Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đại Ngư Sự Kinh [大魚事經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đại Ngư Sự Kinh [大魚事經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.05 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.09 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Chuyện Về Những Con Cá Lớn

Việt dịch: Trần Văn Nghĩa

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vậy, có một thủơ Đức Thế Tôn (4) ở tại Thành Xá Vệ (5), trong tịnh xá Kì-Thọ Cấp-Cô-Độc (6), Lúc đó Đức Thế Tôn kể một câu chuyện cho chư Tỳ Kheo rằng: Thuở xưa có một con sông có rất nhiều cá lớn. Một hôm con cá lớn răn các cá con rằng: Các con đừng rời nơi đây đi những chỗ khác chơi kẻo bị những người ác bắt. Nhưng những cá con không nghe lời dạy của cá lớn, bèn lén đi những chỗ khác chơi. Lúc đó có người ngư phủ lấy mồi, lưới và dây câu để bắt cá, các cá con thấy, bèn về nơi cá lớn, cá lớn thấy các cá con đến bèn hỏi các cá con rằng: các con có rời chỗ này đi chỗ khác chơi không? Các cá con thưa với cá lớn rằng: Chúng con vừa đi chơi từ chỗ nọ về. Cá lớn bèn hỏi các cá con rằng: Các con đi chơi chỗ nọ mà không bị người ta lưới bắt sao? Cá con thưa với cá lớn rằng: Chúng con đến chỗ nọ chơi, nhưng không bị người ta bắt, nhưng xa xa thấy dây câu theo sau chúng con. Cá lớn bèn bảo với các cá con rằng: Các con sẽ bị sát hại, nhất định là như vậy. Các con đã xa xa thấy dây câu theo đến, ngày xưa cha ông chúng ta cũng bị sát hại bởi dây câu đó, các con sẽ bị nó sát hại mà thôi, các con không nghe lời ta nên không phải là con ta. Sau đó các cá con đều bị ngư phủ bắt hết và đem lên bờ. Cá con, cá lớn đều chết như thế. Cũng như vậy có một tỳ kheo đến một làng nọ , thầy mặc áo cà sa cầm bát khất thực , đi quanh khất thực để phúc độ chúng sinh, nhưng lại không giữ thân mình, không giữ khẩu ý, không đủ các thiện căn (7), ý chí không vững. Trong lúc ở làng nọ khất thực, thầy thấy những người nữ đẹp đẽ vô song, sắc như hoa đào, thấy vậy lòng bèn sinh những dục ý, những dục ý đó bốc ra nơi thân, khẩu, ý. Với những dục ý đầy thân, ý, khẩu, thầy đi quanh làng đó khất thực. Khi về đến tịnh xá, bèn sinh ra những ý tưởng nhục dục, tỳ kheo bèn đến gặp tôn đại tỳ kheo. Đem đầu đuôi câu chuyện thưa cùng chư tỳ kheo. Chư tôn đại tỳ kheo bảo các tỳ kheo rằng: Tỳ kheo nghĩ đến những dục ý, đó là không thanh tịnh. Tất cả các tỳ kheo phải xem đó là những ác lộ (8). Chư tôn đại tỳ kheo nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng vị tỳ kheo này vì thân, khẩu, ý đang đầy dục ý, lại trở lại làng nọ khất thực. Từ xa tỳ kheo thấy những người nữ vô cùng đẹp đẽ, sắc như hoa đào, thấy vậy bèn sinh dục niệm, những dục niệm bốc ra từ thân, khẩu, ý. Vì thân khẩu ý đầy dục niệm thầy bèn thường trở lại làng nọ khất thực. Sau khi về tịnh xá, thầy lại đến nơi chư tôn đại tỳ kheo đem câu chuyện này thưa hết cùng chư tỳ khoe. Chư tôn đại tỳ kheo bảo các tỳ kheo rằng: "Tỳ kheo này hãy đi đi, tỳ kheo không còn là tỳ kheo của chúng ta nữa." Lúc đó Tỳ Kheo này không làm lễ xả giới hoàn tục, bèn mặc thường phục, vui chơi trong những ái dục, từ đó bị ma tỳ kheo thao túng, làm theo những gì Ba Tuân (9) sai bảo, như vậy không thoát khỏi được sinh, lão, bệnh, tử, u sầu khổ não. Còn những tỳ kheo đã được nghe câu chuyện, đó là điều thật khó, thật khổ, thật đáng sợ, sợ bị rơi vào những ác thú (10), không được tái sinh nơi vô thượng. Vì vậy chư tỳ kheo hãy lấy điều này mà học hỏi, những tỳ kheo đã tiêm nhiễm cái xấu của câu chuyện này phải bỏ nó đi ngay, những tỳ kheo không nghe câu chuyện này thì không động lòng ham muốn. Các tỳ kheo phải lấy những trường hợp này mà học hỏi. Chư tỳ kheo sau khi nghe Đức Phật giảng xong hoan hỷ phụng hành.
Đại Ngư Sự Kinh.


Chú thích:
1) 大魚事經Đại Ngư Sự Kinh : Chữ sự ở đây là chữ viết tắt của chữ故事cố sự , có nghĩa là chuyện hay truyện, Anh văn là story, vì vậy tên bài kinh này có thể dịch là " kinh về câu chuyện của con cá lớn "
2) Nước Thiên Trúc天竺 : Trong 山海经 Sơn Hải Kinh, sách được viết vào thời 战国Chiến Quốc (476 TCN - 221 TCN ) đã nói đến nước Thân Độc身毒国 ở vùng Tây Vực, trong Sử Ký史记 (109 TCN - 91 TCN ) của đời nhà Hán cũng nói đến nước Thân Độc. Chữ Thân Độc là chữ phiên âm của chữ Phạn Sindhu, người Hy Lạp phiên âm chữ Sindhu là Indus, từ đó sinh ra chữ Indu . Chư Sindhu có nghĩa là sông lớn, đây là tên của một trong 4 con sông lớn ở vùng Ấn Độ (Indian subcontinent ). Danh từ Thân Độc chủ yếu là chỉ những vương quốc quanh con sông Sindhu , nhất là vương quốc cổ có thủ đô là Vichavapura thời đó. Người Ba Tư (Persian) thì lại gọi Indus là Hindu, có nghĩa người sống ở bên kia bờ sông Indus. Hán văn phiên âm chữ Hindu là天竺, tên này được dùng trong sách后汉书Hậu Hán Thư ( 398 CN - 445 CN ) . Hán văn còn phiên âm chữ Sindhu là Tín Độ信度, Hiền Đậu賢豆, Tân Đầu辛頭 trong những sách cổ khác nhau. Đến đời nhà Đường, thầy玄奘Huyền Trang (602CN - 664CN ) sau khi du học từ India về đã thống nhất phiên âm là印度Ấn Độ.
3) Trúc Đàm Vô Lan 竺曇無蘭 : Tỳ kheo là người nước Thiên Trúc, Đàm Vô Lan là tiếng phiên âm của tên tiếng Phạn là Dharmaraksa. Tên này còn dịch nghĩa là Pháp Chánh法正. Tên có trong những sách Lịch Đại Tam Bảo Ký chương bẩy歷代三寶記七 , Khai Nguyên Lục chương ba開元錄三 và Trinh Nguyên Luc chương năm 貞元錄五. Thầy đến Nam Kinh làm dịch kinh sư có lẽ tư năm 381 đến năm 395, đời Đông Tấn. Thầy dịch rất nhiều kinh từ tiếng Phạn sang Hán văn. Hiện nay còn trong Hán tạng và Việt Tạng là 27 bài ( Kinh số : 22, 42, 58, 62, 71, 86, 106, 116, 139, 143, 148, 216, 393, 494,504, 510, 538, 741, 742, 743, 796, 1327, 1352, 1378a, 1352, 1391 ) .
Chữ Trúc竺 là họ. Họ này được gắn cho tất cả những ai đến từ nước ThiênTrúc天竺, gòn gọi là Trúc thổ竺土, hay gọi tắt là Trúc竺, nay là nước Ấn Độ. Trước đời Tiền Tần (351 - 394), tất cả những người đi tu theo đạo Phật , đều bỏ họ mình theo họ của thầy, bỏ tên mình lấy một tên gọi là pháp danh do thầy đặt cho. Vì vậy những người tu theo thầy người Thiên Trúc lấy họ Trúc, người tu theo thầy nước Nguyệt Chi lấy họ Chi...Đến đời Tiền Tần, Hòa thượng Đạo An道安 (313-385) là người đầu tiên đề nghị tất cả tỳ kheo lấy họ Thích, chư tắt của chữ Thich Ca Sakya, họ của Đức Phật làm họ. Theo Kinh Tăng Nhất A Hàm chương 21 : Bốn sông lớn đổ vào biển, đâu còn mang tên của những sông đó nữa mà chỉ gọi là biển, cũng như thế, bốn nhóm họ lớn dòng dõi của Sát Lợi, bà la môn, trưởng giả, cư sĩ xuống tóc theo Đức Như Lai, quy ý tam bảo, xuất gia học đạo, đâu còn họ mình nữa, mà tất cả gọi là sa môn đệ tử của Đức Thích Ca....Vì vậy các Tỳ Kheo, tất cả những ai từ bốn họ xuống tóc, lấy long kiên trì xuất gia học đạo, nên bỏ tên họ của mình mà gọi là đệ tử của Đức Thich Ca. ( Tăng Nhất A Hàm Kinh nhị thập nhất viết : Tứ đại hà nhập hải, diệc vô bản danh tự, đãn danh vi hải. thử diệc như thị, hữu tứ tánh, vân hà vi tứ ? Sát lợi, bà la môn, trưởng gia, cư sĩ chủng. Ư Như Lai sở thế trừ tu phát, tam pháp y, xuất gia học đạo, vô phục bản tính, đãn ngôn sa môn Thích Ca đệ tử ( trung lược )Thị cố chư tỳ kheo, chư hữu tứ tánh thế trừ tu pháp, dĩ tín kiến cố xuất gia học đạo giả, bỉ đương diệt bản danh tự, tự xưng Thích Ca đệ tử . 增一阿含經二十一曰 : " 四大河入海, 亦無本名字, 但名為海, 此亦如是. 有四姓, 云何為四? 剎利, 婆羅門, 長者, 居士種。於如來所剃除鬚髮, 三法衣, 出家學道, 無復本性, 但言沙門釋迦弟子.(中略)是故諸比丘,諸有四姓剃除鬚髮, 以信堅固出家學道者, 彼當滅本名字自稱釋迦弟子. )
4) Đức Thế Tôn : Trong bản Hán văn dùng chữ婆伽婆 Bà-Già-Bà hay 薄伽梵Bạc Già Phạn là chữ phiên âm của chữ Phạn bhagavat hay bhagavan, dịch nghĩa là 世尊Thế Tôn. Tiếng Anh dịch là the blessed one hay the world honored one. Đây là một trong 10 danh hiệu của Đức Phật. 9 danh hiệu khác là : 如來Như Lai, tiếng Phạn là tathagata, tiếng Anh là thus come. 應供Ứng cung, Arhat, Worthy of respect. 正遍知Chánh biến tri, Samyak-Sambuddha, correctly Enlightened. 明行足Minh hành túc, Vidya-carana-sampanna, Perfect in Wisdom and Action. 善逝Thiện thệ, Sugata, Well gone. 世間解Thế gian giải, Lokavid, Knower of the Secular World. 無上士Vô thượng sĩ, Anuttara, Unsurpassed. 調御大夫Điều ngự đại phu, purusadamya-saratha, the Tamer. 天人師Thiên nhân sư, Sastadevamanusyanam, Teacher of gods and men.
5) Thành Xá Vệ : Là chữ phiên âm của chữ Phạn Sravasti hay Savatthi, chữ này thường được phiên âm là Nước Xã Vệ, thành Xã Vệ 舍衛hay室羅伐Nước Thất La Phạt, một thành phố ở phía bắc Ấn Độ, nằm trên bờ sông Rapti. Trong thời Đức Phật, thành phố này là thủ đô của vương quốc Kosala vì vậy một đôi khi nó được gọi là nước Xá Vệ hay nước Thất La Phạt để thay thế cho chữ nước Kosala. Trong thời Đức Phật, vua của nước này là vua Pasenadi, một đệ tử của Đức Phật. Savatthi là một trong tám thánh địa của đạo Phật. Ở đây có hai tịnh xá nổi tiếng của Đức Phật : Jetavana do Anathapindika trưởng lão xây tăng và Pubbarama do bà cư sĩ Visakha xây tặng. Đức Phật đã ở lại thành phố này trên 19 năm, giảng 871 bài kinh tại thành phố nay. 844 bài tại Jetavana, 23 bài tại Pubbarama, 4 bài tại ngoại thành Savatthi.
6) Tịnh xá Kì-Thọ Cấp-Cô-Độc: Kì-Thọ Cấp-Cô-Độc viên 祇樹給孤獨園tên tiếng Phạn là Jetavana. Ở thành Xá Vệ có người phú thương tên là Anathapindika nghĩa chữ Phạn là người cung cấp, giúp đỡ cho những người nghèo khó cô độc vì vậy Hán văn đã dịch là Cấp Cô Độc trưởng lão. Tên thật của ông tên là Sudatta. Ông mời Đức Phật đến thành Xá Vệ, nguyện giúp Ngài xây một trụ sở. Ông đi tìm mua một khu vườn ở phía nam của thành Xã Vệ. Khu vườn này của hoàng tử Jetakumara. Hoàng tử đòi bán với giá tấc đất tấc vàng, chỉ bán đất không bán cây trong vườn. Anathapindika đã mua khu vườn này, xây lên một phần của tịnh xá. Hoàng tử Jetakumara, con trai của vua Pasenadi, quyên tặng cho Đức Phật những cây trong vườn và lấy tiền bán đất xây thêm một phần khác của tịnh xá. Sau Vua Pasenadi bỏ tiền xây phần còn lại của tịnh xá. Đức Phật đã lấy hai vần đầu của tên hoàng tử Jetakumara và hai vần đầu của tên Anathapindika ghép lại thành Jetavana làm tên của tịnh xá . Theo truyền thuyết của đạo Phật đại thừa, thi sau khi tịnh xá hoàn tất, để nhớ ơn ba vị ân nhân này, đức Phật đã để tên ba vị trong giảng đường, tên vua Pasedani ở giữa , tên hoàng tử Jetakumara và Anathapindika ở hai bên, và sau này Ngài cũng cho để thêm tên cuả 16 người khác trong giảng đường, có sách nói là 18 người khác. 16 người này là những ân nhân khác và những người giúp việc trong tịnh xá, các thủ từ đã mất như người làm vườn, quét nhà..., 19 người này sau này được gọi là thần già lam 伽藍神của nhà Phật. Chữ già lam là chữ phiên âm của chữ Phạn asram, chữ asram có lẽ là chữ viết tắt chủa chữ asrama , Hán văn dịch là già lam ma có nghĩa là tu viên. Thần Già Lam nghĩa là thần trông coi tu viện. Vườn Jetavana : Hán văn dịch là Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên, còn goi tắt là Kỳ Viên, Kỳ Thụ Viên, Cấp Cô Độc Viên trong các kinh điển khác nhau. Có một vài kinh điển còn phiên âm chữ Jeta- Anathapindika asram là kì hoàn A-nan bân chì a lam. Đức Phật đã ở lại trong vườn này 19 năm, diễn giảng hơn 844 bài kinh . Vườn này đã cực thịnh ở thời hoàng triều của Á Dục Vương ( Ashoka) . Sau khi hoàng triều Á Dục Vương sụp đổ, Đạo Ấn Độ đã tàn phá vườn này phần nào. Nhà sư Thích Pháp Hiển ( Fa Hien) đến thăm vườn này vào thế kỷ thứ VI ghi lại là trong tịnh xá này vẫn còn một số sư cư ngụ. Vào thế kỷ thứ VIII, khi thầy Thích Huyền Trang ( Hsuan Chwang, Đường Tam Tạng) ghé thăm thì vườn này là một hoang địa. Đến thế kỷ thứ XI khi Hồi Giáo truyền vào Trung Á ( Central Asia ) và bắc Ấn Độ. Tất cả những di tích của đạo Phật đã bị hoàn toàn phá hủy ở những nước Hồi Quốc, A Phú Hãn, Bắc Ấn Độ, Tân Cương, Iran...Vườn này đã thành bình địa. Đến 1863 đoàn khảo cổ của tướng Alexander Cunningham của quân đội Anh đã khai quật và tìm ra di tích của vườn Jetavana. Vườn này nay là một trọng điểm hành hương của Phật tử thế giới.
7) 諸根 Các căn: Tiếng Phạn là indriya, Anh văn dịch là root, đó là những căn ( faculty) giúp chúng ta tăng trưởng. Trong đạo Phật có 22 loại căn được chia làm nhiều nhóm : Lục cảm giác căn (organ of sens), tam nam, nữ và tính mang căn, ngũ cảm thọ căn (sensation, feeling), ngũ thiện căn (wholesome roots), tam vô lậu căn (the three uncontaminated faculties). Trong bài kinh này các căn có lẽ chỉ ngũ thiện căn.
7-1 ) Lục cảm giác căn, ngũ căn : Theo瑜伽論Du Già Luân ngũ căn gồm có : 眼根Nhãn căn, 耳根nhĩ căn, 鼻根tị căn, 舌根thiệt căn, 身根thân căn. Nếu thêm 意根ý căn vào thì gọi là六根 lục căn.
Nhãn căn 眼根 : Đây là một trong 6 căn. tiếng Phạn là Caksu Indriya. Chữ căn có nghĩa là cái rễ, nó cũng có nghĩa là căn cứ địa, nơi tiếp nhận vì vậy Anh văn còn dịch là physical base. Mỗi căn lại gồm có hai phần : Phù trần căn 扶塵根và thắng nghĩa căn 勝義根. Trong nhãn căn, phù trần căn là cái mắt, cái nhãn cầu (eye ball). thẵng nghĩa căn là thị giác ( eye sight). Một người mù có phù trần căn nhưng không có thắng nghĩa căn. Những gì ta nhìn thấy gọi là sắc trần色塵. Những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy qua nhãn căn sẽ đi vào óc tạo thành nhãn thức色識. Chúng ta có 6 căn六根, còn gọi là nội lục xứ內六處, đó là : Nhãn căn, nhĩ căn , tỉ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn để tiếp nhận lục trần六塵 từ hoàn cảnh chung quanh đến đó là : Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần. Lục trần này còn gọi là lục nhập六入, lục cảnh六境, hay ngoại luc xứ外六處 trong những kinh điển khác nhau. Lục trần vào trong óc sẽ tạo ra lục thức六識đó là : Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
Ở đây phải nói thếm về ý căn意根, tiếng Phạn gọi là Hrd hay Hrdaya, nghĩa là trái tim bằng thịt, vì vậy Hán văn đã dịch nghĩa là Nhục đoàn tâm肉團心, hay phiên âm là hãn-tê-thái 汗栗太, đây là một sự hiểu lầm của người xưa cho là trái tim là nơi tiếp nhận những ý tưởng từ bên ngoài vào hay từ trong sinh ra, nay chúng ta biết nơi tiếp nhận những ý tưởng đó là khối óc chứ không phải là trái tim, vì vậy mặc dù trong các kinh gọi là tim, chung ta phải hiểu là khối óc.
7-2) Tam nam, nữ và tính mạng căn : a) 男根Nam căn : Bô phận sinh dục của phái nam, tiếng Phạn là purusendriya. b) 女根Nữ căn : Bô phận sinh dục của phái nữ, tiếng Phạn là stri. c) 命根Mệnh căn : Tính mạng của con người, tiếng Phạn là jiva, Anh văn dịch là life.
7-3) Ngũ cảm thọ căn : (1) Hỷ, (2) khổ, (3) Lạc, (4) Ưu, (5) Xả.
7-3A) 喜 Hỷ : Tiếng Phạn là priti, ananda, Anh văn dich là enjoyment, satisfaction. Nó rất gần với chữ樂lạc nhưng chữ hỷ thường chỉ cái vui do tinh thân sinh ra, còn lạc là cái vui do thể xác sinh ra.
7-3B) 苦khổ : Tiếng Phạn là duhkha, Anh văn là suffering, sorrow. Khổ trong đạo Phật được chia làm nhiều nhóm : Nhị khổ, tam khổ, tứ khổ, ngũ khổ, bát khổ và tập khổ.
a) 二苦Nhị khổ : Theo 四分律 Tư Phân Luật, 瑜伽論Du Già Luân, 成唯識論Thành Duy Thức Luân thì nhị khổ căn gồm có : 內苦Nội khổ và 外苦ngoại khổ.
b) 三苦Tam khổ : Theo 倶舍論Câu Xá Luận tam khổ gồm có : (1) 苦苦Khổ khổ : tiếng Phạn là duhkha duhkha, Anh văn là ordinary suffering, cái đau khổ do tiếp xúc vơi những vật gây đau khổ, như bị đánh. (2) 行苦Hành khổ, samskara-duhkha, suffering produced by impermanence, cái khổ gây ra do sự thay đổi của mọi vật. (3) 壞苦Hoại khổ, viparinama duhkhata, the suffering of decay, cái khổ gây ra do sự hư hoại của vạn vật.
c) 四苦Tứ khổ : Theo成唯識論Thành Duy Thức Luân tứ khổ gồm có : (1) Sinh khổ, tiếng Phạn là jati-duhkha. (2) lão khổ, tiếng Phạn là jara-duhkha. (3) Bệnh khổ, tiếng Phạn là vyadhi-duhkha. (4) Tử khổ, tiếng Phạn là marana-duhkha.
d) 五苦Ngũ khổ : (1) Sinh lão Bệnh Tử khổ. (2) 愛別離苦Ái biệt ly khổ: Người thương nhau phải chia tay. (3) 怨憎會苦Oán tăng hội khổ : Ngươi oán ghét nhau phải gặp nhau. (4) 求不得苦Cầu bất đắc khổ : Cái khổ của cái mình mong muốn mà không được . (5) 盛陰苦Thịnh âm khổ hay còn gọi là âm thịnh khổ : Cái khổ của những đòi hỏi về thể xác của con người đang đầy sức sống.
Có sách lại nói ngũ khổ là : (1) Sinh, (2)lão, (3) Bệnh, (4)Tử, (5) gông cùm (shackle). Đây là ngũ khổ cho những người bị tù tội hay bị áp bức.
Sách khác lại nói ngũ khổ là : (1) Địa ngục, (2) ma đói , (3)Súc vật (4) A-tu-la, (5) Nhân đạo.
e) 八苦Bát khổ : Theo kinh涅槃經十二Niết Bàn chương 12 bát khổ là : (1) Sinh khổ. (2) lão khổ. (3) Bệnh khổ. (4) Tử khổ. (5) Ái biệt ly khổ. (6) Oán tăng hội khổ. (7) Cầu bất đắc khổ. (8)Thịnh âm khổ
f) 十苦Thập khổ : 菩薩藏經Theo Bồ Tát Tạng Kinh thì thập khổ là : 1) Sinh khổ. (2) lão khổ. (3) Bệnh khổ. (4) Tử khổ. (5) 愁苦Sầu khổ (6) 怨苦Oán khổ (7) 苦受Khổ thọ : Đau khổ do nghịch cảnh gây ra (8) 憂苦 Ưu khổ (9) 病惱苦Bệnh não khổ (10) 流轉大苦Lưu chuyển đại khổ.
7-3C) 樂 Lạc : Chữ lạc này là chữ tắt của chữ khoái lạc. tiếng Phạn là sukha, Anh văn là happiness.
7-3D) 憂 Ưu : lo âu, tiếng Phạn là daurmanasya, Anh văn dịch là anxiety.
7-3E) 捨Xả : Xả là chư viết tắt của chữ捨棄xả khí, có nghĩa là buôn thả (let go) , bỏ đi. Tiếng Phạn là upeksa, Anh văn dịch là detachement.
7-4) Ngũ thiên căn gồm có : (1) 信根Tín căn, (2) 進根tiến căn, (3) 念根 niệm căn, (4) 定根định căn, (5) 慧根 tuệ căn.
7-4A) Tín căn : tiếng Phạn là sraddha, tiếng Anh là faith. Nó lại được chia làm hai nhóm : Tam tín và thập tín.
a) Tam tín : Theo瑜伽論Du Già Luân Yogacara thì có ba loại tín : a) 信忍 Tín nhẫn, faith endurance, b) 信樂tín lạc, joy of faith, c) 善法欲thiện pháp dục : Vì tin nên lòng ao ước đi tìm chánh pháp, tiếng Phạn là kusala dharma cchanda, Anh văn dịch là craving for the right dharma. Trong kinh Pháp Hoa thì lại nói thêm một loại tín gọi là信解tín giải, Anh văn dịch là having both correct faith and complete understanding in the Buddhist teaching.
b) Thập tín : Đây là 10 bước đầu trong 52 bước để tu hành bồ tát đạo. Đó là : 1) 信心 Tín tâm, 2) 念心niệm tâm 3) 精進心tinh tiến tâm. 4) 定心 Định tâm 5) 慧心Tuệ tâm 6) 戒心Giới tâm 7) 廻向心Hồi hướng tâm 8) 護法心Hộ pháp tâm, 9) 捨心 Xả tâm 10) 願心Nguyện tâm.
7-4B) 進根tiến căn : Đó là lòng hăng hái, chuyên cần trên con đường tu tập chánh pháp, diệt bỏ những điều xấu. Tiếng Phạn là virya, Anh văn dịch là zeal, excertion, diligence. Theo瑜伽論Du Già Luân Yogacara thì có 5 loại tinh tiến : 1) 被甲精進Bị giáp tinh tiến, excertion of donning armor 2) 加行精進Gia hành tinh tiến, exertion of application 3) 不下精進Bất hạ tinh tiến, undaunted excertion 4) 無動精進Vô động tinh tiến, immovable exertion 5) 無喜足精進 Vô hỷ túc tinh tiến, unsatisfied exertion.
7-4C) 念根 niệm căn : Tiếng Phạn là smrtindriya, tiếng Anh văn dịch là faculty of mindfulness, đó là lòng suy ngẫm về chánh niệm.
7-4E) 定根định căn : Tiếng Phạn là samadhindriya, Anh văn dịch là meditative concentration practices, căn giúp người tu tập thiền định để sinh ra những giác ngộ và công đức.
7-4F) 慧根 tuệ căn : Tiếng Phạn là prajna , Anh văn dịch là wisdom, trí tuệ.
7-5) 三無漏根Tam vô lậu căn : Tiếng Phạn là ajnasyamindriya, Anh văn dịch là three uncontaminated faculties, gồm có :
7-5A) 未知當知根Vị tri đưng tri căn : Anh văn dịch là faculty of the power for learning the Four Noble Truths, Căn giúp người tu hành hiểu những điều cần hiểu về Tứ Diệu Đế mà họ chưa biết.
7-5B) 已知根Dĩ tri căn: Tiếng Phạn là ajnatavindriya hay ajnendriya, Anh văn dịch là faculty of the power of having learned the Four Noble Truths, Căn giúp người tu hành hiểu biết 9 căn là ý, lạc, hỷ, xả, tin cần, niệm, định, tuệ là do thực hành Tứ Diều Đế mà ra. One who already knows the indriya or roots that arise from the practical stage associated with the Four Dogmas, i.e. purpose, joy, pleasure, renunciation, faith, zealo, memory, abstract meditation, wisdom.
7-5C) 具知根Cụ tri căn : Anh văn dịch là faculty of the power of perfect knowledge of the Four Noble Truths. Căn giúp người tu hành biết sâu rộng hơn về Tứ Diệu Đế.
8) 惡露ác lộ : Tiếng Pali là asubha, Anh văn dịch là foul discharges. Đó là những chất nhơ bẩn từ thân thể con người thoát ra như : máu mủ, đại tiểu tiên...Nhưng cũng chỉ những điều xấu ( evil ) của con người. Ác lộ là chữ phản nghĩa (antonym) của chữ cam lộ.
9) 波旬Ba Tuân : Ba tuân là tên của đương kim ma vương, tên tiếng Phạn là Mara-Papiyan. Ma là chữ viết tắt của chữ 魔羅ma-la, chữ phiên âm của chữ Phạn mara. Anh văn dịch là demon. Trước khi đạo Phật truyền vào Trung Hoa, nước này không có chữ 魔ma chỉ có chữ 鬼quỷ. Chữ quỷ có rất sớm trong chữ Hán. Trong đời商朝nhà Thương (1700 TCN - 1100 TCN) đã có chữ 鬼quỷ. Nếu ta đem chữ quỷ tách ra thành bốn phần 丿,田,儿,厶 để tìm hiểu từng phần của chữ. cái丿phết này tượng trương cho mái tóc của con quỷ, Chữ田điền tượng trương cho cái mặt của con quỷ có bốn cái lỗ to, Phần儿này la chữ 人nhân biến thể, phần 厶này nếu ta bẻ thẳng hai cạnh lên, ta sẽ có một hình 凵, hình của một cái bát. Nếu gom cả 4 phần lại có nghĩa là một người có cái mặt to, mặt có 4 lỗ lớn, đây là cái sọ người, mang một cái bát xin ăn, đó là con quỷ đói. Anh văn dịch là hungry ghost.
Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, chữ mara trong tiềng Phạn, không có nghĩa là linh hôn của một người chết (ghost) , vì vậy không dùng chữ 鬼quỷ để dịch nghĩa được. Trong Hán văn không có chữ nào có phát âm là ma mà có nghĩa là ma quái cả, những người dịch kinh thời đó bèn dùng chữ 磨 ma này để phiên âm, chữ 磨 ma này có nghĩa là mài hay là xay, như chữ thạch ma石磨 là cái cối xay. Đến đời梁武帝Lương Vũ Đế ( 502 - 549 ), có nhà dịch kinh sư lấy bộ phát âm 麻ma kết hợp với chữ 鬼quỷ, tạo ra một chữ mới có phát âm 魔ma và có nghĩa là ma quỷ.
Ma là những tà thần, tà lực, tà tính, tà kiến, tà dục... ngăn cản chúng ta tu tập, thọ trì đạo pháp, nó quyến rũ chúng ta đi vào những con đường xấu để hại chúng ta.
Các loại ma trong đạo Phật, tùy theo kinh, có thể có nhóm 四魔tứ ma, 五魔ngũ ma, 八魔bát ma và十魔 thập ma. Các ma này lại được chia làm hai nhóm : 外魔Ngoại ma và 内魔nôi ma.
9-1 ) Ngoại ma : chỉ có một nhóm đó là 天魔Thiên Ma, chữ viết tắt của天子魔 thiên tử ma nghĩa là ma vương, tiếng Phạn là Deva putra mara, Anh văn dịch là demon king, đó là những ma vương và những ma chúng ngụ tại cõi trời thứ sáu của thiên đạo của dục giới, cõi trời 他化自在天Tha hóa tự tại thiên, Paranirmita-vasa-vartin. Trong cõi trời này có những nhóm ma như Mahesvara và nhóm mara. Ma vương trong cõi trời này cũng thay đôi tùy thời của các Phât. Trong thời Đức Phật Ca Diệp thì ma vương tên là頭師 Đầu Sư, trong thời Đức Phật Thich Ca, thì ma vương là 波旬Ba Tuân Mara-Papiyan. Thiên ma có lẽ tương đương với quỷ Satan của các tôn giáo tây phương.
Theo truyền thuyết thì chính Mara Papiyan đã đem ma quân đến vây đánh Đức Phật để quấy phá ngài, ngăn chặn ngài giác ngộ. Khi cuộc tấn công không thành, Ma Vương lại sai cô con gái đẹp nhất đến quyến rũ ngài, cô gái đến trước ngài và biến thãnh một bà già xấu xí. Ma Vương hoàn toàn thất bại và bỏ đi.
9-2 ) Nội ma : Đây là những tà tính, tà kiến... trong lòng con người, ngăn cản con người tu tập.
9-3) Tứ ma gồm có : a) 煩惱魔Phiền não ma, klesa-mara, do tham, sân, si gây ra. b) 蘊魔uẩn ma, skandha-mara, còn gọi là阴魔 âm ma, do ngũ uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn gây ra. c) 死魔tử ma, mrtya-mara, gây sự chêt chóc, demon of death, death angel ? . d) 天魔Thiên Ma.
9-4) Ngũ ma : Đó là ngũ âm ma hay ngũ uẩn ma, do ngũ uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn gây ra.
9-5) Bát ma : a) Phiền não ma, b) Âm ma, c) Tử ma, d) Thiên Ma, e) 無常魔Vô thường ma, f) 無樂魔Vô lạc ma, g) 無我魔Vô ngã ma, h) 無淨魔Vô tịnh ma.
9-6) Thập ma : a) Phiền não ma, b) Âm ma c) Tử ma, d) Thiên Ma, e) 業魔nghiệp ma, do thân, ý, khẩu nghiệp gây ra, f) 心魔 tâm ma do我慢ngã mạn, lòng kiêu ngạo gây ra, g) 善根魔thiện căn ma, tự tin minh có nhiều thiện căn, đã làm nhiều việc thiện nên không tinh tiến tu tập, h) 三昧魔tam muội ma, đó là khi thiền định thấy những hình ảnh, ý xấu ngăn cản sư thiền định, i) 善知識魔Thiện tri thức ma, đó là tính giấu giếm những điều hay mình hiểu biết, không chia sẻ với người khác, j ) 菩提法智魔Bồ đề pháp tri ma, đó là lòng nghi ngờ những bồ đề đạo pháp.
Còn nhiều loại ma khác như không ma 空魔 : đó là long không tin là có nghiệp báo nên không sợ làm những điều ác. 欲魔dục ma, đó là lòng vì ham muốn những tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, thực dục ăn uống, thụy dục ( ngủ nghỉ) ... mà làm những điều xấu để đạt được gây ra.
10 ) 惡趣Ác thú : Chữ 趣thú theo Câu Xá Luận thế gian phẩm có nghĩa là hướng đi đến, nơi đi đến. ( Câu xá Luận thế gian phẩm viết : Thú vị sở vãng俱舍論世間品曰 : 趣謂所往 ). Ác thú là hướng đi đến, nơi đi đến của những điều ác, Anh văn dịch là the evil direction, or evil realms. Tiếng Phạn là apaya. Ác thú còn gọi là惡道ác đạo, 惡處ác xứ trong những kinh điển khác nhau. Các loại ác thú :
10-1) 三惡趣Tam ác thú : Hay tam ác đạo, tiếng Phạn là try apaya , đó là : Đại ngục, ma đói và súc vật.
10-2) 四惡趣Thứ ác thú : Hay tứ ác đạo, đó là : Đại ngục, ma đói, súc vật và a-tu-la (asuras).

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


San sẻ yêu thương


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.79.179 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập