Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh [大方便佛報恩經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh [大方便佛報恩經] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.58 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.71 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Chính Tiến - Thích Quảng Độ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển Thứ Ba
05. PHẨM LUẬN NGHĨA THỨ NĂM

Khi ấy Đức Như Lai lên cung trời Đao Lợi, vì mẹ là Ma Da phu nhân, và các đại chúng, thuyết pháp trong thời gian chín mươi ngày. Trong chín mươi ngày ấy, ở cõi Diêm Phù Đề, tất cả đều không biết Đức Như Lai ở chỗ nào. Ngài Đại Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất, dùng hết thần lực, để tìm kiếm khắp cả mười phương, cũng lại chẳng biết. Ngài A Na Luật Đà, thiên nhỡn đệ nhất, xem xét khắp cả mười phương, ba ngàn đại thiên thế giới, cũng lại chẳng thấy, cho đến cả năm trăm đệ tử, cũng chẳng biết Đức Như Lai ở đâu, nên ai nấy đều mang lòng buồn rầu mong nhớ.
Vua Ưu Điền, vì luyến mộ Phật, nên dùng cây ngưu đầu chiên đàn, tạc làm hình tượng của Đức Như Lai, để lễ bái cúng dàng cũng như Phật tại thế không khác.
Bấy giờ Đại Vương Ưu Điền mới triệu tập bọn Lục sư ngoại đạo, hỏi xem Đức Như Lai ở chỗ nào? Lúc ấy bọn Lục sư liền tâu rằng:
-Đại Vương nên biết: Đó chẳng qua là cái trò huyễn thuật của Sa Môn Cù Đàm, hóa làm như vậy, cái pháp huyễn thuật ấy không phải là chân thực. Đại Vương nên biết: Trong bốn loại kinh điển Vệ Đà của chúng tôi, cũng đã có nói trong khoảng một ngàn năm hay hai ngàn năm sau, sẽ có một người huyễn thuật ra đời. Sa môn Cù Đàm chính là người đó vậy.
Bấy giờ Ngài A Na Luật Đà đi đến chỗ Đại Vương, bảo Đại Vương rằng:
-Đại Vương nên biết: Đức Như Lai ngày nay hiện đang ở trên cung trời Đao Lợi, sau bảy ngày nữa, sẽ trở về cõi Diêm Phù Đề.
Vua nghe lời nói ấy, lòng sinh vui mừng, truyền lệnh cho khắp cả nước, phải quét dọn, rưới nước, đốt hương, treo các cờ phướng và trang thiết mọi thứ như: Cỗ bàn, hương hoa, kỹ nhạc để cúng dàng Phật.
Lúc đó bọn Lục sư, thấy mọi người đều tụ họp, để trang thiết mọi thứ cúng dàng như thế, mới hỏi rằng:
-Các ngươi trang thiết mọi thứ cúng dàng như vậy, là muốn để mời Quốc vương hay Vương tử ư?
Những người ấy trả lời rằng:
-Không phải vậy đâu!
Bọn Lục sư hỏi:
-Nếu không phải vậy, chắc là để mời các quan Đại thần, Bà la môn hay cư sĩ ư?
Đáp rằng:
-Không phải vậy đâu!
Bọn Lục sư lại hỏi:
-Nếu không phải vậy, chắc là để hội họp họ hàng chăng?
Đáp rằng:
-Cũng không phải vậy nữa, mà đó là chúng tôi muốn thỉnh Phật để cúng dàng vậy.
Bọn Lục sư lại hỏi:
-Phật là gì?
Những người tụ họp trả lời:
-Là bật Nhất thiết trí.
Bọn Lục sư lại hỏi:
-Nhất thiết trí là gì?
Đáp rằng:
-Là người cha lành của tất cả chúng sinh, các ông không biết hay sao? Vua Bạch Tịnh là dòng dõi hào quý đệ nhất, từ sơ kiếp đến nay, con cháu thường tiếp nối nhau, làm Vua Chuyển Luân, nhưng gần hai đời nay, thì không làm Vua Chuyển Luân nữa. Tuy không làm Vua Chuyển Luân, mà chỉ làm Vua cõi Diêm Phù Đề thôi. Trong ba anh em, người lớn nhất, tên Tịnh Phạn, người thứ hai, tên là Hộc Phạm, và người con út, tên là Cam Lộ Phạm. Vua Tịnh Phạm sinh được hai người con trai, người con trưởng tên là Tất Đạt, người con nhỏ tên là Nan Đà. Vua Hộc Phạm lại sinh được hai người con, người con trưởng tên là Đề Bà Đạt Đa, người con nhỏ tên là A Nan. Vua Cam Lồ sinh được một người con gái, tên là Cam Lộ Vị.
Một bữa nọ, người anh cả là Thái Tử Tất Đạt, ra ngoài thành du ngoạn coi thấy những cảnh lão, bệnh, tử, trong lòng bỗng sinh ra mối ưu tư, đến quên cả ăn uống, Thái tử thương xót cho nhân sinh, không luận là sang, hèn, giàu, nghèo, ai ai rồi cũng sẽ không thể thoát khỏi được những cảnh khổ ấy, nên trong một đêm nọ, Thái tử vượt thành xuất gia, ngồi tu dưới gốc cây Bồ Đề khổ hạnh trong sáu năm, sau đó Ngài chứng được Nhất thiết trí. Cho nên kêu Ngài là bậc Nhất thiết trí. Ngài là bậc đã tự tu hành, giác ngộ thành Phật, đầy đủ mười lực, bốn pháp vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, cho đến chứng được Nhất thiết chủng trí. Ngài sinh được bảy ngày thì Thánh mẫu mệnh chung, sinh lên cõi trời Đâu Suất. Ngày nay Phật lên cung trời Đao Lợi, vì mẹ thuyết pháp trong chín mươi ngày, sau bảy ngày nữa, Phật sẽ trở về cõi Diêm Phù Đề này.
Bấy giờ bọn Lục sư, nghe lời ấy rồi, sinh lòng ghen ghét, phiền muộn giận tức, liền tụ tập tất cả đồ chúng, để cùng nhau bàn bạc rằng: “Nếu Sa Môn Cù Đàm trở vể cõi Diêm Phù Đề này, thì tất cả nhân dân, đều sẽ bỏ chúng ta, cúng dàng Cù Đàm như vậy chúng ta sẽ bị cô cùng, e sẽ không thể nào sống được!”
Bấy giờ bọn Lục sư, lại nghĩ rằng: “Chúng ta ngày nay, cần phải đi đến ngay trong những chỗ đông đảo dân chúng, nói lớn như thế này:
-Các người nên biết: Sa Môn Cù Đàm quả thực là người không hiểu biết gì cả, cũng chẳng khác nào đứa trẻ con. Gần đây ông ra khỏi dòng họ Thích, ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, tự nói rằng đã chứng được Nhất thiết chủng trí, nên biết đó chỉ là lời nói hư vọng. Vì sao? –Vì một hôm Vua A Kỳ Đạt, tới thỉnh Cù Đàm để cúng dàng, nhưng những món cúng dàng chỉ là lúa cho ngựa ăn, thế mà Cù Đàm cũng không hay biết gì cả, lại nhận lời thỉnh của nhà Vua. Nên biết Cù Đàm quả thực không phải là người Nhất thiết trí vậy.
Kế đến lại hỏi A Nan:
-Thời gian an cư, còn bao nhiêu ngày nữa?
A Nan thưa rằng:
-Còn bảy ngày nữa.
Kế đến lại hỏi A Nan:
-Ở trong rừng Kỳ Hòa vì sao lại có nhiều những tiếng chim chóc như thế?
A Nan thưa rằng:
-Vì nói tranh nhau ăn.
Lại Cù Đàm vừa sinh được bảy ngày, thì mẹ mệnh chung vì lẽ đó, Cù Đàm là người bạc phúc, cũng là người cực ác, sở dĩ vì thế mà mẹ mất sớm. Lại không phải là người con có lòng từ hiếu sớm tối phụng dưỡng cha mẹ, mà trái lại, lại bỏ đi vào chốn thâm sơn cùng cốc, nên cũng là người vô ân, Vua cha (vì) cưới nàng Cù Di cho ông, nhưng ông trọn không làm hết bổn phận của một người chồng đối với vợ, khiến cho di mẫu Kiều Đàm Di, phải chịu những sự đại khổ não, cho nên biết, Cù Đàm là người chẳng biết ơn, chẳng biết nhớ ơn. Đồ chúng của Sa Môn Cù Đàm không có tôn ty trật tự, vì năm trăm đệ tử đều xưng là đệ nhất. Thầy đã không có giáo pháp, đệ tử cũng không có đạo nghiệp tu hành, cho đến các đồ chúng của Cù Đàm, gồm đủ hạng người như: Tỷ khưu Đà Phiếu, là người chỉ biết trông coi tọa cụ cho Tăng chúng, cũng xưng là đệ nhất, thông minh trí tuệ như Xá Lợi Phất, cũng được dự vào trong số đồ chúng đó. Dốt nát như Tỷ khưu Bàn Đặc cũng được dự vào trong số đồ chúng đó, cho đến Tỷ khưu ni Gia Du Đà La, là người thiểu dục, cũng được dự vào trong số đồ chúng đó; Liên Hoa Sắc, là một người con gái nhà thổ, là hạng đồi bại nhất ở trong thành Xá Vệ, cũng được dự vào trong số đồ chúng đó, cho đến Quân Đề là một đứa trẻ con chưa hiểu biết gì cả, cũng được dự vào trong số đồ chúng đó; cho đến ông Tu Bạt Đà La là một người già cả, một trăm hai mươi tuổi đầu cũng được dự vào trong số đồ chúng đó; cho đến những người hào quý thuộc dòng họ Thích, cũng được dự vào trong số đồ chúng đó; và kẻ hèn hạ nhất, chỉ làm nghề hốt phân ở trong thành Vương Xá cũng được dự vào trong số đồ chúng đó. Cho nên biết: Trong giáo pháp của Cồ Đàm, thực là hỗn tạp, không có tôn ty trật tự, chẳng đáng được tôn kính, cũng ví như một cơn gió lớn, thổi mọi lá cây tụ hợp lại một chỗ, giáo pháp của Cù Đàm cũng lại như thế, hơn nữa đồ chúng của Cù Đàm nhận lãnh những sự cúng dàng như y phục, thức ăn uống của mọi người, cũng ví như đàn chim đi kiếm nhặt những vật mà người thế gian này liệng bỏ. Các ngươi ngày nay, lại thỉnh Cù Đàm làm gì?
Mọi người nghe bọn Lục sư nói rồi, cũng ví như quả đất chẳng hề rung động, đại chúng vì khát ngưỡng Đức Như Lai, nên dẫu nghe bọn Lục sư nói như vậy, mà trong lòng vẫn rắn chắc như kim cương, không hề có thêm bớt, vẫn khát ngưỡng Đức Như Lai, cũng ví người bị khát trông mong được nước uống.
Sau bảy ngày, Đức Như Lai từ thiên cung trở về cõi Diêm Phù Đề, có vô lượng trăm ngàn chư Thiên tùy tùng. Đức Như Lai phóng ra ánh hào quang rực rỡ, thân lực cảm động, chư Thiên trỗi lên trăm ngàn vạn thứ ca nhạc của cõi trời để tán thán cúng dàng Phật, cho đến tất cả chư Thiên, tất cả Long thần, tất cả Quỷ thần, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhân và Phi nhân v.v… tất cả đại chúng thảy đều tụ hợp đông như mây, lễ bái cúng dàng Phật.
Bấy giờ Đại Vương Ưu Điền cùng với đại chúng ra mãi xa nghinh đón Đức Như Lai, đầu mặt lễ xuống chân Phật, rồi lui ra ngồi một phía.
Lúc đó bọn Lục sư cùng với đồ chúng tụ họp, lại khởi ý nghĩ rằng: “Lũ chúng ta ngày này, tai vạ sắp tới nơi, tuy lại ở trước mọi ngươì, nói lên lời nói ấy, mà không ai tin nhận, nay phải đến trong tất cả đại chúng trời, người, tuyên lệnh như thế, để cho đại chúng biết một cách rõ ràng.”
Bọn Lục sư nghĩ như vậy rồi, liền cùng với đồ chúng; tám ngàn người, cùng đi đến trong đại chúng. Đến rồi lui về ngồi một phía.
Bấy giờ lại có một người con của Nhạc Thần, tên là Nhạc Tráng Sĩ, gảy đàn cầm bằng thất bảo, đi đến chỗ Đức Như Lai, đầu mặt lễ xuống chân Phật, rồi lui về một phía, gảy đàn ca hát, phát ra tiếng rất nhiệm mầu, hòa nhã, khiến cho tâm ý của đại chúng, ai nấy cũng được vui vẻ, các bật Thanh Văn như Ngài Xá Lợi Phất v.v… nghe thấy tiếng đàn của Tráng Sĩ, bất chợt cũng phải động thân dậy múa, núi Tu Di là vật vô tri cũng phải nghiêng ngửa.
Khi ấy Đức Như Lai, liền nhập “Hữu tướng tam muội” dùng sức tam muội, khiến cho tiếng đàn vang xa khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới trong tiếng đàn đó diễn nói đầy đủ ra các pháp như: Khổ, không, vô thường, bất tịnh, vô ngã. Những chúng sinh phóng túng, nghe thấy tiếng đàn nhiệm mầu ấy, diễn nói đủ cả những sự hiếu dưỡng phụ mẫu, tri ân báo ân trước kia trải qua lâu xa vô lượng số A tăng kỳ kiếp của Đức Như Lai, tất cả các chúng sinh ấy, đều dõi theo tiếng đàn, đi đến cõi Diêm Phù Đề, tìm đến chỗ Phật. Đến rồi, đầu mặt lễ xuống chân Phật, đoạn lui ngồi về một phía.
Bấy giờ Đức Như Lai nhập tam muội vắng lặng, tất cả đại chúng, đều vắng lằng như thế.
Khi ấy, ở trong đại chúng, bỗng có một cái tháp bằng thất bảo, từ dưới đất vượt lên, dừng ở giữa hư không, có vô số cờ phướng treo ở trên tháp, và trăm ngàn chuông báu, không đánh tự kêu, gió nhẹ thổi động, phát ra những thứ tiếng rất nhiệm mầu.
Bấy giờ đại chúng, thấy bảo tháp ấy, từ dưới đất vượt lên, lòng sinh ra nghi ngờ: Vì nhân duyên gì mà lại có bảo tháp này, từ dưới đất vượt lên như thế?
Các bật Thanh Văn như Ngài Xá Lợi Phất v.v… dùng tận trí lực của mình để suy nghĩ trụ lượng, cũng không thể biết được. Những Bồ Tát Ma Ha Tát là người hiện trú ở thế giới Sa Bà này, đến như Ngài Di Lặc Bồ Tát, cũng không thể biết được.
Bấy giờ bọn Lục sư, liền khởi ý nghĩ rằng: Vì nhân duyên gì mà có bảo tháp nầy? Nếu như có người lại hỏi ta, mà ta không biết thì làm thế nào có thể gọi ta là người hiểu biết tất cả được?
Lại nghĩ rằng: Tại sao Cù Đàm lại không mau vì đại chúng diễn nói việc ấy?
Bấy giờ Đức Như Lai, từ trong cảnh chính định xuất khởi. Vua Thích Đề Hoàn Nhân, là Vua ở cõi trời Đao Lợi, liền lấy thiên y ở cõi Trời, trải làm tòa sư tử. Đức Như Lai liền lên tòa ấy, ngồi kết già phu, khác nào như núi Tu Di vương ở giữa đại hải.
Lúc đó Ngài Di Lặc Bồ Tát quan sát tâm chúng, thảy đều nghi ngờ, tự mình cũng không rõ, nên liền từ tòa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ xuống chân, chấp tay đối trước Phật, bạch Phật rằng:
-Lạy Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà có bảo tháp này, từ dưới đất vượt lên như thế?
Phật bảo Ngài Di Lặc Bồ Tát:
-Về đời quá khứ xa xưa, vô lượng A tăng kỳ kiếp, số nhiều không thể lấy tâm nghĩ, miệng bàn cho xiết được, khi ấy có một Đức Phật, hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, giáo hóa vô lượng trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ chúng sinh, khiến cho kiên cố đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Sau khi Phật diệt độ ở trong đời tượng pháp, có một nước tên là Ba La Nại, Vua nước Ba La Nại là một người rất thông minh nhân từ, thường dùng pháp trị quốc, khiến cho nhân dân không gặp phải những sự oan uổng. Vua cai trị và làm chủ cả sáu mươi tiểu quốc, tám trăm tụ lạc. Vua không có con cái, nên Vua thường tự cúng dàng phụng sự các vị thần như: Thần núi, thần cây, tất cả thần kỳ, trải qua mười hai năm, không hề biếng nhác, với hoài vọng mong cầu có được một người con để nối dõi Vương nghiệp sau này. May thay! Bà đệ nhất phu nhân liền có thai, đầu mười tháng sau, thì sinh hạ được một con trai, hình tướng đoan chính, tốt đẹp lạ thường.
Sau khi sinh rồi, Vua liền truyền cho triệu tập các quan đại thần, và các Vua ở các tiểu quốc, để đến xem tướng và đặt tên Thái tử. Vì Thái tử, bẩm tính không hay giận tức, nên đặt tên là Nhẫn Nhục.
Thái tử Nhẫn Nhục, khi tuổi đã khôn lớn, Thái tử hay ưa làm sự bố thí. Thái tử là một người rất thông minh và nhân từ, đối với các chúng sinh. Ngài có một tấm lòng từ bi bình đẳng.
Bấy giờ Đại vương, có sáu vị đại thần, tính tình hung bạo, độc ác, gian dối nịnh hót, thường hay gây ra những sự oan uổng một cách vô nhân đạo, cho nên nhân dân đều chán ghét. Sáu người đại thần này, tự biết những hành động của mình là trái quấy, nên thường mang lòng tật đố, oán ghét Thái tử.
Bấy giờ Đại vương, lâm bệnh nặng, khổn não, tiều tụy, mạng sống không còn được bao lâu.
Nhẫn Nhục Thái tử đến bảo các quan đại thần rằng:
-Vua cha bị bệnh nặng lắm, nay sẽ làm thế nào để chạy chữa cho Vua được qua khỏi cơn bệnh hoạn ấy.
Các đại thần nghe rồi, sinh lòng giận tức, bảo Thái tử rằng:
-Tính mạng của Vua sẽ không được bao lâu đâu, dù cho có thuốc hay thế nào cũng không thể qua khỏi được, vì thế nên biết, tính mạng của nhà Vua sẽ không sống được bao lâu nữa.
Thái tử nghe rồi, lòng sinh khổ não, ngất xỉu ra đất.
Bấy giờ sáu người quan Đại thần, liền vào trong chỗ nhà vắng, cùng nhau bàn mưu tính kế rằng; “Thái tử Nhẫn Nhục, nếu chúng ta không tìm cách mà trừ khử đi, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể sống được một cách yên ổn”.
Nghĩ mưu kế như vậy rồi, người Đại thần thứ nhất nói:
-Thái tử Nhẫn Nhục, theo tôi nhận thấy, thì không có một sự gì mà có thể hãm hại được cả.
Một quan Đại thần khác lại nói:
-Tôi có phương tiện, có thể trừ khử được dễ dàng.
Sau khi bọn Đại thần ấy, cùng nhau lập mưu, thiết kế đã xong xuôi, liền đi đến chỗ Thái tử, bảo Thái tử rằng:
-Kẻ Hạ thần đã đi cùng khắp cả sáu mươi tiểu quốc, tám trăm tụ lạc, tìm kiếm các thứ cỏ thuốc, nhưng trọn không kiếm ra được.
Thái tử hỏi rằng:
-Những thứ cỏ thuốc mà Đại thần tìm kiếm đó, phải là những thứ như thế nào?
Đại thần tâu rằng:
-Thái tử nên biết: Các thứ thuốc mà tôi tìm kiếm đó, chính là con mắt và tủy của người nào mà từ khi sinh ra cho đến khi chết, không hề tức giận ai bao giờ, nếu tìm được thuốc ấy, thì mới có thể bảo toàn tính mạng cho nhà Vua được, còn nếu như không tìm được, thì mạng sống của Vua sẽ chẳng đuợc bao lâu nữa, mà khắp cả các nước chúng tôi không kiếm đâu ra được một người như thế cả.
Thái tử nghe rồi, lòng sinh ưu não, sợ mình không biết có được đủ đức tính ấy không? Thái tử liền bảo với vị Đại thần rằng:
-Thân của ta nay phỏng có được như người đó chăng? Vì cớ sao? –Ta từ khi sinh ra cho đến nay, chưa từng có giận tức ai bao giờ cả.
Đại thần tâu rằng:
-Chỉ có Thái tử mới được như người đó mà thôi, nhưng việc đó cũng khó lắm. Vì cớ sao? -Bởi sự quý trọng nhất trong thiên hạ, không gì quý bằng thân mình.
Thái tử bảo rằng:
-Không phải như các Đại thần nói đâu, nếu như Vua cha ta được qua khỏi trọng bệnh, thì dù cho ta có phải bỏ trăm ngàn thân nầy đi chăng nữa, cũng chưa phải đã là khó, huống chi ngày nay, ta mới chỉ bỏ một cái thân nhơ nhớp này ư.
Đại thần tâu rằng:
-Việc đó là như thế, xin Thái tử tùy ý định liệu.
Bấy giờ Thái tử Nhẫn Nhục lòng sinh vui mừng, và tự nghĩ rằng: “Nếu như có thuốc ấy, có thể chữa lành bệnh cho Vua cha, việc ấy ta cần phải làm ngay.”
Thái tử Nhẫn Nhục liền vào trong cung, đến chỗ mẹ, đầu mặt lễ xuống chân mẹ, chấp tay đối trước Người mà thưa rằng:
-Thưa mẹ! Nay con muốn đem thân mạng này của con, để làm thuốc chữa cho Vua cha khỏi bệnh, con e thân mạng con sẽ không thể nào sống được nữa, cho nên con đến đây để vĩnh biệt mẹ, xin mẹ đừng lo buồn thương nhớ con, để phải suy tổn đến ngọc thể của mẹ.
Người mẹ của Thái tử, nghe lời con nói rồi, bà sinh lòng buồn rầu, mê mẩn, quên mất cả bốn phương hướng, nghẹn ngào không nói ra lời. Bà ôm lấy Thái tử, với sắc thái buồn rầu mê mẩn, phải dùng nước lạnh rảy vào mặt, hồi lâu mới tỉnh.
Bấy giờ Thái tử thưa cùng với mẹ rằng:
-Thưa mẹ! Mạng của Vua cha, chỉ trong giây phút, không còn được bao lâu nữa nên cần phải làm ngay, để cho Vua cha uống mới mong khỏi được.
Bấy giờ Thái tử liền gọi các quan Đại thần, các Vua ở các tiểu quốc tới, rồi ở giữa đại chúng, Thái tử tuyên cáo như thế này:
-Thân ta ngày nay đây, xin vĩnh biệt cùng tất cả đại chúng.
Bấy giờ Đại thần, liền hô người Chiên đà la, chẻ xương lấy tủy, và khoét cả đôi mắt của Thái tử.
Lúc ấy Đại thần liền hòa làm thuốc, dâng lên cho Đại vương. Vua uống rồi, thân thể được bình phục. Sau khi bình phục rồi, Vua hỏi các Đại thần rằng:
-Các ngươi tìm đâu ra được thứ thuốc hay ấy, mà chữa cho ta lành bệnh tài như thế?
Đại thần tâu với Vua rằng:
-Tâu Đại vương! Thuốc ấy là do Thái tử Nhẫn Nhục chế biến, chứ chẳng phải sức của những kẻ hạ thần có thể làm được đâu ạ.
Vua nghe nói như thế, tâm thần kinh sợ, dựng cả chân lông, khẽ hỏi các Đại thần rằng:
-Thái tử Nhẫn Nhục hiện nay ở đâu?
Đại thần tâu rằng:
-Thái tử hiện đang ở ngoài kia, thân thể của Thái tử đã bị thương tổn, mạng sống sẽ không được bao lâu nữa.
Vua nghe lời nói ấy rồi cất tiếng kêu khóc
-Lạ thay! Lạ thay!
Vua tự vật vã xuống đất, thân thể của Vua bị lấp láp. Vua nói rằng:
-Như ta ngày nay, thực là vô tình, tại sao ta lại có thể uống thứ thuốc bằng mắt và tủy của con ta như thế được!.
Vua liền đi đến chỗ Thái tử, như than ôi! Thái tử đâu còn sống được nữa!
Vua cùng với phu nhân, các quan, dân, vô lượng đại chúng, trước sau vây quanh lấy Thái tử. Mẹ của Thái tử rất sầu não, bà gieo mình vào chỗ tử thi của con, khóc lóc thảm thiết, rồi bà tự nói rằng:
-Không biết kiếp trước tôi có làm tội ác gì mà nay khiến con tôi phải chịu khổ não như thế này!
Bấy giờ, Vua và các Vua ở các tiểu quốc, liền lấy gỗ thơm bằng ngưu đầu chiên đàn, chất lên thành đống, để làm phép hỏa thiêu, lại xây tháp bằng thất bảo, để cúng dàng thân cốt của Thái tử.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, bảo Ngài Di Lặc Bồ Tát rằng:
-Các Thiện nam tử! Và đại chúng nên biết: Đại vương nước Ba La Nại lúc bấy giờ, chính là cha ta Duyệt Đầu Đàn ngày nay, người mẹ của Thái tử lúc bấy giờ chính là mẹ ta Ma Gia phu nhân ngày nay, còn Thái tử Nhẫn Nhục chính là thân ta ngày nay. Bồ Tát đã từng ở trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, hiếu dưỡng cha mẹ, nào là y phục, thức ăn uống, phòng xá, giường chõng cho đến đem cả thân thể xương tủy để cúng dàng cha mẹ, việc đó như thế. Bởi nhân duyên ấy, đến nay thành Phật, nay bảo tháp này, từ dưới đất vượt lên, chính là tại nơi đây, xưa kia ta đã bỏ cả thân mạng cốt tủy vì cha mẹ, và cũng tức ở nơi đây, trước kia đã xây tháp cúng dàng ta, cho nên nay ta thành Phật, tháp ấy liền hiện ra ở trước đó vậy.
Bấy giờ, trong đại chúng, có vô lượng người, trời, rồng, quỷ thần, nghe lời Phật nói như thế rồi, vừa thương, vừa mừng, nước mắt giàn giụa, rồi đồng thanh khen ngợi trăm ngàn công đức về sự báo hiếu phụ mẫu của Đức Như Lai. Nhân lúc ấy, mà phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Lại có vô lượng trăm ngàn chúng sinh phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật. Lại có vô lượng người chứng được quả vị Tu Đà Hoàn mãi đến A La Hán. Lại có vô lượng trăm ngàn vạn ức Bồ Tát Ma Ha Tát, không lâu sẽ chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Cho nên biết: Đức Như Lai là bậc chân thực hiếu dưỡng cha mẹ.
Lại nữa Bồ Tát: Vốn biết công đức và bản nguyện của mẹ như thế, nên sinh ra thân của Như Lai, vì sinh ra thân của Như Lai, là đã viên mãn được bản nguyện, cho nên không nhận lãnh sự lễ kính của Như Lai, nhân thế mà sau khi sinh ra thân của Như Lai, được bảy ngày, thì Thánh Mẫu mệnh chung.
Bấy giờ đại chúng, đều đồng thanh khen ngợi công đức của Thánh Mẫu Ma Gia phu nhân rằng:
-Lành thay Đức Ma Gia! Ngài đã sinh ra thân của Như Lai, khắp cõi trời, và cõi người trong thế gian nầy, không ai có thể sánh kịp được với công đức ấy của Ngài.
Bấy giờ Càn Thát Bà Ma La, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để hở vai áo bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, hồ quỳ chấp tay, bạch Phật rằng:
-Lạy Đức Thế Tôn! Thánh mẫu Ma Gia phu nhân, tu công đức gì? Vì nhân duyên gì? Mà sinh thành được thân của Như Lai?
Phật dạy:
-Nghe cho khéo! Ta sẽ vì ông, phân biệt giải nói: Về đời quá khứ lâu xa, kiếp số nhiều không thể tính kể cho xiết được, lúc bấy giờ có Đức Phật ra đời, hiệu là Tỳ Bà Thi, Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, đến thời kỳ chính pháp và tượng pháp đã diệt hết rồi, bấy giờ có một nước, gọi là Ba La Nại, cách cung thành không bao xa, có một quả núi, gọi là chỗ ở của các bậc Hiền Thánh, vì có trăm ngàn Phật Bích Chi ở trong núi ấy, và có vô lượng ngũ thông thần tiên, cũng ở trong đó, vì có nhiều những bậc tiên thánh ở trong ấy, cho nên người ta gọi quả núi đó là “Thánh Du Cư Sơn”. Trong quả núi ấy, có một người Tiên ở trong một cái hang về phía Nam, lại có một người Tiên ở về phía Bắc, ở trong giữa hai khoảng núi ấy, có một cái suối, bên bờ suối có một hòn đá rất phẳng phiu. Bấy giờ, người Tiên ở hang phía Nam, thường hay đến giặt áo, rửa chân ở trên tảng đá ấy, xong xuôi lại trở về chỗ cũ. Sau khi vị ấy đi khỏi không lâu, thì có một con hươu cái lại tới đó uống nước, dần dần uống cả những cáu ghét giặt áo trên tảng đá đó. Uống rồi, lại quay đầu liếm chỗ tiểu tiện của mình.
Bấy giờ con hươu cái, nhân thế mà thụ thai. Khi đã đủ tháng, sắp đến lúc sinh, theo phép của hươu cái, mỗi khi đến lúc sinh là phải trở lại chỗ mình đã thụ thai trước kia, cho nên con hươu cái này lúc đó cũng phải trở lại bên bờ suối, ở trên tảng đá trước đây kêu rống, vật vã và sinh được một người con gái.
Bấy giờ người Tiên ở hang phía Nam, nghe thấy con hươu cái ấy kêu rống, vật vả, nên lòng sinh ra thương xót, liền đến xem, thì thấy con hươu cái ấy, sinh được một người con gái. Bấy giờ, con hươu cái, đang dần dần liếm khắp thân thể của người con gái ấy, bỗng thấy người Tiên đến, liền bỏ chạy đi chỗ khác.
Lúc đó người Tiên, thấy người con gái ấy, hình tướng đoan chính vẹn toàn, nên sinh lòng thương xót, liền lấy chiếc áo bằng cỏ, bọc đem về hang, rồi ngày ngày kiếm trái cây, tuỳ thời nuôi nấng, cho đến khi khôn lớn.
Đến năm mười bốn tuổi, nàng được cha rất yêu dấu, nên cha nàng thường giao cho nàng công việc giữ lửa, khiến cho khỏi bị tắt. Nhưng bỗng một ngày nọ, vì không để tâm cẩn thận, để lửa tắt mất, cho nên nàng bị cha trách mắng, và bảo nàng rằng:
-Ta từ khi lớn đến giờ, chưa từng để cho lửa tắt, mà con ngày nay, tại sao lại để tắt như thế, nay ở về hang phía Bắc kia có lửa, con phải đến đó xin lửa đem về đây cho cha.
Bấy giờ, Lộc Nữ liền theo lời cha, đi đến hang phía Bắc, bước bước cất chân, đều sinh ra hoa sen thơm ngát, theo dấu chân của nàng, thành hàng ngũ đường lối trông rất có thứ tự, nàng đi đến hang phía Bắc, hỏi người Tiên ở đó, xin lửa cho cha.
Bấy giờ, người Tiên kia, thấy người con gái ấy, phúc đức như thế, dưới chân của nàng lại sinh ra hoa sen, liền bảo nàng rằng:
-Nếu con muốn được lửa, con hãy theo chiều bên phải, nhiễu quanh hang này của ta, đủ bảy vòng, cho có hàng lối, thứ lớp, rõ ràng phân minh, thì ra sẽ cho con lửa.
Vâng lời chỉ dạy, theo dấu chân của nàng cất bước, đều mọc lên những bông hoa sen rất thơm tho mầu nhiệm, và nàng nhiễu quanh hang của vị Tiên ấy, đủ bảy vòng mới thôi.
Người Tiên ấy lại bảo nàng rằng:
-Nếu con muốn được lửa, con lại phải từ phía bên phải này đi trở về, thì ta sẽ cho con lửa.
Bấy giờ, nàng Lộc Nữ, vì muốn được lửa, nên cũng phải làm theo như lời của vị Tiên kia dạy mà đi, nhưng sau khi người con gái ấy đi chưa bao lâu, thì bỗng gặp vua nước Ba La Nại, đem các đại thần, trăm ngàn vạn dân chúng, trước sau vây quanh, ngàn xe vạn mã, vào rừng để ngao du săn bắn hươu nai.
Vua nước Ba La Nại, một mình cỡi một con danh tượng, đi đến chỗ vị Tiên ở hang phía Bắc, vua thấy hoa sen đó, mọc quanh rất có hàng lối.
Bấy giờ, Đại vương sinh lòng vui mừng, khen rằng:
-Lành thay! Lành thay! Đại đức thần tiên! Đại Tiên Đạo Sư có phúc đức lớn lao như thế!
Bấy giờ người Tiên ở phía Bắc liền tâu với nhà Vua rằng:
-Đại vương nên biết: Hoa sen ấy chẳng phải sức của tôi có thể làm được như vậy đâu!
Vua hỏi rằng:
-Nếu không phải Đại sư làm, thì ai làm?
Người Tiên tâu rằng:
-Tâu Đại vương! Đó là người Tiên ở hang phía Nam, có sinh được một người con gái, dung mạo đoan chính, nhân tướng vẹn toàn, thế gian hiếm có, người con gái ấy mỗi khi đi, tùy theo dấu chân, cất bước tới đâu, đều sinh ra hoa sen.
Vua nghe thấy lời nói ấy, lòng sinh vui mừng, liền đến hang phía Nam, coi thấy người Tiên ấy, Vua tỏ lòng cung kính, đầu mặt lễ xuống chân.
Bấy giờ, người Tiên ở hang phía Nam, liền ra hỏi thăm:
-Đại vương đi đường trường xa xôi, có khỏi mệt mỏi lắm chăng?
Bấy giờ, Đại vương bảo người Tiên ấy rằng:
-Nghe thấy Ngài có người con gái, trẫm muốn cầu hôn được chăng?
Bấy giờ người Tiên, tâu Đại vương rằng:
-Thân nghèo này chỉ có một người con gái ấy, hãy còn thơ ấu, chưa hiểu biết gì cả, từ hồi nhỏ đến nay, thường ở nơi thâm sơn, ăn trái cây, mặc áo cỏ, chưa quen biết gì về những việc ở nhân gian, như thế thì làm sao mà Vua có thể đoái thương được?
Rồi người Tiên ấy lại thuật hết những tư sự của người con gái ấy là do súc sinh sinh ra như trên, để cho Vua nghe.
Vua nói:
-Tuy vậy cũng không hề gì.
Vua lại hỏi:
-Lộc Nữ hiện giờ ở đâu?
Người Tiên tâu rằng:
-Tâu Đại vương! Lộc Nữ hiện đang ở trong hang cỏ này.
Bấy giờ Đại vương liền vào trong hang, coi thấy Lộc Nữ lòng sinh ra vui mừng, liền cho lấy nước thơm tắm rửa cho Lộc Nữ, và đem các thứ y phục tốt đẹp, trăm thứ tràng ngọc quý báu, để trang sức cho nàng xong rồi, cưỡi voi quý, cùng với trăm ngàn người theo hầu, trổi nhạc ca hát, trở về bản quốc.
Lúc đó Lộc Nữ, vì từ khi sinh ra đến nay chưa từng thấy như thế bao giờ, nên trong lòng sinh ra sợ hãi.
Bấy giờ cha của Lộc Nữ, đứng ở trên đỉnh núi cao, xa trông thấy con, nhìn mãi không thôi và tự nghĩ rằng:
-Ta nay nhìn theo con gái ta cho đến khi nào đi thật xa, không còn có thể coi thấy được nữa, lúc ấy ta mới trở về chỗ cũ, ông buồn rầu áo não, nước mắt tuôn trào: Ta sinh được đứa con gái này, hãy còn thơ ấu, chưa hiểu biết gì, mà nay đã phải cách biệt ta! Ông lại nghĩ rằng: Ta nay nên ở lại chỗ này, mà không nên đi đâu, bởi vì sao? -Nếu như con gái ta trở lại đây, mà không thấy ta, tất nhiên con ta sinh ra buồn rầu khổ não.
Người Tiên ấy cứ đứng trông chờ con mãi, nhưng trọn cũng không thấy con trở về.
Bấy giờ, ông sinh lòng hối hận nói rằng:
-Thực quả là loài giống súc sinh có khác! Ta nuôi nấng từ hồi còn bé, khiến cho được thành người, nay sinh lòng bội bạc, bỏ ta cô độc!
Ông liền vào trong hang, tụng trì chú thuật, chú nguyện cho người con gái đó rằng:
-Nếu như Vua ăn ở bạc đãi với con, thì không cần phải bàn đến, còn như Vua lấy lễ mà tiếp đãi con sẽ khiến cho con không được toại nguyện.
Bấy giờ Vua nước Ba La Nại, sau khi trở về cung điện rồi, liền phong Lộc Nữ làm đệ nhất phu nhân, gọi là Lộc Mẫu phu nhân. Các tiểu Quốc vương, bách quan quần thần, đều lại triều giá. Vua thấy vậy rồi, lòng sinh vui mừng.
Ít lâu sau, Lộc Mẫu mang thai. Vua tự cung dưỡng cho phu nhân giường nằm, thức ăn uống, không thiếu một thứ gì, lòng Vua chỉ mong đến kỳ khai hoa nở nhụy, sẽ sinh hoàng nam, để kế thừa quốc vị. Nhưng tới ngày đầy tháng đủ, lại sinh ra một bông hoa sen. Vì năng lực chú nguyện của người Tiên, nên khiến cho nhà Vua sinh ra giận tức, nói rằng:
-Quả thực là loài súc sinh, sinh ra có khác!
Vua liền thoái chức phu nhân còn bông hoa sen, thì sai người đem liệng bỏ.
Sau đó vài ngày, Vua nước Ba La Nại, cùng với các quần thần vào trong hậu viên du ngoạn xem xét hát xướng, đấu voi, ngựa, cùng với các người lực sĩ, trong đó có một người đệ nhất lực sĩ, rún rẩy nhẩy nhót, vì chân dẫm đạp xuống đất, nên đất đều rúng động, và làm động cả ao hoa sen. Bên ao hoa sen đó, có cái bảo khí rất lớn, ở phía dưới bảo khí ấy, có một bông hoa sen, nổi trên mặt nước. Hoa sen màu hồng, tỏa ra ánh sáng mầu nhiệm. Vua coi thấy hoa sen ấy rồi, lòng sinh vui mừng, hỏi quần thần rằng:
-Hoa sen như thế này, thực chưa từng có vậy.
Vua liền sai Sứ giả xuống ao lấy. Hoa có đủ năm trăm cánh, dưới mỗi cánh hoa, có một người đồng tử, mặt mày đoan chính, hình dáng tốt đẹp lạ thường.
Bấy giờ Sứ giả, liền tâu với Vua rằng:
-Hoa sen nầy thực chưa từng có vậy! Đại vương nên biết: Hoa sen ấy có đủ năm trăm cánh, ở dưới mỗi cánh hoa, lại có một người đồng tử.
Vua nghe lời Sứ giả nói, lòng sinh kinh ngạc, dựng cả chân lông, khen ngợi sự thể làm sao mà lại có được như thế, và hỏi Sứ giả rằng:
-Có thực quả như vậy chăng? Hoa sen ấy phải do Lộc Mẫu sinh ra chăng?
Vua lại hỏi các đồng tử, đồng nữ theo hầu:
-Hoa sen trước đây do Lộc Mẫu sinh ra đem bỏ ở chỗ nào?
Đáp rằng: -Tâu Đại vương! Chính hoa sen ấy, lúc đó chôn ở dưới cái bảo khí, bên bờ ao này vậy.
Vua biết rõ sự thực đó, và chính hoa sen ấy là do Lộc Mẫu phu nhân sinh ra. Vua tự vào trong cung, hướng Lộc mẫu phu nhân, ăn năn tự trách, nói rằng:
-Ta thực là người ngu si, không có trí tuệ, chẳng phân biệt được người hiền lương, nên làm những sự oan uổng tàn ác, trái nghịch đối với phu nhân!
Vua tỏ bày sự ăn năn hối hận với phu nhân xong rồi, phu nhân lại được phục hồi địa vị cũ là đệ nhất Phu nhân như xưa.
Vua rất vui mừng, và cho triệu các quan Đại thần, các Vua ở các nước nhỏ, và các Tướng sư người Bà la môn, tất cả đều hội họp. Vua bồng năm trăm Thái tử, khiến các Tướng sư, xem tướng cho các Hoàng tử.
Các Tướng sư đoán rằng:
-Các Hoàng tử là người rất có phúc đức, nếu ở tại gia, thì bốn bể sẽ được hưởng cảnh thanh bình thịnh trị, quỷ thần hộ vệ, nếu xuất gia, quyết sẽ đoạn phiền não, qua dòng ái dục, vượt bể sinh tử, chứng được pháp Tam minh, Lục thông và đủ bốn đạo quả.
Vua nghe lời các Tướng sư nói rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh khắp trong nước, tuyển chọn năm trăm nhũ mẫu, để trông coi cho các Hoàng tử.
Bấy giờ Lộc Mẫu phu nhân tâu với Đại vương rằng:
-Vua không phải lo ngại, triệu các nhũ mẫu ở trong nước làm gì, vì ở trong Vương cung đã có năm trăm phu nhân, các phu nhân ấy, thấy thần thiếp sinh Hoàng nam, nên sinh lòng ghen ghét, nay Vua nên cho mỗi phu nhân một Thái tử, để nuôi nấng, cũng như con của các phu nhân vậy.
Vua bảo phu nhân:
-Năm trăm phu nhân, thường mang lòng ghen ghét, não hại Lộc Mẫu, nay Lộc Mẫu muốn ta đánh bằng roi gậy, hoặc đuổi đi, hay xử tử để đền lại những tội ác trước đây đối với phu nhân, ta cũng sẽ không trái ý của phu nhân, nhưng nay phu nhân lại bỏ qua những sự oán hận ấy, thì thực quả là khó có ai sánh kịp! Lại còn mở cái ân huệ như trời như đất: Đem Thái tử cho các phu nhân ấy nuôi…
Bấy giờ năm trăm phu nhân lòng rất vui mừng: Lộc Mẫu phu nhân cho chúng ta những sự an ổn khoái lạc, lại còn cho chúng ta Thái tử nữa! Bấy giờ vô lượng trăm ngàn đại chúng được nghe việc ấy rồi, lòng sinh vui mừng, và đều phát Vô thượng đạo tâm.
Bấy giờ Đại vương bảo phu nhân rằng:
-Thực chưa từng có vậy, ta cũng không sánh kịp với phu nhân!
Phu nhân nói:
-Tham lam giận tức, đều do ghen ghét, hãy lấy nhẫn nhục để trừ gian ác, lấy hòa thuận để thắng oán thù. Thần thiếp từ khi sinh cho đến nay, chưa từng tranh giành với ai, các phu nhân, tự sinh não hại, ví như có người đi ban đêm, coi thấy gốc cây, liền tưởng là giặc, hoặc tưởng là ác quỷ, nên lòng sinh ra kinh sợ, chạy tản mác ra bốn phương, hoặc trốn vào trong hang núi, hoặc vào trong nước, lửa, rừng rậm gai góc, bị tổn thương đến cả thân thể, nhân vọng tưởng, mà phải họa hại đến như thế! Tất cả chúng sinh, cũng lại như thế: Tự sinh tự tử, như con tằm vương tơ, lại tự quấn lấy mình, như con thiêu thân tự gieo mình vào đèn lửa, mà không phải do ai xua đuổi chúng ta! Tất cả điều ác, đều từ vọng tưởng sinh ra, các phu nhân cũng lại như thế, nên thần thiếp nay không muốn cùng tranh tụng với những người ngu si ấy.
Năm trăm phu nhân, liền đến trước Lộc Mẫu phu nhân, ăn năn tự tạ, thờ phụng Lộc Mẫu, như bậc thánh hiền, như tình chị em, và nuôi nấng các Thái tử, cũng không khác gì con của mình sinh ra.
Lúc ấy năm trăm Thái tử, dần dần khôn lớn, mỗi mỗi Thái tử, sức có thể địch nổi ngàn người, các nước lân bang nếu gây sự phản nghịch không chịu tuân phục, tự các Thái tử đến dẹp loạn mà không cần đến bốn binh. Vì thế mà cõi nước được thanh bình, thiên thần vui mừng hộ vệ, mưa gió thuận hòa, nhân dân thịnh vượng. Lúc ấy, năm trăm Thái tử, cưỡi con đại danh tượng, ra du ngoạn nơi lâm dã, tự tại khoái lạc vô lượng, cha mẹ yêu dấu, khác nào con ngươi mắt của mình.
Bấy giờ, năm trăm Thái tử tuổi đã dần khôn lớn, nhân một hôm cùng nhau ngồi chơi ở bên bờ ao hoa sen, coi thấy hình dung của mình, ảnh hiện ở dưới đáy nước. Lúc đó các Thái tử cùng bảo với nhau rằng: “Tất cả các pháp cũng chẳng khác nào như trò huyễn thuật, như hoa đốm trên không, như cảnh tượng thấy trong giấc chiêm bao, như bóng hình dưới đáy nước, thể tính vốn không phải là chân thực, lũ chúng ta ngày nay cũng lại như thế, tuy nhiên chúng ta ở vào địa vị tôn sang hào quý, sống trong cảnh thâm cung hưởng thụ năm sự dục lạc, trẻ trung đẹp đẽ, rốt cuộc cũng không thể nào giữ được lâu, vạn vật có thành tất phải có hoại, người ta sinh rồi cũng phải chết, trẻ khỏe không được bao lâu, mà già nua sẽ tới, ăn uống không tiết độ, tất nhiên bệnh hoạn phát sinh, dù cho sống lâu đến trăm tuổi, rồi cũng phải chết.”
Các Thái tử tỏ vẻ rất lo buồn không vui, quên cả ăn uống, liền cùng nhau trở về cung điện, thưa cùng cha mẹ rằng:
-Thưa cha mẹ! Thế giới đều là khổ, không có gì đáng vui, nay xin cha mẹ cho chúng con được xuất gia.
Vua bảo Thái tử:
-Sinh, lão, bệnh, tử, không một ai có thể tránh khỏi được, việc gì mà riêng con phải sầu muộn.
Các Thái tử tâu với Vua cha rằng:
-Sự sinh tử chẳng phải riêng con phải chịu nhọc nhằn, mà khắp cả năm ngả chúng sinh cũng đều phải chịu như thế cả.
Vua biết không thể nào ngăn cản được chí xuất gia của các Thái tử, nên Ngài cũng bằng lòng cho các Thái tử xuất gia.
Mẫu hậu bảo các Thái tử rằng:
-Các con xuất gia, chớ nên bỏ ta đi xa, mà nên ở nơi hậu viên, trong đó rất mát mẻ, rừng cây tươi tốt, bốn việc cúng dàng không thiếu.
Lúc ấy các Thái tử, liền đi xuất gia, và vâng lời của Mẫu hậu đều ở nơi hậu viên.
Sau khi xuất gia, mỗi mỗi Thái tử, đều chứng được quả vị Phật Bích Chi, như thế cho đến vị Thái tử thứ bốn trăm chín mươi chín đều được đạo quả.
Chứng được đạo quả rồi, các Thái tử liền đến trước cha mẹ, báo cho cha mẹ biết: Lợi ích của sự xuất gia, nay chúng con đã thành được.
Lúc ấy, các Tỳ khưu, thân tự thăng lên trên hư không, hiện đằng đông ẩn đằng tây; ẩn đằng tây hiện đằng dông; hiện đằng nam ẩn đằng bắc; hiện đằng bắc ẩn đằng nam; hoặc hiện làm nhiều thân hình lớn, khắp đầy trong hư không, rồi lại hiện làm một thân, một thân lại hiện làm vô lượng thân; hoặc hiện trên thân ra nước, dưới thân ra lửa.
Sau khi các Thái tử đã vì cha mẹ, hiện thứ thứ thần biến rồi, liền tự thiêu thân mà nhập Niết Bàn.
Lúc ấy Lộc Mẫu phu nhân thâu nhặt thân cốt, xây bốn trăm chín mươi chín cái tháp ở trong hậu viên để cúng dàng.
Người con út, qua chín mươi ngày sau, cũng chứng được quả vị Bích Chi Phật, cũng vì cha mẹ, hiện đại thần biến. Hiện thần biến rồi, liền nhập Niết Bàn.
Bấy giờ mẹ của Thái Tử thu thập thân cốt, xây tháp cúng dàng.
Bấy giờ Lộc Mẫu phu nhân, đốt các thứ hương thơm quý, trổi các thứ âm nhạc mầu nhiệm, ngày ngày ở trong hậu viên cúng dàng năm trăm tháp Phật Bích Chi. Phu nhân ở trước các tháp ấy, tỏ vẻ buồn rầu không vui, mà nói rằng: “Ta tuy sinh năm trăm Thái tử, mà không có một người nào, phát tâm Bồ Đề.”
Phu nhân liền lập thệ nguyện:
-Ta cúng dàng năm trăm Phật Bích Chi, gồm xây năm trăm tháp cúng dàng công đức, của Xá lợi, xin hồi hướng cho khắp tất cả chúng sinh, khiến ta đời sau, thà sinh một con, mà phát tâm Bồ Đề, hiện thế xuất gia, chứng được nhất thiết trí, còn hơn sinh nhiều con, mà không phát tâm Bồ Đề.
Phật bảo với ngài A Nan rằng:
-Lộc Mẫu phu nhân lúc ấy, nay là Ma Gia phu nhân. Ma Gia phu nhân cúng dàng năm trăm Phật Bích Chi, và tu vô lượng thiện nghiệp, cho nên ngày nay được sinh thành thân của Như Lai.
Khi Phật nói pháp ấy, có vô lượng trăm ngàn người, trời, chứng được sơ quả, cho đến tứ quả; có vô lượng chúng sinh phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Bấy giờ tôn giả A Nam bạch Phật rằng:
-Lạy Đức Thế Tôn! Đức Ma Gia phu nhân đời quá khứ, làm hạnh nghiệp gì, mà phải sinh trong loài súc sinh, làm thân Lộc Nữ?
Phật bảo Ngài A Nam rằng:
-Nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông, phân biệt giải nói về nhân duyên hành nghiệp đời trước của Đức Ma Gia phu nhân.
-Đời quá khứ lâu xa, vô lượng a tăng kỳ kiếp, bấy giờ đó có một Đức Phật ra đời, hiệu là Tỳ Bà Thi, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, ở đời giáo hóa, sau khi diệt độ, trong thời kỳ tượng pháp, lúc ấy có một nước nọ, gọi là Ba La Nại, trong nước đó có một Bà La Môn, chỉ sinh hạ được một người con gái. Sau khi cha của nàng chết, để lại nàng cho mẹ nàng nuôi nấng cho đến khi khôn lớn. Nhà có một cái vườn trái, nên mẹ nàng thường để nàng ở nhà để trông coi, còn bà thì đi kiếm ăn để nuôi mình, và nuôi con. Ngày ngày theo thường lệ; bà vẫn đem thức ăn về cho con ăn. Nhân một bữa nọ, vì sự chậm trễ của mẹ nàng, chưa kịp đem về cho nàng, hơn nữa vì sự đói khát bức bách, nên nàng sinh ra tức giận nói rằng:
-Mẹ ta ngày nay, không biết vì lẽ gì, mà không cho ta ăn, chẳng nhìn ngó đến ta, để ta như thế này?
Và vì quá phiền muộn, nên nàng nhắc đi nhắc lại đến ba lần như vậy, rồi lại còn nói rằng:
-Mẹ ta ngày nay, không bằng loài súc sinh; ta thấy loài súc sinh như con hươu, một khi con nó bị đói khát, lòng nó còn chẳng nỡ rời bỏ nữa là mẹ ta!
Nhưng thời gian không bao lâu, mẹ nàng đã đem thức ăn về cho nàng ăn.
Đang lúc toan ăn uống, thì có một vị Sa môn Bích Chi Phật, từ phía Nam bay qua phía Bắc. Lúc ấy, người con gái Bà La Môn thấy vị Tỷ Khưu ấy, lòng sinh ra vui mừng, liền đứng dậy, chấp tay, cúi đầu làm lễ, trải tòa thỉnh mời Ngài ngồi, rồi lại lấy những bông hoa tươi tốt, giảm phần ăn của mình, để cúng dàng vị Tỷ Khưu.
Vị Tỷ Khưu ăn xong rồi, lại vì người con gái ấy, thuyết pháp chỉ dạy, kiến cho được những sự lợi ích, vui mừng.
Bấy giờ, người con gái đó liền phát nguyện rằng:
-Nguyện tôi đời sau, được gặp gỡ những bật hiền thánh, lễ bái, cúng dàng, khiến cho tôi được nhan sắc tốt đẹp, tôn vinh hòa quý, nếu khi dạo đi đến đâu, hoa sen sẽ mọc theo dấu chân đi.
Phật bảo tôn giả A Nan:
-Người con gái lúc bấy giờ, về sau là Lộc Mẫu phu nhân, bởi cúng dàng vị Phật Bích Chi một bữa ăn, và hoa mà trong năm trăm đời, được hưởng phúc báo tôn vinh hào quý, y phục thức ăn uống, không thiếu một thứ gì, nếu đi tới đâu, lại có hoa sen mọc theo dấu chân đi, vì có nhân duyên như thế, mà nay được gặp năm trăm vị Phật Bích Chi, lễ bái cúng dàng, nhưng chỉ vì một lời nói ác, chẳng biết ân đức, hủy báng mẹ: Chẳng bằng loài súc sinh, mà trong năm trăm kiếp, phải sinh làm loài hươu.
Phật bảo Ngài A Nan rằng:
-Người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà sinh ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy, cũng chỉ đốt cháy một đời này, còn như lời nói ác khẩu đốt cháy, sẽ đốt cháy trong vô số kiếp, lửa mạnh đốt cháy chỉ đốt cháy được của cải của thế gian, còn như lời nói ác khẩu đốt cháy, sẽ đốt cháy cả bảy thứ của cải của Thánh nhân.
Vì thế A Nan! Tất cả chúng sinh, họa từ trong miệng mà sinh ra. Vả miệng lưỡi thực là cái búa sắc tự bổ mình, là cái họa để tự diệt mình vậy.
Khi Phật nói kinh này, có ngàn Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, biết giữ gìn tội lỗi của khẩu nghiệp, liền chứng được sơ quả, lại có vô lượng Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, chứng được sơ quả, cho đến tứ quả, vô lượng nhân thiên đều phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, cho đến tâm Bích Chi Phật, tất cả đại chúng, nghe Phật thuyết pháp đều hoan hỷ vâng theo, rồi làm lễ Phật mà lui ra.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, cùng với Ngài A Nan, vào thành Vương Xá khuất thực. Khi trở về đến ngoài thành, thấy có một vũng nước rất lớn và sâu, nên người ở trong thành Vương Xá, thường đem những thứ đại tiểu tiện ô uế, đổ bỏ vào trong cái vũng ấy, và khi trời mưa thì tất cả nước dơ dáy ở khắp các nơi cũng chảy dồn cả vào trong vũng đó. Lúc ấy, ở trong vũng nước đó, có một con đại trùng, hình thù giống như người, nhưng chân tay lại rất nhiều. Con đại trùng ấy xa coi thấy Đức Như Lai, liền ngóc đầu lên khỏi mặt nước, trông nhìn Đức Như Lai, mà nước mắt tuôn trào. Đức Như Lai coi thấy rồi, Ngài rất tỏ vẻ thảm thương không vui, liền trở về núi Kỳ Xà Quật.
Bấy giờ Ngài A Nan trải tọa cụ. Đức Như Lai ngồi kết già phu ở trên trên tọa cụ ấy.
Lúc đó Ngài A Nan quan sát tâm của đại chúng rồi, liền hỏi Đức Như Lai rằng:
-Lạy Đức Thế Tôn! Con trùng ở trong vũng nước vừa rồi coi thấy đó, đời trước làm nghiệp ác gì mà phải sinh ở trong cái vũng nước ấy? Với thời gian là bao nhiêu? Và đến thời nào mới được giải thoát?
Phật bảo Ngài A Nan và các đại chúng rằng:
-Các ông nên nghe cho kỹ, ta sẽ vì các ông nói việc ấy. A Nan! Về đời quá khứ, vô lượng nghìn kiếp, bấy giờ có Đức Phật ra đời, giáo hóa chúng sinh đã chu viên rồi, Ngài nhập diệt Niết Bàn. Sau khi Phật diệt độ, ở trong thời tượng pháp, có một người Bà La Môn, lập tịnh thất cúng dàng chúng tăng. Nhân có một người đàn việt, thường dâng dầu tô để cúng dàng chúng tăng. Lúc ấy có khách Tỷ Khưu tới, vị Duy Na thấy vậy, sinh lòng giận tức, hiềm khách Tăng tới, nên đem giấu giếm tất cả những thứ dầu tô ấy mà không cho khách Tăng. Khách Tăng mới nói rằng:
-Sao Ngài không đem vị dầu tô để cúng dàng chúng Tăng?
Vị Duy Na đáp rằng:
-Vì ông là Khách Tăng, tôi là cựu trụ, vì thế mà tôi không cúng dàng.
Tỷ Khưu khách nói rằng:
-Đó là đàn việt cúng dàng Tăng hiện tiền.
Lúc ấy, người Duy Na kia, lộ vẻ hung ác đáng sợ, liềm mắng khách Tăng rằng:
-Sao ông không ăn phẩm giải mà lại cứ theo tôi đòi vị tô đó hoài vậy?
Bởi lời nói ác ấy, cho nên từ khi ấy đến nay, đã trải qua mười ức kiếp, thường phải sinh trong vũng phân. Người Duy Na lúc bấy giờ, nay là con trùng ở trong vũng nước ấy. Do đời quá khứ, phát ra một lời nói ác, hủy mắng chúng Tăng, mà trải vô lượng kiếp cứ phải sinh vào nơi phân giải nhơ nhớp!
Phật bảo các đệ tử rằng:
-Nên phải giữ gìn khẩu nghiệp, cái họa hoạn của khẩu nghiệp hơn cả lửa mạnh. Đối với cha mẹ, chúng Tăng, nên phải đem lòng cung kính cúng dàng, nói lời như hòa khen ngợi, thười nghĩ đến ân đức của các vị đó. Chúng Tăng là ruộng phúc, đã ra khỏi ba cõi; còn cha mẹ là ruộng phúc tối thắng trong ba cõi. Vì sao? –Vì trong chúng Tăng gồm có bốn quả, bốn hướng, mười hai bậc hiền sĩ, người nào cúng dàng các bậc ấy sẽ được hưởng phúc vô lượng, không những như vậy, nếu tinh tiến tu hành không thoái tâm, thì còn được thành Phật đạo nữa vậy. Đối với cha mẹ, mười tháng cưu mang, ướt mẹ nằm, ráo để nhường con, bú mớm nuôi con đến ngày lớn khôn, dạy bảo cho con biết nghề nghiệp, tùy thời nuôi nấng, lại cho đi xuất gia, tu hành được giải thoát, qua khỏi được bờ sinh tử, làm lợi ích cho mình, và cho tất cả chúng sinh.
Phật bảo Ngài A Nan rằng:
-Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!
Khi Phật nói Kinh này, có vô số lượng trăm ngàn chúng sinh, Nhân, và Phi nhân, hoặc được Sơ quả, cho đến Tứ quả, hoặc phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hoặc phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, tất cả ai nấy đều chấp tay lễ Phật, quanh về phía bên phải, vui mừng mà lui ra.
Lại nữa, ở nước Ba La Nại, có một người Thừa Tướng Bà La Môm nhà rất giàu có, của cải châu báu, vàng bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, voi, ngựa, trâu, dê, ruộng, vườn, tôi tớ, không thiếu một thứ gì, đã quá tám mươi tuổi, mới sinh được một người con trai, đẹp đẽ đoan chính, nhân tướng vẹn toàn, cha mẹ rất vui mừng, mời các tướng sư, để xem tướng và đặt tên cho con là Quân Đề. Quân Đề lên mười tuổi, cha mẹ rất yêu quý nên cùng nhau tìm đến chỗ Đức Như Lai ở núi Sái đề lợi nhân đề la, xin cho Quân Đề được theo Phật xuất gia.
Bấy giờ Đức Như Lai bốn chúng vây quanh, Ngài đang vì đại chúng Chư thiên, Long, Quỷ thần, quảng diễn về thế luận, và các pháp xuất thế gian.
Lúc ấy, người Bà La Môn, bạch Phật rằng:
-Lạy Đức Thế Tôn! Con nay tuổi đã về già, mới sinh được một người con này, xin Đức Thế Tôn là bậc Đại từ, thương xót che chở tất cả, nay con xin đem người con này của con đến, mong được Phật độ cho xuất gia làm đệ tử Phật.
Phật bảo:
-Hay lắm Tỷ Khưu! Phật bảo như vậy rồi, tức thì râu tóc tự nhiên rụng hết, áo cà sa thấy mặc vào mình. Rồi Phật vì nói pháp, chỉ bày dạy bảo, khiến cho được những sự lợi ích nên sinh lòng vui mừng, liền chứng được đạo quả, ba minh, sáu thông và đủ tám thứ giải thoát.
Bấy giờ Ngài A Nan, quan sát tâm của đại chúng, đều thấy có sự nghi ngờ, nên Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh y phục, để hở vai áo bên phải, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:
-Bạch lạy Đức Thế Tôn! Sa Di Quân Đề quá khứ làm công đức gì? Mà nay được gặp gỡ Đức Thế Tôn, lại được chứng đạo quả, sao mà mau chóng như thế?
Phật bảo Ngài A Nan rằng:
-Sa Di Quân Đề, không phải mới ngày nay tu hành mà đã được như vậy đâu, mà do đời quá khứ đã từng cúng dàng cha mẹ chúng Tăng, tu các công đức nhiệm mầu, nên nay gặp được Thiện tri thức, lại được chứng đạo quả.
Ngài A Nan bạch Phật rằng:
-Kính xin Phật nói cho đại chúng được biết.
Phật bảo Ngài A Nan:
-Nghe cho kỹ, ta sẽ nói cho ông được rõ:
Ở về đời quá khứ, vô lượng ngàn năm, có Đức Phật ra đời, hiệu là Tỳ Bà Thi, tại thế giáo hóa, làm lợi ích cho cõi trời, cõi người. Hóa duyên đã viên mãn, liền nhập Niết Bàn. Sau khi Phật diệt độ, ở trong đời chính pháp có một vị Tỷ Khưu tuổi trể, thông suốt cả ba tạng: Tạng A Tỳ Đàm, Tạng Tỳ Ni, Tạng Tu Đa La. Diện mạo tốt đẹp, nhân tướng đầy đủ, giọng tiếng trong trẻo mầu nhiệm, lại rất thông minh, biện bác, thuyết pháp tài giỏi, cho nên được nhiều người quen biết, lại được cả nhà Vua, và những người Bà La Môn cung kính cúng dàng. Lúc ấy có một vị Tỷ Khưu già, thân hình xấu xí, nhân tướng bất cụ, hơn nữa giọng tiếng lại không được tốt, nhưng thường ưa đọc tụng tán thán công đức của Tam Bảo.
Bấy giờ, vị Tam Tạng Tỷ Khưu tuổi trẻ, thấy vị Tỷ Khưu già, giọng tiếng không được tốt, liền sinh tâm hủy nhục, mà nói rằng:
-Giọng tiếng như thế, chẳng khác gì tiếng chó sủa!
Lúc đó vị Tỷ Khưu già nói rằng:
-Sao ngươi lại hủy nhục ta như vậy? Ngươi có biết ta chăng?
Vị Tam Tạng Tỷ khưu tuổi trẻ nói rằng:
-Tôi có biết ông chớ, ông là người Tỷ Khưu già Ma Ha La, trong thời kỳ chính pháp của Phật Tỳ Bà Thi, sao tôi lại không biết?
Ma Ha La nói:
-Ta nay chỗ sở tác đã xong, phạm hạnh đã lập, và không còn phải chịu thân sinh tử hậu hữu nữa.
Vì Tam Tạng Tỷ Khưu tuổi trẻ nghe nói rồi, lòng sinh kinh hãi, dựng cả chân lông.
Bấy giờ Ma Ha La, liền đưa tay bên phải phóng ra ánh sáng hào quang rất lớn soi khắp cả mười phương.
Bấy giờ Tam Tạng, liền cúi đầu lễ bái, cầu xin sám hối:
-Tôi là người ngu si, không biết phân biệt Hiền Thánh, nên gây ra nghiệp ác ấy, xin cho tôi đời sau, được gần gũi bạn lành gặp gỡ Thánh sư, bao nhiêu phiền não đều được sạch hết, cũng như Đại Đức.
Phật bảo Ngài A Nan rằng:
-Tam Tạng Tỷ Khưu trẻ tuổi ấy, vì một lời nói ác hủy mắng Thượng Tọa, mà sau trong năn trăm kiếp, thường phải quả báo làm thân chó.
Tất cả đại chúng, nghe Phật nói pháp, đều kinh sợ hãi hùng, và đều phát ra tiếng nói rằng:
-Gớm thay! Gớm thay! Thế gian độc họa, không gì nặng hơn ác khẩu!
Bấy giờ vô lượng trăm ngàn người, đều lập thệ nguyện, mà nói kệ rằng:
-Thà lấy vòng sắt nóng nung đốt, vòng vào đầu tôi, tôi chọn không bao giờ dùng lời độc ác hủy báng Hiền Thánh Thiện Nhân.
Phật bảo Ngài A Nan và Xá Lợi Phất:
-Đối với các chúng sinh, là người Thiện tri thức, ngày đêm sáu thời, thường dùng đạo nhỡn, xem xét chúng sinh ở trong năm ngả, người nên hóa độ cho họ, cần phải đến hóa độ.
Bấy giờ, khoảng giữa hai nước Ma Kiệt Đà và nước Xá Vệ, có năm trăm người khách buôn, phải đi ngang qua một con đường rất nguy hiểm. Lúc đó, người chủ buôn, có mang theo một con chó. Bấy giờ người bạn của chủ buôn, vào lúc chập tối, có nấu thịt, để làm thức ăn, tới khua, con chó ấy ăn vụng hết. Sáng mai người chủ buôn, và bạn của ông, định lấy thịt ra để ăn, thì biết là chó đã ăn vụng đêm hôm qua hết rồi! Đang gặp lúc đói khát bức bách, nên họ sinh ra giận tức, liền cầm dao chặt đứt bốn chân của con chó, quăng xác xuống hố rồi cùng nhau bỏ đi nơi khác. Con chó bị đau đớn quằn quại ở dưới hố trông rất là thảm thiết.
Lúc ấy, Ngài Xá Lợi Phất, vào lúc chập tối, dùng đạo nhỡn, đằng xa coi thấy rõ sự thể ấy rồi, nên đến sớm mai, Ngài liền mặc áo mang bát vào trong thành khuất thực xong, Ngài liền đi thẳng đến chỗ con chó, đem thức ăn cho con chó ăn, rồi lại vì nói pháp, chỉ bày dạy bảo, khiến cho được những sự lợi ích, nên sinh ra lòng vui mừng. Con chó ấy nghe pháp rồi, thẹn hổ không vui. Sau bảy ngày tội hết được thoát làm kiếp chó, sinh lên làm người.
Phật bảo Ngài A Nan rằng:
-Con chó lúc ấy, nay là ông Sa Di Quân Đề này. Do đời quá khư, hủy báng Hiền Thánh, mà phải đọa lạc vào đường ác, nhưng vì biết ăn năn, thẹn hổ cải hối, và phát thệ nguyện ấy, cho nên nay được gặp Phật, giải thoát sinh tử phiền não.
Phật bảo Ngài A Nan:
-Nên phải nghĩ nhớ đến ân đức của cha mẹ, Thiện hữu. Cho nên người biết ơn, thường nên phải trả ơn. Thiện tri thức là đại nhân duyên.
Khi Phật nói pháp ấy, có vô lượng trăm ngàn chúng sinh, phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, cho nên đến tâm Thanh Vân, Bích Chi Phật, tất cả đại chúng nghe Phật nói Pháp rồi đều vui mừng hớn hở, làm lễ Phật mà lui trở ra.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Kinh Đại Bát Niết-bàn


Pháp bảo Đàn kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.253.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập