Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh [占察善惡業報經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh [占察善惡業報經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.61 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.7 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Thích Thiện Thông

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật, Đấng Nhất Thiết Trí, ở thành Vương Xá, trong núi Linh Thứu, dùng sức thần thông, thị hiện đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm, rộng rãi vô ngại, cùng với vô lượng vô biên đại chúng câu hội, diễn nói Pháp môn Căn Tụ(1) rất sâu.

Bấy giờ trong hội có một Bồ Tát, tên là Kiên Tịnh Tín(2) từ tòa đứng dậy, sửa lại y phục, vén áo vai mặt, cung kính chắp tay, bạch lên đức Phật:

“Kính bạch Thế Tôn! Nay con ở giữa chư đại chúng đây, muốn có chỗ hỏi, thưa thỉnh Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn rủ lòng cho phép”.

Đức Phật dạy rằng:

“Này thiện nam tử! Tùy chỗ ông hỏi, Như Lai có thể giải nói cho ông.”

Ngài đại Bồ Tát Kiên Tịnh Tín thưa:

“Như đức Thế Tôn trước đây có nói: “Ta nhập diệt rồi, đến sau thời kỳ Chánh Pháp chấm dứt(3), Tượng Pháp sắp hết(4), sang thời Mạt Pháp(5) vào thời kỳ này, chúng sanh phước mỏng, nhiều sự suy buồn, quốc độ xảy ra rối loạn hoài hoài, tai họa nhiều lần nổi lên khắp nơi(6), đủ thứ ách nạn, toàn những sợ sệt bức xúc chúng sanh. Đệ tử Như Lai, đa số đánh mất niệm lành của mình, chỉ nuôi lớn thêm tham, giận, ganh tỵ, ngã mạn v.v… Giả sử có người, làm được những điều, giống như thiện Pháp(7), thì cũng chỉ cầu lợi dưỡng tiếng khen theo người thế gian, lấy đó làm đích, chẳng thể chuyên tâm tu Pháp xuất yếu(8). Trong thời kỳ này, chúng sanh khắp nơi, nhìn thấy trong đời tai biến loạn ly, lòng họ khiếp nhược, lo sợ thân mình và những quyến thuộc chẳng được áo cơm để nuôi thân mạng. Do những nhân duyên đầy dẫy các thứ chướng ngại như thế, cho nên đối với Chánh Pháp của Phật, căn tính của họ, trở nên chậm lụt, đức tin ít ỏi, người chứng được đạo cực kỳ hiếm có, đến đỗi lần lần, đối với Ba Thừa, những người thành tựu đức tin căn bản lại cũng rất hiếm. Những người tu học thiền định thế gian, mà phát sinh những năng lực thần thông, như biết kiếp trước của mình v.v… lần lượt chẳng còn. Vào thời Mạt Pháp, lâu xa như vậy, người chứng đạo quả, người được đức tin, người được thiền định, thần thông v.v… hoàn toàn không có…”(9).

Kính bạch Thế Tôn! Con vì thời đại ác trược sau này, khi Tượng Pháp sắp hết, và vì chúng sanh căn lành nhỏ nhoi trong thời Mạt Pháp, xin hỏi Như Lai, bày phương tiện nào, mở mang chỉ dẫn hàng đệ tử Phật, khiến sinh lòng tin, được trừ suy buồn? Bởi các chúng sanh, gặp thời đại ác, nhiều chướng ngại nên họ thoái tâm lành. Đối với nhân quả của Pháp thế gian và Pháp xuất thế, phần nhiều nghi ngờ, chẳng thể bền lòng, chuyên cầu thiện Pháp, chúng sanh như vậy đáng thương đáng cứu.

Tâm đại từ bi của đức Thế Tôn bao la vô tận, trí biết tất cả, xin khởi phương tiện, dạy rõ điều này, khiến lìa lưới nghi, trừ các chướng ngại, thêm được đức tin, nương theo các thừa mà mau được giải thoát.

Đức Phật bảo ngài Kiên Tịnh Tín rằng: “Lành thay! Lành thay! Ông hỏi việc này hay lắm, rất vừa ý ta! Nay trong hội này, có đại Bồ Tát tên là Địa Tạng, ông nên đem việc này, thưa hỏi với Người. Vị Bồ Tát ấy sẽ vì ông mà dựng lập phương tiện, mở bày diễn nói, để ông mãn nguyện”.

Khi đó Bồ Tát Kiên Tịnh Tín bạch Phật: “Kính bạch Thế Tôn! Như Lai là đấng đại trí vô thượng, ý gì đức Phật chẳng nói, lại muốn để cho Bồ Tát Địa Tạng diễn nói việc này?”

Đức Phật bảo Ngài Kiên Tịnh Tín:

“Ông chớ có sinh tư tưởng cao hạ. Bồ Tát Địa Tạng, từ khi phát tâm tu hành đến nay, đã hơn vô lượng vô biên bất khả tư nghì A tăng kỳ kiếp, từ lâu Người đã chứng vào biển Nhất Thiết Trí, công đức tràn đầy, chỉ vì nương sức đại tự tại và thệ nguyện xưa mà khéo hóa hiện, ứng thân mười phương. Dù rằng dạo khắp tất cả cõi nước, khởi dụng độ sinh, nhưng với đời ác năm trược, riêng Người là làm lợi ích giáo hóa sâu dày hơn cả. Lại cũng nương sức huân tập, thệ nguyện thuở xưa, mà Người nhận lấy sự nghiệp giáo hóa chúng sanh có nhân đáng độ.

Bồ Tát Địa Tạng, từ mười một kiếp trở lại đây, luôn luôn trang nghiêm thế giới Ta Bà, thành thục chúng sanh, do đó, trong đại hội này, thân tướng của Người đoan nghiêm, oai đức thù thắng. Chỉ trừ Như Lai, ngoài ra không ai có thể hơn nổi. Vả lại bao nhiêu sự nghiệp giáo hóa nơi thế giới này, trừ những vị Đại Bồ Tát như Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, ngoài ra không ai có thể sánh kịp. Cũng bởi bản thệ và nguyện lực xưa của Bồ Tát này, là nhanh chóng thỏa mãn tất cả nguyện cầu của khắp chúng sanh, hay diệt tất cả tội nặng, hay trừ các thứ chướng ngại cho khắp chúng sanh, để họ hiện đời được sự an ổn.

Lại nữa, Bồ Tát Địa Tạng được mệnh danh là “Đấng khéo nói Pháp an ủi chúng sanh”. Nghĩa là khéo nói những Pháp rất sâu có thể mở mang, dẫn dắt những người vừa mới tu học, phát khởi ý chí cầu Pháp Đại thừa, khiến chẳng khiếp nhược. Bởi những nhân duyên như vậy cho nên, nơi thế giới này, chúng sanh khát ngưỡng, chịu sự giáo hóa, đắc độ của Người, do đó mà ta để cho Người nói.

Khi ấy, Bồ Tát Kiên Tịnh Tín đã hiểu được ý của Phật, ngay đó Ngài liền mở lời khuyến thỉnh đức Địa Tạng rằng:

- Hay thay đấng Đại Sĩ cứu đời! Hay thay đấng Đại Trí khai đạo! Như điều tôi hỏi về những chúng sanh trong đời ác trược, dùng phương tiện gì giáo hóa chỉ dẫn, cho họ lìa khỏi các thứ chướng ngại, được vững niềm tin? Nay đức Như Lai muốn để cho Ngài nói phương tiện đó, xin Ngài phải thời, thương xót nói cho.

Lúc đó Ngài Đại Bồ Tát Địa Tạng nói với Ngài Kiên Tịnh Tín rằng:

- Này thiện nam tử! Hãy khéo lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói:

- Thời gian sau khi đức Phật diệt độ, trong đời ác trược, những vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni, nam nữ cư sĩ, đối với những điều nhân quả thế gian và xuất thế gian, như chưa có được đức tin quyết định, chẳng thể tu học về tưởng vô thường, về ý tưởng khổ, ý tưởng vô ngã, ý tưởng bất tịnh… Những Pháp quán ấy chẳng thể thành tựu, chẳng thể siêng năng quán bốn Thánh đế, hoặc là Pháp quán mười hai nhân duyên, hoặc là những Pháp quán bất sinh bất diệt… Do chẳng siêng quán những Pháp như vậy, cuối cùng chẳng thể không tạo tội lỗi, thuộc mười điều ác căn bản. Đối với công đức của Phật, Pháp, Tăng, và những cảnh giới nhiệm mầu của ngôi Tam Bảo, chẳng hay chuyên lòng tin tưởng sâu sắc, đối trong ba thừa, đều không định hướng… Những hạng người trên, nếu có bất cứ thứ chướng duyên nào, thì mối lo lắng càng thêm tăng trưởng, hoặc nghi, hoặc hối. Đối với mọi điều, tâm chẳng sáng tỏ, cầu nhiều, lo nhiều, lắm chuyện rằng buộc, làm việc bất định, tư tưởng rối loạn, phế tu đạo nghiệp.

Hàng đệ tử Phật, người nào có sự chướng nạn như thế, nên dùng phương pháp xem Tướng Mộc Luân(10) mà chiêm nghiệm xét nét. Nghiệp nhân tốt xấu của những đời trước, cũng như những sự khổ vui lành dữ hiện tại đời này, duyên hợp mà có, duyên hết thì tan, nghiệp nhóm theo tâm, tướng hiện quả khởi, chẳng mất, chẳng hư, tương ứng với nhau, không hề sai lạc. Hãy nên như vậy, chiêm nghiệm kỹ càng nghiệp báo tốt xấu, rồi tự nhắc nhở nơi lòng của mình. Đối với việc nào có chỗ nghi ngờ, thì lấy theo đó quyết định rõ rệt.

Là đệ tử Phật, hãy nên học tập phương pháp Chiêm Sát Tướng Mộc Luân này, hết lòng nương theo việc được xem xét, thì không điều nào mà chẳng thành tựu. Chẳng nên vứt bỏ phương pháp nói trên, trở lại theo đuổi những thứ bói quẻ, hoặc là những việc chiêm tướng lành dữ của người thế gian, rồi sinh ham đắm, ưa thích học tập. Nếu thích học tập, thì rất chướng ngại Thánh đạo Bồ Đề.

- Này thiện nam tử! Muốn học cách làm Tướng Mộc Luân thì, trước phải khắc gỗ, cỡ như ngón út, dài dưới một tấc(11) chính giữa mảnh gỗ, bốn mặt bằng nhau, đầu hai mảnh gỗ, nhọn lần lần ra, ngửa tay gieo qua chỗ sạch bên cạnh, khiến cho chuyển đổi, nhân vì nghĩa này mệnh danh là Luân. Lại nương tướng này, có thể phá hỏng lưới nghi chấp tà trong tâm chúng sanh, chuyển sang đường chính, đến chốn an ổn, nên gọi là Luân(12).

Về Tướng Mộc Luân, thì có tất cả ba thứ khác nhau. Thế nào là ba?

- Một là Luân tướng biểu thị nghiệp chủng thiện ác sai biệt đã tạo đời trước. Luân này có mười.

- Hai là Luân tướng biểu thị nghiệp chủng chứa nhóm trong những đời trước, hoặc xa hoặc gần, tạo nghiệp mạnh yếu, lớn nhỏ khác nhau, Luân này có ba.

- Ba là Luân tướng biểu thị thọ báo, sai biệt cả trong ba đời, Luân này có sáu.

Như muốn xem xét những nghiệp ác sai biệt đã tạo đời trước, thì phải khắc gỗ ra làm mười Luân, y mười Luân này viết ghi danh từ của mười thiện nghiệp, cứ mỗi thiện nghiệp, chủ ở một luân, ghi ở một mặt. Kế lấy mười ác nghiệp, viết đối diện lại với mười thiện nghiệp, khiến cho cân đối, mỗi luân cũng ghi ở tại một mặt.

Về mười thiện nghiệp chính là cội rễ tất cả điều thiện, có thể tóm nhiếp tất cả thiện Pháp khác. Về mười ác nghiệp, cũng là cội rễ tất cả điều ác, có thể tóm nhiếp tất cả ác Pháp khác.

Nếu muốn chiêm quẻ Tướng Mộc Luân này, trước hết phải học sự dốc lòng thành, lễ chung tất cả chư Phật mười phương, nhân đó lập nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh mười phương, đều được nhanh chóng gần gũi cúng dường, thưa hỏi lãnh nhận Chánh Pháp của Phật. Kế đó nên học sự dốc lòng thành, kính lạy mười phương tất cả Pháp tạng, nhân đó lập nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh mười phương, đều được nhanh chóng thọ trì đọc tụng, tu hành đúng Pháp, vì người diễn nói. Kế nữa phải học sự dốc lòng thành, kính lạy mười phương tất cả Hiền Thánh, nhân đó lập nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh mười phương, đều được nhanh chóng, gần gũi cúng dường, phát tâm Bồ Đề, đến bất thoái chuyển. Sau đó nên học sự dốc lòng thành, kính lạy nơi Ta, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, nhân đó lập nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh mười phương, mau được trừ diệt đi nghiệp ác, lìa các chướng ngại, những vật nuôi thân đều được đầy đủ.

Lạy như thế rồi, tùy chỗ có được hương hoa v.v… nên sắm cúng dường, trong khi cúng dường, hành giả phải nên nhớ nghĩ tất cả Phật, Pháp, Tăng Bảo, thể thường khắp giáp, hiện hữu khắp nơi. Nguyện cho những món hương hoa dâng cúng, đồng với Pháp tánh, xông khắp tất cả cõi nước mười phương của các đức Phật, rộng làm Phật sự.

Lại nghĩ mười phương tất cả món cúng, lúc nào cũng có. Nay tôi sẽ dùng tất cả những thứ hoa hương, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái, những món trân quý, các thứ âm nhạc, đèn đuốc sáng tỏ, món ăn, thức uống, y phục, mền nệm, thuốc thang v.v… cho đến bao nhiêu những món trang nghiêm cúng dường tận khắp mười phương, mà mình có thể hình dung nhớ tưởng, đều cùng chung với tất cả chúng sanh, dâng hiến cúng dường. Lại nên nghĩ đến người nào sắm sửa những món cúng dường trong các thế giới, ta đều tùy hỷ, người nào chưa thể sắm sửa cúng dường, nguyện được dẫn dắt tu Pháp cúng dường.

Lại nguyện thân ta, có thể nhanh chóng, đến khắp tất cả cõi nước mười phương, ở mỗi mỗi chỗ Phật, Pháp, Tăng Bảo, đều dùng tất cả những món trang nghiêm, với khắp chúng sanh, đồng đem dâng hiến, cúng dường tất cả Pháp thân, sắc thân, xá lợi, hình tượng, chùa viện, tháp miếu, tất cả Phật sự của các đức Phật. Cúng dường tất cả bao nhiêu tạng Pháp và chỗ thuyết Pháp. Cúng dường tất cả chư Hiền Thánh Tăng, nguyện con cùng với tất cả chúng sanh, tu hành cúng dường như thế xong rồi, lần lần thành tựu sáu ba la mật, bốn vô lượng tâm, biết sâu các Pháp xưa nay vắng lặng, không sinh, không diệt, nhất vị bình đẳng(13), lìa niệm, thanh tịnh, rốt ráo tròn đầy.

Lại một lần nữa buộc tâm một chỗ, riêng cúng dường Ta, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, bằng cách xưng danh, hoặc tụng niệm thầm, nhất tâm xưng rằng: Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. Xưng danh như vậy đủ một nghìn lần. Qua một nghìn niệm rồi, bạch lời như vầy: Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát! Đại từ đại bi, cúi mong Bồ Tát hộ niệm cho con và tất cả chúng sanh, mau trừ các chướng, thêm lớn đức tin thanh tịnh, khiến cho những điều xem xét hiện nay, khế hợp tương xứng đối với sự thật…

Nói lời ấy rồi, sau đó tay cầm mộc luân(14) ở trên vật sạch, gieo qua một bên. Cách thức như thế, muốn xem cho mình, hoặc xem cho người, cũng đều như vậy, người xem nên biết.

Người muốn chiêm sát tướng mộc luân đây, tùy nghiệp được hiện, đều phải mỗi mỗi quan sát kỹ lưỡng suy tư nghiệm xét. Hoặc là thuần đủ cả mười điều thiện, hoặc là thuần đủ cả mười điều ác, hoặc thiện ác xen lẫn, hoặc thuần thiện chẳng đủ, hoặc thuần ác chẳng đủ. Nghiệp nhân như vậy, giống loại chẳng đồng, tập khí, quả báo mỗi thứ mỗi khác, như đức Thế Tôn đã nói rộng rãi nơi nhiều Kinh khác. Phải nên nhớ nghĩ, suy ngẫm quan sát nghiệp chủng được hiện, cùng với những việc quả báo khổ vui, lành dữ trải qua trong hiện đời này, như tương xứng với nghiệp tập phiền não (đang nhận), đó mệnh danh là khế hợp. Nếu chẳng tương xứng, phải biết đó là chẳng hết lòng thành, mà là luống sai.

- Nếu chiêm tướng mộc luân, mà nghiệp thiện, nghiệp ác đều chẳng hiện ra, thì người này đã chứng tâm sáng suốt của trí vô lậu. Hãy nên chuyên cầu xuất ly thế Pháp, chớ ưa nhận lại quả báo thế gian, những nghiệp hữu lậu, lần lượt nhỏ yếu, chẳng còn tăng trưởng, cho nên chẳng hiện.

Trường hợp thuần thiện chẳng đủ, thuần ác chẳng đủ thì hai hạng người này, những gì về nghiệp thiện, nghiệp ác của họ chẳng hiện, đều là nhỏ yếu, chưa dẫn đến quả, do đó chẳng hiện.

- Nếu đời sau này, những vị đệ tử của đức Như Lai, một khi chiêm nghiệm quả báo thiện ác, được tương ưng rồi, đối với những món thuộc năm thứ dục(15), khi được xứng ý, chớ tự dễ duôi, rồi khởi buông lung, liền nên xét nghĩ “Ta được như vầy, là do thiện nghiệp đã tạo đời trước, cho nên ngày nay được phước báo này, nay ta càng phải tiến tu thêm nữa, chẳng nên dừng nghỉ”. Nếu gặp ách nạn, hoặc là những sự suy não chẳng lành, rối rắm, lo sợ, chẳng được vừa ý, phải nên cam chịu, chớ nên nghi hối mà thoái tu thiện nghiệp, liền nên xét nghĩ: “Nghiệp ác thế này, chỉ do đời trước ta đã gây tạo, cho nên bây giờ mắc báo như thế. Nay ta phải nên sám hối ăn năn những nghiệp ác đó, cũng như chuyên tu Pháp môn đối trị và tạo nghiệp lành thêm, không được dừng lại hay biếng lười phóng túng, nếu chẳng như thế, chỉ càng thêm sự chứa nhóm các thứ khổ tụ mà thôi…”

Trên đây gọi là phương pháp Chiêm sát bằng Tướng Mộc Luân, thuộc cách thứ nhất.

- Thiện nam tử! Nếu muốn chiêm sát nghiệp được chứa nhóm xa gần, trong đời quá khứ về trước, những nghiệp đã tạo, mạnh yếu, lớn nhỏ sai khác thế nào, lại nên khắc gỗ ra làm ba luân, biểu thị ba nơi: Thân, Khẩu, Ý. Mỗi luân chủ một nơi, viết chữ vào đó. Lại nơi mỗi luân, chính giữa một mặt, viết vào đường gạch, hơi lớn và dài, cho đến chí mí. Kế mặt thứ ba, rạch một nét khác, hơi to và sâu. Đến mặt thứ tư cũng khắc một nét cho lớn và cạn.

Cần nên biết rằng, nghiệp thiện trang nghiêm, cũng tương tự như vẽ vời tô điểm. Nghiệp ác suy hại, giống như gạch bỏ. Gạch nào dài lớn, tượng trưng cho sự chứa thiện vốn đã từ lâu trở lại, thiện nghiệp đã làm, mạnh mẽ bén nhạy, việc làm tăng thêm. Gạch nào nhỏ ngắn, tượng trưng cho sự chứa thiện trở lại, vốn còn gần, cạn, chỉ mới tập tành, nền tảng chậm chạp, việc làm mỏng manh.

Nét khắc nào mà, vừa to vừa sâu, tượng trưng cho những tập quán xấu ác, từ lâu trở lại, việc làm tăng thêm, dư họa cũng dày.

Nét khắc nào mà, vừa to vừa cạn, tượng trưng cho sự thoái tu thiện Pháp, trở lại đây gần, mà mới tập tành theo những ác pháp, những nghiệp đã tạo, cũng chưa đến nỗi tăng thượng lên lắm. Hoặc là dù có khởi nghiệp ác nặng, nhưng từng hối cải, đó được gọi là những điều ác nhỏ.

- Này thiện nam tử! Nếu như chiêm sát luân tướng lần đầu, thì chỉ mới biết thiện ác sai biệt đã tạo đời trước, nhưng chẳng thể biết tập quán chứa nhóm lâu xa hay gần, cũng như chưa thể biết nghiệp đã tạo là mạnh hay yếu, hoặc lớn hay nhỏ. Thế nên cần phải, chiêm sát luân tướng lần thứ hai nữa(16).

Nếu như chiêm sát luân tướng lần hai, thì phải căn cứ nghiệp được phát hiện trong luân tướng đầu. Nghĩa là: Nếu thuộc nơi thân thì gieo luân tướng có ghi chữ thân. Nếu thuộc về khẩu, thì gieo luân tướng có ghi chữ khẩu. Nếu thuộc về ý, thì gieo luân tướng có sẵn chữ ý. Chẳng được đem tất cả tướng của ba luân gieo chung một lần, phải tùy theo nghiệp. Chú ý nên nhớ từng nghiệp thiện ác, căn cứ theo luân thuộc về nghiệp nào thì gieo riêng luân đó để chiêm cho đúng.

- Lại nữa, nếu trong luân tướng, chiêm lần thứ nhất, chỉ được điều tốt nơi thân, mà trong luân tướng chiêm lần thứ hai, lại được điều xấu nơi thân, như vậy gọi là lòng không chí thành, chẳng được khế hợp, gọi là sai luống.

- Lại nữa, chẳng tương ưng là: trong mười luân tướng xem lần thứ nhất, được nghiệp bất sát (chẳng giết), hay nghiệp thâu đạo (trộm cướp), ý trước chú mục xem nghiệp bất sát, nhưng trong luân tướng chiêm lần thứ hai, được ác nơi thân, đó cũng gọi là chẳng được khế hợp.

- Lại nữa, nếu thấy hiện tại, từ khi sinh ra cho đến bây giờ, chẳng ưa nghiệp sát, không tạo tội giết, chỉ có ý là còn chủ nghiệp sát, nhưng trong luân tướng chiêm lần thứ hai, được thân đại ác, đó cũng gọi là chẳng được khế hợp. Từ đó suy ra, trong nghiệp của khẩu, hay nghiệp của ý, nghĩa chẳng tương ưng lại cũng như vậy, cần phải biết rõ.

Ngài Đại Bồ Tát Địa Tạng lại bảo Ngài Kiên Tịnh Tín:

- Này thiện nam tử! Nếu đời sau này các hạng chúng sanh, muốn cầu thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết; vừa mới phát tâm tu tập thiền định, trí tuệ vô tướng, cần phải xem trước, nghiệp ác đã tạo trong những đời trước, nhiều ít, nhẹ nặng thế nào, nếu như nghiệp ác nhiều và sâu dày, thì chẳng được học ngay Pháp thiền định, trí tuệ, trước hết cần phải tu Pháp sám hối.

Tại vì sao thế?

- Người này đời trước, tập khí ác tâm mạnh mẽ bén nhạy, cho nên hiện tại, ắt tạo nhiều ác, hủy phạm trọng cấm, cho nên nếu chẳng sám hối, khiến được thanh tịnh, mà lập tức tu thiền định trí tuệ, thì người đó sẽ có nhiều chướng ngại, chẳng thể thành công. Hoặc bị thất tâm, lầm lạc, cuồng loạn, hoặc bị tà ma ngoại đạo quấy rối, hoặc thâu nạp pháp tà, thêm lớn ác kiến, thế nên trước hết, phải tu Sám Pháp. Một khi giới thể đã được thanh tịnh, hay tội nặng đời trước, được nhẹ mỏng rồi, ắt lìa các chướng.

- Thiện nam tử! Hành giả muốn tu Pháp sám hối, thì nên ở chỗ vắng, tùy năng lực mình, mà trang nghiêm một tịnh thất vừa phải, trong thất tôn trí tượng Phật, Bồ Tát, để Kinh Sám, treo phan lọng lụa, chuẩn bị hương hoa để dùng cúng dường, tắm gội thân thể, giặt sạch y phục, chớ cho hôi hám. Mỗi ngày ba lần, ở trong thất ấy, ba thời xưng niệm danh hiệu sám hối. Một lòng kính lạy bảy đức Phật quá khứ và năm mươi ba đức Phật, kế đó tùy mười phương mà mỗi mỗi lạy chung. Vận tâm lạy khắp nơi có sắc thân Xá Lợi, hình tượng, tháp miếu, và những Phật sự của tất cả chư Phật. Kế lại lạy chung tất cả chư Phật mười phương ba đời.

Lại nên vận tâm, lễ khắp mười phương tất cả Pháp tạng. Lại nên vận tâm, lạy khắp tất cả chư Hiền Thánh Tăng trong khắp mười phương.

Sau đó, riêng xưng danh thêm(17) và đảnh lễ Ta, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. Lễ như vậy rồi, cần phải nói về những tội đã tạo, một lòng ngưỡng bạch:

“Cúi mong mười phương chư Đại Từ Tôn, chứng biết hộ niệm cho con sám hối, chẳng còn tạo lại. Xin nguyện con và tất cả chúng sanh, mau được trừ diệt những tội từ vô lượng kiếp trở lại, mười thứ nghiệp ác, bốn thứ tội nặng, năm tội đại nghịch, tà kiến điên đảo, chê bai Tam Bảo, tội nhất xiển đề v.v…”

Khi đó hành giả lại nên xét nghĩ: tính tội như vậy, chỉ là từ tâm hư vọng, điên đảo mà khởi, không có thật thể nhất định, để có thể nắm bắt và thể của nó vốn là rỗng lặng. Nguyện cho tất cả chúng sanh đều mau thấu đạt bản tâm, diệt hẳn gốc tội.

Kế lại phát lời nguyện khuyến thỉnh:

Xin nguyện mười phương tất cả Bồ Tát, vị nào chưa thành Vô thượng Chánh Giác, xin nguyện vị ấy mau thành Chánh Giác. Vị nào đã thành, xin nguyện thường trụ mãi trên thế gian, để chuyển Pháp luân, không vào Niết Bàn.

Kế lại phát lời nguyện tùy hỷ:

Nguyện con và khắp tất cả chúng sanh, rốt ráo lìa hẳn thứ tâm ganh tỵ, tất cả cõi nước trong khắp ba đời, những người tu học được các công đức và được thành tựu, con đều tùy hỷ.

Kế lại phát lời nguyện hồi hướng:

Nguyện những công đức mà con đã tu, nếu có lợi ích cho khắp chúng sanh, đều xin hồi hướng về Nhất Thiết Trí, đến thành Niết Bàn.

Phát những lời nguyện hồi hướng đó rồi, hành giả bước qua bên cạnh tịnh thất, ngồi thẳng nhất tâm hoặc niệm lớn tiếng, hoặc là niệm thầm danh hiệu của Ta. Hành giả phải nên tiết giảm ngủ nghỉ. Nếu bị hôn trầm che mờ tâm tính, thì nên trở vào đạo tràng trong thất, kinh hành niệm tụng (Trên đây là nói ban ngày).

Kế đến là phần giờ giấc ban đêm:

- Nếu có đèn nến thắp sáng ban đêm, cũng nên ba thời cung kính cúng dường, sám hối phát nguyện. Nếu chẳng thể sắm đèn nến sáng sủa, phải nên thường trực ở trong tịnh thất, một lòng tụng niệm, hằng ngày thực hành Pháp sám như vậy, chớ lười bỏ phế.

Nếu người có sẵn nền tảng thiện nghiệp xa xôi đời trước, mà tạm thời gặp nhân duyên xấu ác, rồi tạo điều ác, thì tội chướng nhẹ, tâm của người ấy mạnh mẽ lanh lợi, ý lực hùng dũng, trải qua bảy ngày liền được thanh tịnh, trừ các chướng ngại.

Các hạng chúng sanh, nghiệp có dày mỏng, cho nên căn tính có lanh, có chậm, sai khác không lường. Hoặc có những người, sau hai mươi bảy ngày thì được thanh tịnh. Có người trải qua hai mươi mốt ngày, cho đến trải qua bốn mươi chín ngày, bèn được thanh tịnh.

Nếu như người nào, quá khứ hiện tại, đều có các thứ tội nặng tăng trưởng, phải qua trăm ngày mới được thanh tịnh, hoặc hai trăm ngày, cho đến trải qua một nghìn ngày sau, mới được thanh tịnh.

Nếu người căn tính cực kỳ chậm lụt, tội chướng sâu nặng, cần phải luôn luôn phát tâm dõng mãnh, chẳng đoái tưởng đến việc tiếc thân mạng, thường xuyên xưng niệm, sớm tối kinh hành, nhiễu quanh tượng Phật, giảm bớt ngủ nghỉ, lễ sám phát nguyện, vui tu cúng dường, chẳng lười chẳng bỏ, dù cho mất mạng, cũng chẳng dừng thoái. Tinh tấn như thế trong một nghìn ngày, quyết được thanh tịnh.

- Thiện nam tử! Nếu muốn biết được tướng thanh tịnh thì: Bắt đầu từ khi tu hành sám Pháp, qua sau bảy ngày, phải nên mỗi bữa, vào lúc sáng sớm, lấy tướng mộc luân thuộc lớp thứ hai(18) để đủ trong tay, gieo luôn ba lần. Nếu thân, khẩu, ý đều là thuần thiện, người ấy được gọi là thanh tịnh lại.

Về đời sau này, các hạng chúng sanh, người nào có thể tu hành Sám Pháp, thì quá khứ từ trước, lâu xa trở lại, ở trong Phật Pháp, đời nào đã từng tu tập thiện Pháp, tùy người đó tu những công đức gì, thì nghiệp cũng có dày mỏng, đủ thứ khác lạ, do đó những hạng người kia trong lúc được sự thanh tịnh, tướng cũng chẳng đồng.

Hoặc có chúng sanh, khi được ba nghiệp thuần thiện, bèn liền được thêm các thứ tướng hảo.

Hoặc có chúng sanh, khi được tướng trạng ba nghiệp lành vừa, thì trong một ngày đêm, lại thấy ánh sáng đầy thân của mình. Hoặc nghe có mùi hương thơm lạ mà nơi thân ý thơi thới, hoặc có mộng lành, mộng thấy thân Phật đến để chứng minh, tay xoa đầu mình, khen rằng: “Lành thay! Ngươi nay thanh tịnh, Ta đến chứng minh cho ngươi”. Hoặc nằm mơ thấy, thân vị Bồ Tát đến để chứng giám. Hoặc mộng thấy rõ hình tượng đức Phật phóng ra ánh sáng để vì chứng minh…(19).

Nếu người chưa được tướng ba nghiệp lành, mà chỉ trước đó thấy nghe những việc như vậy, rồi cho là mình sám có kết quả, thì đó chính là, hư vọng dối ngụy, chẳng phải tướng lành vậy.

Nếu người từng có gốc lành xuất thế, tùy sự nhiếp thọ của họ mạnh lanh, thì Ta lúc đó, tùy chỗ đáng độ mà vì hiện thân, phóng ánh từ quang, khiến họ an ổn, lìa những nghi sợ, hoặc hiện những thứ thần thông biến hóa, hoặc lại khiến họ tự nhớ những việc lành dữ đã tạo trong những kiếp trước, hoặc lại tùy họ ưa những Pháp gì, liền vì nói những giáo Pháp thâm yếu, ngay đó người ấy hướng về thừa nào, tức được đức tin quyết định vững chắc, hoặc lần lần chứng quả vị Sa Môn(20).

- Lại nữa, nếu chúng sanh nào, mặc dù chưa thấy hóa thân của Ta, biến đổi nói Pháp, hễ siêng tu học với lòng chí thành, khiến thân, khẩu, ý được tướng thanh tịnh rồi, Ta cũng hộ niệm, khiến chúng sanh ấy mau được tiêu diệt các thứ chướng ngại, Thiên Ma Ba Tuần(21) chẳng đến phá hoại, cho đến tất cả những quỷ thần của chín mươi lăm thứ tà sư ngoại đạo(22) cũng chẳng đến quấy nhiễu, và năm món cái(23) lần lượt nhẹ mỏng, kham nổi tu tập thiền định trí tuệ.

- Lại nữa, nếu đời sau này, các hạng chúng sanh, tuy chẳng vì cầu thiền định trí tuệ của đạo xuất yếu, hễ gặp những thứ hoạn nạn tai ách, nghèo nàn khốn khổ, lo rầu bức bách, cũng nên cung kính, lễ lạy cúng dường Tam Bảo, ăn năn tội ác đã tạo và thường phát nguyện. Trong tất cả thời, trong tất cả chỗ, siêng lòng xưng niệm danh hiệu của Ta với lòng chí thành, cũng sẽ mau thoát các thứ suy não, bỏ thân này rồi, sinh về chỗ lành.

- Lại nữa, thời đại sau này, các hạng chúng sinh tại gia xuất gia, muốn cầu thọ giới thanh tịnh vi diệu, nhưng trước đó tạo tội nặng tăng thượng, chẳng được phép thọ, cũng phải như trên, tu Pháp sám hối với lòng chí thành. Khi được tướng lành của thân, khẩu, ý rồi, liền hãy khá thọ. Nếu chúng sanh ấy muốn tu tập theo đạo lý Đại thừa, và cầu thọ những giới trọng căn bản của bậc Bồ Tát, hay nguyện thọ chung tất cả giới cấm xuất gia tại gia, nghĩa là: Nhiếp Luật nghi giới, Nhiếp Thiện Pháp giới, Nhiếp chúng sanh giới, nhưng chẳng tìm được giới sư giỏi khéo, có thể giải rộng Tạng Pháp Bồ Tát tu hành trước kia, phải nên dốc lòng, ở trong đạo tràng, cung kính cúng dường, ngưỡng bạch mười phương chư Phật, Bồ Tát, cung thỉnh chư Phật làm thầy truyền giới, chư Đại Bồ Tát làm bậc Tôn chứng, một lòng lập nguyện, kể rành mười tướng, trước hết nói mười giới trọng căn bản, kế đến nêu chung ba thứ tụ giới, tự thệ mà thọ, đây cũng đắc giới.

- Lại nữa, các hạng chúng sanh về đời vị lai, muốn cầu xuất gia, hoặc xuất gia rồi, lại chẳng thể gặp giới sư giỏi đúng và thanh tịnh Tăng, tâm họ nghi ngờ, chẳng được đúng Pháp thọ những giới cấm. Hễ có khả năng, học sự phát tâm cầu đạo Vô Thượng và cũng làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh rồi, song những người ấy còn chưa xuất gia, hãy nên cạo tóc, mặc vào pháp y, lập nguyện như trên, tự thệ mà thọ ba tụ luật nghi của giới Bồ Tát. Đó mệnh danh là được đầy đủ giới Ba La Đề Mộc Xoa(24) của người xuất gia, gọi là Tỳ kheo, hay Tỳ kheo ni. Sau đó liền phải tìm tòi học hỏi Luật tạng Thanh Văn và Luật tạng kiết tập của Bồ Tát thừa, thọ trì đọc tụng, quán xét tu hành.

Nếu tuy xuất gia, mà tuổi người ấy chưa đầy hai mươi, phải nên trước thệ nguyện thọ mười giới căn bản của Bồ Tát, và thọ những giới riêng của Sa di hay Sa di ni, liền phải gần gũi, cúng dường cung cấp hầu hạ bậc đã xuất gia kỳ cựu, vị này trước đã học Đại thừa tâm và thọ đủ giới. Sa di mới thọ, thỉnh cầu vị này làm thầy y chỉ, thỉnh xin dạy dỗ, tu hành oai nghi, như những phép tắc của một Sa di hay Sa di ni. Nếu chẳng thể gặp người nào như thế, thì chỉ nên gần gũi những vị Bồ Tát tu về Luận tạng mà đọc tụng suy ngẫm, quán xét tu hành, hãy siêng cúng dường Phật, Pháp, Tăng Bảo.

Nếu Sa di ni tuổi đã mười tám, cũng nên tự thệ thọ sáu giới Pháp của một Thức Xoa trong Tạng Tỳ ni, và phải học hỏi tất cả tụ giới của Tỳ kheo ni. Lúc tuổi người đó tròn đủ hai mươi, mới có thể tổng thọ Ba tụ tịnh giới của một Bồ Tát, như trên đã nói. Sau đó được gọi Tỳ kheo, Tỳ kheo ni.

Nếu chúng sanh nào, tuy học sám hối mà chẳng hay hết lòng, chẳng được triệu chứng mộng thấy tướng hảo, giả sử tác Pháp, tưởng mình thọ giới, chẳng gọi đắc giới.

Bấy giờ Ngài Kiên Tịnh Tín hỏi Ngài Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát:

- Bạch Đấng Đại Sĩ! Về sự chí tâm, tính cách sai biệt, có bao nhiêu thứ? Những sự chí tâm nào, có thể cảm triệu mộng thấy tướng lành?

Ngài Địa Tạng đáp:

- Này thiện nam tử! Nói về chí tâm, tóm tắt có hai, những gì là hai?

Một là: chí tâm cầu nguyện của người vừa mới phát tâm học tập.

Hai là: chí tâm của người nhiếp ý tinh chuyên thành tựu dõng mãnh.

Được sự chí tâm thứ hai, có thể gặt hái kết quả mơ thấy tướng lành.

Hai sự chí tâm này lại có ba thứ khác nhau giữa hạ, trung, thượng. Những gì là ba?

Một là nhất tâm, nghĩa là hệ niệm tư tưởng một chỗ, không cho tán loạn, tâm trụ tỏ rõ. (bậc hạ)

Hai là tâm dõng mãnh, ấy là chuyên cần, không hề biếng trễ, chẳng tiếc thân mạng.(bậc trung)

Ba là thâm tâm, nghĩa là tương ưng với Pháp(25) rốt ráo chẳng thoái. (bậc thượng)

Nếu người tu tập Pháp sám hối này, cho đến chẳng được chí tâm bậc hạ, thì trọn chẳng thể có sự cảm triệu tướng tốt thanh tịnh.

Trên đây là nói phương pháp Chiêm Sát Luân Tướng thứ hai.

- Này thiện nam tử! Nếu muốn chiêm sát sự chịu quả báo sai khác ba đời, lại phải khắc gỗ ra làm sáu luân. Nơi sáu luân này lấy các con số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 ghi vào trong đó. Mỗi số chủ một mặt, mỗi luân viết ba mặt, mỗi mặt một số, số ghi thứ lớp không cho lộn lạo. Nên biết, những số như thế, đều từ số Một mà khởi, lấy Một làm gốc. Cái tướng của những con số như vậy, tượng trưng cho nhóm sáu căn của khắp tất cả chúng sanh, đều từ cảnh giới Nhất Thật Tướng Tự Tính Thanh Tịnh Tâm của Như Lai Tạng mà khởi.

Nương nơi cảnh giới (chân vọng hòa hợp) của Nhất Thật Tướng, lấy đó làm gốc. Nghĩa là nương cảnh giới của Nhất Thật Tướng, sẵn có vô minh, chẳng rõ Nhất Chân Pháp Giới, nhận lầm cái nhớ nghĩ tư duy, mà hiện ra cảnh giới hư vọng, rồi phân chấp đắm, chứa nhóm mãi thành nhân duyên của nghiệp, sinh các giác quan, như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nương vào sáu căn bên trong, đối với sáu trần bên ngoài, là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà khởi ra nhận thức của sáu giác quan, hoặc nghịch, hoặc thuận, chẳng nghịch, chẳng thuận(26) thành ra 18 cảm thọ.

- Nếu đời sau này, hàng đệ tử Phật, đối với sự thọ quả báo ba đời, người nào có ý, muốn giải quyết nghi, phải nên ba lần, gieo tướng mộc luân cách thứ ba này, chiêm sát bằng cách tính số cộng lại, căn cứ tổng số mà xem, để định thiện ác. Các tướng quả báo thiện ác ba đời để xem như vậy, gồm có 189 thứ. Những gì là 189 thứ?

1. Cầu Thượng thừa sẽ được bất thoái chuyển.
2. Cầu quả được chứng, hiện tại sẽ chứng.
3. Cầu Duyên Giác thừa, được không thoái chuyển.
4. Cầu Thanh Văn thừa, được bất thoái chuyển.
5. Cầu sức thần thông, được sự thành tựu.
6. Tu bốn phạm hạnh(27) được sự thành tựu.
7. Tu thiền thế gian, được sự thành tựu.
8. Giới nào muốn thọ, là được Diệu giới.
9. Giới nào từng thọ, được đầy đủ giới.
10. Cầu Thượng thừa nhưng đức tin chưa trụ.
11. Cầu Duyên Giác thừa nhưng đức tin chưa vững.
12. Cầu Thanh Văn thừa nhưng đức tin chưa vững.
13. Người được chiêm sát chính là bạn lành.
14. Tùy nghe những gì đều đúng Chính Pháp.
15. Người được chiêm sát chính là bạn ác.
16. Tùy nghe những gì đều sai Chánh Pháp.
17. Người đang được xem có đức thật sự.
18. Người đang được xem không có thật đức.
19. Nghĩa được tu quán là không sai lầm.
20. Nghĩa được tu quán là bị lầm lộn.
21. Những gì đọc tụng là không lầm lộn.
22. Những gì đọc tụng là bị lầm lộn.
23. Những hạnh được tu chẳng bị sai lầm.
24. Những gì thấy nghe, đều là tướng lành.
25. Có sở chứng gì đều là chân thật.
26. Có học những gì đều là sai lầm.
27. Những gì thấy nghe, chẳng phải tướng lành.
28. Có chứng ngộ gì đều chẳng phải chính.
29. Có kết quả gì, là do tà thần giúp giữ.
30. Nói giỏi điều gì, là trí tà biện bác.
31. Biết chỗ huyền diệu, chẳng phải sức người.
32. Nên trước tập quán đường lối sáng suốt.
33. Nên tập đường lối thiền định trước đó.
34. Xem chỗ được học, không bị chướng ngại.
35. Xem chỗ được học, là điều thích nghi.
36. Xem chỗ được học, chẳng phải thích nghi.
37. Xem chỗ được học, là đã tu tập đời trước.
38. Xem chỗ được học, chẳng phải đời trước tu tập.
39. Xem chỗ được học, khéo tăng trưởng lên.
40. Xem chỗ được học, là phương tiện nhỏ.
41. Xem chỗ được học, không sự tiến thú.
42. Quả gì mong cầu, hiện tại chưa được.
43. Cầu xuất gia thì sẽ được ra đi.
44. Mong cầu nghe Pháp sẽ được chỉ dạy.
45. Cầu những quyển Kinh sẽ được đọc tụng.
46. Hãy xem việc làm đều là ma sự.
47. Xem những việc đã làm đều thành tựu.
48. Xem việc được làm, chẳng được thành tựu.
49. Cầu giàu của cải, sẽ được sung thạnh.
50. Cầu địa vị quan sẽ được kết quả.
51. Cầu sống lâu sẽ được thêm tuổi thọ.
52. Cầu tiên đạo thế gian, sẽ được kết quả.
53. Xem chỗ học vấn, đạt được nhiều chỗ.
54. Xem chỗ học vấn, ít đạt kết quả.
55. Tìm thầy, tìm bạn, được như ý muốn.
56. Tìm đệ tử, được như ý.
57. Tìm cha mẹ, được như ý muốn.
58. Cầu con trai con gái, được như ý.
59. Tìm thê thiếp như ý.
60. Tìm bạn đồng học, được như ý muốn.
61. Xem lại những gì lo lự, được hòa hợp.
62. Người được xem, tâm họ mang hờn giận.
63. Mong người không giận, sẽ được hoan hỷ.
64. Cầu sự hòa hợp, được như ý muốn.
65. Tâm của người được xem thì hoan hỷ.
66. Người mình nghĩ đến, sẽ được gặp gỡ.
67. Người mình nghĩ đến, chẳng được gặp lại.
68. Người được mời gọi, sẽ được nhóm đến.
69. Người bị chê ghét, được rời khỏi họ.
70. Người mình kính mến, sẽ được gần họ.
71. Quán Pháp ly dục, ý được tập trung.
72. Quán Pháp ly dục, ý chẳng tập trung.
73. Người được mời gọi, họ sẽ chẳng đến.
74. Người được hẹn trước, chắc chắn sẽ đến.
75. Người được hẹn trước, ở lại không đến.
76. Người đang được xem, được sự an lành.
77. Người đang được xem, hiện chẳng an lành.
78. Người đang được xem, đã không còn thân.
79. Người mình trông gặp, sẽ được gặp họ.
80. Những gì mình đang tìm, được gặp lại.
81. Những gì cầu nghe, sẽ được lợi lành.
82. Những gì mong tìm thấy, chẳng như ý.
83. Xem chỗ bị nghi, chính là đúng thật.
84. Xem lại chỗ bị nghi, là chẳng thật.
85. Người đang được xem, chẳng còn hòa hợp.
86. Cầu làm Phật sự, sẽ được kết quả.
87. Cầu những món cúng, sẽ được kết quả.
88. Tìm những của cải, sẽ được như ý.
89. Tìm của nuôi thân, ít được kết quả.
90. Có cầu những gì, thảy đều sẽ được.
91. Có cầu những gì, thảy đều chẳng được.
92. Có cầu những gì, ít được kết quả.
93. Có cầu những gì, đều được như ý.
94. Có cầu những gì, liền được nhanh chóng.
95. Có cầu những gì, chẳng được nhanh chóng.
96. Có những mong cầu, nhưng bị tổn thất.
97. Có cầu những gì, sẽ được lợi lành.
98. Có cầu những gì, nhưng sẽ chịu khổ.
99. Xem vật bị mất, sẽ tìm lại được.
100. Xem vật bị mất, chẳng tìm lại được.
101. Xem vật bị mất, tự trở về lại.
102. Cầu lìa ách nạn, được thoát ách nạn.
103. Cầu khỏi bệnh hoạn, sẽ được trừ lành.
104. Xem những việc đã qua, không chướng ngại.
105. Xem những việc đã qua, có chướng ngại.
106. Xem nơi đang ở, được dừng ở yên.
107. Xem nơi đang ở, chẳng được bình an.
108. Nơi vừa mới đến, được sự an vui.
109. Nơi vừa mới đến, là có ách nạn.
110. Nơi vừa mới đến, là lưới của ma.
111. Nơi vừa mới đến, khó thể khai hóa.
112. Nơi vừa mới đến, có thể khai hóa.
113. Nơi vừa mới đến, tự được lợi ích.
114. Con đường dạo qua, không bị não hại.
115. Con đường dạo qua, có bị não hại.
116. Vua dân ác, nên đói kém nổi lên.
117. Vua dân ác, nên nhiều bệnh ôn dịch.
118. Vua dân tốt, nên nước được giàu vui.
119. Vua vô đạo, nên nước tai hại lớn.
120. Vua tu đức, tai nạn loạn ly diệt.
121. Vua làm ác, nước sắp bị phá hoại.
122. Vua tu thiện, nước được xây dựng lại.
123. Xem chỗ dạo qua, được khỏi các nạn.
124. Xem chỗ dạo qua, chẳng thoát khỏi nạn.
125. Nơi đang được ở, mọi người an ổn.
126. Nơi đang được ở, có sự chướng ngại.
127. Tụ lạc đang ở, mọi người chẳng yên.
128. Là nơi nhàn tịnh, không có ác nạn.
129. Xem ra quái lạ, nhưng không tổn hại.
130. Xem ra quái lạ, có sự tổn hại.
131. Xem ra quái lạ, tinh tấn thì an.
132. Giấc mộng được thấy, không gây tổn hại.
133. Giấc mộng được thấy, có sự tổn hại.
134. Giấc mộng được thấy, tinh tấn thì an.
135. Giấc mộng được thấy, là một lợi lành.
136. Thấy chướng loạn đó, nhưng mau được lìa.
137. Thấy chướng nạn đó, lần lần được lìa.
138. Thấy chướng loạn đó, mà chẳng lìa khỏi.
139. Thấy chướng loạn đó, nhứt tâm là trừ.
140. Thấy nạn đang bị, nhưng mau được thoát.
141. Thấy nạn đang bị, lâu mới được thoát.
142. Thấy nạn đang bị, chịu nhiều suy não.
143. Thấy nạn đang bị, tinh tấn sẽ thoát.
144. Thấy nạn đang bị, biết mạng sắp chết.
145. Thấy bệnh đang mắc, rất chẳng nên điều trị.
146. Thấy bệnh đang mắc, chẳng phải người phá.
147. Thấy bệnh đang mắc, hợp với phi nhân.
148. Thấy bệnh đang mắc, có thể trị liệu.
149. Thấy bệnh đang mắc, khó thể trị liệu.
150. Thấy bệnh đang mắc, tinh tấn là lành.
151. Thấy bệnh đang mắc, phải khổ lâu dài.
152. Thấy bệnh đang mắc, tự động sẽ lành.
153. Thấy bệnh đang mắc, đến thầy khám mới trị nổi.
154. Thấy bệnh được chữa, là trị đúng pháp.
155. Thuốc đang được uống, sẽ được hiệu lực.
156. Thấy bệnh đang mắc, được trừ lành hẳn.
157. Thầy được tìm đến, chẳng thể trị liệu.
158. Cách được trị liệu, là chữa trị sai.
159. Thuốc đem cho uống, chẳng được hiệu lực.
160. Thấy bệnh đang mắc, là mạng sắp chết.
161. Đó là trong đường địa ngục mà đến.
162. Từ trong con đường súc sinh mà đến.
163. Từ trong con đường ngã qủy mà đến.
164. Từ trong con đường A tu la mà đến.
165. Từ trong nhân loại mà đến.
166. Từ trong loài trời mà tái sinh đến.
167. Từ trong những người tại gia mà đến.
168. Từ trong hàng ngũ xuất gia mà đến.
169. Đã từng gặp Phật cúng dường mà đến.
170. Từng gần cúng dường Hiền Thánh mà đến.
171. Từng được nghe Pháp rất sâu mà đến.
172. Bỏ thân này rồi, sẽ vào địa ngục.
173. Bỏ thân rồi, sẽ đọa làm súc sinh.
174. Bỏ thân rồi, sẽ đọa làm ngã qủy.
175. Bỏ thân rồi, sẽ làm A tu la.
176. Bỏ thân rồi, sẽ sinh vào nhân đạo.
177. Bỏ thân rồi, làm vua trong loài người.
178. Bỏ thân rồi, sẽ sinh lên cõi trời.
179. Bỏ thân rồi, sẽ làm vua cõi trời.
180. Bỏ thân rồi, sẽ nghe Pháp rất sâu.
181. Bỏ thân rồi, được xuất gia tu học.
182. Bỏ thân rồi, sẽ được gặp Thánh Tăng.
183. Bỏ thân rồi, sinh lên trời Đâu Suất.
184. Bỏ thân rồi, sinh Tịnh độ của Phật.
185. Bỏ thân rồi, liền được thấy đức Phật.
186. Bỏ thân rồi, sẽ trụ vào thừa dưới (Thanh Văn)
187. Bỏ thân rồi, sẽ trụ vào thừa giữa (Duyên Giác)
188. Bỏ thân rồi, sẽ chứng được đạo quả.
189. Bỏ thân rồi, liền được bậc Thượng thừa.

- Này thiện nam tử! Đó gọi là những tướng sai biệt của 189 thứ quả báo lành dữ.

Cách chiêm sát như thế, đều tùy sự chú ý và tùy tâm của người được xem đến. Nếu các số cộng, với ý người tương xứng, thì không sai lạc. Các số cộng, gieo cho người nào, mà con số thành với việc tâm đang chú trọng theo đuổi để xem, kết quả không tương xứng, ấy là chẳng hết lòng thành, như thế gọi là hư luống. Người nào gieo ba lần mà không thấy hiện số, là kẻ ấy đã được “vô sở hữu” (không gì để vướng mắc).

- Lại nữa! Thiện nam tử! Nếu tự phát ý xem cho người khác đang chịu quả báo, thì sự việc cũng đồng như vậy.

Nếu có người nào chẳng thể tự chiêm, mà đến cầu thỉnh muốn xem cho họ, phải nên cân nhắc, quán xét tâm mình, có tham danh lợi thế gian hay không, bên trong ý có thanh tịnh hay không, sau mới có thể quy kính tu hành, cúng dường như trước dốc lòng phát nguyện, vì họ chiêm sát, chẳng nên tham cầu danh lợi thế gian, như việc làm của những hạng thầy tà, để tự phương hại, rối loạn cho người. Nếu xét trong tâm chẳng được thanh tịnh, dầu cho chiêm sát, nhưng chẳng tương xứng, chỉ là sai lầm một cách hư luống mà thôi.

- Lại nữa, các hạng chúng sanh về đời sau này, bất cứ việc gì được chiêm sát đến, mà chẳng đạt được kết quả tốt lành, việc cầu chẳng được, nhiều sự lo âu, lúc bị bức bách, lo rầu sợ sệt, phải nên sớm tối thường nên tụng niệm danh hiệu của Ta. Nếu luôn chí thành thì việc chiêm sát, sẽ được tốt lành, cầu gì được nấy, hiện đời lìa khỏi những sự suy buồn.

CHÚ THÍCH

(1) Pháp môn căn tụ: Phần xuất xứ của Kinh này, căn cứ trong nguyên bản, thấy ghi là “Rút trong Kinh Lục Căn Tụ” (xuất Lục Căn Tụ Kinh trung). Chúng tôi tra cứu trong Phật Quang Tự Điển chưa tìm thấy nội dung của Kinh này.

(2) Kiên Tịnh Tín: Tên vị Bồ Tát đã thưa hỏi Phật và Phật để Ngài Đại Bồ Tát Địa Tạng nói Kinh này. Kiên Tịnh Tín có nghĩa là đức tin vững chắc, thanh tịnh. Thật ra chư Đại Bồ Tát không nhất định là tên gì, chỉ tùy theo đức, tùy theo hạnh mà đặt tên. Vị Bồ Tát này muốn cho chúng sanh thành tựu đức tin kiên cố thanh tịnh, cho nên Ngài có tên như vậy.

(3) Sau thời kỳ Chánh Pháp chấm dứt: Những thuyết nói về thời kỳ Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp có chỗ chẳng đồng. Nay xin lược dẫn một thuyết: sau Phật diệt độ trong vòng 500 đến 1000 năm, thuộc thời giáo Pháp của đức Phật trụ thế, thời kỳ này gọi là thời kỳ Chánh Pháp, vì có giáo lý, có người tu hành được chứng quả rất nhiều. Từ 1000 năm sau Phật diệt độ trở đi, gọi là sau thời kỳ Chánh Pháp chấm dứt.

(4) Tượng Pháp sắp hết: Tượng nghĩa là tựa như, na ná như, là thay đổi sai lệch đi, và Pháp nghi chẳng được thi hành đúng như thuở đầu, do đó mà ít có người chứng Thánh quả. Chỉ có giáo, có hạnh tương tự như Phật Pháp mà thôi, thời kỳ này gọi là thời kỳ Tượng Pháp, cũng khoảng 1000 năm, sau thời kỳ Chánh Pháp.

(5) Sang thời Mạt Pháp: Mạt có nghĩa là ngọn cành, là suy vi. Chỉ có giáo lý, mà không có thực hành đúng nghĩa, cho nên hiếm có người chứng quả. Đây là thời kỳ sau Phật nhập diệt 2000 năm trở đi.

(6) Tai họa nhiều lần nổi lên khắp nơi: Đó là những tai nạn thường xảy ra trong nhiều quốc gia trên khắp thế giới, và xảy ra nhiều lần, như tai nạn chiến tranh giữa nước này với nước khác, tai nạn ôn dịch, tai nạn động đất, tai nạn núi lửa, tai nạn bão lụt, tai nạn hạn hán v.v… Làm cho rất nhiều người cùng chết một lúc.

(7) Làm được những điều giống như thiện Pháp: Thiện Pháp được nói ở đây, chính là tu ngũ giới, thập thiện, bát quan trai giới, cho đến những Pháp tu thuộc tứ thiền, bát định. Thời đại hiện nay, có rất nhiều người tu tập những thiện Pháp này, song đa số chỉ cầu phước báu thế gian, nên trong Kinh nói “lấy đó là đích”.

(8) Chẳng thể chuyên tâm tu Pháp xuất yếu: Pháp xuất yếu là những Pháp tu thiết cốt, căn bản để thoát ly hệ phược ba cõi. Đây là những Pháp thiền định được nói đến trong vô số Kinh điển của Phật. Đại thể những Pháp này có thể chia hai: Thiền của Tiểu thừa, và Thiền của Đại thừa. Về Tiểu thừa Thiền có những Pháp như: quán tứ niệm xứ, quán bất tịnh, quán sổ tức, quán từ bi, quán nhân duyên v.v… cho đến 37 phẩm trợ đạo. Những Pháp Thiền của Đại thừa cũng có rất nhiều, xin đơn cử một Pháp như sau: Duy thức quán, Chân như quán, Pháp giới quán, niệm Phật tam muội, Nhất tâm tam quán v.v… Người thực hành những Pháp tu này, một khi đã thành tựu, tức thâm nhập chính định, đoạn trừ các phiền não ba cõi, chứng các quả vị Hiền Thánh, không bị nghiệp lực dẫn sinh trong lục đạo. Do đó gọi là Pháp xuất yếu. Tóm lại, Pháp xuất yếu là con đường quan trọng để giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

(9) Người được thiền định, thần thông v.v… hoàn toàn không có: Hiện nay (PL 2540) nhằm thời kỳ Mạt Pháp, cách Phật 25 thế kỷ, những người tu hành trong giáo Pháp của Phật tuy rất nhiều nhưng thành tựu thiền định và năng lực thần thông thì rất hiếm, càng trở về sau này, chắc chắn càng hiếm có hơn nữa, Nơi Kinh Đại Tập, đức Phật đã nói trước rằng: Đời Mạt Pháp ức ức người tu hành, nhưng ít có người chứng được đạo quả, chỉ nương vào sự niệm Phật A Di Đà mà được tha lực của Phật tiếp độ vãng sinh Thế giới Cực Lạc. Kinh nói hoàn toàn không có, phải chăng là từ sau thế kỷ 21 trở đi, hoàn toàn không có người chứng đạo?

(10) Tướng Mộc Luân: Nguyên chữ Luân nghĩa đen là bánh xe, (là vòng, là vừng. Chúng tôi dịch là mảnh gỗ) đó là căn cứ theo hình dáng của miếng gỗ được khắc chạm theo sự chỉ dẫn trong Kinh. Đoạn dưới đức Địa Tạng đã cắt nghĩa chữ Luân, người đọc nhân đây mà nhận rõ hơn. Không dùng chữ “mảnh gỗ” thì khó tìm chữ nào khác để diễn dịch chữ “Luân” này.

(11) Dài dưới một tấc: Một tấc đây là một tấc Tàu. Đơn vị chiều dài một thước Tàu phỏng độ 6m40, một tấc Tàu bằng một phần mười bốn tấc Tây, tức 4cm. Theo hình gỗ được khắc, bề dài cũng là 4cm.

(12) Đức Bồ Tát Địa Tạng đã dạy: “Lại nương tướng này, có thể phá hỏng lưới nghi chấp tà trong tâm chúng sanh, chuyển sang đường chính, đến chốn an ổn, nên gọi là Luân”. Đây là cắt nghĩa chữ Luân nói trên.

(13) Nhất vị bình đẳng: Kinh Pháp Hoa nói: “Như Lai nói Pháp, một tướng một vị, đó là một tướng giải thoát, một tướng xa lìa, một tướng vắng lặng, rốt ráo đến chỗ nhất thiết chủng trí”. Nơi các Kinh khác cũng nêu lên ví dụ: “Như nước biển cả, chỉ một vị mặn, giáo Pháp Như Lai cũng chỉ một vị, đó là vị giải thoát…”

(14) Tay cầm mộc luân: Mộc luân tất cả gồm 19 cái, chia làm 3 nhóm, nhóm thứ nhất có 10 cái, nhóm thứ hai có 3 cái và nhóm thứ ba có 6 cái. Đây là cách nói gieo lần thứ nhất, đem 10 cái đó ghi 10 thiện, 10 ác mà gieo.

(15) Năm thứ dục: Năm món dục lạc ở thế gian mà người đời thường tham đắm, đó là Tài, sắc, danh, thực, thùy;

1. Tài: tiền bạc châu báu, của cải vật chất, cho đến nhà cửa ruộng vườn, xe cộ, y phục v.v…

2. Sắc: Nhan sắc, gồm cả thanh (tiếng hay), hương (mùi thơm).

3. Danh: Danh dự, quyền lợi, tiếng khen, dòng họ chủng tộc v.v…

4. Thực: Món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị.

5. Thùy: Ngủ nghỉ, gồm luôn những thú vui như ca hát, âm nhạc, các trò tiêu khiển v.v… Người đời thường ưa đắm năm thứ dục lạc này, cho nên khó bề tu hành Thánh đạo. Người xuất gia cũng khó thoát năm thứ dục này, nên khó có người chứng Thánh quả.

(16) Chiêm sát luân tướng lần thứ hai: Đây là gieo nhóm mộc luân thứ hai, gồm 3 cái, có ghi 3 chữ: thân, khẩu, ý. Lời dạy đoạn văn này rất tế nhị. Dịch giả xin góp lời giúp cho người chiêm sát khỏi bị sai lạc, thiếu sót.

Sau khi gieo nhóm mộc luân thứ nhứt gồm 10 cái, mà hiện trên mặt gỗ, gồm 10 nghiệp thiện, ác lẫn lộn, ví dụ như: Sát sinh, thâu đạo, bất tà dâm (3 nghiệp của thân) Bất vọng ngữ, bất lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ (4 nghiệp của miệng) Tham ái, bất sân nhuế, ngu si (3 nghiệp của ý).

Người gieo muốn biết tính chất các nghiệp bất thiện nói trên là nặng hay nhẹ, phải tiến gieo thêm từng mảnh gỗ trong 3 luân của nhóm 2. Ví dụ, nghiệp phát hiện nơi thân là Sát sinh, thâu đạo,trọng tâm là hai nghiệp này thuộc nơi thân, thì lấy mộc luân có chữ thân gieo xuống. Nếu mộc luân chữ thân hiện ở mặt trước là nét khắc sâu và dài, đó là biểu hiện hai nghiệp ác này rất nhiều, sâu dày. Nhưng nếu hiện ra nét bạc dài, đó là điều không tương ưng cần phải sám hối gieo lại. Tiếp theo đó, xem hai luân được phát hiện của khẩu nghiệp là ác khẩu, ỷ ngữ, muốn biết sự sâu cạn của hai nghiệp này, thì gieo mộc luân có chữ khẩu. Nếu mộc luân hiện ra nét khắc ngắn cạn, đó là nghiệp ác khẩu, ỷ ngữ nhẹ.

Nhưng nếu hiện ra nét bạc dài, hoặc ngắn (biểu hiện thiện nghiệp dày hoặc mỏng) thì không tương ưng, phải sám hối phát nguyện gieo lại. Đến như Luân của ý cũng như vậy.

Nếu thấy ý nghiệp được phát hiện là tham ái, ngu si, thì lấy riêng mộc luân có chữ ý mà gieo.

(17) Riêng xưng danh thêm: Xưng danh thêm, ở đây là xưng niệm danh hiệu đức Đại Bồ Tát Địa Tạng. Nghĩa là xưng niệm: Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát, xưng niệm một vạn câu, hai vạn câu v.v… sau đó chí thành đảnh lễ Ngài.

(18) Mộc luân thuộc lớp thứ hai: Lối gieo lần này không phải như lần trước. Gieo nhóm thứ hai như lần trước, thì gieo từng cái. Đến đây sau khi đã sám hối một thời gian nào đó, muốn biết ba nghiệp thanh tịnh lại chưa, cho nên phải gieo 3 luân một lúc.

(19) Phóng ra ánh sáng để vì chứng minh: Điều này trong Kinh Luật Đại thừa như Kinh Phạm Võng cũng dạy rõ.

Hành giả có những tội nặng như mười điều ác, bốn trọng cấm, nếu thành tâm sám hối từ 14 ngày, 21 ngày, 3 tháng, 6 tháng, đến khi nằm mộng thấy Phật, Bồ Tát đến xoa đỉnh an ủi, thấy ánh sáng lạ, thấy hoa báu… Đó là triệu chứng tội đã được tiêu diệt.

(20) Quả vị Sa môn: Đây là đạo quả mà những vị Tỳ kheo thuộc Thanh Văn thừa có thể thành tựu. Bậc Thanh Văn thừa một khi dụng công tu hành đúng Pháp có thể chứng các quả vị như Tu đà hoàn, Tu đà hàm, A na hàm, A la hán. Đến quả A la hán là dứt hết kiết sử phiền não trong ba cõi, thoát ly mọi sự sinh tử trong Tam giới.

(21) Thiên ma Ba Tuần: Ba Tuần là tên của Ma vương, chúa tể cõi trời Tha hóa Tự tại. Theo lời trong Kinh điển Phật giáo, thì ma vương này có những quyền năng lôi cuốn bó buộc chúng sanh chìm đắm những thú dục lạc thế gian. Những người tu hành muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi, thường bị ma vương này phá hoại đủ cách.

(22) Chín mươi lăm thứ tà sư ngoại đạo: Nguyên là 96 thứ ngoại đạo, trừ bớt một phái còn 95. Ở Ấn Độ trước và sau Phật xuất hiện, có sáu phái ngoại đạo. Sáu lưu phái này, đạo sư mỗi phái có 15 đệ tử, mỗi đệ tử sau lập ra mỗi lưu phái riêng, tổng cộng là 96 phái. Sáu đạo sư gốc là: 1. Phú Lan Na Ca Diếp. 2. Mạt Già Lê Câu Xa Lê Tử. 3. San Xà Da Tỳ La Chi Tử. 4. A Tỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La. 5. Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên. 6. Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử. Trong 96 thứ đạo này, về sau có một phái nhập chung với Phật giáo, đó là phái Độc Tử, còn vào 95 phái bộ. Một thuyết khác nói trong 96 phái ngoại đạo thì giáo nghĩa của phái Ni Kiền Tử ngoại đạo gần với Phật Pháp, cho nên trừ phái này ra, còn lại 95 phái.

(23) Năm món cái: Cái có nghĩa là che lấp. Năm Pháp hay che lấp tâm tính sáng suốt, làm cho chẳng sinh thiện Pháp gọi là ngũ cái.

1. Tham dục: Ham đắm dục lạc thế gian, cho nên che lấp chân tính.

2. Sân nhuế: Giận dỗi đối với cảnh nghịch mà che lấp chân tính.

3. Thụy miên: Tâm thần mê muội, thân xác nặng nề không sử dụng tu tập nổi, làm cho chân tính bị che lấp.

4. Trạo hối: Tâm thức chao động gọi là trạo, lo lắng phiền não về những việc đã làm gọi là hối, đến mức độ che lấp chân tính.

5. Nghi ngờ: Đối với Chánh Pháp mà do dự không quyết đoán, không đặt tròn niềm tin, do đây che lấp chân tính. Lại nữa, tất cả mọi thứ phiền não hay làm che lấp chân tính, cho nên cũng gọi là cái.

(24) Ba la đề mộc xoa: Dịch là Biệt giải thoát hoặc Xứ xứ giải thoát. Đó là giới luật mà bảy chúng đệ tử của Phật tiếp nhận, đều có mục đích giải thoát. Ba la đề mộc xoa của giới Tăng Ni xuất gia có sự nhiều ít khác nhau.Tỳ kheo ni có 348 giới và Tỳ kheo tăng có 250 giới.

(25) Tương ứng với Pháp: Pháp ở đây là chân Pháp, là sự vắng lặng của nội tâm, do thực hành Pháp tu, Pháp sám hối lâu ngày, nhiều ngày, đưa đến trạng thái lắng đọng các vọng niệm, những phiền não thô không dấy khởi mãnh liệt nữa, đức tin nơi Chánh Pháp nhiệm mầu của chư Phật đã được thành tựu, không còn nghi ngờ thoái chuyển nữa…Như thế gọi là tương ứng với Pháp. Người sám hối mà được những kết quả như vậy, thì những tội nặng đã diệt, sẽ không mắc những quả báo nặng nề trong các ác đạo.

(26) Hoặc nghịch, hoặc thuận, chẳng nghịch chẳng thuận: đây là ba loại cảm thọ của sáu giác quan, nếu gọi bằng danh từ khác sẽ là: Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ. Nghĩa là cảm giác khổ, vui, chẳng khổ chẳng vui. Khi các giác quan này tiếp xúc với cảnh, thường sinh ba thứ cảm thọ này. Căn đối với cảnh có sự ưa thích bèn khởi ra cảm thọ vui, gọi là lạc thọ. Căn đối với cảnh chán ghét, liền khởi ra ý tưởng chẳng bằng lòng, gọi là khổ thọ, hay vô ký.

(27) Bốn phạm hạnh: Còn gọi là bốn Phạm trụ, tức bốn vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn tâm này là nghiệp hạnh để sinh về cõi Phạm thiên, cho nên gọi là Phạm hạnh.

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Giọt mồ hôi thanh thản


Truyện cổ Phật giáo


Cho là nhận

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.85.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập