Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
PHẨM LINH ỨNG KHI TRÀ-TỲ
Phẩm thứ ba
Bấy giờ, tất cả nam nữ trong thành Câu-thi-na đều rơi lệ khóc thương, không biết phép tắc trà-tỳ [thân Như Lai] như thế nào, liền hỏi ngài A-nan: “Như Lai đã nhập Niết-bàn, vậy nên theo phép tắc như thế nào để trà-tỳ thân Phật?”
Lúc ấy, Đế Thích liền thuật lại đầy đủ [những lời Phật] đã dạy trước đó, bảo mọi người rằng: “Cứ theo lời Phật dạy thì hãy theo phép trà-tỳ [như đối với] Chuyển luân Thánh vương.”
Bấy giờ, nhân dân trong thành Câu-thi-na đều than khóc thảm thiết, suối lệ tuôn tràn, kéo nhau vào trong thành làm ngay một kim quan trang nghiêm bằng bảy món báu, lại chuẩn bị một ngàn tấm lụa trắng đẹp quý giá nhất cùng vô số hoa đâu-la loại mềm mịn tốt đẹp nhất. Ngoài ra còn có vô số chiên-đàn, trầm thủy loại tốt nhất, trăm ngàn muôn thứ hương thơm hòa trộn, các loại hương bột, hương nước, đủ các thứ lọng che bằng lụa, cờ phướn, hoa, hương... Những phẩm vật ấy nhiều như mây trôi choán đầy bầu trời, chất cao [thành đống] như núi Tu-di.
Chuẩn bị đầy đủ như vậy rồi, mọi người đều bi thương rơi lệ, cùng nhau đi đến chỗ Phật, [bày biện phẩm vật] trước thân Như Lai, rồi không kìm nén được sự đau thương nghẹn ngào, cùng cung kính dâng lên cúng dường.
Lúc ấy, tất cả nhân dân và đại chúng trong thành Câu-thi-na càng thêm đau thương, nghẹn ngào rơi lệ, lại mang vô số hương, hoa, phướn, lọng và đủ loại phẩm vật cúng dường nhiều như mây choán đầy bầu trời, cùng nắm tay nhau, đấm ngực khóc than, nghẹn ngào rơi lệ, nỗi đau thương chấn động cả [thế giới] đại thiên, họ cùng đưa [các phẩm vật] đến trước thân Như Lai, bi thương đau xót [dâng lên] cúng dường.
Bấy giờ, đại chúng nghẹn ngào không nói được thành lời, thảy đều đem hết lòng cung kính sâu xa, [mỗi người đều] dùng lụa trắng mịn bao quanh tay rồi đưa [thánh thể] Như Lai nhập kim quan, rót đầy dầu thơm vào. Nắp quan tức thời [tự nhiên] đóng kín lại.
Lúc ấy, nhân dân nam nữ trong thành Câu-thi-na đều có lòng tham phước lành, muốn giành hết công đức [cúng dường] Như Lai nên không để cho chư thiên, đại chúng và tất cả những người khác cùng đưa kim quan của Phật đi. Họ bàn nhau cử ra bốn vị lực sĩ tráng kiện, sức mạnh vô song, cởi bỏ hết [những đồ trang sức như] chuỗi ngọc, áo ngoài... rồi quyết lòng tự đưa thánh quan Như Lai vào trong thành để cúng dường.
Nhưng dù họ đem hết sức bình sanh cũng không nhấc nổi thánh quan lên!
Lúc ấy, người trong thành lại cử ra tám đại lực sĩ cùng đến chỗ thánh quan, cởi bỏ áo ngoài, tận lực cùng nhau khiêng Phật quan. Nhưng dù họ đem hết sức bình sanh cũng không nhấc lên nổi!
Người trong thành Câu-thi-na lại cử ra mười sáu vị đại lực sĩ cùng đến chỗ thánh quan, cởi bỏ áo ngoài, tận lực cùng nhau khiêng Phật quan, nhưng cũng không sao nhấc lên nổi!
Bấy giờ, ngài A-na-luật bảo các lực sĩ rằng: “Cho dù tất cả nhân dân nam nữ lớn bé trong thành [đều hợp sức] cùng nhau khiêng thánh quan Như Lai để đưa vào thành, cũng không thể nhấc lên nổi, huống chi các ông lại có thể nhấc lên được sao? Các ông nên nhờ đến sức của đại chúng và chư thiên, cùng trợ giúp các ông nhấc thánh quan lên, thì mới có thể đưa thánh quan vào thành.”
Ngài A-na-luật còn chưa dứt lời, Đế Thích đã cầm lọng lớn rất đẹp bằng bảy báu, vô số hương, hoa, phướn, lọng, âm nhạc, cùng với chư thiên đều buồn khóc rơi lệ, từ trên không trung cúng dường thánh quan.
Lần lượt [chư thiên sáu cõi trời thuộc Dục giới], cao nhất là chư thiên cõi trời Tha hóa tự tại, và các vị chư thiên thuộc Sắc giới đều cúng dường thánh quan giống như Đế Thích.
Lúc ấy, lòng đại bi của đức Thế Tôn bao trùm khắp cả, [vì muốn cho mọi người trong] thế gian đều được tâm bình đẳng, được phước báu chẳng khác gì nhau, liền tự nhấc thánh quan từ giữa rừng sa-la bay lên hư không, cao ngang tầm một cây đa-la. [Vì thế,] tất cả nhân dân trong thành Câu-thi-na và chư thiên, đại chúng cùng mọi người trong thế gian đều không ai được khiêng thánh quan của Phật.
Bấy giờ, Đế Thích cùng đại chúng chư thiên liền cầm lọng lớn bằng bảy báu, đài báu có bốn trụ, bốn mặt trang nghiêm bằng chuỗi ngọc bảy báu, từ trên không trung [bay theo] che thánh quan Phật; lại dùng vô số hương, hoa, cờ, phướn, chuỗi ngọc, âm nhạc, đủ các màu sắc rực rỡ xen lẫn, để cúng dường từ trên không trung.
Lần lượt [chư thiên sáu cõi trời thuộc Dục giới], cao nhất là chư thiên cõi trời Tha hóa tự tại, và các vị chư thiên thuộc các cõi trời Sắc giới đều cúng dường thánh quan, còn nhiều hơn cả Đế Thích. Tất cả đều [bay theo] che thánh quan của Phật và rải xuống những phẩm vật cúng dường.
Lúc ấy, tất cả nhân dân trong thành Câu-thi-na nhìn thấy thánh quan của Phật bay lơ lửng trên hư không thì đấm ngực kêu khóc lớn, nghẹn ngào sầu não.
Bấy giờ, tất cả chư thiên và người ta cùng tung rải rất nhiều các thứ ngọc trai quý, bảy món báu, cùng với hương, hoa, chuỗi ngọc xinh đẹp và đủ màu xen lẫn nhau, nhiều như mây bay choán đầy khắp mặt đất và hư không; tất cả đều khóc thương thảm thiết, tuôn lệ như mưa, cùng cúng dường linh quan thất bảo của Như Lai, đồng thanh khóc than rằng: “Khổ thay, khổ thay! Chúng con vô phước, muốn khiêng thánh quan của Phật mà rốt cùng chẳng được. Nay chúng con bơ vơ [không còn có Phật], nào có chút căn lành gì?”
Lúc ấy, kim quan của Đại Thánh Thế Tôn lơ lửng trên không trung, từ giữa rừng sa-la chầm chậm bay vào thành Câu-thi-na theo cửa thành phía tây.
Trong thành Câu-thi-na, tất cả nhân dân nam nữ cùng vô số Bồ Tát, thanh văn, trời, người và đại chúng đông đảo choán đầy khắp cả mặt đất và không trung, cùng đi theo linh quan của Đại Thánh Như Lai, nắm tay nhau kêu gào khóc lóc, đấm ngực than thở, nghẹn ngào rơi lệ. Tất cả đều mang theo vô số hương, hoa, cờ báu, phướn, lọng, choán đầy khắp mặt đất và hư không; khóc thương thảm thiết, than thở bi ai, cung kính dâng lên cúng dường linh quan Như Lai.
Thành Câu-thi-na này mỗi phía đều rộng ngang dọc bốn mươi tám do tuần. Lúc ấy kim quan thất bảo của Như Lai từ từ bay trên không trung, [sau khi vào cửa thành phía tây lại] theo cửa thành phía đông mà ra. Tiếp đó vẫn bay trên không trung, quanh về bên phải để theo cửa thành phía nam mà vào, sau đó tiếp tục bay trên không trung đến cửa thành phía bắc mà ra. Tiếp đó vẫn bay trên không trung, quanh về bên trái để theo cửa thành phía tây mà vào.
Lần lượt như vậy, thánh quan Như Lai bay quanh khắp thành đủ ba vòng.
Sau đó, kim quan từ từ bay trên không trung, lại vào nơi cửa thành phía tây, bay tiếp đến cửa thành phía đông mà ra. Từ đó quanh về bên trái để vào cửa thành phía bắc, rồi dần dần bay đến cửa thành phía nam mà ra. Lại quanh về bên phải để vào nơi cửa thành phía tây.
Lần lượt như vậy, thánh quan Như Lai bay quanh khắp thành đủ bốn vòng.
Như vậy, sau khi đã bay quanh thành Câu-thi-na theo cả hai chiều quanh về bên trái và bên phải, thánh quan Như Lai đã bay quanh khắp thành đủ bảy vòng.
Lúc ấy, đang khi thánh quan thất bảo của Như Lai bay vào thành, tất cả đại chúng đều bi thương than khóc nghẹn ngào, mang đến vô số những gỗ thơm quý loại tốt nhất, cùng với chiên-đàn, trầm thủy, tất cả các loại hương thơm đẹp đẽ thanh khiết, xông khắp thế giới. Lại mang vô số cờ quý, phướn, lọng, hương, hoa, chuỗi ngọc đến chỗ trà-tỳ, bi thương đau xót dâng lên cúng dường.
Bấy giờ, Bốn vị thiên vương và chư thiên chúng đều khóc thương thảm thiết, mắt lệ đầm đìa, mang đến những chiên-đàn, trầm thủy quý giá nhất ở cõi trời, cả hai mặt trong ngoài đều thơm tho tinh khiết, tỏa ra khắp nơi, mỗi vị đều đủ năm trăm khối lớn như bánh xe. Các vị mang tất cả hương quý, cờ báu, lọng quý, chuỗi ngọc hoa đẹp đến chỗ trà-tỳ, bi thương đau xót dâng lên cúng dường.
Chư thiên ở cõi trời Đao-lợi mang đến mỗi vị một ngàn khối chiên-đàn; chư thiên ở cõi trời Dạ-ma mang đến mỗi vị hai ngàn khối; chư thiên ở cõi trời Đâu-suất mang đến mỗi vị ba ngàn khối; chư thiên ở cõi trời Hóa Lạc mang đến mỗi vị bốn ngàn khối; chư thiên ở cõi trời Tha hóa tự tại mang đến mỗi vị năm ngàn khối; tất cả đều kèm theo với các thứ phướn, hoa... đều mang đến chỗ trà-tỳ, bi thương đau xót dâng lên cúng dường.
Lúc ấy, chư thiên ở các cõi trời thuộc Sắc giới và Vô sắc giới chỉ đem theo hoa, hương đến chỗ trà-tỳ, bi thương đau xót dâng lên cúng dường.
Bấy giờ, đại chúng trong khắp thế gian đều đem theo chiên-đàn, trầm thủy, các loại hương, hoa, cờ, lọng tốt đẹp đến chỗ trà-tỳ, bi thương đau xót dâng lên cúng dường.
Lúc ấy, ngài A-na-luật nước mắt ràn rụa, đau xót khôn cùng, đi theo chư thiên và những người [đến dự lễ] mà xin các thứ hương thơm, chiên-đàn, trầm thủy... được đủ số sáu ngàn khối, thơm tho tinh khiết, tỏa hương ngào ngạt; liền mang đến chỗ trà-tỳ, bi thương đau xót dâng lên cúng dường.
[Thuở ấy có] hồ A-nậu-đạt [rất lớn], bốn mặt đều rộng ngang dọc đến hai trăm do-tuần, từ đó phát nguyên bốn con sông lớn, [trong đó có sông Hằng.] Khi Phật vừa thành đạo, ven bờ phía bắc sông Hằng có một cây chiên-đàn cũng nhân dịp ấy mà sanh ra. Thân cây to lớn như bánh xe, cao ngang tầm bảy cây đa-la, hương thơm thường tỏa khắp nơi cúng dường Như Lai. Vị thần cây gỗ thơm ấy cũng sanh ra cùng lúc với cây, thường mang hương thơm của cây đến cúng dường Phật. Phật vừa nhập Niết-bàn, cây chiên-đàn ấy cũng theo Phật mà diệt mất, cành lá khô rụng, vị thần cây cũng chết theo. Bấy giờ, những vị thần khác liền mang cây gỗ thơm ấy đến chỗ trà-tỳ, bi thương đau xót dâng lên cúng dường Như Lai.
Vùng đất này chính là nơi trà-tỳ chư Phật trong ba đời. Đức Đại Giác Thế Tôn nương sức bổn nguyện nên cũng trà-tỳ tại đây. Nơi này có vô số tháp báu của chư Phật trong quá khứ, là vùng đất kiên cố như kim cang, không thể hư hoại.
Lúc ấy, kim quan của đức Đại Thánh Như Lai chầm chậm bay trên không trung, hướng đến nơi trà-tỳ, rồi từ trên không trung dần dần hạ xuống trên giường thất bảo. Giường ấy đã được trang nghiêm bởi mọi thứ chuỗi ngọc tốt đẹp, quý giá vô cùng, rực rỡ đủ màu.
Cho đến lúc này, tính ra đã trải qua bảy ngày [kể từ lúc Phật nhập Niết-bàn]. Tất cả nhân dân nam nữ trong thành Câu-thi-na, vô số Bồ Tát, Thanh văn và chư thiên cõi trời Đao-lợi, cùng với tất cả đại chúng đều bi thương nghẹn ngào, cầm các thứ phướn, lọng, cờ báu, hương, hoa... đi theo thánh quan Phật trong suốt bảy ngày ấy. Nhờ oai lực của Phật, tất cả chư thiên và mọi người không một ai cảm thấy đói khát, không một ai nhớ nghĩ đến việc ăn uống, chỉ một lòng bi thương lưu luyến, ngưỡng mộ Như Lai mà thôi.
Bảy ngày đã trôi qua, [theo phép tắc đã định thì di thể] Đại Thánh Như Lai sẽ được đưa ra khỏi thánh quan.
Lúc ấy, tất cả nhân dân nam nữ trong thành Câu-thi-na cùng vô số đại chúng lại lớn tiếng than khóc, chấn động cả thế giới, cùng nhau mang vô số hương, hoa, cờ phướn, [trỗi lên] âm nhạc cõi trời vi diệu... đến trước thánh quan đức Phật, nghẹn ngào thảm thiết dâng lên cúng dường.
Bấy giờ, đại chúng bi thương đau đớn, nghẹn ngào rơi lệ, [mỗi người đều] dùng lụa trắng mịn bọc kín quanh tay, rồi với lòng tôn kính sâu xa nhất, họ đưa tay vào kim quan nhẹ nâng di thể Như Lai [vẫn còn] chói sáng màu vàng ròng có sắc tía, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, kiên cố như kim cang không thể hư hoại, đưa thánh thể Như Lai ra bên ngoài kim quan, đặt yên ổn trên giường thất bảo.
Lúc ấy, đại chúng càng thêm bi thiết, tiếng than khóc chấn động khắp các thế giới Phật trong mười phương. Tất cả đều mang hương, hoa, lọng che bằng lụa... [và trỗi lên] âm nhạc, hết lòng cúng dường; nghẹn ngào đau đớn, nhiều người ngã xuống hôn mê trước thân Như Lai.
Đại chúng lúc này càng đau đớn thống thiết hơn nữa, ai nấy nước mắt ràn rụa, mang đến vô số các loại nước thơm, hương bột nhão, hết lòng cung kính sâu xa mà cùng nhau tắm gội thân Như Lai từ đầu đến chân. Thân sắc Như Lai đến lúc này vẫn hiện bày đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, chói sáng màu vàng ròng có sắc tía, kiên cố như kim cang không thể hư hoại, được trang nghiêm bởi vô lượng phước đức và trí tuệ.
Sau đó, mọi người lại dùng nước thơm rửa thật sạch kim quan. Mọi việc đã xong, đại chúng lại lớn tiếng than khóc, bi thương nghẹn ngào, cùng nhau đốt lên những loại hương thơm quý giá, tốt đẹp nhất; rồi rải hoa thất bảo cùng vô số cờ phướn, lọng che quý báu đầy khắp cả mặt đất và không trung, bi thương đau xót dâng lên cúng dường Như Lai.
Lúc ấy, đại chúng chưa hết bi thương nghẹn ngào, nén lòng dùng vô số hoa đâu-la mềm mịn đặt khắp quanh thân kim cang của Phật, từ đầu đến chân. Sau đó, người ta dùng một ngàn tấm lụa trắng tốt nhất, quý giá vô cùng, quấn nhiều vòng quanh thân Như Lai, bên ngoài lớp hoa đâu-la. Lúc bọc kín thân Phật như vậy rồi, đại chúng càng thêm bi thương than khóc, nhiều người ngất xỉu. Rồi tất cả lại cùng nhau mang hương, hoa, phướn, lọng, cờ báu... [trỗi lên các thứ] âm nhạc, nghẹn ngào đau xót dâng lên cúng dường Như Lai.
Đại chúng buồn thương khôn dứt, mắt lệ hoen mờ, lại đem hết lòng cung kính sâu xa nhất mà dùng lụa trắng bọc quanh tay rồi đau đớn nâng nhẹ thân Như Lai đưa lại vào kim quan. Sau đó, mọi người chế đầy dầu thơm vào trong kim quan. Nắp quan liền [tự nhiên] đóng kín lại.
Lúc ấy, đại chúng càng thêm bi thiết, tiếng than khóc chấn động khắp thế giới. Tất cả lại mang hương, hoa, phướn lọng... [và trỗi lên] âm nhạc, đau đớn than khóc, nghẹn ngào dâng lên cúng dường kim quan Như Lai.
Bấy giờ, đại chúng gom hết các loại gỗ thơm tốt đẹp [do chư thiên và mọi người mang đến], chất cao thành đống như núi Tu-di, hương thơm [từ đó] tỏa lan ra khắp thế giới. Những gỗ thơm ấy được xếp kín chất chồng lên nhau, thành một lầu cao rất lớn toàn bằng gỗ thơm. Bốn mặt lầu ấy được trang nghiêm bằng bảy món báu và cờ, lọng, phướn, chuỗi ngọc đủ màu xen lẫn, đầy kín trong không trung như mây cuộn, làm cho cảnh lầu càng thêm rực rỡ. Âm nhạc của cõi người và cõi trời lại cùng lúc trỗi lên, bi thương đau xót cúng dường Như Lai.
Lúc ấy, đại chúng gồm chư thiên và loài người sắp sửa nhấc kim quan để đặt lên lầu hương, lại sanh lòng bi thương thống thiết, đấm ngực than khóc, chấn động [cả thế giới] đại thiên. Rồi tất cả lại mang cờ, lọng, hương, hoa, [trỗi lên] âm nhạc cõi trời... bi thương đau xót cúng dường Như Lai.
Đại chúng khi ấy [cố nén] bi thương đau đớn, đem lòng tôn kính sâu xa nhất mà dùng lụa trắng quấn quanh tay rồi cùng nhau nâng kim quan Đại Thánh Như Lai đặt lên trên lầu gỗ thơm trang nghiêm. Tất cả lại than khóc lớn tiếng, mê ngất đi từng chặp, rồi cùng nhau than thở rằng: “Khổ thay, khổ thay! Cớ sao chúng ta [giờ đây] phải bơ vơ không nơi nương dựa?” Bi thương thảm thiết, lệ rơi chan hòa, tất cả lại cùng nhau tung rải các loại hương, hoa; rồi cầm cờ báu, phướn lọng rực rỡ đủ màu, [trỗi lên các thứ] âm nhạc... bi thương đau xót dâng lên cúng dường Như Lai.
Lúc ấy, kim quan của Như Lai Đại Thánh đã được đặt lên trên lầu cao bằng gỗ thơm, đại chúng sắp sửa nổi lửa trà-tỳ di thể Như Lai. Bấy giờ, tiếng than khóc trong đại chúng lại càng lớn hơn, kinh động cả thế giới Đại thiên. Mọi người càng đem lòng kính trọng sâu xa và bi thương thống thiết cúng dường [trước] kim quan Đại Thánh và lầu cao bằng gỗ thơm ấy.
Bấy giờ, tất cả đại chúng đều buồn thương thảm thiết, mắt lệ tuôn tràn, mỗi người cầm một ngọn đuốc thơm thất bảo, lớn như bánh xe, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp thế giới, cùng lúc khóc rống lên rất lớn và châm lửa đốt lầu gỗ thơm; tiếng khóc than bi thương chấn động khắp cả thế giới Đại thiên. Rồi lại mang hương, hoa... dâng lên đầy khắp mọi chỗ để cúng dường.
Khi ấy, những ngọn đuốc quý vừa chạm đến chỗ lầu gỗ thơm bỗng dưng tắt hết. Bấy giờ, tất cả đại chúng lại mang đến những ngọn đuốc thất bảo lớn nhất, ánh sáng chiếu khắp nơi, rồi họ bi thương rơi lệ cùng châm những đuốc ấy vào lầu gỗ thơm. Nhưng tất cả những ngọn đuốc cũng đều tắt cả!
Lúc ấy, tất cả các vị thần biển liền mang đến thứ lửa trong biển của họ, [đốt thành] những ngọn đuốc lớn thất bảo, chiếu ra vô số ánh sáng, đến châm vào lầu gỗ thơm, nhưng cũng đều tắt cả!
Bấy giờ, đại chúng [chỉ còn biết] than khóc hồi lâu, quay sang lo việc cúng dường, vì không ai hiểu được do nhân duyên nào chưa dứt khiến cho khi châm lửa vào lầu gỗ thơm để trà-tỳ Như Lai, lửa lại không thể cháy!
[Thật ra, đó là do] lòng đại bi của đức Thế Tôn trải khắp, nên đợi cho chúng tăng cùng đi với ngài Đại Ca-diếp[1] về đến nơi mới cho lửa cháy.
Lúc ấy, Đại Ca-diếp cùng năm trăm [tỳ-kheo] đệ tử đang ở tại núi Kỳ-xà-quật, cách thành Câu-thi-na năm mươi do-tuần. Thân tâm vắng lặng an nhiên, ngài nhập chánh định. Trong chánh định, thình lình ngài bỗng thấy trong tâm kinh động, toàn thân run rẩy. Ngài liền xuất định, nhìn thấy núi non, đất đai đều chấn động, biết rằng đức Như Lai đã nhập Niết-bàn. Ngài liền bảo các đệ tử: “Đức Đại sư Thế Tôn của chúng ta nhập Niết-bàn đã trải qua bảy ngày, hiện [thánh thể] đưa vào kim quan rồi. Khổ thay, khổ thay! Chúng ta phải mau mau đến chỗ Như Lai, e rằng nếu để lễ trà-tỳ đã xong thì không còn được nhìn thấy sắc thân chân thật thanh tịnh với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật.”
Vì lòng tôn kính Phật, ngài Ca-diếp không dám [dùng thần thông] bay trên hư không để đến chỗ Như Lai. Ngài liền dẫn các đệ tử gấp rút theo đường bộ đi thật nhanh, trong lòng hết sức bi thương thống thiết. Đi suốt bảy ngày mới đến thành Câu-thi-na.
Nơi đầu đường phía đông của thành, ngài gặp được một thầy bà-la-môn đang đi đến, tay cầm một cành hoa trời. Ngài Ca-diếp liền hỏi: “Ông từ đâu đến đây?”
Người ấy đáp: “Đức Phật đã nhập Niết-bàn, tôi từ chỗ trà-tỳ đi lại đây.”
Ngài Ca-diếp lại hỏi: “Đó là hoa gì vậy?”
Đáp: “Đây là hoa cõi trời, tôi nhặt được ở chỗ trà-tỳ.”
Ngài Ca-diếp hỏi xin [cành hoa], nhưng người kia từ chối: “Không được, tôi định mang hoa này về cho những người thân trong nhà xem, rồi cúng dường trong nhà.”
Ngài Ca-diếp liền hỏi mượn tạm cành hoa [ở chỗ trà-tỳ] ấy, đặt lên trên đầu, [tưởng nhớ đến Như Lai]. Ngay khi ấy ngài liền ngất xỉu, ngã xuống đất hôn mê, hồi lâu mới tỉnh dậy, nghẹn ngào không nói ra được lời nào. Rồi ngài tự nghĩ: “Nay ta ở nơi đây mà đau thương khóc lóc cũng chẳng ích gì, không thể được nhìn thấy sắc thân Như Lai chói sáng màu vàng ròng có sắc tía với [ba mươi hai tướng tốt,] tám mươi vẻ đẹp.”
Ngài liền cùng các đệ tử nhanh chân tiến bước, thẳng vào thành Câu-thi-na theo cửa thành phía bắc. Vào thành rồi, ngài liền ghé vào một Tăng phường,[2] thấy có một số tỳ-kheo đang tụ tập. Họ bảo ngài Ca-diếp: “Các ông từ xa đến đây, chắc là mệt nhọc lắm. Xin ngồi nghỉ trong chốc lát chờ ăn uống.”
Ngài Ca-diếp đáp: “Bậc đại sư của tôi đã nhập Niết-bàn, tôi còn lòng dạ nào ngồi đây chờ ăn uống?”
Các tỳ-kheo liền hỏi: “Thầy của ông là ai?”
Ngài Ca-diếp đáp: “Các ông chẳng biết gì sao? Thật bi thương đau đớn thay! Đấng Đại giác Thế Tôn nay đã nhập Niết-bàn!”
Những tỳ-kheo kia nghe như vậy rồi đều tỏ vẻ mừng vui, nói rằng: “Thật vui sướng thay! Khi Như Lai còn tại thế thường ngăn cấm chúng ta [đủ điều], giới luật quá nghiêm khắc, chúng ta thật không chịu đựng nổi, không thể làm theo. Nay ông ấy đã nhập Niết-bàn, những giới luật nghiêm khắc kia ắt sẽ phải bỏ đi thôi. Các ông hãy thư thả chờ ăn uống, có chi phải vội?”
Do oai lực của Phật nên chư thiên và các đệ tử của ngài Ca-diếp đều không nghe được những lời [đáng xấu hổ] của các tỳ-kheo xấu ác ấy, chỉ riêng ngài Ca-diếp nghe rõ mà thôi.[3] Ngài Ca-diếp rơi lệ thảm thương, liền [lập tức] dẫn các đệ tử của mình vội vàng đi đến chỗ [trà-tỳ thân] Phật.
Lúc ấy, ngài Ca-diếp với các đệ tử cùng suy nghĩ rằng: “Chúng ta phải làm sao có những phẩm vật cúng dường để mang đến chỗ [trà-tỳ thân] Phật mà cúng dường Như Lai?”
Ngài Ca-diếp lại nghĩ: “Ta vốn sanh trưởng tại thành này, nếu đi xin các phẩm vật cúng dường chắc là có thể được.” Ngài liền cùng các đệ tử vào trong thành, tuần tự đi xin khắp các nhà, được đủ một ngàn tấm lụa trắng tốt, vô số hoa đâu-la mềm mịn, vô số các loại hoa quý, hương bột nhão, hương nước, hương dầu, cờ báu, phướn lọng, chuỗi ngọc đủ màu rực rỡ... mọi thứ đều đầy đủ.
Sau đó, ngài Ca-diếp và các đệ tử cùng bi thương đau xót mang tất cả những phẩm vật ấy nhanh chân đi ra khỏi thành theo cửa phía tây.
Bấy giờ, ngài Ca-diếp nghe được tiếng khóc than bi thảm của tất cả đại chúng từ nơi làm lễ trà-tỳ, lại nghe họ cùng nhau hỏi Đế Thích rằng: “Cúng dường đã xong, làm sao có thể nổi lửa đốt lầu gỗ thơm này để trà-tỳ Như Lai?”
Đế Thích đáp: “Đại chúng hãy đợi trong chốc lát. Tôn giả Ma-ha Ca-diếp sắp đến đây rồi.”
Đế Thích chưa dứt lời thì tất cả đại chúng đang trong cơn bi thương ấy liền nhìn thấy ngài Ca-diếp cùng với các đệ tử trên đường bước đến, dáng vẻ bi thảm. Đại chúng liền nén sự bi thương, rẽ đường cho ngài Ca-diếp và các đệ tử [đi vào].
Vừa bước tới trước, trông thấy thánh quan của Phật từ xa, ngài Ca-diếp liền cùng các vị đệ tử đồng thời lễ bái, than khóc nghẹn ngào, rồi ngã lăn xuống đất mê man bất tỉnh, tinh thần tối tăm rối loạn, hồi lâu mới tỉnh, lệ tuôn không dứt.
Ngài Ca-diếp khi ấy chầm chậm tiến [về phía thánh quan của Phật], hỏi đại chúng rằng: “Làm sao để có thể mở nắp kim quan của Đại Thánh?”
Đại chúng đáp: “Phật nhập Niết-bàn đã hai tuần rồi, e rằng [thánh thể] đã hư hoại, làm sao có thể mở ra?”
Ngài Ca-diếp nói: “Thân Như Lai kiên cố như kim cang, là thường, lạc, ngã, tịnh, không thể hư hoại; hương thơm giới đức của ngài lan tỏa khắp nơi như núi chiên-đàn [thơm ngát, làm sao có thể hư hoại?]”
Ngài Ca-diếp nói xong lời ấy thì nước mắt ràn rụa, tiến bước đến chỗ thánh quan của Phật.
Bấy giờ, lòng đại bi của Như Lai bình đẳng [đối với tất cả chúng sanh], liền vì ngài Ca-diếp mà tự nhiên mở nắp thánh quan, cả ngàn tấm lụa trắng và hoa đâu-la [quanh thân Phật] cũng tức thời tháo mở, hiển bày sắc thân chân thật kiên cố chói sáng màu vàng ròng có sắc tía, với đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.
Ngài Ca-diếp cùng các đệ tử nhìn thấy như vậy rồi thì bi thương đau đớn, ngã xuống đất hôn mê, hồi lâu mới tỉnh lại, nghẹn ngào không nói được thành lời, nước mắt ràn rụa. Rồi ngài cùng với các đệ tử chầm chậm tiến lên lầu gỗ thơm, đến sát bên thánh quan của Phật, lại nghẹn ngào tức tưởi than khóc bi thảm, mang ra tất cả những phẩm vật đã xin được như hương, hoa, phướn, lọng, cờ báu, chuỗi ngọc... rồi khóc than đau đớn mà dâng lên cúng dường.
Sau đó, ngài Ca-diếp cùng các đệ tử lại dùng các loại hương bột nhão, nước thơm... để tắm gội sắc thân chói sáng màu vàng ròng của Như Lai; rồi đốt hương thơm, rải hoa, bi thương than khóc dâng lên cúng dường.
Tắm gội [sắc thân Như Lai] rồi, ngài Ca-diếp cùng với các đệ tử liền mang ra số hoa đâu-la mềm mịn nhất đã xin được, đặt quanh sắc thân màu vàng ròng có sắc tía của Như Lai. Sau đó lại dùng những hoa đâu-la cũ đắp thêm quanh số hoa đâu-la mới, sau đó dùng một ngàn tấm lụa trắng đã xin được tuần tự quấn thành nhiều lớp bên ngoài, khắp quanh thân Như Lai. Quấn như vậy rồi, lại dùng số lụa cũ để tuần tự quấn thêm nhiều lớp bên ngoài các lớp lụa mới. Việc quấn lụa như thế vừa xong, nắp thánh quan liền [tự nhiên] đóng kín lại. Mọi người lại dùng những chuỗi ngọc bằng thất bảo để trang nghiêm bên ngoài.
Lúc ấy, ngài Ca-diếp càng thêm bi thương đau xót, cùng các đệ tử đi nhiễu [quanh thánh quan đức Phật] theo chiều bên phải bảy vòng, rồi mắt lệ rưng rưng, ngài quỳ mọp xuống chắp tay đọc kệ than thở rằng:
Đớn đau thay! Đại Thánh Chí Tôn!
Con nay khổ não, đắng cay lòng!
Thế Tôn sao vội sớm nhập diệt,
Chẳng rủ lòng từ nán đợi con?
Con nhập thiền định trong núi Quật,[4]
Quán khắp mọi nơi không Như Lai!
Rồi lại thấy Phật đã Niết-bàn,
Hốt nhiên tâm thần con rúng động.
Bỗng thấy mây đen phủ thế gian,
Đất đai, núi non đồng chấn động;
Con biết Như Lai đã Niết-bàn,
Vội đến vẫn không kịp gặp Phật!
Thế Tôn đại từ nỡ quên sao,
Khiến con chẳng thấy Phật Niết-bàn;
Chẳng được nghe lời vàng dạy bảo,
Bơ vơ còn biết dựa vào đâu?
Thế Tôn ôi! Con quá đớn đau!
Tâm tình rối loạn, như mê muội!
Nay con kính lễ đầu Thế Tôn,
Và kính lễ đến ngực Như Lai.
Lại kính lễ cả tay Đại Thánh,
Đau thương cúi lễ lưng Như Lai,
Và kính lễ đến rốn Như Lai,
Chí thành kính lễ đến chân Phật.
Khổ sao không thấy Phật Niết-bàn!
Nguyện Phật hiển bày nơi con lễ!
Như Lai ở đời, thảy thảy vui,
Nay nhập Niết-bàn người người khổ!
Đớn đau thay! Khổ não lớn thay!
Xin Đại bi hiện nơi con lễ!
Sau khi ngài Ca-diếp bi thương nghẹn ngào đọc kệ như vậy rồi, đức Thế Tôn vì lòng đại bi liền hiển bày hai chân, mỗi bàn chân có tướng bánh xe đủ ngàn nan hoa,[5] [tự nhiên] đưa ra khỏi thánh quan, hướng về phía ngài Ca-diếp. Từ nơi tướng bánh xe ngàn nan hoa ấy phóng ra ngàn đạo hào quang, chiếu sáng khắp tất cả thế giới trong mười phương.
Lúc ấy, ngài Ca-diếp và các đệ tử nhìn thấy chân Phật, đồng thời lễ bái tướng bánh xe ngàn nan hoa, rồi ngay khi ấy liền ngã lăn xuống đất hôn mê, hồi lâu mới tỉnh lại. Rồi ngài và các đệ tử cùng nhau than khóc nghẹn ngào, bi thương đau xót đi quanh [thánh quan] bảy vòng theo chiều bên tay phải. Đi quanh bảy vòng rồi, lại cúi lễ chân Phật, than khóc bi ai, chấn động cả thế giới. Sau đó, vẫn không nén được sự đau thương, ngài nghẹn ngào đọc kệ tán thán chân Phật:
Như Lai tâm đại bi rốt ráo,
Ánh từ soi khắp không phân biệt;
Chúng sanh chí thành tất ứng hiện:
Cho con được thấy tướng hai chân.
Nay con hết lòng cung kính lễ:
Hai chân Phật với tướng bánh xe.
Từ bánh xe ấy phóng hào quang,
Soi khắp mười phương các cõi Phật.
Nay con quy y, cúi đầu lễ:
Tướng bánh xe quý, chiếu hào quang;
Chúng sanh thấy hào quang, thoát khổ,
Ba ác, Tám nạn, đều lìa xa!
Con lại quy y, cúi đầu lễ,
Hào quang cứu độ các đường ác.
Thế Tôn vô số kiếp thuở xưa,
Vì chúng con tu mọi khổ hạnh;
Nay đã thành tựu thân kim cang,
Từ bàn chân phóng ngàn tia sáng.
Buồn thương, cung kính xin cúi lễ:
Tướng bánh xe quý, đời được yên.
Phật tu công đức vì chúng sanh,
Dưới cội Bồ-đề, trị Bốn ma;
Trị Bốn ma rồi, thu ngoại đạo,
Nhờ đó chúng sanh được Chánh kiến.
Cung kính quy y, cúi đầu lễ:
Hào quang chân Phật soi Chánh kiến;
Phật là cha lành khắp tất cả,
Chân phóng hào quang, độ chúng sanh.
Con lại quy y, cúi đầu lễ,
Bình đẳng thoát khổ, chân phóng quang;
Con được hào quang chân Phật chiếu,
Buồn vui lẫn lộn, thương cảm thay!
Con lại bi thương cúi đầu lễ:
Cảm thay, tướng quý bánh xe sáng!
Cúi đầu quy y hào quang chân,
Giáo pháp rốt ráo, thoát Ba cõi.
Kính lễ chân Phật, trời, người nương,
Hào quang chiếu khắp Ba cõi khổ;
Chúng sanh chưa bước ra cửa khổ,
Thảy đều nương theo hào quang chân.
Chúng con chưa ra khỏi luân hồi,
Làm sao chân Phật nỡ buông bỏ?
Đau đớn thay! Tất cả chúng sanh,
Đêm dài không thấy hào quang chân.
Sám hối với Thế Tôn từ bi.
Hiển bày chân quý tỏa hào quang;
Thương thay! Nay gặp hào quang này,
Biết đến bao giờ được thấy nữa?
Lúc ấy, ngài Ca-diếp cùng các đệ tử đọc kệ ấy rồi, lại ngã xuống đất hôn mê lần nữa, hồi lâu mới dần dần tỉnh lại, đau đớn nghẹn ngào không sao tự chế. Khi ấy, hai chân kim cang có tướng bánh xe ngàn nan hoa của đấng Đại giác Thế Tôn tự nhiên rút trở vào thánh quan, [tất cả lại] đóng kín như cũ.
Bấy giờ, nhân dân nam nữ trong thành và chư thiên, mọi người cùng đại chúng nhìn thấy ngài Đại Ca-diếp nhiều lần than khóc, đấm ngực kêu la, bi thương chấn động vô số thế giới đại thiên, tất cả đều cùng nhau mang các phẩm vật đến, bi thương nghẹn ngào dâng lên cúng dường.
Lúc ấy, trong thành Câu-thi-na có bốn vị lực sĩ thân đeo chuỗi ngọc trang nghiêm, tay cầm đuốc thất bảo lớn như bánh xe, chiếu sáng khắp nơi, định châm lửa vào lầu gỗ thơm để trà-tỳ thân Như Lai. Đuốc ấy vừa chạm đến lầu gỗ thơm bỗng nhiên tắt mất. Ngài Ca-diếp liền nói: “Bảo quan của Đại Thánh, [dù là tất cả] lửa trong Ba cõi còn không thể thiêu cháy, huống chi sức các ông lại có thể đốt được sao?”
Trong thành lại có tám đại lực sĩ tay cầm đuốc lớn thất bảo cháy sáng, cùng nhau đến châm lửa đốt thánh quan, nhưng tất cả đuốc cũng đều tắt cả.
Lại có mười sáu lực sĩ khỏe nhất trong thành, mỗi người đều cầm đuốc lớn thất bảo mang đến châm vào lầu gỗ thơm, nhưng đuốc cũng đều tắt hết.
Trong thành lại có ba mươi sáu lực sĩ khỏe nhất, tất cả đều cầm đuốc lớn thất bảo đến châm đuốc vào lầu gỗ thơm, nhưng tất cả đuốc cũng đều tắt cả.
Lúc ấy, ngài Ca-diếp bảo các lực sĩ và tất cả đại chúng rằng: “Các vị nên biết rằng, dù cho dùng đến tất cả lửa đuốc của chư thiên và loài người cũng không thể trà-tỳ bảo quan Như Lai. Các vị không cần phải phí công khổ nhọc cố làm việc ấy!”
Bấy giờ, hết thảy nhân dân nam nữ trong thành cùng với chư thiên, mọi người và đại chúng càng thêm bi thương, cùng nhau mang thêm phẩm vật đến, than khóc đau xót dâng lên cúng dường, cùng nhau lễ bái [thánh quan], đi nhiễu quanh bảy vòng theo về bên mặt, lớn tiếng than khóc, chấn động khắp cõi Tam thiên [đại thiên thế giới].
Lúc ấy, đức Như Lai dùng sức đại bi [khiến cho] từ nơi quả tim trong lồng ngực của ngài bùng lên ngọn lửa rất mạnh tỏa ra bên ngoài thánh quan, chầm chậm trà-tỳ [sắc thân Như Lai]. Ngọn lửa thiêu cháy lầu gỗ thơm, trải qua đủ bảy ngày mới tàn.
Bấy giờ, hết thảy nhân dân nam nữ trong thành cùng với chư thiên, mọi người và đại chúng cùng trải qua bảy ngày than khóc bi thảm, tiếng đau thương không chút lắng dịu; tất cả cùng nhau mang thêm phẩm vật đến cúng dường không ngớt.
Lúc ấy, cả bốn vị thiên vương đều có ý nghĩ giống nhau rằng: “Ta sẽ dùng nước thơm dập tắt lửa để mau chóng thâu nhặt lấy xá-lợi mang về cõi trời cúng dường.”
Nghĩ như vậy rồi, mỗi vị liền lấy bình vàng thất bảo đựng đầy nước thơm; lại mang theo bốn cây đại thọ ở bốn núi Tu-di, là loại cây đặc biệt thơm tho, tinh khiết, chảy ra chất nước như sữa ngọt. Mỗi cây này đều to lớn đến ngàn vòng ôm, cao cả trăm do-tuần, bay theo bốn vị thiên vương rồi từ trên không trung đồng thời hạ xuống chỗ trà-tỳ. Khi ấy, từ những cây này tuôn chảy chất nước như sữa ngọt, các thiên vương thì nghiêng bình vàng chứa nước thơm, cùng lúc tưới cả vào lửa. [Không ngờ] tưới xong thì lửa càng mạnh hơn, không giảm bớt chút nào.
Bấy giờ, các vị thần biển, Long vương Sa-già-la[6] cùng với các vị thần sông thấy lửa không tắt thì mỗi vị đều nghĩ giống nhau rằng: “Ta sẽ dùng nước thơm tưới cho tắt lửa để mau chóng thâu nhặt xá-lợi về chỗ ta ở mà cúng dường.”
Nghĩ như vậy rồi, mỗi vị đều mang bình báu chứa vô lượng nước thơm đến chỗ trà-tỳ, cùng lúc tưới vào lửa. Sau khi tưới xong lửa vẫn như trước, không giảm bớt chút nào.
Lúc ấy, ngài A-na-luật bảo bốn vị thiên vương và các thần biển rằng: “Các vị dùng nước thơm muốn tưới cho lửa tắt, há chẳng phải là muốn thâu lấy xá-lợi đem về cúng dường đó sao?”
Tất cả cùng đáp: “Quả đúng như vậy.”
Ngài A-na-luật liền bảo bốn vị thiên vương: “Các vị thật là tham lam quá! Các vị ở trên cõi trời, nếu xá-lợi theo quý vị lên cõi trời thì người ở trần gian làm sao lên đến đó được mà cúng dường?”
Rồi ngài A-na-luật bảo các vị thần biển: “Các vị đều ở những nơi biển lớn, sông sâu, nếu quý vị thâu lấy xá-lợi của Như Lai, làm sao người ở trần gian đến được chỗ cung điện của các vị mà cúng dường?”
Khi ấy, bốn vị thiên vương liền ngỏ lời sám hối, rồi ai nấy cùng trở về thiên cung. Các vị thần biển, thần sông cũng đều xin sám hối và nói: “Quả đúng như lời dạy của thánh tăng.” Sám hối rồi, các vị đều trở về chỗ ở của mình. PHẨM PHÂN CHIA XÁ-LỢI
Phẩm thứ tư
Bấy giờ, Đế Thích cầm bình thất bảo và phẩm vật cúng dường hiện đến chỗ trà-tỳ. Ngay lúc đó thì lửa ở chỗ ấy tự nhiên tắt hết. Đế Thích định mở nắp thánh quan Như Lai để thỉnh [xá-lợi của] một cái răng Phật. Ngài A-na-luật thấy vậy liền hỏi: “Ông định làm gì đó?”
Đế Thích đáp: “Tôi muốn thỉnh [xá-lợi của] một chiếc răng Phật đem về cõi trời cúng dường.
Ngài A-na-luật nói: “Xin ông đừng vội tự ý lấy. Hãy đợi đại chúng cùng phân chia.”
Đế Thích liền nói: “Trước đây đức Phật đã có hứa ban cho tôi [phần xá-lợi của] một chiếc răng. Vì vậy nên tôi vừa đến thì lửa tự nhiên tắt.”
Đế Thích nói rồi liền mở nắp thánh quan, nhặt lấy xá-lợi của một chiếc răng trong miệng Phật ở hàm trên, bên phải. Sau đó trở về thiên cung xây tháp cúng dường.
Lúc ấy, có hai quỷ dạ-xoa và la-sát[7] ẩn mình theo sau Đế Thích, không ai nhìn thấy, liền trộm lấy xá-lợi hai chiếc răng của Phật.
Bấy giờ, tất cả nhân dân nam nữ trong thành và đại chúng liền cùng lúc kéo đến, định tranh nhau lấy xá-lợi Phật. Ngài A-na-luật bảo họ: “Đại chúng nên bình tâm thư thả một chút để mọi việc được an lành. Phật đã có dạy, nên theo đúng phép tắc mà phân chia xá-lợi để cùng nhau cúng dường.”
Nhưng lúc ấy tất cả nhân dân nam nữ trong thành và đại chúng đều chẳng nghe lời ngài A-na-luật. Mỗi người đều mang theo giáo mác, cung tên, đao kiếm... tất cả các loại vũ khí. Ai nấy đều tự trang bị đầy đủ, muốn tranh đoạt lấy xá-lợi.
Bấy giờ, mọi người trong thành liền mở thánh quan của Phật ra, thấy tất cả hoa đâu-la và lụa trắng [đặt quanh thân Phật] vẫn còn nguyên không cháy. Thấy vậy rồi, đại chúng lại lớn tiếng kêu khóc, nước mắt tuôn tràn. Họ mang thêm phẩm vật đến, bi thương đau xót dâng lên cúng dường, đem hết lòng thành kính sâu xa lễ bái [trước thánh quan], rồi quỳ mọp xuống, cùng nhau rơi lệ mà đọc kệ xưng tán rằng:
Như Lai dùng sức đại tự tại,
Trong cả ba đời luôn tự tại;
Vì nguyện đại bi đến cõi này,
Hiện khắp biển khổ độ chúng sanh.
Thần thông, trí tuệ, khôn kể xiết,
Vào ra sanh tử, không chướng ngại;
Thường hóa một thân làm nhiều thân,
Nhiều thân, một thân thành vô số.
Thần biến hiện khắp, ai cũng thấy,
Vì không duyên nên hiện Niết-bàn;
Chúng con hết phước, không duyên ứng,
Nên Như Lai mới đành buông bỏ.
Thánh quan Phật trong rừng sa-la,
Dù đại lực sĩ không nhấc nổi;
Do sức đại bi tự bay lên,
Cao đến ngang tầm cây đa-la.
Bay chậm quanh thành Câu-thi-na,
Bảy ngày, bay quanh đủ bảy vòng;
Sau đó tự đến chỗ trà-tỳ,
Chỉ có sức Phật làm được vậy.
Khắp cả trời người khôn xét lường,
Như Lai thị hiện Đại Niết-bàn.
Kim cang chẳng hoại, sức tự tại,
Trà-tỳ, lửa thế gian chẳng cháy.
Phải nhờ lửa từ bi tâm Phật,
Tự thiêu sắc thân suốt bảy ngày;
Trời, người không thể tắt lửa ấy,
Sức đại bi Như Lai ứng hiện,
Đế Thích vừa đến, lửa liền tắt.
Hoa đâu-la mịn quanh thân Phật,
Dù lửa thiêu đốt vẫn không cháy.
Lụa quấn thân Phật trong bảo quan,
Mặc cho lửa đốt vẫn không cháy.
Mới biết sức Như Lai tự tại,
Tự tại muôn pháp, xưng Pháp vương.
Kính lễ Đại bi thầy Ba cõi,
Kính lễ bậc thánh Không run sợ,
Kính lễ Đại từ che chở khắp,
Kính lễ bậc thần biến tự tại.
Chúng con từ nay lìa Thế Tôn,
Chìm trong biển khổ, không người cứu.
Thương thay! Hỡi ôi, Đại Thánh Tôn!
Vĩnh biệt từ nay, đến bao giờ?
Bấy giờ, đại chúng đọc kệ như vậy rồi lại bi thương khóc kể, ai nấy cùng mang thêm phẩm vật đến, hết lòng đau xót dâng lên cúng dường.
Lúc ấy, ngài A-na-luật vì khắp hàng trời, người và tất cả đại chúng, nhân dân trong thành đang cùng nhau [tụ tập] quanh thánh quan của Phật, liền từ từ tháo mở từng lớp lụa trắng và hoa đâu-la. Một ngàn tấm lụa trắng của ngài Ca-diếp và các đệ tử vẫn còn nguyên không cháy; một ngàn tấm lụa trắng của nhân dân trong thành chỉ trừ một lớp quấn ngoài cùng, còn lại bao nhiêu đều cháy thành tro; riêng hoa đâu-la thì vẫn còn nguyên không cháy.
Bấy giờ, ngài A-na-luật liền lấy số lụa trắng và hoa đâu-la [không cháy] ấy phân thành từng miếng nhỏ, chia đều cho đại chúng, dạy họ xây bảo tháp mà cúng dường.
Ngài A-na-luật lại lấy số tro của lụa đã cháy, cũng phân ra từng phần nhỏ mà chia cho đại chúng, dạy họ xây bảo tháp mà cúng dường.
Ngoài ra, các loại tro khác [ở nơi trà-tỳ] không cần phân chia, mỗi người đều tùy ý lấy về để xây tháp cúng dường.
Trước đó, nhân dân trong thành đã thuê thợ khéo làm ra tám cái bình vàng và tám tòa sư tử, đều trang trí bằng bảy món báu. Mỗi cái bình quý ấy đều chứa được một hộc, được đặt trên tòa sư tử làm bằng bảy báu. Mỗi tòa sư tử quý ấy đều có ba mươi hai vị lực sĩ, trang sức bằng những chuỗi ngọc bảy báu, màu sắc rực rỡ xen lẫn trên thân, cùng nhấc bổng các tòa sư tử ấy lên. Trên mỗi tòa sư tử lại có tám cô thể nữ trang sức bằng các chuỗi ngọc thất bảo, nhiều màu rực rỡ xen lẫn, cùng nâng bình quý; lại có tám cô thể nữ trang sức bằng chuỗi ngọc, cầm lọng bằng bảy báu che trên bình quý; lại có tám cô thể nữ trang sức bằng các chuỗi ngọc, tay cầm gươm bằng bảy báu đứng bảo vệ bình quý; lại có tám cô thể nữ trang sức bằng chuỗi ngọc, cầm cờ lông trĩ cắm ở bốn phía bình quý.
Mỗi tòa sư tử quý ấy đều có vô số người cầm các loại nhạc khí vi diệu, cờ phướn, lọng quý, hoa, hương, chuỗi ngọc vây quanh cúng dường; lại có vô số người cầm cung tên, giáo mác, dây trói, lưỡi câu dài... và mọi thứ chiến cụ vây quanh.
Từ trong thành Câu-thi-na, họ vây quanh các tòa sư tử với bình báu ấy, cùng tiến về nơi trà-tỳ [thân Như Lai].
Khi tám tòa sư tử bằng bảy báu ấy đã ra khỏi thành rồi, những người trong thành liền mang theo vô số hương bột nhão, hương nước, đi sau các lực sĩ mà dọn dẹp, san lấp đất đai, làm cho đường đi trở nên mềm ướt, mát mẻ, thơm tho, rộng rãi, nghiêm trang, kéo dài cho đến tận nơi trà-tỳ. Hai bên đường lại có vô số cờ quý, phướn lọng, hương, hoa, chuỗi ngọc trai quý, đủ các màu sắc rực rỡ xen lẫn, [lại trỗi lên các loại] âm nhạc huyền ca, tô điểm cho đường xá, chờ rước xá-lợi của Đại Thánh Thế Tôn về qua đó. Mọi người cũng vây quanh các lực sĩ khiêng tám tòa sư tử thất bảo mà đến nơi trà-tỳ.
Đến nơi, họ khóc lóc rất thảm thiết, kêu la khản tiếng, chấn động cả cõi [thế giới] đại thiên. Họ lại mang theo các phẩm vật, hết lòng chí thành dâng lên cúng dường [xá-lợi Như Lai].
Bấy giờ, do sức đại bi của Thế Tôn nên thân kim cang của Phật tự nhiên tan nát thành [vô số] hạt xá-lợi rất nhỏ, chỉ còn lại [nguyên vẹn xá-lợi của] bốn chiếc răng không thể hư hoại.
Lúc ấy, đại chúng được nhìn thấy xá-lợi [Như Lai] rồi càng bi thương đau đớn, liền mang thêm phẩm vật đến, rơi lệ chua xót dâng lên cúng dường.
Khi ấy, ngài A-na-luật và mọi người trong thành, nước mắt lưng tròng, cùng nhau thâu nhặt xá-lợi [Phật] cho vào tám cái bình quý làm bằng bảy báu trên tòa sư tử. Khi nhặt hết xá-lợi thì vừa đầy tám bình quý ấy.
Bấy giờ, tất cả đại chúng, chư thiên và mọi người nhìn thấy xá-lợi Phật được đưa hết vào trong bình quý rồi, lại càng thêm bi thương đau đớn; họ rơi lệ, lại dùng phẩm vật đã mang theo chí thành dâng lên cúng dường [xá-lợi Như Lai].
Lúc ấy, các lực sĩ và nhân dân nam nữ trong thành Câu-thi-na sắp sửa mang các bình quý chứa xá-lợi Phật vào thành. Đại chúng càng thêm bi thương, ai nấy đều dùng những phẩm vật đã mang theo dâng lên cúng dường.
Bấy giờ, các đại lực sĩ có dân trong thành vây quanh, thảy đều bi thương đau xót, nghẹn ngào rơi lệ, cùng nhau khiêng tám tòa sư tử bằng bảy báu theo con đường rưới nước thơm đã được sửa dọn sạch sẽ để về thành Câu-thi-na.
Lúc ấy, tất cả đại chúng, chư thiên và mọi người càng thêm bi ai đau đớn, [kêu khóc] chấn động thế giới; họ mang các phẩm vật theo sau xá-lợi [Phật], khóc than thảm thiết mà cúng dường. Khi xá-lợi của Như Lai đã đưa vào trong thành rồi, mọi người liền đặt yên tại một ngã tư đường.
Bấy giờ, nhân dân trong thành Câu-thi-na liền bố trí đủ bốn đạo binh,[8] vô số quân lính, thân mang áo giáp, tay cầm vũ khí, đi tuần quanh thành Câu-thi-na. Khắp bốn phía thành và chung quanh thành đều có vô số quân binh xếp thành nhiều vòng, phòng bị nghiêm mật, vì e có những người từ nơi khác kéo đến cướp đoạt [xá-lợi Phật]. Tuy chuẩn bị đầy đủ hình thức phòng bị như vậy, nhưng họ thật không có lòng muốn gây chiến.
Lại có năm trăm vị thầy chú thuật rất giỏi trấn giữ ở bốn cửa thành để ngăn ngừa tai ách. Lại dùng vô số cờ báu, phướn lọng trang nghiêm vi diệu, cờ lớn bằng lông chim trĩ, cắm ở bốn góc thành, nghiêm trang cúng dường, vì muốn phù hợp với nghi thức.
Khi ấy, tất cả nhân dân nam nữ trong thành cùng với đại chúng, chư thiên và mọi người khác càng thêm bi thương ai oán, cùng nhau mang thêm các phẩm vật đến rồi hết lòng chí thành dâng lên cúng dường [xá-lợi Phật].
Các bình quý đựng xá-lợi [Phật] đặt trên tòa sư tử trải qua được bảy ngày. Trong bảy ngày ấy, tất cả đại chúng đều than khóc ngày đêm, tiếng bi thương không ngớt. Mọi người đều dùng những phẩm vật đã mang đến để hết lòng thành kính dâng lên cúng dường [xá-lợi Phật].
Tám tòa sư tử làm bằng bảy báu ấy đều có năm trăm vị thầy chú thuật rất giỏi [thường xuyên] canh giữ, đề phòng có những hạng trời, rồng, dạ-xoa, thần, quỷ lẻn đến lấy [xá-lợi Phật].
Trải qua bảy ngày ấy rồi, quyến thuộc trong dòng họ Phật sanh ra, [tức là] quốc vương thành Ca-tỳ-la và những người trong họ Thích-ca, mới biết là Phật đã nhập Niết-bàn. Do oai lực của Phật nên trước đó dù Phật đã nhập Niết-bàn đến ba tuần lễ họ vẫn không hề hay biết.
Bấy giờ, quốc vương Ca-tỳ-la cùng với những người họ Thích-ca đều than khóc bi thảm, cùng nhau đi thật nhanh đến thành Câu-thi-na. Đến nơi, họ thấy vô số binh lính đang bao quanh canh gác ngoài thành. Họ lại nhìn thấy [khắp nơi đầy] những cờ báu, phướn lọng giăng bày, khắp bốn góc thành, che khuất cả cõi nước; lại có những vị thầy chú thuật giỏi canh giữ bốn cửa thành.
Quốc vương [Ca-tỳ-la] và những người dòng họ Thích-ca liền hỏi các thầy chú thuật: “Phật đã nhập Niết-bàn rồi sao?”
Các thầy ấy đáp: “Phật nhập Niết-bàn đến nay đã bốn tuần rồi.[9] Lễ trà-tỳ đã xong, bây giờ sắp sửa phân chia xá-lợi.”
Quốc vương [Ca-tỳ-la] nói: “Chúng tôi đều là quyến thuộc trong dòng họ Phật đản sanh. Oai lực của Phật khiến cho chúng tôi [trong suốt ba tuần] không hay biết rằng Như Lai đã vào Niết-bàn. Nay chúng tôi muốn được thấy xá-lợi của Như Lai, vậy các ông hãy mở đường cho chúng tôi vào.”
Nghe vậy rồi, các thầy chú thuật và binh lính [canh gác] liền để cho quốc vương [Ca-tỳ-la] và những người họ Thích-ca vào thành. Khi vào thành rồi, vua và những người họ Thích-ca nhìn thấy xá-lợi Phật trên những tòa sư tử thì đau đớn nghẹn ngào, nước mắt ràn rụa, cùng nhau đi nhiễu quanh [các tòa sư tử] bảy vòng theo chiều bên phải. Nhiễu quanh bảy vòng rồi, họ cùng nhau nuốt lệ, nói rằng: “Chúng tôi muốn thỉnh một phần xá-lợi Như Lai đem về cúng dường.”
Đại chúng đáp rằng: “Tuy chúng tôi biết các vị là quyến thuộc dòng họ Thích-ca, nhưng Phật Thế Tôn trước đã có dạy việc phân chia xá-lợi, không hề có dặn chia phần cho các vị. Xá-lợi ở đây đều đã có người thỉnh, các vị làm sao có được? Xin hãy về đi thôi!”
Bấy giờ, quốc vương [Ca-tỳ-la] và những người họ Thích-ca thỉnh cầu không được, tất cả đều buồn khổ than khóc bi thương, rồi ngã xuống đất hôn mê, hồi lâu mới tỉnh lại. Họ không nén được lòng đau thương, liền nói với người trong thành rằng: “Như Lai Thế Tôn thuộc dòng họ Thích-ca của chúng tôi, vì thương xót các ông nên mới nhập Niết-bàn tại đây. Vì sao các ông lại khinh thường, không chịu chia cho chúng tôi một phần xá-lợi?”
Nói như vậy rồi, tất cả cùng nhau lễ bái xá-lợi, đi nhiễu quanh bảy vòng về bên phải, khóc lóc thảm thiết, nước mắt ràn rụa, sanh lòng tức giận và đau xót ra về.
Bấy giờ, [nhắc lại chuyện trước đây,] vua nước Ma-kiệt-đà[10] là A-xà-thế sau khi đã giết hại cha [là vua Tần-bà-sa-la], sanh lòng hối hận vô cùng, trên người phát sanh ghẻ độc [đau đớn cùng cực]. Nhờ đức Thế Tôn [từ bi nhập tam-muội] Nguyệt ái phóng hào quang chiếu lên thân ông, bệnh ghẻ độc nơi thân liền khỏi hẳn.[11] Vua liền tìm đến chỗ Phật, bi thương khẩn thiết cầu xin sám hối. Đức Thế Tôn đại bi liền dùng nước thuốc cam lộ nhiệm mầu là Chánh pháp để rửa sạch ghẻ độc [tội lỗi trong tâm vua].[12] Tội lỗi rất nặng của vua liền được dứt trừ, vua trở về cung, không hề hay biết việc Như Lai [sắp] nhập Niết-bàn.
Ngay trong đêm Phật nhập Niết-bàn, vua A-xà-thế nằm mộng thấy mặt trăng rơi xuống; mặt trời từ dưới đất mọc lên, tinh tú mây mưa rơi rớt tán loạn; lại thấy hơi khói dưới đất xông lên, rồi thấy bảy ngôi sao chổi hiện trên trời. Vua lại mộng thấy trên trời có đám lửa lớn, ửng đỏ khắp hư không, rồi cùng một lúc rơi xuống đất. Ngay khi vừa tỉnh mộng, vua cảm thấy trong lòng hết sức kinh sợ, run rẩy; liền triệu tập quần thần, kể lại giấc mộng ấy và hỏi: “Đó là điềm gì vậy?”
Các quan tâu rằng: “Đó là điềm chẳng lành, Phật đã nhập Niết-bàn. Sau khi Phật diệt độ, phiền não sẽ khởi sanh mạnh mẽ trong chúng sanh Ba cõi, Sáu đường, cho nên bệ hạ thấy lửa lớn hiện ra, từ trên không trung rơi xuống đất.
“Phật diệt độ rồi, hào quang từ bi [của tam-muội] Nguyệt ái và mây lành trí tuệ che khắp [chúng sanh] thảy đều dứt mất, nên vua mộng thấy mặt trăng rớt xuống, tinh tú rụng rơi. [Đó là điềm báo] sau khi Phật nhập Niết-bàn, tám mươi ngàn điều luật nghi cùng tất cả phép tắc giới hạnh đều sẽ bị chúng sanh phạm vào; vì họ không y theo lời Phật dạy, chỉ làm theo tà pháp nên phải đọa xuống địa ngục.
“Mặt trời từ dưới đất mọc lên, đó là điềm sau khi Phật nhập Niết-bàn các sự khổ não trong ba đường ác tích tụ [rất nhiều, giống như] ánh mặt trời xuất hiện ở thế gian.
“[Vì những việc trên] nên vua cảm ứng thấy giấc mộng như vậy.”
Vua nghe lời tâu như vậy rồi, ngay giữa đêm ấy liền cùng các quan lên đường hướng đến thành Câu-thi-na. Đến nơi, vua nhìn thấy vô số binh lính đang phòng vệ quanh thành Câu-thi-na. Vua lại thấy ở cửa thành có những thầy chú thuật giỏi để phòng ngừa tai biến đến từ bên ngoài. Thấy như vậy rồi, vua liền hỏi các thầy chú thuật: “Phật đã nhập Niết-bàn rồi sao?”
Các thầy chú thuật đáp: “Phật nhập Niết-bàn đến nay đã trải qua bốn tuần. Hiện giờ đại chúng sắp phân chia xá-lợi Phật.”
Vua nói: “Phật nhập Niết-bàn tôi không hay biết chi cả. Đến khi tôi nằm mộng thấy sự chẳng lành liền đem ra hỏi các quan, mới biết rằng Như Lai đã nhập Đại Niết-bàn. Nay tôi muốn vào thành lễ bái xá-lợi kim cang của Như Lai, xin các vị hãy mở đường cho chúng tôi vào.”
Các thầy chú thuật liền để cho vua vào. Vua vào trong thành, đến tại ngã tư đường, nhìn thấy những bình quý đựng xá-lợi [Như Lai] đặt trên các tòa sư tử, lại thấy đại chúng đang bi thương đau xót cúng dường. Vua liền cùng các quan tùy tùng đồng thời lễ bái, đau đớn khóc lóc, nước mắt ràn rụa, cùng đi nhiễu quanh [xá-lợi Phật] bảy vòng về phía bên phải, bi thương thảm thiết [dâng phẩm vật] cúng dường.
Sau đó, vua thưa với đại chúng xin thỉnh một phần xá-lợi Như Lai để đem về nước mình [xây tháp] cúng dường.
Đại chúng đáp rằng: “Sao ngài đến muộn thế? Phật trước đây có dạy cách phân chia xá-lợi, tất cả đều đã có người thỉnh rồi, không có phần của ngài. Vậy ngài nên trở về đi thôi!”
Thỉnh cầu không được toại nguyện, vua A-xà-thế sầu khổ không vui, liền lễ bái xá-lợi [lần nữa] rồi buồn bực ra về.
Lúc ấy, Phật nhập Niết-bàn đã ba tuần, vị vua nổi tiếng của nước ngoại đạo Tỳ-ly[13] mới hay biết, liền dẫn theo các quan vội vã đi nhanh đến thành Câu-thi-na. Đến nơi, vua nhìn thấy vô số binh lính của bốn đạo binh phòng vệ thành Câu-thi-na, vây quanh rất nhiều vòng.
Bấy giờ, Phật nhập Niết-bàn đã ba tuần, vua xứ A-lặc-già-la mới hay biết, liền dẫn theo các quan vội vã đến thành Câu-thi-na. Đến nơi, vua nhìn thấy vô số binh lính của bốn đạo binh phòng vệ thành Câu-thi-na, vây quanh rất nhiều vòng.
Lúc ấy, Phật nhập Niết-bàn đã ba tuần, vua Bất Úy nước Tỳ-nậu mới hay biết.
Lại có vua nước Già-la-ca-la, Phật nhập Niết-bàn đã ba tuần mới hay biết.
Lại có vua nước Sư-già-na, Phật nhập Niết-bàn đã ba tuần mới hay biết.
Bấy giờ, Phật nhập Niết-bàn đã ba tuần, vị vua nổi tiếng của nước ngoại đạo Ba-kiên-la mới hay biết, liền dẫn theo các quan, vội vã đến thành Câu-thi-na. Đến nơi, vua nhìn thấy vô số binh lính của bốn đạo binh phòng vệ thành Câu-thi-na, vây quanh rất nhiều vòng. Vua lại thấy ở cửa thành có những thầy chú thuật rất giỏi, để phòng ngừa tai biến đến từ bên ngoài. Vua liền hỏi các thầy chú thuật rằng: “Phật đã nhập Niết-bàn rồi sao?”
Các thầy chú thuật đáp: “Phật nhập Niết-bàn đến nay đã bốn tuần rồi, hiện giờ đại chúng sắp phân chia xá-lợi.”
Vua liền bảo các thầy chú thuật: “Phật đã nhập Niết-bàn nhưng tôi không hay biết gì cả nên mới đến muộn. Nay tôi muốn vào thành lễ bái, cúng dường xá-lợi Như Lai, xin các ông mở đường cho.”
Các thầy chú thuật nghe vậy rồi liền để cho vua vào. Đi tới ngã tư đường, vua nhìn thấy những tòa sư tử trang nghiêm bằng bảy món báu, trên có đặt xá-lợi Phật đựng trong những bình quý làm bằng bảy báu. Vua lại thấy đại chúng đang bi thương đau xót cúng dường. Vua cùng với các quan tùy tùng liền đồng thời lễ bái, bi thương đau đớn rơi lệ, đi quanh [xá-lợi Phật] bảy vòng theo chiều bên phải, ai nấy đều dâng lễ vật, bi thương thảm thiết cúng dường.
Vua lại bảo đại chúng rằng: “Phật nhập Niết-bàn nhưng tôi không hay biết. Đau đớn thay! Tôi chẳng được nhìn thấy Phật [lần cuối]. Xin đại chúng chia cho tôi một phần xá-lợi để mang về nước cúng dường.”
Đại chúng đáp rằng: “Sao ngài đến muộn thế? Phật trước đây có dạy cách phân chia xá-lợi, tất cả đều đã có người thỉnh rồi, không có phần của ngài. Vậy ngài nên trở về đi thôi.”
Thỉnh cầu không được, vua và các quan đều lấy làm buồn rầu, lễ bái xá-lợi [lần nữa] rồi bi thương luyến tiếc quay về.
Bấy giờ, vua và quần thần của bảy nước như Ca-tỳ-la, [Ma-kiệt-đà, A-lặc-già-la]... vì thỉnh cầu không được toại nguyện nên sanh lòng bi thương, giận dỗi, bực tức quay về mà lòng chưa yên. [Vì thế,] khi về nước rồi mỗi vị đều sai sứ thần đến thành Câu-thi-na để thỉnh cầu xá-lợi một lần nữa. Người trong thành Câu-thi-na trả lời rằng: “Đức Từ phụ Thế Tôn đã nhập Niết-bàn tại đất nước chúng tôi, toàn thân xá-lợi của ngài phải được lưu giữ muôn đời tại đây để cúng dường. Chúng tôi sẽ không bao giờ phân chia cho người ngoài nước.”
[Vua] các nước liền nói rằng: “Nếu chịu phân chia thì tốt, bằng như không chịu phân chia, chúng tôi sẽ dùng sức mạnh mà đoạt lấy.”
Người trong thành đáp lại: “Nếu [các ngài] chỉ dùng sự đánh nhau [để giành lấy] thì sẽ không bao giờ có được [xá-lợi Phật].
Vua A-xà-thế lại sai đại thần là Vũ Hành[14] đem binh đến thỉnh một phần [xá-lợi], bảo người trong thành Câu-thi-na rằng: “Nếu chịu phân chia [xá-lợi] thì tốt, bằng không chịu phân chia, chúng tôi sẽ tăng thêm binh lực, quyết dùng sức mạnh mà đoạt lấy cho bằng được.”
Người trong thành đáp: “Xin cứ tùy ý mà làm.”
Liền đó, trong thành Câu-thi-na có bao nhiêu những tráng sĩ, [cho đến] nhân dân nam nữ, thảy đều phòng vệ bằng cung tên, tất cả cùng kéo ra [ngoài thành], bốn binh tề chỉnh, chuẩn bị giao chiến với quân các nước khác.
Khi ấy, nước Tỳ-ly, những người họ Lê-xa, chiêu tập đủ bốn đạo binh, kéo đến [ngoài] thành Câu-thi-na, đóng giữ một phía.
Nước A-lặc-già-la, những người dòng Sát-đế-lợi, cũng tập trung đủ bốn đạo binh, kéo đến [ngoài thành Câu-thi-na], đóng giữ một phía.
Nước Tỳ-nậu, những người dòng bà-la-môn, cũng tập trung đủ bốn đạo binh, kéo đến [ngoài thành Câu-thi-na], đóng giữ một phía.
Nước Già-la-ca-la, những người dòng họ Thích-ca, cũng tập trung đủ bốn đạo binh, kéo đến [ngoài thành Câu-thi-na], đóng giữ một phía.
Nước Sư-già-na, những người Câu-lâu-la, cũng tập trung đủ bốn đạo binh, kéo đến [ngoài thành Câu-thi-na], đóng giữ một phía.
Nước Ba-kiên-la, những người lực sĩ, cũng tập trung đủ bốn đạo binh, kéo đến [ngoài thành Câu-thi-na], đóng giữ một phía.[15]
Lúc ấy, thành Câu-thi-na bị quân bảy nước vây quanh, tất cả đều sắp sửa [tiến vào thành để] đoạt lấy xá-lợi Phật.
Bấy giờ, trong đại chúng có vị bà-la-môn là Tánh Yên[16] ở giữa quân binh các nước mà cất tiếng nói lớn rằng: “Các vị đứng đầu những lực sĩ trong thành Câu-thi-na, xin hãy nghe đây! Trong vô số kiếp, đức Phật đã tích chứa điều lành, tu hạnh nhẫn nhục. Các vị cũng thường được nghe [Thế Tôn] ngợi khen pháp nhẫn nhục. Nay có lẽ nào ngay sau khi Phật vừa diệt độ, các vị chỉ vì xá-lợi Phật mà khởi binh tranh đoạt? Các vị nên biết, đó không phải là kính thờ xá-lợi! Nay [tôi đề nghị] chỉ nên chia đều xá-lợi thành tám phần, [không nên tranh giành nhau].”
Các lực sĩ [trong thành Câu-thi-na] đều nói: “Chúng tôi xin cung kính vâng theo lời ngài.”
Lúc ấy, Bà-la-môn Tánh Yên liền phân chia xá-lợi làm tám phần [bằng nhau] rồi nói rằng: “Thưa tất cả các vị! Những bình rỗng này đã từng chứa xá-lợi, xin cho tôi được nhận. Tôi sẽ mang về xứ Đầu-na-la xây Tháp Bình và dâng hoa, hương, phướn, lọng, âm nhạc để cúng dường.”
Mọi người đáp rằng: “Chúng tôi chấp thuận thỉnh cầu của ngài.”
Bấy giờ, có vị cư sĩ bà-la-môn tên là Tất-ba-diên-na lớn tiếng thưa rằng: “Các vị đứng đầu những lực sĩ thành Câu-thi-na, xin hãy nghe đây! [Tất cả] tro tàn ở nơi trà-tỳ Phật, xin cho tôi được nhận. Tôi sẽ đem về nước xây Tháp Tro, cúng dường bằng hoa, hương, âm nhạc.”
Mọi người đáp rằng: “Chúng tôi chấp thuận thỉnh cầu của ngài.”
Lúc ấy, người trong thành Câu-thi-na được nhận phần xá-lợi Phật thứ nhất, liền xây tháp trong nước, dùng hoa, hương, âm nhạc các thứ để cúng dường.
Người nước Ba-kiên-la được nhận phần xá-lợi Phật thứ nhì, mang về nước xây tháp, dùng mọi thứ [phẩm vật] để cúng dường.
Những người Câu-lâu-la của nước Sư-già-na được nhận phần xá-lợi Phật thứ ba, liền trở về xây tháp, dâng mọi thứ [phẩm vật] để cúng dường.
Những người Sát-đế-lợi của nước A-lặc-già-la được nhận phần xá-lợi Phật thứ tư, liền trở về nước xây tháp cúng dường.
Những người Bà-la-môn nước Tỳ-nậu được nhận phần xá-lợi Phật thứ năm, liền trở về nước xây tháp, dùng mọi thứ [phẩm vật] để cúng dường.
Những người Lê-xa nước Tỳ-ly được nhận phần xá-lợi Phật thứ sáu, trở về nước xây tháp, cúng dường bằng mọi thứ [phẩm vật].
Những người họ Thích-ca[17] nước Già-la-ca-la được nhận phần xá-lợi Phật thứ bảy, trở về nước xây tháp, dâng hoa, hương cúng dường.
Vua A-xà-thế của nước Ma-kiệt-đà được nhận phần xá-lợi Phật thứ tám, trở về thành Vương Xá xây tháp, dâng hoa, hương, âm nhạc mọi thứ cúng dường.
Bà-la-môn Tánh Yên được nhận những bình đã dùng đựng xá-lợi Phật, trở về xứ Đầu-na-la xây tháp, dâng hoa, hương cúng dường.
Vị cư sĩ bà-la-môn Tất-ba-diên-na được nhận [tất cả] tro tàn [còn lại ở nơi trà-tỳ Như Lai], liền mang tro ấy về nước mình xây tháp cúng dường.
[Như vậy, vào] lúc ấy trong khắp cõi Diêm-phù-đề có tám tháp thờ xá-lợi Phật, tháp thứ chín thờ bình [đựng xá-lợi], tháp thứ mười thờ tro tàn [ở nơi trà-tỳ Như Lai].[18] Việc phân chia xá-lợi như vậy là hoàn tất.
Lúc ấy, các vị Bồ Tát và chúng Thanh văn, chư thiên, loài người, loài rồng, loài quỷ, các vị quốc vương, trưởng giả, đại thần, nhân dân [cho đến] tất cả đại chúng đều bi thương đau đớn, đấm ngực than khóc lớn tiếng rồi ngã lăn ra đất. Sau đó, tất cả đều lễ bái [xá-lợi Phật] rồi ra về. KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
HẾT QUYỂN BỐN MƯƠI HAI CHÚ GIẢI
1. Đại Ca-diếp (Mahā-kāśyapa): là một trong Thập đại đệ tử của Phật. Vị này khác với Bồ Tát Ca-diếp đã thưa hỏi Phật trong phẩm Bồ Tát Ca-diếp cũng như ở các nơi khác trong kinh này.
2. Tăng phường: nơi trú ngụ, chỗ ở của chư tăng, ni.
3. Đức Phật từ bi không để chư thiên nghe được những lời này, vì biết rằng các vị vì bảo hộ Chánh pháp sẽ trừng trị các tỳ-kheo này; lại không để các đệ tử của ngài Ca-diếp nghe được vì e rằng tín tâm và trí tuệ của họ chưa đủ vững vàng sẽ có thể sẽ bị ảnh hưởng xấu.
4. Núi Quật: tức núi Kỳ-xà-quật, tên Phạn ngữ là Gṛdhrakūṭa.
5. Tướng bánh xe đủ ngàn nan hoa: một trong các tướng tốt của Phật, là giữa lòng bàn chân có các đường vân xoáy hình bánh xe có đủ ngàn cây nan hoa, nên gọi là tướng Thiên phúc luân.
6. Long vương Sa-già-la, phiên âm từ Phạn ngữ Sāgara.
7. Dạ-xoa và la-sát, phiên âm từ Phạn ngữ là yakṣa và rakṣasa. Nguyên bản Hán văn dùng tiệp tật, la-sát (捷疾羅剎); tiệp tật là cách dịch cũ (Cựu dịch) theo nghĩa của dạ-xoa, còn la-sát dịch nghĩa là bạo ác quỷ (暴惡鬼).
8. Bốn đạo binh: gồm binh dùng voi, binh dùng ngựa, binh dùng xe và binh đi bộ. Quân đội thời ấy thường có đủ bốn đạo binh này.
9. Đoạn này không thấy nói rõ, nhưng có thể hiểu là những người dòng họ Thích-ca đã phải đi mất một tuần mới đến được thành Câu-thi-na. Vì sau ba tuần thì họ biết tin và khi đến nơi thì đã bốn tuần.
10. Nước Ma-kiệt-đà (摩竭陀), phiên âm từ Phạn ngữ Magadha, là tên nước do vua Tần-bà-sa-la cai trị, sau bị con trai là A-xà-thế giết chết để cướp ngôi. Nguyên bản Hán văn dùng Ma-già-đà, cũng là một cách phiên âm khác nhưng không quen thuộc lắm với nhiều người. Tên nước này còn được phiên âm là Ma-ha-đà (摩訶陀), Ma-kiệt-đề (摩竭提)...
11. Xem lại chi tiết chuyện này ở quyển 19.
12. Nguyên bản Hán văn viết: “dĩ cam lộ pháp dược tẩy đãng thân sang” chắc là nhầm, vì không đúng với chi tiết đã kể rõ trong quyển 19. Chúng tôi ngờ chữ thân (身) ở đây phải là chữ tâm (心) mới hợp nghĩa.
13. Nước Tỳ-ly, phiên âm từ Phạn ngữ Vṛji, cũng thường đọc là Tỳ-ly-tử, là một trong mười sáu nước lớn vào thời đức Phật, còn có rất nhiều cách phiên âm khác như Bạt-kỳ, Bạt-xà, Tỳ-lê-kỳ, Việt-kỳ, Phất-lật-thị... Thời Phật tại thế, vua A-xà-thế có lần muốn mang quân đánh nước này, sai đại thần là Vũ Xá (Varṣakāra) đến thỉnh ý Phật. Phật đưa ra bảy điều để khuyên vua không nên đánh. Vua A-xà-thế nghe lời bãi binh. Theo Đại Đường Tây vực ký, quyển 7, thì nước này có chu vi hơn bốn ngàn dặm, nằm ở vị trí cao, đất đai cây cối xanh tốt, khí hậu rất lạnh, người dân đa phần tin theo ngoại đạo, ít người tin Phật pháp, chư tăng ở đây theo học cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Trong kinh này gọi đây là nước ngoại đạo, chứng tỏ vào thời đức Phật thì dân nước này cũng đã tin theo ngoại đạo nhiều hơn theo Phật.
14. Vũ Hành, dịch từ Phạn ngữ là Varṣakāra, phiên âm là Bà-lợi-ca hoặc Bà-lợi-sa-ca-la, cũng dịch nghĩa là Vũ Xá, Vũ Thế, Hành Vũ... chính là người trước đây cùng Đề-bà-đạt-đa xúi giục vua làm chuyện ác hại cha. Sau khi vua A-xà-thế lên ngôi, Vũ Hành trở thành đại thần nắm giữ binh quyền, được vua tin cậy.
15. Đoạn này nguyên bản Hán văn e có nhiều sự nhầm lẫn, chẳng hạn như những người họ Thích-ca (Śākya) là thuộc nước Ca-duy-la-vệ (Kapilavastu) mà trên đây đã gọi là Ca-tỳ-la, chứ không thuộc nước Già-la-ca-la. Chúng tôi tham khảo thêm kinh Du hành trong Trường A-hàm, quyển 4 (Đại chánh tạng quyển 1, kinh số 01), xin dẫn ra các nước đến cầu xá-lợi Phật để độc giả tiện tham khảo: 1. Nước Già-la-ba (Amalakapa), dân tộc Bạt-la (Bulaya); 2. Nước La-ma-ca (Rāmagrāma), dân tộc Câu-lợi (Kaulya); 3. Nước Tỳ-lưu-đề (Veṭhadipa), người dòng Bà-la-môn; 4. Nước Ca-duy-la-vệ (Kapilavastu), dòng họ Thích-ca (Śākya); 5. Nước Tỳ-xá-ly (Vaiśāli), dòng họ Ly-xa (Licchavī); 6. Nước Ma-kiệt-đà (Magadha) của vua A-xà-thế (Ajātaśatru). 7. Nước Tỳ-ly (Vṛji) hay Tỳ-ly-tử; tất cả cùng tranh chấp với người trong thành Câu-thi-na (Kuśinagara). Có một chi tiết cũng được nêu ra trong Trường A-hàm là những người của nước Già-la-ca-la (hay Già-la-phả-la) viện cớ rằng đức Thế Tôn xưa thuộc dòng Sát-đế-lợi (kinh này gọi là Võ sĩ tộc), cũng giống như họ, nên họ có quyền được thỉnh một phần xá-lợi Phật. Phải chăng do chi tiết này mà có sự nhầm lẫn là họ Thích-ca thuộc nước Già-la-ca-la?
16. Tánh Yên: tên vị này dịch từ Phạn ngữ là Dhūma, các bản trước đây đều dịch là “Bà-la-môn họ Yên”. Tham khảo Trường A-hàm quyển 4 (Đại chánh tạng quyển 1, kinh số 01), kinh Du hành, trong đoạn kể lại sự việc giống như ở đây thì vị này là Bà-la-môn Hương Tánh, đã vâng sắc chỉ của vua A-xà-thế đến thành Câu-thi-na đòi chia xá-lợi Phật, nhưng người trong thành không chịu nghe theo. Sau đó cũng chính vị này đứng ra giảng hòa sự xung đột này. Tánh Yên và Hương Tánh đều là dịch từ Phạn ngữ Dhūma, vì từ này có nghĩa là hương, khói... nên đây chỉ là một người mà thôi. Như vậy, rõ ràng hai chữ “Tánh Yên” được dùng để chuyển dịch tên của vị này chứ không phải chỉ họ Yên. Kinh Đại Bát Niết-bàn thuộc Trường A-hàm do ngài Pháp Hiển dịch (Đại chánh tạng quyển 1, kinh số 07) cũng có nhắc đến vị bà-la-môn này với tên phiên âm là Đồ-lô-na (徒盧那) và kể lại sự việc giảng hòa tương tự, nhưng lại nói rằng vị này là người trong thành Câu-thi-na.
17. Theo kinh Du hành thuộc Trường A-hàm thì đây phải là dân tộc Bạt-la (Bulaya) chứ không phải họ Thích-ca.
18. Trong Trường A-hàm còn kể thêm tháp thứ mười một thờ tóc của Phật lúc còn tại thế.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.165.228 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.