Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
04
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát cũng có thể chứng được trí nhất thiết tướng sao?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Các Đại Bồ-tát cũng có thể chứng được trí nhất thiết tướng.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ-tát cũng có thể chứng được trí nhất thiết tướng, như vậy thì cùng với các Như Lai có khác nhau không?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Cũng có khác nhau.
Tướng đó thế nào, nghĩa là các Đại Bồ-tát gọi là sẽ tùy đắc trí nhất thiết tướng, còn chư Như Lai gọi là đã hoàn toàn được trí nhất thiết tướng.
Vì sao? Vì chẳng phải tâm của các Đại Bồ-tát cùng với định của chư Như Lai có khác nhau. Do chúng Đại Bồ-tát cùng chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đồng trụ vào tánh sai biệt của các pháp, đối với các pháp tướng cầu Chánh Biến Tri, nên gọi là Bồ-tát; nếu đạt đến cứu cánh thì gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Đối với tất cả pháp tự tướng, cộng tướng sáng soi, thanh tịnh hoàn toàn, khi trụ nhân vị gọi là Bồ-tát, còn đạt đến quả vị gọi là Như Lai. Vì vậy, nên Bồ-tát cùng chư Như Lai tuy đồng gọi là chứng được trí nhất thiết tướng mà có khác nhau.
Này Thiện Hiện! Đây gọi là pháp thí thế gian của các Đại Bồ-tát.
Các Đại Bồ-tát nương vào pháp thí thế gian như thế để được tu hành pháp thí xuất thế gian. Nghĩa là các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, trước dùng phương tiện thiện xảo, bố thí thiện pháp thế gian cho hữu tình, sau làm cho họ nhàm chán xa lìa thiện pháp thế gian, an trụ vào Thánh pháp vô lậu xuất thế gian, cho đến làm cho họ chứng được trí nhất thiết trí.
Vì sao gọi là Thánh pháp xuất thế gian? Các Đại Bồ-tát vì các hữu tình mà giảng thuyết, khai thị, phân biệt rõ ràng, nên gọi là pháp thí.
Thiện Hiện nên biết! Các thiện pháp bất cộng của phàm phu, Bồ-tát nào tu học đúng đắn, làm cho các hữu tình ra khỏi thế gian, được an ổn thì gọi là xuất thế gian. Nghĩa là ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần, ba pháp môn giải thoát, tám pháp giải thoát, chính định thứ đệ, bốn trí Thánh đế, trí Ba-la-mật-đa, các Đẳng trí Không, mười bậc Bồ-tát, ngũ nhãn, sáu thần thông, mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Các thiện pháp vô lậu như thế, tất cả đều gọi là Thánh pháp xuất thế gian. Đại Bồ-tát nào vì các hữu tình mà giảng thuyết, khai thị, phân biệt rõ ràng các pháp như thế thì gọi là pháp thí xuất thế gian của Bồ-tát.
Này Thiện Hiện! Ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần là như thế nào? Nghĩa là bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Như vậy gọi là ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần.
Này Thiện Hiện! Bốn niệm trụ là như thế nào? nghĩa là Đại Bồ-tát ở trong thân hoặc ngoài thân, hoặc trong ngoài thân, quán sát toàn thân trên thân, đầy đủ chánh cần, chánh tri, chánh niệm, đoạn trừ tham ưu ở đời, quán sát các nhóm trong thân, quán sự đoạn diệt trong thân. Nhờ vị ấy quán sát toàn thân, quán sát các nhóm trong thân, quán sự đoạn diệt trong thân, không chỗ nương tựa, đối với các pháp thế gian không bị chấp thủ. Đây gọi là pháp thứ nhất. Đối với thọ, tâm, pháp cũng vậy. Đây gọi là bốn niệm trụ.
Này Thiện Hiện! Bốn chánh đoạn là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát đối với pháp ác bất thiện chưa phát sanh làm cho không sanh, còn pháp ác bất thiện đã sanh rồi làm cho đoạn diệt. Đối với pháp thiện chưa phát sanh làm cho sanh, còn pháp thiện đã sanh rồi làm cho bền chắc, chẳng lãng quên, tu hành viên mãn, càng tăng trưởng thêm, mở mang trí tuệ, sanh tâm ưa thích, siêng năng tinh tấn, giữ tâm vững bền. Đây gọi là bốn chánh đoạn.
Này Thiện Hiện! Bốn thần túc là như thế nào? Nghĩa là Dục Tam-ma-địa của Đại Bồ-tát được đoạn trừ, thành tựu sự tu tập về thần túc; Cần Tam-ma-địa được đoạn trừ, thành tựu sự tu tập về thần túc; Tâm Tam-ma-địa được đoạn trừ, thành tựu sự tu tập về thần túc; Quán Tam-ma-địa được đoạn trừ, thành tựu sự tu tập về thần túc. Đây gọi là bốn thần túc.
Này Thiện Hiện! Năm căn là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát thực hành tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn… Đây gọi là năm căn.
Này Thiện Hiện! Năm lực là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát thực hành tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực… Đây gọi là năm lực.
Này Thiện Hiện! Bảy giác chi là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát quán niệm giác tri, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Như vậy gọi là bảy giác chi.
Này Thiện Hiện! Tám chi thánh đạo là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát quán chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Như vậy gọi là tám chi thánh đạo.
Này Thiện Hiện! Ba pháp môn giải thoát là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát quán pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Như vậy gọi là ba pháp môn giải thoát.
Này Thiện Hiện! Pháp môn giải thoát không là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát đem hành tướng không phi ngã nhiếp tâm chánh niệm. Đây gọi là pháp môn giải thoát không.
Này Thiện Hiện! Pháp môn giải thoát vô tướng là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát đem hành tướng tịch diệt chánh niệm. Đây gọi là pháp môn giải thoát vô tướng.
Này Thiện Hiện! Pháp môn giải thoát vô nguyện là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát đem hành tướng khổ, vô thường, chánh niệm. Đây gọi là pháp môn giải thoát vô nguyện.
Này Thiện Hiện! Tám giải thoát là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát đối với có sắc mà quán có sắc, gọi là giải thoát thứ nhất. Trong không tưởng sắc mà quán các sắc bên ngoài, gọi là giải thoát thứ hai. Tịnh thắng giải, thân tác chứng, gọi là giải thoát thứ ba. An trụ hoàn toàn vào định Không vô biên xứ gọi là giải thoát thứ tư. An trụ hoàn toàn vào định Thức vô biên xứ gọi là giải thoát thứ năm. An trụ hoàn toàn vào định Vô sở hữu xứ gọi là giải thoát thứ sáu. An trụ hoàn toàn vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ gọi là giải thoát thứ bảy. An trụ hoàn toàn vào định Diệt tưởng thọ gọi là giải thoát thứ tám. Đây gọi là tám giải thoát.
Này Thiện Hiện! Chín định thứ đệ là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỷ lạc, nhập vào sơ thiền, an trụ hoàn toàn, gọi là định thứ đệ thứ nhất. Tuần tự cho đến vượt tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào định Diệt tưởng thọ, an trụ hoàn toàn, gọi là định thứ đệ thứ chín. Đây gọi là chín định thứ đệ.
Này Thiện Hiện! Bốn trí Thánh đế là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát quán trí khổ, trí tập, trí diệt, trí đạo. Đây gọi là bốn trí Thánh đế.
Này Thiện Hiện! Trí Ba-la-mật-đa là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát bố thí cho đến trí Ba-la-mật-đa. Như vậy gọi là Ba-la-mật-đa.
Này Thiện Hiện! Trí của các Không là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát quán trí nội Không cho đến trí vô tính tự tính Không và trí chơn như cho đến trí cảnh giới bất tư nghì. Như vậy gọi là các Đẳng trí Không.
Này Thiện Hiện! Mười địa của Bồ-tát là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát quán Cực hỉ địa cho đến Pháp vân địa. Như vậy gọi là mười địa của Bồ-tát.
Này Thiện Hiện! Năm loại mắt là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát đạt được sự mong cầu nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Đây gọi là năm loại mắt.
Này Thiện Hiện! Sáu phép thần thông là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát phải học những thần thông chứng trí thần cảnh thông, trí thiên nhĩ thông, trí tha tâm thông, trí túc trụ tùy niệm thông, trí thiên nhãn thông, trí lậu tận thông. Đây gọi là sáu phép thần thông.
Này Thiện Hiện! Mười lực của Như Lai là như thế nào? Một là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với thị xứ như thật biết thị xứ, đối với phi xứ như thật biết phi xứ. Hai là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với các nghiệp của các hữu tình ở quá khứ, hiện tại, vị lai và các pháp chỗ nhận lấy ấy do nhân dị thục đều như thật biết. Ba là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với các thế giới chẳng phải là một, mà có nhiều thế giới khác nhau đều như thật biết. Bốn là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với các hữu tình chẳng phải một mà có nhiều thắng giải khác nhau đều như thật biết. Năm là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với các căn hơn kém của các hữu tình đều như thật biết. Sáu là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với nghiệp hướng đến các cảnh giới của loài hữu tình đều như thật biết. Bảy là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tất cả tịnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, tạp nhiễm, thanh tịnh, với những sự thành lập khác nhau về hữu tình đều như thật biết. Tám là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, vô lượng đời, hoặc một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vô lượng kiếp và vô lượng các túc nghiệp ở đời quá khứ của loài hữu tình, có bao nhiêu các hành, các thuyết, các tướng đều như thật biết. Chín là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vận dụng thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn con người thấy các loài hữu tình với các việc thiện, ác khi sanh, khi tử của chúng, nói rộng cho đến do thế lực của nghiệp sanh vào cõi thiện ác của các loài hữu tình đều như thật biết. Mười là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với các pháp lậu tận, vô lậu tâm giải thoát, vô lậu tuệ giải thoát đều như thật biết; đối với pháp tự lậu tận, chơn giải thoát, tự chứng thông tuệ được an trụ hoàn toàn; nói rộng cho đến không thọ đời sau. Như vậy gọi là mười lực của Như Lai.
Này Thiện Hiện! Bốn điều không sợ là như thế nào? Một là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng Ta là bậc Chánh Đẳng Giác. Giả sử có Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian nào dựa vào giáo pháp để vấn nạn, hoặc làm cho phải suy nghĩ rằng, Phật không phải là bậc Chánh đẳng giác. Ta đối với sự vấn nạn kia thấy bằng chánh kiến, do thấy nạn ấy bằng chánh kiến, nên Ta được an ổn trụ, không lo sợ. Tự nói rằng Ta ở ngôi vị Đại tiên tôn quí, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư tử, chuyển pháp luân của Đại phạm thiên mà tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian hoàn toàn không thể chuyển như vậy được.
Hai là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng Ta đã đoạn hết các lậu. Giả sử có Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian nào dựa vào giáo pháp để vấn nạn, hoặc làm cho phải suy nghĩ ở đây Phật chưa đoạn hết các lậu, Ta đối với sự vấn nạn kia thấy bằng chánh kiến, do thấy nạn ấy bằng chánh kiến nên Ta được an ổn trụ, không lo sợ. Tự nói Ta ở ngôi vị Đại tiên tôn quí, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư tử, chuyển pháp luân của Đại phạm thiên mà tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian hoàn toàn không thể chuyển như vậy được.
Ba là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng Ta vì các hàng đệ tử mà nói pháp làm chướng ngại thì nhiễm ô, chính là chướng ngại. Giả sử có Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian nào dựa vào giáo pháp để vấn nạn, hoặc làm cho phải suy nghĩ cho rằng nhiễm ô chính là pháp không thể làm chướng ngại, Ta đối với sự vấn nạn kia thấy bằng chánh kiến, do thấy nạn ấy bằng chánh kiến nên Ta được an ổn trụ, không lo sợ. Tự nói Ta ở ngôi vị Đại tiên tôn quí, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư tử, chuyển pháp luân của Đại phạm thiên mà tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian hoàn toàn không thể chuyển được.
Bốn là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng Ta vì các hàng đệ tử mà nói đạo xuất thế. Các bậc Thánh tu tập nhất định được xuất ly, nhất định thông suốt, đoạn hết các khổ, không còn khổ nữa. Giả sử có Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian nào dựa vào giáo pháp để vấn nạn, hoặc làm cho phải suy nghĩ tu theo đạo này chẳng được xuất ly, chẳng được thông suốt, chẳng đoạn hết khổ, không còn khổ nữa. Ta đối với sự vấn nạn kia thấy bằng chánh kiến, do thấy nạn ấy bằng chánh kiến nên Ta được an ổn trụ, không lo sợ. Tự nói Ta ở ngôi vị Đại tiên tôn quí, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư tử, chuyển pháp luân của Đại phạm thiên mà tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma phạm, các thế gian hoàn toàn không thể chuyển như vậy được. Như vậy gọi là bốn điều không sợ.
Này Thiện Hiện! Bốn sự hiểu biết thông suốt là như thế nào? Nghĩa là hiểu nghĩa vô ngại, hiểu pháp vô ngại, hiểu ngôn từ vô ngại, hiểu biện tài vô ngại. Như vậy gọi là bốn sự hiểu biết thông suốt.
Thế nào là hiểu nghĩa vô ngại? Là trí tuệ duyên với ý nghĩa vô ngại.
Thế nào là hiểu pháp vô ngại? Là trí tuệ duyên với pháp vô ngại.
Thế nào là hiểu ngôn từ vô ngại? Là trí tuệ duyên với lời nói vô ngại.
Thế nào là hiểu biện tài vô ngại? Là trí tuệ duyên với biện tài vô ngại.
Này Thiện Hiện! Mười tám pháp Phật bất cộng là như thế nào? Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường không nói lời lầm lỗi, không nói lời gấp gáp, không quên chánh niệm, luôn định tâm, không có các vọng tưởng, biết chọn bỏ, chí muốn không lui, tinh tấn không lui, nhớ nghĩ không lui, trí tuệ không lui, giải thoát không lui, giải thoát tri kiến không lui; tất cả thân nghiệp trí làm tiền đạo, theo trí chuyển đổi; tất cả ngữ nghiệp trí làm tiền đạo, theo trí chuyển đổi; tất cả ý nghiệp trí làm tiền đạo, theo trí chuyển đổi; hoặc trí hoặc kiến ở đời quá khư không dính mắc, không ngăn ngại; hoặc trí hoặc kiến ở đời vị lai không dính mắc, không ngăn ngại; hoặc trí hoặc kiến ở đời hiện tại không dính mắc, không ngăn ngại. Đây gọi là mười tám pháp Phật bất cộng.
Này Thiện Hiện! Ba mươi hai tướng là như thế nào?
Một là dưới chân của chư Phật có tướng bằng phẳng, đầy đặn, hoàn toàn đầy đủ giống như đáy hộp. Tuy đất có chỗ cao thấp, nhưng tùy theo chân chư Phật đạp đến đều được bằng phẳng.
Hai là dưới chân của chư Phật có các vành bánh xe ngàn căm đều tròn đầy.
Ba là tay chân của chư Phật đều mềm mại như bông vải, không gì sánh bằng.
Bốn là các ngón tay và chân của chư Phật đều thon dài, tròn đẹp hơn người, tiêu biểu cho sự trường thọ.
Năm là giữa kẻ mỗi ngón tay của chư Phật như chim nhạn chúa, đều có màn lưới, lẫn lộn sắc vàng, giống như thêu vẽ.
Sáu là gót chân của chư Phật rộng dài tròn đầy, cùng với lòng chân cân đối, hơn các hữu tình.
Bảy là lòng chân của chư Phật dài, cao đầy đặn, mềm mại, đẹp đẽ, cùng với gót chân cân đối.
Tám là đôi vế của chư Phật thon dài, tròn như đùi Nai tiên chúa Y-nê-da.
Chín là hai cánh tay của chư Phật dài, thẳng, tròn đầy như vòi voi chúa, thẳng dài rờ tới đầu gối.
Mười là âm tướng của chư Phật kín đáo không hiện, giống như long mã, cũng như voi chúa.
Mười một là lỗ chân lông của chư Phật, mỗi lỗ là một sợi, mềm mại, xanh biếc xoay quanh bên hữu.
Mười hai là tóc lông của chư Phật ngay đều, mọc thẳng, xoay quanh bên hữu, mềm mại, xanh biếc sắc vàng nghiêm thân, rất đáng ưa thích.
Mười ba là da của chư Phật nhỏ mõng, mịn trơn, bụi đất, nước đều không dính được.
Mười bốn là da của chư Phật màu vàng kim lóng lánh trắng sạch như đài Diệu Kim, các báu trang nghiêm, mọi người thấy đều ưa thích.
Mười lăm là hai tay và chân của chư Phật sau ót và hai vai, bảy chỗ đầy đặn trắng sạch mềm mại, đáng ưa thích.
Mười sáu là vai, cổ của chư Phật đầy đặn, đặc biệt.
Mười bảy là hông, nách của chư Phật đầy đặn, chắc chắn.
Mười tám là dung nghi của chư Phật ngay thẳng, khôi ngô.
Mười chín là thân tướng của chư Phật cao rộng đoan nghiêm.
Hai mươi là thân tướng của chư Phật cao lớn, cân đối, tròn đầy như cây Nặc-cù-đà.
Hai mươi mốt là cằm ngực và phần thân trên của chư Phật oai dung nở nang như Sư tử chúa.
Hai mươi hai là ánh quang trên thân của chư Phật chiếu ra mỗi mặt một tầm.
Hai mươi ba là tướng răng của chư Phật, bốn mươi chiếc đều đầy đặn, bằng phẳng, sạch khít, chân sau, trắng hơn ngọc tuyết kha.
Hai mươi bốn là răng cửa của chư Phật trắng đẹp nhọn bén.
Hai mươi lăm là trong vị (nước bọt) của chư Phật thường thơm, vì mạch yết hầu thẳng, nên có thể đưa đến vị ngon từ ngàn mạch trong thân thể.
Hai mươi sáu là tướng lưỡi của chư Phật mỏng sạch rộng dài, có thể che cả mặt, trên mé tóc bên tai.
Hai mươi bảy là phạm âm của chư Phật từ vận phát ra thanh nhã, tùy theo người nghe nhiều hay ít đều nghe được. Tiếng vang rền như tiếng trống trời, nói ra lời êm đẹp thanh tao như tiếng chim Tần-già.
Hai mươi tám là lông mi của chư Phật giống như trâu chúa, xanh biếc bằng thẳng, không xen tạp nhau.
Hai mươi chín là tròng mắt của chư Phật xanh biếc trong sáng, ở giữa có vòng màu hồng, tròng trắng, đen, rõ ràng.
Ba mươi là diện mạo của chư Phật tròn đầy như trăng rằm, tướng mày như vòng cung Thiên đế.
Ba mươi mốt là giữa chặn mày của chư Phật có tướng lông trắng mềm mại, xoay bên hữu như bông vải, trắng sáng hơn ngọc tuyết kha.
Ba mươi hai là nhục kế trên đỉnh của chư Phật cao rõ ràng, tròn trịa như lông trời.
Đây gọi là ba mươi hai tướng của chư Phật.
Này Thiện Hiện! Tám mươi vẻ đẹp là như thế nào?
Một là móng tay của chư Phật thon dài, mỏng mướt, trắng sạch màu như hoa đồng đỏ.
Hai là chân tay của chư Phật, các ngón đều tròn, thon, dài, ngay thẳng, mềm mại.
Ba là tay chân của chư Phật ngay bằng, không so le, ở giữa đều đầy đủ.
Bốn là chân tay của Phật viên mãn như ý, mềm sạch sáng láng, màu như hoa sen.
Năm là mạch gân của chư Phật, chằn chịt, bền chắc, ẩn sâu, chẳng lộ.
Sáu là hai mắt cá chân của chư Phật đều ẩn, chẳng lộ.
Bảy là bước đi của chư Phật thẳng tới, thong thả như voi chúa.
Tám là bước đi của chư Phật oai nghi, ngay thẳng tề chỉnh như Sư tử chúa.
Chín là bước đi của chư Phật vững bằng, thong thả chẳng nhanh chẳng chậm, giống như trâu chúa.
Mười là khi chư Phật đi hoặc đứng, oai nghi nhàn nhã, bước đi như chim nhạn chúa.
Mười một là khi chư Phật ngó lui liền xoay bên hữu, cả thân chuyển theo, như rồng, voi chúa.
Mười hai là lóng xương của chư Phật tròn thẳng, ngay theo thứ lớp, đẹp đẽ hoàn toàn.
Mười ba là lóng xương của chư Phật liên kết không hở, giống như rồng cuộn.
Mười bốn là đầu gối của chư Phật ngay thẳng, đẹp đẽ, vững chắc tròn đầy.
Mười lăm là chỗ kín của chư Phật văn vẻ đẹp đẽ, oai thế đầy đủ, viên mãn thanh tịnh.
Mười sáu là trên thân của chư Phật mướt trơn, sáng đẹp sạch sẽ, bụi đất không dính.
Mười bảy là dung mạo của chư Phật uy nghiêm không sợ, không khiếp nhược.
Mười tám là thân của chư Phật bền chắc, dày kín, liên kết với nhau.
Mười chín là phần thân của chư Phật an định, dày nặng, thường không lay động, viên mãn, không hư hoại.
Hai mươi là thân tướng của chư Phật vững như núi chúa, chung quanh đoan nghiêm, sáng sạch không có bụi nhơ.
Hai mươi mốt là chung quanh thân của chư Phật có ánh sáng, khi bước đi thường tự soi sáng.
Hai mươi hai là hình bụng của chư Phật vuông thẳng, không lõm, mềm mại chẳng lộ, các tướng trang nghiêm.
Hai mươi ba là rốn của chư Phật sâu đẹp, xoay tròn bên hữu, trong sạch.
Hai mươi bốn là rốn của chư Phật dày chẳng lõm, chẳng lồi, chung quanh đẹp đẽ.
Hai mươi lăm là da của chư Phật không có ghẻ lở, cũng không có chấm đem, hay các vết sẹo.
Hai mươi sáu là lông tay của chư Phật đầy đặn, mềm mại, dưới chân bằng phẳng.
Hai mươi bảy là chỉ tay của chư Phật sâu dày, rõ thẳng, mướt trơn, không đứt đoạn.
Hai mươi tám là môi của chư Phật tươi sáng hồng hào như trái Tần-bà, trên dưới cân đối.
Hai mươi chín là gương mặt của chư Phật không dài, không ngắn, không lớn, không nhỏ, cân xứng tốt đẹp.
Ba mươi là tướng lưỡi của chư Phật mềm mỏng, rộng, dài, màu như đồng đỏ.
Ba mươi mốt là tiếng nói của chư Phật phát ra vang vọng sâu xa như voi chúa rống, rõ ràng thanh thót.
Ba mươi hai là âm vận của chư Phật hay tốt hoàn toàn như tiếng vang nơi hang sâu.
Ba mươi ba là mũi của chư Phật cao dài ngay thẳng, không hở trống.
Ba mươi bốn là những chiếc răng của chư Phật vuông vức, ngay thăng, trắng đẹp.
Ba mươi lăm là những chiếc răng của chư Phật tròn, trắng, sáng, đều đặn, sắc bén.
Ba mươi sáu là mắt của chư Phật trong sáng, phân minh, sáng suốt.
Ba mươi bảy là nhãn tướng của chư Phật rộng dài, giống như cánh hoa sen xanh, rất đáng ưa thích.
Ba mươi tám là mí mắt của chư Phật trên dưới đều nhau, khép kín không hở.
Ba mươi chín là đôi mày của chư Phật dài thẳng không bạc trắng, nhỏ mềm mại.
Bốn mươi là đôi mày của chư Phật mướt trơn đều đặn, màu xanh lưu ly.
Bốn mươi mốt là đôi mày của chư Phật cao cong, sáng mướt, hình như trăng đầu tháng.
Bốn mươi hai là tai của chư Phật dày, rộng lớn, dài, trái tai thòng xuống trọn vẹn.
Bốn mươi ba là hai tai của chư Phật xinh đẹp, bằng phẳng, không có các lỗi.
Bốn mươi bốn là dung nghi của chư Phật làm cho mọi người trông thấy không tổn hại, ô nhiễm, đều sanh kính mến.
Bốn mươi lăm là trán của chư Phật rộng, viên mãn bằng thẳng, dáng tướng đẹp đặc biệt.
Bốn mươi sáu là phần thân của chư Phật nửa trên đầy đặn như Sư tử chúa, oai nghiêm truyệt đối.
Bốn mươi bảy là tóc của chư Phật dài mượt, xanh biếc, dày khít chẳng bạc.
Bốn mươi tám là tóc của chư Phật thơm sạch, nhỏ mịn, mướt láng, xoay quanh bên hữu.
Bốn mươi chín là tóc của chư Phật bằng thẳng, không rối, cũng không dính chùm.
Năm mươi là tóc của chư Phật chắc chắn, không đứt, cũng không rơi rụng.
Năm mươi mốt là tóc của chư Phật sáng trơn đẹp lạ, bụi đất không dính.
Năm mươi hai là phần thân của chư Phật vững vàng, đầy chắc kiên cố hơn thân Na-la-diên.
Năm mươi ba là thân thể của chư Phật cao lớn, ngay thẳng.
Năm mươi bốn là các lỗ trên thân của chư Phật trong sạch tròn đẹp.
Năm mươi lăm là phần thân của chư Phật có thế lực thù thắng, không ai sánh bằng.
Năm mươi sáu là thân tướng của chư Phật được mọi người thích nhìn thường không nhàm chán.
Năm mươi bảy là gương mặc của chư Phật dài rộng, vừa vặn, trong sáng như trăng rằm mùa thu.
Năm mươi tám là dung mạo của chư Phật thư thái, sáng láng, trước khi nói hay mĩm cười, có thuận không trái.
Năm mươi chín là diện mạo của chư Phật sáng láng, vui vẻ, tránh xa các lỗi nhăn nhó, xanh đỏ.
Sáu mươi là thân của chư Phật trong sạch không nhơ uế, không hôi hám.
Sáu mươi mốt là lỗ chân lông của chư Phật thường bay mùi hương thơm như ý vi diệu.
Sáu mươi hai là gương mặt của chư Phật thường thoảng hương thơm tối thượng thù thắng.
Sáu mươi ba là tướng đầu của chư Phật tròn trịa, đẹp đẽ như quả Mạt-đạt-na, như lọng trời.
Sáu mươi bốn là lông thân của chư Phật xanh biếc, sáng sạch đỏ hồng như cổ chim công, thêm sắc màu đồng đỏ.
Sáu mươi lăm là pháp âm của chư Phật nói ra dù nhiều người hay ít người cũng chẳng thêm bớt, hợp lý, không sai.
Sáu mươi sáu là tướng đỉnh của chư Phật không ai thấy được.
Sáu mươi bảy là tay chân của chư Phật có màng lưới, kẻ ngón rõ ràng, trang nghiêm xinh đẹp, màu như đồng đỏ.
Sáu mươi tám là khi chư Phật bước đi, chân cách đất khoảng chừng bốn ngón, vẫn hiện rõ dấu chân.
Sáu mươi chín là chư Phật đi lại vững vàng, thân không nghiêng động, cũng không xiêu ngã.
Bảy mươi là uy đức của chư Phật vang dội rất xa, kẻ ác tâm thấy thì vui vẻ, sợ hãi thấy thì an lạc.
Bảy mươi mốt là âm thanh của chư Phật chẳng cao, chẳng thấp, tùy theo ý muốn của chúng sanh mà thuyết pháp cho hòa hợp vui vẻ.
Bảy mươi hai là chư Phật tùy theo ý thích của hữu tình mà thuyết pháp cho thích hợp.
Bảy mươi ba là chư Phật đều đồng một thứ tiếng diễn nói chánh pháp tùy theo các loài hữu tình giúp họ được hiểu biết.
Bảy mươi bốn là chư Phật thuyết pháp đều theo thứ lớp, đều có nhân duyên, lời nói hòa nhã.
Bảy mươi lăm là chư Phật xem các loài hữu tình đều bình đẳng, khen thiện, chê ác, nhưng không thương ghét.
Bảy mươi sáu là chư Phật trước quán sát rồi sau mới làm, đầy đủ mô phạm làm cho mọi người hiểu biết một cách thanh tịnh hoàn hảo.
Bảy mươi bảy là tướng tốt của chư Phật tất cả loài hữu tình không thế thấy hết.
Bảy mươi tám là xương đỉnh của chư Phật cứng chắc, tròn đầy.
Bảy mươi chín là dung nhan của chư Phật trẻ mãi không già, thường tươi đẹp.
Tám mươi là lòng bàn tay, chân và trước ngực của chư Phật đều có đức tướng cát tường, xoáy tròn quanh giống như thêu vẻ, màu hồng đỏ.
Đây là tám mươi vẻ đẹp của chư Phật.
Này Thiện Hiện! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đầy đủ các tướng tốt như vậy, nên thân chói sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, bao trùm tất cả, khi Ta vừa khởi tâm liền soi chiếu khắp vô lượng, vô biên thế giới, do vì thương xót các hữu tình, nên phóng ánh sáng chiếu soi mỗi phương một tầm. Nếu khi thân Ta chiếu sáng thì che lấp các ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, các loài hữu tình không thể biết được ngày đêm, tháng năm, ngày giờ để làm việc, nên làm việc gì cũng không thành tựu. Tiếng tăm chư Phật vang khắp tam thiên đại thiên thế giới. Nếu khi có tác ý liền vọng đến vô lượng, vô biên, vô số thế giới, nhưng vì sự lợi ích cho các hữu tình nên âm thanh tùy theo số lượng của chúng sanh không thêm, không bớt.
Này Thiện Hiện! Công đức thù thắng như thế, khi Ta còn ở địa vị Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, việc làm thành tựu nên nay tướng hảo viên mãn, trang nghiêm, tất cả hữu tình thấy đều vui mừng, đều được các sự lợi ích rộng lớn.
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên đem hai pháp tài sản và giáo pháp để bố thí, giáo hóa các hữu tình. Đây là pháp hy hữu đặc biệt.
Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát dùng việc ái ngữ, độ các hữu tình là như thế nào?
Nghĩa là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng tiếng dịu dàng vì các hữu tình trước nói bố thí Ba-la-mật-đa, kế đến nói về tịnh giới Ba-la-mật-đa.
Như vậy cho đến cuối cùng là nói Bát-nhã ba-la-mật-đa để làm phương tiện giáo hóa.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát dùng âm thanh dịu dàng nói về sáu pháp Ba-la-mật-đa để giáo hóa các hữu tình.
Vì sao? Vì sáu pháp Ba-la-mật-đa này có thể bao trùm tất cả các pháp lành.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát dùng việc lợi hành độ các hữu tình là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, luôn luôn dùng mọi phương tiện khuyên bảo các hữu tình siêng năng tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa và các pháp lành vi diệu khác, thường không nhàm chán.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát dùng việc đồng sự độ các hữu tình là như thế nào? Nghĩa là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đem thần thông thù thắng và sức đại nguyện hiện ở trong địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ, cõi trời, người cùng làm việc với họ để làm phương tiện giáo hóa cho họ được lợi ích.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát nên dùng bốn nhiếp pháp như vậy, làm phương tiện thiện xảo, giáo hóa các hữu tình làm cho họ được lợi ích an vui thù thắng. Đây là các pháp hi hữu đặc biệt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ta đem Phật nhãn xem hằng hà sa số thế giới khắp mười phương có Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đem giới pháp truyền trao cho các Đại Bồ-tát và nói như vầy: “Thiện nam tử đến đây! Ông phải siêng năng tu học để phát sanh môn văn tự Đà-la-ni, nghĩa là siêng học một chữ, hai chữ cho đến bốn mươi hai chữ để sử dụng một cách thông thạo. Lại siêng học tất cả ngữ ngôn đều tóm thâu vào một chữ, hai chữ cho đến bốn mươi hai chữ để sử dụng một cách thông thạo. Lại siêng học tất một chữ có thể đầy đủ cả bốn mươi hai chữ, bốn mươi hai chữ tóm thâu vào một chữ để sử dụng một cách thông thạo.”
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát đều phải siêng học bốn mươi hai chữ thâu vào một chữ, một chữ cũng bao trùm cả bốn mươi hai chữ. học như thế rồi, đối với các môn văn tự đều được thiện xảo, đối với các môn văn tự đều được thiện xảo rồi, lại ở nơi vô văn tự sử dụng một cách thiện xảo, như chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở nơi pháp thiện xảo, ở nơi văn tự thiện xảo, vì ở pháp nơi văn tự thiện xảo, nên ở nơi vô văn tự có được thiện xảo. Do thiện xảo nên vì loài hữu tình, vì pháp có văn tự nên thuyết pháp vô văn tự; vì pháp vô văn tự nên thuyết pháp có văn tự.
Vì sao? Vì lìa văn tự, không có văn tự thì không có Phật pháp nhưng vượt khỏi các văn tự mới gọi là chơn Phật pháp.
Vì sao? Vì tất cả pháp, tất cả hữu tình đều hoàn toàn Không, vô tế Không.
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp và các hữu tình đều hoàn toàn Không, vô tế Không, nên vượt các văn tự ấy, tất cả pháp và các hữu tình tự tánh hoàn toàn đều bất khả đắc thì chúng Đại Bồ-tát làm sao tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa? Hoặc tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc? Hoặc tu hành ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần? Hoặc tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện? Hoặc an trụ pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không? Hoặc an trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì? Hoặc an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo? Hoặc tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ? Hoặc tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa? Hoặc tu hành pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa? Hoặc tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông? Hoặc tu hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng? Hoặc tu hành đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả? Hoặc tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả? Hoặc tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng? Hoặc tu hành ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp? Đại Bồ-tát làm sao ngay trong đời này hành sáu pháp đạt đến bờ giác và các thần thông, vì các hữu tình giảng thuyết chánh pháp?
Bạch Thế Tôn! Tất cả hữu tình cũng bất khả đắc, sự hoạt động của chúng cũng bất khả đắc. Vì tất cả hữu tình bất khả đắc nên sắc cho đến thức cũng bất khả đắc. Nhãn xứ cho đến ý xứ cũng bất khả đắc. Sắc xứ cho đến pháp xứ cũng bất khả đắc. Nhãn giới cho đến ý giới cũng bất khả đắc. Sắc giới cho đến pháp giới cũng bất khả đắc. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới cũng bất khả đắc. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng bất khả đắc. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cũng bất khả đắc. Địa giới cho đến thức giới cũng bất khả đắc. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng bất khả đắc. Các pháp theo duyên sanh ra bất khả đắc. Vô minh cho đến lão tử cũng bất khả đắc. Sáu pháp Ba-la-mật-đa cho đến tám mươi vẻ đẹp cũng bất khả đắc.
Như vậy, bạch Thế Tôn! Trong bất khả đắc không có các hữu tình và sự hoạt động của họ, cũng không có các sắc, thọ, tưởng, hành, thức và sự hoạt động ấy, cho đến cũng không có tám mươi vẻ đẹp và sự hoạt động ấy. Tất cả pháp hữu tình và sự hoạt động của họ đã bất khả đắc đều vô sở hữu thì Đại Bồ-tát làm sao khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vì các hữu tình mà giảng thuyết các pháp? Không có chúng Đại Bồ-tát tự an trụ pháp bất chánh, vì các hữu tình nói pháp bất chánh, khuyên các hữu tình trụ pháp bất chánh, đem pháp điên đảo an lập hữu tình. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, còn không chứng được Bồ-đề, huống là chứng được pháp Bồ-đề phần? Còn không chứng được Bồ-tát, huống là chứng được pháp Bồ-tát?
Như vậy làm sao tu Bồ-đề đạo, vì các hữu tình mà giảng thuyết chánh pháp.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Tất cả hữu tình và sự hoạt động của họ, cũng như tất cả pháp và sự hoạt động kia đều bất khả đắc. Vì bất khả đắc nên đều vô sở hữu, vì vô sở hữu nên biết pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Nên biết chơn như Không cho đến cảnh giới bất tư nghì cũng Không.
Nên biết Thánh đế khổ Không cho đến Thánh đế đạo cũng Không.
Nên biết sắc uẩn Không cho đến thức uẩn cũng Không.
Nên biết nhãn xứ Không cho đến ý xứ cũng Không.
Nên biết sắc xứ Không cho đến pháp xứ cũng Không.
Nên biết nhãn giới Không cho đến ý giới cũng Không.
Nên biết sắc giới Không cho đến pháp giới cũng Không.
Nên biết nhãn thức giới Không cho đến ý thức giới cũng Không.
Nên biết nhãn xúc Không cho đến ý xúc cũng Không.
Nên biết các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra Không, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cũng Không.
Nên biết địa giới Không cho đến thức giới cũng Không.
Nên biết nhân duyên Không cho đến tăng thượng duyên cũng Không.
Nên biết các pháp theo duyên sanh ra đều là Không.
Nên biết vô minh Không cho đến lão tử cũng Không.
Nên biết ngã Không cho đến người thấy cũng Không.
Nên biết bố thí Ba-la-mật-đa Không cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng Không.
Nên biết bốn tịnh lự Không, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng Không.
Nên biết bốn niệm trụ Không cho đến tám chi thánh đạo cũng Không.
Nên biết pháp môn giải thoát không Không, cho đến pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện cũng Không.
Nên biết tám giải thoát Không cho đến mười biến xứ cũng Không.
Nên biết Tịnh quán địa Không cho đến Như Lai địa cũng Không.
Nên biết Cực hỉ địa Không cho đến Pháp vân địa cũng Không.
Nên biết pháp môn Đà-la-ni Không, cho đến pháp môn Tam-ma-địa cũng Không.
Nên biết năm loại mắt Không cho đến sáu phép thần thông cũng Không.
Nên biết mười lực của Như Lai Không, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng Không.
Nên biết đại từ Không, đại bi, đại hỉ, đại xả cũng Không.
Nên biết ba mươi hai tướng Không, tám mươi vẻ đẹp cũng Không.
Nên biết pháp không quên mất Không, tánh luôn luôn xả cũng Không.
Nên biết trí nhất thiết Không, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng Không.
Nên biết quả Dự lưu Không cho đến Độc giác Bồ-đề cũng Không.
Nên biết tất cả hạnh Đại Bồ-tát Không, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng Không.
Nên biết nghiêm tịnh cõi Phật Không, thành thục hữu tình cũng Không.
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thấy tất cả pháp đều Không, rồi mới vì các hữu tình mà giảng thuyết các pháp làm cho xa lìa sự điên đảo. Mặc dù vì hữu tình mà giảng thuyết các pháp nhưng đối với hữu tình và tất cả pháp đều vô sở đắc, đối với các tướng Không chẳng thêm chẳng bớt, không lấy không bỏ. Do nhân duyên này tuy nói các pháp nhưng không có chỗ để nói.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này đối với tất cả pháp, khi quán như thế chứng được trí vô chướng. Do chứng được trí này, nên chẳng làm hư hoại các pháp không hai, không còn phân biệt, vì các hữu tình mà như thật giảng thuyết làm cho họ lìa vọng tưởng điên đảo chấp trước, tùy sự tu hành đạt tới quả Tam thừa. Như có Như Lai hóa làm một vị Phật. Vị Phật này có thể hóa làm vô lượng một trăm ức hữu tình. Khi vị hóa Phật kia có thể dạy cho họ đã hóa ra ấy hoặc làm cho họ tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến làm cho tu hành đạt đến trí nhất thiết tướng, hoặc làm cho chứng đắc quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề, hoặc làm cho đầy đủ tất cả hạnh Đại Bồ-tát, hoặc làm cho chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Ý ông thế nào? Khi ấy vị hóa Phật và chúng hữu tình được hóa ra, giả sử đối với các pháp có sự phân biệt và phá hoại không?
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Không có các chỗ biến hóa đối với tất cả pháp không có phân biệt.
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Do nhân duyên này nên biết chúng Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì các hữu tình nên như thật giảng thuyết chánh pháp, tuy chẳng phân biệt về pháp tướng pháp hoại, nhưng có thể như thật giáo hóa hữu tình, làm cho họ an trụ vào chỗ nên trụ, tuy đối với hữu tình và tất cả pháp đều vô sở đắc, nhưng làm cho hữu tình giải thoát vọng tưởng điên đảo chấp trước, vì không trói không mở làm phương tiện.
Vì sao? Vì sắc cho đến thức bản tánh không trói không mở, nên bản tánh của pháp không trói không mở thì pháp ấy chẳng phải sắc cho đến chẳng phải thức. Vì sao? Vì sắc cho đến thức đều hoàn toàn thanh tịnh; nói rộng cho đến các pháp hữu vi và pháp vô vi bản tánh không trói không mở. Nếu bản tánh của pháp không trói không mở thì pháp ấy chẳng hữu vi chẳng vô vi. Vì sao? Vì hữu vi cho đến vô vi đều hoàn toàn thanh tịnh.
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đem vô sở trụ để làm phương tiện trụ trong tất cả pháp vô sở đắc. Nghĩa là đem vô sở đắc mà làm phương tiện trụ sắc uẩn Không, đem vô sở đắc mà làm phương tiện trụ vào thọ, tưởng, hành, thức uẩn Không; nói rộng cho đến đem vô sở đắc mà làm phương tiện trụ pháp hữu vi Không, đem vô sở đắc mà làm phương tiện trụ pháp vô vi Không.
Thiện Hiện nên biết! Sắc uẩn vô sở trụ, thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng vô sở trụ. Sắc uẩn Không vô sở trụ, thọ, tưởng, hành, thức uẩn Không cũng vô sở trụ. Tuần tự cho đến pháp hữu vi vô sở trụ; pháp vô vi cũng vô sở trụ. Pháp hữu vi Không vô sở trụ; pháp vô vi Không cũng vô sở trụ. Vì sao? Vì các pháp như thế và các pháp Không đều vô tự tánh, đều bất khả đắc, chẳng phải pháp vô tự tánh bất khả đắc mà có sở trụ.
Thiện Hiện nên biết! Chẳng phải pháp vô tánh trụ pháp vô tánh; chẳng phải pháp hữu tánh trụ pháp hữu tánh; chẳng phải pháp vô tánh trụ pháp hữu tánh; chẳng phải pháp hữu tánh trụ pháp vô tánh; chẳng phải pháp tự tánh trụ pháp tự tánh; chẳng phải pháp tha tánh trụ pháp tha tánh; chẳng phải pháp tự tánh trụ pháp tha tánh; chẳng phải pháp tha tánh trụ pháp tự tánh. Vì sao? Vì tất cả pháp đều bất khả đắc, pháp bất khả đắc làm sao trụ được?
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng các Không này tu tập các pháp, cũng có thể như thật giảng thuyết khai thị cho hữu tình.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thì đối với chư Phật, Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn các chúng hiền thánh đều không sanh tội lỗi.
Vì sao? Vì chư Phật, Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn đối với pháp tánh này đều đã giác ngộ, đã giác ngộ rồi vì các hữu tình mà giảng thuyết một cách như thật. Mặc dù vì hữu tình giảng thuyết các pháp nhưng đối với pháp tánh thì không chuyển, không vượt. Vì sao? Vì thật tánh của các pháp tức là pháp giới chơn như thật tế. Pháp giới chơn như thật tế đều chẳng thể chuyển cũng chẳng thể vượt. Vì sao? Vì pháp giới chơn như thật tế như thế đều không có tự tánh, cũng không thể nắm bắt, vì chẳng phải không thể nắm bắt mà có chuyển vượt.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu chơn pháp giới chơn như thật tế không chuyển không vượt như vậy thì sắc uẩn cho đến pháp hữu vi, vô vi cùng với pháp giới chơn như thật tế có khác nhau không?
Phật dạy:
- Không khác nhau. Sắc uẩn cho đến pháp hữu vi, vô vi không khác pháp giới chơn như thật tế.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu sắc uẩn cho đến pháp hữu vi, vô vi không khác pháp giới chơn như thật tế thì tại sao Thế Tôn lập ra hắc nghiệp cảm, hắc dị thục, nghĩa là địa ngục, bàng sanh, cõi quỉ; lập ra bạch nghiệp cảm, bạch dị thục, nghĩa là nhơn thiên; lập ra hắc bạch nghiệp cảm, hắc bạch dị thục, nghĩa là một phần bàng sanh, cõi quỉ và một phần nhơn; lập ra chẳng phải hắc nghiệp, chẳng phải bạch nghiệp cảm, chẳng phải hắc chẳng phải bạch dị thục, nghĩa là quả Dự lưu cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ta nương vào thế tục mà lập ra nhân quả khác nhau như thế, không nương vào thắng nghĩa, nếu nương vào thắng nghĩa đế thì không thể nói có nhân quả khác nhau. Vì sao? Trong thắng nghĩa đế, các pháp tánh tướng không thể phân biệt, không thể nói, không thể chỉ bày thì làm sao có nhân quả khác nhau.
Thiện Hiện nên biết! Trong thắng nghĩa đế, sắc uẩn cho đến pháp hữu vi, vô vi không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Bởi vì pháp rốt ráo Không, pháp vô tế Không. Quyển thứ 531
HẾT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.190.253.56 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.