Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh [大乘大集地藏十輪經] »» Bản Việt dịch quyển số 5 »»

Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh [大乘大集地藏十輪經] »» Bản Việt dịch quyển số 5

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.82 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.71 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Ðại Thừa Ðại Tập Ðịa Tạng Thập Luân

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Nữ Huệ Thanh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẦN III
Phẩm thứ ba: VÔ Y HÀNH

Lúc bấy giờ, đại Bồ-tát Ðịa-Tạng thưa hỏi:
- Bạch Ðại đức Thế Tôn! Hoặc có Sát-đế-lợi hiền thiện, Tể quan hiền thiện, Cư sĩ hiền thiện, Trưởng giả hiền thiện, Sa-môn hiền thiện, Bà-la-môn hiền thiện, những người này bảo hộ tốt cho mình, cũng bảo hộ tốt cho người, bảo hộ tốt cho đời sau, ủng hộ Phật pháp tốt, đối với người xuất gia hoặc là bậc pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc pháp khí, cho đến không có giới, chỉ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, khéo gìn giữ, cung kính, ủng hộ, cúng dường khắp. Lại bảo hộ tốt pháp Thanh-văn thừa, pháp Duyên giác thừa và pháp Ðại thừa, cung kính lắng nghe, tin nhận, cúng dường. Ðối với các vị an trú Ðại thừa, đầy đủ giới phước đức, tinh tấn tu hành cho đến an trú quả vị thì khéo giữ gìn, hộ trợ oai lực của họ, thưa hỏi, lắng nghe, lãnh thọ, vui vẻ bàn luận, xa lìa Bí-sô phá giới, làm hạnh xấu ác. Ðối với các vật cúng dường tứ phương Tăng hoàn toàn không để cho người phi pháp thọ dụng hao phí mà siêng năng gìn giữ; đối với chùa tháp và vật chúng Tăng hoàn toàn không tự mình đoạt lấy hoặc bảo người đoạt lấy; tự mình không thọ dùng, cũng không bảo người thọ dùng; đối với người giảng thuyết giáo pháp tam thừa thì cung kính cúng dường, ủng hộ, không để cho người khác phỉ báng, hủy nhục mà tôn trọng, an ủi các người xuất gia, tin nhận, hộ trì giáo pháp do Phật thuyết ra, hoàn toàn không phá hoại chùa tháp, luôn luôn hộ trì phòng xá Tăng chúng. Ðối với người xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa hoàn toàn không làm tổn hại; đối với mười luân ác mình không đắm nhiễm và thường khuyên người khác xa lìa, học đầy đủ chính sách trị quốc của tiên vương, tiếp nối dòng giống Tam bảo làm cho hưng thịnh, thường ưa thân gần thiện tri thức, lòng từ vỗ về chăm sóc tất cả nhân dân trong nước, tùy theo chỗ thích ứng tìm cách giáo hóa, dắt dẫn họ làm cho bỏ tà đạo, tu hành theo chánh pháp. Như vậy, vua Sát-đế lợi hiền thiện cho đến Bà-la-môn hiền thiện được bao nhiêu phước đức và diệt trừ bao nhiêu tội nghiệp?
Phật bảo:
- Này thiện nam tử! Giả sử có người xuất hiện ở thế gian, đầy đủ oai lực, vào lúc đầu ngày dùng bảy thứ báu tích chứa đầy cõi Thiệm Bộ châu, đem cúng dường chư Phật và chúng đệ tử; giữa ngày cũng dùng bảy thứ báu tích chứa đầy cõi Thiệm Bộ châu đem cúng dường chư Phật và chúng đệ tử; cuối ngày cũng dùng bảy thứ báu tích chứa đầy cõi Thiệm Bộ châu đem cúng dường chư Phật và chúng đệ tử. Như vậy, ngày ngày liên tục cúng dường cho đến trăm ngàn năm, phước đức người đó có nhiều không?
Ðại Bồ-tát Ðịa Tạng thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Ðại đức! Rất nhiều. Người đó chứa phước đức vô lượng vô biên không thể tính đếm, dùng ví dụ toán số cũng không thể được. Chỉ có Phật mới biết được, ngoài ra không ai biết.
Phật dạy:
- Này thiện nam tử! Ðúng vậy. Ðúng vậy. Ðúng như lời ông nói. Nếu có vua Sát-đế-lợi hiền thiện, cho đến Bà-la-môn hiền thiện nào đối với mười luân ác không đắm nhiễm, cũng thường khuyên người xa lìa mười luân ác thì được phước đức, còn hơn phước tích chứa vô lượng vô biên không thể tính đếm đã nói ở trước.
Lại nữa, này thiện nam tử! Giả sử có người xuất hiện ở thế gian, đầy đủ oai lực lớn, cất chùa đẹp cúng tứ phương Tăng. Chùa đó rộng lớn bằng bốn đại châu, có đầy đủ phòng xá, giường nằm, y phục, thức ăn uống, thuốc men, đồ dùng tốt nhất để cho chúng đại đệ tử Thanh-văn, Bồ-tát của chư Như lai an trú trong đó, tinh tấn tu hành các pháp thiện, ngày đêm không biếng nhác, trải qua trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa năm, cung cấp cúng dường liên tục không gián đoạn, người này tích chứa phước đức có nhiều không?
Ðại Bồ-tát Ðịa Tạng thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Ðại đức! Rất nhiều. Người này tích chứa phước đức vô lượng vô biên không thể tính đếm, dùng toán số, ví dụ cũng không thể được. Chỉ có Phật mới biết, ngoài ra không ai biết được.
Phật dạy:
- Này thiện nam tử! Ðúng vậy. Ðúng vậy. Ðúng như lời ông nói.
Lại nữa, này thiện nam tử! Giả sử có người xuất hiện ở thế gian, đầy đủ oai lực lớn, cất chùa đẹp cúng dường bốn phương Tăng, chùa đó rộng lớn bằng mười bốn đại châu, có đầy đủ phòng xá, giường nằm, y phục, thức ăn uống, thuốc thang, đồ dùng tốt nhất để cho chúng đại đệ tử Thanh-văn, Bồ-tát của chư Như Lai an trú trong đó, tinh tấn tu hành các pháp thiện, ngày đêm không biếng nhác, trải qua trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa năm cung cấp cúng dường không gián đoạn, người này tích chứa phước đức có nhiều không?
Ðại Bồ-tát Ðịa Tạng thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Ðại đức! Rất nhiều. Người này tíùch chứa phước đức vô lượng vô biên, không thể tính đếm, dùng toán số, ví dụ cũng không thể được. Chỉ có Phật hiểu biết, ngoài ra không ai biết được.
Phật dạy:
- Này thiện nam tử! Ðúng vậy! Ðúng vậy. Ðúng như lời ông nói.
Lại nữa, này thiện nam tử! Giả sử có người xuất hiện ở thế gian, đầy đủ oai lực lớn, xây tháp thờ xá lợi của Phật, cao rộng, tốt đẹp bằng ba ngàn đại thiên thế giới như đã nói trước, phước xây chùa cúng dường bốn phương Tăng đem so với phước xây chùa tháp thờ xá lợi Phật thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, cũng không bằng một phần trăm ngàn, cũng không bằng một phần câu-chi, cũng không bằng một phần na-dữu-đa, phần toán, phần số, phần kế, phần dụ, cũng không bằng một phần ô-ba-ni-sát.
Lại nữa, này thiện nam tử! Giả sử có những người chứng đắc Ba-la-mật-đa, đầy đủ tám giải thoát, tịnh lự, đẳng chí A-la-hán nhiều như lúa, cỏ, gai, tre, mía, vườn, rừng đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả đều bị trói chặt năm phần thân thể, trải qua trăm ngàn năm, khi ấy có một người xuất hiện ở thế gian, đầy đủ oai lực lớn, ưa làm việc phước đức, mở trói cho tất cả các vị A-la-hán, dùng nước tắm gội, cúng dường y bát, trải qua trăm ngàn năm cung cấp phòng nhà, giường tòa, y phục, thức ăn uống, thuốc thang và các vật dụng tốt đẹp nhất. Ðến khi các vị A-la-hán này nhập Niết-bàn thì hỏa táng, cúng dường, thâu nhặt xá-lợi, dùng bảy thứ báu tốt nhất để xây tháp, bên trong để xá-lợi, lại đem phan lọng, bảo cái, hương hoa, kỹ nhạc cúng dường. Phước xây chùa tháp thờ xá-lợi Phật như nói ở trước đem so với phước mở trói các vị A-la-hán và cúng dường thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, cũng không bằng một phần trăm ngàn, cũng không bằng một phần câu chi, cũng không bằng một phần na-dữu-đa, phần số, phần toán, phần kế, phần dụ, cũng không bằng một phần ô-ba-ni-sát.
Này thiện nam tử! Nếu có vua Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Bà-la-môn hiền thiện nào không tập nhiễm mười luân ác, cũng thường khuyên người xa lìa mười luân ác, được phước đức hơn phước trước vô lượng vô biên không thể tính đếm. Như vậy, phát sanh được bao nhiêu phước thì cũng diệt được bấy nhiêu tội.
Này thiện nam tử! Vua Sát-đế-lợi hiền thiện và các Tể quan, Cư sĩ, Trưởng giả, Sa-môn, Bà-la-môn hiền thiện nào vào đời vị lai sau năm trăm năm - lúc chánh pháp sắp diệt - có thể hộ trì tốt mắt chánh pháp của Ta, có thể bảo hộ tốt cho mình, bảo hộ tốt cho người, bảo hộ tốt đời sau, bảo hộ tốt giáo pháp của Ta; đối với đệ tử xuất gia hoặc là bậc pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc pháp khí, cho đến không có giới pháp, chỉ cạo tóc, mặc áo ca-sa thì đều phải bảo hộ đầy đủ, cung kính, cúng dường, không làm tổn hại; lại có thể bảo hộ tốt chánh pháp ba thừa. Trong khi lắng nghe, lãnh thọ, cúng dường pháp Thanh-văn thừa, đối với pháp Ðộc-giác thừa và pháp Ðại thừa thì không sanh tâm phỉ báng, cũng không ganh ghét người tu Ðộc giác thừa và Ðại thừa. Lúc lắng nghe, lãnh thọ, cúng dường pháp Ðộc-giác thừa, đối với pháp Thanh-văn thừa và pháp Ðại thừa thì không sanh tâm phỉ báng, cũng không ganh ghét người tu Thanh-văn thừa và Ðại thừa. Lúc lắng nghe, lãnh thọ, cúng dường pháp Ðại thừa, đối với pháp Thanh-văn thừa và pháp Ðộc giác thừa thì không sanh tâm phỉ báng, cũng không ganh ghét người tu Thanh-văn thừa và Ðộc-giác thừa. Người này không hướng đến mong cầu chứng đắc pháp Thanh-văn thừa, Ðộc giác thừa, mà chỉ hướng đến mong cầu chứng đắc chánh pháp Ðại thừa. Ðối với người an trú Ðại thừa, đầy đủ giới phước đức, tinh tấn tu hành cho đến an trụ quả vị thì thường nên thân cận phụng sự, cúng dường, tôn kính, thưa hỏi, lắng nghe, lãnh thọ, xa lìa Bí-sô phá giới làm hạnh xấu ác. Ðối với các vật cúng dường bốn phương Tăng, hoàn toàn không để cho người phi pháp sử dụng hao phí, mà siêng năng giữ gìn. Ðối với vật chùa tháp và vật chúng Tăng, hoàn toàn không đoạt lấy, không dạy người đoạt lấy, cũng không tự sử dụng, không dạy người sử dụng. Ðối với người thuyết giảng giáo pháp Tam thừa thì cung kính, cúng dường, đem năng lực mình bảo hộ, không để người khác phỉ báng, hủy nhục, mà phải tôn trọng, an ủi các người xuất gia, tin hiểu, hộ trì Thánh giáo của Như Lai, hoàn toàn không phá hoại chùa tháp mà phải ủng hộ chùa của tứ phương Tăng. Ðối với các đệ tử xuất gia của Ta hoàn toàn không hủy phạm, bắt buộc phải hoàn tục, không đắm nhiễm mười luân ác và thường khuyên người xa lìa mười luân ác, tự mình học chánh sách trị nước của tiên vương, thực hành mười nghiệp đạo thiện, giáo hóa thế gian, thường phải thân gần các bậc thiện tri thức, nối tiếp dòng giống Tam-bảo làm cho hưng thịnh, bảo hộ tốt mắt chánh pháp làm cho không đoạn diệt.
Như vậy, Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Bà-la-môn hiền thiện.v.v.. do đầy đủ các công đức này mà danh tiếng không hư vọng, được thọ nhận bổng lộc của nhân dân trong nước; tất cả trời, rồng, dược xoa, quỷ thần cho đến Yết-tra-bố-đát-na.v.v.. đều sanh tâm vui mừng, thương xót, ủng hộ, tất cả bậc pháp khí là ruộng phước chân thật cũng hoan hỷ, từ bi hộ niệm. Do nhân duyên này làm cho đất nước và các hữu tình phát triển, hưng thịnh, an lạc, phồn vinh; quân lính các nước lân cận không thể chiếm lấn, giết hại, mà đều kính phục, mến mộ hiền đức, tự đến xin quy hàng. Nhờ đó, dần dần siêng năng tu tập nghiệp thiện, chấm dứt đường ác, trời người càng thêm tăng trưởng, bảo hộ thân mạng được sống lâu, tự mình diệt trừ các phiền não, cũng làm cho người diệt trừ, gìn giữ đạo Bồ-đề, hành sáu Ba-la-mật-đa, phá trừ tất cả đường ác, không bao lâu thoát khỏi biển sanh tử, thường xa ác bạn ác, thân gần các bạn lành, sanh ở nơi nào cũng thường gặp chư Phật, Bồ-tát cung kính cúng dường, chưa từng rời bỏ; không bao lâu tùy tâm ưa thích mỗi mỗi đều an trú cõi Phật, chứng đắc đạo Vô thượng chánh giác.
Lúc bấy giờ trong chúng, tất cả thiên đế và các quyến thuộc, cho đến tất cả Tất-xá-giá-đế và quyến thuộc đều đứng dậy đảnh lễ chân Phật, chấp tay cung kính thưa:
- Bạch Ðại đức Thế Tôn! Ở cõi Phật này vào đời vị lai, sau năm trăm năm, lúc chánh pháp sắp diệt, các vua Sát-đế-lợi hiền thiện, cho đến Bà-la-môn hiền thiện nào xa lìa mười luân ác, cũng khuyên người xa lìa mười luân ác, bảo hộ mình và người, bảo hộ đời sau, hộ trì chánh pháp, nối tiếp dòng giống Tam bảo làm cho hưng thịnh, không để đoạn diệt. Tóm lại là như Phật đã nói ở trước. Những người này đối với giáo pháp Tam thừa cung kính lắng nghe, lãnh thọ, hoàn toàn không che giấu, đối với người tu Tam thừa thì ủng hộ, cúng dường, không quấy nhiễu; đối với vật của Tam bảo thì siêng năng gìn giữ không để hao phí. Quyến thuộc chúng con sẽ đem năng lực ủng hộ vua Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Bà-la-môn hiền thiện, làm cho tăng trưởng mười pháp sau. Thế nào là mười?
1- Tăng trưởng tuổi thọ.
2- Tăng trưởng không có nạn.
3- Tăng trưởng không có bệnh tật.
4- Tăng trưởng quyến thuộc.
5- Tăng trưởng của cải.
6- Tăng trưởng vật dụng.
7- Tăng trưởng quyền lực.
8- Tăng trưởng tiếng khen.
9- Tăng trưởng bạn lành.
10- Tăng trưởng trí tuệ.
Bạch Ðại đức Thế tôn! Vua Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Bà-la-môn hiền thiện kia tự mình xa lìa mười luân ác, khuyên người xa lìa mười luân ác, đầy đủ các công đức như nói ở trước, chúng con ủng hộ người ấy, nhất định họ sẽ được tăng trưởng mười pháp trên.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu có vua Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Bà-la-môn hiền thiền nào thành tựu công đức như nói ở trước, quyến thuộc chúng con sẽ đem năng lực ủng hộ, làm cho xa lìa mười pháp sau. Thế nào là mười?
1- Xa lìa tất cả oan gia thù địch.
2- Xa lìa tất cả cảnh chẳng đáng ưa thích: sắc, thanh, hương, vị, xúc.
3- Xa lìa tất cả tật bệnh, ghẻ lở.
4- Xa lìa tất cả ác kiến tà chấp.
5- Xa lìa quy y tất cả tà đạo.
6- Xa lìa tất cả tai họa yêu quái.
7- Xa lìa tất cả nghề nghiệp xấu ác.
8- Xa lìa tất cả bạn bè xấu ác.
9- Xa lìa tất cả nhà ở chỗ bùn nhơ.
10- Xa lìa tất cả nạn chết yểu trái thời.
Bạch Ðại đức Thế Tôn! Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Bà-la-môn hiền thiện kia thành tựu các công đức đã nói ở trước, chúng con ủng hộ người ấy, nhất định họ sẽ được xa lìa mười pháp trên.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu có Sát-đế-lợi hiền thiện nào tu tập đầy đủ các công đức nói ở trước được viên mãn, quyến thuộc chúng con sẽ siêng năng ủng hộ, làm cho nhà vua cùng các quyến thuộc và tất cả nhân dân trong nước ấy đều được xa lìa mười pháp. Thế nào là mười?
1- Xa lìa tất cả giặc oán thù ngoài nước.
2- Xa lìa tất cả người oán thù trong nước.
3- Xa lìa tất cả quỷ thần hung ác.
4- Xa lìa tất cả nạn hạn hán.
5- Xa lìa tất cả các nơi lụt lội.
6- Xa lìa tất cả tai hại về nóng, lạnh, mưa to gió lớn trái thời, sương muối, mưa đá...
7- Xa lìa tất cả sao xấu biến quái.
8- Xa lìa tất cả đói khát mất mùa.
9- Xa lìa tất cả bệnh chết trái thời.
10- Xa lìa tất cả ác kiến, tà chấp.
Bạch Ðại đức Thế Tôn! Nếu vua Sát-đế-lợi hiền thiện kia tu tập đầy đủ các công đức nói ở trước được viên mãn, quyến thuộc chúng con sẽ siêng năng ủng hộ, làm cho vua đó cùng quyến thuộc và tất cả nhân dân trong nước ấy nhất định được xa lìa mười pháp trên.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn khen ngợi các Thiên đế và quyến thuộc của họ, cho đến tất cả Tất-xá-giá-đế và quyến thuộc của họ:
- Lành thay! Lành thay! Các ông đã phát được thệ nguyện như vậy. Việïc này các ông hoàn toàn nên làm. Nhờ nhân duyên này làm cho các ông được an lạc lâu dài.
Lúc bấy giờ Ðại Phạm Thiên Tạng lại thưa Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài cho phép con vì tất cả vua Sát-đế-lợi hiền thiện ở cõi nước này vào đời vị lai mà nói thần chú “Hộ quốc bất thối luân tâm đại đà-la-ni”. Do năng lực của thần chú “Hộ quốc bất thối luân tâm đại đà-la-ni” này làm cho tất cả vua Sát-đế-lợi hiền thiện ở cõi nước này vào đời vị lai không bị tất cả giặc oán thù, bạn xấu ác chế phục, có thể làm cho tất cả giặc oán thù, bạn xấu ác tự nhiên thối lui, hay gìn giữ tốt ba nghiệp thân, miệng, ý, thường được các người trí khen ngợi, xa lìa các điều ác, hay làm các việc lành, thường xa lìa tất cả ngoại đạo, tà giáo; đối với Ðại thừa luôn luôn tinh tấn tu hành, dõng mãnh, kiên cố, có khả năng giáo hóa vô lượng hữu tình, không nương vào người khác, tự nhiên trí tuệ được thông suốt, có thể tu hành đủ sáu pháp Ba-la-mật quý báu thâm sâu, xa lìa tất cả sân giận, bỏn xẻn, ganh ghét, phiền não trói buộc, thường được tất cả người, phi nhân cung kính ủng hộ, những gì đã có được đều không quên mất, không bỏ các hữu tình, ưa hành tứ nhiếp pháp, không xa lìa bậc pháp khí phước điền.
Phật bảo Thiên Tạng:
- Ta cho phép các ông vì tất cả vua Sát-đế-lợi hiền thiện ở cõi nước này vào đời vị lai mà nói thần chú “Hộ quốc bất thối luân tâm đại đà-la-ni”. Nhờ thần lực của chú này làm cho tất cả vua Sát-đế-lợi hiền thiện ở cõi nước này vào đời vị lai không bị tất cả giặc oán thù, bạn xấu ác chế phục, nói rộng ra cho đến không xa lìa hết thảy chư Phật và đệ tử của Phật.
Lúc ấy, Ðại Phạm Thiên Tạng liền nói thần chú “Hộ quốc bất thối luân tâm đại đà-la-ni”:
- Ðát điệt tha mâu ni vị lộc mâu na yết lạp phiệt mâu ni hột lê đạt duệ mâu ni lô ha tì triết lệ mâu na hạt lật chế mâu ni cấp mê thúc ngật la bác sai bát la xa bác sai mật la bác sai tao thích bà hột lật đế đố thích noa hột lật triết lệ bát đát xoa hột lật đế cụ cụ noa mật lệ ba phiệt xoa tát lệ át nộ ha kỳ nê phiệt ni bát tháp phiệt ta ha.
Ðại Phạm Thiên Tạng nói bài chú này rồi lại bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài và đại chúng tùy hỷ với thần chú đại đà la ni con vừa nói.
Ðức Thế Tôn bảo:
- Lành thay! Lành thay!
Tất cả đại chúng cũng đồng nói:
- Lành thay! Lành thay!
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo tôn giả Ðại Mục Kiền Liên và đại Bồ-tát Di-Lặc:
- Này thiện nam tử! Các ông đều nên thọ trì gìn giữ thần chú “Hộ quốc bất thối luân tâm đại đà-la-ni” của Ðại Phạm Thiên Tạng vừa nói, truyền lại cho tất cả vua Sát-đế-lợi hiền thiện ở cõi nước này vào đời vị lai để tự họ lãnh thọ, hộ trì và làm cho lưu truyền rộng rãi. Do nhân duyên này, các vua Sát-đế-lợi hiền thiện kia cùng các quyến thuộc và tất cả nhân dân trong nước ấy được lợi ích an lạc, thường chuyển bánh xe chánh pháp, danh tiếng vang xa, oai đức lừng lẫy, diệt trừ tà kiến, thiết lập chánh kiến, giữ gìn mắt chánh pháp, nối tiếp hạt giống Tam-bảo làm cho hưng thịnh, không để tiêu diệt, giáo hóa vô lượng vô biên hữu tình được an trú trong Ðại thừa, có đức tin vững chắc, viên mãn lâu dài, có thể tu đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa, diệt trừ tất cả chướng ngại, mau đến cứu cánh.
Lúc bấy giớ đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nên nói bài tụng:
- Khi Ðại Phạm Thiên Tạng
Thưa hỏi Lưỡng túc tôn
Các hữu tình lợi căn
Ưa tu phước, định, tụng
Pháp nào thông suốt nhất
Vươn lên hay chìm đắm
Trong ba việc tu tập
Trừ hoặc không thối chuyển
Thế Tôn bảo Thiên Tạng:
Nếu phạm vô y hành
Tuy trí tuệ nhạy bén
Vẫn hướng ngục vô gián
Có trí không chân chánh
Ưa hành mười luân ác
Ðoạn mất các thiện căn
Mau hướng đến địa ngục
Thiền định diệt phiền não
Không tu nghiệp,tụng,phước
Vốn muốn cầu Niết-bàn
Thường tu tập tịnh lự
Có trí siêng tinh tấn
Hộ trì chánh pháp Ta
Do tin kính ca-sa
Vượt qua biển phiền não
Ưa ở chỗ thanh vắng
Xa lìa tạo nghiệp ác
Kính trì giới, tu định
Hay vượt qua các cõi
Tin kính khắp ba thừa
Làm chánh pháp hưng thịnh
Cúng dường người nhuộm y
Thành tựu biển công đức
Nhiếp phục tâm khó điều
Không cử tội Bí-sô
Tu theo Phật, biết đủ
Sẽ thành Lưỡng túc tôn
Xa lìa Bí-sô ác
Thân cận bậc Thánh hạnh
Không lạm dụng vật Tăng
Mau chứng quả Bồ-đề
An lạc trong ba cõi
Hoàn toàn nhờ Tam bảo
Người mong cầu an lạc
Thường cúng dường Tam bảo
Cung cấp vua xấu ác
Kết bạn Bí-sô ác
Có lỗi với Tam bảo
Mau đọa ngục vô gián
Tội mười xe ép dầu
Bằng tội một nhà dâm
Ðặt mười nhà dâm kia
Bằng tội một quán rượu
Tội đặt mười quán rượu
Bằng một người đồ tể
Ðặt mười nhà đồ tể
Bằng một tội vua ác
Các quốc vương hiền thiện
Làm hưng thịnh chánh pháp
Cúng dường khắp ba thừa
Thành tựu biển công đức
Bảy báu đầy Thiệm Bộ
Cúng dường Phật và Tăng
Phước người đó tích chứa
Không bằng hộ Phật pháp
Cất chùa cúng Phật, Tăng
Lớn bằng mười bốn châu
Phước người đó tích chứa
Không bằng hộ Phật pháp
Xây tháp thờ xá-lợi
Lớn bằng ba ngàn cõi
Phước người đó tích chứa
Không bằng hộ Phật pháp
Mở trói A-la-hán
Cúng dường, cung cấp đủ
Không chướng ngại chánh pháp
Phước đó hơn phước kia
Trong ngàn câu chi kiếp
Người trí siêng tu định
Phát sanh tuệ thù thắng
Không bằng hộ chánh pháp
Các quốc vương hiền thiện
Xa lìa mười luân ác
Hộ trì chánh pháp Ta
Và người mặc ca-sa
Không phỉ báng pháp Ta
Người và pháp ba thừa
Nghe pháp cúng dường khắp
Hộ trì người thuyết pháp
Không hao vật Tam bảo
Không ngăn mặc ca-sa
Kính bậc khí, chẳng khí
Phước hơn, không ai bằng
Như năm mặt trời hiện
Biển lớn đều khô cạn
Như vậy hộ chánh pháp
Làm khô cạn phiền não
Như lúc có phong tai
Các núi đều hư hoại
Như vậy hộ chánh pháp
Hay diệt trừ phiền não
Như lúc nạn thủy tai
Ðại địa đều cuốn trôi
Như vậy hộ chánh pháp
Làm hoại quả không ưa
Như hạt châu như ý
Theo sở nguyện viên mãn
Như vậy pháp ba thừa
Làm mãn nguyện chúng sanh
Như gặp được bình báu
Trừ nghèo, được giàu vui
Như vậy gặp Phật pháp
Trừ hoặc, chứng Bồ-đề
Như ánh trăng ngày rằm
Chiếu sáng khắp hư không
Như người hộ chánh pháp
Trí tuệ thông pháp giới
Như hư không bình đẳng
Không vật, không hình tướng
Như người hộ chánh pháp
Biết các pháp một vị
Như ánh sáng mặt trời
Trừ bóng tối thế gian
Như người hộ chánh pháp
Thường chiếu khắp thế gian.
PHẦN I
Phẩm thứ tư : HỮU Y HÀNH

Lúc bấy giờ, ở giữa chúng hội đại Bồ-tát Kim Cang Tạng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, bày một vai áo, gối phải sát đất, chấp tay cung kính nói bài tụng thưa hỏi:
- Xưa nói phá giới mất thanh tịnh
Chẳng phải Hiền Thánh hay đệ tử
Với pháp Sa-môn bị vứt bỏ
Không được ở trong chúng thanh tịnh
Bị ba cấu uế, mất chánh đạo
Không thể tiêu dùng vật cúng Tăng
Ðối vật cúng dường bốn phương Tăng
Ta cũng không cho nhận chút phần
Phạm một tội trong bốn căn bản
Chúng gạt bỏ như thây trong biển
Nay vì sao nói Bí-sô ác
Nên nhẫn, phải thương, chớ trách phạt?
Lại phải siêng cúng dường người đó
Chớ sanh tâm xấu, nên thương xót
Cung kính lắng nghe lời thuyết pháp
Sẽ được phước đức, tuệ đại bi
Các kinh nói sáu thông cứu thế
Ðại thừa các ông phải nên tin
Ðạo Bồ-đề chân chánh vi diệu
Ðường giải thoát nên bỏ nhị thừa
Nay vì sao lại nói ba thừa
Khuyên lãnh thọ tu cúng dường khắp
Căn lực giác đạo quả Sa-môn
Trong kinh này có gì khác không?
Không gì bằng tám môn Thánh đạo
Ba thừa đều tu theo pháp này
Mong cầu giải thoát siêng tinh tấn
Tùy theo sở nguyện chứng Bồ-đề
Nên chăm sóc đến chúng hữu tình
Xưa nay dạy bảo không sai trái
Làm cho trời người, chư Bồ-tát
Hiểu rõ, hoan hỷ, chứng chân thật
Nghe pháp đại thừa, ai có ích
Nghe pháp đại thừa ai tổn giảm
Mười pháp giải thoát Thanh-văn thừa
Nghe pháp ai tổn, ai có ích
Người nào nghe pháp liền thăng tiến
Người nào nghe pháp lại trầm trệ
Làm sao chán ghét pháp hữu vi
Ðể mau khô cạn dòng lão tử
Ngày đêm siêng tu các pháp thiện
Nương diệu lý và pháp thừa nào
Ðể vượt bốn bộc lưu sâu rộng
Giảng thuyết chánh pháp cứu quần sanh.
Lúc bấy giờ Phật bảo Ðại Bồ-tát Kim Cang Tạng:
- Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử. Nay ông muốn làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình và làm lợi ích lớn cho chư thiên, nhơn, A-tố-lạc.v.v... mà thưa hỏi Như Lai nghĩa thâm sâu này. Ông nên lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt giải rõ cho.
Bồ-tát Kim Cang Tạng thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Con nguyện xin muốn nghe.
Phật bảo:
- Này thiện nam tử! Có mười loại hữu tình luân hồi trong sanh tử, khó được làm người. Thế nào là mười?
1- Không gieo thiện căn
2- Chưa tu nghiệp phước lành
3- Luôn luôn bị tạp nhiễm
4- Làm theo bạn ác
5- Không thấy, không sợ quả khổ đời sau
6- Tham dục mạnh mẽ
7- Sân giận dữ dội
8- Ngu si vô cùng
9- Tâm mê mờ cuồng loạn
10- Chấp tà kiến ác.
Mười điều này làm nhân cho pháp không nên làm theo, làm cho các chúng sanh hủy phạm cấm giới, phạm tội căn bổn, đọa các đường ác.
Thế nào là mười pháp không nên làm theo? - Nghĩa là người xuất gia trong giáo pháp Ta có gia hạnh hoại, ý lạc bất hoại; có ý lạc hoại, gia hạnh bất hoại; có gia hạnh, ý lạc đều hoại.
Hoặc có giới hoại, kiến bất hoại; có kiến hoại, giới bất hoại; hoặc giới kiến đều hoại.
Hoặc đối với gia hạnh, ý lạc, giới, kiến tuy đều bất hoại nhưng chỉ vì nương theo bạn ác mà làm các pháp không nên làm theo.
Hoặc tuy nương theo bạn lành nhưng vì ngu si cũng như dê câm nên đối với các sự việc đều không phân biệt, nghe bạn lành nói pháp thiện hay bất thiện đều không thể lãnh thọ, ghi nhớ, không thể hiểu rõ nghĩa thiện hay bất thiện, do đó làm các pháp không nên làm theo.
Hoặc đối với các loại tài bảo đầy đủ thường không nhàm chán tìm cầu nên tâm mê loạn, làm các pháp không nên làm theo. Hoặc bị bệnh tật bức bách làm khổ não liền tìm cầu các pháp cúng tế, chú thuật; do đó làm các pháp không nên làm theo.
Do mười pháp không nên làm theo này làm cho các chúng sanh phạm tội căn bản, ở đời này chẳng phải là bậc Hiền Thánh, hủy phạm giới cấm, sẽ đọa vào các đường ác.
Này thiện nam tử! Người nào gia hạnh hoại, ý lạc bất hoại, tùy theo gặp một điều trong những pháp không nên làm theo, phạm tội căn bản, liền sợ hãi, xấu hổ mà xả bỏ, không thường làm các hạnh ác. Vì lợi ích của họ nên Như lai giảng thuyết về Sa-môn ô đạo. Vì sao? - Vì những người ấy đã tạo ra các nghiệp ác trọng này, liền phát lồ không dám che giấu, biết tàm quý sám hối. Do sám hối nên tội lỗi được tiêu trừ, chấm dứt không gây ra nữa. Tuy đối với tất cả pháp sự của Sa-môn đều nên tẩn xuất, không cho dùng tất cả vật dụng, nhưng do người ấy đối với Tam thừa thành tựu pháp khí nên Như Lai thương xót thuyết pháp Thanh văn thừa cho họ, hoặc thuyết pháp Duyên giác thừa, hoặc thuyết pháp Vô thượng thừa cho họ. Nhờ đó, người ấy khi sanh qua đời thứ hai, thứ ba phát nguyện chân chánh, gặp được bạn lành, tất cả nghiệp chướng đều tiêu trừ, hoặc chứng đắc quả Thanh văn thừa, hoặc chứng đắc quả Duyên giác thừa để nhập Niết-bàn, hoặc ngộ nhập lý Vô thượng thừa thâm sâu, rộng lớn.
Như vậy giới hoại, kiến bất hoại nên biết cũng vậy.
Người nào ý lạc hoại, gia hạnh bất hoại, vì lợi ích của họ nên Như Lai khen ngợi thuyết pháp bốn phạm trú. Vị ấy là bậc Thanh văn thừa, hoặc là bậc Duyên giác thừa.
Người nào gia hạnh ý lạc đều hoại, đối với các thừa đều chẳng phải là bậc pháp khí, vì lợi ích của họ nên Như Lai khen ngợi thuyết pháp bố thí.
Người nào kiến hoại, giới bất hoại, vì lợi ích của họ nên Như Lai thuyết pháp Duyên khởi, làm cho họ xả bỏ ác kiến, ngay đời này thể nhập pháp Thanh văn hoặc pháp Duyên giác, hoặc đời khác mới có thể ngộ nhập.
Người nào giới kiến đều hoại, đối với Thánh pháp cũng không thành tựu, vì lợi ích của họ nên Như Lai khen ngợi thuyết pháp bố thí.
Người nào gia hạnh, ý lạc, giới, kiến bất hoại mà nương theo việc làm của bạn ác, vì lợi ích của họ nên Như Lai giảng thuyết khen ngợi pháp mười nghiệp đạo thiện.
Người nào tuy nương theo việc làm của bạn lành nhưng lại ngu độn như dê câm, không thể lãnh thọ pháp thiện hay bất thiện, vì lợi ích của họ Như Lai thuyết giảng khen ngợi pháp tập tụng. Nếu bị các thứ tham lam, bệnh tật bức bách, hoặc bị các kiến thú làm mê hoặc, Như Lai làm lợi ích cho chúng hữu tình như vậy.
Ðối với người cầu giải thoát thì chỉ dạy làm cho họ ra khỏi đường sanh tử. Ðối với Thanh văn thừa thì giảng pháp Tứ Thánh đế. Ðối với người đoạn kiến thì giảng pháp Duyên khởi. Ðối với người thường kiến thì thuyết các pháp không thường. Chúng sanh trôi lăn khắp các nẻo trong ba cõi, chết nơi này, sanh nơi kia như bàn quay của người thợ gốm, qua lại không dứt.
Này thiện nam tử! Như Lai không có nói danh tự, không có nói âm thanh, cũng không có nói quả chứng mà tất cả đều vì giáo hóa hữu tình. Vì vậy, tất cả lời hủy báng chánh pháp do Như Lai thuyết ra tức là hủy hoại con mắt chánh pháp của các hữu tình. Tội ấy còn hơn các tội vô gián, mắc vô lượng trọng tội như tội vô gián.
Nếu có người ở trong chánh pháp của Ta vì muốn làm lợi lạc cho tất cả hữu tình nên thuyết chánh pháp, nghĩa là nương vào Thanh văn thừa mà thuyết chánh pháp, hoặc nương vào Duyên giác thừa mà thuyết chánh pháp, hoặc nương vào Ðại thừa mà thuyết chánh pháp, nhưng có người phỉ báng, ngăn chận, làm chướng ngại - cho đến một bài tụng - thì nên biết đó là phỉ báng chánh pháp, cũng gọi là hủy diệt tám Thánh đạo, cũng gọi là phá hoại con mắt chánh pháp của tất cả hữu tình. Người như vậy tự mình đã quen làm việc không có lợi ích, cũng làm cho tất cả hữu tình quen làm việc không có lợi ích. Người này nương theo vị Tăng không có tàm quý. Như vậy là hủy báng chánh pháp của Như lai.
Lại nữa, này thiện nam tử! Có bốn hạng Tăng. Thế nào là bốn?
1- Tăng thắng nghĩa.
2- Tăng thế tục
3- Tăng như dê câm.
4- Tăng không biết tàm quý.
Thế nào là Tăng thắng nghĩa?
- Nghĩa là Phật Thế Tôn hoặc chư đại Bồ-tát có oai đức tôn quý, đối với tất cả pháp đều được tự tại. Hoặc Ðộc giác, hoặc A-la-hán, hoặc Bất-hoàn, hoặc Nhất-lai, hoặc Dự-lưu, bảy bậc này thuộc Tăng thắng nghĩa.
Nếu các hữu tình có hình tướng tại gia, không cạo bỏ râu tóc, không mặc ca-sa, tuy không được thọ tất cả các giới biệt giải thoát của hàng xuất gia, tất cả các yết-ma bố tát, tự tứ đều không được dự nhưng có Thánh pháp, chứng đắc quả Thánh nên cũng thuộc Tăng thắng nghĩa. Ðó là Tăng thắng nghĩa.
Thế nào là Tăng thế tục?
- Nghĩa là cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, thọ đầy đủ các giới biệt giải thoát của hàng xuất gia. Ðó là Tăng thế tục.
Thế nào gọi là Tăng như dê câm?
- Nghĩa là không biết rõ các tội căn bản phạm hay không phạm, không biết các tội phạm nặng hay nhẹ, không biết tùy phạm nhỏ, tội lỗi nhỏ, không biết phát lồ sám hối tội đã phạm, ngu si mê muội, không biết không sợ tội lỗi nhỏ, không nương theo bậc hiền sĩ thông minh, không khi nào đi đến các bậc đa văn thông minh thân cận, phụng sự, cũng không thường cung kính thưa hỏi thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là vô tội, tu như thế nào là đúng, làm như thế nào là sai. Tất cả những người này thuộc Tăng như dê câm. Ðó là Tăng như dê câm.
Thế nào là Tăng không biết tàm quý?
- Nghĩa là có hữu tình vì sinh sống mà quy y, cầu xuất gia trong pháp của Ta, được xuất gia rồi đối với giới biệt giải thoát đã thọ trì lại hủy phạm, không có tàm quý, không thấy không sợ quả khổ đời sau, trong tâm thối nát như ốc sên hôi dơ, tiếng nói như loa, việc làm như chó, ưa nói dối, không có một lời chân thật, bỏn xẻn, tham lam, ganh ghét, ngu si, kiêu mạn, xa lìa ba nghiệp tốt, tham đắm vào lợi dưỡng, cung kính, danh dự, đam mê sáu trần, ưa thích dâm dật, ham muốn sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm. Tất cả những người như vậy thuộc Tăng không có tàm quý, hủy báng chánh pháp là Tăng không có tàm quý.
Này thiện nam tử! Tăng thắng nghĩa ở đây cũng là thuộc Sa-môn thắng đạo. Thắng đạo nghĩa là có thể nương theo tám Thánh đạo, tự mình giải thoát tất cả phiền não, cũng làm cho người khác giải thoát. Ðiều này nghĩa là như thế nào? - Nghĩa là Phật Thế Tôn, Ðộc giác, A-la-hán, ba bậc này đã dứt bỏ tất cả quyến thuộc nên gọi là thắng đạo.
Lại có chúng đại Bồ-tát không nhờ vào các duyên khác, đối với tất cả pháp thấy biết không chướng ngại, giáo hóa làm lợi lạc cho tất cả hữu tình cũng thuộc Sa-môn thắng đạo.
Tăng thắng nghĩa và Tăng thế tục ở đây cũng là thuộc Sa-môn thị đạo. Hoặc có hàng phàm phu hiền thiện thành tựu giới biệt giải thoát cho đến đầy đủ chánh kiến thế gian, do có sự biện tài vô ngại nên chư vị có thể giảng thuyết, chỉ dạy các Thánh pháp cho mọi người. Nên biết hạng người này là hạng Sa-môn thị đạo thấp nhất, hạng chứng quả Dự-lưu là thứ hai, hạng chứng quả Nhất-lai là thứ ba, hạng chứng quả Bất-hoàn là thứ tư.
Lại có chúng đại Bồ-tát là thứ năm, nghĩa là trụ sơ địa đến địa thứ mười, cho đến an trụ thân sau cùng. Ðây đều là thuộc Sa-môn thị đạo.
Hoặc có vị thành tựu giới biệt giải thoát, oai nghi phép tắc thanh tịnh, hoàn thiện. Ðây thuộc về Sa-môn mạng đạo. Vì sống có đạo đức, phép tắc nên gọi là mạng đạo.
Lại có chúng đại Bồ-tát vì muốn giáo hóa làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình nên tu hành viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa, cũng gọi là mạng đạo.
Ba hạng Sa-môn: thắng đạo, thị đạo, mạng đạo như vậy gọi là ruộng phước chân thật của thế gian. Các hạng Sa-môn khác gọi là ô đạo, tuy chẳng phải chân thật cũng được ở trong số bậc phước điền.
Hoặc có người nương theo các vị Tăng không có tàm quý, ở trong chánh pháp Tỳ-nại-da của Ta gọi là tử thi, chúng thanh tịnh nên diệt tẩn vì chẳng phải là bậc pháp khí. Ta không phải là đại sư của người ấy, người ấy cũng chẳng phải là đệ tử của Ta.
Hoặc có vị Tăng không biết xấu hổ, không xứng đáng là bậc pháp khí nhưng xưng ta là thầy, đối với xá lợi và hình tượng của Ta sanh tâm tin kính sâu xa, đối với Thánh giáo, giới pháp của Ta cũng sanh tâm tin kính sâu xa, tự mình đã không chấp các tà kiến, cũng không làm cho người khác chấp vào các tà kiến, có thể giảng thuyết chánh pháp của Ta cho mọi người, khen ngợi tán thán mà không sanh tâm hủy báng, thường phát nguyện chân chánh tùy theo tội đã phạm mà chừa bỏ, phát lồ sám hối nên các nghiệp chướng đều có thể tiêu trừ. Nên biết, hạng người này tin kính oai lực giới pháp Tam bảo, vượt hơn chín mươi lăm ngoại đạo đến hàng trăm ngàn lần vẫn không thể mau đến thành Niết-bàn. Chuyển luân Thánh vương còn không thể sánh bằng, huống chi là các hữu tình khác. Do nghĩa này nên Như Lai quán sát tất cả hữu tình, các nghiệp pháp thọ khác nhau, nói như vầy:
- Những người ở trong giáo pháp của Ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, Ta hoàn toàn không cho Sát-đế-lợi hủy nhục, quở trách. Nếu ai hủy nhục, trách phạt tất cả người xuất gia thì mắc tội báo như đã nói rõ ở trên.
Lại có người nương theo giáo pháp của Ta, bỏ tục xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa đỏ, liền được tất cả chư Phật trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại từ bi hộ niệm. Người có oai nghi, hình tướng pháp phục ca-sa cũng được chư Phật Thế Tôn trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại từ bi hộ niệm. Vì thế, khinh thường hủy nhục người xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa tức là khinh thường hủy nhục tất cả chư Phật Thế Tôn trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại. Do đó, người có trí tuệ chán sợ các khổ, ưa thích mong cầu Niết-bàn an lạc nhân thiên thì không nên khinh thường hủy nhục người bỏ tục xuất gia, cạo tóc, mặc ca-sa.
Những vị Tăng không biết xấu hổ, phá hủy giới cấm, không xứng đáng là bậc pháp khí Hiền Thánh của ba thừa, tự mình đã chấp chặt các tà kiến, cũng hay làm cho người khác chấp vào các tà kiến, nghĩa là vì Sát-đế-lợi hiền thiện, Bà-la-môn hiền thiện, Tể quan hiền thiện, Cư sĩ hiền thiện, Sa-môn hiền thiện, Trưởng giả hiền thiện, Phiệt xá hiền thiện, Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam, hoặc nữ nói các thế gian không có cha, không có mẹ, cho đến không có nghiệp thiện, nghiệp ác, quả báo, không có khả năng chứng đắc Thánh quả, tất cả các pháp không do nhân mà sanh.
Hoặc chấp rằng: Sắc giới là thường, không biến hoại; hoặc chấp Vô sắc giới là thường, không có biến hoại; hoặc chấp ngoại đạo tu các pháp khổ hạnh được rốt ráo thanh tịnh, hoặc chấp chỉ có Thanh văn thừa được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải Ðộc giác thừa, cũng chẳng phải Ðại thừa. Ðối với Thanh-văn thừa thì tin kính, khen ngợi, giảng thuyết, chỉ dạy, còn đối với Ðộc giác thừa và Ðại thừa thì phỉ báng, khinh chê, làm chướng ngại, che lấp không cho lưu thông rộng rãi. Hoặc chấp chỉ có Ðộc giác thừa được rốt ráo thanh tịnh, chứ Thanh văn thừa, Ðại thừa đều không được. Ðối với Ðộc giác thừa thì tin kính, khen ngợi, giảng thuyết, chỉ dạy, còn đối với Thanh-văn thừa và Ðại thừa thì phỉ báng, khinh chê, làm chướng ngại, che lấp, không làm cho lưu thông rộng rãi. Hoặc chấp chỉ có Ðại thừa mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa đều không được. Ðối với pháp Ðại thừa, tự mình tin kính và dạy bảo người khác tin kính; tự mình cung kính và dạy bảo người khác cung kính; tự mình khen ngợi và dạy bảo người khác khen ngợi; tự mình ghi chép và bảo người khác ghi chép; tự mình đọc tụng, dạy bảo người khác đọc tụng; tự mình lắng nghe, dạy bảo người khác lắng nghe; tự mình tư duy, dạy bảo người khác tư duy.
Ðối với hữu tình khác - hoặc là bậc pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc pháp khí - đều vì họ giảng thuyết, chỉ dạy, giải thích giáo nghĩa pháp Ðại thừa thâm sâu vi diệu. Còn đối với Thanh văn thừa và Ðộc giác thừa thì phỉ báng, khinh chê làm chướng ngại che lấp, không cho lưu thông rộng rãi; tự mình không sanh lòng tin kính, chướng ngại người khác sanh lòng tin; tự mình không cung kính, chướng ngại người khác cung kính; tự mình không khen ngợi, chướng ngại người khác khen ngợi; tự mình không ghi chép, chướng ngại người khác ghi chép; tự mình không đọc tụng lắng nghe, suy nghĩ, chướng ngại người khác đọc tụng, lắng nghe, suy nghĩ; không ưa giảng thuyết, chỉ dạy, giải thích giáo nghĩa pháp Tam thừa.
Hoặc chấp chỉ có tu bố thí mới được rốt ráo thanh tịnh chứ chẳng phải tu giới, nhẫn, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.
Hoặc chấp chỉ có tu cấm giới mới được rốt ráo thanh tịnh chứ chẳng phải tu bố thí, nhẫn, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.
Hoặc chấp chỉ có tu nhẫn nhục mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải tu bố thí, trì giới, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.
Hoặc chấp chỉ có tu tinh tấn mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải tu bố thí, trì giới cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.
Hoặc chấp chỉ có tu tịnh lự mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải bố thí, trì giới, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.
Hoặc chấp chỉ có tu tuệ mới được tốt ráo thanh tịnh chứ chẳng phải tu bố thí, trì giới cho đến chẳng phải tu định mà được.
Hoặc chấp chỉ có học tập các nghề nghiệp thế gian mới được rốt ráo thanh tịnh.
Hoặc chấp rằng chỉ có tu các hạnh: gieo mình vào nơi hiểm trở, lăn vào ngọn lửa, nhịn đói... mới được rốt ráo thanh tịnh.
Này thiện nam tử! Bí-sô phá giới làm hạnh ác này chẳng phải là bậc pháp khí, dùng các thứ làm mê hoặc các hữu tình, các bậc pháp khí hiền thiện, làm cho họ chấp vào tà kiến. Do bị tà kiến điên đảo nên họ phá hoại Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Miệt-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ có lòng tin, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh, chuyển các vị Sát-đế-lợi thành Chiên-trà-la, cho đến Phiệt-xá, Miệt-đạt-la... thành Chiên-trà-la. Bí-sô phá giới và Sát-đế-lợi Chiên-trà-la này chẳng phải là bậc pháp khí; thầy và đệ tử đều mất thiện căn, cho đến sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
Này thiện nam tử! Như thây chết sình trướng, hôi thối, những người đến gần đều bị mùi hôi xông nhiễm vào, tùy theo chỗ tiếp xúc với tử thi hôi thối mà bị mùi hôi xông nhiễm; cũng vậy, Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Mâu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ tùy theo thân cận Bí-sô phá giới làm hạnh xấu ác, chẳng phải là bậc pháp khí, hoặc giao du, hoặc ở chung, hoặc cùng làm việc tùy theo đó mà bị mùi hôi ác kiến xông nhiễm. Như vậy, điều đó làm cho Sát-đế-lợi hiền thiện kia, cho đến Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ thối lui lòng tin, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh thành Chiên-trà-la; thầy và đệ tử đều đoạn mất thiện căn cho đến đọa vào địa ngục vô gián.
KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN
Hết quyển thứ năm

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.47.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập