Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 548 »»

Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 548

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.61 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.78 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Kinh này có 600 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 537 | 538 | 539 | 540 | 541 | 542 | 543 | 544 | 545 | 546 | 547 | 548 | 549 | 550 | 551 | 552 | 553 | 554 | 555 | 556 | 557 | 558 | 559 |
Việt dịch: Thích Trí Nghiêm

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

XIV. PHẨM THÍ DỤ
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Có phải đúng thật là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn mà xuất hiện ở đời không?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng thật là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn mà xuất hiện ở đời. Vì sao? Vì đúng thật là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể thành tựu trí nhất thiết trí, đúng thật thành tựu các bậc Ðộc giác, đúng thật thành tựu các bậc Thanh văn.
Thiện Hiện nên biết! Như Quán đảnh đại vương Sát-đế-lợi, oai đức tự tại, chinh phục tất cả, đem các việc nước giao cho quan lớn nên rảnh rỗi, nhàn hạ, an ổn, vui vẻ. Chư Phật cũng thế, là đại Pháp vương oai đức tự tại, chinh phục tất cả, đem các pháp Phật, hoặc pháp Ðộc giác, hoặc pháp Thanh văn đều giao phó Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để được thành tựu khắp tất cả.
Thế nên, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa xuất hiện ở đời vì việc lớn là đúng sự thật.
Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không vì tiếp nhận sự chấp trước sắc mà xuất hiện ở đời; không vì tiếp nhận sự chấp trước thọ, tưởng, hành, thức mà xuất hiện ở đời. Không vì tiếp nhận sự chấp trước quả Dự lưu mà xuất hiện ở đời; không vì tiếp nhận sự chấp trước quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán mà xuất hiện ở đời. Không vì tiếp nhận sự chấp trước Ðộc giác Bồ-đề mà xuất hiện ở đời. Không vì tiếp nhận sự chấp trước trí nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này cũng không vì tiếp nhận chấp trước trí nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào? Ông thấy có quả A-la-hán có thể tiếp nhận chấp trước không?
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Không. Con không thấy có quả A-la-hán có thể ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tiếp nhận sự chấp trước.
Phật dạy:
Này Thiện Hiện! Hay thay! Hay thay! Ta cũng không thấy có pháp Như Lai có thể ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tiếp nhận sự chấp trước.
Thế nên, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không vì tiếp nhận sự chấp trước trí nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng không vì tiếp nhận chấp trước trí nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời thì các chúng Bồ-tát mới học Đại thừa nghe nói như vậy liền sanh tâm hoảng sợ, không thể tin nhận. Nếu từng ở nơi vô lượng quá khứ Phật có đầy đủ nhân duyên, phát nguyện rộng lớn, luôn luôn tích tập căn lành tốt đẹp nhất, các chúng Bồ-tát nghe nói như vậy mới có thể tin thọ được.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Do nhân duyên này không nên vội thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho các Bồ-tát mới học Đại thừa.
Khi ấy, các Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc đều bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này thật là sâu xa, khó thấy, khó biết, vô cùng, khó tin hiểu. Những hữu tình nào đã từng ở nơi vô lượng quá khứ Phật, phát nguyện rộng lớn, trồng nhiều căn lành và phục vụ nhiều bạn lành thì mới tin hiểu được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nếu như các loài hữu tình nơi tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều thành tựu tùy tín hành, trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp, những loài hữu tình đó tu tự địa hạnh, chẳng bằng có người đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này vui thích, nghiền ngẫm, suy tư, so sánh, quán sát trong một ngày, thì công đức đạt được nhiều hơn công đức kia vô lượng.
Phật dạy các Thiên tử:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như các ông đã nói.
Thiên tử nên biết! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ v.v… được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì mau chóng đắc Niết-bàn, vượt hơn tùy tín hành đã nói trước đây, trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp tu tự địa hạnh, huống là vui thích nghiền ngẫm v.v...
Các Thiên tử nghe lời Phật dạy, hoan hỉ phấn chấn, đảnh lễ đức Thế Tôn, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi từ tạ trở về cung.
Họ ra khỏi hội chúng chẳng bao xa bỗng nhiên biến mất. Tùy thuộc cõi nào họ trở về cung cõi ấy, khuyến khích chư thiên tu hạnh thù thắng.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh tin hiểu, không bị chìm đắm, không bị mê muội, không nghi hoặc, không chấp thủ, hoan hỉ lắng nghe, cung kính cúng dường, vị ấy từ đâu sanh đến chỗ này?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Nếu các Đại Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh tin hiểu, không bị chìm đắm, không bị mê muội, không nghi hoặc, không chấp thủ, hoan hỉ lắng nghe, cung kính cúng dường, ưa gặp, ưa nghe, thọ trì, đọc tụng, thường không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và có những ý tưởng tốt đẹp tương ưng với người đó, yêu mến đi theo người thuyết pháp, như bò con theo mẹ, chưa tạm xa lìa. Cho đến dù chưa được tất cả nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thông suốt rốt ráo, có thể giảng nói cho người, thì vẫn không bao giờ xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và thầy thuyết pháp, dầu chỉ trong giây phút. Đại Bồ-tát này từ trong cõi người sanh đến đây, nhờ vào nhân tốt đẹp đời trước nên thành tựu sự kiện hôm nay.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Có phải các Đại Bồ-tát thành tựu công đức như vậy là nhờ vào thừa sự cúng dường chư Phật ở phương khác rồi từ đó sanh ra đến đây chăng?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Có Đại Bồ-tát thừa sự cúng dường chư Phật ở phương khác rồi từ đó sanh ra đến đây, thành tựu công đức tốt đẹp như vậy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này trước đây đã ở nơi vô lượng đức Phật phương khác nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sanh lòng tin hiểu, cung kính cúng dường, biên chép, thọ trì, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, tư duy, tu tập, giảng dạy cho người khác. Từ nơi đó họ sanh đến đây, nhờ căn lành đã có nên thành tựu được việc này.
Này Thiện Hiện! Có Đại Bồ-tát là chư thiên từ trời Ðổ-sử-đa, sanh trong loài người, họ cũng được thành tựu công đức như vậy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đời trước đã ở trời Ðổ-sử-đa, nơi Đại Bồ-tát Từ Thị, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sanh lòng tin hiểu, cung kính cúng dường, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa trong kinh ấy, tư duy, tu tập, rộng vì người nói. Vị ấy từ cõi đó sanh đến đây, nhờ căn lành đời trước nên thành tựu được việc này.
Này Thiện Hiện! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa tuy đời trước đã được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, đời này sanh trong loài người nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này tâm không mê mờ, nghi ngờ, thối lui. Hoặc có lúc sanh ra những sự hiểu biết khác khó có thể khai ngộ. Vì sao? Vì không hiểu nghĩa nên tâm mê mờ, nghi ngờ, thối lui.
Này Thiện Hiện! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa tuy đời trước đã được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng từng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày nhưng không theo lời dạy tinh tấn tu hành. Ngày nay sanh trong loài người, được nghe dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dầu chỉ trải qua thời gian ngắn, tâm người ấy vẫn vững chắc, không ai có thể phá hoại. Nếu rời chỗ nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và vị thầy thuyết pháp để thỉnh hỏi nghĩa sâu mầu, thì người ấy liền thối thất, sanh tâm do dự. Vì sao? Vì tuy đời trước thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, nhưng không tu hành tinh tấn theo lời dạy, nên đời này đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có khi muốn nghe, có khi chẳng muốn nghe, có khi tâm bền vững, có khi tâm lui sụt, tâm ấy dao động, tấn thối không thường, như bông gòn chuyển động theo gió. Nên biết các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa mới học Đại thừa, mặc dù có tín tâm nhưng không thanh tịnh kiên cố. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể tin ưa lâu dài. Theo nghiệp vị ấy sẽ rơi vào một trong hai địa, là Thanh văn hoặc Ðộc giác địa.
Thiện Hiện nên biết! Như chiếc thuyền bị thủng giữa biển cả mênh mông, những người trong thuyền nếu không nắm được cây, đồ vật, phao nổi, tấm ván, thây chết v.v… làm chỗ nương tựa, biết chắc họ sẽ bị chết chìm, không qua đến bờ kia được. Nếu những người trong thuyền đó nắm được cây, đồ vật, phao nổi, tấm ván, thây chết v.v… làm chỗ nương tựa, nên biết những hạng nguời này không bao giờ bị chết chìm, được an ổn nơi biển cả và đến bờ bên kia, không bị tổn hại, hưởng các sự an vui.
Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa cũng như vậy. Có người tuy đối với Đại thừa có thành tựu chút ít sự kính tin, yêu thích nhưng không tiếp nhận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa làm chỗ nương tựa. Nên biết hạng người đó lui mất giữa đường, không thể chứng đắc trí nhất thiết trí, nghĩa là rơi vào Thanh văn hay Ðộc giác. Người nào đối với Đại thừa mà có tin, có nhẫn, có thích, có muốn, có tinh tấn, có thắng giải, có không buông lung, có ý vui thù thắng, có xả, có kính, có vui, có mừng, có tâm thanh tịnh, có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ điều qui định hoàn hảo và có thể tiếp nhận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa làm chỗ nương tựa. Nên biết những người này không bao giờ giữa đường lui sụt vào Thanh văn hay Ðộc giác, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mang lại lợi ích an vui cho tất cả mọi loài trong tương lai.
Này Thiện Hiện! Như có người nam hay người nữ mang chiếc bình đất sống đến sông, suối, giếng, ao, khe để lấy nước. Nên biết chiếc bình này chẳng bao lâu sẽ bị tan rã. Vì sao? Vì chiếc bình này chưa nung chín, chẳng kham nỗi sự đựng nước, nên cuối cùng trở thành đất.
Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, tuy đối với Đại thừa có tin, có nhẫn, có thích, có muốn, có tinh tấn, có thắng giải, có không buông lung, có ý vui thù thắng, có xả, có kính, có vui, có mừng, có tâm thanh tịnh, có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ điều qui định hoàn hảo, nhưng không tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết những kẻ đó sẽ lui mất giữa đường, không thể chứng đắc trí nhất thiết trí, nghĩa là rơi vào Thanh văn hay Ðộc giác địa.
Này Thiện Hiện! Như có người nam hay người nữ mang chiếc bình đã nung chín đến sông, suối, giếng, ao, khe để lấy nước. Nên biết chiếc bình này không bị tan rã. Vì sao? Vì chiếc bình này được nung chín tốt, kham nỗi sự đựng nước rất bền chắc.
Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết những người này không bao giờ giữa đường lui sụt vào Thanh văn hay Ðộc giác địa, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mang lại lợi ích an vui cho tất cả mọi loài trong tương lai.
Này Thiện Hiện! Như có người buôn không có trí khôn khéo, thuyền ở trên bờ chưa được sửa chữa chắc chắn, vừa kéo xuống nước cấp tốc ra đi. Nên biết thuyền này giữa đường bị hư chìm, người, thuyền, của cải vật chất trôi đi khắp nơi. Người buôn này không có trí khôn khéo nên tán thân mất mạng và mất những của cải quí báu.
Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, tuy đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ qui định hoàn hảo, nhưng không tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết những kẻ đó sẽ lui mất giữa đường, không thể chứng đắc trí nhất thiết trí, nghĩa là rơi vào Thanh văn hay Ðộc giác địa.
Này Thiện Hiện! Như có người buôn trí tuệ khéo léo, trước khi ra khơi sửa thuyền thật chắc chắn, rồi mới kéo xuống nước, biết không có lỗ thủng, sau đó đem đồ đạc, của cải chất lên thuyền ra đi. Nên biết thuyền này chắc chắn không bị hư chìm, người và đồ đạc được đến nơi an ổn.
Cũng vậy, này Thiện Hiện! Thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ qui định hoàn hảo và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết những người này giữa đường không bao giờ lui sụt vào Thanh văn hay Ðộc giác địa, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi lạc cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai. Vì sao? Vì nếu các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ qui định hoàn hảo và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa suốt trong thời gian ấy không rơi vào Thanh văn hay Ðộc giác địa, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thường làm lợi ích cho tất cả hữu tình.
Này Thiện Hiện! Ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại thêm nhiều bệnh như: Bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm, hoặc ba bệnh xen lẫn. Ý ông thế nào? Người già bệnh này có thể từ giường, ghế, tự đứng dậy được không?
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Không.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Người này nếu đỡ cho đứng dậy cũng không có sức đi một dặm, hai dặm, ba dặm. Vì sao! Vì đã quá già và bệnh.
Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, giả sử đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ qui định hoàn hảo. Nếu không tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên biết hạng người này không chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, bị lui sụt vào Thanh văn hay Ðộc giác địa. Vì sao? Vì xa lìa pháp phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa nên phải như vậy.
Này Thiện Hiện! Ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại thêm nhiều bệnh như: Bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm, hoặc ba bệnh xen lẫn. Người già bệnh này muốn từ giường, ghế đứng dậy đến chỗ khác nhưng không thể đứng được. Có hai người mạnh, mỗi người nâng một bên nách, đỡ dần cho đứng lên và bảo người đó: “Đừng lo bị khó khăn, muốn đi đâu tùy ý, hai người chúng tôi không bao giờ bỏ ông, chắc chắn đưa đến an ổn không có tổn hại.”
Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa nếu đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến có đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bỏ qui định hoàn hảo và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết những người này không bao giờ giữa đường bị lui sụt, rơi vào Thanh văn hay Ðộc giác địa, nhất định chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình.
XV. PHẨM TRỜI KHEN
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, phải trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nào? Phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nào?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, muốn trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa trước hết phải thân cận, phụng sự, cúng dường bạn lành chơn tịnh. Người nào có thể giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, truyền trao cho các Bồ-tát, nên biết đó là bạn lành chơn tịnh. Nghĩa là giảng nói được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, răn dạy, truyền trao cho các Bồ-tát mới học Đại thừa và nói: “Thiện nam tử, đến đây! Ngươi nên siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khi ngươi siêng năng tu tập hãy lấy vô sở đắc làm phương tiện, cho các hữu tình một cách bình đẳng và cùng nhau hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Khi ngươi hồi hướng, chớ đem sắc mà chấp quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề; chớ đem thọ, tưởng, hành, thức mà chấp quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Thiện nam tử! Vì nếu không có sự chấp thủ tức là chứng đắc trí nhất thiết trí. Thiện nam tử! Ngươi đối với địa vị Thanh văn và Độc giác, chớ sanh đắm trước.”
Như vậy, Thiện Hiện! Bạn lành chơn tịnh răn dạy, truyền trao cho các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, làm cho họ vào dần Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát làm những việc khó khăn nên nương vào các tướng bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Họ không muốn tự tại mà chọn lấy sự diệt độ, quán sự khổ trầm trọng nơi cõi hữu tình để mong chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì muốn dùng phương tiện cứu giúp chúng sanh tận cùng trong tương lai nên không sợ luân chuyển nơi đường sanh tử.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Các Đại Bồ-tát có thể làm những việc khó làm, nghĩa là làm lợi lạc các thế gian nên hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề; vì thương xót các hữu tình trong thế gian nên hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và phát nguyện: “Ta vì cứu giúp các thế gian, vì các thế gian mà làm nhà cửa, vì các thế gian làm chỗ quay về nương tựa, chỉ cho thế gian con đường cứu cánh, vì các thế gian làm hòn đảo, vì các thế gian làm ánh sáng, vì các thế gian làm người dẫn đường, vì các thế gian làm chỗ đi đến, phát tâm siêng năng tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.”
Thế nào là Đại Bồ-tát phát nguyện: Ta vì cứu giúp các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát thấy các thế gian trôi lăn trong đường sanh tử, chịu vô lượng khổ, không thể ra khỏi. Để chấm dứt sự khổ này nên Bồ-tát phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đó là Đại Bồ-tát phát nguyện: Ta vì cứu giúp các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thế nào là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm nhà cửa nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn vì thế gian nói tất cả pháp đều không hòa hợp nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đó là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm nhà cửa nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả pháp đều không hòa hợp?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Các sắc không hòa hợp, tức sắc không thuộc vào nhau; nếu sắc không thuộc vào nhau, tức sắc không sanh diệt; nếu sắc không sanh diệt, tức sắc không hòa hợp. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Các Đại Bồ-tát muốn vì thế gian nói tất cả pháp đều có tướng không hòa hợp, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thế nào là Đại Bồ-tát làm chỗ quay về nương tựa cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát vì muốn cứu giúp chúng sanh chóng được giải thoát các khổ bức bách thế gian như: sanh, già, bệnh, chết, buồn, than, lo, âu v.v… nên vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn, phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đó là Đại Bồ-tát vì làm chỗ quay về nương tựa nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thế nào là Đại Bồ-tát vì chỉ cho thế gian con đường cứu cánh nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát vì muốn dạy cho thế gian pháp như thế này, nghĩa là: Bờ kia của sắc tức chẳng phải sắc; sắc của bờ kia cũng như vậy. Bờ kia của thọ, tưởng, hành, thức tức chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; như vậy thọ, tưởng, hành, thức của bờ kia cũng như vậy. Như bờ kia của sắc, thọ, tưởng, hành, thức của tất cả các pháp cũng như vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Nếu bờ kia như tất cả các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì tất cả pháp cũng như vậy, thì phải chăng Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp đã chứng Đẳng giác? Vì sao? Vì trong đó hoàn toàn không có sự phân biệt.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Ở trong bờ kia không có sự phân biệt nên các Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp đã chứng Đẳng giác.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát làm việc rất khó làm, mặc dù có thể quán tất cả pháp như vậy nhưng không chứng đắc, cũng không chìm đắm. Bồ-tát suy nghĩ: Đối với pháp này ta hiện chứng Đẳng giác rồi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì các thế gian giảng nói chỉ bày. Đó là Đại Bồ-tát vì chỉ cho thế gian con đường cứu cánh nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thế nào là Đại Bồ-tát làm hòn đảo cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Vì như trong biển, sông, hồ, lớn nhỏ có vùng đất cao ở được và nước bao quanh làm ngăn cách nên gọi là hòn đảo.
Thế nên, Thiện Hiện! Sắc cho đến thức đoạn hẳn bờ trước sau, do đoạn tận như vậy nên tất cả pháp đoạn. Tất cả pháp này đã đoạn được bờ trước sau là Niết-bàn vắng lặng vi diệu, cũng là tánh như thật không điên đảo.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào cầu chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, muốn vì hữu tình nói pháp như thế, làm cho chóng tiến vào Niết-bàn, Đại Bồ-tát đó vì làm hòn đảo cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thế nào là Đại Bồ-tát làm ánh sáng cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát vì phá vỡ vỏ trứng vô minh, đêm dài che phủ hữu tình trong bóng tối dày đặc, vì chữa bệnh mù mắt cho hữu tình không thấy, làm cho sáng mắt, vì giúp cho tất cả hữu tình ngu tối mà làm đèn sáng trí tuệ nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đó là Đại Bồ-tát làm ánh sáng cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thế nào là Đại Bồ-tát làm người dẫn đường cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn vì thế gian giảng nói, chỉ bày bản tánh các sắc vốn không sanh, không diệt; muốn vì thế gian giảng nói, chỉ bày bản tánh thọ, tưởng, hành, thức không sanh, không diệt; muốn vì thế gian giảng nói, chỉ bày bản tánh các pháp phàm phu không sanh, không diệt; muốn vì thế gian giảng nói, chỉ bày bản tánh pháp Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật không sanh, không diệt; muốn vì thế gian giảng nói, chỉ bày bản tánh tất cả các pháp không sanh, không diệt nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đó là Đại Bồ-tát làm người dẫn đường cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thế nào là Đại Bồ-tát làm chỗ đi đến cho các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát muốn vì các thế gian giảng nói chỉ bày sắc lấy hư không làm chỗ đi đến; thọ, tưởng, hành, thức cũng lấy hư không làm chỗ đi đến; tất cả pháp đều lấy hư không làm chỗ đi đến. Bồ-tát muốn vì thế gian giảng nói chỉ bày sắc không có chỗ đi đến, bằng với hư không. Thọ, tưởng, hành, thức không có chỗ đi đến, bằng với hư không. Tất cả pháp đều không có chỗ đi đến, bằng với hư không…
Như hư không bao la không đến, không đi, không làm, không trụ, không chỗ an lập, không sanh, không diệt, các pháp cũng vậy, đều như hư không. Vì không phân biệt nên không có chỗ phân biệt. Vì sao? Vì các sắc Không, cho nên không đến, không đi. Thọ, tưởng, hành, thức Không, cho nên đều không đến, không đi.
Vì sao? Vì tất cả pháp đều lấy không, vô tướng, vô nguyện làm chỗ đi đến, pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Tất cả pháp đều lấy không tạo, không tác làm chỗ đi đến; pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Tất cả pháp đều lấy không sanh, không khởi làm chỗ đi đến; pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Tất cả pháp đều lấy vô tánh làm chỗ đi đến; pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Tất cả pháp đều lấy như mộng làm chỗ đi đến; pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Tất cả pháp đều lấy vô ngã làm chỗ đi đến; pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Tất cả pháp đều lấy vô biên làm chỗ đi đến; pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Tất cả pháp đều lấy Niết-bàn vắng lặng, không thủ, không xả, không đến, không đi, tuyệt đối tịch diệt làm chỗ đi đến; pháp đó đối với chỗ hướng đến không thể vượt hơn.
Các Đại Bồ-tát muốn vì thế gian nói pháp như thế nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đây là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm chỗ đi đến nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ai có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sanh lòng tin hiểu?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tu lâu nơi hạnh Đại Bồ-tát, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, ở nơi chư Phật phát nguyện rộng lớn, đã trồng căn lành đều được thuần thục, được vô lượng bạn lành bảo vệ, thương tưởng. Chính những Đại Bồ-tát này có thể sanh lòng tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này có thể sanh lòng tin hiểu thì Đại Bồ-tát đó lấy gì làm tự tánh?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát đó lấy điều phục viễn ly làm tự tánh.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát đó sẽ đến đâu?
Phật đáp:
- Đại Bồ-tát đó sẽ đạt đến trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát đạt đến trí nhất thiết trí thì có thể biết chỗ đạt đến và có thể giảng nói, cũng giúp cho hữu tình làm chỗ quay về.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nếu Đại Bồ-tát đạt đến trí nhất thiết trí thì có thể biết chỗ đạt đến và có thể giảng nói, cũng giúp cho hữu tình làm chỗ quay về.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này có thể làm việc khó làm, nghĩa là đội mũ, mặc áo giáp kiên cố và nghĩ: Ta sẽ độ thoát vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, làm cho nhập Niết-bàn, nhưng các hữu tình đều không thể chứng đắc.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát đã đội mũ, mặc áo giáp kiên cố không thuộc sắc, không vì sắc; không thuộc thọ, tưởng, hành, thức, không vì thọ, tưởng, hành, thức. Không thuộc Thanh văn, Độc giác địa, không vì Thanh văn, Độc giác địa. Không thuộc Bồ-tát địa, không vì Bồ-tát địa. Không thuộc Phật địa, không vì Phật địa. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không chỗ thuộc, đều không chỗ vì. Các Đại Bồ-tát thực hành sâu xa Bát-nhã ba-la-mật-đa đều mặc áo giáp, đội mũ kiên cố như vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát mặc áo giáp, đội mũ kiên cố mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là đối với ba chỗ không bị vướng mắc, ba chỗ ấy là những gì? Một là Thanh văn địa; hai là Độc giác địa; ba là Như Lai địa.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Ông quán nghĩa nào mà nói như vậy?
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có sự trụ, đắc, không kẻ tu tập, không có pháp để tu, không có thời gian tu, không nơi chốn tu, cũng không do đây mà được tu tập. Vì sao? Vì chẳng phải trong Bát-nhã ba-la-mật-đa nghĩa lý sâu xa mà có ít phần pháp chân thật có thể được gọi là có khả năng tu tập…
Bạch Thế Tôn! Nếu tu hư không là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu tất cả pháp là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu không đắm trước là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu không sở hữu là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu không nhiếp thọ là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu trừ bỏ pháp là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Này Thiện Hiện! Nên nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tối thắng này hành, trụ, quán sát Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào tuy thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này nhưng đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy không có sự chấp trước. Nên biết, đó là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Này Thiện Hiện! Có các Đại Bồ-tát Bất thối chuyển không chấp lời người, và lấy lời dạy của người khác làm chân yếu, không chỉ tin người khác để có hành động, nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa này tâm người ấy không kinh khiếp, không sợ hãi, không khủng hoảng, không chìm đắm, không nghi hối, cũng không mê muội. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vui mừng muốn nghe, hết lòng tin thọ, biên chép, giữ gìn, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, giảng nói cho mọi người không bao giờ lười mỏi. Nên biết, Đại Bồ-tát Bất thối chuyển này đời trước đã nghe rất nhiều nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát Bất thối chuyển này nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, trong tâm không kinh khiếp, không sợ hãi, không khủng hoảng, giảng nói cho mọi người không bao giờ lười mỏi.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, trong tâm không kinh khiếp, không sợ hãi, không khủng hoảng, nói rộng cho đến giảng nói cho mọi người không bao giờ lười mỏi, thì Đại Bồ-tát ấy làm sao tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát đó tùy thuận liên tục, hướng đến thâm nhập trí nhất thiết trí. Nên làm như vậy để thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát đó làm thế nào để tùy thuận liên tục, hướng đến thâm nhập trí nhất thiết trí, thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát tùy thuận liên tục, hướng đến thâm nhập hư không mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì đó là Đại Bồ-tát tùy thuận liên tục, hướng đến thâm nhập trí nhất thiết trí, thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì trí nhất thiết trí vô lượng, vô biên. Nếu vô lượng, vô biên tức chẳng phải sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Không đắc, không hiện quán, không chứng, không đạo quả, không trí, không thức, không sanh, không diệt, không thành, không hoại, không bắt đầu, không chấm dứt, không tu, không tạo tác, không từ đâu đến, cũng chẳng về đâu, không phương, không cõi, cũng không chỗ trụ, mới có thể là vô lượng, vô biên.
Thiện Hiện nên biết! Vì hư không vô lượng, vô biên nên trí nhất thiết trí cũng vô lượng, vô biên. Trí nhất thiết trí vô lượng, vô biên nên không thể chứng đắc. Chẳng phải sắc có thể chứng; cũng chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức có thể chứng. Chẳng phải bố thí Ba-la-mật-đa có thể chứng; cũng chẳng phải tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chứng. Vì sao? Vì sắc tức trí nhất thiết trí; thọ, tưởng, hành, thức tức trí nhất thiết trí. Bố thí Ba-la-mật-đa tức trí nhất thiết trí; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa tức trí nhất thiết trí.
Khi ấy, trời Đế Thích dẫn đầu các chúng Thiên tử cõi Dục và Đại Phạm Thiên Vương dẫn đầu các chúng Thiên tử cõi Sắc, cùng đi đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Ngài, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi đứng sang một bên, chấp tay cung kính đồng bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này vô cùng sâu xa, khó thấy, khó lường.
Phật dạy các Thiên tử:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời các ông đã nói. Thiên tử nên biết! Ta quán sát nghĩa này khi mới chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ta ngồi lặng yên suy nghĩ, không muốn nói pháp, trong tâm nghĩ như thế này: Ta đã chứng pháp sâu xa vi diệu, chẳng phải các thế gian có thể chấp nhận và tin tưởng được ngay.
Thiên tử nên biết! Pháp Ta đã chứng tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Pháp này rất sâu xa mầu nhiệm, không năng chứng và không sở chứng, không chỗ chứng, không thời gian chứng.
Thiên tử nên biết! Vì hư không sâu xa nên pháp này sâu xa. Vì ngã sâu xa nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không đến, không đi nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp vô lượng, vô biên nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không sanh, không diệt nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không nhiễm, không tịnh nên pháp này sâu xa.
Khi ấy, các Thiên tử bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật kỳ diệu thay! Bạch Thiện Thệ! Thật hi hữu thay! Pháp Phật đã dạy rất sâu xa vi diệu, tất cả thế gian khó tin hiểu. Vì sao? Vì pháp Phật đã dạy không bị thu phục, không bị rời bỏ. Hữu tình phần nhiều là thu phục hay bị rời bỏ, thế nên thế gian đối với lời Phật dạy không có khả năng tin hiểu được.
Phật dạy các Thiên tử:
- Thiên tử nên biết! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời các ông nói.
XVI. PHẨM CHƠN NHƯ
01

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Pháp Phật đã dạy rất sâu xa mầu nhiệm, đối với tất cả pháp đều có thể tùy thuận, không bị chướng ngại. Pháp Phật đã dạy không có tướng chướng ngại, ngang bằng hư không, hoàn toàn không dấu vết. Pháp Phật đã dạy không có tướng đối đãi, không có tướng thứ hai. Pháp Phật đã dạy không có tướng ngang nhau vì không có đối địch. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không lưu dấu vì không sanh, không diệt. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không sanh diệt vì tất cả sanh diệt bất khả đắc. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không có đường tắt vì tất cả đường tắt bất khả đắc. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không hý luận vì phân biệt ngôn thuyết bất khả đắc.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.
Khi ấy, Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc liền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại đức Thiện Hiện đúng thật là Phật tử, được sanh ra từ đức Như Lai. Vì sao? Vì đại đức Thiện Hiện nói ra các pháp, tất cả đều tương ưng với Không.
Cụ thọ Thiện Hiện bảo các Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc:
- Các Ngài bảo tôi đúng thật là Phật tử, được sanh ra từ đức Như Lai. Thế nào là Thiện Hiện được sanh ra từ đức Như Lai? Nghĩa là theo chơn như của Như Lai sanh ra mà tất cả pháp sanh bất khả đắc. Vì sao? Vì chơn như của Như Lai không đến, không đi, bản tánh không sanh. Chơn như của Thiện Hiện cũng không đến, không đi, bản tánh không sanh, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Như Lai tức chơn như của tất cả pháp; chơn như của tất cả pháp tức chơn như của Như Lai. Chơn như như thế không có tánh chơn như, cũng không có tánh không chơn như. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Như Lai thường trụ làm tướng, chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Như Lai không đổi khác, không phân biệt, chuyển khắp các pháp. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Như Lai không bị chướng ngại, chơn như của tất cả pháp cũng không bị chướng ngại. Hoặc chơn như của Như Lai, hoặc chơn như của tất cả pháp đồng một chơn như, không hai, không khác, không tạo, không tác. Chơn như như vậy luôn là tướng chơn như, không lúc nào là không phải tướng chơn như, nên không hai, không khác. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Như Lai đối với tất cả pháp không nhớ nghĩ, không phân biệt. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Như Lai không riêng khác, không thể đắc. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Như Lai không rời chơn như của tất cả pháp; chơn như của tất cả pháp không rời chơn như của Như Lai. Chơn như như vậy luôn là tướng chơn như, không có lúc nào không có tướng chơn như. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Mặc dù nói tùy sanh nhưng không có sự tùy sanh, vì chơn như của Thiện Hiện không khác Phật.
Chơn như của Như Lai không có quá khứ, không có tương lai, không có hiện tại. Chơn như của tất cả pháp cũng không có quá khứ, không có tương lai, không có hiện tại. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của Thiện Hiện theo chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như quá khứ; chơn như của quá khứ theo chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như vị lai; chơn như của vị lai theo chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như hiện tại; chơn như của hiện tại theo chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như ba đời; chơn như của ba đời theo chơn như của Như Lai. Chơn như ba đời, chơn như của Như Lai không hai, không khác. Chơn như của tất cả pháp và chơn như của Thiện Hiện cũng không hai, không khác, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.
Chơn như của tất cả hạnh Đại Bồ-tát tức là chơn như của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Các Đại Bồ-tát do chơn như nên chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Đối với chơn như các pháp này, ta sanh lòng tin hiểu sâu xa nên nói Thiện Hiện được sanh ra từ đức Như Lai.
Đang nói về tướng chơn như này thì nơi tam thiên đại thiên thế giới biến động sáu cách, y như lúc Phật chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không khác, nên nói Thiện Hiện được sanh ra từ đức Như Lai.
Nhưng Thiên tử nên biết! Thiện Hiện ta không do sắc mà theo Như Lai sanh; không do thọ, tưởng, hành, thức mà theo Như Lai sanh. Không do quả Dự lưu mà theo Như Lai sanh; không do quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán mà theo Như Lai sanh. Không do Độc giác Bồ-đề mà theo Như Lai sanh. Không do quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật mà theo Như Lai sanh. Chỉ do chơn như nên theo Như Lai sanh.
Thiên tử nên biết! Nhưng Thiện Hiện ta không theo sắc sanh; không theo thọ, tưởng, hành, thức sanh. Không theo quả Dự lưu sanh; không theo quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán sanh. Không theo Độc giác Bồ-đề sanh. Không theo quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật sanh. Chỉ theo chơn như sanh, nên Thiện Hiện ta theo Như Lai sanh.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Chơn như này thật sâu xa mầu nhiệm.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Chơn như này thật sâu xa mầu nhiệm.
Đang lúc nói tướng chơn như này có ba trăm Bí-sô đoạn tận các lậu, tâm được giải thoát, đắc quả A-la-hán và có năm trăm Bí-sô xa lìa trần cấu, ở trong các pháp đắc pháp nhãn thanh tịnh; năm ngàn Thiên tử được thành thục nghiệp đời trước, cùng lúc chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn; sáu mươi Bồ-tát không còn các lậu, tâm được giải thoát.
Phật dạy:
- Này Xá-lợi Tử! Hiện trong đại chúng này có sáu mươi Bồ-tát đã gần gũi cúng dường năm trăm đức Phật thời quá khứ. Mặc dù họ có tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự nhưng không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, sanh tư tưởng khác đi, tu hạnh khác đi nên không vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Do đó trong hiện tại tuy được nghe pháp lớn nhưng nhờ sức nhân đời trước không còn các lậu, tâm được giải thoát.
Thế nên, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tuy có đạo Bồ-tát là không, vô tướng, vô nguyện, nhưng không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, liền chứng thật tế, rơi vào Thanh văn hay Độc giác địa.
Xá-lợi Tử! Ví như có con chim, thân nó to lớn cả trăm do-tuần, hoặc hai trăm cho đến năm trăm do-tuần, mà lông cánh chim chưa mọc đủ hoặc đã hư rụng. Chim này từ trời Ba mươi ba rơi xuống châu Thiệm-bộ, giữa đường chợt nghĩ: Bây giờ ta trở lại cõi trời Ba mươi ba. Ý ông hiểu sao? Chim này có thể bay về lại cõi trời Ba mươi ba được không?
Xá-lợi Tử bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Không.
Phật dạy:
- Này Xá-lợi Tử! Giữa đường, chim này muốn đến châu Thiệm-bộ mà thân chim không bị tổn hại, không bị khổ. Ý ông hiểu sao? Chim ấy có được toại nguyện không?
Xá-lợi Tử bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Không. Chim ấy khi đến châu Thiệm-bộ thân nó chắc chắn bị tổn hại và khổ đau, hoặc đưa đến chết hay sắp chết. Vì sao? Vì chim này thân to lớn mà bị rơi từ trên cao với lông cánh chưa mọc hay bị hư rụng.
Phật dạy:
- Này Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Có các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa cũng như vậy, mặc dù có phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đã trải qua hằng hà sa số kiếp tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà chứng thật tế, liền rơi xuống Thanh văn hoặc Độc giác địa.
Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử trụ Bồ-tát thừa này tuy nhớ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của chư Phật Thế Tôn ba đời nhưng tâm chấp tướng, không thấy, không biết công đức chân thật ngũ uẩn này của chư Phật, chỉ nghe tiếng Không, chấp trước lấy tướng, hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề là rơi ngay xuống Thanh văn hoặc Độc giác địa. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì các Bồ-tát ấy không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên dù có đem vô số thiện căn đã tu tập hồi hướng đạo quả Bồ-đề vẫn không đủ sức vậy.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Theo ý con hiểu về nghĩa Phật dạy, các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa nếu xa lìa phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì dầu cho có đầy đủ vô lượng phước đức tư lương mà đối với Bồ-đề sẽ có đắc hoặc không đắc. Thế nên các Đại Bồ-tát muốn chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhất định không nên xa lìa phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Phật dạy:
- Này Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.
Quyển thứ 548
HẾT

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 600 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.19.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập