Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Một thời, Đức Thế Tôn cư trú tại tăng-già-lam Ni-câu-luật-na trong thành Ca-tì-la. Khi ấy có chúng tì-kheo, chư bồ-tát và vô số chúng hội vây quanh nghe Phật nói pháp. Lúc bấy giờ, tôn giả A-nan một mình ở nơi thanh vắng, đang ngồi suy nghiệm, nhớ nghĩ pháp. Vào đêm ấy, sau canh ba, tôn giả thấy một con quỉ đói tên là Diệm Khẩu. Quỉ ấy hình dáng xấu xí, thân thể gầy gò, trong miệng lửa phừng cháy, cổ họng nhỏ như mũi kim, đầu tóc bù xù, móng dài, răng nhọn, trông rất ghê sợ, đứng trước tôn giả A-nan và nói: “Ba ngày sau, ngài sẽ qua đời, vừa qua đời liền sinh làm ngạ quỉ.” [5]
Tôn giả A-nan nghe nói vậy, trong lòng run sợ, hỏi quỉ đói: “Nếu sau khi tôi chết sinh vào đường ngạ quỉ, phải làm cách gì để thoát khỏi khổ ấy?”
Bấy giờ, con quỉ đói thưa: “Ngày mai, nếu ngài có thể dùng cái hộc[6] của nước Ma-ca-đà[7] thường dùng bố thí cho năm nghìn na-do-tha[8] hằng hà sa số[9] quỷ đói và trăm nghìn Bà-la-môn, tiên nhân v.v… mỗi cá nhân một hộc thức ăn, thức uống và thay tôi cúng dường Tam bảo, thì chẳng những ngài sẽ được tăng thọ, mà tôi cũng được thoát khỏi khổ ngạ quỉ và được sinh lên trời.”
Tôn giả A-nan thấy quỉ đói Diệm Khẩu thân thể ốm o, tiều tụy, xấu xí, trong miệng lửa cháy hừng hực, cổ họng nhỏ như đầu kim, đầu tóc bù xù, lông dài, móng nhọn, lại nghe những lời kinh khủng như thế, nên rất sợ hãi, lông tóc dựng đứng. Tôn giả liền rời chỗ ngồi, tức tốc đến gặp Phật, ngũ thể[10] chạm đất, đỉnh lễ dưới chân Phật, toàn thân run rẩy và bạch Phật: “Xin cứu khổ cho con!” Rồi tôn giả A-nan trình bày tiếp: “Lúc con một mình ngồi ở nơi thanh vắng, đang suy nghiệm, nhớ nghĩ pháp thì thấy quỉ đói Diệm Khẩu, quỉ nói với con: ‘Ba ngày nữa ngài sẽ qua đời và sinh làm quỉ đói.’ Con hỏi quỉ: ‘Làm sao tôi khỏi khổ ấy?’ Quỉ đói nói: ‘Nếu ngài có thể bố thí cho trăm nghìn na-do-tha hằng hà sa số quỉ đói và trăm nghìn trăm nghìn Bà-la-môn, tiên nhân v.v… các loại thức ăn, thức uống, thì ngài sẽ được tăng thọ.’”
Thế Tôn! Nay con làm sao có thể chuẩn bị đủ thức ăn để bố thí cho chừng ấy quỉ đói và tiên nhân v.v…? Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với tôn giả A-nan: “Ông đừng sợ! Ta có cách này, có thể giúp ông chuẩn bị đủ thức ăn, thức uống để bố thí cho chừng ấy trăm nghìn hằng hà sa số quỉ đói và các Bà-la-môn, tiên nhân v.v… . Ông đừng lo sợ nữa!”
Đức Phật bảo tôn giả A-an: “Ta có đà-la-ni[11] gọi là Vô lượng uy đức tự tại quang minh thù thắng diệu lực. Nếu người nào tụng đà-la-ni này thì có thể có đầy đủ các loại thức ăn, thức uống thượng diệu; chẳng những đủ để bố thí cho câu-chi,[12] na-do-tha trăm nghìn hằng hà sa số quỉ đói và Bà-la-môn, tiên nhân v.v… những chúng như thế một hộc của nước Ma-già-đà, mà còn có thể bố thí cho mỗi mỗi cá nhân của những chúng ấy bốn mươi chín hộc.”
Này A-nan! Đời trước, khi Ta làm Bà-la-môn, Ta đã học được pháp đà-la-ni này từ bồ-tát Quán Thế Âm và Thế Gian Tự Tại Oai Đức Như Lai, nên Ta có thể bố thí cho vô lượng quỉ đói và các tiên nhân v.v… các loại thức ăn, thức uống; giúp cho các loại quỉ đói thoát khỏi khổ vì thân, được sinh lên trời.
Này A-nan! Nay nếu ông thụ trì, thì phúc đức, thọ mạng đều được tăng trưởng. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói đà-la-ni cho tôn giả A-nan nghe: “Nẵng ma tát phược đa tha, già đa, phược lô chỉ đế. Úm xam bà, la xam bà, la hồng.”
Đức Phật nói với tôn giả A-nan: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào muốn được sống lâu, phúc đức lớn thêm và muốn sớm viên mãn đàn-ba-la-mật,[13] thì vào mỗi sáng sớm hay bất cứ lúc nào mà không bị chướng ngại lấy một cái chén sạch, chứa một ít nước sạch, cho vào một ít cơm hay các loại bánh v.v… tay phải bưng chén và tụng đà-la-ni trước đủ bảy lần; sau đó niệm danh hiệu của bốn đức Như Lai:
-Nẵng mồ, bà già phược đế bát la, bộ, đa la đát nẵng, da da tha, già đa, dã. Trung Quốc dịch là Đa Bảo Như Lai.
Nhờ xưng tụng danh hiệu của đức Đa Bảo Như Lai và gia trì,[14] nên có thể giúp cho tất cả các quỉ đói phá trừ nghiệp ác bỏn xẻn từ nhiều đời trước đến nay và được phúc đức tròn đủ.
- Nẵng mồ, bà già phược đế tố lỗ, ba, da đa tha, già đa, da. Trung Quốc dịch là Diệu Sắc Thân Như Lai.
Nhờ xưng tụng danh hiệu của đức Diệu Sắc Thân Như Lai và gia trì, nên có thể phá trừ hình dáng xấu xí của các quỉ đói và được đầy đủ sắc tướng.
- Nẵng mồ, bà già phược đế vĩ phô lạt già, đát la, dã đát tha, già đa, dã. Trung Quốc dịch là Quảng Bác Thân Như Lai.
Nhờ xưng tụng danh hiệu của đức Quảng Bác Thân Như Lai và gia trì, nên có thể làm cho cổ họng của các quỉ đói được rộng lớn ra và những thức ăn bố thí cho đều tùy ý ăn no đủ.
- Nẵng mồ, bà già phược đế a bà dựng ca la, dã đát tha, già đa, dã. Trung Quốc dịch là Li Bố Úy Như Lai.
Nhờ xưng tụng danh hiệu của đức Li Bố Úy Như Lai và gia trì, nên giúp cho các quỉ đói dứt trừ tất cả sợ hãi và thoát khỏi đường ngạ quỉ.
Đức Phật lại bảo tôn giả A-nan! Nếu tộc tánh thiện nam tử v.v… đã xưng tụng danh hiệu của bốn đức Như Lai ấy và gia trì rồi, khảy móng tay bảy lần, bưng chén thức ăn đó đến chỗ đất sạch, dang tay đổ xuống. Khi làm pháp thí này xong, thì ở bốn phương quanh đó, trăm nghìn na-do-tha hằng hà sa số quỉ đói như trước đã nói, mỗi một cá nhân đều được bốn mươi chín hộc thức ăn lớn như hộc nước Ma-già-đà. Thụ nhận thức ăn ấy rồi, tất cả chúng đều được no đủ. Đồng thời những quỉ đói đó đều xả bỏ thân quỉ, được sinh lên trời.
Đức Phật lại bảo tôn gia A-nan! Nếu tì-kheo, tì-kheo ni, ưu-bà-tắc,[15] ưu-bà-di,[16] thường dùng mật ngôn và danh hiệu của bốn đức Như Lai này gia trì vào trong thức ăn, thức uống rồi bố thí có quỉ, thì có thể thành tựu trọn vẹn vô lượng phúc đức, và cũng bằng với công đức cúng dường trăm nghìn câu-chi đức Như Lai v.v… không sai khác. Đồng thời được kéo dài tuổi thọ, sức khỏe dồi dào, căn lành đầy đủ, tất cả phi nhân,[17] dạ-xoa,[18] la-sát,[19] các ác thần, quỉ bạo ác v.v… không dám gây hại. Và cũng có thể thành tựu vô lượng phúc đức, thọ mạng.
Nếu muốn bố thí cho các bà-la-môn, tiên nhân v.v… thì nên lấy thức ăn, thức uống tinh sạch đựng đầy bát và dùng mật ngôn nói trước gia trì mười bốn lần, rồi thả xuống dòng nước trong sạch. Làm như thế rồi, và dùng thức ăn ngon ngọt của thiên tiên[20] cúng dường cho trăm nghìn câu-chi hằng hà sa số bà-la-môn, tiên nhân. Những tiên nhân kia nhờ nhận được thức ăn có gia trì bằng uy đức của mật ngôn, nên mỗi mỗi đều đạt được những nguyện xưa và được các công đức lành; mỗi mỗi đồng phát thệ nguyện: “Nguyện cho người bố thí thức ăn được tuổi thọ kéo dài, sức khỏe dồi dào và được bình an. Cũng nguyện cho những người ấy hiểu rõ ràng, chính xác những điều mà tâm thấy nghe và thành tựu đầy đủ oai đức của Phạm thiên,[21] thực hành hạnh Phạm thiên. Lại nguyện cho những người ấy đạt được công đức bằng với công đức cúng dường cho trăm nghìn hằng hà sa số Như Lai và tất cả oán thù không thể xâm hại.”
Nếu tì-kheo, tì-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di muốn cúng dường Phật bảo, pháp bảo, tăng bảo, nên dùng hương hoa, thức ăn, thức uống tinh sạch, gia trì mật ngôn đã nói trước hai mươi mốt lần, rồi dâng cúng Tam bảo, thì cũng giống như những thiện nam tử, thiện nữ nhân đó đã dùng thức ăn ngon ngọt thượng vị của cõi trời hiến dâng, cúng dường Phật bảo, pháp bảo, tăng bảo khắp mười phương; cũng chính là đạt được công đức khen ngợi, khuyến thỉnh, tùy hỉ. Những người đó thường được chư Phật nhớ nghĩ và khen ngợi; các trời và thiện thần thường đến ủng hộ. Và cũng chính là viên mãn đàn-ba-la-mật.
Này A-nan! Ông nên theo lời Ta chỉ dạy đúng như pháp tu hành và tuyên truyền rộng rải, làm cho chúng sinh đều hiểu rõ, đạt được vô lượng phúc. Đức Phật nói: “Kinh này nên đặt tên là : Kinh cứu giúp quỉ đói Diệm Khẩu và chúng sinh chịu khổ đà-la-ni,’ các ông nên giữ gìn và thực hành.”
Tất cả đại chúng và tôn giả A-nan nghe Đức Phật nói như vậy rồi, một lòng tin nhận, hoan hỉ làm theo. Chú thích:
[5] Ngạ quỉ 餓鬼(S: Preta): loài quỉ thường chịu đói khát, do đời trước tạo nhiều nghiệp ác, nhiều tham dục. Là 1 trong 3, là 1 trong 5 loài, là 1 trong 6 đường.
[6] Cái hộc 斛: tên một dụng cụ đo lường thời cổ, dùng để đong thóc gạo, bằng mười đấu.
[7] Nước Ma-già-đà 摩伽陀國 (S: Magadha): tức là nước Ma-kiệt-đà theo cách dịch mới. Gọi Ma-già-đà là theo cách dịch cũ. Ma-kiệt-đà là một quốc gia thời xưa ở Ấn Độ, tức vùng Bihar ngày nay với thành phố Patna (thành Hoa Thị) và Phật-đà-già-da là trung tâm. Đây là một trong sáu nước lớn vào thời Đức Phật còn tại thế. Nước này có quan hệ rất sâu sắc với lịch sử phát triển Phật giáo.
[8] Na-do-tha 那由他(S: Nayuta): danh từ chỉ số lượng của Ấn Độ. Theo luận Câu-xá, 12 thì 10 A-dữu-đa là 1 đại a-dữu-đa, 10 đại a-dữu-đa là 1 na-do-đa, cho nên 1 na-do-đa là 100 a-dữu-đa, 1 a-dữu-đa là 10 ức, cho nên 1 na-do-đa là 1,000 ức. Trong kinh Phật thường dùng từ ngữ Na-do-đa để chỉ số lượng cực lớn. Ngoài ra, nếu theo cách tính thông thường ở Ấn Độ thì A-dữu-đa là 1 vạn, na-do-đa là 100 vạn.
[9] Hằng hà sa số 恒河沙數: tức số lượng cát của sông Hằng. Sông Hằng là con sông dài nhất ở Ấn Độ. Con sông này là mạng sống của người dân Ấn Độ cả về phương diện vật chất lẫn tâm linh. Là con sông gắng liền với sự truyền giáo của Đức Phật. Vì thế, trong kinh Phật thường dùng hình ảnh con sông này rất nhiều. Và đây chỉ là một thí dụ điển hình, để chỉ về số lượng nhiều vô tận.
[10] Ngũ thể 五體: năm pha bộ phận trên cơ thể: gối phải, gối trái, tay phải, tay trái và đầu.
[11] Đà-la-ni 陀羅尼(S: Dhāraṇī): năng lực của trí tuệ tóm thâu, gìn giữ vô lượng Phật pháp không để cho quên sót. Về Đà-la-ni, các kinh luận nói đến rất nhiều. Đời sau, vì hình thức Đà-la-ni giống như chú tụng, nên thường lẫn lộn chú là Đà-la-ni. Căn cứ vào câu, thì câu dài gọi là Đà-la-ni, câu ngắn gọi là Chân ngôn, 1 hoặc 2 chữ gọi là Chủng tử.
[12] Câu-chi 俱胝 (S: Koṭi): đơn vị chỉ số lượng của Ấn Độ. Theo Huyền ứng âm nghĩa 5, câu-trí hoặc câu-chi là số nghìn vạn hoặc ức của người Trung Quốc. Theo Giải thâm mật kinh sớ 6 của ngài Viên Trắc (Vạn tục 34, 444 thượng) ghi: “Câu-chi theo truyền thuyết có 3 nghĩa: 1. Mười vạn; 2. Trăm vạn; 3. Nghìn vạn. Dẫn chứng trên cho thấy sự sai khác của các bản dịch.
[13] Đàn-ba-la-mật 檀波羅蜜 (S: Dana-paramita): tức bố thì ba-la-mật. Nghĩa là bố thí một cách rốt ráo viên mãn, gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Hạnh này dùng để đối trị với tham lam bỏn xẻn, tiêu trừ được bần cùng.
[14] Gia trì 加持(S: Adhiṣṭhāna): Đức Phật và bồ-tát đem sức từ bi, bảo hộ chúng sinh.
[15] Ưu-bà-tắc優婆塞(S: Upāsaka): cư sĩ nam tại gia gần gũi phụng thờ Tam bảo, thụ trì năm giới, là một trong hai chúng tại gia, một trong bốn chúng hoặc bảy chúng để tử Phật. Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di đều là những người tại gia tín ngưỡng Phật pháp.
[16] Ưu-bà-di優婆夷(S: Upāsikā): nữ chúng gần gũi Tam bảo, thụ tam qui, năm giới, thực hành thiện pháp, là một trong hai chúng tại gia, một trong bốn chúng hoặc bảy chúng để tử Phật.
[17] Phi nhân 非人(S: Amanuṣya): từ gọi chung các loại: trời, rồng, dạ-xoa, ác quỉ, tu-la, địa ngục … không thuộc loài người, mắt người không thể thấy được.
[18] Dạ-xoa 夜叉(S: Yakṣa): là loại quỉ ở trên mặt đất hoặc trong hư không, dùng oai thế não hại người, hoặc giữ gìn chính pháp. Đây là một trong tám bộ chúng.
[19] La-sát羅剎 (S: Rākṣasa): chỉ chung cho các loại ác ma.
[20] Thiên tiên 天仙(S: Devaṛṣi): chư thiên và thần tiên. Theo Lí thú phân thuật tán, trung thì loài cao tột của năm đường gọi là Thiên; người có thần đức thì gọi là Tiên.
[21] Phạm thiên 梵天(S: Brahmā): vị thần sáng tạo ra vạn hữu vũ trụ trong tư tưởng của Bà-la-môn giáo, Ấn Độ cổ đại. Trong Phật giáo, Phạm thiên và Đế thích thiên đều là những vị thần hộ pháp cho Phật giáo. Có lần Đức Thế Tôn lên cung trời Đao-lợi nói pháp để độ mẹ, lúc Ngài trở xuống nhân gian thì Phạm vương tay cầm phất trần trắng đứng hầu bên phải Đức Phật.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.57.231 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.