Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đông Hải Nhã Giải [東海若解] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đông Hải Nhã Giải [東海若解]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Chú Giải Tác Phẩm Đông Hải Nhược

Việt dịch: Thích Đồng Tiến

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Đời Đường, danh nho Liễu Tử Hậu thấy những người học Phật có hiểu biết không đồng, đối với pháp môn Niệm Phật, có người tin có người hủy báng không nhất định. Từ đó dẫn đến lợi hại cách xa như trời đất. Vì muốn giúp hành giả biết những chỗ cần lấy hay bỏ để đạt đến trình độ tối cao của tâm tính, cho nên mới soạn bài văn này. Người học Nho thì không nghiên cứu Phật lí. Người học Phật thì lại chẳng quan tâm đến văn tự.
Trong đó, người thông minh thì phần nhiều thiếu lòng tin, người có lòng tin lại không có trí tuệ. Từ đó khiến cho văn nghĩa sâu mầu ẩn kín trong những bộ sách chắp vá, không ai có thể thông đạt, há chẳng đáng tiếc lắm sao! Nhân đây, tôi nêu rõ nghĩa ấy để giải thích, ngõ hầu khuyến phát kẻ sơ cơ.
Đông Hải Nhược vào đất liền, lên gò Mạnh Chư dạo chơi thì nhặt được hai quả bầu. Ông móc ruột, lắc bỏ hết hạt rồi lấy quả bầu làm trò vui. Sau đó Nhược lấy nước biển trộn lẫn phân và giun lãi nhét đầy quả bầu, thối không chịu nổi, lấy đá nhuyễn bịt kín miệng rồi ném ra biển. Trải qua thời gian, lại đến đó và hỏi: “Do đây bỏ được phân dơ được chăng?”.
Giải thích: Đông Hải Nhược là thần biển. Thần biển dụ cho bậc Đại sĩ hoằng pháp. Vì thần biển làm chủ biển cả, còn Đại sĩ thì làm chủ các pháp, nên dùng ví dụ này.
Vào đất liền là lìa biển Tịnh độ mà dạt vào bờ Ta-bà, như thần biển rời biển mà dạo nơi đất liền.
Gò Mạnh Chư là tên một vùng đất. Gò là chỗ đất cao thấp không bằng phẳng dụ cho đường hiểm ba cõi. Ý nói đã ra khỏi sinh tử, rồi trở lại ba cõi cứu chúng sinh thoát khổ, nên nói lên gò Mạnh Chư.
Hai quả bầu dụ hai căn cơ tin-hủy. Chúng sinh năm ấm gọi là quả bầu. Nhân duyên hội ngộ nên nói là nhặt được.
Móc ruột, lắc bỏ hết hạt, tức là Đại sĩ vận thần thông du hí mà không chấp tướng chúng sinh. Móc thì trống rỗng, lắc là bỏ, tức là nói bỏ hết hạt bầu.
Lấy quả bầu làm trò đùa là dụ cho việc lìa tướng chúng sinh, dùng việc độ sinh để dạo chơi.
Lấy nuớc biển dụ cho việc giảng nói pháp.
Trộn lẫn với phân: Ý nói chúng sinh nghe pháp thì trí tuệ và vô minh hòa trộn lẫn nhau.
Phân đất dụ cho phiền não. Giun lãi dụ nhân quả phiền não sinh tử không ngoài năm trược. Chủng loại sinh tử không ngoài mười hai loại. Hôi thối dụ cho khổ. Sinh tử phiền não là nỗi khổ khó nhẫn chịu, nên nói hôi thối không chịu nổi.
Đá nhuyễn dụ cho căn bản vô minh. Một niệm cũng không liễu ngộ, nên nói là bịt kín.
Ném ra biển tức là vào sinh tử. Chúng sinh trong quá khứ tuy từng nghe pháp, trồng chút ít thiện căn, nhưng bị vô minh che lấp, ở lâu trong sinh tử, nên không thể giải thoát. Dù gặp bậc tri thức khuyên bảo chỉ dẫn, nhưng do thiện căn thuần thục không đồng, nên có người phát, có người không phát. Người phát thì thuận theo giáo mà tu hành, người không phát thì trái giáo chấp vào lí, nên lấy việc nhặt hai quả bầu làm ví dụ.
Nhưng bậc Đại sĩ độ sinh như cha mẹ dạy con, không vì người có hiếu thảo mà dạy tất cả, không vì đứa ngỗ nghịch mà ruồng bỏ. Cho nên tuy đối với người không tin, nhưng Đại sĩ vẫn nói pháp và thường quan sát căn cơ mà khai phát cho họ.
Trải qua thời gian lâu, lại đến đó: ý nói quan sát căn cơ. Lưu chuyển trong thời gian dài, nên nói là trải qua thời gian lâu. Duyên xưa đã trồng, nên nói là đến đó.
Do đây có bỏ phân dơ được chăng? Đây là từ khai phát, tức là quá khứ ông từng trồng căn lành, nay cũng đã bỏ cả sinh tử sao? Ý muốn giúp chúng sinh phát tâm niệm Phật, nên hỏi như thế.
Chánh văn: Cất giọng hô to: “Ta là biển cả!”.
Giải thích: Đây là dụ cho người làm trái giáo, chấp lí. Lên giọng hô to tức là trạng thái nghi ngờ, không tin. Ta là biển cả tức là lời nói chấp lí bỏ sự.
Chánh văn: Đông Hải Nhược há miệng cười và nói: “Lạ thay! Nay biển cả này, đông chẳng có đông, tây không có tây, bắc chẳng có bắc, nam không có nam. Sáng sớm thì mặt trời từ đó mọc lên, ban đêm thì ngập đầy các vì sao. Lại hàm chứa mặt trời, phát ra âm hỏa[2], lấy ánh sáng bảo châu để chiếu soi, bụi mù xen lẫn mà không đồng trụ. Nhất định bờ tây sâu thẳm nên là đại, là sâu, là trong, là rực rỡ. Không lẽ ta như thế!”.
Giải thích: Đoạn này dụ cho việc Đại sĩ giảng nói tính hải[3] chân thật của Phật để hiển bày chân đế.
Lạ thay là lời tự trách.
Nay biển cả … là nêu đầy đủ chính lí. Tính hải không bờ, nên không có đông-tây-nam-bắc. Tính hải rực rỡ, nên ngoài thì bao gồm mặt trời, mặt trăng, tinh tú; bên trong thì đầy đủ các trân bảo. Ngoài thì bao gồm thần thông, trong thì đầy đủ trí tuệ. Đó gọi là muôn đức đều tròn đầy. Lại mặt trời dụ cho ứng thân; mặt trăng và các vì sao dụ cho hóa thân tùy loại. Ứng thân xuất hiện ở thế gian gọi là sáng sớm, niết-bàn gọi là ban đêm. Ứng tích tuy có sinh diệt, nhưng pháp thể thường tự vắng lặng. Căn cơ chúng sinh thuần thục thì hiện thân Phật để độ thoát, khi duyên hết thì nhập diệt. Lại hiện hóa thân tùy loại mà dẫn dắt. Tuy thị hiện nhiều thân, nhưng đều không ra ngoài tính hải. Đây là bên ngoài thì bao hàm. Âm hỏa dụ cho thần thông, bảo châu dụ cho định-tuệ. Cả ba đều từ tính phát sinh, đây là bên trong thì đầy đủ.
Tính hải thanh tịnh, nên bụi mù không đồng trụ. Bụi mù chỉ cho ngũ trụ phiền não, tức là các ác nghiệp đều dứt. Thái âm là mặt trăng. Ánh lửa phát ra từ biển cả gọi là âm hỏa. Biển cả không đồng trụ với bụi trần, nên nhất định đẩy dạt bụi vào bờ. Giống như biển trí tuệ Phật không đồng trụ với phiền não, nên cần đoạn sạch hết mới thôi. Bốn chữ sâu-rộng-sáng-trong là tổng kết văn trên. Không thấy bốn phương là sâu, là lớn; bên ngoài thì bao hàm, bên trong lại đầy đủ là sáng; không có bụi mù là trong.
Không lẽ ta như thế là lời ca ngợi, tức là ngoại trừ Phật, tất cả đều chưa được đại dụng của sâu-rộng-sáng-trong. Nếu có cũng chỉ ít phần mà thôi, không trọn vẹn.
Chánh văn: Nay một giọt nước bỏ biển cả của ông đồng thể với phân đất, cùng bọn với thối mục, ở chung với giun lãi, gần nhau trong gang tấc. Lại tối tăm như thế đồng với biển, chẳng phải đã hổ thẹn mà cũng thật đáng thương thay! Ông muốn như vậy sao? Vậy ta sẽ vì ông mà nhặt đá phá quả bầu, rửa sạch dơ uế ở đảo hoang vắng để đồng với chỗ ông đã bày tỏ trước đây, có được chăng?
Giải thích: Đây là dụ cho việc bài xích thiên kiến, chỉ ra con đường tu hành chân chính. Chúng sinh và Phật tuy đồng một tâm, nhưng chúng sinh mê lầm, điên đảo, bỏ biển cả mà nhận lấy bọt nuớc, chỉ bọt nuớc cho là biển cả. Nghe nói biển thật thì cho là không phải, nên gọi là thật đáng xót thương! Nay người chấp không lại cho tâm hư giả một tấc vuông trong thân năm ấm là bản lai diện mục, không hai không khác với Phật. Như chấp nước phân trong quả bầu là biển cả, không khác nước biển. Nhưng họ không biết tâm thể rộng lớn bao trùm mười phương hư không thế giới. Chúng sinh và chư Phật, trong một niệm tóm thâu tất cả, không hạn cuộc trong quả tim một tấc vuông, như biển cả không hạn cuộc trong quả bầu. Nghe nói Tịnh độ ở phương tây, tính hải A-di-đà thì chấp là ngoài tâm, lại còn sinh nghi ngờ, phỉ báng, như nghe biển thật thì lại cho là không có. A-di-đà tuy không bỏ chúng sinh mà chúng sinh tự bỏ Ngài, giống như biển cả không từ chối giọt nước mà giọt nước tự bỏ biển cả, nên nói giọt nước bỏ biển cả. Chúng sinh năm ấm lấy phiền não làm thể, nên nói đồng thể với phân đất. Thối tức là khổ, mục tức là vô thường.
Đồng bọn: ý nói thân này vô thường, lấy khổ làm bạn, nên không chân thật. Giun lãi là loại kí sinh trùng trong thân. Dụ mười hai loại là nói thân này đồng cư trú với mười hai loại, không được giải thoát. Nhỏ chỉ có sáu thước, nên nói là gang tấc. Mờ mịt, không có trí tuệ nên nói là tối tăm. Chấp tâm hư giả một tấc vuông này và vọng thân sáu thước đồng với diệu dụng của chư Phật, thì chẳng phải là điên đảo sao? Cho nên chê: “Hổ thẹn và đáng thương xót”.
Hỏi: Kinh ghi: “Giải thoát của chư Phật nên tìm cầu trong tâm hành của chúng sinh”, lại nói: “Quán thật tướng của thân, quán Phật cũng như thế”, thì há chẳng phải là nói thân tâm chúng sinh không khác Phật sao mà ông muốn phân mê phân ngộ, luận thánh luận phàm, lẽ nào mắt thấy hoa đốm giữa hư không sao?
Đáp: Như kinh ghi: “Vì đây là nói ngay nơi vọng mà quán chân, chứ không chấp vọng là chân. Như dùng một giọt nước để quán biển, nhưng không chấp giọt nước là biển. Tính ướt của một giọt nước và tính ướt của nước trong biển cả đâu khác gì. Nhưng đã lìa biển cả, lại hòa với phân dơ, há lại cho đó là biển sao? Ngay nơi vọng mà quán chân, nhưng không chấp, đại ý cũng như thế. Cho nên biết, tính nước không khác, mà chấp là mong trở về biển thì còn đựợc; chứ chấp một giọt nước là biển cả thì không nên. Xin thử suy nghĩ xem!
Ông muốn vậy sao?... : Đoạn này lược trình bày lợi ích tu hành để khuyên bảo.
Ta sẽ vì ông: Câu này ý nói không phải vì người tu hành kia mà cho rằng công giáo hóa thuộc về bản thân, mà lợi ích lại đến với người.
Nhặt đá là dụ đoạn trừ căn bản vô minh.
Phá quả bầu là dụ ra khỏi ba cõi.
Rửa sạch dơ uế là dụ lìa năm trược.
Hoang vắng là dụ chân cảnh tịch quang[4] mênh mông không bờ mé. Đảo là dụ cho cõi Cực Lạc đồng cư, cao hơn mười phương.
Những điều đã tỏ bày trước kia là nói về dụng sâu-rộng-sáng-trong của chư Phật đã nói ở trên. Biết họ không tin, nhưng vẫn cố gắng nói pháp, đó là vì tâm bi của Đại sĩ rất tha thiết, tuy hiện tại không có ích, nhưng là nhân duyên được độ thoát ở vị lai.
Chính văn: Nước phân im lặng tỏ vẻ không vui rồi nói: “Ta vốn đã đồng, lại cầu gì ở Nhược? Tính của ta cũng như vậy mà thôi! Uế là tự uế, hoàn toàn không xâm hại đến sự trong sạch của ta. Hẹp là tự hẹp, hoàn toàn không thể xâm hại đến chỗ rộng lớn của ta. Tối là tự tối, hoàn toàn không thể xâm hại đến sự trong sáng của ta. Nhưng uế cũng là biển, hẹp và tối cũng là biển. Bỗng nhiên mà đi, từ từ mà đến. Đâu không phải biển? Ông hãy đi đi! Chớ làm loạn tâm ta!”.
Giải thích: Đây là ví dụ nghe giáo mà không tin, chấp văn từ để cự tuyệt. Hàng phàm phu Bạc địa tuy có chút trí tuệ, nhưng không thể đoạn phiền não, nên gọi là nước phân. Nghe giáo mà không tin, nên nói là không thuyết.
Ta vốn đã đồng: Đây là lời chấp lí. Luận về lí thể thì chúng sinh và Phật không hai, nên nói vốn đồng.
Ta lại cầu gì nơi Nhược: Đây là lời nói tự mãn, văn trước đã nói, đó là cảnh giới chư Phật. Bởi dùng tu đức để hiển bày tính đức, nhưng người chấp lí hiểu sai, chỉ nói tính đức mà bỏ tu đức, nên nói: “Tính của ta cũng như vậy mà thôi”, ý cho rằng tâm ta cũng đầy đủ dụng sâu-rộng-sáng-trong, chưa từng thiếu sót mà không biết nói ăn bánh vẽ không ích gì cho người đói, chỉ nhọc thân miệng. Văn sau nêu đầy đủ kiến chấp thiên không.
Dơ uế không xâm hại đến sự trong sạch: Đây là nói tính thể thanh tịnh, không bị sinh tử làm ô uế.
Chật hẹp không xâm hại chỗ rộng lớn: Đó là nói tính thể rộng lớn, không bị hình chất làm cho hạn cuộc.
Tối tăm không xâm hại đến sự trong sáng: Tức là nói thể tính sáng suốt, không bị phiền não che lấp. Dơ uế, chật hẹp, tối tăm là toàn thể tính của biển. Vì không hai không khác, cho nên nói là cũng.
Bỗng nhiên và từ từ là nêu ra tướng qua lại để dụ cho việc nổi chìm trong sinh tử đều là bản tính diệu lí, nên nói là chấp không phải biển.
Hỏi: Như trên đã nói chưa từng không đúng, sao ông lại phạm lỗi nặng?
Đáp: Đúng như điều ông hỏi, nhưng lời tuy đúng mà ý thì sai. Chỉ như nói đến “ba việc không thể xâm hại”, thì kinh luận Đại thừa cũng nói, nhưng chư Phật và bồ-tát chưa từng phế bỏ tu hành để chỉ nói lí tính. Nay sai lầm là do người chấp chặt dơ uế-chật hẹp-tối tăm tự cho là trong sạch-rộng lớn-trong sáng, không biết phiền não trước mắt, nên trong sạch do đây mà bị xâm hại. Lượng không dung chứa vật thì rộng lớn do đây bị xâm hại. Chấp đúng sai điên đảo thì trong sáng do đây bị xâm hại. Một niệm hiện tiền còn không thể bảo đảm không bị xâm hại, huống vì sinh tử ở vị lai đâu thể tự biết! Tuy nói không hại nhưng vì thế mà bị hại rất lớn.
Như khi hóa độ chúng sinh, chư Phật và bồ-tát thị hiện phiền não, nhưng tâm không phân biệt, đây mới thật là uế không xâm hại sự trong sạch. Khen chê đều xem như nhau mà không khởi tâm yêu ghét. Đối với La-vân, Điều-đạt, Đức Phật đều khởi lòng từ bình đẳng độ thoát, đây mới thật là hẹp không xâm hại chỗ rộng lớn. Thức hành phi đạo mà thông đạt Phật đạo, đây mới thật là tối không xâm hại sự trong sáng. Nhưng nay vì phàm phu chỉ có chút trí tuệ, lại sai lầm cho đồng trí Phật, tự chuốc tội lỗi. Đó há chẳng phải quá sai lầm hay sao?
Ông hãy đi đi, chớ làm loạn tâm ta: Đây là lời từ chối. Vì người tu thiền chấp lí, vừa nghe giáo lí thì liền cho là quá trái tâm mình, cho nên nói như vậy.
Chính văn: Vừa nghe Nhược nói, nó khóc mà cầu nguyện: “Ta bị độc đã lâu. Ta cho là cố nhiên như thế, không thể sai khác. Nay lại nói với ta là biển rộng lớn. Lại cho ta là biển cũ mà ném bỏ phân dơ, thì Ta càng cấp bách. Dâng nuớc sông Thùy của ta cũng không đủ để phá chỗ ngăn bít. Xoáy con sóng của ta cũng không thể móc ruột quả bầu. Nếu có thể làm được, thì đến cùng tận năm tháng vậy. Xin Nhược thương xót ta!”.
Giải thích: Đây là dụ cho người thuận lời dạy mà tu hành. Lúc mới nghe Phật pháp sinh tâm hối hận mà tỉnh ngộ. Tâm mong được giải thoát, nên kêu khóc mà thỉnh cầu.
Ta bị độc đã lâu. Độc là bị hại. Sinh tử phiền não làm mất pháp thân của ta, quên mất tuệ mạng của ta, tức là độc. Trầm luân nhiều kiếp cho nên nói là ‘đã lâu’. Đã lâu nghĩa là tâm thường chán khổ, mà chưa thấy được con đường xuất li. Đó chính là thiện căn gần chín mùi, căn cơ sắp phát động.
Nói ‘cố nhiên’ là biểu thị trạng thái chân thật. Trước khi nghe giáo pháp thì ý cho sinh tử phiền não chân thật, không thể thay đổi, luống uổng nhàm chán chứ không ích gì. Nay nghe biển công đức của Phật rộng lớn khó lường thì biết chúng sinh có thể thành Phật, nên nói: “Nói với ta là biển rộng lớn”. Lại biết từ xưa từng gieo trồng thiện căn, kết duyên với Phật. Bởi ta tự mê lầm, trái nghịch với Phật, trừ bỏ sinh tử, nên nói: “Nói với ta là biển cũ nên ném bỏ phân dơ”. Thế thì đã có đường để xuất li, có phương pháp để giải thoát. Mong cầu xuất li, nhàm chán sinh tử lại càng phải tha thiết, nên nói càng gấp rút. Những đoạn văn đều là những lời tự biết lượng định bản thân.
Dâng nước sông Thùy: Dụ cho một ít trí tuệ phân biệt.
Phá chỗ ngăn bít: Dụ phá trừ vô minh.
Xoáy con sóng: Dụ chuyển động với một ít sức.
Móc ruột quả bầu: Dụ cho ra khỏi ba cõi.
Nếu có thể làm được: Từ giả tá.
Tận cùng năm tháng: Kéo dài nhiều kiếp.
Xin thương xót ta: Cầu Phật nhiếp thụ.
Chính văn: Đông Hải Nhược bèn nhặt đá phá vở quả bầu, rồi ném lên gò Mạnh Chư. Rửa sạch ô uế nơi đảo hoang vắng mà nước lại trở về biển. Tất cả đều hợp với điều đã tỏ bày ở trước.
Giải thích: Đây là dụ cho lợi ích của việc thuận theo lời dạy mà tu hành. Vô minh chóng bị phá như nhặt đá, sinh tử mãi chấm dứt như phá vở quả bầu, vĩnh viễn lìa ba cõi nên nói ném lên gò Mạnh Chư. Chín phẩm hoa sen đích thân đến, nên nói đảo hoang vắng. Ngay tâm phàm phu mà thấy tâm Phật, nên nói nước lại trở về biển.
Chính văn: Nhưng nước trước kia thì cuối cùng cũng hư thối mà không thay đổi.
Giải thích: Đây là dụ cho việc tổn hại do trái lời dạy mà chấp không. Trước đây chấp nước trong quả bầu không khác gì nước biển. Nước tuy không hai, nhưng rộng-hẹp, sạch-dơ có khác. Lại chấp dơ-hẹp đều là biển, không biết cuối cùng sẽ bị thối rửa mà không thể thay đổi, há chẳng xót thương sao? Nay người chấp lí cho rằng tâm ta là Phật, đâu cần thấy A-đi-đà! Ngay tâm là Tịnh độ, há lại cần sinh Cực Lạc! Nhưng họ không biết vô minh sinh tử, nghiệp tướng hừng hực, tuy có diệu tâm mà còn chưa chứng đắc, nên chưa được đại dụng của Phật. Lại chấp sinh tử phiền não đều là bồ-đề niết-bàn, đâu chẳng phải là Phật pháp? Nhưng họ không biết sinh tử hiện tiền vẫn như cũ, mịt mờ không nơi nương tựa, vậy thì chỗ nào sẽ có niết-bàn, vô minh bỗng khởi, vẫn lại điên đảo thị phi, ai là giác giả bồ-đề. Một đời nói dối, muôn kiếp trầm luân, há chẳng đau xót lắm sao!
Chính văn: Nay có hai người làm Phật, đồng ra khỏi biển Tì-lô-giá-na, mà lại bị thấm ướt bởi phân năm trược, bị mờ mịt nơi quả bầu ba cõi, bị ngăn chặn bởi hòn đá vô minh, bị xen lẫn nơi mười hai loại giun lãi. Khi có người hỏi, một người trong đó liền nói: “Ta là Phật, là Tì-lô-giá-na. Năm trược, ba cõi, vô minh, mười hai loại đều không. Tất cả không thiện không ác, không nhân không quả, không tu không chứng, không Phật không chúng sinh. Tất cả đều không, thì ta cầu cái gì?
Giải thích: Đây hợp với văn ví dụ ở trên. Đồng là học Phật, nhưng tri kiến không đồng, cho nên đều nói làm Phật. Hai người tức là hai căn cơ tin tưởng và hủy báng. Tì-lô-giá-na, Trung Quốc dịch là Biến Nhất Thiết Xứ, là pháp thân Phật, cũng gọi là chân như tính hải. Pháp thân này, chúng sinh và Phật đồng một thể, cho nên nói là đồng ra khỏi.
Năm trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược. Năm trược là pháp nhiễm ô, nên dụ như phân. Tam hữu là ba cõi: cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc. Vì ba nơi này cách biệt, không đồng, nên gọi là cõi. Nhân quả chẳng phải không, nên nói là có. Ba cõi hạn cuộc chúng sinh, cho nên ví dụ như quả bầu. Bốn đại hạn cuộc sáu thức cũng như thế, nên đều có tên như thế.
Vô minh ngăn ngại pháp tính, nên dụ như đá. Mười hai loại không lìa ba cõi, như giun lãi không rời bụng người.
Có người hỏi. Người tức là đại sĩ tứ y[5].
Một người trong đó, tức là người chấp lí, trái lời dạy, cho rằng ta là Phật. Đoạn này hợp với câu: ‘Ta là biển cả’ ở trên. Tất cả đều không, chính là sở chấp.
Năm trược không, hợp với câu ‘Ô uế không thể để xâm hại sự trong sạch’. Ba cõi không, hợp với câu ‘Chật hẹp không thể để xâm hại chỗ rộng lớn’.
Vô minh, mười hai loại không, hợp với câu ‘Tối tăm không thể để xâm hại sự sáng trong’. Thiện là trời người, ác là ba đường ác. Nhân quả tu chứng thông với bốn quả thánh. Người chấp không này có hai hạng: một là tâm tự tỏ ngộ, hai là nghe từ người khác. Tâm tự tỏ ngộ, bệnh này rất khó trị. Nghe từ người khác thì về sau có thể chữa trị.
Chính văn: Hỏi: “Như tính ông đã nói, lại có sự chăng? Tính và sự tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nếu chấp một cho là nhất định thì nạn lớn sẽ đến”. Người kia nói: Ông hãy đi đi, chớ làm loạn ta!”.
Giải thích: Đoạn này nêu lên chính giải để giúp người chấp trước nhận biết lỗi lầm. Tính có ba nghĩa: Không-giả-trung. Như lời ông đã trình bày ở trên thì chỉ mới được nghĩa không, chứ không biết giả-trung. Lại nữa, Không có ba loại: Thiên không, đoạn không, chân không. Lời ông vừa luận chỉ mới nêu được thiên không và đoạn không, chứ chưa đạt được lí chân không; như thế há biết được tính sao? Nếu đã ngộ chân không thì không bài bác không có muôn pháp, cho nên biết là ông chưa hiểu rõ.
Từ câu ‘Có sự…’ trở xuống chính là lời nói tùy bệnh cho thuốc. Tính tức là lí. Lí và sự tuy hai mà thường là một, tuy một mà thường hai. Nếu viên dung thì công lớn được lập. Chấp một thì họa lớn phát sinh. Được mất do nơi người, không liên quan đến Phật pháp.
Hỏi: Tại sao cho rằng một mà hai, hai mà một?
Đáp: Như tổ sư nói: “Tu chứng thì chẳng phải không, nhiễm ô lại chẳng thể được”. Lời này rất đúng. Tu chứng thì chẳng phải không là nói về sự. Nhiễm ô lại chẳng thể được là nói về lí. Nghĩa lí hai câu này hoàn bị cho nhau, dung hợp lẫn nhau, không thể phế bỏ bên nào! Câu trên đầy đủ ý nghĩa câu dưới, nên không tu chứng mà luận tu chứng. Câu dưới đầy đủ nghĩa câu trên, nên không nhiễm tịnh mà nói nhiễm tịnh. Đây là yếu chỉ của sự-lí bất nhị[6] vậy. Nếu chấp chỉ có tu chứng thì đồng Nhị thừa Quyền giáo. Nếu chấp chỉ không nhiễm ô thì đồng với ngoại đạo Tự nhiên. Lại nữa đồng Quyền giáo thì chỉ chuộng quả vị, lỗi này cạn nhẹ. Đồng ngoại đạo thì bác không nhân quả, lỗi này sâu nặng. Cho nên nói ‘nạn lớn sẽ đến’. Nạn đó là hiện tại thì mất lợi ích tiến tu, còn vị lai thì chiêu cảm tai ương đọa lạc, há không đáng sợ sao? Lại nữa, ngôn cú của tổ có lúc lời nói thì thiên mà ý lại viên, nhưng hàng trí tuệ cạn mỏng, thường thường y theo lời mà suy hiểu, khiến đề-hồ thành thuốc độc, thật đáng xót thương!
Hỏi: Thế nào là ‘lời thì thiên mà ý lại viên’?
Đáp: Như tổ Chí Công nói: “Năm dục, tham sân là Phật. Địa ngục tức là thiên đường. Người trí biết tâm mình là Phật, kẻ ngu thích vãng sinh Tây phương”. Đây gọi là ngôn thiên ý viên.
Giải thích: Nếu người nào có thể quán cảnh giới năm dục và tham, sân, nghi như hoa đốm giữa hư không, không khởi tâm phân biệt, thì người này được gọi là Phật. Vì thế nói năm dục, tham, sân là Phật. Lại quán tuớng khổ vui của địa ngục, thiên đường như cảnh trong mộng, không ưa thích thiên đường cũng không sợ hãi địa ngục, hai cảnh này đều bình đẳng, cho nên nói địa ngục tức là thiên đường.
Người trí biết tâm mình là Phật; kẻ ngu thích vãng sinh Tây phương. Hai câu này chú trọng hai chữ biết tâm. Nghĩa là nếu người biết tâm là Phật mà niệm Phật thì đó là người trí. Không biết tâm là Phật thì dù thích vãng sanh Tây phương cũng là kẻ ngu. Người trí là chỉ cho thượng phẩm thượng sinh, kẻ ngu là hạ phẩm hạ sinh. Hai câu này hoàn toàn không trái ngược với yếu chỉ Tịnh độ, nhưng người ngu lại chấp lời này mới cho rằng niệm Phật là cách tu của kẻ ngu, há Tây phương chỉ có hạ phẩm hạ sinh mà không có thượng phẩm thượng sinh hay sao? Lại nữa, về hạ phẩm, tuy người ấy ở cõi này là kẻ ngu, nhưng nếu sinh Tịnh độ thì bước vào giai vị Bất thoái, nhất định không thể nói là kẻ ngu. Không biết bản thân mình ngu mà nói người khác ngu thì gọi là gì? Vì thế quí ở chỗ được ý, kị chỗ chấp lời. Ở đây chỉ nêu lên một việc để dụ cho nhiều vấn đề, suy nghĩ thì có thể biết.
Chính văn: Có người nói: “Than ôi! Ta bị độc đã lâu. Ta dùng hết sức mà không thể trừ vô minh. Ta vận hết trí mà không thể thoát ba cõi, lìa năm trược để khác mười hai loại”. Nói chung thì khả năng ta không thể biết nhiều đại kiếp, tiểu kiếp. Biết làm thế nào đây?
Giải thích: Đây là nói người tu hành đúng giáo lí. Biết không đủ sức, là lời tự xét mình. Vào thời mạt pháp, căn cơ con người dần dần chậm lụt, tâm ý dần dần trở nên thô. Đại khái có hai hạng người ngu và người cuồng. Người ngu thì mê mờ không hiểu, chắc chắn không cần phải luận bàn. Người cuồng thì vọng tưởng cao xa, thường muốn những việc cao xa, không những xem nhẹ pháp môn Niệm Phật, mà còn sinh tâm xem thường, nhục mạ, huống gì chịu tu tập! Điều này không có gì khác, chỉ là kẻ ấy tự không biết mình mà thôi. Cổ nhân nói: “Ai biết người thì đó là bậc trí, biết mình là người sáng suốt”. Đời này, tự biết mình cũng đã là hiếm rồi. Trong văn hợp với ví dụ, mỗi mỗi có thể tự biết.
Đại kiếp, tiểu kiếp: Thời gian khi thọ mạng con người, một lần tăng một lần giảm là một tiểu kiếp. Gom tám mươi tiểu kiếp thành một đại kiếp. Gom đại kiếp, tiểu kiếp đến số lượng không thể tính toán thì gọi là một a-tăng-kì kiếp.
Không thể biết tức là không thể tính toán. Bồ-tát Tạng giáo cần trải qua ba vô số kiếp tu hành mới được thành Phật, nhưng người lui sụt thì nhiều, người tinh tiến thì ít. Đây là nói những việc mà tự lực khó đạt được. Vì tất cả pháp môn khác đều nhờ tự lực mà ra khỏi sinh tử, cho nên khó. Chỉ một pháp môn Niệm Phật nhờ cả tha lực, cho nên dễ. Vì dễ nên một đời có thể thành tựu, do khó nên nhiều kiếp tu mà chưa thành. Lợi hại, được mất chủ yếu ở chỗ này. Vì thế biết khó-dễ thì biết lợi-hại; đã biết lợi-hại thì biết lấy-bỏ. Nếu không thì đường trước mịt mờ, khiến nhiều kẻ phải lầm đuờng! Đời chính pháp, tượng pháp chấp nhận có người nhờ tự lực thoát khỏi sinh tử. Nhưng đời mạt pháp, thì ít nghe nói đến người này. Nay tự lực không thể thành tựu, muốn cầu tha lực, cho nên hỏi ‘Biết làm thế nào đây?’.
Chính văn: Người hỏi trình bày việc Tây phuơng, khiến người tu tập tam-muội Niệm Phật, đồng nhất không hữu. Thế là bậc thánh thương xót, tiếp nhận mà an trí họ nơi cảnh giới Cực Lạc, lìa bỏ những điều ác, gom chứa muôn hạnh, an trú tại cõi của bậc thánh, đồng tri kiến Phật.
Giải thích: Đây là nói lợi ích của niệm Phật. Tam-muội là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là chính thụ, tức là chính niệm hiện tiền, không lãnh nhận các thụ. Người được tam-muội này thì hiện tiền hay vị lai nhất định thấy Phật.
Đồng nhất không hữu là không niệm mà niệm, không sinh mà sinh.
Hỏi: Không thì một pháp không lập, hữu thì muôn pháp rõ ràng. Hai pháp này chống trái, sao gọi là đồng nhất?
Đáp: Thuở xưa, khi khai thị Tịnh độ, thiền sư Thiên Y Hoài dạy: “Sinh thì nhất định sinh, đi thì thật không đi”. Đây là yếu chỉ đồng nhất không hữu. Sinh thì nhất định sinh là hữu. Đi thì thật không đi là không. Lời nói tuy có hai mà ý thì chưa từng hai. Sư lại nói: “Giống như nhạn lướt qua hư không, bóng hiện dòng nước lạnh. Nhạn không có tâm lưu dấu. Nước không có ý giữ hình”. Đây tự đã giải thích lời của đoạn văn trên. Xin giải thích từng phần của ví dụ này thì tự biết ý nghĩa. Năm ấm của hành giả là nhạn. Tâm hiện tiền niệm Phật của hành giả vốn xuyên suốt ba đời, trùm khắp mười phương, cho nên dụ cho hư không. Thân một đời, không bao lâu liền diệt, nên gọi là lướt qua. Huyễn chất tuy có sinh diệt, mà tính niệm vốn không sinh diệt, nên nói nhạn lướt qua hư không.
Quốc độ Thanh Lương lìa nóng bức, nên gọi là nước lạnh. Phương này niệm Phật, cõi kia hoa nở; siêng-nhác mới phân, vinh-khô bỗng khác, nên nói bóng hiện. Lại nữa, phương này ấm diệt gọi là nhạn lướt qua, cõi kia ấm sinh gọi là bóng hiện. Đây diệt kia sinh, từng không trước sau, nên lấy đó làm ví dụ. Hai câu này giải thích câu “Sinh thì nhất định sinh” ở trên.
Câu “Nhạn không có tâm lưu dấu” là nói chúng sinh không đi. Câu “Nước không có ý giữ bóng hình” là nói chư Phật không đến. Vì sao? Vì nếu có đi thì có đường đi. Có đường đi thì có thời gian. Vậy làm sao có việc đây diệt kia liền sinh, khoảng giữa không xen hở mảy may. Nếu có đi tức có dấu chân. Có dấu chân thì đây có-kia không, không thể cùng khắp, vậy làm sao có việc mười phương ứng hiện, tiếp dẫn đồng thời. Nên biết pháp tính như thế, chẳng có chẳng không, trong đó há có thể suy lường sao? Hai câu này giải thích câu: “Đi thì thật không đi” ở trên. Nhưng trong pháp chỉ nói không đi, trong dụ gồm cả không đến, đây là cách nói kèm theo.
Hỏi: Đã nói chúng sinh không đi, lại nói chư Phật không đến, thì sinh Tây phương là sinh ngay cõi này, vì vốn không phương hướng, chẳng lẽ là cảnh thấy trong mộng, chứ chẳng phải cảnh thật sao?
Đáp: Ông chẳng xem câu: “Bóng hiện dòng nước lạnh” sao? Nói bóng hiện nước lạnh thì hiển bày Tây phuơng thật có thân hóa sinh, nhưng vì tìm cầu tướng qua lại vốn bất khả đắc, nên nói không đi không đến. Sao ông mê muội quá như thế? Bỏ những việc ác là đoạn đức, gom chứa muôn hạnh là trí đức. An trú giai vị thánh là nhân chân thật của bốn mươi mốt giai vị. Đồng tri kiến Phật là lí khai-thi-ngộ-nhập.
Giải thích: Đây nói những tác hại của việc không niệm Phật. Mười hai loại: Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc cho đến phi hữu tưởng phi vô tuởng, như kinh Lăng-nghiêm đã nói. Mười hai loại này đều gồm thâu vào số lượng chúng sinh. Nếu chứng bốn quả thánh, ra khỏi ba cõi thì không thuộc trong mười hai loại này.
Hỏi: Tham thiền, niệm Phật bằng nhau vì liễu sinh tử. Chúng ta chỉ lo tâm tính chưa sáng. Nếu tâm tính đã sáng thì nơi nào không phải là Tịnh độ. Ba cõi vốn không, có gì để ra khỏi? Mười hai loại chẳng thật, có gì gọi là đồng? Phật còn bất khả đắc, huống gì chúng sinh?
Đáp: Những lời ông nói đều có lời mà không có nghĩa, chỉ chấp luận bàn vui vẻ nhất thời, chứ hoàn toàn không biết lợi-hại. Tôi thử hỏi ông: “Ông đã chứng bốn quả chưa?”. Ông chưa chứng bốn quả thì còn là phàm phu. Hết đời này nhất định thụ thân sau. Nếu thụ thân sau mà không ở cõi trời, cõi người thì ở ba đường ác, không bao giờ thoát khỏi mười hai loại. Ông còn không thể siêu thoát cõi Dục, huống gì thoát khỏi cõi Sắc, cõi Vô Sắc! Còn không thể siêu thoát ba đường ác, huống gì thành Phật!
Hỏi: Vậy hàng thanh văn chứng bốn quả, thân này vẫn còn, há chẳng phải thuộc mười hai loại sao?
Đáp: Hàng thanh văn chứng bốn quả, thân tuy không diệt, nhưng không bao lâu sẽ diệt độ. Diệt độ thì thụ thân pháp tính, trú ở cõi Phương tiện, tức đã ra khỏi ba cõi. Giống như quán trọ, khách ở nhờ không lâu rồi sẽ đi. Người trong gia đình ấy nhất định không thể xem đó là người của nhà mình. Hàng thanh văn tạm nương nơi ba cõi cũng như thế.
Hỏi: Khi giáo hóa chúng sinh, chư Phật, bồ-tát thị hiện ở thế gian, nhất định phải nương thai mẹ, há không phải cũng là thai sinh sao? Vậy nên xếp vào loài nào?
Đáp: Chư Phật độ sinh, thị hiện gá vào thai mẹ. Đã nói thị hiện thì tuy có mà không thật, thì đâu được phán định thật là chúng sinh để thâu về mười hai loại sao? Tịch quang, Thật báo vốn là trụ xứ của chư Phật và bồ-tát, còn cõi này chỉ là tạm hiện.
Hỏi: Như thế, tại sao kinh luận ghi mười pháp giới gọi chung là chúng sinh?
Đáp: Đây là luận chung. Vì hàng Tam thừa ra khỏi ba cõi vẫn còn biến dịch sinh tử. Phật cũng có năm ấm thường trụ, nên được gọi như thế. Ở đây bỏ chung lấy riêng, chỉ luận phần đoạn sinh tử, không luận biến dịch sinh tử và năm ấm thường trụ, nên không thể dùng ý kia để hỏi nghĩa này.
Hỏi: Tịnh độ Tây phương cũng là hóa sinh, há không thuộc mười hai loại sao?
Đáp: Tịnh độ tuy có hóa sinh, nhưng không phải thân phần đoạn, chỉ thuần là hóa sinh, nên không phải mười hai loại (phần là giới hạn, đoạn là hình đoạn. Vì thọ mạng cõi kia vô lượng nên không có hình thể giới hạn, biến hóa vô cùng, không nhất định có hoặc không, nên không có hình đoạn). Huống gì khi sinh cõi kia, liền vào dòng Thánh, thẳng đến thành Phật, lại không thụ thân đời sau, há cho là thuộc mười hai loại sao?
Hỏi: Trong Thiền tông, người đạt ngộ thì thấy tính đã thấu suốt, không ra cũng không vào ba cõi; không bỏ cũng không thụ thân mười hai loại, tùy duyên gửi thân, phương tiện độ sinh, thì có gì là không thể?
Đáp: Người tỏ ngộ, tuy có chỗ tỏ ngộ, nhưng không đoạn hoặc nghiệp. Nếu sinh vào ba cõi, khi vào thai mẹ, trở thành cách ấm, những sở ngộ trước đây đều quên mất, công phu cả đời mất hết trong phút chốc, há không tiếc sao? Lại có nghiệp, thì bị lôi kéo vào loài khác, ông lại đâu có thể tự chủ mà không bị ác báo làm chướng ngại? Còn nếu sinh vào Tịnh độ, gần gũi bậc đạo sư, một khi vào giai vị Thánh, liền lên Phật địa. So sánh sự lên xuống ba cõi, ra vào thai mẹ, gì được gì mất như thế, ông nên tự suy nghĩ! Cho nên biết, đã không ngộ thì thôi, hễ ngộ thì nên gấp rút cầu sinh Tây phương. Như người được của báu, cần tìm chỗ đất tốt mà chôn giấu, thì mới giữ được để thụ dụng, nếu không thì cuối cùng cũng mất hết. Đạt ngộ và vãng sinh cũng như thế. Nên biết, muốn thoát sinh tử, thì không gì hơn pháp môn Niệm Phật. Nếu tại cõi này mà có thể xuất li, thì nhất định không có việc này. Mong không còn tranh cãi và hãy bình tâm suy xét!
Chính văn: Hai người trái nhau không giống như nước trong hai quả bầu. Nay không biết bỏ một chọn một, thật quá ngu si!
Giải thích: Đây là tổng kết văn trên để đến việc nói bỏ-lấy. Cuối đời tượng pháp, há chỉ có sở kiến của những người trong Tông-Giáo[7] trái nhau, như nước trong hai quả bầu. Tức đồng một pháp môn, đồng học một thầy mà tri kiến không đồng, loại này chẳng phải một. Đã từ lâu, chính kiến thật khó gặp, bạn tà lại dễ gần. Nay luận lấy-bỏ, thì nên biết lợi-hại, như trên đã trình bày. Tin-hủy, được-mất, lợi-hại đã rất rõ ràng, có người trí nào mà không biết bỏ-lấy. Than ôi! Người đời nay không ai không cầu lợi mà thường mất lợi, cũng không ai không tránh nguy hại mà thường gặp nguy hại. Vì sao? Nói chung, vì tâm không rỗng rang, hạnh không chân thật, tri kiến không chính. Do đó người tu tâm cốt phải rỗng rang tâm mình, làm chân thật hạnh của mình, có chính tri kiến, lấy thánh giáo làm gương sáng, lấy thầy bạn để thúc giục sách tấn, từ đầu đến cuối luôn luôn lo sợ cẩn thận, ngõ hầu mới không bị họa lớn! Không như thế thì suốt đời bị hại, mà vẫn điềm nhiên không biết. Đến khi gần chết còn không tự ngộ, để luống uổng một đời, oán hận nghìn năm. Đây đều là không biết bỏ-lấy.
Thật quá ngu si! Đây là lời tự trách. Nói người trí không bằng nước trong quả bầu trở về biển cả, thì có thể nhẫn chịu được sao?


Chú thích:
[1] Đông Hải Nhược: Sách, do Liễu Tôn Nguyên soạn vào đời Đường, được xếp vào Minh tạp đề bộ trong Liễu hà đông tập quyển 20, Toàn Đường văn quyển 586 và Cư sĩ truyện quyển 19. Nội dung kể truyện về một vị thần biển Đông (Đông hải nhã) lên gò Mạnh Chư nhặt được hai quả bầu, trong chứa đầy nước biển hòa lẫn với phân và giòi bọ lúc nhúc, thần biển đem bịt kín lại rồi liệng hai quả bầu xuống biển. Sau, một quả nghe lời chỉ dạy của thần biển, giạt vào hoang đảo vỡ ra, gạn bỏ phân và giòi bọ bẩn thỉu đi, rồi để nước biển trở về biển cả. Còn quả bầu kia thì không biết mình hôi thối, cứ tiếp tục mang nước biển trong mình, nên nước biển không thể trở về được với biển cả. Trong truyện ngụ ngôn này, quả bầu sau ngụ ý ta tức là Phật bản lai, nhưng không thừa nhận cuộc đời hiện thực có đầy dẫy năm truợc ác, không có ba cõi, không có vô minh, v.v...; đứng trên lập trường cố chấp tính không, cho là không thiện không ác, không nhân không quả, không tu không chứng, không Phật không chúng sinh, v.v... Còn quả bầu trước ngụ ý theo lời Thánh nhân chỉ bảo, biết tu tam-muội Niệm Phật; bỏ các điều ác, làm các việc thiện, vào giai vị Thánh, ngang với trí kiến của Phật.
[2] Âm hỏa: Ánh sáng phát ra từ sinh vật trong biển.
[3] Tính hải: Chỉ cho biển bản tính (thực tính). Ví dụ lí tính chân như sâu rộng như biển là cảnh giới của pháp thân.
[4] Tịch quang: Vắng lặng và chiếu soi, tức chỉ cho lí đức và trí đức. Tịch là chân lí vắng lặng, quang là chân trí chiếu soi.
[5] Đại sĩ tứ y: Bốn hạng người được chúng sinh tin tưởng và xứng đáng làm y chỉ, đó là: một, xuất thế phàm phu là người còn phiền não (Tam hiền, Tứ thiện căn); hai, tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm; ba, a-na-hàm; bốn, a-la-hán.
[6] Sự lí bất nhị: Pháp hữu vi do nhân duyên sinh là sự, pháp vô vi không sinh không diệt là lí. Sự tuy theo duyên mà sinh, nhưng lí không sinh không diệt lúc nào cũng ở trong sự. Lí tuy là chân như lặng lẽ bất động, tịch tĩnh vô vi, nhưng nếu không nhờ có sự do nhân duyên sinh thì lí không thể hiển bày được. Do đó, tức sự tức lí, tức lí tức sự, gọi là sự lí bất nhị.
[7]Tông-Giáo: Chỉ cho tông và giáo. Nghĩa là giáo pháp đức Phật nói ra vì thích ứng với căn cơ các đối tượng được giáo hóa, cho nên gọi là Giáo; còn ý chỉ căn bản trong giáo thì gọi là Tông. Thông thường, Tông là niềm tin chủ quan, cá nhân, còn Giáo thì có nghĩa giáo thuyết khách quan.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.132.15 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập