Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh [大方廣佛華嚴經] »» Bản Việt dịch quyển số 13 »»

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh [大方廣佛華嚴經] »» Bản Việt dịch quyển số 13

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.67 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm

Kinh này có 80 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

9. PHẨM QUANG MINH GIÁC THỨ CHÍN
(Hán Bộ Phần Ðầu Quyển 13)

Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn, từ dưới lòng hai bàn chưn, phóng ra trăm ức tia sáng chiếu khắp Ðại thiên thế giới: trăm ức Diêm Phù Ðề, trăm ức Phất Bà Ðề, trăm ức Cù Gia Ni, trăm ức Uãt Ðơn Việt, trăm ức đại hải, trăm ức Luân Vi Sơn, trăm ức Bồ Tát thọ sanh, trăm ức Bồ Tát xuất gia, trăm ức Như Lai thành chánh giác, trăm ức Như Lai chuyển pháp luân, trăm ức Như Lai nhập Niết Bàn, trăm ức Tu Di Sơn, trăm ức Tứ Vương Thiên, trăm ức Ðao Lợi Thiên, trăm ức Dạ Ma Thiên, trăm ức Ðâu Suất Thiên, trăm ức Hóa Lạc Thiên, trăm ức Tha Hóa Thiên, trăm ức Sơ Thiền Thiên, trăm ức Nhị Thiền Thiên, trăm ức Tâm Thiền Thiên, trăm ức Tứ Thiền Thiên, nhẫn đến trăm ức Sắc Cứu Cánh Thiên. Tất cả vật cảnh trong Ðại Thiên thế giới đều được quang minh của Thế Tôn soi sáng hiển hiện cả.
Như nơi đây hiện thấy Ðức Thế Tôn ngồi tòa Liên Hoa Tạng Sư Tử, mười Phật sát vi trần số Bồ Tát vây quanh. Trong trăm ức Diêm Phù Ðề khác, cũng đều có Như Lai an tọa như thế cả.
Do thần lực của Phật, trong mười phương, mỗi phương đều có một đại Bồ Tát cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội đến chỗ Ðức Phật ngự: Ðông phương Kim Sắc thế giới có Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Nam phương Diệu Sắc thế giới có Giác Thủ Bồ Tát, Tây phương Liên Hoa Sắc thế giới có Tài Thủ Bồ Tát, Bắc phương Chiêm Bặc Hoa Sắc thế giới có Bửu Thủ Bồ Tát, Ðông bắc phương Ưu Bát La Hoa Sắc thế giới có Bồ Tát Công Ðức Thủ, Ðông nam phương Kim Sắc thế giới có Mục Thủ Bồ Tát, Tây nam phương Bửu Sắc thế giới có Tinh Tấn Thủ Bồ Tát, Tây bắc phương Kim Cang Sắc thế giới có Pháp Thủ Bồ Tát, Hạ phương Pha Lê Sắc thế giới có Trí Thủ Bồ Tát, Thượng phương Bình Ðẳng Sắc thế giới có Hiềm Thủ Bồ Tát.
Lúc đó, trong tất cả trăm ức đạo tràng, nơi chư Phật ngự, trăm ức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đồng thời ứng thinh nói kệ rằng:
Nếu có ai thấy Phật
Giải thoát lìa hữu lậu
Chẳng tham trước thế gian
Người này chẳng chứng đạo.
Nếu ai biết Như Lai
Thể tướng vô sở hữu
Tu tập được rõ ràng
Người này mau thành Phật.
Nếu thấy thế giới này
Tâm được chẳng dao động
Với Phật thân cũng vậy
Sẽ thành bực Thắng Trí.
Nếu với Phật cùng Pháp
Ðược tâm trọn bình đẳng
Chẳng móng khởi nhị niệm
Sẽ lên bực Nan Tư.
Nếu thấy Phật và thân
Bình đẳng mà an trụ
Vô trụ vô sở nhập
Sẽ thành bực Nam Ngộ.
Sắc, Thọ không có số
Tưởng, Hành, Thức cũng vậy
Nếu biết được như đây
Sẽ là Ðại Mâu Ni.
Kiến chấp thế, xuất thế
Tất cả đều vượt khỏi
Mà hay khéo biết pháp
Sẽ thành bực Ðại Quang.
Nếu nơi đấng Toàn Trí
Phát sanh tâm hồi hướng
Thấy tâm không chỗ sanh
Sẽ được bực Hồng Danh.
Chúng sanh không có sanh
Cũng lại không có hoại
Nếu được trí như vậy
Sẽ thành vô thượng đạo.
Trong một: hiểu vô lượng
Trong vô lượng: hiểu một
Rõ kia sanh lẫn nhau
Sẽ thành vô sở úy.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Phật chiếu ra ngoài thế giới này suốt đến mười phương, mỗi phương đều chiếu mười quốc độ. Trong những cõi đó, tất cả vật cảnh từ Diêm Phù Ðề đến Sắc Cứu Cánh Thiên đều được chói sáng, và đều có Ðức Phật ngự trên tòa sư tử như ở cõi này.
Do thần lực của Ðức Phật, mười phương đều có một đại Bồ Tát cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội đến chỗ Phật, cũng chính là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v...
Bấy giờ, ở trước mỗi Như Lai, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đồng thời ứng thinh nói kệ rằng:
Chúng sanh không trí huệ
Tham ái đâm thương độc
Vì cứu họ nên Phật
Cầu Bồ Ðề vô thượng.
Thấy các nơi các pháp
Ðều xa rời hai bên
Ðạo thành trọn chẳng thối
Chuyển pháp luân vô đẳng.
Bất khả tư nghì kiếp
Tinh tấn tu các hạnh
Vì độ các chúng sanh
Là nguyện lực của Phật.
Ðạo sư hàng quân ma
Dũng kiện không ai hơn
Quang minh diễn diệu nghĩa
Từ bi nên như vậy.
Dùng tâm trí huệ kia
Phá các chướng phiền não
Một niệm thấy tất cả
Là thần lực của Phật.
Ðánh trống lớn chánh pháp
Giác ngộ mười phương cõi
Ðều khiến đến bồ đề
Sức tự tại như vậy.
Chẳng hoại vô biên cảnh
Mà đi ức cõi nước
Với cõi không trệ trước
Kia tự tại như Phật.
Chư Phật như hư không
Rốt ráo thường thanh tịnh
Nghĩ nhớ lòng hoan hỉ
Kia các nguyện đầy đủ.
Trong mỗi mỗi địa ngục
Trải qua vô lượng kiếp
Vì cứu độ chúng sanh
Mà nhẫn được khổ này.
Chẳng tiếc nơi thân mạng
Thường hộ các Phật pháp
Vô ngã tâm điều nhu
Hay được đạo Như Lai.
Lúc đó quang minh của Ðức Phật chiếu quá mười phương thế giới, rồi chiếu suốt trăm thế giới ở mỗi phương trong mười phương. Nơi các thế giới ấy đều có Như Lai ngự tòa sư tử như ở tại đây, và do thần lực của Ðức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ Tát, tức là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v... cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng đến chỗ Phật.
Bấy giờ, trước mỗi Ðức Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Phật rõ pháp như huyễn
Thông đạt không chướng ngại
Tâm tịnh lìa tham chấp
Ðiều phục các chúng sanh.
Hoặc có thấy sơ sanh
Sắc đẹp như núi vàng
Trụ thân tối hậu này
Làm mặt nguyệt nhơn loại
Hoặc thấy Phật kinh hành
Ðủ vô lượng công đức
Niệm huệ đều thiện xảo
Bước đi Ðại Sư Tử.
Hoặc thấy mắt xanh biếc
Quan sát khắp mười phương
Có lúc hiện vui cười
Vì thuận lòng quần chúng.
Hoặc thấy sư tử hống
Thân thù thắng vô tỉ
Thị hiện tối hậu sanh
Nói lời đều chơn thật.
Hoặc có thấy xuất gia
Giải thoát những hệ phược
Tu tập hạnh chư Phật
Thường thích quán tịch diệt.
Hoặc thấy ngồi đạo tràng
Rõ biết tất cả pháp
Ðến bờ công đức kia
Phiền não si đã hết.
Hoặc thấy thắng thượng phu
Ðầy đủ tâm đại bi
Chuyển pháp luân vi diệu
Ðộ vô lượng chúng sanh.
Hoặc thấy sư tử hống
Oai quang rất thù đặc
Siêu tất cả thế gian
Thần thông lực vô đẳng
Hoặc thấy tâm tịch tịnh
Như ngọn đèn tắt hẳn
Hiện các loại thần thông
Ðấng thập lực như vậy.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Phật chiếu khỏi trăm thế giới, suốt đến khắp ngàn thế giới ở mỗi phương trong mười phương. Nơi mười phương thế giới này cũng đều có Ðức Phật ngự đạo tràng giữa chúng hội mười Phật sát vi trần số Bồ Tát.
Do thần lực của Ðức Phật, mỗi phương trong mười phương đều có một đại Bồ Tát, chính là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v... cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, trước mỗi Ðức Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Phật nơi pháp thậm thâm
Thông đạt không ai sánh
Chúng sanh không thấy được
Phật tuần tự khai thị
Ngã tánh chưa từng có
Ngã sở cũng không tịch
Cớ sao chư Như Lai
Lại được có thân thể
Ðấng giải thoát Minh Hạnh
Vô số vô đẳng luân
Các nhơn lượng thế gian
Tìm lỗi không thể được.
Phật chẳng phải những loại
Uẩn, xứ, giới, sanh tử
Số pháp vẫn không thành
Nên hiệu Nhơn Sư Tử.
Tánh Phật vốn không tịch
Trong ngoài đều giải thoát
Rời tất cả vọng niệm
Pháp vô đẳng như vậy.
Thế tánh thường bất động
Không ngã không đến đi
Mà hay giác ngộ đời
Vô biên đều điều phục.
Thường thích quán tịch diệt
Một tướng không có hai
Tâm Phật không tăng giảm
Hiện vô lượng thần lực.
Chẳng làm hạnh nghiệp báo
Nhơn duyên của chúng sanh
Mà rõ thấu vô ngại
Ðấng Thiện Thệ như vậy.
Tất cả loài chúng sanh
Lưu chuyển trong mười phương
Như Lai không phân biệt
Ðộ thoát vô biên loại.
Chư Phật thân Kim Sắc
Chẳng cõi khắp các cõi
Tùy chúng sanh sở thích
Diễn thuyết pháp tịch diệt.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Phật chiếu quá ngàn thế giới, suốt khắp mười ngàn thế giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nơi những thế giới này cũng đều có Ðức Phật ngự nơi đạo tràng giữa chúng hội mười Phật sát vi trần số Bồ Tát.
Do thần lực của Phật, mỗi phương trong mười phương đều có một đại Bồ Tát, chính là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát, đồng câu hội đến chỗ Ðức Phật ngự.
Bấy giờ, trước mỗi Ðức Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Phát khởi tâm đại bi
Cứu hộ các chúng sanh
Thoát hẳn chúng nhơn thiên
Nên làm việc như vậy.
Lòng thường tin ưa Phật
Tâm đó không thối chuyển
Gần gũi chư Như Lai
Nên làm việc như vậy.
Chí thích công Ðức Phật
Tâm đó trọn không thối
Trụ nơi huệ thanh lương
Nên làm việc như vậy.
Trong tất cả oai nghi
Thường nhớ công Ðức Phật
Ngày đêm không tạm dứt
Việc như vậy nên làm.
Quán tam thế vô biên
Học công đức của Phật
Thường không lòng nhàm mỏi
Việc như vậy nên làm.
Quán thân như thiệt tướng
Tất cả đều tịch diệt
Lìa ngã, không chấp ngã
Việc như vậy nên làm.
Bình đẳng quán chúng sanh
Chẳng móng niệm phân biệt
Vào nơi cảnh chân thật
Việc như vậy nên làm.
Bưng cả vô biên cõi
Uống hết tất cả biển
Thần thông đại trí lực
Việc như vậy nên làm.
Tư duy các quốc độ
Tướng sắc và phi sắc
Ðều biết được tất cả
Việc như vậy nên làm.
Vi trần mười phương cõi
Một trần là một Phật
Ðều biết được số đó
Việc như vậy nên làm.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Phật chiếu quá mười ngàn thế giới, suốt khắp đến trăm ngàn thế giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nỏi đó đều có Ðức Phật ngự giữa đạo tràng chúng hội mười Phật sát vi trần số Bồ Tát.
Do thần lực của Ðức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v... cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội đến chỗ Phật.
Bấy giờ, trước mỗi Ðức Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Nếu dùng oai đức, sắc, chủng tộc
Ðể thấy đấng Ðiều Ngự trong đời
Ðây là mắt bịnh thấy điên đảo
Người này chẳng biết pháp tối thắng.
Như Lai sắc, hình những tướng tốt
Tất cả thế gian chẳng lường được
Ức na do kiếp đồng nghĩ lường
Sắc tướng, oai đức chuyển vô biên.
Như Lai chẳng lấy tướng làm thể
Chính là pháp tịch diệt vô tướng
Thân tướng oai nghi đều đầy đủ
Thế gian tùy thích đều được thấy.
Phật pháp vi diệu khó lường được
Tất cả ngôn thuyết chẳng đến được
Chẳng phải hòa hiệp, bất hòa hiệp
Thể tánh tịch diệt không các tướng.
Phật thân vô sanh ngoài hí luận
Chẳng phải uẩn tụ, pháp sai biệt
Ðược sức tự tại thấy quyết định
Sở hành vô úy lìa ngôn thuyết.
Thân tâm đều bình đẳng
Trong ngoài đều giải thoát
Nhiều kiếp trụ chánh niệm
Vô trước, không hệ phược.
Bực tâm sạch sáng suốt
Sở hành không nhiễm trước
Trí nhãn đều cùng khắp
Rộng lớn lợi chúng sanh.
Một thân là vô lượng
Vô lượng lại là một
Rõ biết các thế gian
Hiện hình khắp tất cả.
Thân này không từ đâu
Cũng không nơi tích tụ
Vì chúng sanh phân biệt
Thấy Phật có nhiều thân.
Tâm phân biệt thế gian
Tâm này vô sở hữu
Như Lai biết pháp này
Thấy thân Phật như vậy.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Thế Tôn chiếu quá trăm ngàn thế giới, suốt đến trăm vạn thế giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nơi đó đều có Ðức Phật ngự đạo tràng chúng hội mười Phật sát vi trần số Bồ Tát.
Do thần lực của Ðức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v... cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, trước mỗi Ðức Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Như Lai rất tự tại
Siêu thế vô sở y
Ðủ tất cả công đức
Ðộ thoát nơi các cõi.
Không nhiễm cũng không trước
Vô tưởng vô y chỉ
Thể tánh không thể lường
Ai thấy cũng ca ngợi.
Quang minh khắp thanh tịnh
Trần lụy đều rửa bỏ
Bất động lìa hai bên
Ðây là trí Như Lai.
Thân tâm lìa phân biệt
Thời với tất cả pháp
Thoát hẳn những nghi trệ.
Trong tất cả thế gian
Nơi nơi chuyển pháp luân
Vô tánh vô sở chuyển
Ðạo Sư phương tiện nói.
Nơi pháp không nghi lầm
Tuyệt hẳn những hí luận
Chẳng sanh tâm phân biệt
Là niệm Phật Bồ đề.
Rõ biết pháp sai biệt
Chẳng chấp trước ngôn thuyết
Chẳng có một cùng nhiều
Ðây là thuận lời Phật.
Trong nhiều không một tánh
Một cũng không có nhiều
Bỏ cả hai như vậy
Khắp vào Phật công đức.
Chúng sanh và quốc độ
Tất cả đều tịch diệt
Vô y vô phân biệt
Vào được Phật bồ đề.
Chúng sanh và quốc độ
Ðồng dị đều chẳng được
Khéo quan sát như vậy
Là biết nghĩa Phật pháp.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Phật chiếu quá trăm vạn thế giới suốt đến một ức thế giới ở mỗi phương trong mười phương. Nơi đó đều có Ðức Phật ngự giữa chúng hội mười Phật sát vi trần số Bồ Tát.
Do thần lực của Ðức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v... cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, ở trước mỗi Ðức Phật, đồng thời ứng thinh nói kệ rằng:
Trí huệ vô đẳng pháp vô biên
Vượt biển hữu lậu đến bờ kia
Thọ lượng quang minh đều vô tỉ
Phương tiện lực của đấng công đức.
Bao nhiêu Phật pháp đều rõ ràng
Thường quán tam thế không nhàm mỏi
Dầu duyên cảnh giới không phân biệt
Ðây phương tiện của bậc nan tư.
Thích quán chúng sanh vốn vô sanh
Khắp thấy các loài vốn không loài
Hằng trụ thiền tịch chẳng hệ lụy
Ðây phương tiện của Vô Ngại Huệ.
Khéo léo thông đạt tất cả pháp
Chánh niệm siêng tu đạo Niết Bàn
Thích nơi giải thoát lìa bất bình
Ðây phương tiện của bực tịch diệt.
Hay khuyên người hướng Phật bồ đề
Ðến nhứt thiết trí như pháp giới
Khéo dạy chúng sanh vào đế lý
Ðây phương tiện ngươwi trụ tâm Phật.
Phật chỗ thuyết pháp đều thuận vào
Trí huệ quảng đại không chướng ngại
Tất cả xứ hành đều bước lên
Phương tiện tu tập của Tự Tại.
Hằng trụ Niết Bàn như hư không
Tùy tâm hóa hiện đều cùng khắp
Ðây tựa vô tướng mà làm tướng
Phương tiện của bực Ðáo Nan Ðáo.
Sáng tối ngày tháng và năm kiếp
Thế giới thỉ chung là thành hoại
Như vậy nhớ nghĩ đều rõ biết
Ðây phương tiện của Thời Số Trí.
Tất cả chúng sanh có sanh diệt
Sắc phi sắc cùng tưởng phi tưởng
Bao nhiêu danh tự đều rõ biết
Ðây phương tiện của bực Nan Tư.
Thời quá khứ, hiện tại, vị lai
Bao nhiêu ngôn thuyết đều rõ được
Mà biết ba thời đều bình đẳng
Ðây phương tiện của Vô Tỷ Giải.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Phật chiếu quá một ức thế giới, suốt khắp mười ức thế giới, ở mỗi phương, trong mười phương. Nơi đó đều có Ðức Phật ngự giữa đạo tràng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát.
Do thần lực của Ðức Phật, mỗi phương đều có một vị đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v... đều cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội nơi Phật ngự.
Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, ở trước mỗi Ðức Phật, đồng ứng thinh nói kệ rằng:
Khổ hạnh lớn khó đều tu tập
Ngày đêm tinh cần không nhàm trễ
Ðã độ khó độ sư tử hống
Ðộ khắp chúng sanh là hạnh Phật.
Chúng sanh lưu chuyển biển ái dục
Vô minh che đậy rất khổ ngặt
Chí Nhơn dũng mãnh đều dứt trừ
Thệ nguyện như vậy là hạnh Phật.
Thế gian phóng dật say ngũ dục
Phân biệt sai lầm chịu những khổ
Phụng hành Phật giáo đều nhiếp tâm
Nguyện độ chúng sanh là hạnh Phật.
Chúng sanh chấp ngã vào sanh tử
Cầu tột mé kia không thể được
Khắp thờ chư Phật được diệu pháp
Vì họ giảng pháp là hạnh Phật.
Chúng sanh bơ vơ bịnh khổ vây
Thường trôi nẻo ác khởi ba độc
Ngọn lửa hừng lớn luôn đốt cháy
Tịnh tâm động chúng là hạnh Phật.
Chúng sanh mê lầm mất chánh đạo
Thường đi đường tà vào nhà tối
Vì họ thắp sáng đèn chánh pháp
Luôn luôn soi sáng là hạnh Phật.
Chúng sanh trôi chìm biển hữu lậu
Khổ lo không bờ chẳng ở được
Vì họ sửa sang đại pháp thuyền
Ðều khiến thoát khổ là hạnh Phật.
Chúng sanh vô tri chẳng thấy cội
Mê lầm cuồng si trong hiểm nạn
Phật thương xót họ xây pháp kiều
Khiến trụ chánh niệm là hạnh Phật.
Thấy các chúng sanh ở đường hiểm
Khổ già bịnh chết luôn bức ngặt
Tu các phương tiện không hạn lượng
Thệ độ tất cả là hạnh Phật.
Nghe pháp tin hiểu không nghi lầm
Rõ tánh không tịch chẳng kinh sợ
Tùy hình lục đạo khắp mười phương
Cứu khắp quần mê là hạnh Phật.
Lúc bấy giờ, quang minh của Ðức Phật chiếu quá mười ức thế giới, suốt khắp đến trăm ức thế giới, ngàn ức, vạn ức, trăm ngàn ức, na do tha ức, trăm na do tha ức, ngàn na do tha ức, trăm ngàn na do tha ức, nhẫn đến vô số, vô lượng, vô biên, vô đẳng, bất khả số, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, tận pháp giới, hư không giới, tất cả thế giới ở mười phương. Nơi mỗi thế giới từ Diêm Phù Ðề đến Sắc Cứu Cánh Thiên mọi vật cảnh đều được hiển hiện. Nơi mỗi Diêm Phù Ðề đều có Ðức Phật ngự giữa đạo tràng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát.
Do thần lực của Ðức Phật, mỗi phương đều có một đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát v.v... đều cùng mười Phật sát vi trần số Bồ Tát đồng câu hội đến chỗ Phật ngự.
Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở trước mỗi Ðức Phật, đều ứng thinh nói kệ rằng:
Một niệm quán khắp vô lượng kiếp
Vô khứ vô lai cũng vô trụ
Như vậy rõ biết việc ba thời
Siêu xuất phương tiện thành thập lực.
Mười phương vô tỉ hồng danh tốt
Lìa hẳn các hạnh thường hoan hỉ
Khắp đến trong tất cả quốc độ
Vì người tuyên dương pháp như vậy.
Vì lợi chúng sanh cúng dường Phật
Ðúng ý nguyện được quả tương tợ
Với tất cả pháp đều thuận biết
Khắp trong mười phương hiện thần lực.
Tối sơ cúng Phật ý nhu nhuẫn
Nhập đại thiền định quán pháp tánh
Khuyên khắp chúng sanh phát đạo tâm
Do đây mau thành quả vô thượng.
Mười phương cầu pháp lòng không đổi
Vì tu công đức cho đầy đủ
Hai tướng có không đều dứt trừ
Người này thấy Phật đúng chơn thật.
Qua khắp các cõi nước mười phương
Nói rộng diệu pháp hưng lợi ích
Trụ nơi thật tế chẳng động dao
Công đức người này đồng với Phật.
Pháp luân vi diệu của Phật dạy
Tất cả đều là bồ đề phần
Nếu được nghe rồi ngộ pháp tánh
Người như đây là thường thấy Phật.
Chẳng thấy thập lực không như huyễn
Dầu thấy nhưng chẳng thấy như lòa
Phân biệt chấp tướng chẳng thấy Phật
Rốt ráo lìa chấp mới thấy Phật.
Chúng sanh tùy nghiệp đều sai khác
Mười phương trong ngoài khó thấy hết
Thân Phật vô ngại khắp mười phương
Chẳng thể thấy hết cũng như vậy.
Như trong không giới vô lượng cõi
Không lai không khứ khắp mười phương
Sanh thành diệt hoại vô sở y
Phật khắp hư không cũng như vậy
10. PHẨM BỒ TÁT VẤN MINH THỨ MƯỜI
(Hán Bộ Phần Sau Quyển 13)

Lúc bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Giác Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Tâm tánh vốn là một, sao lại thấy có các thứ sai khác? Những là:
Ðến đường lành nẻo dữ, căn thân có đủ có thiếu, thọ sanh đồng và khác, đẹp đẽ cùng xấu xí, nào vui nào khổ, nghiệp không biết tâm, mà tâm cũng chẳng biết nghiệp, thọ không rõ báo mà báo cũng chẳng rõ thọ, tâm chẳng biết thọ mà thọ cũng không biết tâm, nhơn không biết duyên mà duyên cũng chẳng biết nhơn, trí chẳng biết cảnh mà cảnh cũng chẳng biết trí.
Giác Thủ Bồ Tát nói kệ để đáp:
Nay ngài hỏi nghĩa này
Vì Liễu ngộ quần mông
Cứ tánh kia, tôi đáp
Xin ngài lóng nghe cho.
Các pháp không tác dụng
Cũng không có thể tánh
Vì thế nên các pháp
Ðều chẳng biết được nhau.
Ví như nước trong sông
Các dòng đua nhau chảy
Chúng đều chẳng biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Lại cũng như đống lửa
Ðồng thời phát ngọn to
Chúng đều chẳng biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Lại như gió lớn thổi
Xao động các cảnh vật
Chúng đều chẳng biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Lại như các địa giới
Xây vần nương tựa nhau
Các pháp cũng như vậy.
Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân
Tâm ý sáu tình căn
Do dây thường lưu chuyển
Nhưng vẫn không năng chuyển.
Pháp tánh vốn vô sanh
Trong đây không năng hiện
Cũng không vật sở hiện.
Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân
Tâm ý sáu tình căn
Tất cả rỗng vô tánh
Vọng phân biệt mà có.
Cứ đúng lý quan sát
Tất cả đều vô tánh
Pháp nhãn bất tư nghì
Ðây là thấy chơn thật.
Hoặc vọng hay chẳng vọng
Hoặc thiệt hoặc chẳng thiệt
Thế gian cùng xuất thế
Chỉ là giả ngôn thuyết.
Lúc đó, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Tài Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Ðức Như Lai tùy thờI gian như thế nào, cũng như tùy mạng sống, tùy thân thể, tùy hành vi, tùy hiểu biết, tùy ngôn luận, tùy sở thích, tùy phương tiện, tùy tư duy, tùy quan sát của chúng sanh như thế nào, mà hiện thân Phật để giáo hóa điều phục các chúng sanh ấy?
Tài Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Ðây là cảnh của bực
Ða Văn thích tịch diệt,
Nay tôi vì ngài đáp
Xin ngài chú ý nghe.
Phân biệt quán nội thân
Trong đây gì là ta?
Nếu hiểu được như vậy
Thời biết ta không.
Thân này là giả tạo
Chỗ trụ không nơi chỗ
Người thiệt biết thân này
Trong đây không chấp trước.
Nơi thân khéo quan sát
Tất cả đều thấy rõ
Biết pháp đều hư vọng
Chẳng khởi tâm phân biệt.
Mạng sống nhơn gì có
Rồi nhơn gì tan mất
Khác nào vòng lửa xây
Ðầu đuôi chẳng biết được.
người trí hay quan sát
Có tướng đều vô thường
Các pháp, không, vô ngã
Lìa hẳn tất cả tướng.
Các báo, tùy nghiệp sanh
Giả dối như giấc mơ
Luôn luôn thường diệt hoại
Như trước, sau cũng vậy.
Những pháp thấy ở đời
Chỉ do tâm làm chủ,
Tùy hiểu chấp lấy tướng
Ðiên đảo chẳng đúng thật.
Những ngôn luận trong đời
Ðều do phân biệt cả
Chưa từng có một pháp
Ðược vào nơi pháp tánh.
Sức năng duyên, sở duyên
Sanh ra những pháp tướng
Chóng diệt, chẳng tạm dừng
Niệm niệm đều như vậy.
Lúc đó, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Bửu Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Tất cả chúng sanh đồng có tứ đại, không ngã, không ngã sở, tại sao lại có những sự khác biệt, như khổ vui, tốt xấu, ưa trong chuộng ngoài, thọ ít hưởng nhiều, hoặc hiện báo, hoặc hậu báo. Nhưng trong pháp giới vẫn không tốt xấu?
Bửu Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Cứ theo nghiệp đã tạo
Sanh quả báu như vậy
Ðều không có tác giả
Ðây là lời chư Phật.
Như mặt gương sáng sạch
Tùy theo cảnh đối tượng
Hiện bóng sai khác nhau
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Cũng như ruộng gieo giống
Chúng đều chẳng biết nhau
Tự nhiên mọc lên cây
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Như nhà ảo thuật giỏi
Ở tại ngã tư đường
Hiện ra những sắc tướng
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Như người gỗ máy móc
Hay vang ra các tiếng
Nó không ngã ngã sở
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Cũng như giống chim bay
Từ trứng nở sanh ra
Tiếng kêu không đồng nhau
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Ví như trong thai tạng
Căn thân đều thành tựu
Thể tướng không từ đâu
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Lại như ở địa ngục
Bao nhiêu là sự khổ
Kia đều không từ đâu
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Như vua Chuyển luân vương
Có đủ bảy thứ bảo
Chỗ đến không từ đâu
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Lại như các thế giới
Lúc đại hỏa cháy tan
Lửa này không từ đâu
Nghiệp tánh cũng như vậy
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Ðức Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Chỗ giác ngộ của Ðức Như Lai chỉ là một pháp duy nhứt, sao lại bảo là vô lượng pháp, hiện vô lượng cõi, hóa vô lượng chúng, diễn vô lượng âm, thị vô lượng thân, biết vô lượng tâm, hiện vô lượng thần thông, có thể chấn động khắp vô lượng thế giới, thị hiện vô lượng sự thù thắng trang nghiêm, hiển thị vô biên nhiều loại cảnh giới. Nhưng trong pháp tánh các tướng sai biệt này đều bất khả đắc.
Ðức Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Nghĩa của Phật tử hỏi
Rất sâu khó rõ được
Người trí biết nghĩa này
Thường chứa công Ðức Phật.
Như đất chỉ một tánh
Mọi loài ở riêng chỗ
Ðất không nghĩ đồng khác
Pháp chư Phật như vậy.
Cũng như một đại hải
Ngàn vạn lượng sóng trào
Nước biển vẫn duy nhứt
Pháp chư Phật như vậy.
Cũng như gió một tánh
Thổi động tất cả vật
Gió không nghĩ đồng khác
Pháp chư Phật như vậy.
Cũng như mây sấm lớn
Mưa khắp cả mọi nơi
Nước mưa vẫn không khác
Pháp chư Phật như vậy.
Cũng như mặt đất kia
Mọc lên nhiều mầm mộng
Mặt đất chỉ là một
Pháp chư Phật như vậy.
Mặt nhựt không mây mờ
Chiếu sáng khắp mười phương
Quang minh không sai khác
Pháp chư Phật như vậy.
Như mặt nguyệt trên cao
Mọi nơi đều nhìn thấy
Mặt nguyệt vẫn một chỗ
Pháp chư Phật như vậy.
Ví như Ðại Phạm Vương
Ứng hiện khắp đại thiên
Thân ngài vẫn không khác
Pháp chư Phật như vậy.
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Mục Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Như Lai phước điền đồng một không sai khác, sao lại thấy chúng sanh bố thí được của quả báo chẳng đồng? Những là:
Nhiều loại sắc, nhiều loại thân, nhiều loại căn, nhiều loại nhà, nhiều loại chủ, nhiều loại quyến thuộc, nhiều loại quan chức, nhiều loại công đức, nhiều loại trí huệ.
Nhưng Ðức Phật đối với họ, tâm Phật thường bình đẳng, không có quan niệm riêng khác?
Mục Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Như tất cả vẫn là một
Theo giống mọc mầm khác
Ðất không ý thân sơ
Phật phước điền cũng vậy.
Lại như nước một vị
Nhơn đồ đựng có khác
Phật phước điền vẫn một
Do tâm người thành khác.
Như nhà ảo thuật khéo
Làm mọi người hoan hỉ
Phật phước điền cũng vậy
Khiến chúng sanh kính vui.
Như vua có tài trí
Hay khiến nhơn dân mừng
Phật phước điền cũng vậy
Khiến chúng đều an vui.
Như mặt gương sáng sạch
Theo hình mà hiện bóng
Phật phước điền cũng vậy
Tùy tâm được báo khác.
Như thuốc A gìa đà
Trị được tất cả độc
Phật phước điền cũng vậy
Dứt các hoạ phiền não.
Như lúc mặt trời mọc
Chiếu sáng khắp thế gian
Phật phước điền cũng vậy
Phá trừ những tối tăm.
Như mặt nguyệt tròn sáng
Chiếu khắp cõi đại địa
Phật phước điền cũng vậy
Bình đẳng với tất cả.
Ví như gió tỳ lam
Chấn động khắp đại địa
Phật phước điền cũng vậy
Ðộng chúng sanh ba cõi.
Như đại hỏa nổi lên
Ðốt cháy tất cả vật
Phật phước điền cũng vậy
Ðốt tất cả hữu vi.
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Cần Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Phật giáo là một, chúng sanh được thấy biết, cớ sao không liền đều dứt trừ tất cả phiền não hệ phược mà được xuất ly? Nhưng nơi chúng sanh, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, năm uẩn, dục, sắc, vô sắc, ba cõi, vô minh, tham ái đều không sai khác. Như thế thời Phật giáo, đối với chúng sanh, hoặc có lợi ích, hoặc không có lợi ích?
Cần Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Phật tử khéo lóng nghe
Nay tôi cứ thiệt đáp
Hoặc có mau giải thoát
Hoặc có khó xuất ly.
Nếu muốn cầu dứt trừ
Vô lượng những lỗi ác
Nên ở trong Phật pháp
Dũng mãnh thường tinh tấn.
Ví như chút ít lửa
Ðốt ướt thời chóng tắt
Ở nơi trong Phật pháp
Người giải đãi cũng vậy.
Như cọ cây lấy lửa
Chưa cháy mà nghỉ luôn
Thế lửa liền tắt nguội
Người giải đãi cũng vậy.
Như người cầm nhựt châu
Chẳng dùng vật tiếp bóng
Trọn không thể được lửa
Người giải đãi cũng vậy
Như ánh nắng quá chói
Trẻ nít nhắm đôi mắt
Tự nói sao không thấy
Người giải đãi cũng vậy
Như người không tay chân
Muốn dùng cỏ làm tên
Bắn phá cả đại địa
Người giải đãi cũng vậy
Như lấy một đầu lông
Muốn chấm khô đại hải
Người giải đãi cũng vậy
Không thể dứt hoặc nghiệp.
Lại như kiếp hỏa nổi
Muốn tắt với ít nước
Ở nơi trong Phật pháp
Người giải đãi cũng vậy.
Như người ngó hư không
Ngồi yên không giao động
Nói mình bay đi khắp
Người giải đãi cũng vậy.
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Pháp Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Như lời Ðức Phật dạy: Nếu có chúng sanh thọ trì Chánh pháp thời đều có thể dứt trừ tất cả phiền não ?
Nhưng cớ sao có người thọ trì chánh pháp lại tùy thế lực của tham, sân, si, mạn, tùy thế lực của phú, phẩn, hận, tật, xan, cuống, siểm ... xoay chuyển không rời nơi tâm. Người hay thọ trì pháp, cớ sao lại ở trong tâm hành khởi các phiền não?
Pháp Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Phật tử khéo lóng nghe
Thật nghĩa ngài đã hỏi
Vì chẳng phải đa văn
Mà vào được Phật pháp.
Như người trôi giữa dòng
Sợ chìm mà chết khát
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Như trần thiết vật thực
Chẳng ăn phải đói
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Như người giỏi dược phương
Chẳng cứu được bịnh mình
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Như người đếm châu báu
Tự mình vẫn nghèo nàn
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Như người ở vương cung
Mà tự chịu đói rét
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Như điếc tấu âm nhạc
Người nghe mình chẳng nghe
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Như mù họa hình tượng
Người thấy mình chẳng thấy
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Ví như nhà hàng hải
Mà tự chết trong biển
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Như ở ngã tư đường
Giảng nói những điều tốt
Mà tự không thật đức
Chẳng tu cũng như vậy.
Lúc đó, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Trí Thủ Bồ Tát: "Phật tử! Trong Phật pháp, trí huệ là trên tất cả. Cớ sao với các chúng sanh, Ðức Phật hoặc ca ngợi sự bố thí, sự trì giới, hoặc ca ngợi sự nhẫn nhục, sự tinh tấn, thiền định, trí huệ, từ bi, hỉ xả ... , mà chẳng chỉ dùng một pháp để được giải thoát, thành vô lượng chánh đẳng chánh giác?
Trí Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Phật tử rất hi hữu
Biết rõ tâm chúng sanh
Xin lóng nghe tôi đáp
Những nghĩa ngài đã hỏi.
Chư Phật thuở quá khứ
Hiện tại và vị lai
Không có nói một pháp
Mà chứng được đạo quả.
Phật biết tâm chúng sanh
Tánh phận đều chẳng đồng
Tùy chỗ họ đáng thọ
Theo đó mà thuyết pháp.
Vì kẻ tham, khuyên thí
Vì người lỗi, khen giới
Nhiều sân, thời khuyên nhẫn
Giải đãi, thời khuyên siêng.
Loạn tâm phải tu định
Ngu si trau trí huệ
Bất nhơn phải từ mẫn
Giận hại khuyên rèn bi.
Lo rầu thời ngợi hỉ
Chấp trước lời khen xả
Tuần tự tu như vậy
Lần đủ các Phật pháp.
Như trước xây nền móng
Rồi sau tạo nhà cửa
Thí và giới cũng vậy
Là gốc hạnh Bồ Tát.
Ví như dựng thành quách
Ðể bảo hộ dân chúng
Nhẫn và tấn cũng vậy
Phòng hộ chư Bồ Tát.
Ví như Ðại Lực Vương
Cả nước đều ngưỡng vọng
Ðịnh huệ cũng như vậy
Chỗ tựa của Bồ Tát.
Cũng như vua chuyển luân
Ban vui cho nhân loại
Từ bi và hỉ xả
Làm Bồ Tát an vui.
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Hiền Thủ Bồ Tát rằng: "Phật tử! Chư Phật chỉ do một đạo mà được giải thoát. Cớ sao hiện nay thấy tất cả Phật độ lại có nhiều sự không đồng, những là:
Thế giới, chúng sanh giới, thuyết pháp, điều phục, thọ lượng, quang minh, thần thông, chúng hội, giáo nghĩa, pháp trụ v.v... đều sai khác nhau.
Không có vị nào chẳng đủ tất cả Phật pháp mà được thành vô thượng bồ đề?
Hiền Thủ Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Thưa ngài! Pháp thường vậy
Pháp Vương pháp duy nhất
Tất cả chư Như Lai
Một đạo mà giải thoát.
Thân của tất cả Phật chỉ là một pháp thân
Nhứt tâ, nhứt trí huệ
Lực vô úy cũng vậy.
Như trước đến bồ đề
Bao nhiêu tâm hồi hướng
Ðược cõi nước như vậy
Chúng hội và thuyết pháp.
Tất cả các cõi Phật
Trang nghiêm đều viên mãn
Tùy chúng sanh hạnh khác
Thấy chẳng đồng như vậy
Cõi Phật cùng thân Phật
Chúng hội và ngôn thuyết
Các Phật pháp như vậy
Chúng sanh chẳng thấy được.
Tâm ý đã thanh tịnh
Hạnh nguyện đều đầy đủ
Người sáng suốt như vậy
Mới được thấy nơi đây.
Tùy chúng sanh tâm thích
Và cùng sức nghiệp quả
Thấy sai khác như vậy
Do oai thần của Phật.
Cõi Phật vô sai biệt
Không ghét cũng không thương
Chỉ tùy tâm chúng sanh
Thấy có khác như vậy.
Do đây nơi thế giới
Chỗ thấy đều sai khác
Chẳng phải chư Như Lai
Bực Ðại Tiên có lỗi.
Tất cả các thế giới
Người đáng được giáo hóa
Thường được thấy Thế Tôn
Pháp chư Phật như vậy.
Lúc đó chư Bồ Tát nói với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: "Phật tử! Chúng tôi đã tự nói chỗ hiểu biết của mình rồi. Xin ngài dùng diệu biện tài diễn sướng những cảnh giới của Như Lai:
Những gì là cảnh giới của Phật ? Những gì là nhơn của cảnh giới Phật? Những gì là sự nhập vào của cảnh giới Phật? Những gì là trí của cảnh giới Phật? Những gì là pháp của cảnh giới Phật? Những gì là ngôn thuyết của cảnh giới Phật? những gì là sự hiểu biết của cảnh giới Phật? Những gì là sự chứng của cảnh giới Phật? Những gì là sự hiện ở của cảnh giới Phật? Những gì là sự rộng lớn của cảnh giới Phật?
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói kệ đáp rằng:
Như Lai cảnh giới sâu
Lượng đó khắp hư không
Tất cả chúng sanh vào
Mà thật không chỗ nhập.
Như Lai cảnh giới sâu
Bao nhiêu nhơn thắng diệu
Ức kiếp thường tuyên nói
Cũng lại chẳng thể hết.
Tùy tâm trí huệ mình
Khuyến tấn đều khiến lợi.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 80 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Học Phật Đúng Pháp


Pháp bảo Đàn kinh


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.16.81.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập