Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đại Ý Kinh [大意經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đại Ý Kinh [大意經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.17 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.22 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Ý

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Nghe như Vầy:
Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với một ngàn hai trăm vị Tỳ-kheo.
Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:
-Thuở xưa có nước tên Hoan lạc vô ưu, vua hiệu Quảng Từ Ai. Trong nước có cư sĩ tên Ma-ha-đàn, vợ của ông ta tên Chiên-đà. Hai vợ chồng sinh được một người con tướng mạo khôi ngô, trong thế gian ít có ai sánh bằng, khi mới sinh ra, đã biết nói, nó phát nguyện: “Tôi sẽ bố thí cứu giúp muôn dân khắp thiên hạ. Nếu có người nghèo cùng, đơn chiếc, tôi xin giúp đỡ cho họ được an vui”. Do nhân duyên này mà cha mẹ đặt tên con là Đại Ý. Đứa bé có những bẩm tánh đặc biệt không giống mọi người, nên cha mẹ nó sợ con mình là Trời, Rồng, Quỷ, Thần. Nên muốn đi hỏi thầy bói. Đại Ý biết được, liền nói: “Con là người chứ chẳng phải là Trời, Rồng, Quỷ, Thần, nhưng vì nhớ nghĩ đến những người khốn khổ, nguy nan trong thiên hạ, nên con muốn giúp đở họ mà thôi”. Nói xong Đại Ý nín luôn không nói nữa.
Mãi đến năm mười bảy tuổi, Đại Ý mới thưa cha mẹ: “Con muôn bố thí để đem lại an vui cho những người khốn khổ”. Cha mẹ Đại Ý suy nghĩ: “Khi mới sinh ra con ta đã có lời nguyện này”, nên liền bảo con: “Nhà ta tiền của rất nhiều, tùy ý con muốn bố thí, cha mẹ không ngăn cản”. Đại Ý đáp: “Của cải cha mẹ tuy nhiều cũng không đủ cho con chi dụng. Chỉ có cách cha mẹ cho con vào biển lấy bảy báu để đủ cung cấp cho mọi người mà thôi”. Đại Ý cứ nói mãi như thế, cha mẹ bằng lòng cho Đại Ý đi.
Đại Ý làm lễ từ biệt cha mẹ, đi vào biển cả. Khi Đại Ý đến một nước khác, trong nước này có một Bà-la-môn của cải nhiều vô số. Ông ta trông thấy Đại Ý tướng mạo khôi ngô đỉnh đạc, nên rất hài lòng, yêu mến Đại Ý. Ông bà Bà-la-môn nói:
-Tôi rất quý mến ngài, nay tôi có đứa con gái, xin dâng cho ngài, mong ngài hãy ở lại đây.
Đại Ý thưa:
-Tôi từ biệt gia đình đi vào biển cả là muốn tìm bảy báu, nên không dám hứa với ông. Vả lại, tôi còn cần trở lại.
Rồi Đại Ý tiếp tục hành trình đi tìm được bảy báu.
Chàng liền sai người đem bảy báu về nước, rồi lại đến bờ biển để tìm những dị vật. Bỗng nhiên Đại Ý thấy một cây cao lớn tám mươi do-diên, thân cây cũng tám mươi do-diên. Đại Ý leo lên thì thấy đằng xa có một thành bằng bạc, cung điện, nhà cửa đều bằng bạc trắng, có Thiên nữ đứng hầu hai bên, âm nhạc tự nhiên trổi. Có một con rắn độc bò chung quanh thành ba vòng, thấy Đại Ý, rắn liền ngẩng cao đầu nhìn. Đại Ý suy nghĩ: “Người mà bị rắn độc làm hại, đều do họ không có ý lành mà thôi”, liền ngồi thiền định tư duy, chỉ trong phút chóc rắn cúi đầu nằm ngủ.
Đại Ý muốn vào trong thành bạc, người giữ cửa vào tâu vua rằng: “Ngoài cửa có một Hiền giả muốn vào yết kiến vua”. Nhà vua đích thân ra nghênh tiếp Đại Ý, vui vẻ nói:
-Cúi xin nhân giả hãy ở lại đây thời gian ba tháng để tôi được cúng dường ngài.
Đại Ý nói:
-Tôi muốn đi tìm châu báu nên không thể ở lại lâu được.
Vua liền bảo:
-Tôi không phải trông coi việc nước xin ngài hãy ở lại.
Đại Ý ở lại. Nhà vua cúng dường đầy đủ y phục. Thức ăn, đồ uống, ca nhạc, giường, tòa...
Chín mươi ngày trôi qua, Đại Ý muốn thưa vua đi, vua lấy ngọc ngà bảy báu để tiễn Đại Ý. Đại Ý nói:
-Tôi không dùng nhiều bảy báu. Nghe nhà vua có một viên minh châu, ý tôi muốn xin nó.
Vua nói:
-Tôi không tiếc viên minh châu, nhưng sợ giữa đường mang viên minh châu này, ngài sẽ gặp tai nạn mà thôi.
Đại Ý tâu:
-Thưa đại vương, hễ người mang vật phước thì sẽ không sợ hiểm nạn.
Vua nói:
-Ngọc này, trong vòng hai mươi dặm có châu báu kèm theo. Tôi xin dâng nhân giả, tùy ý ngài sử dụng. Nếu sau này ngài đắc đạo, tôi xin làm đệ tử, được cúng dường nhiều hơn hôm nay.
Đại Ý hoan hỷ nhận ngọc minh châu ra đi.
Đại Ý tiến về phía trước, thấy có một thành bằng vàng, cung điện nhà cửa đều toàn bằng vàng ròng, cây bảy báu tự nhiên phát ra âm nhạc. Thiên nữ theo hầu đồng hơn ở thành bạc. Cũng có rắn độc bò quanh thành sáu vòng, thấy Đại Ý rắn ngẩng đầu nhìn. Đại Y ngồi thiền định, rắn liền cúi đầu nằm xuống. Đại Ý muốn vào thành, người giữ cửa vào tâu vua, vua thân hành ra nghênh tiếp Đại Ý và nói:
-Cúi xin ngài ở lại đây ba tháng để tôi cúng dường ngài.
Đại Ý bằng lòng ở lại. Nhà vua tiếp đãi đặc biệt, ông cung cấp đầy đủ thức ăn uống, y phục, Thiên nữ, các thứ ca nhạc để làm vui lòng Đại Ý.
Trải qua sáu mươi ngày, Đại Ý từ biệt vua ra đi. Vua mời Đại Ý ở lại, nhưng Đại Ý không bằng lòng và từ biệt vua đi. Vua đem ngọc ngà bảy báu để tiễn Đại Ý, nhưng Đại Ý không chịu nhận, nói rằng:
-Tôi không thích các thứ châu báu này. Nghe vua có viên ngọc minh nguyệt, xin ban cho tôi.
Nhà vua nói:
-Tôi không tiếc nuối gì, chỉ sợ đường xa cách trở lắm nguy nan. Ngài mang theo nó có hại mà thôi.
Đại Ý thưa vua:
-Thưa đại vương, hễ mang theo vật phước đức thì có gì là hiểm nạn!
Vua nói:
-Ngọc này có vật báu kèm theo trong vòng bốn mươi dặm. Tôi xin dâng cho nhân giả và sau này ngài đắc đạo xin nhận tôi làm đệ tử, có thần túc tuyệt hảo, tôi sẽ cúng dường nhiều hơn hôm nay.
Đại Ý hoan hỷ nhận ngọc ra đi.
Đại Ý tiếp tục hành trình, lại thấy một thành bằng thủy tinh, cung điện nhà cửa đều bằng thủy tinh, cây bảy báu tự nhiên trổi nhạc, Thiên nữ theo hầu hơn trước nhiều. Cũng có con rắn độc bò quanh thành chín vòng, thấy Đại Ý ngẩng cao đầu nhìn. Đại Ý ngồi tham thiền nhập định, rắn lại cúi đầu nằm ngủ. Đại Ý muốn vào thành, người giữ cửa vào tâu vua. Vua ra tận cửa nghênh đón và nói:
-Xin ngài hãy ở lại đây ba tháng.
Đại Ý ở lại. Nhà vua hết lòng cúng dường thức ăn, nước uống, y phục, ca nhạc... để làm vui lòng Đại Ý.
Mới trải qua bốn mươi ngày, Đại Ý từ biệt nhà vua. Vua đem vàng bạc bảy báu để tiễn Đại Ý, Đại Ý không nhận và nói:
-Tôi không dùng những thứ châu báu này, nghe nhà vua có viên ngọc minh nguyệt, xin ban cho tôi.
Vua thưa:
-Ngọc này, trong sáu mươi dặm có vật báu kèm theo. Tôi xin dâng cho nhân giả. Nếu sau này khi ngài đắc đạo tôi xin làm đệ tử có trí tuệ siêu việt, tôi sẽ cúng dường nhiều hơn hôm nay.
Đại Ý hoan hỷ nhận viên minh châu tiếp tục đi. Lại thấy một thành bằng lưu ly, cung điện nhà cửa đều bằng lưu ly, cây bảy báu tự nhiên trổi nhạc, Thiên nữ theo hầu đông hơn trước gấp bội. Cũng thấy một con rắn độc bò quanh thành hai mươi vòng, thấy Đại Ý nó ngẩng đầu nhìn, Đại Ý tham thiền nhập định, rắn lại cúi đầu nằm ngủ. Đại Ý muốn vào thành, người giữ cửa vào tâu vua, vua ra tận cửa nghênh đón và nói:
-Xin ngài hãy ở lại đây ba tháng.
Đại Ý ở lại. Đích thân vua đem cúng dường thức ăn, nước uống, y phục, ca nhạc để làm vui lòng Đại Ý. Trải qua hai mươi ngày. Đại Ý từ biệt nhà vua. Vua đem ngọc ngà bảy báu để tiễn Đại Ý, Đại Ý không nhận, nói:
-Tôi nghe nhà vua có một viên ngọc minh nguyệt xin ban cho tôi.
Vua nói:
-Ngọc này trong tám mươi có vật báu dặm kèm theo nó. Tôi xin dâng cho nhân giả. Nếu sau khi ngài đắc đạo, tôi nguyện làm đệ tử tịnh ý cúng dường nhiều hơn hôm nay, khiến cho trí tuệ được tăng trưởng.
Đại Ý nhận viên minh châu, hoan hỷ ra đi. Đại Ý suy nghĩ: “Bấy lâu ta chỉ tìm châu báu, nay đã toại nguyện, ta nên trở về”. Đại Ý tìm con đường cũ để trở về nước. Khi đi ngang qua một biển lớn, chư thần, vương nhân trong biển cùng bàn: “Trong biển của ta tuy có nhiều trân báu nổi tiếng nhưng không có viên minh châu nào quý bằng viên minh châu này”. Họ liền sai thần biển đoạt cho được viên minh châu.
Thần biển hóa làm người đến gặp Đại Ý hỏi:
-Nghe nói ông được vật kỳ lạ, có thể cho tôi xem được chăng?
Đại Ý đưa bốn viên minh châu ra, thần biển đụng mạnh tay Đại Ý làm cho minh châu rơi xuống biển. Đại Ý nghĩ: “Khi vua tặng minh châu cho ta có nói rằng viên minh châu này đi đường rất khó giữ. Ta may mắn được viên minh châu, nay bị người này chiếm đoạt một cách phi lý”. Đại Ý liền gọi thần biển nói:
-Một mình ta khổ nhọc lặn lội qua bao hiểm trở mới được những viên ngọc này, ngươi lại đoạt của ta. Ta không trở về, ta sẽ làm cạn nước biển cho xem!
Thần biển biết, nhưng vẫn hỏi:
-Sao chí ông cao kỳ quá vậy? Biển sâu tới ba trăm ba mươi sáu vạn do-diên, chiều rộng mênh mông không bến bờ, ông làm thế nào cho cạn được? Ví như mặt trời không thể làm rơi xuống được, gió lớn không thể nắm bắt được. Thế nhưng mặt trời có thể làm rơi xuống được, gió lớn vẫn có thể nắm bắt được, còn biển lớn không bao giờ có thể làm cho cạn được.
Đại Ý cười đáp:
-Ta suy nghĩ bao nhiêu kiếp thọ thân sinh tử, xương thịt chất chồng cao hơn núi Tu-di, máu chảy nhiều đến nỗi năm sông bốn biển cũng chưa đủ để thí dụ. Ta còn muốn dứt hẳn cội nguồn sinh nữa kia, sá gì cái biển nhỏ này mà không làm cạn được! Ta nhớ thuở xưa khi cúng dường chư Phật, ta đã phát nguyện: “Xin chí nguyện con luôn dũng mãnh trên con đường đạo, quyết vượt qua mọi khó khăn gian khổ”. Ta sẽ dời núi Tu-di. Làm cạn nước trong biển lớn, nhất định không thoái chí.
Nói xong, Đại Ý nhất tâm dùng hết tài năng tháo hết nước biển ra. Cảm thấy sự nỗ lực chí thành của Đại Ý, đệ nhất Tứ Thiên vương đến giúp Đại Ý. Ông đã tháo hơn hai phần ba nước biển. Khi đó các thần vương trong biển đều run sợ. Họ bàn với nhau: “Bây giờ nếu chúng ta không trả viên minh châu lại cho ông ấy, chuyện chẳng phải nhỏ đâu. Nước cạn thấy bàn thì nhà cửa, cung điện của chúng ta sẽ hư hoại hết!”.
Thần biển liền lấy nhiều châu báu đem cho Đại Ý. Đại Ý không lấy nói:
-Ta không dùng những vật này, chỉ muốn lấy lại minh châu của ta thôi. Các ông hãy mau trả minh châu lại cho ta, bằng không ta sẽ không để yên đâu!
Thần biển biết ý nên đem minh châu trả lại ngay. Đại Ý nhận lại minh châu trao cho nữ Bà-la-môn giữ, trở về nước bố thí theo ý nguyện. Từ đó về sau, mọi người trong nước này không bị đói khát, nghèo nàn và thiếu thốn. Mọi người khắp nơi rời bỏ quê nhà nay đem theo lòng nhân từ của Đại Ý trở về.
Trải qua nhiều năm bố thí như thế, đức của ngài kể cả loài bò bay máy cựa, côn trùng nhỏ nhiệm nhất, không đâu là không thấm nhuận, sau khi chết được sinh lên làm Đế Thích, hoặc ở nhân gian làm Hoàng đế, có thể bay lên không. Nhờ tích lũy công đức, sẽ đạt đến kết quả vị giác ngộ ba cõi. Tất cả đều do nhân duyên đời trước chứ chẳng phải điều tự nhiên.
Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:
-Đại Ý chính là Ta. Cư sĩ Ma-ha-đàn lúc đó nay là Duyệt-đầu-đàn. Bà mẹ Chiên-đàn nay là phu nhân Ma-da. Vua nước Hoan Lạc Vô Ưu nay là Ma-ha Ca-diếp. Bà-la-môn nữ là Cù-di. Cha của nữ Bà-la-môn là ngài Di-lặc vậy. Vua trong thành bạc nay là A-nan. Vua trong thành vàng nay là Mục-kiền-liên. Vua trong thành thủy tinh nay là Xá-lợi-phất. Vua trong thành lưu ly nay là Tỳ-kheo Tu-đà. Đệ tứ Thiên vương giúp Đại Ý lấy nước biển tức là Ưu-đà. Người cướp viên minh châu tức nay là Điều-đạt. Người giữ bốn cửa thành tức là Tu-bạt, Bàn-đặc, Tô-yết-kệ, Phi-câu-lưu. Bốn con rắn độc bò quanh nay là bốn thần Cộng Sát Thoan-đà-lợii.
Tôn giả A-nan sửa y, đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
-Lúc ấy Đại Ý nhờ công đức gì khi đến bốn thành châu báu đều được cúng dường và nhận được bốn viên ngọc minh nguyệt, mang theo nhiều châu báu?
Phật dạy:
-Thuở xưa vào thời Phật Duy Vệ, Đại Ý thường đem bốn báu xây tháp Phật, cúng dường Tam bảo, trì trai bảy ngày. Khi đó có năm trăm người cùng lúc xây chùa, hoặc có người treo tơ lụa, thắp đèn; hoặc có người đốt hương, rải hoa; hoặc có người cúng dường Tỳ-kheo Tăng; hoặc có người tụng kinh, giảng đạo, tất cả nay đều có mặt nơi đây.
Tôn giả A-nan và bốn chúng đệ tử nghe kinh này, hoan hỷ đến trước Phật đảnh lễ.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.198.13 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập