Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Khi Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni chuyển Pháp luân đầu tiên, Ngài độ Tôn giả Liễu Bổn Tế. Lần thuyết Pháp sau cùng, Ngài độ Tôn giả Thiện Hiền. Những ai đáng độ, Ngài cũng đều độ xong.
Khi sắp vào tịch diệt, Ngài nằm ở giữa hai cây sāla. Lúc bấy giờ là nửa đêm, tất cả đều lặng yên, không một âm thanh.
Lúc ấy Đức Phật lược giảng Pháp yếu cho các đệ tử:
"Này các Tỳ-kheo! Sau khi Ta diệt độ, các ông phải nên tôn trọng và trân kính Biệt Giải Thoát. Nó như trong bóng tối gặp được ánh sáng, như kẻ nghèo được châu báu. Phải biết rằng nó tức là vị đại sư của các ông, và cũng y như chính Ta trụ thế không khác.
Phàm người trì giới thanh tịnh thì không được kinh doanh buôn bán, không được sở hữu nhà cửa ruộng vườn, lưu giữ nô tỳ, hay chăn nuôi súc vật. Hết thảy các loại nông nghiệp và tiền tài, họ phải nên xa lánh như là tránh hầm lửa. Không nên cắt cỏ chặt cây, khai khẩn đất đai, bào chế thuốc thang, xem tướng cát hung, xem tinh tú, xem tử vi, hay xem bói. Tất cả những việc này đều không nên.
Họ nên điều hòa thân thể, thọ thực đúng thời, và sống thanh tịnh. Không nên tham dự chuyện thế tục hay làm sứ giả đại diện. Không nên dùng chú thuật, luyện tiên dược, kết giao với người quyền quý, và thân cận với kẻ đê tiện.
Với chánh niệm và lòng ngay thẳng, người trì giới thanh tịnh hãy nên cầu độ thoát. Họ không nên che giấu lỗi lầm hay tỏ ra vẻ khác lạ để mê hoặc đại chúng. Đối với bốn sự cúng dường, họ phải biết giới hạn và biết đủ. Khi được phẩm vật cúng dường thì đừng nên cất giữ.
Đây là phần tóm lược về tướng của trì giới. Giới là gốc của Chánh Thuận Giải Thoát. Vì thế nó gọi là Prātimoksa. Do bởi nương theo những giới này, hành giả sẽ được sanh các thiền định và trí tuệ diệt khổ.
Cho nên, các Tỳ-kheo! Các ông hãy trì giới thanh tịnh và đừng khiến hủy phạm. Nếu ai có thể trì giới thanh tịnh, thời họ sẽ có khả năng được những Pháp lành. Nếu không có tịnh giới, mọi công đức lành đều sẽ chẳng sanh. Vì vậy phải biết rằng, giới là nơi trú an ổn đệ nhất của công đức.
Này các Tỳ-kheo! Nếu đã có thể trụ nơi giới, các ông hãy chế ngự năm căn và đừng để chúng tùy ý lao vào năm dục. Đây ví như người chăn bò cầm roi canh giữ và không để chúng chạy loạn xạ mà phá hoại lúa của người. Nếu buông lung năm căn, không những năm dục trở thành vô bờ bến mà chúng sẽ chẳng thể nào kiểm soát được. Đây cũng ví như con ngựa hung ác mà không có dây cương quản chế, nó sẽ kéo theo người cưỡi lọt xuống hố.
Giả như gặp nạn cướp thì nỗi khổ ấy chỉ một đời, nhưng nếu bị giặc của năm căn làm hại thì tai ương dài lâu đến nhiều đời. Vì sự nguy hại nghiêm trọng của chúng, thế nên chẳng thể không cẩn thận. Bởi vậy mà người trí luôn kiểm soát năm căn của mình và không chạy theo chúng. Họ gìn giữ như mấy tên giặc và không để chúng tùy tiện tác quái. Giả như lơ là thả lỏng, chẳng bao lâu họ sẽ bị chúng hủy diệt.
Do bởi ông chủ của năm căn này chính là tâm, cho nên các ông phải khéo hàng phục tâm mình. Cái tâm quả là đáng sợ. Nó còn hơn cả rắn độc, thú dữ, oán tặc, hay lửa cháy dữ dội--không một thí dụ nào sánh bằng.
Đây ví như có người trên tay bưng một hũ mật ong và đi một cách vội vã. Hắn chỉ để ý đến mật ong mà không thấy hố thẳm.
Đây ví như voi điên không xiềng xích, hoặc như khỉ trên cây. Chúng chạy nhảy loạn xạ, khó mà quản thúc. Vì vậy, ta phải cấp tốc quản chế và đừng để chúng rong ruổi tứ tung.
Những ai phóng túng tâm này, họ sẽ mất đi mọi điều lành của nhân thế. Khi đã chế phục tâm này vào một nơi thì không việc gì là chẳng thành. Cho nên, các Tỳ-kheo! Các ông cần phải tinh tấn và hàng phục tâm mình.
Này các Tỳ-kheo! Khi dùng thức ăn nước uống, các ông hãy xem như đang dùng thang dược. Dù ngon hay dở thì cũng chớ sanh lòng muốn thêm hoặc bớt. Hãy xem nó như phương thuốc để thân thể tiêu trừ đói khát. Như ong hút phấn hoa, nó chỉ hút phấn hoa mà không tổn hại đến sắc hương của hoa; Tỳ-kheo thì cũng vậy.
Thọ nhận cúng dường từ người khác là để tiêu trừ khổ não của mình. Không được cầu mong quá nhiều và phá hoại lòng tốt của thí chủ. Đây ví như một người trí, vị ấy có thể ước tính được sức kéo của con bò. Như thế sẽ không vượt quá mức và cũng chẳng làm nó kiệt sức.
Này các Tỳ-kheo! Ở ban ngày, các ông hãy siêng tu tập Pháp lành và chớ để thời gian trôi qua. Ở đầu và cuối đêm thì cũng chớ lười biếng. Ở giữa đêm thì tụng Kinh để cho mình tỉnh táo. Đừng khiến nhân duyên của ham ngủ mà suốt cuộc đời không có điều gì chứng đắc.
Các ông phải nhớ rằng ngọn lửa vô thường luôn thiêu đốt khắp thế gian. Cho nên hãy sớm cầu tự độ và chớ ham ngủ. Giặc phiền não luôn rình rập để giết người. Chúng còn nguy hiểm hơn kẻ thù. Thế thì làm sao có thể ngủ yên và không tự cảnh tỉnh?
Rắn độc của phiền não đang ngủ ở trong tâm các ông; nó như con rắn hổ mang màu đen đang ngủ ở trong phòng. Các ông phải dùng móc câu của trì giới để trừ bỏ nó ngay. Chỉ khi nào con rắn ngủ đã ra khỏi thì khi đó ta mới có thể ngủ yên. Những ai cứ mải mê lo ngủ mà không đuổi con rắn ra, thì đó là người không biết hổ thẹn.
Trong các sự trang nghiêm, y phục của hổ thẹn là tốt nhất. Hổ thẹn có thể ví như một cái móc câu sắt. Nó có thể kiềm chế con người làm việc phi pháp. Cho nên các ông phải luôn biết hổ thẹn và đừng khi nào tạm lãng quên. Nếu ai rời xa hổ thẹn, họ sẽ mất mọi công đức. Người biết hổ thẹn là người có Pháp lành. Nếu người nào không biết hổ thẹn, họ với cầm thú chẳng khác là bao.
Này các Tỳ-kheo! Giả như có người đến cắt xẻ thân thể các ông ra từng mảnh, các ông phải tự nhiếp tâm và đừng khiến mình khởi sanh sân hận. Các ông cũng nên giữ gìn lời nói và chớ thốt ra lời ác. Nếu phóng túng cái tâm sân hận, các ông sẽ tự mình chướng Đạo và mất đi những lợi ích của công đức.
Nhẫn là một đức tánh mà ngay cả trì giới và khổ hạnh cũng không thể sánh bằng. Chỉ ai có khả năng thực hành nhẫn nhục thì mới có thể gọi là Bậc Đại Nhân Có Sức Mạnh. Nếu ai không thể vui vẻ nhẫn chịu cái độc từ mắng chửi mà xem nó như đang uống cam lộ, thì họ không thể gọi là Người Đã Vào Đạo Trí Tuệ.
Vì sao thế? Bởi sự gây hại của sân hận có thể phá tan mọi Pháp lành, hủy hoại danh tiếng thơm, và làm cho đời này cùng đời sau, mọi người đều chẳng vui khi thấy người đó. Các ông nên biết rằng lòng sân hận còn hơn cả lửa dữ. Thế nên các ông cần phải luôn đề phòng và đừng để nó thừa cơ đột nhập. Trong tất cả thứ giặc cướp công đức, không thứ nào vượt hơn sân hận.
Tâm sân hận có thể tha thứ đối với hàng tại gia chìm đắm trong ái dục và những người chẳng tu Đạo, bởi họ không có cách nào kiềm chế bản thân. Nhưng đối với hàng xuất gia tu Đạo, là người không có sự tham muốn mà ôm lòng sân hận, thì quả thật là chẳng thể nào dung thứ. Ví như giữa đám mây mát mẻ mà thình lình nổi lên sấm sét, đây là điều không hợp lý.
Này các Tỳ-kheo! Các ông hãy tự xoa đầu của mình để nhắc nhở rằng:
'Ta đã vứt bỏ trang sức tốt đẹp và khoác lên y phục thô xấu. Ta cầm theo bình bát là dùng đi khất thực để sanh sống.'
Các ông hãy tự thấy mình như vậy. Nếu các ông khởi tâm kiêu mạn thì phải mau diệt trừ nó. Bởi gia tăng kiêu mạn, hàng cư sĩ thế tục còn không nên, huống nữa là người đã xuất gia nhập Đạo. Vì sự giải thoát, các ông phải tự hàng phục tâm của mình mà thực hành khất thực.
Này các Tỳ-kheo! Lòng nịnh hót trái ngược với Đạo. Cho nên các ông phải làm cho tâm mình chánh trực. Các ông phải biết rằng, chỉ vì muốn dối gạt nên mới có sự nịnh hót. Người đã vào Đạo thì thái độ này quyết không thể có. Vì vậy các ông phải có tâm ngay thẳng và hãy lấy chánh trực làm bản thể.
Này các Tỳ-kheo! Các ông phải biết rằng, người nhiều tham muốn là do bởi họ tham cầu lợi ích, nên sự khổ não của họ cũng nhiều. Những ai ít tham muốn, vô cầu vô dục, họ tất sẽ không gặp hoạn nạn. Cho nên người tu hành cần phải trực tâm tu tập để giảm trừ tham muốn. Huống nữa thiểu dục còn có thể sanh các công đức.
Những ai ít tham muốn thời sẽ không nịnh hót để lấy lòng kẻ khác. Lại nữa, họ cũng không bị các căn dẫn dụ. Người thực hành thiểu dục có một tâm trạng rất bình thản và chẳng có điều gì để lo âu hay sợ hãi. Khi tiếp xúc với hoàn cảnh, họ không bao giờ chẳng vừa ý. Hễ nơi nào còn có ai ít tham muốn, thì nơi đó sẽ có người đắc tịch diệt.
Đây gọi là Thiểu Dục.
Này các Tỳ-kheo! Nếu ai muốn thoát khỏi mọi khổ não thì họ phải quán sát biết đủ. Phương pháp biết đủ chính là nơi chốn của thịnh vượng, vui vẻ, và an ổn. Người biết đủ dẫu có nằm trên đất thì họ vẫn an vui. Người không biết đủ dẫu có lên thiên đường thì họ cũng không ưng ý.
Những ai không biết đủ thì tuy phú quý nhưng đích thật là bần cùng. Những ai biết đủ thì tuy bần cùng nhưng đích thật là phú quý. Người không biết đủ sẽ luôn bị năm dục dẫn dắt và khi người biết đủ nhìn vào thì xót thương cho họ lắm thay.
Đây gọi là Tri Túc.
Này các Tỳ-kheo! Nếu ai muốn cầu tịch tĩnh, vô vi an lạc, thì họ phải nên lánh xa chỗ huyên náo và một mình ở nơi yên tĩnh. Người ở nơi tĩnh mịch tất sẽ được Đế Thích và chư thiên đồng kính trọng. Cho nên các ông hãy rời bỏ nhóm của mình cùng những nhóm khác để sống ẩn dật một mình và tư duy về cách diệt trừ gốc của khổ.
Nếu ai ưa thích nơi huyên náo thời họ sẽ chịu sự khổ não của đám đông. Đây ví như cây cối to lớn và có nhiều chim bay tới đậu, thì nó tất sẽ bị héo và gãy. Những ai bị thế gian trói buộc và bị nó nhận chìm trong khổ ách của quần chúng, thì cũng giống như con voi già bị lún trong bùn lầy mà nó không thể tự thoát ra.
Đây gọi là Viễn Ly.
Này các Tỳ-kheo! Nếu ai siêng năng tinh tấn thời không có việc gì là khó. Bởi vậy các ông phải nên siêng năng tinh tấn. Đây ví như có dòng nước nhỏ chảy xối vào một tảng đá đến một thời gian lâu sau thì nó cũng có thể chảy xuyên thủng.
Trái lại, nếu tâm của người tu hành mà luôn luôn lười biếng thì đó cũng như việc dùi lửa; lửa còn chưa bốc cháy mà đã ngừng. Mặc dầu muốn có lửa nhưng thật khó mà có lửa được.
Đây gọi là Tinh Tấn.
Này các Tỳ-kheo! Cầu gặp Thiện Tri Thức hoặc mong có được người hỗ trợ tốt, thì vẫn không bằng có chánh niệm. Nếu ai không mất chánh niệm, các giặc phiền não sẽ không thể nào đột nhập. Bởi vậy các ông phải luôn nhiếp ý niệm ở tâm của mình. Nếu ai mất chánh niệm thời họ sẽ mất các công đức.
Nếu niệm lực kiên cường, dẫu có vào trong giặc năm dục thì cũng không bị chúng làm hại. Ví như khi lâm trận mà mặc áo giáp thì sẽ không sợ hãi điều gì.
Đây gọi là Chánh Niệm.
Này các Tỳ-kheo! Nếu ai nhiếp tâm, tâm sẽ định. Do tâm đã định nên có thể biết tất cả pháp tướng sanh diệt của thế gian. Cho nên các ông phải luôn tinh tấn tu tập mọi thứ định.
Nếu ai đắc định, tâm sẽ không tán loạn. Đây ví như chuyên gia dẫn thủy khéo có thể đắp đê sửa bờ. Người tu hành thì cũng vậy. Vì nước trí tuệ, họ khéo tu thiền định để khiến nó không rò rỉ.
Đây gọi là Thiền Định.
Này các Tỳ-kheo! Nếu ai có trí tuệ, họ sẽ không tham lam hay chấp trước. Hãy luôn tự cảnh tỉnh và đừng khiến mình phạm lỗi. Như vậy các ông sẽ có thể được giải thoát ở trong Pháp của Ta. Nếu không như thế, Ta chẳng biết gọi họ là gì nữa, bởi không phải người tu Đạo mà cũng không phải hàng cư sĩ.
Người có trí tuệ chân thật thì mới có thể lái chiếc thuyền kiên cố mà vượt qua biển của sanh già bệnh chết. Trí tuệ thì cũng như ngọn đèn sáng thật lớn ở giữa chốn vô minh hắc ám, cũng như phương thuốc hay cho tất cả những ai mắc bệnh, và cũng như cái rìu bén để chặt cây phiền não. Cho nên các ông phải học tập, tư duy, và tu tuệ để tăng thêm sự lợi ích cho bản thân. Nếu ai có trí tuệ chiếu soi, dẫu chỉ với nhục nhãn nhưng họ là người minh tâm kiến tánh.
Đây gọi là Trí Tuệ.
Này các Tỳ-kheo! Nếu ai bị cuốn hút vào các thứ hí luận thì tâm họ tất sẽ tán loạn. Dẫu có xuất gia đi nữa thì họ vẫn không được giải thoát. Cho nên các Tỳ-kheo phải cấp tốc xả bỏ cái tâm tán loạn cùng sự hí luận.
Nếu các ông muốn được an lạc của tịch diệt, thì chỉ cần khéo diệt trừ hí luận.
Đây gọi là Không Hí Luận.
Này các Tỳ-kheo! Vì để được tất cả công đức, các ông phải luôn nhất tâm. Hãy xả bỏ các sự buông lung và lánh xa chúng như oán tặc.
Hết thảy các lợi ích cứu cánh, nay Như Lai với lòng đại bi đều đã giảng giải. Các ông chỉ cần tinh tấn thực hành.
Ở bất kỳ nơi đâu, hoặc là ở trên núi, giữa thung lũng hoang vu, tại dưới gốc cây, hay ở trong tịnh thất nơi vắng vẻ, thì cũng phải nhớ đến giáo Pháp đã thọ và chớ để quên mất. Các ông phải luôn nỗ lực bản thân mà tinh tấn tu hành và chớ đợi đến lúc chết mới hối tiếc.
Ta như một vị lương y, khéo biết bệnh cho thuốc. Bệnh nhân có chịu uống hay không, là do chính họ chứ không phải lỗi của thầy thuốc.
Ta cũng như một vị chỉ đường giỏi, khéo chỉ đúng đường cho người hỏi. Nếu người hỏi đường nghe rồi mà không đi, là do chính họ chứ không phải lỗi của người chỉ đường.
Nếu các ông còn có điều nghi vấn gì về Bốn Thánh Đế thì hãy mau hỏi, chứ đừng ôm lòng hoài nghi và chẳng mong đoạn dứt."
Lúc bấy giờ Thế Tôn đã nói ba lần như vậy mà không một ai thưa hỏi.
Vì sao thế? Bởi đại chúng không có điều hoài nghi.
Khi ấy Tôn giả Vô Diệt quán sát trong lòng của đại chúng, rồi bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Mặt trăng có thể nóng và mặt trời có thể lạnh, nhưng Bốn Thánh Đế do Phật thuyết giảng thì không bao giờ sai khác.
Khổ Đế do Phật thuyết giảng đích thật là khổ, và không thể nào là an vui. Tập chính là nhân của khổ--không còn có nhân nào khác. Nếu ai muốn diệt khổ, tức phải diệt nhân. Do bởi nhân đã diệt nên quả cũng diệt. Con đường để diệt khổ mới thật là Đạo chân thật và không có con đường nào khác.
Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Tỳ-kheo nơi đây đều quyết chẳng còn hoài nghi đối với Bốn Thánh Đế.
Những vị ở giữa đại chúng này mà chưa xong việc cần làm, thì khi thấy Phật diệt độ, họ sẽ thương cảm. Những vị mới vào Đạo mà nghe Phật thuyết giảng, thì liền thảy được độ; ví như có sấm sét chớp sáng ở ban đêm, họ liền thấy được lối đi.
Những vị mà việc cần làm đã xong và đã qua biển khổ, thì chỉ nghĩ như vầy:
'Ôi! Đức Thế Tôn sao vội diệt độ?'"
Tuy Tôn giả Vô Diệt đã nói những lời đó, nhưng toàn thể đại chúng đều đã liễu đạt hoàn toàn nghĩa lý của Bốn Thánh Đế.
Khi ấy Thế Tôn vì muốn khiến cho tâm của các đại chúng đều được kiên cố, nên với lòng đại bi, Ngài thuyết giảng thêm một lần nữa cho họ:
"Này các Tỳ-kheo! Các ông chớ ưu sầu khổ não. Dù cho Ta trụ thế đến một kiếp đi nữa thì cuối cùng cũng phải kết thúc. Có hợp mà không tan thì quyết không thể được. Tất cả Pháp để lợi mình lợi người, Ta đều đã giảng dạy đầy đủ. Nếu Ta trụ lâu hơn nữa thì cũng chẳng có ích lợi gì.
Những ai có thể độ, dù ở trên trời hay chốn nhân gian, Ta đều đã độ xong. Những ai chưa được độ thì họ cũng đều đã tạo nhân duyên để được độ.
Từ nay về sau, các đệ tử của Ta phải luôn liên tục tu hành, thời như thế Pháp thân của Như Lai sẽ thường trụ bất diệt.
Cho nên các ông phải biết rằng, hết thảy mọi việc trên thế gian đều vô thường. Có hợp ắt có tan, thế nên chớ lưu luyến sầu muộn. Bởi sự tướng của thế gian là như vậy, nên các ông hãy chuyên cần tinh tấn và sớm cầu giải thoát.
Hãy dùng ánh sáng của trí tuệ mà diệt trừ tối tăm của si mê. Thế gian thật là nguy hiểm, mỏng manh, không bền vững. Ta nay được diệt độ thì cũng như trừ đi ác bệnh. Cái thân này cần phải xả bỏ, bởi nó là vật của tội ác, giả tạm gọi là thân. Nó chìm đắm trong biển lớn của sanh già bệnh chết. Thế thì làm sao người có trí tuệ mà chẳng vui mừng khi diệt trừ nó như giết oán tặc?
Này các Tỳ-kheo! Các ông phải luôn nhất tâm và siêng cầu con đường giải thoát. Tất cả pháp động và bất động của thế gian đều là tướng trạng của suy hoại và bất an.
Này các Tỳ-kheo! Thôi dừng lại ở đây! Ta không còn gì để nói thêm. Thời khắc đã đến, và Như Lai muốn diệt độ. Đây là những lời dạy cuối cùng của Ta."
Kinh Di Giáo
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.218.67 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.