Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 428 »»

Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 428

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.57 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.66 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Kinh này có 600 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 417 | 418 | 419 | 420 | 421 | 422 | 423 | 424 | 425 | 426 | 427 | 428 | 429 | 430 | 431 | 432 | 433 | 434 | 435 | 436 | 437 | 438 | 439 |
Việt dịch: Thích Trí Nghiêm

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

02
Bấy giờ, trời Ðế Thích bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế rất là hiếm có, điều phục chúng Đại Bồ-tát, chẳng cho tâm cống cao, có khả năng hồi hướng trí nhất thiết trí.
Phật hỏi trời Ðế Thích:
- Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã Ba-la-mật-đa điều phục chúng Đại Bồ-tát, chẳng cho tâm cống cao, có khả năng hồi hướng trí nhất thiết trí như thế nào?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi hành bố thí Ba-la-mật-đa thế gian, nếu ở chỗ Phật mà hành bố thí, nghĩ như thế này: Ta cúng cho Phật, hoặc khi bố thí cho Bồ-tát, Ðộc giác, Thanh văn, những kẻ côi cút, bần cùng, già, bệnh, hành khất xin ăn, thì nghĩ: Ta thí cho Bồ-tát đến cả ăn xin, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, tuy hành bố thí nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa thế gian, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; hoặc cho rằng: Ta có khả năng viên mãn tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, tuy hành tịnh giới cho đến Bát-nhã nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành bốn niệm trụ thế gian, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng tu hành bốn niệm trụ; hoặc cho rằng: Ta có khả năng viên mãn bốn niệm trụ, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, tuy hành bốn niệm trụ nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng tu hành bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo; hoặc cho rằng: Ta có khả năng viên mãn bốn chánh đoạn cho đến chi tám thánh đạo, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, tuy hành bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng tu hành không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn; hoặc cho rằng: Ta có khả năng viên mãn không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, tuy hành không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng tu hành tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni; hoặc cho rằng: Ta có khả năng viên mãn tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, nên tuy hành tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành mười lực Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng tu hành mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc cho rằng: Ta có khả năng viên mãn mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, nên tuy hành mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; hoặc cho rằng: Ta có khả năng viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, nên tuy hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, mà nghĩ thế này: Ta có khả năng thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, ngoài ta ra không ai có khả năng này, thì Đại Bồ-tát này, vì không có phương tiện thiện xảo, tuy thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật nhưng với tâm cống cao, nên chẳng thể hồi hướng trí nhất thiết trí được.
Bạch đức Thế Tôn! Chúng Đại Bồ-tát như thế, nương tâm thế gian tu các thiện pháp, vì không có phương tiện thiện xảo, chấp ngã, ngã sở làm rối loạn tâm, nên tuy tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà chưa được, chẳng có khả năng như thật điều phục tâm cống cao, cũng chẳng có khả năng như thật hồi hướng trí nhất thiết trí.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát khi hành bố thí Ba-la-mật-đa xuất thế, vì khéo tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì chẳng thấy người thí, kẻ thọ thí, vật bố thí. Ðại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà hành bố thí, nên có khả năng như thật điều phục tâm cống cao, cũng có khả năng hồi hướng trí nhất thiết trí.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát khi hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa xuất thế, vì khéo tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì chẳng thủ đắc tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã và tất cả pháp. Ðại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã Ba-la-mật-đa, hành tịnh giới cho đến Bát-nhã, nên có khả năng như thật điều phục tâm cống cao, cũng có khả năng hồi hướng trí nhất thiết trí.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát khi hành bốn niệm trụ xuất thế, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng, vì khéo tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì chẳng thủ đắc bốn niệm trụ, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng và tất cả pháp. Ðại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã Ba-la-mật-đa, hành bốn niệm trụ, nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng, nên có khả năng như thật điều phục tâm cống cao, cũng có khả năng hồi hướng trí nhất thiết trí.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát khi thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, vì khéo tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì chẳng thủ đắc thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật và tất cả pháp. Ðại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, nên có khả năng như thật điều phục tâm cống cao, cũng có khả năng hồi hướng trí nhất thiết trí.
Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên đây nên con nói: Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế rất là hiếm có, điều phục chúng Bồ-tát, chẳng cho tâm cống cao, có khả năng hồi hướng trí nhất thiết trí.
XXX. PHẨM BẢO THÁP
Bấy giờ, Phật bảo trời Ðế Thích:
- Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hay đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó, thân thường yên ổn, tâm luôn vui vẻ, chẳng bị các tai họa xâm phạm não hại.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa này, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, gần gũi cúng dường, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử thiện nữ nhân đó, khi ở trong quân đội xáp trận giao chiến, mà chí tâm tụng niệm Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, sẽ được các hữu tình từ bi ủng hộ, chẳng bị dao gậy làm tổn thương, kẻ oán địch đều khởi từ tâm, nếu họ khởi ác tâm thì tự nhiên lui bại. Các thiện nam tử thiện nữ nhân đó, nếu ở trong quân trận mà bị dao tên làm thương tổn, đoạn mất thân mạng thì quyết không có lẽ ấy. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó lấy vô sở đắc làm phương tiện, nhiều kiếp tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên tự có khả năng hàng phục dao gậy tham dục, cũng có khả năng trừ được dao gậy tham dục của người khác; tự có khả năng hàng phục dao gậy giận dữ, cũng có khả năng trừ được dao gậy giận dữ của người khác; tự có khả năng hàng phục dao gậy ngu si, cũng có khả năng trừ được dao gậy ngu si của người khác; tự có khả năng hàng phục dao gậy kiêu mạn, cũng có khả năng trừ được dao gậy kiêu mạn của người khác; tự có khả năng hàng phục dao gậy ác kiến, cũng có khả năng trừ được dao gậy ác kiến của người khác; tự có khả năng hàng phục dao gậy tùy miên, cũng có khả năng trừ được dao gậy tùy miên của người khác; tự có khả năng hàng phục dao gậy triền cấu, cũng có khả năng trừ được dao gậy triền cấu của người khác; tự có khả năng hàng phục dao gậy ác nghiệp, cũng có khả năng trừ được dao gậy ác nghiệp của người khác.
Này Kiều-thi-ca! Do nhân duyên đây nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó, nếu vào quân trận thì chẳng bị dao gậy làm tổn thương, kẻ oán địch đều khởi từ tâm, nếu họ khởi ác tâm thì tự nhiên lui bại. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó chí tâm niệm tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, nhờ sức oai thần đây, nếu ở trong quân trận mà bị dao tên làm tổn thương, đoạn mất thân mạng thì quyết không có lẽ ấy.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, thường đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa xa sâu như thế, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó chẳng bị tất cả độc dược, đồng cốt, quỷ mỵ, ếm rủa, chú thuật não hại; chẳng bị nước dìm, chẳng bị lửa đốt; tất cả dao gậy, ác thú, oán tặc, ác thần, chúng tà, yêu quái… chẳng làm tổn hại được. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế là Ðại thần chú. Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế là Ðại minh chú. Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế là Vô thượng chú. Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế là Vô đẳng đẳng chú. Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế là vua tất cả chú, vô cùng thượng diệu, không gì sánh bằng, đủ đại uy lực, điều phục tất cả, mà chẳng bị tất cả điều phục. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đó tinh cần tu học chú vương (vua tất cả chú) như thế, tự mình chẳng bị hại, chẳng làm hại người khác, cả hai chẳng bị hại. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì các thiện nam tử thiện nữ nhân đó học Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, rõ thấu mình-người đều chẳng thể nắm bắt được.
Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó khi học Ðại chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, chẳng nắm bắt ngã, chẳng nắm bắt hữu tình, cho đến chẳng thấy người biết, chẳng thấy người thấy; chẳng nắm bắt sắc, chẳng nắm bắt thọ, tưởng, hành, thức; cho đến chẳng nắm bắt trí nhất thiết, chẳng nắm bắt trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Vì chẳng nắm bắt những cái này, nên tự mình chẳng bị hại, chẳng làm hại người khác, cả hai chẳng bị hại.
Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó, khi học Ðại chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, đối với ngã và pháp tuy không nắm bắt nhưng vẫn chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, quán tâm hành sai khác của các hữu tình, tùy nghi chuyển bánh xe pháp Vô thượng, khiến cho họ như thuyết tu hành, đều được lợi ích an vui. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì chúng Đại Bồ-tát quá khứ đối với Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, tinh cần tu học, đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp độ vô lượng chúng. Chúng Đại Bồ-tát vị lai đối với Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, tinh cần tu học, sẽ chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp độ vô lượng chúng. Các chúng Đại Bồ-tát hiện tại khắp mười phương vô biên thế giới, đối với Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, tinh cần tu học, hiện đang chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp độ vô lượng chúng.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó ở bất cứ nơi đâu trong cõi nước, thành ấp, không bị người và phi nhơn ở nơi đó gây tai họa, đem tật dịch làm thương hại. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó ở bất cứ nơi đâu, cũng được chúng trời Tứ đại vương, cho đến trời Sắc cứu cánh và các rồng, thần, A-tố-lạc… trong Tam thiên đại thiên thế giới và mười phương vô biên các thế giới khác, thường đến bảo hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, chẳng để cho Bát-nhã Ba-la-mật-đa bị nạn.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào viết Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, tôn trí để chỗ thanh tịnh, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, tuy chẳng lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, cũng chẳng vì người khai thị giảng nói, nhưng ở bất cứ nơi đâu trong cõi nước, thành ấp, vương đô, không bị người và phi nhơn ở nơi đó gây tai họa, đem tật dịch làm thương hại. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế ở bất cứ nơi đâu, cũng được chúng trời Tứ đại vương, cho đến trời Sắc cứu cánh và các rồng, thần, A-tố-lạc… trong Tam thiên đại thiên thế giới và mười phương vô biên các thế giới khác, thường đến bảo hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, chẳng để cho Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa bị nạn.
Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đó chỉ viết Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tôn trí để chỗ thanh tịnh, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen mà còn được hiện pháp lợi ích như thế, huống nữa là chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý và vì người khai thị giảng nói, thì nên biết hạng người này công đức vô biên, mau chứng Bồ-đề, làm lợi ích an lạc cho tất cả.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào mà sợ hãi oan gia, ác thú, tai họa, ếm rủa, tật dịch, độc dược, chú thuật… thì nên viết Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, tùy theo chỗ viết được nhiều ít, đựng trong túi thơm, đặt trong ống trúc báu, luôn đeo bên thân, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì các việc sợ hãi đều tự tiêu trừ, vì được trời, rồng, quỷ thần thường theo bảo hộ.
Này Kiều-thi-ca! Ví như có người, hoặc loài bàng sanh vào viện cội Bồ-đề, hoặc đến bên viện kia thì nhơn phi nhơn… chẳng thể làm tổn thương. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều ngồi nơi đây chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Sau khi chứng được Bồ-đề, các Ngài thí cho các loài hữu tình sự không kinh sợ, không hãi hùng, không oán, không hại, thân tâm yên vui; an lập vô lượng vô số hữu tình, khiến cho trụ nơi diệu hạnh tôn quý của trời, người; an lập vô lượng vô số hữu tình, khiến cho trụ nơi diệu hạnh an lạc của Tam thừa; an lập vô lượng vô số hữu tình, khiến cho hiện chứng được quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán; an lập vô lượng vô số hữu tình, khiến cho chứng được Ðộc giác Bồ-đề, hoặc chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Việc làm thù thắng như thế đều do sức uy thần của Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Cho nên chỗ này, tất cả trời, rồng, A-tố-lạc… đều cùng nhau bảo hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Nên biết rằng, kinh điển Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa này ở bất cứ nơi đâu cũng lại như vậy, được tất cả trời, rồng, A-tố-lạc… thường theo bảo hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, chẳng để cho Bát-nhã Ba-la-mật-đa bị nạn.
Này Kiều-thi-ca! Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế ở bất cứ nơi đâu thì phải biết rằng chỗ ấy tức là chơn Chế-đa (miếu thiêng, tháp), tất cả hữu tình đều nên kính lễ, phải đem các loại thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quí hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… mà cúng dường.
Bấy giờ, trời Ðế Thích bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân… viết kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, trang nghiêm đủ loại cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, lại đem các loại thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quí hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… mà cúng dường; lại có các thiện nam tử, thiện nữ nhân… khác, sau Phật Niết-bàn, xây bảo tháp (Tốt-đổ-ba), dùng bảy báu nghiêm sức hộp ngọc đựng Thiết-lợi-la (Xá-lợi) của Phật, rồi an trí trong bảo tháp, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen; lại đem các loại thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quí hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… mà cúng dường, thì hai chỗ sanh phước ấy, chỗ nào sanh nhiều hơn?
Phật bảo:
- Này Kiều-thi-ca! Ta hỏi lại ông, cứ tùy ý đáp. Theo ý ông thì sao? Trí nhất thiết tướng và thân tướng hảo của Như Lai đạt được là do nương vào những pháp nào tu học mà được?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Trí nhất thiết tướng và thân tướng hảo của Như Lai đạt được là do nương vào kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây tu học mà được.
Phật nói:
- Này Kiều-thi-ca! Ðúng vậy, đúng vậy. Ðúng như ông đã nói. Như Lai nương vào kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa tu học, nên được trí nhất thiết tướng và thân tướng hảo. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì chẳng học kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, điều này không thể có.
Này Kiều-thi-ca! Chẳng phải chỉ có được thân tướng hảo gọi là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, mà cần phải do chứng được trí nhất thiết tướng mới gọi là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.
Này Kiều-thi-ca! Trí nhất thiết tướng mà Như Lai đạt được phải do Bát-nhã Ba-la-mật-đa làm nhân sanh khởi, còn thân tướng hảo của Phật chỉ là chỗ nương. Nếu chẳng nương vào thân tướng hảo của Phật thì trí nhất thiết tướng không từ đâu mà phát khởi. Cho nên Bát-nhã Ba-la-mật-đa chính là nhân sanh khởi trí nhất thiết trí. Nhưng muốn cho trí hiện tiền này tiếp nối liên tục thì phải tu tập thân tướng hảo Phật. Thân tướng hảo đây, nếu chẳng phải là chỗ nương của biến trí thì tất cả trời, rồng, nhơn phi nhơn chẳng nên hết lòng cúng dường cung kính. Vì thân tướng hảo làm chỗ nương tựa cho biến trí của Phật nên chư thiên, rồng, thần, nhơn phi nhơn… cúng dường cung kính. Bởi duyên cớ này nên sau khi Như Lai Niết-bàn, chư thiên rồng, thần, nhơn phi nhơn… cúng dường cung kính Thiết-lợi-la của Như Lai.
Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen thì chính là cúng dường trí nhất thiết tướng và thân tướng hảo của Phật, cùng với Thiết-lợi-la sau khi Phật Niết-bàn. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì trí nhất thiết tướng và thân tướng hảo cùng với Thiết-lợi-la đều lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa làm căn bản.
Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân… chỉ cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen thân Phật và Thiết-lợi-la, thì chẳng phải là cúng dường trí nhất thiết tướng và Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì di thể thân Phật chẳng phải làm căn bản cho Bát-nhã Ba-la-mật-đa và trí nhất thiết tướng.
Này Kiều-thi-ca! Do nhân duyên đây, nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân… nếu muốn cúng dường Phật, hoặc thân, hoặc tâm, và các công đức khác thì trước hết phải chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và đem đủ loại phẩm vật thượng diệu cúng dường kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây.
Vì vậy, này Kiều-thi-ca! Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân… viết kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, trang nghiêm đủ loại cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, hoặc đem các loại thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các trân châu vi diệu quí hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… mà cúng dường, lại có các thiện nam tử, thiện nữ nhân… khác, sau khi Phật Niết-bàn, xây dựng bảo tháp (Tốt-đổ-ba), dùng bảy báu nghiêm sức, hộp báu đựng Thiết-lợi-la của Phật, an trí trong bảo tháp, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, hoặc đem các loại thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quí hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng cúng dường, thì hai chỗ sanh phước, chỗ trước sanh nhiều hơn chỗ sau gấp vô lượng. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế làm cho phát sanh bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; làm cho hiển bày nội không cho đến vô tánh tự tánh không; làm cho phát sanh bốn niệm trụ, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; làm cho phát sanh tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni; làm cho thành tựu việc thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật; làm cho tộc họ Đại Bồ-tát viên mãn, sắc lực viên mãn, của cải viên mãn, quyến thuộc viên mãn; hay thành tựu được tất cả đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả; hay thành tựu được đại tộc Sát-đế-lợi, đại tộc Bà-la-môn, đại tộc Trưởng giả, đại tộc Cư sĩ, chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh thế gian; hay thành tựu được trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ thế gian; hay thành tựu được quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề; hay thành tựu được hạnh Đại Bồ-tát, Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề của chư Phật; hay thành tựu được trí nhất thiết tướng của tất cả đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác tối thượng, tối thắng, không gì bằng.
Bấy giờ, trời Ðế Thích thưa với Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Ðối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, người châu Thiệm-bộ chẳng cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Lẽ nào họ chẳng biết cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa là có được công đức thù thắng lợi ích như thế chăng?
Phật bảo:
- Này Kiều-thi-ca! Như Lai hỏi lại ông, cứ tùy ý đáp. Theo ý ông thì sao? Trong châu Thiệm-bộ có bao nhiêu người thành Phật chứng tịnh, thành Pháp chứng tịnh, thành Tăng chứng tịnh? Có bao nhiêu người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi? Có bao nhiêu người hoàn toàn thâm tín Phật, hoàn toàn thâm tín Pháp, hoàn toàn thâm tín Tăng? Có bao nhiêu người được ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần? Có bao nhiêu người được ba môn giải thoát? Có bao nhiêu người được tám giải thoát? Có bao nhiêu người được chín định thứ lớp? Có bao nhiêu người được sáu phép thần thông? Có bao nhiêu người được bốn vô ngại giải? Có bao nhiêu người dứt hẳn ba sự trói buộc, được quả Dự lưu? Có bao nhiêu người làm mỏng tham sân si, được quả Nhất lai? Có bao nhiêu người dứt sạch năm thuận hạ phần trói buộc, được quả Bất hoàn? Có bao nhiêu người dứt sạch năm thuận thượng phần trói buộc, được quả A-la-hán? Có bao nhiêu người phát tâm hướng đến Ðộc giác Bồ-đề? Có bao nhiêu người phát tâm hướng tới Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề của chư Phật?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Trong châu Thiệm-bộ có rất ít người thành Phật chứng tịnh, thành Pháp chứng tịnh, thành Tăng chứng tịnh; cho đến có rất ít người phát tâm hướng tới Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề của chư Phật.
Khi ấy, Phật bảo trời Ðế Thích:
- Ðúng vậy, đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Này Kiều-thi-ca! Trong châu Thiệm-bộ có rất ít người thành Phật chứng tịnh, thành Pháp chứng tịnh, thành Tăng chứng tịnh. Càng có ít người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi. Cho đến lại càng có ít người phát tâm hướng đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề của chư Phật. Lại càng có ít người đã phát tâm rồi, tinh cần tu tập, hướng tới hạnh Bồ-đề. Lại càng có quá ít người tinh cần tu tập hạnh Bồ-đề rồi, chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì các loài hữu tình trôi lăn trong sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay phần nhiều chẳng thấy Phật, chẳng nghe Chánh pháp, chẳng gần gũi Tăng; chẳng hành bố thí, chẳng trì tịnh giới, chẳng tu an nhẫn, chẳng khởi tinh tấn, chẳng tập tĩnh lự, chẳng học Bát-nhã; chẳng nghe nội không, chẳng tu nội không, cho đến chẳng nghe vô tánh tự tánh không, chẳng tu vô tánh tự tánh không; chẳng nghe bốn niệm trụ, chẳng tu bốn niệm trụ; cho đến chẳng nghe mười tám pháp Phật bất cộng, chẳng tu mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng nghe tất cả môn Tam-ma-địa, chẳng tu tất cả môn Tam-ma-địa; chẳng nghe tất cả môn Ðà-la-ni, chẳng tu tất cả môn Ðà-la-ni; chẳng nghe trí nhất thiết, chẳng tu trí nhất thiết; chẳng nghe trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, chẳng tu trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Này Kiều-thi-ca! Do nhân duyên này, nên biết trong châu Thiệm-bộ có rất ít người thành Phật chứng tịnh, thành Pháp chứng tịnh, thành Tăng chứng tịnh; càng có ít người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi; cho đến lại càng có ít người phát tâm hướng đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề của chư Phật; lại càng có ít người đã phát tâm rồi, tinh tấn siêng năng tu tập hướng tới hạnh Bồ-đề; lại càng có quá ít người tinh tấn siêng năng tu tập hạnh Bồ-đề rồi, chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nay Như Lai hỏi ông, cứ tùy ý đáp. Này Kiều-thi-ca! Theo ý ông thì sao? Trừ nhân loại của châu Thiệm-bộ ra, trong Tam thiên đại thiên thế giới đây, có bao nhiêu hữu tình cúng dường cung kính phụ mẫu, Sư trưởng? Có bao nhiêu hữu tình cúng dường cung kính Sa-môn, Bà-la-môn? Có bao nhiêu hữu tình bố thí, trì giới, thọ trai, tu phước? Có bao nhiêu hữu tình ở trong các dục mà trụ tưởng nhàm chán, tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn, tưởng tất cả thế gian chẳng đáng vui? Có bao nhiêu hữu tình tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định? Có bao nhiêu hữu tình phát tâm hướng đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề của chư Phật? Có bao nhiêu hữu tình đã phát tâm rồi, tinh tấn siêng năng tu tập hướng tới hạnh Bồ-đề? Có bao nhiêu hữu tình luyện mài trưởng dưỡng tâm hướng tới Bồ-đề? Có bao nhiêu hữu tình phương tiện thiện xảo tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa? Có bao nhiêu hữu tình được trụ bậc Bồ-tát bất thối chuyển? Có bao nhiêu hữu tình mau chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Trong Tam thiên đại thiên thế giới đây, ít có hữu tình cúng dường cung kính phụ mẫu, Sư trưởng; cho đến ít có hữu tình mau chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề.
Phật dạy:
- Này Kiều-thi-ca! Ðúng vậy, đúng vậy. Ðúng như ông đã nói. Này Kiều-thi-ca! Trong Tam thiên đại thiên thế giới đây rất ít có hữu tình cúng dường, cung kính phụ mẫu, Sư trưởng. Càng ít có hữu tình cúng dường, cung kính Sa-môn, Bà-la-môn. Cho đến lại càng ít có hữu tình được trụ bật Bồ-tát bất thổi chuyển. Lại càng có quá ít hữu tình mau chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Bằng Phật nhãn thanh tịnh vô thượng, Như Lai xem khắp mười phương tất cả thế giới, tuy có vô lượng vô số vô biên hữu tình phát tâm hướng đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, tinh cần tu tập hướng đến hạnh Bồ-đề, nhưng do xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, nên chỉ có một, hoặc hai, hoặc ba hữu tình là được trụ bậc Bồ-tát Bất thối chuyển, còn đa phần đều rơi vào trong bậc thấp kém Thanh văn, Ðộc giác. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì quả vị Vô thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề của chư Phật rất khó chứng được, nên hạng ác tuệ, lười nhác, tinh tấn thấp kém, thắng giải thấp kém, hữu tình thấp kém chẳng thể chứng được.
Này Kiều-thi-ca! Do nhân duyên này, nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… phát tâm hướng đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, tinh cần tu tập hướng đến hạnh Bồ-đề, muốn trụ bậc Bồ-tát Bất thối chuyển mau chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề không lưu nạn ấy, thì nên đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế hằng thường lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu tập, suy nghĩ đúng lý, hay thích hỏi minh sư, vui nói cho người. Làm việc này rồi, lại nên biên chép, dùng các thứ bảo vật để trang nghiêm, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen; lại đem các phẩm vật thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, chuỗi anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quí hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng mà cúng dường.
Này Kiều-thi-ca! Ðối với các pháp lành thù thắng khác nhiếp vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này cũng nên lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu tập, suy nghĩ đúng lý, hay thích hỏi minh sư, vui nói cho người.
Các pháp lành thù thắng nào được gọi là nhiếp vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa? Ðó là bố thí cho đến tĩnh lự Ba-la-mật-đa; hoặc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni; hoặc bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả; hoặc vô lượng vô biên Phật pháp khác. Ðây gọi là các pháp lành thù thắng khác nhiếp vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Này Kiều-thi-ca! Ðối với vô lượng pháp môn khác như uẩn, xứ, giới… thuận theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này cũng nên lắng nghe, thọ trì đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, chẳng nên bài báng khiến cho Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề bị nạn. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này nên nghĩ như vầy: Thuở xưa Như Lai trụ ngôi Bồ-tát, thường siêng tu học pháp thuận Bồ-đề, đó là Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa; hoặc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc tất cả môn Tam-ma-địa, môn đà-la-ni; hoặc bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả; hoặc vô lượng vô biên Phật pháp khác; hoặc vô lượng pháp môn khác như uẩn, xứ, giới… thuận theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Do đây, Như Lai chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Chúng ta ngày nay vì cầu Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, cũng nên theo học các pháp của Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế. Nhất định đây là Ðại sư của chúng ta, chúng ta theo đây tu học thì sở nguyện sẽ được viên mãn. Các pháp của Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế nhất định là pháp ấn của chư Phật. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác theo đây tu học nên đã chứng, đang chứng và sẽ chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Các pháp của Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, cũng là pháp ấn tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác theo đây tu học, nên đã, đang và sẽ đến bờ kia Niết-bàn.
Vì vậy, này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này, hoặc khi Phật còn tại thế, hoặc sau khi Phật Niết-bàn, nên nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng mà tinh tấn siêng năng tu học. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế cho đến trí nhất thiết tướng là chỗ nương về của các Thanh văn, Ðộc giác, Bồ-tát và các trời, người, A-tố-lạc…
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Có các thiện nam tử, thiện nữ nhân…, sau khi các đức Như Lai vào Niết-bàn, vì cúng dường Thiết-lợi-la của Phật nên đã xây dựng bảo tháp bằng bảy báu vi diệu, trang hoàng tháp bằng các thứ trân châu quý hiếm. Bảo tháp ấy cao lớn một do-tuần, rộng nửa do-tuần. Họ lại dùng các loại thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quý hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… trọn đời cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này, nhờ nhân duyên đây được phước nhiều chăng?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch đức Thiện Thệ! Rất nhiều.
Phật bảo:
- Này Kiều-thi-ca! Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc kính cẩn biên chép, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, hoặc đem các loại thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quý hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… cúng dường, thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đó, nhờ nhân duyên đây mà sanh phước rất nhiều, hơn những chúng sanh kia vô lượng vô biên.
Này Kiều-thi-ca! Thôi, hãy gác việc này lại. Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, sau khi các đức Như Lai vào Niết-bàn, vì cúng dường Thiết-lợi-la của Phật, nên đã xây dựng bảo tháp bằng bảy báu vi diệu, trang hoàng bằng các thứ ngọc quý hiếm. Bảo tháp ấy cao một do-tuần, rộng nửa do-tuần. Tháp này được xây như vậy khắp cả châu Thiệm-bộ, hoặc khắp cả bốn Ðại châu, hoặc khắp cả cõi Tiểu thiên, hoặc khắp cả cõi Trung thiên, hoặc khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới; lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, trọn đời cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này, nhờ nhân duyên đây được phước nhiều chăng?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch đức Thiện Thệ! Rất nhiều.
Phật bảo:
- Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc kính cẩn biên chép, trang nghiêm cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen; lại đem các loại tràng hoa thượng diệu cho đến các loại đèn sáng… cúng dường, thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này, nhờ nhân duyên đây mà được sanh phước rất nhiều, hơn những chúng sanh kia vô lượng vô biên.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Chẳng những chỉ có một Tam thiên đại thiên thế giới, mà giả sử các chúng hữu tình trong Tam thiên đại thiên thế giới đều đối với đức Như Lai sau khi vào Niết-bàn, vì cúng dường Thiết-lợi-la của Phật nên đã xây dựng bảo tháp bằng bảy báu vi diệu, ở giữa trang hoàng bằng nhiều thứ trân châu quý hiếm. Bảo tháp ấy cao một do-tuần, rộng nửa do-tuần. Tháp này được xây như vậy khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới, không còn một khe hở; lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, trọn đời cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Các chúng hữu tình khắp cõi Tam thiên đại thiên thế giới như vậy, nhờ nhân duyên đây được phước nhiều chăng?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch đức Thiện Thệ! Rất nhiều.
Phật bảo:
- Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc kính cẩn biên chép, trang nghiêm cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen; lại đem nhiều tràng hoa đẹp cho đến các loại đèn sáng… cúng dường, thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này, nhờ nhân duyên đây được sanh phước rất nhiều, hơn những chúng sanh kia vô lượng vô biên.
Khi ấy, trời Ðế Thích liền bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Ðúng như vậy. Bạch đức Thiện Thệ! Ðúng như vậy. Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, tức là cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.
Bạch đức Thế Tôn! Giả sử tất cả hữu tình mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng, đều đối với đức Như Lai sau khi vào Niết-bàn, vì cúng dường Thiết-lợi-la của Phật nên đã xây dựng bảo tháp bằng bảy báu vi diệu, ở giữa trang hoàng bằng các thứ trân châu quý hiếm. Bảo tháp ấy cao một do-tuần, rộng nửa do-tuần. Tháp này được xây như vậy khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới, không còn một khe hở; lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng mà cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp. Bạch đức Thế Tôn! Các hữu tình này, nhờ nhân duyên đây được phước nhiều chăng?
Phật đáp:
- Phước kia vô lượng vô biên.
Trời Ðế Thích nói:
- Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, đem vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc kính cẩn biên chép, trang nghiêm đủ loại cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, hoặc đem nhiều tràng hoa đẹp cho đến các loại đèn sáng… mà cúng dường, thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này, nhờ nhân duyên đây được sanh phước rất nhiều, hơn những chúng sanh kia vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính đếm. Vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn! Do Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây hay thu nhiếp chứa hết tất cả các thiện pháp: Ðó là mười thiện nghiệp đạo; hoặc bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định; hoặc bốn Thánh đế quán; hoặc ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần; hoặc ba môn giải thoát; hoặc sáu thần thông; hoặc tám giải thoát, chín định thứ lớp; hoặc bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; hoặc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni; hoặc mười lực Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất công; hoặc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; hoặc vô lượng vô biên các Phật pháp khác đều được thu nhiếp vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế là pháp ấn chơn thật của các Đức Như Lai Ứng Cháng Ðẳng Giác, cũng là pháp ấn chơn thật của tất cả Thanh văn, Ðộc giác.
Bạch đức Thế Tôn! Tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường siêng tu học nên đã chứng, đang chứng và sẽ chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Tất cả Thanh văn và Ðộc giác cũng đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, thường siêng tu học nên đã, đang và sẽ đến bờ kia Niết-bàn.
Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên đây, nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, đem vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc kính cẩn biên chép, trang nghiêm đủ loại… cho đến dùng đèn sáng… mà cúng dường, thì họ sẽ được phước rất nhiều, vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính đếm.
Quyển Thứ 428
Hết

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 600 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.189.143.1 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập