Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Tứ Phần Luật Tì Kheo Giới Bổn [四分律比丘戒本] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Tứ Phần Luật Tì Kheo Giới Bổn [四分律比丘戒本]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.71 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.86 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Giới Tì Kheo Trong Luật Tứ Phần

Việt dịch: Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:


I. PHẦN MỞ ĐẦU GIỚI KINH
Con kính lễ chư Phật,
Cùng Pháp và Chư Tăng.
Nay giảng nói Giới luật,
Chánh pháp trụ lâu dài.
Giới pháp không bờ bến,
Như báu, cầu không chán.
Muốn vun bồi Chánh pháp,
Phải cùng nghe thuyết giới.
Muốn trừ Bốn ác pháp,
Mười ba tội Tăng tàn,
Ba mươi tội Xả đọa,
Phải cùng nghe thuyết giới.
Tỳ-bà-thi, Thi-khí,
Tỳ-xá, Câu-lưu-tôn,
Câu-na-hàm Mâu-ni,
Ca-diếp, Thích-ca Văn.
Chư đại đức Thế Tôn,
Vì chúng ta thuyết dạy.
Tôi nay xin lập lại,
Các vị cùng lắng nghe.
Như người bị què chân,
Không thể đi đứng được.
Cũng vậy, người phạm giới,
Không sanh cõi trời, người.
Người muốn sanh cõi trời,
Hoặc trong chốn nhân gian,
Phải thường giữ Giới luật,
Không để cho hủy phạm.
Như xe vào đường hiểm,
Bị mất chốt, gãy trục.
Người phạm giới cũng vậy,
Giờ sắp chết lo sợ.
Như người tự soi gương,
Đẹp, xấu sinh ưa, chán.
Nghe thuyết giới cũng vậy,
Không hủy phạm, vui mừng.
Như đôi bên giao chiến,
Mạnh tiến, yếu phải lùi.
Nghe thuyết giới cũng vậy,
Trong sạch được an ổn.
Vua đứng đầu trăm họ,
Biển hơn cả muôn sông,
Trăng vượt hơn ngàn sao,
Phật vượt trên các thánh.
Cũng vậy, trong các luật,
Giới kinh là trên hết.
Do chính Phật thuyết dạy,
Nửa tháng tụng một lần.

(Tụng xong đoạn mở đầu này, vị thượng tọa chủ trì đối trước chúng tăng mà đặt các câu hỏi sau.)

- Chúng tăng hội lại chưa?
Tất cả đồng thanh đáp: Chúng tăng đã hội lại.
- Chúng tăng có hòa hiệp không?
Tất cả đồng thanh đáp: Chúng tăng hòa hiệp.
- Người chưa thọ cụ túc giới đã ra khỏi chưa?
Nếu có, chúng tăng liền mời người ấy đi ra, rồi đáp: Người chưa thọ cụ túc giới đã đi ra.
Nếu không có, đáp: Trong chúng này không có người chưa thọ cụ túc giới.
- Những tỳ-kheo vắng mặt có nhờ người thuyết dục và nhận mình là thanh tịnh hay không?
Nếu có người vắng mặt, những người nhận lời thuyết dục sẽ bước ra trình bày việc vắng mặt. Nếu không, chúng tăng cùng đáp là không có.
- Tỳ-kheo ni có đến thỉnh giáo giới không?
Nếu có, người thỉnh giới thưa trước chúng tăng và chúng tăng sẽ cử người sang ni chúng thuyết giới. Nếu không, chúng tăng cùng đáp là không có.
- Nay chúng tăng hòa hiệp cùng hội lại để làm gì?
Chúng tăng cùng đáp: Để thuyết giới.
- Kính bạch chư đại đức tăng. Hôm nay là ngày rằm, chúng tăng hội lại cùng thuyết giới. Nếu chúng tăng xét đây là lúc thích hợp, cùng nhau hội đủ mà thuyết giới. Việc tác bạch như vậy có thành tựu chăng?
Chúng tăng cùng đáp: Tác bạch đã thành tựu.
- Kính bạch chư đại đức tăng. Nay tôi xin thuyết đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, tất cả các vị nên lắng nghe và khéo để tâm suy xét. Nếu ai tự biết mình có phạm vào, nên tự sám hối. Ai không phạm giới, chỉ cần lặng yên. Nếu thấy các vị lặng yên, xem như hết thảy đều thanh tịnh. Như có ai khác đến hỏi, cũng sẽ y như vậy mà đáp.
Tôi sẽ lập lại câu hỏi ba lần, xin các vị hãy cố gắng nhớ lại, như ai có điều phạm giới mà không sám hối, sẽ phạm vào tội vọng ngữ. Phật có dạy vọng ngữ là tội ngăn trở việc tu đạo. Nếu tỳ-kheo nào nhớ lại biết mình có tội, muốn được trong sạch như trước phải cầu sám hối. Sám hối rồi sẽ được an ổn, vui vẻ.
Kính bạch chư đại đức tăng, tôi đã thuyết đọc xong phần đầu của Giới kinh. Xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi ba lần. Nếu trong chúng có ai phạm giới, tự bước ra cầu pháp sám hối để chúng tăng quyết định. Nếu không, tất cả đều lặng yên.
- Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này được hiểu là như vậy.

II. BỐN PHÁP BA-LA-DI
- Kính bạch chư đại đức tăng, bốn pháp ba-la-di này, nửa tháng phải tụng đọc một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào, cùng với tỳ-kheo thọ giới như mình, trong khi chưa xả giới, lìa bỏ giới mà lòng không tự hối, phạm vào việc dâm dục, thậm chí với loài súc vật. Tỳ-kheo như vậy là phạm vào tội ba-la-di.
2. Như có tỳ-kheo nào, ở trong chỗ thôn xóm hay nơi vắng vẻ, tham lấy một vật gì của người khác khi người ấy không tự ý cho mình, phạm vào tội mà theo pháp luật phải bị bắt giữ, hoặc bị tử hình, hoặc bị phạt tù, hoặc bị trục xuất khỏi nơi đó, lại bị nhiếc mắng là phường trộm cắp, ngu si, thiếu hiểu biết. Tỳ-kheo như vậy là phạm vào tội ba-la-di.
3. Như có tỳ-kheo nào, cố ý tự tay giết chết người, hoặc đưa vật có thể giết người cho kẻ khác, hoặc khuyến khích, xúi giục sự giết người, cho đến khuyến khích, xúi giục kẻ khác tự dứt mạng sống, hoặc dùng đủ mọi phương tiện để thúc đẩy việc giết người. Tỳ-kheo như vậy là phạm vào tội ba-la-di.
4. Như có tỳ-kheo nào, thật không có chỗ hiểu biết, lại tự nói rằng: “Tôi đã chứng đắc pháp cao thượng, được trí tuệ của bậc thánh, được pháp vi diệu. Tôi biết như thế này, tôi thấy như thế này.” Thời gian sau, tỳ-kheo ấy tự biết lỗi, muốn được trong sạch trở lại nên dù có người hỏi hoặc không có người hỏi, cũng tự nhận rằng: “Tôi quả thật không có sự thấy, sự biết như vậy, chỉ là lời nói luống dối đó thôi.” Tỳ-kheo như vậy là phạm vào tội ba-la-di, trừ khi rơi vào trường hợp tăng thượng mạn.
- Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong bốn pháp ba-la-di. Như có tỳ-kheo nào phạm vào một trong các pháp ba-la-di này, không được cùng chung sống với chư tỳ-kheo như trước nữa. Cho đến về sau cũng vậy, tỳ-kheo đã phạm vào tội ba-la-di không nên cho phép sống chung trong chúng tăng.
Xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
- Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

III. MƯỜI BA PHÁP TĂNG-GIÀ BÀ-THI-SA
- Kính bạch chư đại đức tăng. Mười ba pháp tăng-già bà-thi-sa này, nửa tháng phải tụng đọc một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào, cố ý kích thích dương vật cho xuất tinh, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa, trừ trường hợp trong giấc ngủ mê.
2. Như có tỳ-kheo nào, khởi tâm dâm dục, cùng xúc chạm thân thể với nữ nhân, hoặc nắm tay, hoặc vuốt tóc, hoặc xúc chạm một phần thân thể, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
3. Như có tỳ-kheo nào, khởi tâm dâm dục, dùng những lời thô tục, gợi dục mà nói với nữ nhân, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
4. Như có tỳ-kheo nào, khởi tâm dâm dục, trước mặt nữ nhân tự khen ngợi thân mình, xưng là người trì giới, trong sạch, tinh tấn tu các pháp lành, nên dùng sự hành dâm mà cúng dường là cách cúng dường cao quý nhất. Tỳ-kheo nói như vậy, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
5. Như có tỳ-kheo nào đi lại làm môi giới giữa đôi bên trai gái, chuyển lời qua lại giữa đôi bên, hoặc sau thành chồng vợ, hoặc chỉ dan díu cùng nhau, dù là thoáng chốc. Tỳ-kheo như vậy, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
6. Như có tỳ-kheo nào muốn xây dựng tịnh thất riêng, không có thí chủ làm cho, tự mình đứng ra làm, phải tuân theo kích cỡ vừa phải: bề rộng không quá 4 mét, bề sâu không quá 7 mét. Lại phải nhờ các tỳ-kheo khác đến xem xét chọn địa điểm. Các tỳ-kheo được thỉnh đến xem xét, nên chọn nơi không có hiểm nạn và không trở ngại việc tu tập mà chỉ cho.
Nếu tỳ-kheo không có thí chủ giúp cho, tự mình xây dựng tịnh thất nơi chỗ có hiểm nạn, trở ngại cho việc tu tập, cũng không nhờ các tỳ-kheo khác đến xem xét địa điểm, lại rộng lớn hơn kích cỡ vừa phải. Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
7. Như có tỳ-kheo nào muốn xây dựng chùa lớn, có người thí chủ vì mình mà làm, phải nhờ các tỳ-kheo khác đến xem xét chọn địa điểm. Các tỳ-kheo được thỉnh đến xem xét, nên chọn nơi không có hiểm nạn và không trở ngại việc tu tập mà chỉ cho.
Nếu tỳ-kheo có người thí chủ vì mình mà làm, xây dựng chùa lớn nơi chỗ có hiểm nạn, trở ngại cho việc tu tập, không nhờ các tỳ-kheo khác đến xem xét địa điểm. Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
8. Như có tỳ-kheo nào, vì sự nóng nảy, tức giận che lấp mà vô cớ vu cáo cho tỳ-kheo khác là phạm tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch của vị ấy. Thời gian sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi, tỳ-kheo ấy biết mình đã vô cớ vu cáo nên nói ra rằng: “Điều ấy là do tôi tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo như vậy, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
9. Như có tỳ-kheo nào, vì sự nóng nảy, tức giận che lấp nên dựa vào những căn cứ mà tự mình biết là sai lệch, không đúng, để vu cáo cho tỳ-kheo khác là phạm tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch của vị ấy. Thời gian sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi, tỳ-kheo ấy biết mình đã dựa vào những chứng cứ sai lệch, không đúng, nên nói ra rằng: “Điều ấy là do tôi tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo như vậy, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
10. Như có tỳ-kheo nào muốn phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, thực hiện việc phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, rồi cố giữ mãi không từ bỏ. Những tỳ-kheo khác nên can ngăn rằng: “Đại đức, không nên muốn phá sự hòa hiệp của chúng tăng, không nên thực hiện việc phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng. Không nên theo những pháp phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng rồi cố giữ mãi không từ bỏ. Đại đức nên cùng với chúng tăng sống hòa hiệp, vui vẻ, không tranh cãi nhau. Cùng theo học một thầy, nên hòa hợp nhau như sữa hòa trong nước, như vậy mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”
Nếu tỳ-kheo ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu tỳ-kheo ấy chịu nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo là phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
11. Như có tỳ-kheo có bè đảng, hoặc một người, hoặc hai, ba người cho đến rất nhiều người. Các tỳ-kheo bè đảng nói với chúng tỳ-kheo rằng: “Đại đức, xin đừng can ngăn vị ấy. Vị ấy nói ra đúng Chánh pháp, đúng Giới luật. Những điều vị ấy nói ra làm cho chúng tôi vui thích, có thể chấp nhận được.”
Chúng tỳ-kheo nên can ngăn tỳ-kheo ấy rằng: “Đại đức chớ nên nói như thế. Chớ nên nói rằng tỳ-kheo ấy nói đúng Chánh pháp, nói đúng Giới luật, nói điều vui thích, có thể chấp nhận được. Thật ra tỳ-kheo ấy nói những điều trái Chánh pháp, trái Giới luật. Đại đức, xin đừng mong muốn phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng. Chúng ta nên cùng với chúng tăng sống hòa hiệp, vui vẻ, không tranh cãi nhau. Cùng theo học một thầy, nên hòa hợp nhau như sữa hòa trong nước, như vậy mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”
Nếu tỳ-kheo sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu tỳ-kheo ấy chịu nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo, là phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
12. Như có tỳ-kheo nào đến ở trong thôn xóm, làm hoen ố nhà người, cùng làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết. Các tỳ-kheo khác nên can ngăn tỳ-kheo ấy rằng: “Đại đức làm hoen ố nhà người, cùng làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết. Nay ông nên rời bỏ chỗ thôn xóm này, không nên ở đây nữa.”
Tỳ-kheo ấy đáp rằng: “Đại đức, nay các tỳ-kheo đều có yêu, có giận, có sợ, có ngu si; cũng có những tỳ-kheo đồng tội như vậy. Sao có người lại bị đuổi, có người không bị đuổi?”
Các tỳ-kheo khác lại can ngăn rằng: “Đại đức không nên nói như vậy. Không nên nói chư tăng có yêu, có giận, có sợ, có ngu si, có những người đồng tội như vậy, có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Quả thật chư tỳ-kheo không có yêu, có giận, có sợ, có ngu si. Đại đức làm hoen ố nhà người khác, làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết.”
Nếu tỳ-kheo sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu tỳ-kheo ấy chịu nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo, là phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
13. Như có tỳ-kheo nào tánh tình xấu ác, chẳng chịu nghe lời người khác. Với những việc trong giới pháp, các tỳ-kheo khác đã theo đúng pháp mà can ngăn, nhưng tỳ-kheo ấy tự thân không nghe, nói rằng: “Các vị đại đức, xin đừng nói những chuyện tốt xấu của tôi. Tôi cũng không nói những chuyện tốt xấu của các vị. Xin các vị hãy thôi đi, đừng nhiều lần can ngăn tôi như thế.”
Các tỳ-kheo khác lại can ngăn rằng: “Đại đức, không nên tự mình chẳng chịu nghe lời can ngăn của kẻ khác. Đại đức nên biết nghe lời can ngăn. Chúng ta nên theo đúng pháp mà can ngăn lẫn nhau, mà dạy bảo cho nhau, bảo nhau sám hối lỗi lầm, có như vậy thì hết thảy đệ tử của Phật đều được tăng thêm phần lợi ích.”
Nếu tỳ-kheo sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu tỳ-kheo ấy chịu nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo là phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
- Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong mười ba pháp tăng-già bà-thi-sa. Chín pháp đầu là phạm vào thành tội ngay, bốn pháp sau là qua ba lần can ngăn mới thành tội. Như có tỳ-kheo nào phạm vào một trong các pháp tăng-già bà-thi-sa này, biết là phạm vào mà cố tình che giấu, nên buộc phải chịu phép biệt trú. Sau khi biệt trú xong, phạt thêm sáu ngày đêm cấm phòng nữa. Chịu phép cấm phòng rồi, phải làm nghi thức xuất tội, có sự tham dự của ít nhất là 20 vị tỳ-kheo thanh tịnh. Nếu không đủ số 20 vị tỳ-kheo mà làm nghi thức xuất tội, thì tội ấy chẳng những không được tiêu trừ, mà các vị tỳ-kheo tham gia cũng đáng quở trách.
Với mười ba pháp tăng-già bà-thi-sa này, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
- Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

IV. HAI PHÁP KHÔNG XÁC ĐỊNH
- Kính bạch chư đại đức tăng. Hai pháp không xác định này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào ngồi riêng với một phụ nữ trong chỗ vắng vẻ, kín đáo, thuận tiện có thể làm việc dâm dục, nói ra những lời không đúng Chánh pháp. Nếu có người cư sĩ nữ lòng tin vững chắc nói ra việc ấy, rơi vào một trong ba pháp: ba-la-di, tăng-già bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề. Tỳ-kheo có lỗi ấy tự nói: “Tôi đã phạm vào tội này.” Nên y cứ một trong ba pháp: ba-la-di, tăng-già bà-thi-sa hoặc ba-dật-đề mà định tội tỳ-kheo ấy theo như lời nói ra của người cư sĩ nữ.
2. Như có tỳ-kheo nào ngồi riêng với một phụ nữ nơi chỗ trống trải, chỗ ấy không thể làm việc dâm dục, nói ra những lời thô ác. Nếu có người cư sĩ nữ lòng tin vững chắc nói ra việc ấy, rơi vào một trong hai pháp: tăng-già bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề. Tỳ-kheo có lỗi ấy tự nói: “Tôi đã phạm vào tội này.” Nên theo như một trong hai pháp: tăng-già bà-thi-sa hoặc ba-dật-đề mà xử trị tỳ-kheo ấy, theo như lời nói ra của người cư sĩ nữ.
- Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong hai pháp không xác định, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
- Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

V. BA MƯƠI PHÁP NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ
- Kính bạch chư đại đức tăng. Ba mươi pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào đã đủ bộ ba tấm y, nếu nhận y ca-hy-na cũng đã xả, như có nhận thêm y được giữ trong vòng 10 ngày, rồi phải theo phép tịnh thí mà xả bỏ. Như quá 10 ngày vẫn còn giữ y thừa, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
2. Như có tỳ-kheo nào đã đủ bộ ba tấm y, nếu nhận y ca-hy-na cũng đã xả, lại xa rời một trong ba tấm y của mình mà đến ngủ chỗ khác, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ khi đã xin chư tăng kiết giới không mất y.
3. Như có tỳ-kheo nào đã đủ bộ ba tấm y, nếu nhận y ca-hy-na cũng đã xả, vì muốn vá sửa hoặc thay y mới nên mới thọ nhận vải may y không phải thời. Khi nhận rồi phải nhanh chóng may thành y, như chưa đủ vải thì được cất giữ trong một tháng để chờ xin cho đủ vải. Nếu quá một tháng, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
4. Như có tỳ-kheo nào nhận y từ một tỳ-kheo ni, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ trường hợp tỳ-kheo ni đó là người bà con thân thuộc, hoặc trường hợp trao đổi cho nhau.
5. Như có tỳ-kheo nào nhờ một tỳ-kheo ni giặt y đã dùng, nhuộm y hoặc giũ cho sạch bụi, đều phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ trường hợp tỳ-kheo ni đó là người bà con thân thuộc.
6. Như có tỳ-kheo nào đến xin y từ một cư sĩ hoặc vợ cư sĩ, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ trường hợp những người đó là bà con thân thuộc, hoặc trường hợp y của mình đã bị cướp, bị mất, bị cháy, bị nước cuốn trôi.
7. Như tỳ-kheo nào có y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị nước cuốn trôi, lại có người cư sĩ hoặc vợ cư sĩ không phải là bà con thân thuộc đến cúng dường rất nhiều y cho tùy ý nhận. Tỳ-kheo đó chỉ nên nhận vừa đủ, nếu quá mức, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
8. Như có tỳ-kheo nào, biết có người cư sĩ hoặc vợ cư sĩ vì mình mà định mua y cúng dường, tỳ-kheo ấy trước không được người cư sĩ hoặc vợ cư sĩ đó thỉnh cúng dường tùy ý, lại đến bảo họ nên mua y cúng dường theo ý mình, vì muốn cho tốt hơn. Nếu nhận được y, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
9. Như có tỳ-kheo nào, biết có hai nhà cư sĩ hoặc vợ cư sĩ vì mình mà định mua y cúng dường, tỳ-kheo ấy không được cư sĩ thỉnh tùy ý cúng dường, lại đến bảo cả hai nhà nên chung tiền lại để mua y cúng dường theo ý mình, vì muốn cho tốt hơn. Nếu nhận được y, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
10. Như có tỳ-kheo nào, có thí chủ sai người mang tiền đến cúng dường cho để may y. Tỳ-kheo ấy đáp rằng: “Tôi không thể nhận tiền này, như tôi cần y, phải theo đúng pháp mới nhận.” Người kia hỏi: “Đại đức có người giúp làm việc này không?” Đáp: “Có.” Tỳ-kheo liền chỉ đến người có thể thay mình nhận tiền may y. Người kia chuyển tiền đến đó rồi báo lại cho tỳ-kheo biết: “Tôi đã giao tiền may y cho người ấy, đại đức sau này nên đến đó mà nhận y.”
Sau một thời gian, nếu không nhận được y, tỳ-kheo có thể đến chỗ người nhận tiền may y để nhắc nhở, một lần, hai lần hoặc ba lần, dùng lời nhắc cho người ấy nhớ.
Nếu vẫn không nhận được y, có thể đến lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu, nhưng chỉ được lặng thinh mà đến để người ấy tự nhớ ra, không được dùng lời nhắc nhở nữa.
Nếu sau sáu lần đến mà nhận được y thì tốt, bằng không nhận được thì thôi không đến nữa. Nếu còn đến đòi hỏi, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu cuối cùng không nhận được y, tỳ-kheo nên tự đến, hoặc nhờ người đến chỗ người đã cúng tiền may y mà báo cho biết rằng: “Trước ông có gửi cúng số tiền để may y cho tỳ-kheo ấy, nay tỳ-kheo ấy thật không nhận được y. Ông có thể đến lấy lại tiền, không nên để mất.” Như vậy là đúng phép.
11. Như có tỳ-kheo nào dùng hàng tơ lụa, hoặc một phần tơ lụa để may ngọa cụ mới, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
12. Như có tỳ-kheo nào dùng toàn lông dê mới màu đen để làm ngọa cụ mới, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
13. Như có tỳ-kheo nào muốn làm ngọa cụ mới, không được dùng toàn lông dê màu trắng, nên dùng hai phần lông dê màu đen, một phần màu trắng, một phần màu tạp. Nếu tỳ-kheo làm ngọa cụ mới không pha trộn như vậy, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
14. Như có tỳ-kheo nào may ngọa cụ rồi dùng chưa quá sáu năm, chưa xả bỏ, lại may ngọa cụ mới, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
15. Như có tỳ-kheo nào may ngọa cụ mới, nên cắt lấy một miếng ngọa cụ cũ rộng vuông vức chừng một gang tay mà may đè lên trên, để làm mất màu xinh đẹp của ngọa cụ mới. Nếu may ngọa cụ mới mà không làm như vậy, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
16. Như có tỳ-kheo nào trong khi đi đường được người cúng dường lông dê, lại không có người mang giúp phải tự mình mang đi, không được mang quá ba do-tuần. Nếu tự mình mang lông dê đi quá ba do-tuần, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
17. Như có tỳ-kheo nào nhờ tỳ-kheo ni giặt, nhuộm hoặc giũ cho sạch lông dê, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ trường hợp tỳ-kheo ni ấy là bà con thân thuộc.
18. Như có tỳ-kheo nào tự tay nhận tiền, vàng, bạc, hoặc chỉ bảo sai khiến người nhận lấy, hoặc bảo người để nơi nào đó rồi sau đến nhận, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
19. Như có tỳ-kheo nào mua bán các món đồ quý giá, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
20. Như có tỳ-kheo nào làm việc buôn bán các thứ, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
21. Như có tỳ-kheo nào cất giữ thêm bình bát, quá mười ngày không theo phép tịnh thí mà xả cho người khác, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
22. Như có tỳ-kheo nào dùng bình bát chưa đủ năm lần hàn, không bị rỉ chảy, lại muốn tìm cầu bình bát khác tốt hơn. Nếu được bát mới, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Tỳ-kheo đã phạm điều này, nên mang bát mới đến trước chúng tăng mà xả bỏ rồi sám hối. Chúng tăng nhận sám hối rồi, sẽ giao lại cho tỳ-kheo ấy bình bát nào xấu nhất. Nên giữ lấy mà dùng cho đến khi hư bể, như vậy mới đúng pháp.
23. Như có tỳ-kheo nào tự mình đi xin sợi vải, nhờ thợ dệt lại thành vải để may y, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ trường hợp người thợ dệt ấy là bà con thân thuộc.
24. Như có cư sĩ hoặc vợ cư sĩ nhờ thợ dệt vải để may y cúng dường cho tỳ-kheo. Vị tỳ-kheo ấy trước không được nhận thỉnh tùy ý, lại tìm đến người thợ dệt và nói rằng: “Tấm y đó là làm cho tôi. Ông hãy dệt cho thật tốt. Hãy dệt cho rộng rãi, bền chắc, nhuyễn mịn, tôi sẽ thưởng cho ông.” Tỳ-kheo ấy nói rồi cho tiền thợ dệt, dù chỉ trị giá một bữa ăn, nhận được y rồi là phạm tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
25. Như có tỳ-kheo nào, trước đem y thí cho một tỳ-kheo khác, sau lại vì sự giận hờn mà đòi lại, hoặc bảo người khác đòi, nói rằng: “Trả y cho ta, chẳng cho ông nữa.” Tỳ-kheo kia trả y, tỳ-kheo này nhận y lại rồi, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
26. Như tỳ-kheo vì mắc bệnh, có thể cất chứa để dùng các món để làm thuốc như váng sữa, dầu, sữa tươi, mật ong, đường phèn, trong vòng 7 ngày. Nếu quá 7 ngày mà dùng, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
27. Khi mùa xuân còn một tháng, tỳ-kheo được nhận áo tắm mưa, mùa xuân còn nửa tháng thì có thể dùng. Nếu nhận sớm hơn hoặc dùng sớm hơn, đều phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
28. Khi còn mười ngày nữa mới mãn hạ an cư, có thí chủ vì việc gấp đến cúng dường y. Tỳ-kheo biết việc gấp của thí chủ, nên thọ nhận. Nhận rồi được cất giữ theo thời gian quy định, như cất giữ quá lâu, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
29. Khi mùa an cư đã mãn được một tháng, như tỳ-kheo ở những chỗ vắng vẻ, sợ có trộm cướp, có thể gởi bớt một tấm y ở nhà dân trong thôn xóm. Trong trường hợp này, tỳ-kheo có thể rời y mà ngủ chỗ khác trong vòng sáu đêm. Nếu quá sáu đêm, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
30. Như có tỳ-kheo nào, biết là đồ vật của chúng tăng mà muốn lấy làm của mình, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
- Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong ba mươi pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
- Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

VI. CHÍN MƯƠI PHÁP BA-DẬT-ĐỀ
- Kính bạch chư đại đức tăng. Chín mươi pháp ba-dật-đề này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào biết là điều sai sự thật mà vẫn nói ra, phạm vào tội ba-dật-đề.
2. Như có tỳ-kheo nào vì lý do chủng tộc, giai cấp mà dùng lời hủy nhục người, phạm vào tội ba-dật-đề.
3. Như có tỳ-kheo nào dùng cách nói hai lưỡi, phạm vào tội ba-dật-đề.
4. Như có tỳ-kheo nào ngủ lại trong nhà có phụ nữ qua đêm, phạm vào tội ba-dật-đề.
5. Như có tỳ-kheo nào cùng với người chưa thọ giới cụ túc mà ngủ chung trong một nhà quá hai đêm, đến đêm thứ ba thì phạm vào tội ba-dật-đề.
6. Như có tỳ-kheo nào cùng với người chưa thọ cụ túc giới đọc tụng kinh điển, phạm vào tội ba-dật-đề.
7. Như có tỳ-kheo nào đem việc phạm tội thô ác của tỳ-kheo khác nói với người chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp do chúng tăng quyết định.
8. Như có tỳ-kheo nào đem việc mình chứng đắc hơn người nói với người chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.
9. Như có tỳ-kheo nào thuyết pháp quá năm, sáu câu với phụ nữ, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có người đàn ông sáng suốt cùng ở đó.
10. Như có tỳ-kheo nào tự tay đào xới đất, hoặc sai bảo người khác làm, phạm vào tội ba-dật-đề.
11. Như có tỳ-kheo nào phá hại mầm giống cho đến cây cỏ đang còn sống, phạm vào tội ba-dật-đề.
12. Như có tỳ-kheo nào cố ý nói quanh co gây phiền toái cho chúng tăng, phạm vào tội ba-dật-đề.
13. Như có tỳ-kheo nào chê bai sau lưng hoặc mạ lỵ trước mặt đối với vị tăng tri sự, phạm vào tội ba-dật-đề.
14. Như có tỳ-kheo nào tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ, tọa cụ mang ra chỗ trống để dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ, cũng không nhờ người khác dẹp cất lại, phạm vào tội ba-dật-đề.
15. Như có tỳ-kheo nào tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ, tọa cụ bày ra trong phòng của tăng để dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ, cũng không nhờ người khác dẹp cất, phạm vào tội ba-dật-đề.
16. Như có tỳ-kheo nào, biết chỗ nghỉ của tỳ-kheo khác, khi đến sau lại mang ngọa cụ trải ra mà nằm, tự nghĩ rằng: “Nếu ông ấy có chê là chật chội thì cứ việc tránh ta mà đi nơi khác.” Nhân duyên hành động như vậy không hợp với oai nghi, phạm vào tội ba-dật-đề.
17. Như có tỳ-kheo nào do tức giận tỳ-kheo khác, trong lòng không vui, liền xô đuổi hoặc sai khiến người khác xô đuổi tỳ-kheo ấy ra khỏi tăng phòng, phạm vào tội ba-dật-đề.
18. Như có tỳ-kheo nào nằm hoặc ngồi trên giường bị lỏng chân, phạm vào tội ba-dật-đề.
19. Như có tỳ-kheo nào biết là nước có trùng mà tự mình đổ lên bùn đất, hoặc tưới trên cỏ, hoặc sai bảo người khác làm như vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.
20. Như có tỳ-kheo nào làm phòng lớn có cửa song, cửa sổ và các vật trang hoàng, chỉ được lợp mái từ hai đến ba lớp. Nếu quá mức, phạm vào tội ba-dật-đề.
21. Như có tỳ-kheo nào, chúng tăng không đề cử mà tự ý đến dạy giáo pháp cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.
22. Như có tỳ-kheo nào, được chúng tăng đề cử đến dạy giáo pháp cho tỳ-kheo ni, đến chiều tối mới về, phạm vào tội ba-dật-đề.
23. Như có tỳ-kheo nào nói rằng các tỳ-kheo khác vì chuyện ăn uống mà đi dạy giáo pháp cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.
24. Như có tỳ-kheo nào đem y cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp trao đổi với nhau, hoặc tỳ-kheo ni đó là người bà con thân thuộc.
25. Như có tỳ-kheo nào vì tỳ-kheo ni mà may y, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp tỳ-kheo ni đó là người bà con thân thuộc.
26. Như có tỳ-kheo nào cùng ngồi ở chỗ khuất vắng với tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.
27. Như có tỳ-kheo nào cùng với tỳ-kheo ni hẹn trước với nhau để cùng đi chung đường đến thôn khác, cho đến thậm chí chỉ trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp cùng đi với đoàn khách buôn, hoặc khi lo sợ có nguy hiểm trên đường.
28. Như có tỳ-kheo nào cùng với tỳ-kheo ni hẹn trước với nhau để cùng đi thuyền xuôi dòng hoặc ngược dòng, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp đi thuyền ngang qua sông.
29. Như tỳ-kheo nào biết có tỳ-kheo ni vì mình mà đến nói với thí chủ nên người ấy mới cúng dường thức ăn cho mình, vẫn thọ nhận thức ăn ấy, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp người thí chủ ấy đã phát tâm cúng dường từ trước.
30. Như có tỳ-kheo nào hẹn trước với người phái nữ để cùng đi chung đường, dù chỉ trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề.
31. Như có tỳ-kheo nào đến chỗ thí chủ cúng dường một bữa ăn, không có bệnh chỉ được thọ nhận một bữa. Nếu quá, phạm vào tội ba-dật-đề.
32. Như có tỳ-kheo nào thọ thỉnh ăn nhiều lần trong ngày, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp có bệnh, hoặc khi thí chủ cúng y.
33. Như có tỳ-kheo nào thọ thỉnh ăn thành chúng riêng, phạm tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi có bệnh, khi may y, khi nhận cúng y, khi đi đường xa, khi đi tàu thuyền, khi đại chúng tụ họp đông đảo, khi các thầy tu ngoại đạo cúng dường.
34. Như tỳ-kheo thọ thỉnh cúng dường ở nhà cư sĩ, có bánh hoặc lương khô, nếu muốn có thể nhận đến hai hoặc ba bát mang về chùa phân chia cho các tỳ-kheo khác cùng ăn. Như tỳ-kheo không có bệnh mà thọ nhận nhiều hơn hai hoặc ba bát, khi về chùa không phân chia cho các tỳ-kheo khác cùng ăn, phạm tội ba-dật-đề.
35. Như có tỳ-kheo nào đã ăn đủ rồi, nếu có thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ăn nữa, phạm tội ba-dật-đề.
36. Như có tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ trong ngày rồi, khi thọ thỉnh không làm phép dư thực, lại cố ân cần mời thỉnh vị ấy ăn nữa, không vì mục đích gì khác hơn là muốn cho vị kia phạm giới mà thôi. Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.
37. Như có tỳ-kheo nào thọ nhận thức ăn và ăn phi thời, phạm vào tội ba-dật-đề.
38. Như có tỳ-kheo nào ăn thức ăn được chứa trữ từ hôm trước, phạm vào tội ba-dật-đề.
39. Như có tỳ-kheo nào, không phải thức ăn hoặc thuốc cúng dường cho mình mà để vào trong miệng, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ ra nước và nhành dương.
40. Như có tỳ-kheo nào, nếu thấy có những thức ăn ngon, tự mình đòi hỏi được ăn, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp do có bệnh.
41. Như có tỳ-kheo nào tự tay trao thức ăn để thí cho người ngoại đạo, phạm vào tội ba-dật-đề.
42. Như có tỳ-kheo nào trước đã thọ thỉnh cúng dường, sau đó trước hoặc sau giờ thọ thực lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như có bệnh, hoặc khi nhận cúng y, khi may y.
43. Như có tỳ-kheo nào khất thực trong nhà có đồ quý giá, cố ngồi nán lại, phạm vào tội ba-dật-đề.
44. Như có tỳ-kheo nào khất thực trong nhà có đồ quý giá mà ngồi nơi chỗ khuất kín, phạm vào tội ba-dật-đề.
45. Như có tỳ-kheo nào một mình ngồi với phụ nữ ở chỗ trống trải, phạm vào tội ba-dật-đề.
46. Như có tỳ-kheo nào bảo tỳ-kheo khác cùng đi với mình đến chỗ thôn xóm kia, nói rằng có thể nhận được thức ăn. Đến nơi không có thức ăn, lại nói rằng: “Ông nên đi đi. Tôi ngồi với ông, nói chuyện với ông không được vui; tôi ngồi một mình sẽ được vui vẻ.” Nói thế không ngoài mục đích là tìm cách xô đuổi vị kia đi nơi khác. Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.
47. Như có tỳ-kheo nào muốn nhận sự cúng dường thuốc men của thí chủ để dùng trong vòng 4 tháng, dù không bệnh cũng được nhận. Nếu nhận quá mức trên, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp có người phát tâm cúng dường thường xuyên, hoặc hết hạn bốn tháng rồi nhận cúng dường lần khác, hoặc thí chủ mang đến chùa phân chia cúng dường cho tăng chúng, hoặc thí chủ phát tâm cúng dường suốt đời.
48. Như có tỳ-kheo nào đến xem những chỗ quân trận, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.
49. Như có tỳ-kheo nào có nhân duyên phải đến chỗ quân trận, có thể ở lại hai hoặc ba đêm. Nếu lâu hơn, phạm vào tội ba-dật-đề.
50. Như có tỳ-kheo nào, có nhân duyên đến chỗ quân trận, ở lại đó từ hai đến ba đêm, lại đi xem quân lính tập dượt, dàn trận, đánh nhau, phạm vào tội ba-dật-đề.
51. Như có tỳ-kheo nào uống rượu, phạm vào tội ba-dật-đề.
52. Như có tỳ-kheo nào bơi lội đùa nghịch trong nước, phạm tội ba-dật-đề.
53. Như tỳ-kheo dùng ngón tay mà chọc lẫn vào người nhau, phạm vào tội ba-dật-đề.
54. Như có tỳ-kheo nào không nghe lời can ngăn của người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.
55. Như có tỳ-kheo nào làm cho tỳ-kheo khác lo lắng, sợ sệt, phạm vào tội ba-dật-đề.
56. Như có tỳ-kheo nào trong nửa tháng tắm quá một lần, phạm tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi trời nóng nực, khi thân thể có bệnh, khi phải làm việc nhiều, khi mưa gió, khi đi đường xa.
57. Như có tỳ-kheo nào không có bệnh nhưng vì muốn hơ ấm, ở chỗ đất trống đốt lửa, hoặc sai khiến người khác đốt, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.
58. Như có tỳ-kheo nào mang giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo khác, dù chỉ để đùa chơi, phạm vào tội ba-dật-đề.
59. Như có tỳ-kheo nào đã đem y thí cho người khác, về sau không nói với người ấy mà tự ý lấy dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.
60. Như có tỳ-kheo nào được y mới, phải đem nhuộm cho xấu đi rồi mới dùng. Nếu không nhuộm xấu đi mà mặc vào, phạm tội ba-dật-đề.
61. Như có tỳ-kheo nào cố ý giết chết các loài động vật, phạm vào tội ba-dật-đề.
62. Như có tỳ-kheo nào biết là trong nước có trùng mà vẫn uống hoặc lấy dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.
63. Như có tỳ-kheo nào cố ý tìm cách gây sự nghi ngờ hoang mang cho tỳ-kheo khác, khiến chẳng lúc nào được vui vẻ, phạm vào tội ba-dật-đề.
64. Như có tỳ-kheo nào biết tỳ-kheo khác phạm tội thô mà che giấu, phạm vào tội ba-dật-đề.
65. Như có tỳ-kheo nào biết người chưa đủ 20 tuổi mà nhận cho thọ giới cụ túc, người đó không được giới, chư tỳ-kheo có thể quở trách tỳ-kheo ấy vì ngu si, phạm vào tội ba-dật-đề.
66. Như có tỳ-kheo nào, biết những chuyện tranh chấp đã theo đúng pháp sám hối trừ diệt đi rồi, sau lại phát khởi lên, phạm vào tội ba-dật-đề.
67. Như có tỳ-kheo nào đã biết là kẻ gian mà cùng đi chung đường, dù chỉ là trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề.
68. Như có tỳ-kheo nào nói rằng: “Phật có nói là việc dâm dục không ngăn ngại gì cho đạo pháp.” Có tỳ-kheo khác can ngăn rằng: “Đại đức, chớ nói như thế. Chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy là không tốt. Thế Tôn không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ ra rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”
Dù can ngăn như thế, tỳ-kheo kia vẫn nhất mực không bỏ. Nên khuyên can cho đến ba lần. Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn không nghe, phạm vào tội ba-dật-đề.
69. Như có tỳ-kheo nào, tuy biết tỳ-kheo khác đã nói lời như trên, chưa sám hối theo như pháp, chỗ tà kiến ấy cũng chưa bỏ, mà vẫn cung cấp cho những thứ cần dùng, lại cùng với kẻ ấy làm phép yết-ma, ngủ nghỉ chung nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.
70. Như tỳ-kheo được biết sa-di nói ra lời này: “Phật có nói việc dâm dục không ngăn ngại gì cho đạo pháp.” Tỳ-kheo ấy liền can ngăn rằng: “Ngươi chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy không tốt. Này sa-di, đức Thế Tôn không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ ra rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”
Dù can ngăn như thế, sa-di kia vẫn nhất mực không bỏ. Tỳ-kheo ấy nên khuyên can, quở trách cho đến ba lần, buộc phải từ bỏ lời sai trái ấy. Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn không nghe, tỳ-kheo ấy nên nói như thế này: “Ngươi từ nay về sau không được gọi Phật là đức Thế Tôn của ngươi nữa, không được đi theo các tỳ-kheo, cũng không được cùng các thầy tỳ-kheo ngủ chung một nơi hai đến ba đêm như các sa-di khác. Ngươi phải đi khỏi đây, không được ở lại nữa.”
Như có tỳ-kheo nào biết sa-di đã bị đuổi đi như vậy mà còn mang về nuôi dưỡng, cùng sa-di ấy ngủ nghỉ chung nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.
71. Như tỳ-kheo nào làm điều sai trái, có tỳ-kheo khác theo đúng pháp can ngăn, liền đáp rằng: “Nay tôi không học giới này. Phải đợi chất vấn các vị tỳ-kheo khác có trí tuệ, giữ theo luật.” Tỳ-kheo ấy phạm vào tội ba-dật-đề. Như nếu thật sự vì muốn hiểu, muốn học, thì có thể chất vấn.
72. Như có tỳ-kheo nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Đại đức, cần chi phải nói những giới vụn vặt ấy, chỉ làm cho người ta phải buồn phiền, hổ thẹn mà thôi.” Như vậy là nghi ngờ, khinh chê giới luật, phạm vào tội ba-dật-đề.
73. Như có tỳ-kheo nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Tôi đến hôm nay mới biết trong giới pháp có điều này, từ trong Giới kinh rút ra, nửa tháng tụng đọc một lần.” Nhưng các tỳ-kheo khác thật biết rằng tỳ-kheo ấy ít nhất cũng hai hoặc ba lần ngồi nghe thuyết giới, huống là rất nhiều lần.
Tỳ-kheo ấy không phải là không biết giới. Như đã phạm tội gì thì cứ theo đúng pháp mà trị. Ngoài ra, phải ghép thêm tội không biết nữa, bảo cho biết rằng: “Trưởng lão, ông thật không được sự ích lợi, không có chỗ khéo được. Khi thuyết giới ông đã không chú tâm vào, không một lòng lắng tai nghe pháp.” Vì không biết như thế, phạm vào tội ba-dật-đề.
74. Như có tỳ-kheo nào cùng chúng tăng dự phép yết-ma rồi, sau lại nói rằng: “Các tỳ-kheo vì chỗ thân thiết mà lấy vật của chúng tăng đem cho người kia.” Như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.
75. Như có tỳ-kheo nào, khi chúng tăng bàn việc chưa xong, tự ý bỏ đi không nói là mình thuận theo ý chung, phạm vào tội ba-dật-đề.
76. Như có tỳ-kheo nào, đã nói là mình thuận theo ý chung, nhưng về sau lại có ý hối tiếc, phạm vào tội ba-dật-đề.
77. Như có tỳ-kheo nào, biết các tỳ-kheo khác đang bất hòa nhau, nghe chuyện bên này đến nói với bên kia, phạm vào tội ba-dật-đề.
78. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận không vui mà đánh tỳ-kheo khác, phạm vào tội ba-dật-đề.
79. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận không vui mà dùng tay vả, tát tỳ-kheo khác, phạm vào tội ba-dật-đề.
80. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận mà vô cớ vu cáo tỳ-kheo khác phạm tội tăng-già bà-thi-sa, phạm vào tội ba-dật-đề.
81. Như có tỳ-kheo nào đi vào chốn cung môn lúc vua chưa ra triều, chưa kịp cất giấu của báu, bước qua ngạch cửa phạm vào tội ba-dật-đề.
82. Như có tỳ-kheo nào tự tay cầm nắm các món đồ quý hoặc trang sức giá trị, hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp trong khuôn viên chùa hoặc nơi mình đang tạm nghỉ.
Nếu trong khuôn viên chùa hoặc nơi đang tạm nghỉ, tỳ-kheo có tự tay cầm nắm các món đồ quý hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, nên suy nghĩ như thế này: “Nếu chủ nhân biết mà đến sẽ giao cho.” Thật chỉ vậy chứ không có ý gì khác.
83. Như có tỳ-kheo nào đi vào thôn xóm trái giờ mà không báo cho các tỳ-kheo khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề.
84. Như có tỳ-kheo nào làm giường nằm cao quá tám lóng tay của Phật, không tính từ chỗ vào mộng trở lên, làm xong phạm vào tội ba-dật-đề.
85. Như có tỳ-kheo nào dùng loại bông mềm nhuyễn để dồn trải lên giường, chỗ nằm, chỗ ngồi, phạm vào tội ba-dật-đề.
86. Như có tỳ-kheo nào dùng các loại xương, răng, sừng thú để khoét ra, chạm trổ làm ống đựng kim. Làm xong, phạm vào tội ba-dật-đề.
87. Như có tỳ-kheo nào may tọa cụ, nên may vừa đúng cỡ, bề dài hai gang tay Phật, bề rộng một gang rưỡi. Như cần nới rộng hơn, có thể tăng mỗi bề nửa gang. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào tội ba-dật-đề.
88. Như có tỳ-kheo nào may áo để che ghẻ, nên may vừa đúng cỡ, bề dài bốn gang tay Phật, bề rộng hai gang. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào tội ba-dật-đề.
89. Như có tỳ-kheo nào may áo tắm mưa, nên may vừa đúng cỡ, bề dài sáu gang tay Phật, bề rộng hai gang rưỡi. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào tội ba-dật-đề.
90. Như có tỳ-kheo nào may y đồng cỡ với Như Lai hoặc lớn hơn, phạm vào tội ba-dật-đề. Cỡ y của Như Lai là bề dài chín gang tay Phật, bề rộng sáu gang.
- Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong chín mươi pháp ba-dật-đề, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
- Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

VII. BỐN PHÁP BA-LA-ĐỀ ĐỀ-XÁ-NI
- Kính bạch chư đại đức tăng. Bốn pháp ba-la-đề đề-xá-ni này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào đi vào thôn xóm, trong khi không có bệnh lại tự tay nhận thức ăn từ một tỳ-kheo ni không phải là bà con thân thuộc với mình. Tỳ-kheo ấy nên đến trước tỳ-kheo khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại đức, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay xin đối trước đại đức cầu sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.
2. Như tỳ-kheo đến nhà cư sĩ thọ cúng dường, ở đó có tỳ-kheo ni đến chỉ vào tỳ-kheo ấy mà nói với thí chủ rằng: “Mang cơm cho vị này, mang canh cho vị này... ” Tỳ-kheo ấy nên nói với tỳ-kheo ni rằng: “Thôi đi, đại tỷ, nên để cho chư tỳ-kheo ăn xong đã.” Nếu không có tỳ-kheo nào nói như vậy với tỳ-kheo ni, tỳ-kheo ấy nên đến trước tỳ-kheo khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại đức, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay xin đối trước đại đức cầu sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.
3. Như có nhà cư sĩ quá nghèo khó, chúng tăng đã khuyến cáo không nên đến đó khất thực. Nếu tỳ-kheo nào không có bệnh, cũng không được thỉnh trước, lại tự tay nhận thức ăn nơi nhà ấy. Tỳ-kheo đó nên đến trước tỳ-kheo khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại đức, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay xin đối trước đại đức cầu sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.
4. Như có tỳ-kheo nào ở nơi vắng vẻ, có nhiều mối nguy hiểm, không báo trước cho các thí chủ biết, khi không có bệnh mà không đi khất thực trong thôn xóm, lại nhận lãnh thức ăn của thí chủ mang đến cúng dường cho mình, tỳ-kheo ấy nên đến trước tỳ-kheo khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại đức, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay xin đối trước đại đức cầu sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.
- Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong bốn pháp ba-la-đề đề-xá-ni, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
- Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

VIII. MỘT TRĂM PHÁP CẦN PHẢI HỌC
- Kính bạch chư đại đức tăng. Một trăm pháp cần phải học này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Quấn tấm vải lót mình phải ngay ngắn, phủ từ ngang lưng xuống gối. Điều này cần phải học.
2. Khi mặc ba tấm y vào phải cho ngay ngắn. Điều này cần phải học.
3. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vắt tấm y ngược lên vai. Điều này cần phải học.
4. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vắt tấm y ngược lên vai mà ngồi. Điều này cần phải học.
5. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được quấn y quanh cổ. Điều này cần phải học.
6. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được quấn y quanh cổ mà ngồi. Điều này cần phải học.
7. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được che trùm đầu. Điều này cần phải học.
8. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được che trùm đầu mà ngồi. Điều này cần phải học.
9. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa nhảy. Điều này cần phải học.
10. Không được vừa đi vừa nhảy vào nhà cư sĩ ngồi. Điều này cần phải học.
11. Không được ngồi xổm trong nhà cư sĩ. Điều này cần phải học.
12. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được chống tay ngang hông. Điều này cần phải học.
13. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được chống tay ngang hông. Điều này cần phải học.
14. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa lắc lư thân hình. Điều này cần phải học.
15. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được vừa đi vừa lắc lư thân hình. Điều này cần phải học.
16. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa vung vẩy cánh tay. Điều này cần phải học.
17. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được vừa đi vừa vung vẩy cánh tay. Điều này cần phải học.
18. Khi đi vào nhà cư sĩ, phải khéo đắp y che thân kín đáo. Điều này cần phải học.
19. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, phải khéo đắp y che thân kín đáo. Điều này cần phải học.
20. Khi đi vào nhà cư sĩ, phải nhìn thẳng, không được liếc ngó, ngoái nhìn hai bên. Điều này cần phải học.
21. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, phải nhìn thẳng, không được liếc ngó, ngoái nhìn sang hai bên. Điều này cần phải học.
22. Khi đi vào nhà cư sĩ, phải giữ thái độ điềm đạm, tĩnh lặng. Điều này cần phải học.
23. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, phải giữ thái độ điềm đạm, tĩnh lặng. Điều này cần phải học.
24. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa cười đùa bỡn cợt. Điều này cần phải học.
25. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được vừa đi vừa cười đùa bỡn cợt. Điều này cần phải học.
26. Khi nhận thức ăn phải dụng tâm chú ý, không được suy nghĩ lơ đểnh. Điều này cần phải học.
27. Chỉ nhận cơm vừa ngang bát, không quá đầy. Điều này cần phải học.
28. Chỉ nhận canh vừa ngang bát, không quá đầy. Điều này cần phải học.
29. Khi ăn phải dùng cả cơm lẫn canh đều nhau. Điều này cần phải học.
30. Khi ăn phải theo thứ lớp trong bát mà ăn. Điều này cần phải học.
31. Khi ăn không được moi nơi giữa bát mà ăn. Điều này cần phải học.
32. Nếu tỳ-kheo không có bệnh, không được tự đòi hỏi cơm canh cho mình. Điều này cần phải học.
33. Không được lấy cơm che trên canh để mong được nhận thêm. Điều này cần phải học.
34. Không được liếc nhìn so sánh thức ăn trong bát mình với của người khác rồi khởi tâm ganh tỵ. Điều này cần phải học.
35. Khi ăn phải nhìn nơi bát và giữ tâm chuyên chú vào đó. Điều này cần phải học.
36. Không được ăn miếng quá lớn. Điều này cần phải học.
37. Không được há miệng sớm trước khi đưa thức ăn vào. Điều này cần phải học.
38. Không được ngậm thức ăn trong miệng mà nói chuyện. Điều này cần phải học.
39. Không được thảy thức ăn từ bên ngoài vào miệng. Điều này cần phải học.
40. Khi ăn không được để rơi vãi thức ăn. Điều này cần phải học.
41. Không được ngậm thức ăn trong miệng đến phồng má lên. Điều này cần phải học.
42. Không được nhai thức ăn phát ra tiếng lớn. Điều này cần phải học.
43. Không được lùa, húp thức ăn quá mạnh. Điều này cần phải học.
44. Không được dùng lưỡi liếm thức ăn. Điều này cần phải học.
45. Không được rảy tay trong khi ăn. Điều này cần phải học.
46. Không được dùng tay nhặt thức ăn rơi rớt mà ăn. Điều này cần phải học.
47. Tay dơ không được cầm nắm vào vật đựng thức ăn. Điều này cần phải học.
48. Không được rửa bát đổ nước trong nhà thí chủ. Điều này cần phải học.
49. Không được đại, tiểu tiện hoặc hỉ mũi, khạc nhổ lên trên rau cỏ sống, trừ khi do có bệnh. Điều này cần phải học.
50. Không được đại, tiểu tiện hoặc hỉ mũi, khạc nhổ trong nước sạch, trừ khi do có bệnh. Điều này cần phải học.
51. Không được đứng mà đại, tiểu tiện, trừ khi do có bệnh. Điều này cần phải học.
52. Không thuyết pháp với người vắt áo ngược lên, không cung kính, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
53. Không thuyết pháp với người quấn áo quanh cổ, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
54. Không thuyết pháp với người che trùm đầu, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
55. Không thuyết pháp với người quấn khăn kín đầu, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
56. Không thuyết pháp với người đứng chống tay vào hông, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
57. Không thuyết pháp với người mang dép da, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
58. Không thuyết pháp với người đi guốc gỗ, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
59. Không thuyết pháp với người đang cưỡi ngựa, ngồi xe, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
60. Không được ngủ nghỉ trong tháp thờ Phật, trừ khi đang làm nhiệm vụ canh giữ. Điều này cần phải học.
61. Không được cất giữ tiền bạc, vật quý giá trong tháp thờ Phật, trừ khi là vì để cho được bền chắc. Điều này cần phải học.
62. Không được mang giày, dép da đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
63. Không được cầm giày, dép da trên tay đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
64. Không được mang giày, dép da đi nhiễu quanh tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
65. Không được mang hài phú-la đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
66. Không được cầm hài phú-la trên tay đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
67. Không được ngồi ăn bên dưới tháp thờ Phật, trải cỏ và bỏ thức ăn thừa làm dơ đất. Điều này cần phải học.
68. Không được khiêng xác người chết đi ngang qua bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
69. Không được chôn xác người chết bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
70. Không được thiêu xác người chết bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
71. Không được quay về hướng tháp thờ Phật mà thiêu xác người chết. Điều này cần phải học.
72. Không được thiêu xác người chết ở gần chung quanh tháp thờ Phật, khiến cho mùi hôi bay vào trong tháp. Điều này cần phải học.
73. Không được mang các vật dụng của người chết như y phục, giường nằm... đi ngang qua bên dưới tháp Phật, trừ khi đã giặt sạch, nhuộm lại và xông ướp hương. Điều này cần phải học.
74. Không được đại, tiểu tiện bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
75. Không được quay về hướng tháp thờ Phật mà đại, tiểu tiện. Điều này cần phải học.
76. Không được ở quanh bốn phía tháp thờ Phật mà đại, tiểu tiện, khiến cho mùi hôi bay vào trong tháp. Điều này cần phải học.
77. Không được mang theo tượng Phật đến chỗ đại, tiểu tiện. Điều này cần phải học.
78. Không được xỉa răng, chải răng, súc miệng bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
79. Không được quay về hướng tháp thờ Phật mà xỉa răng, chải răng, súc miệng. Điều này cần phải học.
80. Không được đi quanh tháp Phật mà xỉa răng, chải răng, súc miệng. Điều này cần phải học.
81. Không được ở bên dưới tháp thờ Phật mà khạc nhổ. Điều này cần phải học.
82. Không được quay về hướng tháp Phật mà khạc nhổ. Điều này cần phải học.
83. Không được ở quanh bốn phía tháp thờ Phật mà khạc nhổ. Điều này cần phải học.
84. Không được ngồi duỗi chân hướng về phía tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.
85. Không được thờ tượng Phật ở phòng dưới còn mình ở phòng trên. Điều này cần phải học.
86. Không đứng mà thuyết pháp với người ngồi, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
87. Không ngồi mà thuyết pháp với người nằm, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
88. Khi không ngồi trên tòa không thuyết pháp với người ngồi trên tòa, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
89. Khi ngồi nơi chỗ thấp không thuyết pháp với người ngồi ở chỗ cao, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
90. Khi đi phía sau không thuyết pháp với người đi trước, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
91. Khi đang đi kinh hành dưới thấp không thuyết pháp với người đi kinh hành trên cao, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
92. Khi đang đứng bên lề đường không thuyết pháp với người đứng giữa đường, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
93. Khi đi đường không được nắm tay người khác mà đi. Điều này cần phải học.
94. Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên thích hợp. Điều này cần phải học.
95. Không được để bình bát trong túi vải, buộc vào đầu gậy quảy trên vai mà đi. Điều này cần phải học.
96. Không thuyết pháp với người cầm gậy, chẳng có lòng cung kính, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
97. Không thuyết pháp với người cầm gươm, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
98. Không thuyết pháp với người cầm giáo, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
99. Không thuyết pháp với người cầm đao, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
100. Không thuyết pháp với người đang cầm dù che, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.
_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong một trăm pháp thức-xoa-ca-la-ni, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
_ Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

IX. BẢY PHÁP DỨT SỰ TRANH CÃI
_ Kính bạch chư đại đức tăng. Bảy pháp dùng để dứt sự tranh cãi này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
Nếu có sự tranh cãi khởi lên, tỳ-kheo nên lập tức theo đúng pháp mà dứt trừ.
1. Nếu là việc tranh cãi nên dùng phép Hiện tiền tỳ-ni mà dứt đi, thì nên dùng phép Hiện tiền tỳ-ni.
2. Nếu là việc tranh cãi nên dùng phép Ức niệm tỳ-ni mà dứt đi, thì nên dùng phép Ức niệm tỳ-ni.
3. Nếu là việc tranh cãi nên dùng phép Bất si tỳ-ni mà dứt đi, thì nên dùng phép Bất si tỳ-ni.
4. Nếu là việc tranh cãi nên để cho tự nhận lỗi mà dứt đi, thì nên cho tự nhận lỗi mà dứt đi.
5. Nếu là việc tranh cãi phải tìm ra tội tướng, thì nên tìm ra tội tướng.
6. Nếu là việc tranh cãi cần có nhiều người phân giải, thì nên để cho nhiều người phân giải.
7. Nếu là việc tranh cãi nên làm pháp sám hối chung, khỏa lấp đi như cỏ che mặt đất, thì nên theo cách ấy mà dứt đi.
_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong bảy pháp dứt sự tranh cãi, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.
_ Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.
_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong phần mở đầu của Giới kinh, bốn pháp ba-la-di, mười ba pháp tăng-già bà-thi-sa, hai pháp không xác định, ba mươi pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề, chín mươi pháp ba-dật-đề, bốn pháp ba-la-đề đề-xá-ni, một trăm pháp cần phải học, bảy pháp dứt sự tranh cãi.
Những pháp này là do chính đức Phật thuyết dạy, được rút từ trong Giới kinh ra, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần. Ngoài ra còn có những pháp khác cũng do Phật thuyết, đều hòa hợp cùng nhau, chúng ta nên học tập.

X. LỜI DẠY CỦA CHƯ PHẬT

Đức Phật Tỳ-bà-thi có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:
Nhẫn nhục là hạnh trước tiên,
Phật dạy muôn hạnh, không trên hạnh này.
Xuất gia không não hại người,
Dứt trừ sân hận, xứng là sa-môn.

Đức Phật Thi-khí có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:
Như người mắt sáng,
Khéo tránh đường hiểm.
Người trí thông minh,
Lìa xa việc ác.

Đức Phật Tỳ-xá-phù có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:
Không hủy báng, đố kỵ,
Thường làm theo giới luật.
Ăn uống có tiết độ,
Thường ở nơi thanh vắng.
Tâm an định, tinh tấn,
Chính lời chư Phật dạy.

Đức Phật Câu-lưu-tôn có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:
Như ong kia lấy mật,
Không hại sắc hương hoa,
Được mật liền bay xa...
Tỳ kheo sống giữa chúng,
Chẳng quan tâm việc người,
Dù làm, hoặc chẳng làm...
Chỉ tự xét việc mình,
Thuận chánh hay bất chánh.

Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:
Không buông tâm phóng túng,
Thường siêng học Chánh đạo.
Như vậy, không lo sầu,
Định tâm, vào Niết-bàn.

Đức Phật Ca-diếp có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:
Không làm các điều ác,
Vâng theo các việc lành.
Tự lắng tâm ý sạch,
Là lời chư Phật dạy.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:
Khéo giữ gìn lời nói,
Tự lắng tâm ý sạch,
Thân không làm điều ác,
Ba nghiệp đều thanh tịnh.
Đạt hạnh lành như thế,
Là theo đường chư Phật.

Đây là đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong mười hai năm vì chúng tăng mà thuyết Giới kinh này. Từ đó về sau phân biệt thuyết rộng ra. Các vị tỳ-kheo tự lấy đó làm niềm vui đúng pháp của bậc sa-môn, những người có đức hổ thẹn, ưa muốn học giới, nên theo trong đó mà học tập.

Người trí hộ trì giới,
Thường được ba nguồn vui:
Danh thơm và lợi dưỡng,
Đời sau hưởng phước lạc.
Nên quán xét như thế,
Người trí cần giữ Giới.
Giới tịnh sanh trí hụê,
Liền được đạo Vô thượng.
Như chư Phật quá khứ,
Cùng chư Phật tương lai,
Và chư Phật hiện tại,
Diệt hết mọi ưu sầu,
Đều một lòng kính Giới,
Pháp chư Phật như vậy.
Như người vì tự thân,
Muốn cầu được Phật đạo,
Nên tôn trọng chánh pháp,
Chư Phật dạy như vậy.
Bảy đức Phật Thế Tôn,
Diệt trừ muôn phiền não,
Thuyết dạy Giới kinh này,
Ràng buộc được cắt đứt.
Nhập vào cõi Niết-bàn,
Vĩnh viễn đạt chân thật.
Đức Thế Tôn thuyết Giới,
Chư thánh hiền xưng tụng.
Hàng đệ tử thọ trì,
Đều được đến giải thoát.
Thế Tôn sắp tịch diệt,
Khởi tâm đại từ bi,
Hội đủ chúng tỳ-kheo,
Truyền trao Giới như vậy.
Sau khi Phật tịch diệt,
Phải giữ hạnh trong sạch.
Phật nay thuyết Giới kinh,
Cùng các pháp đối trị.
Tuy Phật nhập Niết-bàn,
Nên xem Giới như Phật.
Giới truyền giữ bền lâu,
Phật pháp được hưng thạnh.
Do Phật pháp hưng thạnh,
Người người được Niết-bàn.
Nếu không giữ giới luật,
Nên theo pháp bố-tát.
Như khi mặt trời lặn,
Thế gian đều u ám.
Nên gìn giữ giới luật,
Như ngọn đèn sáng nhất.
Chúng tăng cùng tề tựu,
Một lòng nghe Phật thuyết.
Nay thuyết giới đã xong,
Lễ bố-tát hoàn mãn.
Chúng tăng tụng Giới kinh,
Nguyện hết thảy công đức,
Hồi hướng về chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.

TỨ PHẦN LUẬT TỲ-KHEO
CHUNG

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.68.228 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập