Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 1: Quy Y Tam Bảo
Chính tôi được nghe: một thời kia đức Thế-Tôn ở trong Trúc-lâm tinh-xá: Ca-Lan-Đa (Karanda-venùvana), thuộc Vương-Xá đại-thành.
Bấy giờ, Ngài cùng rất nhiều vị Đại-Bồ-Tát, trụ bất-thoái-chuyển (2) chứng ngôi Thập-địa (3) và đã viên-mãn mười pháp Ba-La-Mật-Đa (4). Lại có rất nhiều vị Đại-Bật-Sô, đều là bậc A-La-Hán, mọi lậu-nghiệp (5) đã hết, không còn phiền-não, việc lợi mình đã được (6), tâm thiện giải-thoát (7), tuệ thiện giải-thoát (8). Lại có vô số hữu-tình (chúng-sinh), đều phát tâm Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác.
Khi ấy, Đại-Bồ-Tát Di-Lặc (Từ-Thị) cùng ở trong pháp-hội này, liền khởi ra ý-niệm: "Những hữu-tình trong pháp-hội này, bần-cùng, cô-lộ (9), không nơi nượng-tựa, lưu-chuyển trong bể sinh-tử, chìm-đắm trong sông tham-ái, muốn đạt tới bờ Niết-Bàn, phải cần nghe pháp, mong thấy được đức Thế-Tôn, cầu Nhất-thiết-trí (10), nhưng không có năng-lực!"
Lúc đó, Bồ-Tát Di-Lặc muốn hỏi đức Thế-Tôn về nghĩa-thú sâu-xa: Hết thảy hữu-tình, làm thế nào phát Bồ-Đề-tâm, cầu Phật quyết-định, trong ba vô số kiếp, không có sự chán-nản, mệt-mỏi? Nay Phật Thế-Tôn là bậc chứng được công-đức, ý-thú khó hiểu, sâu-xa rộng lớn; văn cú sảo-diệu, viên-mãn hoàn toàn, ghi nhớ riêng-biệt nhân-quả sai biệt của hữu-tình, mong cầu chóng được đạo-quả Vô-thượng Bồ-Đề (11). Đại-Bồ-Tát Di-Lặc phát tâm như thế rồi, liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy, sửa-sang y-phục, thiện-điều sáu-căn (12), thân, khẩu, ý-nghiệp hết đều vẳng-lặng. Song, sáu căn của Bồ-Tát là nơi trăm phúc sinh ra, tám mươi tướng tốt trang-nghiêm, vi-diệu, trong ba vô số kiếp viên-mãn cứu-cánh Đại-trí-tuệ (Ma-ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa), như ánh sáng của trăm, nghìn, vạn mặt trời trang-nghiệm nơi thân mình, hết thảy hữu-tình chiêm-ngưỡng không chán, gần ngôi "Vô đẳng đẳng Phật-quả Bồ-Đề". (13)
Bồ-Tát Di-Lặc đem thân như thế, đến nơi đức Phật, năm thể (14), gieo xuống đất, lễ xuống hai bàn chân Phật. Lại đem bàn tay vô-lượng công-đức trang-nghiêm, như hoa sen mới nở, chắp tay cung-kính, bạch đức Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn! Như-Lai Thế-Tôn trong một niệm có thể biết được tâm quá-khứ, vị-lai, hiện-tại của hết thảy hữu-tình! Hoặc có hữu-tình nhân khi hỏi-han, được tâm thanh-tịnh, hoặc có hữu-tình nhân khi thụ-ký được quả Tu-Đà-Hoàn, cho đến quả A-La-Hán, quả Bích-Chi Phật, hoặc được thụ-ký đạo-quả Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác. Vì nghĩa-thú ấy, kính hỏi lên Như-Lai, cúi mong Thế-Tôn phân-biệt giải-thuyết cho! Nay đức Thế-Tôn là vị chủ, nơi quy-y của hữu-tình trong ba đời! Hoặc có hữu-tình thực-hành hạnh Đại-thừa, tâm họ nhu-hòa, kính xin đức Thế-Tôn thương-xót, nhớ nghĩ tới họ, được pháp vị Cam-Lộ, Thế-Tôn không nên thụ-dụng riêng mình, nên cho hữu-tình đồng hưởng pháp-vị ấy!" (15)
- Làm sao cho mọi hữu-tình rảo tới đường yên-ổn, chân-chính Đại-Niết-Bàn? - Những hữu-tình ấy, nên làm sự gì đối với Nhất-thiết-trí được bất-thoái-chuyển? - Làm thế nào viên-mãn được Bố-thí Ba-La-Mật cho đến Trí-tuệ Ba-La-Mật-Đa? - Lại tu-tập làm sao viên-mãn được Trí-tuệ Ba-La-Mật-Đa là mẹ đẻ của năm pháp Ba-La-Mật-Đa trước ? - Lại đại-nguyện ấy, làm sao hiển-phát được? - Và, những hữu-tình tu-tập làm sao đến bờ Niết-Bàn kia được? Kính xin đức Thế-Tôn phân-biệt giải-thuyết cho, vì muốn hết thảy hữu-tình được lợi-ích, an-lạc, khiến cho họ được sự vui-vẻ!
Bấy giờ, đức Thế-Tôn tán-thán Đại-Bồ-Tát Di-Lặc rằng: "Quý-hóa thay, quý-hóa thay! Thiện-nam-tử! Ông nay hay làm lợi-ích, an-lạc cho hết thảy hữu-tình, nên hỏi nghĩa-thú sâu-xa ấy, khuyên mọi hữu-tình tu-hành thiện-nghiệp và thường làm cho hữu-tình siêng-năng tu-tập. Ông nay nhất tâm, rộng-rãi vì mọi hữu-tình, chóng dứt hẳn dàm-khóa, phiền-não, cần cầu giáo-pháp. Ông nay vì đem tâm đại-từ-bi ấy, trong ba vô số kiếp viên-mãn sáu pháp Ba-La-Mật-Đa trong bể đại-pháp. Ông nay đã gần đạo-tràng Bồ-Đề, bờ bến Niết-Bàn, cũng như minh-tinh đã mọc, vầng hồng sắp soi; ông nay cũng thế, đương làm Phật-nhật (16). Ông nay nghe cho kỹ, nhớ, nghĩ cho khéo, ta sẽ vì ông phân-biệt đầy-đủ nghĩa-thú sâu-xa ấy!
- Như người có trí-tuệ, có thể suy-nghĩ, quán-sát rành-rẽ được ở trong đường hiểm sinh-tử, nhưng không thể có gì cực hơn là không có nơi nương-nhờ. Ví như chiếc thuyền lênh-đênh trong biển cả, không có thương-chủ, trong ấy nhiều hữu-tình, (chúng-sinh) bị các nạn trôi-giạt, đắm-đuối, sóng vỗ, nước ngược, phá-hoại, chìm mất, họ thường lo-lắng, cầu mong được sự tốt lành, được bậc vô-thượng Thuyền-Sư để nương-nhờ. Lại, những hữu-tình ở trong bể sinh-tử thường nhiều sợ-hãi, nên cầu người thế-lực để nhờ cậy, không bị giặc oán-hận xâm-hại, dù giặc oán-hận kia có sức cuồng-loạn lớn-lao, người ấy nương-tựa vào bậc Vương-giả, giặc oán-hận kia, quyết-định không thể làm cho người ấy bị tổn-hại được. Hơn nữa, giặc oán-hận kia, thấy thế-lực rồi, bỏ hẳn tâm oán-hận, thuận theo sự giáo-hóa chân-chính. Hết thảy hữu-tình cũng lại như thế, đều khởi ra ý-niệm: "Ai có thể là nơi cho ta làm chỗ quy-y, để khỏi những sự suy-vi hoạn-nạn và làm cho mình được yên vui?" Tìm tòi trong ba cõi, năm đạo này (17) những chúng như: Thiên, Long, Dược-Soa (Dạ-Soa), A-Tô-La (A-Tu-La), Ca-Rô-Ra (Ca-Lâu-La), Kiện-Đạt-Bà (Càn-Thát-Bà), Khẩn-Nại-La (Khẩn-Na-La), Ma-Hỗ-Lạc-Ca (Ma-Hầu-La-Già), Nhân và Phi-Nhân... không có ai có thể là người cho mình quy-y được?" Tại sao? - Chư Thiên... kia, tự mình còn chưa thể khỏi được dàm-khóa sinh-tử, phiền-não ràng-buộc, lưu-chuyển ba cõi, vô-lượng, vô-biên sự khổ-đau xâu-xé cùng các sự sợ-hãi, vì còn bị lưới tham-dục bủa-vây, phương chi lại có thể cho ta làm nơi quy-y được!
Hơn nữa, chư Thiên... thường mặc đồ giáp-trụ đấu-chiến, tâm thường sợ hãi người A-Tô-La kia, phương chi là đối với người cùng các thú khác. Do đó, quán-sát trong ba cõi, sáu đạo, không có ai có thể tế-bạt được cho ta cả, vì thế nên phải quy-y Phật, Pháp, Tăng. Vì, trừ Phật, Pháp, Tăng ra, không ai có thể cứu-hộ ta được. Hết thảy hữu-tình nếu cầu sự vui Niết-Bàn trong đạo Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác, nên phải quy-y Phật, Pháp, Tăng-Bảo. Bởi nhân-duyên ấy, khiến mọi hữu-tình quy-y Phật, Pháp, Tăng.
Khi ấy, Đại-Bồ-Tát Di-Lặc bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn! Thế nào gọi là Phật, Pháp, Tăng-Bảo? - Thế nào là quy-y?".
Đức Phật bảo Bồ-Tát Di-Lặc: "Nói về Phật-Bảo thời có hai bậc: một là Phật-thân, hai là Phật-đức".
Phật-thân là: Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri, Minh-Hành-Túc, Thiện-Thệ, Thế-Gian-Giải, Vô-Thượng-Sĩ, Điều-Ngự Trượng-Phu, Thiên-Nhân-Sư, Phật, Thế-Tôn (18), trong vô-lượng, vô biên, vô số kiếp thuở quá-khứ, đã không tiếc thân-mệnh, siêng tu lục-độ, vạn hạnh viên-mãn, dưới gốc Bồ-Đề, ngồi tòa Kim-cương, hàng phục ma-quân, đoạn-diệt mọi giặc kết-xử (phiền-não), được Nhất-thiết-trí, thành Đẳng-chính-giác. Những công-đức vi-diệu được đầy đủ như thế, gọi là Phật.
Phật-đức tức là đầy đủ thập (mười) lực, tứ (bốn) vô-sở-úy, thập bát (mười tám) bất-cộng-pháp (19), đại-từ, đại-bi, đại-hỷ, đại-xả, tam (ba) giải-thoát-môn (20), tam (ba) thị-đạo (21), lục (sáu) thần-thông (22), tùy tâm Tam-ma-địa (23), tứ (bốn) trí (24), nhị (hai) trí (25) trong Phật-thân; lìa tri, cảnh (26), đoạn phiền-não-chướng (27), và sở-tri-chướng (28), lìa mọi tập-khí (29), vô công dụng đạo (30), khởi như-như-hóa (31). Hoặc xa hay gần, đi, ở tự-tại, không có chướng-ngại. Trong một hạt cải, có thể thâu-nạp vô-lượng núi Diệu-Cao (Tu-Di) (32). Công-đức vô-lượng, vô biên như thế, chư Phật Như-Lai, đều đầy đủ cả. Lại từ một kiếp đến vô-lượng kiếp, thọ-mệnh tự-tại, không thể tổn-giảm. Trong cảnh thần-thông, đi lại biến-hiện, không có chướng-ngại, tùy ý tự-tại. Chư Phật Thế-Tôn, trước khi kinh-hành nơi thành-ấp, tụ-lạc (33), phóng ra những hào-quang sắc vàng vi-diệu, soi sáng chốn ấy. Mà chúng-sanh ở trong đó, gặp được hào-quang ấy, thân-bệnh, tâm-bệnh đều được khỏi hết, lửa tâm diệt rồi, thân được mát-mẻ. Người còng lưng duỗi được, người què đi được, người lòa trông thấy, người điếc nghe được, người câm nói được, người tâm loạn động, hoàn lại tâm bình-tĩnh xưa. Người bị quỷ-mị làm điên-cuồng, yêu-quái cầm bắt, đều trừ khỏi cả. Người cổi trần được áo mặc, người có tâm kiêu-mạn trở thành nhún-nhường, người lo buồn, tâm được yên-ổn, người đi trái đường, gặp được đường chân-chính, người đói khát được thức ăn uống, người bị giam-cầm được giải-thoát, người bị sợ-hãi được tâm không sợ. Gò-đống gập-ghềnh, núi khe khúc-khuỷu, hết đều bình-chính, như để bàn tay. Nhà cửa nhỏ hẹp, tự nhiên cao lớn, đường xá hẹp, xấu, hết đều phẳng rộng. Chợ-búa, xóm diềng, tự nhiên khai-khoát; những thứ uế-ác bất-tịnh, ứng thời thơm sạch; gai-góc nhọn độc, ngói, sỏi, cát, đá, đều không hiện ra. Ánh mặt trời soi tỏ nhưng không nóng, độc, hương-phong hòa khắp, không chút bụi trần. Các thứ chim: bạch-hạc, khổng-tước, anh-vũ, xá-lỵ, ca-lăng-tần-già, câu-chỉ-la, câu-na-la, cộng-mệnh... (34), tiếng nó hay, dịu, hót ra những tiếng hòa-nhã. Voi, ngựa, trâu, dê, loài thủy-ngưu, mao-ngưu, phong-ngưu, trúc-ngưu, đều kêu ra những tiếng vi-diệu chính của nó. Những nhạc-khí: không hầu, tiêu, địch, cầm, sắt, trống, còi, không đánh tự-nhiên kêu. Và, nhiều những sự thần-thông nhiệm-mầu, khéo-léo hiếm có lạ-lùng, cũng đều biến-hiện. Những sự hiếm có như thế, mỗi ngày, mỗi ngày khác nhau và tăng thêm sự thù-thắng, đều là do sức uy-thần của Như-Lai như thế. (35)
Nếu có chúng-sanh ngờ Phật Thế-Tôn (Phật-thân) và Phật công-đức (Phật-đức) là một hay là khác, thời nên nói rằng: "Phật và công-đức không phải là một và cũng không phải là khác! Ví như thắp đèn, dầu, bấc (tim) đèn, cùng ánh sáng không phải là một và cũng không phải là khác. Bỏ dầu, bấc ra, không riêng mình đèn có thể có ánh sáng được.. Nếu nói đèn sáng không cần dầu, bấc, thời cái sáng và nơi ấy, đều phải cháy nóng. Phật-thân, công-đức cũng như thế!" (36)
Thân vi-diệu ấy là Pháp-thân công-đức vô-lậu của Phật, là nơi nương-tựa bình-đẳng của tự, tha-thụ-dụng-thân (37). Song, Phật-thân ấy cũng không phải là Thể, nhưng, bỏ Thể ấy ra ngoài, cũng không có Pháp-thân nào riêng-biệt (38). Nếu thân ấy là "thể", đồng với ngoại-vật, có tướng của tứ-đại (39); nên biết rằng không phải là tướng (phi-tướng), cũng không phải là không phải tướng (phi vô-tướng). Nếu không phải là tướng (phi-tướng), thời đồng như thái-hư-không; đồng như thái-hư, tính ấy tức là "thường", không có lỗi-lầm gì vướng trong phương-tiện. Tự-tính thanh-tịnh, không nhiễm, không chước, sâu xa vô-lượng, không có sự biến-đổi, khó hiểu, khó biết, vi-diệu tịch-tĩnh, đầy đủ vô-biên-tế công-đức chân-thường, dứt mọi hí-luận. Và, chỉ Phật chứng, biết, không phải bậc khác có thể sánh kịp được, cũng không phải dùng thí-dụ mà có thể so-lường được. Bồ-Tát Di-Lặc nên biết: "Thân như thế ấy, tức là tướng Pháp-thân của chư Phật Thế-Tôn, như số cát sông hằng trong quá-khứ, vị-lai và hiện-tại". (40)
Báo-thân của Phật là vô-lượng thứ tư-lương về phúc-đức, trí-tuệ của các đức Như-Lai tu-tập trong ba vô-số kiếp, khởi ra vô biên công-đức chân thật, thường-trụ bất biến, mọi căn-tướng tốt, trí-tuệ sáng-suốt, cùng khắp pháp-giới, đều từ thiện-căn vô-lậu xuất thế sinh ra, không thể nghĩ, bàn được, vì vượt quá trí-tuệ thế-gian. Vì, hữu-tình thuần-thục, hiện ra tướng ấy, diễn pháp vô tận, lợi-lạc vô biên. Bồ-Tát Di-Lặc nên biết: "Đó tức là báo-thân viên-mãn của Như-Lai". (41)
Hóa-thân: vì những hữu-tình kia, tùy nơi ứng-hóa, nên hiện ra vô-lượng vô số những hóa-thân của Phật. Nơi chư Phật hóa-thân, hoặc trong địa-ngục hiện ra thân ấy, độ hữu-tình kia, khiến họ lìa mọi khổ-não, dẫn-dắt họ bằng chính-pháp, làm cho họ phát tâm thù-thắng, sinh lên cõi Nhân, cõi Thiên hưởng-thụ sự khoái-lạc thù-thắng, đối trong Phật-pháp, tin-tưởng sâu xa, được Phật-pháp-phận và được Thánh-đạo-quả. Hoặc sinh trong loài Ngã-quỷ, giáo-hóa hữu-tình kia, khiến họ xa-lìa được những thứ đói khát, bức-bách và giáo-hóa họ bằng chính-pháp, làm cho họ phát tâm thù-thắng, sinh lên cõi Nhân, cõi Thiên, hưởng-thụ những sự khoái-lạc, thâm-nhập Phật-Pháp, được Thánh-đạo-quả. Hoặc hóa làm bàng-sinh, ở trong cõi kia; hoặc hóa làm thân Ca-rô-la, hoặc hóa làm các thân: rồng, sư-tử, voi, ngựa, gấu, hổ, báo, sài, lang, cáo, chồn, thỏ, trăn, rắn, bò cạp, cá, cua, ba-ba, sấu, bạch-hạc, khổng-tước, phượng-hoàng, uyên-ương, anh-vũ, xá-lỵ..., khiến các hữu-tình ấy, xa lìa được sự tàn-hại lẫn nhau, cùng nhau hướng về từ-tâm, tránh được mọi sự sợ-hãi và chỉ bảo họ bằng chính-pháp làm cho họ có sự tin-tưởng sâu xa, quy-y Phật, Pháp, Tăng, được sinh lên cõi Nhân, cõi Thiên, được mọi sự khoái-lạc và được Phật-pháp-phận, chứng Thánh-đạo-quả. Hoặc khuyến-hóa hữu-tình vào trong các quốc-độ khác; hoặc làm ánh sáng mặt trời, mặt trăng không nơi nào là không soi tới. Tất cả những nơi không có Phật-pháp, kiến-lập nên chính-pháp, làm cho mọi hữu-tình quy Phật, Pháp, Tăng, cạo bỏ râu tóc, thụ giới-cấm của Phật, làm vị Bật-Sô cùng Bật-Sô-Ni, hoặc làm người Ô-ba-sách-ca (thiện-nam), Ô-ba-tư-ca (tín-nữ), xây cất phòng Tăng, hộ-trì chính-pháp; an-lập vô-lượng, vô số hữu-tình, đạt đến Nhân, Thiên Niết-bàn giải-thoát, mà được chứng quả. Hoặc sinh lên cõi Thiên, giáo-hóa những hữu-tình kia, khiến họ xa lìa ngũ-dục (42), tâm không nhiễm-chước, dẫn-dắt họ bằng chính-pháp, phát tâm Bồ-đề, quy Phật, Pháp, Tăng, thâm-nhập chính-pháp, đạt đến chỗ chứng quả Niết-bàn giải-thoát.
Hoặc sinh trong cõi người, hiện ở nơi cung vua, sinh giòng họ Thích, dùng phương-tiện khéo-léo, giáo-hóa mọi hữu-tình, đoạn-trừ phiền-não, ưu-hoạn, sinh, lão, bệnh, tử trong ba cõi, nên hiện thụ-sinh, vượt thành xuất-gia, trải cỏ Cát-tường (43), dưới gốc Bồ-đề, ngồi trong đạo-tràng, nơi tòa Kim-Cương, hàng phục ma-quân, thành Đẳng-chính-giác. Vì, hóa-độ hữu-tình, chuyển xe chính-pháp, phóng hào-quang lớn, rộng khắp hết thảy, soi sáng thế-gian, lợi mình, lợi người, đều viên-mãn cả. Hoặc hiện tịch-tĩnh, vào Đại Niết-bàn, thế là Hóa-thân Phật. Tất cả những phương-tiện khéo-léo vô-lượng, vô biên như thế, đều là thần-lực tự-tại của Như-Lai và đó tức là "thể" của tam (ba) thân (Pháp, báo, hóa-thân) không có tướng gì khác nhau vậy. (44)
Bấy giờ đức Thế-Tôn bảo Đại Bồ-Tát Di-Lặc rằng: "Thiện-nam-tử! Ý ông nghĩ thế nào? - Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân quy-y Phật, thời nên quy-y Pháp-thân thanh-tịnh của chư Phật. Nếu muốn cầu Pháp-thân của Phật, nên phát thệ-nguyện lớn như thế này: "Nguyện: con và hết thảy hữu-tình kia sẽ được công-đức Pháp-thân như thế!" - Tại sao lại khiến họ phát-nguyện như thế? - Vì, Ứng-thân (báo-thân) Phật biến-đổi từng sát-na, Hóa-thân Phật chóng nhập Niết-Bàn, còn Pháp-thân công-đức thời yên lặng thường-trụ, bởi vậy nên quy-y Pháp-thân thanh-tịnh. Quy-y Pháp-thân, tức là quy-y chư Phật trong quá-khứ, vị-lai, hiện-tại. Nếu ta bỏ chúng-sanh, chứng Niết-Bàn, tức là đồng chịu những khổ não trong địa-ngục; nếu cùng hữu-tình đồng giải-thoát, tuy ở trong địa-ngục, nhưng không khác như ở Niết-Bàn. Vì nhân-duyên ấy, khiến mọi chúng-sanh quy Pháp-thân Phật, chứng cảnh vui Niết-Bàn, cứu-cánh thể như-như (Pháp-tính), không thêm, không bớt. Pháp-thân như thế, là chân-an-lạc, cho nên chỉ khiến chúng-sanh quy Pháp-thân Phật. (45)
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Thế nào gọi là thanh-tịnh Pháp-bảo? - Nói về Pháp-bảo cũng có ba bậc. Ba bậc ấy là gì? - Đệ nhất Pháp-bảo là: Niết-Bàn, Cam-lộ giải-thoát, thường, lạc, ngã, tịnh, (46) là "thể-tính", có thể làm diệt tất cả sinh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não.
Thế nào là Sinh-khổ? - Là, nhờ khi phụ-mẫu giao-hợp, chủng-tử bất-tịnh ở trong thai mẹ, được sức của gió nghiệp bảo-trì, trải qua thời-gian chín tháng, ở trong sinh, thục-tạng (thai-tạng) tối-tăm, không có ánh sáng, ô-uế bất tịnh, là nơi hòa-tạp của tám vạn hộ-trùng; thở hơi ra, hít hơi vào đều theo sự vận-hành của mẹ; miệng không nói được, mắt không trông được, đói, khát, lạnh, nóng, tất cả mọi khổ bức thiết thân tâm. Những khổ như thế, vô-lượng, vô biên, làm cho mọi chúng-sanh không được tự-tại, nên gọi là "sinh-khổ". Tuy chịu những khổ ấy, mà có được một công-đức, hết thảy oán gia (những kẻ định hại) không thể thấy mình được, cũng không nói gì về lỗi ác phải, trái. Trong pháp an-lạc Vô-tỷ Niết-Bàn (47), không có những nỗi khổ như thế!
Thế nào là Lão-khổ? - Là, chúng-sanh từ trẻ đến già, thời-tiết thay đổi, cái gì đầy-đủ cũng đều tổn giảm, cân-lực suy-yếu, đi, ở run rẩy, tóc bạc, mặt nhăn, mắt, tai mờ, điếc, răng, nanh thưa, gẫy, nét mặt xấu-xa, thân hình gù-khọm, người người chê, ghét. Có lời dạy bảo, nói lại quên ngay, cho cái thân này là cả gánh nặng. Ví như đèn thắp, dầu đã hết rồi, không lâu sẽ tắt. Già cũng như thế, dầu mỡ (sự sung sức) của tuổi trai tráng đã hết, không lâu sẽ chết. Lại như đem mặt nạ che úp vào đầu mặt người, họp mọi người lại, ai trông thấy thế, liền sinh đùa cợt. Cái mặt nạ già này cũng lại như thế. Từ một thành-ấp đến một thành-ấp, hết thảy chúng-sanh bị cái mặt nạ suy-già, làm cho ai thấy cũng đều đùa cợt. Vì nhân-duyên ấy, già là khổ lớn, trừ phi chết đến, chứ không có thuốc gì chữa được. Tuy chịu khổ não về cái già như thế, mà vẫn không muốn chán bỏ nó, còn cầu-đảo Thần-kỳ, hằng mong trường thọ. Trong pháp an-lạc Vô-tỷ Niết-Bàn, không có lão-khổ ấy.
Thế nào là Bệnh-khổ? - Là, đất, nước, gió, lửa ngang trái, tàn hại lẫn nhau, tất cả mọi khổ họp lại thân này. Hết thảy chúng-sanh, không kể già, trẻ, đều cùng có nó. Khi mang bệnh, những thứ ngũ dục an vui thắng diệu hợp với thân thể cùng vàng, bạc, trân-bảo, gia-tộc quyến-thuộc, đều xả lìa cả. Có dạy bảo gì, nam, nữ, thân thích đều không thừa-thuận, hết thảy oán-gia lại thân cận, giúp-đỡ bằng cách giả-dối. Bệnh khổ như thế, không mong cầu chi cả. Vì thế nên biết bệnh là khổ lớn. Trong pháp an lạc Vô-tỷ Niết-Bàn, thanh-tịnh, vắng lặng không có bệnh khổ ấy.
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Thế nào là Tử-khổ? - Là, chúng-sanh khí (hơi thở) tắt, thức diệt, không hiểu biết gì. Trong hết thảy khổ, không gì bằng sự khổ khi chết. Sinh, lão, bịnh-khổ, trong năm cõi, có cõi có, có cõi không, không định, nhưng tử-khổ này, các cõi đều có. Ví như khổ của sự nghèo thiếu, cướp mất sự vinh-hoa, như khổ về sự oán ghét cướp mất sự thân ái, nhưng, khổ của sự chết nếu đến, thời không kén gì già, trẻ, ngu, trí, sang, hèn, tất cả đều cướp hết. Bỏ thân này rồi, vào nơi tối-tăm, áo mặc, đồ nằm, hết thảy của báu, không dùng gì được. Ra đi trần truồng, lại không bầu bạn, dù đem của cải chuộc lại cũng không khỏi và đem kiện-cáo cũng không có nơi nào xử. Hỡi ơi, vô thường! Thường gây tai hại ấy, rất là bỉ ác, không kén gì kẻ oán, người thân. Chúng-sanh trong ba cõi này, không ai tránh khỏi được, đều bị cái chết chặn đứt, ai có thể cứu được? - Dù là sức của Chuyển-luân-vương, Phạm-vương, cũng đều bị cầm bắt. Nên biết khổ của sự chết vô-lượng, vô biên. Vì thế quán-sát, thấy chết là khổ lớn. Trong pháp giải-thoát vô-tỷ Niết-Bàn vắng lặng, yên vui, không có tử-khổ ấy.
Ví như có người bị nước sông chảy mạnh cuốn trôi, chìm đắm, bám lên được núi cao, khỏi được sự sợ hãi. Chúng-sanh cũng vậy, thường bị hết thảy nguồn sông chảy mạnh của sinh-tử cuốn trôi, chìm-đắm, lên được núi Niết-Bàn, tránh được sợ hãi sinh-tử. Cũng như trời mưa, trừ được những chướng-ngại độc-nhiệt, trần-uế..., nhân-dân an lạc, thân tâm mát mẻ, trăm cây tươi đẹp, thành-tựu quả trái; mưa pháp của Như-Lai cũng lại như thế: trừ được hết thảy phiền-não độc-nhiệt, chúng-sanh yên vui, giải-thoát, mát mẻ, thêm lớn hết thảy giống lành trong trắng, thanh-tịnh (bạch-tịnh thiện-chủng), (48) thành-tựu quả thực, chứng được Niết-Bàn. Bởi nhân-duyên ấy, chư Phật Thế-Tôn xả thân vô-thường, chứng cảnh vui Niết-Bàn.
Bấy giờ đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy, Ngài liền nói bài kệ rằng:
Diệu-thể Như-Lai tức Pháp-thân,
Thanh-tịnh, giải-thoát cùng chân-đế; (49)
Mặt trời, ánh sáng không rời nhau,
Công-đức Như-Lai là Niết-Bàn.
Chân-ngã cùng Phật không sai khác,
Là nơi quy-thú của hữu-tình;
Sinh-tử, Niết-Bàn: một không hai,
Tính ấy không hoại, không tạo-tác.
Tính như-như: nhơ, sạch không khác,
Duy Phật Thế-Tôn riêng biết được.
Chúng-sinh đều có Như-Lai-Tạng, (50)
Tam-bảo do đó hiện thế-gian.
Hết thảy hữu-tình nhập Phật-trí,
Vì, tính thanh-tịnh không sai-biệt.
Phật và chúng-sinh tính như nhau,
Phàm-phu thấy khác,Thánh không khác.
Hết thảy chúng-sinh vốn thanh-tịnh,
Ba đời Như-Lai cùng nói vậy.
Tính ấy nhơ, sạch vẫn không hai,
Chúng-sinh và Phật không sai khác.
Hư-không, mười phương không phân-biệt,
Tâm-tính bình-đẳng cũng như thế.
Ví như hết thảy chúng-sinh giới,
Khắp trong hư-không, chịu sinh-diệt;
Mọi căn sinh-diệt cũng như thế,
Ở trong vô-vi-giới cũng vậy.
Ví như hư-không lửa không cháy,
Sinh-tử không hoại tính vô-vi.
Địa, thủy, phong-luân nương nhau chuyển,
Hư-không không có tướng gì y. (51)
Uẩn, xứ, giới (52) ba phần cùng thế,
Thường trụ nghiệp-chủng, phiền-não-tính;
Nghiệp, phiền-não kia ở nơi nào?
- Thường nương vọng-tưởng, gốc vô-minh.
- Tâm vọng-tưởng kia ở chốn nào?
- Ở nơi vô-vi, tâm-tính tịnh.
Uẩn, xứ, giới kia, bày-đặt giả,
Hết thảy Pháp-tính vốn vô-trụ;
Nghiệp-hoặc giữ nhau như đất, nước,
Vọng-tưởng chuyển-động coi như gió,
Tâm-tính vốn tịnh như hư-không,
Vọng-tưởng nương không, không có chỗ.
Phiền-não, nghiệp, khổ, từ vọng khởi,
Nghiệp, khổ lại làm phiền-não-nhân.
Hoặc, nghiệp tuần-hoàn không nhất định,
Không nhân, không duyên không tụ-hội;
Không sinh, không diệt tính không-tịch,
Bản-thể sáng-suốt, trí thanh-tịnh. (53)
Tự-tính không sinh, không biến-đổi,
Vì, phiền-não, vô-minh che-lấp;
Mắt mờ trông thấy hai mặt trăng,
Chúng-sinh chấp-ngã, pháp cũng vậy.
Phiền-não như những con ong mật,
Mật nó tức dụ Như-Lai-tạng;
Mật ấy mọi ong đều vây-bọc,
Trí-giả hộ mình, thường lấy mật.
Vô-tướng lục Độ làm phương-tiện,
Thế mà chứng được Pháp-thân kia. (54)
Ví như vỏ lúa chưa bỏ sạch,
Không thể đãi người bữa cơm ngon;
Vỏ phiền-não, Bồ-Tát chưa trừ,
Không thể cho người cơm Cam-lộ.
Hành-nhân rơi ngọc trong chốn nhơ,
Dù trải muôn năm không khỏi bẩn;
Người Thiên-nhãn thấy chỗ ngọc rơi,
Nhặt về bao, rửa tùy ý dụng.
Phật thấy chúng-sinh tính chẳng hai,
Vì muốn gột bỏ nhơ phiền-não;
Đại-thừa cam-lộ là nước rửa,
Rửa sạch trần-lao, Phật-tính hiện.
Ví như mầm lúa vừa mới sinh,
Cho gạo: có, không chưa quyết-định;
Phật-tính không lìa trong "có, không",
Duy Phật tự-chứng mới hiểu rõ. (55)
Tự-tính Pháp-Bảo thường thanh-tịnh,
Chư Phật Thế-Tôn đều nói thế;
Khách-trần phiền-não che-lấp mất,
Như mặt trời sáng bị mây che.
Vô-cấu Pháp-Bảo mọi đức đủ,
Thường, lạc, ngã, tịnh đều viên-mãn.
Pháp-tính thanh-tịnh làm sao tìm?
- Vô-phân-biệt-trí là chứng được.
Như nước ao sạch không nhơ-bẩn,
Trong ấy hoa sen không nhiễm-chước;
Như nguyệt-thực rồi, sáng lại lên,
Như mặt trời mọc trong mây kín.
Vô-cấu công-đức trang-nghiêm khắp,
Gột sạch phiền-não, ánh sáng hiện. (56)
Đức Phật bảo: Bồ-Tát Di-Lặc! Ông nên biết đệ nhất Pháp-Bảo tức là Đại-Bát-Nhã, giải-thoát, pháp-thân. (57)
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Ông nên biết đệ-nhị Pháp-Bảo, tức là Giới, Định, Tuệ, những công-đức vi-diệu như ba mươi bảy Bồ-Đề phận-pháp: tứ (4) niệm-trụ (niệm xứ), tứ (4) chính-đoạn (chính cần), tứ (4) thần-túc (như-ý-túc), ngũ (5) căn, ngũ (5) lực, thất (7) giác-phận (giác-chi), bát (8) Thánh-đạo (chính-đạo). Đó là ba mươi bảy pháp (58) cùng với thanh-tịnh Pháp-Bảo trước, làm phương-tiện. Thế nào là phương-tiện? -Vì, tu pháp ấy mà chứng được thanh-tịnh Pháp-thân kia. Nên biết đó tức là đệ nhị Pháp-Bảo.
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Thế nào là đệ tam Pháp-Bảo? - Là những chính-pháp của chư Phật Thế-Tôn trong vô-lượng đời quá-khứ như số cát sông Hằng nói ra và ta nay cũng đương nói như thế. Như là tám vạn bốn nghìn những diệu-pháp-uẩn, (59) điều-phục chúng-sinh hữu duyên thuần-thục, khiến ông A-Nan-Đà (Ananda) cùng các đại-đệ-tử.., nghe một lượt vào tai, hết đều ghi nhớ, duy-trì và có thể nhiếp-thâu làm năm phận-tạng: một là, Kinh-tạng, hai là, Luật-tạng, ba là, Luận-tạng, bốn là, Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa-tạng, năm là, Đà-la-ni môn-tạng. Năm phận-tạng ấy, giáo-hóa hữu-tình, tùy nơi nên độ, sẽ nói cho họ hiểu.
Nếu hữu-tình kia thích ở núi rừng, thường ở nơi nhàn-tịch, tu về tĩnh-lự (thiền-định), nên vì họ nói về Kinh-tạng. Nếu hữu-tình kia ưa tập uy-nghi, hộ-trì chính-pháp, hòa-hợp trong một vị giải-thoát, khiến Phật-pháp được cửu-trụ, nên vì họ nói về Luật-tạng. Nếu hữu-tình kia ưa nói chính-pháp, phân-biệt tính, tướng, lần-lượt nghiên-cứu đến chỗ cứu-cánh sâu-xa, nên vì họ nói về Luận-tạng. Nếu hữu-tình kia ưa tập trí-tuệ chân-thật của Đại-thừa, tránh khỏi ngã-chấp, pháp-chấp phân-biệt, nên vì họ nói về Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa-Tạng. Nếu hữu-tình kia không thể thụ-trì được Khế-kinh, điều-phục, (luật) đối pháp (luận), Bát-Nhã, hoặc có hữu-tình tạo mọi nghiệp ác, những tội trọng (60) như: tứ (4) trọng, bát (8) trọng, ngũ (5) Vô-gián-tội, báng Phương-đẳng-kinh, bất-tín v.v.. khiến được tiêu-diệt, giải-thoát nhanh-chóng đến đốn-ngộ Niết-Bàn, nên vì họ nói về Đà-la-ni-tạng.
Năm Pháp-tạng ấy, ví như nhũ, lạc, sinh-tô, thục-tô và đề-hồ vi-diệu. Khế-kinh như nhũ; Điều-phục (Luật) như lạc, Đối-pháp-giáo (Luận) như sinh-tô kia, Đại-thừa Bát-Nhã cũng như thục-tô và Tổng-trì-môn (Đà-La-Ni) ví như đề-hồ. Đề-hồ là vị vi-diệu đệ nhất trong các vị: nhũ, lạc, sinh-tô, thục-tô; nó trừ được các bệnh, làm cho thân-tâm các hữu-tình được yên-vui. Tổng-trì-môn (Đà-La-Ni) là tối cao đệ nhất trong các Tạng: khế-kinh v.v.., vì, trừ được trọng-tội, làm cho mọi chúng-sinh giải thoát sinh-tử, chóng chứng được Niết-Bàn, an-lạc, Pháp-thân. (61)
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Sau khi ta diệt-độ, ông A-Nan-Đà (Ananda) thụ-trì và nói ra Kinh-tạng, ông Ưu-Ba-Ly (Upàli) thụ-trì và nói ra Luật-tạng, ông Ca-Đa-Diễn-Na (Ca-chiên-diên: Kàtyàyani) thụ-trì và nói ra Luận-tạng, Bồ-Tát Mạn-Thù-Thất-Lỵ (Manjusrit) thụ-trì và nói ra Đại-thừa Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa-tạng. Bồ-Tát Kim-cương-Thủ (Vjrasattva) thụ-trì và nói ra các Tổng-trì-môn (Đà-La-Ni-tạng) sâu-xa, vi-diệu.
Giáo-môn như thế, trừ được phiền-não sinh-tử lâu đời tối-tăm của hữu-tình, chóng thoát khỏi và chứng được quả giải-thoát. Ví như đèn sáng trừ sạch tối-tăm, trông thấy được đường. Phật cũng như thế đốt đuốc trí-tuệ, soi tỏ mười nơi tối-tăm bất thiện (tức mười điều ác), khiến trông thấy được đường thiện. Ví dù, hữu-tình kia sẻn lận của báu, nghe pháp này rồi, nên làm việc huệ-thí cho hết thảy những người bần cùng. Nếu có chúng-sinh ác-nghiệp, nghe pháp này rồi, bỏ ác, tu thiện; nếu người giận-dữ nghe pháp này rồi, liền nhẫn-nhục được. Hữu-tình lười-biếng, nghe pháp này rồi, tinh-tiến. Chúng-sinh tán-loạn, nghe pháp này rồi, tâm tịch-tĩnh lại. Hữu-tình ngu-si, nghe pháp này rồi, liền phát trí-tuệ, được trí-tuệ rồi đều hồi tâm tu các việc thiện. Lại, các hữu-tình nghe pháp này rồi, đóng cửa ác-thú, mở đường Niết-bàn, hưởng vị cam lộ, chứng quả giải-thoát. Nên biết đó là đệ tam Pháp-Bảo.
Trong hết thảy pháp, tối tôn, tối thắng, không pháp nào hơn pháp Vô-vi. Tại sao? - Vì, pháp ấy là thuyền-bè trong bể khổ sinh-tử lớn-lao, là cam-lộ lương-dược của hữu-tình. Hơn nữa, là quả chứng được trong ba vô số kiếp tu lục-độ, vạn hạnh của Hằng-sa chư Phật, Bồ-Tát. Công-đức diệu-pháp viên-mãn như thế, nên quy-y Vô-vi Pháp-Bảo. Nếu có chúng-sinh thụ-trì kinh, nên phát-nguyện này: "Con nguyện quy-y Pháp-Bảo như thế. quy-y Pháp-Bảo ấy rồi, nguyện cho hết thảy chúng-sinh trong sáu đạo, cũng phát-nguyện ấy. Con nay quy-y, cũng khiến cho hữu-tình an-trụ trong công-đức-pháp ấy, đưa đến Niết-bàn chân-thật bảo-sở."
Bồ-Tát Di-Lặc! Ông nên biết đó tức là đệ tam Pháp-Bảo!
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Thế nào gọi là chân-thật Tăng-Bảo?
Tăng-Bảo cũng có ba bậc:
- Đệ-nhất nghĩa-Tăng: Nghĩa là, chư Phật, Thánh-Tăng, an-trụ như-pháp, không thể trông thấy, không thể nắm giữ, không thể phá-hoại, không thể thiêu-hại, không thể nghĩ, bàn và là ruộng phúc tốt-lành cho hết thảy chúng-sinh. Tuy là ruộng phúc, nhưng, không có chỗ lĩnh-thụ, chấp-thủ, các công-đức-pháp thường không biến-đổi. Như thế gọi là Đệ-nhất nghĩa-Tăng.
- Đệ-nhị Thánh-Tăng: Là Tu-Đà-Hoàn hướng, Tu-Đà-Hoàn quả; Tư-Đà-Hàm hướng, Tư-Đà-Hàm quả, A-Na-Hàm hướng, A-Na-Hàm quả, A-La-Hán hướng, A-La-Hán quả; Bích-Chi-Phật hướng, Bích-Chi-Phật quả, Bát Đại-Nhân giác, Tam Hiền, Thập Thánh. Như thế gọi là Đệ-nhị Tăng-Bảo.
- Đệ-tam Phúc-Điền-Tăng: Là các vị Bật-Sô, Bật-Sô-Ni v.v..., thụ-trì giới cấm, trí-tuệ, nghe nhiều, như cây Thiên-ý (63), thường che-rợp chúng-sinh. Lại như đi trong đồng rộng cát-sỏi, khát nước, gặp trời mưa nước mưa ngọt ào ào đổ xuống, tức thời đầy-đủ. Lại như bể lớn, hết thảy của báu đều xuất ở trong ấy ra. Phúc-điền Tăng-Bảo cũng như thế, thường đem lại cho hữu-tình sự an-ổn khoái-lạc. Lại, Tăng-Bảo ấy thanh-tịnh không nhiễm, thường diệt tham, sân, si-ám của chúng-sinh. Như trăng tròn sáng đêm rằm, hết thảy hữu-tình không ai là không chiêm-ngưỡng. Cũng như Ma-ni bảo-châu, thường làm đầy-đủ hết thảy thiện-nguyện của hữu-tình. Như thế gọi là Đệ-tam Tăng-Bảo.
Ba bậc Tăng-Bảo ấy, hết thảy hữu-tình nên quy-y thế nào? Cần nói: " Nên khiến chúng-sinh quy-y Đệ-nhất nghĩa-đế vô-vi Tăng-Bảo. Tại sao? - Vì, là vô-vi thường-trụ-Tăng. Tăng-Bảo ấy tự chứng được pháp vô-lậu, vô-vi, không đổi, không khác. Quy-y vô-lậu Tăng-Bảo như thế, diệt được hết thảy khổ cho hữu-tình. Lại nguyện cho hữu-tình sẽ được công-đức vô-lậu như thế. Được pháp ấy rồi, diễn pháp Tam-thừa, độ-thoát hữu-tình. Con quy-y Phật, Pháp, Tăng-Bảo, không vì sợ-hãi nỗi khổ trong ba đường ác, cũng không mong muốn sinh lên cõi Nhân, Thiên, chỉ thề cứu hữu-tình, khỏi khổ sinh-tử". Thế gọi là quy-y Tăng-Bảo.
Lại nữa, Bồ-Tát Di-Lặc! Nếu có chúng-sinh quy-y Tam-bảo, nên phát tâm này: "Con nay, thân này đã sinh trong cõi người, được khỏi tám nạn (64), việc khó được, vẫn được, dùng thiện-phương-tiện tu-tập hết thảy pháp thù-thắng, vi-diệu. Nếu con trái với nguyện cao-thượng như thế, không cầu thiện-pháp, thời là con tự dối mình, cũng như người chèo thuyền vào bể, đến nơi của báu, trở về tay không."
Quy-y Phật, Tăng-Bảo như thế là phương-tiện thoát khổ, nếu không quy-y sau hối-hận sao kịp!
Đã biết thế rồi, cần nên cố-gắng, tinh-cần tu-tập, nguyện chóng thành-tựu. Thiện-pháp đã thành, tội-lỗi quá-khứ cần nên sám-hối, khiến trừ-diệt hết. Lại nói lời này: "Con từ vô-thỉ sinh-tử tới nay, thân, khẩu, ý-nghiệp, làm mội tội-lỗi đến vô-lượng, vô biên, đều từ tâm hư-vọng, điên-đảo phát-khởi. Đối với cha mẹ, Hòa-Thượng, Sư-Trưởng và cảnh tôn-trọng của Phật, Pháp, Tăng-Bảo, đã tạo-tác mọi tội, nay đều sám-hối. Lại vì hai sự mà tạo tác ra mọi tội ác-nghiệp cực-trọng như núi Diệu-Cao. Hai tội ấy là gì? - Một là, thân-ái, hai là, hiềm-oán. Nếu, trong sinh-tử cấp-nạn, hai loại hữu-tình oán, thân kia, đối với thân con không được lợi-ích gì con sẽ khởi sự quán-sát rộng khắp như vầy: "Hữu-tình kia với thân con, đều hướng về chỗ tan-diệt, con làm gì gây ra tội!" (65) Lại, đối với hết thảy hữu-tình trong mười phương thế-giới làm được mọi thiện-nghiệp, cùng bậc Hữu-học, Vô-học, Độc-Giác, Thanh-Văn, Phật và đệ-tử Phật, hết thảy Hiền-Thánh, con đều tùy-hỷ (66). Hơn nữa, đối với thuở vô-thỉ, sinh-tử luân-chuyển, chịu làm thân-hình trong năm thú, vô-lượng kẻ oán người thân đối với con chưa từng được chút việc lợi-ích nào, hiện-tại, vị-lai cũng không được chút gì, nhưng con trong thuở vô-thỉ vì những kẻ oán, người thân kia, tạo-tác mọi tội, con nguyện tự chịu, thề không làm nhiễu-động đến hết thảy chúng-sinh khác (67). Như khi con bị trọng-hoạn, cầu người thân-ái, có lòng từ trông-nom, nâng-đỡ thân con, xoa-kỳ tắm-rửa, cung-cấp ăn uống, ốm-đau giúp-đỡ mọi thứ thuốc-thang, của-cải, tuy việc như thế rất là quý-hóa, nhưng đối với bệnh-khổ trong thân con, không sao thay cho được, huống chi trong đời mai sau có thể cứu khổ sinh-tử lớn-lao cho con được. Mà thân của con đây trong hiện-thế không nương, không nhờ được gì, phương chi là đời mai sau! Thân con đã thế, thân hữu-tình cũng thế. Tự con và người đều không nương-nhờ được, thế nên cần quy-y ngôi Tam-bảo chân-thật. Tại sao? - Vì, ngôi ấy là thường-trụ. Ví như người có trí-tuệ, trong khi hiểm-nạn, cầu người có thế-lực, cứu-hộ mình. Chúng-sinh cũng thế, trong hiểm-nạn sinh-tử, quy-y Tam-bảo, để làm chủ cho mình, mới có thể vượt qua được bể lớn sinh-tử. Con nếu được rồi, cũng lại làm chủ, che-chở, cứu-hộ cho hết thảy chúng-sinh bị khổ-nạn". (68)
Người phát được thệ nguyện lớn như thế, được đại-tín-tâm, đối trước Phật, quỳ thẳng chắp tay, hở vai bên hữu, xướng lời: "Quy-y Phật, Pháp, Tăng-Bảo". Ví như người bần-tiện trong thế-gian, hết thảy hữu-tình trông thấy đều khinh-miệt, sai-khiến, xua-đuổi, mắng-nhiếc, hủy-nhục. Thân người ấy đã bị khinh rẻ, liền cầu đến người tôn-quý có thế-lực, để làm chủ cho mình, liền tránh khỏi được mọi thứ khi-nhục. Hữu-tình cũng vậy, hoặc sinh trong ác-thú cùng trong cõi người, thường bị mọi khổ bức-bách thân mình, vì mong tránh khỏi, nên quy-y Tam-bảo, thời những khổ như thế đều được giải-thoát. Quy-y Tam-bảo rồi, lại xin phát-nguyện: "Con nguyện cứu-hộ hết thảy chúng-sinh, qua bể sinh-tử, đến bờ Niết-bàn." Như đại-thương-chủ, dìu-dắt mọi thương-nhân, qua đường hiểm cát-sỏi nơi đồng rộng, đến chốn không sợ-hãi. Tam-bảo Đạo-sư cũng như thế, dắt-dẫn hữu-tình, qua nơi đồng rộng sinh-tử lâu đời, đến Đại-Niết-bàn được Vô-sở-úy (không sợ-hãi). (69)
Bồ-Tát Di-Lặc! Ông nên biết người phát-tâm tu-hành hạnh Đại-thừa nên khởi niệm quy-y Tam-Bảo như thế! Chú Thích:
(1) Kinh Đại-thừa lý-thú lục Ba-La-Mật-Đa này là cuốn kinh số 261 trong Đại-Tạng-kinh. Kinh này có 10 phẩm, chia thành 10 quyển. Phẩm Quy-y Tam-bảo này là phẩm thứ nhất. Kinh này thuộc về Đại-thừa và nói về ý-thú chân-lý cứu-cánh (chân-như-lý) của hết thảy pháp, tức là nói về "thực-tướng" của sự-vật, nên gọi là "lý-thú". Lý-thú ấy y nơi Bát-Nhã (trí-tuệ) Ba-La-Mật-Đa (Prajnàpàramità) thành năm hạnh Ba-La-Mật-Đa khác là: Đàn-Na (Bố-thí) Ba-La-Mật-Đa (Dànapàramità), Thi-La (Trì-giới) Ba-La-Mật-Đa (Silapàramità), Sàn-Đề (Nhẫn-nhục) Ba-La-Mật-Đa (Ksantipàramità), Tì-Lê-Da (Tinh-tiến) Ba-La-Mật-Đa (Viryapàramità), Thiền-Na (Thiền-định) Ba-La-Mật-Đa (Dhyànapàramità). Như thế gọi là lục Ba-La-Mật-Đa hay gọi là "lục độ" tức là gồm có 6 pháp: Bố-thí, Trì-giới, Nhẫn-nhục, Tinh-tiến, Thiền-định và Trí-tuệ. Ba-La-Mật-Đa (Pàramità) dịch nghĩa là "Cứu-Cánh" (đạt tới chỗ cùng-tột trong sự tự làm, dạy người của vị Bồ-Tát); "Đáo Bỉ-Ngạn" (thực-hành đại-nguyện vượt qua bể sinh-tử, đến bờ Niết-bàn); "Độ-Vô-Cực" (hạnh nguyện Bồ-Tát vượt qua sự xa-rộng của mọi pháp) và dịch tắt là "Độ" có nghĩa là "độ-thoát".
Quy-y Tam-Bảo: Quy-y có nghĩa là quay về, nương-tựa. Nhận thấy nhân-thân, thế-giới: vô thường, khổ, vô ngã, bất-tịnh; bản-lai chân-tính như-như, vì mê-lầm, vọng-tưởng phải lưu-chuyển sinh-tử nên quay về và nương-tựa vào chân-tính thường-trụ. Phật (Buddha), Pháp (Dharma), Tăng (Sangha) Tam-Bảo, để giác-ngộ, diệt khổ, được vui vĩnh-viễn trong Niết-bàn giải-thoát, là quy-y Tam-Bảo. Tam-Bảo có nơi phân làm 4 bậc hay 6 bậc, nhưng, tổng-quy lại có thể thành ba bậc như sau:
1/ Đồng-Thể Tam-Bảo: a) Phật-Bảo: Phật và chúng-sinh đồng một lý-thể giác chiếu (giác-ngộ, sáng-suốt). b) Pháp-Bảo: Phật và chúng-sinh đồng một Pháp-tính viên-mãn, thường-trụ, bình-đẳng. c) Tăng-Bảo: Phật và chúng-sinh đồng một thể-tính hòa hợp, thanh-tịnh.
2/ Biệt-Thể Tam-Bảo: (hay gọi là xuất-thế Tam-Bảo): a) Phật-Bảo: Pháp-thân, báo-thân, hóa-thân của Phật, như đức Thích-Ca, đức A-Di-Đà v.v... b) Pháp-Bảo: Chính-pháp của Phật như Tam-học, Tứ-Đế, lục-độ, 37 phẩm trợ-đạo v.v... c) Tăng-Bảo: Các vị Thánh-Tăng, Bồ-Tát-Tăng như Tứ-quả, Tứ-hướng, Duyên-giác, Tam-Hiền, Thập-Thánh.
3/ Trụ-Trì Tam-Bảo: a) Phật-Bảo: Tranh-tượng Phật. b) Pháp-Bảo: Ngũ-tạng Thánh-giáo: Kinh, Luật, Luận, Bát-Nhã, Đà-la-ni-tạng. c) Tăng-Bảo: Các vị Tăng-sĩ.
(2) Bất-Thoái-Chuyển: Tiếng Phạm gọi là A-Bệ-Bạt-Chí (Avaivarti): Nghĩa là công-đức, thiện-căn tu được càng tăng, càng tiến, không bị thoái-thất, chuyển-biến. Bất-thoái-chuyển có nhiều thứ: Trong Thập-tín, tín thứ 6 là "Tín Bất Thoái"; trong Thập-trụ, sơ-phát tâm là "Phát-Tâm Bất-Thoái"; đến Trụ thứ 7 là "Hành-Bất-Thoái"; trong Thập-địa, sơ-địa là "Chứng-Bất-Thoái", đến đệ bát địa (địa thứ 8) vô công dụng đạo là "Niệm Bất-Thoái".
(3) Thập-Địa: 1/ Hoan-hỷ-địa. 2/ Ly-khổ-địa. 3/ Phát-quang-địa. 4/ Diệm-tuệ-địa. 5/ Nan-thắng-địa. 6/ Hiện-tiền-địa. 7/ Viễn-hành-địa. 8/ Bất-động-địa. 9/ Thiện-tuệ-địa. 10/ Pháp-văn-địa. "Địa" có nghĩa là tóm-thâu các công-đức hữu-vi và vô-vi dùng làm tự-tính cùng làm chỗ nương-tựa chắc-chắn hơn cả cho sự tu-hành, khiến hay sinh-trưởng.
(4) Mười Pháp Ba-La-Mật-Đa: 6 Ba-La-Mật-Đa kể trên và 7/ Phương-Tiện Thiện-Xảo Ba-La-Mật-Đa (Upàyapàramità). 8/ Nguyện-Ba-La-Mật-Đa (Pranidanapàramità). 9/ Lực Ba-La-Mật-Đa (Balapàramità). 10/ Trí Ba-La-Mật-Đa (Jnànapàramità).
(5) Mọi Lậu-Nghiệp: Tức là dục-lậu, hữu-lậu, vô-minh lậu. Lậu là phiền-não. Hành-động mê-lầm làm dò-rĩ, tan-mất chính-đạo, lọt mất công-đức lành và bị lậu-lạc trong sinh-tử, nên gọi là "lậu-nghiệp".
(6) Việc lợi mình đã được: Nghĩa là tự nơi bậc A-La-Hán đã liễu-giải được sinh-tử.
(7) Tâm thiện giải-thoát: Bậc La-Hán chứng Vô-sinh, tâm-định đạt tới chỗ thành-tựu.
(8) Tuệ thiện giải-thoát: Bậc La-Hán đoạn-tuyệt phiền-não thành Tận-Trí, Vô-Sinh-Trí.
(9) Bần cùng, cô-lộ: Đây nói chúng-sinh chưa đầy-đủ công-đức pháp-tài của chư Thánh và chưa chứng được Pháp-thân, chưa thực là Phật-tử, còn bị lưu-chuyển trong sinh-tử.
(10) Nhất-Thiết-Trí: Tức là Phật-trí có nghĩa là biết suốt hết thảy pháp.
(11) Trên đây Bồ-Tát Di-Lặc quán sát đại-chúng, sinh tâm thương-xót, muốn hướng lên Phật, mong cầu giác-ngộ. Phật là bậc giác-ngộ, kết-tinh những công-đức tối thắng, đầy những ý-thú sâu-xa rộng lớn khó hiểu, chỉ Phật với Phật mới liễu-tri được. Do đó giáo-pháp (văn-cú) của Phật, vi-diệu phi thường: một chữ bao-hàm hết thảy chữ, một nghĩa đầy-đủ vô-lượng nghĩa. Và, cũng do đó mà Phật có thể ghi-nhớ, hiểu-thấu nhân-quả sai-biệt của hữu-tình. Quy-y vào Phật là mong cầu cảnh-giới tự-giác của Phật và giác-ngộ hoàn-toàn thành Phật.
(12) Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
(13) Trên đây nói về nghi-lễ cung-kính của Bồ-Tát Di-Lặc đới với đức Phật. Đồng thời cũng là tán-thán phúc-đức viên-mãn trang-nghiêm của Bồ-Tát Di-Lặc, vì Bồ-Tát là một vị Nhất sinh bổ-xứ sẽ chứng quả-vị giác-ngộ cao-siêu tuyệt đích không gì bằng và chỉ có Phật với Phật đồng đẳng mà thôi (Vô đẳng đẳng Phật-quả Bồ-đề).
(14) Năm-Thể: Hai gối, hai tay và đầu.
(15) Đây là bắt đầu Bồ-Tát Di-Lặc muốn thỉnh-vấn Thế-Tôn. Trước khi thỉnh-vấn Bồ-Tát tán thán công-đức thù-thắng của Phật: Trong một niệm cùng tận tâm-tính chúng-sinh, chúng-sinh kiến, văn được lợi-ích, chứng-quả. Chúng-sinh nhất tâm quy-hướng lên Phật, Phật nên đem pháp Niết-bàn an-vui vô-thượng, bất sinh bất diệt giải-thuyết cho họ được khỏi khổ, chung vui, không nên riêng hưởng.
(16) Phật-nhật: Phật hay phá sự si-ám cho chúng-sinh nên lấy mặt trời làm ví-dụ.
(17) Năm đạo: Thiên, A-Tu-La, Địa-ngục, ngã-quỹ, súc-sinh. Ba cõi: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-Sắc.
(18) Xem kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thụ-ký đã giải-thích.
(19) Xem kinh Thập Thiện đã giải.
(20) Tam (ba) Giải-Thoát Môn: 1/ Không: quán hết thảy Pháp không. 2/ Vô tướng: hiểu rõ mọi pháp rốt ráo không có hình tướng. 3/ Vô nguyện: không mong cầu sự có thân ở đời sau.
(21) Tam (ba) Thị-Đạo: Ba phương khai-thị, dẫn-đạo chúng-sinh: 1/ Thân biến hóa. 2/ Miệng dạy răn. 3/ Ý quán-sát cơ-nghi.
(22) Xem kinh Hiếu-Tử đã giải.
(23) Tùy Tâm Tam-Ma-Địa: Tam-ma-địa tức là "Định", Phật-thân thường tại Định, không có khi nào là không định, niệm niệm tương-ứng với Định vậy.
(24) Tứ (bốn) Trí: 1/ Thành sở tác trí. 2/ Diệu quán-sát trí. 3/ Bình-đẳng-tính trí. 4/ Đại-viên-kính trí.
(25) Nhị (hai) Trí: Căn-bản-trí và hậu-đắc-trí.
(26) Lìa Tri, Cảnh: Nghĩa là lìa cái chấp về trí-tuệ (năng thủ trí), lìa cái chấp và cảnh-sắc (sở-thủ-cảnh), để chứng được chân-như pháp-tính.
(27) Phiền-Não-Chướng: căn-bản phiền-não và tùy-phiền-não làm não-loạn thân-tâm chúng-sinh, chướng-ngại đạo Niết-bàn.
(28) Sở-Tri-Chướng: Vì ngu-si mê-ám, không hiểu rõ sự-tướng và thực-tính của mọi pháp, nghĩa là đối với cảnh sở-tri có sự chướng-ngại.
(29) Tập-Khí: Nghĩa là cái khí-phận (hơi-hướng) huân-tập lại. Vọng-hoặc của Đại-thừa chia ra làm 3: hiện-hành, chủng-tử và tập-khí. Dẹp được hiện-hành, đọan được chủng-tử, nhưng còn chút hơi-hướng của vọng-hoặc nó cũng sẽ hiện ra tướng của vọng-hoặc, gọi là tập-khí.
(30) Vô Công Dụng Đạo: Nghĩa là, Phật-đức có tác-dụng tự-nhiên, không cần tạo-tác nữa.
(31) Khởi Như-Như-Hóa: Phật-quả không phải mượn đến công-dụng, nhậm-vận tự-tại, không chút chướng-ngại.
(32) Đây nói đại-công-dụng, không chướng-ngại của Phật đức nên đối với núi Tu-Di hay hạt cải không thấy chi to, nhỏ.
(33) Tụ-Lạc: Nơi thôn, xóm dân-cư.
(34) Các Thứ Chim: Khổng-Tước: tiếng Phạm gọi là Ma-do-la (Mayùra); Anh-Vũ: tiếng Phạm gọi là Thúc-ca (Suka) (loài chim này nói như tiếng người); Xá-Lỵ (Sãri): Trung-Hoa gọi là chim Thu-lộ; Ca-Lăng-Tần-Già (Kalavinka) loài chim có tiếng hay hòa-nhã) Trung-Hoa gọi là chim Hòa-nhã; Câu-Chỉ-La (Kokila): Trung-Hoa gọi là chim Hảo-thanh (tiếng hót hay); Câu-Na-La (Kunãla): Trung-Hoa gọi là chim Hảo-nhãn (mắt đẹp); Công-Mệnh (Jivajiva): chim một thân, hai đầu.
(35) Trên đây hiển-lộ thần-lực vô-ngại của Phật.
(36) Trên đây bàn về Phật-thân và Phật-đức không phải đồng và cũng không phải dị.
(37) Trên đây bắt đầu nói về tam (ba) thân của Phật là: Pháp, báo, hóa-thân. Tự, tha-thụ-dụng-thân là thuộc về báo-thân. Do nhân tu vô-lượng phúc-đức, được sắc-thân, mà bên trong tự hưởng-thụ được pháp-lạc rộng lớn, mầu nhiệm, là "tự-thụ-dụng-thân". Do trí bình-đẳng, chư Phật thị-hiện sắc thân thanh-tịnh, vi-diệu, đủ mọi công-đức vì hàng Thập-địa Bồ-Tát chuyển pháp-luân, khiến các vị Bồ-Tát, được thụ-dụng pháp-lạc của Đại-thừa.
(38) Đây nói về sự viên-dung trong Pháp-thân Phật.
(39) Tứ-Đại: Đất, nước, gió, lửa.
(40) Trên đây là nói về Pháp-thân vô-vi, vô-lậu của Phật. Pháp-thân này là nơi y-chỉ của Báo-thân. Pháp-thân này không phải là tướng, không phải là không tướng, tính vốn thường-trụ, không phải nhờ nhân-duyên phương-tiện mà thành; tự-tính thanh-tịnh, vi-diệu, bình-đẳng không phải là một và cũng không phải khác.
(41) Trên đây là nói về Báo-thân của Phật, tức là cái thân do kết-quả của nguyên-nhân tu-tập thiện-căn vô-lậu trong vô-lượng kiếp mà được.
(42) Ngũ-Dục: Tài, sắc, danh, thực, thụy (của-cải, sắc đẹp, danh-vọng, ăn uống, ngủ nghỉ).
(43) Cỏ Cát Tường: tiếng Phạm gọi là Cô-sa (Kusa). Nguyên-nhân khi đức Phật sắp thành đạo, vua Đế-Thích hóa làm người phàm, tay cầm nắm cỏ non, sạch, Ngài hỏi: vật gì? - Người kia thưa: đây là cỏ cát tường. Ngài vui vẻ nghĩ: Ta phá sự bất cát (chẳng lành) để thành cát tường (tốt lành). Nghĩ rồi Ngài xin, trải, ngồi và giác-ngộ.
(44) Đọan văn trên nói về tùy thuận sự lợi-ích của chúng-sinh mà ứng-hiện thân-hình để hóa-độ. Sự ứng-hiện-thân này có thể chia làm ba: 1/ Thắng-ứng-thân: hiện những thân Phật, Bồ-Tát, Duyên-giác, Thanh-văn. 2/ Liệt-ứng-thân: hiện những thân Nhân, Thiên v.v.., trong cõi Dục. 3/ Tùy-loại-thân: thấy nơi nào chúng-sinh cần đắc độ, sẽ ứng-hiện độ cho.
(45) Trên đây nói về quy-y Pháp-thân Phật là hơn cả.
(46) Chân-thường, chân-lạc, chân-ngã, chân-tịnh là 4 đức của Niết-bàn giải-thoát.
(47) Vô-tỷ Niết-bàn: Tức là cứu-cánh Niết-bàn, không có gì sánh bằng.
(48) Tức là chủng-tử vô-lậu công-đức, mà bản-lai hết thảy chúng-sinh đều đầy đủ.
(49) Lý như thực, là Chân-như Pháp-tính.
(50) Như-Lai-Tạng: Nghĩa là pháp nhiễm, tịnh đều nhiếp-trì trong tính Như-Lai. Hay là, Chân-Như trong phiền-não, gọi là "Như-Lai-Tạng".
(51) Đoạn trên nói: Pháp-thân chân-tịnh, diệu-thể của Như-Lai là cứu-cánh Pháp-thân của Chân-như Niết-bàn, là Chân-như pháp-tính vô-phân-biệt, giải-thoát hai chướng: sinh-tử và thanh-tịnh. Chân-tính ấy như mặt trời và ánh sáng không rời nhau. Chân-tính ấy vô-vị, vô-tác, không thêm, không bớt, không nhơ, không sạch, Phật và chúng-sinh bình-đẳng không sai khác, vì chúng-sinh đều có Như-Lai-tạng tính. Chúng-sinh mê-lầm, không nhận rõ chân-tính, cho là sai khác, duy Phật thời biết rõ Chân-tính ấy bình-đẳng như hư-không khắp cả mười phương không phân-biệt. Chúng-sinh trong hư-không có sinh-diệt, nên mọi căn của hữu-tình cũng sinh-diệt và ở trong vô-vi-giới cũng vậy. Hư-không là hư-không, vô-vi-tính là vô-vi-tính, không thể cháy, không thể hoại được nó, vì nó không có tướng để mà cháy với hoại; chỉ cái chi còn có chỗ y mới đứng trong vòng sinh-diệt mà thôi.
(52) Uẩn-Xứ-Giới: tức là Ngũ (5) Uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức; Thập Nhị (12) Xứ: 6 căn (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý), 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); Thập Bát (18) Giới 6 căn, 6 trần và 6 thức (nhãn-thức, nhĩ-thức, tỵ-thức, thiệt-thức, thân-thức và ý-thức)
(53) Đây nói: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới đều y vào nghiệp, nghiệp y vào phiền-não, phiền-não y vào vọng-tưởng, vọng-tưởng y vào vô-minh, vô-minh y vào vô-vi. Tâm-tính thanh-tịnh và khổ quả, nghiệp-hoặc giữ nhau như đất với nước. Tâm tịnh như hư-không, vọng-tưởng như gió thổi. Hoặc-nghiệp, khổ-quả tuần-hoàn vô định. Nếu dùng không-tính quán-sát thời đương-thể tức không. Không đã hiển-lộ, thời không sinh, diệt, vốn tự không-tịch. Thông-suốt được không-tính ấy, tức là được trí-quang Bát-nhã thanh-tịnh.
(54) Đây nói tự-tính như-như, không sinh-diệt, biến-đổi, nhưng chỉ vì vô-minh phiền-não che-lấp chân-tính, sinh ra chấp-ngã, chấp pháp, vọng-kiến ra sinh-diệt mà thôi. Như người đau mắt nhìn trăng thấy hai mặt trăng. Phiền-não như loài ong, Như-Lai-Tạng như mật ong. Mật ong luôn luôn bị loài ong bao-vây. Trí giả muốn lấy mật ong, giữ mình sao cho ong khỏi đốt, là lấy được mật ong. Cũng như không bị phiền-não lôi cuốn, dùng lục-độ làm phương-tiện hộ-thân, hành-đạo, hiển-lộ Như-Lai tịnh-tính, chứng được thanh-tịnh pháp-thân vậy.
(55) Chúng-sinh đầy-đủ trí-tuệ, đức-tướng như Phật, chỉ vì vô-minh vọng-hoặc che-lấp mà không chứng được, như lúa chưa giã sạch vỏ, lấy đâu có gạo ngon, nấu cơm đãi người, phiền-não chưa dứt hẳn, sao làm chỗ quy-y cho chúng-sinh được! Phật-tính tuy bị vô-minh phiền-não che-lấp, nhưng không bao giờ hoại-diệt, như viên ngọc rơi xuống chốn nhơ-bẩn, không biết nhặt lên, rửa đi, thời muôn đời vẫn ẩn, nhưng, nhặt về, rửa sạch, vẫn quý như xưa. Phật-tính cũng thế, nếu dùng trí Bát-Nhã, nước Đại-thừa cam-lộ, rửa sạch phiền-não, thời Phật-tính hiện. Phật-tính không lìa "có" và "không", như mầm lúa vừa mọc, bảo trong đó là gạo hay là không phải gạo vẫn không được! Mà cái đó chỉ Phật tự-chứng mới biết rõ.
(56) Đây nói: tính chân-thật, thanh-tịnh công-đức của Pháp-bảo, mặc dầu bị khách-trần phiền-não che-lấp, nhưng, dùng Vô-phân-biệt-trí đại Bát-Nhã mà gột sạch thời sẽ chứng được, ánh sáng sẽ hiện. Như hoa sen trong bùn, như khi nguyệt-thực xong rồi, chẳng hạn. Khách-Trần Phiền-Não: nghĩa là, phiền-não không phải là vật cố hữu của tâm-tính, vì mê lý mà khởi ra, nên gọi là "khách", vì làm nhơ tâm-tính, nên gọi là "trần".
(57) Đây nói về ba đức: 1/ Tự-tính thân Phật, pháp-tính thường-trụ bất diệt là Pháp-Thân-đức. 2/ Hiểu rõ thực-tế bản-lai tính, tướng của mọi pháp, là Bát-Nhã-đức. 3/ Đoạn trừ hết thảy phiền-não, hoặc, chướng, sinh-tử, được tự-tại, là Giải-Thoát-đức.
(58) Ba Mươi Bảy Bồ-Đề Phận-Pháp: xem kinh Thập-Thiện đã giải.
(59) Diệu-Pháp-Uẩn: Những pháp-môn vi-diệu uẩn-tàng trong 5 Tạng, do lời đức Phật thuyết ra để tùy cơ hóa-độ.
(60) Những Tội Trọng: Tứ-trọng, bát trọng thuộc Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni giới; ngũ vô-gián-tội: tức tội ngũ-nghịch, cảm-thụ 5 thứ ác-nghiệp, khổ quả trong địa-ngục vô-gián: 1/ Tạo nghiệp, thụ quả không gián-đoạn. 2/ Thụ khổ không-gián-đoạn. 3/ Thời-gian không gián-đoạn. 4/ Thân-mệnh không gián-đoạn. 5/ Thân-hình chật ních không hở (vô-gián); Báng Phương-Đẳng-Kinh: tức là chê những kinh-sách Đại-thừa.
(61) Đây nói về ngũ-tạng trong Pháp-bảo hiện-tại, do tùy duyên hóa-độ mà chư Phật nói ra.
(62) Bát Đại-Nhân-Giác: Bậc Đại-nhân giác-ngộ tám điều (xem kinh Bát-Đại-Nhân giác): Tam-Hiền tức Thập Trụ, Thập-Hành, Thập Hồi-hướng; Thập Thánh tức Thập Địa.
(63) Cây Thiên-Ý: là thứ cây trên cõi trời, ý-nguyện muốn gì đều được như thế.
(64) Tám Nạn: Tám nơi có chướng-nạn cho việc thấy Phật, nghe Pháp: 1/ Địa-ngục. 2/ Ngã-quỷ. 3/ Súc-sinh.4/ Bắc-câu-lư-châu. 5/ Trường-thọ-thiên. 6/ Điếc, lòa, câm, ngọng. 7/ Thế-trí biện-thông (người có trí-tuệ thế-gian thông-minh, biện-bác). 8/ Sinh trong khoảng giữa đức Phật trước đã Niết-bàn, đức Phật sau chưa xuất-thế.
(65) Trên đây là nói về sám-hối nghĩa là bày tỏ những tội-lỗi trước và từ nay ăn-năn không dám làm nữa.
(66) Đoạn trên nói: ai làm được công-đức đều nhất tâm vui mừng tán-thán và tin theo.
(67) Vui lòng chịu nghiệp báo.
(68) Đoạn trên tự ngộ lý vô thường ngay nơi thân mình. Thân mình không phải là thường-trụ vì sinh, lão, bệnh, tử nên không thể nương nhờ được. Cả đến người thân cũng không sao thay thế và nương nhờ được, chỉ có Tam-bảo là thường-trụ, nên quy-y. Quy-y đạt tới cứu-cánh, lại nguyện cứu hộ chúng-sinh. Đó là tự-giác và phát-nguyện.
(69) Đây là nghi-thức quy-y, sự lợi-ích của quy-y cùng phát nguyện hộ sinh.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.135.201 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.