Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
4. 9. Nhân tu của tướng thân sắc vàng
Lại nữa Tì-xá-khư! Tu hành như thế nào để được thân sắc vàng ròng, tỏa sáng chói lọi giống như núi vàng?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, Như Lai ở trong vô lượng kiếp thường tu hạnh lành không sân hận. Nếu có chúng sinh nào dùng lời ác chửi mắng, đánh đập, Như Lai đều có thể nhẫn chịu, không sinh lòng sân hận và tự mình hổ thẹn mà khởi tâm từ bi. Do quả báo của nghiệp lành thường tự ngăn chế mình trong quá khứ, và nhờ bố thí các loại y tốt, mịn màng như cù-lâu, sô-ma, kiếp-bối, kiều-xa-da... trải qua vô lượng kiếp tích tụ công đức cao dày nên thường hưởng sự vui sướng của cõi trời, sinh xuống nhân gian được tướng đại nhân thân sắc vàng. Trong tất cả các màu sắc, sắc vàng là chói sáng hơn hết. Nhân nơi tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, tất cả các loại y phục mềm dịu trong thế gian như cù-lâu, phu-cụ, sô-ma, kiếp-bối, kiều-xa-da, khâm-bà-la... thánh vương đều có. Nếu xuất gia thì thành Phật, tất cả các loại y phục, ngọa cụ quí mềm như kiếp-bối, sô-ma, khâm-bà-la... Như Lai đều có.
Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Lòng không khởi sân hận
Thường hổ thẹn tự ngăn
Bố thí áo quí mịn
Vải lụa đắt vô cùng.
Thí chúng sinh như thế
Cho rồi lòng vui mừng
Sung sướng không hối tiếc
Như người nhà bị cháy
Vật còn nên vui mừng.
Chứa hạnh lành vô lượng
Sinh thiên sướng tột cùng
Lại sinh xuống nhân gian
Có được tướng đại nhân
Thân thể sắc vàng ròng
Giống như núi báu lớn.
Tại gia làm thánh vương
Cai trị bốn thiên hạ
Thường xúc chạm dịu êm
Mặc y phục quí giá.
Nếu xuất gia thành Phật
Độ trời, người, rồng, thần
Y phục cũng như thế.
4.10. Nhân tu của tướng mã âm tàng
Lại nữa, Tì- xá khư! Tu như thế nào để được tướng mã âm tàng?
Tì-xá-khư! Như Lai ở trong vô lượng kiếp, lúc còn là phàm phu thường vui tu hạnh khéo hòa hợp chúng. Nếu cha mẹ, anh em, chị em, lục thân quyến thuộc, bạn bè, người quen, nam nữ, cho đến súc sinh, như có kẻ bị chia lìa muốn hòa hợp, Như Lai liền theo mong muốn của họ khéo làm cho hòa hợp, khiến họ vui mừng. Với hạnh lành như thế tích chứa cao dày nên Như Lai thường sinh lên cõi trời hưởng phước báo vui sướng, sinh xuống nhân gian cũng như thế. Trải qua nhiều kiếp cho đến khi làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ. Nhân tướng này, nếu tại gia được làm chuyển luân thánh vương, cai quản bốn châu thiên hạ, có nghìn thiên tử dũng mãnh hàng phục cừu địch. Nếu xuất gia thì thành Phật, các đệ tử từ pháp mà sinh quá hơn nghìn vạn, dũng mãnh, nhiều năng lực, có thể hàng phục được ma oán.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Ta trong vô lượng kiếp
Lúc còn là phàm phu
Giúp mọi người hòa hợp
Khiến họ được an vui.
Người thân như cha mẹ
Anh em và chị em
Với bà con xa gần
Cùng bạn bè, tri thức
Người khổ vì xa cách
Khéo hòa hợp an vui.
Nhân nơi hạnh lành này
Thường sinh lên cõi trời
Hưởng đủ sự vui sướng
Hạ sinh xuống nhân gian
Được tướng mã âm tàng.
Tại gia được nghìn con
Dũng mãnh không ai bằng
Thường hàng phục cừu oán
Hằng cúng dường mẹ cha
Làm song thân vui sướng.
Nếu xuất gia thành Phật
Pháp tử có nghìn muôn
Sức giới, định, thần thông
Thường hàng phục ma oán.
4. 11. Nhân tu của tướng thân hình cân đối, tay dài quá gối
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hành thế nào để được thân Phạm thiên cân đối như cây ni-câu-loại, khi đứng thẳng tay quá đầu gối?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, Như Lai còn là phàm phu thường tu hạnh từ, thường khéo quán chiếu các pháp thiện, ác, thô, tế, bình đẳng, bất bình đẳng, đây là trí tuệ, đây là ngu si, đây là tinh tấn, đây là giải đãi, đây là sân hận, đây là nhẫn nhục… phân biệt như thế tùy theo phẩm loại mà dẫn dắt chúng sinh. Với hạnh nghiệp này, trải qua vô lượng kiếp thác sinh trong cõi trời, người cho đến khi làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ. Sau đó sinh xuống nhân gian được hai tướng đại nhân như thế. Nhân tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, cai trị bốn châu thiên hạ, của giàu vô lượng, đầy đủ các món báu như kim ngân, lưu li, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu, ngũ cốc có dư, kho chứa tràn đầy. Nếu như xuất gia chứng thành Phật quả, đủ thất thánh tài: tín, giới, thí, văn, tuệ, tàm và quí. Như Lai cũng có vô lượng vô biên các vật như thế.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Như Lai trong quá khứ
Khéo quán xét chúng sinh
Giản trạch phân biệt rồi
Quán chiếu thảy bình đẳng.
Xét căn tính chúng sinh
Tùy loại mà bố thí
Nhân nơi hạnh lành này
Thường sinh lên cõi trời
Khi sinh xuống nhân gian
Được tướng thân đứng thẳng
Hai tay quá đầu gối
Giống cây ni-câu-loại
Vững trên đất cân đối
Thân Phật cũng như thế.
Vô lượng kiếp đến nay
Nhân tích chứa hạnh lành
Hiện hai tướng giàu có
Khiến thiên hạ thái bình
Tại gia hưởng ngũ dục
Thành Chuyển luân thánh vương
Xuất gia lìa thế tục
Thành tựu Vô Thượng tôn.
4. 12. Nhân tu của ba tướng tốt ngực, cổ và vai
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để được ba tướng đại nhân: một là tướng ngực sư tử, hai là bối quang như mặt trời, ba là vai và cổ đều tròn đầy?
Tì-xá-khư! Trong quá khứ lúc Như Lai còn là phàm phu, thường làm lợi ích chúng sinh khiến họ trụ trong an lạc, tín tâm, trì giới, đa văn, bố thí; đồng thời làm cho họ phát triển về tài sản, ngũ cốc, đất đai, nhà cửa, tôi tớ, trâu bò, voi ngựa, xe cộ, vợ con, quyến thuộc... Nhân hạnh lành này thường sinh lên cõi trời, khi sinh xuống nhân gian được tướng của đại nhân như thế. Nhân tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, pháp lành thường hưng thịnh, tài sản, ngũ cốc, ruộng vườn, nhà cửa đều tràn đầy. Vợ con, quyến thuộc, tôi tớ, bạn bè, tri thức đều đầy đủ. Nếu xuất gia thì đắc thành quả Phật, đủ thất thánh tài, có bốn bộ chúng số đông vô lượng cùng làm quyến thuộc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Tín tâm, trì giới
Đa văn, bố thí
Tôi tớ, voi ngựa
Trâu dê, ruộng nhà.
Vợ con, quyến thuộc
Bạn bè, người quen
Thường khởi niệm thiện
Làm sao khiến họ
Sắc, lực an lạc
Tăng trưởng gấp bội.
Nhân hạnh nghiệp này
Thường sinh lên trời
Thác xuống nhân gian
Được tướng đại nhân
Tướng ngực sư tử,
Bối quang rực rỡ,
Vai, cổ tròn đầy
Ba tướng thành tựu.
Nếu là tại gia
Quyến thuộc, vợ con
Tôi tớ, voi ngựa
Đều được đầy đủ.
Nếu là xuất gia
Thành tựu quả Phật
Quyến thuộc đông vầy
Không hề suy giảm.
4. 13. Nhân tu của tướng chữ vạn trước ngực
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để được tướng chữ vạn trước ngực?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, lúc Như Lai còn là phàm phu, không làm não hại chúng sinh, không đánh chém, cũng không giam trói chúng sinh. Với hạnh lành ấy tích tụ sâu dày nên thường sinh lên cõi trời. Khi sinh xuống nhân gian được tướng đại nhân trước ngực có chữ vạn. Nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, không bị các bệnh tật, bốn mùa điều hòa, không nóng không lạnh. Nếu xuất gia thì thành tựu Phật quả, cũng không bệnh tật, lại được điều hòa, không nóng không lạnh, thân thể nhẹ nhàng dễ vào tam-muội.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Không giam trói chúng sinh
Cũng không hề đánh đập
Và cũng chẳng chém giết
Làm não hại chúng sinh.
Nhân hạnh lành như thế
Thường sinh lên cõi trời
Thụ hưởng sự an vui
Đến nhất sinh bổ xứ.
Khi sinh xuống nhân gian
Có được tướng đại nhân
Trên ngực mang chữ vạn.
Nhân nơi tướng tốt này
Không có các bệnh tật
Nếu làm người tại gia
Thường hưởng sự an lạc
Thuộc dòng dõi quan quyền
Vua bốn châu thiên hạ.
Nếu xuất gia học đạo
Thành đấng Vô Thượng tôn
Hưởng tịnh lạc vi diệu.
4. 14. Nhân tu của tướng mắt biếc phóng hào quang
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để được tướng mắt xanh biếc như hoa sen xanh? Khi mắt máy động phóng ra hào quang sắc xanh?
Tì-xá-khư! Như Lai ở trong vô lượng kiếp về thuở quá khứ, lúc còn là phàm phu, thường tu hạnh lành không dùng tâm ác trừng háy chúng sinh, không dùng tâm dục liếc nhìn chúng sinh mà thường dùng tâm lành, xa rời sân hận, luyến ái, si dại để nhìn chúng sinh. Nhân hạnh lành này nên thường sinh lên cõi trời hưởng sự an vui, khi sinh xuống nhân gian có được hai tướng đại nhân như thế. Do hai tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, hết thảy nhân dân, sa-môn, bà-la-môn, sát-đế-lợi, cư sĩ, vợ con, quyến thuộc, quần thần, người hầu... nhìn không biết chán. Nếu xuất gia thành tựu quả Phật, được bốn chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, người, a-tu-la, la-hầu-la-già, càn-thát-bà… tất cả chúng sinh dùng tâm lành vui mừng chiêm ngưỡng Như Lai không biết chán.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Phật ở kiếp quá khứ
Lúc còn là phàm phu
Thường tu các hạnh lành
Không dùng tâm sân hận
Trừng mắt và nguýt háy
Cũng không dùng ái nhiễm
Tâm dục nhìn chúng sinh,
Mắt thanh tịnh trong sáng
Nhìn với lòng hòa vui.
Nhân nơi hạnh lành này
Thường sinh lên cõi trời
Đến nhất sinh bổ xứ
Khi hạ sinh nhân gian
Được tướng mắt xinh đẹp
Mắt như hoa sen xanh
Phóng quang màu xanh biếc.
Do tướng đại nhân này
Được thông minh trí tuệ
Khắp hết thảy chúng sinh
Ưa nhìn không biết chán.
Tại gia làm Thánh vương
Có được trí tuệ lớn
Bảy báu đều đầy đủ
Điều phục bốn thiên hạ
Xuất gia thành quả Phật
Đạt được Nhất thiết trí.
4. 15. Nhân tu của tướng nhục kế và tóc xanh mượt
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để được tướng nhục kế và tướng tóc trên đầu xanh mượt?
Tì-xá-khư! Như Lai vào đời quá khứ, lúc còn là phàm phu, thường tạo công đức cho người, giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý, bố thí, trì giới; mỗi tháng tu sáu ngày trai, cúng dường cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, bạn bè, quyến thuộc, các bậc kì lão, cao đức. Lại tu tập những hạnh lành không thể đếm kể. Nhân tích tụ những hạnh lành ấy nhiều vô lượng nên sinh lên cõi trời, thụ hưởng vui sướng cho đến lúc làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ. Khi sinh xuống nhân gian được hai tướng của đại nhân như thế. Do hai tướng này, nếu tại gia thường làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, là nơi nương tựa cho mọi người. Nếu xuất gia thì thành tựu quả Phật, làm nơi nương tựa cho tứ chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Ta ở đời quá khứ
Tu hạnh lành đứng đầu
Thường giữ gìn Phạm hạnh
Làm chỗ nương cho người
Mạng chung sinh lên trời
Thụ hưởng sự khoái lạc.
Khi sinh xuống nhân gian
Được hai tướng đại nhân
Trên đầu có nhục kế
Tóc đẹp màu biếc xanh.
Tại gia làm thánh vương
Cai trị bốn thiên hạ
Đem ngũ giới, thập thiện
Giáo hóa cho nhân dân.
Nếu xuất gia học đạo
Thành đấng Vô Thượng tôn
Thường đem giới, định, tuệ
Giáo hóa cho chúng sinh.
Luôn là chỗ nương tựa
Cho các chúng trời người
Long thần cùng dạ-xoa
Càn-thát-bà, tu-la.
4. 16. Nhân tu của tướng sợi lông trên mỗi lỗ lông và tướng lông trắng giữa chặng mày
Lại nữa,Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để được tướng mỗi sợi lông trên mỗi lỗ lông và tướng lông trắng giữa chặng mày mềm mại như bông đâu-la?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, khi Phật còn là phàm phu, tu hạnh không nói dối, thường nói lời chân thật, gìn giữ lời nói chân thật, tâm ý chân chính mà nói lời chân thật, không nói lời hoa mĩ dâm dật, lời nói dịu hòa tùy thuận chúng sinh. Nhân hạnh lành ấy thường sinh lên cõi trời thụ hưởng khoái lạc. Khi sinh xuống nhân gian được hai tướng của đại nhân: một là mỗi lỗ lông có một cọng lông mềm mại, đều quay về phía phải và không bị dính bụi, nước. Hai là tướng lông trắng giữa chặng mày sáng mượt, tươi nhuận, mềm mại như bông đâu-la. Do hạnh lành này, nếu là tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp bốn châu thiên hạ, nhân dân sung túc, tất cả đều phát triển, khoái lạc vô cùng. Nếu xuất gia, thành tựu Phật quả, bốn bộ chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà- tắc, ưu-bà-di phát triển vô lượng vô biên, đầy cả thế giới.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Ta ở đời quá khứ
Tu hạnh không nói dối
Miệng chưa bao giờ nói
Lời hư dối không thật.
Tùy thuận theo thế gian
Nói lời không lầm lỗi
Nhân nơi hạnh lành này
Thường sinh lên cõi trời.
Khi sinh xuống loài người
Được hai tướng đại nhân
Tướng lông trắng chặng mày
Mềm như bông đâu-la
Mỗi lỗ lông mỗi cọng
Đều quay về phía phải.
Nhân hai tướng tốt này
Tại gia làm thánh vương
Cai trị bốn thiên hạ
Đất nước rất phồn thịnh.
Nếu bỏ nhà tu đạo
Thành đấng Đại Pháp Vương
Giáo hóa hàng trời người
Chánh pháp truyền rộng rãi.
4. 17. Nhân tu của tướng tốt về răng
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu như thế nào để được tướng miệng có bốn mươi chiếc răng, trắng, đều và khít?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, Như Lai ở trong vô lượng kiếp, thường tu hạnh không nói hai lời, bỏ thói nói lời đâm thọc: không đến người này nói chuyện người kia, không đến người kia nói chuyện người này; nghe chuyện xong, nếu được lợi ích, vui vẻ cho người khác mới nói. Nhân hạnh lành ấy nên thường sinh lên cõi trời hưởng sự vui sướng, sinh xuống nhân gian được hai tướng của đại nhân như thế. Với hai tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, thế giới không có giặc dã, trộm cướp, quyến thuộc hiền lành, bền vững không tan lìa. Nếu xuất gia làm Phật, được bốn bộ chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di bền vững, kiên trì giữ gìn pháp tạng của Như Lai, không bị bốn ma phá hoại.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Như Lai trong quá khứ
Tu hạnh không hai lưỡi
Không náo loạn chúng sinh
Thường khéo hòa hợp chúng
Nhân hạnh ấy sinh thiên
Thụ hưởng sự vui sướng.
Khi sinh xuống nhân gian
Được hai tướng đại nhân
Miệng có bốn mươi răng
Răng trắng, sạch, khít, đều
Thuộc dòng dõi quan quyền.
Tại gia, vua bốn cõi
Đầy đủ bốn thứ binh
Bền vững khó ngăn phá
Sát-lợi, bà-la-môn
Chẳng thể làm thay đổi.
Nếu xuất gia thành Phật
Bốn bộ chúng rất đông
Trời người đều quy hướng
Cung kính và tôn trọng.
4. 18. Nhân tu của tướng tốt về lưỡi
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để được tướng lưỡi rộng dài, phát ra âm thanh vi diệu như tiếng ca-lăng-tần- già?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, lúc còn là phàm phu, Như Lai không nói lời thô ác, xả bỏ lời thô ác, xa lìa lời thô ác; thường nói lời từ hòa, có thể đi vào lòng người, khiến người thích nghe; lời nói đại từ đại bi, lời nói trọn vẹn trước sau, lời nói đầy đủ ân nghĩa làm cho mọi người đều thương mến. Với hạnh lành ấy, Như Lai tinh cần tích chứa sâu dày nên thường sinh lên cõi trời thụ hưởng khoái lạc, sinh xuống nhân gian được hai tướng đại nhân là tướng lưỡi rộng dài khi đưa ra có thể che mặt và tướng âm thanh vi diệu như tiếng ca-lăng-tần-già, làm cho người khác ưa nghe. Nhân nơi tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, những lời nói ra tất cả nhân dân đều thích nghe và vâng làm. Nếu không vui tại gia mà xuất gia tu đạo thì thành Phật. Phật thuyết pháp hết thảy tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, phi nhân… vui mừng thụ lãnh vâng làm.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Phật ở trong quá khứ
Tu hạnh nói lời lành
Không sân cũng không giận
Không lời ác não người
Thường nói lời từ bi
Chân chính và hòa dịu
Thuần một vị như thế
Mọi lời đều tốt đẹp.
Nhân ở hạnh lành này
Được tướng lưỡi rộng dài
Tiếng Phạm trong êm dịu
Như ca-lăng-tần-già
Nhờ hai tướng đại nhân
Tại gia làm thánh vương
Những lời vua nói ra
Nhân dân đều vâng kính .
Xuất gia được thành Phật
Chuyển bánh xe vô thượng
Pháp mầu được tuyên thuyết
Trời, người, a-tu-la
Rồng, thần, và dạ-xoa
Người nghe đều phụng hành.
4. 19. Nhân tu của tướng tốt về cằm
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để có tướng cằm như hàm sư tử. Trong thời quá khứ, lúc còn là phàm phu, Như Lai thường tu hạnh không nói thêu dệt, từ bỏ lời nói thêu dệt, xa rời lời nói thêu dệt. Nói lời có ý nghĩa, nói lời có oai nghi, nói lời chính pháp, thường nói lời chân lí, nói lời có suy nghĩ và đúng lúc, đúng thời. Với hạnh lành ấy tích tụ vô lượng nên Như Lai thường thụ hưởng sự vui sướng của cõi trời. Khi sinh xuống nhân gian được tướng đại nhân như thế. Nhân tướng ấy, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ, tất cả nhân dân không ai có thể làm hại được vua. Nếu xuất gia thành Phật, trời, người, a-tu-la, ma vương, Phạm thiên, bà-la-môn, sa-môn, các oan gia bên trong, bên ngoài không ai có thể hại được.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Ta trong đời quá khứ
Thường nói không thêu dệt
Cũng không tự khen mình
Không nói lời lẫn lộn.
Dứt hẳn lời vô nghĩa
Thường nói lời đúng lúc
Lời nói người vui mừng
Làm lợi ích chúng sinh.
Nhân ở hạnh lành này
Hưởng vui sướng cõi trời
Khi sinh xuống nhân gian
Có tướng hàm sư tử.
Tại gia làm Thánh vương
Thống nhiếp bốn thiên hạ
Với tướng đại nhân này
Chẳng ai có thể hại.
Xuất gia được thành Phật
Sa-môn, cùng Phạm thiên
Ma vương, a-tu-la
La-hầu, khẩn-na-la
Các ma oán trong ngoài
Không ai làm hại được.
4. 20. Nhân tu của tướng tốt răng cửa
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hạnh gì để được tướng bốn răng cửa, đều, khít, trắng, sạch và sáng?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, lúc còn là phàm phu, Như Lai buông bỏ nghề ác, sống bằng nghề chân chính, cũng không dối gạt người bằng cân non đấu nhỏ, không dùng thế lực cướp ngang tài sản của người, hay dùng đồ giả để lừa bịp người, hoặc lừa dối người bằng sự thay đổi hình dạng, bằng sự yêu thương, bằng sự xúc chạm, lừa dối bằng sự chuyên cần… Hết thảy các cách lừa dối Như Lai đều buông bỏ. Với hạnh lành ấy, tích tụ sâu dày, mạng chung sinh lên cõi trời, thụ hưởng mười thứ khoái lạc:
- Được thọ mạng lâu dài của cõi trời.
- Được sắc thân đẹp đẽ của cõi trời.
- Thụ hưởng niềm vui của cõi trời.
- Được danh tiếng vang xa của cõi trời.
- Được làm vua cõi trời.
- Được sắc đẹp của cõi trời.
- Được âm thanh của cõi trời.
- Được hương thơm của cõi trời.
- Được mùi vị của cõi trời.
- Được sự xúc chạm của cõi trời.
Đó là thụ hưởng mười sự khoái lạc của cõi trời, khi sinh xuống nhân gian được tướng đại nhân, một là răng cửa đều đặn không lớn không nhỏ, hai là sắc răng trắng, sáng, sạch. Nhân tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, có bốn binh chủng, thống nhiếp cả bốn châu thiên hạ. Chúng bà-la-môn, sát-đế-lợi, tụ lạc, thành ấp, đại thần, trưởng giả, hoàng hậu, phi tần, thể nữ cùng nghìn người con đều trang nghiêm thanh tịnh. Nếu xuất gia thành tựu Phật quả, cũng có bốn chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu- bà-tắc, ưu-bà-di, trời, người, a-tu-la, càn-thát-bà cũng đều thanh tịnh.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Ta vào đời quá khứ
Quyết buông bỏ nghề ác
Sống bằng nghề chân chính
Chính pháp làm lợi người
Thường cứu khổ chúng sinh
Khiến họ được an lạc.
Nhân hạnh lành như thế
Hưởng lạc trời mười điều
Thường được hàng chư thiên
Tôn kính và tán thán
Hưởng sự vui sướng rồi
Khi sinh xuống nhân gian
Nhân hạnh xưa chiêu cảm
Được hai tướng đại nhân
Răng không lớn không nhỏ
Sắc trắng sáng, sạch bóng
Sanh dòng dõi quan quyền
Tại gia làm thánh vương
Có được bốn binh chủng
Đều trang nghiêm, trong sạch.
Nếu xuất gia làm Phật
Đầy đủ cả bốn chúng
Tì-kheo, tì-kheo-ni
Ưu-bà-tắc, bà-di
Trời, người, a-tu-la
Thần, rồng và dạ-xoa
Trong sạch không nhơ bợn
Thảy cung kính vây quanh.
Tì-xá-khư! Đó là tu hành hai mươi hạnh để được ba mươi hai tướng của đại nhân, dùng những tướng này để trang nghiêm sắc thân vi diệu của Như Lai.
5. Tám mươi vẻ đẹp
Lại nữa, Tì-xá-khư! Thân Phật còn có tám mươi vẻ đẹp[66]. Đó là: 1. Móng tay sắc hồng; 2. Móng tay nổi lên; 3. Móng tay trơn sạch; 4. Các móng đầy đủ; 5. Đầu ngón tròn gọn; 6. Ngón tay thẳng thon; 7. Các ngón khít vào nhau; 8. Ngón tay sạch sẽ; 9. Tay, chân tròn đầy; 10. Lòng bàn tay, bàn chân màu hồng; 11. Hai tay, hai chân cân bằng; 12. Phía trong tay, chân đều đầy đặn; 13. Chỉ tay hiện rõ; 14. Chỉ tay ngay thẳng; 15. Chỉ tay nhỏ mà dài; 17. Chỉ tay không bị loạn; 18. Xương mắt cá không nổi lộ; 19. Đầu gối tròn đầy; 20. Các khớp tròn đầy; 21. Đi đứng ngay thẳng; 22. Đi như sư tử chúa; 23. Đi như ngỗng chúa; 24. Tướng đi như rồng chúa; 25. Tướng đi như trâu chúa; 26. Đi không liếc nhìn hai bên; 27. Bước đi không loạn; 28. Thân trên thẳng đứng; 29. Thân Phật cao hơn người thường; 30. Tất cả đều đầy đủ; 31. Thân Phật đều đẹp; 32. Thân thể cân đối; 33. Thân thể đầy đặn; 34. Thân thể không xiêu vẹo; 35. Thân thể trơn láng; 36. Thân thể to nhỏ có thứ lớp; 37. Thân thể sạch sẽ; 38. Thân thể mềm mại; 39. Thân thể thanh khiết; 40. Thân thể săn mịn; 41. Thân thể rắn chắc; 42. Thân thể trang nghiêm đoan chính; 43. Các căn ngay thẳng; 44. Sắc da không đen; 45.Thân thể không có nốt ruồi; 46. Lông ở trên thân thanh khiết; 47. Tướng bụng săn, tròn. 48. Tướng bụng không có chỉ ngang; 49. Thân thể sáng sạch không có tì vết; 50. Rốn sâu; 51. Lỗ rốn tròn đẹp; 52. Chỉ ở lỗ rốn xoay về phía phải; 53. Lỗ rốn không khuyết; 54. Miệng rốn không dài; 55. Miệng rốn không ngắn; 56. Lông ở rốn mọc xuống phần dưới; 57. Răng bén như răng rồng; 58. Răng không dô ra khỏi miệng; 59. Thân của bốn răng cửa cân tròn; 60. Bốn răng cửa sắc bén; 61. Bốn răng cửa dài nhọn; 62. Bốn răng cửa đều khít; 63. Lưỡi rộng mềm mại; 64. Màu lưỡi đỏ đẹp; 65. Tiếng của trời cõi Phạm sâu xa vi diệu; 66. Tiếng như voi chúa; 67. Tiếng như chim ca-lăng-tần-già; 68. Lợi phủ chân răng; 69. Mũi không dẹp; 70. Mũi cao dài; 71. Lỗ mũi sạch sẽ; 72. Lỗ mũi vuông, rộng; 73. Mắt to trong sáng; 74. Quanh tròng mắt màu sắc đen nhánh; 75. Lông mi có thứ lớp; 76. Bờ mi như nữa vầng trăng tròn, thanh cao mà dài; 77. Lông mi đen nhuận, ngắn dài đúng chỗ; 78. Lông mi sắc tuyền, sáng sạch; 79. Trái tai thỏng xuống, trong ngoài đều sạch; 80. Tóc mịn, xoay về phía phải, không rối loạn, dài, nhỏ dần đúng cách, tất cả đều tốt.
Tì-xá-khư! Đó là tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Kiên trì giữ gìn
Tất cả giới cấm
Hết thảy khổ hạnh
Bậc đại Phạm chí
Ba hai tướng tốt
Tám mươi vẻ đẹp
Trang nghiêm thân mình
Trời người tôn kính
Hào quang tỏa chiếu
Soi sáng vô cùng
Xanh, vàng, đỏ, trắng
Hòa quyện vào nhau
Chuyển quanh xoay vòng
Bao phủ không gian.
Phóng đại hào quang
Chiếu khắp các cõi
Trung quang soi chiếu
Ba nghìn thế giới.
Thường quang Như Lai
Chiếu quanh tám thước.
Nếu phóng đại quang
Nhật nguyệt bị mờ
Như mặt trời mọc
Các sao chẳng hiện.
Như phóng trung quang
Chiếu khắp thế giới
Mặt trời như trăng
Mặt trăng như sao.
Vạn hạnh chiêu cảm
Được thân như thế.
Tất cả chúng sinh
Đều thích ngắm nhìn
Vui mừng chiêm ngưỡng
Không biết nhàm chán. Phẩm 3: HIỆN ĐIỀM LÀNH
1. Mười sáu tướng khi bồ-tát đản sinh
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ ấy rồi, bà Tì-xá-khư hết sức vui mừng, bạch Phật:
- Thế Tôn! Lúc bồ-tát đản sinh, có bao nhiêu tướng kì đặc vi diệu xuất hiện ở thế gian?
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Lúc bồ-tát đản sinh, ứng hiện mười sáu tướng lành kì đặc:
1. Bồ-tát từ cõi trời Đâu-suất thác vào thai mẹ mà vẫn nhớ biết rõ ràng. Đó là tướng kì đặc thứ nhất, hi hữu chưa từng có.
2. Lúc bồ-tát từ cõi trời thác vào thai mẹ, tự nhiên hào quang chiếu sáng thế gian. Những chỗ tối tăm ở thế gian mà mặt trời, mặt trăng và các sao không thể chiếu đến đều nhờ hào quang này mà được sáng tỏ. Chúng sinh trong các cõi ấy đều được thấy nhau và cùng nói: “Vì sao trong đó chợt sinh ra chúng sinh? Hào quang của tất cả ma vương, Phạm thiên vương, sa-môn, bà-la-môn đều không bằng hào quang của vị này”. Tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách, các núi Tu-di chấn động không ngừng. Đó là tướng kì đặc thứ hai, hi hữu chưa từng có.
3. Lúc bồ-tát trụ thai có bốn vị thiên tử, uy nghi đứng ở bốn phương để hộ vệ bồ-tát và mẹ ngài, không để cho loài người cùng phi nhân ở thế gian não hại. Đó là tướng kì đặc thứ ba, hi hữu chưa từng có.
4. Lúc bồ-tát trụ thai có thể khiến cho mẹ mình tự nhiên giữ giới, không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Đó là tướng kì đặc thứ tư, hi hữu chưa từng có.
5. Lúc bồ-tát trụ thai khiến mẹ thanh tịnh, không có tâm dục, người ngoài thấy mẹ bồ-tát cũng không sinh tâm ái nhiễm. Đó là tướng kì đặc thứ năm, hi hữu chưa từng có.
6. Lúc bồ-tát trụ thai thường khiến cho mẹ mình được sắc, hương, vị xúc tự nhiên đầy đủ. Đó là tướng kì đặc thứ sáu, hi hữu chưa từng có.
7. Lúc bồ-tát trụ thai khiến mẹ thường an lạc, không có các khổ như mệt mỏi, tật bệnh, đói khát, nóng lạnh, bồ-tát cũng thế. Lúc còn trong thai, mẹ ngài thường thấy ngài giống như ngọc báu chân ma-ni tì-lưu-li, tám cạnh đều trong suốt, trong ngoài đều thấy rõ một cách đầy đủ. Nếu lấy chỉ năm sắc mà xâu vào ngọc thì người mắt sáng, khi cầm ngọc trong tay có thể thấy được tám cạnh của viên ngọc cùng chỉ năm sắc xanh, vàng, đỏ, trắng rõ ràng. Bồ-tát ở trong thai mẹ cũng lại như thế, mẹ ngài thấy đầu, mắt, chân, tay, toàn thân của ngài, tất cả đều rõ ràng, không bị chướng ngại. Đó là tướng kì đặc thứ bảy, hi hữu chưa từng có.
8. Tì-xá-khư! Bồ-tát sinh ra được bảy ngày, mẹ ngài mạng chung, sinh lên cõi trời Đâu-suất, thụ hưởng sự vui sướng. Đó là tướng kì đặc thứ tám, hi hữu chưa từng có.
9. Người phàm mang thai từ chín tháng đến mười tháng mới sinh. Bồ-tát không như thế, phải đủ mười tháng sau đó mới sinh. Đó là tướng kì đặc thứ chín, hi hữu chưa từng có.
10. Người nữ ở thế gian khi sinh sản thân thể thường đau đớn, ngồi nằm không yên, sau đó mới sinh đứa bé. Lúc sinh bồ-tát, mẹ ngài an vui, không có bệnh khổ, vui vẻ dạo chơi, nâng cánh tay mà sinh ra bồ-tát. Đó là tướng kì đặc thứ mười, hi hữu chưa từng có.
11. Lúc bồ-tát sinh được chư thiên đón tiếp, sau đó người ở thế gian mới nâng đỡ. Đó là tướng kì đặc thứ mười một, hi hữu chưa từng có.
12. Người đời nâng đỡ rồi lại có bốn vị trời cung kính nâng niu, đặt bồ-tát ở bên mẹ ngài. Lúc ấy, lòng họ rất vui mừng đều nói: “Lành thay! Lành thay phu nhân! Người có thể sinh ra người con khỏe mạnh, có oai đức lớn”. Đó là tướng kì đặc thứ mười hai, hi hữu chưa từng có.
13. Khi bồ-tát sinh ra không có các thứ bất tịnh như máu huyết, nước ối… thân ngài thanh tịnh như ngọc ma-ni. Nếu dùng vải quí mịn của nước ấy mà quấn ngọc ma-ni thì cả hai đều không bị bẩn. Vì sao? Vì ngọc ma-ni cũng như vải bọc, cả hai đều tinh sạch. Bồ-tát sơ sinh cũng lại như thế, thanh sạch không nhơ bẩn như ngọc ma-ni. Mẹ ngài tươi sạch cũng lại như thế. Đó là tướng kì đặc thứ mười ba, hi hữu chưa từng có.
14. Bồ-tát khi mới sinh, tự nhiên ở trên không trung có hai dòng nước, một nóng, một lạnh tắm rửa thân bồ-tát. Đó là tướng kì đặc thứ mười bốn, hi hữu chưa từng có.
15. Bồ-tát sau khi sinh đi bảy bước về phương Bắc. Bấy giờ ở không trung tự nhiên xuất hiện lọng trắng che bồ-tát. Đi bảy bước xong, bồ-tát ngoái nhìn mười phương rồi cất tiếng như sư tử rống, nói: “Hết thảy thế gian chỉ có Như Lai là cao quí nhất; trong các bậc tôn kính của trời người, Như Lai là bậc tôn kính nhất, từ đây sinh đã tận, không còn sinh lại”. Đó là tướng kì đặc thứ mười lăm, hi hữu chưa từng có.
16. Lúc bồ-tát sinh, hết thảy chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, ngay cả loài côn trùng đều rất vui mừng. Đó là tướng kì đặc thứ mười sáu, hi hữu chưa từng có.
Tì-xá-khư! Đó là mười sáu tướng kì đặc của Như Lai khi ở trong thai và lúc đản sinh.
Bấy giờ Như Lai nói kệ:
Từ Đâu-suất mạng chung
Hạ sinh xuống nhân gian
Trụ thai cùng sơ sinh
Thanh tịnh không cấu nhiễm.
Mười sáu tướng kì đặc
Vi diệu chưa từng có
Trong thai cùng lúc sinh
Không giống như chúng sinh.
Lúc sinh không bị mê
Đáng gọi bậc đệ nhất
Hiện tướng chẳng phải một
Điềm Phật sinh như thế.
2. Những điềm lành xuất hiện khi bồ-tát đản sinh
Đức Thế Tôn nói kệ ấy rồi, Tì-xá-khư lòng rất vui mừng, lại hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Lúc bồ-tát đản sinh có bao nhiêu điềm lành cùng xuất hiện?
Phật dạy:
- Lúc Bồ-tát đản sinh có đầy đủ ba mươi hai điềm lành cùng xuất hiện:
1. Đại địa thuộc tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động và tự nhiên có ánh sáng lớn chiếu khắp.
2. Tất cả nhạc khí tự nhiên trổi lên.
3. Trống không đánh mà tự vang.
4. Tất cả bệnh tật đều được tiêu trừ.
5. Tất cả xiềng xích tự tháo mở.
6. Hết thảy oan gia khởi tâm từ bi.
7. Người mù được sáng, thấy rõ cảnh vật.
8. Người điếc nghe được.
9. Người què đi được, có thể rong chơi tùy ý.
10. Người điên mất trí tự nhiên hồi phục, nhớ nghĩ rõ ràng.
11. Người câm nói được.
12. Thuyền bè lạc đường tự nhiên trở về chốn cũ.
13. Bảy báu ở trên mặt đất cũng như không trung tự nhiên phát sáng.
14. Các dòng sông đều ngừng chảy.
15. Những loài chim vui mừng đậu lại ca hót.
16. Trời đất lặng dừng không có gió thổi.
17. Những loài chúng sinh ăn thịt, tự nhiên khởi tâm từ.
18. Hết thảy chư thiên trở về cung điện của mình, vui cười hớn hở.
19. Lửa dữ ở ngục A-tì tự nhiên tiêu mất.
20. Kẻ đói được no.
21. Hết thảy ngạ quỉ không bị đói khát.
22. Khắp tứ thiên hạ mây giăng phủ kín, trời đổ mưa lớn.
23. Mặt trăng tự nhiên sáng tỏ.
24. Các vì sao xuất hiện vào ban ngày.
25. Mặt trời sáng tỏ.
26. Tất cả loài hoa đều nở.
27. Các loài cây ăn quả đều kết trái.
28. Khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, tự nhiên xuất hiện mùi hương của cõi trời, không có sự nhơ uế.
29. Bồ-tát lúc mới sinh ra liền đi bảy bước.
30. Lọng trắng ở trên hư không che chở cho bồ-tát .
31. Đi bảy bước xong, bồ-tát nhìn khắp mười phương.
32. Bồ-tát cất tiếng, giọng vang như sư tử hống.
Tì-xá-khư! Đó gọi là ba mươi hai điềm lành xuất hiện lúc bồ-tát đản sinh.
3. Nhân duyên đại địa chấn động khi bồ-tát đản sinh
Tì-xá-khư bạch Phật:
- Thế Tôn! Bồ-tát lúc sinh, vì nhân duyên gì mà làm chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới?
Phật dạy:
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát ra đời, cả đại địa chấn động là vì bồ-tát thị hiện trong đời này phiền não đã chấm dứt. Tất cả chúng sinh, người nào đắc đạo thì phiền não sẽ diệt tận, thế nên đại địa chấn động.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, tự nhiên hào quang chiếu sáng cả thế giới là vì bồ-tát đã đắc tam-muội trí.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, các nhạc khí tự nhiên trổi lên là vì bồ-tát nhập vào tam-muội.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, trống không đánh mà tự kêu là vì bồ-tát sẽ đánh pháp cổ lớn.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, tất cả xiềng xích đều tự tháo gỡ là vì bồ-tát sẽ độ thoát tất cả già, bệnh, chết của chúng sinh.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, tất cả oan gia đều phát sinh lòng từ là vì bồ-tát chứng đắc bốn tâm vô lượng.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, hết thảy bệnh tật đều tiêu trừ là vì bồ-tát sẽ diệt trừ tất cả bệnh phiền não.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, người mù được sáng là vì bồ-tát đắc thánh trí nhãn.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, người điếc được nghe là vì bồ-tát đắc thánh thiên nhĩ.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, người què đi được là vì bồ-tát đắc tứ thần túc lực.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, người mất trí được hồi phục là vì bồ-tát đắc an-na-bát-na niệm.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, người câm có thể nói là vì bồ-tát thông đạt được các pháp mà Như Lai thấy biết.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, thuyền bè trôi lạc đều trở về được chỗ cũ là vì bồ-tát đắc bát chính đạo, khai thị cho chúng sinh.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, bảy báu ở trên mặt đất hay trên hư không đều phát sáng là vì bồ-tát đắc tứ vô ngại trí.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, các dòng sông đều ngưng chảy là vì bồ-tát đã ngừng dứt được bốn dòng phiền não.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, tất cả các loài chim đều đậu lại vui mừng hót ca là vì bồ-tát sẽ phá các tà kiến.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, gió lặng dừng là vì bồ-tát chứng đắc Tam-muội thường lạc diệt tận.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, tất cả chúng sinh ăn thịt đều khởi tâm từ là vì bồ-tát đạt được bốn bộ quyến thuộc, dù sang, hèn, cao, hạ đều được hòa hợp.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, chư thiên trở về cung điện của mình vui cười hớn hở là vì lúc bồ-tát thành Phật, các thiện nam và thiện nữ xuất gia học đạo đắc quả A-la-hán, việc cần làm đã làm xong, đoạn dứt cội nguồn sinh tử trong ba cõi, gánh nặng đã để xuống, không cần làm gì và cũng chẳng mong cầu gì nữa, thường lạc thanh tịnh, an nhiên tự tại. Họ đều nói: “Chúng ta nay đã được độ thoát sinh, lão, bệnh, tử, không còn luân chuyển trong ba cõi, thanh tịnh vô nhiễm, giống như giọt sương đọng trên lá sen không bị nhơ bẩn”.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, lửa dữ ở địa ngục A-tì tiêu diệt là vì bồ-tát sẽ diệt được lửa dữ phiền não ba độc.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, kẻ đói được no là vì bồ-tát chứng đắc Tam-muội thân niệm.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, hết thảy ngạ quỉ không bị đói khát là vì bồ-tát đạt được nước giải thoát.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, mây giăng, mưa lớn là vì bồ-tát muốn mưa đại pháp, thấm nhuần khắp chúng sinh.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, mặt trăng sáng tỏ là vì khi bồ-tát thành Phật làm cho chúng sinh hoan hỉ chiêm ngưỡng.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, các vì sao xuất hiện ban ngày là vì lúc bồ-tát thành Phật khiến cho các đệ tử thanh văn hiện hữu ở thế gian.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, mặt trời càng thêm chiếu sáng là vì bồ-tát đắc sáu thần thông, tiếng tăm vang dội.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, trăm hoa đua nở là vì tiếng thơm các đệ tử của ngài đều được hoa giải thoát.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, các giống cây trái đều được đơm hoa kết quả là vì tiếng tăm đệ tử của ngài đắc bốn quả sa-môn.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, tam thiên đại thiên thế giới đều có mùi hương của cõi trời là vì bồ-tát đắc giới hương của Như Lai thơm khắp cả thế gian.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát sinh, đi liền bảy bước vì bồ-tát đắc thất bồ-đề đạo.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát đi có lọng báu trắng che chở là vì bồ-tát đạt được Niết-bàn.
- Tì-xá-khư! Lúc bồ-tát dừng lại, ngài nhìn về phương Đông là vì ngài sẽ làm người dẫn đường cho các chúng sinh.
- Tì-xá-khư! Bồ-tát nhìn về phương Nam là vì ngài sẽ làm ruộng phúc tốt cho các chúng sinh.
- Tì-xá-khư! Bồ-tát nhìn về phương Tây là vì lần sinh này đã chấm dứt, đây là thân cuối cùng.
- Tì-xá-khư! Bồ tát nhìn về phương Bắc là vì tất cả chúng sinh nên ngài chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
- Tì-xá-khư! Bồ-tát nhìn xuống phương dưới là vì ngài sẽ phá các binh ma, làm cho chúng tan tác thoái lui.
- Tì-xá-khư! Bồ-tát nhìn lên phương trên là vì ngài sẽ làm nơi nương tựa cho cõi trời người.
- Tì-xá-khư! Bồ-tát cất giọng sư tử rống vì ngài là bậc tối tôn tối thượng của trời người, hết thảy chúng sinh không thể sánh bằng.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Người dẫn đường tốt nhất
Bậc Đại Thánh tôn kính
Lúc sinh hiện điềm lành
Ruộng phúc tốt cõi đời.
Trầm luân trong ba cõi
Đây là kiếp sau cùng
Nơi trí tuệ thế gian
Như Lai là bậc nhất.
Đã phá chúng ma binh
Bậc Ứng Cúng tiếng tăm
Thế gian chưa từng có
Trời người đều qui y.
Thế Tôn lúc mới sinh
Ba hai điềm ứng hiện
Tướng vi diệu kì đặc
Tất cả đồng thời hiện.
Bồ-tát từ thai sinh
Đất sáu thứ chấn động
Tự nhiên ánh sáng lớn
Soi chiếu khắp mười phương
Khiến chúng sinh kinh ngạc
Và cùng nói với nhau
Nguyện Ngài mau thành Phật
Mưa pháp cam lồ lớn
Tẩy sạch nhơ phiền não
Cho con được giải thoát.
Nên nay con chí thành
Đảnh lễ đấng Vô Thượng.
4. Lời khuyên kết thúc
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rồi, Ngài bảo Tì-xá-khư:
- Chư Phật Như Lai không thể nghĩ bàn, pháp Phật nói ra không thể nghĩ bàn. Các thiện nam và thiện nữ tin lời Phật nói cũng không thể nghĩ bàn. Quả báo đạt được cũng không thể nghĩ bàn. Giống như trận mưa lớn thấm nhuần muôn loài, cùng các cây cỏ đều được tăng trưởng. Mưa pháp của Như Lai cũng lại như thế, thấm nhuần vô lượng chúng sinh. Người đáng độ nghe pháp này rồi đều đắc đạo quả. Nếu người tu quả báo ở chốn nhân thiên thì theo sở nguyện đều được thành tựu. Thế nên, hôm nay ngươi nên phải chuyên tâm thụ trì pháp này, làm cho bốn chúng ở đời vị lai đều được tu hành.
Lúc Đức Phật thuyết pháp này có sáu vạn trời, người đắc được pháp nhãn, những trời, rồng, a-tu-la, càn-thát-bà, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và phi nhân, tất cả đều phụng trì. Tì-xá-khư được pháp nhãn tịnh, một nghìn năm trăm quyến thuộc của bà đều có lòng tin kiên cố, không thoái chuyển đối với Phật, Pháp, Tăng.
Bấy giờ, tất cả vui mừng đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ra về. Chú thích:
[66] Tám mươi vẻ đẹp: Ở đây người dịch xin liệt kê lại 80 vẻ đẹp mà từ điển đã liệt kê để người đọc tham khảo thêm. Tám mươi vẻ đẹp có nhiều thuyết mô tả khác nhau. Theo kinh Đại Bát-Nhã thì tám mươi vẻ đẹp là: 1. Móng tay thon dài, mỏng bóng; 2. Ngón tay, chân tròn thon dài; 3. Chân tay cân xứng giữa các ngón khi khép lại thì đầy kín; 4. Tay chân sáng bóng, tươi dài; 5. Gân cốt ẩn không hiện; 6. Hai mắt cá ở chân đều ẩn; 7. Bước đi thẳng tới trước, oai nghi khoan thai như voi, rồng chúa; 8. Bước đi oai nghi tề chỉnh như sư tử chúa; 9. Bước đi vững vàng như trâu chúa; 10. Cách tiến, dừng uyển chuyển thanh nhã như ngỗng chúa; 11. Khi quay nhìn đều xoay bên phải như voi chúa nhấc mình di chuyển; 12. Các khớp tay và chân đều đặn tròn đầy; 13. Đốt xương liền lạc như rồng cuộn; 14. Đầu gối tròn đầy; 15. Chỗ kín có vân xinh đẹp, thanh lịch; 16. Tay chân trơn mềm sạch sẽ; 17. Dung mạo đôn hậu, nghiêm túc và hiện tướng vô úy; 18. Tay chân tráng kiện; 19. Thân thể an khang viên mãn; 20. Thân tướng giống như vua tiên, toàn thân đoan nghiêm sáng sạch; 21. Có hào quang tròn bao quanh thân, thường tự chiếu sáng; 22. Bụng vuông vắn, trang nghiêm; 23. Rốn sâu xoay bên phải; 24. Cuống rốn đầy, không lõm, không lồi; 25. Da dẻ không ghẻ lác; 26. Bàn tay mềm mại, dưới bàn chân bằng phẳng; 27. Chỉ tay sâu, dài, rõ ràng; 28. Môi đỏ thắm, bóng mềm; 29. Mặt không dài, không ngắn, không lớn, không nhỏ, đoan nghiêm vừa vặn; 30. Tướng lưỡi mỏng mềm, rộng dài; 31. Âm thanh oai hùng, xa vang trong suốt; 32. Âm vận hay đẹp như tiếng vang từ hang sâu; 33. Sống mũi cao và thẳng, lỗ mũi kín; 34. Răng đều đặn trắng bóng; 35. Răng tròn, trắng, bóng, bén; 36. Mắt tròng đen, trắng phân minh; 37. Tướng mắt dài rộng; 38. Lông mi đều đặn dày dài; 39. Đôi mày dài nhuyễn mịn; 40. Hai mi xanh biếc như màu lưu li; 41. Lông mày cách xa mắt và cong như trăng lưỡi liềm; 42. Vành tai rộng lớn, trái tai đầy thòng xuống; 43. Hai vành tai bằng nhau không có khuyết tật; 44. Vóc dáng khiến người thấy sinh lòng ái kính; 45. Trán rộng bằng phẳng; 46. Thân oai nghiêm đầy đủ; 47. Tóc dài xanh biếc, dày mà không bạc; 48. Tóc mịn màng tỏa mùi hương thanh khiết; 49. Tóc suôn không rối; 50. Tóc không đứt rụng; 51. Tóc trơn bóng, bụi bặm không dính; 52. Thân thể vững chắc đầy đặn; 53. Thân thể cao lớn đoan chính; 54. Các khiếu trong sạch tròn đẹp; 55. Sức mạnh hơn người; 56. Thân tướng được mọi người thích nhìn; 57. Mặt như trăng tròn mùa Thu; 58. Vẻ mặt thư thái; 59. Da mặt trơn bóng không có vết nhăn; 60. Làn da sạch sẽ không có cáu ghét, không mùi hôi; 61. Các lỗ chân lông luôn toát hương thơm; 62. Miệng luôn tỏa hương thơm thanh khiết; 63. Thân tướng đầy đặn xinh đẹp; 64. Lông trên mình xanh biếc sạch sẽ; 65. Pháp âm tùy chúng ứng hiện không sai; 66. Tướng đỉnh đầu không ai thấy được; 67. Ngón tay, ngón chân đường khu ốc phân minh; 68. Lúc đi chân cách mặt đất; 69. Tự giữ gìn không nhờ người khác hộ vệ; 70. Oai đức bao trùm tất cả; 71. Âm thanh Phật nói vừa với sự tiếp nhận của mỗi chúng sinh; 72. Tùy theo sự yêu thích của chúng hữu tình mà thuyết pháp; 73. Chỉ một âm diễn thuyết chính đạo mà loài hữu tình tùy mỗi loại đều nhận biết; 74. Thuyết pháp theo thứ lớp tùy nhân duyên; 75. Lời của Phật thường khen thiện chê ác mà tâm không yêu ghét; 76. Bất cứ việc gì trước quan sát sau mới làm; 77. Tướng tốt loài hữu tình không thể thấy hết; 78. Xương đảnh cứng chắc, tròn đầy; 79. Dung nhan trẻ hoài không già; 80. Chân tay và trước lồng ngực đều có đức tướng cát tường.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.26.149 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.