Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
IV.- PHẨM VÔ-CẤU-TÍNH [1]
Khi Trưởng-giả Trí-Quang cùng các Trưởng-giả khác đã xuất-gia rồi, tề-chỉnh pháp-phục năm thể gieo xuống đất, lễ xuống chân Phật, chắp tay cung-kính bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Chúng tôi theo Phật, nghe được những điều chửa được nghe về các lỗi-lầm sở-hữu của tại-gia; chúng tôi phát tâm Bồ-đề, chán, bỏ thế-gian, cạo bỏ râu tóc làm Tỷ-khưu. Chúng tôi kính xin Như-Lai, Ứng Chính đẳng-giác vì bọn chúng tôi và các chúng-sinh diễn nói về công-đức thù-thắng của sự xuất-gia, khiến người được nghe, phát tâm thanh-tịnh, thích hạnh viễn-ly, làm cho Phật-chủng không dứt: Thế-Tôn là bậc có ơn lớn, Ngài vận vô-duyên từ-bi [2] thương-xót chúng-sinh như ông La-hầu-la, [3] nay kính xin Thế-Tôn cho chúng tôi biết: Bồ-tát xuất-gia nên an-trụ thế nào? Nên tu-tập nghiệp vô-cấu thế nào? Và, nên điều-phục tâm hữu-lậu thế nào?” [4]
Bấy giờ, đức Thế-Tôn tán-thán Trí-Quang cùng các Tỷ-khưu: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Các ông thực là chân Phật-tử! Các ông vì hết thảy chúng-sinh đời mai sau hỏi Như-Lai những việc như thế. Đúng như thế! Đúng như thế! Đúng như lời các ông nói, Như-Lai Thế-Tôn thương-xót chúng-sinh, bình-đẳng vô nhị cũng như con một. Nay các ông nghe cho kỹ và nhớ nghĩ cho khéo, Tôi nay sẽ vì các ông phân-biệt diễn nói về Bồ-tát xuất-gia an-trụ như thế này, tu-hành nghiệp Vô-cấu như thế này, điều-phục tâm hữu-lậu như thế này”. Các Tỷ-khưu bạch: “Dạ, bạch Thế-tôn! Chúng tôi nguyện muốn được nghe lời đức Thế-Tôn dạy!”
Đức Phật bảo Trí-Quang Tỷ-khưu: “Bồ-tát xuất-gia an-trụ tâm như thế, thời thường quán như thế này: Ta được thân người, các căn đầy-đủ, vậy ta từ nơi nào mất đi, mà sinh lại thế-gian này? Ta ở trong ba cõi, rồi sẽ sinh vào cõi nào? Trong bốn đại-châu, ta sẽ sinh vào châu nào? Trong sáu đạo, ta sẽ thụ-sinh vào đạo nào? Bởi nhân-duyên gì, ta bỏ được cha mẹ, vợ con họ-hàng xuất-gia tu đạo, thân khỏi vướng vào tám nạn? Trong kiếp Trang-nghiêm thuở quá-khứ, nghìn Phật đều nhập Niết-bàn rồi, trong kiếp Tinh-tú thuở vị-lai, nghìn Phật chưa ra đời, trong Hiền-kiếp hiện-tại nghìn Phật, bao nhiêu Phật Như-Lai đã xuất-hiện ra đời, hóa-duyên sắp hết và sắp nhập Bát-niết-bàn? Bao nhiêu Phật Thế-Tôn chưa ra đời, là do căn-duyên của các chúng-sinh chưa chín, chưa được nghe chính-pháp chăng? Lại, thời nào trong đương-lai Ngài Di-Lặc từ cõi trời Đâu-suất sinh xuống nhân-gian và hiện thành Phật-đạo? Trong thân ta có nghiệp thiện gì? Học giới, định, tuệ sẽ có đức gì? Chư Phật quá-khứ đều đã chẳng gặp, Thế-tôn đương-lai liệu được thấy chăng? Ta nay hiện ở trong các nơi phàm-phu, vậy ba nghiệp phiền-não, gì là nặng hơn? Nhất sinh trở lại ta tạo tội-nghiệp gì? Ta từng trồng căn lành ở nơi đức Phật nào? Thân-mệnh ta đây được bao nhiêu thời? Ngày nay đã qua, mệnh theo giảm bớt, cũng như người dắt dê tới chỗ mổ xẻ, dần dần đến chỗ chết, không còn nơi trốn-tránh, vậy khi thân hoại, mệnh hết sẽ sinh vào nơi nào? Khổ trong ba đường ác làm sao thoát khỏi được? Thân ta đây ta yêu thích và nuôi-nấng nó cho nó hơn lên nhưng, từng niệm niệm nó suy, già đi, không có thời nào tạm dừng, vậy ai là người có trí-tuệ lại yêu thích thân này? Trí-Quang nên biết: Bồ-tát xuất-gia ngày đêm thường quán-sát như thế, đừng tham hưởng năm dục-lạc của thế-gian, cần tinh siêng tu-tập, đừng thường thường tạm bỏ và phải coi như là cần phải bỏ đá nặng nơi đỉnh đầu, gỡ lửa cháy trên đầu. Tâm thường sám-hối những tội trước của quá-khứ, an-trụ vào bốn vô-cấu-tính, một lòng tu-hành mười hai hạnh Đầu-đà, [5] điều-phục tâm mình như bọn Chiên-đà-la. [6] Phật-tử như thế gọi là xuất-gia.
Tỷ-khưu Trí-Quang! Vì nghĩa gì gọi người chân-thực tu hạnh Sa-môn như bọn Chiên-đà-la? – Vì mỗi khi người Chiên-đà-la du-hành, tay cầm cây tích-trượng, không dám đi giữa đường, nếu có người đi gần sát tới mình thời rung gậy tích cho người ta nghe thấy tránh đi. Ở trong đại-chúng, tâm họ thực-hành sự nhún-nhường, không dám khinh-mạn, khi bị người quở-trách, tâm không oán-hận và chưa từng bao giờ báo-thù lại, ngay đến bị mạ-nhục, đánh-đập cũng im-lặng chịu đựng. Sao vậy? – Tự biết mình thuộc dòng họ thấp-hèn, không dự vào bậc gì trong hàng đại-chúng, bởi nhân-duyên ấy nên bị những sự giận-tức mà không báo-thù lại.
Trí-Quang nên biết! Bồ-tát xuất-gia cũng như thế, cạo bỏ râu tóc, hình-dáng cũng như đứa trẻ thơ, tay cầm giữ đồ ứng-khí (bình-bát), nương-tựa vào người để nuôi sống thân-mệnh, thân mặc áo ca-sa [7] như mặc giáp-trụ, cầm gậy tích đi, như cầm dáo-mác, cầm gươm trí-tuệ, phá giặc phiền-não, tu hạnh như đứa trẻ thơ, làm lợi-ích cho hết thảy. Thế nên, hết thảy tên nhọn tham, sân, si không thể vào thân bậc Sa-môn chân-thực được. Bồ-tát xuất-gia dùng ba môn quán, tu hạnh nhẫn-nhục là chân-xuất-gia: quán các chúng-sinh là hóa-thân của Phật, quán nơi thân mình là ngu-phu thực; quán các hữu-tình khởi ra tưởng là bậc tôn-quý, quán nơi thân mình khởi ra tưởng là hàng tôi-tớ; lại quán chúng-sinh khởi ra tưởng coi chúng-sinh như cha mẹ, quán nơi thân mình khởi ra tưởng coi mình như con trai, con gái. Bồ-tát xuất-gia thường làm những quán ấy, hoặc bị người đánh mắng, hoàn-toàn không báo-thù lại, mà chỉ tìm phương-tiện khéo-léo để điều-phục tâm mình.
Tỷ-khưu Trí-Quang! Các ông nghe kỹ! Thế nào là bốn vô-cấu-tính? – Là: Quần áo, đồ nằm, thức ăn uống và thuốc men. Bốn sự như thế tùy theo chỗ có được, hoặc xấu hoặc tốt cũng vừa lòng, xa-lìa hẳn tâm tham-cầu, thế là “vô-cấu-tính”. Các Tỷ-khưu! Bởi nhân-duyên gì bốn hạnh như thế gọi là “vô-cấu-tính”? Trí-Quang nên biết! Ba mươi bảy phẩm Bồ-đề-phận-pháp [8] của chư Phật Như-Lai đều từ đấy phát-sinh và Phật, Pháp, Tăng-bảo do đó mà thường không bị đoạn-tuyệt, nên được gọi là “vô-cấu-tính”. [9]
Khi ấy, đức Thế-Tôn nói kệ rằng:
Tỷ-khưu Trí-Quang ông nghe kỹ!
Bồ-tát xuất-gia cần nên làm:
Vô-duyên đại-từ nhiếp chúng-sinh,
Cũng như con một đều bình-đẳng.
Phát tâm Bồ-đề cầu chính-giác,
Nên làm ba việc thành Phật-pháp:
Tâm thường-trụ bốn vô-cấu-tính;
Nên tu mười hai hạnh Đầu-đà,
Nhún lòng như bọn Chiên-đà-la.
Trong bốn uy-nghi nghĩ thế này:
Mười phương vô-lượng các Bồ-tát;
Sát-na, sát-na hướng Thánh-đạo,
Các vị tu chứng, ta cũng thế!
Làm sao lưu-chuyển trong ba cõi,
Thường trong sinh-tử vô-lượng khổ?
Nay thân ta này ở cõi nào?
Sáu đạo luân-hồi ở đạo nào?
Thai, noãn, thấp, hóa [10] nhận loài nào?
Thân, khẩu, ý-nghiệp tu nghiệp nào?
Trong chỗ tạo tội, tội gì nặng?
Tâm trong ba tính, [11] tâm nào nhiều?
Quán-sát vi-tế như thế rồi,
Đại-từ, đại-bi thường tiếp nối;
Đại-hỷ, đại-xả, tâm ấy trước,
Vì người có duyên nói diệu-pháp.
Ngày đêm tu tâm không ngừng tạm,
Như bỏ đá đầu, gỡ đầu cháy.
Niệm ba môn quán thường chẳng rời,
Quán các chúng-sinh là thân Phật;
Chỉ ta riêng ở trong phàm-loại,
Hết thảy chúng-sinh đều tôn-quý,
Ta làm tôi-tớ ở thấp-hèn;
Chúng-sinh trên đời như cha mẹ,
Ta như trai, gái lành hiếu-dưỡng.
Bị người đánh mắng chẳng giận hiềm,
Siêng tu nhẫn-nhục không ghen, oán.
Bốn sự cúng-dàng tâm không ham,
Như thế gọi là “vô-cấu-tính”.
Ba mươi bảy phẩm Bồ-đề-phận,
Cùng được quả-báo thân Như-Lai;
Thù-thắng vô-lậu pháp như thế,
Bốn vô-cấu-tính là căn-bản.
Không hạnh buông-lung, thường tu-tập,
Thế là xuất-gia: Chân-phật-tử!
Mầm trí Bồ-đề niệm niệm thêm,
Vô-lậu Thánh-đạo đều thành-tựu.
Chóng vượt qua được vô-lượng kiếp,
Ngồi trên Hoa-vương [12] trong pháp-giới.
Phúc, trí trang-nghiêm đều viên-mãn,
Vô-biên kiếp-hải lợi quần-sinh;
Do vô-cấu-tính đều thành-thục,
Chứng thường-trụ-quả của Như-Lai. [13]
Lại nữa, Tỷ-khưu Trí-Quang! Bồ-tát xuất-gia đối với vấn-đề y-phục, không nên tham-trước, dù tốt dù xấu tùy chỗ mình được thế nào nên vậy, thường thường đối với thí-chủ cần phải vì họ sinh ra ruộng phúc cho họ, chớ hiềm thô xấu và không được vì vấn-đề y-phục mà nói rộng pháp-yếu, khởi ra mọi phương-tiện tương-ứng với tâm tham.
Phàm-phu trong thế-gian vì vấn-đề y-phục tham-cầu phi-pháp, tạo nghiệp bất thiện, mà phải sa-đọa vào đường ác, trải vô-lượng kiếp không được gặp chư Phật, không được nghe chính-pháp. Chịu khổ trong các đường ác xong rồi, lại sinh trở lại nhân-gian, bị nghèo cùng khốn-khổ, cầu không được khổ, ngày đêm bức-bách, áo không đủ che hình, ăn không đủ giữ mệnh. Mọi khổ như thế đều do đời trước vì việc y-phục, giết nhiều sinh-mệnh, tạo ra nhiều tội.
Bồ-tát xuất-gia không thế, tùy chỗ mình được thế nào nên vậy, không hiềm thô-ác, chỉ mang lòng thẹn-hổ để sung-túc cho pháp-y, [14] được mười thắng-lợi: Một là, che thân mình, xa-lìa được sự xấu-hổ, đầy-đủ đức biết thẹn-hổ để tu-hành thiện-pháp. Hai là, xa-lìa sự lạnh, nóng , ruồi, muỗi, thú dữ, trùng độc, để an-ổn tu đạo. Ba là, hiện ra tướng mạo Sa-môn xuất-gia, người ta trông thấy sinh tâm vui-vẻ, xa-lìa được tâm tà-vạy. Bốn là, Ca-sa tức là bóng-dáng lá cờ báu của Nhân, Thiên, chúng-sinh tôn-trọng kính-lễ được sinh Phạm-thiên. Năm là, khi mặc Ca-sa tưởng-tượng là lá cờ báu, diệt được mọi tội, sinh mọi phúc-đức. Sáu là, bản-chế Ca-sa nhuộm thành hoại-sắc là để muốn xa-lìa năm dục-tưởng, không sinh tâm tham-ái. Bảy là, Ca-sa là áo thanh-tịnh của Phật, dứt hẳn được phiền-não, tạo ra ruộng phúc tốt lành. Tám là, thân mặc Ca-sa, tội nghiệp tiêu-trừ, mười thiện nghiệp-đạo, niệm niệm tăng-trưởng. Chín là, Ca-sa cũng như ruộng tốt hay làm tăng-trưởng Bồ-tát-đạo. Mười là, Ca-sa cũng như áo giáp, mũ trụ, tên độc phiền-não không hại được.
Trí-Quang nên biết! Bởi nhân-duyên ấy, chư Phật trong ba đời cùng các bậc Duyên-giác, Thanh-văn thanh-tịnh xuất-gia, thân đều mặc Ca-sa và ba bậc Thánh ấy đồng ngồi trong rừng báu giải-thoát, cầm gươm trí-tuệ, phá ma phiền-não, cùng vào các cõi Niết-bàn nhất-vị.
Lúc đó, đức Thế-Tôn nói bài kệ rằng:
Tỷ-khưu Trí-Quang nên nghe khéo!
Áo đại-phúc-điền mười thắng-lợi.
Y-phục thế-gian thêm dục-nhiễm,
Áo pháp Như-Lai không như thế.
Áo pháp ngăn đời sự thẹn-hổ,
Thẹn-hổ viên-mãn sinh ruộng phúc.
Xa-lìa rét, nắng và trùng độc,
Tâm-đạo vững bền được cứu-cánh.
Thị-hiện xuất-gia lìa tham-dục,
Dứt năm tà-kiến, [15] chính tu-trì.
Chiêm-lễ Ca-sa tướng bảo-chàng,
Cung-kính sinh phúc bậc Phạm-vương.
Phật-tử mặc áo tưởng như tháp,
Cảm Nhân, Thiên-phúc, tội tiêu-diệt.
Dáng nghiêm chí-kính; chân-sa-môn,
Chỗ làm không nhiễm theo trần-tục.
Chư Phật khen ngợi là ruộng tốt,
Lợi-lạc mọi loài đây hơn cả;
Thần-lực Ca-sa không nghĩ, bàn,
Hay khiến trồng tu Bồ-đề-hạnh.
Mầm đạo lớn thêm như lúa Xuân,
Diệu-quả Bồ-đề như trái Thu;
Kim-cương bền-vững thực giáp-trụ,
Tên độc phiền-não không hại được.
Tôi nay khen qua mười thắng-lợi,
Nhiều kiếp nói rộng không hết được;
Nếu có thân rồng đeo một sợi,
Được thoát khỏi miệng chim trả ăn.
Nếu người qua bể mang áo này,
Không sợ các nạn quỷ, rồng, cá.
Sấm chớp ầm-ầm như trời giận,
Mặc áo Ca-sa không sợ hãi.
Tại-gia nếu hay thân kính giữ,
Hết thảy quỷ dữ không dám gần.
Nếu hay phát tâm cầu xuất-gia,
Chán bỏ thế-gian, tu đạo Phật.
Ma-cung mười phương đều chấn-động,
Người ấy chứng thân Pháp-vương chóng. [16]
Lại nữa, Bồ-tát Trí-Quang! Phật-tử xuất-gia thường làm hạnh khất-thực, dù rằng phải xả thân-mệnh, chứ không bao giờ dứt tâm ấy. Sở-dĩ thế là sao? Hết thảy chúng-sinh đều y trụ nơi ẩm-thực, bởi thế nên khất-thực lợi-ích vô cùng. Các ông nên biết! Bồ-tát xuất-gia thường đi khất-thực, vì nó có mười thắng-lợi. Những gì là mười? Một là, thường đi khất-thực để nuôi sống thân-mệnh mình, nhưng được xuất-nhập tự-do không bị hệ-thuộc vào người khác. Hai là, khi đi khất-thực, trước tiên nói diệu-pháp cho người ta nghe, khiến người ta khởi tâm thiện, sau mới xin thức-ăn cho mình. Ba là, vì những người không biết bố-thí, phát tâm đại-bi vì họ nói chính-pháp cho họ nghe, khiến họ khởi tâm xả-thí, mà sinh được thắng-phúc. Bốn là, làm theo lời Phật dạy để tăng-trưởng giới-phẩm, phúc-đức viên-mãn, trí-tuệ vô cùng. Năm là, thường đi khất-thực, đối với bảy mạn, chín mạn [17] tự-nhiên tiêu-diệt, mọi người cung-kính cho là ruộng phúc tốt lành. Sáu là, khi khất-thực sẽ được tướng “vô-kiến-đỉnh” [18] của Như-Lai, ứng-nhận sự cúng-dàng rộng lớn của thế-gian. Bảy là, Phật-tử các ông theo học pháp này, trụ-trì Tam-bảo, làm lợi-ích cho chúng-sinh. Tám là, khi khất-thực không được vì cầu thức ăn uống mà khởi ra tâm hy-vọng, khen ngợi hết thảy con trai, con gái. Chín là, khi đi khất-thực nên theo lần-lượt, không nên phân-biệt nhà nghèo, nhà giàu. Mười là, thường đi khất-thực chư Phật hoan-hỷ, được nhất-thiết-trí, là duyên lành hơn hết.
Bồ-tát Trí-Quang! Tôi vì các ông nói qua về mười sự lợi-ích như thế, nếu phân-biệt rộng ra thời vô-lượng vô-biên. Tỷ-khưu các ông, cùng những người đời sau cầu Phật-đạo nên học như thế!
Bấy giờ đức Thế-Tôn nói bài kệ rằng:
Bồ-tát Trí-Quang ông nghe kỹ!
Đại-sĩ xuất-gia nên bỏ tham;
Phát tâm tu-hành đạo xuất-thế,
Khất-thực Đầu-đà là căn-bản.
Phàm-phu nương món ăn hữu-lậu,
Bậc Thánh-y món ăn vô lậu:
Hữu-lậu, vô-lậu các phàm, Thánh,
Hết thảy đều y món ăn, sống.
Tôi vì các ông là Phật-tử,
Khai-diễn hai lợi-hạnh [19] xuất-thế;
Như-Lai ba đời đều khen-ngợi,
Công-đức khất-thực có mười lợi:
Riêng gọi hạnh này là tối-thắng,
Xuất nhập tự-tại không ràng-buộc;
Trước khiến thí-chủ phát sơ-tâm,
Xu-hướng Bồ-đề, sau mới ăn.
Vì trừ sẻn tham nói diệu-pháp,
Rảo tới đại-xả vô-lượng-tâm;
Theo đại-sư dạy đi khất-thực,
Tăng-trưởng vô-lượng các phạm-hạnh.
Bảy mạn, chín mạn tự trừ diệt,
Được các Nhân, Thiên thường cung-kính;
Đỉnh-tướng Như-Lai không thấy được,
Quay xe diệu-pháp hóa mười phương.
Hết thuở vị-lai truyền pháp này,
Khiến không đoạn-tuyệt Tam-bảo-chủng;
Nếu vì ăn uống khởi tâm tham,
Không nên khen-ngợi các nam, nữ.
Khởi ý bình-đẳng đại-từ-bi,
Không sinh phân-biệt giàu, nghèo khó.
Thanh-tịnh khất-thực Phật khen-ngợi,
Nhất-thiết chủng-trí từ đấy sinh.
Như-Lai ba đời hiện ra đời,
Vì chúng-sinh nói bốn món ăn: [20]
Đoạn, xúc, tư, thức là bốn món,
Là món ăn hữu-lậu của đời.
Chỉ có Pháp-hỷ, Thiền-duyệt-thực, [21]
Mới là món ăn của Hiền-Thánh.
Các ông chán bỏ mùi đời này,
Nên cầu món ăn vô-lậu hơn! [22]
Lại nữa, Bồ-tát Trí-Quang! Phật-tử xuất-gia đối với thuốc men không nên tham-đắm. Nếu khi có bệnh, thứ thuốc người ta sắc rồi bỏ đi, như vị Ha-lê (Haritaki) Tỳ-lê và A-ma-lặc (Àmalaka) thời nên lấy những thứ thuốc ấy mà uống; cho đến một đời chỉ uống những thứ thuốc bỏ đi ấy mà thôi. Và, đối với những thứ thuốc ấy vẫn thường sinh niệm “tri-túc” (biết đủ), như thế gọi là “chân-thực Sa-môn”.
Phật-tử xuất-gia thường uống thuốc bỏ đi, người ấy thu được mười thắng-lợi. Những gì là mười? Một là, vì cầu thuốc thang nhưng, không phải gần luôn với người khác, thời tắt hẳn được tâm tham-cầu và an-trụ được trong chính-niệm. Hai là, “bất-tịnh quán-môn” [23] được thành-tựu dễ-dàng, tâm xuất-thế được vững-vàng. Ba là, đối với các trân-vị, thường không sinh tâm tham-đắm, chóng chứng được chính-trí, hưởng mùi Thiền-duyệt. Bốn là, đối với hết thảy tài-vật thế-gian, thường biết “tri-túc”, chóng được giải-thoát. Năm là, không phải gần những phàm-phu thế-gian mà thường thân-cận với những bạn lành thanh-tịnh xuất-thế-gian. Sáu là, vì không hiềm ghét các thứ thuốc bỏ đi, thời đối với các thức ăn uống không tốt cũng được giải-thoát. Bảy là, đối với những thứ thuốc quý, quyết không hy-vọng, được hết thảy thế-gian tôn-trọng. Tám là, chóng điều-phục được các bệnh phiền-não, chứng được pháp-thân thường-trụ của Như-Lai. Chín là, dứt hẳn hết thảy phiền-não trong ba cõi, chữa khỏi những bệnh nặng về thân-tâm chúng-sinh. Mười là, thuận lời Phật dạy tu hạnh Bồ-tát, phúc-trí viên-mãn, được Đại-bồ-đề.
Trí-Quang nên biết! Tôi vì các ông nói qua về mười thắng-lợi của sự uống thuốc bỏ đi, diệu-hạnh như thế, Bồ-tát xuất-gia trong quá-khứ, hiện-tại, vị-lai đều cùng tu-học. Các ông cần nên vì các chúng-sinh mà diễn-thuyết, lưu-bố phương-pháp này đừng để đoạn-tuyệt, tức là vì Như-Lai đặt rộng sự cúng-dàng; dù thế-gian có của đem cung-kính cúng-dàng cũng không bằng được. Và, đối với hạnh Bồ-tát lại không bị thoái-chuyển, chóng chứng đạo vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề.
Khi ấy, đức Thế-Tôn nói lại nghĩa trên bằng lời kệ sau này:
Tỷ-khưu Trí-Quang ông nghe khéo!
Người xuất-gia uống thuốc vô-cấu;
Diệu-hạnh Bồ-tát, đó là trước,
Chúng-sinh có bệnh như mình bệnh.
Lấy ơn đại-bi cứu mọi khổ,
Lại dùng từ-tâm cho an-lạc;
Thuốc hay tối-thượng cho người ta,
Người trước bỏ đi, mình lấy uống.
Bồ-tát không kén thuốc tốt, xấu,
Chỉ chữa các bệnh cho an-ổn;
Lấy thứ thuốc thừa người ta bỏ,
Uống thuốc lấy đủ trị khỏi bệnh.
Lấy thuốc người bỏ có mười lợi,
Như-Lai ba đời cùng khen-ngợi:
Tuy cầu thuốc men không gần người,
Tắt hẳn cầu cạnh, nương chính-niệm
Quán-môn “bất-tịnh” dễ thành-thục,
Gây nhân Bồ-đề đời xa sau;
Không ham cam-vị bỏ mọi tham,
Nên cầu Pháp-hỷ, Thiền-duyệt-thực.
Của báu ở đời tri-túc được,
Thu được thất Thánh-tài [24] vô-lậu;
Bỏ kẻ phàm-phu, không ở chung,
Thân-cận Thánh-Hiền làm lương-hữu.
Bởi thế không hiềm các thuốc bỏ,
Với đồ ẩm-thực, dứt tham-cầu;
Cỗ quý, thuốc hay không hy-vọng,
Thế-gian bởi thế đều tôn-trọng.
Hay chữa thân tâm-bệnh phiền-não,
Ngộ được Chân-như pháp-tính-nhân;
Dứt hẳn tập-khí trong ba cõi,
Chứng được vô-thượng chân-giải-thoát.
Thuận lời Phật dạy hướng Bồ-đề,
Phúc-trí viên-thành thân quả-báo.
Phật-tử các ông đều tu học,
Sẽ ngồi nơi Kim cương đạo-tràng. [25]
Lại nữa, Trí-Quang! Bồ-tát xuất-gia xa lìa chỗ huyên-náo, ở nơi A-lan-nhã, [26] tu-nhiếp tâm mình trong vô-lượng nghìn năm để cầu Phật-đạo. Như-Lai trong ba đời bỏ những nơi huyên-náo, ở những nơi không-nhàn vẳng-lặng, tu thêm muôn hạnh, chứng quả Bồ-đề. Bậc Duyên-giác, bậc Thanh-văn hết thảy Hiền-Thánh chứng được Thánh-quả cũng đều ở nơi tịch-tĩnh như thế. Nơi A-lan-nhã có mười thắng-đức, làm cho người tu, chứng được ba quả Bồ-đề. [27] Những gì là mười thắng-đức? Một là, vì được tự-tại, ở nơi A-lan-nhã, trong bốn uy-nghi không bị hệ-thuộc người khác. Hai là, bỏ “ngã, ngã-sở” nên gọi là A-lan-nhã, vì vậy khi ở dưới gốc cây không còn sự chấp-trước. Ba là, đối với những đồ ngồi nằm không ham-đắm, do đó nên được nằm trên giường “tứ vô-úy”. [28] Bốn là, nơi A-lan-nhã, ba độc ít-ỏi, nên bỏ được cảnh sở-duyên của tham, sân, si. Năm là, thích ở nơi A-lan-nhã tu hạnh viễn-ly, không cầu năm thứ dục-lạc của Nhân, Thiên. Sáu là, bỏ nơi huyên-náo ở nơi nhàn-tịch, tu-tập Phật-đạo không tiếc thân-mệnh. Bảy là, ưa thích nơi tịch-tĩnh, hết thảy sự-nghiệp thế-gian được thành-tựu dễ-dàng, không chướng-ngại. Tám là, hết thảy sự-nghiệp của thế-gian hay xuất-thế-gian đều được thành-tựu dễ-dàng, không chướng-ngại. Chín là, nơi A-lan-nhã là “Tam-muội-không” [29] hay chứng được trăm nghìn thứ đại-tam-muội. Mười là, lấy “thanh-tịnh như-không” làm nhà cửa, [30] tâm không chướng-ngại, được đại-trí-tuệ.
Trí-Quang nên biết! Nơi A-lan-nhã có vô-lượng công-đức như thế! Bởi nhân-duyên ấy, Phật-tử xuất-gia thề bỏ thân-mệnh, không bỏ rừng núi; nếu vì nghe pháp hay cúng-dàng người đau, sư-tăng, cha mẹ, phải ra ngoài nơi A-lan-nhã vào trong làng xóm thời nên chóng trở về nơi A-lan-nhã. Nếu có nhân-duyên chưa về được, nên tưởng: “Nay ở nơi làng xóm này cũng như ở chốn núi rừng, tài vật sở đắc giả-dối như chiêm-bao, và nếu có được, không nên tham-trước!” Phật-tử như thế là “Ma-ha-tát”. [31]
Bấy giờ, đức Thế-Tôn nói bài kệ rằng:
Trí-Quang các ông nghe cho kỹ!
Nơi ở của người không phiền-não:
Xa nơi huyên-náo ở nơi tĩnh,
Đó là những nơi thần-tiên ở.
Bồ-tát ba đời cầu Bồ-đề,
Ở trong Lan-nhã thành chính-giác;
Duyên-giác, Thanh-văn các Thánh-chúng,
Cũng ở nơi này chứng Bồ-đề.
Ở A-lan-nhã được mười lợi,
Hay khiến chứng được quả Tam-thừa:
Du-hành tự-tại như sư-tử,
Trong bốn uy-nghi không ràng-buộc.
Dưới cây rừng núi bậc Thánh ham,
Không “ngã, ngã-sở” là Lan-nhã;
Áo mặc đồ nằm không ràng-buộc,
Ngồi tòa sư-tử “tứ-vô-úy”.
Bỏ các phiền-não là Lan-nhã,
Hết thảy tham-ái không ham-đắm.
Ở ngoài sự-vật chán trần-lao,
Không ham năm dục-lạc trên đời.
Người xa huyên-náo, ưa tịch-tĩnh,
Bỏ thân, xả mệnh cầu Phật-đạo;
Ở nơi tịch-tĩnh không tiếng người,
Tán-loạn trong tâm không phát-khởi.
Nghiệp thiện thế-gian, xuất-thế-gian,
Tâm không chướng-ngại đều thành-tựu.
Bởi thế, Lan-nhã là căn-bản,
Hay sinh trăm nghìn thứ Tam-muội.
Lấy “đại-không-tịch” làm hư-không,
Thân-tâm người tu không chướng-ngại.
Đầy-đủ được mười thắng-lợi ấy,
Thế nên các Thánh thường ở đó.
Trí-Quang các ông, các Phật-tử,
Nếu muốn chóng thành Nhất-thiết-trí;
Cho đến trong mộng không bỏ rời,
Nơi A-lan-nhã: Bồ-đề-đạo.
Sau Tôi diệt-độ, người phát tâm,
Thường hay ở nơi A-lan-nhã;
Không lâu ngồi trên Bảo-hoa-vương,
Chứng được pháp-thân thường-lạc-quả. [32]
Khi đức Thế-Tôn nói pháp ấy, vô-lượng trăm nghìn vị Sơ-phát-tâm đối với đạo vô-thượng được Bất-thoái-chuyển. Bọn ông Trí-Quang, các Bồ-tát-chúng được Đà-ra-ni, đầy-đủ đại-thần-thông. Trăm vạn Nhân, Thiên phát tâm Bồ-đề, ngộ ba pháp-môn giải-thoát.
Lúc đó, Như-Lai bảo đại-chúng rằng: “Nếu có tịnh-tín thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào được nghe pháp-môn sâu xa về bốn “vô-cấu-tính” như thế, thụ-trì, đọc tập, giải-thuyết, biên chép, những người ấy ở nơi sinh của họ, họ sẽ gặp được bậc thiện-tri-thức, tu hạnh Bồ-tát mãi mãi không bị thoái-chuyển, không bị hết thảy các nghiệp phiền-não nhiễu-loạn; trong đời hiện-tại được phúc-trí lớn, trụ-trì Tam-bảo, được sức tự-tại, nối tiếp Phật-chủng không đoạn-tuyệt. Và, khi mệnh mất quyết được sinh lên cung trời Tri-túc, yết-kiến Ngài Di-Lặc, chứng ngôi Bất-thoái; trong hội đầu Long-Hoa được nghe chính-pháp, thụ Bồ-đề-ký, chóng thành Phật-đạo; nếu nguyện muốn sinh sang cõi nước chư Phật trong mười phương, thời tùy sở-nguyện mình mà được vãng-sinh, được thấy Phật, nghe pháp, cứu-cánh bất-thoái vô-thượng chính-đẳng chính-giác.” [33] Chú thích:
[1] Vô-cấu-tính: Đối với 4 thứ: quần áo, đồ nằm, thức ăn uống, thuốc men, tuy phải dùng nhưng, không tham-cầu, không làm nhiễm-ô chân-tính là “vô-cấu-tính”.
[2] Vô-duyên từ-bi: “Từ-bi” có nghĩa là cho vui, cứu khổ. “Vô-duyên từ-bi” là 1 trong 3 loại từ-bi. Ba loại từ-bi là: 1/ Chúng-sinh-duyên từ-bi: Tâm từ-bi coi tất cả chúng-sinh như cha mẹ, quyến-thuộc. Vì có duyên với họ, nên thường nghĩ tới sự cho vui, cứu-khổ họ. Tâm từ-bi này phần nhiều do tại nơi phàm-phu hoặc những người hữu học, chưa dứt được phiền-não mà phát-khởi. 2/ Pháp-duyên từ-bi: Bậc Thánh-nhân trong Tam-thừa đã dứt được phiền-não, đạt tới pháp-không (sự-vật là không), phá được tướng “ngã” nơi ta, cùng phá và diệt được tướng nhất (một), dị (khác), chỉ thương chúng-sinh không biết là “pháp-không”, nhất tâm muốn gỡ khổ, được vui, nên tùy theo ý họ mà gỡ khổ, cho vui cho họ. 3/ Vô-duyên từ-bi: Tâm từ-bi này chỉ có nơi Phật. Tâm chư Phật không trụ vào trong tính hữu-vi vô-vi, không trụ vào trong ba đời: quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, biết rõ mọi duyên là không thực, điên-đảo hư-vọng, nên tâm không bị duyên vào đó. Song, chư Phật vì thấy chúng-sinh không biết thực-tướng của các pháp, phải đi lại trong năm đường, tâm chấp-trước vào các pháp, lấy, bỏ, phân-biệt, vì vậy nên tâm không duyên với chúng-sinh, nhưng, vẫn làm cho hết thảy chúng-sinh tự-nhiên được sự lợi-ích trong sự cho vui, cứu khổ.
[3] La-hầu-la (Rahula): Tàu dịch là “Phú-chướng”. Là con trai của Thái-Tử Tất-đạt-đa (tức là đức Phật). Theo Phật xuất-gia, là vị Mật-hạnh đệ nhất.
[4] Đoạn trên, từ chữ “Khi” đến chữ “nào”, các ông Trưởng-giả xin Phật dạy cho về cách an-trụ, tu-tập, điều-phục tâm như thế nào?
[5] Mười hai hạnh Đầu-đà: “Đầu-đà” (Dhùta): Tàu dịch là “Đẩu-tẩu” có nghĩa là vị thực-hành phương-pháp giũ bỏ, nghĩa là không tham-trước về 3 món: quần áo, ăn uống và nơi ở. Thực-hành hạnh này cần giữ 12 điều: 1/ Mặc áo đụp. 2/ Chỉ có 3 áo. 3/ Đi khất-thực. 4/ Không ăn nhiều bữa. 5/ Ăn một bữa đúng trưa. 6/ Ăn có hạn. 7/ Ở nơi A-lan-nhã. 8/ Ngồi nơi mộ-địa. 9/ Ngồi dưới gốc cây. 10/ Ngồi nơi đất trống. 11/ Ngồi nơi đất cỏ. 12/ Thường ngồi không nằm.
[6] Chiên-đà-la (Candàla): Tức là người đồ-tể. Xưa kia, tại Ấn-độ hạng người này là người ngoài 4 giai-cấp trong xã-hội. Hạng người này đi ra đường phải cầm cờ, lắc chuông v.v…để người ta biết để tránh.
[7] Ca-sa (Kasàya): Có nghĩa là áo nhuộm hoại-sắc, không để chính-sắc. Ca-sa là áo của các vị Tỷ-khưu. Ca-sa có ba bậc: 1/ An-đà-hội (Antarvàsaka) 5 điều. 2/ Uất-đa-la-tăng (Uttaràsanga) 7 điều. 3/ Tăng-già-lê (Sanghàti) 9 điều đến 25 điều.
[8] 37 Bồ-đề-phận-pháp: Tức 37 đạo-phẩm: 4 niệm xứ, 4 chính-cần, 4 như-ý-túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác-chi và 8 chính-đạo. (Xem trong quyển Bước đầu học Phật có giải rõ)
[9] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ” đến chỗ “Vô-cấu-tính”, đức Phật dạy về cách an-trụ, tu-hành và điều-phục của Bồ-tát xuất-gia. Bồ-tát xuất-gia luôn luôn quán nhân-quả 3 đời tại nơi mình, cần tu hạnh Đầu-đà, điều-phục tâm mình như bọn Chiên-đà-la và không tham-cầu về 4 sự thường dùng: quần áo, đồ nằm, ăn uống, thuốc-thang. Do đó, phát sinh đạo-phẩm và Tam-bảo thường-trụ.
[10] Thai, noãn, thấp, hóa: Tức là 4 loại sinh: 1/ Thai-sinh (Jaràyuja): loài do thai-nghén rồi sinh con. 2/ Noãn-sinh (Andaja): Loài sinh trứng. 3/ Thấp-sinh (Samsvedaja): Loài nương nơi ẩm-thấp mà sinh. 4/ Hóa-sinh (Upapàduka): Loài y vào nghiệp-lực mà hóa-sinh.
[11] Ba tính: Thiện, ác và vô-ký (không thiện không ác).
[12] Hoa-vương: Tức là tòa Kim-cương hoa-quang-vương. “Hoa-vương”: bông hoa cao quý, rộng khắp biểu-tượng cho pháp-giới vô-lượng. Pháp-giới vô-lượng ví như hoa sen nghìn cánh, mỗi cánh là trăm ức cõi và mỗi cõi có một đức Phật thuyết-pháp độ-sinh. Theo ý nghĩa trên, thời trong câu “Hoa-vương” này có nghĩa là chư Phật thành Phật (chứng được pháp-thân), sẽ đem lại phúc-lợi cho tất cả chúng-sinh trong pháp-giới không phân-biệt.
[13] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy” đến chỗ “Như-Lai”, đức Phật nhắc lại ý-nghĩa đã nói trong chính-văn về việc an-trụ, tu-hành điều-phục, để gây mầm Bồ-đề, thành tựu vô-lậu thánh-đạo và làm lợi-lạc cho quần-sinh.
[14] Pháp-y: Áo đúng pháp, không tham-cầu, không thừa-thãi
[15] Năm tà-kiến: 1/ Thân-kiến: chấp ta và của ta. 2/ Biên-kiến: chấp một bên, hoặc là “đoạn” hay là “thường”. 3/ Tà-kiến: không tin nhân, quả. 4/ Kiến-thủ: chấp chặt tri-kiến mình là hơn. 5/ Giới-cấm-thủ: chấp giữ những giới-cấm phi-lý.
[16] Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa”, đến chữ “chóng”, đức Phật nói rõ sự cần-thiết và lợi-ích của y-phục. Việc y-phục, người biết tri-túc, không tham-cầu, thời sẽ là ruộng phúc cho thí-chủ, mầm đạo Bồ-đề sẽ tươi tốt như lúa về mùa Xuân, sẽ hưởng được quả tốt như quả chín mòm trong mùa Thu; không bị sợ-hãi trong các tai-nạn và chóng thành vô-thượng-giác.
[17] 7 mạn, 9 mạn: “Mạn” có nghĩa là cậy mình khinh người:
7 mạn: 1/ Mạn: kém mà cho mình hơn. 2/ Quá-mạn: bằng mà cho mình hơn. 3/ Mạn-quá-mạn: người hơn mà cho mình hơn. 4/ Ngã-mạn: chấp ta, của ta sinh ngông-nghênh. 5/ Tăng-thượng-mạn: chưa chứng Thánh-quả cho mình đã chứng. 6/ Ty-mạn: người hơn mình nhiều phần lại cho mình là kém ít phần. 7/ Tà-mạn: làm ác được kết-quả sinh ngông-nghênh.
9 mạn: 1/ Ngã-thắng-mạn: bằng, lại cho ta là hơn. 2/ Ngã-đẳng-mạn: hơn, lại nghĩ ta bằng. 3/ Ngã-liệt-mạn: người hơn nhiều, cho ta là kém ít. 4/ Hữu-thắng ngã-mạn: nghĩ người so-sánh với mình là hơn. 5/ Hữu-đẳng ngã-mạn: nghĩ người cùng mình bằng. 6/ Hữu-liệt-ngã: nghĩ người kém mình. 7/ Vô-thắng-ngã: nghĩ người đối với mình không hơn. 8/ Vô-đẳng-ngã: nghĩ người đối với mình không bằng. 9/ Vô-liệt-ngã: nghĩ người đối với mình không kém.
[18] Vô-kiến-đỉnh: Tức là tướng Nhục-kế của Phật. Tướng này ở trên đỉnh đầu Phật, hết thảy Nhân, Thiên không trông thấy được, nên gọi là “vô-kiến-đỉnh”.
[19] Hai lợi-hạnh: Lợi mình và lợi người.
[20] Bốn món ăn: 1/ Đoạn-thực: xưa gọi là “đoàn-thực”: Những đồ ăn phải chia ra từng phần, từng nắm, từng miếng mà ăn. 2/ Xúc-thực: xưa gọi là “lạc-thực”: xúc-chạm những việc vui mừng, thân-thể lớn khỏe, không ăn cũng không biết đói. 3/ Tư-thực: xưa gọi là “niệm-thực”: Ý-thức thứ 6 nghĩ (tư) đến cảnh mong muốn, sinh ra niệm hy-vọng, mà giúp-đỡ các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) sinh-trưởng. 4/ Thức-thực: 8 thức hay chống-chõi và gìn-giữ cho thân-mệnh chúng-sinh, nên gọi là “thức-thực”. Bốn món trên đều chống-chõi, gìn-giữ và nuôi lớn thân-mệnh chúng-sinh, nên gọi là “thực” (món ăn).
[21] Pháp-hỷ, Thiền-duyệt-thực: Nghe pháp vui mừng căn lành thêm lớn, giúp ích cho thân-mệnh trí-tuệ, cũng như những món ăn của thế-gian giúp cho thân-thể, nên gọi là “Pháp-hỷ-thực”. Lấy sự vui vẳng-lặng trong thiền-định nuôi-nấng thân-tâm, nên gọi là “Thiền-duyệt-thực”.
[22] Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa” cho đến chỗ “vô-lậu hơn”, đức Phật dạy về việc khất-thực. Khất-thực có nhiều lợi-ích cho mình và lợi-ích cho người. Người khất-thực phải có tâm bình-đẳng, ăn đủ sống, không tham-cầu và biết rằng 4 món ăn của thế-gian còn là món ăn hữu-lậu (còn phải sinh-tử, chưa giải-thoát), chỉ có món ăn: Pháp-hỷ, Thiền-duyệt là món ăn của Hiền-thánh, là món ăn vô-lậu (được giải-thoát, không còn sinh-tử).
[23] Bất-tịnh quán-môn: Môn quán về thân không trong-sạch.
[24] Thất Thánh-tài: 7 thứ của của Hiền-thánh: 1/ Tín: tín-thụ chính-pháp. 2/ Tiến: tinh-tiến cầu đạo. 3/ Giới: giữ-gìn giới-luật. 4/ Tàm-quí: biết thẹn-hổ nơi mình và người. 5/ Văn: tin nghe chính-giáo. 6/ Xả: vui bỏ hết thảy. 7/ Định-tuệ: lắng trong vọng-niệm, soi tỏ sự lý.
[25] Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa” đến chỗ “đạo-tràng”, đức Phật dạy các Phật-tử xuất-gia khi có bệnh nên uống thứ thuốc của người đã sắc bỏ đi, Uống thứ thuốc này tức là không còn có sự khen, chê, tham-cầu, để dễ quán bất-tịnh, diệt phiền-não và phúc-trí chóng viên-thành.
[26] A-lan-nhã: (Àrinya): Nơi núi rừng thanh-vắng mà các vị tu-hành ở, Tàu dịch là: “Vô-tránh-thanh”: nơi xa vắng không còn có tiếng cãi-cọ; “Nhàn-tịch”: nơi vẳng-lặng, thong-thả; “Không-nhàn”: nơi trống-trải, rộng-rãi bao-la, không huyên-náo, được tự-tại; “Viễn-ly-xứ”: nơi xa tránh sự xôn-rộn của đời.
[27] Ba quả Bồ-đề: Tức là 3 chính quả của Thanh-văn, Duyên-giác và Phật.
[28] Tứ vô-úy: Bốn pháp nói về tâm hóa-tha không sợ. Vô-ú có 2 thứ: vô-úy của Bồ-tát và vô-úy của Phật.
A.- Vô-úy của Phật: 1/ Nhất-thiết-trí vô-sở-úy: nói được nhất-thiết-trí tâm không sợ-hãi. 2/ Lậu-tận vô-sở-úy: nói dứt hết mọi phiền-não, tâm không sợ-hãi. 3/ Thuyết-chướng-đạo vô-sở-úy: nói ra pháp chướng-hại đạo Phật, tâm không sợ-hãi. 4/ Thuyết-tận-khổ-đạo vô-sở-úy: nói rằng hết khổ-đạo, tâm không sợ-hãi.
B.- Vô-úy của Bồ-tát: 1/ Nghe giữ và ghi nhớ giáo-pháp không quên nên thuyết-pháp không sợ. 2/ Biết pháp-dược và biết căn-tính chúng-sinh nên thuyết-pháp không sợ. 3/ Khéo hay về sự vấn-đáp nên thuyết-pháp không sợ. 4/ Hay ngắt dứt nỗi ngờ của chúng-sinh nên thuyết-pháp không sợ.
[29] Tam-muội không: Ý nói nơi A-lan-nhã là nơi tu định, nơi này cũng ví như hư-không hàm-tàng muôn vật, muôn vật đều hàm-tàng trong hư-không, như mọi môn định đều tự nơi A-lan-nhã mà sinh-trưởng.
[30] Ý nói: Ở nơi A-lan-nhã tâm trong sạch, rộng-rãi như hư-không.
[31] Ma-ha-tát: Gọi đủ là Ma-ha-tát-đỏa (Mahàsatt-va), Tàu dịch là “Đại tâm, Đại chúng-sinh, Đại hữu-tình”; có nghĩa là chúng-sinh có tâm rộng lớn, làm những việc lớn-lao. Ma-ha-tát là tiếng gọi thông-thường chỉ cho vị Bồ-tát.
[32] Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa” đến chỗ “thường lạc-quả” đức Phật dạy: Bồ-tát xuất-gia cần phải ở nơi thanh-vắng, tránh xa sự huyên-náo, tu-tập muôn hạnh, để chứng Bồ-đề. Nơi ấy có 10 thắng-đức nên chư Phật và Tam-thừa. Thánh-nhân đều do nơi ấy mà thành đạo. Người phát tâm ở nơi A-lan-nhã, quyết sẽ chứng pháp-thân.
[33] Đoạn trên, từ chỗ “Khi đức Thế-Tôn” đến chỗ “chính-giác” là nói về sự nghe pháp cũng như sự thụ-trì pháp-môn này, hiện nay và mai sau được nhiều sự lợi-ích. V.- PHẨM A-LAN-NHÃ
Bấy giờ, trong pháp-hội có một vị Đại-bồ-tát tên là THƯỜNG-TINH-TIẾN nhờ uy-thần của Phật, liền từ tòa đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu để xuống đất, chắp tay cung-kính bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật nói nơi A-lan-nhã là Bồ-đề đạo-tràng, nếu có người nào phát tâm cầu Bồ-đề, không nên lìa bỏ nơi A-lan-nhã ấy. Trong nơi A-lan-nhã ấy có nhiều chúng-sinh như: hổ, báo, sài-lang, trùng-độc, thú-dữ cho đến chim bay, thợ săn, không biết đến Như-Lai, không nghe chính-pháp, lại không kính Tăng, các chúng-sinh ấy không tu lại thiện-căn, xa lìa sự giải-thoát, thế mà, làm sao Như-Lai lại khiến người tu-học ở nơi A-lan-nhã ấy để chóng được thành Phật? Kính xin Thế-Tôn vì các chúng-sinh phân-biệt, giải-thuyết, giải-quyết cho sự ngờ vực ấy, làm cho chúng-sinh được vui-vẻ phát tâm Bồ-đề, khiến họ không bị thoái-chuyển!”
Đức Phật bảo Bồ-tát Thường-Tinh-Tiến: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện-nam-tử! Ông đem lòng đại-từ hỏi Như-Lai về sự thanh-tịnh giải-thoát, lợi-ích cho những người tu-hành mai sau, công-đức ấy vô lượng. Ông nghe kỹ, nghe kỹ và nhớ nghĩ khéo! Nay Tôi vì ông phân-biệt diễn nói về các công-đức của nơi A-lan-nhã!” Bồ-tát Thường-Tinh-Tiến bạch: “Dạ, bạch Thế-Tôn! Con nguyện muốn được nghe!”
Đức Phật bảo Bồ-tát Thường-Tinh-Tiến: “Như ông nói nơi A-lan-nhã được thành bậc Thánh nhưng, trong rừng núi nhiều chúng-sinh bởi nhân-duyên gì, không được thành Phật. Nghĩa ấy không phải. Sở-dĩ thế là sao? – Các chúng-sinh kia không biết Tam-bảo, không biết chán, đủ, không biết thiện, ác; ở trong rừng núi tuy có nhiều trân-bảo của thế-gian, mà họ vẫn không biết được chỗ ẩn-náu của nó. Đại-bồ-tát không như thế, Thiện-nam-tử! Bồ-tát biết Phật, Pháp, Tăng-bảo là của báu xuất-thế-gian, bảy ngọc báu ẩn-náu là của báu thế-gian, các vị đều phân-biệt được mọi sắc-tướng của nó, biết chỗ ở của nó nhưng, không tham-cầu, cũng không thích thấy, huống là còn nhặt lấy?
Bồ-tát xuất-gia phát tâm kiên-cố không tiếc thân-mệnh, lìa bỏ cha mẹ, lục-thân quyến-thuộc, thích ở nơi rừng núi, thường nghĩ: “Giả-sử khi hết kiếp, cõi tam-thiên đại-thiên này bảy mặt trời mọc ra, hỏa-tai bừng cháy, thiêu-đốt muôn vật, mặt trời, trăng, sao, núi Tu-di, bảy núi Kim-sơn, núi Thiết-vi…, lúc thời đến đều bị tiêu-tan; ngay đến cõi cao nhất ba cõi là cõi trời Phi-phi-tưởng, khi hết tám vạn kiếp lại sinh xuống cõi đất; Chuyển-luân Thánh-vương có nghìn con vây quanh, thất-bảo quyến-thuộc và bốn châu đều phục, mà khi quả-báo của thọ-mệnh hết cũng không dừng được chốc lát. Nay ta cũng thế, giả-sử tuổi thọ đủ trăm năm, bảy báu đầy-đủ, hưởng-thụ mọi sự khoái-lạc nhưng, sứ-giả Diễm-ma đến là không khỏi được vô-thường. Thấy thế nên suy-nghĩ rằng: “Nay ta không gì bằng thay thế cha mẹ ta cùng các chúng-sinh tu hạnh Bồ-tát, sẽ được thân kim-cương bất-hoại, rồi trở lại trong ba cõi độ cho cha mẹ”. Phát-nguyện ấy rồi ở nơi Lan-nhã vì các chúng-sinh phát ra những thệ-nguyện rộng lớn. [1]
Bồ-tát thượng-căn phát-nguyện: “Nguyện, con khi chưa thành Phật trở lại, thường ở nơi đất trống, luôn luôn ngồi không nằm”. Bồ-tát trung-căn phát-nguyện: “Nguyện, con khi chưa thành Phật trở lại, thường ngồi ở dưới cây có lá che rợp, không nằm”. Bồ-tát hạ-căn phát-nguyện: “Nguyện, con khi chưa thành Phật trở lại, thường ngồi trong nhà đá, không nằm”.
Ba căn trong Bồ-tát xuất-gia như thế, ngồi trong ba tòa [2] vừa nói, đều nghĩ: “Bồ-tát thuở quá-khứ ngồi trên tòa này, chứng được Đà-ra-ni-môn công-đức tự-tại; các Bồ-tát trong đời đã qua, hiện nay và mai sau, đều ở trên tòa này được Đà-ra-ni tu chứng tự-tại; ta cũng như thế, nay ta ngồi nơi này quyết sẽ thành-tựu Đà-ra-ni, được tự-tại. Nếu chưa thành-tựu và được tự-tại, ta quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã!”
Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được bốn tâm vô-lượng (từ, bi, hỷ, xả) quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được năm sức thần-thông, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được sáu pháp Ba-la-mật, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được phương-tiện thiện-sảo, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa điều-phục được hết thảy hữu-tình, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được bốn nhiếp-pháp, [3] quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa tu-tập được pháp lục-niệm [4] quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa thành-tựu được “trí-tuệ, đa-văn”, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa thành-tựu được sức tin bền-vững, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa dứt trừ được sáu mươi hai kiến, [5] quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa tu-tập được tám chính-đạo, [6] quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa dứt hẳn được tập-khí của phiền-não-chướng, sở-tri-chướng, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được trí-tuệ vi-diệu trong việc tùy bệnh cho thuốc, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được tâm Đại-bồ-đề, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã, Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được hằng-sa Tam-muội, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa thành-tựu được vô-lượng thần-thông, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát dùng sức thần-thông nơi đại-định (định-thông-lực) thấy mười tám “không” [7] mà tâm không kinh, đại-sự như thế nếu chưa thành-tựu, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được Nhất-thiết-trí, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được Nhất thiết-chủng-trí, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa tu-tập được ba mươi bảy Bồ-đề phận-pháp, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được muôn hạnh trong Thập-địa, [8] quyết không lìa-bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát ở trong trăm kiếp chưa tu-hành được về nghiệp-quả của tướng tốt, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được bốn trí của Như-Lai, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được sự chứng Đại-niết-bàn, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát ngồi tòa Kim-cương mà chưa chứng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác, quyết ngồi luôn không đứng dậy. Thế là Bồ-tát thực-hành hạnh A-lan-nhã.
Thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia phát tâm Bồ-đề, vào trong rừng núi, ngồi trên ba tòa vừa nói, mài luyện thân tâm, trải bao đại-kiếp, tu muôn hạnh, chứng được vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề.
Lúc đó, đức Thế-Tôn nói lại nghĩa trên bằng lời kệ sau này:
Thời xưa nhân-địa các Như-Lai,
Ở A-lan-nhã, lìa trần-tục;
Đoạn, dẹp phiền-não, sở-tri-chướng,
Vượt qua ba cõi chứng Bồ-đề.
Bồ-tát quá-khứ tu hành-nguyện,
Lấy A-lan-nhã làm nhà cửa;
Trong vô-số kiếp tu phúc-trí,
Cứu-cánh Thập-địa chứng tam thân.
Bồ-tát vị-lai cầu Phật-quả,
Vào trong núi sâu tu diệu-hạnh;
Dứt trừ hai chướng, nhân sinh-tử,
Sẽ chứng tam-không chân giải-thoát.
Mười phương hiện-tại các Bồ-tát,
Tu-trì muôn hạnh ở “không-nhàn”;
Không tiếc thân-mệnh cầu Bồ-đề,
Niệm niệm chứng được vô-sinh-trí.
Nếu muốn chóng chứng Tam-muội sâu,
Nhân tu diệu-định, siêu-thần-thông;
Nơi A-lan-nhã tâm không rộn,
Biến được đại-địa thành thất-bảo.
Nếu muốn dạo chơi khắp mười phương,
Đi lại tự-tại vận thần-thông;
Cúng-dàng chư Phật lợi quần-sinh,
Ở nơi Lan-nhã không sợ-hãi.
Muốn chứng trí như-huyễn hữu, vô, [9]
Hiểu thấu các pháp bản-lai-không;
Ở A-lan-nhã, Bồ-đề-tràng,
Khiến chúng, cũng vào chân-giải-thoát. [10]
Nếu muốn chóng được như-như-trí,
Chứng-hội các pháp như-như-tính;
Hết đại-kiếp-hải lợi quần-sinh
Thường ở Lan-nhã nơi không-tịch.
Nếu người muốn được nan-tư-trí,
Tu-di thu vào trong hạt cải;
Tu-di, hạt cải tướng bất-hoại,
Vào nhà thần-thông trong Lan-nhã. [11]
Nếu người muốn được vô-ngại-trí,
Một tiếng diệu-âm dùng thuyết-pháp;
Tùy loại chúng-sinh đều được thoát,
Nên ở Lan-nhã tu diệu-quán.
Nếu muốn không sinh và không diệt,
Ứng-hiện quốc-độ khắp mười phương;
Phóng quang thuyết-pháp lợi quần-sinh,
Chớ lìa Lan-nhã nhà không-tịch.
Nếu lấy ngón chân ấn đại-địa,
Khiến cõi mười phương đều chấn-động;
Thấy tướng, phát tâm trừ tà-kiến,
Nên ở Lan-nhã quán tự-tâm. [12]
Nếu muốn trong khi Phật xuất-hiện,
Tối-sơ kính dâng vi-diệu-cúng;
Thí-ba-la-mật đều viên-mãn,
Ở A-lan-nhã tu diệu-hạnh.
Nếu người, khi Phật nhập Niết-bàn,
Tối-hậu cúng-dàng thành nghĩa “Thí”;
Dứt hẳn nghèo-cùng và tám nạn,
Thệ-nguyện ở trong A-lan-nhã.
Nếu muốn phúc-trí đều viên-mãn,
Chư Phật mai sau sắp Niết-bàn;
Nhận nguyện rộng lớn, Phật giao cho,
Ở A-lan-nhã tu lục niệm.
Sau khi chư Phật nhập Niết-bàn,
Kết tập di-pháp độ chúnh-sinh;
Trợ-tán chân-thừa của chư Phật,
Ở nhà “không-tịch” trong Lan-nhã.
Đại-sư Nhân, Thiên: Đấng Thế-Tôn,
Khó thấy, khó gặp hơn Ưu đàm;
Nếu muốn yết-kiến, sửa cúng-dàng,
Nên ở Lan-nhã, bi-nguyện rộng.
Mọi báu tuy tôn, PHÁP tôn hơn,
Thành Phật, hóa lợi do đây cả;
Như người muốn được thường nghe pháp,
Ở A-lan-nhã tu phạm-hạnh.
Đầu, từ thân này đến thân Phật,
Thường nguyện phát tâm hoằng chính-giáo;
Cho đến khi chưa được Bồ-đề,
Niệm niệm không bỏ A-lan-nhã.
Nếu người muốn báo ơn cha mẹ,
Thay thế cha mẹ phát thệ-nguyện;
Vào Bồ-đề-tràng trong Lan-nhã,
Ngày đêm thường tu về diệu-đạo.
Nếu muốn đời nay thêm phúc-trí,
Mai sau không đọa trong tám nạn;
Như thế, chúng-sinh phát thiện tâm,
Ở A-lan-nhã tu bi-nguyện.
Bồ-tát ba đời cầu chân-giác,
Được đạo Niết-bàn trong Lan-nhã;
Thế nên gọi là đại-đạo-tràng,
Thánh-chúng Tam-thừa đồng ở đó.
Bồ-tát chán khổ vào rừng núi,
Vì độ quần-sinh cầu Thánh-đạo;
Tự chưa thành Phật độ người trước,
Sáu đạo, bốn loài đều thương-xót.
Bồ-tát thượng-căn ở đất trống,
Bồ-tát trung-căn trong bóng lá;
Bồ-tát hạ-căn ở nhà đá,
Chưa thành Phật-đạo thường không nằm.
Bồ-tát ba đời ở Lan-nhã,
Được sức tự-tại Đà-ra-ni;
Nay ta thề cùng tâm Bồ-đề,
Chửa được Tổng-trì, ở đây mãi.
Được Đại-bồ-đề ở Lan-nhã,
Vào đại-viên-tịch do đây được;
Bồ-tát khởi phát trí kim-cương,
Đoạn hoặc, chứng chân [13] thành Diệu-giác.
Hóa rộng chúng-sinh qua làng xóm,
Vì cầu tịch-diệt ưa rừng núi;
Nhân muôn hạnh đầy, quả cũng trọn,
Hết thời vị-lai độ mọi loài.
Khi đức Thế-Tôn nói về hạnh A-lan-nhã của Bồ-tát xuất-gia như thế, vô lượng Bồ-tát chứng Cực-hỷ-địa; Hằng-hà-sa vô số Bồ-tát lìa hẳn tướng, dụng vi-tế phiền-não, chứng Bất-động-địa; bất-khả-thuyết, bất-khả-thuyết Đại-bồ-tát dứt hết thảy hoặc-chướng vào Diệu-giác-địa; vô-biên chúng-sinh phát tâm vô-đẳng-đẳng, vô-thượng chính-đẳng chính-giác; chín vạn bảy nghìn chúng-sinh xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh.[14] Chú thích:
[1] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ” đến chỗ “rộng lớn”, Bồ-tát Tinh-Tiến ngờ hỏi về việc nơi A-lan-nhã. Đức Phật nói rõ nghiệp-duyên chúng-sinh ở nơi ấy, để phá tan sự ngờ vực. Và, Ngài còn nói rộng về các Bồ-tát thích ở rừng núi, vì quán thấy lẽ khổ trong vô-thường, nên nguyện tu-hành để báo ân.
[2] Ba tòa: Ngồi nơi đất trống, dưới cây và nhà đá.
[3] Bốn nhiếp-pháp: Bốn phương-pháp thực-hành để dắt dẫn chúng-sinh, tin theo chính-đạo: 1/ Bố-thí. 2/ Ái-ngữ. 3/ Lợi-hành. 4/ Đồng-sự.
[4] Lục-niệm: Sáu phương-pháp nhớ nghĩ: 1/ Niệm-Phật: nghĩ đến Phật đủ mười hiệu, phúc-trí viên-mãn, mong muốn bằng Phật. 2/ Niệm-Pháp: nghĩ đến Pháp là lời nói của Phật có nhiều công-đức, mong muốn chứng được. 3/ Niệm-Tăng: nghĩ đến các vị Tăng, được vô-lậu-pháp, đầy-đủ ba học, làm ruộng phúc cho đời, mong tu hạnh ấy. 4/ Niệm-giới: nghĩ đến giới-hạnh có nhiều thế-lực ngăn trừ ác-pháp, mong gắng hộ-trì. 5/ Niệm-thí: nghĩ đến hạnh bố-thí có công-đức lớn, trừ bệnh sẻn tham, muốn đem thiện-pháp bố-thí cho chúng-sinh. 6/ Niệm-thiên: nghĩ đến các cõi trời, do tu thiện-căn, giới, thí, được sự khoái lạc tự nhiên, mong đủ công-đức ấy, sinh lên những nơi ấy.
[5] 62 Kiến: Sáu mươi hai thứ tà-kiến (tư-tưởng sai lầm) này, kinh, luận giải-thích không đồng, nay y vào phẩm Phật-mẫu trong kinh Bát-nhã phân-tích sự thiên chấp về: sắc, thụ, tưởng, hành, thức và thân, thần như sau:
A.- Chấp 5 uẩn thuộc quá-khứ : 1/ Sắc là thường. 2/ Sắc là vô-thường. 3/ Sắc là thường, vô-thường. 4/ Sắc là phi thường, phi vô-thường. Thụ, Tưởng, Hành, Thức 4 uẩn đều chấp 4 thứ như vậy nên thành 20 kiến.
B.- Chấp 5 uẩn thuộc hiện-tại: 1/ Chấp sắc (không-gian) là hữu biên (có bờ cõi, nghĩa là có chỗ cùng cực). 2/ Chấp sắc là vô-biên. 3/ Chấp sắc là hữu-biên, vô-biên, 4/ Chấp sắc là phi-hữu-biên, phi-vô-biên. Thụ, Tưởng, Hành, Thức 4 uẩn đều chấp 4 thứ như vậy, nên thành 20 kiến.
C.- Chấp 5 uẩn thuộc vị-lai: 1/ Chấp sắc là như khứ: chấp sắc thân sinh lại thế-gian này thế nào, khi chết đi, đến đời sau vẫn như thế. 2/ Chấp sắc là bất-như-khứ: quá-khứ không có chỗ lại, thời vị-lai cũng không có chỗ đi. 3/ Chấp sắc là như-khứ, bất-như-khứ: sắc thân, thức-thần hòa-hợp thành người, sau khi chết thức-thần đi, sắc thân không đi. 4/ Chấp sắc là phi như khứ, phi bất như khứ (câu này có nghĩa là đả phá câu thứ ba). Thụ, Tưởng, Hành, Thức bốn uẩn đều chấp bốn thứ như vậy, nên thành 20 kiến.
Chấp 5 uẩn trong 3 đời thành 60 kiến và thêm chấp về “thân”, “thần” là “nhất” (một) hay là “dị” (khác), mà thành 62 kiến.
[6] 8 chính-đạo: chính-kiến, chính-tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính-tinh-tiến, chính-niệm và chính-định.
[7] 18 không: “Không”: Các pháp do nhân-duyên sinh, rốt-ráo không có thực-thể, gọi là “không”. Lại là sự không-tịch của lý-thể. 18 Không: 1/ Nội không. 2/ Ngoại-không. 3/ Nội ngoại không. 4/ Không-không. 5/ Đại không. 6/ Đệ nhất nghĩa không. 7/ Hữu-vi không. 8/ Vô-vi không. 9/ Tất-cánh (rốt-ráo) không. 10/ Vô-thủy không. 11/ Tán không. 12/ Tính không. 13/ Tự-tính không. 14/ Chư pháp-không. 15/ Bất khả đắc không. 16/ Vô pháp không. 17/ Hữu pháp không. 18/ Vô pháp, hữu pháp không.
[8] Thập-địa: 1/ Hoan-hỷ-địa. 2/ Ly-khổ-địa. 3/ Phát-quang-địa. 4/ Diệm-tuệ-địa. 5/ Nan-thắng-địa. 6/ Hiện-tiền-địa. 7/ Viễn-hành-địa. 8/ Bất-động-địa. 9/ Thiện-tuệ-địa. 10/ Pháp-vân-địa. Mười bậc này đều gọi là “địa”, vì thâu tóm các công-đức hữu-vi và vô-vi dùng làm tự-tính, cùng làm chỗ nương-tựa chắc-chắn hơn cả cho sự tu-hành, khiến hay sinh-trưởng, cho nên gọi là “Địa”.
[9] Trí như-huyễn hữu, vô: “Như-huyễn” có nghĩa là vẫn giả mà giống như thực. Như những người làm trò, xuất hiện vai này, vai khác trên sân khấu, làm cho người ta trông thấy, nghe thấy như thực, gọi đó là “huyễn”. Sự huyễn tuy thấy, nghe như thực, mà chẳng phải thực. Vì vậy, đem ví-dụ cho hết thảy pháp (sự vật) là không thực. Nơi đây nói được trí-tuệ, quán-chiếu hữu (có), vô (không) là như-huyễn, nên gọi là “trí như-huyễn hữu, vô”.
[10] Đoạn trên, từ chữ “Muốn” đến chữ “thoát”, 4 câu kệ này nói: ở nơi Lan-nhã chứng được trí như-huyễn hiểu rõ các vật bản-lai là không và làm cho chúng-sinh cùng hiểu, để vào được nơi giải-thoát chân-thực.
[11] Đoạn trên từ chỗ “Nếu muốn chóng được như-như-trí”, đến chỗ “trong Lan-nhã”, 8 câu kệ này nói: ở nơi Lan-nhã sẽ chứng được chính-trí trong lý-thể của pháp-tính bình-đẳng không hai, đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh mãi mãi. Chứng được chính-trí ấy, đầy-đủ sức thần-diệu không thể nghĩ bàn, quán-chiếu rõ thực-tính, thực-tướng của mọi pháp, như hạt cải là vật cực nhỏ, núi Tu-di là vật rất lớn, mà thực-tướng lý-thể của chúng vẫn bình-đẳng không hai. Do bình-đẳng không hai và do trí-lực vi-diệu, sự chuyển-biến qua nhau, không chi chướng-ngại nên nói “Tu-di thu vào trong hạt cải”.
[12] Đoạn trên từ chỗ “Nếu người” đến chỗ “tự tâm”, 12 câu kệ ấy cũng nói về: ở nơi Lan-nhã sẽ được trí-tuệ vô-ngại, cất tiếng vi-diệu nói pháp, chúng-sinh nghe được đều giải-thoát. Và, tùy duyên ứng-hiện độ-sinh, dùng thần-thông, tới đâu chỉ ấn ngón chân xuống đất là khắp nơi rung-chuyển, đất nước trang-nghiêm, chúng-sinh phát tâm theo chính-đạo.
[13] Đoạn hoặc chứng chân: Dứt trừ vọng-hoặc (phiền-não) chứng-nhập chân-trí.
[14] Đoạn trên, từ chỗ “Bồ-tát thượng căn phát-nguyện” (thuộc chính-văn), đến chỗ “được pháp nhãn-tịnh” này, đức Phật nói về các Bồ-tát ở nơi Lan-nhã, tùy theo trình-độ, tự lập những lời thệ-nguyện kiên-cố, nếu không chứng-quả không bỏ A-lan-nhã. Tiếp sang bài kệ cũng nhắc lại nghĩa trên và nói nhiều về trí-lực và lợi-ích vi diệu. Sau cùng, nói về chúng-hội nghe pháp được lợi.
Đến đây hết quyển thứ năm.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.162.107 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.