Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Tôi nghe như vầy:
Một hôm, đức Phật ở tại thành Vương Xá, trên núi Kỳ xà quật, trong tòa lâu đài Chiên đàn, giữa giảng đường Bửu nguyệt. Bấy giờ ngài thành Phật đã mười năm, cùng với trăm ngàn đồ chúng đại tỳ kheo nhóm họp, trong chúng có sáu mươi Hằng hà sa đại bồ tát thảy đã thành tựu sức đại tinh tấn, đã từng cúng dường trăm ngàn ức na do tha chư Phật và đủ sức thay Phật đẩy bánh xe pháp hướng thượng (thuyết pháp hướng thượng). Các bậc đại bồ tát này nếu có chúng sanh nào nghe được danh hiệu thì vĩnh viễn không còn có tâm thối chuyển đối với đạo vô thượng bồ đề.
Ấy là các ngài Pháp Huệ Bồ tát, Sư Tử Huệ Bồ tát, Kim Cang Huệ Bồ tát, Điều Huệ Bồ tát, Diệu Huệ Bồ tát, Nguyệt Quang Bồ tát, Bửu Nguyệt Bồ tát, Mãn Nguyệt Bồ tát, Dõng Mãnh Bồ tát, Vô Lượng Dõng Bồ tát, Vô Biên Dõng Bồ tát, Siêu Tam Giới Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Hương Thượng Thủ Bồ tát, Hương Tượng Bồ tát, Hương thượng Bồ tát, Thủ tạng Bồ tát, Nhựt tạng Bồ tát, Chàng tướng Bồ tát, Đại Chàng Tướng Bồ tát, Ly Cấu Chàng Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát, Phóng Quang Bồ tát, Ly Cấu Quang Bồ tát, Hỷ Vương Bồ tát, Thường Hỷ Bồ tát, Bửu Thủ Bồ tát, Hư Không Tạng Bồ tát, Ly Kiêu Mạn Bồ tát, Tu Di Sơn Bồ tát, Quang Đức Vương Bồ tát, Tổng Trì Tự Tại Vương Bồ tát, Tổng Trì Bồ tát, Diệt Chúng Bịnh Bồ tát, Liệu Nhứt Thế Chúng Sanh Bịnh ( ) Bồ tát, Hoan Hỷ Niệm Bồ tát, Yếm Ý ( ) Bồ tát, Thường Yếm ( ) Bồ tát, Phổ Chiếu Bồ tát, Nguyệt Minh Bồ tát, Bửu Tuệ Bồ tát, Chuyển Nữ Thân Bồ tát, Đại Lôi Âm Bồ tát, Đạo Sư Bồ tát, Bất Hư Kiến Bồ tát, Nhứt Thế Pháp Tự Tại Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát v.v... hết thảy sáu mươi Hằng sa Bồ tát ma ha tát, từ vô lượng cõi Phật, cùng vô số hàng Thiên long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Cẩn na la, Ma hầu la già, đều đến nhóm họp đông đủ và tỏ lòng thành kính cúng dường đức Thế Tôn.
Bấy giờ Thế Tôn đang nhập chánh định tam muội trong lâu đài Chiên đàn, biến hiện thần thông hóa ra vô số hoa sen ngàn cánh, lớn như vành xe, sắc hương đầy đủ, nhưng chưa nở hẳn. Trong tất cả các hoa sen đều có hóa Phật, đều bay lên giữa hư không, che lấp cả thế giới như những bửu cái. Mỗi hoa sen phóng ra vô lượng hào quang rồi đồng loạt tất cả các hoa sen cùng nở, tốt tươi xinh đẹp. Bỗng nhiên, Phật vận thần thông, trong chốc lát, tất cả hoa sen thảy đều tàn héo. Các vị Hóa Phật trong các hoa sen kia liền xếp chân ngồi kiết già, và hết thảy đều phóng ra vô số trăm ngàn hào quang chói lọi. Bấy giờ, thế giới ấy trở nên trang nghiêm tuyệt diệu, khiến toàn thể đại chúng hoan hỷ nhảy nhót. Những điều chưa từng có ấy cũng khiến đại chúng có niệm nghi ngờ, không biết vì lẽ gì, hết thảy các đóa hoa đẹp đẽ kia, hốt nhiên trở nên tàn úa hôi hám, không sao chịu được.
Bấy giờ, đức Thế Tôn rõ biết niềm nghi của các vị Bồ tát và đại chúng, liền gọi ngài Kim Cang Huệ Bồ tát mà bảo rằng:
"Này Thiện nam tử! Đối với Phật pháp còn chỗ nào nghi ngờ, cho phép ông được tỏ bày gạn hỏi?"
Ngài Kim Cang Huệ Bồ tát cũng biết hết thảy đại chúng đều có lòng nghi, liền bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, vì nhơn duyên gì, trong vô số hoa sen đều có hóa Phật, rồi thảy đều bay lên giữa hư không che lấp cả thế giới, bỗng nhiên trong nháy mắt hoa nào hoa nấy đều tàn héo, chỉ còn có hóa Phật ngồi phóng vô số trăm ngàn hào quang, khiến tất cả hội trường này đều trông thấy và đều chấp tay cung kính?"
Thế rồi, ngài Kim Cang Huệ Bồ tát liền nói bài kệ, tụng rằng:
"Chúng tôi chưa từng thấy,
Thần biến như ngày nay:
Hóa Phật trăm ngàn ức,
Tỉnh tọa trong hoa sen
Phóng vô số hào quang,
Che phủ cả thế gian;
Vằng vặc hình đạo sư
Trang nghiêm khắp thế giới.
Hoa sen bỗng tàn héo,
Nực xông mùi xú uế.
Vậy vì nhơn duyên gì,
Hiện ra thần hóa nọ?
Tôi thấy hằng sa Phật
Cùng vô lượng thần biến,
Nhưng chưa thấy như nay,
Cúi xin Phật giảng dạy".
Bấy giờ, Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Huệ và đại chúng Bồ tát rằng:
Này các Thiện nam tử! Có kinh Đại Phương Đẳng tên là Như Lai Tạng. Ta sắp nói cho đại chúng nghe nên hiện ra điềm ấy. Các ngươi nên lắng nghe và chín chắn suy xét!
Đại chúng thảy đồng thanh bạch Phật: "Sung sướng thay, chúng con xin hoan hỷ đợi nghe".
Phật dạy: "Này các Thiện nam tử! Như ta biến hóa vô số hoa sen, rồi hốt nhiên sen kia tàn úa, chỉ còn lại vô lượng hóa Phật ngồi kiết già trong hoa, tướng tốt trang nghiêm, phóng ra hào quang rực rỡ; đại chúng trông thấy việc hy hữu ấy, đều sanh lòng cung kính. Này các Thiện nam tử! Như vậy là ta dùng Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh đang ngụp lặn trong phiền não tham dục, sân nhuế, ngu si, nhưng vốn sẵn có trí Như lai, mắt Như lai và thân Như lai, xếp chân ngồi kiết già, nghiễm nhiên bất động.
Này các Thiện nam tử: Hết thảy chúng sanh tuy mang thân phiền não, ra vào sáu đường mà vẫn có Như lai tạng thường không nhiễm ô. Đức tướng của Như lai tạng ấy đầy đủ như ta không khác. Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như người có thiên nhãn, khi trông hoa chưa nở mà đã thấy được trong hoa kia có toàn thân Như lai ngồi xếp chân kiết già, thì khi trừ bỏ hoa héo đi, liền được thân Như lai hiển hiện. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta đã thấy Như lai tạng của chúng sanh, lại muốn Như lai tạng ấy hiển hiện, vì thế mà nói kinh pháp.
Nói kinh pháp là để diệt trừ phiền não, khiến hiển hiện Phật tánh. Này các Thiện nam tử! Pháp của hết thảy chư Phật là vậy đó. Dù Phật có ra đời hay không ra đời, hột giống Như lai tàng trữ trong mỗi một chúng sanh vẫn thường trú bất biến. Hột giống Như lai không xuất hiện được chỉ vì phiền não che lấp. Như Lai ra đời, rộng nói các kinh pháp, là chỉ nhắm trừ diệt trần lao, tịnh hóa nhứt thế trí. Này các Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát nào vui tin pháp này nên chuyên tâm tu học, sẽ được giải thoát, thành bậc Đẳng chánh giác, thi hành Phật sự, lợi lạc cho khắp cả thế gian".
Bấy giờ, Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:
"Ví như hoa tàn héo,
Khi nó đương còn búp,
Người thiên nhãn đã thấy
Thân Như lai vô nhiễm;
Loại trừ hoa héo rồi,
Thân kia liền tỏ hiện.
Dứt được nhơn phiền não,
Quả chánh giáo lưu xuất.
Mắt Phật quán chúng sanh,
Đều có Như lai tạng,
Vì phiền não che khuất,
Nên đem hoa héo ví.
Ta vì các chúng sanh,
Trừ diệt các phiền não,
Nên rộng nói chánh pháp
Khiến mau thành Phật đạo.
Ta dùng Phật nhãn quán
Hết thảy thân chúng sanh
Phật tạng thường núp kín
Nói pháp khiến khai hiện".
"Lại nữa, các Thiện nam tử! Ví như mật ngọt tinh hảo ở trong bộng cây, có vô số ong đoanh vây gìn giữ. Lúc ấy có người dùng trí xảo phương tiện, trước tất phải đuổi bầy ong kia đi hết, rồi sau mới lấy chất mật ngọt ra, tùy ý sử dụng, hoặc đem tặng bà con kẻ xa người gần. Này các Thiện nam tử! Cũng như vậy đó, tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng như mật ngọt kia ở trong bộng cây. Như lai tạng bị phiền não che lấp cũng như mật kia bị bầy ong vây kín. Ta đem Phật nhãn mà quan sát đúng như sự thật rồi dùng phương tiện thích nghi tùy cơ nói pháp, để diệt trừ phiền não, khai thông tri kiến Phật rồi thi hành Phật sự cho khắp cả thế gian".
Bấy giờ, Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng
"Như mật trong bộng cây,
Vô số ong đoanh vây.
Người dùng phương tiện khéo,
Trước phải đuổi bầy ong.
Như lai tạng chúng sanh
Cũng như mật trong cây;
Trần lao phiền não buộc,
Như bầy ong đoanh vây,
Ta vì các chúng sanh,
Phương tiện nói chánh pháp,
Diệt trừ ong phiền não,
Khai phát tạng Như lai
Đủ vô ngại biện tài,
Diễn thuyết pháp cam lộ,
Khiến thảy đều giác ngộ
Đại bi cứu quần sanh".
"Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như có loại ngũ cốc, khi chưa xay giã, kẻ bần ngu khinh tiện cho là vật bỏ nhưng đến khi xay giã tinh sạch rồi, đó là món ăn thường được cung tiến nhà vua ngự dụng. Này các Thiện nam tử! Cũng như vậy đó, ta đem Phật nhãn quán sát mọi loài chúng sanh bị vỏ phiền não che khuất vô lượng tri kiến Như lai, Cho nên, dùng mọi phương tiện, tùy từng căn cơ để nói pháp, khiến trừ diệt phiền não, tịnh hóa nhất thế trí, làm bậc Tối Chánh Giác trên khắp thế gian".
Bấy giờ, Thế Tôn nói bài kệ, tụng rằng:
"Ví như loài ngũ cốc,
Chưa xay giã sạch vỏ,
Người bần ngu khinh rẻ,
Cho là vật bỏ đi.
Ngoài trông như vô dụng,
Trong thật vô cùng quý.
Xay giã vỏ sạch rồi,
Cung tiến lên vua xơi.
Ta thấy các chúng sanh,
Phiền não che Phật tánh,
Nói pháp khiến trừ diệt,
Chứng được nhất thế trí.
Như lai tánh nơi ta
Cùng chúng sanh không khác,
Khai hóa cho thanh tịnh,
Đạo vô thượng chóng thành."
"Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như vàng ròng rơi vào hầm xí, lấm dơ nhiều năm, trông rất ghê gớm, nhưng chất vàng không mất, nào ai biết hay! Người có mắt thiên nhãn nhìn vào bèn bảo các người khác rằng: Trong hầm xí này có khối vàng ròng rất quí, các người nên lấy ra mà tùy ý sử dụng. Như vậy, này các Thiện nam tử! Hầm xí dơ bẩn kia chính là vô lượng phiền não; khối vàng ròng quý báu chính là Như lai tạng; người có mắt thiên nhãn tức là Như Lai. Vậy nên Như Lai tùy cơ thuyết pháp, hướng dẫn chúng sanh trừ bỏ phiền não, đặng thành chánh giác, rồi thi hành Phật sự".
Bấy giờ, đức Thế Tôn tóm lược lại trong một bài kệ, tụng rằng:
"Như vàng rơi chỗ dơ,
Khuất lấp nào ai thấy.
Duy kẻ thiên nhãn rõ,
Liền bảo với mọi người:
Các người nếu lấy ra,
Chùi rửa cho sạch sẽ,
Tùy ý mà tiêu dùng,
Bà con đều được hưởng.
Mắt Thiện thế ( ) quán thấy
Chúng sanh thảy như vậy:
Thân ngập bùn phiền não
Tánh Như lai không mất
Tùy cơ mà nói pháp,
Khiến rõ hết mọi sự,
Phật tánh phiền não che,
Mau trừ đặng thanh tịnh".
"Lại nữa, Này các Thiện nam tử! Ví như nhà nghèo có hầm của báu. Của báu không nói được "ta ở nơi đây". Đã không tự biết, lại cũng chẳng ai mách cho hay, nên không khai phát được. Tất cả chúng sanh thảy đều như vậy. Có đầy đủ kho tàng quý giá là Tri kiến, Thập lực và Tứ vô sở úy của Như Lai ở chính trong thân, nhưng chưa hề nghe biết, đắm mê theo năm dục, luân hồi sống chết, chịu vô lường đau khổ. Vậy nên chư Phật thị hiện ra đời, khai thị cho chúng Bồ tát biết Như lai pháp tạng có sẵn trong thân. Với căn cơ Bồ tát, nghe xong tất liền tín thọ, tịnh hóa được nhứt thế trí, rồi đem vô ngại biện tài làm đại thí chủ, trở lại khai phát Như lai tạng cho tất cả chúng sanh.Như vậy, Này các Thiện nam tử! Ta đem Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng nên nói cho các Bồ tát nghe pháp ấy".
Bấy giờ, Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:
"Ví như nhà người nghèo,
Trong có giấu kho báu.
Chủ nhà vốn không hay
Báu thì không tự nói.
Quẩn bách trong ngu tối,
Nào ai nói mà hay!
Có báu mà chẳng biết,
Nên thường chịu khó nghèo.
Phật nhãn quán chúng sanh,
Tuy trôi lăn năm đạo,
Của báu ẩn trong thân
Thường còn, không biến đổi.
Quán sát như thế rồi,
Khai thị cho chúng sanh:
"Biết rằng tự có báu,
Giàu có và lợi lạc".
Nếu ai tin lời ta,
Biết mình có kho báu,
Dùng phương tiện khai phát,
Đạo vô thượng chóng thành".
Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như hột yêm ma la, mầm cây trong hột còn tốt, đem gieo nó xuống đất, mầm cây nứt lên và sau thành cây đại thọ. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta đem Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh, thấy có Như lai bửu tạng nằm trong bọc vô minh, như mầm cây nằm trong hột. Này các Thiện nam tử! Cái hột giống Như lai trong sáng mắc mỏ kia, tích tụ trí huệ lớn lao, niết bàn vắng lặng, tên gọi là " Như lai ứng cúng đẳng chánh giác". Này các Thiện nam tử! Ta quán sát chúng sanh như thế rồi, nên tỏ bày nghĩa ấy để khai thị cho các hàng đại bồ tát biết mà tịnh hóa Phật trí".
Bấy giờ đức Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:
"Ví như trái yêm la
Mầm trong không hư hỏng,
Gieo xuống nơi đất tốt
Ắt thành cây đại thọ.
Mắt vô lậu Như Lai
Quán hết thảy chúng sanh,
Thân chứa Như lai tạng
Như hạt, chứa mầm cây.
Các ngươi nên tự tin
Mình đủ trí tam muội,
Không cách gì hư mất;
Chỉ vì vô minh che,
Vậy nên ta nói pháp,
Chỉ rõ tánh Như lai.
Hãy thành đạo vô thượng.
Như hạt mọc thành cây."
"Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như có người mang cái tượng bằng vàng ròng đến một nước khác, gặp đường hiểm trở, sợ bị giặc cướp chiếm đoạt, bèn lấy giẻ rách bọc lại, khiến đừng ai hay biết. Bất ngờ giữa đường, người kia hốt nhiên bị bịnh mà chết.
Lúc bấy giờ, cái bọc tượng vàng kia cũng bỏ lăn lóc ngoài nội. Người qua kẻ lại giày đạp lên trên, cho là đồ dơ. Gặp người có thiên nhãn, thấy được trong bọc rách nhớp kia có cái tượng bằng vàng ròng, liền tháo bọc lòi ra, mọi người trông thấy đều sanh tâm cung kính hoan hỷ. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta thấy chúng sanh bị phiền não nhiễu nhương, trôi lăn trong đêm dài sanh tử, chịu vô lượng khổ đau, nhưng Như lai tạng tánh ở trong thân vẫn nghiễm nhiên thanh tịnh như ta không khác. Vậy nên ta nói pháp cho chúng sanh nghe, khiến đoạn trừ phiền não, tịnh hóa trí Như lai, rồi trở lại hóa đạo cho tất cả thế gian".
Bấy giờ, đức Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:
Như người mang tượng vàng
Đi qua một nước khác,
Dùng uế vật bọc quanh
Vứt bỏ ngoài đồng nội.
Người thiên nhãn trông thấy
Liền mách với mọi người;
Tháo bọc bày tượng vàng,
Hết thảy đều hoan hỷ.
Thiên nhãn ta cũng vậy,
Quán hết các chúng sanh,
Đầy phiền não ác nghiệp
Trói buộc trong khổ đau.
Lại thấy chúng sanh kia,
Trong vô minh trần cấu
Tánh Như lai bất động,
Không hề bị hư hỏng.
Phật đã thấy như vậy
Nên nói, Bồ tát nghe:
Các phiền não ác nghiệp
Che lấp thân Như lai.
Nên tinh tấn đoạn trừ,
Hiển xuất trí Như lai.
Trời, người, rồng, quỷ, thần,
Thảy đều cùng quy ngưỡng.
"Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như người đàn bà nghèo hèn xấu xí, người người trông thấy đều chê, nhưng hiện người ấy đang mang bào thai quý tử, sẽ sanh hạ một bậc chuyển luân vương có đầy đủ các thánh đức và sẽ trị vì cả bốn châu thiên hạ. Có sự quý báu ấy mà người đàn bà kia không tự biết, thường nghĩ mình hèn hạ con cái chẳng ra gì. Như vậy, này các Thiện nam tử! Như lai quán sát hết thảy chúng sanh, mặc dù trôi lăn trong đường sanh tử , chịu lắm điều khổ đau, nhưng trong thân của mỗi chúng sanh đều có Như lai bửu tạng mà không tự biết, như kẻ bần nữ kia không tự biết cái bào thai quý tử đang nằm trong bụng. Vậy nên Như Lai nói pháp nhắc nhở mọi loài không nên tự khinh tự tiện. Các người nên biết tự thân các người đều có Phật tánh, nếu siêng năng tinh tấn diệt trừ các tội lỗi thời sẽ thành Bồ tát và chư Phật thế tôn, hóa đạo tế độ cho vô lượng chúng sanh".
Bấy giờ, đức Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:
"Ví như người bần nữ ,
Sắc mạo rất xấu xa
Nhưng mang thai quý tử,
Sẽ thành chuyển luân vương,
Oai đức, đầy bảy báu,
Trị vì bốn thiên hạ.
Nhưng kẻ kia chẳng hay,
Thường nghĩ mình hèn hạ.
Ta quán các chúng sanh,
Nỗi khổ cũng như vậy.
Thân mang Như lai tạng,
Mà nào có tự hay.
Vậy nên các Bồ tát,
Chớ nên tự khinh khi,
Như lai tạng trong thân
Thường có đức tế thế.
Nếu siêng tu tinh tấn,
Khôn g lâu sẽ thành Phật,
Độ vô lượng chúng sanh
Đồng lên bờ giải thoát".
"Lại nữa, này Thiện nam tử! Ví như thợ đúc đúc tượng bằng vàng. Đúc xong, cả khuôn lẫn tượng đều bỏ lăn lóc giữa đất, chờ cho khuôn nguội. Bề ngoài tuy trông xấu xa đen bẩn, bên trong tượng vàng vẫn không đổi sắc. Tháo khuôn bày tượng ra rồi, lau chùi đánh bóng, sắc vàng hiển hiện vô cùng chói lọi! Như vậy, này các Thiện nam tử! Như Lai quán sát tất cả chúng sanh đều có Phật nằm trong thân, đầy đủ vô biên đức tướng. Quán như thế rồi, chỉ bày lại cho chúng sanh thấy rõ, trong lòng được khoan khoái mát mẻ. Các chúng sanh kia giác ngộ tu tập, dùng trí huệ kim cang công phá phiền não, khai xuất thân Phật như người thợ đúc tháo khuôn để lấy tượng vàng ra".
Bấy giờ, đức Thế Tôn lược tóm trong một bài kệ, tụng rằng:
"Ví như trong lò đúc,
Ngổn ngang khuôn, tượng vàng,
Người ngu xem bên ngoài
Chỉ thấy khuôn đất đen.
Thợ đúc dò khuôn nguội,
Tháo khuôn lấy tượng ra,
Lau chùi cạo gọt xong,
Bóng lộn vàng rực chói.
Ta dùng Phật nhãn xem,
Chúng sanh đều như vậy,
Trong bùn đen phiền não,
Đều có tánh Như lai.
Trao gươm báu kim cang,
Đập tan khuôn phiền não,
Khai phát Như lai tạng,
Như thợ đúc lấy tượng.
Như trên, ta quan sát,
Nói với chúng Bồ tát,
Các ngươi gắng thực hành
Đặng chuyển hóa quần sanh.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Huệ Bồ tát rằng: "Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhơn, xuất gia hay tại gia, thọ trì đọc tụng, sao chép cúng dường và giảng giải cho mọi người nghe kinh Như lai tạng này, sẽ được công đức không thể kể xiết. Này Kim Cang Huệ! Nếu có người phát tâm Bồ tát, vì Phật đạo mà siêng năng tinh tấn tu tập thần thông, nhập định tam muội để vun bồi cội đức, lại phát tâm cúng dường hằng hà sa số quá khứ, hiện tại chư Phật, tạo lập hằng hà sa số lâu đài thất bửu, cao mười do tuần, ngang dọc mỗi bề rộng một do tuần chưng bày vật dụng ghế bàn giường nệm, đủ các thức tân kỳ đẹp đẻ, ngày ngày tạo lập hằng hà sa số lầu đài như thế để hiến cúng từng đức Như lai cùng các Bồ tát, Thanh văn đại chúng, rồi cứ thế tiếp tục mãi mãi theo thứ lớp mà tạo lập hơn năm mươi hằng hà sa số lâu đài để cúng dường hơn năm mươi hằng hà sa số chư Phật, Bồ tát, Thanh văn đại chúng, như vậy cho đến vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp, công đức cũng không bằng có kẻ vì sùng thượng đạo Bồ đề mà thọ trì, đọc tụng, sao chép, cúng dường kinh Như lai tạng này dù chỉ trong một thí dụ mà thôi. Này Kim Cang Huệ! Kẻ vun trồng cội đức như trên kia, tuy đã là vô lượng, nhưng so với công đức của người thọ trì đọc tụng kinh Như lai tạng này, trăm ngàn phần chưa được một phần, cho đến giá có dùng toán số để tính hay ví dụ để so sánh cũng bất cập".
Bấy giờ, đức Thế Tôn lập lại bằng bài kệ rằng:
"Nếu cầu Bồ đề đạo,
Nghe kinh này thọ trì,
Hoặc sao chép cúng dường,
Dù chỉ một bài kệ
Như lai tạng nhiệm mầu,
Chốc lát phát tùy hỷ,
Lắng nghe chánh giáo này
Công đức thật vô lượng.
Nếu ai cầu Bồ đề,
Trú sức đại thần thông,
Muốn cúng dường chư Phật,
Cùng Bồ tát Thanh văn,
Tạo hằng sa lầu các,
Cúng hằng sa chư Phật,
Muôn kiếp không cùng tận,
Lầu cao mười do tuần,
Ngang dọc bốn mươi dặm,
Chưng dọn đồ thất bửu,
Trang trí thật huy hoàng,
Nệm trải toàn nhung sô,
Chỗ ngồi thật tuyệt diệu,
Vô lượng hằng hà sa,
Dâng Phật cùng đại chúng,
Hiến cúng các món kia,
Ngày đêm không dừng nghỉ,
Trải trăm ngàn vạn kiếp,
Phước dường ấy đem so
Kẻ trí nghe kinh này,
Dù thọ trì một kệ,
Hoặc nói cho người nghe,
Không phước nào sánh kịp;
Cho đến dùng toán số
Thí dụ cũng khó lường.
Thậm thâm Như lai tạng
Là chỗ chúng sanh nương,
Mau thành bậc Chánh giác.
Bồ tát lắng tư duy,
Biết mình có Phật tánh
Chóng thành vô thượng quả".
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Kim Cang Huệ rằng:
"Về thời quá khứ lâu xa vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có một đức Phật hiệu là Thường Phóng Quang Minh Vương Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn (1)
Này Kim Cang Huệ! Vì sao đức Phật ấy gọi là Thường Phóng Quang Minh Vương? Vì rằng lúc phát tâm tu hạnh bồ tát, đức Phật ấy khi mới giáng thân vào thai mẹ, thường phóng ra hào quang chiếu suốt mười phương ngàn vi trần thế giới chư Phật, chúng sanh thấy được ánh hào quang ấy thảy đều hoan hỷ, phiền não tiêu sạch, sắc thân sức lực đầy đủ, chánh niệm trí tuệ thành tựu và đạt được vô ngại biện tài. Nếu là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, diêm la vương, a tu la v.v... mà trông thấy hào quang ấy thời đều xa lìa được ác đạo, sanh về cõi nhơn thiên. Nếu là chư thiên, nhơn mà trông thấy hào quang ấy thời đối với đạo vô thượng bồ đề không còn thối chuyển nữa, lại còn có đủ năm món thần thông. Nếu đã là bậc bất thối chuyển rồi, thời sẽ chứng được vô sanh pháp nhẫn, năm mươi món công đức triền đà la ni (2).
Này Kim Cang Huệ! Hào quang kia chiếu vào quốc độ nào thời thảy đều biến thành nghiêm tịnh, chói sáng như ngọc lưu ly, có dây vàng ngăn cách chia thành tám ngã; lại có các hàng cây báu, hoa quả xinh tươi, hương thơm ngào ngạt, thoảng có gió nhẹ thổi qua liền phát ra âm thanh vi diệu, tán dương công đức Tam bảo, Bồ tát về những pháp ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, thiền định, giải thoát; chúng sanh nào nghe được, thảy đều hoan hỷ, lòng tin kiên cố và vĩnh viễn xa lìa ác đạo.
Này Kim Cang Huệ! Hết thảy chúng sanh trong mười phương quốc độ kia, nhờ có ánh sáng hào quang ấy chiếu vào mà đêm ngày sáu thời luôn luôn cung kính, thiện niệm thường tăng trưởng.
Này Kim Cang Huệ! Bồ tát kia từ khi xuất thai cho đến khi thành Phật nhập vô dư niết bàn, thường phóng hào quang sáng chói như thế, cho đến sau khi nhập niết bàn, xá lợi được phân chia và nhập tháp rồi mà vẫn còn thường phóng hào quang. Vì nhơn duyên kia nên chư thiên và thế nhơn gọi Ngài là Thường Phóng Quang Minh Vương.
Này Kim Cang Huệ! Đức Phật Thường phóng Quang Minh Vương lúc đầu mới thành Phật, hàng thính chúng Bồ tát đến nghe Ngài nói Pháp có đến hai mươi ức vị, trong số đó có một vị tên gọi Vô Biên Quang. Vô Biên Quang Bồ tát Ma ha tát đã từng hỏi đức Phật Thường Phóng Quang về kinh Như lai tạng này. Vì lòng lân mẫn nhiếp thọ đại chúng Bồ tát, nên ngài đã trải qua năm mươi đại kiếp không rời pháp tọa, đem hết biện tài, dùng vô số nhơn duyên thí dụ, rộng giảng kinh này cho chúng Bồ tát nghe, cú pháp rõ ràng, âm thanh vang dội đến vô lượng thế giới chư Phật. Các hàng Bồ tát nghe xong kinh này rồi, liền thọ trì đọc tụng, y như giáo pháp tu hành; riêng trừ bốn vị bồ tát còn tất cả đều đã thành Phật.
Này Kim Cang Huệ! Ngươi đừng lấy làm ngạc nhiên, Vô Biên Quang Bồ tát kia nào phải ai xa lạ, chính là ta ngày trước đó! Còn bốn vị Bồ tát chưa thành Phật tức là Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và Kim Cang Huệ nhà ngươi đó!
Này Kim Cang Huệ! Kinh Như lai tạng thật là lợi ích vô cùng; ai nghe được sẽ thành Phật đạo".
Bấy giờ, Thế Tôn lặp lại, bài kệ rằng:
"Quá khứ vô số kiếp
Có Phật Quang Minh Vương
Thường phóng đại hào quang
Chiếu khắp vô lượng cõi.
Lúc Phật mới thành đạo,
Vô Biên Quang Bồ tát
Đến thưa hỏi kinh này,
Phật liền nói cho nghe.
Những kẻ có duyên lành,
Được nghe lời Phật dạy,
Thảy đều đã đắc đạo,
Duy trừ bốn Bồ tát:
Văn Thù, Quán Thế Âm,
Đại Thế, Kim Cang Huệ;
Bốn vị Bồ tát kia,
Trong số đó có ngươi
Từng có nghe kinh này.
Thần thông nhứt buổi ấy,
Vô Biên Quang là ta
Đã từng nghe giảng dạy.
Kiếp xưa ta cầu đạo,
Đời Phật Sư Tử Chàng
Kinh này cũng từng nghe.
Nghe xong y pháp tu,
Ta nhờ thiện căn đó,
Chóng được thành Phật đạo.
Vì vậy các Bồ tát,
Nên tu học kinh này,
Nghe rồi y pháp tu,
Sẽ thành như ta vậy.
Thọ trì được kinh này,
Được lễ kỉnh như Phật,
Thật hành đúng như kinh,
Xứng danh Phật pháp chủ.
Dưới giúp được thế gian
Trên chư Phật tán thán.
Nếu ai trì kinh này
Người đó là Pháp vương,
Là con mắt giữa đời
Đáng xưng tán như Phật"
Đức Thế Tôn dạy kinh này rồi, Kim Cang Huệ và các Bồ tát, tứ chúng quyến thuộc, cùng chư thiên, nhơn, long thần, bát bộ v.v... Nghe xong thảy đều hoan hỷ phụng hành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.198.148 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.