Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lại nữa, nghĩa huân tập có 4 pháp nên nhiễm pháp và tịnh pháp khởi chẳng dứt. Thế nào là 4?
1. Tịnh pháp, gọi là chân như.
2. Nhân của tất cả nhiễm ô, gọi là vô minh.
3. Vọng tâm, gọi là nghiệp thức.
4. Cảnh giới hư vọng, đó là 6 trần.
HUÂN là xông ướp. TẬP là lặp đi lặp lại, ta hay dùng từ thói quen để chỉ cho việc này. Như vậy HUÂN TẬP là chỉ cho tính xông ướp do việc lặp lui lặp tới mà thành. Những gì được lặp lui lặp tới mãi mới thành huân tập. Như ngày nào cũng ngồi thiền là mình đang huân tập việc ngồi thiền vào thức tạng. Ngày nào cũng học Hán văn là mình đang huân tập Hán văn vào thức tạng. Ngày nào cũng nổi sân là đang huân cái sân vào thức tạng. Ngày nào cũng hét là đang huân cái hét vào thức tạng.
Đặc tính của huân tập là thứ gì được huân tập nhiều thì thứ đó trở nên bền bĩ và có sức mạnh vượt trội. Như áo quần đem ướp hương càng lâu thì mùi thơm càng nhiều. Thần đồng về âm nhạc, toán học v.v… là do âm nhạc hay toán học được huân tập sâu xa trong thức tạng. Bảy tám tuổi đã muốn xuất gia vì chủng tu hành được huân tập sâu dày.
NGHĨA HUÂN TẬP CÓ 4 PHÁP là việc huân tập đây dựa vào 4 pháp mà phát khởi. Đó là chân như, vô minh, nghiệp thức và cảnh giới 6 trần. 4 thứ này huân tập qua lại mà có nhiễm pháp và tịnh pháp. NHIỄM PHÁP là chỉ cho pháp thuận dòng với bất giác. TỊNH PHÁP thì thuộc thủy giác ngược dòng hoàn tịnh.
TỊNH PHÁP mà đây chỉ nói CHÂN NHƯ vì chân như là nền tảng của tịnh pháp. Ngài Hiền Thủ nói “Tịnh pháp, gọi là chân như’ là chân như trong môn sanh diệt. Vì có 3 nghĩa nên nói là tịnh pháp. 1/ Ước về thể mà nói, từ xưa đến nay nó vốn thanh tịnh. 2/ Ước về tướng của thể mà nói, vì nó làm nội huân lật nhiễm thành tịnh. 3/ Ước về dụng huân biến mà nói, là ứng cơ thì thành tịnh duyên”.
NHIỄM Ô là chỉ cho 6 nhiễm, 3 tế và 6 thô. Tất cả đều do vô minh mà có. Vô minh là nhân sanh ra các thứ đó nên nói “NHÂN nhiễm ô gọi là vô minh”.
VỌNG TÂM là chỉ cho tâm vọng tưởng của chúng sanh. Bất giác tâm động sanh cái năng thấy cùng cảnh giới bị thấy. Trên những thứ hư vọng ấy lại sanh phân biệt, chấp thủ v.v… Tất cả đều thuộc vọng tâm. Nghiệp thức là nhân nên nói “VỌNG TÂM gọi là nghiệp thức”.
Chân như, vô minh, nghiệp thức và 6 trần huân tập qua lại ra sao khiến tịnh pháp và nhiễm pháp khởi chẳng dứt sẽ được làm rõ ở các phần sau. Đầu tiên là nêu ví dụ để người có thể hình dung về nghĩa HUÂN TẬP. Sau là đi vào chi tiết.
Nghĩa HUÂN TẬP là, như ở thế gian áo quần thật không hương, nếu người dùng hương xông ướp thì tất có mùi hương. Đây cũng vậy, chân như tịnh pháp thật không ô nhiễm, chỉ do vô minh mà huân tập nên có tướng nhiễm. Vô minh nhiễm pháp thật không có nghiệp thanh tịnh, chỉ do chân như mà huân tập nên có dụng thanh tịnh.
Nghĩa HUÂN TẬP, đây dùng ví dụ áo quần vốn không có mùi hương, nhưng do dùng hương xông ướp mà thành có mùi hương để hình dung về nghĩa của huân tập. XÔNG ƯỚP là chỉ cho việc huân tập.
ĐÂY CŨNG VẬY là, nhiễm pháp và tịnh pháp cũng như áo quần bị đem ủ hương mà có mùi thơm : Nhiễm pháp là do vô minh xông ướp chân như mà thành. Tịnh pháp là do chân như xông ướp lại vô minh mà có dụng thanh tịnh. Việc huân tập đã như dùng hương xông ướp thì khi không xông ướp mùi hương sẽ hết. Không để vô minh huân mà chỉ lấy chân như huân thì nhiễm pháp hết, tịnh pháp sẽ hiển lộ hoàn toàn.
Sau là đi vào chi tiết.
Thế nào là HUÂN TẬP KHỞI NHIỄM PHÁP CHẲNG DỨT?
Đây hỏi để giải thích quá trình chân như bị vô minh huân mà có nhiễm pháp. Chính là quá trình bất giác. Nói CHẲNG DỨT vì một khi sự huân tập thành hình thì nó có lực khiến sự huân tập càng nối tiếp. Như trạng thái nghiện thuốc hoặc nghiện rượu. Do đã tập quen với thuốc lá và rượu nên thói quen ấy tạo ra một lực khiến việc uống và hút ấy tiếp diễn không ngừng. Vì thế một khi thứ gì đã thành thói quen thì bỏ rất cực.
Đó là do nương pháp chân như mà có vô minh. Vì có vô minh nhiễm pháp làm nhân liền huân tập chân như. Do huân tập nên có vọng tâm. Vì có vọng tâm liền huân tập vô minh.
Đây là nói sơ qua quá trình huân tập khởi nhiễm pháp. Đầu tiên là giới thiệu vô minh từ đâu mà có. Trong Như Lai Tạng có 2 nghĩa minh và vô minh. Minh, là giác thể vốn minh. Vô minh, là giác thể vốn không tánh, vì cực chân nên không phân biệt, trong cái không phân biệt mà trạm nhiên thường trụ gọi là diệu, trong cái không phân biệt mà mờ mịt chẳng tỉnh gọi là vô minh. Vì vậy nói “NƯƠNG PHÁP chân như mà có vô minh”.
“Vì có vô minh nhiễm pháp làm nhân liền HUÂN TẬP CHÂN NHƯ” là, vô minh nương chân như mà khởi, rồi lại lấy chân như làm chỗ huân, huân chân như thành nghiệp thức. Nghiệp thức xuất hiện lại huân tập vô minh mà thành các tướng bất giác kế tiếp nên nói “Vì có vọng tâm liền HUÂN TẬP VÔ MINH”. Theo đây thì thấy, năng huân có 2 thứ là VÔ MINH và VỌNG TÂM. Phần dưới phân thành 2 là vọng tâm huân tập và vô minh huân tập là vì vậy.
Kế là trình bày quá trình trên một cách chi tiết.
Chẳng rõ được pháp chân như, bất giác niệm khởi hiện cảnh giới hư vọng. Do có cảnh giới hư vọng và nhiễm pháp làm duyên liền huân tập vọng tâm khiến tâm ấy niệm trước tạo mọi thứ nghiệp, thọ tất cả khổ của thân lẫn tâm.
“CHẲNG RÕ ĐƯỢC pháp chân như” là nói vô minh nương chân mà khởi. BẤT GIÁC NIỆM KHỞI là chỉ cho quá trình vô minh nhiễm pháp huân chân như thành vọng tâm. Vọng tâm đây chỉ cho phần tế là nghiệp thức. Nghiệp thức lại huân tập vô minh làm phát sanh 2 tướng Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng nên nói HIỆN CẢNH GIỚI HƯ VỌNG. Trên cảnh hư vọng ấy lại sanh phân biệt và chấp thủ nên nói “Do có cảnh giới … làm duyên liền huân tập vọng tâm, khiến tâm ấy NIỆM TRƯỚC”. NIỆM là chỉ cho Trí Tướng và Tương Tục Tướng. TRƯỚC là chỉ cho Chấp Thủ Tướng và Kế Danh Tự Tướng. Đã chấp thủ dính mắc thì TẠO MỌI THỨ NGHIỆP, chỉ cho Khởi Nghiệp Tướng. Tạo nghiệp rồi thì phải THỌ TẤT CẢ KHỔ của thân lẫn tâm, chỉ cho Nghiệp Hệ Khổ Tướng.
Nghĩa huân tập cảnh giới hư vọng có 2 thứ. Thế nào là 2?
1. Huân tập tăng trưởng niệm.
2. Huân tập tăng trưởng thủ.
Đây là nói rõ lại quá trình “Cảnh giới hư vọng và nhiễm pháp làm duyên liền huân tập vọng tâm khiến tâm ấy niệm trước” trên. Cảnh giới làm duyên huân tập vọng tâm là vọng tâm nương nơi cảnh giới hư vọng mà xông ướp thêm vô minh nên nói HUÂN TẬP CẢNH GIỚI. Tức lấy nghiệp thức làm nhân, cảnh giới hư vọng làm duyên, sanh 4 tướng đầu của 6 thô. Trí Tướng và Tương Tục Tướng thuộc về NIỆM. Chấp Thủ và Kế Danh Tự thuộc về THỦ.
Bởi quá trình trên được lặp lui lặp tới với tất cả pháp ở thế gian khiến người đời CÀNG THÊM phân biệt, so đo, dính mắc đối với ngoại cảnh, dòng vọng niệm ngày một tương tục bền chắc, nên nói HUÂN TẬP TĂNG TRƯỞNG NIỆM và HUÂN TẬP TĂNG TRƯỞNG THỦ.
Dưới là nói rõ về sự huân tập của vô minh và vọng tâm. Vô minh và vọng tâm làm năng huân, huân tập chân như và nghiệp thức.
A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?
Vô minh nương chân mà khởi, rồi huân lại chân như mà có nghiệp thức. Đây thuộc vô minh huân tập. Còn nghiệp thức huân vô minh làm phát sanh cảnh giới hư vọng, rồi nương nơi cảnh giới hư vọng ấy mà khởi 4 thô … thì thuộc VỌNG TÂM HUÂN TẬP. Vọng tâm huân tập này có 2 thứ :
1. Căn bản nghiệp thức huân tập : Làm cho A La Hán, Bích Chi Phật và tất cả Bồ tát phải chịu cái khổ sanh tử.
CÁI KHỔ SANH TỬ là lấy theo bản trực giải của ngài Hám Sơn, còn bản sớ giải của ngài Hiền Thủ thì ghi là “Cái khổ sanh diệt”. Song khổ của sanh diệt hay sanh tử cũng đều chỉ cho cái khổ của ‘biến dịch sanh tử’.
Đây là nghiệp thức làm năng huân, huân tập vô minh làm phát sanh Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng. A LA HÁN và BÍCH CHI PHẬT là quả tối cùng của Thanh văn và Duyên giác. Trụ trong định này thì chư vị không còn bị sanh tử trong 3 cõi, lìa được cái khổ của phần đoạn thô, nhưng vẫn bị sự sanh diệt của phần chuyển thức chi phối, nên nói “PHẢI CHỊU cái khổ của sanh diệt”. TẤT CẢ BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát từ Tín Tương Ưng Địa trở đi, là các vị Bồ tát đối với nhân không đã được tự tại (đã nói trong phần 6 nhiễm trên). Các vị đã lìa được cái khổ thô nhưng còn cái khổ tế nên nói “CHỊU CÁI KHỔ của sanh diệt”.
2. Tăng trưởng phân biệt sự thức huân tập : Làm cho phàm phu phải chịu cái khổ do nghiệp trói buộc.
PHÂN BIỆT SỰ THỨC là chỉ cho ý thức trên. Đây, ý thức làm năng huân, huân tập nghiệp thức làm tăng trưởng tướng Chấp Thủ và Kế Danh, rồi khởi hoặc tạo nghiệp mà chịu cái khổ của ‘phần đoạn sanh tử’, nên nói “CHỊU CÁI KHỔ do nghiệp trói buộc”.
B. Nghĩa VÔ MINH HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?
Đây, vô minh làm năng huân. Năng huân đều là vô minh nhưng tùy thô tế mà có 2 thứ :
1. Căn bản huân tập : Vì hay thành tựu nghĩa nghiệp thức. CĂN BẢN là chỉ cho căn bản vô minh. Vô minh này huân tâm thể thành nghiệp thức v.v... nên gọi là CĂN BẢN HUÂN TẬP.
2. Sở khởi kiến và ái huân tập : Vì hay thành tựu nghĩa phân biệt sự thức.
SỞ KHỞI là được sanh khởi từ … Dùng bổ nghĩa cho từ kiến và ái. Kiến và ái là 2 thứ được sanh ra từ căn bản vô minh nên gọi là SỞ KHỞI KIẾN VÀ ÁI. Tên khác của chúng là tứ trụ địa vô minh hay chi mạt vô minh. Được 2 thứ này xông ướp mà ý thức tăng trưởng nên nói “Vì THÀNH TỰU nghĩa phân biệt sự thức”.
Trên là nhiễm huân, dưới là tịnh huân.
Thế nào là HUÂN TẬP KHỞI TỊNH PHÁP CHẲNG DỨT?
Đây hỏi để giải thích quá trình chân như huân vọng tâm mà có tịnh pháp. Đó là quá trình ngược dòng hoàn tịnh, nói về trí thủy giác.
Là, vì có pháp chân như nên hay huân tập vô minh. Do lực nhân duyên huân tập, khiến vọng tâm chán sanh tử khổ, thích cầu niết bàn. Vì vọng tâm ấy có nhân duyên chán và cầu nên liền huân tập chân như.
LÀ, tức trình bày quá trình huân tập khởi tịnh pháp. Chân như tuy bị vô minh huân thành 6 nhiễm, nhưng bản thân nó vẫn có lực huân lại vô minh. Tâm chán cái khổ ở thế gian muốn cầu sự yên tịnh thánh lạc của niết bàn là biểu hiện cho lực tác dụng ấy. Ngay đời sống đây, đang quây cuồng trong tình cảm, vật chất hay gia đình mà bỗng khởi niệm ngao ngán và muốn sống một đời sống bình lặng, không đấu tranh v.v… dù chỉ một thoáng, cũng là biểu hiện của lực chân như. Hình tướng biểu hiện này bao gồm nhiều dạng, tùy thô tế mà thấy khác nhau. Song chúng có cùng một điểm chung là không muốn dính mắc vào danh lợi thế gian và mang khuynh hướng vị tha.
Tâm chán thế gian và cầu niết bàn xuất hiện thì quá trình vọng tâm huân tập chân như bắt đầu. Nói vọng huân vì cái chán và cầu ấy thuộc vọng tâm sanh diệt, song nó chịu sự chi phối của chân như nên tuy là vọng huân mà lại thành tịnh hạnh. Đây là phần thô của trí thủy giác.
Tự tin tánh mình, biết tâm vọng động, không có cảnh giới trước mắt, tu pháp xa lìa. Vì như thật biết không có cảnh giới trước mắt nên mỗi mỗi phương tiện khởi hạnh tùy thuận, không thủ không niệm, cho đến lâu xa ...
Tin ‘Tức tâm tức Phật’, tin ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’, tin mình có khả năng làm Phật v.v… đều gọi là TỰ TIN TÁNH MÌNH. Song cái TIN nói đây chỉ mới là tin vào kinh luận hay thiện hữu tri thức giảng dạy mà tu tập, chưa phải là niềm tin bắt nguồn từ việc trực chứng của bản thân. Vì thế, BIẾT đây cũng là do tin mà biết, vẫn còn nằm trong sự hiểu biết thuộc ý thức nhưng là phần ý thức hoàn tịnh.
BIẾT TÂM VỌNG ĐỘNG là biết những thứ mình vẫn cho là tâm mình như suy nghĩ, phân biệt, nhớ thương, vui buồn … chỉ là tâm hư vọng không có thật thể. KHÔNG CÓ CẢNH GIỚI TRƯỚC MẮT vì vạn pháp chỉ do thức biến. Do có niềm tin như thế nên bắt đầu tu tập.
TU PHÁP XA LÌA là dùng những phương tiện giúp trừ bỏ những thứ làm tâm mình vọng động. Quán những suy nghĩ, vui buồn khởi lên trong tâm là vọng rồi buông, không để chúng nối tiếp là đang thực hiện tu pháp xa lìa. Miên mật niệm Phật để nhiếp dòng vọng niệm là đang tu pháp xa lìa v.v… Tùy căn cơ của chúng sanh ở mỗi thời mà pháp tu để xa lìa này nhiều vô số. Song nhiều thế nào thì điểm chung của chúng vẫn là đưa tâm trở về trạng thái vốn trong lặng, không dính mắc mà thôi.
NHƯ THẬT BIẾT là biết không do học hỏi mà là qua sự trực nghiệm của bản thân. Đây là chỉ cho cảnh giới trực chứng của Bồ tát Sơ Địa. “MỖI MỖI PHƯƠNG TIỆN, khởi hạnh tùy thuận, không thủ không niệm, cho đến lâu xa …” là nói về quá trình tu hành của hàng Thập Địa. HẠNH TÙY THUẬN là tu hạnh tùy thuận với chân như pháp tánh. Sơ địa chứng được nhất niệm vô sanh, y cứ nhất niệm ấy mà tu chân như tam muội nên nói là TÙY THUẬN. Bồ tát Sơ Địa trở đi tập trung phá trừ phần Trí Tướng là nhân của 3 tướng Tương Tục, Chấp Thủ và Kế Danh nên nói KHÔNG THỦ KHÔNG NIỆM, chính là tu chân như tam muội nói trên. Song chỉ ở Bát địa, trí phân biệt mới thật sự dứt, nên từ Sơ Địa đến mãn tâm Thất Địa cái ‘không thủ không niệm’ này vẫn còn trong vòng dụng công. Đến Bát Địa mới thật là hoàn toàn ‘không thủ không niệm’.
CHO ĐẾN LÂU XA là trải qua quá trình tu hành lâu xa[36] … đến địa vị cuối cùng của Bồ tát, thì có kết quả như sau :
Bởi lực huân tập nên vô minh diệt. Do vô minh diệt nên tâm không khởi. Do không có khởi, cảnh giới diệt theo. Do nhân duyên đều diệt nên tướng của tâm đều hết, gọi là đắc niết bàn thành nghiệp tự nhiên.
Do lực huân tập của trí thủy giác, ngược dòng 4 tướng là diệt, dị, trụ và sanh mà diệt được căn bản vô minh. Tuy quá trình diệt là diệt từ thô đi lần về tế - phải là tâm không khởi thì mới thấy được phần căn bản vô minh mà diệt - nhưng chỉ khi cái tế dứt rồi thì cái thô mới thật sự hết, vì nhân diệt thì quả mới thật sự diệt, nên nói “DO VÔ MINH diệt nên tâm không khởi”, là từ tế thuận lại thô. KHÔNG KHỞI này là chỉ cho Nghiệp Tướng và Năng Kiến Tướng. Vô minh hết thì tâm không còn bị lực ấy làm động mà có Nghiệp và Năng Kiến. Năng Kiến không thì Cảnh Giới Tướng cũng không, nên nói “Do KHÔNG CÓ khởi, cảnh giới diệt theo”. Cảnh giới diệt rồi thì tâm không nương đâu mà khởi phân biệt, tạo nghiệp, chịu khổ ... Tức căn bản vô minh hết thì 9 tướng trong phần Bất Giác cũng hết. Căn bản vô minh là NHÂN, Cảnh Giới Tướng là DUYÊN làm sanh khởi 6 thô, nên nói “Do nhân duyên đều diệt nên tướng của tâm đều hết”. TƯỚNG CỦA TÂM là chỉ cho 9 tướng bất giác hay 6 nhiễm.
ĐẮC NIẾT BÀN là chỉ cho quả vị Phật. Đây là chỉ cho tâm thể đã sạch hết vọng nhiễm, thuần thanh tịnh và sáng suốt. Thành Phật thì có được tất cả mọi loại trí thông hết tất cả cảnh giới của chư Phật cũng như chúng sanh mà khởi nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn, nên nói THÀNH NGHIỆP TỰ NHIÊN. Loại nghiệp dụng này chẳng do tác ý mà thành, chỉ tùy sự cảm ứng với chúng sanh mà hiện nên nói TỰ NHIÊN.
Phần ‘Huân tập khởi tịnh pháp chẳng dứt này’ cũng có 2 phần là vọng tâm huân và chân như huân. Huân tập khởi tịnh pháp mà nói VỌNG TÂM HUÂN, vì phần tu tập này vẫn còn y cứ trên tâm sanh diệt mà tu. Song phần vọng tâm này không phải là thứ vọng tâm gây nghiệp để thọ khổ trong 6 đường mà là phần vọng tâm chịu sự chi phối của chân như. Luận đây gọi là trí thủy giác.
A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?
VỌNG TÂM HUÂN TẬP tức vọng tâm làm năng huân. Vọng tâm huân này có 2 thứ. Một là Ý THỨC huân tập. Hai là Ý huân tập.
1. Phân biệt sự thức huân tập : Phàm phu và Nhị thừa chán cái khổ sanh tử, tùy sức mình mà tu tập, từ từ hướng về đạo vô thượng.
PHÂN BIỆT SỰ THỨC chính là ý thức trên. CHÁN CÁI KHỔ SANH TỬ vì còn chấp ngoài tâm có cảnh giới. ĐẠO VÔ THƯỢNG là chỉ cho quả vị Phật. Phàm phu và Nhị thừa thấy cái khổ vô thường ở thế gian mà tu quả giải thoát, không hề biết có thức Alaida. Đó là lý do hướng về đạo vô thượng chậm nên nói TỪ TỪ. Ngài Hiền Thủ nói “Thức này chẳng biết các trần chỉ do thức biến hiện nên chấp ngoài tâm thật có cảnh giới. Phàm phu và Nhị thừa tuy có phát tâm hướng đến giải thoát, mà còn tính có sanh tử đáng chán, niết bàn đáng vui, chẳng rõ đạo lý duy tâm, vẫn còn lực tác ý, phải lâu xa về sau mới hoàn đắc được bồ đề, nên nói ‘Tùy sức tu tập, từ từ hướng về đạo vô thượng’”.
2. Ý huân tập : Chư vị Bồ tát phát tâm dũng mãnh, chóng đạt niết bàn.
Ý đây bao gồm 5 thứ là nghiệp thức, chuyển thức, hiện thức, trí thức và tương tục thức. Vì chư Bồ tát biết thân, tâm và cảnh giới chung quanh đều là duy tâm sở hiện. Sanh tử hay niết bàn chỉ do phân biệt mà ra : Vì có ta có người, có thân có sơ, có yêu có ghét v.v… mà khổ đau và hạnh phúc tràn đầy, 6 đường trói buộc, thế gian mới thành sanh tử đáng chán, rồi tìm cầu niết bàn để ra. Một khi phân biệt đã buông thì thân sơ không khác, yêu ghét không còn, sanh tử không khác niết bàn ... Vì thế, chư vị tập trung xả bỏ sự phân biệt đối với ngoại cảnh. Căn cứ theo 9 tướng bất giác thì chỗ hành ở địa vị này là phá thẳng vào phần Trí Tướng, là tướng đầu trong 6 thô. Trí tướng đã phá thì sự tương tục của dòng vọng niệm cũng hết, tâm chấp thủ ngoại cảnh chẳng còn.
Chỉ cần một động tác BUÔNG mà ngay sanh tử là niết bàn, nên nói CHÓNG ĐẠT NIẾT BÀN. Xét về quá trình ngược dòng của 9 tướng bất giác thì chỗ hành của chư vị cũng gần với quả vị Phật hơn phàm phu và Nhị thừa, nên nói là CHÓNG. Tu thẳng pháp môn bất nhị đây, nếu không phải là người đầy đủ thiện căn đời trước, niềm tin và ý chí không vững thì không dám hành, nên nói PHÁT TÂM DŨNG MÃNH.
Theo cách phân đây thì thấy, gọi phàm phu, Nhị thừa hay Bồ tát là căn cứ vào hướng phát tâm, chỗ hành trì cũng như phần lý mà hành giả nhận được. Ngược lại, muốn biết chỗ hành trì của mình thuộc Ý HUÂN TẬP hay Ý THỨC HUÂN TẬP cũng căn cứ vào hướng phát tâm, chỗ hành trì và phần lý nhận được mà biết. Nếu phát tâm tu Phật, tin vào lý duy tâm, tất cả mọi phân biệt, niệm thiện, niệm ác gì cũng buông thì công phu của mình thuộc phần Ý HUÂN TẬP. Còn tu hành chỉ để có một cuộc sống ở tương lai sung sướng hơn, hoặc tu để nhập niết bàn mà thoát cái khổ ở thế gian … Nói chung, chưa thấu đượïc lý duy tâm hoặc có hiểu mà việc tu hành còn đặt nặng trong sự phân biệt thiện ác mang tính đối trị thì công phu ấy thuộc Ý THỨC HUÂN TẬP.
B. Nghĩa CHÂN NHƯ HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?
Đây là chân như làm năng huân. Chân như huân có 2 loại. Một là tự thể huân tập. Hai là dụng huân tập. TỰ THỂ HUÂN TẬP là nói về cái dụng của tự tánh. Dụng này mọi loài hữu tình đều sẵn đủ. DỤNG HUÂN TẬP là nói về cái dụng của chân như. Không phải tự tánh khác chân như mà lập ra 2 cái dụng khác nhau. Tự tánh không khác chân như nhưng phân dụng tự tánh hay dụng chân như vì dụng chân như này chỉ có khi hành giả đã trực chứng lại được pháp thân, tức đã qua quá trình sàng lọc ô nhiễm. Nó thuộc về dụng làm lợi ích cho tha nhân. Tùy mức độ địa mà dụng này nhiều hay ít. Địa càng cao thì dụng càng khắp.
1. Tướng tự thể huân tập : Từ vô thủy đến nay, đầy đủ pháp vô lậu, có đủ nghiệp chẳng thể nghĩ bàn làm tánh cảnh giới. Y nơi 2 nghĩa ấy thường hằng huân tập. Bởi có lực này nên hay khiến chúng sanh chán cái khổ sanh tử, thích cầu niết bàn, tự tin thân mình có pháp chân như, phát tâm tu hành.
Đầy đủ PHÁP VÔ LẬU và NGHIỆP DỤNG chẳng thể nghĩ bàn là 2 thứ mà tự thể sẵn đủ từ xưa đến nay, mê hay ngộ thì vẫn đó, chẳng qua là ẩn hay hiện mà thôi nên nói LÀM TÁNH CẢNH GIỚI. Việc này không phải là chỗ thức tâm đến đuợc nên nói CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN.
VÔ THỦY là không có mờ mé ban đầu. Do 2 thứ này làm nhân ngầm huân tập bên trong mà chúng sanh mới có thể chán sanh tử khổ thích tìm cái vui niết bàn. Tin tâm mình là Phật, tin có pháp chân như và phát tâm tu hành đều do dụng của phần tự thể huân tập này. Đặc tính của dụng này là dù còn trong địa vị mê, nó vẫn có tác dụng đối với chúng sanh.
Hỏi : Nếu nghĩa đúng như vậy thì tất cả chúng sanh đều có chân như, đều cùng huân tập, vì sao “có tin và không tin” trước sau vô lượng sai biệt? Đều nên đồng thời tự biết có pháp chân như, siêng tu phương tiện, cùng nhập niết bàn.
Đây là nêu thắc mắc khi nghe sự phát biểu trên : Nếu mọi người đều có sự huân tập thường hằng của tự thể mà hay phát tâm tu hành vì sao hiện nay có người tin, có người không tin? TIN là chỉ cho những người tin tâm mình là Phật rồi phát tâm tu hành. KHÔNG TIN là chỉ cho những người có khi nhân quả cũng không biết, thấy người ăn chay thì nói ngu, thấy người giữ giới tu hành thì bữu môi khinh bỉ, thấy người ngồi xếp bằng quán tâm cho là làm chuyện ruồi bu … Đây đều thuộc dạng không tin.
Đó là về mặt tin và không tin. Còn về mặt tu hành thì vì sao cũng đồng có sự huân tập của tự thể vô lậu mà việc thành Phật lại không đồng, người trước kẻ sau đều sai khác?
Đáp : Chân như vốn một mà có vô lượng vô biên vô minh – từ xưa đến nay – tự tánh sai biệt dày mỏng chẳng đồng. Vô lượng loại thượng phiền não nương vô minh khởi sai biệt. Phiền não ngã kiến và ái nhiễm nương vô minh khởi sai biệt. Như vậy tất cả phiền não đều nương nơi vô minh mà khởi, trước sau vô lượng sai biệt. Duy chỉ có Như Lai hay biết mà thôi.
Đây là lời giải thích : Tuy chân như là đồng nhưng có sự sai khác là do mức độ vô minh trong mỗi người có khác nhau. “TỰ TÁNH sai biệt dày mỏng chẳng đồng” là muốn nói về tính chất của vô minh sai biệt chẳng đồng. Gồm 2 loại : THƯỢNG PHIỀN NÃO là chỉ cho sở tri chướng. PHIỀN NÃO ngã kiến và ái là chỉ cho phiền não chướng. Tính theo 6 nhiễm thì cái nhiễm tương ưng đầu thuộc phiền não, 5 cái nhiễm kế thuộc thượng phiền não. 2 thứ này gốc đều từ vô minh mà có nên nói NƯƠNG VÔ MINH MÀ KHỞI.
Tất cả những thứ này chỉ có một mình Như Lai hay biết nên nói là DUY. HAY BIẾT là thấu được chỗ vô minh sản sanh ra vô lượng thượng phiền não và phiền não ở chúng sanh.
Phần vô minh nói đây là yếu tố căn bản để hiểu vì sao cùng được sự huân ngầm của tự thể chân như bên trong mà chúng sanh lại có sự sai khác trong việc phát tâm cũng như tu hành. Yếu tố căn bản này kết hợp với nhân duyên của mỗi người mà càng có nhiều cái khác trên cái đồng đó. Phần sau sẽ nói rõ về nhân duyên ấy.
Lại, pháp của chư Phật có nhân có duyên. Nhân duyên đầy đủ thì pháp mới được thành. Như tánh lửa trong cây là nhân chánh của lửa, nếu người không biết, chẳng mượn phương tiện mà cho là cây tự cháy thì không có chuyện này. Chúng sanh cũng vậy. Tuy có lực huân tập của chánh nhân, nếu chẳng gặp chư Phật, Bồ tát và các bậc thiện tri thức lấy đó làm duyên, mà có thể tự đoạn phiền não, nhập niết bàn thì không có việc ấy. Nếu, tuy có lực của ngoại duyên mà trong chưa có lực huân tập của tịnh pháp thì cũng chẳng đến mức có thể chán cái khổ sanh tử thích cầu niết bàn. Nếu nhân duyên đầy đủ. Nghĩa là, tự có cái lực huân tập, lại được cái nguyện từ bi của chư Phật và các vị Bồ tát hộ trì thì hay khởi cái tâm chán khổ, tin có niết bàn, tu tập thiện căn. Bởi tu thiện căn thành thục nên được gặp chư Phật và Bồ tát chỉ dạy mà lợi hỉ, mới có thể tiến thẳng đến đạo niết bàn.
Duyên Khởi là thật lý chi phối thế gian. Vì thế, việc tu hành cũng không thể thoát khỏi cái lý ấy. DUYÊN KHỞI là, bất cứ pháp nào ở thế gian cũng phải đủ 2 phần là nhân và duyên mới thành tựu được. NHÂN là yếu tố chính, DUYÊN là các yếu tố phụ. Phụ và chính phải đủ, pháp mới thành hình. Như lửa muốn có thì yếu tố chính là nằm ở chất dễ cháy. Đây lấy chất dễ cháy là cây. Song chỉ có cây không thì không thể tìm thấy lửa, mà phải có các điều kiện khác như nhiệt độ cực nóng v.v… thì cây mới có thể tạo ra lửa. Các điều kiện ấy gọi là duyên.
Tương tự, dù mỗi người có đủ cái nhân huân tập bên trong là tự thể chân như, nhưng nếu không có cái duyên bên ngoài là thiện tri thức chỉ dạy. Hoặc có thiện tri thức bên ngoài, nhưng bên trong việc huân tập tịnh pháp chưa đủ … thì đều rơi vào trường hợp nhân duyên không đủ. Nhân duyên không đủ thì việc tu hành không thể thành tựu. Như Hòa thượng Trúc Lâm dạy thiền, thành lập các Chiếu từ năm 1975. Không phải mình không biết, nhưng bận làm ăn và nhiều thứ khác nữa nên biết thì biết mà tu thì không tu. Mười mấy năm sau hoặc đến bây giờ, gần hết một quãng đời lên voi xuống chó, cộng thêm kinh sách và băng giảng của Hòa thượng, mình mới nhận ra được sự bấp bênh giả tạo của danh lợi mà chịu phát tâm tu hành. Nhận ra được sự vô thường của danh lợi, biểu hiện cho sự huân tập của chánh nhân chân như. Song phải nhờ lực ngoại duyên là sự bấp bênh về tiền tài và danh lợi, cùng với duyên thiện tri thức là khơi lại tâm Bát Nhã sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, mình mới có thể phát tâm chán thế gian cầu Phật đạo. Không có cái duyên bấp bênh về danh lợi thì chánh nhân dù có cũng không đủ mức làm mình chán và cầu. Chưa chán thì thiện tri thức có đó mà cũng như không. Chán rồi mà không gặp được thiện tri thức dạy cầu Phật đạo lại gặp các vị tu tiên, xuất hồn thì mình lại thành tiên ông hay xuất hồn tản mạn đâu đó, còn không thì nhảy cầu Bình Lợi chẳng hạn … Đó là nói về chủng nhân bên trong chưa được vững nên cần nhiều duyên bên ngoài. Còn người mà chủng nhân bên trong đã vững, như Lục Tổ chẳng hạn, thì không cần đến cái duyên bấp bênh như trên, nhưng cũng phải có cái duyên là nghe được kinh Kim Cang, gặp được Tổ Hoằng Nhẫn v.v… mới tu hành thành đạo được.
Bậc tri thức của người dù thuộc Phật giáo chăng nữa, cũng hằng hà sa số dạng : Vị có công phu chứng ngộ, vị thì chỉ toàn tri thức, vị thì danh lợi không thiếu chút gì, rồi Đại thừa và Tiểu thừa v.v... Gặp thiện tri thức rồi, việc huân tập tịnh pháp ở mỗi người cũng không giống nhau. Người khoẻ tu hành tốt hơn người ốm yếu thì lực huân tập tịnh pháp mạnh hơn. Song có khi người khỏe gặp duyên thuận lại không muốn thành Phật, chỉ tu tà tà cho qua ngày qua tháng, nên việc huân tập tịnh pháp trở thành yếu. Cứ vậy mà sự sai khác ngày càng nhiều ... Nên tuy cùng được chân như nội huân mà lòng tin, sự tu hành và kết quả làm Tổ thành Phật có sai khác. “Tu THIỆN CĂN thành thục được gặp chư Phật ...” là chỉ cho nhân duyên đầy đủ. LỢI HỈ là lợi ích và hoan hỉ.
Sau nói về dụng của chân như.
2. Dụng huân tập : Chính là lực ngoại duyên của chúng sanh. Như vậy, ngoại duyên có vô lượng nghĩa. Lược nói có 2 thứ. Thế nào là 2? Một là duyên sai biệt. Hai là duyên bình đẳng.
Loại dụng này phải chứng pháp thân rồi mới có, dùng làm ngoại duyên giúp chúng sanh tu hành. Dụng này tùy vào căn nghiệp của chúng sanh hữu duyên mà ứng hiện. Bởi tâm chúng sanh có vô lượng sai biệt nên ngoại duyên cảm ứng cũng có vô lượng nghĩa. VÔ LƯỢNG NGHĨA là nhiều hình thái khác nhau đến nỗi không đếm xuể. Song sai biệt thế nào cũng không ngoài 2 thứ là bình đẳng và sai biệt. Vì sao gọi là bình đẳng và sai biệt, phần sau sẽ giải thích.
2a. Duyên sai biệt : Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ tát. Trong đó, hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm bạn hữu, hoặc làm oan gia, hoặc khởi tứ nhiếp ... cho đến tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sanh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy nếu nghe đều được lợi ích.
Khi một người phát tâm cầu Phật đạo là có sự hộ trì của chư Phật và chư vị Bồ tát. Việc hộ trì này được thể hiện bằng nhiều cách. HOAËC THẤY là thấy thân tướng của các ngài. HOAËC NIỆM là nhớ nghĩ đến công đức của các ngài. Nhờ cái thấy và nghĩ ấy mà tinh tấn tu hành. HOAËC LÀM quyến thuộc, cha mẹ, người thân v.v... là những cách khác mà chư vị Bồ tát dùng để trợ giúp người cầu đạo. Thuận hạnh như làm những người thương yêu, nghịch hạnh như làm kẻ oan gia … đều là tùy căn nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện. Như người phải dùng biện pháp cứng rắn là la rầy hay gặp khổ nạn mới chịu tu thì chiêu sách oan gia và la mắng được lập bày. Người mà sự la mắng chỉ khiến họ điên tiết, chỉ có sự chịu đựng và tha thứ mới khiến họ hồi tâm thì hình ảnh nhân đức luôn tha thứ xuất hiện ... Tùy căn nghiệp của người tu mà ứng hiện thành đủ loại duyên với nhiều hình thức khác nhau, nên nói VÔ LƯỢNG DUYÊN HẠNH.
Theo đây thì thấy, tu hành không phải chỉ có thầy mới là bậc thiện tri thức của mình. Chồng, vợ, con cái, cha mẹ, người thân hay những chuyên gia chuyên làm mình điêu đứng khổ sở đều có thể là ứng thân của chư vị Bồ tát giúp mình phá trừ bản ngã, chóng được bất động. Hướng ra mà than thở, phiền trách ... là bé cái lầm! Đây mới thấy giá trị của câu nói ‘Phản quan tự kỷ bổn phận sự’ trong nhà thiền. Nghịch hay thuận chỉ nên quay về quán ở tâm mình.
TỨ NHIẾP gồm 4 pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Dùng 4 pháp này cũng với mục đích là tạo mọi thứ duyên hạnh để dẫn dắt chúng sanh về đạo vô thượng.
Duyên ấy có 2 loại. Một là duyên gần nên chóng được độ. Hai là duyên xa nên lâu xa mới được độ. 2 duyên xa và gần này, phân biệt có 2 loại. Thế nào là 2? Một là duyên tăng trưởng hạnh, hai là duyên thọ đạo.
Duyên sai biệt này có 2 loại là xa và gần. Nói xa và gần là căn cứ vào thời gian được độ mà nói. Duyên xa và gần này lại có 2 loại là tăng trưởng hạnh và thọ đạo.
DUYÊN TĂNG TRƯỞNG HẠNH là nói về những duyên giúp người tu tăng trưởng thiện hạnh. DUYÊN THỌ ĐẠO là duyên giúp người tu thọ nhận hay nhập đạo.
2b. Duyên bình đẳng : Tất cả chư Phật và Bồ tát đều nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh, tự nhiên huân tập thường hằng chẳng bỏ. Bởi cùng lực trí thể nên tùy theo thấy nghe cảm ứng mà hiện làm các nghiệp. Nghĩa là, chúng sanh nương nơi tam muội đều bình đẳng được thấy chư Phật.
BÌNH ĐẲNG là như nhau, không có sai khác. Chư Phật và Bồ tát đều có tâm bình đẳng độ thoát chúng sanh. Chư vị không có ý độ người này bỏ người kia như người đời khi làm việc thiện : Nghèo thì cho, giàu thì không, thương thì cho, ghét thì không. Tâm bình đẳng ấy được huân tập một cách thường hằng chẳng bỏ. Vì cái bình đẳng ấy mà tất cả chúng sanh bất kể là giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ v.v... một khi có được tam muội thì đều sẽ thấy được chư Phật. ĐƯỢC TAM MUỘI là muốn nói đến tâm thức đã được lóng lặng các loại phiền não kể trên. Như chỗ nào nước trong thì trăng liền hiện không có chọn lựa phân biệt. THẤY nói đây là muốn nói đến việc thể nhập cảnh giới Phật.
Thể dụng huân tập ấy, phân biệt lại có 2.
THỂ DỤNG HUÂN TẬP là nói về tướng thể huân tập và dụng huân tập. Đây đều thuộc về chân như huân. Thể dụng huân tập này phân làm 2 thứ là huân chưa tương ưng và huân đã tương ưng.
Thế nào là 2?
(1+2) a. Huân chưa tương ưng : Phàm phu, Nhị thừa và các vị Bồ tát sơ phát tâm do ý, ý thức huân tập, nương nơi tín lực mà tu hành, nên chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được nghiệp tu hành tự tại cùng dụng tương ưng.
HUÂN CHƯA TƯƠNG ƯNG là, tuy là huân tập tịnh pháp nhưng sự huân tập này chưa tương ưng được với chân như. Nói CHƯA TƯƠNG ƯNG vì sự huân tập này do ý và ý thức huân tập. Đây là phần thủy giác thô, tương đương với 2 tướng giác đầu là bất giác và tương tợ giác của phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát mới phát tâm. Chưa chứng được nhân Phật tánh nên nói “Nương nơi TÍN LỰC mà tu hành”. Lúc này chưa phá được trí phân biệt khiến tâm chưa tương ưng được với trạng thái bình đẳng của chân như, nên nói “Chưa được TÂM VÔ PHÂN BIỆT cùng với thể tương ưng”. Mọi thứ vẫn còn trong vòng tác ý dụng công, nên nói “Chưa được nghiệp TU HÀNH TỰ TẠI cùng dụng tương ưng”.
Ngài Hám Sơn nói “Đây làm rõ, năng huân là chân như thì thể và dụng bình đẳng mà sở huân là căn cơ thì có sai biệt. Phàm phu, Nhị thừa, Bồ tát sơ phát tâm chỉ y nơi ý thức huân tập, chỗ phát tâm cạn, chỉ nhờ tín lực mà tu hành, chưa thể thâm nhập chân như tam muội nên chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được trí nghiệp tự tại cùng dụng tương ưng. Sự sai biệt này có là tại căn cơ”.
(1+2) b. Huân đã tương ưng : Pháp thân Bồ tát được tâm vô phân biệt cùng với trí dụng của chư Phật tương ưng, chỉ nương nơi pháp lực, tự nhiên tu hành, huân tập chân như, diệt trừ vô minh.
HUÂN ĐÃ TƯƠNG ƯNG là sự huân tập tịnh pháp lúc này đã tương ưng được với chân như. Đây thuộc phần thủy giác tế, tương đương với 2 tướng giác sau là tùy phần giác và cứu cánh giác. PHÁP THÂN BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát thuộc hàng Thập Địa. Sơ Địa chứng được căn bản trí chân như nên bắt đầu tương ưng với chân thể chân như. Đến Bát Địa về sau được tương ưng luôn với dụng, nên nói “Được tâm vô phân biệt cùng với trí dụng của Phật tương ưng”. PHÁP LỰC là chỉ cho phần lực có được khi chứng nhân Phật tánh. Y cứ nhất niệm ấy mà tu nên nói “CHỈ NƯƠNG nơi pháp lực”. Từ Bát Địa trở đi, mọi hành tác đều thuộc vô công dụng hạnh nên nói TỰ NHIÊN TU HÀNH.
Như vậy, TỰ THỂ chân như tuy vẫn âm thầm huân tập bên trong một cách thường hằng nhưng với phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát sơ phát tâm thì cái huân ấy chưa tương ưng, bởi tác dụng của nó còn bị vô minh che phủ. Phải đến Sơ Địa trở đi, tuy chưa hoàn toàn nhưng tự thể chân như đã thật sự hiển lộ, nên từ đó trở đi mới gọi là tương ưng. Còn DỤNG HUÂN TẬP của chân như thì trong khoảng từ Sơ Địa đến Thất Địa không phải không có, nhưng phải đến Bát Địa mới gọi là tương ưng vì lúc ấy dụng này mới thật sự có tác dụng đúng mức của nó.
Đến đây là xong phần nhiễm tịnh huân tập qua lại. Dưới là làm rõ nghĩa tận và bất tận của việc huân tập giữa nhiễm và tịnh.
Lại nữa, nhiễm pháp từ vô thủy đến nay huân tập chẳng dứt, đến khi thành Phật sau mới đoạn dứt. Tịnh pháp huân tập thì không có đoạn, tận đến vị lai. Nghĩa ấy thế nào? Vì pháp chân như thường hằng huân tập. Vọng tâm tất diệt, pháp thân hiển hiện, khởi dụng huân tập nên không có đoạn. Lại, tướng tự thể chân như của tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, chư Phật không có tăng giảm, chẳng phải mé trước sanh chẳng phải mé sau diệt mà rốt ráo thường hằng. Từ xưa đến nay, tự tánh đầy đủ tất cả công đức.
Nhiễm pháp thì có đoạn dứt mà tịnh pháp thì không bao giờ đoạn vì chân như vốn không có bờ mé, thường hằng bất biến, nên sự huân tập của nó cũng không có bờ mé. Thấy đầu, thấy cuối, thấy sanh, thấy diệt là do vô minh mà thấy. Đến quả vị Phật thì vô minh diệt nên sanh diệt cũng diệt. Nói vô minh diệt là không còn lầm. Phân thành phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát hay Phật là theo phần nhiễm vô minh mà phân, không phải vì ở phàm phu chân như giảm còn ở Phật chân như tăng. Chân như tùy duyên mà có thân Phật, thân chúng sanh còn bản thân nó thì chưa từng tăng chưa từng giảm.
TỪ XƯA ĐẾN NAY là khi nào cũng vậy, tự tánh chân như luôn đầy đủ các công đức, chỉ vì vô minh che lấp mà phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát không sử dụng được các công đức ấy. Sau là kể về nghĩa của công đức.
Đó là :
Đại trí tuệ quang minh
Chiếu khắp pháp giới
Chân thật hiểu biết
Tự tánh thanh tịnh tâm
Thường, lạc, ngã, tịnh
Thanh lương, bất biến, tự tại
Đây là nêu các công đức mà tự tánh chân như vốn đầy đủ. ĐẠI TRÍ TUỆ QUANG MINH là chỉ cho trí tuệ của Phật, nó thường được biểu trưng bằng con mắt thứ ba phát sáng giữa 2 chặng mày của đức Như Lai. Vì là quang minh nên nó CHIẾU KHẮP PHÁP GIỚI. Trí tuệ ấy thấu đạt được tất cả mọi cảnh giới đúng như chính chúng, nên nói CHÂN THẬT HIỂU BIẾT. Vì đã lìa hết hoặc nhiễm nên tâm được TỰ TÁNH THANH TỊNH. Vì tánh đức tròn đầy nên được THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH. Vì tánh đức không biến đổi nên THANH LƯƠNG, BẤT BIẾN, TỰ TẠI.
Như vậy có đầy đủ vô lượng Phật pháp chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đầy đủ không thiếu một nghĩa nào, gọi là Như Lai Tạng, cũng gọi là pháp thân Như Lai.
Đây là phần tổng kết về công đức của pháp thân. Đầy đủ VÔ LƯỢNG PHẬT PHÁP là chỉ cho mọi loại công đức. Các thứ này không ngoài chân như mà có nên nói CHẲNG LÌA. Vô thủy tương tục nên nói CHẲNG ĐOẠN. Đồng vị với chân thể nên nói CHẲNG KHÁC. Chẳng thể dùng tri thức đây mà lường định nên nói CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN.
Ngài Hiền Thủ nói “Nếu chân thể này không có tánh đức thì Như Lai chứng rồi, chẳng nên đầy đủ công đức. Còn chứng tánh rồi mà vạn đức tròn đủ thì biết chân như vốn đầy đủ vô lượng công đức. Nên nói ‘Đầy đủ không thiếu một nghĩa nào’. Khi ẩn thời có thể sản sanh ra Như Lai nên gọi là Như Lai Tạng. Khi hiển thời làm chỗ y chỉ cho vạn đức nên gọi là pháp thân”.
Hỏi : Trên nói thể chân như bình đẳng, ly tất cả tướng, vì sao đây lại nói thể ấy có mọi thứ công đức? Đã nói chân như lìa ngôn không tướng vì sao đây lại nói có đầy đủ vô lượng Phật pháp chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đầy đủ không thiếu một nghĩa nào?
Đáp : Tuy thật có các nghĩa công đức ấy nhưng không có tướng sai biệt, cùng đồng một vị chân như duy nhất. Nghĩa ấy thế nào? Bởi do không phân biệt, lìa tướng phân biệt, cho nên không hai. Lại do nghĩa gì mà nói sai biệt? Bởi y nơi tướng nghiệp thức sanh diệt mà nói.
Tuy có các nghĩa công đức ấy nhưng chúng đều đồng một vị chân như, không có tướng sai biệt. KHÔNG TƯỚNG SAI BIỆT vì không có năng phân biệt cùng sở phân biệt. Nói sai biệt đây là y nơi nghiệp thức sanh diệt mà nói, cũng như thấy sai biệt là y nơi nghiệp thức mà thấy sai biệt. Dưới là giải thích.
Vì sao nói vậy? Bởi tất cả pháp vốn chỉ là tâm, thật không có niệm. Mà có vọng tâm, bất giác niệm khởi, thấy các cảnh giới, nên nói vô minh. Tâm tánh chẳng khởi tức là nghĩa đại trí tuệ quang minh. Nếu tâm khởi thấy thì có tướng chẳng thấy. Tâm tánh lìa thấy tức là nghĩa chiếu khắp pháp giới. Nếu tâm có động thì chẳng phải là sự hiểu biết chân thật, không có tự tánh, chẳng phải thường, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, chẳng phải tịnh, nhiệt não suy biến thì chẳng tự tại, cho đến có đủ vô lượng nghĩa vọng nhiễm. Đối lại với nghĩa ấy là tâm tánh bất động, thì có vô lượng các tướng công đức thanh tịnh thị hiện. Nếu tâm khởi, lại thấy các pháp được niệm hiện trước thì có chỗ “thiếu”. Như vậy vô lượng công đức tịnh pháp tức là nhất tâm, lại không có chỗ niệm, cho nên đầy đủ, gọi là pháp thân Như Lai Tạng.
VÌ SAO NÓI VẬY là để giải thích vì sao nói y nơi nghiệp thức mà nói sai biệt. Vì tâm vốn không niệm chỉ do bất giác vọng động mà sanh cái thấy cùng cảnh giới bị thấy, rồi y nơi trí phân biệt mà pháp pháp thành sai biệt. Nếu tâm tánh không khởi, tức không bị vô minh làm động chuyển thành nghiệp thức, thì chỉ là đại trí tuệ quang minh chiếu khắp, không có tướng sai biệt. Nói vô lượng các tướng là do đối lại với vô lượng vọng nhiễm mà nói. Nghĩa là, tâm không vọng động thì pháp pháp đều chân, không có tướng sai biệt, mọi thứ trí tuệ công đức đều hiển bày nên nói ĐẦY ĐỦ. Vô lượng tướng công đức ấy không lìa nhất tâm mà có, nên nói là TỨC. Nếu tâm vọng động thì tất cả công đức trí tuệ kia đều ẩn, mọi thứ trở thành hạn cuộc, có cái thấy được có cái không thấy được. Như cái thấy hiện nay của mình, bị ràng buộc trong các căn nên không thể thấu hết mọi thứ. Đó là nghĩa THIẾU.
Pháp thân với đầy đủ công đức thanh tịnh gọi là pháp thân Như Lai Tạng.
Lại nữa, dụng chân như là chư Phật Như Lai khi còn ở tại nhân địa, phát đại từ bi, tu các ba la mật nhiếp hóa chúng sanh, lập đại thệ nguyện muốn độ hết thảy chúng sanh trong các cõi, chẳng giới hạn kiếp số, đến cùng tận vị lai. Bởi vì coi hết thảy chúng sanh như thân mình mà chẳng nắm giữ tướng chúng sanh. Nghĩa ấy thế nào? Vì là, thật biết tất cả chúng sanh cùng với thân mình, chân như bình đẳng không có sai khác.
Đây nói về dụng của chân như. NHÂN ĐỊA là chỉ cho địa vị khi mới tu, là cái nhân để có cái quả là Phật quả nên gọi là nhân địa. Dụng này có là do khi mới phát tâm tu Bồ tát đạo - địa vị Tín Thành Tựu Phát Tâm dưới - đã phát 3 thứ tâm, trong đó có tâm muốn bạt tất cả khổ cho chúng sanh. Phát tâm xong, tu 4 thứ hạnh và chuyển sang giai đoạn Giải Hạnh Phát Tâm. Từ đó trở đi, tùy thuận tu 6 độ ba la mật mới đủ năng lực thực hành hạnh nguyện đã phát này, nên nói “TU CÁC BA LA MẬT nhiếp hóa chúng sanh”. Vì sao phải tu các ba la mật? Vì không tu 6 ba la mật thì ngã tướng không hết. Không hàng phục được ngã thì nhiếp chính thân mình còn khó, huống là nhiếp người khác với thời gian vô tận.
Lập đại thệ nguyện muốn độ hết chúng sanh trong các cõi, chẳng giới hạn kiếp số, cùng tận đến vị lai là nhờ TRÍ và BI đã hiển, nên nói “Vì coi hết thảy chúng sanh như thân mình mà chẳng nắm giữ tướng chúng sanh”. “CHẲNG NẮM GIỮ tướng chúng sanh” là không dính mắc vào tướng thân tâm của chúng sanh mà mình đang nhiếp hóa. Không dính mắc vì nhận ra được mặt huyễn tướng của vạn pháp. Tuy mọi thứ là như huyễn nhưng khi đang mê thì khổ đau không như huyễn, nên vì chúng sanh đang mê mà phát bi nguyện độ hết tất cả. COI CHÚNG SANH NHƯ THÂN MÌNH vì như thật biết “Chúng sanh cùng với thân mình, chân như bình đẳng không có sai khác”.
Vì có trí đại phương tiện như vậy, trừ diệt vô minh, thấy pháp thân mình, tự nhiên có mọi thứ dụng của Bất tư nghì nghiệp, liền cùng chân như đồng khắp tất cả chỗ. Lại cũng không có tướng dụng có thể được.
TRÍ ĐẠI PHƯƠNG TIỆN, là những gì đã thực hành khi còn ở nhân địa. Do những phương tiện ấy mà trừ diệt được vô minh. Vô minh hết thì pháp thân hiển bày. Đây là cái quả tự lợi. Pháp thân hiển bày thì đối cơ ứng duyên hiện mọi thứ báo hóa thân, lợi ích khắp tất cả, nên nói “Tự nhiên có mọi thứ dụng của Bất tư nghì nghiệp”. BẤT TƯ NGHÌ NGHIỆP nói đây là chỉ cho ‘Bất tư nghì nghiệp tướng’ ở phần Tâm Chân Như. Dụng này do vô tâm mà ra, không do tác ý mà thành, nên nói “Không có tướng dụng có thể được”. Đây là nói về cái quả của lợi tha.
Vì sao? Vì chư Phật Như Lai chỉ là thân trí tướng pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế, lìa hành tác, chỉ tùy theo sự thấy nghe của chúng sanh khiến họ được lợi ích, nên nói là dụng.
VÌ SAO là để giải thích câu “Không có tướng dụng có thể được”. Vì thật tướng của chư Như Lai chỉ là chân trí quang minh, chiếu khắp v.v… không có tướng thân tâm như ta thấy thân tướng Phật Thích Ca Mâu Ni. Thân đó chỉ là hóa thân cảm ứng theo tâm chúng sanh mà hiện. Thân Như Lai thật sự thì không có hình tướng, nên nói “THÂN TRÍ TƯỚNG pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế”. THẾ ĐẾ còn gọi là tục đế, là chỉ cho những gì thuộc về thế gian. ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ còn gọi là chân đế, là chỉ cho chân lý thâm diệu như thật tướng, chân như v.v...
Không tướng, không thân, song có cảm liền ứng, khiến chúng sanh được muôn vàn lợi ích nên gọi là DỤNG. Dụng này không do tác ý mà thành nên nói LÌA HÀNH TÁC.
Dụng ấy như thế nào sẽ được làm rõ ở phần sau.
Dụng ấy có 2, thế nào là 2?
Dụng này có 2. Một là cảnh giới do tâm phàm phu và Nhị thừa cảm mà ứng ra. Hai là cảnh giới do hàng Bồ tát cảm mà ứng ra. SỞ KIẾN là chỉ cho cảnh giới ấy. Nó là đối tượng của tâm Năng Kiến. Để nguyên từ sở kiến không dịch là để nhớ, cảnh giới ấy không lìa tâm mà có. Tuy nói dụng của chư Phật, song chân tâm của chúng ta cùng với thể tánh của chư Phật bình đẳng không hai. Cho nên, Phật thân là ứng hóa thân hay báo thân đều không lìa tâm này mà có, chỉ tùy sự huân tập của ý thức hay nghiệp thức mà trên dụng thấy có sai biệt.
1. Sở kiến của tâm phàm phu và Nhị thừa, là y nơi phân biệt sự thức, gọi là ứng thân. Vì chẳng biết là chuyển thức hiện, thấy từ ngoài đến, nhận lấy phần tề của sắc, nên chẳng thể biết hết.
“SỞ KIẾN của phàm phu và Nhị thừa” là chỉ cho phần Phật thân mà phàm phu và Nhị thừa thấy được. PHÂN BIỆT SỰ THỨC là chỉ cho ý thức. Song phần ý thức này là phần ý thức ngược dòng hoàn tịnh, là phần thô của trí thủy giác. Nhị thừa không biết có thức Alaida, chưa thấu đạt lý duy tâm, thấy ngoài tâm có pháp là nghĩa của ‘phân biệt sự thức’, nên nói “Y NƠI phân biệt sự thức”. Cảnh giới Phật thân chỉ là sở kiến của tướng Năng Kiến, tùy nhiễm tịnh mà có sai biệt. Song phàm phu và Nhị thừa chỉ mới biết có ý thức, nên nói “VÌ CHẲNG BIẾT là chuyển thức hiện, thấy từ ngoài đến”. THẤY TỪ NGOÀI ĐẾN như thấy thân Phật với 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp mà không biết là duy tâm sở hiện.
PHẦN TỀ CỦA SẮC là chỉ cho sắc với từng phần, từng đoạn, có giới hạn và phân chia rõ ràng như hiện trạng ta đang thấy hiện nay. “NHẬN LẤY phần tề của sắc” tức chấp những sắc chất ấy là thật. Thấy vạn pháp thật là cái thấy bị vô minh chi phối, không phải là đại trí tuệ quang minh chiếu khắp pháp giới nên KHÔNG THỂ BIẾT HẾT.
2. Sở kiến của tâm Bồ tát từ sơ phát tâm đến cứu cánh địa, y nơi nghiệp thức, gọi là báo thân. Thân có vô lượng sắc, sắc có vô lượng tướng, tướng có vô lượng tướng tốt. Chỗ trụ y nơi quả cũng có vô lượng. Mọi thứ trang nghiêm, tùy chỗ mà thị hiện, không có bờ mé, chẳng thể cùng tận, lìa tướng phần tề, tùy chỗ cảm ứng, thường hay trụ trì, chẳng hủy, chẳng mất. Các công đức như thế, đều nhơn nơi các hạnh vô lậu ba la mật huân tập và sự huân tập chẳng thể nghĩ bàn mà được thành tựu, đầy đủ vô lượng tướng lạc nên nói là báo thân.
Vì chịu sự huân của nghiệp thức nên sở kiến của tâm Bồ tát từ khi mới phát tâm cho đến địa vị tận cùng không gọi là ứng thân mà gọi là báo thân. Bồ tát từ địa vị Tín Thành Tựu Phát Tâm đã được học hiểu về nghĩa duy tâm sở hiện, nên nói Y NGHIỆP THỨC. Dưới là nói về báo thân.
“THÂN CÓ VÔ LƯỢNG SẮC, sắc có vô lượng …” ngài Hám Sơn nói “Đây là Hoa Nghiêm Lô Xá Na Phật, thân tự độ tha không chướng không ngại, đẳng đồng pháp giới nên lìa phân ranh, chỉ là một báo cảnh chân thật”. CHỖ TRỤ Y NƠI QUẢ là chỉ cho phần y báo. Chánh báo là nhân để có cái quả là y báo nên nói chỗ trụ y nơi quả. Chánh và y báo đó là do tu tập các ba la mật như bố thí, trì giới v.v… mà có, nên nói “NHƠN NƠI CÁC HẠNH vô lậu ba la mật huân tập”. Khi thực hành sự tu tập thường hằng không bỏ ấy là ta đang nương lực chân như huân tập lại vọng tâm, khiến vô minh diệt, pháp thân hiển bày, nên nói “Nhơn NƠI SỰ HUÂN TẬP chẳng thể nghĩ bàn mà được thành tựu”.
Dưới là nói về sở kiến Phật thân của mỗi hạng vị.
Lại sở kiến của phàm phu là sắc thô, tùy theo 6 đường mà có cái thấy chẳng đồng, mọi loài khác nhau, chẳng phải là tướng thọ lạc nên nói là ứng thân.
Sắc thô là chỉ cho sắc có phần đoạn như hiện nay. “TÙY THEO 6 ĐƯỜNG mà có cái thấy chẳng đồng, mọi loài đều khác” là tùy theo tập nghiệp của từng loài mà thấy thân Phật có khác nhau. Ngài Hiền Thủ nói chúng sanh ở 3 cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh thấy thân Phật là thân đen dài 3 thước to như chân voi, cõi Trời thì thấy Phật là thần cây hay thiên thần … Tất cả đều chẳng phải là tướng xuất thế nên CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG THỌ LẠC. Còn Nhị thừa thì thấy Phật là bậc thánh A La Hán xuất thế.
Lại nữa, sở kiến của các bậc Bồ tát sơ phát tâm là do tin sâu pháp chân như nên hiểu được ít phần. Biết sắc tướng và các sự trang nghiêm này không đến không đi, lìa hẳn phần tề, chỉ y tâm hiện, chẳng lìa chân như, nhưng các vị Bồ tát ấy còn tự phân biệt, bởi chưa nhập được vị pháp thân.
Sở kiến của Bồ tát thì khác với phàm phu và Nhị thừa. Phàm phu và Nhị thừa vẫn cho thân tâm và cảnh giới quanh mình là thật. Bồ tát dù là sơ phát tâm, tuy chưa thấu đạt vạn pháp vô ngã nhưng đã BIẾT vạn pháp duy thức nên nói “BIẾT SẮC TƯỚNG và các sự trang nghiêm …”. Cái BIẾT này tuy còn trong giới hạn của sự học hỏi và lòng tin, nhưng nó là kim chỉ nam cho việc tu tập cũng như cách hành xử của hàng Bồ tát này.
BỒ TÁT SƠ PHÁT TÂM nói đây là chỉ cho những vị chưa chứng được chân như. Tức bao gồm 2 hạng Tín Thành Tựu và Giải Hạnh nói trong phần Tướng Đạo Phát Tâm sau. Song nói TIN SÂU, thì biết đây đặt nặng ở hạng Giải Hạnh. Hạng này, về LÝ thì đã được thâm hiểu rõ ràng lý chân như, về SỰ thì đã giác vào tướng dị, đã được ‘tương tợ giác’.
CÒN TỰ PHÂN BIỆT là muốn nói : LÝ thì biết như vậy nhưng trên SỰ thì chưa được hoàn toàn như LÝ, phải dụng công tu tập và dùng pháp đối trị nhiều. Theo kinh và luận đây thì phải đến địa vị Bát Địa trở về sau SỰ và LÝ mới viên dung. Đây là chỗ tâm chứng của chư Tổ.
Nếu đạt được tâm thanh tịnh thì sở kiến vi diệu, dụng của nó trở nên thù thắng, cho đến Bồ tát địa tận thấy được cứu cánh. Nếu lìa nghiệp thức thì không Kiến Tướng. Vì pháp thân của chư Phật không có sắc tướng đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy.
Đây là nói về phần sở kiến tế của hàng Bồ tát Thập Địa. Không phải là ứng hóa thân với sắc thô như của phàm phu và Nhị thừa, nên nói “Dụng của nó TRỞ NÊN THÙ THẮNG”. Tâm càng thanh tịnh thì sở kiến càng vi diệu, tức không cần đến sự dụng công mà tâm càng KHÔNG bao nhiêu thì báo thân càng vi diệu bấy nhiêu. THẤY ĐƯỢC CỨU CÁNH là thấy được chỗ rốt ráo sanh ra thức tâm. KIẾN TƯỚNG, để nguyên âm Hán như vậy vì có nhiều nghĩa : Người cho nó là Năng Kiến Tướng. Người cho nó là KIẾN và TƯỚNG. Kiến là chỉ cho cái thấy. Tướng là chỉ cho cái bị thấy. Nếu Việt dịch thì thành TƯỚNG THẤY. Do trong bộ luận, không thấy dùng từ TƯỚNG để chỉ cho cái bị thấy mà chỉ thấy dùng từ Cảnh Giới Tướng. Nếu Việt dịch thì nó cũng chỉ cho tướng Năng Kiến. Nên đây chọn nghĩa của kiến tướng là NĂNG KIẾN TƯỚNG. Song dù dùng theo cách nào thì ý cũng như nhau. Vì một khi năng kiến xuất hiện thì sở kiến cũng xuất hiện, chỉ là thô hay tế mà thôi.
LÌA NGHIỆP THỨC là chỉ cho cảnh giới của người tu khi đạt được cội nguồn chân thật, là thể nhập thể tánh của vạn pháp. Lúc ấy không có năng thấy sở thấy, nói chính xác là không còn năng biết sở biết. Không năng biết nhưng không gì chẳng biết. Vì không năng biết mà không biết gì hết là đang ngủ gục hay rơi vào hang ổ của vô minh.
“Pháp thân của chư Phật KHÔNG CÓ SẮC TƯỚNG đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy” là muốn hiển bày, pháp thân không phải là đối tượng của cái thấy cũng như sự nhận biết. Đó là do đã lìa nghiệp thức nên không có Kiến Tướng cùng Cảnh Giới Tướng. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến”. Khi thấy tánh thì cái thấy ấy không có thấy. Ngài Hám Sơn nói “Chân thể pháp thân là nhất tâm chân nguyên, chẳng thuộc mê ngộ, chẳng mượn duyên sanh. Chính cái thiên chân này là chánh nhân Phật tánh, nên ý tóm kết đây là chuẩn mực để hiểu về chỗ rốt ráo vậy”. Nghĩa là, muốn biết mình đã thấy được chỗ rốt ráo chưa thì cứ lấy đoạn kết này làm tiêu chuẩn. Nếu chưa thì tiếp tục công phu đến khi nào thâm nhập được những điều luận đã nói đây mà tâm không còn chút nghi ngờ.
SƠ ĐỊA tuy cũng chứng pháp thân nhưng chỉ mới chứng được cái thể, gọi là nhân Phật tánh. Luận đây gọi là ‘không’, chỗ khác nói ‘tánh không’. Còn ở quả vị Phật thì nhân đã tròn đầy nên thể, tướng và dụng đầy đủ. Luận đây gọi là ‘không, bất không’, chỗ khác nói ‘Chơn không diệu hữu’. Đây là cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm. Trên mặt lý thì TÁNH KHÔNG hay CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU không khác, song khác tên là do một bên chỉ nói đến thể, một bên đã đủ thể - tướng - dụng. Cái khác này là do sự gọt giũa vô minh có cạn sâu, không phải tự chân như có sai khác. Như phần trên nói về dụng của tự tánh và dụng của chân như vậy. Song dù chỉ mới là thể hay đầy đủ cả thể - tướng - dụng thì tất cả đều không thuộc cái thấy năng sở của ta hiện nay.
Cho nên, ngồi thiền mà còn thấy đủ thứ thì chưa dính gì đến việc thấy tánh, huống chỉ mới tin tâm là Phật. Song thấy tánh rồi thì sao? Cũng phải tu 2 a tăng kỳ nữa mới thành Chánh đẳng chánh giác. Cũng phải giác 5 tướng Tương Tục, Trí Tướng, Cảnh Giới, Năng Kiến và Nghiệp Tướng mòn con mắt đến khi chúng hiện nguyên hình là vọng mới thôi. Không phải kiến tánh là xong. Hòa thượng Trúc Lâm nói KIẾN TÁNH KHỞI TU. Nó có thể áp dụng cho người mới tin mà tu, lúc ấy tu là có tu. Cũng có thể áp dụng cho người đã thật kiến tánh mà tu, thì tu mà không tu, nhưng không hẳn là không tu. Đến khi vọng tưởng đều dứt, huyễn cảnh thật sự hiển bày, lúc ấy mới thật là tu mà không tu.
Hỏi : Nếu pháp thân của chư Phật lìa sắc tướng, vì sao hay hiện sắc tướng? Hỏi để hiểu vì sao pháp thân lìa sắc tướng mà có thể hiện sắc tướng?
Đáp : Pháp thân ấy chính là thể của sắc nên hay hiện sắc. Nghĩa là, từ xưa đến nay, sắc và tâm chẳng phải hai. Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân. Bởi trí tánh tức là sắc nên gọi là pháp thân khắp giáp tất cả chỗ. Sắc sở hiện ấy không có phần tề, tùy tâm hay hiện mười phương thế giới, vô lượng Bồ tát, vô lượng báo thân, vô lượng trang nghiêm, mỗi mỗi sai biệt, đều không có phần tề mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau. Đó chẳng phải là chỗ thức tâm phân biệt có thể biết, vì nó là dụng của chân như tự tại.
Pháp thân Như Lai có 2 thứ : LÝ PHÁP THÂN là chỉ cho tánh thể tịnh sáng mà chúng sanh và Phật đồng, xưa nay ly niệm, khắp giáp tất cả chỗ. TRÍ PHÁP THÂN là trí rốt ráo của thủy giác khế hợp hoàn toàn với lý bản giác. Ngài Hàm Thị nói “Mê lý pháp thì thành vọng giác, theo nhân duyên vọng giác ấy mà có 12 loại thân trong 3 cõi. Ngộ lý pháp thì chuyển vọng giác làm thủy giác. Thủy giác hợp nhất với bản giác thành căn bản trí. Do sức căn bản trí vô tác này cảm phát bi nguyện mà báo và hóa thân thành tựu”. Đây là LÝ và TRÍ dung nhau. Sắc và tâm chẳng phải hai. SẮC nói đây là chỉ cho sắc thân Phật, tức là báo và hóa thân.
BÁO THÂN có 2 thứ : TỰ THỌ DỤNG THÂN là viên mãn báo thân, do chư Phật trải qua vô số kiếp tu tập thiện căn mà cảm nên, khắp giáp cả pháp giới, thân và cõi chẳng lìa nhau, gọi là thật báo trang nghiêm độ. Thân này chư vị Bồ tát chỉ được nghe tên chứ không thể thấy. THA THỌ DỤNG THÂN là thân do cảm với từng căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện. Đây là do chư Phật muốn chư vị Bồ tát thọ đại pháp lạc, tiến tu thắng hạnh mà tùy nghi ứng hiện.
Các thứ sai biệt của báo thân gọi là hóa thân. HÓA THÂN có 3 thứ : ĐẠI HÓA là chỉ cho thân Lô Xá Na ngàn trượng, hoặc hiện vi trần vô số tướng tốt... gia bị cho Bồ tát Đại thừa. TIỂU HÓA là chỉ cho thân vàng một trượng sáu với 32 tướng tốt... ứng cho Tiểu thừa, trời và người. TÙY LOẠI HÓA là tùy loài mà hóa hiện như voi lớn, anh võ, vượn, nai, Chuyển luân thánh vương... Báo và hóa này đều nhiếp thuộc sắc thân, từ trí pháp thân mà được. Trí pháp thân, luận đây gọi là TRÍ THÂN.
SẮC là từ TRÍ THÂN mà hiện. Song TRÍ THÂN tức là PHÁP THÂN. Vậy PHÁP THÂN chính là tánh thể của SẮC, nên nói “Pháp thân ấy chính là thể của sắc nên hay hiện sắc. Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân”.
SẮC và TRÍ vốn không hai, nên nói “Bởi SẮC TÁNH chính là TRÍ nên thể của sắc không hình. Bởi TRÍ TÁNH tức là SẮC nên gọi là pháp thân khắp giáp tất cả chỗ”. SẮC là thứ được hiện từ TRÍ nên gọi là SẮC SỞ HIỆN.
PHẦN TỀ là có hạn định, phân ranh, không toàn nhất. Chúng là những thứ được thấy bởi nghiệp thức phân biệt. Pháp thân thì lìa nghiệp thức, chỉ là một thể toàn nhất, không có bờ mé, nên sắc sở hiện của nó không có bờ mé cũng không phân ranh. Vì vậy nói “Sắc sở hiện ấy không có phần tề”. TÙY TÂM là tùy theo căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện. Có cảm liền ứng không chướng ngại, khắp giáp tất cả chỗ nên nói HIỆN MƯỜI PHƯƠNG THẾ GIỚI.
“VÔ LƯỢNG BỒ TÁT ... mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau” là nói về cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm. Ngài Hám Sơn nói “Sở dĩ trong biển Hoa Nghiêm, các độ duyên khởi trùng trùng vô tận, mỗi mỗi giao kết với nhau là do lý sự vô ngại nên được sự sự vô ngại. Đây chẳng phải là chỗ biết của thức tâm. Đều là đại dụng của chân như tự tại”. THỨC TÂM là chỉ cho tâm thức hiện tại mình đang dùng nó để quan sát mọi sự mọi vật đây. Bởi nó bị chi phối bởi thức phân biệt nên mọi thứ trở thành có phân ranh, ngăn ngại. DỤNG CỦA CHÂN NHƯ là chỉ cho báo hóa thân Phật.
Phần Hiển Thị Chánh Nghĩa được phân làm 2 là Tâm Chân Như và Tâm Sanh Diệt, là muốn hiển bày từ nhất tâm chân như khởi thành 2 môn phân biệt, động và tịnh chẳng phải một. Sau là hiển động và tịnh chẳng phải hai. Nhờ cái không hai này mà chúng sanh mới có thể thành Phật.
Lại nữa, hiển thị từ môn sanh diệt ngay đó mà nhập môn chân như. Nghĩa là, truy tìm 5 ấm, sắc và tâm cùng cảnh giới 6 trần rốt ráo đều vô niệm. Vì tâm không hình tướng, tìm khắp mười phương chẳng thể được. Như người mê nên lầm đông là tây mà phương hướng thật chẳng dời đổi. Chúng sanh cũng vậy. Bởi vô minh mà lầm nên cho tâm là niệm. Tâm thật chẳng động. Nếu hay quán xét biết tâm vô niệm thì được tùy thuận vào môn chân như.
HIỂN THỊ là nêu bày. “Từ môn sanh diệt NGAY ĐÓ MÀ NHẬP môn chân như” là ngay nơi tâm sanh diệt đây mà về lại cái không sanh diệt. Về bằng cách nào? Nhận ra đúng bản chất của tâm sanh diệt tức là đang tùy thuận với tâm không sanh diệt.
SẮC là chỉ cho sắc ấm. TÂM chỉ cho thọ, tưởng, hành. thức ấm. “TRUY TÌM 5 ấm, sắc và tâm cùng cảnh giới 6 trần rốt ráo đều vô niệm” là quán tận đến cội nguồn của sắc tâm cùng cảnh giới 6 trần thì thấy tất cả đều vô niệm. Vốn vô niệm nhưng do bất giác vọng động mà thành sắc tâm cùng cảnh giới 6 trần, niệm niệm tương tục. Lại nhận cái sắc ấy làm thân, nhận cái tâm niệm niệm tương tục ấy làm tâm mà quên mất cội nguồn vô niệm. Luận đây dùng ví dụ “NHƯ NGƯỜI MÊ lầm đông là tây mà phương hướng thật chẳng đổi” để ta hình dung về cái lầm đó của mình. NHƯ NGƯỜI MÊ là chỉ cho người không tỉnh, hay lầm lẫn. Do lầm lẫn nên dù đang đứng ở phương đông nhưng vẫn cho là phương tây. Nói tây là do lầm mà nói chứ phương đông vẫn là phương đông chẳng hề thay đổi. Đang trong tâm vô niệm nhưng do lầm nên không nhận tâm vô niệm ấy mà chỉ nhận những tơ tưởng, suy nghĩ, vui, buồn là tâm mình, rồi nhận cảnh giới hư vọng bên ngoài là thế giới của mình. Song nhận đó là tự mình nhận chứ không phải tâm và cảnh vốn như vậy. Tâm và cảnh vốn vô niệm. Chỉ vì nhận những thứ hư vọng là mình nên sự hư vọng mới nối tiếp mà che mờ cái không hư vọng. Ý là, dù trong cảnh giới nào, chúng ta vẫn không hề rời cái chân thật, chỉ cần ngay nơi cảnh giới ấy mà quán thấy tướng hư vọng của nó là mình đang trở về cái chân thật của mình.
Do vô minh mới lầm niệm là tâm, nên nói “BỞI VÔ MINH mà lầm, nên cho tâm là niệm”. TÂM THẬT CHẲNG ĐỘNG là nói về thực chất cái gọi là tâm. Nếu thật là tâm mình thì nó không động, không có tướng sanh diệt. Thứ gì là sanh diệt vọng động thì thứ ấy không phải tâm chân thật của mình.
“NẾU HAY QUÁN XÉT biết tâm vô niệm” là phương cách tu tập để nhập môn chân như. HAY là thường hằng. QUÁN XÉT biết tâm vô niệm là quán tất cả những niệm tưởng hiện lên trong tâm đều không có thật thể. Như Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Biết tất cả là vọng”. Biết là vọng thì không để những thứ ấy dẫn thành hành động mà tạo nghiệp thọ khổ, nên nói BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Biết được vậy là mình đang tùy thuận để nhập môn chân như. Được vô niệm là nhập môn chân như.
Ngài Hám Sơn nói “5 ấm của chúng sanh đều nhơn nơi nhất niệm mà có. Nay bất tất phải so đo chúng sanh là chân hay là giả? Chỉ cần quán chỗ khởi của nhất niệm vốn tự vô niệm. Vô niệm tức vô sanh. Vô sanh thì chúng sanh vốn không, lại hỏi có sắc tâm cùng các pháp ư? Sở dĩ dạy quán thẳng vô niệm là vì quán vô niệm là đốn ngộ ngay môn chân như vậy. Một cái thuật quán vô niệm này là yếu chỉ tu hành bí truyền của Phật Tổ. Nên Tổ Đạt Ma từ Tây sang dạy Nhị Tổ ‘Đem tâm ra ta an cho!’. Nhị Tổ trả lời ‘Con tìm tâm chẳng thể được”. Lục Tổ cũng nói “Xưa nay không một vật’. Các Tổ về sau không gì là không chỉ rõ cảnh giới ly niệm. Nên nay tham thiền, chẳng biết ý chỉ vô niệm, lại khởi mọi thứ tư lương huyền diệu, há là ý của Tổ sư từ Tây sang ư? Chẳng phải chỉ có một luận này mà ngay cả toàn bộ Đại Tạng 1700 tắc cũng đều qui về một câu vô niệm. Học giả nên ghi nhớ điều này”.
Phần Hiển Thị Chánh Nghĩa đã xong. Sau là phần Đối Trị Tà Chấp, là phần thứ 2 của chương Giải Thích. Đối trị tà chấp
Tất cả tà chấp đều nương nơi ngã kiến. Nếu lìa ngã thì không có tà chấp. Ngã kiến này có 2 loại. Thế nào là 2? Một là nhân ngã kiến, hai là pháp ngã kiến.
Những gì không phù hợp với Lý Duyên Khởi gọi là TÀ. Ôm chặt những thứ ấy làm của riêng gọi là CHẤP.
NGÃ KIẾN là chỉ cho những quan niệm cho rằng vạn sự vạn vật ở đời này đều có chủ tể hoặc tự tánh của riêng nó. Nói cách khác, ngã kiến là cái kiến cho rằng các pháp ở thế gian là thật có hay thật không. Vì quan niệm vạn pháp đều có chất thật mà sanh ra vô số những quan niệm sai lệch khác, nên nói “Tất cả tà chấp đều NƯƠNG NƠI NGÃ KIẾN”.
Tà chấp nương vào ngã mà có thì lìa ngã đương nhiên chẳng còn tà chấp, nên nói “Nếu LÌA NGÃ thì không có tà chấp”.
Cái thấy vạn pháp là thật này bao gồm 2 thứ là nhân ngã kiến và pháp ngã kiến. Nghĩa của nhân ngã kiến và pháp ngã kiến sẽ được giải thích rõ ở những phần sau.
A. Nhân ngã kiến
Y nơi phàm phu mà nói thì có 5 loại. Thế nào là 5? NHÂN NGÃ KIẾN này, phàm phu hay vướng phải nên nói “Y phàm phu mà nói”. Theo cách phá của 5 loại nhân ngã kiến dưới thì hạng phàm phu nói đây không phải là hạng phàm phu bình thường mà là những người đã có sự hiểu biết đối với Phật pháp, song chưa được sâu xa. Ngài Hiền Thủ nói “Đây là sự vọng khởi của những người mới học Đại thừa trong Phật pháp do lầm giáo mà ra, chẳng phải là chỗ khởi của ngoại đạo”.
1. Nghe Tudala nói “Pháp thân Như Lai rốt ráo vắng lặng giống như hư không”. Bởi chẳng biết chỉ là phá sự dính mắc, lại cho hư không là tánh Như Lai.
Pháp thân Như Lai không sắc tướng lại trùm khắp nên mượn hình ảnh hư không để người đời tạm hình dung về pháp thân Như Lai, cũng là để người hiểu Như Lai không phải là thân tướng với 32 vẻ đẹp v.v… Song nghe nói như hư không lại chấp ngôn làm nghĩa, cho hư không chính là pháp thân Như Lai. Đây là điều sai lầm. Phần dưới giải thích nhằm phá bỏ tư tưởng cho pháp thân Như Lai là hư không.
Làm sao đối trị? Phải rõ tướng hư không là pháp hư vọng, không có thật thể, vì đối với sắc mà có, là tướng bị thấy, khiến tâm sanh diệt. Bởi tất cả sắc pháp vốn là tâm, thật không có sắc bên ngoài. Nếu không có sắc thì không có tướng hư không. Nghĩa là, tất cả cảnh giới chỉ từ nhất tâm vọng khởi mà có. Nếu tâm lìa vọng động thì tất cả cảnh giới đều diệt, chỉ là nhất chân tâm, không chỗ nào là chẳng khắp. Đây là nghĩa rốt ráo về tánh trí quảng đại của Như Lai, chẳng phải như tướng hư không.
Có 2 điểm để thấy hư không không phải là pháp thân Như Lai.
a. Hư không là pháp duyên khởi với sắc. Duyên khởi thì không có thật thể. Sắc và hư không là do tự tâm bất giác mà hiện.[37] Không bất giác thì sắc và hư không đều không. Vì thế, hư không không phải là pháp thân Như Lai. Vì pháp thân Như Lai thì rốt ráo vắng lặng, không phải là pháp nhờ duyên mới có.
b. Hư không là pháp bị thấy, trong khi pháp thân Như Lai thì lìa năng sở đối đãi, không năng kiến, sở kiến.
Phẩm ‘Phá Lục Chủng’ của Trung Luận cũng là để phá vào phần chấp hư không này. Đây cũng phá luôn cái thấy của những hành giả khi tu thiền định, thân mất và tâm trải đồng với hư không, lại chấp cái hư không được thấy ấy là pháp thân.
2. Nghe Tudala nói “Các pháp thế gian, thể rốt ráo thì không” cho đến “Pháp niết bàn chân như cũng rốt ráo không, xưa nay tự không, lìa tất cả tướng”. Bởi chẳng biết là do phá sự dính mắc, lại cho tánh của niết bàn chân như chỉ toàn là không.
Vì người đời chấp TƯỚNG hiện thấy đây có thật tánh nên nói tất cả đều không, là muốn nói những tướng đó chỉ như mộng huyễn bào ảnh không có tánh thật. Do nghe ‘không’ lại tưởng tất cả đều thành không ngơ, nên cho niết bàn chân như cũng không. Đây là cái thấy rơi vào đoạn diệt.
Làm sao đối trị? Phải rõ pháp thân chân như, tự thể chẳng không vì đầy đủ vô lượng tánh công đức.
LÀM SAO ĐỐI TRỊ là làm sao trị được bịnh chấp đó? Giải thích : Pháp thân chân như tuy không, nhưng cái không này cũng không, nên đầy đủ vô lượng tướng công đức chẳng thể nghĩ bàn, không phải là không ngơ vô tri vô giác như thuyết đoạn diệt của ngoại đạo.
3. Nghe Tudala nói “Như Lai Tạng không có tăng giảm, thể của nó sẵn đủ tất cả pháp công đức”. Vì chẳng hiểu, liền cho Như Lai Tạng có pháp sắc tâm, tự tướng sai biệt.
SẮC TÂM nói đây là sắc tâm nói ở phần “Vì sao pháp thân lìa sắc mà hay hiện sắc”, là chỉ cho Như Lai Tạng đầy đủ các công đức. SẮC là chỉ cho sắc báo hóa thân của Phật. Do quen sử dụng cái ‘một, khác, ít, nhiều’ của tâm phân biệt, nên khi nghe nói TẤT CẢ TƯỚNG CÔNG ĐỨC, liền chấp rằng các sắc công đức ấy có tự tướng sai biệt. tức cho sắc và tâm đều có tự thể sai biệt riêng lẻ của nó. Vì có riêng lẻ mới nói TẤT CẢ. Đây là chấp tánh đức đồng với pháp hư vọng.
Làm sao đối trị? Đó chỉ là y nơi nghĩa chân như mà nói. Nói sai biệt là nhơn nơi sự thị hiện của nghĩa nhiễm ô sanh diệt mà nói.
SẮC báo hóa thân của Phật là dụng của chân như nên chỉ khi lìa nghiệp thức phân biệt thì sắc báo hóa thân ấy mới đầy đủ. Đã không phân biệt thì “Sắc và tâm chẳng phải hai” mà “Sắc sở hiện ấy cũng không có phần tề”. Không hai không phân ranh thì không có tự tướng sai biệt. Nói TẤT CẢ là do đối với các tướng nhiễm ô sanh diệt sai biệt khi tâm động mà nói, không phải vì bản thân nó có nhiều thứ sai biệt mà nói ‘tất cả’.
4. Nghe Tudala nói “Tất cả pháp nhiễm ô sanh tử ở thế gian đều y nơi Như Lai Tạng mà có. Tất cả pháp chẳng lìa chân như”. Vì chẳng hiểu, lại cho tự thể Như Lai Tạng có đủ tất cả pháp thế gian sanh tử ...
Nói “Tất cả pháp nhiễm ô sanh tử ở thế gian đều y nơi Như Lai Tạng mà có. Tất cả pháp CHẲNG LÌA CHÂN NHƯ” là muốn nói pháp thế gian không ngoài tâm mà có, chúng không có thật thể. Do không hiểu lại chấp vào chữ LÌA, cho tất cả pháp thế gian sanh tử không bao giờ lìa được Như Lai Tạng. Có Như Lai Tạng là có pháp nhiễm ô sanh tử. Đây là chấp vọng làm chân.
Làm sao đối trị? Bởi Như Lai Tạng, từ xưa đến nay, chỉ có vô lượng các công đức thanh tịnh, chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác nghĩa chân như. Còn vô lượng pháp nhiễm ô phiền não chỉ là vọng có, tánh vốn tự không, từ vô thủy đến nay chưa từng cùng Như Lai Tạng tương ưng. Nếu thể của Như Lai Tạng có pháp hư vọng mà cho rằng chứng đắc có thể dừng hẳn được vọng, ắt không có việc này.
Pháp nhiễm ô sanh tử là do vô minh bất giác tâm động mà sanh cái thấy cùng cảnh giới bị thấy, từ đó có nhiễm ô sanh tử. Vô minh hết thì những thứ ấy cũng không, chỉ còn lại vô lượng tướng công đức mà thôi. Như do mắt bịnh mà thấy trong hư không có hoa đốm. Một khi mắt hết bịnh thì hoa đốm cũng không.
“Nếu thể của Như Lai Tạng CÓ pháp hư vọng mà CÓ THỂ CHỨNG ĐẮC dừng hẳn được vọng …” là, nghĩa của câu này đặt nặng ở chữ CÓ. Nghĩa là, nếu pháp hư vọng ấy là thứ thật có trong Như Lai Tạng, tức chúng không phải là vọng thì khi chứng được quả vị Phật rồi, cái thật có ấy không thể hết. Trên thực tế, những thứ ấy không còn khi Như Lai Tạng hiển lộ hoàn toàn. Thì biết, những thứ ấy không có chất thật, không phải là thứ có sẵn trong Như Lai Tạng. Câu kết này chủ yếu cho thấy, nói Y hay nói KHÔNG LÌA là muốn hiển bày pháp sanh tử thế gian chỉ là một loại vọng pháp, chỉ do tự tâm bất giác vọng hiện. Không bất giác thì không. Chấp CÓ là rơi vào tà kiến.
5. Nghe Tudala nói “Y Như Lai Tạng nên có sanh tử. Y Như Lai Tạng nên đắc niết bàn”. Do chẳng hiểu nên nói chúng sanh có chỗ khởi đầu. Do thấy có khởi đầu nên nói niết bàn Như Lai đạt được có tận chung, trở lại làm chúng sanh.
Đây là chấp sanh diệt có thật tánh. Y NHƯ LAI TẠNG nên có sanh tử là muốn nói sanh tử không có chất thật, không có nơi chốn, chỉ do bất giác mà có. Do không hiểu, nghe “Y NHƯ LAI TẠNG nên có sanh tử” lại tưởng chân có trước, vọng có sau nên chấp chúng sanh có chỗ khởi đầu. Một khi đã cho có chỗ khởi đầu thì chấp niết bàn là chỗ tận chung, trở lại làm chúng sanh.
Cái chấp này tương tự như cái chấp của các vị ngoại đạo cho cái mờ mờ mịt mịt là ban sơ (minh sơ) và từ cái ban sơ ấy sanh ra sự hiểu biết (giác) v.v... Với họ, đắc niết bàn chính là lúc chúng sanh tận chung hoàn trở về chỗ mờ mờ mịt mịt ấy. Vì cái mờ mờ mịt mịt ấy không phải là cội nguồn chân thật, nên thấy nhập niết bàn rồi lại thấy xuất niết bàn sanh ra sự hiểu biết, liền cho chúng sanh đắc niết bàn xong trở lại làm chúng sanh. Đây là chỗ ngoại đạo chứng thực qua quá trình thiền định, không phải là những suy luận suông trên sách vở. Vì thế những kiến giải này có khi trở thành những kiến chấp rất kiên cố.
Làm sao đối trị? Bởi Như Lai Tạng không có mé trước nên tướng vô minh cũng không có khởi đầu. Nếu nói ngoài tam giới lại có chỗ khởi đầu của chúng sanh là kinh của ngoại đạo nói. Như Lai Tạng không có mé sau, niết bàn mà chư Phật đạt được tương ưng nên cũng không có mé sau.
Thấy các pháp có trước sau hạn định là do mê Như Lai Tạng mà thấy như vậy. Như Lai Tạng vốn không có bờ mé nên không có chỗ khởi đầu cũng không có chỗ chấm dứt. Vọng pháp là do Như Lai Tạng bất giác mà khởi, làm sao có chỗ khởi đầu và chấm dứt? Chẳng qua do mê mà thấy như vậy. Hết mê thì chỉ là một thể thường nhất không có bờ mé.
“NGOÀI TAM GIỚI lại có chỗ khởi đầu” là cho niết bàn chính là chỗ khởi đầu sanh ra tam giới như trường hợp minh sơ sanh ra sự hiểu biết trên. Cái chấp này tương tự cái chấp có bổn tế từ đó phát sanh vạn vật trong Trung Luận. Đây là chấp niết bàn có chỗ nơi.
B. Pháp ngã kiến
Do Nhị thừa độn căn nên Như Lai vì họ mà nói nhân vô ngã. Vì chỗ nói chẳng phải là cứu cánh, thấy có pháp ngũ ấm sanh diệt, sợ hãi sanh tử, vọng thủ niết bàn.
Pháp ngã kiến là chỉ cho chỗ chấp của Nhị thừa. Nhị thừa gồm 2 hạng là Thanh văn và Duyên giác. PHÁP NGÃ KIẾN là cái thấy cho rằng vạn pháp là có thật : Tuy thấy ngũ ấm vô ngã nhưng vẫn cho sanh tử và niết bàn là thật nên thấy ngũ ấm diệt mà hiện niết bàn.
ĐỘN CĂN là căn tánh không được sáng. Không sáng đây là so với trí tuệ của chư vị Bồ tát đăng địa và các Như Lai, không phải so với phàm phu mà nói là độn căn. Chỉ mới giác ngộ được nhân vô ngã mà chưa thấy được pháp vô ngã, chưa thấy được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, nên chư vị bỏ cái này nắm cái kia, sợ sanh tử mà níu niết bàn. Đây cũng giống như bỏ trăng trong lạch mà bắt trăng trên sông, cũng chỉ là bóng mặt trăng không phải mặt trăng thật, nên nói VỌNG THỦ. Bởi còn vọng thủ mà nói ĐỘN CĂN.
Làm sao đối trị? Vì pháp ngũ ấm, tự tánh chẳng sanh thời không có diệt, vốn vẫn là niết bàn. Lại nữa, chỗ cứu cánh thì lìa vọng chấp. Phải biết nhiễm pháp tịnh pháp đều là tương đãi, không có tự tướng có thể nói. Cho nên tất cả pháp từ xưa đến nay, chẳng phải sắc chẳng phải tâm, chẳng phải trí chẳng phải thức, chẳng phải có chẳng phải không. Rốt ráo thì chẳng có tướng có thể nói. Mà có ngôn thuyết, phải biết đó là phương tiện thiện xảo của Như Lai, mượn lấy ngôn thuyết để dẫn đạo chúng sanh, còn chỉ thú của ngài đều là ly niệm qui về chân như. Vì niệm tất cả pháp khiến tâm sanh diệt, chẳng nhập được thật trí.
Cách đối trị là nêu bày thật tánh của ngũ ấm và niết bàn. Sanh hay diệt chỉ do mê mà thấy. Pháp vốn chẳng sanh nên chưa từng diệt. Thấy diệt là do vọng chấp mà ra. Song chỗ cứu cánh thì lìa vọng chấp. CHỖ CỨU CÁNH là chỉ cho cội nguồn chân thật nhất tâm. Chỗ cứu cánh thì lìa vọng chấp vì còn chấp là còn thấy vạn pháp là thật. Chấp sanh tử tức thấy sanh tử thật, chấp niết bàn tức thấy niết bàn thật. Nếu không thật vì sao lại chấp? Đã níu giữ tức đã có tâm thấy thật. Song nếu thật trở về được với cội nguồn chân thật thì phải có cái trí thấy vạn pháp như huyễn, sanh tử niết bàn như hoa đốm trong hư không, không còn gì để chấp. Vì thế, nói “Chỗ cứu cánh thì LÌA VỌNG CHẤP”.
TƯƠNG ĐÃI là đợi chờ nhau mà thành, là muốn nói đến tính duyên khởi của pháp, như nói về nhân duyên và nhân quả. NHÂN DUYÊN thì phải có DUYÊN mới gọi là NHÂN, hoặc như duyên thì phải có NHÂN mới gọi là DUYÊN. Nhân quả cũng vậy. Phải có cái này, cái kia mới có danh có phận, mới xuất hiện ở cõi đời này. Do phải đợi nhau mới thành nên gọi là PHÁP TƯƠNG ĐÃI.
Tất cả pháp thế gian đều do nhân duyên sanh, nên đều là pháp tương đãi. Đặc tính của pháp tương đãi là không tánh. Nếu có tánh thì nó phải tự có, duy nhất và thường trụ. Song nếu tự có thì không phải đợi nhau. Đã đợi nhau thì biết là không tánh. Vì thế nói “Không có tự tướng có thể nói”. ĐỢI NHAU mới thành thì không thể là TỰ. Tướng ấy không tánh nên không có TỰ TƯỚNG.
CHO NÊN, là từ những việc nói đó mà hiểu ra một điều là, thật tánh hay thật tướng của vạn pháp vốn không phải sắc cũng không phải tâm, không phải là trí cũng không phải thức … Do chúng sanh lập CÓ mà phải đưa về KHÔNG, chúng sanh dùng THỨC nên mới có vấn đề TRÍ … Còn thật tướng của 2 mặt tương đãi ấy thì không phải THỨC cũng không phải TRÍ, không phải CÓ cũng không phải KHÔNG. Vì không phải nên mới có thể tùy duyên mà thành TRÍ hay thành THỨC, thành CÓ hay thành KHÔNG … Trong kinh Lăng Già, đức Phật trả lời 108 câu của ngài Đại Huệ bắt đầu bằng một từ PHI. Trung Quán Luận mở đầu bằng 4 vế đối đãi “Chẳng sanh cũng chẳng diệt, chẳng đến cũng chẳng đi …”. Nói CHẲNG PHẢI là muốn hiển bày “RỐT RÁO chẳng có tướng có thể nói”. Sanh tử hay niết bàn chỉ là pháp đối đãi. Bởi có sanh tử mà nói niết bàn. Không sanh tử thì niết bàn cũng chẳng lập. Không lập thì không trụ. Không trụ mới là niết bàn.
Rốt ráo thì chẳng có tướng có thể nói. Còn nói dài dòng văn tự đây chẳng qua chỉ là phương tiện mà thôi. PHƯƠNG TIỆN là chỉ cho những thứ chưa phải là cứu cánh như văn từ, chữ nghĩa, pháp môn … Khéo và hay thì gọi là THIỆN XẢO. Nói khéo và hay vì nó phù hợp với căn cơ của chúng sanh mà không rời khỏi LÝ, tức vừa khế lý vừa khế cơ, khiến người có thể nương đó mà đến được chỗ rốt ráo là vô niệm.
CHỈ THÚ là mục đích mà Như Lai muốn nhắm đến. Nói nhiều thứ như thế nhưng chủ ý của ngài chỉ muốn chúng sanh “LY NIỆM qui về chân như”, vì chân như vốn vô niệm. Nếu ai một bước có thể ‘ly niệm’ rồi ‘vô niệm’ như Lục Tổ thì không cần văn tự cũng chẳng cần Niệm Phật, Chỉ Quán Song Hành hay Biết Vọng Không Theo. Song sanh ra đời thì ai cũng đầy vọng niệm. Con nít nằm nôi cũng ú ớ luôn miệng. Người lớn, mở mắt suy nghĩ đã đành, nhắm mắt cũng mơ này mơ kia, làm đủ thứ chuyện. Nếu không nương vào kinh luận và các pháp môn thì khó mà gạt bỏ dòng vọng tưởng để tùy thuận chân như.
Như vậy, phương tiện thì không phải là chỗ cứu cánh nhưng là thứ giúp chúng sanh ly niệm để quay dần về cảnh giới vô niệm của tâm. Vô niệm mới là chỗ rốt ráo. Rốt ráo thì không phải phương tiện. Vì thế văn từ, pháp môn đều thuộc phương tiện. Là phương tiện thì phải khế lý mà không được thiếu khế cơ. Khế lý mà thiếu khế cơ thì không lợi ích gì cho chúng sanh. Khế cơ mà không khế lý thì tu Phật mà thành tà ma ngoại đạo, vì tùy duyên mà thiếu bất biến ... Cho nên phải khế cả lý lẫn cơ.
KHẾ LÝ là pháp môn nào có khuynh hướng đưa tâm ta về vô niệm gọi là khế lý. Nói ĐƯA bởi pháp môn là thuyền bè đưa ta đến đích chứ không phải là ngay chính đích đó. Pháp môn nào có khuynh hướng đưa tâm từ cái nhiều về cái ít, từ cái ít về cái không, để thể nhập trạng trái vô niệm của tâm gọi là khế lý. Khế lý là vậy, không phải khế lý là làm cho phương tiện thành cứu cánh.
KHẾ CƠ là pháp môn ấy có phù hợp với căn cơ của mình không. Phù hợp nghĩa là dùng pháp môn ấy, tâm mình ngày một ít dính mắc với cảnh bên ngoài, lòng tin đối với Phật Tổ tăng trưởng, đối cảnh tâm bớt khởi phân biệt líu lo, kinh sách ngày một tường tận … ấy gọi là khế cơ. Do dụng pháp đúng căn cơ mà tật bịnh tiêu trừ nên gọi là khế cơ. Còn dùng một pháp môn mà tâm không bớt phiền não, chỉ tăng thêm sở tri, người khi nào cũng chướng, dụng pháp thì phù thủng cả người, hết dụng pháp lại lành bịnh … thì biết pháp ấy hoặc không khế lý hoặc không khế cơ. KHÔNG KHẾ LÝ vì pháp môn ấy chỉ khiến làm tăng sở tri mà phiền não thì không giảm. KHÔNG KHẾ CƠ vì có khi nó khế lý, nhưng vượt quá căn cơ tu tập của người tu, nên chỉ khiến mình sanh bịnh mà không thể tiêu trừ được tật của mình.
Như chúng ta thời nay, không biết những suy nghĩ của mình là vọng, tha hồ vung vẫy, niệm khởi liền theo, không hề tính chuyện dừng nghĩ, nên gây nghiệp tạo tội vô vàn. Nếu không dạy mình ‘biết vọng không theo’ mà dạy ‘vọng tức chân’ thì mình sẽ theo dòng vọng tưởng tiếp tục tạo nghiệp. Đổ nợ như vậy là do cái ‘vọng tức chân’ trên LÝ thì không sai, nhưng do áp dụng không đúng căn cơ mà thành tầm bậy. ‘Vọng tức chân’ chỉ khi nào mình đã thấy rõ vọng đúng là vọng. Vọng đã là vọng thì không vì nó mà gây nghiệp tạo tội. Cũng không vì nó mà sợ thiệt thòi cho bản thân khi việc đó mang lại lợi ích cho muôn người. Lúc đó mới có thể nói ‘vọng tức chân’. Còn vọng với mình đang là một, niệm khởi LIỀN THEO mà ‘vọng tức chân’ thì gây nghiệp tạo tội không cơ mang nào đếm xuể. Cho nên, NIỆM KHỞI LIỀN THEO phải có cái tương đãi là BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thì LÝ kia mới được hiển bày. Thành nói BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thì phải nhớ đó là pháp hành. Pháp hành này đưa tâm chúng ta thuận dần với pháp tánh chân như chứ không phải chính là lý chân như. Không phải, thì khỏi bàn nó là cứu cánh hay không cứu cánh, chỉ một việc là hành. Hành rồi sẽ thấy, đi rồi sẽ đến.
Phải đủ 2 tiêu chuẩn là khế lý và khế cơ thì pháp môn ấy mới đưa người đến chỗ rốt ráo. Chư Phật, Tổ sư cùng các vị thiện tri thức ngày nay lập ra pháp môn cũng y cứ vào 2 mặt LÝ và TƯƠNG ĐÃI này mà lập. Thiếu một thì việc lập pháp chẳng tới đâu. Song đã nói khế cơ thì không có gì cố định. Bởi duyên khởi thì tùy duyên mà có pháp. Xoay chuyển thế nào cho phù hợp với căn cơ của từng người, từng thời miễn không ngoài LÝ là được. Có người hỏi ngài Triệu Châu “Con chó có Phật tánh không?”. Câu trả lời lúc CÓ, lúc KHÔNG. Đó là tùy cơ của chúng sanh mà đáp, là tùy duyên mà lập pháp để không đánh mất cái LÝ. Nếu nhìn cách hành xử của chư vị bằng cái nhìn thiếu duyên khởi, mình sẽ dễ dàng kết luận chư vị xảo ngôn. Thấy pháp của các bậc Cổ đức đối ngược kình chống lẫn nhau cũng vì thiếu cái nhìn duyên khởi này.
Thấu LÝ thật sự thì phải nắm được mặt TƯƠNG ĐÃI của vạn pháp. Nắm được mặt TƯƠNG ĐÃI của vạn pháp thì mới thật là nắm được LÝ. Vì thế, trong kinh Trung Bộ Phật nói “Ai thấy pháp, người ấy thấy duyên khởi. Ai thấy duyên khởi, người ấy thấy được pháp”. Theo DUYÊN bỏ LÝ là chúng sanh. Thấy LÝ mà không thấy DUYÊN là Nhị thừa. Biết và hiểu là một chuyện. Lý sự viên dung là chuyện khác. Phân biệt tướng đạo phát tâm
III. PHÂN BIỆT TƯỚNG ĐẠO PHÁT TÂM
Phân biệt tướng đạo phát tâm là phân biệt cái nghĩa phát tâm tu hành hướng đến đạo (mà chư Phật đã chứng được) của tất cả Bồ tát.
ĐẠO là chỗ chư Phật chứng được. PHÂN BIỆT TƯỚNG ĐẠO PHÁT TÂM là phân biệt các tướng phát tâm tu hành hướng về đạo của tất cả Bồ tát. TẤT CẢ BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát từ khi mới phát tâm cho đến địa vị tận cùng.
Phát tâm lược nói có 3 thứ. Thế nào là 3?
1. Tín thành tựu phát tâm.
2. Giải hạnh phát tâm.
3. Chứng phát tâm.
Đây là nói về những giai đoạn tiêu biểu trong quá trình tu hành hướng về đạo. ĐẠO nói đây là chỉ cho pháp tánh chân như. Tướng phát tâm này có 3 thứ.
1. Do TIN mình có pháp chân như mà tu hành hướng về pháp chân như, nên nói TÍN THÀNH TỰU PHÁT TÂM.
2. Do HIỂU và TU TẬP mà hướng về nên nói là GIẢI HẠNH PHÁT TÂM.
3. Do chứng được tánh thể chân như mà hướng về nên nói CHỨNG PHÁT TÂM.
Cái HƯỚNG VỀ nói đây là chỉ cho mục đích tới. Còn TÍN, GIẢI HẠNH và CHỨNG PHÁT TÂM là chỉ cho 3 cấp độ trong quá trình hướng về ấy.
A. Tín thành tựu phát tâm
Y nơi hạng người nào, tu những hạnh gì được thành tựu niềm tin mà chịu phát tâm?
Muốn phát tâm tu thì đầu tiên phải tin trước, nên nhấn mạnh ‘Hạng người nào, chịu tu những hạnh gì mà đủ niềm tin chịu phát tâm?’
Đó là y nơi chúng sanh bất định tụ có lực huân tập thiện căn, tin nghiệp quả báo, hay khởi 10 điều thiện, chán cái khổ sanh tử, muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề. Được gặp chư Phật đích thân cúng dường, tu hành tín tâm. Qua một vạn kiếp, tín tâm thành tựu nên được chư Phật, Bồ tát giáo hóa khiến họ phát tâm. Hoặc vì đại bi nên hay tự phát tâm. Hoặc do chánh pháp muốn diệt, vì nhân duyên hộ pháp nên hay tự phát tâm. Ấy là, tín tâm thành tựu mà phát tâm, nhập chánh định tụ, rốt ráo chẳng còn bị thối thất, gọi là trụ trong chủng tánh Như Lai, tương ưng với chánh nhân.
BẤT ĐỊNH TỤ, là chỉ cho nhóm người tâm chưa quyết với việc tu hành. Ngài Hiền Thủ nói “Bồ tát từ địa vị cuối Thập Tín trở đi, nhất định chẳng còn thối thất nên gọi là CHÁNH ĐỊNH TỤ. Chưa nhập Thập Tín, chẳng tin nhân quả gọi là TÀ ĐỊNH TỤ. Giữa 2 hạng này, là những người thuộc vào hàng Thập Tín, muốn cầu đại quả mà tâm chưa quyết, lúc tiến lúc thối, nên kinh Bổn Nghiệp nói ‘Bồ tát Thập Tín như lông phất phơ trong hư không, gọi là BẤT ĐỊNH TỤ’”. Lông phất phơ trong hư không là muốn diễn tả tình trạng gió thổi đâu thì theo nấy, chẳng dừng trụ đâu được, nên nói bất định. Đây là trả lời câu hỏi “Y nơi hạng người nào?” đã nêu trên.
Như vậy hạng TÍN THÀNH TỰU PHÁT TÂM nói đây, tuy là hạng chúng sanh bất định tụ nhưng lại có lực huân tập thiện căn, muốn cầu vô thượng bồ đề, được gặp chư Phật tu hành v.v... Đến khi nhập vào hàng CHÁNH ĐỊNH TUï mới gọi là Tín Thành Tựu Phát Tâm.
TIN NGHIỆP QUẢ BÁO là tin nhân nào quả nấy, gây nghiệp lành được quả báo lành, gây nghiệp ác bị quả báo xấu. HAY KHỞI 10 ĐIỀU THIỆN là tu thập thiện. CHÁN CÁI KHỔ SANH TỬ là chán những bịnh hoạn, đau khổ, chết chóc và những vô thường ở thế gian. Như thấy mạng người mỏng manh như sương mai, tiền bạc danh vọng có đó mất đó rồi sanh chán … đều thuộc dạng chán này. CẦU VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ là cầu quả vị Phật. Tất cả những thứ trên đều do LỰC HUÂN TẬP THIỆN CĂN của những đời trước phát khởi.
Nhân như vậy nên gặp được duyên là CÚNG DUỜNG CHƯ PHẬT. Qua thời gian MỘT VẠN KIẾP thì tín tâm mới thành tựu. TÍN TÂM THÀNH TỰU nói đây là tin mình có pháp chân như, tin “tức tâm tức Phật”… Tín tâm thành tựu, tức nhân càng tốt thì duyên càng tốt, nên được chư Phật và Bồ tát giáo hóa. Nói tốt, vì được 2 hạng vị này giáo hóa đương nhiên là phải phát tâm tu Phật chứ không thể tu thứ gì khác.
“Hoặc vì ĐẠI BI nên tự phát tâm” là, do thấy chúng sanh vì bị vô minh che lấp mà cùng khổ mãi trong bịnh tật, đói nghèo, sanh tử nên phát tâm tu Phật để có năng lực giúp họ thoát cái khổ sanh tử. Duyên vì đại bi và hộ pháp mà phát tâm đều là những duyên chân chánh, phải do lòng tin thành tựu mới phát tâm được, nên nói “Ấy là tín thành tựu mà phát tâm”. Phát tâm như vậy thì nhập được CHÁNH ĐỊNH TỤ. Không còn thuộc hạng bất định, nên nói KHÔNG CÒN BỊ THỐI THẤT. Đến đây gọi là “Trụ trong chủng tánh Như Lai, tương ưng với chánh nhân”. Nhân tương ưng với chủng vô lậu đã phát khởi nên nói TRỤ. Nhân này sẽ có quả là niết bàn tự tánh thanh tịnh, là cội nguồn chân thật nhất tâm, nên nói CHÁNH NHÂN. Phần sau là chỉ cho nhóm bất định tụ.
Nếu có chúng sanh thiện căn ít ỏi, từ lâu xa đến nay, phiền não sâu dày, tuy cũng được gặp Phật Tổ cúng dường, nhưng lại khởi chủng tử trời người, hoặc khởi chủng tử Nhị thừa. Giả như có cầu Đại thừa thì căn tánh cũng bất định, lúc tiến lúc thối. Hoặc là cúng dường chư Phật chưa đến một vạn kiếp, trong khoảng ấy gặp duyên cũng có phát tâm, như là thấy sắc tướng của chư Phật mà phát tâm đó, hoặc nhơn cúng dường chúng tăng mà phát tâm đó, hoặc nhơn các vị Nhị thừa giáo hóa khiến phát tâm đó, hoặc học thứ khác mà phát tâm v.v… Phát tâm như vậy đều là bất định. Gặp nhân duyên xấu dễ bị thối thất rơi vào Nhị thừa.
Đây là nói về hạng thiện căn kém cỏi thành phát tâm không đúng. Thiện căn kém cỏi hơn trước nên nói THIỆN CĂN ÍT ỎI. Thiện căn ít ỏi ấy được biểu hiện thành PHIỀN NÃO SÂU DÀY, là chỉ cho cái kiến thì lệch lạc, cái ái cũng bộn bề. Bị 2 thứ đó che chắn nên tâm trí không được sáng suốt thành phát tâm không đúng.
“Tuy cũng được GAËP PHẬT TỔ cúng dường” là cái duyên đồng với hạng thiện căn trên. NHƯNG, là duyên cũng như thế mà việc làm lại không như thế. KHỞI CHỦNG TỬ TRỜI NGƯỜI là chỉ cho những việc làm và suy nghĩ mang tính phúc thiện cầu quả báo. Nếu có cúng dường cho Tam bảo cũng chỉ với mục đích là hưởng phúc đời này đời sau, không nghĩ đến chuyện “Trên thì cầu Phật quả, dưới nguyện độ chúng sanh”. KHỞI CHỦNG TỬ NHỊ THỪA là thấy các pháp thuộc Nguyên thủy, Tiểu thừa, Trung thừa thì chịu mà nghe đến tên Đại thừa thì nhảy đùng đùng, cho là pháp của tà ma ngoại đạo, không phải của Phật lập ra.
GIẢ NHƯ CÓ CẦU ĐẠI THỪA là, dù có duyên học được pháp Đại thừa thì … căn tánh cũng bất định. BẤT ĐỊNH là không ổn định, lúc thì bên Tiểu thừa, lúc nhảy qua Đại thừa rồi trở ngược ra học Cao cấp Phật học. Lúc thì tu để thành Phật, lúc thì bỏ đi làm việc phúc thiện mong cầu cái vui trời người … Nói chung, không có tâm dứt khoát với Đại thừa mà cứ nhảy tới nhảy lui, thấy khó liền nản … đều thuộc loại căn tánh bất định này.
“Cúng dường chư Phật CHƯA ĐẾN MỘT VẠN KIẾP” là duyên khiến hạng căn cơ này không đủ tín tâm như hạng trên. “THẤY SẮC TƯỚNG mà phát tâm đó” là thấy sắc tướng của Phật rồi phát cái tâm có được sắc tướng ấy. Như ngài A Nan thấy sắc thân của Phật quá đẹp mà phát tâm tu hành để có được thân tướng ấy. Sắc tướng là thứ giả hợp mà dùng làm hướng phát tâm nên không phải là sự phát tâm chân chánh. “NHƠN CÚNG DƯỜNG CHÚNG TĂNG mà phát tâm đó” là chỉ phát tâm cúng dường chúng tăng chứ không phát tâm tu hành cầu Phật đạo. Chưa hướng về bản tánh chân như của mình nên cũng chưa phải là sự phát tâm chân chánh. Đây đều còn trụ ở sắc tướng mà phát tâm.
“NHƠN CÁC VỊ NHỊ THỪA GIÁO HÓA mà phát tâm” là phát cái tâm tu theo Nhị thừa. Các vị Nhị thừa nói đây là muốn nói đến các vị chỉ ôm khư khư quả vị Lahán hay Bích Chi Phật cho là niết bàn rốt ráo. Được chư vị này giáo hóa thì tu thật giỏi cũng chỉ đến quả vị La Hán và Bích Chi Phật là cùng. Chưa phải là chỗ rốt ráo thật sự nên cũng không phải là chỗ phát tâm chân chính.
“HỌC CÁC THỨ KHÁC mà phát tâm” là không phát tâm tu Phật mà lấy các thứ khác làm sự nghiệp. Chẳng hạn hướng tu của mình là tu Phật nhưng trong quá trình tu hành, ngoài việc thiền định mình học thêm kinh luận hay chữ Hán để khỏi lạc lối tu hành và có ít phương tiện giúp đỡ người khác thì không rơi vào trường hợp này. Song không đặt mục đích tu Phật làm chỗ đến mà chỉ lấy việc học hỏi hay bằng cấp làm mục đích tối thượng của người tu thì rơi ngay vào trường hợp “HỌC CÁC THỨ KHÁC mà phát tâm” nói đây. Đây là lấy phương tiện làm cứu cánh nên không phải là hàng phát tâm chân chánh. Ngoài ra, tu các loại thiền như xuất hồn, tu tiên, tu thiền để trưởng dưỡng tấm thân, ngoài tâm cầu Phật ... đều gọi là “Học các thứ khác mà phát tâm đó”.
Tất cả những phát tâm trên đều không hướng về bản tánh chân như, vì tín tâm đối với Đại thừa chưa thành tựu, nên đều gọi là bất định. Nhị thừa vốn thấy nhân vô ngã nhưng pháp chưa vô ngã. Sanh tử niết bàn chưa phải là thứ huyễn hóa, tức vẫn còn vướng ở sắc tướng, nên đây liệt chung các loại trên thành “Gặp duyên xấu dễ bị thối thất RƠI VÀO NHỊ THỪA”.
Dưới là nói về sự phát tâm khi tín tâm đã thành tựu.
Lại nữa, tín thành tựu phát tâm là phát những tâm nào? Lược nói có 3 thứ. Thế nào là 3?
1. Trực tâm, vì chánh niệm pháp chân như.
2. Thâm tâm, vì thích gom tất cả các thiện hạnh.
3. Đại bi tâm, vì muốn bạt tất cả khổ cho chúng sanh.
Một khi đã có niềm tin đối với Đại thừa thì hành giả có được 3 thứ tâm là trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm.
TRỰC TÂM là tâm không điên đảo. Không điên đảo gọi là TRỰC. Không điên đảo vì không còn bị vô minh sai sử khiến cái nhìn bị thiên lệch, đây chỉ cho tâm chân như. Song phần này thuộc Tín Thành Tựu Phát Tâm, tức chỉ mới tin vào chân như mà tu nên trực tâm đây chưa chỉ cho tâm chân như mà chỉ mới là hướng về chân như mà tu, nên nói CHÁNH NIỆM PHÁP CHÂN NHƯ. CHÁNH NIỆM là “Phải biết chỉ là nhất tâm, không có cảnh giới bên ngoài”.
THÂM TÂM là tâm thích gom tất cả các thiện hạnh. THIỆN HẠNH là chỉ cho những việc làm lợi mình lợi người trong hiện tại và mai sau. Hòa thượng Trúc Lâm nói “Phàm làm việc gì, đứng về mặt thời gian là hiện tại và vị lai, nếu mình và người đều được lợi ích thì đó là điều lành. Nếu hiện tại mình bị thiệt mà người được lợi ích, đó cũng là điều lành. Nếu hiện tại mình bị thiệt mà tương lai được lợi ích, đó là điều lành. Ngược lại những điều đó thì không lành”. Bố thí, trì giới cùng các phương tiện tu hành như học hỏi kinh luận, thiền định v.v… đều gọi là thiện hạnh. Một khi đã có lòng tin tu tập đối với Đại thừa thì thích làm các thiện hạnh không nhàm mỏi, nên nói THÍCH GOM TẤT CẢ …
ĐẠI BI TÂM là tâm muốn bạt tất cả khổ cho chúng sanh. Làm vơi đi phần nào hay làm cho chúng sanh hết khổ gọi là BẠT. Một khi đã có tâm chánh niệm pháp chân như thì THỨC đã bắt đầu chuyển thành TRÍ, ÁI sẽ thành BI. Vì thế, tâm đại bi là thứ không thể thiếu đối với một hành giả tu Đại thừa. Thiền định cao thâm bao nhiêu mà tâm đại bi không hiển lộ thì biết cái thiền mình tu ấy có sự lệch lạc.
Hỏi : Trên nói pháp giới nhất tướng, thể Phật không hai. Vì sao không chỉ niệm chân như, lại mượn tìm học các thiện hạnh?
Thắc mắc này là do thấy LÝ và SỰ có chỗ không tương đồng. Đã nói pháp giới nhất tướng, thể Phật không hai vì sao không chỉ một mực chánh niệm chân như thôi mà phải gom tất cả các thiện hạnh, lại còn phải bạt khổ cho chúng sanh?
Đáp : Thí như báu mani lớn, thể tánh nó sáng sạch trong suốt mà có vết quặng làm bẩn. Nếu người tuy biết tánh của báu mà chẳng dùng phương tiện mỗi mỗi mài giũa thì rốt cuộc báu cũng không được sạch trong. Pháp chân như của chúng sanh cũng vậy, thể tánh tịnh không mà có vô lượng phiền não cấu nhiễm. Nếu người tuy niệm chân như mà chẳng dùng phương tiện mỗi mỗi huân tu thì cũng không được tịnh. Bởi cấu nhiễm nhiều vô lượng cùng khắp tất cả pháp nên tu tất cả các thiện hạnh, dùng đó để đối trị. Nếu người tu hành tất cả các thiện pháp, tự nhiên qui thuận pháp chân như.
LÝ thì chỉ một pháp chân như để qui hướng và thể nhập, nhưng SỰ thì phải vừa chánh niệm chân như, vừa tu các thiện hạnh, đồng thời làm lợi ích cho chúng sanh là do phiền não cấu nhiễm quá nhiều. Như báu ma ni tuy bản chất của nó là sáng sạch trong suốt, nhưng do nằm trong quặng lâu ngày, vết bẩn đầy dẫy nên cần phải lau chùi mài rửa. Không thể chỉ biết nó trong sáng mà có thể làm nó sáng sạch trong suốt trở lại.
Như hiện nay, tin tâm mình là Phật thì rất nhiều người tin. Nhưng tin thì tin mà không phải ai cũng phát tâm tu Phật. Người thì có tu tập thiền định. Người thì vẫn lấy chuyện phúc thiện làm chính. Một pháp BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thôi, có người đối duyên, tâm khởi tham hay sân buông được. Nhưng có người phải quán lui quán tới đủ thứ pháp quán mới dừng được cái tham hay sân ấy. Có nhiều thứ sai khác như thế là do căn nghiệp và phiền não ở mỗi người mỗi khác. Cùng là một báu chân như mà phải dùng đến phương tiện lau chùi mài giũa ít hay nhiều là do vết bẩn phiền não ít hay nhiều, bám sâu hay chỉ bám ngoài mặt. Vì thế, không chỉ niệm pháp chân như mà phải dùng phương tiện là các thiện hạnh để gọt giũa. Tâm đại bi là cái sẵn đủ trong mỗi người, chỉ do vô minh chấp ngã mà thành ái dục. Nay trí hiển thì đương nhiên tâm đại bi hiển. Tâm đại bi hiển rồi thì muốn bạt khổ cho chúng sanh là chuyện tự nhiên.
Thể chân như vốn không nhưng đầy đủ tất cả tướng công đức. Thiện hạnh giúp người tu phá dần tâm chấp ngã, qui hướng vô ngã nên nó thuận với chân thể chân như. Vì thế nói “Nếu người tu hành tất cả các thiện pháp, tự nhiên QUI THUẬN PHÁP CHÂN NHƯ”.
Dưới là nêu ra các phương tiện để tẩy rửa các hoặc nhiễm khi tín tâm đã thành tựu, để có thể kham nhận pháp Đại thừa không còn thối thất.
Lược nói phương tiện có 4 thứ. Thế nào là 4?
Phương tiện tu tập đây là chỉ cho phần THÂM TÂM tu tất cả thiện hạnh vừa nói. Trên đã giải thích lý do vì sao phải tu tất cả thiện hạnh, đây là đưa ra phương tiện tu các thiện hạnh ấy. Tất cả có 4 thứ.
1. Phương tiện HẠNH CĂN BẢN là, quán tất cả pháp tự tánh vô sanh, lìa vọng kiến, chẳng trụ sanh tử. Quán tất cả pháp nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả chẳng mất nên khởi tâm đại bi tu các phúc đức nhiếp hóa chúng sanh, chẳng trụ niết bàn. Vì tùy thuận pháp tánh vô trụ.
HẠNH CĂN BẢN là lấy hạnh này làm nền tảng trong việc tu hành. Hoặc như ngài Hám Sơn nói “Nương chân như khởi hạnh nên gọi là HẠNH CĂN BẢN”. Bởi chân như tánh vốn vô trụ nên phương tiện tu hạnh căn bản này cốt yếu là đưa tâm về chỗ vô trụ ấy.
“Quán tất cả pháp TỰ TÁNH VÔ SANH” là thấy các pháp tự tánh là không. Các pháp đã không thì thân tâm cùng vạn pháp đều không, nên không đắm trụ vào các pháp ở thế gian cũng không chấp nhất vào những quan niệm sai lệch đã hình thành trong bao đời nay của mình, nên nói “LÌA VỌNG KIẾN chẳng trụ sanh tử”. Vì tự tánh của vạn pháp là vô sanh, sanh tử chẳng khác niết bàn, nên cái quán này vừa giúp người tu không tham đắm thế gian, cũng không trụ trước vào niết bàn an lạc của Nhị thừa.
Tuy các pháp tự tánh là không nhưng đủ duyên thì không phải không. Nghiệp nhân một khi đã gây tạo, đủ duyên sẽ gặt nghiệp quả. Nên nói “QUÁN TẤT CẢ pháp nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả chẳng mất”. Nếu trí phân biệt chưa hết thì tuy các pháp là không nhưng khổ vui tách bạch, sanh tử không phải là niết bàn. Vì vậy, đối với chúng sanh “KHỞI TÂM ĐẠI BI tu các phúc đức nhiếp hóa chúng sanh” để giúp họ thoát khổ. Bằng phương cách nào đó khiến chúng sanh chuyển tâm từ xấu qua tốt, từ không tin nhân quả qua tin nhân quả, từ chỗ tu các hạnh tạp nhạp qua tu Đại thừa … gọi là NHIẾP HÓA.
2. Phương tiện HAY DỪNG là, tàm quí và hối lỗi thì có thể dừng tất cả các pháp ác, chẳng để tăng trưởng. Vì tùy thuận pháp tánh lìa các lỗi.
Vì pháp tánh vốn tịnh trong không lỗi lầm nên dùng phương tiện HAY DỪNG này để tâm được tùy thuận dần với pháp tánh. HAY DỪNG là dừng tất cả những gì thuộc về ác nghiệp. TÀM QUÍ là hổ thẹn. Sự hổ thẹn này rất quan trọng đối với pháp ác. Không phải chỉ có giết người, ăn trộm, dối gian mới gọi là pháp ác. Tất cả những gì khiến tâm dính mắc vào ngoại cảnh đều gọi là pháp ác. Song tùy mức độ tu hành mà pháp ác này có thô và tế. Phần này nhắm vào pháp thô trước. Làm ác mà thấy hổ thẹn với mình và người thì mới có tâm hối lỗi mà dừng đi những việc ác ấy. Còn làm ác mà thấy bình thường dững dưng thì việc ác sẽ có cơ thành ác nghiệp. Nên đây nói “TÀM QUÍ VÀ HỐI LỖI thì có thể dừng tất cả các pháp ác”. Dừng được thì việc ác không tăng trưởng. Ngài Hám Sơn nói “Phương tiện HAY DỪNG là chưa tạo tác thì biết HỔ THẸN mà dừng lại. Đã tạo tác thì HỐI LỖI không cho nó tăng trưởng”.
3. Phương tiện PHÁT KHỞI TĂNG TRƯỞNG THIỆN CĂN là, siêng năng cúng dường lễ bái Tam bảo, tán thán tùy hỉ, khuyến thỉnh chư Phật. Vì tâm thuần hậu ái kính Tam bảo nên lòng tin được tăng trưởng, mới có thể dốc lòng cầu đạo vô thượng. Lại nhơn nơi lực hộ trì của Phật, Pháp, Tăng nên có thể trừ bỏ nghiệp chướng, thiện căn chẳng thối thất. Vì tùy thuận pháp tánh lìa si chướng.
SI CHƯỚNG là do chấp ngã mà ra, cũng là đầu mối phát sanh ngã chấp. Ngã chấp có khuynh hướng khiến thiện căn khó tăng trưởng. Còn pháp tánh vốn không có ngã chấp, không có si chướng, đầy đủ vô lượng tướng công đức, nên cần siêng tu các thiện hạnh để thuận dần với pháp tánh. THIỆN CĂN ấy là “Siêng năng cúng dường lễ bái Tam bảo, tán thán, tùy hỉ và khuyến thỉnh chư Phật”. SIÊNG NĂNG là việc làm này phải được thường hằng như ăn cơm, uống nước. CÚNG DƯỜNG thì đối với Phật, Pháp, Tăng, đều lấy sự tu hành làm pháp cúng dường chính. Đối với Tăng bảo thì thêm sự cúng dường tài vật, ẩm thực, đồ dùng v.v... Vật thực đầy đủ thì các vị mới có thể chuyên tâm cho việc tu hành cũng như gieo duyên và giáo hóa chúng sanh. Việc làm này góp một phần nhỏ trong việc giúp Tam bảo trường tồn ở thế gian.
TÁN THÁN là ca ngợi, biểu hiện lòng thành kính hướng về chư Phật. TÙY HỈ là lòng hoan hỉ vui sướng theo những gì mà chư Phật đã làm. KHUYẾN THỈNH CHƯ PHẬT là thỉnh Phật ở lại thế gian để chuyển bánh xe pháp. Thời nay không có Phật thì mình tán thán, tùy hỉ và khuyến thỉnh những vị đại diện cho Phật. Đó là các bậc tôn túc có đạo lực tu hành và giới luật nghiêm minh. Đây cũng biểu hiện cho tâm thuần hậu ái kính Tam bảo. Vậy thì lòng tin của mình sẽ được tăng trưởng. Lòng tin tăng trưởng rồi thì mới đủ nghị lực tu hành mà cầu đạo vô thượng. Gọi là VÔ THƯỢNG vì không có gì vượt trên đạo ấy.
Nếu thật sự hết lòng với Tam bảo thì những việc làm tổn người, hại đến sự trường tồn của Tam bảo, mình sẽ không làm. Còn những việc thuận với lời dạy của chư Phật mà các bậc thiện tri thức đã dạy mình, khiến mình và người đều được lợi ích, người người qui hướng về Tam bảo ngày càng mạnh, mình sẽ làm tối đa. Bỏ ác làm thiện như thế thì nghiệp ác dần tiêu, thiện căn tăng trưởng. Nên nói “Nhơn nơi LỰC HỘ TRÌ của Phật, Pháp, Tăng, có thể trừ bỏ nghiệp chướng, thiện căn chẳng thối thất”.
4. Phương tiện ĐẠI NGUYỆN BÌNH ĐẲNG là, phát nguyện hóa độ hết thảy chúng sanh đến tận vị lai, chẳng sót một ai, khiến họ đều được cứu cánh niết bàn vô dư. Vì tùy thuận pháp tánh không đoạn dứt, pháp tánh rộng lớn khắp tất cả chúng sanh, bình đẳng không hai, chẳng niệm đây kia, rốt ráo tịch diệt.
“PHÁT NGUYỆN hóa độ hết thảy chúng sanh đến tận vị lai, chẳng sót một ai, khiến họ đều được niết bàn vô dư rốt ráo” là một phát nguyện vô cùng rộng lớn, không có thứ gì sánh được nên gọi là ĐẠI. Phải là tâm vô phân biệt mới thực hành được đại nguyện này nên gọi là BÌNH ĐẲNG. Nguyện này, không phải người thân của tôi tôi mới thực hiện, không phải vì chúng sanh nghèo hèn tôi mới phát nguyện ... mà vì tất cả, không sót một ai, nên gọi là BÌNH ĐẲNG. Đây là do tùy thuận được với pháp tánh chân như mà có nguyện này. Nhờ phát đại nguyện này mà tùy thuận được với pháp tánh chân như. NIẾT BÀN VÔ DƯ RỐT RÁO là chỉ cho niết bàn Phật.
Bồ tát phát tâm này thì hiểu được ít phần về pháp thân. Do hiểu về pháp thân nên tùy nguyện lực, hay hiện 8 thứ làm lợi ích chúng sanh. Đó là, rời cung trời Đâu Suất, nhập thai, trụ thai, ra khỏi thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn. Nhưng Bồ tát này chưa được gọi là Pháp thân Bồ tát. Vì từ vô lượng đời quá khứ đến nay, nghiệp hữu lậu chưa thể đoạn dứt, tùy chỗ sanh còn bị cái khổ vi tế. Nhưng chẳng phải là bị nghiệp trói buộc, bởi do có lực tự tại của đại nguyện.
“HIỂU ĐƯỢC ít phần về pháp thân” là kết quả có được khi hành giả phát đại nguyện bình đẳng trên. HIỂU ĐƯỢC ÍT PHẦN nguyên âm bản Hán là TIỂU PHẦN KIẾN. Chữ KIẾN này, Việt dịch có nhiều nghĩa, có thể là THẤY mà cũng có thể là HIỂU. Tự điển Phật học ghi “Kiến, tiếng Phạn là nại lạt xả nang, là suy nghĩ tìm tòi để hiểu rõ”. Luận này lại được dịch từ tiếng Phạn ra. Đây là nhân duyên thứ nhất khiến bản dịch đây dùng từ HIỂU chứ không dùng từ THẤY.
Ngoài ra, với pháp thân, nếu nói là THẤY thì không thể thấy, vì nó không thuộc năng kiến càng không thể là sở kiến. Có lẽ do nhân duyên ấy mà luận đây không gọi việc kiến tánh là THẤY mà gọi là CHỨNG. Song tiếng Việt mình thì vẫn có thể dùng từ THẤY để hiểu cho việc CHỨNG. Ngoài ra căn cứ vào việc CHỨNG TỪNG PHẦN của hàng Thập Địa cũng như căn cứ vào cấp bậc Thập Tín bước sang Thập Trụ tại phần này, thì KIẾN nói đây không phải là sự trực chứng về pháp thân dù là chứng ít phần. Ngài Hiền Thủ nói “Bồ tát Thập Trụ nương nơi môn tỷ quán mà thấy pháp thân. Vì chưa chứng được chân như chỉ nương nơi TÍN LỰC mà thấy được ít phần, nên nói ‘chưa gọi là pháp thân’”. Vì vậy, để tránh sự lầm lẫn về chữ THẤY của tiếng Việt cũng như chữ CHỨNG của luận này, đây không dịch là THẤY mà dịch là HIỂU.
“CHƯA ĐƯỢC GỌI là pháp thân Bồ tát” vì chỉ nương nhờ tín lực và tỷ quán mà hiểu, khác với hàng Bồ tát Thập Địa là trực chứng pháp thân. NGHIỆP HỮU LẬU là chỉ cho những tạo tác của thân, khẩu, ý mang tính cách thế gian, tạo ra ‘phần đoạn sanh tử’ của chúng sanh. “NGHIỆP HỮU LẬU chưa thể đoạn dứt” là muốn nói nhân vô lậu - còn gọi là nhân Phật tánh - chưa xuất hiện.
KHỔ VI TẾ là chỉ cho cái khổ về sanh tử và cái khổ vì tâm nhiêu động do sự tương tục của dòng vọng niệm và phân biệt mà ra, không phải là những cái khổ thuộc cơm ăn, áo mặc, tiền bạc ... của người đời. Tuy nghiệp hữu lậu chưa đoạn nhưng không bị lực ấy trói buộc như phàm phu vì có đại nguyện làm hành trang. Đại nguyện là thứ khiến cho vị Bồ tát này có những khoảng bình thản với nghiệp lực, nên nói “Bởi do có LỰC TỰ TẠI của đại nguyện”.
HIỆN 8 TƯỚNG làm lợi ích chúng sanh như rời cung trời Đâu Suất … thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn là muốn nói khi lòng tin thành tựu, phát tâm đại bi thì có năng lực thị hiện 8 tướng này, không phải cả quá trình từ khi rời cung trời Đâu Suất đến khi nhập niết bàn ấy chỉ thuộc về “Tín thành tựu phát tâm”. Quá trình ấy bao gồm luôn cả 2 tướng phát tâm dưới.
Như trong Tudala có chỗ nói “thối đọa ác thú” thì chẳng phải là thật thối. Chỉ vì đối với các vị Bồ tát sơ học chưa vào được chánh vị mà lại giải đãi, làm cho sợ hãi khiến họ can đảm mạnh mẽ lên.
Tudala nói THỐI ĐỌA ÁC THÚ, đây lấy một đoạn tương tự trong kinh Bổn Nghiệp để hiểu “Bồ tát Thất Trụ trở về trước gọi là thối phần. Nếu chẳng gặp thiện tri thức từ một kiếp cho đến mười kiếp thì thối bồ đề tâm. Còn gặp nhân duyên ác tri thức thì thối trở lại phàm phu, đọa trong các đường dữ”. Theo kinh, Bồ tát Thất Trụ nếu trong vòng 10 kiếp không gặp được thiện tri thức mà chỉ gặp ác tri thức thì thối bồ đề tâm và đọa vào các đường dữ. Vậy sự thối thất vẫn có thể xảy ra khi rơi vào cái duyên là “Trong vòng 10 kiếp không gặp được thiện tri thức”. Song vì sao đây lại nói CHẲNG PHẢI THẬT THỐI? Đây là vì các vị Bồ tát thuộc tín thành tựu, do đã phát đại nguyện bình đẳng, nên thường được chư Phật và chư vị Bồ tát thuộc hàng Thập Địa hộ trì, tạo đủ mọi loại hạnh duyên để các vị tiếp nối chủng tánh Phật của mình. Cho nên khó mà gặp duyên ác tri thức để nói là thối thất. Song thế gian này không phải là thế giới tuyệt đối nên vẫn có thể có trường hợp ngoại lệ. Đó là lúc mà tín tâm của người tu bị mai một và đại nguyện của mình bị bỏ quên, sự hộ trì của chư Phật do đó thành gián đoạn. Vì thế nói “Chẳng phải thật thối, chỉ vì đối với các vị Bồ tát sơ học chưa vào được chánh vị mà lại giải đãi”. Song hàng Bồ tát tín thành tựu phát tâm nói đây dù có đọa vào đường dữ chăng nữa, cũng chỉ một thời gian. Nghĩa là, trồi lên trụt xuống thế nào, cũng trở lại con đường tín thành tựu bất thối này. Như đức Thích Ca và ngài Di Lạc đều thành đạo, chỉ khác nhau ở thời gian mau và chậm mà thôi.
Lại, các vị Bồ tát này một khi đã phát tâm thì xa lìa khiếp nhược, rốt ráo chẳng còn sợ rơi vào Nhị thừa. Nếu nghe đến vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp gian nan cần khổ tu hành mới được niết bàn, cũng chẳng khiếp sợ. Vì tin và biết rằng tất cả pháp từ xưa đến nay vốn vẫn là niết bàn.
CÁC VỊ BỒ TÁT NÀY là các vị Bồ tát thuộc Tín Thành Tựu Phát Tâm đã phát 3 loại tâm và tu 4 loại hạnh trên. Vì lòng tin đối với pháp chân như đã thành tựu nên đối với việc tu hành không còn thấy khiếp sợ. Không có tâm khiếp sợ thì đâu cần tránh sanh tử mà nhập niết bàn, nên nói “Chẳng còn sợ rơi vào Nhị thừa”.
B. Giải hạnh phát tâm
Phải biết đây đã chuyển thành thù thắng. Bởi vị Bồ tát này từ Sơ Chánh Tín đến nay, khi a tăng kỳ kiếp thứ nhất sắp hết, đối với pháp chân như đã thâm hiểu hiện tiền, sở tu là ly tướng.
GIẢI là chỉ cho sự hiểu biết. Sự hiểu biết này có sâu và cạn. Cạn, vì sự hiểu biết ấy do niềm tin, học hỏi hay suy luận từ kinh luận mà ra, là chữ KIẾN nói trên. Sâu, là sự hiểu biết này do lắng được tâm vọng tưởng mà bật ra, gọi là GIẢI. Như khi ngồi thiền bỗng thấu suốt được ý nghĩa của một đoạn kinh hay bật ra những phát minh sâu xa v.v...thì cái thấu suốt và phát minh ấy là phần GIẢI nói đây. Tuy tâm phải lắng mới có được những loại kiến giải ấy, nhưng chúng vẫn thuộc dạng ngôn từ, không phải là những cảnh giới chứng thực của tự tâm. Nói cảnh giới là nói đến sự thâm nhập của bản thân vào những kiến giải ấy. Như đọc kinh thấy từ giác minh. Mình có thể suy luận minh ấy là nói về tính sáng suốt của cái giác, cũng có thể là cái giác ấy nó sáng nên gọi là giác minh v.v… Đến khi thiền định, thân, tâm, thế giới ... tất cả đều chẳng còn gì ngoài một thể sáng thanh lương không có bờ mé thì lúc ấy, sự hiểu biết về cái gọi là giác minh mới thật rõ ràng. Kiến giải do tâm lắng mà bật ra đương nhiên có giá trị hơn là những suy luận bằng tri thức vọng tưởng, nhưng chỉ khi tâm chứng được cảnh giới ấy, thì mọi luận giải về cảnh giới ấy mới thật sự chính xác. Vì thế GIẢI là thứ cao hơn KIẾN nhưng thấp hơn CHỨNG.
Phần Giải Hạnh này, ngài Hiền Thủ nói “‘Đối với pháp chân như đã thâm giải hiện tiền’ là để rõ cái giải thắng. Khác với địa vị trước nên nói là ‘thâm’, khác với địa vị sau nên nói là ‘giải’”.
HẠNH là chỉ cho việc tu hành, cũng chỉ cho những việc phúc thiện trợ duyên cho việc tu hành. Phần Tín Thành Tựu Phát Tâm trên đã có phần HẠNH này rồi. Các thứ như quán, hay dừng, siêng năng lễ bái Tam bảo … đều thuộc về HẠNH. Song đến đây mới nói GIẢI HẠNH vì đây bắt đầu đi vào hạnh chính. Sẽ nói rõ ở phần sau.
Nói THÙ THẮNG là so với loại phát tâm trước mà nói. THÙ THẮNG nghĩa là tốt hơn. Tốt hơn, vì về LÝ thì sự hiểu biết có sâu hơn, về mặt SỰ thì bước sang giai đoạn tu lìa tướng. SÂU, vì từ cái hiểu ấy, đã có thể tu pháp tương ưng với chân như là pháp tu lìa tướng. LÌA TƯỚNG là sự tu hành bây giờ không đặt nặng vào những hình thức bên ngoài hoặc chỉ dừng ở mức độ tàm quí hay loại bỏ niệm ác của tâm mà lấy việc phá trừ sự sanh khởi của tâm làm chính để đưa tâm trở về chỗ vô trụ của nó. Tâm mà vô trụ thì đương nhiên phải lìa tướngï. LÝ và SỰ đã có phần tương ưng. Không như ở hạng trước, hạnh tu vẫn còn trụ ở sắc tướng như kính Phật, cúng dường Tăng v.v...
Tu một vạn kiếp thì tín tâm thành tựu. GẦN HẾT một a tăng kỳ mới bước sang giai đoạn “Giải hạnh phát tâm”. TRÒN MỘT a tăng kỳ mới bước vào Sơ Địa.
Dưới là nói về chỗ hành của hạng giải hạnh này.
Vì biết pháp tánh, thể nó không xan tham nên tùy thuận tu hạnh ‘bố thí ba la mật’. Vì biết pháp tánh không nhiễm, lìa lỗi ngũ dục nên tùy thuận tu hạnh ‘giới ba la mật’. Vì biết pháp tánh không khổ, lìa sân não nên tùy thuận tu hạnh ‘nhẫn nhục ba la mật’. Vì biết pháp tánh không có tướng thân tâm, lìa giải đãi nên tùy thuận tu hạnh ‘tinh tấn ba la mật’. Vì biết pháp tánh thường định, thể của nó không loạn động nên tùy thuận tu hạnh ‘thiền ba la mật. Vì biết pháp tánh, thể nó sáng suốt, lìa vô minh nên tùy thuận tu hạnh ‘Bát Nhã ba la mật’.
Vì sao tu 6 thứ này? Vì 6 thứ này đối trị hết thảy những gì làm chướng ngại chúng ta thể nhập lại Phật tánh của mình, nên nói VÌ BIẾT. Cũng không ra ngoài tham, sân, si, danh, lợi, ăn uống, ngủ nghỉ của người đời.
Bố thí nêu trước, trí tuệ nêu sau là đi từ thô lần đến tế. Thứ gì cũng muốn thủ về mình, gọi là XAN THAM. Do bất giác mà sanh phân biệt ta, người, xấu, tốt nên mới có xan tham. Nếu không bất giác thì không có xan tham. Vì xan tham biểu hiện cho việc ta không sống được với pháp tánh của mình nên dùng bố thí đối trị cho xan tham. BỐ THÍ là cho đi hoặc không có tâm chấp thủ.
GIỚI là chỉ cho những chủng tử trong thức tạng. Những chủng tử này một khi đủ duyên, sẽ thành hành động tạo nghiệp. Nghiệp ác thì chịu quả xấu. Nghiệp lành thì chịu báo tốt. Như người huân tập chủng ái dục nhiều thì thấy sắc là hồn tiêu phách tán, quên hết mọi chuyện. Người mà chủng tham lam nhiều thì thấy của là động tâm, bất kể nhân quả. GIỮ GIỚI chính là giữ những cái chủng ấy không để chúng phát tán thành tội lỗi, cũng không dính mắc vào thiện nghiệp cõi trời người. Giới tướng là phần giữ giới thô. Giới tánh là phần giữ giới tế. Giữ được như thế gọi là KHÔNG NHIỄM. Giới có thô tế nên nhiễm cũng có thô tế. Với giới tướng chỉ cần tướng không nhiễm là giữ được giới. Với giới tánh thì phải giữ được sự phát khởi của tâm mới gọi là giữ được giới. Tùy thuận tu được hạnh này thì vừa trị được bịnh tham, vừa trị được bịnh sân.
NGŨ DỤC là chỉ cho 5 trần, cũng chỉ cho tài, sắc, danh, ăn uống và ngủ nghỉ. Gọi chúng là ‘ngũ dục’ khi mình có tâm dính mắc hay mê mẫn đối với chúng. Giấc sớm là giấc ai cũng tréo chân ngồi thiền, mình thì ngủ gà ngủ gật, là đang thực thi một trong 5 thứ ngũ dục ấy. Ăn để mà sống, nhưng mình thì sống để mà ăn, truy tìm món ngon vật lạ sáng tạo ra muôn thứ … là một hình thức của thực dục.
NHẪN, dùng để trị bịnh sân. Pháp tánh tịch diệt thanh tịnh. Nổi giận là trái với pháp tánh nên dằn lại không chưởi bới, cũng không hua tay múa chân, gọi là nhẫn. Đây gọi là nhẫn thô. Gặp duyên tâm khởi niệm, ngay khi niệm xuất hiện mà thấy được, chiếu phá lập tức không để tâm bừng bừng loạn khởi, gọi là nhẫn tế. Thô thì phân GIỚI và NHẪN. Tế thì 2 thứ ấy không khác.
Làm việc gì mà không tinh tấn thì không thành công, nên TINH TẤN cũng là 1 trong 6 độ ba la mật. “Vì biết pháp tánh không có tướng thân tâm, LÌA GIẢI ĐÃI” là dùng tinh tấn để đối trị cho cái giải đãi này. Thân tâm mình đây luôn có tật làm biếng đối với việc tu hành. Ngồi nói chuyện không đâu thì bao lâu cũng được, nhưng tréo chân ngồi thiền nửa tiếng là than ngắn thở dài, kêu nhức kêu nhối. Cái thiếu tinh tấn là do từ thân tâm này, nhưng thân tâm này chỉ từ vọng tưởng mà ra, nên nói ‘Biết pháp tánh không có tướng thân tâm’. Biết như vậy để đừng bi lụy, dừng để nó sai sử mà trễ nãi với việc tu hành. Cái biết như thế là một phép quán.
Thiền là để thân tâm trở về lại với cái tự định tự tịnh của pháp tánh. Gọi là TỰ vì pháp tánh vốn như thế. Chỉ do vô minh mà mất định, mất tịnh. Mất định, mất tịnh thì vô minh càng nhiều. Thiền, chỉ cho pháp ‘Chỉ quán song tu’ ở phần Tu Hành Tín Tâm nói sau. Phải là thứ thiền ấy mới đạt được Bát Nhã ba la mật. Phải là Bát Nhã ba la mật mới phá được phần căn bản vô minh - là đầu mối sanh ra tướng thân tâm thế giới hiện nay - mà thể nhập hoàn toàn với pháp tánh.
Bát Nhã có 3 thứ là Văn Tự Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã và Thật Tướng Bát Nhã. Bát Nhã mà toàn là văn với chữ thì gọi là Văn Tự Bát Nhã. Là chỉ cho mấy trăm cuốn Bát Nhã dài thậm tha thậm thược đọc cả đời cũng không hết đó. Quán Chiếu Bát Nhã, không còn nằm trên giấy mực nữa mà phải thực hành mới có. Đụng duyên nổi sân mà suy nghĩ ‘Cuộc đời như bóng huyễn, người với mình không khác, chỉ vì những thứ ngu si này mà trôi lăn mãi trong khổ não’ hoặc nhớ lại lời Hòa thượng dạy ‘Tất cả là vọng, buông đi’ ... Nhờ những suy nghĩ ấy mà cơn thịnh nộ lụi tàn là mình đang thực hành Quán Chiếu Bát Nhã. Nói chung, dùng những suy nghĩ thuận với pháp tánh chân như, thuận với sự thật của cuộc đời để phá trừ tham, sân, si, đều gọi là Quán Chiếu Bát Nhã.
Phần QUÁN CHIẾU này có thô và tế. Gọi là thô khi việc quán chiếu còn có tướng suy nghĩ như vừa nói trên. Nếu không cần dùng đến việc suy nghĩ, chỉ cần biết mà niệm liền mất thì thuộc quán chiếu tế. Tế này còn có tướng tế hơn nữa.
Thật tướng Bát Nhã thì không còn phải dùng đến Quán Chiếu Bát Nhã nữa. Còn thấy mọi thứ là thật thì mới phải quán chúng là vọng để không theo. Đúng vọng rồi thì theo hay không theo gì nữa. Như thế là như thế. Cái trí biết như thật thân tâm này là tướng vọng tưởng, không cần đến quán chiếu nữa, gọi là Thật Tướng Bát Nhã. Phải từ địa vị Bát Địa trở đi, loại Bát Nhã này mới tròn đầy. Ở địa vị Phật mới thật là rốt ráo.
BA LA MẬT, nghĩa của nó là cứu cánh, đến bờ kia hay độ vô cực. 6 thứ trên được gọi là BA LA MẬT khi những thứ ấy đưa người tu đến bờ giác ngộ rốt ráo. Theo kinh Giải Thâm Mật, muốn gọi là BA LA MẬT thì phải hội đủ 5 nhân duyên : Không nhiễm trước, không luyến tiếc, không tội lỗi, không phân biệt, hồi hướng chân chính.
Như bố thí. BỐ THÍ thì có bố thí tài, bố thí pháp và bố thí sự không sợ. KHÔNG NHIỄM TRƯỚC nên không vì danh, lợi hay vì phúc báu trời người mà bố thí. KHÔNG LUYẾN TIẾC vì dù là thân mạng chăng nữa, nếu cần thí xả thì thí xả ngay, thí xả rồi thì không luyến tiếc. KHÔNG TỘI LỖI là khi thí xả không phạm những lỗi như khinh mạn, chưởi mắng, sân hận … KHÔNG PHÂN BIỆT nên thí xả không kể thân hay sơ, giàu hay nghèo, nên hay không nên … HỒI HƯỚNG CHÂN CHÍNH vì tất cả những việc làm ấy đều hồi hướng cho vô thượng bồ đề. Hội đủ những việc như vậy gọi là ‘bố thí ba la mật’.
“Tùy thuận tu hạnh … BA LA MẬT” là lấy những hạnh ba la mật đó làm chỗ hướng đến. Nói hướng đến vì LÝ thì thông nhưng SỰ không phải một bước làm được liền. Đây là do tập khí bao đời chưa xong. Như phần ‘bố thí ba la mật’ nói trên, không phải chỉ muốn là có thể đầy đủ ngay 5 nhân duyên trên mà phải từ từ, nên nói TÙY THUẬN. Thứ gì ngoài thân bố thí được thì bố thí trước rồi từ từ đến những cái gần gũi hơn. Bố thì mà thân tâm khởi lên điều gì khiến mình phạm vào nhân duyên KHÔNG TỘI LỖI thì biết mà buông đi. Chưa buông được thì quán thế nào đó để buông cho được. Cứ vậy mà xả bỏ lần từ cái thô đến cái tế … từ việc chưa làm được đến khi làm được hoàn toàn. Đó gọi là “Tùy thuận tu hạnh ba la mật”.
Mặc dù phần “TÙY THUẬN tu các hạnh ba la mật này” thuộc địa vị Giải Hạnh Phát Tâm nói đây, nhưng kéo dài qua cả địa vị Chứng Phát Tâm nói sau. Đến Bát Địa trở đi, các hạnh ấy mới thật gọi là ba la mật.
C. Chứng phát tâm
Bồ tát từ Tịnh Tâm Địa đến Cứu Cánh Địa chứng cảnh giới gì? Đó là chân như. Vì y chuyển thức nói là cảnh giới mà cái chứng ấy không có cảnh giới, chỉ là trí chân như, gọi là pháp thân. Bồ tát ấy trong khoảng một niệm có thể đến khắp mười phương thế giới không bỏ sót, cúng dường chư Phật, thỉnh chuyển pháp luân chỉ vì khai đạo lợi ích chúng sanh, chẳng nương văn tự.
Từ CHỨNG đã dùng ví dụ giải thích ở phần trên. CHỨNG PHÁT TÂM là nói về cảnh giới của hàng Thập Địa.
Nói đến cảnh giới là nói đến hiện thức. Có hiện thức mới có cảnh giới. Trí chân như, còn gọi là pháp thân, là chỗ không còn năng sở, tức không còn hiện thức, nên tuy nói cảnh giới mà thật không có cảnh giới có thể thấy, nên nói “CÁI CHỨNG ẤY không có cảnh giới”.
“VÌ CHUYỂN THỨC mà nói là cảnh giới ...” là ước về hậu đắc trí mà nói. Vì chứng được nhất niệm ấy xong, Bồ tát Sơ Địa trở về sau còn phải giác 4 tướng là Tương Tục, Trí Tướng, Cảnh Giới và Năng Kiến Tướng. Nói CHỨNG CẢNH GIỚI là y vào hiện tại - đã qua cái nhất niệm ấy - mà nói, nên nói “Y nơi chuyển thức mà nói”. Chuyển thức là chỉ cho tướng Năng Kiến. Còn ngay lúc chứng ấy thì không có sở chứng cũng không có năng chứng.
Mười phương thế giới không ra ngoài nhất niệm ấy nên nói “TRONG KHOẢNG MỘT NIỆM có thể đến khắp mười phương thế giới …”. Cảnh giới chư Phật không thuộc tâm sanh diệt nên nói CHẲNG NƯƠNG VĂN TỰ.
Theo luận Thành Duy Thức, 10 địa này chứng được 10 thứ chân như. Đây là theo đức tính thù thắng mà giả lập làm 10 thứ, chứ tự tánh chân như vốn không sai biệt. Ngay Sơ Địa, một niệm nhân pháp đều không đã đủ cả 10 thứ, nhưng do thắng hạnh chứng đạt chân như chưa đầy đủ nên lập ra 10 thứ này để viên mãn 10 thắng hạnh đó. Đây chỉ nêu ra một số địa để hiểu về DỤNG thù thắng của hàng Thập Địa.
. Sơ Địa chứng được nhất niệm nhân pháp đều không. Tức chân như do 2 không hiển lộ, không một pháp nào mà không có nó, nên gọi là BIẾN HÀNH CHÂN NHƯ.
. Tam địa chứng được chân như mà từ chân như này dòng giáo pháp lưu xuất tối thắng hơn cả, nên gọi là THẮNG LƯU CHÂN NHƯ.
. Bát Địa, vì không theo tịnh nhiễm nên chứng được chân như lìa chấp tăng giảm, gọi là BÌNH ĐẲNG CHÂN NHƯ. Nó là chỗ y tựa cho thân tướng và quốc độ tự tại. Nghĩa là, nếu chứng được chân như này thì tự tại hiện thân tướng và quốc độ.
. Cửu Địa thì chứng TRÍ TỰ TẠI CHÂN NHƯ được tự tại đối với sự hiểu biết vô ngại.
. Thập Địa thì chứng NGHIỆP TỰ TẠI CHÂN NHƯ, được tự tại đối với tất cả thần thông, tác nghiệp, tổng trì, định môn.
Từ Sơ Địa đã có dụng làm lợi ích chúng sanh nhưng phải từ Bát địa trở về sau, dụng này mới thật thù thắng. Với Phật giáo, DỤNG không phải thứ người tu nhắm đến, song đã chứng pháp thân, nhất là từ Bát Địa trở về sau không thể không có những dụng này. Đây chính là chỗ nhắc nhở người tu về những thứ gọi là kiến tánh, đắc đạo … Việc thấu suốt kinh luận rõ ràng so với những dụng nói đây không đáng vào đâu, nhưng đọc kinh không hiểu, luận giải rõ ràng ra rồi gặm cũng không vào, cái nhất quán của Tam thừa không nhận được, cái tùy duyên không rời lý nắm không xong ... mà một mực là ta đã kiến tánh đắc đạo, rồi tùy duyên sống không giới luật, chẳng trừ nghiệp tập, cho pháp đối trị của Thầy Tổ đề ra là sơ cơ, buông vọng khỏi cần dùng, thì không khác nào buông tay hố thẳm. Đây là bị lớp tương tục của dòng nghiệp lực lôi chạy mà cứ tưởng là đắc đạo tùy duyên. Nghiệp không trị, cứ theo duyên mà sống, thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ … là mình đang chồng chất thêm kiếp phàm phu. Một khi mình để những hành tác thế gian thành thói quen mà không một chút ý thức về việc đối trị chúng, thì chúng sẽ được huân tập thành chủng tử trong thức tạng. Nghiệp hữu lậu càng nhiều thì chủng tánh vô lậu càng bị che khuất. Càng tùy duyên thì càng đổ nợ. Luận đây giải thích rất rõ ràng. Chúng ta không thể không cẩn thận.
Hoặc thị hiện vượt qua các địa chóng thành chánh giác, là vì các chúng sanh khiếp nhược. Hoặc nói “Ta phải vô lượng a tăng kỳ kiếp mới thành Phật đạo” là vì các chúng sanh giải đãi hay khinh mạn. Hay thị hiện như thế với vô lượng phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Mà thật ra, Bồ tát chủng tánh căn cơ là đồng, phát tâm là đồng, chỗ chứng cũng đồng, không có chuyện vượt qua. Vì tất cả Bồ tát đều phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp. Chỉ vì thuận theo thế giới chúng sanh chẳng đồng, chỗ thấy chỗ nghe căn dục tánh khác nên thị hiện chỗ hành cũng có sai biệt.
Đây là ứng cơ mà phát dụng của pháp tánh chân như. Với chúng sanh yếu đuối sợ không kham nổi con đường tu hành thành Phật quá dài quá khó, thì thị hiện việc tu hành thật mau chóng. Như Thích Ca Mâu Ni thị hiện là một chúng sanh ra đời trong cung vua Tịnh Phạn, đáng nhẽ phải trải qua 3 a tăng kỳ mới thành Phật thì ngài thị hiện chỉ có 6 năm. Hoặc như Lục Tổ, thị hiện là một người đốn củi. Chỉ trong vòng 8 tháng giả gạo ở đạo tràng Ngũ Tổ đã nói về cái ‘Vô nhất vật’ là cửa vào Sơ Địa v.v... Rồi thấy các pháp từ tâm sanh ra là chỗ thấy của Bồ tát địa tận. Tất cả đều là những thị hiện “VƯỢT QUA CÁC ĐỊA, chóng thành chánh giác”.
Đó là đối với người có tâm sợ hãi con đường trường viễn của Phật đạo, còn đối với người đã chịu phát tâm tu hành nhưng có cái tật ỷ y, dễ vui, làm biếng … Di Lạc ra đời cũng chưa vào được vị tín tâm thành tựu, thì thị hiện việc tu hành cần khổ và cần rất nhiều thời gian. Đây đều tùy cơ của chúng sanh mà hiện thân giáo hóa. Cứ một bịnh như thế là có một hóa thân giúp trị cái bịnh ấy, nên hóa thân thị hiện nhiều vô số. Người mắc bịnh sân thì có hóa thân trị bịnh sân, người bị bịnh ái dục thì có hóa thân trị bịnh ái dục … Cứ vậy mà hóa hiện khiến người tu nhàm mỏi xa lìa. Vì thế, nói “THỊ HIỆN NHƯ THẾ vô lượng phương tiện chẳng thể nghĩ bàn”.
MÀ THẬT RA là nói về cái đồng của chư vị Bồ tát chứng phát tâm. Vì thuận theo thế giới chúng sanh mà có sự thị hiện sai khác, còn thực chất thì mọi thứ đều có thứ lớp rõ ràng, đều cùng trải qua các vị, đều cùng phải tu 3 a tăng kỳ kiếp. Từ khi mới phát tâm tu hành đến khi chứng pháp thân bước vào Sơ Địa mất một a tăng kỳ kiếp. Từ Sơ Địa đến Bát Địa mất thêm một a tăng kỳ kiếp nữa. Thêm một a tăng kỳ kiếp cho 3 địa sau mới thành Phật.
Tu hành là cả một quá trình dài đăng đẳng từ quá khứ đến vị lai, nhưng chưa có túc mạng minh thì mình chỉ biết những việc xảy ra trong hiện tại. Phân theo đây là phân theo tiệm mà cũng là phân theo đốn. Nói TIỆM là kể hết cả quá trình từ đầu đến cuối mà một người tu Phật phải trải qua. Từ khi chán sanh tử cầu niết bàn đến khi thành Phật đều phải trải qua những cấp bậc như thế với số thời gian như thế. Phải tu 1 a tăng kỳ rồi mới chứng được chỗ nhân pháp đều không. 2 a tăng kỳ mới bước qua được cửa Bát Địa. Còn nói ĐỐN là căn cứ vào hiện đời mà nói. Như hiện đời đây, có người trong chùa hàng mấy chục năm mà kinh kệ chữ nghĩa lúc được lúc mất, nhưng có người chỉ mới tu vài năm đã thấy tánh. Cái thấy tánh ấy mình thấy là đốn, Tổ Sư Thiền đúng là đường chim bay. Nhưng nhìn chung cả quá trình từ quá khứ thì không có gì là đốn, cũng đang trên con đường tiệm ấy mà tiến. Vì chứng thì đốn nhưng tu phải tiệm, Phật đã nói như vậy trong kinh Lăng già. Cái gọi là ĐỐN TU ĐỐN CHỨNG chẳng qua vì tiệm đã bạc đầu, bồ đoàn cũng mòn hàng triệu triệu tấn tấn rồi. Cho nên, 3 A TĂNG KỲ KIẾP có thể là hàng ngàn kiếp mà có thể chỉ là 3 tháng, 5 năm … Tổ Đạt Ma đã lấy tham - sân - si để ấn định cho cái 3 a tăng kỳ này. Hết tham - sân - si là hết 3 a tăng kỳ kiếp. Phân vậy dễ hiểu mà không ngoài ý nghĩa luận đây đã nói.
Nắm được chỗ này mình sẽ hiểu vì sao có người ngồi thiền được, có người ngồi thiền không được. Có người ngồi tụng kinh cả ngày được nhưng tréo chân im lặng mười phút là chịu không nổi. Như pháp BIẾT VỌNG KHÔNG THEO mình đang tu đây, có người mới áp dụng vài năm đã thấy kết quả rõ ràng, phấn phát niềm tin. Có người mới biết vọng thôi đã thấy chướng thân, chướng tâm, đổ bịnh. Đó là do quá trình huân tập việc ấy của mình trước đây nhiều hay ít. Tụng kinh dễ mà ngồi thiền khó vì tụng kinh thì nhiều mà ngồi thiền thì ít. BIẾT VỌNG KHÔNG THEO mà có kết quả là do việc buông bỏ vọng tâm của mình trong tiền kiếp đã quen. Nói vậy, không có nghĩa biết vọng bị chướng là đã vội kết luận căn cơ mình không đủ để thực hành pháp môn này rồi bùi ngùi chia tay với nó. Bồ tát ra đời cách ấm còn mê, huống là mình. Mê thành khi mới áp dụng, thấy chướng thân chướng tâm. Tập một thời gian thì chủng tử đã huân trước đây sẽ hiển hiện. Chướng sẽ tiêu trừ. Nếu tiền kiếp mình chưa từng tu thiền thì hiện đời càng phải cố gắng để huân tập. Thấy khó không tập thì không bao giờ mình có thể bước vào con đường tu thiền. Không thiền không định thì không thể lóng lặng thân tâm. Ngay cả pháp môn niệm Phật nói sau, rốt ráo cũng qui về vô niệm. Và chỉ khi thấy được tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức mình mới thật sự hết khổ.
Nghe THIỀN mà nhào tới thì không thể nói mình không có chủng tử thiền trong thức tạng. Đã có thì chỉ cần mình chịu quyết tâm, chướng bao nhiêu rồi cũng hết. Kiếp này thấy chướng mà bỏ thì kiếp sau ra đời cũng lại chướng, rồi lại lập lại tình trạng hiện đời. Chi bằng một ngày tập một ít để làm vốn cho kiếp sau.
Lại, tướng phát tâm của Bồ tát này có 3 thứ tâm, tướng nó rất vi tế. Thế nào là 3?
1. Chân tâm không có phân biệt.
2. Phương tiện tâm, tự nhiên làm lợi ích khắp chúng sanh.
3. Nghiệp thức tâm, khởi diệt rất vi tế.
Nêu 3 thứ tâm đây là nêu tổng quát, còn phân chi tiết thì Bồ tát từ Sơ Địa đến mãn tâm Thất Địa, cái KHÔNG PHÂN BIỆT ấy tùy địa mà mở rộng dần cho đến Bát Địa. Vì thế, phần PHƯƠNG TIỆN TÂM cũng có hẹp hay rộng tùy cấp độ địa.
NGHIỆP THỨC tâm, chỉ cho phần Nghiệp Tướng thuộc 9 tướng bất giác, là phần nghiệp thức thuộc ý. Bồ tát ở tất cả địa đều bị sự chi phối của phần nghiệp thức khởi diệt rất vi tế này. Đây là lý do vì sao Bồ tát ở các địa chưa đủ trí tuệ cùng lực dụng công đức như Phật.
Lại chư vị Bồ tát này, công đức thành tựu viên mãn, nơi cõi Sắc cứu cánh thị hiện thân cao lớn hơn hết thảy thế gian. Là vì một niệm tương ưng với tuệ, vô minh lập tức hết, gọi là nhất thiết chủng trí. Tự nhiên có nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn, hay hiện mười phương làm lợi ích chúng sanh.
Đây là lúc nghiệp thức hết, thủy giác thể nhập hoàn toàn với bản giác, thành tựu trí nhất thiết chủng, tự nhiên có nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn. Nói TỰ NHIÊN vì ứng cơ mà thành dụng, không do tác ý.
CÕI TRỜI SẮC CỨU CÁNH, ngài Hám Sơn nói “Là cõi trời cao nhất sắc giới. Tại cõi trời này, Phật Phật thành đạo đều hiện thân to lớn nhất tọa ở Liên Hoa Cung, thành Đẳng chánh giác, là báo thân Phật”.
“MỘT NIỆM TƯƠNG ƯNG với tuệ, vô minh lập tức hết” là phần nghiệp thức khởi diệt rất vi tế đến đây là hết, chỉ còn lại 2 thứ tâm là chân tâm vô phân biệt và phương tiện tâm. Tất cả đều viên mãn. Ứng với ĐẠI TRÍ và ĐẠI BI của Phật.
Hỏi : Hư không vô biên nên thế giới vô biên. Thế giới vô biên nên chúng sanh vô biên. Chúng sanh vô biên nên tâm hành sai biệt cũng vô biên. Cảnh giới như thế chẳng thể hạn định, khó biết khó hiểu. Nếu vô minh diệt thì không có tâm tưởng, làm sao có thể biết hết mà gọi là nhất thiết chủng trí?
TÂM TƯỞNG là do chân thể bất giác động niệm mà có. Hết bất giác thì tâm tưởng hết nên nói “Vô minh diệt thì không có tâm tưởng”.
Đây là lấy tri thức thế gian mà suy lường cảnh giới Phật. Bởi thế gian là thế giới của năng sở. Thứ gì cũng phải có cái biết của tâm tưởng mới biết. Như muốn thấy cảnh phải có mắt và cái thấy mới thấy. Giờ không mắt không cái thấy thì làm sao có thể thấy mọi thứ mà đòi thấy nhiều thứ hơn? Nên đây thắc mắc : Nếu vô minh diệt tức tâm tưởng không còn thì lấy gì để biết về mọi thế giới với vô số tâm hành sai biệt của chúng sanh?
Đáp : Tất cả cảnh giới vốn là nhất tâm, lìa các niệm tưởng. Vì chúng sanh vọng thấy cảnh giới nên tâm có phần tề. Vì vọng khởi niệm tưởng, chẳng ứng hợp với pháp tánh nên chẳng thể hiểu rõ. Chư Phật Như Lai lìa Kiến Tướng nên không chỗ nào mà chẳng khắp. Vì là tâm chân thật nên chính là tánh của các pháp. Tự thể hiển bày soi rõ hết thảy pháp hư vọng, có đại trí dụng với vô lượng phương tiện. Tùy theo chỗ nhận hiểu của chúng sanh cảm ứng được mà hay khai thị mọi thứ pháp nghĩa, nên gọi là Nhất thiết chủng trí.
Cảnh tuy vô biên nhưng không ngoài nhất tâm. Song nay thấy tâm cảnh có sự ngăn cách, có cái thấy được, có cái không thấy được, là do chúng sanh bất giác sanh cái thấy hư vọng mà thành hạn cuộc trong các căn. Cái không biết rõ ấy là do tâm vọng động mà có niệm tưởng, chẳng còn ứng hợp được với pháp tánh. Vì thế, khi niệm tưởng hết mới là lúc có thể biết khắp tất cả mà không bị ràng buộc trong cái biết của nghiệp thức.
Các pháp như bóng hiện trong gương chân thể pháp thân. Tánh thật của pháp cũng chính là gương. Nên nói “Vì là TÂM CHÂN THẬT nên chính là tánh các pháp”. Vì là tánh của các pháp nên một khi tánh ấy hiển bày thì cái hư vọng của vạn pháp lộ nguyên hình, nên nói “TỰ THỂ HIỂN BÀY soi rõ hết thảy pháp hư vọng”. Như khi mặt gương hiển bày tính sáng sạch trong suốt của nó thì đồng thời cũng hiển cho ta thấy những thứ hiện hình trong gương không có thật thể, chỉ là bóng phản chiếu qua gương.
ĐẠI TRÍ DỤNG là chỉ cho dụng có được khi tự thể chân như đã hiển bày. Trí dụng này ứng cảm với tâm chúng sanh mà hóa hiện tùy nghi giáo hóa chúng sanh, nên nói “Đại trí dụng với VÔ LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN”. Có cảm là có ứng với vô lượng phương tiện như thế nên gọi là NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ.
Hỏi : Nếu chư Phật có nghiệp tự nhiên hay hiện tất cả chỗ làm lợi ích chúng sanh, còn tâát cả chúng sanh nếu thấy được thân ngài, hoặc thấy thần biến, hoặc nghe ngài nói, không gì là không được lợi ích, vì sao ở thế gian phần nhiều chẳng thể thấy?
Đây là nêu thắc mắc khi nghe nói dụng của Phật biến khắp mà ở thế gian thì chẳng hề thấy được cái dụng ấy? Như hiện nay, chúng ta thấy Phật là thấy qua hình tượng Phật, hoặc là hướng lên trời lâm dâm khấn vái rồi được linh ứng mà cho là có Phật. Hoặc nằm mơ thấy Phật mà nói là có Phật. Hoặc trong khi ngồi thiền mà thấy Phật. Song ngồi thiền thấy Phật mà hớn hở trình với chư vị tôn túc thì thường chư vị nói là ma chứ không phải Phật. Thấy theo kiểu nào thì phần lớn chỉ là người thuộc đạo Phật, mà cũng chỉ là số ít. Còn những người không có đạo hoặc thuộc đạo khác như Thiên Chúa Giáo hay Cơ Đốc thì chắc họ chỉ thấy Chúa chứ không thấy Phật. Đây vì thế mà nêu thắc mắc. Cũng là thắc mắc của đa số.
Đáp : Chư Phật Như Lai, pháp thân bình đẳng biến khắp tất cả chỗ, không có tác ý, nên nói tự nhiên, chỉ y tâm chúng sanh mà hiện. Tâm chúng sanh giống như chiếc gương, gương nếu bẩn thì sắc tượng chẳng hiện. Tâm chúng sanh cũng vậy, nếu bị cấu nhiễm thì pháp thân chẳng hiện.
Phần đầu là giải thích ý nghĩa của NGHIỆP TỰ NHIÊN. Không do tác ý mà chỉ do cảm rồi ứng nên nói TỰ NHIÊN. Việc làm nào do ý và ý thức làm chủ, có sự tạo tác, có chủ định gọi là TÁC Ý. Niết bàn của A La Hán cũng rơi vào chỗ tác ý này, song nó không phải là cái tác ý như của phàm phu. Pháp thân thì không có tác ý mà như mặt trăng trên cao tỏa khắp, chỗ nào có nước liền hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói “Như Lai ra đời ví như ánh sáng mặt trời chiếu khắp đại địa, có mắt đều thấy, chỉ riêng người mù là chẳng thấy”. Đây là lý do vì sao dụng thì trùm khắp mà thấy thì người thấy, người không và thế gian phần nhiều không thấy. Nêu ý nghĩa ra vậy để hiểu, dù pháp thân chư Phật trùm khắp mà thiếu cái NHÂN là cảm thì cái DUYÊN là ứng dù tràn đầy bao nhiêu cũng thành không thấy. Nhân duyên đầy đủ thì Phật mới hiện tiền.
Luận đây lấy cái dụ là gương bẩn để dụ cho tâm chúng sanh. GƯƠNG BẨN là dụ cho chúng sanh không có cơ cảm với chư Phật, không phải chỉ dụ cho tâm đang còn phiền não. Vì như Thiện Tinh v.v... tâm đang trong phiền não mà vẫn thấy Phật. Đó là do trong quá khứ đã từng tu tập niệm Phật tam muội nên hiện đời không cần phải nương vào tam muội mà vẫn thấy được Phật thân. Đây là nói về dụng thô, là tùy loài hóa thân hay tiểu hóa thân của Phật. Còn dụng tế là báo thân hoặc chính pháp thân thì phải nương tam muội, tức tâm phải lóng lặng mới thấy Phật thân. Ngài Hiền Thủ nói “Thế gian chẳng thấy chư Phật nhưng thân chư Phật thì thường trụ ở thế gian, vì sao chẳng thấy? Đây như trong chậu bể nên nước không thể đứng yên. Vì nước không đứng yên nên chậu bể tuy thật có trăng chiếu xuống mà vẫn không hiện được. Cũng vậy, chúng sanh không có được Samatha nhuần nhuyễn liên tục, thì chư Phật dù có đó cũng không hiện được. Nước dụ như tánh nhuần nhuyễn của Samatha vậy. Đây là nương nơi định mà được thấy Phật”. Nói PHÁP THÂN CHẲNG HIỆN là y cứ vào cái gốc từ đó có báo hóa thân mà nói, nên tuy nói pháp thân nhưng là chỉ cho cả báo và hóa thân Phật.
Đã nói về phần Giải Thích, kế nói về phần Tu Hành Tín Tâm. Phần tu hành tín tâm
Phần này là y nơi chúng sanh chưa vào chánh định tụ mà nói, nên nói tu hành tín tâm.
TU HÀNH TÍN TÂM là vì lòng tin chưa đủ, nên nói “Y NƠI chúng sanh chưa nhập chánh định tụ”. CHƯA NHẬP CHÁNH ĐỊNH TỤ là chỉ cho những vị thuộc hàng bất định.
Thế nào là tín tâm? Làm sao tu hành? Lược nói tín tâm có 4 thứ.
Nói tu hành tín tâm thì trước tiên phải biết tín tâm là gì rồi mới tu. Biết rồi thì tu như thế nào để có được tín tâm ấy. Nên đây nêu “THẾ NÀO là tín tâm, làm sao tu hành?”. Tín tâm có 4 thứ, còn tu hành thì có 5 môn. Đầu tiên, nói rõ về tín tâm là tin những gì?
Thế nào là 4?
1. TIN BẢN CĂN, đó là thích niệm pháp chân như.
2. TIN PHẬT có vô lượng công đức, thường nhớ nghĩ, thân cận, cúng dường, cung kính hầu phát khởi thiện căn và nguyện cầu tất cả trí.
3. TIN PHÁP có lợi ích lớn, thường nghĩ tu hành các ba la mật.
4. TIN TĂNG tu hành chân chánh, tự lợi lợi tha. Thường thích thân cận chúng Bồ tát, cầu học hạnh như thật.
Tín tâm gồm có 4 thứ tin là tin tự tánh chân như của chính mình và tin vào Tam bảo.
CĂN, nghĩa của nó là cội rễ, nguồn gốc. BẢN là ‘của mình’. BẢN CĂN đây là chỉ cho pháp tánh chân như. TIN BẢN CĂN là tự tin tánh mình, tin mình có pháp chân như. Vì việc tu hành đây là để tạo niềm tin, nên nói “THÍCH NIỆM pháp chân như”. Tức luôn luôn nhớ nghĩ mình có pháp tánh chân như rỗng rang sáng suốt với vô lượng công đức thanh tịnh. Nhớ vậy để làm gì? Để huân tập lòng tin đối với pháp tánh chân như. Có lòng tin thì mới chịu khó chịu khổ tu tập để trực chứng lấy pháp chân như ấy.
Chỉ tin vào bản tánh của mình mà không tu tập thì cũng chẳng tới đâu, nên phải đặt lòng tin vào Tam bảo. Có lòng tin thì mới học hạnh của Phật, học lời Phật nói và thân cận với các bậc tôn túc mà nhận lời chỉ dạy cho việc tu hành.
Đến đây là xong phần nói về tín tâm. Sau là phần tu hành để có được tín tâm ấy.
Tu hành có 5 môn có thể thành tựu lòng tin ấy. Thế nào là 5? Một là môn Thí, hai là môn Giới, ba là môn Nhẫn, bốn là môn Tấn, năm là môn Chỉ Quán.
5 môn này giúp thành tựu tín tâm, vì nó giúp ta xả đi tâm vị kỷ, bỏ bớt những nhiễm ô mà mình đã huân tập trong nhiều đời nhiều kiếp khiến sự thật bị che mờ, lòng tin đối với sự thật ấy mới bị phai lạt. Như áo trắng bị nhuộm đen. Cái hiện tại mình nhận được là cái áo đen, vì thế nếu người nói nó màu trắng, mình cũng khó tin được nó màu trắng. Song nếu cái đen ấy bỗng nhiên mờ dần thì niềm tin chiếc áo không phải màu đen ấy sẽ phai lạt. Một khi áo hở được một chỗ trắng thì niềm tin áo trắng càng chắc thật. 5 môn này giống như thuốc rửa giúp cái áo phai bớt màu đen để hiển ra khoảng trắng thật của áo.
1. Thế nào là tu hành môn THÍ? Nếu gặp những ai đến cầu xin, mình có tài vật gì đều tùy lực giúp họ để tự xả xan tham mà cũng khiến người kia hoan hỉ. Nếu gặp người bị ách nạn, khủng bố, nguy bức thì tùy sức mình mà giúp họ hết sợ. Nếu có chúng sanh đến cầu pháp thì tùy sự thông hiểu của mình mà phương tiện giảng nói, chẳng nên tham cầu danh lợi và sự cung kính mà chỉ nghĩ đến việc tự lợi, lợi tha, hồi hướng bồ đề.
THÍ nói đủ là bố thí. Thứ gì có tính cách không ôm vào mà chỉ xả ra gọi là bố thí. Thế nào là TU HÀNH MÔN THÍ, tức hành bố thí là hành như thế nào? Bố thí đây có 3 thứ :
1. Đem của cải ra cho. Tức tùy theo tài lực của mình mà giúp được ai thì giúp. GẶP AI ĐẾN CẦU XIN, cũng chỉ luôn cho kẻ không cầu xin mà đang gặp khó khăn túng thiếu, mình cũng sẵn lòng chia phần. Giúp ra sao mà người giúp và kẻ được giúp đều có lợi. Người giúp thì xả được lòng xan tham, còn kẻ được giúp thì vui vẻ hoan hỉ. Nếu giúp mà khiến kẻ được giúp càng đau khổ, người giúp thêm cao ngạo thì việc làm tuy như nhau nhưng tinh thần đã đi ngược. Ngược thì lòng tin khó thành tựu.
Việc bố thí tiền của nói đây là bước đầu nuôi dưỡng tín tâm. Ý nghĩa chính của việc làm này là giúp mình xả bỏ lần lòng vị kỷ của cái tôi hẹp hòi, hướng lần về lòng vị tha của chân ngã. Vì thế dù kiến thức học Phật của mình rộng bao nhiêu mà đối với vấn đề xả bỏ ngoài da này mình chưa thực hiện được thì cần phải coi lại vốn kiến thức học Phật ấy. Tu hành mà ngày càng chắc bóp, so đo thiệt hơn giữa người với mình quá kỹ thì việc tu hành của mình có vấn đề.
2. Giúp người khác bằng công sức và tấm lòng của mình. Thấy người gặp bức bách lo âu thì giúp họ bớt lo âu. Thấy người sợ hãi thì làm cho họ bớt sợ hãi … Không hẳn chỉ đối với người đồng loại mà với tất cả muôn loài đều vậy. Tùy sức mình mà giúp.
3. Bố thí Pháp. Pháp đây không phải chỉ là pháp tu hành trong đạo Phật, mà những lời lẽ đạo đức khiến người sống đúng với nhân quả, với đạo đức gia đình xã hội, khiến cuộc sống của người được vui vẻ ... đều gọi là pháp. Giải thích nghĩa lý của kinh, giải nghi những thắc mắc của người đối với vấn đề Phật pháp, hay khuyên người làm lành tránh ác, chỉ cho người những gì cần thiết cho đạo đức của người v.v… đều thuộc về loại bố thí pháp này. Đó là tùy cơ của chúng sanh mà pháp có cạn sâu.
“CHẲNG NÊN tham cầu danh lợi…” chủ yếu là nói về vấn đề bố thí pháp, nhưng phần giải thích đây lại nói chung cho cả 3 loại bố thí, vì 3 cách bố thí trên chỉ giúp ta đạt được tín tâm khi các việc làm ấy không vì danh, vì lợi hay sự cung kính ở thế gian mà chỉ với tâm niệm là phá trừ bản ngã, nguyện mang lợi ích cho muôn loài và cuối cùng là hồi hướng về Phật đạo. Vì thế, đây giải thích chung cho cả 3.
2. Thế nào là tu hành môn GIỚI? Là chẳng giết hại, chẳng trộm cướp, chẳng dâm dật, chẳng nói hai lưỡi, chẳng nói lời ác, chẳng nói điều hư dối, xa lìa xan tham, tật đố, giả dối, nịnh nọt, quanh co, sân nhuế và tà kiến. Nếu là người xuất gia thì vì phải chiết phục phiền não nên cũng cần xa lìa chỗ rối ren ồn náo, thường ở chỗ tịch tĩnh, tu tập hạnh ít muốn biết đủ, hạnh đầu đà v.v... cho đến một tội nhỏ, tâm cũng sanh sợ hãi, hổ thẹn mà hối cải. Chẳng được khinh thường những giới cấm Như Lai đã đặt ra. Phải giữ gìn sự tỵ hiềm và chê bai, chẳng để chúng sanh vọng khởi tội lỗi.
GIỚI hiểu nôm na là giới luật, là những hình tướng đặt ra để ngăn ngừa bớt những ách nạn cho người đời. Giữ được những tướng này thì tâm đỡ ô nhiễm, đạo dễ gần, niềm tin dễ phát triển. Khi Phật sắp nhập diệt, ngài A Nan hỏi “Không có Phật thì đời sau nương vào đâu mà tu hành?”. Phật trả lời 3 thứ, trong đó có vấn đề giới luật. Cho thấy giới luật rất quan trọng trong đời mạt pháp này.
Những thứ như giết hại, trộm cắp … một người dân bình thường còn không được làm, huống là người tu hành nuôi dưỡng tín tâm làm Phật? Song với người đời thì việc giết hại những con vật nhỏ là chuyện bình thường. Với người tu, cố gắng giữ gìn được chừng nào hay chừng đó. Không sát hại vừa tránh được nghiệp quả không hay, vừa nuôi dưỡng được lòng bi. Tín tâm mới vững mạnh.
Với người xuất gia thì ngoài những giới tướng đã thọ, các vị còn phải chiết phục phiền não. PHIỀN NÃO là chỉ cho những thứ làm tâm không yên, bắt nguồn từ định kiến và ái dục. Muốn chiết phục những thứ này thì phải có thiền định. Thiền định thì lúc đầu phải xa lìa chỗ ồn náo, thường ở chỗ tịch tịnh … Nói chung, không nên để tâm loạn động theo cảnh giới bên ngoài, mà cần phải làm chủ những máy động trong tâm. Đó là nói về tâm. Còn về thân thì tu tập hạnh ít muốn biết đủ, hạnh đầu đà.
Đây nói về tu hành tín tâm, vì sao lại có các vị xuất gia? Vì tuy xuất gia nhưng tín tâm tu Phật không phải ai cũng có. Có vị thì vấn đề thiền định tu Phật được đặt song song với việc làm lợi ích chúng sanh. Song có vị chỉ lấy bằng cấp, học vị hay chữ nghĩa làm sự nghiệp tối cùng mà coi thường việc thiền định, nhiếp tâm. Xuất gia với tâm như vậy là do tín tâm tu Phật chưa phát. Chưa phát chứ không phải không có. Nên đây lập bày giúp cho phát.
Vì sao CHẲNG ĐƯỢC KHINH THƯỜNG những giới cấm Như Lai đã đặt ra? Vì đó là nền tảng cơ bản cần có của người con Phật. Ngoài những lợi ích thiết thực cho bản thân, nó còn góp phần để đạo pháp được trường tồn ở thế gian. Người tại gia giữ gìn giới luật đã đành. Với các vị xuất gia, vấn đề này càng nghiêm trọng. Vì Tăng Ni là bộ phận chính đại diện cho Phật pháp. Muốn biết Phật giáo thế nào, người ta căn cứ vào bộ phận lớn ấy mà đánh giá trước tiên. Tâm thanh tịnh là quan trọng. Song hình tướng là thứ người đời căn cứ vào đó để đánh giá người tu. Vì thế, oai nghi và giới luật là những thứ mà người tu phải gìn giữ để người đời luôn có tâm kính trọng đối với Phật pháp. Khoác áo tu mà miệng phì phèo thuốc lá, nghe nhạc, xem phim, nhịp chân ... rồi nói cười ồ ạt trong quán ăn thì không khỏi khiến người đời khó chịu và khởi tâm khinh mạn. Những hành động ấy, ngoài việc làm giảm đi giá trị của đạo pháp, còn khiến chúng sanh khởi tâm khinh thường, chê bai, xa rời đạo Phật. Đó là khiến cho chúng sanh VỌNG KHỞI TỘI LỖI. Nên nói “PHẢI GIỮ GÌN sự tỵ hiềm và chê bai”. Cho nên, là xuất gia hay tại gia đều không nên coi thường giới luật mà Như Lai đã đặt ra.
3. Thế nào là tu hành môn NHẪN? Là phải nhẫn chịu những não hại người khác đem lại mà chẳng ôm lòng trả báo, cũng phải nhẫn chịu đối với lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc.
NHẪN là nhẫn nhịn. NÃO HẠI là những thứ làm mình phiền lòng, khó chịu, buồn bực. Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc nhà thiền gọi là bát phong. Gọi bát phong vì nó là 8 thứ gió có thể làm các thức nổi sóng, lòng người phải lay động. LỢI là lợi lộc. XƯNG là tán thán ca ngợi. DỰ cũng là ca ngợi nhưng có tính cách gián tiếp. LẠC là sự sung sướng. 4 thứ này là gió thuận. SUY là hao tổn, xuống dốc. HỦY là chê bai chỉ trích. CƠ là chế giễu. KHỔ là những bức bách, không thuận lòng. 4 thứ này là gió nghịch. Thuận hay nghịch gì, nếu không nhẫn thì thân tâm đều động. Động thì tín tâm sẽ không phát nên đây dạy phải nhẫn. NHẪN nghĩa là cố gắng đừng để những thứ đó dẫn dắt. Tâm khởi thích thú hay khó chịu với các thứ đó thì cần tỉnh, biết mà đừng chấp vào đó, gọi là NHẪN.
NHẪN đây khác với nhẫn của người đời. Người đời nhẫn lúc này để hơn lúc khác, thua keo này bày keo khác. Vì thế cái nhẫn của người đời thường là nhẫn để trả thù, hả dạ. Người tu Phật, nhẫn là để trở về với bản tâm vốn thanh tịnh của mình. Cái nhẫn ấy là nhẫn trong sự vị tha, buông bỏ ... nên nói KHÔNG ÔM LÒNG TRẢ BÁO.
4. Thế nào là tu hành môn TẤN? Là đối với các việc thiện, tâm chẳng giải đãi, thối chuyển, lập chí kiên cường xa lìa sự khiếp nhược. Phải nhớ từ quá khứ lâu xa đến nay, ta đã hư vọng thọ nhận tất cả đại khổ của thân và tâm, không có lợi ích. Cho nên, cần phải siêng tu mọi công đức lợi mình, lợi người, chóng lìa các khổ.
TẤN tức là tinh tấn. Làm bất cứ việc gì mà thiếu sự tinh tấn thì không xong. Huống hồ tu hành, là việc đi ngược lại với thói quen thế gian của mình.
Tinh tấn như thế nào? Với các việc thiện thì không được giải đãi. GIẢI ĐÃI là làm biếng, ương ương dỡ dỡ, không thiết tha. Việc gì lợi người mà xả được cái tôi đố kỵ, kiêu mạn, ít kỷ, xan tham của mình thì đều phải cố gắng quyết tâm làm bằng được, không nên thoái thác hay né tránh. Làm vậy là mình đang “LẬP CHÍ kiên cường, xa lìa sự khiếp nhược”. KHIẾP NHƯỢC vì bản ngã còn mạnh. Xả được bản ngã thì khiếp nhược chẳng còn.
PHẢI NHỚ … là lời nhắc nhở mỗi khi mình giải đãi đối với việc tu hành. Đời này khổ nhiều hơn vui, lo nhiều hơn an. Vui không bao nhiêu mà khổ thì đứt gan đứt ruột, nên nói ĐẠI KHỔ. Thương thì không được gần, ghét lại cứ chung chạ, không thứ gì vừa lòng … là những cái khổ về tâm. Nóng, lạnh, bịnh hoạn, tai nạn, đói khát … là những cái khổ về thân. CHO NÊN … là kết luận cho cái PHẢI NHỚ vừa nói : Đời không có gì vui, vì thế cần tinh tấn tu hành để thoát khổ.
Phải là việc làm mang lợi ích thiết thực lâu dài cho người mới gọi là công đức. Có công đức tức cũng lợi mình. Lợi mình lợi người thì niềm vui tràn ngập, sanh tử tức niết bàn. Nên nói “SIÊNG TU các công đức, lợi mình lợi người, chóng lìa các khổ”.
Đây là cái tinh tấn thứ nhất cần phải thực hành. Kế là những việc cần tinh tấn khác.
Lại nữa, nếu có người tuy tu hành tín tâm nhưng do từ trước đến nay, tạo nhiều ác nghiệp trọng tội, bị tà ma chư quỉ làm não loạn, hoặc là bị các sự việc ở thế gian mỗi mỗi kéo lôi trói buộc, hoặc bị bịnh khổ làm bực phiền … Có rất nhiều sự chướng ngại như thế thì cần phải dũng mãnh tinh cần, ngày đêm sáu thời lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ, hồi hướng bồ đề thường chẳng bỏ phế, để trừ các chướng, thiện căn tăng trưởng.
Ngoài sự tinh tấn đối với việc thiện, ta còn phải tinh tấn thường hằng lễ Phật, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ và hồi hướng bồ đề. HỒI HƯỚNG BỒ ĐỀ là để tránh cái nạn đi lạc. Đi lạc là thay vì tu để thành Phật, mình lại tắp qua Nhị thừa hay ngoại đạo tà giáo. Nếu hồi hướng thì sẽ được sự hộ trì của chư Phật. Chư vị Bồ tát sẽ tạo ra nhiều hạnh duyên giúp mình không rẻ bên này, không đáp bên kia ... Mình lọt qua Nhị thừa thì chư vị lôi mình ra. Mình tắp qua ngoại đạo thì chư vị lôi mình về. Chỉ một Đại thừa không có lối rẽ nào khác.
Các việc như lễ Phật, sám hối v.v... thì giúp tiêu trừ bớt những chướng nghiệp của thân và tâm mà mình đã gây tạo trong quá khứ. CHƯỚNG NGHIỆP là những duyên bên ngoài làm cản trở việc tu hành của mình. Như bình thường thì không sao, nhưng cứ tréo chân lên ngồi thiền thì nhức đầu sổ mũi, còn không thì ngủ gà ngủ gật … Bình thường thì không có gì xảy ra, nhưng đến ngày giảng pháp thì người thân bị thế này thế kia, không thể bỏ mặc để đến chùa nghe pháp v.v... Đều là hình thức của chướng nghiệp. Chướng thấy thì ngoài tâm nhưng đều do tâm mà ra. Nên cách duy nhất để trị là ngay tâm mà SÁM HỐI. Sám lỗi trước chừa lỗi sau thì chướng nghiệp mau tiêu, tín tâm mau phát.
5. Thế nào là tu hành môn CHỈ - QUÁN? Chỉ là dừng tất cả tướng cảnh giới, tùy thuận nghĩa quán Samatha. Quán là phân biệt tướng nhân duyên sanh diệt, tùy thuận nghĩa quán Tỳbátxána. Thế nào là tùy thuận? Dùng 2 nghĩa ấy dần dần tu tập chẳng tách lìa nhau nên cả 2 đều hiện tiền.
Đây là món cuối cùng trong 5 món tu hành. Không có thiền định thì tâm không thể lóng lặng mà phát niềm tin bất thối đối với Đại thừa, nên môn CHỈ - QUÁN này là môn quan trọng nhất trong 5 món.
SAMATHA là tên khác của CHỈ. Theo định nghĩa đây thì CHỈ là dừng tất cả cảnh giới. Nghĩa của nó nằm ở chữ DỪNG này. Dừng nghĩa là không cho nối tiếp. Những gì khởi lên trong tâm, mình đều dừng và đưa tâm trở về trạng thái KHÔNG vốn sẵn của nó, gọi là CHỈ. Cảnh giới có thể là cảnh giới ngoại trần, một trạng thái sân, một trạng thái vui, một dòng vọng niệm ... Nếu là tu CHỈ thì tất cả những thứ đó đều không phải là cảnh giới mà mình hướng đến, nên tất cả đều buông. Tu CHỈ giúp hành giả có định tâm. Môn QUÁN KHÔNG này thành căn bản trí.
TỲBÁTXANA là tên khác của quán. QUÁN là quán xét tướng nhân duyên sanh diệt của vạn pháp, nên nói là PHÂN BIỆT. Pháp tu quán này giúp hành giả phát tuệ. Môn QUÁN SANH DIỆT này thành hậu đắc trí.
CHỈ và QUÁN tuy hành tướng thấy trái nhau nhưng thật là đang bổ xung cho nhau, giúp hành giả lóng lặng tâm thức mà không rơi vào chỗ trầm tịch thiếu trí tuệ, nên nói “Dùng 2 nghĩa ấy dần dần tu tập chẳng tách lìa nhau, nên cả 2 đều hiện tiền”. Đây là lúc định tuệ hiện tiền.
Sau là nói về pháp tu CHỈ một cách chi tiết.
a. TU TẬP CHỈ là, ở chỗ yên tịnh, ngồi ngay thẳng, chánh ý, chẳng nương hơi thở, chẳng nương hình sắc, chẳng nương nơi không, chẳng nương đất nước gió lửa … Cho đến, chẳng nương nơi thấy, nghe, hiểu biết. Tất cả các tưởng thuộc niệm đều trừ. Cũng bỏ luôn tưởng trừ. Vì tất cả pháp vốn không có tưởng. Niệm niệm chẳng sanh. Niệm niệm chẳng diệt. Cũng chẳng được ngoài tâm niệm cảnh giới, sau lấy tâm trừ tâm. Tâm nếu tán loạn dong duổi thì phải nhiếp lại, trụ ở chánh niệm. Chánh niệm ấy là, phải biết chỉ là tâm, không có cảnh giới bên ngoài. Ngay tâm ấy cũng không có tự tướng, niệm niệm bất khả đắc.
Ở CHỖ YÊN TịNH là, vì CHỈ là dừng tất cả tướng cảnh giới, nên việc dứt duyên bên ngoài là cần thiết. Lại, người mới ngồi thiền, chỗ yên lặng dễ điều tâm. Ngài Hiền Thủ nói “Ở chỗ yên tịnh là duyên của tu chỉ. Duyên này nói đầy đủ có 5 thứ. 1/ Ở trong rừng vắng hay những nơi yên tịnh. 2/ Trì giới thanh tịnh. 3/ Y thực đầy đủ. 4/ Được thiện tri thức dẫn dắt. 5/ Bỏ hết các duyên sự. Đây chỉ nêu sơ lược nên chỉ nói chỗ yên tịnh”. Căn cứ đây thì thấy, việc nhập thất của hành giả tu thiền thuận cho việc tu CHỈ rất nhiều. Muốn thấy tánh không của vạn pháp thì phải đặt nặng vấn đề tu CHỈ này.
NGỒI NGAY THẲNG … là nói đến việc điều thân. Thiền sư Đại Giác nói “Ngồi ngay thẳng chính là kiết già phu tọa của đức Như Lai thể nhập thật tướng, cũng gọi là ngồi thiền”. Toàn già là tư thế tốt nhất để điều thân điều tâm, song cũng có thể là bán già, ngồi xếp chân theo kiểu Nhật, hay ngồi thẳng trên ghế v.v… Tùy căn nghiệp của mỗi người, thuận với tư thế nào khiến dễ điều thân, điều hơi thở thì ngồi. Còn tốt mà không hợp với căn nghiệp của mình thì thêm chướng thân tâm, cũng thành vô ích. Song với tư thế nào thì chủ yếu vẫn là ngồi ngay thẳng. NGAY THẲNG là không được nghiêng bên trái hay bên phải, không được để lưng cong hay ểnh lưng lên. Cong thì sanh hôn trầm, ểnh thì sanh bịnh tật. NGỒI thì ít động hơn đi mà tỉnh táo sáng suốt hơn nằm, nên ngồi. Tư thế thì nhiều nhưng điểm chủ yếu vẫn là ngồi ngay thẳng, nên đây chỉ nói NGỒI NGAY THẲNG.
CHÁNH Ý, đây là phần tu tập để tăng trưởng tín căn Đại thừa, tức để thấy được nhân Phật tánh, nên những gì hướng về đó gọi là chánh, những gì ngoài mục đích ấy gọi là tà. Ngồi thiền với chủ ý lóng tâm để thể nhập lại Phật tánh của mình, gọi là chánh. Ngồi thiền chỉ với chủ ý bồi dưỡng cho thân tâm được an lạc, trị bịnh, xuất hồn du phương v.v… gọi là tà. Ngài Hiền Thủ nói “Hành giả đời mạt pháp, người có nguyện chánh thì ít, người cầu tà thì nhiều, phong thái cứ như là tịch diệt mà thật là cầu danh lợi thế gian. Tâm đã chẳng chánh mà được định thì không thể có. Lìa cái cầu tà này nên gọi là chánh ý. Ý MUỐN để việc quán tâm này cùng với LÝ tương ưng, độ mình và độ người đến đạo vô thượng, gọi là chánh ý”.
NƯƠNG HƠI THỞ là chú tâm vào hơi thở, hơi thở đi đến đâu biết đến đó. Đây là do khi mới tập thiền, vọng tưởng quá nhiều, cái biết bị lu mờ nên không đủ lực để buông, thành phải nương theo hơi thở ra vô để bạt đi vọng tưởng. Đây đã qua giai đoạn này, nên nói KHÔNG NƯƠNG HƠI THỞ.
HÌNH SẮC là gân, xương v.v… và 4 tướng xanh, vàng, đỏ, trắng. KHÔNG là hư không, cùng với ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA ... NƯƠNG là đặt tâm vào những thứ đó. Song tất cả đều là những thứ có hình tướng và cảnh giới rõ ràng mà CHỈ thì dừng hết tất cả tướng cảnh giới, nên đây cũng “Không nương hình sắc, hư không v.v...”
“Không nương vào THẤY, NGHE, HIỂU BIẾT” không phải là bít hết các căn, mà thấy nghe vẫn bình thường nhưng không đặt tâm vào những thứ ấy. Như những điều dạy về tu CHỈ trên, nếu ngồi thiền mà tâm cứ nhớ nghĩ đến nó rồi suy diễn tới lui là đang nương vào sự hiểu biết. Nếu đặt tâm vào thấy nghe hiểu biết như vậy thì chẳng khác việc mình để tâm duyên theo trần cảnh bên ngoài, tâm không thể định. Nên cũng không được nương vào những thứ ấy.
“Tất cả những tưởng thuộc niệm đều trừ, cũng bỏ luôn tưởng trừ”. TƯỞNG THUỘC NIỆM là chỉ cho tâm vọng tưởng. Ngài Hám Sơn nói,[38] khi mới dụng tâm thì đề khởi nhất niệm làm chủ. Do lực quán chiếu của nhất niệm, chỉ cần thấy được chỗ vọng tưởng sanh thì nhất niệm này chiếu phá lập tức không để vọng tưởng tương tục. Song vọng tưởng đã diệt thì nhất niệm này cũng phải bỏ. Vì sao phải bỏ? Vì tự thể chân như xưa nay ly tướng. Nhất niệm ấy chẳng qua là thứ đối đãi với vọng tưởng, vì vọng tưởng mà lập. Duyên khởi với vọng tưởng nên vọng đã trừ mà cái nhất niệm ấy không bỏ thì nó lại là cái gốc để trợ cho vọng tưởng sanh khởi. Sở đã hết thì năng cũng phải trừ, nên nói BỎ LUÔN TƯỞNG TRỪ.
Phân từng chi tiết như vậy là để hiểu tu CHỈ đúng pháp là thế nào. Còn khi thực hành, chỉ một việc đơn giản là : Sau khi đã ổn định tư thế ngồi xong, tất cả những gì hiện ra trong tâm, là một dòng suy nghĩ hay một hình ảnh nào đó, là một cơn sân hay một kiến giải hay ho v.v… một khi BIẾT được sự có mặt của chúng thì không để chúng nối tiếp. Không có vọng tưởng thì cũng không cần chống cái biết lên làm gì. Tức có niệm thì có biết, không niệm thì buông cái biết đi, nhưng đừng để rơi vào hôn trầm. Ngài Vĩnh Gia nói “Tỉnh tỉnh lặng lặng phải”. Cái BIẾT ấy là chỉ cho cái nhất niệm trừ tưởng mà ngài Hám Sơn đã nói. Thực hành như thế thì vẫn thấy nghe rõ ràng nhưng không nương vào bất cứ gì như trên đã nói.
“TẤT CẢ pháp vốn không có tưởng” là nêu lý do vì sao phải trừ tất cả tưởng. “NIỆM NIỆM chẳng sanh, niệm niệm chẳng diệt …” vì niệm vốn không thật có, chỉ do bất giác mà thấy có niệm, tánh của chúng là không. Niệm niệm chẳng sanh vì sanh mà không có tánh sanh. Niệm niệm chẳng diệt vì diệt mà không có tánh diệt. Kinh nói “Sanh mà vô sanh, niệm và vô niệm”.
“ … NGOÀI TÂM niệm cảnh giới, sau lấy tâm trừ tâm” là một cách dụng công khác. Dùng cái biết để buông vọng tưởng rồi buông luôn cái biết ấy là do thể tánh chân như vốn “vô nhất vật”. Vô nhất vật nên phải buông tất cả để thể nhập lại cái tánh ấy, chứ cái biết ấy không phải là vọng tưởng. Ngài Hám Sơn nói “Lực quán chiếu của nhất niệm chẳng thuộc vọng tưởng chuyển”. Nó chính là dụng Bát Nhã. Còn trường hợp NGOÀI TÂM NIỆM CẢNH GIỚI đây thì cái niệm cảnh giới ấy lại thuộc vọng tưởng chuyển (vì duyên với cảnh giới bên ngoài). Dụng tâm như thế thì chẳng lìa được sanh diệt. Qua nhiều giai đoạn chỉ thêm nhọc công, nên nói “CHẲNG ĐƯỢC NGOÀI TÂM niệm cảnh giới, sau lấy tâm trừ tâm”.
“Nếu tâm tán loạn dong duổi thì phải nhiếp lại trụ ở chánh niệm”. Ngồi thiền mà suy nghĩ hết chuyện này lại thấy hình bóng kia, gọi là TÁN LOẠN. Không làm chủ được dòng vọng niệm mà niệm này cứ nối tiếp niệm kia liên tu bất tận, gọi là DONG DUỔI. NHIẾP là thâu lại. CHÁNH NIỆM là “Phải biết chỉ là nhất tâm, không có cảnh giới bên ngoài”. Như vậy, NHIẾP lại TRỤ Ở CHÁNH NIỆM là buông đi những gì hiện lên trong tâm để tâm trở về trạng thái vốn không của nó. Tự thể không của tâm không phải là tướng bị thấy, nên nói “Ngay tâm ấy cũng không có tự tướng, niệm niệm bất khả đắc”. BẤT KHẢ ĐẮC là không thể nắm bắt.
Phần tu CHỈ trên chủ yếu là cho lúc ngồi. Tuy là nói trong lúc ngồi nhưng ngồi chỉ là phương tiện trợ giúp, còn tâm được yên tịnh mới là chính. Nên mọi lời dạy đều đặt nặng ở tâm, giúp tâm được yên mà không dạy chi tiết các tư thế ngồi. Phần chánh văn sau là nói về tu CHỈ ngoài những lúc ngồi. Trong giai đoạn chuyển tiếp này có phần XẢ THIỀN. Luận đây không nêu. Song đối với người tu, phần xả thiền này không kém quan trọng, nhưng đa số lại hay coi thường. Đây nêu thêm để chúng ta nắm vấn đề được rõ ràng.
Cuốn Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán của ngài Trí Khải ghi “Hành giả nếu tọa thiền sắp xong, khi muốn xuất định, trước nên phóng tâm duyên cảnh khác, kế hả miệng thở ra. Nhiên hậu nhè nhè động thân, động vai … tất cả đều phải êm ái, rốt sau lấy tay xoa khắp tất cả lỗ chân lông, rồi lấy hai tay xoa với nhau cho nóng áp lên hai mắt, sau mới mở mắt. Đợi sức nóng trong người ra hết mới tùy ý ra đi. Nếu không như vậy, khi ngồi trụ tâm mà khi xuất buông xả mau quá thì phần vi tế chưa tan, trụ lại trong thân khiến người nhức đầu, trăm lóng xương cứng đờ như mắc chứng phong lao. Về sau trong khi tọa thiền bức rức không yên. Thế nên muốn xuất định cần phải lưu ý”.
Phần trên đã nêu bày khá rõ ràng. Đây chỉ nhấn mạnh lại vài chi tiết quan trọng :
1. Muốn xả thiền, trước phải ‘Phóng tâm duyên cảnh khác’. Trước khi xả thiền, mình có phần hồi hướng và tụng Bát Nhã là chỉ cho phần này.
2. Khi xả thiền mọi thứ cần phải nhẹ nhàng. Thường khi chúng ta học tọa thiền, quí Thầy Cô đã chỉ bày thứ lớp cách xoa xát từ trên xuống dưới. Đây chỉ nói ‘Xoa khắp tất cả lỗ chân lông’ vì đây chỉ chú trọng đến ý nghĩa của việc xoa bóp. Xoa bóp là để giúp máu huyết lưu thông lại bình thường sau khi ngồi yên 1 hay 2 tiếng. Việc xoa bóp cần sâu vào da thịt nhưng phải chậm rãi nhẹ nhàng, không nên để người dao động mạnh theo việc xoa bóp. Thường khi ngồi thiền mà tâm định thì khi xả thiền, mọi động tác của mình tự nhiên trở nên nhẹ nhàng thong thả. Gấp gáp náo động là biểu lộ cho một tâm loạn động.
Đối với người mới tập thiền, chúng ta hay có quan niệm ‘Mới ngồi chưa có định, cần gì phải kỹ càng’. Song thứ gì cũng thành thói quen và thành chủng tử trong thức tạng. Chúng sẽ để lại dấu ấn cho những kiếp sau. Vì thế, dù mới tập hay chưa được định thì mình cũng cần nắm vững kiến thức về tọa thiền, cần có một tư thế đúng và xả thiền trong tư thế xoa bóp nhẹ nhàng. Điều thân có ổn định rồi thì việc điều tâm mới tốt đẹp.
3. Xả thiền xong không nên đứng dậy đi liền. Không phải chỉ sau khi xả thiền, mà ngay cả trước khi ngồi thiền, mọi thứ cũng cần chậm rãi để hơi thở sâu và điều hòa. Đây nói nếu đi vội, sức nóng trong người chưa tan thì về sau ngồi thiền, người sẽ bức rức không yên. Thân không yên tâm khó định. Cho nên, cẩn thận đối với việc tọa thiền thì làm ít mà kết quả nhiều. Không cẩn thận thì ngồi nhiều mà kết quả không có. Ngồi nhiều, ngồi lâu mà tâm không an định được, có khi vì mình coi thường việc xả thiền đây.
Sau là nói về tu CHỈ ngoài những lúc ngồi.
Nếu khi rời chỗ ngồi, đi đứng tới lui với mọi hành tác, trong tất cả thời, thường nhớ nghĩ phương tiện, tùy thuận quan sát. Tập lâu thành thục thì tâm ấy được trụ. Do được trụ nên tâm dần dần sắêc bén mà tùy thuận nhập được chân như tam muội, dẹp sâu phiền não, tín tâm tăng trưởng, chóng được bất thối. Chỉ trừ người nghi hoặc, không tin, phỉ báng, bị chướng nghiệp của trọng tội, ngã mạn, giải đãi. Những hạng người như thế là chẳng thể nhập.
Ngồi là tư thế thù thắng khiến định tâm dễ đạt, nhưng không phải vì vậy mà nói đến CHỈ là phải ngồi. Nếu chỉ có ngồi, thì đối với người tâm chưa vào định không thể ngồi lâu. Ngồi mà ngủ hay nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia thì dễ, còn ngồi mà dụng công buông bỏ đàng hoàng thì 2 tiếng là nhức mình nhức mẩy khó mà ngồi hoài. Trong khi quán tâm thì cần miên mật, vì miên mật mới hàng phục được vọng tâm. Cho nên, chỉ ở tư thế ngồi mới tu thì khó mà tâm được sáng và thấy được tánh. Nên tu CHỈ không thể chỉ có trong khi tọa thiền mà phải được áp dụng mọi lúc mọi nơi. Mọi lúc là TRONG TẤT CẢ THỜI, mọi nơi là “ĐI, ĐỨNG, TỚI, LUI với mọi hành tác”.
THƯỜNG NHỚ NGHĨ PHƯƠNG TIỆN, là áp dụng công phu khi tọa thiền thế nào thì khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng áp dụng như thế. TÙY THUẬN QUÁN SÁT là tùy sự tùy việc mà tu CHỈ kết hợp với tu QUÁN để cả 2 cùng hiện tiền.
TẬP LÂU THÀNH THỤC là việc làm này không thể trong một ngày một bữa mà xong, cũng không thể nay làm, mai nghỉ, mốt làm, kia nghỉ. Nó đòi hỏi sự kiên trì liên tục. LÂU thì phải kiên trì. TẬP thì phải mỗi ngày, mỗi buổi … từ ngày này qua ngày khác như các vận động viên luyện tập thi đấu. Có vậy thì công phu mới thành thục. THÀNH THỤC, là việc làm ấy đối với mình bây giờ tựa như việc ăn cơm, uống nước.
TÂM ẤY ĐƯỢC TRỤ tức là lúc pháp tu CHỈ đã có tác dụng. Tâm không còn rong ruổi tán loạn nên nói là TRỤ. Trụ được thì tâm trở nên sắc bén. SẮC BÉN, là tâm đã có chánh niệm không để vọng tưởng làm chủ. Như pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO ta đang áp dụng đây. Thời gian đầu, BIẾT có vọng để buông rất khó. Biết rồi chưa đủ thời gian để thở là vọng đã dẫn tới đâu đâu. Phải thực hành một thời gian dài, cái BIẾT mới có mặt được nhiều. Đến khi dòng tương tục bị cắt đoạn mới có thể biết được niệm khi niệm vừa khởi. BIẾT được như vậy gọi là sắc bén.
Niệm vừa khởi mà giác được thì không có phiền não nên nói DẸP SÂU. Phiền não là chỉ cho những thứ như lo âu, không yên, buồn phiền v.v… Nói chung, những thứ gì làm phiền cái não của mình thì gọi là phiền não. Chẳng hạn, đến ngày đi chùa người ta mời mọi người, còn mình thì không thấy nhắc đến. Nếu trong đầu mình khởi lên ý niệm ‘Mình nghèo nên nó loại mình ra’ rồi buồn phiền nối tiếp nhau … gọi là phiền não phát sanh. Còn vừa định khởi niệm mà giác liền không cho khởi nghĩ, hoặc khởi nghĩ rồi mà biết đó là vọng buông đi, thì buồn phiền không xuất hiện … gọi là dẹp sâu phiền não.
Ngoài ra phiền não còn chỉ chung cho kiến và ái. Một khi nhập được chân như tam muội thì kiến và ái cũng không, nên nói DẸP SÂU.
Tu mà phiền não giảm hẳn thì niềm tin đối với chính mình, với pháp môn, với Thầy Tổ tăng trưởng, nên nói TÍN TÂM TĂNG TRƯỞNG. Tín tâm tăng trưởng thì việc tu hành không thể lui sụt nên nói CHÓNG ĐƯỢC BẤT THỐI.[39] Pháp tu CHỈ này đưa tâm về tình trạng ‘không’ nguyên thủy của nó, nên nói “TÙY THUẬN nhập được chân như tam muội”.
Bất cứ ai thực hành đúng pháp tu CHỈ đã nêu đây đều tùy thuận nhập được chân như tam muội. Chỉ trừ 6 hạng sau : KHÔNG TIN và PHỈ BÁNG thì không bao giờ áp dụng pháp tu nên không thể tùy thuận mà nhập được chân như tam muội. NGÃ MẠN và bị CHƯỚNG NGHIỆP của trọng tội thì không thể áp dụng pháp tu. GIẢI ĐÃI, NGHI HOAËC thì dù có áp dụng pháp tu, cũng không tới đâu. Tuy 6 tướng này khác nhau nhưng cùng được chung một thứ là CHẲNG THỂ NHẬP, là chẳng thể nhập chân như tam muội.
Lại nữa, nương nơi tam muội này thì biết pháp giới nhất tướng - là pháp thân của tất cả chư Phật cùng vớiø thân chúng sanh bình đẳng không hai - gọi là nhất hạnh tam muội. Phải biết, chân như là nền tảng của tam muội. Nếu người chịu tu hành thì dần dần hay sanh vô lượng tam muội.
Đây là kết quả của pháp tu CHỈ trên. Nhập được chân như tam muội thì biết được pháp giới nhất tướng nên nói NƯƠNG NƠI TAM MUỘI NÀY. Nương tam muội này thì thấy pháp thân chư Phật cùng thân chúng sanh bình đẳng không hai nên tam muội này còn có tên là NHẤT HẠNH TAM MUỘI.
“PHÁP THÂN của tất cả chư Phật cùng với thân chúng sanh bình đẳng không hai” là giải thích PHÁP GIỚI NHẤT TƯỚNG. Ngài Hiền Thủ nói “Nhập nhất hạnh tam muội thì biết hết pháp giới nhiều như các sông hằng của chư Phật không có tướng sai biệt”. Chân như tam muội hay sanh ra vô lượng tam muội khác nên nói “Chân như là NỀN TẢNG của tam muội”.
Dưới là nói về ma sự trong khi tu tập CHỈ.
Với chúng sanh không đủ lực thiện căn thì bị các ma, ngoại đạo, quỉ thần hoặc loạn. Trong khi ngồi thiền, hoặc hiện hình làm cho hoảng sợ, hoặc hiện tướng nam nữ đoan chánh v.v… Phải niệm duy tâm, cảnh giới tự diệt, chẳng thể làm não loạn.
Đây là nêu ra những hình thức của ma sự và cách đối trị. Gọi là ma sự vì những thứ này làm tổn hại đến việc tu hành thành Phật của người tu.
KHÔNG ĐỦ LỰC THIỆN CĂN là nguyên do của loại ma sự này. Đây là trường hợp của người tu còn khí phần ác tập bên trong, cộng với khí phần thiền định đang huân tập phát ra mà có những sự này. Nên nói “không đủ lực thiện căn”.
Không phải người và vật thì gọi là ma, quỉ, thần. Vì những thứ này hiện ra nhằm phá hoại công phu khiến người tu không vào được chánh định nên chung nhóm với NGOẠI ĐẠO. Làm cho tâm không thể an định gọi là HOAËC LOẠN. Có 2 trường hợp, hoặc là hiện ra những hình thức dễ sợ khiến người sợ hãi, hoặc là hiện ra những thân tướng đẹp đẽ để người mê mẫn. Đây là nêu ra ma sự trong khi tọa thiền. Ngoài lúc tọa thiền mà bị những đối tượng khác làm cho hoảng sợ hay mê mẫn rồi bỏ công phu tu tập thì với mình, những đối tượng ấy cũng gọi là ma, quỉ, thần, ngoại đạo. Nói ma là để mình ý thức mà quay về với sự tu tập của mình, không phải để mình chưởi người ta là quỉ. Lại gây thêm khẩu nghiệp.
Cách đối trị những thứ ấy là phải niệm duy tâm. NIỆM DUY TÂM là nhớ không có thứ gì ngoài tâm mà có. Vì sao lại niệm duy tâm? Vì niệm duy tâm để nhớ các hiện tướng ấy không thật có, chỉ do ảo giác mà ra. Vậy mới không sợ hãi cũng không đắm trước. Bình thản, giữ vững công phu thì ma sự mới hết.
Xưa có vị thiền sư ngồi thiền. Ngồi được một lúc thì thấy nơi rốn mình có con nhện đen cứ lớn dần và choáng hết cả người. Ông rất bực mình về con nhện ấy. Một hôm, ông trình với thầy về việc con nhện rồi thưa với thầy, đợt ngồi thiền này, ông sẽ thịt con nhện nếu nó xuất hiện. Thầy khuyên nên lấy bút đánh dấu lên mình nhện, rồi lần sau hãy giết. Vâng lời, khi nhện xuất hiện ông đánh dấu lên mình nó. Sau khi xả thiền, thầy trò cùng xem thì thấy dấu mực ấy nằm nơi rốn ông. Nếu không có thầy thì vị thiền sư đã tự hại mình. Cho nên, ma cảnh xuất hiện, nếu không biết duy tâm sở hiện, lại có tâm thủ xả với nó thì dễ sanh chuyện đáng tiếc.
Hoặc hiện hình chư thiên, hình Bồ tát, cũng tạo ra hình Như Lai với đầy đủ tướng tốt ; hoặc thuyết Đà la ni, hoặc thuyết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ ; hoặc thuyết bình đẳng, không, vô tướng, vô nguyện, không oán, không thân, không nhân, không quả, rốt ráo không tịch là chân như niết bàn ; hoặc khiến người biết túc mạng và những việc đã qua, cũng biết được những việc chưa đến ; được tha tâm thông, biện tài vô ngại, hay khiến chúng sanh tham trước danh lợi thế gian.
Những tướng này rất dễ khiến người đắm trước, vì nó mang những hình thức Phật pháp. BIẾT TÚC MẠNG là biết về những việc ở tiền kiếp của mình và người, như đức Phật biết về vô số kiếp làm Bồ tát của ngài trước kia. ĐƯỢC THA TÂM THÔNG là có tâm biết được ý nghĩ và tâm trạng của người khác. BIỆN TÀI VÔ NGẠI là thuyết pháp thì không chướng ngại, đối đáp nghị luận thì không ai bằng. Được những thứ này, không ai có thể nghĩ là ma sự. Song thứ gì cũng thành ma một khi ta thích thú và khởi tâm ngã mạn về những thứ đó. Chấp thì Phật cũng thành ma. Nên đây nêu ra để nhắc nhở người tu.
Ngài Hiền Thủ nói những tướng trên có khi là ma sự nhưng có khi là do thiện căn khai phát. Ma sự là chỉ cho những tướng do tưởng mà có hoặc do lòng mong cầu quá mạnh như đi trong sa mạc mà thấy nước v.v... Thiện căn khai phát là do định lực, tâm lóng lặng hay hoặc nhiễm mòn mỏng mà có. Song dù đúng là thiện căn khai phát mà chấp trước thì cũng thành ma sự. Cái khó là làm sao biết được là do ma làm hay do thiện căn phát ra. Giản trạch ma hay thiện như vậy vì ngài cho rằng, nếu do ma làm mà cho là tướng thiện rồi đem tâm thủ trước thì đọa vào lưới tà. Còn thật là cảnh do thiện căn khai phát mà cho là ma sự rồi tâm sanh nghi hãi và xả bỏ công phu thì thối thất thiện căn, việc tu hành thành dang dỡ. Vì thế, ngài đã nêu ra 3 cách để nghiệm lấy chánh tà như sau :
1. Dùng định lực để kiểm nghiệm : Khi đang trong định nếu những tướng ấy xuất hiện thì không thủ cũng không xả mà giữ lấy định tâm bình đẳng. Nếu đúng là do thiện căn khai phát thì định lực càng sâu, tướng thiện ấy càng phát. Nếu là ma sự thì chẳng bao lâu sau, nó sẽ tự hoại.
2. Dựa vào pháp tu chính của mình mà trị : Như pháp tu chính của mình là quán bất tịnh thì cứ y nơi pháp quán bất tịnh ấy mà nghiệm. Nếu quán như vậy mà cảnh giới kia càng rõ ràng thì biết là do thiện căn khai phát, còn nếu nó mờ dần thì biết là ma sự.
3. Dùng trí tuệ quán sát : Quán cái tướng phát ra ấy và truy nghiệm căn nguyên của nó. Chẳng thấy chỗ sanh, thấu rõ không tịch thì tâm chẳng trụ trước. Tà phải tự diệt, chánh sẽ tự hiển.
Phương cách được áp dụng trong 3 cách thử trên cũng giống với cách đối trị được nói ở phần sau, chủ yếu đều là giữ tâm bất động, không thủ cũng không xả đối với cảnh giới dù đó là ma sự hay do thiện căn phát ra. Trong kinh Lăng Nghiêm, cảnh giới của A La Hán và Bích Chi Phật cũng bị liệt vào ma sự thuộc thức ấm. Liệt vào ma là để hiểu, cảnh giới ấy chưa phải là cội nguồn chân thật mà chấp làm chỗ tận cùng thì gọi là ma. Không phải vì chứng được cảnh giới ấy mà gọi là ma.
“Hay khiến chúng sanh THAM TRƯỚC DANH LỢI thế gian” cũng là thứ để phân định các tướng trên thuộc ma sự hay do thiện căn. Nếu do thiện căn tức thuận với chân như, tướng vô ngã phải hiển lộ. Còn tham trước danh lợi thế gian là tướng thuộc vọng tưởng do vô minh làm chủ.
Lại khiến người chợt giận chợt mừng, tánh tình bất thường ; hoặc nhiều thương yêu, ngủ nhiều, bịnh nhiều, tâm sanh giải đãi ; hoặc chợt khởi tinh tấn, sau lại bỏ phế, sanh lòng chẳng tin, nhiều nghi ngờ, nghĩ ngợi, lo toan ; hoặc bỏ thắng hạnh mà tu các nghiệp tạp nhạp ; hoặc bị pháp thế gian ràng buộc lôi kéo ; cũng hay khiến người được vài phần tương tự như tam muội ... đều là sở đắc của ngoại đạo, chẳng phải là tam muội chân thật. Cũng có khi khiến người, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày … cho đến bảy ngày trụ ở trong định, tự nhiên được ăn uống các thứ thơm ngon, thân tâm vui thích, chẳng đói, chẳng khát, khiến người ái trước. Hoặc khiến người ăn không có hạn định, lúc nhiều lúc ít, nhan sắc đổi khác…
“CHỢT GIẬN, CHỢT MỪNG, tánh tình bất thường” là biểu hiện cho nội tâm không ổn định. Nước không lặng thì trăng không hiện. Tâm không ổn định thì trí không phát, tánh không thấy. “SANH LÒNG CHẲNG TIN, nhiều nghi ngờ, nghĩ ngợi, lo toan” cũng là những tướng phá hoại định tâm nên đều gọi chung là ma sự.
NHIỀU THƯƠNG YÊU, là chỉ cho sự thương yêu mang tính ái dục dính mắc. Tu là để bớt sự dính mắc mà nay lại sanh nhiều thương yêu tức đã đi ngược với việc tu hành. “NGỦ NHIỀU, bịnh nhiều, tâm sanh giãi đãi” là những tướng làm cho sự tu tập bị đình trệ, nên gọi là ma sự.
“BỎ THẮNG HẠNH tu các nghiệp tạp nhạp” là, như việc tu hành của mình là tu để thành Phật, tức lấy việc buông vọng sáng tâm làm chính, còn việc thiện là phụ để trợ giúp cho việc tu hành. Với tinh thần đó, việc buông vọng và làm các việc thiện đều gọi là thắng hạnh. Nếu bỏ việc buông vọng mà chỉ lấy việc thiện làm sự nghiệp cho qua một đời tu, thì việc thiện lúc đó gọi là NGHIỆP TẠP NHẠP, không buông vọng gọi là BỎ THẮNG HẠNH.
“CHỢT KHỞI TINH TẤN sau lại bỏ phế” là lúc thì tu, lúc thì không. Hứng chí thì tập trung biết vọng liền một tháng sống dỡ chết dỡ, rồi sau bỏ mặc mọi thứ, giới cũng chẳng giữ. Tu kiểu sớm nắng chiều mưa như vậy là việc tối kỵ trong công phu tu hành, vì tu hành đòi hỏi sự kiên trì, bền bĩ và thường hằng. Thà chậm mà đi hoài, đi tới đâu chắc tới đó hơn là làm cái ào rồi bỏ. Thất thường như thế thì hết 3 a tăng kỳ cũng chưa thành Phật, nên gọi là ma sự.
“BỊ PHÁP THẾ GIAN ràng buộc lôi kéo” là, những thứ không cần thiết cho việc tu hành mà vẫn chui đầu vào đó, gọi là bị LÔI KÉO. Những thứ không lợi ích cho việc tu hành mà gở không ra, gọi là bị RÀNG BUỘC. Không bỏ được xem tivi, không thể thiếu cờ tướng, mê mẫn với những sách báo của thế gian, vướng vào những việc lặt vặt không cần thiết trong gia đình … đều là những dạng thuộc “Bị pháp thế gian ràng buộc kéo lôi”.
“KHIẾN NGƯỜI ĐƯỢC vài phần tương tự như tam muội” là, tu hành một thời gian, bỗng nhiên mọi thứ chung quanh đều trở nên thuận lợi với mình. Vì gặp thuận duyên nên mình đâm ra an lạc và tự tại với mọi thứ ở thế gian. Sự an lạc tự tại ấy có là do thuận duyên mà ra, không phải do công phu thiền định mà được. Đây là ví dụ để tạm hiểu cái gọi là “tương tự như tam muội”. Thứ gì tương tự thì không bền vững. An lạc và sự tự tại ấy sẽ mất khi nghịch duyên xuất hiện. Nó là thứ để đánh giá loại tam muội mình đạt được đó đúng là tam muội hay chỉ là tương tự như tam muội. Giống thì giống mà phải thì không phải nên gọi là ma sự.
ĂN UỐNG KHÔNG HẠN ĐỊNH là ăn uống không điều độ hoặc là ăn quá nhiều. NHAN SẮC ĐỔI KHÁC là mặt lúc vui, lúc buồn, lúc hồng hào, lúc tím ngắt. TRỤ TRONG ĐỊNH có khi đến 7 ngày, được ăn uống các thứ thơm ngon, không đói không khát, ngài Hám Sơn gọi đây là tướng của ma dục. Vì chúng sanh bao đời lấy thực làm mạng, nên sanh nhiều tham trước đối với thói quen sâu đậm này. Nay tập tu thiền định, tuy ở trong định mà dục tập đã huân tập trước đây phát ra khiến người dính mắc. ÁI TRƯỚC là thích thú tham đắm. Làm bất cứ gì mà tâm dính mắc đều gọi là ma sự.
Bởi các nghĩa ấy, hành giả thường nên dùng trí tuệ quán sát, chớ khiến tâm này rơi vào lưới tà. Phải chuyên cần chánh niệm, chẳng nắm giữ, chẳng dính mắc thì hay xa lìa các nghiệp chướng.
Đây là chỉ bày cách đối trị của tất cả các tướng trên. “BỞI CÁC NGHĨA ẤY, hành giả …” là vì ma sự đưa đến việc ái trước và tham danh lợi thế gian, lọt vào lưới tà, nên hành giả phải dùng trí tuệ quán sát để đừng rơi vào những chỗ đó. HÀNH GIẢ là chỉ cho người đang tu thiền định. DÙNG TRÍ TUỆ QUÁN SÁT là phải biết vạn pháp không ngoài tâm mà có. Nói chung, quán làm sao để tâm không dính mắc vào những cảnh giới ấy thì gọi là dùng trí tuệ quán sát. KHÔNG DÍNH MẮC là không thủ cũng không xả, không ái trước cũng không sợ hãi. Nó có là chuyện của nó, mình tu là chuyện của mình, bình thản một khi những tướng ấy xuất hiện. PHẢI CHUYỀN CẦN chánh niệm v.v… là một cách giúp tâm không dính mắc.
Đây là kể ra một số ma sự để người tu biết mà tránh. Phần ngũ ấm ma trong kinh Lăng Nghiêm nói chi tiết hơn. Song dù là cảnh giới nào thì người tu chỉ cần nhớ một điều : Bản tâm vốn thanh tịnh không có cảnh giới có thể thấy. Những thứ có thể thấy đều do huyễn nhiễm tạo ra nên chúng không có thật thể, Phật gọi là vọng. Cảnh giới sờ sờ như thật trước mắt đây còn là vọng, huống là một vài cảnh giới thoáng qua. Những cảnh giới ấy có khi do tưởng mà ra nhưng có khi là do định lực mà có. Thấy được những cảnh giới ấy không lỗi. Lỗi là ở chỗ dính mắc. Dính mắc theo chiều vơ vào hay đẩy ra cũng đều thể hiện cho việc coi chúng là thật. Cái không thật mà cho là thật, chưa phải chỗ cần đến mà đã trụ lại, lỗi là ở chỗ đó. Vì thế thái độ hợp lý nhất khi cảnh giới lạ xuất hiện là bình thản. Nó là nó, mình là mình, không có tâm lưu giữ cũng không có tâm tránh né sợ hãi.
Nên biết TAM MUỘI CỦA NGOẠI ĐẠO đều chẳng lìa tâm kiến, ái, ngã mạn nên tham trước danh lợi và sự cung kính ở thế gian. CHÂN NHƯ TAM MUỘI thì, chẳng trụ Kiến Tướng, chẳng trụ tướng đắc, cho đến xuất định cũng không giải đãi, kiêu mạn, phiền não đã có dần dần nhạt mỏng. Nếu các phàm phu chẳng tập pháp tam muội ấy mà tự cho là nhập chủng tánh Như Lai thì không có việc này. Vì tu các thiền tam muội của thế gian thì khởi nhiều tham trước, nương nơi ngã kiến, ràng buộc trong tam giới, chung cùng với ngoại đạo. Nếu không có sự giúp đỡ của thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo vậy.
Đây là để phân định giữa chánh định và tà định.
Ngã ái, ngã kiến, ngã mạn là những thứ thuộc vô minh do vô minh huân tập mà có, nên thiền định mà những thứ đó phát triển thì biết loại định mình đang tu đó chẳng chân chánh. Ngài Hiền Thủ nói “Trong mà dính tà định thì ngoài tham danh lợi”. Nghĩa là, tu mà thấy lòng tham danh lợi không bớt thì biết pháp mình đang tu ấy là tà. Vì thế, tập thiền một thời gian mà sanh ra mê xe hơi, nhà lầu, chùa chiền, tiền bạc, lại thích mọi người cung kính lạy lễ mình như một vị Bồ tát, hoặc thích nổi danh v.v… là biết mình đã thành bà con cháu chít của ngoại đạo. Còn tu một thời gian mà phiền não dần dần nhạt mỏng, giảm kiêu mạn, không ham danh, không cầu lợi, cũng không làm biếng v.v… là mình đang tu đúng, vì những tướng ấy cho thấy mình đang tùy thuận được với chân như tam muội.
“CHẲNG TRỤ Kiến Tướng, chẳng trụ tướng đắc” là nói về chân như tam muội. Ngài Hiền Thủ nói “Ở trong định mà không đắm trước mùi vị của thiền định. Vì không tâm nên chẳng trụ tướng thấy. Vì không cảnh nên chẳng trụ tướng đắc”. CHỦNG TÁNH NHƯ LAI là chỉ cho Phật tánh. Bởi chân như tam muội thuận với pháp tánh nên muốn thể nhập pháp tánh phải tu định này.
THIỀN TAM MUỘI THẾ GIAN là chỉ cho những loại thiền không đặt mục tiêu đưa con người về vô ngã. Tứ thiền, tứ không, xuất hồn v.v… đều thuộc loại tam muội này.
THIỆN TRI THỨC là những vị giúp mình trên con đường tu hành, thường là chỉ cho vị thầy hướng dẫn pháp tu cho mình. Gọi là THIỆN vì chư vị dẫn mình đi theo con đường thiện. Theo đây thì thấy, vị thầy và pháp tu nào giúp mình dừng đi tham, sân, si, phiền não, ngã mạn thì pháp tu đó thuận với chân như tam muội, vị thầy ấy là bậc thiện tri thức mà mình phải thân cận, cung kính, cúng dường, học hỏi và tu tập. Vì thân cận cúng dường thiện tri thức là nhân duyên trước tiên để được đầy đủ tất cả trí. [40] Tất cả trí là chỉ cho trí Nhất thiết chủng của Phật. Học hỏi và tu tập là nhân duyên kế tiếp để mình có được cái trí ấy.
“KHÔNG CÓ SỰ GIÚP ĐỠ của thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo” là, vì tinh thần chính của đạo Phật là phá ngã, nên sự giúp đỡ của một vị thầy trong công phu tu tập quan trọng không kém so với việc giúp mình có được kiến thức, pháp tu và hướng đi cho việc tu hành. Muốn phá ngã thì phải gọt dũa lần cái ngã ấy. Muốn gọt dũa cái ngã ấy thì phải có duyên, ngã mới có cơ lòi ra để gọt dũa. Thiện tri thức có thể là người làm cho cái ngã của mình ló đầu, cũng có thể là người nhắc nhở khuyên răn mình trong những lúc như thế. Ngã ló đầu, gọi là khởi cái kiến của ngoại đạo. Không có thiện tri thức thì mình sẽ để cho cái ló đầu ấy tiếp tục, nên nói “Không có sự giúp đỡ của thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo”.
Người tu mà tâm càng có nhiều sở đắc thì thiện tri thức lại càng cần thiết. Sở đắc là chỉ cho những kết quả tốt trong vấn đề tu hành. Bởi kiêu mạn là thói quen muôn thuở của chúng sanh, nên sở đắc được chút gì thì lập tức kiêu mạn ló đầu thông hết các căn. Thiện tri thức sẽ là người giúp mình lột hết cái kiêu mạn ấy. Kiêu mạn, gọi là khởi cái kiến của ngoại đạo. Không có thiện tri thức thì cái kiêu mạn ấy sẽ phát triển, nên nói “Không có thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo vậy”.
Ngoài ra, kinh nghiệm trong vấn đề tu hành là rất cần thiết, nhất là lãnh vực thiền định. Như trường hợp vị thiền sư gặp con nhện trên. Không có thầy hay giấu thầy những điều mình thấy trong quá trình tập thiền ... rất dễ xảy ra chuyện đáng tiếc. Tu thiền mà điên hay gặp nhiều điều quái lạ một phần là do thiếu thiện tri thức. Có thiện tri thức mà không thật tình trình bày hết những khó khăn cũng như thuận lợi trong việc tu hành cũng coi như thiếu thiện tri thức. Thiện tri thức tối quan trọng như thế, nên kinh Hoa Nghiêm nói “Phải cầu cho được chân thiện tri thức. Cầu thiện tri thức chớ có lười mỏi, thấy thiện tri thức chớ có nhàm chán. Thiện tri thức có dạy bảo điều gì phải đều tùy thuận, không có lòng chống trái. Nơi phương tiện thiện xảo của thiện tri thức chớ thấy lỗi lầm”.
Vì những yếu tố như tùy thuận, chớ thấy lỗi lầm nơi phương tiện thiện xảo của thiện tri thức mà cần phải cầu cho được CHÂN THIỆN TRI THỨC. Ai dạy mình làm lành tránh ác, biết nhân quả ở thế gian ... nói chung là những việc hướng thiện, đều gọi là thiện tri thức. Song muốn gọi là CHÂN THIỆN TRI THỨC thì phải là người giúp mình phá đi ngã tướng, hướng mình về đạo vô thượng. Vì hạnh nguyện của chư Phật và chư vị Bồ tát sâu dày trùm khắp nên nếu là người thật tâm tu hành thì chắc chắn sẽ gặp được chân thiện tri thức.
Thấy thiện tri thức CHỚ CÓ NHÀM CHÁN, vì chân thiện tri thức chỉ có đè bẹp cái tôi của mình chứ không có việc gì khác, nên gặp hoài mà chưa đủ năng lực buông bỏ cũng ngán tận cổ, nên khuyên chớ nhàm chán. Không nhàm chán mà tùy thuận được thì ngã tướng của mình mới được bào mòn. TÙY THUẬN là ngoài vâng trong thuận. Không phải ngoài thì gật mà trong cất đó chống đối. Ngoài gật trong chống thì khó mà gần gũi thiện tri thức lâu dài. Tu tập là nhận ra điều ấy và quyết tâm tùy thuận để phá ngã.
PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO là chỉ cho những pháp mà vị thiện tri thức áp dụng để phá trừ bản ngã cho mình. Gọi là thiện xảo vì nó không nhất định ở một tướng nào, nhưng luôn mang lại lợi ích cho người tu hành. Tùy căn cơ, đối tượng, tùy lúc, tùy nơi … mà có khi là một lời khuyên nhẹ nhàng, có khi là một câu nói cộc lốc hay một cơn thịnh nộ, cũng có khi là một sự im lặng … Lời khuyên nhẹ nhàng là cho những lúc mà sự nhẹ nhàng có tác dụng mạnh với vấn đề tu hành của chúng sanh. Song cũng có những đối tượng phải trợn ngược mắt lên, họ mới chịu dừng chân, bớt tới bớt lui mà tập trung cho việc tu hành … Tuy 2 hình thức trái nhau nhưng đều xuất phát từ một lòng bi rộng lớn, giúp người tinh tấn tu hành. Phương tiện thiện xảo là như thế! Thấy lời nhẹ nhàng thì chịu mà thấy trợn ngược mắt lên liền cho ‘Sân quá!’ là mình đã vướng cái lỗi “THẤY LỖI LẦM nơi phương tiện thiện xảo của thiện tri thức”. Có cái thấy như vậy vì mình đã bỏ quên phần việc PHẢN QUAN TỰ KỶ mà nhà thiền đã dạy mình.
Loại phương tiện thiện xảo này nhiều hình nhiều dạng, cũng chỉ luôn cho pháp tu mà chư thiện tri thức đã dạy mình.
Lại nữa, tinh cần chuyên tâm tu học tam muội ấy thì hiện đời được 10 thứ lợi ích. Thế nào là 10?
1. Thường được sự hộ niệm của mười phương chư Phật và Bồ tát.
2. Chẳng bị các ma ác quỉ làm cho hoảng sợ.
3. Chẳng bị 95 thứ ngoại đạo quỉ thần hoặc loạn.
NGOẠI ĐẠO là chỉ cho những tôn giáo không phải là đạo Phật. Nói cách khác, tôn giáo nào lập giáo không đúng với thật lý chi phối ở thế gian là Duyên Khởi - mà mặt triển khai của nó là Nhân Duyên và Nhân Quả - đều coi là ngoại đạo. 95 loại là nói theo kinh Hoa Nghiêm và luận Đại Trí Độ, chỉ cho ngoại đạo ở Tây Vức. Như ngoại đạo Khổ Hạnh Luận Sư, đạo này cho rằng chỉ cần tu khổ hạnh thì sẽ đạt được niết bàn. Ngoại đạo Ma Hê Thủ La Thiên thì coi Thủ La Thiên là đấng sáng tạo ra muôn loài. Ngoại đạo Ni Kiền Tử thì cho rằng lúc đầu tiên sanh ra một đôi nam nữ, rồi đôi nam nữ ấy hòa hợp với nhau mà sanh ra muôn loài ...
KHÔNG LÀM HOAC LOẠN vì tu CHỈ thì tâm bớt vọng động, trí tuệ sáng tỏ, thông tỏ lý Nhân Duyên và Nhân Quả, nên không tin theo những điều mê tín bất hợp lý. Không tin thì không theo. Không tin không theo tức không bị những thứ đó làm hoặc loạn.
4. Xa lìa sự phỉ báng pháp thậm thâm. Trọng tội và nghiệp chướng dần dần nhạt mỏng.
5. Diệt hết nghi ngờ và các giác quán xấu ác. GIÁC, chỉ cho sự hiểu biết. QUÁN, đồng nghĩa với quan niệm.
6. Đối với cảnh giới của chư Như Lai, lòng tin được tăng trưởng.
7. Xa lìa buồn rầu hối hận, ở trong sanh tử mà dũng mãnh, chẳng khiếp sợ.
8. Tâm được nhu hòa, xả bỏ kiêu mạn, chẳng bị người khác làm cho phiền não.
9. Tuy chưa được định, nhưng trong tất cả thời, tất cả chỗ cũng giảm bớt được phiền não, chẳng còn ưa thích thế gian.
10. Nếu được tam muội thì chẳng bị ngoại duyên và tất cả âm thanh làm cho kinh động.
Đây là 10 thứ lợi ích mà người tu có được khi học pháp tam muội này, mà bước đầu là pháp tu CHỈ trên.
Sợ hãi, lo âu, nghiệp chướng, trọng tội, phiền não, kiêu mạn v.v… chẳng qua đều từ thức phân biệt mà ra. Do phân biệt mà có thân có sơ, có ta có người … từ đó mà sanh kiến ái. Có ái nên sanh sợ sanh lo. Ái thân thì sợ bất cứ thứ gì làm hại đến thân. Ái người thì lo mất người … Vì ái mà tạo nghiệp chịu khổ trong 3 đường dữ. Nay tu CHỈ, tùy thuận với chân như tam muội thì phân biệt mòn dần, vô phân biệt dần dần hiện tiền nên các thứ trên cũng giảm dần. Được tam muội thì không bị ngoại duyên và âm thanh làm động cũng là thứ để mình đánh giá về công phu tu tập của mình.
Sau là phần tu tập QUÁN.
b. TU TẬP QUÁN
Lại nữa, nếu người chỉ tu CHỈ thì tâm bị chìm lặng, hoặc khởi giải đãi chẳng thích các việc thiện, xa lìa đại bi, nên cần tu QUÁN.
Đây là lý do vì sao cần phải tu QUÁN. Người nào có kinh nghiệm về việc này sẽ thấy cái đúng của lời dạy đây. Tu CHỈ là nhiếp tâm không cho sanh khởi nên tu một thời gian thì hay bị tình trạng CHÌM LAËNG này. Cái dỡ thứ hai của việc chỉ tu CHỈ là đối với việc thiện hay sanh tâm biếng nhát. Đó là do tu CHỈ thì thâu nhiếp thân tâm vào chỗ tịnh. Tịnh thì khiến thân tâm được yên ổn, an lạc. Làm thiện thì phải tiếp duyên, thân tâm động trở lại nên thấy ngán. Thứ gì ngán thì đâm nhát. Việc THIỆN là việc làm lợí ích cho tha nhân, nên nói XA LÌA ĐẠI BI.
Tu tập QUÁN là, nên quán tất cả pháp hữu vi ở thế gian không có gì lâu bền, biến hoại trong giây lát, tất cả tâm hành, niệm niệm sanh diệt, vì vậy nên khổ. Nên quán các pháp niệm được ở quá khứ chợt thoáng như giấc mộng. Nên quán các pháp niệm được ở hiện tại giống như ánh chớp. Nên quán các pháp niệm được ở vị lai giống như mây bất chợt mà khởi. Nên quán ở thế gian, thứ gì có thân thảy đều bất tịnh, mọi thứ đều ô uế, không một thứ gì đáng ưa thích.
Như vậy, phải nhớ tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay đều nhơn nơi sự huân tập vô minh khiến tâm sanh diệt, đã thọ tất cả vạn khổ của thân tâm. Hiện tại thì có vô lượng bức bách. Vị lai, cái khổ cũng không hạn định. Khó xả khó lìa mà chẳng giác biết. Chúng sanh như thế rất đáng thương xót!
Đây là cách chỉ bày tu QUÁN. Tu tập CHỈ thì niệm thiện niệm ác gì, trồi đầu lên đều buông. Tu tập QUÁN thì vẫn cho khởi niệm, nhưng là cái niệm đúng với sự thật ở thế gian, giúp người tu buông được sự dính mắc. Phương thức thấy như trái nhau nhưng lại làm thành cho nhau. Nhờ QUÁN mà CHỈ thành. Nhờ CHỈ mà QUÁN thành.
Pháp QUÁN này có nhiều thứ : QUÁN VÔ THƯỜNG, là khởi niệm thấy các pháp ở thế gian không có gì thường hằng, giây lát đã biến hoại. QUÁN KHỔ, vì tất cả vô thường sanh diệt sanh diệt nên khổ. QUÁN VÔ NGÃ là quán các pháp không có tự tánh, chỉ như giấc mộng, mây trôi, sấm chớp, thoạt có thoạt không. QUÁN BẤT TỊNH là quán thân này ô uế nhơ nhớp để khỏi dính mắc vào thân này. QUÁN ĐẠI BI là quán chúng sanh bị vô minh dẫn chạy trong các đường khổ. Cái bất tịnh cho là tịnh, cái khổ cho là vui, nên không bao giờ thoát được khổ. Ngài Hám Sơn nói “Vì chẳng biết khổ nên không có tâm chán khổ. Bởi cớ sự ấy mà cái khổ không có hạn định. Đây mới là chỗ đáng thương xót! Nếu chẳng phải là lòng bi rộng lớn thì chẳng thể cứu được”. Cái QUÁN này giúp người tu dù được niết bàn của Nhị thừa cũng không trụ đó mà trải dài sanh tử bạt khổ cho chúng sanh.
Còn nhiều pháp QUÁN khác như QUÁN HUYỄN, QUÁN VỌNG v.v… Quán có nhiều thứ như thế là do tùy bịnh, tùy cơ của chúng sanh mà lập. Song tựu trung đều giúp người tu buông bỏ sự dính mắc trở về bản tâm thanh tịnh của chính mình.
Suy nghĩ vậy rồi thì nên dũng mãnh lập đại thệ nguyện : Nguyện cho tâm tôi lìa phân biệt, trải khắp mười phương tu hành tất cả các thiện công đức. Tận đến vị lai, dùng vô lượng phương tiện cứu vớt và làm vơi đi tất cả khổ não cho chúng sanh, khiến họ được cái lạc bậc nhất của niết bàn.
SUY NGHĨ VẬY RỒI, tức khởi những cái niệm đã nói trên. ĐẠI THỆ NGUYỆN là chỉ cho việc phát tâm bồ đề. Đại nguyện này có 2 : Một thuộc tự lợi là cầu Phật trí, một thuộc lợi tha là nguyện độ chúng sanh không nhàm mỏi. “Tâm tôi LÌA PHÂN BIỆT trải khắp mười phương tu hành tất cả các thiện công đức” là cầu Phật trí. “Tận đến vị lai, dùng vô lượng PHƯƠNG TIỆN CỨU VỚT và làm vơi đi mọi khổ não cho chúng sanh …” là nguyện độ chúng sanh. Phải đủ 2 nguyện này mới có thể hoàn thành Phật đạo.
Nguyện tâm tôi LÌA PHÂN BIỆT vì thức phân biệt là đầu mối của mọi khổ não, phân cách, vô minh … đã giải thích rõ trong phần Nhân Duyên Sanh Diệt, mục ý thức. Lìa phân biệt thì người với ta không khác, thân với sơ không khác … việc lợi ích cho chúng sanh mới được trọn vẹn.
Dùng vô lượng PHƯƠNG TIỆN cứu vớt … là dùng các pháp bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự, tùy căn nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện để giúp họ thoát khỏi 3 đường dữ và hướng họ về đạo vô thượng.
Được CÁI LẠC BẬC NHẤT của niết bàn là nhân duyên thứ nhất khiến bộ luận xuất hiện. Nó chính là cái lạc rốt ráo, chỉ cho cái lạc có được ở quả vị Phật.
Do khởi nguyện như vậy nên trong tất cả thời, tất cả chỗ, tùy sức kham nhận của mình mà giữ các điều thiện, chẳng bỏ việc tu học, tâm không giãi đãi.
Phát nguyện rồi thì phải tinh tấn tu học. Tinh tấn tu học như thế nào?
Chỉ trừ thời tọa thiền là chuyên niệm nơi CHỈ, còn tất cả thời còn lại đều phải QUÁN cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc dậy đều nên cùng hành CHỈ - QUÁN. Nghĩa là, tuy niệm các pháp tự tánh chẳng sanh mà cũng tức là niệm nhân duyên hòa hợp, nghiệp thiện ác và quả báo khổ vui chẳng mất, chẳng hoại. Tuy niệm nhân duyên quả báo thiện ác mà cũng tức là niệm tánh bất khả đắc.
CHỈ và QUÁN đều tu nhưng đầu tiên có sự phân chia. Chỉ tập trung tu CHỈ trong khi tọa thiền, còn khi không tọa thiền thì dùng QUÁN. CHỈ đã nói ở phần trên. QUÁN là dùng trí tuệ để hiểu thứ gì nên làm, thứ gì không nên làm. THỨ NÊN LÀM là những việc thuận với tịnh và thiện, THỨ KHÔNG NÊN LÀM là những thứ thuận với động và bất thiện. Chẳng hạn, đi đông đi tây lo chuyện tào lao vừa biểu hiện một cái tâm không yên, vừa làm cho thân tâm càng động thì cố gắng bớt đi, tập trung cho việc tu hành. Đó là việc nên làm. Đấu tranh kiện cáo đến nỗi lỗ đầu sức trán vì tiền bạc hay chùa chiền của mình là biểu hiện cho việc mình coi những thứ đó không như giấc mộng, ánh chớp, mây trôi mà đều coi chúng có ngã. Đây là điều trái lại với lời dạy mà luận vừa nêu trên, nên đều thuộc những việc không nên làm. Cái nên làm thì làm, cái không nên làm thì đừng làm. Tu QUÁN là như thế. Không thực hiện được tinh thần này thì không phải là tu QUÁN. Không CHỈ không QUÁN vì không có niềm tin chân chánh cũng không thể phát niềm tin chân chánh.
Sau là cùng hành CHỈ - QUÁN trong tất cả thời, tất cả chỗ. Đây là lúc CHỈ - QUÁN đã thuần thục, gọi là định tuệ. Ngài Hiền Thủ nói “‘Niệm các pháp tự tánh chẳng sanh’ là nói về cái chẳng phải có, để rõ về CHỈ. ‘Nhân duyên hòa hợp, niệm thiện ác khổ vui chẳng mất, chẳng hoại’ là nói về cái chẳng phải không, để rõ về QUÁN. Hai thứ này chẳng phải là 2 nên nói là TỨC. Đây là thuận với cái chân bất động mà kiến lập các pháp. Vì ‘chẳng phải có’ tức ‘chẳng phải không’ nên có thể không bỏ CHỈ mà tu cả QUÁN. ‘Tuy niệm nhân duyên quả báo thiện ác mà cũng tức là niệm tánh bất khả đắc’ là để rõ ngay QUÁN là CHỈ. Đây là thuận với giả danh chẳng hoại mà nói về thật tướng vạn pháp. Vì ‘chẳng phải không’ tức ‘chẳng phải có’ nên có thể không bỏ QUÁN mà tu cả CHỈ. Nói thì thấy có trước sau như vậy, khi hành thì dung hợp chẳng phải hai. Tánh của cái không hai này chính là thật tánh”.
Phân CHỈ phân QUÁN là để nắm vấn đề, còn ngay khi tu CHỈ vẫn cần đến pháp QUÁN rất nhiều. Đó là những lúc mà niệm buông hoài không được. Ngồi thiền mà những chuyện đau lòng cứ hiện hình, hoặc một cơn sân đè hoài không xuống thì mình phải quán. Quán thế gian này có gì lâu bền mà sân hận đau lòng, hoặc quán từ bi để giảm cơn sân hận. Cũng có thể quán tất cả đều từ không biến hiện, rồi cũng trở về không. Hay quán tất cả chỉ là vọng v.v… Pháp quán nào khiến mình hạ hỏa, yên tịnh … thì pháp quán ấy đúng duyên, mình cứ áp dụng. Nhưng phải nhớ, đã nói là đúng duyên, tức pháp quán là thứ tùy duyên không cố định. Như quán từ bi có tác dụng làm giảm sân hận nhưng lại có chiều hướng ngược lại với ái dục. Với ái dục phải quán bất tịnh. Đó gọi là đúng duyên. Ngoài ra, một khi đã nói đến 2 chữ tùy duyên thì đối với mình nó có tác dụng nhưng đối với người khác thì chưa chắc, đối với thời trước có tác dụng nhưng đối với thời này không hẳn. Nói vậy để đừng dính mắc vào pháp tu, đừng có tâm ôm đồm mọi thứ và một khi hết bịnh thì pháp cũng phải buông, không nên thủ chặt mà sanh bịnh.
Pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO mình đang tu tập đây là một loại CHỈ - QUÁN song hành. Biết tất cả là vọng chính là QUÁN, không theo hoặc buông đi chính là CHỈ. Nói đúng hơn, biết vọng chính là tuệ, không theo tức là định. Nếu không phải là cái thấy của tuệ, không thể thấy được vạn pháp là vọng. Không phải là lực của định thì khó mà không theo. Khi mới tập tu, biết vọng trở thành phép QUÁN các pháp là vọng. Quán được thì buông được, đó là CHỈ.
Tu CHỈ là để đối trị tâm trụ trước của phàm phu, xả bỏ cái thấy khiếp nhược của Nhị thừa. Tu QUÁN là để đối trị cái tâm hẹp hòi yếu kém chẳng khởi đại bi của Nhị thừa, xa lìa việc chẳng tu thiện căn của phàm phu. Do nghĩa như vậy nên 2 môn CHỈ - QUÁN nương cộng nhau mà thành, chẳng tách lìa nhau. Nếu CHỈ - QUÁN không đủ thì không thể nhập đạo bồ đề.
Đây là nêu ra tác dụng của CHỈ và QUÁN. Như có bịnh mà uống thuốc, thì thuốc phải có tác dụng trị bịnh, bịnh mới lành. Nêu tác dụng của CHỈ và QUÁN cũng có nghĩa là nêu lên những thiếu sót khiến phàm phu và Nhị thừa không có được trí tuệ và lực dụng như Phật.
1. Với phàm phu
Pháp tu CHỈ có tác dụng “đối trị tâm trụ trước”, còn tu QUÁN có tác dụng đối trị “việc chẳng tu thiện căn”. ĐỐI TRỊ, nghĩa của nó như từ trị bịnh. Có bịnh thì có thuốc rõ ràng. Không bịnh thì không dùng thuốc. Đối trị là như vậy. Nó mang tính tạm thời. TRỤ TRƯỚC, là trụ trước vào các pháp ở thế gian. Đây là âm Hán, còn nghĩa của nó tương đương với từ dính mắc hay tham đắm ... Những gì khiến mình để tâm không buông ra được gọi là trụ trước. Gọi là TRỤ vì tâm vốn vô trụ, nay do đắm trước các tướng mà thành có trụ, nên nói là ‘trụ trước’. CHỈ là dừng tất cả tướng cảnh giới, tức đưa tâm về chỗ vô trụ, nên có tác dụng trị bịnh TRỤ. Dừng tất cả tướng cảnh giới thì không có cảnh giới để tham đắm, nên trị bịnh TRƯỚC.
QUÁN, là niệm “Nhân duyên hòa hợp, niệm khổ, vui, thiện, ác ... chẳng hoại, chẳng mất”. Nghĩa là, tuy vạn pháp không tánh, nhưng tỉnh thì sanh tử tức niết bàn mà mê thì khổ đau không phải hạnh phúc. Chưa kể nghiệp nhân một khi đã gây thì nghiệp quả lại phải gặt. Cho nên, tuy thấy các pháp là không, nhưng không vì thế mà buông xuôi không làm thiện. Nhờ đó, pháp tu quán này có thể đối trị việc chẳng tu thiện căn của phàm phu.
2. Với Nhị thừa
Tu CHỈ là nhiếp tâm trụ ở chánh niệm. “Chánh niệm là, phải biết chỉ là nhất tâm không có cảnh giới bên ngoài”. Nghĩa là, sanh tử đáng sợ hay niết bàn đáng ưa đều không ngoài tâm mà có, cũng đều là mộng huyễn. Mộng huyễn thì không có gì để khiếp sợ. Vì thế nói “Tu CHỈ để xả bỏ cái thấy khiếp nhược của Nhị thừa”.
Tu QUÁN là quán chúng sanh từ xưa đến nay thọ tất cả vạn khổ của thân tâm ... khó xả, khó lìa mà chẳng giác biết. Thật là đáng thương xót! Nên khởi tâm đại bi, trải dài sanh tử giúp họ vơi đi khổ nạn ở thế gian. Cái quán này giúp Nhị thừa dù đủ khả năng trụ niết bàn vẫn trải dài sanh tử không nhàm mỏi, nên nói “Đối trị tâm hẹp hòi yếu kém chẳng khởi đại bi của Nhị thừa”. Chỉ nghĩ đến niết bàn cho riêng mình nên nói HẸP HÒI. Vì sợ hãi sanh tử nên nói là YẾU KÉM.
CHỈ - QUÁN nói đây giúp người tu không rơi vào phàm phu cũng không rơi vào Nhị thừa mà tiến đến giác ngộ viên mãn, nên chúng không thể tách lìa nhau. Nếu chỉ thực hành CHỈ hay QUÁN đều không thể thành Phật.
Phần sau là nói về pháp môn niệm Phật.
Lại nữa, chúng sanh mới học pháp này muốn cầu chánh tín, song tâm còn khiếp nhược - do sợ trú ở thế giới Ta Bà này, chẳng gặp được Phật thường xuyên để thân cận cúng dường, sợ tín tâm khó mà thành tựu, nên ý muốn thối lui - thì phải biết, Như Lai có nhiều phương tiện thù thắng nhiếp hộ tín tâm. Đó là dùng nhân duyên Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT, tùy nguyện được sanh về cõi Phật ở phương kia, thường thấy chư Phật, lìa hẳn ác đạo. Như trong Tudala nói “Nếu người chuyên niệm đức A Di Đà ở thế giới Tây phương cực lạc, thiện căn tu được đều hồi hướng nguyện cầu sanh về thế giới ấy thì liền được vãng sanh, thường thấy được Phật, rốt cuộc chẳng còn thối lui. Nếu quán pháp thân chân như của Phật kia, thường chuyên cần tu tập, cuối cùng sẽ được sanh ra trụ ở chánh định.
Ngoài pháp tu CHỈ - QUÁN trên, còn một pháp có thể giúp chúng ta phát khởi niềm tin chân chánh đối với Đại thừa, đó là Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT. Môn này dành cho những vị sợ tín tâm của mình khó có thể thành tựu ở thế gian này, muốn về cõi cực lạc của đức A Di Đà. Đây là mượn duyên bên ngoài để được bất thối. Như ngoài thế gian thì duyên nhiều khó làm chủ bản thân, nên mượn duyên trong chùa để có thể ổn định thân tâm tu hành.
Ngao ngán với những mất mát, nạn tai, đau khổ ở thế gian, nhưng chưa đủ niềm tin đối với tự tánh chân như của mình mà chỉ một lòng muốn về nương đức Di Đà là điều kiện để biết mình có duyên với pháp môn niệm Phật đây. Khế cơ mà khế lý thì việc tu tập mới thành công.
Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT thì việc niệm Phật này phải được thực hiện bằng Ý chứ không phải chỉ bằng miệng, bằng mắt hay bằng mũi. Cảnh giới ngạ quỉ, súc sanh hay địa ngục đều do ý khởi tham hay sân mà ra. Vì thế muốn là cảnh giới Phật thì ý cũng phải là Phật. CHUYÊN nghĩa là không gián đoạn. Niệm này nối tiếp niệm kia sao cho niệm trước là Phật thì niệm sau cũng là Phật. Cứ vậy mà liên tục từ giây này qua giây kia, từ lúc này đến lúc khác, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. NIỆM PHẬT, Tổ thứ 13 của Liên Tông là Đại sư Ấn Quang đã phân thành 3 pháp là chuyên niệm tự lực, chuyên niệm tha lực và tự tha đều niệm (tức thiền tịnh song tu). Phần này sẽ trích dẫn đầy đủ sau khi giải thích hết ý nghĩa của phân đoạn này.
“QUÁN PHÁP THÂN CHÂN NHƯ của Phật kia … cuối cùng sẽ sanh ra trụ ở bất thối” là muốn nói đến sự bất thối ở tự thân không nhờ duyên bên ngoài. Như điều kiện sống ở tùng lâm khiến con người không thể bị ô nhiễm gọi là nhờ duyên bất thối. Sống ngay trong trần gian với đầy đủ các pháp ô nhiễm nhưng mình không bị ô nhiễm, gọi là bất thối ở tự thân. Bất thối ở tự thân có 2 hạng. Hạng thứ nhất là chỉ cho những vị đã thấu hiểu về pháp thân, tuy chưa chứng thực nhưng đủ niềm tin tin tâm mình là Phật, ngoài tâm không có pháp. Hạng thứ hai là chỉ cho các vị đã chứng thực được pháp thân, tức từ Sơ Địa trở đi. CHÁNH ĐỊNH, đối với hạng thứ nhất là chỉ cho chánh định tụ, đối với hạng thứ hai là chỉ cho chân như tam muội.
Theo Tổ Ấn Quang, NIỆM PHẬT có 3 pháp :
1. Chuyên niệm Phật tự lực là, cùng tột thật tướng, lấy việc chứng ngộ làm gốc. Đối với các pháp như 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 7 đại v.v… dùng trí tuệ Bát Nhã chiếu soi, thấu rõ tất cả pháp xưa nay đương thể toàn không, thấy được tánh chân như vi diệu tròn đầy … Đây gọi là thật tướng niệm Phật. Thật tướng niệm Phật này tuy là thật lý tối thâm song lại chẳng dễ tu, vì chỉ nương nhờ vào giới định tuệ của chính mình, không có sự trợ giúp của tha lực. Nếu chẳng phải là người có sẵn căn duyên đời trước thì hội nó còn chẳng dễ huống là thực chứng. Xem nội dung lời dạy đây thì phần này tương đương với Thiền tông.
2. Chuyên niệm Phật tha lực, có 3 thứ :
a. QUÁN TƯỞNG, là nương theo kinh Thập Lục Quán mà quán : Hoặc chuyên quán tướng lông trắng, hoặc quán pháp thân rộng lớn v.v... Quán đến đầy đủ 16 thứ quán.
b. QUÁN TƯỢNG, là đối trước hình tượng Phật mà tưởng về tướng hảo quang minh của Phật v.v...
c. TRÌ DANH, là nhất tâm xưng niệm hiệu A Di Đà.
3 pháp này tuy hình thức thực hành không giống nhau nhưng đều có chung một điểm là phải đầy đủ lòng tin chân thành và ước nguyện thiết tha mới có thể cùng Phật cảm ứng đạo giao, mới có thể quyết định được hiện đời ra khỏi Ta Bà mà sanh về Cực Lạc.
3. Pháp tự tha đều niệm, còn gọi là thiền tịnh song tu, đặt nền tảng trên việc chuyên khán “Niệm Phật đó là ai?” cốt để minh tâm kiến tánh, chẳng dùng tín nguyện cầu sanh Tây phương làm sự nghiệp. Đã không có tín nguyện thì không thể nương vào tha lực mà vãng sanh Tây phương. Chưa đến được chỗ nghiệp hết tình không thì cũng không thể nương vào tự lực mà liễu thoát sanh tử. Vì thế, với pháp thiền tịnh song tu này, chỉ có người tín nguyện đã đầy đủ mới có lợi ích. Còn không thì chẳng bằng hết lòng với một môn trì niệm danh hiệu Phật.
Trong 3 pháp niệm Phật trên thì Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT chính là pháp chuyên niệm Phật tha lực, là nương vào sự chuyên cần niệm Phật và ý nguyện thiết tha gặp Phật. Nhờ tha lực ấy vãng sanh Tịnh độ Tây phương.
Ngài Ấn Quang nói : Pháp TRÌ DANH hạ thủ công phu dễ nhất mà thành công mau nhất. Nếu thâu nhiếp 6 căn, tịnh niệm được liên tục thì ngay đời này sẽ chứng được niệm Phật tam muội. Khi lâm chung nhất định vãng sanh thượng phẩm. Dù căn cơ có hạ liệt, chưa chứng được tam muội mà dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ không gián đoạn, thì đến khi lâm chung, cảm ứng đạo giao, nương nhờ từ lực của Phật theo nghiệp vãng sanh. Nếu chí tâm trì niệm, niệm đến toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm Phật cả hai cùng rõ rệt, rồi cả 2 cùng mất, thì diệu lý thật tướng chân thể hiển lộ. Ngay đó Tây phương hoàn toàn tròn sáng. Đây là trì danh mà thâm đạt thật tướng, chẳng phải dùng quán mà tự thấy Tây phương. Nhiếp cơ rất rộng, lợi ích rất nhiều, rất hợp với kẻ độn căn thời mạt pháp.
Về cách hành trì, ngài dạy : Mỗi người tùy vào thân phận của mình mà lập, chẳng thể cố chấp cố định vào một pháp nào. Từ sáng đến chiều, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đi tiêu, đi tiểu … chỉ một thánh hiệu ấy không cho lìa tâm và miệng. Nếu như ở chỗ thanh khiết thì niệm ra tiếng hay niệm thầm thầm đều được. Còn khi ngủ, nghỉ, tắm, rửa, đi tiêu, đi tiểu cho đến những nơi không được sạch sẽ thì chỉ nên niệm thầm thầm, vì niệm thầm thì công đức cũng vậy. Niệm ra tiếng thì không được cung kính nên không niệm ra tiếng, chứ không phải ở những nơi đó không được niệm Phật. Lại, khi ngủ mà niệm ra tiếng ngoài việc không cung kính còn bị tổn khí.
Phương pháp hay nhất của việc trì danh là thâu nhiếp toàn bộ 6 căn, tịnh niệm liên tục. Thâu nhiếp toàn bộ 6 căn là tâm niệm Phật. Chuyên chú nơi danh hiệu Phật tức nhiếp được ý căn. Miệng phải niệm rõ ràng mạch lạc là nhiếp được thiệt căn. Tai cần nghe rõ ràng rành mạch là nhiếp được nhĩ căn. Ba căn này đã bị nhiếp bởi danh hiệu Phật thì nhãn căn quyết chẳng thể có cái nhìn tạp loạn, tức mắt cũng được nhiếp. Tỷ căn chẳng thể có cái ngửi tạp loạn, tức mũi cũng được nhiếp. Khi niệm Phật, thân phải đoan nghiêm nên thân cũng được nhiếp. 6 căn đã nhiếp thì tâm không có vọng niệm, chỉ lấy Phật làm niệm, nên là tịnh niệm. 6 căn nếu chẳng nhiếp thì tuy là niệm Phật mà trong tâm vẫn đầy dẫy vọng tưởng, khó mà được lợi ích thiết thực.
Một câu A Di Đà Phật miên miên mật mật luôn thường nhớ niệm. Phàm có những niệm như háo thắng, giận dỗi … bất ngờ manh động thì phải suy nghĩ “Ta là người niệm Phật, sao có thể khởi các niệm này?” Niệm khởi liền ngừng, lâu ngày thì tất cả những thứ niệm khiến ta lao thần tổn thân ấy đều không thể khởi. Do công đức bất khả tư nghì của Phật gia trì, chưa quá 10 ngày sẽ thấy rất hiệu nghiệm. Nếu thỉnh thoảng niệm một câu, hai câu mà muốn hiệu nghiệm ngay là tự dối mình dối người. Tuy vẫn có công đức nhưng khỏi bịnh thì chẳng thể được.
Khi niệm Phật cần chí thành. Niệm Phật mà tâm chẳng thể qui nhất là do đối với sanh tử tâm chẳng thiết tha. Nếu có ý tưởng sắp bị dầu sôi lửa bỏng chẳng thể cứu viện thì tâm tự qui nhất. Khi trong tâm bỗng khởi lòng thương xót thì phải biết đó là do thiện căn khai phát nhưng không nên nuôi dưỡng tình trạng ấy, nếu không sẽ vướng vào ma bi. Phàm có việc gì thích ý cũng chẳng nên vui lòng, không sẽ vướng vào ma vui.
Khi niệm Phật, hai mắt cần buông xuống, không nên đề thần quá sức đến nỗi tâm bốc hỏa sanh nóng nảy. Nếu đỉnh đầu phát ngứa, đau nhức hay có các thứ bịnh khác thì cần điều hòa bên trong sao cho thích hợp để không bịnh hoạn. Khi niệm ra tiếng cũng không nên niệm quá sức.
Bịnh cùng ma đều do nghiệp đời trước gây nên, chỉ cần chí thành khẩn thiết niệm Phật thì bịnh tự khỏi, ma sự tự lìa. Nếu chẳng chí thành hoặc khởi tà niệm thì tâm đọa trong sự u tối, ma quỉ ắt quấy nhiễu. Vào lúc niệm Phật xong, khi hồi hướng thì nên vì tất cả những oan gia trong quá khứ mà hồi hướng, khiến mọi loài đều nhờ vào sự lợi ích niệm Phật của mình mà siêu sanh vào đường lành.
Niệm Phật LẦN HẠT thì có thể ngừa giải đãi, song khi tịnh tọa niệm Phật thì chẳng nên lần hạt. Vì lần hạt thì hướng động nên tâm chẳng thể định. Về lâu về dài tất sẽ sanh bịnh.
Nếu chưa được nhất tâm thì tuyệt đối không nên nảy sanh ý tưởng muốn thấy Phật. Nếu nóng nảy muốn thấy thì tâm niệm rối rắm, cái niệm muốn thấy ấy sẽ động kết trong lòng thành đại bịnh. Oan gia lâu đời nương cái niệm tình tưởng vọng động ấy hiện làm thân Phật để báo cái oán xưa. Đó là do tâm mình không chánh kiến. Chưa kể một khi thấy ma mà sanh hoan hỉ thì ma nhập vào tạng phủ sẽ phát cuồng. Dù gặp được Phật sống cũng chẳng thể cứu. Cho nên, chỉ cần niệm Phật cho được nhất tâm, chẳng cần thấy Phật hay không. Nhất tâm rồi thì tự có sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Nếu niệm Phật mà bị khí muộn [41] là do nghiệp chướng khiến ra như vậy. Chỉ cần chí thành khẩn thiết niệm Phật thì từ từ sẽ yên.
Pháp QUÁN TƯỞNG tuy hay nhưng phải nhớ hình tượng Phật thấy đó chỉ là sở hiện của tự tâm. Nếu nhận nó là cảnh thật ngoài tâm thì vướng vào ma sự, sẽ sanh cuồng.
Người tu hành thời nay, phần lớn vướng vào ma sự đều do lấy tâm vọng động mong cầu cảnh giới tốt. Một khi cảnh giới tốt xuất hiện, nếu cho cảnh giới ấy là ma thì cảnh giới ấy là cảnh giới tốt, hễ sanh cái tâm tham trước vui mừng thì bị tổn hại chẳng chút lợi ích, huống chưa phải là cảnh giới tốt? Nếu là người có công phu hàm dưỡng thì cảnh giới dù có cũng như không, nên ma cảnh nếu hiện vẫn là cảnh giới tốt. Đó là vì gặp ma mà chẳng bị ma chuyển, tức năng lực tinh tấn cao.
Phần NIỆM PHẬT HỒI HƯỚNG cũng không thể bỏ qua. Song chỉ nên hồi hướng sau khóa công phu tối và đi kinh hành vào buổi trưa. Còn bình thường thì lấy việc trì niệm liên tục làm sự hồi hướng thời thường. Mọi công hạnh ngày thường đều hồi hướng vãng sanh và CẦN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM, thệ nguyện độ sanh. Có công đức tu trì nào đều khắp vì tứ ân trong ba cõi và chúng sanh trong pháp giới mà hồi hướng. Đã cùng chúng sanh kết sâu pháp duyên thì thắng hạnh Đại thừa của mình chóng thành. Nếu chẳng thấu nghĩa này thì rơi vào tri kiến tự lợi của phàm phu và Nhị thừa, tuy tu diệu hạnh mà cảm cái quả thấp hèn.
Phàm người niệm Phật, tùy theo phương tiện của mỗi người cốt phải khắc phục cho được tập khí của mình. Phàm người đáng nói thì dù cho đối nghịch với ta cũng phải vì người mà nói, khiến người gặp được điều lành, tránh xa điều dữ, lìa khổ được lạc. Hằng ngày phải ngay thẳng rõ ràng. Với người thì nói rõ về nhân quả báo ứng và con đường niệm Phật liễu thoát sanh tử. Dạy dỗ con cái cũng đồng nghĩa với việc gầy dựng nền tảng thái bình. Tâm thẳng như dây đàn căng, lời nói không mập mờ lấp lững. Muốn giữ cái tâm có thể đối chất với quỉ thần lúc lâm chung thì làm việc gì quyết chẳng mê mờ lý trời. Như thế đến lúc lâm chung không có hiện tượng đáng thương, đáng tiếc xảy ra.
Tất cả những lời trên đều trích từ lời dạy của Tổ Ấn Quang trong Tư Qui Tập. Ghi ra đây để hiểu thêm về pháp môn Tịnh Độ. So với CHỈ - QUÁN cách thực hành có khác, song tinh thần và mục đích thì không khác, cũng đều giúp người tu gạt bỏ vọng tưởng, qui về cội nguồn nhất tâm. Theo đây thì thấy, Tây phương ở đâu cũng không ngoài tâm mà có. Niệm Phật mong vãng sanh cõi Tịnh độ ở Tây phương chỉ là phương tiện cho người chưa đủ niềm tin với tự tánh chân như của mình. Phương tiện thì thứ lớp có khác, còn cội nguồn rốt ráo thì hoàn toàn không khác.
Đã nói xong phần Tu Hành Tín Tâm, kế là phần Lợi Ích Và Khuyên Tu. Phần lợi ích và khuyên tu
Đã nói về phần Tu Hành Tín Tâm, giờ nói về phần Lợi Ích Và Khuyên Tu. Như vậy tôi đã nói toàn bộ về Đại thừa, bí tàng của chư Phật.
ĐÃ NÓI … là kết phần trước, giới thiệu phần này. BÍ TÀNG là kho tàng bí mật của chư Phật, chính là Đại thừa. Đây là lời tổng kết của Luận chủ. Những gì là bí tàng của Như Lai ngài đã nói tất cả nên nói NÓI TOÀN BỘ.
Nếu có chúng sanh muốn vào cảnh giới thậm thâm của Như Lai, được sanh chánh tín, xa lìa phỉ báng, bước vào con đường Đại thừa thì phải trì luận này, tư lương, tu tập. Cuối cùng sẽ đạt được đạo vô thượng.
Đây là điều kiện để bước vào cảnh giới thậm thậm của chư Phật. CẢNH GIỚI THẬM THÂM ấy là chân tâm diệu minh của mỗi chúng sanh, là chỗ thâm sâu tối cùng của Đại thừa. TRÌ là giữ gìn, nắm chặt. TRÌ LUẬN NÀY là muốn nói đến việc nhận lãnh, thọ trì quyển luận. TƯ LƯƠNG là tư duy, suy nghĩ. TU TẬP là thực hành những điều đã tư duy ấy. Ngài Hám Sơn nói “Trì tức là văn tuệ, tư lương tức là tư tuệ, tu tập tức là tu tuệ”. Đầy đủ 3 điều ấy thì ĐƯỢC ĐẠO VÔ THƯỢNG, chính là cảnh giới thậm thâm của Như Lai nói trên.
Nếu người nghe pháp này rồi mà chẳng sanh khiếp nhược thì phải biết, người này quyết định nối tiếp dòng giống Phật, tất được chư Phật thọ ký.
Đây hiển bày lợi ích của văn tuệ. NGHE PHÁP NÀY, là nghe về pháp Đại thừa. Pháp này cũng có thể hiểu là bản thân quyển luận đây, với đầy đủ 2 phần LÝ và SỰ ... Nghe cả LÝ và SỰ như thế mà không sợ hãi thì người này quyết định nối tiếp dòng giống Phật và được chư Phật thọ ký.
KINH SỢ là thế này, như có vị nghiên cứu Phật pháp rất lâu, tánh không duyên khởi luận cũng rất dữ, đời sống khi nào cũng nói tùy duyên, nhưng vừa nghe đến việc buông vọng tưởng, giữ giới cấm của Như Lai đề ra, [42] liền quảy gót dời chân. Nghĩa là, nghe cái ngoài da của Đại thừa thì kham được, mà nhắc đến cái ruột rà của Đại thừa thì thối thân. Song không có cái ruột ấy thì lấy gì làm THỪA để mà nói ĐẠI? Đó là một dạng kinh sợ gọi là … vi tế. Ngoài ra, không thấy sợ hãi nhưng nghe đến pháp này mà vội né xa, dửng dưng, hoặc mới nghe đi chùa, tu hành, ăn chay, niệm Phật mà mặt đổi sắc … Những dạng như thế đều thể hiện cho cái kinh sợ này.
Song vì sao lại kinh sợ? Vì pháp này là chỗ khó tin khó nhận, vượt quá những suy nghĩ thường tình của người đời. Vì nói đến pháp này là nói đến việc hành trì tu tập bất kể thời gian và trải dài sanh tử không nhàm mỏi để bạt khổ cho chúng sanh. Không phải là người có túc căn sâu dày thì không thể không sợ hãi. Thành câu nói thấy thì đơn giản nhưng nghĩa lý của nó rất sâu. Nó nói lên quá trình huân tập sâu dày của người tu, không phải là chuyện một ngày một bữa. Cho nên, KHÔNG SỢ HÃI PHÁP NÀY thì biết chắc chắn sẽ NỐI TIẾP DÒNG GIỐNG PHẬT vậy.
Giả sử có người giáo hóa chúng sanh đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, khiến họ hành thập thiện, chẳng bằng có người trong khoảng một bữa ăn suy nghĩ chín chắn pháp này. Công đức của người này vượt hơn người trước chẳng thể lấy gì ví dụ.
Đây là công đức của người để tâm tư duy về pháp này. Dạy người hành thập thiện không bằng để tâm suy nghĩ chín chắn pháp này vì Thập thiện thuộc phúc báu trời người, còn suy nghĩ chín chắn pháp này tức đang gieo cái nhân để có cái quả là công đức pháp tánh. Công đức pháp tánh thì vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, nên nói “CÔNG ĐỨC CỦA người này vượt hơn người trước chẳng thể lấy gì ví dụ”.
Chưa tu tập mà chỉ mới suy nghĩ chín chắn về pháp này, công đức đã hơn hẳn bậc thiện tri thức dạy người hành thập thiện. Người hành thập thiện thì công đức sao bằng bậc thiện tri thức dạy người? Huống là chưa hành được thập thiện mà chỉ mới làm phúc, bố thí? Song ai cũng thích làm phúc, bố thí hơn là suy nghĩ chín chắn pháp này trong khoảng một bữa ăn. Vì làm phúc bố thí thì dễ mà vui, đọc kinh đọc luận thì khó thành ngán. Chẳng qua là vì làm phúc bố thí thuận với cái động của tâm. Tập trung suy nghĩ chín chắn pháp này là phải gom cái động ấy vào một chỗ. Song không lẽ nói khó rồi mình chỉ lấy việc làm phúc, bố thí hay công quả làm kế sinh nhai cho vạn kiếp về sau?
Không có thứ gì bước vào mà làm được ngay. Phải có thời gian huân tập. Phải nắm được ý nghĩa và tác dụng của từ HUÂN TẬP mà luận đã nói đây. Như ngồi thiền, lúc đầu ngồi liền 30 phút hay 1 tiếng thì không thể ngồi được. Nhưng nếu ngồi 5 hoặc 10 phút thì không phải chuyện khó làm. Chỉ cần có quyết tâm là làm được. Ngày nào cũng cố gắng như vậy. Quen rồi thì từ từ lên 20 phút, 30 phút v.v... Cũng chỉ tập trung theo dõi hơi thở cho nhuần nhuyễn thì chưa có gì khó khăn ... Huân tập một ngày một ít như thế thì thứ gì cũng thành dễ dàng. Ngồi được 2 tiếng lúc nào không hay. Đó là nói về ngồi thiền, khó hơn việc suy nghĩ chín chắn nói đây. SUY NGHĨ CHÍN CHẮN là ngồi đọc từng lời từng chữ của Tổ dạy một cách cặn kẽ, ngẫm cho được nghĩa lý của Như Lai nói. Ngẫm chưa ra thì để đó, từ từ lấy sự tu tập làm phương tiện sáng tâm rồi ngẫm tiếp. Phần nào dễ như Tu Hành Tín Tâm, Nhân Duyên tạo luận hay Lợi Ích và Khuyên Tu thì đọc trước, phần nào khó để đó đọc sau. Đọc kinh luận thì không thể như đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao hay kiếm hiệp của Kim Dung, nên cũng phải áp dụng như phương pháp ngồi thiền trên. Lúc đầu chỉ cần đọc 1/2 trang là đủ. Đọc 1/2 trang dễ rồi thì đọc lên 1 trang. Cứ vậy mà tập trung đọc từ từ và bắt đầu áp dụng tu tập. Hiện tại làm ít mà công đức nhiều. Tương lai còn được cái vui rốt ráo.
Thấy khó mà không huân tập thì cứ ngang đến mức làm phúc, bố thí hay công quả là hết. Phúc dù đầy đủ bao nhiêu mà không đủ chánh kiến thì chưa chắc đã lên được cõi trời. Khi chết mà bốc đồng lại rơi vào hoàn cảnh chú voi nhà giàu thời đức Phật. Song được phúc cõi trời cũng chưa hẳn tốt, vì ở đó mình không có cơ hội làm phúc tiếp tục để có lương thực cho những kiếp về sau. Hết phúc lại chui vào đường dữ. Không bằng suy nghĩ pháp này, một ngày vài dòng, rồi lên một ngày vài trang … cứ vậy mà huân tập dần. Động bao nhiêu dần dần sẽ thành tịnh. Khó bao nhiêu dần dần cũng thành dễ. Kiếp này huân tập được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Có huân tập thì kiếp sau sẽ có đà huân tập tiếp. Giờ thấy khó bỏ mặc thì không bao giờ có thể chín chắn suy nghĩ pháp này.
Lại nữa, nếu người thọ trì luận này, quán sát tu hành trong một ngày một đêm thì có vô lượng vô biên công đức chẳng thể nói được. Giả như tất cả chư Phật ở mười phương đều tán thán công đức của người này trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cũng chẳng thể hết. Vì sao? Vì công đức pháp tánh thì vô tận. Công đức của người ấy cũng lại như thế, không có bờ mé.
Đây là công đức của người thực hành tu tập pháp này. Nêu một ngày là để thấy công đức ấy to lớn thế nào nếu chúng ta thực hành tu tập trong vô lượng vô biên kiếp. Công đức ấy không có bờ mé.
Có chúng sanh nào, đối với luận này, hủy báng chẳng tin, sẽ bị tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não. Cho nên, chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng. Vì chỉ hại mình cũng hại cả người, đoạn tuyệt tất cả hạt giống Tam bảo. Bởi tất cả Như Lai đều nương pháp này mà được niết bàn, tất cả Bồ tát nhơn đây tu hành mà được nhập Phật trí.
Nghe, suy nghĩ, thực hành có công đức vô lượng thì không nghe, không suy nghĩ, không thực hành sẽ không có công đức. Nếu thêm cái tật HỦY BÁNG CHẲNG TIN thì sẽ chịu tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não. Vì thiện nghiệp tùy thuận với pháp tánh chân như. Nếu hủy báng chẳng tin thì chẳng hành thiện nghiệp, không hành thiện nghiệp thì quả báo ở 3 đường dữ không tránh khỏi, nên nói “HỦY BÁNG CHẲNG TIN sẽ chịu tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não”.
Kinh là lời Phật nói, luận là lời Tổ nói … nếu chẳng tin, tức không tin vào Tam bảo, nên nói “ĐOẠN TUYỆT tất cả hạt giống Tam bảo”. Vì những cái hại nêu trên mà “Chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”. Nói chung, những gì mà chư Phật Tổ đã nói thì dù chưa tin, mình cũng không nên phỉ báng. KHÔNG NÊN PHỈ BÁNG, vì cái thấy của mình hiện nay bị hạn chế rất nhiều chứ không phải những điều ấy không có. Như kẻ mù không thể thấy mặt trời, không phải là mặt trời không có. Cho nên “Chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”.
Phải biết, Bồ tát quá khứ đã y pháp này mà được thành tịnh tín. Bồ tát hiện tại cũng y pháp này mà được thành tịnh tín. Bồ tát vị lai sẽ y pháp này mà được thành tịnh tín. Vì vậy, chúng sanh cần nên tu học.
PHẢI BIẾT… là nhấn mạnh lại tác dụng của pháp Đại thừa - cũng như chính quyển luận này - để thấy vì sao chúng sanh cần phải tu học. Vì không có pháp nào ngoài pháp này có thể khiến chúng sanh thoát khổ thành Phật. Nên Bồ tát trong 3 thời đều phải nương pháp này đến đất Như Lai. TỊNH TÍN là niềm tin thanh tịnh, chỉ cho nhân Phật tánh, là nhân để có quả là niết bàn Phật.
Nghĩa lý thậm thâm quảng đại của chư Phật
Nay tôi tùy thuận tổng trì thuyết
Hồi hướng công đức như pháp tánh này
Lợi ích khắp tất cả cõi giới chúng sanh
NGHĨA LÝ THẬM THÂM QUẢNG ĐẠI là những gì đã được nói trong phần Lập Nghĩa và Giải Thích. TỔNG TRÌ, tiếng Phạn là Đà la ni, là niệm tuệ lực có khả năng chấp trì vô lượng Phật pháp không để mất. Nay Tổ tùy thuận niệm tuệ lực ấy mà lập ra quyển luận này. Nói cách khác, quyển luận này là giáo pháp được lưu xuất từ pháp tánh chân như. Công đức có được đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh ở khắp các cõi. Đại Thừa Khởi Tín Luận
Hết phần II Chú thích:
[36] LÂU XA, có thể chỉ trong một kiếp mà cũng có thể là vô số kiếp về sau. Đây là tùy theo chủng tánh tu hành được huân tập trước đây của mỗi người.
[37] Phần này đã được giải thích rõ ở 9 tướng bất giác.
[38] Phần nói của ngài Hám Sơn đây không để trong dấu ngoặc kép vì đã được sắp xếp, tóm những ý cần thiết để người đọc dễ nhận hiểu vấn đề, nhưng ý thì hoàn toàn không khác.
[39] Chóng được bất thối giải thích ở đây là thấy được nhân Phật tánh mà gọi là bất thối. Còn căn cứ theo địa vị bất thối đang nói đây - chỉ cho việc nhập chánh định tụ tương ưng với địa vị cuối Thập Tín sang Thập Trụ - thì câu trên phải hiểu là “Do tâm được trụ mà tùy thuận được với chân như tam muội, dẹp sâu phiền não. Do tâm được trụ mà tín tâm tăng trưởng, chóng được bất thối”.
[40] Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới.
[41] Chỉ tình trạng lùng bùng, nặng nề hay hơi thở không thông … Đây là do nhiếp tâm vọng động vào một niệm A Di Đà mà ra.
[42] Kinh Lăng Nghiêm nêu 3 giới cấm chính là chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm và khuyên giữ gìn chay tịnh.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.203.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.