Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh [地藏菩薩本願經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh [地藏菩薩本願經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » English version (1) » English version (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.7 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.77 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Bản nguyện Bồ Tát Địa Tạng

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Nguyễn Minh Tiến

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Đời Đường, Tam tạng Sa-môn Thật-xoa-nan-đà người nước Vu Điền chuyển dịch

PHẨM THỨ NHẤT

Thần thông tại Thiên cung ở cõi trời Đao-lợi

Tôi nghe như thế này, có một lúc đức Phật ở tại cõi trời Đao-lợi, vì mẹ thuyết pháp.

Bấy giờ, hết thảy chư Phật và chư vị Đại Bồ Tát số nhiều đến mức không thể nói hết, thực sự không thể nói hết, trong khắp mười phương đều đến Pháp hội.

[Các ngài] xưng tán ngợi khen đức Phật Thích-ca Mâu-ni, có thể ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược, hiện sức thần thông trí tuệ lớn lao không thể nghĩ bàn, điều phục những chúng sinh ương ngạnh cứng đầu, rõ biết các pháp khổ não hay an vui. Mỗi vị [trong các ngài] đều sai thị giả đến thưa hỏi vấn an đức Thế Tôn.

Bấy giờ, đức Như Lai mỉm cười, phóng chiếu ra trăm ngàn vạn ức vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ, như là: vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại viên mãn, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại từ bi, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại trí tuệ, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại bát nhã, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại tam muội, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại cát tường, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại phúc đức, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại công đức, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại qui y, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại tán thán... Phóng chiếu ra những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ không thể nói hết như vậy rồi...

Đức Phật lại tiếp tục phát ra đủ mọi âm thanh vi diệu nhiệm mầu, như âm thanh của Đàn ba-la-mật, âm thanh của Thi ba-la-mật, âm thanh của Sằn-đề ba-la-mật, âm thanh của Tỳ-lê-da ba-la-mật, âm thanh của Thiền ba-la-mật, âm thanh của Bát-nhã ba-la-mật, âm thanh của từ bi, âm thanh của hỷ xả, âm thanh của giải thoát, âm thanh của không lậu hoặc, âm thanh của trí tuệ, âm thanh của đại trí tuệ, âm thanh của sư tử hống, âm thanh của đại sư tử hống, âm thanh tiếng sấm từ mây phát ra, âm thanh tiếng sấm lớn từ mây phát ra. Đức Phật phát ra hết thảy đủ mọi âm thanh không thể nói hết như vậy rồi...

Trong thế giới Ta-bà cùng các cõi nước phương khác có vô số các vị trời, rồng, quỷ, thần, cũng đều tụ họp đến Thiên cung của cung trời Đao-lợi. Đó là hết thảy các vị thiên chúng ở các cõi trời Tứ thiên vương, cõi trời Đao-lợi, cõi trời Tu-diệm-ma, cõi trời Đâu-suất-đà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha hóa Tự tại, cõi trời Phạm chúng, cõi trời Phạm phụ, cõi trời Đại phạm, cõi trời Thiểu quang, cõi trời Vô Lượng Quang, cõi trời Quang Âm, cõi trời Thiểu Tịnh, cõi trời Vô Lượng Tịnh, cõi trời Biến Tịnh, cõi trời Phúc Sinh, cõi trời Phúc Ái, cõi trời Quảng Quả, cõi trời Vô Tưởng, cõi trời Vô Phiền, cõi trời Vô Nhiệt, cõi trời Thiện Kiến, cõi trời Thiện Hiện, cõi trời Sắc Cứu Cánh, cõi trời Ma-hê-thủ-la, cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hết thảy các vị trời, rồng, quỷ thần đều tụ hội đến.

Lại có các vị quỷ vương như Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bịnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Đại Ái Kính Quỷ Vương, các quỷ vương như thế ở các cõi nước mười phương cũng như trong phạm vi thế giới Ta-bà đều tụ hội đến.

Bấy giờ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo ngài Đại Bồ Tát Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi: Ông đã thấy hết thảy chư Phật, Bồ Tát cùng các hàng trời, rồng, quỷ, thần ở thế giới này cũng như các thế giới khác, ở cõi nước này cũng như các cõi nước khác, ngày hôm nay đều hội tụ về cung trời Đao-lợi như thế này, ông có biết được số lượng hay không?

Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn, nếu dùng thần lực của con để đo lường trong ngàn kiếp cũng không thể biết.”

Đức Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Ta dùng Phật nhãn để xem vẫn không biết hết được số lượng. Hết thảy những vị đó đều do Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã hóa độ, đang hóa độ hoặc sẽ hóa độ, đã thành tựu, đang thành tựu hoặc sẽ thành tựu.”

Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Con từ lâu xa trong quá khứ đã tu các căn lành, chứng đắc trí tuệ vô ngại, nên nghe qua lời Phật dạy liền tin nhận ngay. Nhưng các vị Thanh văn quả vị còn thấp, tám bộ trời rồng cùng những chúng sinh trong tương lai, tuy nghe lời thành thật của Như Lai cũng sẽ ôm lòng nghi hoặc. Ví như họ có cung kính tiếp nhận, chưa hẳn rồi sẽ không khởi tâm báng bổ. Kính mong đức Thế Tôn rộng thuyết về nền tảng nguyên nhân ban đầu, Đại Bồ Tát Địa Tạng đã tu những công hạnh gì, lập những nguyện gì mà có thể thành tựu được điều không thể nghĩ bàn như vậy?”

Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Ví như trong cõi tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu cây cỏ rừng rậm, các loại lúa, mè, tre trúc, lau lách, núi, đá, bụi bặm... mỗi một đơn vị tính đếm được của những thứ này đều tính là một con sông Hằng, mỗi một hạt cát trong những sông Hằng đó lại tính là một thế giới, trong mỗi một thế giới đó có bao nhiêu hạt bụi, lại tính mỗi hạt bụi là một kiếp, trong tất cả số kiếp đó tính đếm được hết thảy bao nhiêu hạt bụi đều xem mỗi hạt bụi là một kiếp. Từ khi Bồ Tát Địa Tạng chứng đắc quả vị Thập địa đến nay, thời gian còn lâu xa hơn gấp ngàn lần số kiếp tính được trong ví dụ trên.”

Huống chi là [thời gian] Bồ Tát Địa Tạng tu tập các địa vị Thanh văn, Bích Chi Phật [còn lâu xa hơn nữa]? Văn-thù-sư-lợi, vị Bồ Tát này oai thần, thệ nguyện không thể nghĩ bàn. Nếu trong tương lai có những kẻ nam, người nữ lòng lành, nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc ngợi khen xưng tán, hoặc lễ bái chiêm ngưỡng, hoặc xưng tụng danh hiệu, hoặc cúng dường, cho đến thêu, vẽ, chạm khắc, tô đắp, sơn phết hình tượng [của Bồ Tát], những người ấy đều sẽ được sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần, rất lâu sau đó không đọa vào các đường ác.

Này Văn-thù-sư-lợi, Đại Bồ Tát Địa Tạng từ trong quá khứ rất lâu xa với khoảng thời gian không thể tính đếm nói được, từng sinh làm một vị đại trưởng giả. Thuở ấy có Phật ra đời hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Bấy giờ, vị trưởng giả nhìn thấy đức Phật thân tướng tốt đẹp, có ngàn phước lành trang nghiêm, liền thưa hỏi xem đức Phật ấy đã tu những công hạnh gì, lập những thệ nguyện gì mà nay có được thân tướng [tốt đẹp] như vậy.

Bấy giờ, đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh bảo ông trưởng giả: Muốn chứng đắc được thân tướng như thế này, phải tu trong nhiều kiếp lâu xa độ thoát hết thảy chúng sinh chịu khổ.

Văn-thù-sư-lợi, khi ấy vị trưởng giả nhân đó liền phát nguyện: “Từ nay cho đến vô số kiếp tương lai không thể tính đếm, tôi sẽ vì những chúng sinh chịu tội khổ trong sáu đường luân hồi, rộng bày nhiều phương tiện, khiến cho họ đều được giải thoát hết, rồi tự thân tôi sau đó mới thành quả Phật.”

Vì đã đối trước đức Phật [Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh] lập nguyện lớn lao như thế, nên cho đến nay trải qua trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp không thể nói hết [ngài Địa Tạng] vẫn còn làm Bồ Tát.

Lại trong quá khứ a-tăng-kỳ kiếp không thể nghĩ bàn, thuở ấy có Phật, hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Đức Phật ấy tuổi thọ đến bốn trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ kiếp.

[Sau khi Phật nhập diệt,] đến thời Tượng pháp, có một người con gái dòng bà-la-môn, phúc đức đời trước sâu dày, mọi người đều kính phục, trong lúc nàng đi đứng nằm ngồi đều có chư thiên theo bảo vệ. Mẹ nàng tin theo tà đạo, khinh thường Tam bảo. Khi ấy, vị thánh nữ này bày ra nhiều phương tiện khuyên nhủ mẹ mình, mong bà khởi sinh chánh kiến. Thế nhưng mẹ nàng hoàn toàn không khởi lòng tin. Không bao lâu bà qua đời, thần thức đọa vào địa ngục Vô Gián.

Khi ấy, người con gái bà-la-môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống không tin nhân quả, theo suy tính ắt phải theo nghiệp xấu ấy sinh vào đường ác. Cô liền bán hết nhà cửa, dùng tiền mua sắm hương hoa và các phẩm vật cúng dường, tìm đến chùa tháp thờ vị Phật trước đây làm lễ cúng dường rất lớn. Cô nhìn thấy hình tượng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương trong chùa, phác họa ngài dung mạo uy nghi, đoan nghiêm đủ vẻ, liền chiêm ngưỡng lễ bái, càng thêm hết lòng kính ngưỡng. Rồi cô tự nghĩ: “Đức Phật là bậc Đại giác, có đủ trí tuệ rõ biết tất cả. Nếu ngài tại thế, sau khi mẹ ta chết có thể đến thưa hỏi ngài, ắt sẽ biết được mẹ đang ở đâu.

Bấy giờ, cô gái bà-la-môn phủ phục buồn khóc hồi lâu, chiêm ngưỡng mến mộ đức Như Lai. Bỗng dưng nghe giữa không trung có tiếng nói: “Thánh nữ đang khóc kia, đừng quá bi ai, nay ta sẽ chỉ nơi mẹ con sinh về.”

Cô gái bà-la-môn chắp tay hướng lên không trung bạch rằng: “Ngài là vị thần nào muốn giảm nhẹ lo buồn cho con? Từ ngày con mất mẹ đến nay, ngày đêm mong nhớ, không có nơi nào để có thể hỏi biết mẹ sinh về đâu.”

Lúc ấy, trong không trung có tiếng đáp lời cô gái: “Ta là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trong quá khứ mà con đang chiêm ngưỡng lễ bái. Ta thấy lòng con nhớ mẹ có phần nhiều hơn thường tình chúng sinh nên đến đây chỉ bày.”

Cô gái bà-la-môn nghe qua âm thanh ấy rồi thì toàn thân rũ xuống, khắp người rã rời, người chung quanh đỡ dậy săn sóc hồi lâu mới tỉnh, liền hướng về không trung bạch rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót, mau nói cho con biết nơi mẹ con sinh về. Con nay cảm thấy thân tâm mình như sắp chết rồi.”

Khi ấy, đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương bảo thánh nữ rằng: “Con cúng dường xong, chỉ cần sớm quay về nhà, ngồi ngay ngắn nghĩ đến danh hiệu của ta, tự nhiên sẽ biết được nơi mẹ con sinh về.”

Bấy giờ, cô gái bà-la-môn lễ Phật xong liền quay về nhà, vì lòng nhớ tưởng mẹ, nên ngồi ngay ngắn niệm tưởng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Trải qua một ngày một đêm như vậy.

Bỗng dưng cô tự thấy mình đến bên một bờ biển. Nước biển ở đó sôi lên sùng sục, có nhiều thú dữ toàn thân đều bằng sắt, bay nhảy trên mặt biển, rượt đuổi qua lại. Lại thấy kẻ nam người nữ nhiều đến số trăm ngàn muôn người, trồi lên hụp xuống trong nước biển, bị những thú dữ kia tranh nhau ăn nuốt. Lại thấy những dạ-xoa hình thù khác biệt nhau, hoặc nhiều tay nhiều mắt, hoặc nhiều chân nhiều đầu, răng nanh nhe ra sắc nhọn như gươm, xua đuổi tội nhân đến gần chỗ đám thú dữ. Các dạ-xoa này cũng tự mình chộp bắt các tội nhân, bẻ gập đầu xuống chân, muôn hình vạn trạng thật chẳng dám nhìn lâu. Khi ấy, cô gái bà-la-môn nhờ sức niệm Phật nên không hề thấy sợ.

Có một quỷ vương tên là Vô Độc, đến cúi đầu chào đón, bạch thánh nữ rằng: “Lành thay, Bồ Tát! Do nhân duyên gì mà ngài đến đây?

Bấy giờ, cô gái bà-la-môn hỏi quỷ vương: “Đây là nơi nào?” Vô Độc trả lời: “Đây là vùng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi.”

Thánh nữ hỏi: “Tôi nghe rằng bên trong núi Thiết Vi có địa ngục, chuyện ấy có thật không?” Vô Độc đáp: “Thật có địa ngục.”

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Vì sao tôi đến được nơi này?” Quỷ vương Vô Độc trả lời: “Nếu không do oai thần thì phải do nghiệp lực. Ngoài hai việc ấy thì không bao giờ đến được nơi này.”

Thánh nữ lại hỏi: “Nước ở đây do đâu mà sôi sùng sục, lại có tội nhân và thú dữ?” Vô Độc đáp rằng: “Đây là những chúng sinh tạo ác ở cõi Diêm-phù-đề vừa mới chết, đã qua 49 ngày mà không có người kế thừa vì họ làm việc công đức, cứu thoát khổ nạn. Lúc còn sống họ lại cũng không tạo nhân lành, nên cứ theo nghiệp đã tạo mà chiêu cảm vào địa ngục, tự nhiên trước hết phải qua biển này. Phía đông biển này cách mười muôn do-tuần cũng có một vùng biển, khổ não gấp bội phần. Phía đông của biển đó, lại có một vùng biển nữa, khổ não nhiều lần hơn nữa. Do nhân là ba nghiệp ác chiêu cảm mà thành nên gọi chung là biển nghiệp, chính là nơi này.

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương Vô Độc: “Địa ngục ở đâu?” Vô Độc đáp: “Trong ba vùng biển là đại địa ngục, số lượng đến trăm ngàn, mỗi nơi đều khác biệt. Kể ra địa ngục lớn thì có 18 ngục, nhỏ hơn một chút có 500 ngục, khổ não tàn độc vô lượng. Nhỏ hơn nữa thì có đến trăm ngàn địa ngục, cũng khổ não vô lượng.

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Mẹ tôi chết chưa lâu, không biết thần thức hiện nay đã đến nơi nào?” Quỷ vương hỏi lại: “Không biết mẹ của Bồ Tát khi còn sống quen tạo những nghiệp gì?” Thánh nữ đáp: “Mẹ tôi tà kiến, khinh chê hủy báng Tam bảo. Ví như có lúc tạm tin nhận cũng hoàn toàn không kính trọng. Mẹ tôi chỉ vừa mới mất, chưa biết sinh về đâu.”

Vô Độc liền hỏi: “Mẹ của Bồ Tát tên họ là gì?” Thánh nữ đáp: “Cha mẹ tôi đều thuộc dòng tộc bà-la-môn. Cha tôi tên là Thi-la Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt-đế-lợi.”

Vô Độc chắp tay thưa với Bồ Tát: “Xin thánh nữ quay về, không cần lo nghĩ, thương nhớ. Nữ tội nhân Duyệt-đế-lợi được sinh về cõi trời trước đây ba ngày rồi, là nhờ có người con hiếu thảo, vì mẹ lễ cúng tu phước, cúng dường nơi chùa tháp thờ đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Không chỉ riêng mẹ của Bồ Tát được thoát khỏi địa ngục, mà tội nhân trong địa ngục Vô Gián ngày hôm đó cũng được mừng vui, tất cả cùng được sinh về cõi trời.” Quỷ vương nói rồi chắp tay cáo từ.

Cô gái bà-la-môn bỗng như trong mộng chợt tỉnh. Biết rõ sự việc rồi, liền đến trước tượng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương trong tháp, lập thệ nguyện lớn lao rằng: “Nguyện con từ nay đến vô số kiếp trong tương lai, có bao nhiêu chúng sinh đang chịu tội khổ đều rộng bày phương tiện khiến cho được giải thoát.”

Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Quỷ vương Vô Độc thuở ấy nay là Bồ Tát Tài Thủ. Cô gái bà-la-môn kia chính là Bồ Tát Địa Tạng.”

PHẨM THỨ HAI

Phân Thân Bồ Tát Cùng Tụ Họp

Lúc bấy giờ, ở trong trăm ngàn muôn ức số lượng không thể nghĩ, không thể bàn, không thể đo lường, không thể nói hết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, có bao nhiêu phân thân của Bồ Tát Địa Tạng trong tất cả các địa ngục đều tụ hội về cung trời Đao-lợi.

Nhờ thần lực của đức Như Lai, mỗi vị phân thân đều từ chỗ của mình, cùng với những người được giải thoát từ nghiệp đạo, cũng nhiều đến số ngàn muôn ức na-do-tha, cùng mang hương hoa đến cúng dường Phật. Những người cùng đi đến đều là nhờ sự giáo hóa của Bồ Tát Địa Tạng nên vĩnh viễn không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Hết thảy đại chúng này, từ nhiều kiếp lâu xa trôi giạt trong sinh tử luân hồi, không ngừng chịu khổ trong sáu đường. Nhờ lòng từ bi rộng lớn và thệ nguyện sâu xa của Bồ Tát Địa Tạng nên mỗi người đều được chứng quả. Khi đến cung trời Đao-lợi rồi, lòng họ vô cùng phấn chấn, chăm chú chiêm ngưỡng đức Như Lai không hề rời mắt.

Bấy giờ, đức Thế Tôn duỗi cánh tay có màu vàng ròng xoa đầu tất cả các vị phân thân của Đại Bồ Tát Địa Tạng trong trăm ngàn muôn ức không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, không thể nói hết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, rồi nói rằng: “Ta ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược, giáo hóa những chúng sinh cứng đầu khó dạy như vậy, khiến tâm họ được điều phục, bỏ nẻo tà, về đường chánh. Nhưng trong mười phần còn lại một, hai, vẫn còn giữ tập khí xấu ác.”

Như Lai cũng phân thân trăm ngàn muôn ức, rộng bày nhiều phương tiện. Hoặc có những người căn tánh nhanh nhạy, nghe qua liền tin nhận. Hoặc có những người đã sẵn quả lành, thường khuyên bảo khuyến khích liền được thành tựu. Hoặc có những người tối tăm ngu độn, dạy dỗ lâu ngày mới chịu nghe theo. Hoặc có những người nghiệp chướng nặng nề, không sinh lòng kính ngưỡng. Hết thảy những chúng sinh như vậy, mỗi hạng đều khác biệt, [Như Lai đều] phân thân độ thoát. Hoặc hiện thân nam, hoặc hiện thân nữ, hoặc hiện thân trời rồng, hoặc hiện thân quỷ thần, hoặc hiện thành núi rừng, nguồn nước, đồng bằng, sông, hồ, suối, giếng... làm lợi ích cho mọi người, rồi [khiến cho] tất cả đều được độ thoát. Hoặc hiện thân Thiên đế, hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Chuyển luân vương, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân quốc vương, hoặc hiện thân tể tướng, hoặc hiện thân quan thuộc, hoặc hiện thân tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, cho đến hiện các thân Thanh văn, La-hán, Bích-chi Phật, Bồ Tát để hóa độ, không chỉ duy nhất hiện ra thân Phật trước mắt chúng sinh.

Bồ Tát Địa Tạng, ông hãy quán xét, Như Lai từ nhiều kiếp đã chuyên cần khổ nhọc độ thoát những chúng sinh tội khổ cứng đầu khó dạy như vậy. Trong số đó có những kẻ chưa được điều phục, phải theo nghiệp chịu báo ứng. Nếu họ đọa vào đường ác, trong lúc họ phải chịu đựng khổ não lớn lao, ông hãy nhớ lại đức Như Lai tại cung trời Đao-lợi [hôm nay] ân cần giao phó dặn dò, từ nay đến khi Phật Di-lặc ra đời, ông hãy làm cho chúng sinh trong thế giới Ta-bà đều được giải thoát, vĩnh viễn xa lìa khổ não, gặp Phật được thọ ký.

Lúc bấy giờ, các phân thân của Bồ Tát Địa Tạng ở khắp các thế giới liền hợp lại thành một thân duy nhất, rơi lệ cảm mến bạch Phật rằng: “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, nhờ ơn Phật dẫn dắt, giúp cho con đạt được thần lực không thể nghĩ bàn, đầy đủ trí tuệ lớn lao. Những phân thân của con đã biến hóa đầy khắp các thế giới nhiều như số cát của trăm ngàn muôn ức con sông Hằng. Mỗi một thế giới đó, con biến hóa hiện ra trăm ngàn muôn ức phân thân. Mỗi một phân thân ấy hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến cho quay về kính ngưỡng Tam bảo, vĩnh viễn lìa khỏi sinh tử, đạt đến niềm vui Niết-bàn. Chỉ cần [chúng sinh nào] ở trong pháp Phật làm được việc lành nhỏ nhặt như một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc rất nhỏ như sợi tóc, con đều sẽ dần dần độ thoát, khiến cho họ được lợi ích lớn lao.”

Kính mong đức Thế Tôn đừng vì những chúng sinh tạo ác nghiệp đời sau mà lo nghĩ! Bồ Tát ba lần bạch Phật như vậy: “Kính mong đức Thế Tôn đừng vì những chúng sinh tạo ác nghiệp đời sau mà lo nghĩ!”

Lúc bấy giờ, đức Phật ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng: Lành thay! Lành thay! Ta tán trợ niềm vui của ông, ông đã có thể thành tựu tâm nguyện rộng lớn phát khởi từ nhiều kiếp lâu xa trước đây. Một khi việc rộng độ chúng sinh hoàn tất, ông sẽ chứng đắc quả vị Bồ-đề.

PHẨM THỨ BA

Quán sát nghiệp duyên của chúng sinh

Lúc bấy giờ, mẹ của Phật là phu nhân Ma-da cung kính chắp tay thưa hỏi Bồ Tát Địa Tạng: “Thưa Thánh giả! Những nghiệp khác biệt mà chúng sinh trong cõi Diêm-phù tạo tác cùng với chỗ báo ứng của họ là như thế nào?”

Bồ Tát Địa Tạng đáp rằng: “Ngàn vạn thế giới cho đến ngàn vạn cõi nước, hoặc có địa ngục, hoặc không có địa ngục, hoặc có nữ nhân, hoặc không có nữ nhân, hoặc có Phật pháp, hoặc không có Phật pháp, cho đến Thanh văn, Bích-chi Phật, cũng đều như vậy, không chỉ riêng một hạng tội báo nơi địa ngục.”

Phu nhân Ma-da lại bạch Bồ Tát: “Xin nguyện được nghe những cảnh giới xấu ác ở cõi Diêm-phù do tội báo chiêu cảm.”

Bồ Tát Địa Tạng nói: “Thánh mẫu, xin lắng nghe tiếp nhận, nay tôi sẽ nói sơ qua việc ấy.” Mẹ của Phật bạch rằng: “Nguyện bậc thánh giảng nói.”

Bấy giờ, Bồ Tát Địa Tạng thưa cùng Thánh mẫu: “Các loại tội báo trong cõi Nam Diêm-phù-đề sẽ gọi tên kể ra như sau.

“Nếu có chúng sinh nào bất hiếu, thậm chí giết hại cha mẹ, ắt phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.

“Nếu có chúng sinh nào làm thân Phật chảy máu, khinh chê hủy báng ngôi Tam bảo, không tôn kính Kinh điển, cũng phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.

Nếu có chúng sinh nào xâm phạm, gây tổn hại đến chốn chùa chiền tự viện, làm ô nhục tăng ni, hoặc ở trong chốn già-lam thanh tịnh mà phóng túng làm những chuyện dâm dục hoặc giết hại, ắt phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.

“Nếu có chúng sinh nào giả làm bậc sa-môn tu hành nhưng trong lòng không thật tu hành, sử dụng phá hoại của cải thường trụ, lừa dối hàng cư sĩ, vi phạm, trái nghịch với giới luật, tạo đủ mọi tội ác, những kẻ như vậy ắt phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.

“Nếu có chúng sinh nào trộm cắp lấy tài sản, vật dụng, lúa thóc, thực phẩm, y phục... của thường trụ Tam bảo, cho đến chỉ một vật không cho mà tự ý lấy, sẽ phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.

Bồ Tát Địa Tạng nói: “Thưa Thánh mẫu! Nếu có chúng sinh phạm vào những tội như vậy, sẽ phải đọa vào địa ngục Ngũ Vô Gián, mong được tạm ngừng sự khổ não trong một chốc lát cũng không thể được.

Phu nhân Ma-da lại thưa hỏi Bồ Tát Địa Tạng: “Vì sao có tên là địa ngục Vô Gián?”

Bồ Tát Địa Tạng đáp: “Thưa Thánh mẫu! Các địa ngục đều nằm trong núi Đại Thiết Vi. Có 18 đại địa ngục. Nhỏ hơn thì có 500 địa ngục, tên gọi đều khác nhau. Nhỏ hơn nữa thì rất nhiều, đến số trăm ngàn, nhưng cũng đều có tên gọi khác nhau.

Về địa ngục Vô Gián, có thành vây quanh chu vi hơn 80.000 dặm. Thành ấy toàn bằng sắt, cao đến 10.000 dặm, trên thành phủ đầy lửa, hiếm có khoảng trống. Bên trong thành có các ngục liền kề nhau, đều có tên gọi khác biệt, chỉ riêng có một ngục tên là Vô Gián.

Ngục này có chu vi 18.000 dặm, tường ngục bằng sắt cao 1.000 dặm, lửa từ bên trên tràn xuống, lửa từ bên dưới bốc lên, có rắn sắt, chó sắt phun lửa rượt đuổi, chạy qua chạy lại khắp trên tường ngục. Trong ngục có một cái giường biến rộng ra đến 10.000 dặm. Một người chịu tội thì tự thấy thân hình mình lớn ra nằm vừa trên giường ấy, cho đến muôn ngàn người chịu tội, mỗi người cũng đều tự thấy thân hình mình lớn ra nằm vừa trên giường ấy. Đều là do nghiệp lực của chúng sinh chiêu cảm nên chịu quả báo như vậy.

Các tội nhân lại phải chịu đựng đủ mọi khổ hình. Có trăm ngàn dạ-xoa và quỷ dữ, răng trong miệng sắc như lưỡi kiếm, mắt nhìn như tia điện, móng vuốt bằng đồng, bấu níu lôi kéo tội nhân. Lại có dạ-xoa cầm cây kích sắt lớn đâm vào người tội nhân, hoặc đâm trúng vào miệng, mũi, hoặc đâm vào bụng, vào lưng, ném lên không trung rồi đón lấy, hoặc đặt nằm lên giường. Lại có chim ưng bằng sắt, mổ ăn mắt của tội nhân. Lại có rắn bằng sắt quấn siết cổ tội nhân. Hàng trăm đốt xương trên cơ thể đều bị đinh dài đóng vào. Lưỡi bị lôi ra thật dài rồi kéo cày trên đó. Ruột bị lôi ra ngoài rồi chặt đứt từng khúc. Tội nhân lại bị nước đồng sôi rót vào miệng, bị sắt nóng đỏ áp chặt vào thân. Muôn lần chết đi, ngàn lần sống lại, do nghiệp chiêu cảm như vậy.

Trải qua trăm ngàn kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn. Đến lúc thế giới này tan hoại thì chuyển sinh sang thế giới khác; đến lúc thế giới khác ấy tan hoại lại chuyển sinh về phương khác; đến lúc phương ấy tan hoại lại tuần tự chuyển sang các phương khác nữa [mà liên tục chịu tội]. Đến khi thế giới này hình thành trở lại thì lại sinh về đây, [tiếp tục chịu tội]. Tội báo Vô Gián là như vậy.

Lại do có năm điều chiêu cảm của nghiệp nên gọi là Vô Gián. Đó là những điều gì?

Thứ nhất, ngày đêm chịu tội, trải qua hết số kiếp phải chịu tội, không có thời gian gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.

Thứ hai, một người cũng choán đầy địa ngục, nhiều người cũng choán đầy địa ngục, nên gọi là Vô Gián.

Thứ ba, những khí cụ hành tội và hình phạt như chĩa ba, gậy gộc, chim ưng, rắn độc, sói, chó, cối giã, cối xay, cưa, đục, đao chặt, vạc nước sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống bó quanh đầu, nước sắt nóng tưới lên thân, đói nuốt hòn sắt, khát uống nước sắt nấu chảy, quanh năm suốt kiếp, trải qua nhiều na-do-tha kiếp, liên tục khổ sở không hề gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.

Thứ tư, không phân biệt giới tính nam nữ, không phân biệt chủng tộc Khương, Hồ, Di, Địch, bất kể là già trẻ, sang hèn, bất kể là rồng, thần, trời, quỷ, khi đã tạo tội nghiệp chiêu cảm quả báo ắt đều phải chịu khổ như nhau, do đó gọi tên là Vô Gián.

Thứ năm, nếu ai đọa vào địa ngục này thì từ lúc mới vào cho đến trải qua trăm ngàn kiếp, một ngày một đêm có muôn lần chết muôn lần sống lại, cầu mong được tạm dừng chỉ trong khoảnh khắc cũng không thể được, trừ phi đã hết nghiệp mới được tái sinh nơi khác. Do sự hành tội liên tục không dừng nên gọi là Vô Gián.

Bồ Tát Địa Tạng thưa với Thánh mẫu: “Nói sơ qua về địa ngục Vô Gián là như vậy. Nếu nói rộng ra về tên gọi các khí cụ hành hình cùng với những sự khổ sở đau đớn trong đó thì trong suốt thời gian một kiếp cũng không nói hết.” Phu nhân Ma-da nghe giảng nói rồi, buồn rầu chắp tay đảnh lễ lui ra.

PHẨM THỨ TƯ

Nghiệp lực chiêu cảm của chúng sinh cõi Diêm-phù

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Địa Tạng bạch Phật: “Thế Tôn! Con nhờ nương sức oai thần của Như Lai nên phân thân ra khắp trăm ngàn vạn ức thế giới, cứu độ hết thảy chúng sinh đang chịu nghiệp báo. Nếu không nhờ sức đại từ của Như Lai, con không thể biến hóa được như vậy.”

“Con nay lại nhận lời giao phó dặn dò của Phật: Từ nay đến khi ngài A-dật-đa thành Phật hãy khiến cho chúng sinh trong sáu đường đều được độ thoát. Dạ thưa Thế Tôn! Xin ngài chớ lo.”

Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng: “Hết thảy chúng sinh khi chưa giải thoát thì tánh, thức đều không nhất định. Quen làm việc ác kết thành nghiệp báo, quen làm việc thiện kết thành quả lành. Làm thiện hay làm ác đều do chạy theo ngoại cảnh mà sinh khởi. [Do nghiệp quả mà] luân chuyển xoay vần trong năm đường, không lúc nào tạm dừng, mê muội lầm lạc chịu nhiều chướng nạn qua vô số kiếp nhiều như bụi nhỏ.

Như cá bơi lội trong vòng lưới vây, tưởng như đang ở trong sông rộng, chỉ chốc lát tạm thời không vướng lưới, nhưng rồi cũng lại vướng vào thôi.

Vì những người như vậy mà ta phải lo nghĩ. Nay ông muốn trọn lời nguyện quá khứ, trong nhiều kiếp đã nặng lời thề rộng độ những chúng sinh tội khổ, vậy ta đâu còn gì phải lo lắng nữa?

Đức Thế Tôn nói ra lời ấy rồi, trong hội chúng có vị Đại Bồ Tát tên là Định Tự Tại Vương bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp đến nay đã phát những lời nguyện gì mà nay được đức Thế Tôn ân cần ngợi khen xưng tán? Xin đức Thế Tôn lược nói sơ qua.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Định Tự Tại Vương: “Hãy lắng nghe! Hãy khéo suy ngẫm! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.”

Vào thời quá khứ cách đây vô lượng vô số na-do-tha kiếp không thể nói hết, bấy giờ có đức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật này có thọ mạng là 60.000 kiếp. Khi chưa xuất gia, ngài là vua một nước nhỏ, làm bạn với vị vua nước láng giềng, cùng nhau thực hành mười nghiệp lành, làm lợi ích chúng sinh.

Nhân dân trong nước láng giềng ấy làm nhiều việc xấu ác. Hai vị vua bàn nhau, rộng bày phương tiện [cứu giúp họ]. Một vua phát nguyện: “[Tôi nguyện] sớm thành Phật đạo để cứu độ bằng hết những người dân này.” Vị vua kia phát nguyện: “Nếu trước tiên không cứu độ hết những người tội khổ, khiến cho đều được an vui, đạt đạo Bồ-đề, thì tôi nguyện không thành Phật.”

Đức Phật bảo Bồ Tát Định Tự Tại Vương: “Vị vua phát nguyện sớm thành Phật, chính là đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Vị vua phát nguyện vĩnh viễn cứu độ chúng sinh tội khổ, chưa nguyện thành Phật, chính là Bồ Tát Địa Tạng.”

Lại nữa, trong quá khứ cách đây vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có Phật xuất thế hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Thọ mạng của vị Phật này là 40 kiếp.

Trong thời Tượng pháp [của vị Phật này], có một vị La-hán đem phước đức cứu độ chúng sinh. Nhân trong khi tuần tự giáo hóa, ngài gặp một cô gái tên là Quang Mục bày biện các món thức ăn dâng lên cúng dường. Vị La-hán hỏi: “Con muốn cầu điều gì?” Quang Mục thưa: “Nhân ngày giỗ mẹ, con muốn nhờ phước [cúng dường] này để cứu mẹ, nhưng vẫn không biết mẹ con tái sinh cõi nào?”

Vị La-hán thương xót, liền nhập định quán xét, thấy mẹ của Quang Mục đọa vào đường ác, chịu khổ não cùng cực. Vị La-hán liền hỏi Quang Mục: “Mẹ con khi còn sống tạo những nghiệp gì? Hiện nay đọa vào đường ác đang chịu khổ não cùng cực.

Quang Mục thưa đáp: “Nghiệp ác mẹ con đã làm chỉ duy nhất là thích ăn các loài hải sản, đa phần là ăn trứng của chúng, hoặc chiên hoặc nấu, cứ tha hồ mà ăn, tính ra phải nhiều hơn muôn ngàn sinh mạng. Tôn giả rủ lòng thương, xin làm cách nào để cứu giúp.”

Vị La-hán thương xót, liền phương tiện khuyên Quang Mục rằng: “Con có thể chí thành niệm danh hiệu đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, cùng tạo vẽ hình tượng ngài thì người còn kẻ mất đều được phước báo.

Cô Quang Mục nghe như vậy rồi liền từ bỏ hết những gì mình yêu thích, dùng lo việc tạo vẽ hình tượng Phật mà cúng dường, lại hết lòng cung kính thương cảm chiêm ngưỡng lễ bái, nước mắt ràn rụa.

Bỗng dưng vừa quá nửa đêm, Quang Mục mộng thấy thân Phật sắc vàng rực rỡ chói lọi, cao lớn như núi Tu-di, phóng chiếu hào quang chói sáng, bảo Quang Mục rằng: “Không bao lâu nữa mẹ con sẽ sinh vào trong nhà con, vừa biết đói lạnh thì biết nói.”

Sau đó, người tỳ nữ trong nhà sinh ra một đứa con, chưa được ba ngày đã biết nói, cúi đầu buồn khóc nói với Quang Mục: “Nghiệp duyên trong vòng sinh tử, quả báo tự mình nhận lãnh. Ta là mẹ của con trước đây, từ lâu phải ở trong chốn u minh. Từ khi ly biệt với con, ta phải đọa vào đại địa ngục nhiều lần. Nay nhờ phước lực của con mới được thọ sinh lần này, làm người hạ tiện, nhưng lại vắn số, chỉ đến năm 13 tuổi sẽ chết rồi lại đọa vào đường ác. Con có cách gì giúp ta thoát khỏi được chăng?

Quang Mục nghe nói, biết đó là mẹ mình, không nghi ngờ gì nữa, nghẹn ngào nức nở, khóc mà nói với đứa con tỳ nữ: “Đã là mẹ của con hẳn phải biết tội mình, đã tạo nghiệp gì phải đọa vào đường ác?” Đứa trẻ đáp rằng: “Do hai nghiệp giết hại và chê bai mắng nhiếc nên phải chịu quả báo. Nếu không nhờ phước đức cứu vớt khổ nạn thì theo nghiệp ấy vẫn chưa được thoát ra.”

Quang Mục lại hỏi: “Chuyện tội báo ở địa ngục như thế nào?” Đứa con người tỳ nữ đáp: “Những chuyện tội khổ ở đó nói ra thật không chịu nổi, dù trăm ngàn năm cũng không nói hết được.”

Quang Mục nghe xong khóc lóc thảm thiết, ngửa mặt lên hư không thưa rằng: “Nguyện cho mẹ con vĩnh viễn thoát khỏi địa ngục, hết năm 13 tuổi không còn tội nặng, không phải đi vào đường ác.”

Nguyện mười phương chư Phật từ bi thương xót, lắng nghe chứng giám, nay con vì mẹ phát lời thệ nguyện rộng lớn: “Nếu mẹ con được vĩnh viễn lìa xa ba đường ác cũng như kiếp hạ tiện này, cho đến mãi mãi không còn thọ thân nữ giới thì con nguyện trước hình tượng đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, từ nay về sau cho đến trong trăm ngàn muôn ức kiếp, ở thế giới nào có những chúng sinh chịu tội khổ trong địa ngục cũng như ba đường ác, con xin nguyện cứu vớt tất cả, khiến cho được lìa khỏi các cảnh địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Những người chịu tội báo như thế đều thành Phật hết rồi, sau đó con mới thành Chánh giác.”

Phát nguyện vừa xong, liền nghe rõ đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai bảo cho biết rằng: “Quang Mục, con có tâm đại từ, có tình thương rộng lớn, khéo vì mẹ phát lời đại nguyện như vậy. Ta quán xét thấy mẹ của con hết năm 13 tuổi, xả bỏ nghiệp báo này rồi sẽ sinh làm Phạm-chí, tuổi thọ đến trăm năm. Sau đó sẽ sinh về cõi nước Vô Ưu, tuổi thọ không thể tính đếm số kiếp. Về sau thành Phật, rộng độ trong hai cõi trời, người, số lượng nhiều như cát sông Hằng.

Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương: “Vị La-hán dùng phúc đức hóa độ Quang Mục thuở ấy, nay chính là Bồ Tát Vô Tận Ý. Người mẹ của Quang Mục, nay chính là Bồ Tát Giải Thoát. Cô gái Quang Mục ấy, nay chính là Bồ Tát Địa Tạng.

Trong quá khứ nhiều kiếp lâu xa đều có tâm từ, có tình thương như vậy, phát thệ nguyện nhiều như số cát sông Hằng, rộng độ chúng sinh.

Trong tương lai, nếu có kẻ nam người nữ không làm việc thiện, làm việc ác, thậm chí không tin nhân quả, phạm vào tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, hủy báng Đại thừa... Những chúng sinh tạo nghiệp như vậy, ắt phải đọa vào đường ác, nhưng nếu gặp được bậc thiện tri thức khuyên bảo, khiến cho quay về quy y với Bồ Tát Địa Tạng dù trong một khoảng thời gian rất ngắn, liền được giải thoát khỏi ba đường ác.

Nếu người nào có thể hết lòng quy y tôn kính, chiêm ngưỡng lễ bái, ngợi khen xưng tán, dùng đủ các thứ hương hoa, y phục, đủ loại trân bảo hoặc các món ăn thức uống để phụng sự cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, thì trong trăm ngàn vạn ức kiếp tương lai thường sinh lên các cõi trời, thọ hưởng sự vui thích khoái lạc tuyệt diệu. Khi phước cõi trời đã hết, lại sinh về cõi người trong trăm ngàn kiếp thường làm bậc đế vương, có thể nhớ lại cặn kẽ ngọn nguồn những việc nhân quả trong đời trước.

Này Định Tự Tại Vương! Bồ Tát Địa Tạng có sức oai thần lớn, làm lợi ích chúng sinh không thể nghĩ bàn như vậy. Hàng Bồ Tát các ông phải ghi nhớ kinh này để tuyên thuyết truyền rộng.

Ngài Định Tự Tại Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Xin đừng lo lắng, chúng con ngàn muôn ức Đại Bồ Tát, ắt phải nương oai thần của Phật để rộng thuyết kinh này, làm lợi ích chúng sinh Diêm-phù-đề.”

Bồ Tát Định Tự Tại Vương bạch Thế Tôn như vậy rồi, chắp tay cung kính lễ Phật lui ra.

Lúc bấy giờ, các vị Thiên vương ở bốn phương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã phát nguyện lớn như vậy, vì sao cho đến ngày nay sự hóa độ vẫn chưa chấm dứt, còn phải phát lời thề nguyện rộng lớn như vậy? Nguyện đức Thế Tôn vì chúng con nói rõ.

Phật bảo bốn vị Thiên vương: “Lành thay! Lành thay! Nay ta vì lợi ích rộng lớn cho các ông và hàng trời người hiện tại cũng như trong tương lai, sẽ nói về những phương tiện của Bồ Tát Địa Tạng ở trong cõi Diêm-phù-đề thuộc thế giới Ta-bà, trong đường sinh tử luân hồi, từ bi thương xót cứu độ giải thoát cho hết thảy chúng sinh tội khổ.”

Bốn vị Thiên vương thưa: “Xin vâng, Thế Tôn! Chúng con nguyện ưa muốn được nghe.”

Phật bảo bốn vị Thiên vương: “Bồ Tát Địa Tạng từ những kiếp lâu xa cho đến ngày nay, cứu độ giải thoát chúng sinh vẫn chưa tròn ý nguyện. Ngài từ bi thương xót những chúng sinh đang chịu tội khổ trong đời này, lại nhìn thấy trong vô lượng kiếp số tương lai vẫn kéo dài không dứt. Do vậy nên nay lại phải phát lời nguyện lớn lao quan trọng.

Cứ như vậy, Bồ Tát ở trong cõi Diêm-phù-đề thuộc thế giới Ta-bà, dùng trăm ngàn muôn ức phương tiện để giáo hóa.

“Này bốn ông Thiên vương! Bồ Tát Địa Tạng nếu gặp người giết hại chúng sinh liền giảng nói về quả báo chết yểu do nghiệp giết hại ngày trước. Nếu gặp người trộm cắp liền giảng nói quả báo phải nghèo cùng khốn khổ. Nếu gặp người tà dâm liền giảng nói quả báo phải sinh làm những loài như chim sẻ, bồ câu, uyên ương.”

Nếu gặp người nói lời độc ác liền giảng nói quả báo quyến thuộc bất hòa tranh chấp nhau. Nếu gặp kẻ nói lời hủy báng, liền giảng nói về quả báo không có lưỡi hoặc ghẻ lở trong miệng.

Nếu gặp người nhiều sân hận, liền giảng nói về quả báo sẽ sinh làm người xấu xí tàn tật; nếu gặp người keo kiệt bủn xỉn, liền giảng nói về quả báo mong cầu không toại nguyện; nếu gặp người tham ăn tham uống không chừng mực, liền giảng nói về quả báo đói khát, bệnh cổ không nuốt được.

Nếu gặp người buông thả theo ý thích săn bắn giết hại, liền giảng nói về quả báo phải điên cuồng, mất mạng. Nếu gặp người bất hiếu ngỗ nghịch với cha mẹ, liền giảng nói về quả báo trời tru đất diệt, tai vạ mà chết. Nếu gặp người đốt phá rừng núi cây cỏ, liền giảng nói về quả báo phải bị cuồng điên mê muội chuốc lấy cái chết. Nếu gặp những kẻ làm cha ghẻ mẹ kế mà ác độc với con cái, liền giảng nói về quả báo ngay trong hiện tại phải chịu đòn roi đánh đập. Nếu gặp những kẻ lưới bắt chim non, liền giảng nói về quả báo phải lìa xa những người thân ruột thịt.

Nếu gặp kẻ hủy báng Tam bảo, liền giảng nói về quả báo phải chịu mù, câm, điếc, ngọng. Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp, liền giảng nói về quả báo phải vĩnh viễn đọa vào các đường ác. Nếu gặp kẻ phá hoại, làm hao tổn của thường trụ, liền giảng nói về quả báo phải luân hồi trong địa ngục đến muôn ức kiếp. Nếu gặp kẻ làm ô nhục hạnh thanh tịnh của tăng ni, liền giảng nói về quả báo phải vĩnh viễn làm thân súc sinh.

Nếu gặp kẻ dùng nước sôi, lửa nóng, hoặc chặt chém băm xẻ làm tổn hại sinh mạng, liền giảng nói về quả báo phải luân hồi đền trả thường bồi. Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, liền giảng nói về quả báo phải chịu mang thân cầm thú đói khát. Nếu gặp kẻ tiêu dùng vật dụng hoang phí không hợp lý, liền giảng nói về quả báo mọi nhu cầu đều thiếu thốn, dứt mất. Nếu gặp kẻ kiêu căng cao ngạo, liền giảng nói quả báo phải sinh làm tôi tớ thấp hèn hạ tiện. Nếu gặp kẻ nói hai lưỡi đâm thọc gây rối loạn, liền giảng nói về quả báo không có lưỡi hoặc quá nhiều lưỡi. Nếu gặp kẻ mê muội tà kiến, liền giảng nói về quả báo phải sinh ở vùng xa xôi, kém văn minh, không được gặp Phật pháp.

Những chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề tạo tác các nghiệp thân, khẩu, ý như thế, việc ác kết thành quả, có trăm ngàn cách báo ứng, nay chỉ nói qua sơ lược như vậy. Chúng sinh cõi Diêm-phù-đề có nghiệp cảm sai khác như vậy, đều được Bồ Tát Địa Tạng dùng trăm ngàn phương tiện để giáo hóa.

Những chúng sinh [tạo nghiệp] này, trước tiên lãnh chịu những quả báo như vậy, sau đó đọa vào địa ngục, trải qua vô số kiếp không biết ngày nào ra khỏi. Cho nên các ông là những người bảo vệ cõi nước, bảo vệ con người, đừng để cho những nghiệp ác này mê hoặc chúng sinh.

Bốn vị Thiên vương nghe xong nhỏ lệ buồn thương than thở, chắp tay kính lễ lui về.

PHẨM THỨ NĂM

Các danh hiệu địa ngục

Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Phổ Hiền thưa với Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Thưa nhân giả! Xin ngài vì bốn chúng trời, rồng cùng với hết thảy chúng sinh trong hiện tại và tương lai, hãy giảng nói về những nơi thọ nhận khổ báo của chúng sinh trong thế giới Ta-bà cũng như trong cõi Diêm-phù-đề, cùng với những danh hiệu của địa ngục và các quả báo xấu ác, để chúng sinh trong đời mạt pháp về sau biết được những quả báo này.”

Bồ Tát Địa Tạng đáp rằng: “Thưa nhân giả! Nay tôi nương oai thần của Phật cùng sức của bậc Đại sĩ là ngài, xin lược nói về danh hiệu của các địa ngục cùng những chuyện quả báo xấu ác. Thưa nhân giả! Về phía đông cõi Diêm-phù-đề có ngọn núi tên là Thiết Vi. Trong núi ấy tối đen sâu thẳm, ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu đến, có địa ngục lớn gọi là Cực Vô Gián. Lại có địa ngục tên là Đại A-tỳ.

Lại có địa ngục tên là Tứ Giác, lại có địa ngục tên là Phi Đao, lại có địa ngục tên là Hỏa Tiễn, lại có địa ngục tên là Giáp Sơn, lại có địa ngục tên là Thông Thương, lại có địa ngục tên là Thiết Xa, lại có địa ngục tên là Thiết Sàng, lại có địa ngục tên là Thiết Ngưu, lại có địa ngục tên là Thiết Y, lại có địa ngục tên là Thiên Nhận, lại có địa ngục tên là Thiết Lư, lại có địa ngục tên là Dương Đồng, lại có địa ngục tên là Bão Trụ, lại có địa ngục tên là Lưu Hỏa, lại có địa ngục tên là Canh Thiệt, lại có địa ngục tên là Tỏa Thủ, lại có địa ngục tên là Thiêu Cước, lại có địa ngục tên là Đạm Nhãn, lại có địa ngục tên là Thiết Hoàn, lại có địa ngục tên là Tránh Luận, lại có địa ngục tên là Thiết Phu, lại có địa ngục tên là Đa Sân.

Bồ Tát Địa Tạng thưa rằng: “Thưa nhân giả! Bên trong núi Thiết Vi có những loại địa ngục như vậy, số lượng nhiều không giới hạn.”

Lại có địa ngục Khiếu Hoán, địa ngục Bạt Thiệt, địa ngục Phẩn Niệu, địa ngục Đồng Tỏa, địa ngục Hỏa Tượng, địa ngục Hỏa Cẩu, địa ngục Hỏa Mã, địa ngục Hỏa Ngưu, địa ngục Hỏa Sơn, địa ngục Hỏa Thạch, địa ngục Hỏa Sàng, địa ngục Hỏa Lương, địa ngục Hỏa Ưng, địa ngục Cứ Nha, địa ngục Bác Bì, địa ngục Ẩm Huyết, địa ngục Thiêu Thủ, địa ngục Thiêu Cước, địa ngục Đảo Thích, địa ngục Hỏa Ốc, địa ngục Thiết Ốc, địa ngục Hỏa Lang.

Bên trong các địa ngục như thế, mỗi địa ngục lại có các địa ngục nhỏ hơn, hoặc một hoặc hai, hoặc ba hoặc bốn, thậm chí đến số trăm ngàn. Tên gọi các địa ngục ấy đều không giống nhau.

Bồ Tát Địa Tạng nói với Bồ Tát Phổ Hiền: “Thưa nhân giả! Các địa ngục đó đều là do những nghiệp ác của chúng sinh cõi Nam Diêm-phù-đề chiêu cảm mà hiện ra như vậy.

Nghiệp lực rất lớn lao, sánh với núi Tu-di, sâu như biển lớn, có thể làm chướng ngại Thánh đạo. Do vậy, chúng sinh đừng xem thường việc ác nhỏ nhặt mà cho là không có tội. Sau khi chết đều có báo ứng, dù một mảy may cũng phải nhận chịu. Thân thiết như cha với con, mỗi người cũng đều có nẻo đi riêng, ví như có gặp lại nhau cũng không thể thay nhau chịu tội. Nay tôi nương nhờ oai lực của Phật mà sẽ nói lược qua những chuyện tội báo trong địa ngục. Xin nhân giả tạm chứng cho lời ấy.

Ngài Phổ Hiền đáp lại rằng: “Từ lâu tôi đã biết về quả báo trong ba đường ác, mong nhân giả nói ra để hết thảy những chúng sinh làm việc ác trong đời mạt pháp về sau được nghe nhân giả giảng nói, sẽ quay về quy y Phật.

Bồ Tát Địa Tạng thưa rằng: “Thưa nhân giả! Những chuyện tội báo trong địa ngục là như thế này.”

Có địa ngục kéo lưỡi tội nhân rồi bắt trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục moi tim tội nhân cho quỷ dạ-xoa ăn, hoặc có địa ngục nước sôi sùng sục bỏ toàn thân tội nhân vào nấu, hoặc có địa ngục nung đỏ trụ đồng rồi bắt tội nhân ôm trụ, hoặc có địa ngục nhiều đám lửa dữ rượt đuổi thiêu đốt tội nhân, hoặc có địa ngục toàn là băng giá, hoặc có địa ngục tràn ngập phẩn uế, hoặc có địa ngục đầy những quả chùy gai bay lượn, hoặc có địa ngục toàn những cây giáo bốc lửa, hoặc có địa ngục chỉ đánh vào ngực, vào lưng tội nhân, hoặc có địa ngục chỉ thiêu cháy tay chân, hoặc có địa ngục rắn sắt quấn siết quanh tội nhân, hoặc có địa ngục xua đuổi chó sắt [rượt cắn tội nhân], hoặc có địa ngục toàn là lừa sắt.

Thưa nhân giả! Với những quả báo như vậy, trong hết thảy các địa ngục đều có trăm ngàn loại khí cụ [hành hình], tất cả đều là đồng, sắt, đá, lửa. Bốn loại vật chất này là do các loại hành nghiệp chiêu cảm.

Nếu như nói rộng những tội báo trong địa ngục thì trong mỗi một địa ngục còn có đến trăm ngàn nỗi khổ sở, huống chi trong nhiều ngục. Nay tôi nương nhờ oai lực Phật cùng nhân câu hỏi của nhân giả mà lược nói như vậy. Nếu như nói rộng ra thì đến hết kiếp cũng chưa nói hết.



PHẨM THỨ SÁU

Đức Như Lai tán thán

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn toàn thân phóng hào quang lớn, chiếu khắp các thế giới của chư Phật nhiều như số cát trong trăm ngàn muôn ức con sông Hằng, phát ra âm thanh lớn rộng báo với chư Phật, chư Đại Bồ Tát cùng với hàng trời, rồng, quỷ, thần, người và các loài chẳng phải người ở trong hết thảy các cõi Phật ấy rằng: “Hãy lắng nghe, hôm nay ta ngợi khen xưng tán Đại Bồ Tát Địa Tạng, hiển lộ sức từ bi oai thần lớn lao không thể nghĩ bàn, cứu giúp hết thảy mọi sự khổ não.

Sau khi ta diệt độ rồi, Bồ Tát Đại sĩ các ông cùng hàng trời, rồng, quỷ, thần... hãy rộng làm phương tiện, bảo vệ ủng hộ kinh này, giúp cho hết thảy chúng sinh đều chứng được niềm vui Niết-bàn.

Đức Phật nói lời ấy xong, trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng, liền cung kính chắp tay bạch Phật rằng: “Nay con được thấy Thế Tôn ngợi khen xưng tán Bồ Tát Địa Tạng có sức mạnh oai thần đức độ lớn lao không thể nghĩ bàn, nguyện đức Thế Tôn hãy vì chúng sinh trong thời mạt pháp tương lai mà tuyên thuyết những việc nhân quả lợi ích cho hàng trời người của Bồ Tát Địa Tạng, để giúp cho Tám bộ chúng trời rồng cùng hết thảy chúng sinh trong đời vị lai đều nhận lãnh được lời Phật dạy.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Quảng cùng bốn chúng đệ tử: “Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy xét kỹ! Nay ta sẽ vì các ông mà nói sơ qua về những việc phúc đức của Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích cho hàng trời người.”

Bồ Tát Phổ Quảng bạch rằng: “Xin vâng, thưa Thế Tôn! Chúng con nguyện vui thích lắng nghe.”

Đức Phật dạy ngài Bồ Tát Phổ Quảng: “Trong tương lai, nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, nghe được danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng này, hoặc chắp tay, ngợi khen xưng tán, kính lễ, khởi tâm ưa thích kính ngưỡng, người ấy sẽ vượt thoát được tội lỗi trong ba mươi kiếp.

Này Phổ Quảng, nếu có kẻ nam người nữ lòng lành, tô vẽ hình ảnh hoặc tạo tượng Bồ Tát [Địa Tạng] bằng đất đá gắn kết chặt chẽ, hoặc bằng các loại vàng, bạc, đồng, sắt, rồi lễ bái một lần, người ấy sẽ được trăm lần sinh lên cõi trời Đao-lợi, mãi mãi không đọa vào các đường ác. Ví như phước cõi trời đã hết phải sinh cõi người cũng làm bậc quốc vương, không mất điều lợi lớn.

Nếu có phụ nữ nào chán ghét thân nữ, hết lòng cúng dường tranh vẽ hoặc tượng Bồ Tát Địa Tạng được tạo bằng đất đá gắn kết chặt chẽ, hoặc đồng, sắt v.v... Mỗi ngày đều như vậy, tâm không thối chuyển, thường dâng lên cúng dường các loại hương, hoa, thức ăn uống, y phục, gấm lụa, cờ phướn, tiền bạc, vật báu...

Người phụ nữ hiền thiện ấy, sau khi hết kiếp làm thân nữ này rồi thì trăm ngàn muôn kiếp sau nữa không còn phải sinh vào những thế giới có phụ nữ, nói gì đến việc tự mình phải chịu thân nữ. Trừ phi có sự phát nguyện vì lòng từ phải sinh làm thân nữ để độ thoát chúng sinh. Nhờ vào phước lực và công đức cúng dường Bồ Tát Địa Tạng nên trong trăm nghìn muôn kiếp không phải sinh làm thân nữ.

Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có người phụ nữ nào chán ghét thân hiện tại thô xấu nhiều bệnh tật, chỉ cần đối trước hình tượng Bồ Tát Địa Tạng hết lòng chiêm ngưỡng lễ bái, trong thời gian chỉ bằng một bữa ăn, người ấy về sau trong muôn kiếp sinh ra đều được thân hình xinh đẹp trọn vẹn đầy đủ.

Người phụ nữ xấu xí ấy, nếu như không chê chán thân nữ thì trong ngàn muôn ức đời sau thường sinh làm công chúa con vua, hoặc làm vương phi, hoặc làm con gái các vị đại thần tể tướng, đại trưởng giả, bao giờ cũng được hình tướng đoan trang xinh đẹp, đầy đủ trọn vẹn.

Do sự chí thành chuyên tâm chiêm ngưỡng lễ bái Bồ Tát Địa Tạng mà được phước báo như vậy.

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có kẻ nam người nữ lòng lành, thường đối trước hình tượng Bồ Tát dùng các loại âm nhạc ca từ để ngợi khen tán thán, dâng hương hoa cúng dường, thậm chí khuyến khích một hoặc nhiều người khác [cùng làm], những người như vậy ngay trong đời này cũng như đời sau thường được trăm ngàn quỷ thần ngày đêm theo bảo vệ giúp đỡ, không để cho phải nghe thấy những việc chẳng lành, huống chi là tự thân phải chịu các tai nạn.”

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu những kẻ xấu ác cùng những thần hung ác, quỷ hung ác, thấy có kẻ nam người nữ lòng lành quy ngưỡng cung kính cúng dường tán thán, chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, lại sai lầm khởi tâm chê bai hủy báng, nói rằng không có công đức, không lợi ích gì, hoặc nhe răng cười trước mặt, hoặc chê bai sau lưng, hoặc khuyến khích người khác cùng chê bai, hoặc một người chê bai, hoặc nhiều người chê bai, cho đến chỉ khởi lên một ý niệm chê bai hủy báng.”

Những người như vậy, cho đến khi một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp đều đã nhập Niết-bàn, do quả báo hủy báng nên vẫn còn ở trong địa ngục A-tỳ chịu tội nặng nhất. Qua hết kiếp này rồi mới phải sinh làm ngạ quỷ, lại trải qua ngàn kiếp nữa rồi sinh vào loài súc sinh.

“Lại qua ngàn kiếp nữa rồi mới được thân người. Tuy được thân người nhưng phải làm người nghèo khổ khốn cùng, hạ tiện, khiếm khuyết các giác quan, thường bị các nghiệp ác tích tụ trong tâm, nên không bao lâu lại đọa vào đường ác.”

“Do vậy, này Phổ Quảng, chê bai hủy báng người khác cúng dường còn phải chịu quả báo như thế, huống chi là tự mình khởi sinh ý xấu ác hủy báng diệt phá.”

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu có những kẻ nam người nữ, đau bệnh liệt giường đã lâu ngày, cầu sống không được, muốn chết cũng không xong, hoặc đêm nằm mộng thấy quỷ ác cùng với những người thân đã chết, hoặc cùng đi trên đường nguy hiểm, hoặc thường bị bóng đè, cùng đi đây đó với quỷ thần, trải qua nhiều tháng năm như vậy, thân hình gầy gò lao nhọc, trong giấc ngủ cũng kêu khóc thảm thiết, chẳng lúc nào vui. Những hiện tượng như vậy đều là do nghiệp lực đang khi luận đối, còn chưa quyết định nặng nhẹ, nên hoặc là khó dứt mạng sống, hoặc không thể lành bệnh. Dưới con mắt phàm tục của kẻ nam người nữ đều không phân biệt được những điều đó.”

Chỉ cần đối trước hình tượng chư Phật, Bồ Tát, lớn tiếng đọc kinh này qua trọn một lần, hoặc lấy những đồ vật nào mà người bệnh yêu thích, hoặc y phục, đồ quý giá cho đến ruộng vườn nhà cửa, đến trước chỗ người bệnh nằm mà lớn tiếng nói: “Nay tôi tên là... ...vì người bệnh này mà đối trước kinh điển, hình tượng [Phật Bồ Tát], thí xả những đồ vật này, hoặc để cúng dường kinh tượng, hoặc để tạo hình tượng Phật, Bồ Tát, hoặc để xây chùa, tháp, hoặc để mua dầu đèn cúng dường, hoặc dâng cúng vào làm của thường trụ.”

Nói rõ với người bệnh ba lần như vậy, để cho người bệnh rõ biết. Nếu như người bệnh thần thức đã phân tán cho đến hơi thở đã dứt, sau một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, vẫn cứ lớn tiếng nói với người bệnh như vậy, vẫn cứ lớn tiếng tụng đọc kinh này, thì người ấy sau khi mạng chung, bao nhiêu tội nặng trước đây, cho đến năm tội vô gián, đều vĩnh viễn được giải thoát, dù tái sinh về nơi nào rồi cũng thường nhớ biết được đời trước.

Huống chi nếu có kẻ nam người nữ lòng lành tự mình sao chép kinh này, hoặc khuyên bảo người khác sao chép, hoặc tự mình tô vẽ tranh tượng, tạo hình tượng Bồ Tát [Địa Tạng], cho đến khuyên bảo người khác làm như vậy, thì được quả báo là lợi ích rất lớn lao.

Do vậy, này Phổ Quảng! Nếu thấy có ai tụng đọc kinh này, cho đến chỉ khởi sinh một ý niệm ngợi khen xưng tán kinh này, hoặc tỏ lòng cung kính, ông nên dùng trăm ngàn phương tiện để khuyến khích những người ấy giữ tâm chuyên cần không thối thất, như vậy trong hiện tại cũng như tương lai đều được ngàn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn.

Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu có những chúng sinh trong lúc nằm mộng hoặc ngủ say nhìn thấy các loại quỷ thần với đủ hình dạng, hoặc buồn hoặc khóc, hoặc sầu thảm, than thở, hoặc sợ sệt, kinh hãi, đó đều là những người trước đây một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời đã từng là cha mẹ, anh chị em, hay vợ chồng, quyến thuộc với họ, nay đang bị đọa trong các đường ác, chưa được thoát ra, không còn hy vọng phước lực nào cứu vớt, nên cố tìm cách báo cho những ai đã từng có tình cốt nhục, mong được tạo phương tiện giúp cho thoát ra khỏi các đường ác.

Này Phổ Quảng! [Đối với những chúng sinh ấy,] ông hãy dùng thần lực tác động đến quyến thuộc của họ, khiến cho đến trước hình tượng của chư Phật, Bồ Tát mà tự mình chí tâm tụng đọc kinh này, hoặc thỉnh cầu người khác tụng đọc đủ số ba lần hoặc bảy lần. Như vậy thì ngay khi tiếng tụng kinh vừa đủ số chấm dứt, những quyến thuộc của họ đang ở trong đường ác cũng tức thời được giải thoát, cho đến trong lúc nằm mộng hoặc ngủ say cũng không bao giờ còn thấy lại nữa.

Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu có những người hèn hạ thấp kém, hoặc phải làm nô bộc, cho đến làm người mất quyền tự do, biết được nghiệp xấu đời trước của mình, phát tâm sám hối, nên chí tâm chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, cho đến trong quãng thời gian bảy ngày niệm danh hiệu Bồ Tát đủ mười ngàn lượt. Người ấy sau khi chấm dứt đời này, trong ngàn muôn kiếp sinh ra về sau thường được làm người tôn quý, không phải chịu khổ trong ba đường ác.

Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu trong đời vị lai ở cõi Diêm-phù-đề có người thuộc hàng sát-lợi, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, hoặc người thuộc các dòng họ, chủng tộc khác nhau, vừa mới sinh con trai hoặc con gái trong vòng bảy ngày, nên sớm vì đứa bé mà tụng đọc kinh điển không thể nghĩ bàn này, cùng niệm danh hiệu Bồ Tát có thể đủ mười ngàn lượt. Như vậy thì đứa bé mới sinh đó, dù là trai hay gái, nếu có tai ương họa hại từ đời trước đều được giải trừ, an vui nuôi dưỡng dễ dàng, tuổi thọ tăng thêm. Nếu đứa bé ấy sinh ra từ phước báo đời trước thì lại càng thêm phần an vui, cũng tăng thêm tuổi thọ.

Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu chúng sinh trong đời vị lai, mỗi tháng vào các ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín cho đến ba mươi, những ngày này là thời gian các tội đã tạo được thu thập để phán định xem là tội nặng hay tội nhẹ.

Chúng sinh trong cõi Nam Diêm-phù-đề, khởi tâm suy nghĩ hay hành động, không có gì là không tạo nghiệp, không gây tội, huống chi lại buông thả làm việc giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, trăm ngàn loại tội lỗi. Nếu có thể trong mười ngày trai này, đối trước hình tượng chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh, tụng đọc kinh [Địa Tạng] này qua một lượt, thì trong phạm vi 100 do-tuần về bốn hướng đông, tây, nam, bắc đều được an lành không tai nạn. Kẻ lớn người nhỏ sống trong nhà ấy, hiện tại cũng như tương lai, đều được xa lìa các đường ác đến trăm ngàn năm.

Nếu có thể trong mười ngày trai, mỗi ngày đều tụng kinh này một lượt, thì ngay đời này những người sống trong nhà đó sẽ không bị lây nhiễm dịch bệnh, y phục và thực phẩm đều được dồi dào dư dả.

Do vậy, này Phổ Quảng! Nên biết rằng Bồ Tát Địa Tạng có những sự lợi ích với oai thần sức mạnh lớn lao không thể nói hết như vậy. Chúng sinh cõi Diêm-phù-đề đối với vị Đại sĩ này có nhân duyên lớn, cho nên nghe được danh hiệu Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng Bồ Tát, cho đến nghe được chỉ năm ba chữ, hoặc một câu kinh, một bài kệ trong kinh này, thì hiện tại được sự an vui tốt đẹp nhiệm mầu, trong tương lai trăm ngàn muôn kiếp tái sinh thường được đoan chánh, được sinh vào nhà tôn quý.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Phổ Quảng sau khi nghe đức Phật ngợi khen xưng tán Bồ Tát Địa Tạng, liền quỳ xuống chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Từ lâu con đã biết vị Đại sĩ này có sức thần không thể nghĩ bàn như vậy cùng với sức thệ nguyện lớn lao, nhưng vì muốn cho chúng sinh trong tương lai biết được sự lợi ích này nên con mới thưa hỏi đức Như Lai, nay xin cúi đầu tin nhận. Bạch Thế Tôn! Nên gọi tên kinh này là gì và chúng con nên lưu hành quảng bá như thế nào?

Đức Phật bảo ngài Phổ Quảng: “Kinh này có ba tên gọi. Một tên là Địa Tạng Bản Nguyện, một tên là Địa Tạng Bản Hạnh, một tên nữa là Địa Tạng Bản Thệ Lực. Do vị Bồ Tát này từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã phát nguyện lớn lao, làm lợi ích chúng sinh, nên các ông hãy y theo lời nguyện đó mà lưu hành quảng bá.” Bồ Tát Phổ Quảng nghe xong lời dạy, chắp tay cung kính lễ Phật rồi lui xuống.


HẾT QUYỂN THƯỢNG



CHÚ THÍCH

1. Tam thiên đại thiên thế giới: Theo cách tính trong kinh Phật, cứ 1.000 thế giới là một tiểu thiên thế giới, 1.000 tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, 1.000 trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Vì nhân lên ba lần số 1.000 mới thành một đại thiên thế giới, nên cũng gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Nói cách khác, tên gọi tam thiên đại thiên thế giới và đại thiên thế giới đều như nhau. Một số nơi hiểu lầm rằng tam thiên đại thiên thế giới là 3.000 cõi đại thiên thế giới.

2. Cõi trời Ba Mươi Ba (Tam thập tam thiên), tên khác của cõi trời Đao-lợi, vì ở đây chia làm bốn phương, mỗi phương có tám tầng trời là 32 tầng, cộng với một tầng trời trung tâm là cả thảy 33 tầng trời nên có tên gọi như vậy.

3. Trong bản Hán văn kinh này dùng chữ “魂神” (hồn thần) là một cách dung hợp với tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo tại Trung Hoa về quan điểm con người có hồn phách, linh hồn. Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận của đạo Phật thì những tên gọi này biểu lộ một quan niệm chấp ngã, bám víu vào “cái tôi” ngay cả sau khi chết. Do đó, đạo Phật không nói có linh hồn hay thần hồn riêng biệt của mỗi cá nhân, mà giải thích về một dòng tâm thức, thần thức không ngừng trôi chảy với mọi hiện khởi đều mang tính duyên hợp. Do đó, trong suốt bản kinh này chúng tôi sẽ không dịch là linh hồn hay thần hồn, mà thống nhất dùng cách gọi là “thần thức”.

4. Năm đường (ngũ đạo), chỉ các cảnh giới thiên (cõi trời), nhân (cõi người), địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

5. Hai chữ ngư miết (魚鱉) trong kinh văn, hầu hết các bản dịch trước đây, kể cả Anh ngữ, đều dịch là “cá và rùa” (fish, turtles). Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm thấy ít nhất là 29 bản kinh văn có sử dụng cụm từ này đều mang nghĩa như một danh từ chỉ chung các loài thủy tộc, hải sản. Nhiếp Đại thừa luận thích cũng có câu: “譬如大海,眾流所入,其水相雜,為魚鱉等同所受用。” (Thí như đại hải, chúng lưu sở nhập, kỳ thủy tương tạp, vi ngư miết đẳng đồng sở thụ dụng. - Ví như biển lớn các dòng nước hòa vào, các loài thủy tộc đều thọ dụng như nhau.) Cách dùng ngư miết ở đây rõ ràng chỉ chung các loại thủy tộc chứ không thể hiểu là cá và rùa. Cách dịch không chuẩn xác này có thể khiến hiểu lầm là tội lỗi do ăn thịt cá và rùa, còn các loại sinh vật khác thì không có tội chăng?

6. Của thường trụ: chỉ những tài sản vật chất thuộc về chùa chiền, tự viện, dùng để phục vụ đời sống tu tập của tăng ni.

7. Nguyên bản kinh văn là hoạnh bệnh (橫病), các bản dịch cũ đều dịch là “tai họa và bệnh tật”. Chúng tôi xét thấy riêng chữ hoạnh (橫) tự nó không hề có nghĩa tai họa, chỉ có thể nói hoạnh họa (橫禍) là tai họa bất ngờ. Do vậy, hoạnh bệnh chỉ có thể hiểu là “loại bệnh mắc phải bất ngờ” hoặc “bệnh hiểm nghèo, bất thường”, đây chính là chỉ các loại bệnh dịch thường lây lan bất ngờ và rộng khắp, như dịch COVID-19 trong năm 2020. Trong phần giải thích tiếp theo sau cũng nói “hoạnh bệnh thị lưu hành đích thời dịch” (橫病是流行的時疫). Việc tách rời hai chữ này để dịch như các bản dịch cũ là không đúng ý kinh.

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Bi Hoa


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Sống thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.59.121 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập