. Như Lai có pháp nhãn.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có Phật nhãn chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có. Như Lai có Phật nhãn.
- Này Tu Bồ Đề! Như cát sông Hằng, Phật có bảo đó là cát không?
- Bạch Thế Tôn! Có. Như Lai bảo đó là cát.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như có bao nhiêu số cát trong sông Hằng thì lại có bấy nhiêu sông Hằng. Lai như số thế giới Phật nhiều bằng số cát của tất cả sông Hằng đó, như thế số thế giới Phật có phải là nhiều không?
- Bạch Thế Tôn! Thật là nhiều
Phật dạy Tu Bồ Đề :
- Chúng sanh trong tất cả thế giới Phật đó có bao nhiêu thứ tâm khác nhau, Như Lai đều biết hết. Tại sao? Vì các thứ tâm mà Như Lai nói đó đều không phải là tâm, tức là tâm, tại sao thế? Này Tu Bồ Đề! Không thể nào tìm được cái tâm quá khứ, cái tâm hiện tại và cái tâm vị lai.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề nghĩ rằng Phật có ngũ nhãn vậy phải có đối tượng cho ngũ nhãn này. Đức Thế Tôn nói năm loại mắt của ngài không phải thật là mắt, mà ngài chỉ dùng tâm của chúng sinh làm mắt vậy. Có bao nhiêu chúng sinh trong các thế giới nhiều như cát của các sông Hằng , họ có bao nhiêu loại tâm Đức Như Lai đều biết rõ, thấy rõ tất cả. Vì tất cả chúng sinh đều là ở trong tự tâm của ngài, vì thế khi một tư tưởng nảy sinh trong tâm một chúng sinh cũng là ở trong tâm ngài, làm sao Như Lai không biết rõ?
Tu Bồ Đề lại nghĩ rằng Tâm chúng sanh có sanh diệt, như vậy tâm của Đức Như Lai cũng có sanh diệt hay sao? Đức Như Lai giải thích rằng Tâm của chúng sanh trong căn bản là Như Như, không bao giờ sanh diệt, giống như tâm Đức Như Lai, hằng tịch diệt và bình đẳng. Đức Như Lai và chúng sinh rõ ràng là yên lặng, bất động, không sanh, diệt, cũng không đi, về. Đó gọi là Tâm, Phật và chúng sanh không sai biệt. Và vì thế không thể tìm được tâm trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
NGHI VẤN 21
Khi phá các chấp, Đức Thế Tôn đã nói: không có cõi Phật phải trang nghiêm, không có chúng sanh phải cứu độ, Thế Tôn e rằng Tu Bồ Đề có thể cho rằng cõi Phật và chúng sanh đều là không và như vậy thì bố thí không được phước đức và cũng không cần phải tu nữa. Vì vậy đức Phật nói thêm
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào ? Nếu có người đêm bảy báu chất đầy tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí thì người này, do nhân duyên đó, có được phước nhiều chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có. Do nhân duyên đó, người ấy được phước thật nhiều.
- Này Tu Bồ Đề! Nếu phước đức đó có thật thì Như Lai đã không nói phước đức thật nhiều. Như Lai nói phước đức thật nhiều là vì không có phước đức.
GIẢI THÍCH
Đoạn kinh văn này Phật dạy về phước đức vô tướng. Tu Bồ Đề chấp trước sắc tướng và tưởng rằng bố thí như thế thì được phước đức thật. Ông không hiểu rằng người bố thí, người nhận thí và vật bố thí trong căn bản đều là không (không có thật) thì tất nhiên phước đức thâu được cũng không có. Đức Thế Tôn nói rằng : Phước đức thật nhiều là vì không có phước đức nào hết, nhưng do tâm đã thoát khỏi sự chấp trước những cái hư vọng lớn lao như hư không nên được xem như phước đức lớn lao vô cùng.
NGHI VẤN 22
Tu Bồ Đề nghe nói tâm không trụ sắc tướng khi cứu độ chúng sanh và trang nghiêm cõi Phật, ông liền nghi ngờ “ Cứu độ chúng sanh và trang nghiêm cõi Phật là nguyên nhân để thành Phật. Nếu không có chúng sinh để cứu độ và cõi Phật để trang nghiêm thì không có nhân, và nếu Không có Bồ - Đề để chứng đắc là không có quả. Vậy Đức Phật hiện nay do đâu mà có được?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có thể bằng vào sắc thân hoàn toàn đầy đủ mà nhân thức Phật chăng ?
- Bạch Thế Tôn! Không. Không thể lấy sắc thân hoàn toàn đầy đủ mà nhận thức Như Lai được . Tại sao? Vì Như Lai nói sắc thân hoàn toàn đầy đủ, tức là không phải sắc thân hoàn toàn đầy đủ , đó gọi là sắc thân hoàn toàn đầy đủ.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có thể bằng vào các tướng hoàn toàn đầy đủ mà nhận thức Như lai chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không. Không thể bằng vào các tướng hoàn toàn đầy đủ mà nhận thức Như Lai. Tại sao? Vì Như Lai nói các tướng hoàn toàn đầy đủ, tức không phải các tướng hoàn toàn đầy đủ, đó gọi là các tướng hoàn toàn đầy đủ.
GIẢI THÍCH
Sắc thân hoàn mỹ là Báo Thân Phật, được trang nghiêm bằng muôn ngàn đức hạnh vì đã trải qua vô số kiếp cứu độ chúng sinh, trang nghiêm cõi Phật nên cảm được cái quả báo này. Nhưng Báo Thân này trong căn bản là Pháp Thân nên Ngài mới nói “ Nó không phải là sắc thân hoàn mỹ ” Nhưng vì Pháp Thân và Báo Thân là một nên Ngài lại nói “ Nó được gọi là sắc thân hoàn mỹ”.
Để phá tan cái chấp về sắc tướng (khách thể), Ngái phá trừ cái thấy sai lầm (chủ thể). Vì Báo Thân là một với Pháp Thân nên không có sắc tướng nào có thể thấy được. Trí tuệ và thể xác cả hai đều là Như Như. Vì thế cái “bịnh thấy” tiêu tan mất. Cảnh (khách thể) và Trí (chủ thể) dung hòa làm một thì Pháp Thân tự hiển lộ.
NGHI VẤN 23
Nếu Phật vốn không có sắc tướng có thể thấy được , tức là không có thân thể, thì ai thuyết pháp đây?
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Ngươi đừng nói Như Lai có ý niệm này “ Ta phải giảng thuyết các pháp “. Đừng có ý niệm đó. Tại sao? Vì nếu có ai nói “ Như Lai có thuyết pháp” tức là phỉ báng Phật, không hiểu nổi ý nghĩa ta dạy. Này Tu Bồ Đề! Khi Như Lai thuyết pháp, thật ra không có pháp nào để thuyết , đó gọi là thuyết pháp.
GIẢI THÍCH
Chúng sanh thấy Báo Thân, Hóa Thân của Như Lai đang thuyết pháp. Nhưng thật ra Như Lai xuất hiện ra đời, không có cái pháp nào để thuyết cả. Ngài chỉ tùy nghi dùng phương tiện để phá những cái chấp sai lầm của chúng sanh. (Thí dụ chúng sanh có cái sai lầm là thấy sắc tướng như là có thật) Ngài chỉ dùng các từ đơn độc như “ phải” hay “không phải” để ngăn chận tư tưởng sai lầm của đệ tử. Hộ niệm họ, dẫn dắt họ cho đến khi năng và sở dung hòa làm một thì Pháp Thân tự hiển lộ.
NGHI VẤN 24
Tu Bồ Đề đã hiểu thấu : Pháp Thân không giảng thuyết hay dạy dỗ gì cả, nhưng ông không hiểu chúng sanh đời vị lai có thể tin tưởng và thọ trì nó không.
VĂN KINH
Lúc ấy Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Trong những đời sau, sẽ có chúng sanh nghe được pháp này và đem lòng tin tưởng chăng?
Phật nói:
- Này Tu Bồ Đề! “Họ chẳng phải là chúng sanh và cũng chẳng phải là không phải chúng sanh ”. Vì sao? Này Tu Bồ Đề! Vì những chúng sanh đó, Như Lai nói thật ra , họ không phải là chúng sanh, đó là chúng sanh.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề nghĩ là Phật Pháp cao thâm quá như vậy, không biết chúng sanh đời sau này có thể tin và thọ trì được không. Đó là kiến chấp của ông về thời gian chưa dứt bỏ được.
Đức Phât đáp “ Họ chẳng phải là chúng sanh mà cũng chẳng phải là không phải chúng sanh” ý ngài muốn nói chúng sanh trong căn bản là Như Như tuyết đối, các pháp cũng Như Như tuyệt đối, Thời gian cũng Như Như nên tam thế: quá khứ, hiện tại, vị lai bình đẳng .
Những chúng sanh đó không phải là chúng sanh vì trong căn bản là Như Như, nhưng cũng chẳng phải là không phải chúng sanh, vì Chân Như tùy duyên hòa hợp với các pháp để sanh ra sắc tướng (của chúng sanh) . Do đó chúng sanh không phải thật sự là chúng sanh, chỉ là giả có , không phải thật sự có chúng sanh. Được gọi là chúng sanh mà thôi.
NGHI VẤN 25
Nếu Pháp Thân không có sắc tướng và không có Pháp để đạt đến thì tại sao Thế Tôn nói: Thực hành các đức hạnh tốt sẽ giúp con người chứng đắc Bồ -Đề ?
VĂN KINH
Tu Bồ Đề bạch Phật :
- Bạch Thế Tôn! Phật đạt đến Vô Thượng Chánh-Đẳng, Chánh-Giác , thật ra Phật không có chứng đắc gì hết ?
Phật nói:
- Đúng thế, này Tu Bồ Đề! đúng thế. Ta không chứng đắc đạo quả Vô Thượng Chánh-Đẳng, Chánh-Giác cho đến một pháp nhỏ. Đó mới gọi là Vô Thượng Chánh-Đẳng, Chánh-Giác. Hơn nữa, này Tu Bồ Đề! cái pháp này bình đẳng, không có chỗ cao, thấp. Vì thế mới gọi là Vô Thượng Chánh-Đẳng, Chánh-Giác. Tu theo bất cứ thiện pháp nào miễn là hiểu biết không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả chắc chắn sẽ đạt đến Vô Thượng Chánh-Đẳng, Chánh-Giác. Này Tu Bồ Đề! Cái gọi là thiện pháp, Như Lai nói không phải là thiện pháp, đó mới gọi là thiện pháp.
GIẢI THÍCH:
Tu Bồ Đề đã hiểu rằng Pháp Thân vô tướng, thanh tịnh, và không có một pháp nào thâu hoạch được, nhưng ông vẫn còn nghi ngờ vì Phật đã dạy: Tu theo tất cả các thiện pháp sẽ đạt đến Bồ Đề mà nay Phật lại nói thật ra Phật không chứng đắc gì hết. Vậy quả Bồ Đề là không sao ?
Phật dạy : Bởi vì Phật và chúng sanh bình đẳng như nhau, không phải là hai thực thể sai biệt, đó là Bồ Đề chứ không phải quả Phật là một cái gì có thể thực hiện và thu hoạch được.
Phật dạy tu theo thiện pháp để đắc quả Bồ Đề chỉ là không chấp tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì vậy tu mà không tu, cho nên đắc cũng như không đắc, vì không có gì để thâu hoạch được. Thực ra không một thiện pháp nào có thể đắc quả Bồ Đề, chỉ là buông bỏ bốn tướng, Cho nên nói cái gọi là thiện pháp không phải là thiện pháp, nhưng nó mới đem lại quả Bồ Đề cho nên đó mới gọi là thiện pháp.
NGHI VẤN 26
Khái niệm về thiện pháp là sai vậy pháp nào là hoàn hảo nhất?
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Như có người dùng bảy báu chồng chất nhiều bằng tất cả núi Tu Di trong tam thiên đại thiên thế giới đem bố thí. Lại như có người chỉ thọ trì, đọc tụng bài kệ bốn câu của kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật này và đem giảng giải cho kẻ khác nghe, thì so sánh phước đức của người này , phước đức người trước chưa được một phần trăm, phần ngàn, phần vạn, phần ức…cho đến dùng toán số mà thí dụ thì cũng không thể so sánh được.
GIẢI THÍCH
Nếu có ai đem bảy báu chất đầy hư không, cao như tất cả các ngọn núi Tu Di trong tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí, thì phước đức của người này cũng không bằng phước đức của người thụ trì một bài kệ bốn câu trong kinh này, đem đọc tụng, giảng giải cho người khác nghe. Vì sao vậy, Vì phước đức của người trước còn chấp sắc tướng,còn mong cầu lợi ích nên bị giới hạn. Còn phước đức của người sau là phước đức vô tướng, là phước đức do Bát-Nhã đem lại nên siêu việt hơn người trước. Pháp bố thí bảy báu đầy cả hư không là một thiện pháp, nhưng không phải là cao nhất. Thọ trì bốn câu kệ trong kinh này là một cách để đạt đến Bát Nhã. Đó là một sự hiểu biết, không phải là thiện pháp nhưng nó có khả năng đưa đến Bồ - Đề nên nó là thiện pháp cao nhất.
NGHI VẤN 27
Nếu Phật và chúng sanh bình đẳng như nhau, Nếu chúng sanh là Như Như thì chắc là không có chúng sanh vậy. Vậy tại sao Như Lai lại nói “phải cứu độ chúng sanh” ?
KINH VĂN
Này Tu Bồ Đề! Ý người thế nào? Các ngươi chớ nói Như Lai có ý niệm “Ta phải độ chúng sanh”. Này Tu Bồ Đề! Đừng có ý niệm đó. Tại sao? Vì thật ra Như Lai không có độ chúng sanh nào hết. Nếu Như Lai có độ chúng sanh là Như Lai có chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Này Tu Bồ Đề ! Như Lai nói có ngã thật ra không phải có ngã, nhưng kẻ phàm phu cho là có ngã. Này Tu Bồ Đề! Phàm phu đó, Như Lai nói chẳng phải là phàm phu, đó mới gọi là phàm phu.
GIẢI THÍCH
Nếu nói chúng sanh và Phật bình đẳng như nhau , bình đẳng giống nhau thì không có Phật và không có chúng sanh vậy. Nếu Phật nói “ Ta độ chúng sanh” thì có ngã và nhân (chúng sanh). Nếu ngã và nhân còn thì cái chấp về sắc tướng chưa diệt. Do đó, Như Lai nói “ Ta phải độ chúng sanh” mà không có cái chấp về ngã. Nếu chấp ngã thì Như Lai là phàm phu. Nhưng với Như Lai thì phàm phu chẳng phải là phàm phu thì làm gì còn ngã, làm gì có thánh nhân. Chỉ còn con đường duy nhất, bằng phẳng, vô tư. Đến đây là cùng cực.
NGHI VẤN 28
Nếu Pháp Thân không có ngã và Báo Thân không thể nhận thức được bằng sắc tướng , thì Đức Thế Tôn với sắc thân ba mươi hai tướng há không phải là Phật sao?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có nên thấy ba mươi hai tướng mà cho là Như Lai chăng?
Tu Bồ Đề nói
- Nên như thế, nên như thế! Hễ thấy ba mươi hai tướng thì nên cho đó là Như Lai
Phật nói
- Này Tu Bồ Đề! Nếu thấy ba mươi hai tướng mà cho là Như Lai thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai vậy.
Tu Bồ Đề bạch Phật
- Bạch Thế Tôn! Theo tôi hiểu ý nghĩa Phật nói thì không nên thấy ba mươi hai tướng mà cho là Như Lai.
Lúc đó Thế Tôn bèn thuyết bài kệ này:
Thấy ta trong sắc tướng
Thấy ta trong âm thanh
Kẻ ấy theo tà đạo
Không thể thấy Như Lai
(Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai )
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề đã hiểu biết Pháp Thân vô ngã và Báo Thân vô tướng là chân Phật. Nhưng ông không biết Đức Phật mà ông đang thấy với ba mươi hai tướng là ai, và ông chấp rằng đó là Thế Tôn. Đức Thế Tôn phá kiến chấp của ông, ngài nói rằng Nếu vậy thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng có ba mươi hai tướng vậy cũng là Như Lai. Tu Bồ Đề hiểu ra là không thể nhận thức Như Lai bằng sắc tướng và âm thanh. Đức Phật nói bài kệ trên.
NGHI VẤN 29
Tu Bồ Đề nghe nói Báo Thân và Pháp Thân đều vô tướng và Hóa Thân Phật không có thật, nên ông liền chấp Pháp Thân bị đoạn diệt. Đức Phật giải thích:
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Nếu như ngươi có ý niệm này: “Như Lai không nhờ nơi thân tướng hoàn toàn đầy đủ để đạt đến Vô Thượng, Chánh-Đẳng, Chánh-Giác”.
- Này Tu Bồ Đề! Đừng có ý niệm: “Như Lai không nhờ nơi thân tướng hoàn toàn đầy đủ để đạt đến Vô Thượng, Chánh-Đẳng, Chánh-Giác”.
- Này Tu Bồ Đề! Nếu như ngươi có ý niệm này: “ Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác “ nói rằng “Các Pháp đều đoạn diệt”. Đừng có ý niệm đó. Tại sao? Vì khi người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, họ không cho sắc tướng của các pháp đều đoạn diệt.
- Này Tu Bồ Đề! Như có Bồ -Tát đem bố thí bảy báu chứa đầy các thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Lại như có người hiểu biết tất cả các pháp đều vô ngã và thành tựu được đức nhẫn nhục, thì Bồ -Tát này được phước đức nhiều hơn Bồ -Tát trước. Vì sao? Này Tu Bồ Đề! “ Là vì các vị Bồ -Tát không thọ nhận phước đức việc làm của họ”.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn vì sao Bồ -Tát không thọ nhận phước đức?
- Này Tu Bồ Đề! Bồ -Tát không nên có lòng quyến niệm khi làm việc phước đức. Vì lẽ đó mới nói Bồ -Tát không thọ nhận phước đức.
GIẢI THÍCH
Khi Tu Bồ Đề nghe nói phải từ bỏ sắc tướng để thấy Phật, thì nảy sanh kiến chấp đoạn diệt. Đức Phật bảo không nên nảy sanh ý niệm đó, vì nếu có ý niệm đó tức là nói các pháp đều đoạn diệt. Người phát tâm Bồ Đề không nói sắc tướng của các pháp là đoạn diệt, mà chỉ nói các pháp vô ngã mà thôi.
Nếu có người biết các pháp là vô ngã và thành tựu được nhẫn nhục, thì công đức của người này hơn công đức của người đem bảy báu chất đầy hư không ra bố thí. Vì sao? Bởi vì họ không nhận một phước đức nào cho mình. Nói như vậy không có nghĩa là không có phước đức, Chỉ là không tham muốn và chấp trước vào phước đức mà thôi. Mặc dầu khi Bồ -Tát làm việc phước đức xem như “ Không có kẻ làm, không có việc làm và không có người thọ nhận” Nhưng không thể hủy diệt nghiệp quả của nó được.
Trong bốn mươi chín năm thuyết pháp, Đức Thế Tôn chỉ nói tiếng “KHÔNG” mà thôi. Vì sao? Tất cả chúng sanh đều chấp ngã trong mọi sự, mọi vật, và Như Lai chỉ dùng tiếng “KHÔNG” để phá trừ cái chấp đó.
NGHI VẤN 30
Tu Bồ Đề nghĩ: Mặc dầu Thế Tôn dạy rằng không có ngã, không có người thọ nhận phước đức. Nhưng hiện nay Như Lai đang đi, đứng, nằm, ngồi đó thôi.
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Như có người nói “ Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm, hoặc ngồi v v…” thì người đó không hiểu ý nghĩa của ta giảng dạy. Vì sao? Vì Như Lai không từ nơi nào đến, cũng không đi đến nơi nào, vì thế gọi là Như Lai.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề còn kiến chấp về tướng đến, đi. Thật ra Như Lai há có đến và đi sao? ( nơi nào là Như Lai? Nơi nào chẳng phải Như Lai?). Đến lúc này mọi kiến chấp đã tan biến, mọi tình thức đã quên mất, thì “động“ và “tịnh“ không khác nhau. Đạt đến thực tế tuyệt diệu của Như Như.
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghiền nát tam thiên đại thiên thế giới này thành vi trần . Ý ngươi thế nào? Những vi trần đó có nhiều không?
Tu Bồ Đề nói
- Bạch Thế Tôn! Thật là nhiều. Vì sao? Vì nếu những vi trần đó có thật thì Phật không nói đó là những vi trần. Tại sao? Phật nói những vi trần chẳng phải là những vi trần, đó gọi là những vi trần. Bạch Thế Tôn! Khi Như Lai nói đến tam thiên đại thiên thế giới, thì đó chẳng phải là thế giới, đó gọi là thế giới. Vì sao? Vì nếu thật có thế giới thì đó là tướng hợp nhất.
Như Lai nói:
- Tướng hợp nhất , chẳng phải là tướng hợp nhất. Đó gọi là tướng hợp nhất.
- Này Tu Bồ Đề! Tướng hợp nhất đó không thể nói đến. Nhưng kẻ phàm phu lại ham muốn chấp trước nó.
GIẢI THÍCH
Thế giới nghiền nát thành vi trần, mọi vi trần đều giống như nhau. Nó không khác nhau nhưng không thể nói nó là một được.
Cũng thế, thế giới là một , nhưng do các vi trần hợp thành nên cũng không thể nói nó là một.
Tóm lại, thế giới và vi trần đều không thể xác định rõ ràng là một, là khác do đó nó không có thực.
Nói thế giới do các vi trần hợp nhất là theo cách nói của phàm phu, vì phàm phu chấp tướng nên thấy là một. Thực tế thì Thế giới không phải một, vì do nhiều vi trần hợp thành, không phải là khác, vì mọi vi trần đều giống nhau.
Do phàm phu chấp nhị biên : hoặc là một, hoặc là khác nên không thể chấp nhận thực tánh của chúng.
Nếu vi trần có thực thì đã chẳng họp thành thế giới (vì mất đi tánh chất của nó), nếu thế giới có thật đã chẳng thể nghiền thành vi trần.
Cũng vì thế mà chúng sinh không thể hiểu được Tam Thân Phật lại đồng nhất thể.
NGHI VẤN 31
Nếu Pháp Thân bình đẳng và nếu mọi sự vật đều là không có thật, tức là không thể quan niệm được, tại sao Phật lại nói đến kiến thức về bốn sắc tướng?
VĂN KINH
- Này Tu Bồ Đề! Nếu ngươi nói ”Phật có nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến” Này Tu Bồ Đề!Ý ngươi thế nào? Người đó có hiểu ý nghĩa ta dạy chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không, người đó không hiểu ý nghĩa Như Lai dạy. Tại sao? Vì khi Như Lai nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức chẳng phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Đó là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.
- Này Tu Bồ Đề! người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đối với tất cả các pháp nên thấy, nên tin và hiểu biết như thế này, là chẳng nên để tâm sanh tướng pháp. Này Tu Bồ Đề! nói là tướng pháp, Như Lai lại dạy chẳng phải là tướng pháp. Đó gọi là tướng pháp
GIẢI THÍCH
Khi đức Thế Tôn nói kiến thức về bốn sắc tướng, thì không phải thực sự là có kiến thức nào về sắc tướng có thể chỉ thị và giảng thuyết. Để phá tan cái chấp về kiến thức có bốn sắc tướng, ngài nói KHÔNG. Chữ KHÔNG này khác với những chữ không trước kia. Chữ KHÔNG này được dùng để trừ tuyệt kiến thức sai lầm về sắc tướng mà chúng sinh còn chấp trong tâm. Không phải Đức Phật đã nói có “tướng kiến” ấy nhưng đó là “tướng kiến” mà chúng sanh còn chấp vậy. (Trước đây Thế Tôn nói không với ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Nay lại nói không với ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến).
Chúng sinh còn mê loạn trong kiến thức về sắc tướng. Ban đầu họ chấp về sự có thật sắc tướng ngũ uẩn của thân tâm, và sắc tướng của lục trần. Vì thế họ bố thí để cầu phước đức. Đức Thế Tôn phá giải kiến chấp này bằng giáo lý vô trụ.
Kế đó họ chấp sắc tướng cõi Phật được trang nghiêm bằng công đức. Đức Phật phá cái chấp này. Ngài nói rằng “Không có cõi Phật để trang nghiêm”.
Họ lại chấp rằng phước đức sẽ làm cho Báo Thân Phật cảm nhận và xuất hiện. Đức Phât phá cái chấp này, ngài nói: Đó không phải là sắc thân hoàn toàn, đầy đủ.
Họ chấp trước về sắc tướng của Tam Thân Phật. Thế Tôn nói Hóa Thân không phải thật, Báo Thân vô tướng để phá.
Họ lại chấp Pháp Thân có sắc tướng, Đức Phật phá cái chấp này, ngài nói : Pháp Thân không phải là sắc tướng.
Họ chấp Pháp Thân có ngã. Đức Phật nói : Tất cả pháp đều không có ngã.
Họ lại chấp: Đức Như Lai có sắc tướng của Tam Thân. Đức Phật phá cái chấp này bằng giáo lý “Phi nhất, phi dị” tức Thật tướng không phải MỘT, không phải KHÁC.
Đến đây tất cả kiến thức sai lầm đều bị phá. Mọi ý niệm về sắc tướng bị tiêu diệt. Chính đây là lúc mà cái LÝ căn bản đạt đến chỗ cùng cực của nó. Tất cả vọng tưởng được thấy nay không còn nữa thì cái vọng kiến có khả năng xem thấy chúng cũng tiêu tan mất. Đây là pháp tắc cùng cực, tối hậu của Bát Nhã . Nó thấu thẳng vào con đường siêu việt của Pháp Thân.
Vì thế Đức Phật đã khuyến cáo họ: Kẻ nào phát tâm Bồ Đề phải thấy, biết, tin, hiểu như thế này đối với mọi sự, mọi vật “ Không nên để sắc tướng của mọi sự, vật phát sanh trong tâm. Chỉ lúc đó mới có cái biết chân thật, cái thấy chân thật, cái tin chân thật, cái hiểu chân thật và vĩnh viễn không còn tri kiến hư ngụy nào, mê chấp nào có thể đột khởi trong tâm nữa vậy ”.
Kiến chấp về nhân và pháp đều tiêu tan, kiến chấp về Thánh, Phàm không còn. Ngôn ngữ cũng dứt, đoạn. Hoạt động của tâm trí bị tiêu diệt. Vì diêu động cái tâm là sai, động niệm tức quấy.
Ngài dạy: “Cái gọi là Pháp tướng cũng không phải là Pháp tướng “. Đây mới là Pháp tướng chân thật, không phải là pháp tướng do vọng kiến nhận thấy.
Đây là giáo lý tối thượng của Bát Nhã.
NGHI VẤN 32
Ngài Tu Bồ Đề nhĩ rằng : Nếu Pháp Thân không thuyết pháp thì người thuyết pháp phải là Hóa Thân. Cái pháp do Hóa Thân giảng thuyết không thể đạt đến cảnh giới của Pháp Thân vậy thì làm sao những kẻ thọ trì pháp đó có thể thâu được lợi ích?
VĂN KINH
Này Tu Bồ Đề! Như có người lấy bảy báu chất đầy vô lượng thế giới đem ra bố thí. Lai như có thiện nam, thiện nữ phát tâm Bồ Đề và chỉ thọ trì, đọc tụng bài kệ bốn câu trong kinh này đem ra giảng giải cho người khác nghe thì phước đức người này trội hơn phước đức người trước.
Thế nào là giảng giải cho người khác? Đó là không chấp sắc tướng, giữ mình Như Như bất động.
GIẢI THÍCH
Tu Bồ Đề hoài nghi rằng cái pháp mà Hóa Thân giảng thuyết không thể đạt tới cảnh giới Pháp Thân thì làm sao có thể có lợi ích được? Phật nói Hóa Thân giảng thuyết tức Pháp Thân giảng thuyết đó vậy. Vì Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân Tam Thân đồng nhất thể, không khác nhau chút nào. Nếu chỉ thọ trì bốn câu kệ của cái pháp này, diễn nói cho người khác nghe thì phước đức sẽ vô song vì đã từ bỏ mọi sắc tướng và ở trong trạng thái Như Như bất động. Đến đây thì sự thuyết pháp về vi trần và thế giới đã sáng tỏ lắm vậy.
NGHI VẤN 33
Nếu Pháp Thân đã tịch diệt thì làm sao có thể thuyết pháp được?
Đoạn kế đây chỉ dạy một phương pháp tham thiền là pháp Chánh Quán.
Vì Bát Nhã không tịch cho nên phải dùng cách giả quán, tức là xem hiện tượng trước. Từ cái giả (hiện tượng) nhập vào cái không (Chân Như). Do đó nên gọi là Chân Không, vì giả tức là chân vậy. Tại vì sao? Là vì
Nhất thiết pháp hữu vi
Như mộng huyễn, bào ảnh
Như điện, diệt như lộ
Ưng dĩ như thị quán
Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn
Như ảo ảnh, bọt nước, bóng hình
Như giọt sương như điện chớp
Phải nên tham thiền như thế đó.
GIẢI THÍCH
Tham thiền theo pháp Chánh Quán tuyệt diệu trên đây sẽ dẫn dắt vào Chân Không của Bát Nhã. Vì Chân Không minh tịch cho nên phải nhờ cái giả (hiện tượng) đặng quán. Nếu quán sáu hiện tượng được dùng làm thí dụ trên đây là : Giấc mộng, ảo ảnh, bọt nước, bóng hình, giọt sương, điện chớp được thành công thì Chân Không tự nhiên xuất hiện.
Từ trước đến nay các điều giảng dạy đều có mục đích hiển lộ LÝ THỂ Chân Như . Nay cách tham thiền theo pháp quán lại được chỉ dạy. Các người tu hành nên tùy theo đó mà vào Bát Nhã. Tới đây là chỗ cùng cực của cảnh giới chân thực của Pháp Thân.
VĂN KINH
Khi Phật giảng kinh này xong thì Trưởng lão Tu Bồ Đề và các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di các vị Thánh Hiền, Nhân, Thiên cua thế giới nghe lời Phật dạy đều lấy làm vui mừng, tin tưởng, và theo đó mà tu hành.
GIẢI THÍCH
Đây là phần kết luận kinh theo lệ thường. Phàm ai nghe kinh này đều tràn ngập vui mừng, và tâm họ hòa hợp một cách kỳ diệu với giáo lý vừa được giảng dạy. Tâm đã hòa hợp như thế thì lòng tin càng chân thật , thọ trì càng tha thiết và sự phụng hành của họ quả thật không uổng vậy.
Đến đây là hết bộ Kinh Kim Cang Quyết Nghi.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.47.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.