Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Pháp quán thứ sáu: QUÁN TỔNG QUÁT
Có bốn mục: Chính thức trình bày; kết luận; nêu rõ lợi ích; phân biệt tà chánh.
1. Chính thức trình bày
Có hai phần: Quán riêng lầu báu; quán tổng quát bốn loại.
Thứ nhất, quán riêng lầu báu
Có bốn ý: Nêu số lượng; chư thiên trổi nhạc; nhạc khí cõi trời treo giữa hư không; âm nhạc diễn pháp.
* Nêu số lượng
Kinh ghi: “Cõi nước các loại báu, mỗi mỗi khu vực có 500 ức lầu gác báu”.
Giải thích: Cõi nước các loại báu, là giới thiệu tổng quát cõi nước kia. Mỗi mỗi khu vực, căn cứ theo kinh A-di-đà (Tiểu bản), đó là chỉ khu vực trên bờ ao.
Kinh ghi: “Đường bực thềm chung quanh ao đều có lầu gác v.v…”.
* Chư thiên trổi nhạc
Kinh ghi: “Trong các lầu báu đó có vô lượng chư thiên trổi lên các âm nhạc trời”.
* Nhạc trời treo giữa hư không
Kinh ghi: “Lại có các nhạc cụ treo giữa hư không, như Thiên bảo tràng[63] không đánh cũng tự phát ra tiếng”.
Giải thích: Như Bảo tràng là nói về lượng.
* Âm nhạc diễn pháp
Kinh ghi: “Từ các loại âm nhạc này đều phát ra tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.
Giải thích: Chính là ca ngợi Tam bảo.
Thứ hai, quán tổng quát bốn loại
Kinh ghi: “Pháp quán này thành tựu, chỉ mới thấy thô về cây báu, đất báu, ao báu ở thế giới Cực lạc”.
Giải thích: Tiếp theo pháp quán lầu gác ở trước, hành giả quán chung ba thứ. Quán chung hoặc riêng, mỗi mỗi đều khế hợp với căn cơ. Pháp quán này gồm thâu tất cả các cảnh y báo. Nói “thấy thô” tức là “tư duy” vậy. Nhưng ở văn sau, cụm từ này hàm nghĩa “Chánh thọ”.
2. Kết luận
Kinh ghi: "Đây là pháp quán chung, là pháp quán thứ sáu”.
3. Nêu lợi ích
Kinh ghi: "Nếu người nào thấy được như vậy thì trừ được nghiệp ác cực trọng trong vô lượng ức kiếp, sau khi chết, ắt được sinh về cõi Cực lạc”.
Giải thích: Đoạn này nói về phá chướng trừ nghi.
4. Phân biệt tà chánh
Kinh ghi: "Khởi quán như thế gọi là chánh quán, nếu quán khác là tà quán”. B/ QUÁN CHÁNH BÁO CỦA MƯỜI PHÁP QUÁN SAU
Có bốn trường hợp: Như Lai khuyên lắng nghe; Đức Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ-tát hiện thân; Phu nhân vì chúng sinh đời vị lai mà cầu thỉnh; Như Lai trình bày đầy đủ.
1. Như Lai khuyên bảo lắng nghe
Có ba ý: Khuyên lắng nghe; đồng ý chỉ dạy; Đức Phật dặn dò.
Thứ nhất, khuyên lắng nghe
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi rằng: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”.
Giải thích: Cũng như pháp quán Y báo ở trên, nhưng ở đây nói về Chánh báo, cho nên Như Lai lại phải dặn dò.
Thứ hai, Đức Phật đồng ý chỉ dạy:
Kinh ghi: “Nay Như Lai sẽ phân biệt, trình bày pháp trừ khổ não cho các ngươi!”.
Giải thích: Các nỗi khổ ở Ta-bà, nếu không nhờ quán Phật tam-muội thì không thể giải thoát, nên gọi là pháp thoát khổ. Tam giới là nơi chứa đựng nhiều đau khổ; chúng sinh trong sáu đường là quả báo khổ.
Thứ ba, Đức Phật lại dặn dò:
Kinh ghi: “Các ngươi nên ghi nhớ kỹ, rồi phân biệt giảng nói rộng cho đại chúng nghe!”
2. Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ-tát hiện thân
Kinh ghi: “Khi Đức Phật giảng lời này, Đức Phật Vô Lượng Thọ đứng giữa hư không, có hai vị bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hầu hai bên, hào quang rực rỡ, không thể nhìn thấy hết, trăm ngàn sắc vàng ròng Diêm-phù-đàn cũng không thể sánh bằng”.
Giải thích: Ở đoạn văn trước nói cõi nước hiện trong đài ánh sáng khiến bà Vi-đề-hi thấy là nguyên nhân phát khởi lời cầu thỉnh về Y báo. Cho nên nói nhờ năng lực của Phật mới thấy được cõi Cực lạc v.v…. Nay Đức Phật và hai vị Bồ-tát cùng ứng hiện, là nguyên nhân phát khởi lời cầu thỉnh về Chánh báo. Cho nên nói nhờ năng lực của Phật mới thấy được Phật v.v…. “Đức Phật đứng giữa hư không, có hai vị Bồ-tát đứng hầu hai bên”, là minh chứng về bức tượng Tam Thánh đứng. “Sắc vàng ròng Diêm-phù-đàn không thể sánh bằng” là biết ánh sáng ấy chiếu soi vô tận.
3. Phu nhân vì chúng sinh đời vị lai mà cầu thỉnh
Có hai ý: Thấy Phật liền đảnh lễ; tha thiết cầu thỉnh Phật.
Thứ nhất, thấy Phật liền đảnh lễ:
Kinh ghi: "Khi Vi-đề-hi thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ liền đảnh lễ nơi chân Phật”.
Thứ hai, tha thiết cầu thỉnh Phật:
Kinh ghi: "Bạch Thế Tôn! Con nay nhờ năng lực của Phật mà được thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ-tát. Vậy, chúng sinh đời sau nên quán Đức Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ-tát bằng cách nào?”
Giải thích: Đây chính là bà Vi-đề-hi bạch hỏi Đức Phật Thích-ca. Bồ-tát hoàn toàn không vì riêng mình, tuy cầu giúp cho mình thấy, nhưng ý thì nghĩ đến chúng sinh đời vị lai.
4. Như Lai trình bày đầy đủ
Trình bày mười pháp quán sau và chia ra làm bốn ý như trên đã trình bày.
Pháp quán thứ bảy: QUÁN TÒA HOA SEN
Quán tòa hoa sen là muốn chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, trước hết phải quán tòa ngồi. Như đứng trước vua thì mắt phải nhìn bệ rồng.
Có hai ý: Nói về quán hạnh; khuyên quán tưởng kỹ.
1. Nói về quán hạnh
Có ba ý: Trình bày chung về y xứ; nêu riêng về trang nghiêm; kết luận.
Thứ nhất, trình bày chung về y xứ
Kinh ghi: "Đức Phật bảo Vi-đề-hi: Muốn quán Đức Phật Vô Lượng Thọ cần phải khởi niệm quán tưởng tòa hoa sen trên đất bảy báu”.
Giải thích: Hoa sen trên mặt đất, là nói đến tòa ngồi, chứ không phải hoa sen trong ao.
Thứ hai, nêu riêng về trang nghiêm
Có hai ý: Cánh sen; Đài sen.
* Cánh sen
Có sáu ý: Màu sắc; đường chỉ; ánh sáng; dung lượng; số lượng; ánh sáng ngọc châu.
+ Màu sắc:
Kinh ghi: "Quán trên mỗi mỗi cánh sen ấy có trăm ngàn màu sắc báu”.
+ Đường chỉ cánh sen:
Kinh ghi: "Có 84.000 đường chỉ trên cánh sen giống như Thiên họa”.
Giải thích: Vì nét của đường chỉ như hoa văn rất đẹp, cho nên gọi là Thiên họa.
+ Ánh sáng:
Kinh ghi: "Theo mỗi đường chỉ có 84.000 tia sáng rực rỡ, phân biệt rõ ràng khiến mọi người đều thấy”.
+ Nêu dung lượng
Kinh ghi: "Cánh hoa nhỏ nhất, ngang dọc đều 250 do-tuần”.
Giải thích: 250 do-tuần tương đương hơn vạn dặm.
+ Trình bày số
Kinh ghi: "Hoa sen có 84.000 cánh”.
+ Ánh sáng chiếu soi
Kinh ghi: "Giữa mỗi cánh sen có trăm ức ngọc ma-ni trang nghiêm, mỗi hạt ngọc phóng ra ngàn tia sáng, ánh sáng như lọng bảy báu, che phủ khắp mặt đất ở cõi nước kia”.
Giải thích: Ánh sáng như cái lọng che phủ khắp mặt đất.
* Đài sen
Có ba ý: Thể của đài; hình thức bên ngoài đài; bảo tràng trên đài
+ Thể của đài
Kinh ghi: "Dùng thích-ca-tỳ-lăng-già bảo[64] làm đài”.
Giải thích: Đài tức trung tâm của hoa sen. Thích-ca-tỳ-lăng-già tức ngọc như ý, ngọc này xuất sinh vô tận các vật dụng theo ý muốn của người, nên gọi là năng sinh.
+ Hình thức bên ngoài đài
Kinh ghi: "Đài hoa sen này có 80.000 viên kim cương, ngọc chân-thúc-ca[65], ngọc thanh tịnh ma-ni, lưới ngọc diệu chân để trang sức”.
Giải thích: Văn kinh nêu ra bốn loại báu, trong đó chân-thúc-ca, Trung Quốc dịch là ngọc sắc đỏ, Phạn dịch là tịnh
+ Tràng báu ở trên đài
Có ba ý: Thể của tràng; màn báu; ánh sáng khác.
- Thể của tràng
Kinh ghi: "Ở trên đài, tự nhiên có dựng bốn bảo tràng, mỗi bảo tràng khoảng trăm ngàn vạn ức Tu-di”.
Giải thích: Bốn hướng trên mặt đài đều có dựng trụ báu, trên đó có giăng màn lưới báu che đảnh của Phật.
- Màn báu
Kinh ghi: "Màn báu mắc trên bảo tràng giống cung trời Dạ-ma”.
Giải thích: Dạ-ma tức cõi trời Không Cư thứ ba ở cõi Dục. Trời này có ánh sáng từ hoa sen phát ra rất đẹp, nên thường lấy đây để so sánh.
- Ánh sáng khác
Kinh ghi: "Lại có 500 ức bảo châu vi diệu dùng để trang sức; mỗi viên ngọc có 84000 tia sáng; mỗi tia sáng tạo ra 84.000 màu vàng ròng; mỗi sắc vàng ròng đó lại biến hiện ra khắp cõi báu. Mỗi một cõi được biến hóa kia, lại tạo ra các tướng khác nhau hoặc là đài kim cang, hoặc lưới chân châu, hoặc tạo ra mây hoa xen lẫn khắp mười phương, tùy ý biến hiện để thực hành Phật sự”.
Giải thích: Màu sắc biến hiện này có ba tướng: đài vàng, lưới báu, mây hoa; lại còn có nhiều tướng khác cho nên nói là “tùy ý” v.v…
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Pháp quán tòa hoa sen này là pháp quán thứ bảy”.
2. Khuyên quán tưởng kỹ
Khuyên lắng nghe, có năm ý: Nói về bổn nhân; thứ tự quán tưởng; chỉ dạy nên chuyên nhất để lìa bỏ các tạp tưởng; nêu lợi ích; phân biệt chánh tà.
Thứ nhất, nói về bổn nhân
Kinh ghi: "Phật bảo A-nan: Quán tòa hoa mầu nhiệm như thế chính là được kết thành do nguyện lực của Tỳ-kheo Pháp Tạng thuở xưa”.
Giải thích: Đức Phật A-di-đà xưa vốn là vị Quốc vương, vì được gặp Đức Phật Thế Tự Tại Vương, bèn bỏ ngôi vua xuất gia, pháp danh là Pháp Tạng. Ngài đã phát ra 48 lời nguyện. Tất cả các loại báu trang nghiêm như cảnh giới y báo, thân, thọ mạng, quang minh của cõi nước kia đều được thành tựu từ nguyện lực của Ngài, đâu chỉ có tòa hoa? Căn cứ điểm này, thì biết Tịnh độ là Thể của nguyện Phật. Nhưng nguyện do tâm phát khởi, tức Thể của tâm Phật, cho nên biết nguyện lực hoàn toàn bặt nói năng, suy nghĩ!
Thứ hai, trình bày thứ lớp quán tưởng
Kinh ghi: "Nếu người muốn quán tưởng Đức Phật kia, thì trước phải khởi tâm quán tòa hoa”.
Giải thích: Nếu không quán tòa hoa thì quán Phật không thành.
Thứ ba, nên quán thuần nhất, xa lìa các tạp tưởng
Kinh ghi: "Khi thực hành pháp quán này tuyệt đối không được quán xen tạp. Trong khi quán cần phải nhất nhất quán từng hạt châu, từng tia sáng, mỗi một đài, mỗi một bảo tràng đều phải phân biệt rõ ràng như thấy mặt mình trong gương”.
Giải thích: Mỗi mỗi quán phải xuyên suốt năm vật. Từ cánh hoa cho đến tràng đều có ngọc sáng. (không nói ánh sáng của đài là vì văn kinh đã lược bỏ).
Thứ tư, nêu lợi ích
Kinh ghi: "Người thành tựu pháp quán này thì diệt trừ được tội nặng sinh tử trong năm vạn kiếp, nhất định sẽ sinh về thế giới Cực lạc”.
Giải thích: Diệt tội trừ nghi, pháp quán này là phương tiện quán Phật đầu tiên để diệt tội, nên diệt tội còn ít; tiếp đến quán tượng diệt tội mới nhiều; sau cùng quán Phật mới chứng đắc Vô sinh nhẫn, tức phá trừ vô minh.
Thứ năm, phân biệt chánh tà
Kinh ghi: "Quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán cách khác gọi là tà quán”.
Pháp quán thứ tám: QUÁN TƯỢNG
Có hai ý: Tiếp theo pháp quán trước, nêu lên pháp quán sau; trình bày pháp quán.
1. Tiếp theo pháp quán trước, nêu pháp quán sau
Kinh ghi: "Đức Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi thấy những cảnh này rồi, tiếp đến nên quán tượng Phật”.
Giải thích: Chúng sinh vì từ vô thủy chưa được biết Phật chân thật, phần nhiều chỉ thấy tượng Phật, cho nên trước hết phải quán tượng Phật, vì tượng biểu trưng cho Phật thật, nên quán Phật dễ thành tựu hơn.
2. Trình bày pháp quán
Có ba ý: Trình bày chung ý quán Phật; chính thức trình bày pháp quán Phật; kết luận.
Thứ nhất, trình bày chung về ý quán tưởng Phật
Có bốn: Trình bày thân Phật trùm khắp, ứng hiện nơi tâm chúng sinh; Hành giả quán tưởng thành tựu thì đầy đủ thân Phật; Nêu quả đức để giúp phát khởi tâm tin nhân; Kết luận khuyến khích tu nhân cần phải nương vào quả đức.
Đoạn kinh này, Đức Phật Như Lai muốn trình bày quán Phật, cho nên quán tượng, trước hết cần phải trình bày công đức quán Phật, tức là khai thị cho chúng sinh con đường cốt yếu thành tựu quán Phật. Yếu chỉ của bộ kinh nằm ở đoạn văn này. Người học Phật đời sau, khi thảo luận cần phải nghiên cứu kỹ, nếu không hiểu đoạn văn này, thì những chỗ khác làm sao bàn đến?
* Trình bày thân Phật trùm khắp
Có hai ý: Trước nêu ra, sau trình bày rõ
+ Nêu ra:
Kinh ghi: "Vì sao như thế?”
Giải thích: Quán Phật có những lợi ích gì?
+ Trình bày rõ:
Kinh ghi: "Các Đức Như Lai chính là Thân pháp giới nhập vào trong tâm tưởng tất cả chúng sinh”.
Giải thích: Đoạn này chính là nói về Đức Phật A-di-đà. Vì Pháp đồng thể, nên nói “các Đức Phật”. Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Thân của tất cả các Đức Phật là đồng nhất pháp thân. Nhất tâm, nhất trí huệ, lực, vô úy[66] cũng như thế”. Đây là trình bày quả chứng Pháp thân bao trùm khắp của các Đức Phật Như Lai cùng với Nhân địa Pháp thân của chúng sinh không hai, không khác. Cho nên chúng sinh tùy thuận quán tưởng thân Phật. Sớ ghi: “Tâm chúng sinh thanh tịnh thì Pháp thân tự tại thường hay nhập vào tâm tưởng của chúng sinh, như mặt trăng giữa hư không, bóng hiện khắp trăm sông”. Tâm quán tưởng Phật tức là quán 32 tướng quí và 80 vẻ đẹp. Chương Thế Chí Viên Thông ghi: “Như Lai trong mười phương nhớ thương chúng sinh như mẹ nhớ con”. Đây là nói các Đức Phật thường nhớ nghĩ đến chúng sinh. “Nếu con lẩn tránh, mẹ nhớ có ích gì?”. Đây là nói chúng sinh không nhớ nghĩ, nên có ứng mà không cảm. “Nếu chúng sinh tâm nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại, tương lai nhất định gặp Phật, cách Phật không xa”. Đây là nói chúng sinh nhớ Phật thì cảm ứng đạo giao[67].
Điều này thật ra, Đức Phật A-di-đà dùng sức thiện căn đồng thể đại từ bi[68], tùy duyên phó cảm, ứng vật hiện hình[69], công dụng không thể nghĩ bàn. Nếu hiểu rõ lý này thì Phật nhập tâm chúng sinh có gì đáng nghi?
* Hành giả quán thành tựu thì đầy đủ thân Phật
Kinh ghi: “Cho nên, khi tâm các ông quán Phật thì tâm ấy đầy đủ 32 tướng quí, 80 vẻ đẹp. Tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật!”.
Giải thích: Trong đoạn văn trên, hai câu trước nêu lên tâm cảnh tương ưng, câu thứ ba trình bày quả tướng do tu nhân mà thành, hai câu sau cùng giải thích thành nghĩa trên. “Tâm ấy” tức chỉ cho tâm của hành giả quán Phật. Do quán tướng Phật, tướng hiện trong tâm. Tâm này đầy đủ các tướng và hảo của Phật. Đây chỉ căn cứ trên thân một trượng sáu để trình bày, mà có công đức như thế. Nếu quán 84.000 tướng và hảo thì tâm cũng đầy đủ như thế. Phật dạy quán Phật, công đức như vậy. Chúng sinh nương theo lời dạy tu nhân cảm quả bắt đầu từ tâm này, nên nói “Tâm này làm Phật”. Chỉ e cho rằng thành Phật là từ ngoài mà được, nhưng chính do đương thể[70] tâm này là Phật, kiến lập hạnh tu đều đạt được quả viên mãn, nên nói “Tâm này là Phật”. Nếu không như thế thì sinh về cõi kia từ đâu mà đã đủ 32 tướng quí và 80 vẻ đẹp? Nên biết tâm quán Phật ngày nay quả đức đã đầy đủ, tướng hảo đều có đầy đủ. Gá thai vào hoa sen tức là tâm này, cũng chính chứng Bồ-đề không phải từ ngoài mà được!
* Nêu quả đức khiến phát khởi nhân tâm tin nhân
Kinh ghi: “Biển chánh biến tri của các Đức Phật từ tâm tưởng mà sinh”.
Giải thích: Chánh biến tri là một trong 10 hiệu của Phật. Vì thông đạt cùng tận Pháp xuất thế, sâu rộng không bờ mé, nên dụ như biển. Công đức của Phật vô biên, lược nêu biến tri để bao hàm những thứ khác. Muôn đức của Phật quả đều từ tâm tưởng sinh ra. Ý khuyến khích phàm phu thấp kém chuyên cần tu tập thì công đức không mất.
* Kết luận khuyến khích tu nhân cần phải nương vào quả đức
Kinh ghi: “Cho nên cần phải nhất tâm buộc niệm, quán kỹ Đức Phật Đa-đà-a-già-độ A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà”.
Giải thích: Nhờ quán Phật mà công đức cao sâu, cho nên khuyến khích buộc niệm. Phần trước thì nêu chung các Đức Phật, phần này chỉ nêu riêng Đức Phật A-di-đà để qui kết về ý chính của kinh này, cho nên dạy hãy quán tưởng kỹ Đức Phật kia. “Đa-đà-a-già-độ”, Trung Quốc dịch là Như Lai. “A-la-ha”, Trung Quốc dịch là Ứng Cúng. “Tam-miệu-tam-phật-đà”, Trung Quốc dịch là Chánh biến tri. Đây là nêu sơ lược ba hiệu trong mười hiệu của Đức Phật, sẽ nói rõ ở phần giải thích riêng.
Thứ hai, trình bày pháp quán Phật
Có ba phần: Trình bày riêng về ba tượng; trình bày chung về ba tượng; nêu lợi ích.
* Trình bày riêng về ba tượng
Có hai ý: Trước quán tượng Đức Phật A-di-đà; sau quán tượng hai vị Bồ-tát.
+ Quán tượng Đức Phật A-di-đà
Có ba ý:
- Thấy sắc tướng của tượng
Kinh ghi: "Quán Đức Phật kia, tức là trước nên quán tưởng thật kỹ đến nhắm mắt hay mở mắt đều thấy một tượng báu sắc vàng Diêm-phù-đàn ngồi trên tòa hoa!”.
Giải thích: Dùng tượng Phật biểu thị cho Phật chân thật, tức từ dễ đến khó. Hoặc tượng họa vẽ, hoặc tượng chạm khắc, tùy theo người thấy quen thuộc, có thể dùng làm cảnh quán.
- Thấy cõi nước trang nghiêm
Kinh ghi: "Thấy tượng và tòa rồi, mắt tâm được khai mở, thấy rõ ràng bảy báu trang nghiêm ở cõi Cực Lạc: đất báu, ao báu, hàng cây báu, lọng báu của chư thiên che phủ ở phía trên, các màn lưới báu giăng bủa khắp hư không”.
Giải thích: Đây chính là cảnh y báo đã nói ở trước.
- Khuyên dạy nên quán tưởng kỹ
Kinh ghi: "Quán những cảnh như thế thật rõ ràng như thấy vật trong lòng bàn tay”.
+ Quán tượng hai vị Bồ-tát
Có hai ý: Quán tòa hoa; quán hình tượng.
- Quán tòa hoa sen:
Kinh ghi: "Quán thấy những cảnh như vậy xong, nên quán một tòa hoa sen lớn ở bên trái Đức Phật giống như tòa hoa sen trước, rồi quán một tòa hoa sen lớn bên phải Đức Phật như tòa hoa sen trước”.
Giải thích: Căn cứ vào thân của Bồ-tát nên kích thước tòa nhỏ hơn tòa của Phật.
- Quán hình tượng:
Kinh ghi: "Quán tượng Bồ-tát Quan Thế Âm ngự ở tòa sen bên trái Đức Phật, cũng phóng ánh sáng sắc vàng giống như trước. Quán tượng Bồ-tát Đại Thế Chí ngự ở tòa sen bên phải cũng phóng ánh sáng sắc vàng như trước”.
Giải thích: Sắc thân của hai vị Bồ-tát giống với sắc thân của Đức Phật.
* Trình bày chung về ba tượng
Có hai ý: Mắt thấy cảnh đẹp; tai nghe thuyết pháp.
+ Mắt thấy cảnh đẹp
Có hai:
- Ba tượng phóng hào quang:
Kinh ghi: "Khi quán tưởng này thành tựu thì thấy Phật và Bồ-tát phóng hào quang vi diệu, ánh sáng màu vàng ròng chiếu khắp hàng cây báu”.
Giải thích: Ba tượng đều phóng ánh sáng vàng ròng chiếu hàng cây.
- Thấy ba tượng cùng khắp:
Kinh ghi: "Tại mỗi gốc cây ở cõi kia đều có ba tòa hoa sen, trên các tòa hoa sen lại có tượng Đức Phật và hai vị Bồ-tát”.
Giải thích: Như thế, thấy ba tôn tượng hóa hiện cùng khắp mọi nơi.
+ Tai nghe thuyết pháp
Có hai ý: Các âm thanh thuyết pháp; nhớ nghĩ không quên.
- Các âm thanh thuyết pháp
Kinh ghi: "Khi pháp quán tưởng này thành tựu, hành giả sẽ nghe nước chảy, ánh sáng rực rỡ, cho đến các hàng cây báu, các loài chim nhạn, le le, uyên ương đều thuyết pháp. Xuất định, nhập định luôn luôn được nghe giáo pháp nhiệm mầu”.
Giải thích: Nước chảy, ánh sáng chiếu soi, hàng cây lay động, chim hót, gió thổi vào các nhạc khí, như trước đã trình bày. Vì đó là các giáo pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, các Ba-la-mật, cho nên gọi là giáo pháp nhiệm mầu.
- Nhớ nghĩ không quên:
Kinh ghi: "Những giáo pháp hành giả đã nghe được, khi xuất định sẽ nhớ nghĩ, giữ gìn không quên, hợp với khế kinh. Nếu không hợp thì đó là vọng tưởng. Nếu hợp thì đó là chỉ mới thấy tướng thô của thế giới Cực lạc”.
Giải thích: Giáo pháp được nghe không trái với kinh giáo, nên gọi là hợp. Tu-đa-la, Trung Quốc dịch là khế kinh. Trái với kinh giáo tức là vọng hợp. Đối lại với tam-muội ở sau, nên có phân biệt thô và diệu.
* Nêu lợi ích
Kinh ghi: "Quán như thế, trừ được tội sinh tử trong vô lượng ức kiếp, ngay nơi thân hiện tại đạt được Niệm Phật tam-muội”.
Giải thích: Văn kinh có hai ý: Trừ tội chướng và gần đạt được Tam-muội, tức pháp quán Phật ở sau. Nếu quán tượng thành chân thân thì nhất định sẽ đạt được tam-muội, cho nên nói chứng đắc ngay nơi thân hiện tại.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: "Đây là pháp quán tưởng về tượng, là pháp quán thứ tám”.
Giải thích: Theo văn kinh ở trên thì nêu rõ ba tượng. Có người cho rằng không quán tưởng hai vị Bồ-tát, chưa biết thế nào?
Pháp quán thứ chín: QUÁN PHẬT
Có hai: Tiếp theo pháp quán trước, nêu pháp quán sau; cảnh sở quán.
1. Tiếp theo pháp quán trước, nêu pháp quán sau
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Sau khi thành tựu pháp quán này rồi, tiếp theo nên quán lại thân tướng quang minh của Phật Vô Lượng Thọ”.
Giải thích: Pháp quán này cũng như pháp quán tượng, đều có văn tiếp trước khởi sau. Ý muốn chánh tu, không cho xen tạp những pháp khác.
Xưa gọi là quán Pháp thân chân thật; nay căn cứ theo văn kết ở dưới, cho rằng quán toàn sắc thân Phật là quán thứ chín, ắt chỉ rõ sắc tướng quả Phật A-di-đà tức là Pháp thân. Pháp quán hai vị Bồ-tát cũng giống như vậy.
2. Cảnh sở quán
Có năm ý: Chính thức trình bày; nêu lợi ích; khuyến khích tu; kết thúc pháp quán; phân biệt.
Thứ nhất, trình bày
Có ba: Trình bày thân tướng; nói tóm lược; trình bày sở chứng.
* Trình bày thân tướng
Có bảy ý: nói về sắc thân; nêu thân lượng; hạn lượng bạch hào giữa chặn mày; hạn lượng của mắt; hạn lượng lỗ chân lông; ánh sáng trên đảnh đầu; tướng và hảo.
+ Sắc thân
Kinh ghi: “Phật bảo ngài A-nan: Nên biết sắc thân của Đức Phật Vô Lượng Thọ như màu vàng ròng Diêm-phù-đàn của trăm ngàn vạn ức trời Dạ-ma”.
Giải thích: Trăm ngàn vạn ức trời Dạ-ma là dụ cho số lượng rất lớn. Vàng Diêm-phù-đàn là nói thể của vàng.
+ Nêu thân lượng:
Kinh ghi: “Thân Đức Phật cao 60 vạn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần”.
Giải thích: Thân Đức Phật vô lượng, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thấy có khác nhau. Những con số được nêu trong văn là tạm thời, mượn số lượng để trình bày phi số lượng. Vì muốn nói rõ thân Phật không nhất định. Tức đoạn văn sau ghi: “Thân lượng của Đức Phật Vô Lượng Thọ được nói ở trước là vô biên, tâm lực của hàng phàm phu chẳng thể biết”. Lại nói: “Hoặc hiện ra thân cao lớn đầy khắp hư không”. Nêu điểm này để minh chứng cho những điều ở trước thì biết là vô hạn lượng. Dùng cái gáo để lường nước biển, dùng thước tấc mà đo hư không, có thể được ư?
+ Hạn lượng của bạch hào giữa chặn mày
Kinh ghi: “Bạch hào giữa chặn mày xoay về phía phải như năm núi Tu-di”.
Giải thích: Hình dáng của nó xoay về phía phải giống như viên ngọc. Một núi Tu-di cao 336 vạn dặm, dài rộng như nhau. Tổng cộng năm núi Tu-di là 1680 vạn dặm. Sớ trích dẫn luận Bảo Tánh: “Bạch hào của Đức Phật chu vi 360 vạn dặm, nghi là tính nhầm một núi.
+ Hạn lượng của mắt
Kinh ghi: “Mắt của Đức Phật đen trắng rõ ràng như nước bốn biển lớn”.
Giải thích: Một biển lớn 84 ngàn do-tuần, bốn biển lớn là 32 vạn sáu ngàn do-tuần.
+ Hạn lượng của lỗ chân lông
Kinh ghi: “Các lỗ chân lông trên thân phóng ra ánh sáng như núi Tu-di”
Giải thích: Ánh sáng tức là ánh sáng của thân. Ánh sáng của mỗi lỗ chân lông như núi Tu-di.
+ Trình bày ánh sáng trên đỉnh đầu
Kinh ghi: “Ánh sáng trên đỉnh đầu Đức Phật kia như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới. Trong ánh sáng đó có trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa hóa Phật. Mỗi mỗi hóa Phật cũng có vô số hóa Bồ-tát làm thị giả”.
Giải thích: Trăm ức tam thiên đại thiên là nói về số lượng lớn. Hóa Phật và hóa Bồ-tát là ứng hiện.
+ Tướng và hảo
Kinh ghi: “Đức Phật Vô Lượng Thọ có 84 ngàn tướng, trong mỗi mỗi tướng đều có 84 ngàn vẻ đẹp; trong mỗi mỗi vẻ đẹp lại có 84 ngàn ánh sáng; mỗi mỗi ánh sáng chiếu soi và nhiếp thọ những chúng sinh niệm Phật trong khắp mười phương thế giới”.
Giải thích: Trong thân một trượng sáu thì có đủ 32 tướng quý và 80 vẻ đẹp, nay tướng quý, vẻ đẹp và ánh sáng trên thân của Đức Phật A-di-đà đều đủ 84 ngàn thì số vô lượng, không thể tính kể. Đoạn sau trình bày ánh sáng chiếu soi và nhiếp thọ khắp chúng sinh, chính là thể tâm từ bi của Phật A-di-đà.
Hỏi: Người không niệm Phật thì ánh sáng của Đức Phật có nhiếp thọ không?
Đáp: Người niệm hay không niệm, ánh sáng đều nhiếp thọ, nhưng người niệm Phật thì sẽ tương ưng với ánh sáng và được nhiếp thọ, được vãng sinh, nhất định không lui sụt.
Luận Đại Trí Độ ghi: “Ví như cá mẹ nếu không nhớ nghĩ đến cá con, thì cá con sẽ bị hại”. Kinh Lăng-nghiêm ghi: “Phật nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con, chỉ con có nhớ hay không nhớ mẹ mà thôi!”.
Vả lại, như mặt trời tuy chiếu rõ, nhưng người mù không nhìn thấy. Người không niệm Phật cũng như vậy!
* Nói tóm lược
Kinh ghi: “Ánh sáng, tướng quý, vẻ đẹp của Đức Phật ấy và Hóa Phật không thể nói hết, chỉ nên nhớ tưởng khiến cho mắt tâm được thấy”
Giải thích: Ánh sáng, tướng quý, vẻ đẹp của Đức Phật ấy gồm cả hai loại ánh sánh của thân và của đỉnh đầu. Hóa Phật tức là các Đức Phật hiện trong Viên quang. Lời nói không thể diễn tả được, chỉ nhớ tưởng mới thấy. Nói mắt tâm chính là suy nghĩ.
* Trình bày sở chứng
Có hai ý: Quán một Đức Phật; quán thân Phật.
+ Quán một Đức Phật:
Kinh ghi: “Thấy việc này rồi thì thấy tất cả các Đức Phật trong mười phương, vì thấy các đức Phật nên gọi là Niệm Phật Tam-muội”
Giải thích: Thấy nhiều Đức Phật là biểu thị Pháp thân đồng thể, do đó mà gọi là Niệm Phật Tam-muội.
+ Quán thân Phật:
Kinh ghi: “Khởi pháp quán này là quán tất cả thân Phật, vì quán thân Phật nên cũng thấy được tâm Phật. Tâm Phật là đại từ bi, vì Vô duyên từ nên nhiếp phục hết tất cả chúng sinh”
Giải thích: Người thấy tâm Phật, vì thân là tướng của tâm, cho nên nói Phật không chỉ có tất cả tâm, mà còn có lòng đại từ bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Chúng sinh vô tận, lòng đại từ bi của Đức Phật cũng vô tận.
Luận Đại Trí Độ ghi: “Từ có ba nghĩa: Một, Chúng sinh duyên từ: không có tâm duyên tất cả chúng sinh, mà chúng sinh được lợi ích; hai, Pháp duyên từ: không có tâm quán pháp mà tự nhiên đối trị được các pháp; ba, Vô duyên từ: không có tâm quán lý mà tự nhiên an trụ trong bình đẳng Đệ nhất nghĩa”.
Trong ba nghĩa trên, nghĩa cuối cùng căn cứ vào Lý thể, hai nghĩa trước căn cứ vào Sự dụng. Nay nêu lên Lý vô duyên là bao gồm cả ba nghĩa trên. Nghĩa là tâm các Đức Phật không trụ ở hữu hay vô, cũng không nương vào ba đời mà đại từ bi bình đẳng chiếu khắp pháp giới, dùng tâm này mà nhiếp thủ chúng sinh thì tất cả chúng sinh đều được thâu nhiếp. Vì không do duyên khởi, nên nói là vô duyên, tức là nghĩa nhiếp thủ tất cả chúng sinh niệm Phật đã nói ở trước.
Thứ hai, nêu lợi ích
Kinh ghi: “Khởi pháp quán này, khi xả thân ở cõi khác, sinh đến trước các Đức Phật, chứng đắc Vô sinh nhẫn”.
Giải thích: Xả thân ở cõi khác sinh về cõi Tịnh rồi, liền chứng Vô sinh nhẫn. Cho nên biết, nếu thành tựu pháp quán này thì sinh về Thượng phẩm thượng sinh.
Thứ ba, khuyến tu
Có hai ý: Khuyên quán; dạy chỗ thâm nhập.
* Khuyên quán
Kinh ghi: “Người trí nên chuyên tâm quán kỹ Đức Phật Vô Lượng Thọ”
Giải thích: Người trí là người tự tu quán. Vì tu pháp quán này vãng sinh được Vô sinh nhẫn, công đức rất sâu và lợi ích rộng lớn, cho nên phải khuyên chuyên tâm quán.
Trong kinh Ban-chu ghi: “Chúng sinh hỏi Phật: Do nhân duyên gì mà được sinh về cõi nước kia? Phật A-di-đà đáp: Do tu Niệm Phật Tam-muội nên sinh về cõi nước kia”.
* Dạy chỗ thâm nhập
Có hai ý: Quán một tướng; quán một Phật
+ Quán một tướng
Kinh ghi: “Quán Phật Vô Lượng Thọ thì từ một tướng mà thâm nhập. Tức chỉ quán bạch hào giữa chặng mày thật rõ ràng. Thấy tướng bạch hào giữa chặng mày là thấy tám vạn bốn ngàn tướng hảo tự nhiên hiện ra”.
Giải thích: Tự đầy đủ nhiều tướng vì một tướng bạch hào giữa chặng mày bao gồm hết các tướng. Nếu căn cứ vào kinh văn là quán bằng lượng của năm núi Tu-di. Cho nên nói tám vạn bốn ngàn tướng hảo tự nhiên hiện ra, thì biết rằng chẳng phải tướng bạch hào của thân một trượng sáu.
+ Quán một Phật
Kinh ghi: “Quán Phật Vô Lượng Thọ, tức là thấy vô lượng các Đức Phật trong mười phương. Thấy vô lượng các Đức Phật, cho nên nói các Đức Phật hiện tại thọ ký”.
Giải thích: Người được nhiều Phật thọ ký, tức đều được ấn khả thọ ký thành Phật.
Thứ tư, kết thúc pháp quán
Kinh ghi: “Pháp quán khắp các tướng nơi thân Đức Phật này là pháp quán thứ chín”.
Giải thích: Tất cả sắc tướng là chỉ chung các Đức Phật được thấy, hoặc chỉ riêng các tướng của Đức Phật A-di-đà. Hai cách giải thích đó đều đúng.
Thứ năm, phân biệt
Kinh ghi: "Quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán cách khác gọi là tà quán”.
Pháp quán thứ 10: QUÁN BỒ-TÁT QUÁN ÂM
Có hai ý: Kết luận pháp quán trước, nêu pháp quán sau; chính thức nêu pháp quán.
1. Kết luận pháp quán trước, nêu pháp quán sau
Kinh ghi: "Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Khi thấy rõ Đức Phật Vô Lượng Thọ rồi, tiếp đến nên quán tưởng Bồ-tát Quán Thế Âm”
2. Chính thức trình bày pháp quán
Có bốn ý: Trình bày cảnh; kết luận pháp quán; khuyên tu pháp quán; phân biệt tà chánh.
Thứ nhất, trình bày cảnh quán
Có chín ý: Quán thân; quán ánh sáng; quán mão; quán mặt; quán cánh tay; quán tay; quán chân; quán các ngón tay; phân biệt.
* Quán thân:
Kinh ghi: “Thân của Bồ-tát cao 80 vạn ức na-do-tha do-tuần, có màu vàng tía. Trên đỉnh đầu có nhục kế”.
* Quán ánh sáng:
Có hai ý: Ánh sáng trên đỉnh đầu; ánh sáng trên thân.
+ Ánh sáng trên đỉnh đầu
Có hai ý: Hạn lượng của ánh sáng; sự biến hóa trong vầng ánh sáng.
- Hạn lượng của ánh sáng
Kinh ghi: "Trên đỉnh có vầng ánh sáng, mỗi mặt khoảng trăm ngàn do-tuần”.
- Sự biến hóa trong vầng ánh sáng
Kinh ghi: “Trong vầng ánh sáng đó có 500 hóa Phật, như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Mỗi mỗi Đức Phật có 500 hóa Bồ-tát và vô lượng chư thiên làm thị giả đứng hầu”.
Giải thích: Như Phật Thích-ca, các hóa Phật nầy thân cao một trượng sáu.
+ Ánh sáng trên thân
Kinh ghi: "Tất cả sắc tướng trong năm đường chúng sinh đều hiện trong ánh sáng toàn thân”.
Giải thích: Nói năm đường là gộp chung A-tu-la vào cõi trời. Vì Bồ-tát tùy cơ ứng hiện trong năm đường để cứu khổ chúng sinh, nên tất cả sắc tướng đều hiện trong đó.
* Quán mão trời
Có hai ý: Quán thể; hóa Phật trong mão
+ Quán thể
Kinh ghi: "Trên đỉnh có tỳ-lăng-già-ma-ni bảo làm mão trời”.
Giải thích: Tỳ-lăng-già tức ngọc ma-ni.
+ Hóa Phật trong mão
Kinh ghi: “Trong mão trời có một vị hóa Phật cao 25 do-tuần”.
Giải thích: Hóa Phật trong mão trời là để biểu thị mang quả mà tu nhân. Bởi vì Bồ-tát Quán Thế Âm vốn là Đức Chánh Pháp Minh Như Lai. 25 do-tuần là khoảng 1000 dặm.
* Quán mặt
Có hai ý: Sắc mặt; bạch hào giữa chặng mày.
+ Sắc mặt
Kinh ghi: “Sắc mặt của Bồ-tát Quán Thế Âm giống như màu vàng ròng Diêm-phù-đàn”.
+ Bạch hào giữa chặng mày
Có ba đặc điểm: Màu sắc bạch hào; phóng ánh sáng; biến hóa ánh sáng.
- Màu sắc bạch hào
Kinh ghi: “Tướng bạch hào giữa chặng mày có màu sắc bảy báu”.
- Phóng ánh sáng
Kinh ghi: “Từ bạch hào phóng ra 84 ngàn tia sáng”.
- Biến hóa trong ánh sáng
Kinh ghi: “Mỗi mỗi tia sáng có vô lượng vô số trăm ngàn hóa Phật, mỗi mỗi hóa Phật có vô số hóa Bồ-tát làm thị giả, biến hiện tự tại khắp mười phương thế giới”
* Quán cánh tay
Kinh ghi: “Màu cánh tay như màu hoa sen hồng, có 80 ức tia sáng vi diệu kết thành chuỗi. Trong chuỗi hiện tất cả các việc trang nghiêm”.
Giải thích: Các việc trang nghiêm chính là tướng vi diệu của cõi kia.
* Quán bàn tay
Kinh ghi: “Bàn tay tạo ra 500 ức màu sắc các loại hoa sen. Mười đầu ngón tay có 84 ngàn đường nét giống như ấn văn. Mỗi mỗi đường nét có 84 ngàn màu sắc; mỗi mỗi màu có 84 ngàn tia sáng; tia sáng mát dịu, chiếu soi khắp tất cả. Bồ-tát dùng bàn tay báu này tiếp dẫn chúng sinh”.
* Quán chân
Có hai ý: Quán tướng cất chân lên; quán tướng đặt chân xuống.
+ Quán tướng cất chân lên
Kinh ghi: “Khi cất chân lên, dưới lòng bàn chân có tướng Thiên bức luân, tự nhiên hóa thành 500 ức đài ánh sáng”.
Giải thích: Thiên bức luân là bánh xe có ngàn nan hoa.
+ Quán tướng đặt chân xuống
Kinh ghi: “Khi đặt chân xuống có hoa kim cương ma-ni trải đầy khắp tất cả”.
Giải thích: Tức bước đi trên hoa sen được tạo thành bởi hai thứ báu kim cương và ma-ni.
* Quán các ngón tay giống như Phật
Kinh ghi: “Những tướng quý khác và các vẻ đẹp trên thân cũng đều đầy đủ giống như Đức Phật”.
* Phân biệt
Kinh ghi: “Chỉ riêng nhục kế trên đỉnh đầu và Vô kiến đảnh tướng là không sánh bằng đức Thế Tôn”.
Thứ hai, kết luận pháp quán
Kinh ghi: “Quán sắc thân chân thật của Bồ-tát Quán Thế Âm này, là quán thứ 10”.
Giải thích: Sắc thân chân thật tức là Ứng thân.
Thứ ba, khuyên tu tập
Có bốn ý: Khuyên tu quán; nêu công hiệu; nêu việc nghe để so sánh với quán; hướng dẫn trình tự pháp quán.
* Chỉ lời khuyên tu quán ở trước
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan nếu có người muốn quán tưởng Bồ-tát Quán Thế Âm nên quán như vậy”.
Giải thích: Nên quán như vậy, tức không thể quán các tướng khác với tướng đã nêu.
* Nêu rõ công hiệu
Kinh ghi: “Quán như thế thì không gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng, trừ tội sinh tử trong vô số kiếp”.
Giải thích: Không gặp các tai họa là trừ các khổ nạn hiện tại. Trừ tội vô số kiếp tức phá trừ nghiệp xưa.
* Nêu lợi ích của việc nghe để so sánh với quán
Kinh ghi: “Chỉ nghe đến danh hiệu của Bồ-tát như thế cũng đã đạt được vô lượng phước, huống gì quán kỹ thì sẽ đạt được phước đức như trong phẩm Phổ Môn nói rõ”.
* Hướng dẫn trình tự pháp quán
Kinh ghi: “Nếu có người muốn quán tưởng Bồ-tát Quán Thế Âm, trước phải quán nhục kế trên đỉnh đầu, tiếp đến quán mão trời, các tướng khác cũng theo trình tự từ trên xuống dưới quán thật kỹ, thấy rõ ràng như lòng bàn tay”.
Thứ tư, phân biệt tà chánh
Kinh ghi: “Quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán cách khác gọi là tà quán”.
]
Pháp quán thứ 11: QUÁN BỒ TÁT ĐẠI THẾ CHÍ
Có bốn phần: Quán hành tướng; kết thúc phần trình bày sắc thân; nêu rõ lợi ích; kết luận chung về hai pháp quán.
1. Quán hành tướng
Có ba ý: Thân tướng; hành tướng; tọa tướng
Thứ nhất, thân tướng
Có năm ý: Hạn lượng của thân; quán tướng ánh sáng; quán mão trời; quán nhục kế; quán ngón tay và các tướng khác.
* Hạn lượng của thân
Kinh ghi: “Tiếp theo là quán tưởng Bồ-tát Đại Thế Chí, hạn lượng thân của vị Bồ-tát này đều giống Bồ-tát Quán Thế Âm”.
* Quán tướng ánh sáng
Có hai ý: Ánh sáng trên đỉnh đầu; ánh sáng trên thân.
+ Ánh sáng trên đỉnh đầu
Kinh ghi: “Anh sáng trên đỉnh đầu, mỗi mặt có 125 do-tuần, chiếu soi 250 do-tuần”.
Giải thích: 125 do-tuần tương đương 5000 dặm. Đây chỉ là thể của ánh sáng, còn sức chiếu soi thì gấp bội.
+ Ánh sáng trên thân
Có ba ý: Trình bày hạn lượng màu sắc; người có duyên thì được thấy; nhân ánh sáng mà đặt tên.
- Hạn lượng của ánh sáng
Kinh ghi: “Tướng ánh sáng toàn thân chiếu soi cõi nước khắp mười phương, tạo thành màu vàng tía”.
- Người có duyên mới thấy được
Kinh ghi: “Chúng sinh nào có duyên thì nhất định sẽ thấy được”.
Giải thích: Người tu pháp quán này tức là người có duyên.
- Nhân ánh sáng mà đặt tên
Có hai ý: Từ ánh sáng đặt tên; từ oai lực, dõng mãnh đặt tên.
Tư ánh sáng mà đặt tên:
Kinh ghi: “Chỉ thấy một tia sáng ở lỗ chân lông của Bồ-tát này, tức thấy được ánh sáng vi diệu thanh tịnh của vô lượng các Đức Phật trong mười phương, cho nên danh hiệu của Bồ-tát này là Vô Biên Quang”.
Giải thích: Nhân thấy một tia sáng từ lỗ chân lông của Bồ-tát này, tức thấy ánh sáng của các Đức Phật trong mười phương, nên nói từ ánh sáng mà đặt tên.
Từ oai lực mà đặt tên:
Kinh ghi: “Do ánh sáng trí tuệ chiếu soi khắp tất cả, khiến xa lìa ba cảnh giới ác, được sức vô thượng, cho nên danh hiệu của Bồ-tát này là Đại Thế Chí”.
Giải thích: Ánh sáng này chiếu soi, trừ khổ ban vui cho chúng sinh, nên theo oai lực đặt tên. Sức vô thượng chính là Thập lực[71].
* Quán mão trời
Kinh ghi: “Mão trời của Bồ-tát này có 500 hoa báu. Mỗi mỗi hoa báu có 500 đài báu. Tướng cõi nước rộng lớn vi diệu thanh tịnh của các Đức Phật khắp mười phương đều hiện trong mỗi đài”.
* Quán nhục kế
Kinh ghi: “Nhục kế trên đỉnh đầu giống như hoa bát-đầu-ma. Trên nhục kế có một bình báu, ánh sáng rực rỡ, hiện các Phật sự”.
Giải thích: Hoa bát-đầu-ma, Trung Quốc dịch là hoa sen hồng.
* Quán ngón tay và các tướng khác
Kinh ghi: “Các tướng khác trên thân như mặt, cánh tay, bàn tay v.v… đều giống như Bồ-tát Quán Thế Âm”.
Thứ hai, hành tướng
Kinh ghi: “Khi Bồ-tát này đi thì tất cả mười phương thế giới chấn động. Ngay chỗ đất chấn động đó có 500 ức hoa báu xuất hiện, mỗi mỗi hoa báu trang nghiêm cao hiển như thế giới Cực Lạc”.
Giải thích: Nơi chấn động khác cũng có hoa trang nghiêm hiện rõ, không khác với thế giới Cực Lạc.
Thứ ba, tọa tướng
Có hai ý: Cõi nước dao động; phân thân thuyết pháp.
* Cõi nước dao động
Kinh ghi: “Khi Bồ-tát này ngồi, cõi nước bảy báu cùng lúc dao động”.
* Phân thân thuyết pháp
Kinh ghi: “Trong khoảng từ cõi Phật Kim Quang ở phương dưới, cho đến cõi Phật Quang Minh Vương ở phương trên có vô lượng vô số phân thân của Phật Vô Lượng Thọ, phân thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; tất cả đều vân tập về cõi nước Cực Lạc, đầy cả hư không, ngồi trên tòa hoa sen diễn thuyết pháp vi diệu, cứu khổ chúng sinh”.
Giải thích: Nêu ra phương trên dưới, tức là nói cõi nước của các Đức Phật ở khoảng giữa cũng bao hàm trong đó. Ba bậc Thánh hóa thân đều nhóm họp đầy hư không, thuyết pháp giáo hóa.
2. Kết luận phần trình bày sắc thân
Kinh ghi: “Quán như thế gọi là chánh quán, nếu quán theo cách khác gọi là tà quán. Quán bồ-tát Đại Thế Chí chính là quán sắc thân bồ-tát Đại Thế Chí, là pháp quán thứ 11”.
3. Nêu ra lợi ích
Kinh ghi: “Trừ tội sinh tử trong vô số a-tăng-kỳ kiếp”.
Giải thích: Chính là phá trừ chướng
4. Kết luận chung hai pháp quán
Kinh ghi: “Quán như thế thì không gá sinh vào bào thai mà thường dạo chơi các cõi nước thanh tịnh vi diệu của các Đức Phật. Thành tựu pháp quán này gọi là quán đầy đủ về Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí”.
Giải thích: Kết thúc hai pháp quán về Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Khôấog sinh vào bào thai v.v… là giải thoát khỏi cảnh khổ ở Ta-bà, sinh về cõi Tịnh của Phật. Gá chất trong hoa sen, vĩnh viễn không rơi vào bào thai. Quán từ đỉnh đầu đến chân là toàn thân tướng, nên gọi là quán đầy đủ.
* Hai pháp quán 12 và 13, trước là quán về y báo, như pháp quán thứ sáu là quán Tổng quát. Naấphp quán phổ và tạp này cũng tức là quán tổng quát về ba bậc Thánh. Phổ quán là trước quán tự thân, sau quán y báo, chánh báo. Tạp quán là chỉ quán chánh báo, lớn nhỏ không đồng nhau. Trước riêng, sau chung là gồm thâu tất cả căn cơ trong đó, xem văn thì có thể thấy.
]
Pháp quán thứ 12: PHỔ QUÁN
Có ba phần: Trình bày quán tướng; kết luận ý nghĩa của tên; nêu cảm ứng.
1. Trình bày quán tướng
Có hai ý: Quán tự thân; thấy cùng khắp
Thứ nhất, quán tự thân
Có hai ý: Tiếp theo pháp quán trước; phát khởi pháp quán sau
* Tiếp theo pháp quán trước
Kinh ghi: “Khi thấy những việc này”.
* Phát khởi pháp quán sau
Có bốn ý: Khởi tâm sinh về; ngồi kiết già; quán hoa sen; hoa nở ánh sáng chiếu soi.
+ Khởi tâm sinh về
Kinh ghi: “Nên khởi tâm sinh về thế giới Cực lạc Tây phương”.
+ Ngồi kiết già
Kinh ghi: “Ngồi kiết già giữa hoa sen”.
+ Quán hoa sen
Kinh ghi: “Quán tưởng hoa nở ra, hoa khép lại”.
+ Hoa nở ánh sáng chiếu soi
Kinh ghi: “Quán khi hoa sen nở, có 500 tia sáng chiếu soi toàn thân, khởi tưởng mắt mở ra”.
Thứ hai, thấy khắp
Có hai ý: Thấy Thánh chúng; y báo chánh báo thuyết pháp.
* Thấy Thánh chúng
Kinh ghi: “Thấy Phật và Bồ-tát đầy khắp hư không”.
Giải thích: Phật và hai vị Bồ-tát chính là ba vị Thánh.
* Y báo, Chánh báo thuyết pháp
Kinh ghi: “Tiếng nước, chim, rừng cây và lời các Đức Phật phát ra đều diễn thuyết giáo pháp vi diệu, khế hợp với 12 thể loại kinh. Khi xuất định ghi nhớ thọ trì không quên”.
Giải thích: Nước, chim, rừng cây là y báo thuyết pháp; các Đức Phật là chánh báo thuyết pháp, nhưng cần phải khế hợp với giáo pháp để nghiệm xét chân, vọng.
2. Kết luận ý nghĩa của tên pháp quán
Kinh ghi: “Thấy những việc như vậy gọi là thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực lạc, chính là Phổ quán, là pháp quán thứ 12”.
Giải thích: Kết luận chung cả y báo và chánh báo nên gọi là Phổ quán.
3. Nêu cảm ứng
Kinh ghi: “Vô số Hóa thân Phật Vô Lượng Thọ cùng với Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí thường hiện đến chỗ người tu tập pháp quán”.
Giải thích: Tam thánh thường đến an ủi, ấn chứng người quán tưởng.
]
Pháp quán thứ 13: TẠP QUÁN
Có ba phần: phân biệt căn cơ; trình bày pháp quán; kết luận.
1. Phân biệt căn cơ
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Nếu người nào chí tâm muốn sinh về Tây phương”.
Giải thích: Muốn, chính là để phân biệt với không muốn, không muốn thì không dự vào pháp này.
2. Trình bày pháp quán
Có hai ý: Quán Phật; quán hai vị Bồ-tát.
Thứ nhất, quán Phật
Có năm ý: Quán thân một trượng sáu; quán thân lớn; nêu quán tượng để so sánh với quán chân thân; hạn lượng của thân không nhất định; ngón tay và các tướng khác.
* Quán thân một trượng sáu
Kinh ghi: “Trước nên quán tượng một trượng sáu đứng trong ao sen”.
Giải thích: Vì thuận theo căn cơ chúng sinh ở cõi này, nên nói quán tượng một trượng sáu. Trong kinh không nói đến tượng ngồi hay tượng đứng, nhưng đúng hơn phải là tượng đứng.
* Quán thân lớn
Kinh ghi: “Như trước đã nói, hạn lượng thân của Đức Phật Vô Lượng Thọ là vô biên, tâm lực của hàng phàm phu không thể nghĩ đến, nhưng nhờ nguyện lực của Đức Phật kia nên hễ người nào nhớ nghĩ thì nhất định sẽ thành tựu”.
Giải thích: Hàng phàm phu tâm chí thấp kém, tuy không đủ năng lực quán tưởng, song nhờ nguyện lực của Đức Phật kia mà quán tưởng thành tựu.
* Nêu quán tượng để so sánh với quán chân thân
Kinh ghi: “Chỉ quán tượng Phật mà được vô lượng phước đức như thế, huống gì quán thân tướng chân thật đầy đủ của Phật”.
Giải thích: Quán tượng mà đạt được phước đức, thì có thể biết được phước đức quán chân thân.
* Hạn lượng của thân không nhất định
Kinh ghi: “Đức Phật A-di-đà thần thông như ý, ở trong mười phương biến hiện tự tại, hoặc hiện thân lớn đầy khắp hư không, hoặc hiện thân nhỏ một trượng sáu”.
Giải thích: Thân Phật không có lớn nhỏ, nhưng tùy theo căn cơ mà thấy có khác
* Ngón tay và các tướng khác
Kinh ghi: “Thân hình của Tam thánh được biến hiện ra đó đều có màu vàng ròng, vầng ánh sáng hóa Phật và hoa sen báu đều như đã nói ở pháp quán trước”.
Giải thích: Vầng ánh sáng màu vàng ròng, như đã nói trong pháp quán Phật ở trước. Hoa sen báu đã nói trong pháp quán tòa hoa.
Thứ hai, quán hai vị Bồ-tát
Có hai ý: Trình bày đồng dị để giúp chúng sinh phân biệt; nêu Bồ-tát hầu Phật để chỉ dạy cần phải quán Bồ-tát.
* Trình bày đồng dị để giúp chúng sinh phân biệt
Kinh ghi: “Toàn thân hai vị Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đều giống với chúng sinh, nhưng chỉ nhìn tướng đầu là nhận biết được Bồ-tát Quán Âm hay Đại Thế Chí”.
Giải thích: Thân của hai vị Bồ-tát giống với chúng sinh, tức nói hình tướng của Bồ-tát hoàn toàn khác với hai hàng thánh Thanh văn, Duyên-giác trong đồ chúng ở cõi kia. Thân tướng của hàng đại Bồ-tát thì lẫn lộn nhau. Kinh ghi: “Chúng sinh ở cõi kia đều là hàng A-bệ-bạt-trí, trong đó, có rất nhiều bậc Nhất sinh bổ xứ v.v…”. Do đó, chỉ nhìn đầu của Bồ-tát thì phân biệt được. Bồ-tát Quán Thế Âm thì trên mũ có Đức Phật đứng, Bồ-tát Đại Thế Chí thì trên búi tóc có bình báu.
* Nêu Bồ-tát hầu Phật để chỉ dạy chúng sinh cần phải quán Bồ-tát
Kinh ghi: “Hai vị Bồ-tát này giúp Đức Phật A-di-đà giáo hóa cùng khắp”.
Giải thích: Giúp Đức Phật giáo hóa chính là chúng Ảnh hưởng[72], bởi vì hai vị Bồ-tát này thường theo hầu Đức Phật nên cần phải quán.
3. Kết luận
Kinh ghi: “Pháp quán xen tạp này là pháp quán thứ 13”.
Giải thích: Thân hình ba vị Thánh lớn nhỏ có khác nhau, nên gọi là pháp quán xen tạp.
Từ pháp quán thứ 14 trở đi, là ba pháp quán đồ chúng ở cõi kia. Ba bậc chín phẩm đều là cảnh sở quán. Bởi chỉ nói về tướng vãng sinh thì mọi người còn nghi hoặc. Nay cho rằng những điều trình bày trong văn đều là nói về những người đã được sinh về cõi kia. Bản này dùng tướng tu nhân cảm quả để làm ba cảnh quán gần. Lại nói: “Vì muốn giúp nhận biết ba bậc Thượng, Trung và Hạ”, chính là ba phẩm trong kinh A-di-đà (Đại bản). Ở đây cho rằng ba phẩm trong Đại bản đều nói phát tâm bồ-đề, có thể tương ứng với ba phẩm bậc Thượng trong kinh này. Còn hai bậc Trung và Hạ thì không có chỗ để so sánh. Huống gì nói Bồ-tát tu nhân hoàn toàn khác với ở đây. Nhưng xem văn kinh, so sánh đối chiếu mới biết không phải như thế! Nay trình bày ba phẩm bậc Thượng tức chúng Bồ-tát ở cõi kia. Ba phẩm bậc Trung tức chúng Thanh văn. Ba phẩm bậc Hạ tức chúng thường dân ở cõi kia. Ba bậc chín phẩm bao quát từ phàm đến thánh ở cõi kia. Lại nữa, sự cao thấp của mỗi phẩm trong ba bậc sẽ được trình bày rõ ràng ở sau.
Trong pháp quán thứ 14, có năm việc: Phát tâm bồ-đề là Đại thừa tâm; hiểu rõ Đệ nhất nghĩa là Đại thừa giải; tu tập các hạnh là Đại thừa hạnh; tin sâu nhân quả là Đại thừa tín; hồi hướng vãng sinh là Đại thừa nguyện. Năm việc nầy, trong ba phẩm bậc Thượng có thêm bớt khác nhau. Phẩm Thượng của bậc Thượng có đủ năm pháp. Kinh ghi: “Tam minh tam hạnh”. Phẩm Trung của bậc Thượng có bốn pháp, chỉ thiếu Đại thừa hạnh. Kinh ghi: “Khéo hiểu nghĩa thú”. Phẩm Hạ của bậc Thượng có ba, thiếu Đại thừa giải và Đại thừa hạnh. Kinh ghi: “Chỉ phát tâm Vô thượng đạo”. Nếu không có pháp thứ nhất thì không phải là phẩm Thượng của bậc Thượng. Nếu không có pháp thứ tư và năm thì không được vãng sinh. Cho nên phẩm Thượng của bậc Thượng bao gồm các bậc Bồ-tát Bổ xứ, Sơ tâm không lui sụt.
]
Pháp quán thứ 14: QUÁN BẬC THƯỢNG SINH
Có ba ý: Phẩm Thượng bậc Thượng, phẩm Trung bậc Thượng, phẩm Hạ bậc Thượng.
1. Phẩm Thượng bậc Thượng
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Đức Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Sinh về phẩm Thượng bậc Thượng”.
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Tu nhân; cảm thắng duyên; được vãng sinh; lợi ích sau khi được vãng sinh.
* Tu nhân
Có hai ý: Phát khởi ba tâm; tu tập ba hạnh
+ Phát khởi ba tâm
Kinh ghi: “Nếu có chúng sinh nào nguyện sinh về cõi kia thì phải phát ba loại tâm: Một, Chí thành tâm; hai, Thâm tâm; ba, Hồi hướng phát nguyện tâm. Có đủ ba tâm này thì nhất định được vãng sinh”.
Giải thích: Phát ba tâm là phát tâm Bồ-đề, cũng gọi là Vô thượng đạo tâm.
- Chí thành tâm: Cầu bồ-đề Phật, tâm phải quyết định vững chắc không thay đổi, cho đến khi thành Phật.
- Thâm tâm: Nghe, tư duy, tu tập pháp Đại thừa không thay đổi cho đến khi thành Phật. Thích Luận chép: “Chỉ có Phật mới đạt đến cùng tận đáy biển lớn Trí độ, nên gọi là Thâm” (sâu).
- Hồi hướng phát nguyện tâm: Nguyện đem công đức tu tập ban bố cùng khắp, từ chúng sinh cho đến các Đức Phật.
Nếu đối chiếu với Tam tụ thì tâm thứ nhất tương ứng với Nhiếp luật nghi giới, đoạn trừ tất cả việc ác, ắt là chí thành. Tâm thứ hai tương ứng với Nhiếp thiện pháp giới, tu tất cả việc thiện, cho nên nhất định sâu dần. Tâm thứ ba tương ưng với Nhiếp chúng sinh giới, độ hết thảy chúng sinh, tức là hồi hướng. Nếu đối chiếu với ba đức của Phật, thì tâm thứ nhất chính là Pháp thân Đoạn đức của Phật. Tâm thứ hai chính là Báo thân Trí đức của Phật. Tâm thứ ba chính là Ứng thân Ân đức của Phật. Như vậy, quả là ba thân Phật, còn nhân là ba tâm. Cho nên phát tâm bồ-đề thì không thể thiếu một trong ba tâm này.
+ Tu tập ba hạnh
Có hai ý: Trình bày hành tướng; nêu thời hạn
- Trình bày hành tướng
Kinh ghi: “Lại có ba hạng chúng sinh sẽ được vãng sinh. Ba hạng đó là gì? Một là, tâm từ bi không giết hại, đầy đủ các giới hạnh; hai là, đọc tụng các kinh Đại thừa Phương Đẳng; ba là, tu tập lục niệm, hồi hướng phát nguyện sinh về cõi kia”.
Giải thích: Phát ba tâm trên nhất định phải tu ba hạnh. Nhưng có thuyết nói tu tắt ba hạnh, nhưng theo lý thì vẫn có đủ ba tâm, cho nên nói “Lại có ba hạng chúng sinh v.v…: Một là, không giết hại đứng đầu trong các giới, cho nên nêu lên. Có đủ các giới hạnh sinh về phẩm Trung bậc Thượng, cần phải thọ lãnh giới Đại thừa Bồ-tát. Theo kinh Thiện Giới, thì trước phải thọ Ngũ giới, Thập giới, Cụ túc giới rồi sau thọ giới Bồ-tát, cho nên nói là các giới. Hạng này tương ưng với Chí thành tâm ở trên. Hai là, đọc tụng kinh điển Đại thừa, không chỉ đọc tụng mà còn phải hiểu rõ, phát sinh trí tuệ. Hạng này tương ưng với Thâm tâm. Ba là, hồi hướng phát nguyện vãng sinh, đối chiếu trên có thể biết rõ. Nhưng thêm vào Lục niệm (tức Đại thừa Lục niệm), gồm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên.
- Nêu thời hạn
Kinh ghi: “Có đủ công đức này, từ một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sinh”.
Giải thích: Ít là một ngày, nhiều là bảy ngày. Nêu ít để so sánh với nhiều là muốn nói rõ công đức thù thắng. Như vậy, Bồ-tát thực hành trọn vẹn một niệm đã thuộc dòng giống Phật, huống gì một ngày cho đến bảy ngày, lẽ nào không được vãng sinh ư?
* Cảm được duyên thù thắng
Có ba ý: Các Thánh đến đón rước; Đức Phật A-di-đà phóng ánh sáng chiếu soi; các Thánh đồng thanh khen ngợi khuyến khích
+ Các Thánh đến đón rước
Kinh ghi: “Khi sinh về cõi kia, vì người này tinh tấn dõng mãnh tu tập, cho nên được Đức Phật A-di-đà cùng với vô số hóa Phật, trăm ngàn đại chúng Tỳ-kheo, Thanh văn và vô số chư thiên, cung điện bảy báu, bồ-tát Quán Thế Âm cầm đài kim cương cùng với bồ-tát Đại Thế Chí đến trước người ấy”.
Giải thích: Tinh tấn dõng mãnh tức năng cảm. Tinh tấn là không giải đãi; dõng mãnh là không lui sụt. Từ câu “Phật A-di-đà” trở xuống là nêu Thánh chúng ứng hiện. Phật và đại chúng cùng ứng hiện đến trước mặt người ấy. Cung điện bảy báu tức chỗ ở của Phật. Đài kim cương tức tòa hoa sen, chính là đài vàng tía giống như hoa báu lớn nói ở đoạn sau. Nhưng đài kim cương này khác với đài vàng ở đoạn văn sau. Hai vị Bồ-tát cùng cầm đài kim cương đi theo Đức Phật A-di-đà.
+ Phật A-di-đà phóng ánh sáng chiếu soi và đại chúng đến tiếp dẫn
Kinh ghi: “Đức Phật A-di-đà phóng luồng ánh sáng lớn chiếu soi thân của hành giả, đồng thời các Bồ-tát đưa tay tiếp dẫn”.
+ Các Thánh đồng thanh khen ngợi khuyến khích
Kinh ghi: “Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng với các Bồ-tát khen ngợi, sách tấn tâm hành giả”.
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Hành giả được vãng sinh, vui mừng hớn hở tự thấy thân mình ngồi trên đài kim cương theo sau Phật, trong khoảng khảy móng tay liền được sinh về cõi kia”.
Giải thích: Vì vãng sinh liền cảm nhận được cảnh Thánh nên rất hoan hỷ. Thân xác bỏ lại nhưng thần thức được vãng sinh, giống như ve sầu thoát xác. Cho nên, dù cách xa 10 vạn ức cõi, nhưng chỉ trong một sát-na liền được sinh về cõi Phật kia. Đó hoặc là do nghiệp lực của chúng sinh hoặc là nhờ sức oai thần của các Đức Phật mà chuyển đổi báo thân nhanh như trở bàn tay.
* Lợi ích sau khi được vãng sinh
Có năm ý: Thấy Phật và Bồ-tát; nghe pháp được ngộ đạo; dạo khắp mười phương; được thọ ký trở về bổn quốc; chứng đắc Tổng trì môn.
+ Thấy Phật và Bồ-tát
Kinh ghi: “Được sinh về cõi kia rồi, hành giả thấy sắc thân Phật và Bồ-tát có đầy đủ các tướng quý”.
+ Nghe pháp được ngộ đạo
Kinh ghi: “Ánh sáng, rừng cây báu đều diễn thuyết các pháp vi diệu, nghe rồi liền ngộ Vô sinh pháp nhẫn”.
Giải thích: Các pháp vi diệu là pháp Đại thừa. Được Vô sinh pháp nhẫn tức Đoạn chứng (chứng Pháp thân Đoạn đức).
+ Dạo khắp mười phương
Kinh ghi: “Trong khoảng sát-na được phụng sự các Đức Phật trong khắp mười phương thế giới”.
Giải thích: Phụng sự các Đức Phật, học tập các phương tiện.
+ Được thọ ký và trở về bổn quốc
Kinh ghi: “Ở trước các Đức Phật, theo thứ tự được thọ ký rồi trở về bổn quốc”.
Giải thích: Trong pháp quán Phật nói “Các Đức Phật hiện đến trước mặt thọ ký”, giống với đoạn nầy.
+ Chứng đắc môn Tổng trì
Kinh ghi: “Chứng được vô lượng trăm ngàn môn Đà-la-ni”.
Giải thích: Đà-la-ni, Trung Quốc dịch là Tổng trì: Một, hay giữ gìn việc thiện; hai, hay ngăn ngừa điều ác, tức thông đạt vô lượng các pháp môn.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đó gọi là sinh về phẩm Thượng bậc Thượng”.
2. Phẩm Trung bậc Thượng
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Sinh về phẩm Trung bậc Thượng,”.
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Tu nhân; cảm duyên; được vãng sinh; lợi ích sau khi được vãng sinh
* Tu nhân
Có hai ý: Hành nghiệp; phát nguyện.
+ Hành nghiệp
Kinh ghi: “Không nhất thiết phải thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại thừa, nhưng phải hiểu thấu nghĩa thú, đối với Đệ nhất nghĩa, tâm không sợ hãi, lay động, tin sâu nhân quả, không hủy báng Đại thừa”.
Giải thích: Hai câu trước là nói hạnh bị thiếu sót. Từ câu “Nhưng phải” trở xuống, nói phải hiểu thấu nghĩa thú, liễu đạt các pháp rốt ráo, rỗng lặng. Các pháp đều từ duyên khởi, không có tự tánh, cho nên vượt ra ngoài các pháp gọi là Đệ nhất. Tâm không sợ hãi là không còn các mối nghi ngờ. Tin nhân quả, tức là biết các pháp tuy rỗng không, nhưng nhân quả thiện ác không có một mảy may sai biệt. Tin và hiểu rõ như thế mới khế hợp Đại thừa, lẽ nào lại hủy báng ư?
+ Phát nguyện
Kinh ghi: “Nguyện đem công đức này hồi hướng cầu vãng sinh cõi Cực lạc”.
Giải thích: Xoay công đức này hướng về trang nghiêm cõi kia, nên gọi là hồi hướng. Nếu không nguyện cầu thì dù có tin sâu, hiểu rõ cũng không thoát luân hồi.
* Cảm duyên
Có ba ý: Các Thánh đến đón rước; khen ngợi an ủi; đưa tay tiếp dẫn.
+ Các Thánh đến đón rước
Kinh ghi: “Người tu hạnh này, sau khi mạng chung, được Đức Phật A-di-đà cùng bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và vô lượng đại chúng quyến thuộc vây quanh, tay bưng đài tử kim[73] đến trước mặt hành giả”.
Giải thích: Đài tử kim tức là đài hoa sen.
+ Khen ngợi, an ủi
Kinh ghi: “Khen rằng: Pháp tử! Ông đã tu tập pháp Đại thừa, hiểu rõ Đệ nhất nghĩa”.
Giải thích: Từ pháp hóa sinh, nên gọi là Pháp tử.
+ Đưa tay tiếp dẫn
Kinh ghi: “Do đó, nay ta đến tiếp dẫn ông, đồng thời cũng có ngàn hóa Phật đưa tay tiếp đón”.
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Hành giả thấy mình được ngồi trên đài tử kim, cung kính chắp tay ca ngợi các Đức Phật, trong khoảng một niệm liền sinh về trong ao bảy báu ở cõi kia”.
* Lợi ích sau khi được vãng sinh
Có chín ý: Hoa nở; thân sắc vàng; hoa báu nâng chân; các bậc Thánh phóng ánh sáng; tỏ ngộ được pháp vi diệu; hành giả đảnh lễ; không lui sụt Bồ-đề; dạo chơi; chứng Vô sinh nhẫn, được Phật thọ ký.
+ Hoa nở
Kinh ghi: “Đài tử ma kim này giống như hoa báu lớn trải qua một đêm liền nở”.
+ Thân sắc vàng
Kinh ghi: “Thân của hành giả biến thành màu tử ma kim”.
Giải thích: Theo kinh A-di-đà (Đại bản) thì thân của chúng sinh ở cõi kia đều có màu vàng ròng. Ở đây nêu lên, hẳn để hợp với sự kì diệu.
+ Hoa báu đỡ chân
Kinh ghi: “Dưới chân cũng có hoa sen bảy báu”.
+ Các bậc Thánh phóng ánh sáng đến chiếu soi
Kinh ghi: “Phật và Bồ-tát cùng lúc phóng ánh sáng đến chiếu soi thân hành giả”.
+ Tỏ ngộ được pháp vi diệu
Kinh ghi: “Mắt liền mở sáng, nhờ nhân tu tập đời trước mà nghe được các âm thanh diễn nói pháp Đệ nhất nghĩa đế vi diệu sâu xa”.
+ Hành giả đảnh lễ
Kinh ghi: “Hành giả liền bước xuống đài vàng tía chắp tay đảnh lễ, ca ngợi Thế Tôn”.
+ Không lui sụt bồ-đề
Kinh ghi: “Trải qua bảy ngày, đến thời liền chứng được A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề, đạt được giai vị không lui sụt”.
+ Dạo chơi
Kinh ghi: “Đến thời liền có thể bay đi khắp mười phương cúng dường các Đức Phật”.
Giải thích: Có đầy đủ sáu thần thông, nên có thể bay đi khắp mười phương.
+ Chứng Vô sinh nhẫn, được Phật thọ ký
Kinh ghi: “Ở nơi các Đức Phật tu tập các Tam-muội, trải qua một tiểu kiếp, chứng Vô sinh nhẫn, hiện tiền được Phật thọ ký”.
Giải thích: Một tiểu kiếp là một lần tăng–giảm ở cõi này.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đây gọi là sinh về phẩm Trung bậc Thượng”.
3. Phẩm Hạ bậc Thượng
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận.
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Sinh về phẩm Hạ bậc Thượng…”.
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Tu nhân; cảm duyên; được vãng sinh; lợi ích
* Tu nhân
Có hai ý: Có lòng tin và phát tâm; hồi hướng nguyện sinh.
+ Có lòng tin và phát tâm
Kinh ghi: “Hạng này cũng tin nhân quả, không hủy báng Đại thừa, chỉ phát tâm Vô thượng đạo”.
Giải thích: Ở đây muốn nêu rõ hạnh Vô giải.
+ Hồi hướng nguyện sinh
Kinh ghi: “Đem công đức này hồi hướng cầu sinh về cõi Cực lạc”.
* Cảm duyên
Kinh ghi: “Sau khi mạng chung, hành giả được Đức Phật A-di-đà và bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí bưng đài sen vàng hóa ra 500 Hóa Phật đến tiếp dẫn hành giả, 500 Hóa Phật cùng lúc đưa tay khen ngợi rằng ‘Pháp tử! Nay Ông thanh tịnh, phát tâm Vô thượng đạo, Ta đến tiếp dẫn ông!”.
Giải thích: Hoa sen vàng cũng chính là tòa sen. Khen ngợi thanh tịnh, nghĩa là đã phát tâm rộng lớn, ắt đã lìa bỏ các điều ác.
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Khi thấy những việc này, tự thân liền được ngồi vào đài sen vàng, hoa sen khép lại, theo sau đức Thế Tôn vãng sinh trong ao bảy báu”.
Giải thích: Ở đây không nói thời hạn, nhưng vẫn trong khoảng một niệm như đoạn văn trước đã nói.
* Lợi ích sau khi được vãng sinh
Có năm ý: Hoa nở; thấy Phật; nghe pháp; dạo chơi; nhập giai vị.
+ Hoa nở
Kinh ghi: “Qua một ngày một đêm hoa mới nở”.
+ Thấy Phật
Kinh ghi: “Trong khoảng bảy ngày mới được thấy Phật. Tuy thấy các tướng quý và vẻ đẹp trên thân của Phật, nhưng tâm không nhận biết rõ ràng”.
+ Nghe pháp
Kinh ghi: “Trải qua 21 ngày, mới thấy nghe rõ ràng các âm thanh đều diễn thuyết pháp vi diệu”.
+ Dạo chơi
Kinh ghi: “Dạo chơi khắp mười phương, cúng dường tất cả các Đức Phật. Ở trước các Đức Phật được nghe pháp vi diệu”.
+ Nhập giai vị
Kinh ghi: “Trải qua ba tiểu kiếp đạt được Bách pháp minh môn, trụ Hoan hỷ địa”.
Giải thích: Bách pháp minh môn, trong kinh Hoa Nghiêm chép: “Bồ-tát Sơ địa trong khoảng sát-na đạt được trăm Tam-muội, thấy được trăm Đức Phật, chứng được thần thông có thể vượt qua trăm cõi Phật, có khả năng làm lay động trăm thế giới Phật; ánh sáng chiếu soi khắp trăm cõi Phật; có khả năng thành tựu trăm chúng sinh; biết rõ trăm kiếp ở quá khứ, vị lai; thể nhập được trăm pháp môn; hiện trăm thân. Lại nữa, có thể hiện một thân có trăm Bồ-tát làm quyến thuộc trang nghiêm”. Như trong kinh Nhân Vương nói có ngàn Pháp minh môn, vạn Pháp minh môn, v.v…. Hoan Hỷ địa tức Sơ địa. Vì mới chứng quả Thánh thì có rất nhiều niềm vui, nên gọi là Hoan Hỷ.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đó gọi là sinh về phẩm Hạ bậc Thượng. Đây chính là pháp quán sinh về ba phẩm bậc Thượng, là pháp quán thứ 14”.
Giải thích: Về hành tướng của ba phẩm bậc thượng như đã nêu rõ. Bây giờ sẽ phân tích lại, để thấy rõ cạn sâu khác nhau.
- Một, khi lâm chung các Đức Phật tiếp dẫn khác nhau: Phẩm Thượng thì được Phật và Bồ-tát đến tiếp dẫn; phẩm Trung thì được Bồ-tát cùng với ngàn hóa Phật tiếp dẫn; phẩm Hạ thì được Bồ-tát cùng với 500 hóa Phật đến tiếp dẫn.
- Hai, được ngồi trên đài hoa khác nhau: Phẩm Thượng thì đài kim cương; phẩm Trung thì đài tử ma kim; phẩm Hạ thì hoa sen vàng.
- Ba, thấy Phật nghe pháp khác nhau: Phẩm Thượng thì vãng sinh liền được thấy Phật, nghe pháp; phẩm Trung thì trải qua một đêm; phẩm Hạ thì từ bảy ngày đến 21 ngày.
- Bốn, hoa nở khác nhau: Phẩm Thượng thì đã nở; phẩm Trung thì trải qua một đêm; phẩm Hạ thì một ngày một đêm.
- Năm, chứng ngộ khác nhau: Phẩm Thượng thì sinh về liền chứng ngộ; phẩm Trung thì trải qua một tiểu kiếp; phẩm Hạ thì phải trải qua ba tiểu kiếp mới chứng ngộ.
]
Pháp quán thứ 15: QUÁN BA PHẨM BẬC TRUNG
Pháp quán này bao gồm bốn quả Thanh văn.
Kinh ghi: “Đức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn đều là A-la-hán v.v…”.
Hỏi: Cõi kia toàn là pháp lữ Đại thừa thanh tịnh, sao lại có hàng Thanh văn Tiểu thừa?
Đáp: Hàng Thanh văn ở cõi này có hai hạng: Một, hàng Định tánh Thanh văn, nghĩa là hàng Thanh văn tham đắm Không tịch, chấp giữ Niết-bàn. Vãng Sinh Luận ghi: “Hàng Nhị thừa không được vãng sinh chính là hạng này”. Hai, hàng Bất định tánh Thanh văn, nghĩa là hàng Thanh văn tu pháp Tiểu thừa, nửa chừng hồi tâm hướng về Đại thừa, đã trải qua giáo khai quyền hiển thật, biết chơn Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, được Đức Phật thọ ký; tuy là Thanh văn nhưng không trụ vào quả Tiểu thừa. Hạng này chính là Chân A-la-hán trong kinh Pháp Hoa; là Bồ-tát xuất gia trong kinh Niết-bàn; Thanh văn trong Tịnh Độ chính là hạng này. Hạng này, trước đã học Tiểu thừa, được nghe thuyết về các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, nay được nghe giáo pháp Đại thừa, phát tâm Bồ-đề, liền phát khởi pháp đã tu tập quen thuộc trước kia, nên chứng quả nhỏ, cuối cùng lại trở về Đại thừa.
Ba phẩm bậc Trung này, người sinh về phẩm Thượng bậc Trung thường tu tập giữ gìn bốn loại giới như: Ngũ giới, Thập giới, Bát quan trai giới và Cụ túc giới. Người sinh về phẩm Trung bậc Trung cũng giữ gìn bốn loại giới, nhưng chỉ giữ trong một ngày một đêm. Người sinh về phẩm Hạ bậc Trung là những người có lòng hiếu dưỡng, nhân từ. Hai phẩm Thượng và Trung thì chuyên giữ gìn giới của Phật, đều có tâm hồi hướng cầu vãng sinh; phẩm Hạ vì chỉ sống đúng theo phép tắc, đạo đức thế gian, cho nên khi lâm chung gặp được thiện tri thức. Ba phẩm có sai khác, cho nên nói có cao thấp.
Trong pháp quán thứ 15 này có ba phẩm: Phẩm Thượng bậc Trung, phẩm Trung bậc Trung, phẩm Hạ bậc Trung
1. Phẩm Thượng bậc Trung
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Sinh về phẩm Thượng bậc Trung…”.
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Tu nhân; cảm duyên; được vãng sinh; lợi ích.
* Tu nhân
Có hai ý: Trình bày hành nghiệp; nguyện vãng sinh
+ Trình bày hành nghiệp
Kinh ghi: “Nếu có chúng sinh nào thọ trì Ngũ giới, Bát quan trai giới, tu tập giữ gìn các giới, không tạo tội ngũ nghịch, không có các lỗi lầm”.
Giải thích: Tại gia có hai chúng: Ngũ giới và Bát quan trai giới. Nói các giới, tức bao gồm Thập giới, Cụ túc giới của năm chúng xuất gia[74].
Ngũ giới (5 giới): 1/ Không giết hại; 2/ Không trộm cắp; 3/ Không tà dâm; 4/ Không vọng ngữ; 5/ Không uống rượu.
Bát giới (8 giới) tức năm giới vừa nói trên, thêm vào ba giới nữa, đó là: 6/ Không đeo tràng hoa, anh lạc, không thoa phấn sáp và các thứ dầu thơm, hương thơm vào mình; 7/ Không được ngồi, nằm giường cao và không được ca, múa, xướng, hát,…; 8/ Không được ăn phi thời.
Trong đó giới dâm là đoạn hẳn cả tà lẫn chánh, nên được thêm vào từ “Tịnh hạnh”[75]. Trai là giữ tâm thanh tịnh trong một thời gian ngắn. Bát trai có năng lực ngăn ngừa các căn nên còn gọi là Bát quan. Như trong Luật trình bày đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, trong bốn loại giới này, tùy theo tăng hay tục mà giữ gìn khác nhau; nhưng người xuất gia thì phải giữ gìn đầy đủ. Đã giữ gìn giới thanh tịnh, tất nhiên lìa bỏ được các lỗi lầm. Trong các tội, Ngũ nghịch là tội nặng nhất, nên nêu riêng.
+ Nguyện vãng sinh
Kinh ghi: “Nguyện đem căn lành này hồi hướng cầu sinh về thế giới Tây phương Cực lạc”.
Giải thích: Căn lành là nhân, sinh về Cực lạc là quả.
* Cảm duyên
Có ba ý: Thánh chúng hiện tiền; ánh sáng chiếu đến thân; thuyết pháp khai ngộ
+ Thánh chúng hiện tiền
Kinh ghi: “Khi mạng chung, được Đức Phật A-di-đà và các tỳ-kheo quyến thuộc vây quanh”.
+ Ánh sáng chiếu đến thân
Kinh ghi: “Phóng ánh sáng màu vàng ròng chiếu đến chỗ hành giả”.
+ Thuyết pháp khai ngộ
Kinh ghi: “Diễn thuyết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã và khen ngợi người xuất gia xa lìa các khổ”.
Giải thích: Khen ngợi xuất gia, tức nêu rõ phẩm này phần nhiều là hàng xuất gia. “Xa lìa các khổ” là gần thì lìa bỏ được duyên trần tục, xa thì trừ sạch phiền não, lậu hoặc.
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Hành giả thấy rồi, tâm rất hoan hỷ, thấy thân mình ngồi vào đài hoa sen, quỳ dài chắp tay đảnh lễ Đức Phật, trong khoảng sát-na chưa ngẩng đầu lên thì liền được sinh ve thế giới Cực lạc”.
Giải thích: Ngồi đài hoa sen, lễ Phật thì thần thức đã lìa thân.
* Lợi ích
Có hai ý: Nghe pháp; chứng đạo.
+ Nghe pháp
Kinh ghi: “Hoa sen liền nở, ngay khi hoa nở, liền được nghe các âm thanh khen ngợi giáo lý Tứ đế”.
Giải thích: Khen ngợi Tứ đế là thuận theo những pháp đã tu tập. Hai pháp Khổ và Tập là nhân quả thế gian cần phải đoạn; Diệt và Đạo là nhân quả xuất thế gian cần phải chứng. Vì bốn pháp này đều chân thật cho nên gọi là đế.
+ Chứng đạo
Kinh ghi: “Đúng thời liền chứng được A-la-hán đạo, đầy đủ ba Minh, sáu Thần thông và tám Giải thoát”.
Giải thích: “A”, Trung Quốc dịch là Vô; “La-hán” dịch là Sinh. A-la-hán là Vô sinh. Các kết sử, lậu hoặc đã đoạn sạch, không thọ thân sau, cho nên gọi là Vô sinh, cũng gọi là Ứng cúng, Sát tặc. Như phần trình bày riêng.
Ba Minh: 1/ Quá khứ Túc mạng minh (Trí huệ biết rõ thân mạng đời quá khứ); 2/ Hiện tại Lậu tận minh (Trí huệ biết rõ đoạn sạch lậu hoặc đời hiện tại); 3/ Vị lai Thiên nhãn minh (Trí huệ biết rõ sinh tử đời vị lai). Ba trí này thông suốt thấu triệt tất cả pháp, nên gọi riêng là Minh.
Sáu Thần thông: 1/ Thiên nhãn thông; 2/ Thiên nhĩ thông; 3/ Tha tâm thông; 4/ Túc mệnh thông; 5/ Như ý thông; 6/ Lậu tận thông. Sáu căn này đều không còn bị ngăn bít, cho nên gọi chung là Thông.
Tám Giải thoát còn gọi là tám Bối xả: 1/. Nội hữu sắc tướng ngoại quán sắc. (Không quán bộ xương bên trong thân người mà quán sắc tướng bất tịnh bên ngoài, được vào Sơ thiền). 2/. Nội vô tướng ngoại quán sắc. (Quán diệt tận tướng xương trắng bên trong thân và quán bất tịnh bên ngoài thì được vào Nhị thiền). 3/. Duyên tịnh bối xả thân tác chứng. (Trừ bỏ bất tịnh bên ngoài, tâm định trong suốt, gọi là Duyên tịnh, vì không có tâm đắm trước, mà thọ sự an lạc ở Tam thiền, nên gọi là thân chứng). 4/. Hư không xứ bối xả. (Diệt sắc ở Tứ thiền, tâm duyên Vô biên không xứ, nhập định, biết rõ vô thường, khổ và không, nên sinh tâm nhàm chán, xa lìa). 5/. Thức xứ bối xả. (Lìa bỏ Không vô biên xứ, duyên vào Thức vô biên xứ, nhập định biết rõ vô thường, nên tâm sinh nhàm lìa). 6/. Vô sở hữu xứ bối xả. (Lìa bỏ Thức vô biên xứ, duyên vào Vô sở hữu xứ, nhập định, nhận biết vô thường mà sinh tâm nhàm lìa). 7/. Phi hữu tưởng phi vô tưởng bối xả. (Lìa bỏ Vô sở hữu xứ, duyên Phi phi tưởng xứ, nhập định, biết vô thường mà sinh tâm nhàm lìa). 8/. Diệt thọ tưởng bối xả. (Diệt thọ, xả bỏ tâm và tâm sở pháp, nhập định vắng lặng gọi là lìa bo). Ngoài ra, thứ tự như các pháp giới.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đây gọi là sinh về phẩm Thượng bậc Trung”.
2. Phẩm Trung bậc Trung
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Phẩm Trung bậc Trung…”.
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Tu nhân; cảm duyên; được vãng sinh; lợi ích.
* Tu nhân
Có hai ý: Hành nghiệp; nguyện cầu
+ Hành nghiệp
Kinh ghi: “Nếu có chúng sinh nào thọ trì giới Bát quan trai một ngày một đêm, hoặc thọ trì giới Sa-di một ngày một đêm, hoặc thọ trì giới Cụ túc một ngày một đêm, đầy đủ oai nghi”.
Giải thích: Văn kinh lược bỏ Ngũ giới, đoạn văn trước lược bỏ Thập giới, Cụ túc giới; trước sau bổ túc nhau, tất nhiên đầy đủ bốn loại giới. Giới Sa-di tức Thập giới, đó là tám giới ở trước, phân giới thứ bảy ra làm hai giới và thêm vào giới không cất giữ vàng bạc, vật quí, tiền v.v… thành ra 10 giới. Giới Cụ túc là giới của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni lãnh thọ. Bảy chi giới[76] nầy phát động thì bao trùm tất cả cảnh giới chúng sinh, nên gọi là Cụ túc.
+ Nguyện cầu
Kinh ghi: “Nguyện đem công đức này hồi hướng cầu sinh về cõi Cực lạc, dùng hương giới để huân tu”.
Giải thích: Giữ giới thanh tịnh các nghiệp để cầu quả báo tịnh, giữ giới thành tựu thì tiếng thơm đồn xa, cho nên dụ như hương.
* Cảm duyên
Có hai ý: Thấy Phật và Thánh chúng; nghe giữa hư không có tiếng khen ngợi
+ Thấy Phật và Thánh chúng
Kinh ghi: “Như thế, khi hành giả lâm chung thì được thấy Phật A-di-đà cùng với các quyến thuộc phóng ánh sáng màu vàng ròng, cầm hoa sen bảy báu đến trước hành giả”.
Giải thích: Phóng ánh sáng chiếu đến thân, cầm hoa sen tiếp dẫn.
+ Nghe giữa hư không có tiếng khen ngợi
Kinh ghi: “Hành giả nghe giữa hư không có tiếng khen ngợi rằng: Này Thiện nam! Ông là bậc Thiện nhân hành tùy thuận giáo lý của các Đức Phật trong ba đời, nên nay Ta đến đón tiếp ông!”.
Giải thích: Các Đức Phật trong ba đời đều khuyên giữ giới, đoạn ác tu thiện, nên nay giữ giới chính là tùy thuận
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Hành giả tự thấy được ngồi trên tòa hoa sen, hoa liền khép lại, được sinh về thế giới Cực lạc Tây phương”.
Giải thích: Hoa khép lại liền vãng sinh, thời gian cũng trong khoảng một niệm.
* Lợi ích
Có ba ý: Thấy Phật; nghe pháp; chứng ngộ.
+ Thấy Phật
Kinh ghi: “Ở trong ao báu trải qua bảy ngày, hoa sen liền nở, khi hoa nở thì hành giả mở mắt, chắp tay ca ngợi Đức Thế Tôn”.
Giải thích: Văn trình bày việc ca ngợi, ý hợp với việc thấy ở trước.
+ Nghe pháp
Kinh ghi: “Nghe pháp hoan hỷ”.
Giải thích: Pháp được nghe chính là các pháp tứ đế, khổ, không, vô thường v.v… phẩm Hạ cũng như vậy.
+ Chứng ngộ
Kinh ghi: “Chứng quả Tu-đà-hoàn, trải qua nửa kiếp thì thành tựu quả A-la-hán”.
Giải thích: Tu-đà-hoàn Trung Quốc dịch là Nghịch lưu, nghĩa là ngược dòng sinh tử, tức Sơ quả.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đây gọi là sinh về phẩm Trung của bậc Trung”.
3. Phẩm Hạ bậc Trung
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Phẩm Hạ bậc Trung…”
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Tu nhân; cảm duyên; được vãng sinh; lợi ích.
* Tu nhân
Kinh ghi: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hiếu dưỡng cha mẹ, làm điều nhân từ ở thế gian”.
Giải thích: Cung phụng hầu hạ thì nên thuận theo sắc mặt, vâng theo ý muốn cha mẹ mà làm, đó là hiếu dưỡng. Nhà Nho cho rằng việc hiếu dưỡng cha mẹ là nền tảng của muôn hạnh. Đem lòng thương yêu đến mọi loài, cứu giúp tất cả chúng sinh, là thực hành điều nhân từ ở thế gian. Nhà Nho cho rằng đức của người quân tử là nhờ khi sống gom chứa điều thiện, nên lâm chung gặp được duyên lành.
* Cảm duyên
Kinh ghi: “Lúc sắp chết, người nầy gặp được thiện tri thức nói rõ những việc an vui ở quốc độ của Đức Phật A-di-đà và trình bày 48 lời nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng cho nghe”.
Giải thích: Dùng điều thiện giáo hóa, nên nhiều người quen biết, tức biết đức hạnh, quen diện mạo của người ấy. Phẩm Diệu Trang Nghiêm trong kinh Pháp Hoa ghi: “Thiện tri thức là nhân duyên lớn”, tức chỉ vợ con là thiện tri thức. Nên biết rằng, chỉ cần có khả năng khai đạo, dẫn dắt không kể là tăng hay tục. Việc an vui ở cõi Cực lạc như đã nói trong phần y báo ở trên và trong kinh A-di-đà (Đại bản, Tiểu bản). Tỳ-kheo Pháp Tạng là tên của Đức Phật A-di-đà trong tiền kiếp. Vào thuở xa xưa, Ngài là một vị quốc vương được gặp Đức Phật Tự Tại Vương khai đạo, Ngài liền từ bỏ ngôi vị xuất gia, ở trước Đức Phật phát 48 lời nguyện.
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Nghe việc nầy rồi, liền mạng chung, trong khoảng thời gian bằng thời gian tráng sĩ co duỗi cánh tay liền được sinh về thế giới Cực lạc Tây phương”.
Giải thích: Ở đây, đúng ra khi lâm chung có những việc cầm hoa đến đón rước v.v…, nhưng văn lược bớt không nêu. Khoảnh khắc tráng sĩ co duỗi cánh tay, là thời gian rất ngắn.
* Lợi ích
Có ba ý: Hoa nở, nghe pháp, đắc đạo.
+ Hoa nở
Kinh ghi: “Sau khi vãng sinh, trải qua bảy ngày liền gặp được bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí”.
Giải thích: Văn kinh chỉ nói bảy ngày mà không nói hoa nở.
+ Nghe pháp
Kinh ghi: “Nghe pháp vui mừng”.
Giải thích: Chỉ được nghe hai vị Bồ-tát thuyết pháp, chứ chưa được thấy Phật.
+ Đắc đạo
Kinh ghi: “Chứng quả Tu-đà-hoàn, trải qua một tiểu kiếp thì chứng quả A-la-hán”.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đây gọi là sinh về phẩm Hạ bậc Trung. Pháp quán này là pháp quán thứ 15, sinh về ba phẩm bậc Trung”.
Giải thích: Hai bậc trước, khi lâm chung, hành giả thấy Phật, được ánh sáng chiếu soi, nghe pháp. Ba phẩm bậc Hạ này đều không giống như hai bậc trước là ngay khi vãng sinh được thấy Phật, nghe pháp mà chỉ thấy hai vị bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Hai bậc trước đều có trình bày việc hành giả ngồi vào tòa sen đến cõi kia thì hoa nở; còn bậc Hạ thì không nói đến, đúng ra phải có, nhưng văn kinh lược bỏ. Ở bậc Thượng sinh về cõi kia, đúng thời liền đạt được bốn quả Thanh văn; bậc Trung sau khi sinh về nửa kiếp thì thành tựu được quả A-la-hán; còn bậc Hạ thì một kiếp mới chứng quả. Đối chiếu thì thấy rõ.
Pháp quán thứ 16: QUÁN BA PHẨM BẬC HẠ
Sinh về ba phẩm bậc Hạ đều là những người hoàn toàn không tu nhân, khi còn sống đã gây tạo việc ác, nhưng khi sắp chết gặp được duyên lành. Thập Nghi Luận ghi: “Nếu không có duyên lành đời trước, thì đời nay cũng không gặp”. Ba phẩm này đều nhờ nhân xa xưa. Người sinh về phẩm Thượng bậc Hạ là những người buông lung, tạo ác mà không biết hổ thẹn; người sinh về phẩm Trung bậc Hạ phần nhiều là những người thuộc năm chúng xuất gia mà chỉ lo mong cầu danh lợi, hủy phạm giới luật; người sinh về phẩm Hạ bậc Hạ là những người gây tạo các tội nặng như mười tội ác, năm tội nghịch. Tội lỗi có nặng có nhẹ, nên chia ra làm ba hạng như thế.
1. Phẩm Thượng bậc Hạ
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Sinh về phẩm Thượng bậc Hạ …”
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Lúc sống làm ác; lâm chung gặp duyên lành; thấy tướng được vãng sinh; lợi ích.
* Lúc sống làm ác
Kinh ghi: “Nếu có chúng sinh nào gây tạo các việc ác, tuy không phỉ báng kinh điển Đại thừa, nhưng những người ngu như thế phần nhiều gây tạo điều ác mà không biết hổ thẹn”.
Giải thích: Nói gây tạo các việc ác, là chưa phải tội cực trọng. Không hủy báng kinh điển là vẫn còn có lòng tin chân chánh.
* Lâm chung gặp duyên lành
Có hai ý: Thiện tri thức khai đạo, Hóa Phật đến khen ngợi.
+ Thiện tri thức khai đạo
Có hai ý: Nghe pháp trừ được nghiệp chướng, niệm danh hiệu Phật, diệt được tội ác.
- Nghe pháp trừ được nghiệp chướng
Kinh ghi: “Khi sắp mạng chung, gặp được Thiện tri thức giảng nói về danh hiệu của 12 thể loại kinh Đại thừa, nhờ nghe được danh hiệu của các thể loại kinh như thế, nên trừ bỏ được những tội cực ác trong ngàn kiếp”.
- Niệm danh hiệu Phật diệt được tội ác
Kinh ghi: “Thiện tri thức lại khuyên dạy chắp tay, xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, nhờ niệm danh hiệu Phật mà diệt trừ được tội sinh tử trong 50 ức kiếp”.
Giải thích: Danh hiệu Phật ở đề kinh có công đức không thể nghĩ bàn, nên số kiếp diệt tội dài như thế.
+ Hóa Phật đến khen ngợi
Có hai ý: Hóa Bồ-tát đến đón rước, khen ngợi tiếp dẫn.
- Hóa Bồ-tát đến đón rước
Kinh ghi: “Bấy giờ, Đức Phật Vô Lượng Thọ sai hóa Phật và hóa Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đến trước hành giả”.
- Khen ngợi tiếp dẫn
Kinh ghi: “Khen rằng: Thiện nam tử! Ngươi xưng niệm danh hiệu Phật, nên các tội tiêu diệt, nay Ta đến tiếp dẫn ngươi!”.
* Thấy tướng được vãng sinh
Kinh ghi: “Sau khi nghe khen, hành giả liền thấy ánh sáng của Hóa Phật chiếu sáng khắp cả phòng, hành giả vui mừng liền mạng chung, ngồi vào hoa sen báu, theo sau Hóa Phật sinh về ao báu”.
* Lợi ích
Có ba ý: Hoa nở, bồ-tát Quán Thế Âm thuyết pháp, nghe pháp chứng ngộ.
+ Hoa nở
Kinh ghi: “Trải qua 49 ngày hoa mới nở”.
+ Bồ-tát Quán Thế Âm thuyết pháp
Kinh ghi: “Khi hoa đang nở thì Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí phóng hào quang đến trước mặt hành giả, giảng thuyết 12 thể loại kinh”.
Giải thích: Mười hai thể loại kinh, cũng gọi là 12 phần giáo là tất cả các giáo pháp được các Đức Phật giảng thuyết, gồm cả Đại thừa và Tiểu thừa: 1/ Khế kinh; 2/ Trùng tụng; 3/ Thọ ký; 4/ Phúng tụng; 5/ Vô vấn tự thuyết; 6/ Nhân duyên; 7/ Thí dụ; 8/ Bản sinh; 9/ Bản sự; 10/ Phương quảng; 11/ Vị tằng hữu; 12/ Luận nghị.
+ Nghe pháp chứng ngộ
Kinh ghi: “Được nghe pháp rồi, hành giả tin hiểu, liền phát tâm Vô thượng đạo. Trải qua 10 tiểu kiếp được đầy đủ Bách pháp minh môn, chứng Sơ địa”.
Giải thích: Ba phẩm bậc Trung chỉ nói quả nhỏ, vì trước đã nói phát đại tâm, nên không trình bày rõ. Bách pháp minh môn, giống như trước đã giải thích.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đây gọi là sinh về phẩm Thượng bậc Hạ”.
2. Phẩm Trung bậc Hạ
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Sinh về phẩm Trung bậc Hạ,”
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Nhân tạo ác; gặp được Thiện tri thức; được vãng sinh; lợi ích.
* Nhân tạo ác
Có ba ý: Nêu riêng bốn lỗi; tổng kết bốn lỗi; trình bày quả báo đời sau.
+ Nêu riêng bốn lỗi
Có bốn ý: Tội hủy phạm giới pháp; phạm tội trộm; tội thuyết pháp; lỗi không hổ thẹn.
- Tội hủy phạm giới pháp
Kinh ghi: “Nếu có chúng sinh nào hủy phạm Ngũ giới, Bát giới, cho đến Cụ túc giới,”.
Giải thích: Văn kinh lược bỏ giới Sa-di.
- Phạm tội trộm
Kinh ghi: “Người ngu nầy trộm vật của Tăng-kỳ, vật của hiện tiền tăng”.
Giải thích: Vì phạm tội trộm vật của Tăng-kỳ rất nặng, nên đặc biệt nêu lên. Tăng-kỳ, Trung Quốc dịch là Đại chúng. Vật của thường trụ có hai loại: 1/ Thường trụ thường trụ, tức gạo thóc v.v… trong chùa viện; 2/ Thập phương thường trụ, tức các thức ăn, thức uống v.v… cúng dường chúng tăng. Vật hiện tiền có hai loại: 1/ Hiện tiền hiện tiền, là vật cúng cho số lượng tăng hiện có; 2/ Thập phương hiện tiền là vật bố thí cho tất cả tăng. Trộm bốn loại vật nầy đều là phạm tội cả. Kinh ghi: “Phạm năm tội nghịch, bốn tội trọng, Ta có thể cứu vớt được, nếu trộm của Tăng-kỳ, thì Ta không thể cứu. Điều này phải hết sức ngăn ngừa”.
- Tội thuyết pháp
Kinh ghi: “Thuyết pháp với tâm bất tịnh”.
Giải thích: Nói “bất tịnh”, vì mượn Phật pháp để mong cầu lợi dưỡng.
- Lỗi không hổ thẹn.
Kinh ghi: “Không có tâm hổ thẹn”.
Giải thích: Ngang nhiên tạo tác mà trong lòng không mảy may xấu hổ.
+ Tổng kết bốn lỗi
Kinh ghi: “Dùng các nghiệp xấu ác để trang sức thân mình”
Giải thích: Thân đầy dẫy những dấu vết xấu ác, nên gọi là trang sức.
+ Trình bày quả báo đời sau
Kinh ghi: “Người tội ấy, do gây tạo nghiệp ác, nên đáng bị đọa địa ngục”.
* Gặp được Thiện tri thức
Có ba ý: Nghiệp tướng hiện tiền, thiện tri thức khai đạo, nghe pháp được diệt tội
+ Nghiệp tướng hiện tiền
Kinh ghi: “Khi sắp chết, các thứ lửa ở địa ngục cùng lúc hiện đến”.
Giải thích: Các thứ lửa ở địa ngục, như: vạc dầu sôi, lò lửa, nước đồng sôi, hoàn sắt nóng đỏ v.v… Thiên Thai ghi “hỏa xa tướng hiện”, tức bánh xe lửa. Tướng của quả ẩn trong nhân chính là nghiệp ở trong tự tâm.
+ Thiện tri thức khai đạo
Kinh ghi: “Gặp Thiện tri thức đem lòng đại từ bi khen ngợi, giảng thuyết oai đức mười lực của Đức Phật A-di-đà, nói về thần lực của hào quang Đức Phật kia, cũng như ca ngợi về Giới, Định, Huệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến”.
Giải thích: Nói về công đức của Phật, có ba loại: Thập lực; Quang minh; Ngũ phần pháp thân.
- Thập lực:
Xứ phi xứ lực: Như Lai biết tất cả nhân, duyên quả báo, biết rõ từ nhân này không sinh quả này.
Nghiệp trí lực: Phật biết như thật về nhân, duyên, quả, báo trong ba đời của tất cả chúng sinh.
Định lực: Phật biết như thật tất cả Tam-muội của các Đức Phật.
Căn lực: Phật biết như thật tất cả căn cơ cơ lợi độn của chúng sinh.
Dục lực: Phật biết như thật tất cả các thứ ham thích của chúng sinh.
Tánh lực: Phật biết như thật tất cả các tánh ở thế gian.
Chí xứ đạo lực: Phật biết như thật tất cả cảnh giới qui hướng của chúng sinh.
Túc mạng lực: Phật biết như thật đối với các túc mạng, từ một đời, hai đời cho đến trăm ngàn kiếp.
Thiên nhãn lực: Phật dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy biết như thật về các tướng nghiệp báo sinh tử của chúng sinh.
Lậu tận lực: Phật đã đoạn sạch hết hữu lậu, đạt được tâm vô lậu giải thoát.
- Năm phần Pháp thân[77]
Trong năm phần này, ba phần trước có thể hiểu được. Tu nhân cảm quả gọi là Giải thoát. Ngũ trụ phiền não[78] và hai phần sinh tử[79] rốt ráo đoạn sạch, sau khi chứng quả, khởi dụng độ sinh gọi là Giải thoát tri kiến.
+ Nghe pháp được diệt tội
Kinh ghi: “Hành giả nghe pháp rồi, đoạn trừ được tội sinh tử trong 80 kiếp, lửa dữ địa ngục hóa thành gió mát dịu, các trời rải hoa, trên mỗi hoa đều có Hóa Phật và Hóa Bồ-tát đến đón rước hành giả”.
Giải thích: Cảm ứng được hóa Phật đến đón rước, bởi vì nghe được oai đức của Phật, vừa khởi niệm tin thọ, liền chuyển các nghiệp ác thành nghiệp thiện, lửa dữ hóa thành gió mát. Cảnh biến chuyển theo tâm nhanh như thế.
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Trong khoảng một niệm, liền được sinh về trong hoa sen nơi ao bảy báu”.
* Lợi ích
Có ba ý: Hoa nở; hai vị Bồ-tát thuyết pháp; nghe pháp đạt được lợi ích
+ Hoa nở
Kinh ghi: “Trải qua sáu kiếp hoa sen mới nở”.
+ Hai vị Bồ-tát thuyết pháp
Kinh ghi: “Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí dùng Phạm âm[80] an ủi và giảng thuyết cho hành giả nghe kinh điển Đại thừa vi diệu”.
+ Nghe pháp được lợi ích
Kinh ghi: “Hành giả nghe pháp này rồi, liền phát tâm Vô thượng bồ-đề”.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đây gọi là sinh về phẩm Trung bậc Hạ”.
3. Phẩm Hạ bậc Hạ
Có ba ý: Nêu ra; giải thích; kết luận
Thứ nhất, nêu ra
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan và Vi-đề-hi: Người sinh về phẩm Hạ bậc Hạ,”
Giải thích: Trong phần “Nêu ra”, chỉ có phẩm Thượng của bậc Thượng và Trung mới có từ “Phật bảo …”, nhưng ba phẩm bậc Hạ, mỗi phẩm đều có, là vì người gây tạo việc ác mà được vãng sinh là trái với lẽ thường, dễ khiến cho mọi người ngạc nhiên, nghi ngờ, khó tin, cho nên phải có từ nầy. Mục đích là khiến cho người nghe tin nhận.
Thứ hai, giải thích
Có bốn ý: Tạo nhân ác; gặp được duyên; được vãng sinh; lợi ích.
* Tạo nhân ác
Có hai ý: Trình bày nghiệp hiện tại; nêu quả báo vị lai.
+ Trình bày nghiệp hiện tại
Kinh ghi: “Nếu có chúng sinh nào tạo nghiệp bất thiện, Ngũ nghịch, thập ác, đủ các pháp bất thiện”.
Giải thích: Ngũ nghịch: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu. Vì những việc này trái bội ân đức, nên gọi là năm tội nghịch. Sinh báo bị đọa vào địa ngục A-tì, nên gọi là nghiệp Ngũ vô gián. Thập ác: thân có ba tội, miệng có bốn tội và ý có ba tội. Tất cả nghiệp ác đều gồm thâu vào 10 tội nầy. Một khi đã gây tạo tội cực trọng rồi thì các tội khác không thể tránh khỏi, cho nên gọi là đủ các pháp bất thiện.
Hỏi: Trong kinh A-di-đà (Đại bản) ghi: “… Cho đến mười niệm, nếu chẳng sinh về cõi nước ta, ta thề không thành Chánh giác, chỉ trừ tội Ngũ nghịch, tội phỉ báng Chánh pháp…”. Kinh này cho rằng tội Ngũ nghịch cũng được vãng sinh. Nay giải thích rằng, nếu căn cứ theo nguyện lực của Đức Phật A-di-đà, há lại bỏ những người tạo tội Ngũ nghịch ư?
Phương tiện tùy theo căn cơ, ngôn giáo có khác nhau, nhưng nghĩa thú kinh chỉ một. Kinh kia thì trình bày sự vi diệu của cõi Cực lạc để khuyến tấn những người có thiện căn; còn kinh này thì nêu rõ công năng thâm hậu của Tịnh nghiệp, không bỏ sót kẻ bị phạm tội cực ác, chỉ cần trì niệm danh hiệu Phật, hồi hướng cầu vãng sinh thì tội nào cũng diệt.
Kinh Quán Phật Tam-muội ghi: “Trong bốn chúng đệ tử, nếu có người tạo năm tội nghịch, hủy phạm bốn giới trọng v.v…, người này nếu chí tâm buộc niệm một ngày một đêm quán một tướng quí nào đó của Phật thì các tội chướng, nghiệp ác đều được tiêu diệt”.
Trích dẫn đoạn kinh trên để minh chứng các tội cực ác này đều được trừ diệt, còn nghi ngờ gì nửa?
+ Nêu quả báo vị lai
Kinh ghi: “Người ngu như thế, do gây tạo nghiệp ác, cho nên phải bị đọa vào đường ác nhiều kiếp, chịu vô lượng khổ”.
Giải thích: Tùy phạm một tội nghịch, bị đọa địa ngục A-tì một kiếp, huống gì phạm nhiều tội, nên kinh nói nhiều kiếp.
* Gặp được duyên
Có hai ý: Thiện tri thức khai đạo; tướng thù thắng hiện tiền.
+ Thiện tri thức khai đạo
Có bốn ý: Giảng thuyết diệu pháp; bệnh khổ không thể niệm Phật; dạy tu mười niệm; diệt các tội.
- Giảng thuyết pháp vi diệu
Kinh ghi: “Người ngu như thế, trong lúc sắp chết gặp được Thiện tri thức an ủi khuyên bảo, thuyết diệu pháp và dạy niệm Phật”.
Giải thích: Thuyết diệu pháp chính là khen ngợi Tịnh độ. Dạy niệm Phật, tức dạy quán tưởng.
- Bệnh khổ không thể niệm Phật
Kinh ghi: “Người này bị khổ bức bách, không rảnh niệm Phật”.
- Dạy tu mười niệm
Kinh ghi: “Thiện hữu tri thức dạy rằng: Nếu ông không thể nhớ Đức Phật kia thì nên xưng niệm danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ. Chí thành niệm như thế, tiếng niệm không đoạn dứt, đầy đủ 10 niệm Nam-mô A-di-đà Phật”.
Giải thích: Tâm quán tưởng là nhớ, miệng tụng là xưng niệm. Mười niệm là 10 tiếng.
- Diệt các tội.
Kinh ghi: “Do xưng niệm danh hiệu Phật, nên mỗi mỗi niệm diệt trừ được tội sinh tử trong 80 kiếp”.
+ Tướng thù thắng hiện tiền
Kinh ghi: “Khi sắp lâm chung, người nầy thấy tòa sen vàng giống như vầng mặt trời ở trước mặt”.
Giải thích: Hoa giống như mặt trời là dụ cho hạn lượng của nó. Theo Câu-xá thì đường kính mặt trời là 51 do-tuần. Nay ở đây, chỉ nói theo góc độ đứng từ mặt đất nhìn lên. Lớn hay nhỏ chưa hẳn đúng như Luận trình bày.
* Được vãng sinh
Kinh ghi: “Trong khoảng một niệm, liền được sinh về thế giới Cực lạc”.
* Lợi ích
Có ba ý: Hoa nở; hai vị Bồ-tát thuyết pháp; nghe pháp được lợi ích.
+ Hoa nở
Kinh ghi: “Ở trong hoa sen mãn 12 đại kiếp, hoa sen mới nở”.
+ Hai vị Bồ-tát thuyết pháp
Kinh ghi: “Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí dùng âm thanh đại từ bi giảng thuyết cho người nầy nghe rõ về thật tướng các pháp, trừ được tội chướng”.
Giải thích: Tội do duyên sinh, không có tự tánh. Các pháp đều như thế, nên gọi là thật tướng. Phổ Hiền Hành Pháp ghi: “Tất cả biển nghiệp chướng đều từ vọng tưởng sinh ra, nếu người nào muốn sám hối thì phải ngồi ngay thẳng, niệm thật tướng các pháp”.
+ Nghe pháp được lợi ích
Kinh ghi: “Nghe pháp như vậy rồi, đúng thời, người nầy liền phát tâm Bồ-đề”.
Thứ ba, kết luận
Kinh ghi: “Đây gọi là sinh về phẩm Hạ bậc Hạ. Pháp quán này là pháp quán sinh về bậc Hạ, chính là pháp quán thứ 16”.
]
B.III. LỢI ÍCH
Có hai ý: Chúng đương cơ[81] thấy sự trang nghiêm của y báo, chánh báo ở cõi kia; tùy căn cơ mà đạt được lợi ích.
B.III.1. Chúng đương cơ thấy sự trang nghiêm của y báo, chánh báo ở cõi kia
Kinh ghi: “Khi nói lời nầy xong, Vi-đề-hi cùng với 500 thị nữ ngay sau khi nghe Đức Phật giảng liền thấy cõi Cực lạc rộng lớn, thấy thân Phật và hai vị Bồ-tát”.
Giải thích: Văn trước nói chỉ riêng Vi-đề-hi thấy, đoạn này nói cả đại chúng đều thấy.
B.III.2. Tùy căn cơ mà đạt được lợi ích
Có ba ý: Phu nhân chứng ngộ; 500 thị nữ phát tâm bồ-đề, được Phật thọ ký; chư thiên phát tâm.
1. Phu nhân chứng ngộ
Kinh ghi: “Tâm sinh hoan hỷ, khen là việc chưa từng có, rồi hoát nhiên đại ngộ, chứng nhập Vô sinh nhẫn”.
Giải thích: Hoát nhiên đại ngộ là phá sạch vô minh. Chứng nhập Vô sinh nhẫn là chứng nhập Pháp tánh.
2. Năm trăm thị nữ phát tâm bồ-đề, được thọ ký
Kinh ghi: “Năm trăm thị nữ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề, nguyện sinh về cõi kia. Đức Thế Tôn liền thọ kí đều sẽ được vãng sinh. Sinh về cõi nước kia rồi liền được Tam-muội hiện tiền của các Đức Phật”.
Giải thích:
Hỏi: Vãng Sinh Luan ghi: “Người nữ, người thiếu căn đều không được vãng sinh”, nay tại sao nói ngược lại với luận kia?
Đáp: Không thể cho rằng người nữ và người thiếu căn ở cõi nầy không được sinh về cõi kia, mà phải nói người sinh về cõi kia không còn thọ nhận quả báo thân nữ và thiếu căn nữa. Bởi vì Đức Phật A-di-đà có phát lời nguyện rằng: “Nếu có người nữ nào sinh về cõi nước ta mà còn chịu thân nữ nữa thì ta thề không thành Chánh giác”. Còn có nguyện rằng: “Nếu trời, người sinh về nước ta mà không đầy đủ 32 tướng quí thì ta thề không thành Chánh giác”. Như thế đủ biết cõi kia không có người nữ và người thiếu căn. Ngoài ra, như Thập Nghi Luận đã trình bày.
3. Chư thiên phát tâm
Kinh ghi: “Vô lượng chư thiên phát tâm Vô thượng”.
Giải thích: Đức Phật ở trong thâm cung giảng nói pháp quán này, tôn giả A-nan và Xá-lợi-phất đứng hầu hai bên, chỉ có Vi-đề-hi cùng với thị nữ, chư thiên là đương cơ được nghe pháp, còn những người khác đều không được nghe. Sau khi trở về Linh Sơn, tôn giả A-nan trình bày lại, đại chúng Bồ-tát mới được nghe. C. PHẦN LƯU THÔNG
Có hai ý: Từ câu “Bấy giờ A-nan …” đến câu “đều rất hoan hỷ”, là ngay trong thâm cung phó chúc lưu thông; từ câu “Bấy giờ Đức Thế Tôn…” trở xuống, là trở về hang núi Kỳ-xà chuyển thuyết lưu thông. Nhờ hai nơi này mà đại chúng nghe pháp tin nhận thọ trì, tiếp tục truyền trao lưu hành không dứt.
C.I. PHÓ CHÚC LƯU THÔNG TẠI THÂM CUNG
Có bốn ý: Xác lập tên kinh, chỉ dạy thọ trì; khuyên tu tập; phó chúc; đại chúng hoan hỷ.
C.I.1. Xác lập tên kinh, chỉ dạy thọ trì
Có hai ý: Hỏi chung về tên kinh và cách hành trì; trả lời riêng từng câu hỏi
Thứ nhất, hỏi chung về tên kinh và cách hành trì
Kinh ghi: “Bấy giờ tôn giả A-nan từ chỗ ngồi, đứng dậy đến trước Thế Tôn, bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi tên là gì? Phương pháp hành trì như thế nào?”
Giải thích: Trước hỏi về tên kinh, sau hỏi về pháp hành trì, cho nên gọi là song vấn.
Thứ hai, trả lời riêng từng câu hỏi
Có hai phần: Nêu tên kinh; chỉ dạy phương pháp hành trì.
* Nêu tên kinh
Có hai tên: Theo năng quán và sở quán mà gọi tên; theo công dụng mà gọi tên.
+ Theo năng quán và sở quán mà gọi tên
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan: Kinh nầy tên là Quán Cực Lạc Quốc Độ Vô Lượng Thọ Phật Quán Thế Âm Bồ-tát Đại Thế Chí Bồ-tát”.
Giải thích: Theo tên gọi này, bao gồm y báo, chánh báo, nhưng thiếu đồ chúng. Đề kinh hơi rườm rà, nhưng nếu trích chọn năm chữ trước, cũng gồm thâu đầy đủ.
+ Theo công dụng mà gọi tên
Kinh ghi: “Cũng gọi là Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Sinh Chư Phật Tiền”.
Giải thích: Diệt trừ tội chướng, vãng sinh Cực lạc chính là lực dụng của kinh nầy.
* Chỉ dạy phương pháp hành trì
Kinh ghi: “Ông nên thọ trì không để quên mất”.
Giải thích: Luận Trí Độ ghi: “Do tín lực, nên thọ được; do niệm lực, nên trì được”. Đã có thọ lãnh lại còn giữ gìn, cho nên không quên mất.
C.I.2. Khuyên tu tập
Có năm ý: Thấy cảnh thù thắng; diệt tội thù thắng; tự thân thù thắng; bạn lữ thù thắng; quả báo thù thắng.
Thứ nhất, thấy cảnh thù thắng
Kinh ghi: “Người hành trì Tam-muội này liền thấy được Đức Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ-tát”.
Giải thích: Thế Chí Viên Thông ghi: “Nếu có chúng sinh nao tâm nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật”.
Thứ hai, diệt tội thù thắng
Kinh ghi: “Nếu có người Thiện nam, người Thiện nữ nào chỉ nghe danh hiệu của Phật, danh hiệu của hai vị Bồ-tát liền trừ được tội sinh tử trong vô lượng kiếp, huống gì nhớ nghĩ”.
Giải thích: Nêu việc nghe để so sánh với việc nhớ nghĩ, thì có thể biết được công đức thù thắng của việc nhớ nghĩ.
Thứ ba, tự thân thù thắng
Kinh ghi: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người nầy là người được hóa sinh trong hoa phân-đà-lợi”.
Giải thích: Phân-đà-lợi, Trung Quốc dịch là hoa sen trắng. Có hai đặc điểm: 1/ Điềm lạ ở trong nhân gian; 2/ Tánh trong sạch không nhiễm ô. Cho nên dùng hoa nầy để dụ vậy.
Thứ tư, bạn lữ thù thắng
Kinh ghi: “Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí là bạn lữ thù thắng của người nầy”.
Giải thích: Bồ-tát bổ xứ làm bạn thì không nên tự khinh thường.
Thứ năm, quả báo thù thắng
Kinh ghi: “Người nầy được ngồi trong Đạo tràng, sinh vào nhà các Đức Phật”.
Giải thích: Tọa Đạo tràng nghĩa là thành Phật. Nơi đắc Đạo, gọi là Đạo tràng. Tất cả các Đức Phật đều ngồi kiết-già ở cội bồ-đề, đoạn trừ lậu hoặc, phá dẹp ma chướng mà thành đạo. Pháp thân cùng một thể, các Đức Phật đều chứng đắc như nhau, cho nên gọi là nhà các Đức Phật. Chương Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng-nghiêm nói là “cách Phật không xa”; kinh A-di-đà (Tiểu bản) cho rằng “đều đạt được A-nậu Bồ-đề không lui sụt”, đều giống với ý này.
C.I.3. Dặn dò nhớ thọ trì
Kinh ghi: “Phật bảo A-nan: Ông hãy khéo thọ trì lời này. Thọ trì lời này chính là thọ trì danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ”.
Giải thích: Ý muốn nói việc thọ trì danh hiệu Phật công đức rất lớn, thọ trì kinh cũng như thế.
C.I.4. Đại chúng nghe xong hoan hỷ
Kinh ghi: “Khi Đức Phật dạy lời này, Mục-kiền-liên, A-nan, và Vi-đề-hi v.v… nghe xong đều rất hoan hỷ”.
Giải thích: Hoan hỷ do đạt được ba điều: 1/ Trước chưa từng nghe, nay được nghe; 2/ Được sinh về cõi nước thanh tịnh; 3/ Nối tiếp khai thị làm lợi ích cho chúng sinh đến vô cùng. Do có đủ những nghĩa này cho nên trong lòng rất vui mừng.
C.II. CHUYỂN THUYẾT LƯU THÔNG Ở KỲ-XÀ
Có ba ý: Phật trở về trụ xứ; A-nan thuật lại; đại chúng nghe xong đảnh lễ lui ra.
C.II.1. Phật trở về trụ xứ
Kinh ghi: “Bấy giờ, Đức Thế Tôn bước đi trong hư không trở về núi Kỳ-xà-quật”.
Giải thích: Căn cứ thời gian Phật giảng kinh ở vương cung rất lâu, cho nên hoặc đại chúng không giải tán mà chờ Đức Phật trở về; hoặc là tập họp trở lại. Cả hai trường hợp đều không thể xác định được.
C.II.2. A-nan thuật lại
Kinh ghi: “Bấy giờ, tôn giả A-nan trình bày lại sự việc trên cho đại chúng cùng nghe”.
Giải thích: Ý phó chúc cho đại chúng nhớ nghĩ thọ trì.
C.II.3. Đại chúng nghe xong đảnh lễ lui ra
Kinh ghi: “Vô lượng các trời, rồng, dạ-xoa nghe được những điều Đức Phật dạy đều rất hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra”.
Giải thích: Các đoạn văn kinh nêu ra đại chúng ở trước đều lược bỏ chúng trời, rồng. A-nan đích thân nghe Phật dạy, rồi thay Phật truyền lại, cho nên bảo là “Nghe những điều Đức Phật dạy. HẾT QUYỂN HẠ Chú thích:
[63] Thiên Bảo Tràng: một loại nhạc cụ của cõi trời, giống như tràng phan. Theo kinh Di-lặc Thượng Sinh, ở cung trời Đâu-suất có năm vị đại thần, vị thứ nhất tên Bảo Tràng có năng lực tuôn ra bảy báu, rải khắp trong cung tường, mỗi hạt châu báu lại hóa thành nhạc khí treo ở hư không, những nhạc khí này không người đánh mà tự chúng nó kêu. (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 361).
[64] Thích-ca-tỳ-lăng-già bảo ( S: akrbhi lagna-maṇi-ratna. Còn gọi Thích-ca-tì-lăng-già ma-ni bảo, Thích-ca-tì-lăng-già thắng ma-ni bảo, Tì-lăng-già ma-ni bảo châu): một loại ngọc trang sức trên cổ của trời Đế Thích, thường phóng ánh sáng. Thích-ca-tì-lăng-già thông thường dịch là Đế Thích trì, nghĩa là “sở hữu của trời Đế Thích”, lại dịch là Năng thắng, Li cấu. Ma-ni là từ gọi chung các loại châu báu. Trong kinh cũng cho đây là vật trang nghiêm của Phật, Bồ-tát. Kinh Đại Phương Quảng Bảo Khiếp, q. thượng ghi: “Bảo châu tì-lăng-già ma-ni trên cổ trời Đế Thích soi chiếu khắp tam thập tam thiên, bảo châu thanh tịnh này dụ cho trí tính của Bồ-tát, có năng lực hiển hiện tất cả mọi việc”. Phẩm Nhẫn Giảo Lượng trong kinh Đại Pháp Cự Đà-la-ni, q. 5 cho rằng: “Trên đảnh núi Tu-di có ba thứ báu là uy hoa, thích-ca-tì-lăng-già ma-ni bảo, và bảo tinh; trong đó Thích-ca-tì-lăng-già ma-ni bảo có màu vàng ròng, do thiện căn sinh ra, tự nhiên chiếu sáng vượt qua Đao-lợi thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất thiên, đảnh núi Tu-di, đến tận Phạm cung. Bồ-tát từ cõi Diêm-phù-đề sinh lên cõi trời Đâu-suất nhờ năng lực của thiện căn nên vật báu này liền tự nhiên sinh trong tráp, tất cả ma sự tự nhiên hoại diệt”. (TĐPH Huệ Quang, t. VI, tr. 5443).
[65] Chân-thúc-ca bảo: còn gọi là Khẩn-thúc-ca bảo, kiên-thúc-ca bảo, (S. Kímuka) là loại đá quí có màu đỏ đẹp như hoa của cây chân-thúc-ca. Theo Di-lặc Thượng Sinh Kinh Sớ của ngài Khuy Cơ (Vạn Tục, q. 35, tr. 393 ha) ghi: “Chân-thúc-ca, hình dáng giống như viên bảo châu lưu li màu đỏ”. Màu sắc của lưu li có nhiều loại, nhưng đẹp nhất là màu đỏ. (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 881).
[66] Nhất tâm, Thập lực, Tứ vô sở uý:
- Nhất tâm: tâm chuyên chú vào một đối tượng nào đó mà không khởi vọng niệm. Nhất tâm có ba điều tịnh tín. Đó là: chí tâm (hết lòng), tín nhạo (tin ưa) và dục sinh ngã quốc (muốn sinh về cõi nước Cực lạc). Do đó, Nhất tâm bao hàm ba nghĩa: chí thành tâm, Thâm tâm và Hồi hướng phát nguyện tâm. (TĐPH Huệ Quang, t. IV, tr. 3227).
- Thập lực: mười trí lực của Như Lai, đó là:
1/. Xứ phi xứ trí lực: xứ nghĩa là đạo lí. Như Lai biết một cách chắc thật đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu tạo thiện nghiệp thì biết nhất định được quả báo vui, gọi là Tri thị xứ.
2/. Nghiệp dị thục trí lực: Như Lai biết rõ nghiệp duyên, quả báo, sinh xứ trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại của tất cả chúng sinh.
3/. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì chí trí lực: Như Lai tự tại, vô ngại đối với các thiền định, biết khắp và đúng như thật thứ tự sâu cạn.
4/. Căn thượng hạ trí lực: Như Lai biết đúng như thật chúng sinh căn tính thắng liệt, đắc quả đại tiểu của chúng sinh.
5/. Chủng chủng thắng giải trí lực: Như Lai đều biết đúng như thật tất cả các thứ dục lạc, thiện ác khác nhau của chúng sinh.
6/. Chủng chủng giới trí lực: Như Lai đều biết đúng như thật các giới phần khác nhau của chúng sinh ở thế gian.
7/. Biến thú hành trí lực: Như Lai đều biết đúng như thật về nơi đến của hạnh hữu lậu là lục đạo, nơi đến của hạnh vô lậu là Niết-bàn.
8/. Túc trụ tùy niệm trí lực: Như Lai đều biết đúng như thật đối với các túc mạng, một đời đến trăm nghìn muôn đời, một kiếp đến trăm nghìn muôn kiếp, chết kia sinh đây, tên tuổi uống ăn, khổ vui thọ mạng.
9/. Sinh tử trí lực: Như Lai dùng thiên nhãn biết đúng như thật về thời gian sinh tử của chúng sinh và cõi thiện, cõi ác ở đời vị lai, cho đến các nghiệp duyên thiện ác như đẹp xấu, giàu nghèo…
10/. Lậu tận trí lực: Như Lai đã đoạn hẳn các tập khí tàn dư vĩnh viễn chẳng còn sinh khởi; biết khắp và đúng như thật. (TĐPH Huệ Quang, t. III, tr. 5256).
- Tứ vô sở úy: bốn sự tự tin, không sợ hãi, dũng mãnh và an ổn của các Đức Phật, đó là:
1/. Chư pháp hiện đẳng giác vô úy: đối với các pháp đều giác biết, trụ trong chánh kiến không bị khuất phục bởi điều gì, có sự tự tin không sợ hãi.
2/. Nhất thiết lậu tận trí vô úy: đoạn hết tất cả phiền não nên không có sự sợ hãi từ các chướng nạn bên ngoài.
3/. Chương pháp bất hư quyết định thọ kí vô úy: nói rộng về pháp tu hành chướng ngại, đồng thời không sợ hãi đối với bất cứ một sự bắt bẻ nào.
4/. Vị chứng nhất thiết cụ túc xuất đạo như tính vô úy: giảng nói đạo xuất thế không hề sợ hãi điều gì.
[67] Cảm ứng đạo giao: mối tương giao và cảm ứng giữa Phật và chúng sinh. Đây là do cơ duyên của chúng sinh đã thành thục, khiến được các Đức Phật hưởng ứng, nên sự “cảm” của chúng sinh và “ứng” của Phật giao xen nhau. Hơn nữa, căn tính của chúng sinh nhiều đến trăm nghìn, nên sự ứng hiện khéo léo của các Đức Phật cũng vô lượng.
Theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa, t. 6, q. thượng, mối tương giao cảm ứng giữa chúng sinh và Phật có bốn trường hợp:
1) Minh cơ minh ứng. (Cơ thầm ứng thầm): chúng sinh ở đời quá khứ chuyên tu ba nghiệp, ở đời hiện tại tuy chưa tu nghiệp của thân và miệng nên không nhận thấy sự linh ứng, nhưng nhờ căn lành đời trước (Minh cơ) mà thầm được lợi ích pháp thân (Minh ứng).
2) Minh cơ hiển ứng. (Cơ thầm ứng hiển): chúng sinh ở quá khứ vun bồi gốc lành, cơ duyên đã âm thầm thuần thục, được gặp Phật nghe pháp, hiện tiền được lợi ích.
3) Hiển cơ hiển ứng. (Cơ hiển ứng hiển): chúng sinh ở đời hiện tại tinh tấn tu tập ba nghiệp thân, miệng và ý mà cảm được lợi ích.
4) Hiển cơ minh ứng (Cơ hiển ứng thầm): chúng sinh ở trong một đời siêng năng tu tập, chứa nhóm nhiều hành lành, tuy không hiểu rõ cơ cảm, nhưng vẫn thầm được lợi ích.
Ngoài ra, Pháp Hoa Huyền Nghĩa còn lập 36 trường hợp khác để triển khai nghĩa cảm ứng đạo giao, cuối cùng căn cứ vào 10 pháp giới mà phân tích chi tiết sự khác nhau này. Tóm lại, “cảm” của chúng sinh và “ứng” của các Đức Phật có đến 64.800 trường hợp. (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 657).
[68] Đồng thể đại từ bi: quán chúng sinh với mình đồng một thể mà khởi bi tâm bình đẳng để cứu khổ, ban vui.
Bồ-tát từ Sơ địa trở lên, xem nỗi khổ của chúng sinh như nỗi khổ của chính mình mà khởi lòng thương xót vô hạn. Kinh Đại Niết-bàn q. 16, bản Bắc ghi: “Như cha mẹ thấy con bệnh hoạn, sinh lòng khổ não, xót thương lo buồn, từng giây, từng phút. Bồ-tát Ma-ha-tát cũng như thế, thấy chúng sinh bị phiền não trói buộc, các Ngài buồn khổ, lo nghĩ như mẹ thương con đỏ, đến nỗi các lỗ chân lông đều ra máu”. (TĐPH Huệ Quang, t. II, tr. 1598).
[69] Tuy duyên phó cảm, ứng vật tùy hình: tùy thuận nhân duyên giáo hóa chúng sinh. Tức các Đức Phật, Bồ-tát thuận ứng các duyên chẳng đồng như hoàn cảnh, căn cơ. Do đó, các Đức Phật thích ứng theo căn cơ của chúng sinh mà thị hiện mọi hình tướng để giáo hóa. Kinh Kim Quang Minh, 2 ghi: “Chân Pháp thân của Phật giống như hư không, ứng vật hiện hình, như trăng đáy nước”. (TĐPH Huệ Quang, t. V, tr. 4667; t. VII, tr. 5926).
[70] Đương thể (Đương thể tức thị): ngay nơi đó chính là bản thể. Như đương thể của sóng là nước; đương thể của phiền não là bồ-đề; đương thể của sinh tử là Niết-bàn. (TĐPH Huệ Quang, t. II, tr. 1630).
[71] Thập lực: mười lực của Bồ-tát, tức 10 tác dụng của Bồ-tát ở giai vị Vô Phược Vô Trước Giải Thoát Hồi Hướng thứ chín trong Thập hồi hướng. Đó là: Thâm tâm lực (trực tâm lực); Tăng thượng thâm tâm lực; Phương tiện lực; Trí lực; Nguyện lực; Hành lực; Thừa lực; Thần biến lực; Bồ-đề lực và chuyển pháp luân lực. (TĐPH Huệ Quang, t. VI, tr. 5256).
[72] Chúng ảnh hưởng (Ảnh hưởng chúng): các Bồ-tát vì giúp đỡ Như Lai trong việc giáo hóa, nên các Ngài ẩn quả viên cực của mình mà chỉ thị hiện trong hàng thánh chúng để nghe pháp, gọi là Ảnh hưởng chúng. Do vậy có thể nói Thích-ca Pháp vương như hình, như tiếng; còn Bồ-tát như bóng, như vang. Pháp Hoa Văn Cú Kí, q.2, hạ ghi: “Các Đức Phật và pháp thân Bồ-tát thuở xưa đã giấu cái cao tột của mình mà giúp đỡ đấng Pháp vương”; như các vì sao vây quanh mặt trăng, tuy không làm gì nhưng cũng có ảnh hưởng lớn, nên gọi là Ảnh hưởng chúng. (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 125).
[73] Tử kim (Tử ma huỳnh kim): vàng ròng, là loại vàng tốt và quý nhất, đồng với vàng Diêm-phù-đàn ở Ấn Độ. (TĐPH Huệ Quang, t. V, tr. 4920).
[74] Năm chúng xuất gia: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức-xoa-ma-na-ni, Sa-di, Sa-di ni.
[75] Tịnh hạnh: giới hạnh thanh tịnh. Phẩm Tự, kinh Pháp Hoa ghi: “Tinh tấn giữ tịnh giới như giữ hạt minh châu”.
[76] Thất chi (Thất tụ): 1/ Ba-la-di; 2/ Tăng-già-bà-thi-sa; 3/ Thâu-lan-giá; 4/ Ba-dật-đề; 5/ Ba-la-đề-đề-xá-ni; 6/ Đột-cát-la; 7/ Ác thuyết.
[77] Trong nguyên bản không giải thích phần Quang minh.
[78] Ngũ trụ phiền não (Ngũ trụ địa phiền não): năm phiền não: 1/ Kiến nhất thiết xứ trụ địa; 2/ Dục ái trụ địa; 3/ Sắc ái trụ địa; 4/ Hữu ái trụ địa; 5/ Vô minh trụ địa. Vì năm hoặc này là sở y, sở trụ của tất cả phiền não và có khả năng sinh ra phiền não, nên gọi là trụ địa. (TĐPH Huệ Quang, t. III, tr. 3042)
[79] Hai phần sinh tử: Phần đoạn sinh tử và Biến dịch sinh tử.
[80] Phạm âm (còn gọi Phạm thanh): âm thanh vi diệu, thanh tịnh của Phật, Bồ-tát, một trong 32 tướng quí của Phật. Theo luận Đại Trí Độ, q.4, Phạm âm của Phật có năm năng lực: 1/ Rền như sấm vang; 2/ Trong trẻo vang xa, người nghe tâm sinh vui mừng; 3/ Khiến người sinh tâm kính ái; 4/ Dễ hiểu; 5/ Người nghe không chán. (TĐPH Huệ Quang, t. IV, tr. 3464).
[81] Chúng đương cơ: Bà Vi-đề-hi v 500 thị nữ cng nghe Phật thuyết về cảnh giới của Đức Phật A-di-đà. Đây là Đại quyền phương tiện, chư Phật v Bồ-tt thị hiện để độ sinh.
[82] Tịnh nghiệp: hành nghiệp thanh tịnh. Tức ba chính nhân Tịnh nghiệp: Thế phước, Giới phước và Hành phước; cũng là ba nhân vãng sinh Tịnh độ:
1. Hiếu dưỡng cha mẹ, thờ phụng sư trưởng, từ tâm bất sát, tu tập 10 nghiệp lành;
2. Thụ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi;
3. Phát tâm bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành. (TĐPH Huệ Quang, t. V, tr. 4514).
[83] Nghĩa Sớ: chính l bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Nghĩa Sớ này .
[84] Linh Chi: tên thường gọi của Đại sư Nguyên Chiếu, vì trụ trì chùa Linh Chi ở Hàng Châu suốt 30 năm, nên người đời tôn xưng Ngài là Linh Chi Tôn Giả. (TĐPH Huệ Quang, t. III, tr. 2452).
[85] Cụ phược phàm phu (Cụ phược phàm chúng): Kiến hoặc và Tư hoặc chưa đoạn hết. Phược là tên khác của phiền não; do phiền não có năng lực trói buộc loài hữu tình, làm cho đọa lạc trong cảnh khổ luân hồi.
Nói về thứ bậc tu hành thì Cụ phược phàm phu là chỉ cho hàng Tam Hiền, Tứ thiện căn, từ Kiến đạo trở xuống, cho đến tất cả phàm phu chưa đoạn hoặc. (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 779).
[86] Khoa văn: phân chia văn kinh ra thành các chương, đoạn, điều, mục, v.v… để tiện giải thích.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.154.144 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.