Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh [大方便佛報恩經] »» Bản Việt dịch quyển số 6 »»

Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh [大方便佛報恩經] »» Bản Việt dịch quyển số 6

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.7 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.84 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Chính Tiến - Thích Quảng Độ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển Thứ Sáu
PHẨM ƯU BA LY THỨ TÁM

Khi bấy giờ đại chúng vây quanh Đức Thế Tôn, cúng dàng cung kính, tôn trọng tán thán.
Lúc đó Ngài A Nan nhận thấy trong tâm mọi người đều có điểm ngờ vực, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật rằng:
-Bạch Thế Tôn, tại sao Thế Tôn lại nhận cho Ưu Ba Ly, là người hạ tiện, theo Phật xuất gia? Việc đó làm nhục nhã cho hàng đệ tử Phật và khiến cho các dòng bất kính, do vậy mà tổn mất phúc điền, và cũng khiến cho con Vua Bạch Tịnh là Nan Đà Tỷ Khưu sinh lòng khinh mạn?
Phật bảo Ngài A Nan và đại chúng rằng: “Các ông nghe cho kỹ! Các ông có thể nói Như Lai không có lòng bình đẳng, không có tâm đại bi, không có năm trí, không có chính định, nhưng các ông không được nói rằng Ưu Ba Ly là người hạ tiện, tu tập hạnh hạ tiện, nguyện hạ tiện và tinh tiến hạ tiện.
Các ông có thể nói, Như Lai còn phiền não, thay đổi không thường, nhưng các ông không được nói Ưu Ba Ly là người hạ tiện đi xuất gia”.
“Như Lai dùng cái trí biến khắp, chân chính mà nói những lời chân thật, vậy các ông nên tin theo lời Phật.
Như Lai khi thấy rõ được sự sinh tử là tai họa mà một mình giác ngộ thành Phật, thì Ưu Ba Ly cũng theo Phật xuất gia, chứng được tam minh, lục thông và đầy đủ tám món giải thoát, các chúng cõi trời, cõi người đều sinh lòng ngưỡng mộ.
Ưu Ba Ly là người giữ luật vào bật nhất, hộ trì chính pháp xứng đáng lãnh nhận sự cúng dường, khiến cho chúng sinh thành tựu được ba thứ diệu quả, nghĩa là: Quả báo ở đời này, đời sau và nhiều kiếp về sau nữa. Bởi thế, các ông nên biết, Ưu Ba Lay là một đại bi Bồ Tát, tu hạnh vi diệu. Ở những kiếp quá khứ xa xưa, trong giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, Ưu Ba Ly cũng là người trì luật thứ nhất”.
Khi nghe Phật tán thán mật hạnh của Ngài Ưu Ba Ly, Nan Đà Tỷ Khưu mới khởi tâm cung kính, liền đứng dậy đến lễ Ngài Đại Kiều Trần Như và lần lượt lễ các vị đệ tử khác. Nhưng khi đến Ngài Ưu Ba Ly thì Nan Đà chỉ cúi đầu, rồi ngẩng lên và chắp tay đứng nhìn mà thôi. Lúc đó, đức Như Lai vì Nan Đà nói bài kệ rằng:
Nan Đà, ngươi nên biết,
Chớ khinh người nghèo cùng,
Đừng cậy mình giàu sang,
Xuất gia không phân biệt.
Nan Đà nghe Phật chỉ dạy cho những điều lợi lạc, sinh lòng vui mừng, liền sửa lại y phục, rồi cúi đầu lễ chân Ngài Ưu Ba Ly. Lúc ấy trời đất đều rung động. Nan Đà thấy mình khoan khoái, nhẹ nhàn tức thì chứng được đạo quả A La Hán mà vào địa vị của bậc vô học vậy.
Bấy giờ Phật bảo Ngài Ưu Ba Ly rằng: “Ông hãy thuyết pháp, nói rõ sự sai khác về Tam Bảo, pháp Tứ Đế, về tại gia, xuất gia, về thất chúng… nghĩa là ông hãy nói rõ về Tam Quy, Ngũ Giới cho đến hết thảy các giới, về giới làm lợi ích chúng sinh, giới diệt trừ phiền não, giới điều trị thân tâm, giới thuyền định, và giới vô lậu v.v…để làm cho ngôi Tam Bảo được hưng vượng”.
Bấy giờ Ngài Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, nhờ sức uy thần của Như Lai tiếp dẫn, hộ niệm, con xin hỏi Thế Tôn một vài điều không hiểu”.
Nói xong, Ngài tự suy nghĩa: Thế nào là Tam Bảo? Phật, Pháp, Tăng?
Tam Bảo nếu không có bản chất thì làm thế nào phân biệt mà nói được? Pháp Tăng cũng khác nhau, vậy nếu quy y Tam Bảo thì phụng hành thế nào? Còn Tam Quy nếu chỉ là một thì không thể nói có ba, nếu nói Tam Quy thì tại sao lại có thất chúng khác nhau?
Tự suy nghĩ thế rồi, Ngài Ưu Ba Ly mới bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, nương nhờ về đâu gọi là quy y Phật?”
Khi ấy Đấng Đại Giác Thế Tôn bảo Ngài Ưu Ba Ly rằng: “Phật là người đã giác ngộ, thấu suốt cả hai phần “tính” và “Tướng” của hết thảy các pháp. Lại nữa tất cả chúng sinh đang mê man trong ba cõi, Phật đã được đạo nhãn, tự mình đã được đạo nhãn, tự mình đã thức tỉnh, lại thức tỉnh cho chúng sinh còn mê man kia, bởi thế mới gọi là Giác.
Phật đã thấu suốt hết thảy mọi pháp và có thể thuyết minh tất cả các pháp”.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi Phật:
-Thế nào gọi là Phật thuyết hết thảy các pháp? Phật tùy cơ, thích ứng với chúng hội mà thuyết, chỉ thuyết cho từng nhóm người thôi?
Phật đáp:
-Phật theo căn tính của chúng sinh và tùy thời cơ mà thuyết các pháp.
Sau này các đệ tử kết tập pháp tạng sẽ chia ra từng bộ loại một.
Khi Phật thành đạo, vì các đệ tử mà nói ra giới luật, có giới khinh giới trọng, hữu tàn và vô tàn, kết tập thành Luật Tạng.
Khi Như Lai nói về nhân quả, tội phúc, các món ràng buộc, phiền não và các nghiệp thân, khẩu, ý thì kết thành Luận Tạng.
Như Lai vì trời, người, tùy thời có thuyết pháp để khuyên họ tu tập, nói ra bộ Tăng Nhất A Hàm.
Sau lại vì những chúng sinh thông minh, nói các pháp cao sâu, gọi là Trung A Hàm, để cho những người có lợi căn theo đó mà tu tập.
Sau nữa, nói các phép tọa thiền cho những người tu thiền định học tập, nên mới thành bộ Tạp A Hàm.
Sau hết, vì phá trừ tà kiến, ngoại đạo mà nói ra bộ Trường A Hàm.
Tất cả bốn loại đó, sau kết tập thành Kinh Tạng.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu Phật đã nói hết thảy các pháp, thì tại sao một hôm Phật ngồi dưới gốc cây, bốc một nắm lá mà hỏi các đệ tử là lá trong tay Phật nhiều hơn hay lá trên cây nhiều hơn? Các đệ tử đều trả lời là lá trên cây nhiều hơn.
Lúc đó Phật bảo các đệ tử rằng tất cả các pháp Phật đã thấu suốt cũng nhiều như là lá trên cây. Còn các pháp Phật đã nói chỉ là lá trong bàn tay mà thôi. Vậy làm sao có thể nói là Phật đã thuyết hết thảy pháp?
Phật trả lời:
-Hết thảy các pháp đều có “biệt tướng” và “tổng tướng”.
Như Lai nói đã thuyết hết thảy các pháp là nói về phần “biệt tướng” chứ không phải “tổng tướng”.
Không phải Như Lai không nói được phần “tổng tướng” đâu, nhưng nếu Như Lai nói phần “tổng tướng” thì chúng sinh không thể lãnh hội được.
Các ông nên biết Như Lai đã thấu suốt hết thảy pháp, nhưng mới chỉ nói về phần “biệt tướng” của các pháp chứ chưa nói đến phần “tổng tướng”.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu Phật biết mà có thể nói được, thì các vị Thanh Văn, Duyên Giác, căn cứ vào chỗ hiểu biết, cũng có thể nói được.
Vậy tại sao các vị đó không thể xưng là Phật được?
Phật đáp:
-Không thể được. Là vì Phật biết và nói được đầy đủ cả hai phần “tính”, “tướng” của các pháp, còn các vị Thanh Văn, Duyên Giác, tuy cũng biết và nói được, nhưng không thể nói hết “tính”, “tướng” của mọi pháp.
Lại nữa, Phật hiểu thấu và có thể đặt tên cho các pháp, nhưng Thanh Văn, Duyên Giác không thể làm được.
Lại nữa, Phật chứng được vô biên pháp và có thể nói mãi không cùng, nhưng Nhị Thừa không thể được.
Lại nữa, có pháp “cộng” và “bất cộng” cái mà Nhị Thừa được thì Phật cũng có, nhưng cái mà Phật có thì Nhị Thừa chưa được.
Cái mà Thanh Văn đã chứng được thì Tam Thừa đều biết; cái mà Duyên Giác đã chứng được thì Thanh Văn và Bồ Tát cũng đều biết.
Nhưng cái mà Phật đã chứng thì Nhị Thừa không thể biết được, chỉ Phật tự biết mà thôi.
Lại nữa, tráp lớn thì nắp phải lớn, pháp lớn thì pháp tướng cũng vô cùng.
Cái trí của Phật là cái trí không có bờ bến, cho nên Phật mới có thể thấu suốt và thuyết minh được hết thảy các pháp, còn trí của Nhị Thừa là cái trí có hạn, nên Nhị Thừa không thể thấu suốt được “tính”, “tướng” của hết thảy pháp.
Lại nữa, Phật đã chứng được cái trí biết như thực, nghĩa là đối với “tính”, “tướng” của các pháp, Phật đều hiểu rõ như thực, Nhị Thừa hiểu các pháp chưa được hoàn toàn chưa thấu suốt đến căn nguyên của “tính” và “tướng”, bởi thế không thể nói là đã chứng được trí biết như thực.
Căn cứ vào những nghĩa nói trên, nên biết Nhị Thừa không thể xưng là Phật.
Hơn nữa, chữ Phật không thể dùng tiếng mà truyền được, cũng không thể lấy nghĩa mà hiểu được.
Còn thế nào gọi là Thế Tôn? Là người có thể biết hết các pháp đối trị vậy.
Lại nữa, ở thế gian ngôn ngữ bất đồng, nên người đời không hiểu được nhau, mà Phật thì hiểu biết tất cả, nên gọi Phật là Thế Tôn.
Lại nữa, như Lặc Tỷ Khưu nói, Nhị Thừa phàm phu tự nói đã chứng được các pháp, hoặc ưa nơi tĩnh mịch, hoặc thích thiền định, hay các pháp khác, nhưng giữ bí mật. Phật thì không thế, Phật chứng được các pháp, đều rủ lòng từ bi mà nói cho người khác nghe.
Lại nữa, vì Phật đã diệt trừ được tham, sân và si, nên gọi là Thế Tôn.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nhị Thừa cũng đã phá trừ được tham, sân, si, tại sao lại không thể xưng là Thế Tôn?
Phật trả lời:
-Không thể được, vì Nhị Thừa đối với tâm đại thừa còn có khi thoái chuyển, Phật thì không bao giờ thoái chuyển. Thoái chuyển có ba:
Một là, đã chứng quả mà còn thoái chuyển;
Hai là, chưa chứng quả mà đã thoái chuyển;
Ba là, đã đến chỗ ứng dụng mà còn thoái chuyển.
Đã chứng quả mà thoái chuyển là nói ngôi Thanh Văn đã chứng được quả thứ ba mà còn có khi thoái chuyển.
Chỉ có quả thứ tư là quả A La Hán thì mới không còn thoái chuyển.
Còn như Trung Thừa, nếu đã tu tập đủ trăm kiếp, đã thấu suốt được mười hai nhân duyên, thành Bích Chi Phật, cũng không còn thoái chuyển nữa.
Nhưng nếu là Hạ Thừa, chứng quả thứ ba, mà thành Bích Chi Phật, thì vẫn còn thoái chuyển.
Còn như Phật đã chứng quả rồi, thì không bao giờ thoái chuyển nữa.
Chưa chứng quả mà thoái chuyển là nói những người Tam Thừa, chưa chứng được quả mà đã thoái chuyển; nếu tu ba nghiệp của Tỷ Khưu mà lười biếng, hoặc tu tập các pháp, không chăm chỉ, thì gọi là chưa chứng quả đã thoái chuyển vậy.
Đã tới chỗ ứng dụng mà còn thoái chuyển là nói những người đã chứng được các pháp, mà không ứng dụng hiện tiền, như thập lực của Phật và mười trí của Tiểu Thừa, mà chỉ ứng dụng một; hay phải tụng mười vạn lời kinh, mà không tụng, đều gọi là đã đến chỗ ứng dụng mà thoái chuyển vậy.
Thanh Văn chưa chứng quả mà thoái chuyển; Duyên Giác và Độc Giác cũng có khi chưa chứng quả mà thoái chuyển, nhưng Phật thì không bao giờ thế.
Đối với tất cả hạnh tu tập, không bao giờ Phật biếng nhác.
Nhị Thừa đã đến chỗ ứng dụng mà còn thoái chuyển, chứ Phật thì lại không nhất định.
Như trong mười lực mà chỉ dùng một, bỏ chín, nên gọi là thoái chuyển.
Hoặc như tụng hai mươi vạn lời kinh, mà người phàm sức yếu, phải tụng một, hai ngày mới xong, nhưng Phật có thể tụng xong ngay.
Thập lực cũng vậy, dùng là dùng liền, không bị ngăn ngại.
Cho nên Phật không không có sự không dùng mà bỏ. Như người mặc áo Nê hoàn tăng không phải thời không mặc, không như người thế gian. Bất cứ làm việc gì đều vì lợi ích của chúng sinh mà làm. Việc gì có lợi thì làm, không có lợi thì bỏ, chứ không phải có lợi thì bỏ, chứ không phải không làm được, bởi thế Phật không có sự không dùng mà thoái chuyển.
Tuy Phật hiểu suốt các pháp mà nói không nhất định là vì ý Phật sâu xa, không thể nghĩ lường được.
Ngài Ưu ba Ly hỏi:
-Tại sao Thanh Văn đã chứng đến quả A Na Hàm còn thoái chuyển? Nhưng chứng quả A La Hán thì không thoái chuyển?
Phật đáp:
-Quả A Na Hàm đã từng được nên thoái chuyển, còn quả A La Hán thì chưa từng được, cho nên không thoái chuyển.
Cũng như người đang đói mà được ăn cỗ ngon, không bao giờ quên, ý nghĩa quả A La Hán cũng vậy.
Lại nữa, A La Hán lấy nhẫn nhục làm đạo vô ngại, lấy trí tuệ làm đạo giải thoát, còn A Na Hàm lấy trí tuệ làm đạo vô ngại và cũng lấy trí tuệ làm đạo giải thoát, cho nên còn thoái chuyển.
Lại nữa, A La Hán lấy sự hiểu biết như thực làm đạo, cho nên không thoái chuyển, còn a Na Hàm thì lấy tư duy làm đạo, cho nên còn thoái chuyển.
A Na Hàm vì còn phải diệt hết vọng tưởng và trừ sạch tham, sân, si, ái, tà kiến, vô minh, nên còn bị tư duy bức bách.
Nhưng A La Hán thì tìm hiểu đạo như thực, nên không bị bức bách. Thấy rõ được phần “vọng” tức thấy lý “chân”. Như không cần tư duy, nên không bị bức bách và vì thế không thoái chuyển vậy.
Lại nữa, cái trí tìm hiểu của A La Hán lớn mạnh, như rường cột, chống đỡ mọi vật, nên không thoái; còn cái trí tư duy của A Na Hàm nhỏ, yếu, cho nên còn thoái.
Lại nữa, A La Hán dùng tâm nhẫn nhục và trí tuệ để diệt trừ chín phẩm tư hoặc ở dục giới, bảy mươi hai phẩm kết phược ở sắc giới, cho nên không còn thoái chuyển.
Căn cứ vào các nghĩa nói trên, nên biết Nhị Thừa không thể xưng là Thế Tôn, mà chỉ có Phật mới được xưng Thế Tôn mà thôi.
Lại nữa, Phật đã dứt hết tập khí, nhưng Nhị Thừa chưa đoạn kết.
Chẳng hạn như Ngưu Ty Tỷ Khưu thường nhai như trâu, là vì năm trăm kiếp trước phải đọa làm kiếp trâu, bây giờ mới được làm người, nhưng cái tập khí nhai như trâu vẫn chưa hết.
Hoặc như vị Tỷ Khưu kia, tuy đã chứng quả A La Hán, nhưng thường thích soi giương, là vì những kiếp trước phải làm thân kỳ nữ.
Lại như một vị Tỷ Khưu kia, thường hay bám lấy bao lơn mà đánh đu, nhẩy, nhót, là vì những kiếp trước, đọa làm loài khỉ vậy.
Bởi thế Nhị Thừa không được xưng là Thế Tôn.
Ngài Ưu Bà Ly hỏi:
-Phần đầu các kinh thường có câu: “Chính tôi được nghe…” là lời của A Nan nói khi Phật còn ở đời thuyết pháp, ông được nghe như vậy.
Nhưng hai mươi năm sau khi Phật thành đạo, A Nan mới theo Phật xuất gia.
Như vậy, trong hai mươi năm Phật thuyết pháp, A Nan không được nghe.
Thế mà, tại sao sau khi Phật nhập Niết Bàn, lúc kết tập Pháp Tạng, lại nói: “Chính tôi được nghe…”
Phật trả lời:
-Khi A Nan theo Như Lai xuất gia, có xin bốn điều như sau:
“Điều thứ nhất, xin Phật đừng cho con áo cũ của Phật;”
“Điều thứ hai, xin Phật đừng bảo người khác mời con đi phó trai; con vì cầu pháp, vì cung kính Phật mà theo hầu bên Phật chứ không phải vì cơm, áo.”
“Điều thứ ba, sớm tối, các vị Tỷ Khưu muốn được thấy Phật thì cứ việc vào, chứ con không phải vào bạch trước.”
“Điều thứ tư, trong hai mươi năm Phật thuyết pháp, con không được nghe, xin Phật nói lại hết cho con nghe.”
Theo điều nguyện thứ tư, Như Lai phải tuyền chư Thiên nói lại cho A Nan nghe. Cũng có khi Như Lai dùng tâm Tam Muội truyền cho A Nan nghe lại từ các vị Tỷ Khưu khác.
Ngài Ưu Ba Ly lại hỏi:
-Phật thuyết pháp trong hai mươi năm, làm thế nào có thể nói lại hết được?
Phật đáp:
-Như Lai dùng cái trí phương tiện thiện xảo, cho nên trong một câu, có thể diễn ra vô lượng pháp, và trong vô lượng pháp, có thể chỉ tóm tắt trong một câu. Nhờ lợi căn, Phật chỉ nói qua giềng mối của tám vạn pháp là A Nan thông hiểu hết cả.
Như một cái cây, gồm có gốc, thân cây và cành, lá, gọi là một cây, Phật vì chúng sinh, trước sau nói pháp, gọi là một Tạng, như thế gọi là tám vạn pháp.
Lại nói, phật ngồi ở một nơi nói pháp, gọi là một Tạng, như thế là tám vạn pháp. Lại như mười sáu chữ, là nữa bài kệ, ba mươi hai chữ là một bài kệ, như thế cũng gọi là tám vạn pháp.
Lại như một bài kệ dài hay ngắn, có bốn mươi hai chữ, cũng là một bài kệ, như thế cũng gọi là tám vạn pháp.
Lại như nửa tháng một lần tụng giới, cũng gọi là một Tạng, như thế cũng là tám vạn pháp.
Lại như Phật tự nói ra sáu vạn, sáu nghìn bài kệ, cũng là một Tạng và như thế cũng gọi là tám vạn pháp.
Lại như Phật nói, có tám vạn trần lao, thì có tám vạn pháp tạng để đối trị, cho nên gọi là tám vạn pháp tạng.
Ngài Ưu Bà Ly lại hỏi:
-Tại sao Kinh, Luận không lấy Phật làm đầu, mà chỉ có Luật Tạng là lấy Phật làm đầu?
Phật trả lời:
-Vì Luật là hơn hết, và chỉ có Phật mới chế ra Luật mà thôi.
Còn trong Kinh cũng có khi các đệ tử thuyết pháp, cũng có khi Thiêng, Long, Bát Bộ do Phật hỏi mà nói pháp, chẳng hạn như Thích Đề Hoàn Nhân tự nói rằng bố thí là đệ nhất, vì ông đã nhờ công đức bố thí mà được làm Vua cõi Trời, được mọi điều như ý, và Phật cũng cho như thế là phải.
Lại cũng có khi Phật hóa thành các vị Hóa Phật thuyết pháp.
Nhưng Luật thì không thế: Hết thảy Luật nghi, đều do Phật thuyết, vì thế nên lấy Phật làm đầu.
Lại nữa, Kinh thì tùy nơi thuyết pháp mà có quyết định, luật thì không thế. Nếu phạm luật trong nhà, thì không được kết tội ngay, mà phải ra ngoài để kết tội.
Nếu ở nhà người bạch y, làm điều gì phạm luật, phải ra trước công chúng tăng để buộc tội; nếu ở trong làng xóm mà phạm luật, cũng phải ra trước chúng tăng để buộc tội; nếu trong năm chúng xuất gia mà làm điều phạm luật, thì phải ra trước các Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni mà buộc tội, bởi thế cho nên lấy Phật làm đầu.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Tam Quy lấy gì làm tính?
Phật trả lời:
-Tam Quy lấy chỗ người khác dạy làm tính, hoặc không theo người dạy làm tính. Nghĩa là: Khi thụ Tam Quy, quì gối, chắp tay, miệng theo người xướng, mà đọc Tam Quy, thế là cả thân, khẩu đều theo người dạy, bởi vậy gọi là lấy chỗ người dạy làm tính. Nếu dốc lòng chí kính, tự mình xướng hiệu Tam Quy, không theo người khác, thế gọi là lấy chỗ không theo người khác làm tính.
Lại nữa, Tam Quy lấy thân, khẩu, ý, tức tam nghiệp, làm tính. Hoặc Tam Quy là Ngũ âm thiện; lấy ngũ âm thiện của chúng sinh là Tam Quy, lấy Tam Bảo làm chỗ sở quy, sở quy là nói theo nghĩa cứu hộ. Ví như người có tội đối với nhà Vua, chạy sang nước khác để cầu cứu. Vua nước ấy nói: “Nếu nhà ngươi muốn được che chở, thì không được ra khỏi nước ta, và không được trái lệnh ta.” Chúng sinh cũng như vậy, vốn thuộc dòng ma, có tội sinh tử, quay về Tam Bảo để cầu sự cứu hộ.
Nếu thành tâm tin tưởng nơi Tam Bảo, không tin chỗ khác, không trái lời Phật dạy, thì Ma Vương tà ác chẳng làm gì được.
Trước có một con chim bồ câu bị một con chim cắt đuổi, bay đến núp sau bóng Ngài Xá Lợi Phất, nhưng vẫn thấy sợ hãi.
Sau nó bay đến núp bóng Như Lai, thì thấy thản nhiên, không sợ; dù cho bể lớn có thể rời đi, nhưng con chim đó bất động.
Sở dĩ thế, là vì Phật có đức đại từ, đại bi, còn Ngài Xá Lợi Phất chưa có được lòng đại từ bi; Phật đã hết tập khí, nhưng Ngài Xá Lợi Phất vẫn còn.
Phật đã tu hạnh Bồ Tát trong ba A tăng kỳ kiếp, Ngài Xá Lợi Phất mới tu tập khổ hạnh trong sáu mươi kiếp. Do đó, chim câu núp bóng Ngài Xá Lợi Phất, vẫn còn sợ hãi, mà núp bóng Phật thì thản nhiên không sợ vậy.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu nói quy y Tam Bảo thì diệt trừ được tội ác, lòng được yên vui, thì sao Đề Bà Đạt Đa cũng quy y Tam Bảo, tín tâm xuất gia, thụ giới cụ túc, mà còn phạm tội tam nghịch, đến nỗi phải đọa vào địa ngục A Tỳ?
Phật đáp:
-Nói cứu hộ là cứu những người còn có thể cứu được mà thôi. Tội ác của Đề Bà Đạt Đa quá sâu nặng, hơn nữa, lại vì định nghiệp nên khó cứu nổi.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu người tội nặng mà Phật không thể cứu được, thì người không có tội, không cần Phật cứu. Vậy tại sao lại nói Tam Bảo có sức cứu hộ?
Phật đáp:
-Đề Bà Đạt Đa tuy quy y Tam Bảo, nhưng tâm không thành thật, không đủ Tam Quy, thường ham danh lợi, tự cho mình là người hiểu biết hết thảy, cạnh tranh với Phật, cho nên Tam Bảo dù có sức lớn, cũng không thể cứu nổi.
Như A Xà Thế Vương, tuy phạm tội nghịch, đáng phải đọa vào địa ngục A Tỳ, nhưng nhờ lòng chí thành, biết cầu Phật ăn năn, nên giảm tội A Tỳ, chỉ phải đọa vào địa ngục Hắc Thằng, cũng như những tội nhân khác, chỉ trong bảy ngày, đều được thoát tội. Đó là nhờ sức cứu hộ của Tam Bảo vậy.
Ngài Ưu Ba Ly lại hỏi:
-Nếu tội của Đề Bà Đạt Đa không thể cứu được, thì tại sao có Kinh nói: “Nếu người nào quy y Phật, không phải sa vào ba đường ác”, là nghĩa gì?
Phật trả lời:
-Nhờ có quy y Tam Bảo nên dù phải vào địa ngục A Tỳ, nhưng Đề Bà Đạt Đa cũng bớt được phần khổ cực, và cũng có lúc tạm nghỉ.
Lại như có người ở trong rừng núi, hay chỗ hoang vắng đáng sợ, nếu họ tưởng niện đến công đức của Phật, thì sự rùng rợn sẽ tiêu tan.
Như thế thì sự quy y Tam Bảo không phải là vô ích vậy.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
Trong Tứ Đế, thì Tam Bảo thay thế cho Đế nào?
Trong hai mươi căn, Tam Bảo thay cho căn nào?
Trong mười tám giới, Tam Bảo thay cho giới nào?
Trong mười hai Nhập, Tam Bảo thay cho Nhập nào?
Trong năm Ấm, Tam Bảo thay cho Ấm nào?
Phật đáp:
Trong Tứ Đế thì Tam Bảo thay cho Diệt Đế và một phần Đạo Đế.
Trong hai mươi hai Căn, Tam Bảo thay cho ba Căn, tức là Căn chưa biết, Căn biết rồi, và Căn muốn biết.
Trong mười tám Giới, Tam Bảo thay cho Ý Căn Giới, Ý Thức Giới và Pháp Trần Giới.
Trong mười hai Nhập, Tam Bảo thay cho Ý Nhập và Pháp Nhập.
Trong năm Ấm, Tam Bảo thay cho năm Ấm vô lậu.
Trong Tứ Đế, Phật Bảo thay cho một phần Đạo Đế, Pháp Bảo thay cho Diệt Đế và Tăng Bảo cũng thay cho một phần Đạo Đế.
Trong mười hai Căn, Phật Bảo thay cho Căn muốn biết; Pháp Bảo vì là Diệt Đế vô vi, nên không thay cho Căn nào. Còn Tăng Bảo thay cho ba Căn vô lậu.
Trong mười tám Giới, Phật Bảo thay cho một phần Ý Căn Giới, Ý Thức Giới và Pháp Trần Giới; Pháp Bảo thay cho một phần Pháp Trần Giới; Tăng Bảo thay cho một phần Ý Căn Giới, Ý Thức Giới và Pháp Trần Giới.
Trong mười hai Nhập, Phật Bảo thay cho một phần Ý Căn Nhập và Pháp Trần Nhập; Pháp Bảo thay cho một phần Pháp Trần Nhập, Tăng Bảo cũng thay một phần Ý Căn Nhập và Pháp Trần Nhập.
Trong năm Ấm, Phật Bảo thay cho một phần năm Ấm vô lậu, Pháp Bảo thì không thay cho năm Ấm, vì năm Ấm thuộc về Hữu vi, còn Pháp Bảo thuộc về Vô vi. Tăng Bảo thay cho một phần năm Ấm vô lậu.
Quy y Phật là quy y Phật Thích Ca Văn hay quy y Phật cả ba đời? Phật trả lởi:
-Quy y Phật ba đời, vì Pháp thân của Phật cùng một thể, cho nên quy y một đức Phật tức là quy y chư Phật ở ba đời vậy.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu nói quy y chư Phật ba đời, thì tại sao các người cõi Trời, mỗi người đều tự xưng là đệ tử của một đức Phật trong bảy vị Phật. Chẳng hạn, người thì nhận mình là đệ tử của Phật Ca Diếp, người thì nhận mình là đệ tử Phật Câu Lưu Tôn v.v… Như vậy, thì chỉ nên nói là quy y một đức Phật, chứ không nên nói là quy y chư Phật ba đời.
Phật trả lời:
-Không nên nói thế. Vì sao? Vì trong Kinh Tỳ Sa Môn nói: “Tỳ Sa Môn Thiên Vương quy y Tam Bảo, là quy y chư Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai”. Theo nghĩa đó thì phải nói là quy y chư Phật ba đời.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu thế thì như các người cõi trời kia, đều tự nhận mình là đệ tử của một đức Phật, nghĩa là sao?
Phật đáp:
-Không thể căn cứ vào lời chư thiên nói mà cho là nghĩa nhất định được.
Chư thiên nhận là quy y một đức Phật, nhưng thật ra thì quy y chư Phật ở ba đời, song chỉ lấy một vị Phật đã xuất thế để chứng minh thôi.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Quy hướng vào đâu gọi là quy y Phật?
Phật đáp:
-Quy y Phật nghĩa là quay về với cái bản tính chân như, đầy đủ trí tuệ công đức của mình.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Như vậy thì quy y sắc thân hay quy y pháp thân?
Phật trả lời:
-Quy y pháp thân chư không quy y sắc thân.
Đừng tưởng sắc thân là Phật; nó chỉ là cái thân hư vọng mà thôi.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu sắc thân là hư vọng, không phải Phật, thì tại sao Đề Bà Đạt Đa làm cho thân Phật chảy máu, lại mắc tội nghịch?
Phật trả lời:
-Sắc thân tuy là giả dối, nhưng là chỗ sở y của Pháp thân, nghĩa là pháp thân phải nương tựa vào sắc thân; cho nên làm hại sắc thân tức là làm hại thân Phật, vì thế mà phạm tội nghịch vậy.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Nương tựa vào đâu gọi là quy y Pháp? Phật đáp:
-Đoạn trừ hết thẩy dục vọng để hướng về Niết Bàn, thế gọi là quy y Pháp.
Ưu Ba Lay hỏi:
-Như thế thì quy y cái vô dục của chính mình hay quy y cái vô dục của người khác?
Phật trả lời:
-Quy y cái vô dục của mình và cái vô dục của người, gọi là quy y Pháp.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Quy y Tăng là quy y vào đâu?
Phật đáp:
-Quy y Tăng là hướng về ruộng phúc tốt lành, nghĩa là hướng tới quả vị Thanh Văn hữu học, và vô học đầy đủ công đức vậy. Thế gọi là quy y Tăng.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Thế thì quy y Tục Đế Tăng hay quy y Đệ Nhất Nghĩa Tăng?
Nếu quy y Đệ Nhất Nghĩa Tăng, thì vì lẽ gì khi Phật thụ Tam Quy cho hai người lái buôn là Đề Vị và Ba Lợi, Phật lại dặn họ: “Sau này có Tăng, các ngươi phải nên quy y.” Sao Phật không nói: “Đệ Nhất nghĩa Tăng thường ở thế gian, các ngươi phải nên quy y?”
Phật trả lời:
-Vì Tục Đế Tăng là chỗ sở y của Đệ Nhất Nghĩa Tăng, cho nên Như Lai mới nói sau này có Tăng, họ phải quy y. Và Như Lai nói thế cũng là vì muốn tôn trọng Tục Đế Tăng vậy.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Phật cũng là Pháp, Pháp cũng là Pháp, mà Tăng cũng là Pháp, như thế chỉ có một Pháp, chứ có chi sai khác?
Phật trả lời:
-Tuy là một Pháp, nhưng theo nghĩa mà nói thì có khác nhau. Chẳng hạn, nói về Tam Bảo thì Vô Sư Trí, quả vị Vô học và hết thẩy công đức là Phật Bảo; Diệt Đế vô vi là Pháp Bảo, công đức, trí tuệ của quả vị Thanh Văn hữu học và vô học là Tăng Bảo.
Nói về Pháp, thì trí vô sư và pháp vô học là Phật Bảo, Diệt Đế vô vi, không phải pháp hữu học, cũng không phải pháp vô học, là Pháp Bảo, Thanh Văn học và Vô học là Tăng Bảo.
Nói về căn thì Phật là Căn vô tri (vi), Pháp thì không căn, Tăng là ba Căn vô lậu. Nói về Tứ Đế thì Phật là Đạo Đế, Pháp là Diệt Đế, Tăng là một phần Đạo Đế.
Nói về quả Sa Môn, thì Phật là Sa Môn, Pháp là quả Sa Môn, Tăng cũng là Sa Môn.
Nói về Bà La Môn thì Phật là Bà La Môn, Pháp là quả Bà La Môn, Tăng cũng là quả Bà La Môn.
Nói về Phạm Hạnh thì Phật là Phạm Hạnh, Pháp cũng là Phạm Hạnh quả, Tăng cũng là Phạm Hạnh.
Nói về Nhân quả thì Phật là Nhân, Pháp Bảo là quả, Tăng là Nhân, Pháp Bảo cũng là quả.
Nói về Đạo quả thì Phật là Đạo, Pháp Bảo cũng là quả, Tăng là Đạo, Pháp Bảo cũng là quả. Phật lấy Pháp làm thầy, Phật do Pháp sinh ra, Pháp là mẹ của Phật, Phật nương vào Pháp mà trụ.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Phật lấy Pháp làm thầy vậy tại sao trong Tam Bảo lại không xưng Pháp trước?
Phật đáp:
-Pháp tuy là thầy, nhưng nếu không có Phật thì Pháp không được mở rộng, bởi thế thường nói: “Đạo do người mở mang”, cho nên Phật đứng đầu Tam Bảo là thế.
Lúc bấy giờ Ngài Ưu Ba Ly lại hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu khi thụ Tam Quy, xưng Pháp Bảo trước rồi sau mới xưng Phật, có được không?”
Phật trả lời:
-Nếu người không hiểu biết, đọc không theo thứ tự, họ không mắc tội, cũng thành Tam Quy được. Nhưng nếu người hiểu biết, mà cố tình đọc sai thứ lớp thì phải mắc tội, và không thể thành được Tam Quy.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu chỉ xưng Phật và Pháp, mà không xưng Tăng, có thành Tam Quy không? Hoặc xưng Pháp và Tăng mà không xưng Phật, có thành Tam Quy không?
Hay chỉ xưng Phật và Tăng mà không xưng Pháp, có thành Tam Quy không?
Phật đáp:
-Tất cả đều không thành Tam Quy, vì không đủ Tam Bảo.
Ưu Bà Ly hỏi:
-Nếu không thụ Tam Quy mà thụ ngay Ngũ giới, có được không?
Hoặc không thụ Tam Quy mà thụ ngay Bát giới, có thành không?
Hay không thụ Tam Quy có được thụ Thập giới không?
Nếu không bạch Tứ Yết Ma, có được thụ giới Cụ Túc không?
Phật trả lời:
-Hết thảy đều không được. Nếu muốn thụ Ngũ giới, trước phải thụ Tam Quy.
Thụ Tam Quy, xong mới được thụ Ngũ giới. Sở dĩ phải nói tên của năm giới, là vì muốn cho người thụ biết rõ tên các giới, cũng như bạch bốn lần Yết Ma rồi mới được thụ giới Cụ Túc.
Còn phải nói đến bốn y, bốn đọa và mười ba tăng tàn, cũng là vì muốn cho người thụ giới rõ vậy.
Thụ Tam Quy xong, nói đến giới sát, v.v…bấy giờ mới được giới.
Nếu một giới giữ được thì năm giới cũng có thể giữ được, bởi thế nói một giới mà gồm được cả năm giới.
Hơn nữa, trong năm giới phân biệt rõ ràng, nên tự ý phát nguyện thụ cả năm giới.
Nói thụ năm giới rồi sau được giới, song trong tất cả thuyết nói trên, đều nên phải thụ Tam Quy rồi mới thụ ngũ giới, như thế mới đúng nghĩa.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Như một người Ưu Bà Tắc, trước đã thụ Tam Quy rồi sau nếu muốn thụ năm giới, tám giới hoặc mười giới, thì có cần phải thụ lại Tam Quy nữa không?
Phật đáp:
-Không cần phải thụ tam Quy nữa cũng được các giới, vì trước đã thụ Tam Quy rồi.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu trước không thụ Tam Quy mà bạch ngay Tứ Yết Ma, thì có được giới Cụ Túc không?
Phật đáp:
-Nếu thụ năm giới, tám giới và mười giới, thì trước cần phải thụ Tam Quy rồi sau mới thụ các giới đó, thì mới thành giới.
Nhưng nếu thụ giới Cụ Túc thì cần phải bạch Tứ Yết Ma mới thành giới, chứ không cần phải thụ Tam Quy trước. Là vì công đức của giới Cụ Túc rất sâu dầy, nếu không nhờ nhiều duyên sức khác thì không thành được giới.
Cho nên Tam Quy không đủ mà phải có ba vị Hòa Thượng và bảy vị tôn chứng, bạch Tứ Yết Ma mới thành được giới Cụ Túc vậy.
Còn như năm giới, tám giới và mười giới ít công đức, cho nên nếu thụ Tam Quy là được thành giới, không cần nhiều duyên sức khác như giới Cụ Túc.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Tại sao khi thụ giới Cụ Túc rồi chỉ nói đến bốn tội và mười ba tội tăng tàn, mà không nói đến các giới khác?
Phật đáp:
-Hai đoạn giới này là những giới nặng nhất, nếu phạm một giới, khó trở lại thanh tịnh được.
Tuy có thể trở lại thanh tịnh được nhưng cách sám hối rất khó.
Người phạm giới này phải hành pháp Ba Lợi Bà Sa và Ma Na Đỏa, sau phải đối trước hai mươi vị Tăng mà sám hối mới được thanh tịnh.
Những giới đó rất khó giữ, còn các giới khác thì dễ giữ, cho nên không cần nói.
Bởi thế chỉ nói đến hai đoạn Tứ đọa và Thập Tam Tăng Tàn, mà không nói đến những đoạn khác.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Giới Ba La Đề Mộc Xoa này là Vô lậu giới hay Thiền giới?
Phật đáp:
-Không phải Vô lậu giới, cũng không phải Thiền giới. Nếu có Phật ra đời thì mới có giới Ba La Đề Mộc xoa, nếu không có Phật ra đời thì không có.
Nhưng Thiền giới và Vô lậu giới, thì dù có Phật ra đời hay không, lúc nào cũng có cả.
Giới Ba La Đề Mộc Xoa phải do người dạy, còn Thiền giới và Vô lâu giới không do người dạy.
Giới Ba La Đề Mộc Xoa phải có người truyền, còn Thiền giới và Vô lậu giới không cần người truyền.
Bất luận lúc ngủ hay thức, tâm thiện, tâm ác, hay tâm không thiện không ác, lúc nào cũng có giới Ba La Đề Mộc Xoa, nhưng Thiền giới và Vô lậu giới thì chỉ tâm Thiền định và tâm vô lậu mới có, ngoài ra trong các tâm vọng niệm thì không có.
Giới Ba La Đề Mộc Xoa chỉ ở cõi người mới có, nhưng Thiền giới và Vô lậu giới thì cả cõi người và cõi trời đều có.
Giới Ba La Đề Mộc Xoa chỉ có ở cõi Dục, còn giới Vô lậu và Thiền giới thì ở cõi Dục cũng như cõi Sắc, đều thành tựu cả.
Giới Ba La Đề Mộc Xoa chỉ đệ tử Phật mới có, nhưng Thiền giới thì không những đệ tử Phật mới có, mà cả đệ tử của ngoại đạo cũng có.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Trong năm giới của Ưu Bà Tắc, thì giới nào là tính tội, giới nào là tội cấm?
Phật trả lời:
-Bốn giới: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói dối là tính tội, còn giới uống rượu là tội cấm. Vì uống rượu mà có thể phạm bốn giới kia, cho nên đặt thành giới thứ năm.
Uống rượu là nguồn gốc của sự buông lung, dông dỡ, có thể dễ phạm vào bốn giới khác.
Như trong thời đức Phật Ca Diếp, có một người Ưu Bà Tắc, vì say rượu mà phạm giam với vợ người khác, bắt gà của người ta mà giết, đến khi người ta hỏi tại sao, thì lại chối là không làm gì cả. Vì say rượu, có thể trong một lúc phá cả bốn giới. Lại vì say rượu, có thể gây nên bốn tội nghịch nữa, duy có tội phá hòa hợp Tăng là không thể gây được mà thôi.
Tuy không phải là túc nghiệp, nhưng vẫn phải chịu quả báo cuồng loạn, vì uống rượu, nên tâm hồn trở nên mê man, rối loạn, cũng như người điên.
Lại cũng vì say rượu mà bỏ mất chính nghiệp như: Ngồi thiền, tụng kinh hoặc giúp đỡ công việc trong chúng.
Do đó, uống rượu tuy không phải là tính tội, nhưng cũng không khác gì tính tội.
Ngài Ưu Bà Ly lại hỏi Phật rằng:
-Trong năm giới của Ưu Bà Tắc thì chỉ đối với chúng sinh mới là giới cấm, không được phạm, hay đối với các loài không phải là chúng sinh, như Thiên, Long, Quỷ, Thần v.v…cũng là giới cấm không được phạm?
Lại nữa, đối với chúng sinh có thể giết hại, có thể trộm cướp, có thể tà dâm, có thể nói dối, thì mới là giới cấm, không được phạm.
Còn đối với Thiên, Long, Quỷ thần, không phải là chúng sinh, không thể sát hại, không thể trộm cướp, không thể tà dâm, không thể nói dối, cũng là giới cấm, không được phạm sao?
Phật trả lời:
-Đối với chúng sinh, thì có bốn giới đầu, đối với loài không phải chúng sinh, thì có giới cấm thứ năm.
Nhưng, nếu nói rộng ra, thì dù chúng sinh có thể giết hại, không thể giết hại, có thể trộm cướp, không thể trộm cướp, có thể tà dâm, không thể tà dâm, có thể nói dối, không thể nói dối, hết thảy đều có giới cấm, không được phạm.
Dưới từ địa ngục A Tỳ, trên từ cõi trời Phi Phi Tưởng, và trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến Như Lai, hết thảy mọi loài có sinh mệnh, đều có giới cấm, không được phạm, vì ngay lúc thụ giới, tất cả đều không được sát hại, không được trộm cướp, không được tà dâm, không được nói dối. Bởi vậy, hết thảy chúng sinh đều có giới cấm.
Cho nên, phàm thụ giới pháp, trước phải nói các giới cho người ta nghe, chỉ bày, giải thích cho người ta hiểu, để lượng sức mình xem có lãnh thụ được không, nếu được họ sẽ sinh lòng khao khát, do đó mới phát tâm tinh tiến mà tu trì.
Còn phép thụ giới, thì tất cả chúng sinh đều có bốn giới, và bốn giới này lại khác nhau, nên thành mười hai giới.
Chẳng hạn, không được giết hại, không được trộm cướp, không được tà dâm, không được nói dối, mà nếu phạm vào bốn giới đó, đều do ba cớ: Một là vì tham, hai là vì sân, ba là vì si.
Như vậy thì ai ai cũng có mười hai điều ác và nếu làm trái lại với mười hai điều ác ấy, thì thành được mười hai giới thiện.
Hết thảy mọi loài chúng sinh đều như thế, ví thử một trăm vạn hay ngàn vạn vị A La Hán được vào Niết Bàn, thì từ vị La Hán đầu tên cho đến vị La Hán cuối cùng, đều do công đức trì giới mà được thành tựu đạo quả.
Nhưng đừng tưởng rằng các vị La hán đã chứng quả thì các giới cũng không còn nữa đâu.
Chẳng hạn đã thụ giới “không uống rượu” thì trọn đời không uống rượu, vì khi thụ giới đã phát nguyện, dù khắp trong ba nghìn thế giới có các thứ rượu, cũng không bao giờ uống nữa.
Giả sử không còn ai làm rượu chăng nữa, thì giới do vẫn thường được trì, mà không bị bỏ mất vậy.
Ngài Ưu Bà Ly hỏi:
-Một người trước khi thụ giới, đối với hết thảy nữ nhân, không phạm giới dâm, nhưng sau lại lấy vợ, thì có phạm giới dâm không?
Phật đáp:
-Không phạm. Là vì đối với tất cả nữ nhân, không được tà dâm, nhưng đây là vợ mình, thì không phải tà dâm, nên không phạm giới đó.
Lấy nghĩa ấy mà suy ra, thì tất cả đều thế.
Tám giới, mười giới, Chúng sinh hay Thiên Long, Quỷ thần được giới cũng thế. Trong hai trăm năm mươi giới, thì hết thẩy chúng sinh đều được bảy giới.
Trong bảy giới này, phân biệt về nghĩa, thì có hai mươi mốt giới.
Thí dụ: Chúng sinh nào thân tạo ba điều ác, và miệng tạo bốn, thành bảy điều ác, thì khi tạo những điều ác đó phải có đủ ba yếu tố: Một là vì tham, hai là vì sân, và ba là vì si mà tạo. Do ba yếu tố đó mà gây nên bảy điều ác, cho nên ba bảy thành hai mươi mốt giới ác.
Nếu làm trái lại hai mươi mốt giới ác ấy thì thành được hai mươi mối giới thiện. Một chúng sinh được hai mươi mốt giới tướng như thế thì hết thẩy chúng sinh khác cũng vậy.
Lấy đó mà suy, thì trong một lúc có thể được vô lượng giới, nhưng không thể phạm hết các giới trong một lúc, song có thể xả tất cả giới trong một lúc.
Nói về phép phá giới, nếu phá bốn giới nặng, thì kể như mất giới, nếu phá giới rồi, sau thụ lại, cũng không được giới. Chẳng hạn như đã phá một giới nặng trong Bát trai giới, sau lại thụ tám giới, năm giới, mười giới, hoặc hai trăm năm mươi giới, thiền giới và giới vô lậu, hết thẩy đều không được.
Nếu trong năm giới mà phá hết bốn giới nặng rồi, sau có thụ tám giới, mười giới, giới Cụ Túc, giới vô lậu hay thiền giới, đều không thành giới.
Nếu phá cả năm giới rồi, muốn xả năm giới để thụ mười giới, thì lại không thể được nữa.
Nếu đã phá và xả năm giới, tám giới, mười giới, Cụ Túc giới, Vô lậu giới và Thiền giới, hết thẩy đều không được.
Nếu đã phá những giới nặng trong mười giới và giới Cụ Túc, muốn được giới lại nên mới xả giới để thụ lại, thì cũng như trong năm giới đã nói ở trên, nghĩa là không được.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Thiền giới, Vô lậu giới và Ba La Đề Mọc Xoa, trong ba giới đó thì giới nào hơn hết?
Phật đáp:
-Ba La Đề Mộc Xoa hơn hết. Là vì nếu Phật có ra đời thì mới có giới này còn Thiền giới và Vô lậu giới thì thời nào cũng có.
Chỉ có loài người mới được thụ trì Ba La Đề Mộc Xoa giới, còn Thiền giới và Vô lậu giới thì người cũng như trời đều được cả.
Đối với hết thẩy chúng sinh, phải sinh lòng thương xót, mới được thụ Ba La Đề Mộc Xoa giới, còn Thiền giới và Vô lậu giới thì không do lòng từ bi cũng được.
Sở dĩ duy trì được Phật pháp, là nhờ có Thất chúng, đạo quả Tam Thừa còn mãi ở thế gian, không bao giờ dứt, đều là nhờ lấy Ba La Đề Mộc Xoa làm gốc.
Thiền giới, Vô lậu giới thì không thế, cho nên trong ba cõi Ba La Đề Mộc Xoa giới tôn quý hơn hết.
Khi sắp thụ giới, bạch Tứ Yết Ma rồi, là giới tướng đã thành tựu. Một mối nghĩ về giới tướng lúc ban đầu gọi là thiện nghiệp, cũng gọi là đạo nghiệp.
Nhưng nếu có một niệm ban đầu rồi, sau mới sinh giới tướng, thì chỉ là thiện nghiệp thôi, chứ chưa phải là đạo nghiệp.
Là vì một niệm về giới tướng lúc đầu, có đầy đủ hai phần “tư” và “nguyện” và vì thế nên gọi là “Tư” đạo nghiệp.
Trước lấy giới làm nhân, sau giới tướng tự nhiên phát sinh, cho nên gọi là thiện nghiệp mà không phải là đạo nghiệp.
Chẳng hạn như một niệm về giới đầu tiên, có “giới tướng”, “giới tính” rồi sau lần lượt sinh ra các giới, nhưng chỉ có giới tính mà không có giới tướng, cho nên một niệm về giới lúc đầu, cũng gọi là giới, cũng gọi là hạnh lành, hoặc gọi là luật nghi. Sau đó, các giới tiếp tục phát sinh, thì cũng theo nghĩa ấy.
Ưu Ba Ly lại hỏi Phật:
-Trong ba đời, thì đời nào được giới?
Phật trả lời:
-Ở hiện tại, chỉ một niệm là được giới, còn quá khứ và vị lai là pháp, chứ không phải chúng sinh, cho nên không được giới, hiện tại một niệm là chúng sinh, cho nên được giới.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Vậy thì ở trong tâm thiện mà được giới, hay trong tâm bất thiện, hoặc trong tâm vô ký, hay trong cái vô tâm mà được giới?
Phật đáp:
-Trong hết thảy các thứ tâm ấy đều được cả.
Trước hết phải lấy thiện tâm mà làm lễ Tăng, thỉnh cầu thầy Hòa Thượng, xin thụ đại giới, quỳ gối chấp tay, bạch Tứ Yết Ma xong, thiện tâm vẫn tiếp tục, đến khi giới tướng được thành tựu, như thế gọi là trong thiện tâm mà được giới.
Nếu lúc đầu lần lượt theo các pháp, thường sinh thiện tâm mà nghe lời truyền giới, nhưng đến khi bạch Tứ Yết Ma, thì lại phát khởi tâm tham dục, tâm sân hận và các niệm bất thiện, nếu trong lúc ấy, mà thành tựu các giới tướng, thì gọi là trong tâm bất thiện mà được giới, là vì phải nhờ sức thiện tâm mới được giới chứ không phải nhờ sức tâm bất thiện vậy.
Nếu lúc đầu, lấy thiện tâm mà nghe lời giảng dạy về giới luật, nhưng khi bạch Tứ Yết Ma lại buồn ngủ, và nếu trong lúc ngủ ấy mà sinh các giới tướng, thì gọi là trong tâm vô ký mà được giới.
Nếu lúc đầu lấy tâm thiện mà nghe lời truyền giới, nhưng đến khi bạch Tứ Yết Ma lại vào định Diệt Tận, nếu ngay lúc đó mà thành tựu các giới tướng, thì gọi là trong các vô tâm mà được giới vậy.
Ngài Ưu Bà Ly lại hỏi Phật:
-Nếu người tại gia không thụ năm giới mà khi xuất gia, thụ ngay mười giới như thế có thành giới không?
Phật trả lời:
-Nếu như thế thì một lúc được hai loại giới: Được giới Ưu Bà Tắc và được giới Sa Di. Nếu không thụ năm giới, mười giới, mà thụ ngay hai trăm năm mươi giới, thì một lúc được ba loại giới.
Ưu Ba Ly lại hỏi:
-Nếu thụ hai trăm năm mươi giới mà đồng thời được ba loại giới, thì hà tất phải theo thứ lớp trước thụ năm giới, kế thụ mười giới rồi mới thụ hai trăm năm mươi giới?
Phật đáp:
-Tuy có thể đồng thời được ba loại giới đấy, nhưng muốn được thấm nhuần Phật pháp, tất phải theo thứ lớp, trước thụ năm giới để điều phục lấy mình, khiến cho lòng tin tăng dần, kế thụ mười giới rồi, thiện căn càng thêm sâu, sau mới thụ hai trăm năm mươi giới.
Nếu theo thứ lớp như thế, thì thâm nhiễm được Phật pháp, lòng tin vững bền, khó có thể thoái chuyển, cũng như đi vào bể lớn, dần dần tới chỗ thật sâu, vào bể Phật pháp, cũng lại như thế.
Nếu một lúc mà thụ ngay hai trăm năm mươi giới, thì không những đã mất thứ lớp mà lại còn phá uy nghi nữa. Hơn nữa, cũng có người chỉ thụ năm giới mà được đạo quả, cũng có người do thụ mười giới mà được đạo quả.
Bởi những sự khác nhau ấy, cho nên Như Lai mới đặt ra thứ tự.
Nếu trước thụ năm giới, kế thụ mười giới, thì trong lúc thụ mười giới cũng thành tựu hai loại giới, nghĩa là năm giới, và mười giới.
Thụ mười giới rồi, sau thụ đến hai trăm năm mươi giới, thì trong lúc thụ hai trăm năm mươi giới, cũng thành tựu được ba loại giới, nghĩa là ngũ giới, thập giới, và Cụ túc giới.
Như trong phép thụ giới của bảy chúng, thì duy chỉ có giới bạch Tứ Yết Ma là phải lần lượt ba thời mới được giới, còn sáu chúng khác thì chỉ thụ một thời cũng được giới chứ không cần phải theo thứ lớp ba thời.
Nếu một lúc thụ được ba loại giới, khi muốn xả giới, nếu nói rằng: “Tôi là Sa Di, không phải Tỷ Khưu”, thì mất giới Cụ Túc, chỉ còn hai loại giới. Nghĩa là ngũ giới và thập giới.
Nếu nói rằng: “Tôi là Ưu Bà Tắc không phải Sa Di”, thì mất mười giới, chỉ còn năm giới.
Nếu nói rằng: “Tôi xả hết các giới tại gia, xuất gia. Tôi chỉ là Ưu Bà Tắc Quy y mà thôi”, thì đồng thời mất hết ba loại giới, nhưng Tam Quy vẫn còn.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu khi thụ giới, theo thứ lớp được ba loại giới, thì khi xả giới cũng theo thứ tự: Chẳng hạn trước đã thụ giới Ưu Bà Tắc, sau xuất gia thụ thập giới, có phải xả ngũ giới, trước không?
Phật trả lời:
-Không phải xả, chỉ mất danh Ưu Bà Tắc và tại gia, chứ không mất ngũ giới. Mất danh Ưu Bà Tắc, được danh Sa Di, mất thứ lớp tại gia, được thứ lớp xuất gia.
Ưu Bà Ly hỏi:
-Sa Di khi thụ giới Cụ Túc, có mất thập giới và ngũ giới không?
Phật đáp:
-Chỉ mất danh và thứ lớp, chứ không mất giới.
Mất danh Sa Di, được danh Tỷ Khưu; mất danh thứ lớp Sa Di, được thứ lớp Tỷ Khưu, trước, sau vẫn là ba loại giới, nhưng tùy thời mà thay đổi tên gọi.
Cũng như lá cây, mùa xuân, mùa hạ thì xanh, mùa thu thì vàng, mùa đông thì trắng, màu sắc có khác những lá cây vẫn một.
Giới cũng như thế, thường là một giới, nhưng tùy thời mà có những tên gọi khác nhau. Hay cũng như sữa để lâu thành váng sữa và sau thành sữa đặc, tùy thời có khác, nhưng vẫn là sữa.
Giới cũng vậy, tuy có ba loại khác nhau, nhưng giới vẫn là một.
Ưu Ba Ly lại hỏi Phật rằng:
-Phàm thụ giới Ưu Bà Tắc, nếu người không đủ sức thụ cả năm giới, mà chỉ thụ một giới, hai giới, hay bốn giới thôi, như thế có được không?
Phật trả lời:
-Không được.
Ưu Ba Ly lại hỏi:
-Nếu không được, thì tại sao lại có Kinh nói “Thiểu phận Ưu Bà Tắc”, “Đa phận Ưu Bà Tắc”, là thế nào?
Phật đáp:
-Nói như thế là để minh định cái công đức trì giới nhiều hay ít, chứ không phải nói cái phép thụ giới như thế được.
Ưu Ba Ly lại hỏi Phật:
-Năm giới chỉ thụ trì trong một ngày, hai ngày hay mười ngày, như thế có được không?
Phật trả lời:
-Không được. Phật đặt ra giới, đều có hạn định, nếu thụ năm giới, phải giữ trọn đời; nếu thụ tám giới, phải trì một ngày, một đêm, bởi thế không được.
-Phàm giới bạch Tứ Yết Ma, đều có thượng, trung, hạ. Năm giới là giới hạ phẩm; mười giới là giới trung phẩm, hai trăm năm mươi giới là giới thượng phẩm.
Trong năm giới, cũng có ba phẩm, nếu phát tâm nhỏ mà thụ giới, thì được hạ phẩm; nếu phát tâm vừa mà thụ giới, thì được giới trung phẩm; nếu phát tâm lớn mà thụ giới, thì được giới thượng phẩm; mười giới, hai tăm năm mươi giới đều có ba phẩm, cũng như trong năm giới nói trên.
Nếu phát tâm nhỏ mà được năm giới rồi, sau phát tâm vừa hay tâm lớn mà thụ mười giới, thì trước cũng được năm giới, chứ không thêm, không hơn.
Từ giới thứ sáu cho đến giới “Quá giờ không ăn” nghĩa là ngoài năm giới, thì gọi là được “năm giới tăng thượng”.
Nếu trước phát tâm nhỏ mà được năm giới, thì cũng vẫn được năm giới hạ phẩm thôi. Lại như trước phát tâm nhỏ mà thụ năm giới, sau phát tâm vừa và tâm lớn mà thụ hai trăm năm mươi giới, thì trước cũng chỉ được năm giới, không thêm, không hơn.
Ngoài năm giới ra, các giới khác cũng thế, nếu khi thụ giới mà tâm thêm lên, thì được giới tăng thượng. Lấy đó mà suy, thì giới Ba La Đề Mộc Xoa không phải dễ được.
Theo thứ tự mà nói, thì năm giới là hạ phẩm, mười giới là trung phẩm, hai trăm năm mươi giới gọi là thượng phẩm.
Theo nghĩa đó mà suy, thì cũng có thể là: Nếu phát tâm lớn mà thụ năm giới, thì được giới thượng phẩm; nếu phát tâm vừa mà thụ mười giới, thì được giới trung phẩm; nếu phát tâm nhỏ mà thụ hai trăm năm mươi giới thì được hạ phẩm.
Căn cứ vào đó thì biết rằng, cứ tuỳ ở tâm, có lớn, vừa, nhỏ, mà được giới cũng có thượng, trung, hạ, không giống nhau, không nhất định vậy.
Nếu thỉnh thầy Hòa Thượng, mà trong lúc thụ mười giới, Hòa Thượng không đến, thì cũng được giới.
Nếu trong khi thụ mười giới, mà thầy Hòa Thượng chết, hoặc biết tin đã chết, thì thụ giới không được; nếu chết mà không biết, thì thụ giới, được giới. Nếu trong lúc bạch Tứ Yết Ma thụ giới Cụ Túc, mà thầy Hòa Thượng vắng mặt, thì không được thụ giới; là vì không đủ tăng số; nếu đủ tăng số và có người thay mặt cho Hòa Thượng, thì được thụ giới.
Ngài Ưu Ba Ly lại hỏi Phật rằng:
-Người Ưu Bà Tắc thụ năm giới, có được buôn bán không?
Phật trả lời:
-Được buôn bán, nhưng không được làm năm nghề sau đây:
1. Không được lấy việc buôn bán súc sinh làm nghề nghiệp.Nếu trước khi thụ giới, nhà có nuôi súc vật, được phép bán đi, nhưng không được bán cho nhà đồ tể.
2. Không được làm nghề buôn bán cung, tên, dao, kiếm, súng đạn. Trước khi thụ giới, nếu có các thứ đó, thì được bán đi.
3. Không được làm nghề bán rượu. Trước khi thụ giới, nếu có rượu, thì được đem bán.
4. Không được ép dầu, sát hại côn trùng. Vì cách ép dầu ở nước Thiên Trúc và nước Kế Tân là: Giã nhỏ hạt gai, đem chôn xuống đất mấy ngày, khi nào sanh ra nhiều trùng mới đem ra ép, để được nhiều dầu. Nhưng nếu xứ nào không làm theo cách ấy, thì ép dầu không phạm giới.
5. Không được làm nghề nhuộm năm sắc lớn, vì phải giết nhiều sâu bọ. Cách nhuộm màu sắc ở các nước Lạc Sa v.v…phải giết nhiều côn trùng bởi thế cấm làm nghề nhuộm.
Ưu Ba Ly lại hỏi Phật:
-Phép thụ “Bát quan trai”, không được ăn quá Ngọ. Nhưng không ăn quá Ngọ là giới thứ chín, vậy tại sao không nói là “Cửu quan trai”, mà gọi là “Bát quan trai”?
Phật đáp:
-Phàm phép ăn chay là lấy sự không ăn quá Ngọ làm thể. Tám giới cùng giúp đỡ cho thành cái “thể” của phép ăn chay, gọi là “Trai pháp Bát Chi” cho nên nóiTám giới mà không gọi là Chín giới vậy.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Người thụ Bát quan trai giới, trong bảy chúng, họ thuộc chúng nào?
Phật trả lời:
-Tuy không thụ giới trọn đời, nhưng vì họ giữ giới trong một ngày đêm; thì cũng có thể gọi là Ưu Bà Tắc.
Ưu Ba Ly lại hỏi:
-Ngoài bảy chúng ra, có giới Ba La Đề Mộc Xoa không?
Phật đáp:
-Có Bát trai giới đó. Lấy đấy mà suy, thì nếu thụ Bát trai giới, không thuộc vào bảy chúng vậy. Phép thụ Bát trai giới, chỉ nói không sát sinh trong một ngày, một đêm thôi, ngoài ra không cấm. Cho nên đừng lầm lẫn với giới tướng trọn đời.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Phép thụ Bát trai giới, có được thụ một lúc trong hai ngày, ba ngày cho đến mười ngày không?
Phật trả lời:
-Phật đã chế ra giới một ngày, một đêm, thì không được quá hạn. Nếu có sức thụ được, thì một ngày xong rồi, lại lần lượt thụ lại, cứ như thế tùy sức nhiều hay ít, chứ đừng tính số ngày. Phàm thụ Bát trai pháp, là phải theo người khác dạy, mới được thụ.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Theo người nào mà thụ?
Phật trả lời:
-Theo người trong năm chúng xuất gia mà thụ. Đã thụ Tám giới, mà đánh đập chúng sinh, thì không được thanh tịnh. Tuy ngay hôm thụ giới, không đánh đập nhưng hôm sau mà đánh đập chúng sinh, cũng không được thanh tịnh.
Nói tóm lại, nếu thân, khẩu, ý làm những việc trái uy nghi, tuy không phạm giới, nhưng cũng mất thanh tịnh. Nếu thân, khẩu, thanh tịnh, nhưng tâm lại khỏi lên những ý tưởng tham dục sân hận, và não hại, thì cũng không được thanh tịnh.
Nếu thân, khẩu, ý ba nghiệp đều thanh tịnh, nhưng lại không tu sáu niệm, thì cũng mất thanh tịnh.
Thụ Tám giới rồi, siêng tu sáu niệm, mới được gọi là trai pháp thanh tịnh.
Nếu làm đến Vua cõi Diêm Phù Đề, giàu có tự tại, vàng bạc, của báu, không thiếu thứ gì. Tuy có những công đức như thế, nhưng nếu đem chia ra làm mười sáu phần, thì công đức của Vua Diêm Phù Đề không bằng một phần công đức giữ Bát quan trai giới được hoàn toàn thanh tịnh.
Nếu người muốn thụ pháp Bát quan trai nhưng trước khi thụ, làm những điều phóng túng, như ham mê sắc dục, đàn địch, ca hát, ăn thịt uống rượu và bày mọi trò vui, phóng tâm làm những việc ấy rồi, sau mới thụ Bát trai giới, như thế bất luận trước sau, đều không thành trai giới.
Nếu người trong tâm không định thụ giới Bát trai, mà làm các việc phóng túng ấy, sau gặp Thiện trí thức dạy cho, liền thụ Bát trai giới, thì bất luận trước sau, đều thành được trai giới.
Nếu người muốn thụ Bát trai giới, mà gặp nhiều việc khó khăn, chướng ngại, không được tự tại, nhưng sau giải quyết xong các việc khó khăn, rồi thụ Bát trai giới, thì bất luận trước sau, đều thành trai giới.
Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu người muốn thụ có hạn, thí dụ chỉ thụ trai pháp ban ngày mà không thụ trai pháp ban đêm hoặc chỉ thụ trai pháp ban đêm mà không thụ trai pháp ban ngày, như thế có được tám giới không?
Phật trả lời:
-Không được. Là vì Phật đặt ra trai pháp, cho thụ một ngày một đêm đã có hạn định như vậy, không được làm sai.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Nếu không được, thì tại sao trong luận Bì Cách nói rằng: “Ức Nhĩ ở chỗ đồng không mông quạnh, thường thấy các loài quỷ đói, chịu mọi tội khổ; hoặc ban ngày hưởng phúc, ban đêm chịu tội. Hoặc ban đêm hưởng phúc, ban ngày phải chịu tội. Sở dĩ như thế, là vì trước kia, khi họ làm người, ban ngày thì thụ giới pháp, ban đêm thì làm việc ác, hoặc ban đêm thụ giới pháp, ban ngày lại làm các hạnh chẳng lành”, thì nghĩa ấy ra sao?
Phật đáp:
-Phàm là nhân duyên kiếp trước, thì không thể căn cứ vào lời nói đó được. Luận Bì Cách không phải là Kinh Luật, cho nên không thể căn cứ vào đó để định nghĩa các thực được. Điều ấy có khi là ông Ca Chiên Diên, vì muốn độ Ức Nhĩ, mà biến hiện như thế để hóa độ Ức Nhĩ, chứ không phải sự thực.
Khi thụ trai rồi nếu muốn xả trai, không cần phải cầu năm chúng để xả. Khi muốn ăn, chỉ cần đến nói với một người là hôm nay xả trai, thế là trai đã được xả rồi.
Nếu nói đến năm ngả, thì chỉ có loài người mới được giới Ba La Đề Mộc Xoa, còn bốn ngả không được.
Chẳng hạn người cõi trời thì đắm đuối ham vui quá nên không được giới. Như trước kia, một hôm vì một đệ tử lâm bệnh, nên Đại Mục Liền Liên phải lên cung trời Đao Lợi để tìm thầy thuốc Kỳ Bà xuống chữa.
Khi lên tới nơi, thì Mục Kiền Liên thấy các người cõi trời đang vui chơi trong vườn Hoan Lạc. Lúc do Mục Liên dừng lại bên đường, nhưng không ai để ý đến cả. Sau Kỳ Bà ngoảnh lại trông thấy Mục Liên, liền giơ tay chào, rồi cưỡi xa thẳng tới. Mục Liên tự nghĩ: “Người này trước kia vốn là đệ tử của ta. Nay được hưởng phúc báo ở cõi trời, và vì quá đắm say thú vui nên không còn nhớ nữa”. Nghĩ xong, liền dùng sức thần thông để chặn xe lại. Kỳ Bà xuống xe, làm lễ Mục Liên.
Bấy giờ Mục Liên dùng mọi lời để trách móc. Kỳ Bà thưa rằng: “Bạch Ngài Mục Liên, vì trước kia ở cõi người, tôi vốn là đệ tử của Đại Đức, bởi thế mới giơ tay chào hỏi, chứ Ngài có thấy chư thiên làm như thế không? Phàm đã sinh lên cõi trời, tâm người nào cũng đắm theo khoái lạc, nên không được tự tại, cho nên mới thế.”
Bấy giờ, Mục Liên hỏi Kỳ Bà rằng:
-Tôi có người đệ tử lâm bệnh, nên chữa theo cách nào?
Kỳ Bà đáp:
-Nên nhịn ăn là tốt hơn hết.
Lại một hôm Mục Liên khuyên Vua Thích Đề Hoàn Nhân, nói rằng: “Phật ra đời khó gặp, tai sao Ngài không luôn luôn gần gũi, để cúng dàng và cầu nghe chính pháp?”
Vua Đế Thích muốn hiểu ý Ngài Mục Liên, nên sai một người sứ đến. Nhưng gọi hai ba lần mà người này không lại, vì họ có một người vợ và một nàng ca kỹ, ham mê tình dục, nên tuy là người cõi trời, mà không tự cắt đứt được. Nhưng cuối cùng, không thể dừng được mà phải đến.
Khi tới nơi, Vua Đế Thích mới hỏi nguyên do tại sao, thì người ấy cứ thực tình mà đáp, nghĩa là vì quá say mê các thú vui, nên không đến ngay được.
Nhân thế, Vua Đế Thích mới bạch Mục Liên rằng: “Người ấy chỉ có một vợ và một nàng ca kỹ, mà còn vui chơi đắm đuối, không tự dứt được, huống nữa là Vua Cõi Trời, có rất nhiều cung điện, vô số thiên nữ, các món thiên thực, trăm mùi thơm ngon, trăm nghìn ca kỹ, ham mê, đắm đuối, nhìn về phía Đông, quên mất phía Tây, thì tự dứt sao được? Cho nên tuy biết rằng Phật ra đời khó được gặp, chính pháp khó được nghe, nhưng vì các lạc thú trói buộc, mất hết tự tại, biết làm sao được?”
Phàm phép thụ giới, là phải dùng cái tâm dũng mãnh, thề cắt đứt mọi duyên, sau mới được giới.
Các người ở cõi Trời, lòng ham đắm dục lạc thì nhiều, sức thiện tâm lại yếu ớt, thì do đâu mà được giới? Các loài ngạ quỷ thì đói khát khổ sở, thân tâm bị thiêu đốt; các loài ở địa ngục thì chịu mọi sự hình phạt, đau đớn ê chề, tâm ý não loạn, cũng không nhờ đâu mà được giới.
Còn các loài súc sinh thì nghiệp chướng sâu dầy, ngu si dốt nát, không hiểu, không biết, nên cũng không thể thụ được giới.
Tuy có chỗ Tịnh nói là Rồng cũng thụ Trai pháp, nhưng đó chỉ nói về thiện tâm, nghĩa là thụ tám giới trong một ngày một đêm thì được công đức thiện tâm, chứ không được tám giới, là vì nghiệp chướng vậy.
Nếu nói về bốn thiên hạ, thì chỉ có ba thiên hạ là Diêm Phù Đề, Câu Gia Ni, Phất Bà Đề và những người trên Hải Châu, khoảng giữa ba thiên hạ, là được giới pháp. Như ở châu Câu Gia Ni, thì Phật sai Tân Đầu Lư đến để truyền bá đạo pháp, thành lập bốn bộ chúng.
Ở châu Phất Bà Đề cũng có Tỷ Khưu thi hành Phật sự, và cũng có bốn bộ chúng. Duy chỉ có Bắc Câu Lư châu là không có Phật pháp, và dĩ nhiên là không có giới. Vì ở đây phúc báo sung sướng quá, và con người lại ngu si, nên không lãnh thụ được Phật pháp.
Lại nữa, có bốn hạng người là: Con trai, con gái, hoàng môn, và nhị căn. Trong bốn hạng ấy, chỉ có hai hạng: Con trai, con gái là được giới, còn hai hạng kia, là hoàng môn và nhị căn, thì không được giới.
Nhưng trong những hạng con trai và con gái, nếu người nào giết cha mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hoại chúng Tăng, làm nhơ Tỷ Khưu ni, dứt hết căn lành, và những kẻ giả mạo làm tăng, những kẻ không thể độ, tất cả những người như thế đều không được giới.
Nói rộng ra thì phàm đã mến chuộng Phật Pháp, bất luận là Trời, Rồng, Quỷ thần, hay Bắc Câu Lư châu, hoặc hoàng môn, nhị căn, tất cả nhưng loài phi nhân ấy, đều được thụ Tam Quy vậy.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Chư Phật ba đời, độ cho chúng sinh được thụ giới đều nhau hay hơn kém nhau?
Phật đáp:
-Không đều. Phàm nói đến giới, thì chỉ có các loài chúng sinh và phi chúng sinh mới được giới mà một vị Phật ra đời, độ vô số A tăng kỳ chúng sinh, vào cõi Vô dư Niết Bàn.
Đến đức Phật sau ra đời, thì hết thảy các chúng sinh ấy đều không được giới. Như thế đủ biết, chư Phật chỗ được giới, đều không giống nhau. Chẳng hạn, như Phật Ca Diếp, độ cho vô số A tăng kỳ chúng sinh. Vào cõi Vô dư Niết Bàn và Ngài cho hết thẩy chúng sinh đó đều được giới.
Nhưng đến Phật Thích Ca Văn, thì những chúng sinh ấy đều không được giới.
Song hết thảy chu Phật đều có ba việc như nhau:
Một là chứa góp công hạnh như nhau.
Hai là pháp thân như nhau.
Ba là độ chúng sinh như nhau.
Hết thẩy chư Phật đều đã tu hạnh Bồ Tát qua ba A tăng kỳ kiếp, đều đã đầy đủ “Năm phần pháp thân”, “Mười lực”, “Tứ vô sở úy”, “Mười tám pháp bất cộng”, và cũng đã độ cho vô số A tăng kỳ chúng sinh vào cõi Vô dư Niết Bàn.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Trong kinh thường nói, một đức Phật ra đời, độ cho chín mươi na do tha chúng sinh vào Vô dư Niết Bàn, nay lại nói vô số A tăng kỳ chúng sinh, là nghĩa thế nào?
Phật trả lời:
-Trong kinh nói, một Phật ra đời, độ chín mươi na do tha chúng sinh, là chỉ nói nhờ Phật mà từng ấy chúng sinh được độ. Còn có những chúng sinh, hoặc nhờ Phật mà được độ, hoặc nhờ các đệ tử của Phật mà được độ, hay nhờ giáo pháp của Phật mà được độ.
Cho nên nói chín mươi na do tha chúng sinh là chỉ do nhờ chính Phật mà được độ. Nói tóm lại, hoặc nhờ Phật, nhờ đệ tử hay nhờ giáo pháp mà vô số A tăng kỳ chúng sinh đã được độ vào cõi Vô dư Niết Bàn.
Chư Phật ba đời đều có ba việc giống nhau, nhưng cách độ sinh đắc giới thì khác nhau vậy.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Các loài chúng sinh và phi chúng sinh đều được thụ ác luật nghi giới không?
Phật đáp:
-chỉ có chúng sinh mới được thụ ác luật nghi giới, còn phi chúng sinh không được thụ. Nói một cách khác, chỉ có các loài có thể giết hại, được thụ ác giới, còn loài không thể giết hại, thì không được thụ, nhưng cũng có thể nói, chúng sinh hay sát hại hay chúng sinh không thể giết, đều được thụ ác giới.
Chẳng hạn, như người đồ tể giết dê, thường mang lòng giết chóc. Ý lúc nào cũng nghĩa đến việc giết dê, giả sử có người ở cõi nhân hay cõi thiên, không làm nghề giết chóc, nhưng vì phải lưu chuyển trong vòng thụ sinh, cũng có khi phải đọa làm kiếp dê. Cho nên hết thảy chúng sinh đều có thể thụ ác giới.
Trong mười hai ác luật nghi cũng vậy. Mười hai ác luật nghi là:
1. Nghề đồ tể
2. Nghề bán nem
3. Nghề nuôi heo
4. Nuôi gà
5. Bắt cá
6. Săn bắn
7. Bẫy chim
8. Bắt trăng
9. Bẫy rồng
10. Làm nghề coi ngục
11. Làm giặc
12. Làm nghề đánh giặc mướn
Đó là mười hai nghề Ác luật nghi. Như người làm nghề nuôi tằm cũng là người không xa lìa được Ác luật nghi.
Có ba thời xả ác Luật nghi giới: Một là lúc chết, hai là lúc thụ luật nghi giới, ba là lúc thụ Tam Quy. Thời thứ nhất bỏ được Ác giới, thời thứ hai và thứ ba thì được gọi là Thiện giới.
Ưu Ba Ly hỏi:
-Khi người ta làm Ác giới, thì lúc nào xả thiện giới mà được ác giới?
Phật đáp:
-Lần đầu tiên nói: “Tôi là người đồ tể”, thì bỏ mất thiện giới. Lần thứ hai, thứ ba nói: “Tôi là người đồ tể”, liền được ác giới.
Nói cách khác, tùy lúc bỏ thiện giới mà được ác giới.
Nếu người tu thiện giới, tuy chưa nói mình là đồ tể, nhưng vì tham lợi, cùng với đồ tể làm việc giết hại, thì lúc ấy cũng phạm thiện giới rồi.
Muốn bỏ thiện giới mà cầu ác giới, thì chỉ tự mình phát thệ là được, chứ không cần theo người khác dạy cho.
Nếu muốn thụ Ác luật nghi giới trong một ngày, một đêm, cho đến mười ngày, hoặc một năm, hai năm cứ tùy theo chỗ tâm mình muốn lâu hay chóng, thì đều được cả, là vì các pháp Ác thuận theo dòng sinh tử, cho nên cứ tùy theo việc làm là được, chứ không như thiện luật nghi giới.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Vào thiền


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.196.141 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập