Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
I. Phần đầu Tỷ-kheo Giới
Cúi đầu kính lạy
chư Phật, Phật pháp
và Tỷ-kheo tăng.
Nay tụng Giới kinh (1)
là để làm cho
Phật pháp thường còn.
Giới như biển cả
không có bờ mé,
lại như ngọc báu
cầu hoài không chán.
Muốn giữ tài sản
của các Thánh giả (2)
đại chúng họp lại
nghe tôi tụng Giới.
Muốn trừ bốn thứ
gọi là tội khí,
muốn diệt mười ba
tội lỗi tăng tàn,
muốn ngăn ba mươi
tội lỗi xả đọa (3),
đại chúng họp lại
nghe tôi tụng Giới.
Đức Tỳ-bà-thi,
cùng đức Thi-khí,
đức Tỳ-xá-phù,
đức Câu-lưu-tôn,
đức Câu-na-hàm,
cùng đức Ca-diếp
và đức Thích-ca,
chư Phật như vậy
đã thuyết Giới kinh (4) .
Nay tôi tụng lại
Giới kinh như vậy,
đại chúng cùng nghe.
Ví như có người
chân đã thương tổn
thì không thể nào
tự đi đến đâu,
người nào phá giới
thì cũng như vậy
không thể sinh trong
chư thiên nhân loại.
Muốn sinh chư thiên
hay sinh nhân loại,
thì phải giữ lấy
đôi chân giới pháp,
đừng để có điều
vi phạm thương tổn.
Như người đánh xe
đi vào đường hiểm
thì lo xe ấy
rơi chốt gãy trục,
người mà phá giới
thì cũng như vậy,
đối diện cái chết
lòng đầy lo sợ.
Như người soi gương
thấy đẹp thì thích
thấy xấu thì rầu,
tụng giới cũng vậy
giới toàn thì mừng
giới hỏng thì lo.
Hai quân đánh nhau
ai gan thì tiến
ai khiếp thì thoái,
tụng giới cũng vậy
trong sạch: yên tâm
dơ bẩn: lo sợ.
Trong cả mọi người
vua là hơn hết,
trong các dòng nước
biển là hơn hết,
trong các sao đêm
trăng là hơn hết,
trong các vị thánh
Phật là hơn hết,
trong các giới luật (5)
Giới kinh hơn hết,
nên đức Thế tôn
đã qui định rằng
cứ mỗi nửa tháng
phải tụng một lần.
Tăng hòa hợp (6) không? Đáp: tăng hòa hợp.
Tăng tập hợp chưa? Đáp: tăng tập hợp.
Người chưa thọ đại giới đã ra chưa? Nếu có thì bảo ra và đáp: người chưa thọ đại giới đã ra; nếu không thì đáp: trong đây không có người chưa thọ đại giới.
Các vị Tỷ-kheo không đến đây có nói dữ dục và thanh tịnh (7) không? Nếu có thì đáp có và thưa đúng cách, nếu không thì đáp trong đây không có người nói dữ dục và thanh tịnh.
Chúng Tỷ-kheo ni phái ai đến? Nếu có thì đáp có và thưa đúng cách, nếu không thì đáp trong đây chúng Tỷ-kheo ni không phái ai đến.
Hôm nay tăng hòa hợp để làm gì? Đáp: để Kiết-ma tụng giới.
Đại đức tăng nghe cho, hôm nay là ngày 15, ngày tăng bố-tát tụng giới, nếu tăng thấy đến lúc (8), tăng chấp thuận, thì cử hành bố-tát tụng giới. Xin tác bạch như vậy. Tác bạch thành không? Đáp: thành (9) . II. Tỷ-kheo Giới:
II.1 Lời Mở Đầu
Bạch chư đại đức, nay tôi sắp tụng Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha). Chư vị Tỷ-kheo cùng tập hợp một chỗ. Chư vị hãy lắng nghe, và nhớ nghĩ cho khéo. Nếu tự biết có phạm giới thì phải tự sám hối, không phạm giới thì hãy im lặng. Vì im lặng mà biết chư đại đức thanh tịnh. Nếu có ai hỏi thì cũng trả lời như vậy. Thế nên vị Tỷ-kheo ở trong đại chúng được hỏi đến lần thứ 3, và nhớ nghĩ mình có tội, mà không sám hối, thì bị tội cố ý nói dối. Mà nói dối thì Phật đã dạy là sự cản trở thánh đạo (10) . Nếu vị Tỷ-kheo nhớ nghĩ mình có tội và muốn được thanh tịnh thì phải sám hối. Sám hối thì yên vui.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói lời nói đầu của Giới kinh. Nay xin hỏi chư đại đức, trong lời nói đầu ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong lời nói đầu ấy chư vị thanh tịnh cả, vì chư vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc (11) như vậy. II.2 Bốn Giới Khí
Bạch chư đại đức, 4 giới Ba-la-di - Parajika (12) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong giới kinh.
Thứ 1, giới đại dâm dục.- Nếu Tỷ-kheo đồng giới pháp với Tỷ-kheo khác (12b), không xả giới, nhưng giới kém mà không tự hối, phạm vào sự bất tịnh (13) cho đến cùng với súc vật, thì phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung (14) với chư tăng.
Thứ 2, giới đại trộm cắp. - Nếu Tỷ-kheo ở trong xóm làng hay nơi vắng vẻ, lấy của người ta không cho với ý thức ăn trộm; tùy tội lấy của không cho mà bị vua, hay đại thần của vua, bắt, giết, trói, đuổi ra khỏi xứ, mắng rằng anh là giặc, anh ngu si, anh không biết gì, thì phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
Thứ 3, giới đại sát hại. - Nếu Tỷ-kheo cố ý tự tay sát hại mạng người, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, rằng quái lạ, anh kia, sống khốn nạn như vậy làm gì, thà chết, đừng sống; với ý thức như vậy mà nghĩ mọi cách để khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, thì phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
Thứ 4, giới đại vọng ngữ.- Nếu Tỷ-kheo thật không biết gì mà tự xưng tôi được pháp của bậc thượng nhân, tôi đã nhập vào pháp siêu việt của thánh trí, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy; qua thì gian khác, hoặc được hỏi hoặc không được hỏi, mà muốn tự thanh tịnh nên nói rằng tôi thật không thấy không biết gì mà nói biết nói thấy, thì, trừ tăng thượng mạn (15), phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 4 giới ba-la-di. Nếu Tỷ-kheo phạm vào mỗi một ba-la-di, thì không còn được sống chung với chư tăng. Như khi chưa thọ đại giới, thọ đại giới rồi mà vi phạm thì cũng vậy. Nên Tỷ-kheo bị tội ba-la-di thì không nên sống chung với chư tăng. Vậy nay xin hỏi chư đại đức, trong 4 giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 4 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. II.3 Mười Ba Giới Tăng Tàn
Bạch chư đại đức, 13 giới tăng-già bà-thi-sa - Sanghadisesa (16) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.
Thứ 1, giới cố làm xuất tinh.- Nếu Tỷ-kheo cố ý lộng âm xuất tinh (17) thì, trừ chiêm bao, phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 2, giới chạm thân nữ nhân.- Nếu Tỷ-kheo với ý thức dâm dục mà chạm nhau với thân nữ nhân, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc chạm vào mỗi một thân phần, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 3, giới nói năng thô tục (18) .- Nếu Tỷ-kheo với ý thức dâm dục mà nói năng thô tục dâm đãng với nữ nhân; nói năng thô tục dâm đãng thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 4, giới đòi hiến dâm dục (19) .- Nếu Tỷ-kheo với ý thức dâm dục mà đối diện với nữ nhân tự ca tụng mình, rằng cô em, tôi tu phạn hạnh, giữ giới, tinh tiến, tu các thiện pháp; cô em hãy đem sự dâm dục mà hiến cho tôi, hiến như vậy là hơn hết, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 5, giới làm người mai mối.- Nếu Tỷ-kheo qua lại đôi bên để làm mai mối, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, để làm cho họ lấy nhau hay tư thông với nhau, thì dầu chỉ chốc lát cũng phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 6, giới làm nhà quá mức (20).- Nếu Tỷ-kheo tự tìm cách làm nhà chứ không có thí chủ, tự làm cho mình, thì phải làm đúng mức. Mức ở đây là dài bằng 12 gang tay của Phật, rộng bằng 7 gang tay của Ngài. Lại phải thỉnh chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ. Chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ không tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỷ-kheo nơi chỗ tai nạn và chướng ngại mà tự tìm cách làm nhà chứ không có thí chủ, tự làm cho mình, không thỉnh chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ, lại làm quá mức, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 7, giới không thỉnh chỉ định (21) .- Nếu Tỷ-kheo muốn làm nhà lớn mà có thí chủ, làm cho mình, thì phải thỉnh chư Tỷ-kheo đến chỉ định nơi chỗ. Chư Tỷ-kheo nên chỉ định nơi chỗ không tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỷ-kheo nơi chỗ tai nạn và chướng ngại mà làm nhà lớn, có thí chủ, làm cho mình, nhưng không thỉnh chư Tỷ-kheo đến chỉ định nơi chỗ, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 8, giới vu khống phỉ báng (22) .- Nếu Tỷ-kheo vì tức giận, đối với vị Tỷ-kheo không phạm tội ba-la-di mà, một cách vô căn cứ, phỉ báng vị ấy phạm tội ba-la-di, phỉ báng với ý thức muốn phá hoại sự thanh tịnh của vị ấy; rồi trong thì gian khác, được hỏi hay không được hỏi, Tỷ-kheo biết đó là sự phỉ báng vô căn cứ, và nói rằng vì tôi tức giận nên phỉ báng như vậy. Tỷ-kheo phỉ báng như vậy thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 9, giới xuyên tạc phỉ báng (23) .- Nếu Tỷ-kheo vì tức giận nên lấy một cạnh khía của việc khác, đối với vị Tỷ-kheo không phạm ba-la-di mà, một cách vô căn cứ, phỉ báng rằng phạm tội ba-la-di, với ý thức phá hoại sự thanh tịnh của vị ấy; đến thì gian khác, được hỏi hay không được hỏi, Tỷ-kheo ấy biết mình lấy một cạnh khía của việc khác, tự nói vì tôi tức giận nên phỉ báng như vậy, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 10, giới phá tăng hòa hợp (24) .- Nếu Tỷ-kheo muốn phá hoại tăng hòa hợp (25) nên hành động mọi cách phá hoại tăng hòa hợp, chấp nhận mọi cách phá hoại tăng hòa hợp mà kiên trì không bỏ. Các vị Tỷ-kheo nên can gián Tỷ-kheo ấy, rằng đại đức, đừng phá hoại tăng hòa hợp, đừng hành động mọi cách phá hoại tăng hòa hợp, đừng chấp nhận mọi cách phá hoại tăng hòa hợp mà kiên trì không bỏ. Đại đức, hãy cùng tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, cùng học một thầy, như nước với sữa hòa nhau, thì trong Phật pháp sẽ có đời sống tăng ích, yên vui. Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 11, giới hỗ trợ phá tăng (26) .- Nếu Tỷ-kheo ấy có phe cánh, một Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo, ba Tỷ-kheo cho đến vô số Tỷ-kheo; những Tỷ-kheo phe cánh này nói với các vị Tỷ-kheo, rằng chư đại đức, xin đừng can gián Tỷ-kheo ấy, Tỷ-kheo ấy là Tỷ-kheo nói đúng giáo pháp, Tỷ-kheo nói đúng giới luật, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận. Các vị Tỷ-kheo trả lời: các đại đức, đừng nói như vậy, rằng Tỷ-kheo ấy là Tỷ-kheo nói đúng giáo pháp, Tỷ-kheo nói đúng giới luật, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận. Bởi vì Tỷ-kheo ấy không phải là Tỷ-kheo nói đúng giáo pháp, không phải là Tỷ-kheo nói đúng giới luật. Các đại đức, đừng có ý muốn phá hoại tăng hòa hợp; các đại đức, hãy thích thú tăng hòa hợp. Các đại đức, hãy cùng tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, cùng học một thầy, như nước với sữa hòa nhau, thì trong Phật pháp sẽ có đời sống tăng ích, yên vui. Những Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để những Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 12, giới hoen ố tín đồ (27) .- Nếu Tỷ-kheo sống trong xóm làng hay thành thị mà làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu (28), làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe. Các vị Tỷ-kheo nói với Tỷ-kheo ấy, rằng đại đức, đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe; đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu thì nay hãy đi xa khỏi xóm làng này, đừng nên ở đây nữa. Tỷ-kheo ấy nói với các vị Tỷ-kheo, với lời nói như vầy: chư đại đức, các vị có tham, có sân, có si, có sợ; có cái việc những Tỷ-kheo đồng tội mà người bị đuổi người không bị đuổi. Các vị Tỷ-kheo can rằng, đại đức, đừng nói như vậy, rằng chư Tỷ-kheo có tham, có sân, có si, có sợ, có cái việc những Tỷ-kheo đồng tội mà người bị đuổi người không bị đuổi. Bởi vì chư Tỷ-kheo không tham, không sân, không si, không sợ. Đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe. Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 13, giới ngoan cố chống cự (29) .- Nếu Tỷ-kheo tính tình ngoan cố, không nghe ai hết; trong giới luật, các vị Tỷ-kheo đã can gián đúng phép mà bản thân Tỷ-kheo ấy không chịu sự can gián ấy, bằng cách nói rằng: chư đại đức, đừng hướng về tôi mà nói tôi tốt hay tôi xấu, tôi cũng không hướng về chư đại đức mà nói các ngài tốt hay các ngài xấu. Chư đại đức hãy thôi đi, đừng luôn luôn can gián tôi. Các vị Tỷ-kheo can gián Tỷ-kheo ấy, rằng đại đức, đừng nên chính mình không chịu ai can gián. Đại đức nên chính mình chịu can gián. Đại đức hãy can gián chư Tỷ-kheo một cách đúng phép, chư Tỷ-kheo cũng can gián đại đức một cách đúng phép. Làm như vậy thì đệ tử của Phật được tăng ích nhờ can gián cho nhau, chỉ dạy cho nhau, sám hối với nhau. Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 13 giới tăng-già bà-thi-sa mà 9 giới trước thì mới phạm là thành tội, 4 giới sau thì sau lần can gián thứ 3 mới thành tội. Nếu Tỷ-kheo phạm mỗi một giới, biết mình phạm mà cố che giấu, thì chư tăng phải buộc Tỷ-kheo ấy thi hành phép sống riêng (30) . Thi hành phép sống riêng rồi phải thi hành thêm phép hoan hỷ (31) trong 6 đêm ngày. Thi hành phép hoan hỷ rồi chư tăng giải tội cho. Phải giữa 20 vị Tỷ-kheo mà giải tội cho Tỷ-kheo ấy; nếu thiếu 1 vị, không đủ 20 vị Tỷ-kheo, thì có giải tội đi nữa, tội của Tỷ-kheo ấy cũng không giải được, mà chư tăng cũng đáng khiển trách. Đó là trường hợp (32) này. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 13 giới tăng-già bà-thi-sa ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 13 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. II.4 Hai Giới Bất Định
Bạch chư đại đức, 2 giới bất định - Aniyata (33) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.
Thứ 1, giới ngồi ở chỗ khuất .- Nếu Tỷ-kheo cùng nữ nhân ngồi riêng ở chỗ khuất, chỗ che, chỗ ngăn, chỗ có thể hành dâm, mà nói những lời phi giới pháp. Có người nữ tín đồ đầy đủ tín tâm (34), nói Tỷ-kheo ấy phạm 1 trong 3 tội sau đây, tội ba-la-di, tội tăng-già bà-thi-sa, tội ba-dật-đề; Tỷ-kheo ấy cũng tự nói tôi phạm tội ấy. Như vậy thì phải trị theo 1 trong 3 tội sau đây, tội ba-la-di, tội tăng-già bà-thi-sa, tội ba-dật-đề. Phải đúng như người nữ tín đồ đầy đủ tín tâm nói mà trị tội Tỷ-kheo ấy một cách đúng phép. Như thế gọi là sự bất định.
Thứ 2, giới ngồi ở chỗ trống.- Nếu Tỷ-kheo cùng nữ nhân ngồi ở chỗ trống, chỗ không thể hành dâm, mà nói thô tục. Có người nữ tín đồ đầy đủ tín tâm nói Tỷ-kheo ấy phạm 1 trong 2 tội sau đây, tội tăng-già bà-thi-sa, tội ba-dật-đề; Tỷ-kheo ấy cũng tự nói tôi phạm tội ấy. Như vậy thì phải trị theo 1 trong 2 tội sau đây, tội tăng-già bà-thi-sa, tội ba-dật-đề. Phải đúng như người nữ tín đồ đầy đủ tín tâm nói mà trị tội Tỷ-kheo ấy một cách đúng phép. Như thế gọi là sự bất định.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 2 giới bất định. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 2 giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 2 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. II.5 Ba Mươi Giới Xả Đọa
Bạch chư đại đức, 30 giới ni-tát-kỳ ba-dật-đề - Nissaggiya pacittiya (35) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.
Thứ 1, giới cất y quá hạn.- Nếu Tỷ-kheo 3 y (36) đã hoàn chỉnh, y công đức (37) đã xả, mà cất giữ trường y (38), thì không làm tịnh thí (39) cũng được cất giữ, nhưng quá 10 ngày thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 2, giới rời y mà ngủ.- Nếu Tỷ-kheo 3 y hoàn chỉnh, y công đức đã xả, mà trong 3 y rời 1 y ngủ khác chỗ (39b), thì, trừ được tăng Kiết-ma (40) cho phép, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 3, giới cất vải quá hạn.- Nếu Tỷ-kheo 3 y hoàn chỉnh (41), y công đức đã xả, nhưng Tỷ-kheo ấy được vải phi thời, vậy cần thì cứ nhận, nhận rồi may y cho mau thành. Nếu vải đủ thì tốt, nếu vải không đủ thì được phép cất lại 1 tháng, chờ cho đủ vải. Nếu cất lại quá hạn ấy thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 4, giới lấy y không thân (42) .- Nếu Tỷ-kheo lấy y của Tỷ-kheo ni không phải thân quyến của mình, thì, trừ sự trao đổi, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 5, giới bảo giặt y cũ (43) .- Nếu Tỷ-kheo bảo Tỷ-kheo ni không phải thân quyến của mình giặt y cũ, hoặc nhuộm hoặc vỗ, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 6, giới xin người y mới (44) .- Nếu Tỷ-kheo xin y mới nơi cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến của mình, thì, trừ trường hợp khác, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trường hợp khác là nếu y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị trôi, như vậy gọi là trường hợp khác.
Thứ 7, giới lấy vải quá phận.- Nếu Tỷ-kheo y bị mất, bị cướp, bị cháy, bị trôi, và nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến của mình tự ý xin cho nhiều vải, thì Tỷ-kheo ấy nên nhận vải ấy theo sự biết vừa đủ. Nếu nhận nhiều hơn thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 8, giới xin thêm tiền y (45) .- Nếu Tỷ-kheo có cư sĩ và vợ cư sĩ sắm tiền may y cho Tỷ-kheo ấy, nói rằng sắm số tiền may y như vậy để cúng cho Tỷ-kheo tên như vậy. Tỷ-kheo ấy trước không có nhận lời xin tùy ý (45b) vậy mà vì muốn được y tốt nên đến nhà cư sĩ, nói như thế này: tốt lắm, cư sĩ, hãy vì tôi mà mua sắm cái y như vậy cho tôi. Như vậy mà được y thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 9, giới khuyên chung tiền lại (46) .- Nếu Tỷ-kheo có 2 cư sĩ và vợ cư sĩ sắm tiền may y cho Tỷ-kheo ấy, nói rằng mua y như vậy để cúng cho Tỷ-kheo tên như vậy. Tỷ-kheo ấy trước không có nhận lời xin tùy ý, vậy mà vì muốn được y tốt nên đến 2 nhà cư sĩ nói như vầy: tốt lắm, cư sĩ, hãy sắm tiền mua y như vậy, chung nhau mà mua cho tôi 1 cái y. Như vậy mà được y thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 10, giới đòi y quá hạn.- Nếu Tỷ-kheo có vua, đại thần, bà la môn, cư sĩ và vợ cư sĩ, phái người đưa số tiền sắm y đến cho Tỷ-kheo ấy, nói rằng hãy cầm tiền sắm y này đến đưa cho vị Tỷ-kheo tên như vậy. Người được phái đến chỗ Tỷ-kheo ấy, nói với Tỷ-kheo ấy, rằng bạch đại đức, nay con đem tiền sắm y đến cho ngài, xin ngài nhận lấy. Tỷ-kheo ấy nói như thế này với người được phái, rằng tôi không nên nhận số tiền sắm y này; nếu khi tôi cần y thì phải đúng và thanh tịnh mới nhận được. Người được phái nói với Tỷ-kheo ấy, rằng bạch đại đức, ngài có người giúp việc không? Tỷ-kheo ấy nói có; có người ở trong chùa kia, có người nam cư sĩ kia, họ là những người giúp việc của các Tỷ-kheo, thường giúp việc cho các ngài. Bấy giờ người được phái đi đến nơi người giúp việc, giao số tiền sắm y, rồi trở lại chỗ Tỷ-kheo ấy, nói như vầy: bạch đại đức, người giúp việc tên như vậy, mà ngài đã chỉ, con đã giao cho người ấy số tiền sắm y. Khi nào đại đức thấy đúng lúc thì xin ngài đến người ấy, sẽ sắm được y. Tỷ-kheo ấy khi cần y thì nên đến người giúp việc mà, lần thứ hai và lần thứ ba, nhắc cho người ấy nhớ, bằng cách nói rằng tôi cần y; nếu lần thứ hai và lần thứ ba nhắc cho người ấy nhớ mà được y thì tốt. Nếu không được y thì lần thứ tư, lần thứ năm, lần thứ sáu, hãy yên lặng đứng trước người ấy; nếu lần thứ tư, lần thứ năm, lần thứ sáu, yên lặng đứng trước người ấy mà được y thì tốt. Nếu không được y mà đòi quá giới hạn nói trên để cho được y, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu không được y thì tự mình đi hay phái người đi, đến nơi người cho tiền sắm y mà nói, rằng trước đây người phái người đem tiền sắm y đến cho tôi, Tỷ-kheo tên như vậy; nhưng rốt cuộc tôi không được y, vậy người hãy đi lấy về, đừng để mất đi. Đó là trường hợp có thể làm.
Thứ 11, giới ngọa cụ tơ tằm.- Nếu Tỷ-kheo kiếm tơ tằm xen với tơ lụa mà làm ngọa cụ mới, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 12, giới ngọa cụ lông đen.- Nếu Tỷ-kheo lấy lông dê mới và toàn đen mà làm ngọa cụ mới, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 13, giới ngọa cụ lông trắng.- Nếu Tỷ-kheo làm ngọa cụ mới thì nên dùng lông dê mà 2 phần màu đen, 3 phần màu trắng, và 4 phần màu lẫn lộn; nếu Tỷ-kheo ấy không dùng 2 phần màu đen, 3 phần màu trắng, và 4 phần màu lẫn lộn (46b) mà làm ngọa cụ mới, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 14, giới ngọa cụ còn mới (47) .- Nếu Tỷ-kheo thì làm ngọa cụ mới, phải dùng đến 6 năm. Nếu dưới 6 năm, không xả bỏ cái cũ mà thay vào đó làm cái mới, thì, trừ tăng Kiết-ma cho phép, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 15, giới tọa cụ toàn mới (48) .- Nếu Tỷ-kheo làm tọa cụ mới thì phải lấy 1 miếng tọa cụ cũ vuông vức 1 gang tay, may chồng lên trên tọa cụ mới để làm cho hỏng màu sắc đi. Nếu làm tọa cụ mới mà không lấy 1 miếng tọa cụ cũ vuông vức 1 gang tay, may chồng lên trên tọa cụ mới để làm cho hỏng màu sắc đi, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 16, giới cầm lông quá hạn (49) .- Nếu Tỷ-kheo đi đường được lông dê, không có ai cầm giúp, thì mình được phép cầm lấy, nhưng cầm đi cho đến 3 do tuần mà thôi. Nếu không có ai cầm giúp, mình tự cầm lấy mà đi quá 3 do tuần, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 17, giới nhờ giặt lông dê (50) .- Nếu Tỷ-kheo bảo Tỷ-kheo ni không phải thân quyến giặt, nhuộm và vỗ giúp lông dê, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 18, giới cầm lấy tiền của (51) .- Nếu Tỷ-kheo tự tay cầm lấy tiền, cầm lấy bạc vàng, hoặc bảo người cầm lấy, hoặc nhận lấy bằng cách bảo để xuống mặt đất, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 19, giới đổi chác tiền của (52) .- Nếu Tỷ-kheo mà đổi chác (53) các thứ tiền và của báu, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 20, giới buôn bán các thứ.- Nếu Tỷ-kheo mà mua rẻ bán đắt mọi thứ, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 21, giới cất bát quá hạn.- Nếu Tỷ-kheo cất giữ trường bát (53b) mà không tịnh thí, thì chỉ được phép cất giữ 10 ngày. Quá thì hạn ấy thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 22, giới kiếm bát quá phận.- Nếu Tỷ-kheo dùng cái bát chưa đủ 5 chỗ hàn bịt, bát ấy cũng chưa rỉ nước, vậy mà thay vào đó đi tìm bát mới cho đẹp, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Tỷ-kheo ấy nên đến giữa chư tăng mà xả bỏ bát mới ấy, và chư tăng tuần tự lấy cái bát của người thấp nhất (53c) đưa cho Tỷ-kheo ấy dùng, và dùng cho đến bể. Đó là đúng trường hợp.
Thứ 23, giới kiếm chỉ dệt y (54) .- Nếu Tỷ-kheo tự xin chỉ dệt, bảo thợ dệt không phải thân quyến của mình dệt y giúp, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 24, giới bảo thợ dệt thêm (55) .- Nếu Tỷ-kheo có cư sĩ và vợ cư sĩ bảo thợ dệt dệt y cho Tỷ-kheo ấy. Tỷ-kheo ấy trước không có nhận lời xin tùy ý, lại đi đến chỗ thợ dệt, bảo rằng y này là dệt cho tôi, vậy anh dệt giúp cho thật đẹp, dệt cho rộng và bền, tốn thêm nhiều ít gì tôi cũng sẽ trả cho anh. Tỷ-kheo ấy trả thêm tiền dầu chỉ đáng giá một bữa ăn mà được y, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 25, giới đoạt lấy y lại.- Nếu Tỷ-kheo trước cho y Tỷ-kheo khác, sau vì tức giận nên tự đoạt lại, hay bảo người đoạt, và rằng hãy trả y lại cho tôi, tôi không cho ông nữa. Tỷ-kheo kia trả y, mà Tỷ-kheo ấy lấy y, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 26, giới cất thuốc quá hạn (56) .- Nếu Tỷ-kheo có bịnh, thì thuốc dư như sữa tô, dầu, sữa tô tươi, mật ong, đường phèn, được dùng trong thì hạn 7 ngày. Nếu quá 7 ngày mà còn dùng thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 27, giới khăn tắm trước hạn (57) .- Nếu Tỷ-kheo thì mùa xuân còn 1 tháng nên kiếm khăn tắm mưa, còn nửa tháng nên dùng mà tắm. Nếu Tỷ-kheo mà trước kiết hạ hơn 1 tháng đã kiếm khăn tắm mưa, trước kiết hạ hơn nửa tháng đã dùng mà tắm (58), thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 28, giới cất y cúng gấp (59) .- Nếu Tỷ-kheo còn 10 ngày nữa thì hết kiết hạ 3 tháng (60), chư Tỷ-kheo được phép nhận y cúng vội vàng. Tỷ-kheo ấy biết là y cúng vội vàng thì nên nhận, nhận rồi được cất giữ trong thì hạn của y ấy (61) . Nếu cất giữ quá thì hạn ấy thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 29, giới rời y quá hạn (62) .- Nếu Tỷ-kheo kiết hạ 3 tháng đã xong, sau đó 1 tháng ca-đề (63) cũng hết, đến ở chỗ a-lan-nhã (64), mà là chỗ có sự nghi ngại, khiếp sợ. Tỷ-kheo ấy ở chỗ như vậy, thì trong 3 y, muốn thì gửi để 1 y trong nhà thôn xóm. Tỷ-kheo ấy có lý do như vậy thì được phép rời y mà ngủ đến 6 đêm. Rời quá thì hạn ấy thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Thứ 30, giới xoay vật chư tăng (65) .- Nếu Tỷ-kheo biết đó là vật người ta muốn hiến cúng cho chư tăng, mà mình tìm cách xoay lại hiến cúng cho mình, thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 30 giới ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 30 giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 30 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. II.6 Chín Mươi Giới Đọa
Bạch chư đại đức, 90 giới ba-dật-đề - Pacittiya (66) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.
Thứ 1, giới cố ý nói dối.- Nếu Tỷ-kheo biết (67) mà nói dối, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 2, giới chưởi mắng thành phần (68) .- Nếu Tỷ-kheo đem thành phần xã hội ra mà chưởi mắng, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 3, giới nói để ly gián (69) .- Nếu Tỷ-kheo nói ly gián thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 4, giới ngủ cùng một nhà (70) .- Nếu Tỷ-kheo cùng nữ nhân ngủ một nhà thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 5, giới ngủ quá thì hạn (71) .- Nếu Tỷ-kheo cùng ngủ với người chưa thọ đại giới mà quá 2 đêm, đến đêm thứ 3 thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 6, giới đọc tụng ồn náo (72) .- Nếu Tỷ-kheo cùng với người chưa thọ đại giới đọc tụng kinh pháp một cách ồn náo thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 7, giới nói tội lỗi nặng.- Nếu Tỷ-kheo biết người có tội lỗi nặng mà đem nói với người chưa thọ đại giới, thì, trừ tăng Kiết-ma sai bảo, phạm ba-dật-đề.
Thứ 8, giới nói thật đắc đạo (73) .- Nếu Tỷ-kheo nói với người chưa thọ đại giới, rằng tôi được cái pháp hơn người, tôi thấy như vậy, tôi biết như vậy; nói thật như vậy thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 9, giới một mình thuyết pháp (74) .- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp cho nữ nhân mà quá năm sáu lời (75), thì, trừ sự có mặt của nam tử trí thức, phạm ba-dật-đề.
Thứ 10, giới đào cuốc đất đai.- Nếu Tỷ-kheo tự tay đào đất hay bảo người đào đất thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 11, giới chặt phá cây sống.- Nếu Tỷ-kheo chặt phá cây cối, có nghĩa phá hủy chỗ ở của quỉ thần và sinh vật (76), thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 12, giới nói làm bực mình.- Nếu Tỷ-kheo bày đặt nói quanh để làm người khác bực mình, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 13, giới ghét mắng tri sự.- Nếu Tỷ-kheo ghét mắng chức sự của chư tăng thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 14, giới trải đồ đất trống (77) .- Nếu Tỷ-kheo đem đồ của chư tăng như giường giây (78), giường cây, đồ nằm và nệm ngồi, tự sắp ra trên mặt đất trống, hay bảo người sắp ra, dùng rồi bỏ đó mà đi, không tự xếp cất, cũng không bảo ai xếp cất, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 15, giới trải đồ chỗ che (79) .- Nếu Tỷ-kheo sắp đồ nằm của chư tăng ra trong tăng phòng, tự mình sắp ra hay bảo người sắp ra, rồi hoặc ngồi hoặc nằm, nhưng khi đi thì không tự xếp cất, cũng không bảo ai xếp cất, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 16, giới cưỡng chiếm chỗ nằm (80) .- Nếu Tỷ-kheo biết chỗ của Tỷ-kheo ở trước, mình đến sau mà cưỡng chiếm ở giữa, trải đồ nằm ra ngủ nghỉ, với ý nghĩ rằng nếu Tỷ-kheo ở trước hiềm chật quá thì sẽ tự tránh mình mà đi. Ấy là muốn làm như thế chứ không có lý do gì khác. Phi uy nghi như vậy thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 17, giới lôi ra khỏi phòng.- Nếu Tỷ-kheo tức giận, không ưa Tỷ-kheo khác, nên trong phòng hay trong nhà của chư tăng mà tự mình lôi ra hay bảo người lôi ra, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 18, giới ngồi giường sút chân.- Nếu Tỷ-kheo ở trong phòng hay trên gác, mà ngồi hay nằm trên giường giây hay giường cây sút chân, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 19, giới dùng nước có trùng.- Nếu Tỷ-kheo biết nước có trùng mà tự đem dội trên đất trên cỏ, hay bảo người dội, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 20, giới lợp nhà quá mức.- Nếu Tỷ-kheo làm phòng hay nhà lớn, có cửa cánh, cửa sổ, và những đồ trang trí khác, thì chỉ bảo lợp tranh chừng hai hay ba lớp. Lợp quá thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 21, giới tự đi dạy ni.- Nếu Tỷ-kheo chư tăng không sai phái mà tự đi giáo thọ cho Tỷ-kheo ni, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 22, giới thuyết pháp đến tối (81) .- Nếu Tỷ-kheo được chư tăng sai phái đi giáo thọ cho Tỷ-kheo ni, mà đi đến trời tối thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 23, giới phỉ báng giáo thọ.- Nếu Tỷ-kheo nói với các Tỷ-kheo khác bằng lời nói như vầy: các Tỷ-kheo chỉ vì sự ăn uống mà đi giáo thọ cho Tỷ-kheo ni, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 24, giới đem y cho ni (82) .- Nếu Tỷ-kheo đem y cho Tỷ-kheo ni không phải thân quyến của mình, thì, trừ sự trao đổi, phạm ba-dật-đề.
Thứ 25, giới may y cho ni (83) .- Nếu Tỷ-kheo may y cho Tỷ-kheo ni không phải thân quyến của mình thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 26, giới cùng ngồi với ni.- Nếu Tỷ-kheo cùng với Tỷ-kheo ni ngồi ở chỗ khuất, ngăn, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 27, giới hẹn ni cùng đi.- Nếu Tỷ-kheo hẹn với Tỷ-kheo ni đi chung một đường, thì dầu chỉ từ một xóm đến một xóm, cũng vẫn, trừ trường hợp khác, phạm ba-dật-đề. Trường hợp khác là đi với người đi buôn, hoặc đi mà có sự nghi ngại sợ hãi, đó gọi là trường hợp khác.
Thứ 28, giới cùng ni đi thuyền.- Nếu Tỷ-kheo cùng Tỷ-kheo ni hẹn nhau đi chung một thuyền ngược dòng hay xuôi dòng thì, trừ trường hợp đi đò ngang qua sông, phạm ba-dật-đề.
Thứ 29, giới ăn của ni khuyên.- Nếu Tỷ-kheo biết đồ ăn do Tỷ-kheo ni ca tụng khuyến hóa mà có, mà vẫn ăn, thì, trừ trường hợp thí chủ có ý thỉnh trước, phạm ba-dật-đề.
Thứ 30, giới đi với nữ nhân.- Nếu Tỷ-kheo cùng nữ nhân hẹn nhau đi một đường, thì dầu chỉ đi đến một xóm cũng vẫn phạm ba-dật-đề.
Thứ 31, giới ăn quá một bữa.- Nếu Tỷ-kheo có thí chủ chỉ cúng một bữa ăn, Tỷ-kheo ấy không bịnh thì nên ăn một bữa thôi. Nếu ăn quá đi thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 32, giới ăn nhiều lần ăn.- Nếu Tỷ-kheo ăn nhiều lần thì, trừ trường hợp khác, phạm ba-dật-đề. Trường hợp khác là khi mình bị bịnh, khi có người dâng y, đó gọi là trường hợp khác.
Thứ 33, giới ăn riêng tăng chúng.- Nếu Tỷ-kheo ăn riêng tăng chúng thì, trừ các trường hợp khác, phạm ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bịnh, khi may y gấp, khi có người dâng y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp, khi sa môn của ngoại đạo mời ăn, đó gọi là các trường hợp khác.
Thứ 34, giới nhận quá giới hạn (84) .- Nếu Tỷ-kheo đến nhà cư sĩ có ý thỉnh Tỷ-kheo để cúng bánh, miến và cơm, Tỷ-kheo ấy nếu cần thì nhận vài ba bát, đem về trong chùa nên chia cho các Tỷ-kheo khác cùng ăn. Nếu Tỷ-kheo ấy không bịnh mà nhận quá vài ba bát, đem về trong chùa cũng không chia cho các Tỷ-kheo khác cùng ăn, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 35, giới muốn ăn cho đủ.- Nếu Tỷ-kheo ăn xong rồi, mà có khi nhận lời mời ăn nữa, nếu không làm phép ăn thừa (85) mà ăn, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 36, giới ép phạm ăn nữa.- Nếu Tỷ-kheo biết Tỷ-kheo khác ăn đủ rồi, mình có nhận lời mời ăn nữa mà không làm phép ăn thừa, lại ân cần mời Tỷ-kheo khác ấy cùng ăn với mình, và Tỷ-kheo khác ấy cùng ăn. Tỷ-kheo ấy chỉ vì lý do muốn làm cho Tỷ-kheo khác ấy phạm giới, chứ không có lý do gì khác nữa, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 37, giới ăn lúc phi thời.- Nếu Tỷ-kheo ăn lúc không phải giờ ăn (86), ăn như vậy thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 38, giới ăn đồ cách đêm.- Nếu Tỷ-kheo đồ ăn để cách đêm mà ăn, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 39, giới ăn đồ không nhận (87) .- Nếu Tỷ-kheo đối với thức ăn hay thuốc mình không nhận lời mời mà đã bỏ vào miệng (88) thì, trừ nước và tăm, phạm ba-dật-đề.
Thứ 40, giới đòi đồ ăn ngon.- Nếu Tỷ-kheo được có những thức ăn ngon như sữa, sữa lạc (89); Tỷ-kheo ấy có những thức ăn ngon ấy mà vốn không bịnh, chỉ tự đòi cho mình, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 41, giới cho ngoại đạo ăn.- Nếu Tỷ-kheo đối với ngoại đạo nam hay ngoại đạo nữ, mà mình tự tay cho họ thức ăn, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 42, giới đi mà không nói (90) .- Nếu Tỷ-kheo trước đã nhận lời mời về bữa ăn trước hay bữa ăn sau, rồi đi đến nhà khác mà không dặn lại cho các Tỷ-kheo, thì, trừ trường hợp khác, phạm ba-dật-đề. Trường hợp khác là bịnh, may y, cho y, đó gọi là trường hợp khác.
Thứ 43, giới nhà ăn ngồi dai (91) .- Nếu Tỷ-kheo tại nhà ăn có vật báu (92) mà mình miễn cưỡng ngồi dai thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 44, giới nhà ăn ngồi khuất (93) .- Nếu Tỷ-kheo tại nhà ăn có vật báu mà mình ngồi chỗ khuất, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 45, giới ngồi với nữ nhân (94) .- Nếu Tỷ-kheo ngồi một mình với nữ nhân ở chỗ đất trống, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 46, giới đuổi người đi đi.- Nếu Tỷ-kheo nói với Tỷ-kheo khác như vầy, đại đức, đi với tôi đến xóm làng, sẽ có thức ăn cho đại đức. Nhưng đến rồi, Tỷ-kheo ấy đã không khuyên cúng thức ăn cho Tỷ-kheo khác này, mà lại bảo đại đức đi đi, tôi cùng đại đức ngồi hay nói với nhau một chỗ thì tôi không ưa, tôi ngồi một mình nói một mình thì thích hơn. Chỉ vì lý do như vậy, chứ không vì lý do gì khác hơn mà tìm cách xua đuổi người khác đi đi, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 47, giới nhận thuốc quá hạn.- Nếu Tỷ-kheo được hứa cho thuốc 4 tháng, Tỷ-kheo ấy không bịnh cũng nên nhận. Nhưng nếu nhận quá thì hạn ấy, thì, trừ người ta xin cho luôn, xin cho thêm, xin chia mà cho, xin cho suốt đời, phạm ba-dật-đề.
Thứ 48, giới đi coi quân trận.- Nếu Tỷ-kheo đi coi quân trận thì, trừ trường hợp có lý do, phạm ba-dật-đề.
Thứ 49, giới trong quân quá hạn (95) .- Nếu Tỷ-kheo có lý do thì được phép đến trong quân đội tá túc 2 đêm 3 đêm, quá thì hạn ấy thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 50, giới coi quân diễn tập.- Nếu Tỷ-kheo được phép tá túc trong quân đội vài ba đêm mà hoặc coi quân đội dàn trận, hoặc coi lực lượng tượng binh kỳ binh diễn tập, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 51, giới uống các thứ rượu.- Nếu Tỷ-kheo uống các thứ rượu thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 52, giới đùa giỡn dưới nước.- Nếu Tỷ-kheo đùa giỡn dưới nước thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 53, giới thọc léc người khác.- Nếu Tỷ-kheo lấy ngón tay ngón chân thọc léc lẫn nhau thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 54, giới không nhận khuyên can.- Nếu Tỷ-kheo không chấp nhận mọi sự khuyên can thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 55, giới dọa cho người sợ.- Nếu Tỷ-kheo dọa cho Tỷ-kheo khác sợ thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 56, giới tắm dưới nửa tháng.- Nếu Tỷ-kheo thì nửa tháng tắm rửa. Tỷ-kheo không bịnh thì nên chấp nhận như vậy, không được nhiều hơn, vì trừ trường hợp khác thì phạm ba-dật-đề. Trường hợp khác là khi nóng, khi bịnh, khi làm việc, khi bị gió mưa, khi đi đường, đó gọi là những trường hợp khác.
Thứ 57, giới đốt lửa đất trống.- Nếu Tỷ-kheo không bịnh, mà chỉ vì sưởi ấm nên tự đốt lửa giữa đất trống hay bảo người đốt, thì, trừ trường hợp có lý do, phạm ba-dật-đề.
Thứ 58, giới cất giấu vật dụng.- Nếu Tỷ-kheo cất giấu vật dụng của Tỷ-kheo khác như y, bát, đồ ngồi, ống kim, mình tự cất giấu hay bảo người cất giấu, ít nhất chỉ để giỡn chơi thôi, cũng phạm ba-dật-đề.
Thứ 59, giới cho rồi lấy lại (96) .- Nếu Tỷ-kheo đã đem y cho Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, thức xoa ma na, sa-di, sa-di ni rồi, sau đó không nói với người chủ của y được cho, mà lấy lại dùng, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 60, giới dùng y mới nguyên.- Nếu Tỷ-kheo được có y mới nguyên, thì trong 3 màu làm hỏng nguyên màu, tùy ý lấy 1 màu mà làm hỏng nguyên màu đi, đó là màu xanh, màu đen, màu nấu vỏ cây mộc lan. Nếu Tỷ-kheo ấy không lấy màu xanh, màu đen, màu nấu vỏ cây mộc lan, 3 màu làm hỏng nguyên màu đi, mà dùng y mới nguyên, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 61, giới cố hại súc sinh.- Nếu Tỷ-kheo cố hại tính mạng súc sinh, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 62, giới uống nước có trùng.- Nếu Tỷ-kheo biết nước có trùng mà vẫn uống vẫn dùng, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 63, giới quấy rối người khác (97) .- Nếu Tỷ-kheo cố ý làm bực mình Tỷ-kheo khác, thì dầu làm cho chốc lát không vui thôi cũng phạm ba-dật-đề.
Thứ 64, giới che giấu tội người.- Nếu Tỷ-kheo biết Tỷ-kheo khác phạm tội nặng mà che giấu, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 65, giới độ người thiếu tuổi (98) .- Tuổi đầy 20 mới nên lãnh thọ đại giới. Nếu Tỷ-kheo biết người tuổi chưa đầy 20 mà cho lãnh thọ đại giới, thì người ấy không được giới pháp, mà Tỷ-kheo ấy cũng đáng trách vì ngu muội, nên phạm ba-dật-đề.
Thứ 66, giới khơi sự tranh cãi (99) .- Nếu Tỷ-kheo biết sự tranh cãi đã sám hối đúng phép rồi, mà sau đó mình còn khơi dậy trở lại, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 67, giới hẹn đi với giặc.- Nếu Tỷ-kheo biết là giặc mà hẹn cùng đi một đường, thì dẫu đi chỉ bằng đến một thôn cũng phạm ba-dật-đề.
Thứ 68, giới chống can nói càn (100) .- Nếu Tỷ-kheo nói như vầy: theo tôi biết giáo pháp Phật nói thì hành dâm không phải là sự chướng đạo. Tỷ-kheo khác can Tỷ-kheo ấy, rằng đại đức, đừng nói như vậy, đừng phỉ báng đức Thế tôn. Phỉ báng đức Thế tôn thì không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. Đức Thế tôn đã dùng nhiều cách nói rằng phạm vào sự dâm dục là điều chướng đạo. Tỷ-kheo khác can gián Tỷ-kheo ấy mà Tỷ-kheo ấy kiên trì không bỏ, thì Tỷ-kheo khác phải can gián đến lần thứ 3 để Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Nếu can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 69, giới theo người có lỗi (101) .- Nếu Tỷ-kheo biết Tỷ-kheo nói "theo tôi biết giáo pháp Phật nói thì hành dâm không phải là sự chướng đạo" đang bị cử tội mà chưa được tác pháp giải tội, sự thấy biết sai lầm đến như vậy cũng không chịu từ bỏ; biết như vậy mà vẫn cung cấp đồ dùng, vẫn chung cùng Kiết-ma, vẫn cùng ngủ nghỉ cùng nói chuyện, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 70, giới dung kẻ bị đuổi (102) .- Nếu Tỷ-kheo biết sa-di nói như vầy: tôi nghe Phật nói hành dâm không phải là sự chướng đạo. Các vị Tỷ-kheo can gián sa-di ấy, bằng cách nói rằng ông đừng phỉ báng đức Thế tôn, phỉ báng đức Thế tôn thì không tốt; đức Thế tôn không dạy như ông nói. Này, sa-di, đức Thế tôn đã dùng nhiều cách nói dâm dục là sự chướng đạo. Các vị Tỷ-kheo can gián như vậy mà sa-di ấy kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3 để sa-di ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Nếu can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt. Nếu không bỏ thì các vị Tỷ-kheo nên bảo sa-di ấy, rằng từ nay sắp đi ông không còn được nói đức Phật là đấng Thế tôn của con, không được theo các vị Tỷ-kheo, các sa-di khác được ngủ một phòng với Tỷ-kheo vài ba đêm thì ông không còn được sự ấy nữa: ông hãy đi ra đi, hãy đi mất đi, không nên ở đây nữa. Nếu Tỷ-kheo biết sa-di ấy biể chư tăng đuổi như vậy mà dụ dỗ đem về nuôi dưỡng, cho ở chung ngủ chung, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 71, giới chống cự khuyên học.- Nếu Tỷ-kheo khi được các Tỷ-kheo đúng phép can gián, mà nói như vầy: tôi nay không học giới này, tôi sẽ gạn hỏi vị Tỷ-kheo trì luật nào có trí tuệ, thì phạm ba-dật-đề. Nếu muốn học thật thì lại cần phải gạn hỏi.
Thứ 72, giới phỉ báng giới pháp.- Nếu Tỷ-kheo khi nghe thuyết giới mà nói như vầy: đại đức cần gì phải nói những giới điều vụn vặt như vậy. Nói những giới điều như vậy chỉ làm người bực mình, xấu hổ, thắc mắc. Vì khinh chê giới pháp nên phạm ba-dật-đề.
Thứ 73, giới sợ nên nói trước (103) .- Nếu Tỷ-kheo khi nghe thuyết giới mà nói như vầy: nay tôi mới biết giới điều này được chép trong Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần, rút ra từ trong Giới kinh. Nhưng các Tỷ-kheo khác biết Tỷ-kheo ấy đã 2 lần 3 lần ngồi nơi chỗ thuyết giới, huống chi đã nhiều lần. Tỷ-kheo ấy nói không hiểu biết, vậy nếu phạm tội thì phải đúng phép mà trị tội đã phạm, lại trị thêm tội không hiểu biết; hãy bảo rằng, đại đức, ông không được lợi ích, không khéo léo kiếm được lợi ích, ấy là khi nghe thuyết giới mà ông không dụng tâm ghi nhớ, không nghe với một lòng và hai tai, ấy vậy, không hiểu biết giới điều thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 74, giới Kiết-ma rồi hối (104) .- Nếu Tỷ-kheo chung cùng Kiết-ma rồi, sau đó nói rằng các Tỷ-kheo theo bạn thân nên lấy vật của chư tăng mà cho họ, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 75, giới không nói dữ dục.- Nếu Tỷ-kheo, chư tăng xử việc chưa xong, mình không nói dữ dục mà đứng dậy đi ra, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 76, giới dữ dục rồi hối.- Nếu Tỷ-kheo dữ dục rồi sau đó hối tiếc, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 77, giới lén nghe tranh cãi (105) .- Nếu Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tranh cãi với nhau, mình lén nghe rồi đem lời ấy nói với người khác, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 78, giới đánh Tỷ-kheo khác (106) .- Nếu Tỷ-kheo vì tức giận không vui mà đánh Tỷ-kheo khác, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 79, giới tát Tỷ-kheo khác.- Nếu Tỷ-kheo vì tức giận không vui mà lấy tay tát Tỷ-kheo khác, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 80, giới vu khống phạm tội (107) .- Nếu Tỷ-kheo vì tức giận nên đem sự vô căn cứ mà phỉ báng Tỷ-kheo khác phạm tăng-già bà-thi-sa, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 81, giới vào cửa cung vua.- Nếu Tỷ-kheo, có vua thuộc dòng Sát-lợi, rưới nước đỉnh đầu lúc đăng quang, vua này chưa ra khách, chưa cất bảo vật, mà mình đi vào, nếu bước qua ngưỡng cửa cung vua, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 82, giới cầm giữ vàng ngọc.- Nếu Tỷ-kheo đối với vàng ngọc hay đồ trang sức bằng vàng ngọc, mà mình tự cầm giữ hay bảo người cầm giữ, thì, trừ trong chùa và chỗ ngủ nhờ, phạm ba-dật-đề. Trong chùa và chỗ ngủ nhờ mà cầm giữ vàng ngọc hay đồ trang sức bằng vàng ngọc, tự mình cầm giữ hay bảo người cầm giữ, thì nên nghĩ rằng để người chủ nhớ mà đến lấy: vì ý nghĩ ấy chứ không vì gì khác.
Thứ 83, giới đi không phải lúc (108) .- Nếu Tỷ-kheo đi vào xóm làng không phải lúc, mà không dặn lại Tỷ-kheo khác, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 84, giới làm giường quá cỡ.- Nếu Tỷ-kheo làm giường giây giường cây, thì chân chỉ cao bằng 8 ngón tay của Phật, trừ chỗ vô mộng hớt rồi. Nếu quá cỡ ấy thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 85, giới dồn bông độn nệm (109) .- Nếu Tỷ-kheo dồn đâu la làm nệm lớn nệm nhỏ cho giường giây giường cây, làm thành là phạm ba-dật-đề.
Thứ 86, giới làm ống đựng kim (110) .- Nếu Tỷ-kheo làm ống đựng kim bằng xương, nanh, sừng, khoét chuốt làm thành, thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 87, giới ngọa cụ quá cỡ (111) .- Nếu Tỷ-kheo làm ni sư đàn thì phải làm đúng cỡ. Cỡ ở đây là dài bằng 2 gang tay của Phật, rộng bằng 1 gang rưỡi; cần rộng dài thêm thì mỗi bề thêm nửa gang tay nữa. Quá cỡ ấy thì cắt thành là phạm ba-dật-đề.
Thứ 88, giới làm khăn che ghẻ (112) .- Nếu Tỷ-kheo làm khăn che ghẻ thì phải đúng cỡ. Cỡ ở đây là dài bằng 4 gang tay của Phật, rộng bằng 2 gang tay. Cắt rồi mà quá cỡ ấy thì phạm ba-dật-đề.
Thứ 89, giới khăn tắm quá cỡ.- Nếu Tỷ-kheo làm khăn tắm mưa thì phải làm đúng cỡ. Cỡ ở đây là dài bằng 6 gang tay của Phật, rộng bằng 2 gang rưỡi. Quá cỡ ấy thì cắt rồi là phạm ba-dật-đề.
Thứ 90, giới 3 y quá cỡ.- Nếu Tỷ-kheo thì may y phải bằng cỡ y của Phật, may quá cỡ ấy thì phạm ba-dật-đề. Ở đây cỡ y của Phật là dài bằng 9 gang tay của Ngài, rộng bằng 6 gang tay, đó là cỡ của y Phật.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 90 giới ba-dật-đề. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 90 giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 90 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. II.7 Bốn Giới Hối Quá
Bạch chư đại đức, 4 giới ba-la-đề-xá-ni - Patidesaniya (113) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.
Thứ 1, giới ăn đồ ăn ni (114) .- Nếu Tỷ-kheo vào trong làng xóm, không bịnh, mà tự tay nhận lấy đồ ăn mà ăn của Tỷ-kheo ni không phải thân quyến, thì Tỷ-kheo ấy phải đến Tỷ-kheo khác mà hối lỗi như vầy: bạch đại đức, tôi phạm vào sự đáng trách, vào việc không đáng làm, nay xin hướng về đại đức mà hối lỗi. Đó gọi là sự hối lỗi.
Thứ 2, giới ăn đồ chỉ bảo (115) .- Nếu Tỷ-kheo đến ăn ở nhà cư sĩ, ở đây có Tỷ-kheo ni chỉ bảo đưa đồ ăn (116) vị này, đưa cơm vị kia, thì Tỷ-kheo ấy nên nói với Tỷ-kheo ni, rằng xin bà chị thôi đi, để các Tỷ-kheo ăn xong đồ ăn này đã. Nếu không có một Tỷ-kheo nào nói với Tỷ-kheo ni ấy như vậy, rằng xin bà chị thôi đi, để các Tỷ-kheo ăn xong đồ ăn này đã, thì Tỷ-kheo thủ chúng phải đến Tỷ-kheo khác mà hối lỗi như vầy: bạch đại đức, tôi phạm vào sự đáng trách, vào việc không đáng làm, nay xin hướng về đại đức mà hối lỗi. Đó gọi là sự hối lỗi.
Thứ 3, giới ăn của học gia (117) .- Nếu trước đã làm phép Kiết-ma học gia, mà nơi học gia ấy, Tỷ-kheo không được mời trước, không bịnh, mà tự tay nhận lấy đồ ăn của họ mà ăn, thì Tỷ-kheo ấy phải đến Tỷ-kheo khác mà hối lỗi như vầy: bạch đại đức, tôi phạm vào sự đáng trách, vào việc không đáng làm, nay xin hướng về đại đức mà hối lỗi. Đó gọi là sự hối lỗi.
Thứ 4, giới ăn chỗ nghi sợ (118) .- Nếu Tỷ-kheo có chỗ vắng vẻ, xa, và có sự nghi sợ; Tỷ-kheo ấy ở chỗ vắng vẻ như vậy mà không nói trước cho thí chủ biết đường đến chỗ ấy đáng sợ, Tỷ-kheo ấy cũng không đi nhận đồ ăn ở ngoài chỗ ấy, Tỷ-kheo ấy chỉ ở trong chỗ ấy, và không bịnh, vậy mà tự tay nhận lấy đồ ăn mà ăn, thì Tỷ-kheo ấy phải đến Tỷ-kheo khác mà hối lỗi như vầy: bạch đại đức, tôi phạm vào sự đáng trách, vào việc không đáng làm, nay xin hướng về đại đức mà hối lỗi. Đó gọi là sự hối lỗi.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 4 giới ba-la-đề-xá-ni. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 4 giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 4 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. II.8 Một Trăm Giới Học
Bạch chư đại đức, 100 giới phải học - Sekhiya (119) sau đây, cứ mỗi nửa tháng phải tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.
Thứ 1 .- Nên mặc quần (119b) cho tề chỉnh, phải học.
Thứ 2 .- Nên mặc 3 y cho tề chỉnh, phải học.
Thứ 3 .- Không được vắt trái y đi vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 4 .- Không được vắt trái y ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 5 .- Không được quấn y nơi cổ vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 6 .- Không được quấn y nơi cổ ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 7 .- Không được trùm đầu vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 8 .- Không được trùm đầu ngồi nhà cư sĩ, phải học. (120)
*
Thứ 9 .- Không được vừa đi vừa nhảy vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 10.- Không được vừa đi vừa nhảy ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 11 .- Không được ngồi xoạc đùi trong nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 12 .- Không được chống nạnh đi vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 13 .- Không được chống nạnh ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 14 .- Không được lắc mình đi vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 15 .- Không được lắc mình ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 16 .- Không được vung tay đi vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 17 .- Không được vung tay ngồi nhà cư sĩ, phải học.
*
Thứ 18 .- Khéo che mình kín đáo vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 19 .- Khéo che mình kín đáo ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 20 .- Không được nhìn bên này liếc bên kia đi vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 21 .- Không được nhìn bên này liếc bên kia ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 22 .- Yên lặng vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 23 .- Yên lặng ngồi nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 24 .- Không được giỡn cười đi vào nhà cư sĩ, phải học.
Thứ 25 .- Không được giỡn cười ngồi nhà cư sĩ, phải học.
*
Thứ 26 .- Chú ý khi ăn (121), phải học.
Thứ 27 .- Lấy cơm chỉ ngang miệng bát mà ăn, phải học.
Thứ 28 .- Cả đồ ăn (122) nữa cũng chỉ lấy ngang miệng bát mà ăn, phải học.
Thứ 29 .- Đồ ăn và cơm phải lấy tương đương với nhau, phải học.
Thứ 30 .- Tuần tự mà ăn (123), phải học.
Thứ 31 .- Không được moi xốc giữa bát mà ăn, phải học.
Thứ 32.- Không bịnh thì không được tự hỏi cơm và đồ ăn cho mình, phải học.
Thứ 33 .- Không được lấy cơm đậy đồ ăn lại để mong có đồ ăn nữa, phải học.
Thứ 34 .- Không được liếc xem trong bát Tỷ-kheo ngồi bên cạnh, phải học.
Thứ 35 .- Phải để ý nơi bát mà ăn, phải học.
Thứ 36 .- Không được dồn cơm lớn miếng mà ăn, phải học.
Thứ 37 .- Không được hả lớn miệng để chờ cơm mà ăn, phải học.
Thứ 38 .- Không được ngậm cơm mà nói chuyện, phải học.
Thứ 39 .- Không được nắm cơm ngoài xa ném vào miệng, phải học.
Thứ 40 .- Không được ăn mà còn sót lại (124), phải học.
Thứ 41 .- Không được bung má mà ăn, phải học.
Thứ 42 .- Không được nhai (124b) ra tiếng mà ăn, phải học.
Thứ 43 .- Không được hớp cơm mà ăn, phải học.
Thứ 44 .- Không được le lưỡi liếm mà ăn, phải học.
Thứ 45 .- Không được rảy tay mà ăn, phải học.
Thứ 46 .- Không được lượm cơm rơi mà ăn, phải học.
Thứ 47 .- Không được tay dơ cầm đồ đựng nước uống (125), phải học.
Thứ 48 .- Không được đổ nước rửa bát trong nhà cư sĩ, phải học.
*
Thứ 49 .- Không được đại tiện tiểu tiện, hỷ nhổ trên cỏ tươi, trừ lúc có bịnh, phải học.
Thứ 50 .- Không được đại tiện tiểu tiện, hỷ nhổ vào nước sạch, trừ lúc có bịnh, phải học.
Thứ 51 .- Không được đứng mà đại tiện tiểu tiện, trừ lúc có bịnh, phải học.
*
Thứ 52 .- Không được thuyết pháp cho người vắt áo lên vai, không cung kính, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 53 .- Không được thuyết pháp cho người quấn áo nơi cổ, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 54 .- Không được thuyết pháp cho người che đầu, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 55 .- Không được thuyết pháp cho người trùm đầu, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 56 .- Không được thuyết pháp cho người chống nạnh, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 57 .- Không được thuyết pháp cho người mang dép da, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 58.- Không được thuyết pháp cho người mang guốc gỗ, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 59 .- Không được thuyết pháp cho người cưỡi ngựa, trừ lúc họ có bịnh, phải học.
*
Thứ 60 .- Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ ra để coi giữ, phải học.
Thứ 61 .- Không được cất giấu của cải trong tháp Phật, trừ ra để cho chắc chắn, phải học.
Thứ 62 .- Không được mang dép da vào trong tháp Phật, phải học.
Thứ 63 .- Không được cầm dép da vào trong tháp Phật, phải học.
Thứ 64 .- Không được mang dép da đi nhiễu quanh tháp Phật, phải học.
Thứ 65 .- Không được mang giày ủng vào trong tháp Phật, phải học.
Thứ 66 .- Không được cầm giày ủng vào trong tháp Phật, phải học.
Thứ 67.- Không được ngồi ăn nơi tháp Phật mà xả rác và Thức ăn làm dơ đất, phải học.
Thứ 68 .- Không được khiêng thây chết đi qua tháp Phật, phải học.
Thứ 69 .- Không được chôn thây chết nơi tháp Phật, phải học.
Thứ 70 .- Không được đốt thây chết nơi tháp Phật, phải học.
Thứ 71 .- Không được hướng về tháp Phật mà đốt thây chết, phải học.
Thứ 72 .- Không được đốt thây chết bốn phía tháp Phật để hơi hôi bay vào, phải học.
Thứ 73 .- Không được mang áo và giường người chết đi qua tháp Phật, trừ ra đã giặt, nhuộm và xông hương, phải học.
Thứ 74 .- Không được đại tiện tiểu tiện nơi tháp Phật, phải học.
Thứ 75 .- Không được hướng về tháp Phật mà đại tiện tiểu tiện, phải học.
Thứ 76 .- Không được đại tiện tiểu tiện bốn phía tháp Phật để hơi thối bay vào, phải học.
Thứ 77 .- Không được mang ảnh tượng của Phật đến chỗ đại tiện tiểu tiện, phải học.
Thứ 78 .- Không được ở nơi tháp Phật mà xỉa răng, phải học.
Thứ 79 .- Không được hướng về tháp Phật mà xỉa răng, phải học.
Thứ 80 .- Không được bốn phía tháp Phật mà xỉa răng, phải học.
Thứ 81 .- Không được nơi tháp Phật mà hỉ mũi khạc nhổ, phải học.
Thứ 82 .- Không được hướng về tháp Phật mà hỉ mũi khạc nhổ, phải học.
Thứ 83 .- Không được bốn phía tháp Phật mà hỉ mũi khạc nhổ, phải học.
Thứ 84 .- Không được ngồi duỗi chân trước tháp Phật, phải học.
Thứ 85 .- Không được để tượng Phật ở phòng dưới còn mình ở phòng trên, phải học.
*
Thứ 86 .- Người ngồi mà mình đứng thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 87 .- Người nằm mà mình ngồi thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 88 .- Người ngồi ghế mà mình ngồi chỗ không phải ghế thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 89 .- Người ngồi chỗ cao mà mình ngồi chỗ thấp thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 90 .- Người đi trước mà mình đi sau thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 91 .- Người ở chỗ kinh hành cao mà mình ở chỗ kinh hành thấp thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 92 .- Người đi giữa đường mà mình đi lề đường thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
*
Thứ 93 .- Không được dắt tay nhau mà đi đường, phải học.
Thứ 94 .- Không được trèo cây cao quá đầu người, trừ trường hợp có lý do, phải học,
Thứ 95.- Không được đựng bát vào đãy, xâu vào đầu tích trượng rồi vác trên vai mà đi, phải học.
*
Thứ 96 .- Người cầm gậy, không cung kính, thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 97 .- Người cầm kiếm thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 98 .- Người cầm mâu thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 99 .- Người cầm dao thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Thứ 100.- Người che dù thì không được thuyết pháp cho họ, trừ ra lúc họ có bịnh, phải học.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói các giới phải học. Nay xin hỏi chư đại đức, trong các giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong các giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. II.9 Bảy Pháp Diệt Tránh
Bạch chư đại đức, 7 pháp diệt tránh - Adhikaranasamatha (126) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh. Nếu các Tỷ-kheo có sự tranh cãi nổi lên thì phải diệt trừ liền.
Thứ 1 .- Đáng cho hiện tiền tì ni thì nên cho hiện tiền tì ni.
Thứ 2 .- Đáng cho ức niệm tì ni thì nên cho ức niệm tì ni.
Thứ 3 .- Đáng cho bất si tì ni thì nên cho bất si tì ni.
Thứ 4 .- Đáng cho tự nói xử trị thì nên cho tự nói xử trị.
Thứ 5 .- Đáng cho xét tìm tội tướng thì nên cho xét tìm tội tướng.
Thứ 6 .- Đáng cho nhiều người xét tìm thì nên cho nhiều người xét tìm.
Thứ 7 .- Đáng cho như cỏ che đất thì nên cho như cỏ che đất.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 7 pháp diệt tránh. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 7 pháp ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 7 pháp ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy.
II.10 Lời Kết Thúc
Bạch chư đại đức, tôi đã nói lời nói đầu của Giới kinh, đã nói 4 giới ba-la-di, đã nói 13 giới tăng-già bà-thi-sa, đã nói 2 giới bất định, đã nói 30 giới ni-tát-kỳ ba-dật-đề, đã nói 90 giới ba-dật-đề, đã nói 4 giới ba-la-đề-xá-ni, đã nói 100 giới chúng học, đã nói 7 pháp diệt tránh. Tất cả giới điều như vậy là Giới kinh Phật dạy, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh. Còn những Phật pháp khác nữa thì, với những Phật pháp ấy, hãy chung cùng hòa hợp mà học.
-oOo- III. Phần Cuối Tỷ-kheo Giới
Đức tính nhẫn nhục
là đạo bậc nhất,
Phật nói vô vi
là pháp tối thượng;
là người xuất gia
mà bức não người,
thì không được gọi
là bậc sa môn.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Tỳ-bà-thi, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Ví dụ như người
có đôi mắt sáng,
mới có khả năng
tránh đường hiểm nghèo;
thế giới mà có
những người thông minh,
thì có khả năng
xa rời điều ác.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Thi-khí, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Không hề phỉ báng
cũng không ganh ghét,
và hãy kính cẩn
tuân hành giới pháp,
bằng cách ăn uống
cũng biết vừa đủ,
thường thường thích thú
ở chỗ thanh vắng,
tâm trí định tĩnh
ưa thích tinh tiến,
đó là những điều
chư Phật huấn dụ.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Tỳ-diệp-la, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Ví như loài ong
hút lấy mật hoa,
thì không thương tổn
sắc hương của hoa,
mà chỉ hút lấy
cái vị mật ngọt,
Tỷ-kheo cũng vậy,
đi vào làng xóm,
thì không can dự
công việc người khác,
không nhìn đáng làm
hay không đáng làm,
mà chỉ tự nhìn
bản thân mà đi
coi có ngay thẳng
hay không ngay thẳng.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Câu-lưu-tôn, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Tâm trí không nên
có sự phóng dật,
pháp của bậc thánh
phải siêng học tập,
được như thế ấy
không còn lo buồn,
tâm trí ổn định
nhập vào niết bàn.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Câu-na-hàm mâu-ni, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Tất cả điều ác
đừng có làm đến,
tất cả điều thiện
kính cẩn mà làm,
tự mình làm sạch
tâm trí của mình,
những điều như vậy
là chư Phật dạy.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Ca-diếp, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Khéo léo mà giữ
miệng lưỡi lời tiếng,
tự mình làm sạch
tâm trí của mình,
và thân thể nữa
cũng đừng làm ác,
đó là đường sạch
của cả ba nghiệp;
khả năng đạt được
đường sạch như vậy,
chính là đường đi
của bậc đại tiên.
Bài tụng này là Giới kinh của đức Thích-ca mâu-ni, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri, thuyết ra cho chư tăng không có mọi sự tội lỗi trong 12 năm. Từ đó về sau chỉ là phân tích phong phú Giới kinh này.
Chư vị Tỷ-kheo, những ai ưa thích giáo pháp và ưa thích sa môn, những ai có sự hổ thẹn lấy mình và có sự hổ thẹn với người, ưa thích học giới pháp, thì phải học các Giới kinh này.
Những người minh triết
giữ được giới pháp
thì thực hiện được
ba thứ vui thích,
một là danh thơm
hai là lợi quí
ba là chết rồi
sinh lên chư thiên.
Cần phải cứu xét
cái điều này đây,
mà người có trí
nên giữ giới pháp.
Giới mà trong sạch
lại có tuệ giác,
thì thực hiện được
cái đạo bậc nhất.
Tất cả Phật đà
trong thì quá khứ,
cùng chư Thế tôn
hiện tại vị lai,
chiến thắng lo buồn
là do cùng nhau
tôn kính giới pháp,
và chính điều này
là cái nguyên tắc
của chư Phật đà.
Nếu có người nào
biết tự vì mình
mà tìm đường đi
của chư Phật đà,
thì hãy tôn trọng
đối với chánh pháp,
đó là huấn thị
của chư Như lai.
Bảy đức Phật đà
là đấng Thế tôn,
đã trừ diệt hết
mọi thứ kiết sử,
và đã thuyết ra
bảy bản Giới kinh,
làm cho giải thoát
mọi thứ ràng buộc,
làm cho nhập vào
niết bàn tối thượng,
ở đó vĩnh viễn
diệt sạch hý luận.
Tôn trọng tuân hành
Giới kinh Phật nói,
cùng với giới pháp
hiền thánh ca tụng,
con em của Phật
mà làm như vậy
thì sẽ nhập vào
niết bàn tịch diệt.
Khi đức Thế tôn
sắp nhập niết bàn,
Ngài đã nổi dậy
lòng thương to lớn,
chiêu tập đầy đủ
chư vị Tỷ-kheo,
và dạy như vầy
đối với giới pháp:
Chư vị đừng nói
Như lai nhập diệt
thì không ai giữ
cho người thanh tịnh;
Như lai đã khéo
nói ra Giới kinh,
Như lai lại khéo
nói ra giới pháp,
dẫu rằng Như lai
nhập vào niết bàn,
chư vị hãy coi
Giới ấy như Phật.
Giới kinh tồn tại
lâu dài trong đời,
thì Pháp của Phật
sẽ được hưng thịnh,
và Pháp của Phật
mà hưng thịnh lên,
thì làm cho người
được nhập niết bàn.
Nếu không tuân giữ
giới pháp như vầy,
và không đúng phép
cử hành bố-tát,
thì như mặt trời
đến lúc lặn mất,
cả thế giới này
tối tăm mịt mù.
Hãy cố mà giữ
giới pháp như vầy,
như bò đuôi dài
tiếc giữ đuôi nó,
bằng cách hòa hợp
tập hợp thuyết giới,
đúng như Phật đà
đã từng huấn dụ.
Tôi đã thành kính
tụng lại Giới kinh,
chư tăng cũng đã
bố-tát hoàn tất.
Tôi tụng Giới kinh
được bao công đức,
nguyện hiến chúng sinh
cùng thành Phật đạo. Chú thích:
(1) Giới kinh ở đây là Tỷ-kheo giới bản. Giới kinh ở đây còn có 2 trường hợp nữa. Có trường hợp chỉ cho Tứ phần luật. Có trường hợp chỉ cho mỗi bài tụng của 7 đức Phật nói Giới kinh.
(2) Chính văn là thánh pháp tài (tài sản chánh pháp của các vị thánh), thường nói tắt là thánh tài. Thánh tài có 7 thứ, là tín, giới, tàm, quí, văn, xả, tuệ. Có 7 thứ này thì gọi là thánh nhân (kinh Niết bàn).
(3) Tỷ-kheo giới có 8 loại:
1. ba-la-di (khí), có 4;
2. tăng-già bà-thi-sa (tăng tàn), có 13;
3. bất định, có 2;
4. ni-tát-kỳ ba-dật-đề (xả đọa), có 30;
5. ba-dật-đề (đọa), có 90;
6. ba-la-đề-xá-ni (hối quá), có 4;
7. thức-xoa-ca-la (học pháp), có 100;
8. diệt tránh, có 7.
Chính văn này chỉ đưa ra 3 loại là nói tắt.
(4) Dịch đúng chính văn là nói việc ấy cho tôi. Chính văn này không chỉnh. Ở đây là các đức Phật đều nói Giới kinh.
(5) Giới luật của các dị giáo, ngoại đạo.
(6) Hỏi hòa hợp trước (theo Hàm chú) thì đúng sách và đúng việc hơn.
(7) Đại khái gửi lời thưa rằng mình cũng muốn bố-tát và trong nửa tháng vừa qua mình không vi phạm giới nào.
(8) Chính văn là thời đáo, có nghĩa đến lúc, đúng lúc, thì gian thích hợp.
(9) Tác bạch thành không? (Đáp: thành), là dịch theo Tứ phần Tỷ-kheo giới bản (của ngài Hoài tố) và theo thông thường. Đúng chính văn của Tứ phần luật hàm chú giới bản (của ngài Đạo tuyên, tổ sư sáng lập Luật tông) thì không có câu hỏi đáp này, tức Kiết-ma ở đây là đan bạch.
(10) Chỉ cho 37 giác phần, đặc biệt chỉ cho 8 chánh đạo.
(11) Chính văn là trì, có nghĩa nắm giữ trong trí, tức là nhớ, ghi nhận.
(12) Dịch nghĩa là khí (bị bỏ ra ngoài tăng chúng), nhưng chính nghĩa là tha thắng (bị chiến thắng).
(12b) Tăng kỳ luật nói Tỷ-kheo thọ cụ túc giới trong tăng hòa hợp. Thập tụng luật nói Tỷ-kheo nhập vào trong giới pháp. Ngũ phần luật nói Tỷ-kheo đồng được giới pháp. Hữu bộ luật nói đồng được học xứ.
(13) Sự dâm dục, Luật gọi là phi phạn hạnh, là bất tịnh hạnh.
(14) Không được cùng tăng chúng Kiết-ma và thuyết giới.
(15) Tăng thượng mạn là chưa được mà tự cho đã được. Nhưng rồi có người sau đó được thật. Ở đây trừ là trừ người này.
(16) Dịch nghĩa là tăng tàn, là phạm những tội này còn có thể cứu vãn được nếu biết sám hối trước 20 vị Tỷ-kheo, không thì cũng như phạm tội ba-la-di.
(17) Là thủ dâm.
(18) Dịch đủ là nói năng thô tục dâm đãng, tức nói về sự dâm dục, nói về những bộ phận sinh dục.
(19) Dịch đủ là khen mình để đòi nữ nhân hiến dâng sự dâm dục.
(20) Tức làm cốc, tịnh thất.
(21) Dịch đủ là làm nhà có thí chủ, làm cho mình, nhưng không thỉnh chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ.
(22) Dịch đủ và sát là một cách không có căn cứ mà phỉ báng người khác phạm tội ba-la-di.
(23) Dịch sát và đủ là mượn căn cứ khác mà phỉ báng phạm tội ba-la-di.
(24) Dịch sát và đủ là phá hoại tăng hòa hợp mà chống lại sự can gián.
(25) Tăng hòa hợp là 4 vị Tỷ-kheo sắp lên, cùng Kiết-ma và cùng tụng giới.
(26) Dịch đủ là hỗ trợ sự phá hoại tăng hòa hợp mà còn chống đối can gián.
(27) Dịch sát và đủ là làm hoen ố tín đồ, bị đuổi thì phỉ báng, chống đối can gián.
(28) Làm hoen ố tín đồ, chính văn là ô tha gia (làm bẩn người khác). Ô tha gia có 4 hình thức mà đứng đầu là đem vật của người này cho mà cho lại người khác, làm cho tâm lý người nào cũng không còn bình thường. Làm những việc xấu là những việc xấu dẫn ra từ sự ô tha gia.
(29) Dịch đủ là ngoan cố, chống cự chư tăng, chống đối can gián. Ngoan cố, chính văn là ác tính (tính tình ngang bướng).
(30) Sống riêng, chính văn là ba-lị-bà-sa, dịch nghĩa là biệt trú. Biệt trú là ở riêng một mình trong 1 phòng xấu, với giường nằm xấu, trong thì gian bằng thì gian che giấu (kể từ khi phạm cho đến khi phát giác).
(31) Hoan hỷ, chính văn là ma-na-đỏa, dịch nghĩa là ý hỷ. Ý hỷ là ở sát cạnh chư tăng, chân thành ân hận, làm cho chư tăng hoan hỷ mà mình cũng hoan hỷ.
(32) Trường hợp, chính văn là thời. Chính văn trọn câu này là thử thị thời (đó là thời). Tra các bộ luật khác thì Ngũ phần và Thập tụng là thị pháp ưng nhĩ (giới này phải thế), Tăng kỳ là thị sự pháp nhĩ (việc này là thế), Hữu bộ là thử thị xuất tội pháp (ấy là cách giải tội). Như vậy chữ thời ở đây có thể hiểu và dịch là trường hợp. Sau đây có tất cả 9 chữ thời như vậy nữa.
(33) Bất định là tùy sự tố giác mà định tội danh và xử trị theo 1 trong 3 tội (ba-la-di, tăng-già bà-thi-sa, ba-dật-đề) hay theo 1 trong 2 tội (trừ ba-la-di).
(34) Nữ tín đồ chánh tín Tam bảo, chấp trì ngũ giới, trí nhớ tốt và nói chắc thật.
(35) Dịch nghĩa là xả đọa, là xả thí những vật dụng dư thừa rồi sám hối, nếu không thì sẽ bị đọa lạc ác đạo.
(36) Là tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội.
(37) Y công đức (ca-thy-na y) là y được xét thưởng sau 3 tháng an cư thanh tịnh. Ai được xét thưởng thì có 5 tháng (16/7 đến 15/12) được hưởng 5 điều Luật định.
(38) Trường y (y dài) là dài bằng 8 ngón tay và rộng bằng 4 ngón tay của Phật. Danh nghĩa (Vạn 70/346) nói trường y là y dư thừa; hễ vải dài 1 thước 6, rộng 8 tấc, thì đã gọi là trường y.
(39) Tịnh thí nghĩa là cho một cách trong sạch. Tịnh thí ở đây là Tỷ-kheo có thừa những vật dụng (như y bát v/v) thì phải thí xả. Có 2 cách tịnh thí. Một là chân thật tịnh thí, là đem vật dụng thừa ra giữa chư tăng mà thí xả cho người khác. Hai là triển chuyển tịnh thí, là thí xả giữa chư tăng mà nói tên người mình muốn cho. Nếu người ấy vắng mặt thì chư tăng nói: Đại đức đã cho người ấy rồi thì đó là vật của người ấy; đại đức nên cất giữ giúp người ấy, và nếu cần thì mượn mà dùng.
(39b) Có bản chép: ngủ khác chỗ trong 1 đêm. Nhưng tra Tứ phần luật (Chính 22/603d) thì đúng như bản Đạo tuyên chép: không có những chữ trong 1 đêm.
(40) Kiết-ma, dịch nghĩa là tác pháp biện sự. Việc gì của tăng cũng phải do chư tăng quyết định mới thành tựu, đó gọi là Kiết-ma. Kiết-ma có đan bạch, bạch nhị và bạch tứ. Đan bạch là gặp những việc quá thường xuyên thì chỉ cần 1 lần tuyên cáo (tác bạch) mà thôi, không cần hỏi lại. Bạch nhị là gặp những việc hơi quan trọng, sợ xảy bất đồng ý về sau, nên phải 1 lần tuyên cáo rồi hỏi lại 1 lần. Bạch tứ là gặp những việc quan trọng thì phải 1 lần tuyên cáo rồi hỏi lại 3 lần. Tăng Kiết-ma có 4 loại, đó là 4 vị cho đan bạch, 5 vị cho bạch nhị, 10 vị cho bạch tứ, 20 vị cho sự xử tội tăng tàn. Số lượng này nhiều hơn thì được, thiếu đi thì không được.
(41) Đáng lẽ phải nói 3 y có cái cũ và hỏng. Nguyên do của giới này là vì có Tỷ-kheo y tăng già lê bị cũ và hỏng.
(42) Dịch sát và đủ, là nhận y của Tỷ-kheo ni không phải thân quyến của mình.
(43) Dịch sát và đủ, là bảo Tỷ-kheo ni không phải thân quyến của mình giặt giúp y cũ. Y cũ là y dầu mới mặc 1 lần.
(44) Dịch sát và đủ, là xin y nơi người cư sĩ không phải thân quyến.
(45) Dịch đủ và sát, là khuyên cư sĩ thêm giá tiền may y.
(45b) Lời xin tùy ý là thí chủ có lời xin nói trước rằng người lãnh nhận muốn sao cũng được.
(46) Dịch sát và đủ, là khuyên 2 nhà tăng thêm số tiền sắm y.
(46b) Có người hiểu và dịch 2/4 màu đen, 1/4 màu trắng, 1/4 màu lẫn lộn, nhưng không thể đồng ý là vì có chữ trái chính văn, và trộn lẫn lông dê như vậy thì cũng gần như đen. Dịch đúng chính văn là như đã dịch, và trộn lẫn lông dê như vậy thì sẽ ra hoại sắc hơn.
(47) Dịch sát và đủ, là ngọa cụ dùng dưới 6 năm.
(48) Dịch sát là tọa cụ không may chồng.
(49) Dịch sát là cầm lông dê quá hạn.
(50) Dịch sát và đủ là bảo Tỷ-kheo ni không phải thân quyến giặt giúp lông dê.
(51) Dịch sát là cất giữ tiền, của báu.
(52) Dịch đủ là đổi chác tiền, của báu.
(53) Chính văn là mại mãi (bán mua) thì không chỉnh.
(53b) Trường bát, có ý kiến nói là bát dư thừa.
(53c) Chính văn là tối hạ, có người hiểu là bát cuối cùng, tức cái bát không ai muốn lấy, muốn đổi, nên cái bát ấy có thể chính là cái bát mới, được đem ra xả bỏ đó. Hiểu như vậy không đúng, bởi vì giới này bên Tỷ-kheo ni nói rõ là hạ tọa (người dưới).
(54) Dịch đủ là xin chỉ sợi, bảo thợ dệt không phải thân quyến của mình dệt giúp.
(55) Dịch đủ là bảo thợ dệt dệt thêm chỉ sợi.
(56) Dịch sát và đủ là cất thuốc 7 ngày dùng quá thì hạn.
(57) Dịch sát và đủ, là kiếm khăn tắm mưa trước thì hạn, dùng khăn tắm mưa trước thì hạn. Khăn tắm mưa, chính văn là vũ y hay vũ dục y (khăn tắm mưa). Chữ y trong Luật có chỗ là y, có chỗ là vải, có chỗ là khăn. Ở đây là khăn.
(58) Mùa xuân còn 1 tháng là từ 16/3 đến 15/4. Mùa xuân còn nửa tháng là 1/4 đến 15/4. Trước kiết hạ hơn 1 tháng là trước 16/3. Trước kiết hạ hơn nửa tháng là trước 1/4. Tất cả đều là âm lịch.
(59) Dịch đủ và sát là trước ngày hết kiết hạ nhận y cúng gấp mà cất quá sau ngày hết kiết hạ.
(60) Dịch sát là 10 ngày chưa hết của 3 tháng kiết hạ; 10 ngày ấy là từ 6/7 đến 15/7.
(61) Thì hạn của y ấy, y ấy là y cúng vội vàng nói trên; thì hạn của y ấy là 1 tháng (16/7 đến 15/8) nếu không thọ công đức y, hoặc 5 tháng (16/7 đến 15/12) nếu có thọ công đức y.
(62) Dịch sát và đủ là ở chỗ a lan nhã có sự nghi ngại mà rời y quá thì hạn.
(63) Là rằm tháng 7 đến rằm tháng 8.
(64) A-lan-nhã là chỗ thanh vắng, xa làng xóm.
(65) Nói rõ là xoay vật người ta muốn cúng cho chư tăng mà cúng cho mình.
(66) Ba-dật-đề dịch nghĩa là đọa, là phạm những giới này nếu không sám hối giữa chư tăng thì sẽ bị đọa lạc.
(67) Biết ở đây là nói tắt mọi sự thấy nghe hay biết của 6 thức.
(68) Thành phần, chính văn là chủng loại, chỉ cho giai cấp, dòng họ, nghề nghiệp, v/v. Chưởi mắng ở đây bao gồm mọi sự nói hành, nói lóng, nói mỉa, v/v.
(69) Nói để ly gián, chính văn là lưỡng thiệt ngữ.
(70) Dịch đủ là ngủ cùng một nhà với nữ nhân.
(71) Dịch đủ là ngủ quá thì hạn với người chưa thọ cụ túc giới.
(72) Dịch đủ là cùng đọc tụng một cách ồn náo với người chưa thọ cụ túc giới.
(73) Dịch đủ là thật đắc đạo mà nói với cư sĩ.
(74) Dịch đủ là một mình thuyết pháp cho nữ nhân.
(75) 5, 6 lời, cũng có thể dịch là pháp số 5 (như nói 5 uẩn vô ngã) và pháp số 6 (như nói 6 thức vô thường).
(76) Cây cối là chỗ ở của quỉ thần và sinh vật, nên những chữ chặt phá cây cối và sinh vật là bổ túc.
(77) Dịch đủ là trải đồ của chư tăng ra trên mặt đất trống.
(78) Giường giây là lòng giường đan sợi mây hay bất cứ sợi gì. Có chỗ giường giây là võng.
(79) Dịch đủ là trải đồ của chư tăng chỗ che.
(80) Dịch sát là cưỡng chiếm chỗ mà trải đồ ngồi. Chữ đồ ngồi không chỉnh.
(81) Dịch đủ là thuyết pháp cho ni đến trời tối.
(82) Dịch đủ là đem y cho ni không phải thân quyến của mình.
(83) Dịch đủ là may y cho ni không phải thân quyến của mình.
(84) Dịch đủ và rõ, là nhận quá giới hạn đồ ăn của qui phụ và thương gia.
(85) Phép ăn thừa (dư thực pháp) là, ví dụ Tỷ-kheo mới ăn mà có việc đứng dậy, thì như thế là kể như ăn xong rồi. Vậy nếu cần ăn thêm thì phải làm phép ăn thừa, là đem đồ mình muốn ăn dọn cho một vị nào chưa ăn và nói, kính bạch đại đức, tôi là Tỷ-kheo XX, đến trước đại đức làm phép ăn thừa, xin đại đức từ mẫn cho. Vị này xúc ăn vài muổng rồi trao lại, bảo ăn đi.
(86) Không phải giờ ăn (phi thời) là kể từ xế bóng ngày trước cho đến ngày sau trời chưa sáng.
(87) Dịch rõ là ăn thức ăn mà mình không hay chưa nhận lời mời.
(88) Dịch rõ là thức ăn và thuốc mà mình không hay chưa nhận lời mời mà đã bỏ vào miệng. Thuốc ở đây là sữa, mật, v/v.
(89) Dịch đủ thì còn có cá và thịt. Ấy là thức ăn tùy thí tùy thực (cho gì ăn nấy).
(90) Dịch rõ là bữa ăn trước hay bữa ăn sau đều bỏ mà đi đến nhà khác. Bữa ăn trước là khi trời sáng cho đến giờ ngọ, bữa ăn sau là giờ ngọ.
(91) Dịch rõ là tại nhà ăn mà ngồi dai
(92) Nhà ăn (thực gia) và vật báu ở đây có cái nghĩa riêng ở đây, không phải cái nghĩa thông thường. Nghĩa thông thường thì nhà ăn là nhà mời ăn, vật báu là vàng ngọc (hoặc nói bóng người đẹp). Nhưng nghĩa ở đây thì nhà ăn là nhà có chồng vợ, ăn là chồng vợ ấy hành dâm hưởng lạc với nhau. (và vật báu có thể chỉ có nghĩa trong nhà ấy có chỗ cho vợ chồng hành dâm). Trong nhà ăn có vật báu như vậy mà họ mời ăn rồi không đi ngay thì rất chướng ngại cho họ, nhất là cho người chồng.
(93) Dịch rõ là tại nhà ăn mà ngồi chỗ khuất.
(94) Dịch rõ và đủ là một mình ngồi với nữ nhân ở chỗ đất trống.
(95) Dịch đủ là ở lại trong quân đội quá thì hạn.
(96) Dịch đủ và rõ, là y mình đã tịnh thí, rồi lấy lại dùng mà không nói cho người chủ của y được cho biết.
(97) Dịch đủ là gây thắc mắc, bực mình cho Tỷ-kheo khác.
(98) Dịch đủ là độ cho người thiếu tuổi được thọ cụ túc giới.
(99) Dịch rõ là khơi lại 4 sự tranh cãi. Sự tranh cãi có 4, đó là 1, ngôn tranh, là tranh cãi vì bàn luận giới pháp; 2, mích tranh, là tranh cãi vì xoi bói tội lỗi; 3, phạm tranh, là tranh cãi về tội lỗi đã phạm; 4, sự tranh, là tranh cãi về công việc Kiết-ma. Cả 4 sự tranh cãi đều phải diệt bằng 7 cách diệt tránh. Khi Kiết-ma diệt tránh rồi mà ai còn gợi lại thì phạm ba-dật-đề.
(100) Dịch đủ là chống lại sự can gián của chư tăng về sự nói càn rằng dâm dục không chướng ngại cho đạo.
(101) Dịch rõ là hùa theo Tỷ-kheo bị cử tội.
(102) Dịch rõ là hùa theo sa-di bị đuổi.
(103) Dịch rõ là sợ bị cử tội nên nói trước (về giới điều mình phạm).
(104) Dịch rõ là hối tiếc sau khi cùng chúng Kiết-ma.
(105) Dịch đủ là lén nghe về 4 sự tranh cãi.
(106) Dịch sát là đánh Tỷ-kheo lớn.
(107) Dịch rõ là phỉ báng người khác phạm tội tăng tàn.
(108) Dịch sát và đủ là không phải lúc mà đi vào xóm làng.
(109) Dịch đủ là dùng đâu-la độn nệm. Đâu-la là bông của mọi thứ cây cỏ (trong đó có bông gòn, bông vải) và kén tằm hoang.
(110) Dịch đủ là làm ống đựng kim bằng xương, nanh, sừng.
(111) Dịch đủ là làm "ni sư đàn" quá cỡ. Ni sư đàn là ngọa cụ (đồ nằm) tọa cụ (đồ ngồi) hay tùy tọa y (khăn để ngồi), nhưng dịch đúng là phu cụ (đồ trải ra để nằm ngồi).
(112) Dịch đủ là làm khăn che ghẻ quá cỡ.
(113) Dịch nghĩa là "hướng bỉ hối", là những giới điều mà phạm vào chỉ cần sám hối với 1 Tỷ-kheo khác.
(114) Dịch đủ là ở trong làng xóm, nhận lấy đồ ăn của Tỷ-kheo ni không phải thân quyến.
(115) Dịch đủ là ăn đồ ăn do ni chỉ bảo.
(116) Chính văn là canh, nhưng rõ ràng chữ ấy, ở đây và sau đây, là đồ ăn, chứ không phải là canh như thường nói. Do vậy, chữ canh ấy được dịch là đồ ăn.
(117) Dịch sát là nhận đồ ăn của học gia. Học gia là tín đồ hy sinh cho đạo pháp đến nỗi phải nghèo thiếu. Đối với tín đồ như vậy, chư tăng phải Kiết-ma là học gia, chư tăng không được đến tín đồ ấy khất thực hay quyên góp gì nữa, trái lại còn giúp đỡ bằng cách đi khất thực rồi về nhà tín đồ ấy mà ăn để chia bớt cho họ, hoặc giao tài sản Tam bảo cho tín đồ ấy sinh lợi rồi chia một nửa lợi tức ấy cho họ. Tỷ-kheo nào đến đâu cũng phải hỏi ở đó có học gia không kẻo phạm giới này, cũng như phải hỏi ở đó có hay không có chỗ phú bát (nhà có lỗi với chư tăng, chư tăng Kiết-ma không liên lạc với, cho đến khi biết hối lỗi).
(118) Dịch rõ là ăn ở chỗ vắng vẻ, đáng sợ.
(119) Phải học (ưng đương học), chính văn của Tứ phần luật hàm chú giới bản là thức xoa ca la ni. Khác với 6 loại trước, loại thứ 7 này chính văn sách ấy chỉ tiêu đề có 54 giới, 46 giới còn lại không có tiêu đề (mặc dầu mục lục tiêu đề đủ cả 100 giới). Vì vậy tôi quyết định lấy chính văn của Tứ phần luật Tỷ-kheo giới bản (của ngài Hoài tố) mà thay vào. Chính văn sách này không dùng chữ thức xoa-ca-la ni, mà dùng chữ chúng học pháp, ưng đương học, và không tiêu đề ghi số gì cả. Số tôi ghi là của Tứ phần luật hàm chú giới bản.
(119b) Dịch sát chính văn là mặc niết-bàn-tăng. Niết-bàn-tăng là nivasana (hoặc kusulaka), là quần, tức tấm vải quấn phần dưới thân thể như chư tăng Nam tông. Quần như vậy quấn mặc và buộc bằng giây, hơi khó làm và giữ cho tề chỉnh. Tôi dịch thẳng là quần mà bỏ chữ niết-bàn-tăng, vì chữ này xúc phạm đến Niết bàn và đến Tăng quá.
(120) Xuống dòng như vầy là có ý sắp loại các giới điều này.
(121) Chú thích: để khỏi rơi đồ ăn xuống.
(122) Coi lại ghi chú 116.
(123) Chú thích: ăn không tuần tự là ngay trong bát mà đã lấy ăn lung tung.
(124) Dịch theo chú thích là một nửa vào miệng một nửa còn lại nơi tay.
(124b) Dịch đủ là nhai cơm. Nhưng đủ mà thiếu. Bất cứ nhai gì cũng không được ra tiếng, không phải chỉ nhai cơm.
(125) Có lẽ phải dịch là cầm đồ mà thôi (đồ đựng thức ăn thức uống).
(126) Là 7 cách diệt trừ sự tranh cãi. Phần này cũng lấy chính văn của Tứ phần luật Tỷ-kheo giới bản. Về 7 cách diệt tránh này, nếu chư tăng có sự tranh cãi (coi ghi chú 99) thì phải dập tắt bằng 7 cách ấy. Nói đại khái và giản dị, thì một thành phần chư tăng có lỗi, nhất là lỗi ấy gây ra tranh cãi, thì hãy diệt sự tranh cãi ấy bằng cách cho hiện diện, cho nhớ lại, cho tỉnh trí, cho tự xử, cho tự xét, cho chung xét và cho qua loa. Nghĩa là bằng cách nào đó có lý có tình mà đem lại sự phục thiện và hoan hỷ là tốt. Giới của 7 cách này là sau khi diệt tránh bằng 7 cách rồi, ai còn khơi lại thì phạm tội và bị trị.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.249.191 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.