Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
02
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có người đến khen ngợi nhiều việc tốt đẹp trong loài người, khen ngợi các việc thắng diệu của chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Tha hóa tự tại; khen ngợi các việc thắng diệu của trời Phạm chúng cho đến trời Sắc cứu cánh; khen ngợi các việc thắng diệu trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhân đó mà nói rằng: “Tuy hưởng các dục lạc ở cõi Dục, thọ các khoái lạc tịnh lự, vô lượng ở cõi Sắc, thọ các diệu lạc tịch tịnh, đẳng chí (định) ở cõi Vô sắc, nhưng tất cả những thứ đó đều là pháp hữu vi, vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, biến hoại, pháp tận cùng, pháp rơi rụng, pháp xa lìa, pháp tiêu diệt. Sao các vị không nương thân này tinh tấn để chứng quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Ðộc giác Bồ-đề nhập Niết-bàn rốt ráo an vui? Cần gì ở lâu trong sanh tử luân hồi, vô cớ vì người khác chịu các thông khổ để mong cầu đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” Nếu các thiện nam tử, thiện nữ… này nghe theo lời ấy thì cho dù ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng không được rốt ráo. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thân không ràng buộc, chỉ chuyên chăm lo sự nghiệp riêng mình, không lo sự nghiệp người khác; còn người học pháp thì ưa lãnh đồ chúng, thích làm doanh nghiệp cho người, không lo sự nghiệp mình. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thân không ràng buộc, chỉ chuyên chăm lo sự nghiệp riêng mình, không lo sự nghiệp người khác; còn người trì pháp thì ưa lãnh đồ chúng, thích làm doanh nghiệp cho người, không lo sự nghiệp mình. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp không thích ồn ào; còn người học pháp thì thích nơi ồn ào. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp không thích ồn ào; còn người trì pháp thì thích nơi ồn ào. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp muốn người học pháp hỗ trợ việc làm của mình; còn người học pháp thì không muốn theo ý thích của người kia. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp muốn người trì pháp hỗ trợ việc làm của mình; còn người trì pháp thì không muốn theo ý thích của người kia. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp vì danh lợi nên muốn vì người thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, lại muốn họ ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập; còn người học pháp thì biết việc làm của người kia nên không muốn theo thọ trì. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp vì danh lợi nên muốn thỉnh người kia thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, lại muốn có phương tiện để ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Còn người trì pháp thì biết việc làm của người kia nên không chấp nhận lời thỉnh cầu. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp muốn đến nơi khác, chỗ đó có sự nguy hiểm đến thân mạng; còn người học pháp thì sợ mất thân mạng nên không muốn đi theo. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp muốn đến nơi khác, chỗ đó có sự nguy hiểm đến thân mạng; còn người trì pháp thì sợ mất thân mạng nên không muốn đi theo. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp muốn đến nơi khác, ở nước ấy có nhiều giặc cướp, bệnh dịch đói khát; còn người học pháp thì sợ khó khăn đó nên không chịu đi theo. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp muốn đến nơi khác, ở nước ấy có nhiều giặc cướp, bệnh dịch, đói khát; còn người trì pháp thì sợ khó khăn đó nên không chịu cùng đi. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp muốn đến nơi khác yên ổn, giàu vui, không tai nạn; còn người học pháp muốn đi theo, người trì pháp dùng phương tiện thử: “Tuy ông vì lợi muốn đi theo tôi nhưng ông đến đó đâu chắc vừa lòng, nên suy nghĩ kỹ, sau chớ hối hận.” Người học pháp nghe rồi nghĩ: Người kia không muốn cho ta cùng đi, nếu cố đi theo đâu chắc được nghe pháp. Do đó không đi theo. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người trì pháp muốn đến nơi khác phải trải qua đường sá, đồng trống hiểm trở, có nhiều giặc cướp và chiên-đà-la (người ác), ác thú, thợ săn, rắn độc v.v... khủng bố. Người học pháp muốn đi theo người trì pháp dùng phương tiện thử: “Nay ông không việc gì mà phải theo tôi đi qua các chỗ hiểm nạn như thế, hãy suy nghĩ kỹ, sau chớ hối hận.” Người học pháp nghe rồi nghĩ: Người kia không muốn cho ta đi theo, nếu cố đi theo đâu chắc được nghe pháp. Do đó không đi theo. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp có nhiều thí chủ thường đi theo; người học pháp đến thỉnh người trì pháp thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hoặc thỉnh ghi chép, thọ trì, đọc tụng để tu học đúng pháp, người trì pháp viện nhiều lý do không rảnh dạy trao; người học pháp sanh tâm hờn ghét, sau dù có dạy trao cũng không nghe thọ. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát, tìm cách phá hoại làm cho Bồ-tát không được ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bằng cách nào ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát, tìm cách phá hoại làm cho không được ghi chép, thọ trì, đọc tụng tu tập, tư duy, vì người diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Có các ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát, tìm cách phá hoại làm cho Bồ-tát nhàm chán Bát-nhã ba-la-mật-đa, không ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói. Ác ma còn nói: “Kinh điển vô tướng mà ông đã đọc tụng, tu tập chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa chơn thật; còn kinh điển hữu tướng mà ta đã đọc tụng, tu tập mới đúng là Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Khi ác ma nói lời này, các Bồ-tát chưa được thọ ký liền sanh nghi ngờ đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do nghi ngờ nên người ấy sanh nhàm chán Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do nhàm chán nên không ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát nói: “Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì chỉ chứng thật tế, đắc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Ðộc giác Bồ-đề, quyết chắc không thể chứng Phật quả Vô thượng, cần gì phải chịu nhọc nhằn đối với việc tu tập kia, chỉ uổng công mà thôi.” Bồ-tát nghe rồi bèn chẳng ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có nhiều ác ma làm trở ngại, ngăn cản sự mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Bồ-tát. Các Đại Bồ-tát nên quán sát kỹ mà xa lìa việc đó.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là ma sự gây trở ngại để cho các Bồ-tát biết rõ mà xa lìa?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có nhiều ma sự giống như Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa gây trở ngại. Trong đó Bồ-tát nên quán sát kỹ mà xa lìa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có nhiều ma sự giống như pháp nội Không (Không của các pháp nội tại), ngoại Không (Không của các pháp ngoại tại), nội ngoại Không (Không của các pháp nội ngoại tại), Không Không (Không của Không), đại Không (Không lớn), thắng nghĩa Không (Không của chân lý cứu cánh), hữu vi Không (Không của các pháp hữu vi), vô vi Không (Không của các pháp vô vi), tất cánh Không (Không tối hậu ‘rốt ráo’), vô tế Không (Không không biên tế), tán vô tán Không (Không của sự không phân tán), bản tính Không (Không của bản tính ‘tự nhiên tính’), tự cộng tướng Không (Không của tự cộng tướng), nhất thiết pháp Không (Không của vạn hữu), bất khả đắc Không (Không của cái bất khả đắc), vô tính Không (Không của vô thể ‘cái không tồn tại’), tự tính Không (Không của tự tính), vô tính tự tính Không (Không của vô thể của tự tính ‘tự tính của cái không tồn tại’) gây trở ngại. Trong đó Bồ-tát nên quán sát kỹ mà xa lìa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có nhiều ma sự giống như chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế, cảnh giới bất tư nghì và vô lượng, vô biên các Phật pháp khác gây trở ngại. Trong đó Bồ-tát nên quán sát kỹ mà xa lìa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có người đem kinh điển tương ưng Nhị thừa đến chỗ Bồ-tát nói: “Ðây là lời chơn thật mà Như Lai đã nói: Người nào học pháp này sẽ mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” Như vậy, cũng gọi là ma sự gây trở ngại. Bồ-tát nên quán sát kỹ mà xa lìa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát nói việc học, việc hành pháp nội Không, ngoại Không v.v... hoặc bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, hoặc ba môn giải thoát v.v... của Nhị thừa. Ác ma nói pháp ấy rồi lại bảo Bồ-tát: “Ðại sĩ nên biết, ông hãy nương pháp này mà tinh tấn tu học sẽ chứng quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Ðộc giác Bồ-đề, sẽ được xa lìa tất cả sanh, lão, bệnh, tử, cần gì chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” Do đó làm cho Bồ-tát không ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma giả dạng Bí-sô dung mạo đoan nghiêm, uy nghi, thư thả, đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát thấy liền sanh lòng ưa mến. Do đó nên giảm mất trí nhất thiết tướng, không được nghe, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma giả tướng Phật, thân màu vàng ròng, tỏa ánh sáng một tầm, đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm viên mãn, đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát thấy liền sanh lòng ưa mến. Do đó nên giảm mất trí nhất thiết tướng, không được lắng nghe, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma giả tướng Phật, tuyên thuyết pháp yếu cho các Bí-sô vây quanh. Bồ-tát thấy liền sanh lòng ưa mến, và nghĩ: Ta nguyện đời sau sẽ thành Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, tuyên thuyết pháp yếu cho các Bí-sô vây quanh, giống như sự việc được thấy hôm nay. Do đó nên giảm mất trí nhất thiết tướng, không được lắng nghe, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma giả dạng Đại Bồ-tát hoặc trăm, hoặc ngàn cho đến vô số, đầy đủ vô ngại biện tài, tướng hảo trang nghiêm. Từ thân ấy biến hóa thành Phật thuyết pháp, dạy chúng Đại Bồ-tát tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Hiện tướng như vậy rồi đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát thấy liền sanh lòng ưa mến. Do đó giảm mất trí nhất thiết tướng, không được lắng nghe ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Vì sao? Này Thiện Hiện! Trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, sắc vô sở hữu, bất khả đắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Nhãn xứ vô sở hữu, bất khả đắc; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Sắc xứ vô sở hữu, bất khả đắc; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Nhãn giới vô sở hữu, bất khả đắc; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Sắc giới vô sở hữu, bất khả đắc; thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Nhãn thức giới vô sở hữu, bất khả đắc; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Nhãn xúc vô sở hữu, bất khả đắc; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra vô sở hữu, bất khả đắc; Các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Ðịa giới vô sở hữu, bất khả đắc; thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Vô minh vô sở hữu, bất khả đắc; hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Cõi Dục vô sở hữu, bất khả đắc; cõi Sắc, Vô sắc cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Quá khứ vô sở hữu, bất khả đắc; vị lai, hiện tại cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Pháp hữu lậu vô sở hữu, bất khả đắc; pháp vô lậu cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Pháp hữu vi vô sở hữu, bất khả đắc; pháp vô vi cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Pháp thế gian vô sở hữu, bất khả đắc; pháp xuất thế gian cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Bố thí Ba-la-mật-đa vô sở hữu, bất khả đắc; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Pháp nội Không (Không của các pháp nội tại) vô sở hữu, bất khả đắc; pháp ngoại Không (Không của các pháp ngoại tại), nội ngoại Không (Không của các pháp nội ngoại tại), Không Không (Không của Không), đại Không (Không lớn), thắng nghĩa Không (Không của chân lý cứu cánh), hữu vi Không (Không của các pháp hữu vi), vô vi Không (Không của các pháp vô vi), tất cánh Không (Không tối hậu ‘rốt ráo’), vô tế Không (Không không biên tế), tán vô tán Không (Không của sự không phân tán), bản tính Không (Không của bản tính ‘tự nhiên tính’), tự cộng tướng Không (Không của tự cộng tướng), nhất thiết pháp Không (Không của vạn hữu), bất khả đắc Không (Không của cái bất khả đắc), vô tính Không (Không của vô thể ‘cái không tồn tại’), tự tính Không (Không của tự tính), vô tính tự tính Không (Không của vô thể của tự tính ‘tự tính của cái không tồn tại’) cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Chơn như vô sở hữu, bất khả đắc; pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Thánh đế khổ vô sở hữu, bất khả đắc; Thánh đế tập, diệt, đạo cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Bốn tịnh lự vô sở hữu, bất khả đắc; bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Tám giải thoát vô sở hữu, bất khả đắc; tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Bốn niệm trụ vô sở hữu, bất khả đắc; bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Pháp môn giải thoát không vô sở hữu, bất khả đắc; pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Tịnh quán địa vô sở hữu, bất khả đắc; Chủng tánh địa, Ðệ bát địa, Cụ kiến địa, Bạc địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Ðộc giác địa, Bồ-tát địa, Như Lai địa cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Cực hỷ địa vô sở hữu, bất khả đắc; Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Năm loại mắt vô sở hữu, bất khả đắc; sáu phép thần thông cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Mười lực của Phật vô sở hữu, bất khả đắc; bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Ba mươi hai tướng Đại trượng phu vô sở hữu, bất khả đắc; tám mươi vẻ đẹp cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Pháp không quên mất vô sở hữu, bất khả đắc; tánh luôn luôn xả cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Trí nhất thiết vô sở hữu, bất khả đắc; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Thành thục hữu tình vô sở hữu, bất khả đắc; nghiêm tịnh cõi Phật cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Đại nguyện Bồ-tát vô sở hữu, bất khả đắc; thần thông Bồ-tát cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Tất cả môn Đà-la-ni vô sở hữu, bất khả đắc; tất cả môn Tam-ma-địa cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Quả Dự lưu vô sở hữu, bất khả đắc; quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Tất cả hạnh Đại Bồ-tát vô sở hữu, bất khả đắc; chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng vô sở hữu, bất khả đắc.
Này Thiện Hiện! Nếu ở đây sắc vô sở hữu, bất khả đắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Như vậy, cho đến tất cả hạnh Đại Bồ-tát vô sở hữu, bất khả đắc. Chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng vô sở hữu, bất khả đắc, thì ở ngay đây tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và các chúng Đại Bồ-tát, Ðộc giác, Thanh văn, các loại Dị sanh cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tự tánh của tất cả pháp là không.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có nhiều trở ngại và tai hại phát sanh khiến cho người phước mỏng làm việc không thành tựu. Như châu Thiệm-bộ có nhiều châu báu là phệ lưu ly (loại đá quí sắc xanh), loa bối (ốc quí), ngọc bích, san hô, thạch tàng, mạc-ni, chân châu, Đế thanh (ngọc xanh Đế Thích), đại thanh (?), kim cương, hổ phách, vàng, bạc v.v... nhưng có nhiều nạn giặc cướp nhiễu hại, nên những người phước mỏng cầu không thể được. Châu báu vô giá Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng như vậy. Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, nếu người phước mỏng thì sẽ gặp nhiều chướng ngại, có các ác ma gây trở ngại.
Cụ thọ Thiện Hiện liền thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy! Thật như bậc Thánh dạy về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Như châu Thiệm-bộ có các thứ châu báu như lưu ly v.v... thì sẽ có nhiều trở ngại, những người phước mỏng dù có điều kiện thuận tiện nhưng cũng không thể có được. Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, nếu người nào phước mỏng thì sẽ gặp nhiều trở ngại dù có ưa muốn cũng không đạt được. Vì sao? Vì người ngu si bị ma sai sử. Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, sẽ bị trở ngại.
Bạch Thế Tôn! Người ngu si ấy tuệ giác lu mờ, không thể nghĩ bàn Phật pháp rộng lớn, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tự mình không thể ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói. Lại muốn ngăn người khác ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói, người ngu si sẽ bị ma sai xử. Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sẽ bị gặp trở ngại.
Này Thiện Hiện! Người ngu si kia tuệ giác lu mờ, không thể nghĩ bàn Phật pháp rộng lớn, vì chưa trồng thiện căn, chưa phát thệ nguyện lớn ở chỗ Phật, bị bạn ác khống chế, phước đức mỏng nên đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tự mình không thể ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói. Các thiện nam, thiện nữ… mới học Ðại thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sẽ bị gặp trở ngại.
Thiện Hiện! Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ… tuệ giác lu mờ, thiện căn mỏng, bị bạn ác khống chế, đối với công đức rộng lớn của chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác không thể tin hiểu được, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tự mình không thể ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói. Lại muốn ngăn các thiện nam, thiện nữ… khác ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết người này bị vô lượng tội.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sẽ gặp nhiều ma sự gây trở ngại, làm cho việc ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thành tựu và không thể viên mãn Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa. Không thể viên mãn pháp nội Không (Không của các pháp nội tại), ngoại Không (Không của các pháp ngoại tại), nội ngoại Không (Không của các pháp ngoại nội tại), Không Không (Không của Không), đại Không (Không lớn), thắng nghĩa Không (Không của chân lý cứu cánh), hữu vi Không (Không của các pháp hữu vi), vô vi Không (Không của các pháp vô vi), tất cánh Không (Không tối hậu ‘rốt ráo’), vô tế Không (Không không biên tế), tán vô tán Không (Không của sự không phân tán), bản tính Không (Không của bản tính ‘tự nhiên tính’), tự cộng tướng Không (Không của tự cộng tướng), nhất thiết pháp Không (Không của vạn hữu), bất khả đắc Không (Không của cái bất khả đắc), vô tính Không (Không của vô thể ‘cái không tồn tại’), tự tính Không (Không của tự tính), vô tính tự tính Không (Không của vô thể của tự tính ‘tự tính của cái không tồn tại’). Không thể viên mãn chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì. Không thể viên mãn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Không thể viên mãn bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Không thể viên mãn tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Không thể viên mãn bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Không thể viên mãn pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Không thể viên mãn thập địa Bồ-tát. Không thể viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông. Không thể viên mãn mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng. Không thể viên mãn ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp. Không thể viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Không thể viên mãn thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Không thể viên mãn tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Không thể viên mãn tất cả hạnh Đại Bồ-tát, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Không thể viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Không thể viên mãn các công đức này là do ác ma làm trở ngại.
Này Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, nếu không bị ác ma làm trở ngại thì có thể viên mãn Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Nên biết đều nhờ thần lực Như Lai gia hộ các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa này, giúp họ ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế đều không bị chướng ngại. Cũng khiến cho họ viên mãn Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Lại nữa, Thiện Hiện! Hiện tại tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác ở vô lượng, vô số, vô biên thế giới trong mười phương đang thanh tịnh thuyết pháp cũng dùng thần lực gia hộ các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa này, giúp họ ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế đều không bị chướng ngại. Cũng khiến cho họ viên mãn Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Lại nữa, Thiện Hiện! Hiện tại trong mười phương hằng hà sa số chư Phật ở các thế giới và tất cả chúng Đại Bồ-tát Bất thối chuyển cũng dùng thần lực gia hộ các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa này, giúp họ ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế đều không bị chướng ngại. Cũng khiến cho họ viên mãn Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, cho đến viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. XLVI. PHẨM PHẬT MẪU
01
Lại nữa, Thiện Hiện! Như có người mẹ nuôi các con, hoặc năm, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, hoặc trăm, hoặc ngàn. Khi người mẹ mắc bệnh, những người con đều gắng sức tìm phương thuốc chữa trị và nghĩ: Phải làm cách nào để mẹ chúng ta lành bệnh, được an vui sống lâu, thân không bị các khổ, tâm hết sầu lo. Bấy giờ những người con lo cho mẹ bằng cách tìm đồ che thân mẹ, không cho ruồi, muỗi, rắn, bò cạp, gió nóng, đói khát v.v... làm hại. Lại dùng các thứ vật dụng ưa thích hảo hạng cung kính dâng lên mẹ và nói: “Mẹ là người hiền từ, sanh thành dưỡng dục chúng con, chỉ dạy nhiều sự nghiệp thế gian, chúng con đâu không thể báo đáp ơn mẹ.”
Này Thiện Hiện! Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác cũng vậy, thường dùng Phật nhãn xem xét, hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sanh ra tất cả Phật pháp cho chúng ta, thường ban cho chúng ta trí nhất thiết tướng, thường chỉ ra thật tướng các pháp thế gian. Vô lượng, vô số, vô biên Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác trong mười phương thế giới đang thanh tịnh thuyết pháp, cũng thường dùng Phật nhãn xem xét, hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sanh ra Phật pháp cho tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác ở vô lượng, vô số, vô biên thế giới trong mười phương. Lại thường ban cho chư Như Lai trí nhất thiết tướng; thường chỉ ra thật tướng các pháp thế gian. Do đó, nên chư Phật của chúng ta thường dùng Phật nhãn xem xét, hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để đền ơn ấy, không thể dừng bỏ. Vì sao? Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác có tịnh lự Ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có năm loại mắt, sáu phép thần thông đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp, sắc thân mầu nhiệm đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có hạnh Đại Bồ-tát, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra. Có Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác, Đại Bồ-tát, chư Phật Thế Tôn đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra.
Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đã đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đang đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Vì vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đối với chư Như Lai có ân đức lớn. Nên chư Phật thường dùng Phật nhãn xem xét, hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, nếu thường ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thì tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác thường dùng Phật nhãn xem xét, hộ niệm khiến cho thân tâm họ luôn được an vui, việc tu thiện nghiệp được thông suốt.
Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ… trụ Bồ-tát thừa, nếu thường ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thì tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác trong mười phương thế giới đều cùng hộ niệm, giúp họ đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề quyết không thối chuyển.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như Ngài đã nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sanh tất cả Phật pháp cho chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, thường ban trí nhất thiết tướng cho Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, thường chỉ thật tướng các pháp thế gian.
Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường sanh ra tất cả Phật pháp cho chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, thường ban trí nhất thiết tướng cho Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, thường chỉ thật tướng các pháp thế gian? Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác sanh ra từ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Thế nào là chư Phật thuyết tướng thế gian?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sanh ra mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng cho Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.
Thiện Hiện! Như vậy, vô lượng, vô biên công đức của Như Lai đều được sanh trưởng từ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Bởi được các công đức của chư Phật như thế, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sanh ra và ban Phật pháp, trí nhất thiết tướng cho tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, do vậy Ta nói: “Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sanh ra tất cả Phật pháp cho Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, thường ban trí nhất thiết tướng cho Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, cũng nói Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác từ đó sanh ra.”
Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ thật tướng các pháp thế gian là thường chỉ thật tướng năm uẩn thế gian. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác cũng nói thật tướng năm uẩn thế gian.
Lúc ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ thật tướng năm uẩn thế gian cho Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đều không nói cho tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác về năm uẩn có thành, có hoại, có sanh, có diệt, có tiếp nối, có đoạn dứt, có nhiễm, có tịnh, có tăng, có giảm, có vào, có ra; đều không nói năm uẩn có quá khứ, có vị lai, có hiện tại, có thiện, có bất thiện, có vô ký, có thuộc ở cõi Dục, có thuộc cõi Sắc, có thuộc cõi Vô sắc. Vì sao? Thiện Hiện! Không phải pháp không, vô tướng, vô nguyện có thành, có hoại, có sanh, có diệt, có tiếp nối, có đoạn dứt, có nhiễm, có tịnh, có tăng, có giảm, có vào, có ra, có quá khứ, có vị lai, có hiện tại, có thiện, có bất thiện, có vô ký, có thuộc ở cõi Dục, có thuộc cõi Sắc, có thuộc cõi Vô sắc.
Thiện Hiện! Không phải pháp không sanh, không diệt, không tạo, không tác, không tánh, mà có thành, có hoại, có sanh, có diệt, có tiếp nối, có đoạn dứt, có nhiễm, có tịnh, có tăng, có giảm, có vào, có ra, có quá khứ, có vị lai, có hiện tại, có thiện có bất thiện, có vô ký, có thuộc ở cõi Dục, có thuộc cõi Sắc, có thuộc cõi Vô sắc.
Này Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói thật tướng năm uẩn cho tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Tướng năm uẩn đây tức là thế gian. Vì vậy nên thế gian cũng không thành không hoại, không sanh, không diệt, không nối tiếp, không đoạn dứt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, không vào, không ra, không quá khứ, không vị lai, không hiện tại, không thiện, không bất thiện, không vô ký, không thuộc cõi Dục, không thuộc cõi Sắc, không thuộc cõi Vô sắc và không các tướng.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, để chứng biết vô lượng, vô số, vô biên tâm hành khác nhau của hữu tình. Nhưng trong nghĩa thâm sâu của Bát-nhã ba-la-mật-đa này không có hữu tình, cũng không có hữu tình phát khởi có thể đắc. Không sắc, cũng không có sắc phát khởi có thể đắc; không thọ, tưởng, hành, thức, cũng không có thọ, tưởng, hành, thức phát khởi có thể đắc. Không nhãn xứ, cũng không có nhãn xứ phát khởi có thể đắc; không nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, cũng không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ phát khởi có thể đắc. Không sắc xứ, cũng không có sắc xứ phát khởi có thể đắc; không thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, cũng không có thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ phát khởi có thể đắc. Không nhãn giới, cũng không có nhãn giới phát khởi có thể đắc; không nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, cũng không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới phát khởi có thể đắc. Không sắc giới, cũng không có sắc giới phát khởi có thể đắc; không thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, cũng không có thanh, hương, vị, xúc, pháp giới phát khởi có thể đắc. Không nhãn thức giới, cũng không có nhãn thức giới phát khởi có thể đắc; không nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, cũng không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới phát khởi có thể đắc. Không nhãn xúc, cũng không có nhãn xúc phát khởi có thể đắc; không nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc, cũng không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc phát khởi có thể đắc. Không các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cũng không có các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra phát khởi có thể đắc; không các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra, cũng không có các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt thân, ý xúc làm duyên sanh ra phát khởi có thể đắc. Không địa giới, cũng không có địa giới phát khởi có thể đắc; không thủy, hỏa, phong, không, thức giới, cũng không có thủy, hỏa, phong, không, thức giới phát khởi có thể đắc. Không vô minh, cũng không có vô minh phát khởi có thể đắc; cho đến không lão, tử, cũng không có lão tử phát khởi có thể đắc. Không bố thí Ba-la-mật-đa, cũng không có bố thí Ba-la-mật-đa phát khởi có thể đắc; cho đến không Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng không có Bát-nhã ba-la-mật-đa phát khởi có thể đắc. Không pháp nội Không, cũng không có pháp nội Không phát khởi có thể đắc; cho đến không pháp vô tính tự tính Không, cũng không có pháp vô tính tự tính Không phát khởi có thể đắc. Không bốn niệm trụ, cũng không có bốn niệm trụ phát khởi có thể đắc; cho đến không tám chi thánh đạo, cũng không có tám chi thánh đạo phát khởi có thể đắc. Như vậy, cho đến không mười lực của Phật, cũng không có mười lực của Phật phát khởi có thể đắc; cho đến không mười tám pháp Phật bất cộng, cũng không có mười tám pháp Phật bất cộng phát khởi có thể đắc. Không trí nhất thiết, cũng không có trí nhất thiết phát khởi có thể đắc; không trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, cũng không có trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng phát khởi có thể đắc.
Này Thiện Hiện! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói thật tướng thế gian cho tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Quyển thứ 441
HẾT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.28.206 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.