Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh [大乘入楞伽經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh [大乘入楞伽經] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.58 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.67 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tiết II - THỰC HÀNH TẤT CẢ PHÁP
Bấy giờ Bồ tát Đại huệ lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vì con nói về các pháp môn vi diệu: Tâm, ý, ý thức (cittamanomanovijnàna), 5 pháp, ba tự tính (Svabhàvas), tướng (Laksanas). Đấy là những gì mà chư Phật, Bồ tát - những vị đã thâm nhập cảnh giới tự tâm, lìa các hành tướng - xem là nghĩa chân thật, là nòng cốt của Phật giáo. Xin Thế Tôn thuận theo chư Phật quá khứ, vì chúng Bồ tát trong núi này mà diễn nói cảnh giới của pháp thân, như những làn sóng của biển tạng thức.
Phật bảo Bồ tát Đại huệ:
Có bốn loại nhân duyên chuyển nhãn thức. Bốn nhân duyên ấy là gì? Ấy bởi không biết sự vật do tự tâm hiện nên khởi sự nắm giữ; bởi tập khí hư vọng từ vô thỉ chấp trước sắc tướng, bởi bản tính của thức vốn như vậy, bởi ưa nhìn sắc tướng. Đại huệ! Vì bốn duyên ấy nên thức a lại da giống như nước lũ sinh những luồng sóng thức. Về các thức khác cũng vậy. Ở nơi tất cả căn, vi trần, lỗ chân lông v.v.. chuyển thức hoặc sinh liền, như gương sáng hiện sắc hình, hoặc sinh từ từ, như gió mạnh thổi trên biển lớn. Biển Tâm cũng vậy, bị gió cảnh giới thổi làm nổi dậy những làn sóng thức, nối nhau không cùng. Đại huệ! Nhân, sở tác và tướng không phải một cũng không phải khác; nghiệp tướng cùng sinh tướng tương quan ràng buộc chặt chẽ. Vì không biết tự tính của sắc (thanh hương vị xúc) nên năm chuyển thức hoạt động. Đại huệ! Cùng với năm thức này, do nhận thức các cảnh tướng khác nhau mà ý thức sinh khởi. Nhưng các thức ấy không nghĩ "Chúng ta đồng thời làm nhân cho nhau" mà lại khởi các cảnh giới do tự tâm hiện, rồi phân biệt chấp trước đồng thời phát sinh, chứ thật ra không có những tướng riêng biệt tự rõ biết đối tượng của mình. Đại huệ! Các bậc tu hành nhập chính định, vì sức mạnh tập quán nổi lên một cách vi tế khó biết, nên nghĩ là "Ta đã nhập tam muội diệt các thức." Song kỳ thực họ nhập tam muội chưa diệt các thức, vì chưa diệt các tập khí; chỉ vì họ không chấp lấy các cảnh nên họ gọi là thức diệt. Đại huệ, hành tướng của tạng thức rất vi tế, trừ chư Phật và Bồ tát đã an trú trong các địa, ngoài ra năng lực định, tuệ của nhị thừa ngoại đạo không thể biết. Chỉ có những bậc tu hành như thật, dùng trí tuệ biết rõ tướng các giai đoạn tu hành, thông đạt nghĩa lý, rộng tu các thiện căn ở vô lượng cõi Phật, không lầm phân biệt những cảnh do tự tâm thấy... mới có thể biết được. Đại huệ! Các bậc tu hành ưa ở chỗ núi rừng, tu các bực cao, vừa, hay thấp, có thể thấy hành tướng của tự tâm, được chư Phật với Tam muội tự tại thần thông lấy nước cam lộ rưới đầu, Bồ tát vây quanh, biết rõ các cảnh giới do tâm, ý, ý thức làm nên, vượt được biển lớn vô trí (ajnàna), sinh tử, ái nghiệp. Bởi thế các ông nên gần gũi chư Phật Bồ tát, các vị thiện tri thức tu hành như thật."
Thế Tôn lại nói bài kệ:
Như ba đào biển lớn
Đều do gió mạnh thổi
Sóng lớn khua biển, ngòi
Không lúc nào dừng nghỉ
Biển Tạng thức thường bị
Gió cảnh giới lay động
Khiến những luồng sóng thức
Múa nhảy mà chuyển sinh
Các màu xanh cùng đỏ
Muối, mật và thạch nhũ
Hoa, trái, ánh trời, trăng
Không khác, không không khác
Nên biết cũng như thế
Ý và bảy loại thức
Như biển cùng ba đào
Do tâm hòa hiệp sinh
Thí như nước biển động
Chuyển các luồng sóng lớn
Tạng thức cũng như thế
Sinh ra các loại thức
Tâm ý cùng ý thức
Là nói về mặt tướng
Tướng tám thức không khác
Không năng tướng sở tướng
Như biển cùng ba đào
Hai thứ không khác nhau
Các thức tâm cũng thế
Cũng không thể khác được
Tâm hay chứa các nghiệp
Ý tập họp đủ thứ
Liễu biệt gọi ý thức
Đối hiện cảnh có năm.
Khi ấy Bồ tát Đại huệ hỏi Phật bằng bài tụng:
Các sắc tượng xanh đỏ
Hiện nơi thức chúng sinh
Vì sao như sóng biển?
Xin Phật thương nói rõ.
Đức Thế Tôn đáp:
Các sắc tượng xanh đỏ
Trong sóng vốn không có
Nói tâm khởi các tướng
Để khai ngộ phàm phu
Chứ thật vốn không khởi
Tâm vốn lìa "nắm giữ"
Năng thủ và sở thủ
Cũng như sóng nước kia
Thân, nhà cửa, tư tài
Hiện nơi thức chúng sinh
Nên thấy có sinh khởi
Cùng sóng không sai khác.
Đại huệ lại nói bài tụng:
"Tính sóng" của biển cả
Cuồn cuộn dễ phân biệt
Tạng thức khởi như thế
Vì sao không hay biết?
Thế Tôn đáp:
A lại gia như biển
Chuyển thức như sóng lớn
Là ví dụ khai diễn
Cho phàm phu vô trí.
Đại huệ lại nói bài tụng:
Thí như mặt trời hiện
Trên dưới đều soi chiếu
Phật ngọn đèn của đời
Cũng nên vì bọn ngu
Nói nghĩa lý chân thật
Đã hay mở bày pháp
Vì sao không nói thẳng?
Thế Tôn đáp:
Nếu nói nghĩa chân thật
Tâm kia không chân thật
Ví như sóng đại dương
Bóng trong gương, cảnh mộng
Đồng thời mà hiển hiện
Cảnh giới tâm cũng thế
Vì điều kiện không đủ
Nên tuần tự chỉ ra
Mạt na chấp hiện thức
Ý thức nhận thức ý
Năm thức rõ hiện cảnh
Không thứ lớp nhất định
Thí như người họa sư
Và học trò họa sư
Hòa màu vẽ các hình
Ta dạy cũng như thế
Họa không có trong màu
Trong bút hay trong vải
Vì làm vui chúng sinh
Tạo các hình tươi đẹp
Nói ra tất biến đổi
Chân lý lìa văn tự
Thật pháp ta an trú
Để nói cho bậc tu
Chỗ tự chứng chân thật
Lìa phân biệt năng sở
Đấy vì Bồ tát nói
Người ngu khởi phân biệt.
Các pháp đều như huyễn
Đối tượng không thể có
Nói những thứ như vậy
Tùy việc mà biến đổi
Giáo lý không phù hợp
Không phải là giáo lý
Ví như đối bệnh nhân
Lương y tùy cho thuốc
Như lai vì chúng sinh
Tùy căn cơ nói pháp
Chỗ chứng trí sở hành
Của đấng đời nương tựa
Không phải cảnh ngoại đạo
Hay của hàng Thanh văn.
Lại nữa, Đại huệ! Nếu Bồ tát đại hữu tình muốn biết rõ cảnh giới phân biệt năng thủ sở thủ đều do tự tâm hiện, thì hãy xa lìa sự huyên náo, hôn trầm, ngủ gật; đầu đêm giữa đêm và cuối đêm nên siêng gia công tu tập, xa lìa tụ hội, nghe tà luận ngoại đạo và các pháp nhị thừa, phân biệt các tướng do tự tâm bày đặt. Lại nữa, này Đại huệ! Khi bậc đại Bồ tát đã an trú trong tâm trí tuệ, hãy siêng tu học ba tướng của thánh trí cao cả. Ba tướng ấy là gì? ấy là tướng "vô ảnh tượng" (Niràbhàsalaksana), tướng "nhất thiết chư Phật nguyện trì" (Sarvabuddha-svapranidhàradhisthànalaksana), tướng "Tự chứng Thánh trí sở thú" (pratyàtmàryajnàna- gatilaksana) (chỗ thú hướng của bậc tự chứng thánh trí). Những vị tu hành khi đạt được các tướng ấy rồi, liền xả bỏ tướng "lừa què" của trí tuệ (khanjagardabha), vào địa thứ 8 của Bồ tát , đối với ba tướng ấy tu hành không gián đoạn. Đại huệ! Tướng vô ảnh tượng là sao? Là kết quả đạt được do tu tập các pháp nhị thừa ngoại đạo. Tướng "Hết thảy chư Phật nguyện trì" là sao? Là do bổn nguyện gia trì của chư Phật mà sinh. Tướng "Chỗ hướng đến của bậc tự chứng thánh trí" là sao? Là do không giữ hết thảy pháp tướng mà thành tựu các thân tam muội như huyễn, đạt đến Phật địa. Đại huệ! ấy là ba tướng của Thánh trí cao thượng. Nếu được tướng ấy tức là đạt đến cảnh giới của Thánh trí tự chứng. Ông và các Bồ tát nên siêng tu học."
Khi ấy Đại huệ Bồ tát nhờ uy thần của Phật, biết được ý nghĩ của các Bồ tát trong hội chúng, liền bạch Phật:
Xin Thế Tôn vì chúng con nói rõ thánh trí đối với việc phân biệt 108 câu như thế nào? Hết thảy chư Như lai, Ứng cúng, chính biến giác đều vì các Bồ tát rơi vào tự tướng cọng tướng mà phân tích bản chất và sự sai biệt của những vọng chấp. Biết được nghĩa ấy rồi, tất sẽ thanh tịnh được hai phép quán vô ngã, sáng tỏ các giai đoạn tu hành, vượt trên pháp lạc của định nhị thừa ngoại đạo, thấy được cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Như lai. Khi ấy Bồ tát sẽ rốt ráo xa lìa ba tự tính, năm pháp, dùng trí tuệ của pháp thân Phật mà tự trang nghiêm, thâm nhập cảnh giới như huyễn. Các vị ấy sẽ thành tựu thân Như lai ở các cõi Đâu suất đà (Tusitabhavana), Sắc cứu cánh (Akanis- thàlaya).
Phật dạy:
Này Đại huệ! Có một hạng ngoại đạo thấy vạn pháp theo nhân mà diệt, liền sinh phân biệt rằng thỏ không sừng, khởi "chấp không". Ví như sừng thỏ vốn không có, hết thảy pháp cũng thế. Lại có hạng ngoại đạo chấp "đại chủng" (bhùta), cầu na (guna) vi trần (anu) v.v.. hình lượng phân vị đều khác nhau, nên đã chấp thỏ không sừng, lại theo đó mà tưởng trâu có sừng. Đại huệ! Những kẻ ấy lạc vào nhị kiến, không rõ duy tâm, chỉ làm tăng trưởng sự phân biệt nơi tự tâm. Đại huệ! Thân, tài sản, khí thế gian v.v.. tất cả đều do phân biệt mà hiện. Đại huệ! Nên biết sừng thỏ vốn lìa có và không, các pháp khác cũng thế, chớ sinh phân biệt. Vì sao sừng thỏ lìa hữu vô? Vì các nhân đối đãi nhau vậy. Phân chẻ sừng trâu cho đến thành vi trần để tìm thể tính của nó rốt cuộc vẫn không nắm được. Tư duy của Thánh trí xa lìa kiến chấp ấy, bởi thế không nên phân biệt.
Đại huệ Bồ tát lại bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Phải chăng vì vọng kiến khởi ra tướng, rồi những người (phàm phu) kia mới so sánh phỏng đoán, vọng chấp không?
Phật dạy:
Không phải vì đối với tướng do phân biệt khởi mà nói là không. Vì sao? Những người kia lấy phân biệt làm sinh nhân, lấy sự phân biệt sừng làm chỗ nương của nhân ấy. Chỗ nương cho nhân ấy vốn lìa khác và không khác. Không phải do đối đãi mà chứng minh rằng sừng thỏ không có. Đại huệ! Nếu sự phân biệt kia khác với sừng thỏ, thì tất không phải do sừng làm nhân. Nếu nó không khác, tất phải do sừng khởi. Đại huệ! Chia tách sừng trâu cho đến thành cực vi mà tìm sừng cũng không có, còn khác với sừng nói không sừng thì sự phân biệt ấy tất phi lý. Cả hai (sừng trâu và sừng thỏ) đều không, thì cái gì đối đãi với cái gì? Nếu sự đối đãi đã bất thành, chỉ đối với có mà nói sừng thỏ là không thì không nên phân biệt, vì không phải chính nhân vậy. Những người luận hữu, luận vô, chấp có chấp không, cả hai đều không thành. Đại huệ! Lại có những người ngoại đạo thấy sắc, hình trạng, hư không phân định rõ ràng nên sinh chấp rằng sắc khác hư không, khởi phân biệt. Đại huệ! Hư không chính là sắc, thuộc vào sắc. Đại huệ! Sắc là hư không, vì nương sắc mà có hư không, nương hư không mà có sắc. Để lập ranh giới giữa sắc, không, nên biết như thế. Đại huệ! Khi các đại khởi sinh vũ trụ, tự tướng của chúng khác nhau, không ở trong hư không, không phải chúng không có hư không. Đại huệ! Sừng thỏ cũng vậy, chính vì đối đãi với sừng trâu mà nói thỏ không sừng. Đại huệ! Phân tích sừng trâu cho đến vi trần, lại tách chẻ vi trần kia ra thì tướng của vi trần cũng không hiện. Vậy đối đãi với cái gì mà nói vi trần là không? Với các vật khác cũng thế. Này Đại huệ! Hãy xa lìa những phân biệt về sừng thỏ sừng trâu, hư không cùng sắc... Ông và các đại Bồ tát nên thường quán sát các tướng phân biệt do tự tâm thấy, ở các cõi hãy vì Phật tử mà nói pháp tu quán sát tự tâm."
Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng:
Vật tâm thấy vốn không
Chỉ do tâm mà khởi
Thân, tài vật, chỗ ở
Là bóng Tạng thức hiện
Tâm, ý, thức, tự tính
Năm pháp, hai vô ngã
Đều rốt ráo thanh tịnh
Đấy điều chư Phật nói
Dài ngắn cùng nương nhau
Xoay vần sinh lẫn nhau
Do có mà nói không
Nhân không mà nói có
Phân tích đến vi trần
Không khởi phân biệt sắc
Chỉ do tâm vọng lập
Kẻ ác kiến không tin
Đây không phải ngoại đạo
Hay Thanh văn đã nói
Mà chính đấng cứu đời
Nói cảnh đã thân chứng.
Bấy giờ Bồ tát Đại huệ, vì muốn thanh tịnh tâm hiện lưu nên bạch Phật:
Làm sao thanh tịnh tự tâm hiện lưu (dòng tư tưởng tuôn chảy không ngừng) của chúng sinh? Sự thanh tịnh ấy có thứ lớp hay ngay tức thì?
Phật dạy:
- Này Đại huệ! Thanh tịnh dần dần, không phải tức khắc. Như trái am la (àmraphala, xoài) chín lần, không chín ngay. Chư Như lai làm cho dòng tâm thức chúng sinh thanh tịnh cũng thế, dần dần chứ không tức khắc. Như người thợ gốm làm các vật dần thành hình, không phải tức khắc. Chư Như lai tịnh dòng tâm thức chúng sinh cũng thế, tuần tự không tức thì. Như đất lớn sinh thảo mộc cũng sinh từ từ, không sinh lập tức, chư Phật thanh tịnh dòng tâm thức tuôn chảy nơi chúng sinh cũng thế, tuần tự không phải tức thì. Đại huệ! Thí như người học âm nhạc, đọc sách, vẽ, hoặc các thứ kỹ thuật, dần dần mà thành tài chứ không tức khắc, chư Phật thanh tịnh dòng tâm thức chảy xiết của chúng sinh cũng thế, không phải ngay tức thì. Ví như gương lớn hiện ngay các vật không phân biệt, chư Như lai làm thanh tịnh dòng tâm thức của chúng sinh cũng vậy, làm hiện tức khắc hết thảy cảnh giới vô tướng không phân biệt. Như vừng nhật nguyệt soi chiếu tất cả sắc hình tượng cùng một lúc, chư Phật làm thanh tịnh tập quán lỗi lầm nơi tự tâm chúng sinh cũng thế, lập tức vì chúng sinh thị hiện cảnh giới trí tuệ bất khả tư nghì của chư Như lai. Như tạng thức hiện ngay một lúc hết thảy cảnh giới: quốc độ, thân, tài sản; Báo Phật cũng thế (nisyandabuddha) ở cõi Sắc cứu cánh, thường tức khắc thành tựu chúng sinh, khiến chúng tu các hạnh. Như Pháp tính Phật (Dharmatàbuddha) tức khắc hiện Báo Phật và ánh sáng quang minh của Hóa Phật (Nirmànabuddha); Thánh trí tự chứng cũng vậy, hiện ngay các pháp tướng làm ánh sáng chiếu soi, khiến lìa hết tà kiến về có và không. Lại nữa, Đại huệ, đức Phật từ pháp tính lưu xuất (dharmatànisyandabuddha) nói tự tướng cộng tướng của hết thảy pháp, các tướng do tập khí làm nhân (vàsanàhetu) do tự tâm hiện, các tướng do vọng chấp sinh... đều là các tướng huyễn hóa lệ thuộc lẫn nhau, không có tự tính. Những gì chúng sinh chấp thật có đều không thể nắm giữ (bất khả đắc). Lại nữa, Đại huệ! Tính vọng kế (parikatantrasvabhàva) là do chấp trước vào tính duyên khởi mà sinh. Đại huệ! Thí như thầy phù thủy dùng huyễn thuật lấy cỏ cây ngói gạch tạo ra bao nhiêu hình tượng chúng sinh, khiến cho người thấy liền phân biệt các sự vật, mà kỳ thật không có gì.Đại huệ! Đây cũng vậy. Do thói quen cố chấp cảnh giới là thật, nên trong các pháp do duyên khởi lại có ra các tướng vì vọng chấp mà hiện, ấy gọi là phát sinh vọng kế. Đại huệ! Đấy là pháp tướng mà chư Phật pháp tính đã nói. Đại huệ, Phật Pháp tính kiến lập các cảnh giới của tự chứng trí, lìa tướng do tự tâm hiện. Đại huệ! Hóa Phật nói các pháp: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ, uẩn, giới, xứ, cùng các phương pháp giải thoát các hành tướng của thức, kiến lập sai biệt, vượt trên kiến chấp của ngoại đạo, siêu việt hạnh vô sắc. Lại nữa, Đại huệ! Phật pháp tính không vin vào đâu cả, xa lìa hết thảy các tướng: sở duyên, sở tác, căn, lượng... không phải cảnh giới mà phàm phu, nhị thừa và ngoại đạo ưa chấp ngã thường quan niệm. Bởi thế, Đại huệ, ông nên siêng tu học cảnh giới thù thắng của bậc Tự chứng Thánh trí, nên mau xa lìa các tướng do tự tâm hiện, do kiến chấp phân biệt. Lại nữa, Đại huệ! Thanh văn thừa có hai tướng sai biệt, ấy là tướng Tự chứng Thánh trí thù thắng, và tướng phân biệt chấp trước tự tính. Sao gọi là tướng "Tự chứng Thánh trí thù thắng" (pratyàtmàryàdhi- gamavisesalaksana)? Ấy là nhân thấy rõ cảnh giới các đế khổ, không, vô thường, vô ngã, mà lìa ham muốn, trở nên vắng lặng; biết rõ một cách chân thật các tướng bất hoại ở ngoài uẩn, giới, xứ hoặc tự hoặc cọng, nên tâm trụ vào một chỗ. Khi tâm đã an trú vào một cảnh thì sẽ được các đạo quả thiền định, giải thoát, tam muội... mà được hạnh viễn ly. Họ an trú trong pháp lạc của cảnh giới do Thánh trí tự chứng, song vẫn chưa lìa được tập khí và những hình thái "biến dị sinh tử" khó nghĩ bàn, nên gọi là tướng Tự chứng thánh trí của Thanh văn thừa. Các bậc đại Bồ tát tuy cũng được cảnh giới Thánh trí tự chứng ấy, nhưng vì thương xót chúng sinh, giữ tròn bản nguyện nên không thể chứng pháp môn tịch diệt cùng pháp lạc tam muội. Các đại Bồ tát không tu học pháp lạc tự chứng thánh trí ấy. Đại huệ! Sao gọi là tướng "phân biệt chấp trước tự tính"? Ấy là biết các pháp như cứng, ẩm, động, xanh, vàng, đỏ, trắng vv.. đều không do một tác giả sinh, nhưng lại y cứ vào sự giảng dạy, lý luận mà có tự tướng cọng tướng và khởi phân biệt chấp trước, ấy gọi là tướng phân biệt của Thanh văn. Các vị đại Bồ tát đối với các pháp ấy nên biết, nên xa lìa kiến chấp nhân vô ngã, nhập vào tướng "pháp vô ngã" dần dần an trú trong các địa vị tu hành.
Bồ tát Đại huệ bạch Phật
Bạch Thế Tôn! Như lai nói cảnh giới đệ nhất nghĩa của Thánh trí tự chứng là "Thường còn, không thể nghĩ bàn", há không giống với ngoại đạo bảo đấng Tạo hóa của họ cũng thường còn, không thể nghĩ bàn đấy hay sao?
Đại huệ! Đấy không phải là tướng thường bất tư nghì mà đấng tạo hóa ngoại đạo có. Vì sao? Bởi vì, Đại huệ, tướng thường bất tư nghì của ngoại đạo là do tự tướng, không do nhân thành. Đã do tự tướng, thì lấy gì chứng minh cái thường bất tư nghì? Đại huệ! Cái thường bất tư nghì của ngoại đạo nói nếu do tự tướng thì tất nó hữu thường, song vì lấy đấng tạo hóa làm nhân nên không thành thường bất tư nghì. Đại huệ! Đệ nhất nghĩa thường bất tư nghì của ta, xa lìa có, không. Nó có đặc tính riêng của nó vì là cảnh giới do thánh trí tự chứng. Nó do đệ nhất nghĩa làm nhân nên có nhân. Nó lìa có, không, nên không phải là tác giả. Vì nó như hư không, tịch diệt của Niết bàn, nên thường bất tư nghì của ta nói không giống với chỗ tranh luận của ngoại đạo. Đại huệ này, cái thường bất từ nghì của ta là chân lý do thánh trí chư Như lai tự chứng, nên Bồ tát hãy siêng tu học. Lại nữa, Đại huệ, nghĩa thường bất từ nghì của ngoại đạo là nhân trái với vô thường mà nói thường, không phải do tự tướng. Đại huệ! Nghĩa thường bất tư nghì của ngoại đạo là do thấy các pháp sinh ra có rồi hoàn không, bởi đó vô thường, so đấy mà nói thường. Ta cũng thấy các pháp sinh ra có rồi lại không, bởi đó vô thường, nhưng không vì thế mà nói nghĩa thường. Đại huệ! Nếu ngoại đạo lấy tướng nguyên nhân mà thành thường bất từ nghì, thì tướng nguyên nhân ấy vốn không có, cũng như sừng thỏ; cái thường bất từ nghì chỉ là phân biệt, chỉ có trên danh từ. Vì sao? Vì cái nhân ấy cũng như sừng thỏ, không có đặc tính của tự nhân vậy.Đại huệ! Thường bất từ nghì của ta lấy tự chứng làm nhân, không lấy pháp bên ngoài có rồi hoàn không - vô thường - mà làm nhân. Ngoại đạo, trái lại, chưa từng biết tướng của tự nhân thường bất từ nghì, mà thường ở bên ngoài cảnh giới của Thánh trí tự chứng.
Lại nữa, Đại huệ! Các hàng Thanh văn vì sợ sinh tử, vọng tưởng, khổ (samsàravikalpadukkha) mà cầu Niết bàn, không biết tất cả tướng sai biệt giữa Niết bàn sinh tử đều do hư vọng phân biệt mà có, chứ thật vốn không. Thanh văn vọng chấp rằng trong tương lai các căn, cảnh đều diệt, cho đó là Niết bàn, mà không biết cảnh giới của trí tự chứng, là chuyển tạng thức bị hạn cuộc thành Đại Niết bàn. Những người ngu kia nói có 3 thừa, không nói ngoài tâm không cảnh. Những người ấy không biết cảnh giới tự tâm mà chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều nói, lại chấp trước cảnh ngoài tâm, nên thường trôi lăn không cùng trong sinh tử. Lại nữa, Đại huệ! Chư Như lai vì sao nói hết thảy pháp quá khứ hiện tại vị lai không sinh (anutpanna)? Vì cảnh do tự tâm thấy đều không có tự tính, lìa có không, nên nói vô sinh, như sừng thỏ, sừng ngựa v.v.. mà phàm phu vọng chấp. Cảnh giới vô sinh này là cảnh của bậc Tự chứng trí, không phải của hạng ngu phu phân biệt nhị nguyên. Đại huệ! Thân, tài sản, khí thế gian, v.v.. tất cả đều là bóng dáng của tạng thức, năng thủ sở thủ (gràhyagràhaka) đồng hiện khởi. Hàng ngu phu theo hai kiến chấp về sinh, trú, diệt, mà vọng khởi phân biệt hữu, vô. Đại huệ! Ông nên siêng năng tu học nghĩa này.
Lại nữa, này Đại huệ! Có năm loại chủng tính là: Chủng tính Thanh Văn, chủng tính Duyên giác, chủng tính Như lai, chủng tính bất định và vô chủng tính. Đại huệ! Sao biết được là chủng tính Thanh văn thừa? Những người khi nghe nói tự tướng, cọng tướng, uẩn, giới, xứ, hoặc biết hoặc chứng, thì lông tóc dựng ngược, khao khát tu tập; nhưng đối với lý duyên khởi thì không thích quán sát, nên biết đấy là chủng tính Thanh văn thừa. Những người ấy khi đã thấy chỗ mình chứng được, ở vào địa thứ năm thứ sáu, thì dứt được trói buộc của phiền não song chưa đoạn được tập khí phiền não. Họ vẫn vướng vào "bất tư nghì tử" - cái chết không thể nghĩ bàn. Tiếng rống như sư tử của họ là: "Sinh đã tận, phạm hạnh đã hoàn thành, việc nên làm đã xong, không còn thọ thân sau." Họ tu tập "nhân vô ngã" sinh tâm cho mình đã đạt Niết bàn.
Đại huệ! Lại có chúng sinh cầu chứng Niết bàn, tự nói đã biết tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, cho đấy là Niết bàn. Lại có những người nói: Thấy các pháp thảy đều do nguyên nhân sinh ra, đó là Niết bàn. Đại huệ! Những kẻ ấy không giải thoát, vì chưa thể thấy pháp vô ngã vậy. Đó là chủng tính Thanh văn thừa, ngoại đạo, chưa giải thoát mà cho mình đã giải thoát. Ông hãy siêng tu tập xả bỏ ác kiến này. Đại huệ! Sao biết được chủng tính duyên giác thừa? Ấy là những người khi nghe nói 12 nhân duyên thì lông tóc dựng đứng, động lòng rơi lụy, xa lìa huyên náo, không đam mê gì nữa. Khi nghe nói hiện các thứ thân hoặc tụ hoặc tán, các việc thần thông biến hóa, thì tâm họ tin chịu, không phản đối. Nên biết đấy là chủng tính Duyên giác; hãy nói pháp Duyên giác thừa cho họ. Đại huệ! Các pháp mà chủng tính Như lai thừa chứng được thuộc ba loại: Ấy là pháp "tự tính vô tự tính", pháp "nội thân tự chứng Thánh trí" và pháp "thấy hết thảy các cõi Phật ở ngoài." Đại huệ! Nếu có người nghe nói mỗi mỗi pháp này cho đến pháp "thân, nhà cửa, tài sản đều do tự tâm hiện," nghe nói cảnh giới không thể nghĩ bàn của thức a lại gia mà không sợ, không kinh khiếp hãi hùng, nên biết người ấy thuộc chủng tính Như lai. Đại huệ! Bất định chủng tính là gì? ấy là khi nghe nói về ba thừa trên đây đều có thể khởi phát lòng tin, muốn tu học. Đại huệ! Ta vì các hạng người mà so sánh các giai đoạn tu tập, nói các chủng tính, vì muốn khiến họ an trú trong cảnh giới vô ảnh tượng nên kiến lập như thế. Đại huệ! Những người Thanh văn an trú trong pháp lạc tam muội, nếu chứng được thức bị duyên của mình, thấy được pháp vô ngã, sạch tập khí phiền não, thì rốt cuộc cũng sẽ được thân Như lai." Thế Tôn liền nói bài tụng:
Quả Dự lưu, Nhất lai
Bất hoàn, A la hán
Những thánh nhân như thế
Tâm họ đều mê hoặc
Ba thừa ta lập ra
Một thừa đến không thừa
Vì kẻ ngu trí nhỏ
Vì bậc Thánh ưa tịch
Pháp môn đệ nhất nghĩa
Xa lìa cả hai chấp
Trong chỗ vô cảnh giới
Làm sao lập ba thừa?
Các thiền cùng vô lượng
Vô sắc tam ma đề (àrùpya samadhi)
Cho đến diệt thọ tưởng
Đều không ở ngoài tâm.
Lại nữa Đại huệ, tại sao hạng Nhất xiển đề (Icchantika) đối với pháp giải thoát không sinh vui thích? Đại huệ! Vì họ đã bỏ mất hết căn lành, hoặc vì từ vô thủy đã khởi nguyện độ chúng sinh. Sao gọi là bỏ mất hết căn lành? Ấy là những người chê bai các tạng kinh của Bồ tát, cho rằng không hợp với Khế kinh, với sự điều phục và giải thoát. Như vậy là đoạn hết căn lành, không nhập niết bàn được. Sao gọi là từ vô thỉ vì chúng sinh khởi nguyện? Ấy là những Bồ tát dùng phương tiện bản nguyện, nguyện cho hết thảy chúng sinh đều vào Niết bàn, nếu còn một chúng sinh chưa vào thì Bồ tát cũng không vào. Hạng này cũng ở trong đường của Nhất xiển đề, không có tướng của chủng tính Niết bàn.
Đại huệ Bồ tát bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Trong hai hạng đó rốt cùng ai không vào Niết bàn?
Phật dạy:
Những Bồ tát Nhất xiển đề kia vì biết rõ hết thảy pháp xưa nay vốn là Niết bàn, nên rốt cuộc không nhập. Song hạng Nhất xiển đề đã bỏ các thiện căn thì hoặc sẽ nhờ uy lực Phật, hoặc có khi phát sinh thiện căn. Vì sao? Vì Phật không bao giờ bỏ rơi một chúng sinh nào. Cho nên chỉ có Bồ tát Nhất xiển đề là không nhập Niết bàn. Lại nữa Đại huệ ! Bồ tát đại hữu tình nên biết rõ tướng của 3 tự tính (svabhàva). Ba tự tính ấy là gì? ấy là vọng kế, duyên khởi và viên thành. Đại huệ, vọng kế tự tính là do tướng sinh. Sao là do tướng sinh? Ấy là nương theo các sự tướng duyên khởi hiện ra các chủng loại mà sinh chấp trước, so đo. Đại huệ ! Sự kế trước ấy sinh hai thứ vọng kế tính, ấy là những gì chư Như lai diễn nói: danh tướng kế trước và sự tướng kế trước. Sự tướng kế trước là chấp các pháp trong và ngoài cho là thật có, danh tướng kế trước là đối các pháp trong và ngoài ấy, chấp có tự tướng cọng tướng. Ấy là hai thứ vọng kế. Đại huệ! Do duyên sở y mà khởi lên, ấy gọi là tính duyên khởi. Sao gọi là viên thành tự tính? (Parnispannasvabhàva) Ấy là chân như mà đấng tự chứng Thánh trí đạt được, lìa hết thảy danh tướng, sự tướng. Đại huệ! đấy là tự tính viên thành, Như lai tạng tâm.
Đức Thế Tôn bèn nói bài tụng:
Phân biệt danh tướng
Là tướng tự tính
Chính trí chân như
Là tính viên thành.
Đại huệ! đấy là pháp môn quán sát 5 pháp, hai tự tính, là cảnh giới của bậc Tự chứng thánh trí. Ông cùng các bồ tát đại hữu tình nên siêng tu học. Lại nữa, này Đại huệ, Bồ tát nên quán sát hai tướng vô ngã. Hai tướng ấy là gì? Là tướng nhân vô ngã, tướng pháp vô ngã. Đại huệ, sao gọi là tướng nhân vô ngã? Ấy là uẩn, xứ, giới, lìa ngã, ngã sở, vì ngu si và ái nghiệp mà sinh các thức như nhãn v.v.. Do sắc, thanh... mà sinh chấp trước. Lại thân và khí thế gian mà tự tâm thấy đều do tạng tâm biến hiện, từng giây phút tiếp nhau biến hoại không ngừng. Như dòng sông, như hạt giống, như ánh đèn, như gió qua mau, như mây nổi. Nó động chuyển không an như vượn khỉ, ưa chỗ dơ uế như ruồi nhặng, không biết chán đủ như lửa mạnh. Nó lấy tập quán tà ác từ vô thỉ làm nhân, nên trôi lăn các cõi không ngừng như bánh xe kéo nước, cuốn theo các loại thân hình, như thây chết do mãnh lực bùa chú mà cử động, lại như người gỗ do máy mà chuyển động. Nếu biết rõ tướng của tự thân là như vậy, thì gọi là trí "nhân vô ngã" (Putgalarairàtnyajnàra). Đại huệ! Sao gọi là trí pháp vô ngã? Ấy là biết uẩn, giới, xứ là tính vọng chấp. Nguyên uẩn, giới, xứ vốn lìa ngã, ngã sở, chỉ vì sợi dây trói buộc của ái và nghiệp tích tụ làm duyên cho nhau mà sinh khởi, không có tác giả. Uẩn giới xứ cũng thế, lìa tự tướng cọng tướng. Những hiện tượng giả dối đủ loại hiện ra chỉ có phàm phu mới phân biệt, thánh giả thì không. Quan sát các pháp như vậy nên lìa tâm, ý, ý thức, 5 pháp, 3 tự tính, ấy gọi là trí pháp vô ngã của Bồ tát đại hữu tình. Khi được trí ấy thì biết không có cảnh giới, hiểu rõ tướng các giai đoạn tu hành. Bồ tát liền nhập sơ địa, tâm sinh vui mừng, tuần tự tiến dần lên đến bực Thiện huệ và Pháp vân. Các việc phải làm đều thành tựu, ở địa vị ấy có hoa sen báu lớn cùng các báu trang nghiêm, trên hoa có cung điện báu hình hoa sen, do Bồ tát tu pháp môn như huyễn mà thành tựu. Bồ tát ngồi trên hoa sen được các Bồ tát đồng hàng vây quanh, được chư Phật từ các cõi Phật đưa tay rưới đầu bằng nước cam lồ như rưới cho con vua chuyển luân. Khi vượt qua giai đoạn cuối cùng của Bồ tát địa, Bồ tát thành tựu pháp thân tự tại của Như lai. Đại huệ! ấy gọi là tướng "thấy pháp vô ngã". Ông và các Bồ tát nên siêng tu học.
Bấy giờ Đại huệ Bồ tát lại bạch Phật rằng:
Bạch đức Thế Tôn, xin vì con giảng nói tướng lập và phá (samàropàpavàda- laksana) khiến con cùng các Bồ tát lìa các kiến chấp ấy, mau được Vô thượng bồ đề. Khi ấy, con sẽ phá được sự chấp thường (lập) và chấp đoạn (phá), đối với chính pháp không sinh hủy báng.
Phật nhân lời thưa thỉnh của Đại huệ bồ tát mà nói bài kệ tụng như sau:
Thân, tài vật, chỗ ở
Đều là bóng của tâm
Phàm phu không biết được
Khởi kiến lập, bác bỏ
Mọi pháp do tâm khởi
Lìa tâm không có được.
Đức Thế Tôn muốn nói rõ lại nghĩa ấy, bảo bồ tát Đại huệ:
Có 4 kiến lập (cho là có, những cái vốn là không), đó là không tướng lập có tướng, không kiến lập có kiến, không nhân lập có nhân, không tính lập có tính. Đại huệ! Còn hủy báng (phá) là sao? Ấy là các pháp do tà kiến lập ra đều không tự tính, vì không khéo quán sát nên sinh hủy báng (chối bỏ). Đấy là tướng kiến lập và hủy báng (xác định cùng phủ định). Này Đại huệ! Sao gọi là không tướng lập có tướng? Ấy là tự tướng, cọng tướng của uẩn, giới, xứ vốn không, mà lại sinh ra kế chấp cho nó như thế này, không thế khác. Những phân biệt ấy đều do ác tập từ vô thỉ sinh ra. Đấy gọi là không tướng lập có tướng. Sao gọi là không kiến lập có kiến? Ấy là từ uẩn giới xứ, đặt ra các quan niệm ngã, nhân, chúng sinh v.v.. Sao gọi là không nhân lập có nhân? Ấy gọi là sơ thức (pràgvijnàna) trước kia vốn vô nhân, bất sinh, sơ thức ấy vốn không, mà sau vì mắt, sắc, ánh sáng, niệm v.v.. làm nhân như huyễn sinh, sinh rồi có, có rồi hoàn diệt. Ấy là không nhân lập có nhân. Sao gọi là không tính lập có tính? Ấy là chấp trước các pháp vốn vô tác như hư không, Niết bàn không phải thường diệt. Đại huệ! Những pháp này lìa tính phi tính, hết thảy pháp đối với có và không chỉ như bụi lông, sừng thỏ, ngựa... Ấy là không tính lập có tính. Đại huệ! Kiến lập và bác bỏ đều do kẻ phàm phu không hiểu duy tâm tạo, nên sinh phân biệt. Bậc thánh không làm thế. Các ông nên quán sát để xa lìa kiến chấp ấy. Này Đại huệ, Bồ tát khi đã biết rõ tâm, ý, ý thức, 5 pháp, 3 tự tính, 2 vô ngã, thì sẽ vì chúng sinh, hiện các loại thân hình, như ngọc ma ni hiện các màu tùy tâm. Các Bồ tát ấy đi vào các Phật hội, nghe Phật dạy các pháp như huyễn như mộng, như bóng, như hình trong gương, như trăng đáy nước, xa lìa sinh diệt, đoạn thường. Không ở trong đường Thanh văn và Bích chi Phật, nghe xong chư bồ tát ấy thành tựu vô lượng trăm ngàn ức na do tha định. Được các định ấy rồi, họ du hành khắp các cõi Phật, cúng dường chư Phật, sinh lên các cõi trời để làm sáng tỏ ngôi Tam bảo. Họ hiện thân Phật vì đại chúng Thanh văn Bồ tát mà nói pháp duy tâm khiến xa lìa các chấp hữu, vô. Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng:
Phật tử hay quán thấy
Thế gian không ngoài tâm
Hiện ra đủ loại thân
Việc làm không ngăn ngại
Sức thần thông tự tại
Tất cả đều viên thành.
Bồ tát Đại huệ lại thỉnh Phật:
Xin Thế Tôn vì con nói tướng không, vô sinh, vô nhị, vô tự tính của vạn pháp. Con và các Bồ tát ngộ được tướng ấy, sẽ lìa phân biệt hữu vô, mau thành Vô thượng bồ đề.
Phật dạy:
Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông. Đại huệ! "Không" ấy là tính vọng chấp. Đại huệ! Vì chấp trước, vọng kế nơi tự tính nên nói không, vô sinh, vô nhị, vô tự tính. Đại huệ! Lược nói tính không có bảy: tướng không, tự tính không, vô hành không, hành không, nhất thiết pháp bất khả thuyết không, đệ nhất nghĩa thánh đế không, bỉ bỉ không. Tướng không là tự tướng cọng tướng của tất cả pháp đều không, chỉ xoay vần tích tụ đối đãi lẫn nhau mà hiện ra, nếu phân tích đến cùng thì không có gì. Không tự sinh, không tha sinh không vừa tự vừa tha, rốt ráo bất sinh. Tự tướng cọng tướng không sinh cũng không trú, nên gọi hết thảy pháp tự tướng vốn không. Sao gọi là tự tính không? Ấy là hết thảy pháp tự tính vốn không sinh, nên gọi là tự tính không. Sao gọi là vô hành không? Là các uẩn bản lai vắng lặng, không hành động tạo tác, nên gọi là vô hành không. Sao là hành không? Là các uẩn do nghiệp và nhân hòa hợp mà sinh, lìa ngã, ngã sở, nên gọi là hành không. Sao là nhất thiết pháp bất khả thuyết không? Là tự tính của hết thảy các vọng chấp không thể nói hết, nên gọi là bất khả thuyết không. Sao là đệ nhất nghĩa thánh trí đại không? Là khi được tự chứng thánh trí, thì lìa được tất cả tập khí lầm lạc, kiến chấp. Ấy gọi là đệ nhất nghĩa thánh trí đại không. Sao là bỉ bỉ không? Là cái này không cái kia (emptiness of mutual non-existence - Suzuki). Thí như trong giảng đường không có quạ, ngựa, trâu, dê, v.v.. ta nói giảng đường kia không, không phải là không có chúng tỳ kheo. Đại huệ, không phải là phòng không có tự tính của phòng, không phải tỳ kheo không có tự tính của tỳ kheo, không phải các nơi khác không có quạ, ngựa, trâu, dê. Này Đại huệ, tự tướng cọng tướng của các pháp đều nương nhau mà có, nhưng thực chất là không nên gọi là bỉ bỉ không.
Lại nữa Đại huệ, vô sinh là trí thể không sinh, chứ không phải là bất sinh, trừ khi ở trong định. Vì vô sinh nên theo ý nghĩa sâu xa chính là vô tự tính. Đại huệ, hết thảy pháp không tự tính, vì không sát na nào ở yên, vừa trông thấy, nó đã đổi khác, nên gọi là vô tự tính. Sao là không hai tướng? Đại huệ! Như sáng tối, ngắn dài, đen trắng, đều đối đãi nhau mà lập, một mình thì không thành. Đại huệ! Không phải ngoài sinh tử có Niết bàn, không phải ngoài Niết bàn có sinh tử, sinh tử và Niết bàn không phải là hai tướng đối nghịch. Như sinh tử và Niết bàn, hết thảy pháp đều như vậy, ấy gọi là không hai tướng. Đại huệ này, các tướng không, vô sinh, không hai, vô tự tính, ông nên siêng tu học. Khi ấy Thế Tôn lại nói bài tụng:
Ta thường nói pháp "không"
Xa lìa hẳn đoạn, thường
Sinh tử như huyễn mộng
Mà nghiệp cũng không tan
Hư không và Niết bàn
Hai diệt cũng như thế
Phàm phu vọng phân biệt
Thánh giả lìa hữu, vô.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Đại huệ Bồ tát:
Đại huệ! Tướng không, vô sinh, không hai, vô tự tính ấy, có thể tìm thấy trong kinh của chư Phật nói. Đại huệ! Kinh tùy thuận tâm chúng sinh mà nói, nhưng chân lý không nằm trong lời. Thí như những con thú bị quáng nắng tưởng thấy nước mà thật không có nước, những gì các kinh nói cũng thế, chỉ thuận theo phân biệt của ngu phu, khiến chúng sinh hoan hỷ, đều không phải là các pháp hiển bày chỗ chứng chân thật của Thánh trí. Đại huệ, hãy theo nghĩa, không nên bám vào lời.
Đại huệ Bồ tát bạch Phật:
Bạch đức Thế Tôn! Trong kinh nói bản tính Như lai tạng vốn thanh tịnh, hằng tồn không dứt, không biến dịch, đủ 32 tướng, ở trong tất cả thân chúng sinh, bị quấn trong lớp áo dơ uế của uẩn giới xứ, bị ô nhiễm vì tham, nhuế, si... và sự phân biệt hư vọng, như ngọc vô giá bọc trong áo dơ. Ngoại đạo thì nói ngã là tác giả thường trú, lìa câu na (guna, đức), tự tại, bất diệt. Như lai tạng mà Thế Tôn dạy không phải giống như Ngã của ngoại đạo sao?
Phật dạy:
Này Đại huệ! Như lai tạng do ta nói không giống ngã ngoại đạo nói. Đại huệ! Như lai dùng các nghĩa tính không, thật tế, Niết bàn, bất sinh, vô tướng, vô nguyện v.v.. mà diễn tả Như lai tạng. Vì muốn ngu phu lìa sợ hãi đối với vô ngã mà nói pháp môn Như lai tạng, vô phân biệt, vô ảnh tượng. Các Bồ tát vị lai, hiện tại không nên do đó mà chấp ngã. Đại huệ! Thí như thợ gốm do đất sét, nhân công, nước gỗ, mà làm ra các vật dụng, Như lai cũng thế, vì để giảng dạy pháp môn viễn ly hết thảy tướng phân biệt, vô ngã, mà phải dùng trí tuệ phương tiện khéo, sử dụng các danh từ khác nhau như khi thì nói Như lai tạng, khi thì nói vô ngã v.v... Đại huệ! Ta nói Như lai tạng là để nhiếp phục ngoại đạo chấp ngã, khiến lìa tà kiến, thâm nhập 3 giải thoát, mau chứng Vô thượng Bồ đề. Vì thế Như lai tạng mà chư Phật nói không giống với Ngã của ngoại đạo. Muốn xa lìa tà kiến ngoại đạo, ông nên biết nghĩa Như lai tạng là vô ngã. Khi ấy Thế Tôn nói bài tụng:
Uẩn tương tục và người
Các duyên và vi trần
Thắng, tự tại, tác giả
Đều do tâm phân biệt.
Bồ tát Đại huệ quán chúng sinh đời vị lai mà hỏi Phật rằng:
Bạch Thế Tôn, xin vì con nói pháp tu đầy đủ để thành tựu bậc đại tu hành như các Bồ tát đại hữu tình.
Phật dạy:
Đại huệ! Bồ tát đại hữu tình đủ 4 điều kiện thì thành bậc đại tu hành, âý là:
1. Quán sát cảnh tự tâm hiện. 2. Xa lìa kiến chấp sinh, trú, diệt. 3. Biết rõ các pháp do tâm sinh vốn không có tự tính. 4. Chuyên cầu tự chứng thánh trí. Nếu các bồ tát thành tựu bốn pháp ấy thì gọi là bậc đại tu hành. Đại huệ! Sao là quán sát cảnh tự tâm hiện? Là quán 3 cõi không ngoài tâm, lìa ngã, ngã sở, không có hành động tạo tác, không đến đi, chỉ do tập khí chấp trước từ vô thỉ huân thành. Bồ tát quán sát cảnh tự tâm hiện như thế. Đại huệ! Sao gọi là lìa cái thấy sinh trú diệt? Ấy là quán sát hết thảy pháp như huyễn mộng sinh, không tự sinh, không cọng sinh, không tự tha cùng sinh, chỉ do tự tâm hiện. Thấy ngoại vật không thực có, thấy các thức không sinh, các duyên không tích tụ, thấy do phân biệt mà có ra ba cõi. Quán sát như thế, hoặc ở trong hoặc ở ngoài, các pháp đều bất khả đắc, biết rõ không có thể tính chân thật, nên xa lìa kiến chấp về sinh, chứng tính như huyễn. Khi ấy Bồ tát liền được vô sinh pháp nhẫn, an trú địa thứ 8, hiểu rõ tâm, ý, thức, 5 pháp, 3 tự tính, 2 vô ngã, chuyển thức sở y, được thân ý sinh.
Đại huệ nói:
Bạch Thế Tôn! Sao gọi là thân ý sinh?
Đại huệ! Thân ý sinh nghĩa là, như ý đi rất mau, không bị chướng ngại, gọi là thân ý sinh. Này Đại huệ! Thí như tâm ý nhớ đến các sự vật đã thấy được trước kia ở cách ngoài vô lượng trăm ngàn do tuần, niệm niệm nối tiếp không dứt liền đi đến chỗ ấy, không bị thân và sông núi đá tường ngăn ngại. Thân ý sinh cũng thế, được năng lực "như huyễn tam muội" thần thông tự tại, các tướng trang nghiêm, nhớ đến lời nguyện thành tựu chúng sinh nên liền đi nhanh như ý mà sinh vào tất cả Thánh chúng. Ấy gọi là Bồ tát được xa lìa sinh, trú, diệt. Đại huệ! Sao là quán sát các pháp bên ngoài đều không tính? Ấy là quán hết thảy pháp như ảo tượng, như chiêm bao, như mao luân. Do hí luận, chấp trước, tập khí hư vọng từ vô thỉ làm nhân. Quán sát tất cả pháp đều thế, rồi chuyên cầu Thánh trí tự chứng. Đại huệ! Ấy gọi là Bồ tát đủ 4 pháp thành bực đại tu hành. Ông nên theo đó siêng năng tu học. Đại huệ Bồ tát lại bạch:
Nguyện xin Thế Tôn vì con nói nhân duyên của hết thảy các pháp, khiến con và các Bồ tát liễu đạt nghĩa ấy, sẽ xa biên chấp hữu, vô, không vọng chấp các pháp sinh từ từ hay sinh lập tức.
Phật dạy:
Đại huệ! Hết thảy các pháp do duyên sinh khởi. Có hai thứ duyên, trong và ngoài. Ngoài là các duyên như đất sét, nước, gậy, dây, nhân công v.v.. làm thành cái bình. Như bình làm bằng đất sét, hay vải làm bằng sợi tơ, hay tấm thảm làm bằng cỏ, hay mầm sinh từ hạt giống, "gia ua" sinh từ sữa ... tất cả đều như vậy, gọi là duyên bên ngoài. Trong là vô minh, ái, nghiệp v.v.. sinh các pháp uẩn, giới, xứ ấy là duyên bên trong. Đây là do ngu phu phân biệt mà thành có. Đại huệ, nhân có 6 thứ: 1. Đương hữu, 2. Tương thuộc, 3. Tướng, 4. Năng tác. 5. Hiển liễu, 6. Quán đãi. "Đương hữu" là các pháp trong ngoài làm nhân sinh ra quả. "Tương thuộc" là các pháp trong ngoài làm duyên sinh ra quả, các chủng tử uẩn v.v.. "Tướng" là làm cho các tướng không gián đoạn, sinh ra quả tương tục. "Năng tác" là nhân tối thắng để sinh quả như chuyển luân vương. "Hiển liễu" là khi phân biệt sinh, làm cho cảnh tượng hiện rõ như đèn soi các vật. "Quán đãi" là khi hoại diệt thì tương tục cũng dứt, không còn sinh vọng tưởng. Đại huệ! Đây là do ngu phu tự phân biệt, không phải sinh từ từ cũng không phải sinh tức khắc. Tại sao, nếu như sinh tức khắc thì thành ra năng tác và sở tác không khác nhau, không thể tìm tướng "nhân" của nó. Còn nếu sinh từ từ thì tìm cái thể của nó không được, như chưa sinh con sao gọi là cha? Người lý luận cho rằng vì các nhân duyên (hetipratyaya), sở duyên duyên (àrambanapratyaya) vô gián duyên ( nirantarapratyaya), tăng thượng duyên (adhipatipratyaya) v.v.. sở sinh, năng sinh lệ thuộc lẫn nhau, nên theo thứ tự sinh dần. Lý ấy không vững, đều là vọng tình chấp trước. Đại huệ ! Dần dần hay tức khắc đều không sinh, chỉ có tâm hiện ra thân, tài sản v.v.. Ngoài tự tướng cọng tướng ra không có tính, chỉ vì các thức khởi, các kiến tự phân biệt mà thôi. Đại huệ, do đấy ông nên xa lìa các kiến chấp tiệm sinh hay đốn sinh, đối với các tướng do nhân duyên hòa hợp thành.
Khi ấy đức Thế Tôn nói bài tụng:
Hết thảy pháp không sinh
Lại cũng không có diệt
Trong các thứ duyên kia
Phân biệt tướng sinh diệt
Không ngăn các duyên hội
Diệt cùng sinh như thế
Mà phải dứt vọng tình
Của phàm ngu chấp trước
Hữu, vô của duyên sinh
Đều rốt ráo không sinh
Tập khí mê chuyển tâm
Do đó ba cõi hiện
Bản lai không vật sinh
Lại cũng không có diệt
Quán các pháp hữu vi
Đều như hoa đốm sinh
Lìa năng thủ sở thủ
Và kiến chấp sai lầm
Không năng sinh sở sinh
Lại cũng không nhân duyên
Chỉ thuận theo thế tục
Mà nói có sinh diệt.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan về Nghiệp


Phật pháp ứng dụng


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.46.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập