Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Tập Hội Chánh Pháp Kinh [大集會正法經] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Đại Tập Hội Chánh Pháp Kinh [大集會正法經] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.47 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.59 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Chánh Pháp Ðại Tập Hội

Kinh này có 5 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Bấy giờ Ðại Bồ Tát Dược Vương Quân từ tòa đứng dậy, càng thêm cung kính, quỳ gối đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn. Ðảnh lễ xong, liền chắp tay bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà các Bồ Tát này có thể hiện các thần biến ở trên hư không, hiện các sắc tượng ở trước đức Như Lai?
Ðức Phật bảo:
-Hãy lắng nghe! Này Dược Vương Quân! Các thiện nam tử này đã được tất cả các đức Như Lai nhiếp thọ, không lâu nữa, họ sẽ được quả Vô thượng chánh đẳng Bồ đề, ngồi trên pháp tòa lớn chuyển pháp luân vi diệu, dùng ánh sáng pháp chiếu khắp quần sanh. Do nhân duyên đó nên họ có thể làm các biến hóa.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân lạc bạch đức Phật:
-Như đức Phật Thế Tôn! Luôn luôn trong mọi lúc độ thoát vô số các chúng sanh. Nhưng vì sao các chúng sanh ấy vẫn không cùng tận.
Ðức Phật nói:
-Lành thay! Lành thay! Này Dược Vương Quân! Thí như có người dùng các hạt lúa mạch, lúc mì để gieo giống, tất cả hạt giống đều được phân loại không có xen tạp. Thời gian sau đó, các hạt giống thảy đều thành thục. Người ấy liền theo thứ lớp mà gặt hái, hoặc đây là lúa mì, hoặc đây là lúa mạch, cũng không bị xen lộn. Như vậy dần hồi, gặt xong lại gieo, gieo xong lại gặt không bao giờ dứt.
Này Dược Vương Quân! Các chúng sanh ấy cũng lại như vậy. Do nhân duyên nghiệp nên tung rải rác các chủng tử hoặc thiện hoặc ác, không có xen tạp, về sau khi thành thục phải thọ lấy các quả báo cũng không xen tạp. Như vậy dần dần sanh rồi lại sanh, cũng không cùng tận.
-Này Dược Vương Quân! Nếu có người tu hành Bồ Tát, hay tung rãi tất cả giống thiện pháp, hạt nào cũng thành thục, khi đã thành thục liền có thể sanh ra tất cả thiện pháp, thiện pháp đã sanh thì liền sanh đại hoan hỷ, ưa thích Phật pháp. Hạt giống thiện pháp ấy tuy trải qua nhiều kiếp vẫn không thể hư hoại.
-Này Dược Vương Quân! Nên biết đó là Bồ Tát mới phát tâm, tất cả thiện pháp mà họ đạt được, chứa nhóm biết rõ, càng tăng thêm sự thắng ích. Tuy những điều thấy trong mộng mà vẫn lìa các sự sợ hãi. Vì sao vậy? Vì tất cả nghiệp chướng đều được thanh tịnh, không tạo pháp ác, nên lìa các khổ não, dù cảnh ác hiện ra trước mặt vẫn không thể lay động họ được. Nếu ở trong mộng mà thấy đống lửa lớn, ánh sáng cực mạnh, Bồ Tát thấy rồi vẫn không sanh tâm sợ hãi. Vì sao? Vì các thứ củi phiền não đã bị lửa trí huệ đốt cháy, nên không thể làm mê loạn. Lại ở trong mộng thấy có nước lớn, nhưng nước ấy không thanh khiết, hoàn toàn ô trược, Bồ Tát thấy nhưng vẫn không sanh tâm sợ hãi. Vì sao vậy? Vì đã dứt sạch hết các nghiệp đã tạo. Giống như trâu bò đã bỏ gông ách nên được tự tại. Lại nữa, nếu trong mộng mà thấy cầm dao bén nhọn tự chặt đầu mình, chặt đầu người khác. Lúc ấy Bồ Tát vẫn không sanh tâm sợ hãi. Vì sao vậy? Vì tham sân si là căn bản trong các phiền não, Bồ Tát đã đoạn trừ chúng nên không còn sợ hãi.
Này Dược Vương Quân! Bồ Tát mới phát tâm ấy, đối với sáu nẻo luân hồi đã được giải thoát, nhưng lại ở trong đó, tùy thuận thọ sanh. Ðó là do Bồ Tát dùng sức phương tiện, thị hiện hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng kỳ thật Bồ Tát thường sanh trong các cõi thanh tịnh của chư Phật, được tất cả các đức Như Lai nhiếp thọ.
Này Dược Vương Quân! Nay ngươi nên biết rằng, ở đời mạt thế sau này, nếu có chúng sanh phát tâm hồi hướng Bồ đề, tức là an trụ trí của tất cả Phật, được thấy thiện pháp viên mãn của chư Phật, vĩnh viễn không còn sanh ra tâm nghi hoặc nữa.
Này Dược Vương Quân! Trong vô số trăm ngàn na dữu đa kiếp, ta đã siêng hành khổ hạnh, tu các thiện pháp, đối với tất cả pháp hiểu rõ tự tánh, liền được thành tựu Vô thượng chánh đẳng Bồ đề, ta đã được viên mãn, lại dùng trí huệ phương tiện thiện xảo, rộng thuyết các pháp, khiến cho các chúng sanh được sanh trong cõi thanh tịnh của chư Phật, thọ sự diệu lạc thù thắng, mà hay hiểu rõ các pháp diệt đạo, biết rõ các pháp căn bản thắng diệu, biết rõ pháp thiện xứ thắng diệu, biết rõ pháp thần thông thắng diệu, biết rõ pháp tịch diệt, thiện xứ thắng diệu.
-Này Dược Vương Quân! Nói “diệt” là nghĩa gì?
Bồ Tát Phổ Dũng Dược Vương Quân thưa:
-Bạch Thế Tôn! Ðó là pháp xứ.
Ðức Phật hỏi:
-Pháp xứ là gì?
Bồ Tát Dược Vương Quân đáp:
-Pháp xứ là hai pháp tinh tấn và trì giới. Nếu đã phát khởi, hoặc chưa phát khởi mà giới hạnh đầy đủ gọi là pháp xứ.
Bạch Thế Tôn! Các pháp từ pháp tạng này mà sanh ra.
Ðức Phật nói:
-Lành thay! Lành thay! Này Dược Vương Quân ngươi đã ở trước đức Như Lai mà có thể đáp được nghĩa này.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Chư Phật Như Lai vì ý nghĩa gì xuất hiện thế gian?
Ðức Phật nói:
-Này Dược Vương Quân! Chư Phật xuất thế vì muốn khiến cho các chúng sanh được đầy đủ sự trì giới và nghe nhiều, khiến cho họ đều biết rõ chỗ an lạc thắng diệu, khiến cho họ thông đạt để hướng vào tất cả pháp môn thắng diệu, đã vào được pháp môn này rồi, liền có thể rộng tu tất cả thiện pháp dùng sức phương tiện để tăng trưởng thiện căn, đối với diệu pháp tối thắng của thế và xuất thế gian đều được thông đạt.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Sao gọi là pháp xuất thế?
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Pháp xuất thế là pháp Niết Bàn. Nếu ai hiểu được tự tánh các pháp, tức là hiểu rõ thắng pháp Niết bàn. Các pháp ấy tức là chánh pháp uẩn. Nếu đối với pháp ấy mà biết như thật, chứng như thật, thì người ấy là bậc nhất trong pháp xuất thế.
Này Dược Vương Quân! Các loại dị sanh đối với trong pháp thâm diệu của Phật Thế Tôn mà tự mình không tin, hướng theo để tu tập, cũng lại không thể khuyên bảo người khác. Các dị sanh ấy khi thân hoại mạng chung chẳng có thiện pháp để nương tựa.
Này Dược Vương Quân! Nay ngươi hãy lắng nghe. Ta nhớ thuở xưa có một thương nhân vì muốn cầu lợi nên anh ta mượn một ngàn lượng vàng đến nước khác để mà mua bán. Cha mẹ anh ta vì thương nhớ con nên bảo anh rằng:
-Này con! Các vàng bạc châu báu này không phải là vật sở hữu của mình, nếu có lúc tự nó mang đi, hoặc bị tán mất thì khổ não càng tăng, về sau con có hối hận cũng chẳng ích gì.
Lúc ấy người con trở lại tức giận không thèm nghe lời nói đó liền mang số vàng ấy đi qua nước khác. Khi đã đến nước khác thời gian chưa bao lâu mà số vàng anh mang theo đã khánh tận, lại chẳng kiếm được gì, dần dần anh tiêu hết, anh liền hối hận và vô cùng đau khổ. Sau đó trở về nước nhưng anh không về nhà. Vì sự khổ đau do mất của nên anh sanh ra bệnh nặng.
Khi ấy cha mẹ anh biết anh đã trở về nhưng không dám về nhà. Họ lại biết số vàng bạc châu báu anh mang theo đã mất sạch, nên họ ưu sầu, mê muội, họ thầm nói với nhau:
-Nó chẳng phải là con của chúng Ta, nó là thằng đại ác đã phá hoại gia tộc của ta, khiến cho tất cả mọi người đều phải nghèo khổ. Nó lại làm cho người khác oán hận, đâu còn chỗ nào để nương tựa? Nay chúng ta phải làm cách gì để thoát khỏi sự nghèo này.
Khi ấy cha mẹ anh vì sầu khổ, chán nản không thích sống nên muốn tự vẫn. Khi người thương nhân nghe cha mẹ mình bị đau khổ như vậy, liền trở về nhà, hướng về phía cha mẹ, ngẹn ngào mà đứng.
Cha mẹ anh bỗng thấy con trở về, họ liền quên hết sự tức giận trước, đồng nói rằng:
-Vì sao con của ta có thể bị bệnh khổ này. Ta nghe việc vừa qua sợ con bị mất mạng. Nay con đã về, làm vơi nỗi sầu lo của chúng ta.
Bấy giờ người con thưa với cha mẹ:
-Thân tâm của con đau khổ như vậy, sự đau đớn bức bách từng chi tiết trong cơ thể như người sắp chết. Vì sao vậy?- Ngay bây giờ mắt con không muốn thấy, tai không muốn nghe, tâm thức mê mờ, các khổ dồn lại, làm sao cha mẹ có thể cứu hộ con được?
Cha mẹ anh nói rằng:
-Con ơi, đừng nên sợ hãi, khi con chưa chết, cha mẹ vẫn cứu giúp con. Nay con bị khổ não nên phải bị bệnh hoạn ngặt nghèo, tâm thức mê loạn, mà vọng thấy có sở kiến.
Khi đó người con trả lời:
-Con chẳng có bệnh hoạn ngặt nghèo, cũng không có sở kiến, có điều các cảnh khả ái đều chẳng hiện ra trước mắt con chỉ thấy cái khổ của sự chết rất hãi hùng, chắc chắn con phải chết, không thể cứu được.
Cha mẹ anh bảo nhau rằng:
-Sự khổ của ta là do thiên thần chủ trì. Các vật trên thế gian đều có người nắm giữ. Vậy chúng ta hãy đến miếu thờ trời để cứu hộ cho con. Nếu làm như vậy, thì con chúng ta mới thoát khổ được.
Người con thưa:
-Thưa vâng.
Bấy giờ cha mẹ anh đem hương thơm đến miếu thờ trời để cầu nguyện. Khi đến nơi họ thưa với người giữ cửa dẫn đến trước miếu, đốt hương cầu nguyện, sám hối và lễ tạ.
Khi ấy người giữ cửa nói với cha mẹ anh:
-Nếu các vị muốn cho bệnh của con mình được lành, phải làm cho Thiên thần hoan hỷ. Muốn vậy phải thiết lễ cúng tế thì chắc chắn sẽ được như ý. Những vật dùng để cúng tế, theo pháp là phải giết một người, chứa đầy một bát để tế lễ.
Lúc ấy cha mẹ anh ta nghe người kia nói như vậy mới bàn với nhau rằng:
-Nếu chúng ta không tế lễ vị thiên thần ấy thì con chúng ta không làm sao thoát khổ được. Nhưng hiện nay nhà chúng ta nghèo khổ làm sao có những vật ấy để tế thần? Vậy chúng ta hãy về nhà để nghĩ mưu kế.
Họ bàn với nhau như vậy nên trở về nhà, đem tất cả đồ vật trong nhà ra bán và mua được một cái bát lớn. Họ lại cùng nhau ra khỏi nhà đến chỗ một người nhà giàu nói với người đó rằng:
-Nay chúng tôi cần một ít tiền vàng, trong thời gian mười ngày thì chúng tôi sẽ hoàn đủ. Nếu sai hẹn quá mười ngày thì vợ chồng chúng tôi xin làm tôi tớ cho ông.
Khi họ nói như vậy, thì người nhà giàu ấy cho họ mượn vàng.
Khi cha mẹ anh ta được vàng rồi, họ không trở về nhà liền đem số vàng ấy mua được một người. Người bị mua ấy anh ta không biết phải làm gì, chỉ biết đi theo người chủ đến miếu thờ trời. Khi đến miếu thờ trời họ nói với người giữ cửa miếu rằng:
-Hôm nay chúng tôi đã đem tế vật đến để tế thiên thần.
Người giữ cửa miếu nói:
-Quý vị hãy tùy ý.
Lúc đó cha mẹ anh ta ở trước thiên thần đốt hương khấn nguyện, thưa như vầy:
-Mong cho con của chúng tôi tiêu trừ bệnh khổ. Mong thiên thần hoan hỷ.
Họ nói như vậy xong họ liền đem người tế thần và cái bát to ấy tự tay giết chết người ấy để cúng tế.
Người bị tế thần vì chân tay bị trói chặt nên không thể tránh né, chỉ niệm các đức Phật bằng một câu: “Nam Mô Một Ðà Da”. Anh nói như vậy xong liền bị giết chết.
Khi ấy thiên thần nhận vật tế lễ xong, nói dối với cha mẹ anh ta rằng:
-Bệnh hoạn của con ông bà do ta chủ trì, nay ta đã tha khiến con ông bà được hết bệnh.
Bấy giờ cha mẹ của anh ta nghe lời nói ấy liền vui mừng nhảy nhót bái tạ rồi ra về, họ nói với nhau:
-Từ nay con của chúng ta được hết bệnh, trái lại còn được sống lâu. Bây giờ tuy chúng ta không còn vàng nữa, nhưng chúng ta có thể trở về nhà của người giàu ấy và nói như trước rằng:
-Dù chúng tôi có làm nô lệ cho ông đi nữa, chúng tôi cũng chẳng hối hận.
Khi cha mẹ anh ta bàn bạc với nhau như vậy, chưa về đến nhà bỗng gặp một người đến nói rằng:
-Con của ông bà đã chết rồi.
Lúc cha mẹ anh ta nghe lời nói ấy thì hết sức đau đớn, đều ngã xuống đất chết ngất.
Ðức Phật dạy:
-Này Dược Vương Quân! Ta xem các dị sanh ngu si ở thế gian bị hoặc nghiệp trói buộc, vì không hội hợp với thiện tri thức, luôn bị suy tổn, cũng lại như vậy. Các dị sanh này khi thân hoại mạng chung, rơi vào đường ác, thọ khổ não lớn, không có thể cứu hộ được.
Bồ Tát Dược Vương Quân bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Như điều Phật dạy về người thờ thiên thần ấy, các bọn dị sanh này khi chết rơi vào chốn nào?
Ðức Phật dạy:
-Này Dược Vương Quân! Thôi đi, đừng nên hỏi việc ấy.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Có người ở trong chúng này thích nghe việc ấy. Cúi mong đức Phật nói cho.
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Nay ngươi nên biết rằng, khi cha mẹ của người khách buôn ấy đã mạng chung đều phải đọa vào địa ngục Chúng Hợp, thọ lãnh sự khổ não to lớn, còn người con của họ đọa vào địa ngục Viêm Nhiệt, thọ lãnh sự khổ não lớn. Người giữ cửa ở miếu thờ trời ấy là kẻ hướng dẫn họ tùy hỷ theo việc làm tội lỗi, nên sau khi mạng chung phải đọa vào địa ngục A Tỳ thọ sự khổ não lớn.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Còn người bị đem làm vật tế thần ấy sẽ sanh về đâu?
Ðức Phật dạy:
-Này Dược Vương Quân! Người ấy khi mạng chung, được sanh lên cõi trời thứ ba mươi ba, trong sáu mươi kiếp được hưởng sự vui tuyệt diệu.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Người ấy nhờ nhân duyên gì mà được sanh về đó?
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Vì người ấy lúc mạng chung, tương ưng với sự thuần thiện, phát tâm tịnh tín, quy y đức Như Lai, đã xưng niệm câu “Nam Mô Một Ðà Da”. Chính nhờ người ấy đã gieo căn lành sâu dày rồi vậy. Lại nữa, người ấy trong tám mươi kiếp được trí túc mạng (biết kiếp trước) bất cứ sanh ở đâu cũng lìa các phiền não, chấm dứt tất cả khổ.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Có các chúng sanh ưa thích Niết Bàn vậy phải tu hạnh gì?
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Phải tu hạnh tinh tấn, dõng mãnh, kiên cố.
Bồ Tát Dược Vương Quân thưa:
-Sao gọi là tu hành tinh tấn? Và phát khởi hạnh ấy ở đâu?
Ðức Phật dạy:
-Người tu hành tinh tấn thì đối với các quả pháp không thể giải đãi và không thối chuyển, gọi đó là hành tinh tấn. Còn chỗ để hành tinh tấn đó là quả Dự Lưu gọi là chỗ tinh tấn, quả Nhất Lai gọi là chỗ tinh tấn, quả Bất Hòa gọi là chỗ tinh tấn, quả A la hán gọi là chỗ tinh tấn, quả Duyên Giác, quả Duyên Giác Trí, gọi là chỗ tinh tấn, quã Bồ Tát, quả Bồ Tát trí gọi là chỗ tinh tấn.
Này Dược Vương Quân! Các người tu Bồ đề, đối với những chỗ như vậy có thể phát khởi sự tinh tấn to lớn.
Bấy giờ đức Phật bảo Bồ Tát Dược Vương Quân:
-Ta nhớ thuở xưa, vào một thời có Ma Nộ Phạ Ca trồng một cái cây trên khoảng đất bằng phẳng, cây ấy liền nảy mầm rồi sanh cành nhánh là hoa quả, tươi tốt khả ái. Rễ của cây ấy lan rộng đến một do tuần, chỉ có thời gian ngắn mà cây đã sum suê.
Sau đó lại có một Ma Nộ Phạ Ca đến bên cây đã trồng ở trước cũng trồng một cây nữa. Nhưng khi cây ấy trồng xuống đất thì bỗng có một luồng gió lớn thổi làm bậc gốc cây, làm cho mầm cây nhánh lá của cây không thể sống được, nên làm gì có sự thành tựu hoa và quả.
Người trồng cây thứ hai thấy như vậy rồi liền muốn đem cây đó đến trồng chỗ khác. Bấy giờ người trồng cây đầu tiên nói như vầy:
-Tại sao anh đến phá hoại vùng đất bằng phẳng này của tôi?
Người trồng cây thứ hai nói:
-Nay tôi tự dời cây đã trồng của tôi đến chỗ khác chứ không làm hư đất bằng phẳng của anh đâu.
Cứ như vậy hai người tranh cãi nhau mãi. Lúc ấy có người ngầm tâu với vua. Nhà vua nghe xong ra lệnh bắt hai người đến, sứ giả vâng lệnh chạy đến chỗ xảy ra tranh chấp ấy. Lúc đó hai người tranh chấp ấy hết sức sợ hãi. Sứ giả bắt hai người đến chỗ vua:
Bấy giờ nhà vua hỏi hai người ấy rằng:
-Vì sao hai người lại cạnh tranh nhau?
Khi ấy người trồng cây thứ nhứt trình bày sự thật một cách đầy đủ. Còn người trồng cây thứ hai thì nói như vầy:
-Ðại vương nên biết! Vì tôi không có đất để trồng cây. Cây của tôi trồng xuống bị gió làm trốc gốc nên không kiên cố được, đến như mầm cành nhánh lá hóa quả đều không thể sống được. Còn người trồng cây thứ nhứt chỉ trong thời gian ngắn mà sanh mầm cành nhánh là hoa quả thảy đều đầy đủ rễ cây lại còn tỏa ra cả một do tuần. Tôi thấy việc ấy trong lòng tự lấy làm xấu hổ, liền dời cây của mình muốn trồng chỗ khác. Anh ta đã được như ý lại còn tức giận. Do vậy mà có sự cạnh tranh với nhau. Mong đức vua xét cho tôi khỏi bị tội phạt.
Bấy giờ nhà vua liền ra lệnh triệu tập quần thần. Lúc đó có đến ba mươi câu đê quần thần, nghe lệnh của vua thảy đều đến dự. Họ đồng tâu với vua:
-Ðức vua có điều gì tuyên lệnh?
Nhà vua nói:
-Các ngươi nên biết hiện nay ở trong nước ta vừa nghe một việc hết sức hy hữu là có một người vừa trồng một cây chỉ trong thời gian ngắn liền sanh mầm, cành, nhánh, lá, hoa và quả, đều đầy đủ, rễ cây lại còn lan rộng cả một do tuần, các ngươi có khi nào thấy việc như vậy chăng? Như điều ta thấy thì tất cả cây cỏ khi khai hoa đến lúc kết trái, nhanh nhất cũng là nửa tháng, hoặc là một tháng. Còn hiện nay như cây này thì từ xưa tới nay ta chưa từng nghe thấy bao giờ. Các ngươi thấy thế nào?
Bấy giờ trong các quần thần có một vị đến trước tâu với vua:
-Ðối với việc này thần cũng chưa quyết định tin là đúng sự thật. Như lời vua nói, thần cũng thấy hồ nghi. Mong vua cho mọi người trồng cây ấy để thẩm vấn kỹ để biết có đúng sự thật không?
Nhà vua liền cho triệu người trồng cây đầu tiên đến rồi lại hỏi rằng:
-Cây mà nhà ngươi trồng chỉ trong thời gian ngắn đã nở hoa kết trái ... có đúng sự thật chăng? Nếu ngươi nói dối ta sẽ trị tội ngươi.
Lúc đó người ấy tâu:
-Ðức vua như cha mẹ sanh ra con. Nay con đối trước vua làm sao dám nói dối. Mong đức vua đừng nghi, việc này hoàn toàn đúng sự thật.
Nhà vua nói:
-Từ xưa tới nay ta chưa từng nghe việc này, huống chi lại có thể thấy được, đối với việc này làm sao ta tin được.
Bấy giờ người kia lại tâu với vua:
-Tâu Ðại Vương! Nếu đức vua không tin xin ngài hãy đến đó đích thân quán sát.
Khi ấy nhà vua cùng ba mươi câu đê quần thần liền đi đến chỗ cây ấy. Khi đến nơi họ liền thấy cây ấy cành là sầm uất trái cây rất nhiều. Khi thấy xong họ liền tin và khen là chưa từng có.
Lúc đó nhà vua cũng ngay tại chỗ đó trồng xuống một cây nhưng cây ấy không sanh mầm cành nhánh lá ngay, huống chi là có hoa quả. Nhà vua thấy vậy nên lấy làm hổ thẹn với các quần thần, do đó sanh ra tức giận lớn, liền ra lệnh chặt cây đã trồng trước ấy.
Lúc đó các lực sĩ ... đều vâng lệnh của vua cầm rìu chặt đứt những cây ấy. Khi chặt ngã cây ấy thì một lúc có mười hai cây khác cùng lúc mọc lên, với bảy báu trang nghiêm, to lớn kỳ diệu.
Nhà vua thấy vậy thì càng tức giận, lại ra lệnh chặt đứt những cây ấy. Lúc đó các lực sĩ lại cùng nhau cầm rìu chặt đức mười hai cây ấy.
Khi chặt xong những cây ấy thì ngay tại chỗ đó lại có hai mươi bốn cây khác cùng lúc mọc lên, mỗi cây ấy có đủ nhánh lá, hoa quả lại càng sầm uất. Lại nữa, cứ mỗi cây lại có một con chim Mạng Trác đùa giỡn ở trên, thân nó trang điểm đủ màu sắc, âm thanh trong suốt vi diệu.
Nhà vua thấy vậy lại càng tức giận tự tay cầm rìu muốn chặt một cây. Khi rìu vừa chạm cây thì nước cam lồ tràn ra. Nhà vua thấy vậy liền sanh lòng tin và hối hận, tức thì ra lệnh cho gọi người trồng cây đầu tiên ấy lại. Lúc đó người ấy trước đây bị trói chặt nay mới được mở trói chạy đến chỗ vua. Nhà vua lại hỏi:
-Vì sao nhà ngươi mới trồng cây xuống liền sanh mầm, cành, nhánh, lá, hoa, quả. Ta ra lệnh chặt cây ấy thì nó lại sanh ra mười hai cây, bảy báu trang nghiêm, to lớn vô cùng. Như vậy ta ra lệnh chặt những cây ấy thì nó lại mọc gấp bội số trước, chim lạ nay tới hót tiếng đặc biệt, hết sức hy hữu. Nghĩa ấy thế nào, ngươi hãy nói thật cho trẫm rõ.
Người ấu tâu rằng:
-Tâu Ðại Vương! Ðó là nhờ năng lực phước đức của thần cảm nên.
Như vậy, người ấy tâu tiếp:
- Tâu Ðại Vương! Ðó là nhờ năng lực phước đức của thần cảm nên.
Khi ấy các quần thần nghe lời nói đó thảy đều rất tức giận, nghĩ như vầy:
“Nó là người gì mà đối với vua chúng ta dám tự kiêu căng nói là năng lực phước đức của mình? Họ liền trách người ấy rằng:
-Ngươi là kẻ ngu si, vì sao đối với vua của ta mà tự xưng là phước đức? Sự thật thì ngươi không thể hơn vua, hoặc bằng vua được.
Bấy giờ người ấy hướng về các đại thần cúi lạy, cung kính nói bài kệ này:
-Tôi không thích ngôi vua
Tóm thâu các của cải
Phát nguyện lớn từ lâu
Thành Phật Lưỡng Túc Tôn
Tôi đến cõi Niết Bàn
Nhưng không trụ tịch diệt
Nhờ phương tiện nguyện lực
Xuất hiện ở thế gian
Thuyết pháp độ chúng sanh
Ðều khiến đến bờ giác
Cỡi trói được tự tại
Ðược an lạc tối thượng
Tôi nhờ nghiệp đời trước
Nay bị vua bắt trói
Nguyện lực lớn đã vậy
Nên nghiệp lực tiêu hết.
Khi ấy nhà vua có hai mươi bốn câu đê chim mỏ vàng, bay lên không trung, hót tiếng êm dịu trong vắt, tấu lên các âm nhạc. Lúc đó nhà vua lại có ba vạn hai ngàn lầu gát tuyệt đẹp, đồng thời xuất hiện cứ mội lầu gát cao rộng hai mươi lăm do tuần, khoảng giữa mỗi lầu gát riêng có hai mươi lăm câu đê chim mỏ vàng, bay đậu ở trên, nói bài tụng này:
-Cớ gì Ðại Vương khởi tâm ác
Chặt cây tượi đẹp vừa mới mọc
Do thần lực Phật trong sát na
Hăm sáu, gập bội lại sinh trưởng
Vua lấy ngã tâm, cũng trồng cây
Không sanh mầm cành và hoa quả
Thấy việc như vậy nên không tín
Càng thêm phiền não sanh sân hận
Nhờ thiện căn sau đó vua tin
Tương lai sẽ được quả tối thắng.
Bấy giờ vua nói:
-Tiếng nói trên không trung hết sức hiền thiện, ta vốn dùng tâm gì mà sanh lòng phá hoại? Nay ta đã tin, tự mình vô cùng hối hận và trách lỗi.
Lúc đó nhà vua lại nghe trên không trung nói như vầy:
-Này Ðại Vương! Người trồng cây trước đó, sẽ thành Phật, xuất hiện ở thế gian, được chư thiên và loài người cung kính.
Nhà vua liền ngẩng lên không trung nói rằng:
-Này Hiền giả! Còn người trồng cây sau đó, vì lý do gì mà cây không mọc?
Trên không trung đáp rằng:
-Ðại Vương nên biết rằng, người đó vì tạo nghiệp sâu nặng, chẳng có chút ít căn lành. Do nhân duyên đó, mới bị phá hoại.
Khi ấy nhà vua nhờ sức thiện căn thành thục từ lâu nên mới được thấy sự việc hy hữu như vậy. Nhà vua lại nghe những tiếng như trên không trung, nên phát khởi thiện tâm tăng thượng tối thắng, lúc đó nhà vua liền được an trụ thập địa.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân nghe đức Phật Thế Tôn nói xong như vậy nên rất vui mừng, khen là chưa từng có, liền chắp tay cung kính bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Ngày xưa, nhà vua và các quần thần vì sao mà được an trụ nơi pháp thập địa?
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Nhà vua và quần thần của vua ấy đã được chư Phật Như Lai thọ ký từ lâu, đều được thành Phật, Dược Vương Quân nên biết rằng: Các cây được trồng ấy đều do thần lực của chư Phật hiển hiện. Ngày hôm nay ta cũng lại hiện việc như vậy, cùng với việc của vua ngày xưa không hề sai khác.
Bấy giờ đức Thế Tôn ở trong chúng hội từ ở trước mặt phóng ra tám vạn bốn ngàn luồng quang minh tinh diệu rất hy hữu. Cứ mỗi luồng ánh sáng ấy đều có vô lượng trăm ngàn màu sắc. Ðó là sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, xanh biếc. Các luồng ánh sáng màu sắc như vậy, chiếu khắp vô biên các thế giới xong, các luồng ánh sáng ấy quay trở lại nhiễu quanh bên hữu đức Phật rồi lại đi vào trên đỉnh môn của ngài.
Khi ấy, Bồ Tát Dược Vương Quân chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân đức Phật, bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Ngài phóng ra luồng ánh sáng to lớn hy hữu này, chiếu khắp thế giới? Nếu không có nhân duyên thì đức Như Lai Ứng cúng chánh đẳng chánh giác sẽ không phóng luồng ánh sáng này. Cúi mong đức Phật từ bi lược nói cho con rõ.
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Nay ngươi có thấy vô số nhân chúng trong các thế giới tùy theo chỗ ở của mình đều đến tụ tập trong đại chúng hội này chăng?
Dược Vương Quân thưa:
-Thưa không, bạch Thế Tôn! Hiện tại con không thấy.
Ðức Phật bảo:
-Ngươi nên quán sát lại thật kỹ.
Bấy giờ có Bồ Tát Dược Vương Quân vâng theo thánh chỉ của Phật quán sát khắp bốn phương trên và dưới liền thấy ở phương đông có một cây đại thọ trang nghiêm thù diệu, cao lớn đến bảy ngàn do tuần, có hai vạn năm ngàn câu đê dân chúng, nối thành vòng tròn đi vào trong hội của Phật, đối với đức Phật Thế Tôn họ chẳng hỏi thăm cũng chẳng nói gì, im lặng không có tiếng động, đứng một bên đức Phật. Ơû phương Nam, Bắc, phương Trên, và Dưới cũng lại như vậy.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân thấy việc này xong, bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Con có chút hồ nghi nên muốn thưa hỏi. Cúi mong Phật Thế Tôn phân biệt nói rõ cho con rõ.
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Nay ngươi có sự nghi ngờ cứ tự do hỏi ta sẽ khai thị cho.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Nay bốn phương Trên và Dưới của thế giới này, cứ mỗi một cây đại thọ đều có mọi người vây quanh thành vòng tròn đi vào trong hội, im lặng không nói, đều đứng một bên, vì nhân duyên gì có sự việc như vậy?
Ðức Phật bảo:
-Này Dược Vương Quân! Nay ngươi muốn biết nhân duyên của việc ấy, tự mình hãy đến từng phương của thế giới rồi đích thân thưa hỏi từng đức Phật Thế Tôn ở mười phương ấy, các ngài sẽ tuyên thuyết như thật cho ngươi rõ.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Con vâng theo thánh chỉ của Phật, nay sẽ tự đến các phương của thế giới để hỏi các đức Thế Tôn ấy, nhưng con đâu có thần lực gì mà có thể đến các cõi ấy được?
Ðức Phật dạy:
-Ngươi hãy nên dùng thần lực của chính mình để đến các thế giới ấy, đồng thời ta cũng dùng thần lực của mình để gia bị cho ngươi.
Khi ấy Bồ Tát Dược Vương Quân liền ở trong hội nhiễu quanh đức Phật ba vòng rồi ẩn thân biến mất, từ phương Ðông này vượt qua chín mươi sáu câu đê thế giới, đến một thế giới tên là Nguyệt Ðăng, tại đó có đức Phật tên là Nguyệt Thượng Cảnh Giới, đầy đủ mười hiệu, ngài có tám mươi câu đê chúng Ðại Bồ Tát vây quanh để nghe thuyết pháp.
Bồ Tát Phổ Dũng Dược Vương Quân đã đến cõi ấy xong liền lấy đầu mặt đảnh lễ dưới chân đức Phật, chắp tay cung kính bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Con ở chỗ đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuộc thế giới Ta bà, thấy phương Ðông này có một cây đại thọ trang nghiêm thù diệu cao lớn đến bảy ngàn do tuần, có hai vạn năm ngàn câu đê dân chúng nhiễu quanh thành vòng tròn đi vào trong hội của Phật. Phương Nam, Tây, Bắc, phương Trên và Dưới cũng giống như vậy. Ðức Hóa Chủ là Phật Thích Ca Mâu Ni bảo con đến đây để hỏi lý do. Cúi mong Thế Tôn giải thích sự hồ nghi của con.
Bấy giờ đức Như Lai Nguyệt Thượng Cảnh Giới bảo Bồ Tát Dược Vương Quân:
-Này Thiện nam tử! Những người ở trong hội của đức Phật đã đến cây đại thọ to lớn tuyệt đẹp ấy, hay ở phương đó làm các Phật sự. Các dân chúng ở đó do cây sanh ra, để hiển lộ năng lực thần thông của các đức Phật vậy.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Việc này thật hy hữu, từ xưa con chưa từng được nghe, huống chi lại có thể thấy được.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Vô số nhân chúng ở trong hội này, đứng trước đức Thế Tôn nhiễu quanh thành hình tròn, chẳng có kẽ hở, các nhân chúng này, chỉ hiện thân hình mà chẳng ai thấy hai tay của họ. Việc ấy thế nào, mong đức Phật giải thích cho.
Ðức Phật đáp:
-Này Thiện nam tử! Các chúng người này hoặc đi hoặc đứng hoặc co duỗi thảy đều vô ngại.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại thưa với Ngài:
-Bạch Thế Tôn! Con vẫn chưa hiểu ý nghĩa việc ấy thế nào?
Ðức Phật đáp:
-Này Thiện nam tử! Nay ngươi muốn thấy những người này duỗi cánh tay chăng?
Bồ Tát Dược Vương Quân thưa:
-Nay con muốn thấy, mong ngài hiển thị.
Khi ấy đức Như Lai Nguyệt Thượng Cảnh Giới liền ở trong hội duỗi một cánh tay sắc vàng, khắp bảo đại chúng. Bấy giờ trong hội có trăm ngàn câu đê dân chúng, cũng ngay lúc ấy đều duỗi một tay, tất cả đều mưa vô số trăm ngàn thứ hương, đó là hương xoa, hương bột ... để cúng dường Phật.
Lúc ấy, đức Phật đó bảo Bồ Tát Dược Vương Quân:
-Này Thiện nam tử! Nay ngươi có thấy chúng người này đều duỗi một cánh tay, mưa các hương thơm để cúng dường Phật Thế Tôn chăng?
Bồ Tát thưa:
-Con có thấy.
Ðức Phật nói:
-Này Thiện nam tử! Nay ngươi nên biết rằng, trăm ngàn câu đê chúng người này đều hóa sanh, như thấy người trong mộng mà thôi.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân thấy việc ấy xong, liền bạch đức Phật đó rằng:
-Bạch Thế Tôn! Các chúng người này chỉ trong khoảnh khắc đều duỗi một cánh tay, mà vẫn có thể mưa vô số hương thơm ấy, huống chi duỗi cả hai tay, thì sẽ mưa các hương thơm gấp bội.
Ðức Phật kia nói:
-Ðúng vậy, đúng vậy! Này Thiện nam tử! Những loại như vậy đều do thần lực của Như Lai hóa ra nhiều vô lượng, các cõi chúng sanh cũng lại như vậy, hoặc sanh hoặc diệt, như mộng, như huyễn, tất cả hữu vi đều là pháp không thật.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Các loại chúng sanh có kẻ mời sanh, còn ai là kẻ sanh lâu?
Ðức Phật đó đáp:
-Ðúng vậy.
Bồ Tát Dược Vương Quân thưa:
-Vậy không biết ai là kẻ mới sanh, còn ai là kẻ sanh lâu?
Ðức Phật đó đáp:
-Nay ở trong hội này có hàng trăm hàng ngàn câu đê nhân chúng vừa duỗi một cánh tay, mưa các thứ hương đó gọi là người sanh lâu, còn những kẻ từ cây sanh ra ở chỗ đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế giới Ta bà kia là kẻ mới sanh.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại bạch đức Phật:
-Bạch Thế Tôn! Nay con đối với việc này lại muốn thấy các vị mới sanh ấy, cúi mong đức Phật hiển thị.
Khi ấy đức Như Lai Nguyệt Thượng Cảnh Giới liền duỗi cánh tay mặt xuống, lúc đó bốn phương có trăm ngàn câu đê nhân chúng, phương trên và phuơng dưới cũng đều có hai mươi lăm câu đê nhân chúng cùng lúc đi vào trong hội của Phật, cũng chẳng nói năng, im lặng không có tiếng động, đứng một bên đức Phật.
Lúc đó Bồ Tát Dược Vương Quân hỏi ngài:
-Bạch Thế Tôn! Vì sao vô số những người này chỉ trong khoảnh khắc đi vào trong hội của Phật, thảy đều im lặng, đứng một bên ngài?
Ðức Phật ấy đáp:
-Này Thiện nam tử! Các người này là kẻ mới sanh, không biết pháp sanh, không biết pháp diệt, cũng lại không biết già bệnh chết buồn rầu, ái biệt ly, oán thù gặp nhau ... Các pháp như vậy, cũng lại không biết khổ và khổ thọ, chẳng phải từ khổ sanh, đối với tất cả pháp đã tu tập, chẳng phải có sự hiểu rõ, làm sao có thể có điều để nói. Cho nên tất cả họ đều im lặng mà đứng.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại thưa:
-Bạch Thế Tôn! Như điều Phật nói những người ấy là mới sanh, vậy không biết họ từ đâu mà đến, mà đối với tất cả pháp đều không thể biết?
Ðức Phật ấy đáp:
-Này Thiện nam tử! Các chúng sanh ấy không phải do nghiệp báo sanh ra, chẳng phải do sự khéo léo mà có thể tạo ra, cũng không phải do cha mẹ sanh, chẳng từ các thọ tương ưng sanh ra, cũng chẳng phải do nghiệp nhân quá khứ sanh ra, cũng chẳng do suy nghĩ khổ thọ ... các tưởng, chẳng từ đâu sanh ra, cho nên cũng như vậy. Không có sở thuyết, do đó đối với các pháp không thể hiểu rõ, cũng lại không sanh tưởng ngã và ngã sở.
Bồ Tát Dược Vương Quân lại thưa:
-Bạch Thế Tôn! Họ đã gọi là những người mới sanh, vậy từ đâu sanh, lại từ đâu diệt?
Ðức Phật đó đáp:
-Này Thiện nam tử! Như đức Phật sanh ra, họ cũng sanh như vậy, bị vua bắt giam lâu dài trong lao ngục, trong ngục đó rất tối tăm, không có ánh sáng mặt trời chiếu đến, lãnh thọ sự khổ độc dữ dội, trong lòng hết sức lo sợ. Lúc đó trong ngục bỗng nhiên bị bốc cháy, bốc lên toàn là lửa đỏ, mọi người đều hãi hùng kêu la nhưng những người bị giam không sao ra được.
Khi nha vua nghe những tiếng kêu ấy liền bảo lực sĩ tạo các phương tiện để cứu họ. Người bị giam lúc đã được ra khỏi hỏa ngục khổ sở ấy xong lại nghe nhà vua ra lệnh ân xá rằng:
-Từ nay về sau, nhà ngươi chớ tạo tội phạm như vậy nữa, nếu ngươi tái phạm sẽ bị giam vào ngục, không bao giờ ra được.
Này Thiện nam tử! Ðức Như Lai cũng lại như vậy, đã đoạn trừ tham sân si ... tất cả phiền não, tròn đầy tất cả pháp lành xuất thế gian, lại hay dứt trừ tất cả khổ não, lại dùng các thứ phương tiện đại bi để cứu độ tất cả chúng sanh khổ não trong sáu đường, mỗi mỗi đều khiến họ xa lìa các sự trói buộc. Giống như ánh sáng mặt trời phá tan các tăm tối, diệt các tội cấu, sanh ra ý nghĩ thiện.
Này Thiện nam tử! Hoặc kẻ sanh lâu, hoặc người mới sanh, tất cả chúng sanh đều khiến họ giải thoát.
Bấy giờ khi đức Phật ấy nói pháp này thì trên không trung có tiếng nói bài kệ tụng này:
-Như Lai bậc đại bi
Ở trong cõi thanh tịnh
Từ hạt giống thiện sanh
Nhân quả không bị mất
Cảnh giới Phật thanh tịnh
Mở pháp môn vi diệu
Dùng phương tiện đại bi
Ðộ các loại chúng sanh
Thứ lớp mà khai mở
Ðều khiến đến Niết Bàn
Thế gian thường tịch tịnh
Các việc làm không nhiễm
Từ vô thỉ đến nay
Hoặc sanh lâu, mới sanh
Trong sáu đường, ba cõi
Vô số các chúng sanh
Nhờ sức bi nguyện Phật
Ðều về cửa giải thoát
Hoặc thế, xuất thế gian
Thảy được đại lợi lạc.
Bấy giờ đức Như Lai Nguyệt Thượng Cảnh Giới liền ở trong hội phóng ra luồng ánh sáng tịnh diệu rất hy hữu, trong ánh sáng ấy xuất ra một âm thanh to lớn, chấn động khắp mười phương, lại ở trong âm thanh đó nói lời như vầy:
-Lành thay sức thần thông của chư Phật! Lành thay sức công đức của diệu pháp. Lành thay đại tập hội hòa hợp, các thứ thần biến không thể nghĩ bàn! Lành thay sự tuyên thuyết diệu pháp môn, tất cả chúng sanh được sự lợi lạc.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân thấy luồng ánh sáng lại nghe tiếng nói lớn trên hư không như vậy, nên xưng dương tán thán chắp tay cung kính, lạy dưới chân đức Phật ấy bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Ngài phóng ra luồng ánh sáng ấy?
Ngài đáp:
-Này Thiện nam tử! Nay ngươi thấy các người mới sanh trong hội này chăng?
Thưa rằng:
-Ðã thấy.
Ngài nói:
-Này Thiện nam tử! Các người này căn duyên thành thục ngay ngày hôm nay, nghe ta thuyết pháp, tất cả đều sẽ được viên mãn thập địa.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân liền từ tòa đứng dậy, bay lên hư không, cao đến tám vạn do tuần, lúc ấy lại có tám vạn câu đê trời và người trên hư không mưa các hoa đẹp để cúng dường Phật đó. Khi các người mới sanh tất cả đều cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, thì mười phương các Bồ Tát cho đến tất cả rồng, thần, dạ xoa ... đều vân tập lại.
Lúc đó Bồ Tát Dược Vương Quân ở trên hư không chắp tay một lòng hướng về đức Phật ấy nói bài kệ này:
-Lành thay thần lực Phật
Phóng quang nói tiếng lớn
Trong thế giới ba ngàn
Không ai mà chẳng nghe
Ba mươi hai địa ngục
Các chúng sanh thọ khổ
Ðược nghe âm thanh này
Khổ não đều chấm dứt
Các Thiên chúng ba cõi
Cũng nghe âm thanh ấy
Ðều khởi tâm cung kính
Hoan hỷ mà xưng tán
Cõi ba ngàn đại thiên
Ðều nghe tiếng to lớn
Nhờ đại thần thông Phật
Có sáu thứ chấn động
Số ba vạn câu đê
Các Long vương đại hải
Nghe âm thanh lớn ấy
Ðều đến hội của Phật
Số ba vạn câu đê
Các La Sát Ta vương
Nghe âm thanh lớn ấy
Ðều đến hội củ Phật
Số hai vạn năm ngàn
Câu đê Tất lệ đa
Nghe âm thanh lớn ấy
Ðều đi đến hội Phật
Trong cung Tỳ sa môn
Vô số các Dạ xoa
Nghe âm thanh lớn ấy
Ðều đi đến hội Phật
Các thế giới mười phương
Có trăm ngàn câu đê
Bồ Tát nhờ thần thông
Ðều đến chỗ Phật hội
Phật Nguyệt Thượng Cảnh Giới
Vì chúng sanh mới sanh
Muốn nói diệu pháp môn
Cho nên đều vân tập.
Bấy giờ Bồ Tát Dược Vương Quân nói bài kệ ấy xong, từ hư không đi xuống, đứng trước đức Phật chắp tay cung kính bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nay các Bồ Tát cho đến tất cả Long vương, quỷ thần ở trong hội này, đều đến vân tập, tất cả đều ưa thích nghe Phật thuyết pháp, nay đã đúng lúc cúi mong ngài thuyết cho.
Ðức Phật ấy nói:
-Này Thiện nam tử! Nay ngươi nên biết rằng các chúng mới sanh này đã được xa lìa tất cả nghiệp ác, đầy đủ phạm hạnh, được đại tổng trì, tất cả thiện pháp đều được tròn đầy. Nay ta vì họ nói Ðại Pháp Uẩn.
Lúc đó Bồ Tát Dược Vương Quân lại thưa:
-Bạch Thế Tôn! Các đại chúng này khao khát ngưỡng mộ, muốn được nghe. Cúi mong Phật nói cho.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 5 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Người chết đi về đâu


Phát tâm Bồ-đề


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.234.44 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập