"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An - Thích Tâm Nhãn - Thích Đạo Luận DẪN NHẬP
[496c09] Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc thiết lễ nhiều y vật tại rừng Thệ-đa xong, thưa với đại chúng:
- Những vị nào là đệ tử của đức Thế Tôn đã viên mãn giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đáng được lễ kính tôn trọng cúng dường, là bậc phước điền vô thượng, có thể tiêu thụ được lợi vật cúng dường, thì tùy ý thọ dụng những vật con đã thiết lễ.
Khi ấy các vị đã sạch lậu hoặc đều nghĩ: “Tại sao ta lại vì những y vật này để tự phô trương?” Các vị hữu học thì nghĩ: “Chúng ta còn có những kết sử vi tế chưa đoạn sạch. Đối với vật cúng dường này, đúng lý thì không được thọ dụng.” Hàng dị sinh[1] cũng tự nghĩ: “Chúng ta đều đang bị trói buộc bởi phiền trược, đúng ra đừng hy vọng gì về y vật này.”
Cuối cùng không một người nào thọ dụng y vật này cả. Các bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Này các bí-sô, có phải các người nghĩ rằng vì cầu giải thoát nên đến với Ta để tu hành phải không?
Các bí-sô thưa:
- Bạch Đại đức, đúng vậy.
Phật dạy:
- Nay Ta cho phép những người phát tâm cầu niết-bàn đến với Ta để tu hành tịnh hạnh, được mặc y phục giá trị trăm ngàn lượng vàng, được ở phòng nhà giá trị năm trăm, được ăn thức ăn đầy đủ sáu vị, tất cả sự cúng dường như vậy đều được tiêu dùng. Này các bí-sô, nên biết rằng có năm loại thọ dụng.
1. Thọ dụng như người chủ; 2. Thọ dụng như gia tài của cha mẹ; 3. Được phép thọ dụng; 4. Thọ dụng như mắc nợ; 5. Thọ dụng như trộm cắp.
1. Thọ dụng như người chủ là bậc A-la-hán.
2. Thọ dụng như gia tài của cha mẹ là bậc Hữu học.
3. Được phép thọ dụng là bậc thuần thiện dị sinh, thường tu định, tụng kinh, người không phá giới.
4. Thọ dụng như mắc nợ là những người giải đãi biếng nhác.
5. Thọ dụng như trộm cắp là những kẻ phá giới.
Ta hoàn toàn không cho phép các bí-sô phá giới được thọ dụng một hạt cơm và cũng không cho phép những kẻ ấy được bước một dấu chân trong đất chùa.
[497a01] Do đó, nay Ta cho phép các bí-sô, nếu được các vật cúng dường, đại chúng nên phân chia nhau.
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, như Thế Tôn dạy: nếu các bí-sô y đã làm xong, y kiết-sỉ-na đã xuất, nếu rời một trong ba y mà ở trong cương giới khác, phạm tội ni-tát-kỳ ba-dật-để-ca, trừ khi được chúng Tăng cho phép.
Bạch Đại đức, các bí-sô đi đường không biết như thế nào là vị trí cho phép của y?
Phật dạy:
- Như Bà-la-môn Sinh Văn[2] có trồng bảy cây xoài, mỗi cây cách nhau bảy tầm, hoa trái xum xuê. Tổng cộng các khoảng cách là bốn mươi chín tầm. Đây là giới hạn vị trí của y cho bí-sô đi đường.
- Bạch Đại đức, nếu bí-sô ở một chỗ thì vị trí của y là bao nhiêu?
Phật dạy:
- Chu vi trong một tầm. Dù ngồi, đứng hay nằm đều chỉ trong một tầm.
- Bạch Đại đức, nếu bí-sô nằm giữa hai cương giới thì vị trí của y rộng bao nhiêu?
Phật dạy:
- Cho đến một góc của y chưa rời thân thì gọi là không ly y.
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, y tăng-già-chi có bao nhiêu điều?
Phật dạy:
- Có chín loại, là chín điều, mười một điều, mười ba điều, mười lăm điều, mười bảy điều, mười chín điều, hai mươi mốt điều, hai mươi ba điều, hai mươi lăm điều. Ba loại đầu của y tăng-già-chi, mỗi điều có hai miếng dài một miếng ngắn. Ba loại giữa, mỗi điều có ba miếng dài một miếng ngắn. Ba loại cuối, mỗi điều có bốn miếng dài một miếng ngắn. Nên thọ trì như vậy. Nếu nhiều hơn số điều này là thành phá nạp.
- Bạch Đại đức, có bao nhiêu loại y tăng-già-chi?
Phật dạy:
- Có ba loại là thượng, trung, và hạ. Y thượng, dài bằng ba khủy tay, rộng năm khủy tay; y hạ, dài bằng hai khủy tay rưỡi, rộng bằng bốn khủy tay rưỡi; y trung khoảng giữa hai loại trên.
- Bạch Đại đức, y uất-đản-la-tăng-già-chi có bao nhiêu điều?
Phật dạy:
- Chỉ có bảy điều, mỗi điều có hai miếng dài một miếng ngắn.
- Bạch Đại đức, bảy điều có bao nhiêu loại?
Phật dạy:
- Y này có ba loại là thượng, trung, và hạ.
Y thượng rộng ba khủy, dài năm khủy.
Y hạ rộng hai khủy rưỡi, dài bốn khủy rưỡi.
Y trung giữa hai loại trên.
- Bạch Đại đức, y an-đát-bà-sa[3] có bao nhiêu điều?
Phật dạy:
- Có năm điều, mỗi điều có một miếng dài một miếng ngắn.
- Bạch Đại đức, y này có bao nhiêu loại?
Phật dạy:
- Có ba loại thượng, trung, và hạ. Loại y thượng kích thước là 3 x 5 khủy. Y trung và y hạ giống như trên.
(Tăng-già-chi dịch là y nhiều lớp. Uất-đản-la tăng-già-chi dịch là y mặc trên. An-đát-bà-sa dịch là y mặc trong. Ở Tây Trúc, ba y đều cắt ra từng lá rồi may lại. Riêng ở Đông Hạ [Trung Quốc] để hở ra không may dính lại. Xem kỹ trong luật thật không cho phép để hở như vậy. Dài làm ngắn lại, chế thêm dây thắt [hoặc câu móc], một góc vắt xuống ngoài cánh tay, để bày phần trước ngực ra, lại không trùm che vai. Đây là cách dùng không đúng luật định. Không biết bắt đầu từ thời nào, do làm vậy lâu ngày, nên dù có can ngăn nhưng ít người nghe theo. Đến như những hình thức mặc y có câu móc, có nút v.v… nói rộng như những chỗ khác).
Phật dạy:
[497b01] - An-đát-bà-sa lại có hai loại. Thế nào là hai?
1. Dài hai khủy, rộng năm khủy.
2. Dài hai khủy, rộng bốn khủy.
Đây là hạn lượng cuối cùng của y thủ trì. Hạn lượng của y hạ này che ba chỗ (Phía trên che tới rốn, phía dưới phủ tới hai đầu gối. Nếu người khủy tay dài thì kích thước tương đương với khuỷa tay. Nếu người tay ngắn thì dài không xuống tới đầu gối. Nên căn cứ kích thước khủy tay dài ngắn làm chuẩn).
Nếu kích thước của y vuông-tròn vừa đủ một khủy tay thì đây là hạn lượng nhỏ nhất để phân biệt y. Nếu không thủ trì phân biệt loại y này đều phạm xả đọa. Nếu chiều rộng không đủ, mà chiều dài lại hơn, thì không cần phải phân biệt, để như vậy, giữ và dùng. Chú thích:
[1] Dị sinh 異生: Skt. pṛthag-jana, bālapṛthagjana, hoặc dịch là phàm phu.
[2] Bà-la-môn Sinh Văn 生聞婆羅門: P. Jānusoṇi.
[3] An-đát-bà-sa: xem cht. 1, tr. 27. HÀNH BÁT CÓ PHẠM
Nếu bí-sô hoặc bí-sô-ni nào, hoặc y, bát, dây cột, chén đồng, dây lưng, tùy mỗi mỗi các loại vật dụng tùy thân của Sa-môn, nếu phạm xả đọa, chẳng hạn như trường hợp dư bát, thì cần phải xả trước Tăng. Trình tự xả như thế này: Trước tiên sai một bí-sô hành bát. Nếu bí-sô nào có năm pháp sau thì không được sai; nếu đã sai, thì hủy bỏ. Thế nào là năm? Đó là có: Ái, nhuế, bố, si, không phân biệt rõ làm và không làm. Nếu vị nào không có những điều này thì nên sai.
Sau đó trải tòa v.v… cho đến hỏi:
- Thầy tên… có thể vì Tăng hành bát có phạm không?
Vị kia đáp: - Có thể.
Thứ đến, sai một bí-sô tác bạch rồi tiến hành yết-ma:
Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô tên… có thể làm người hành bát có phạm cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp thì bí-sô tên… làm người hành bát có phạm. Đây là lời tác bạch.
Yết-ma chuẩn theo văn bạch.
Phật dạy:
- Bí-sô hành bát có phạm, có những pháp phải làm, nay Ta sẽ nói: Bí-sô hành bát, khi chúng Tăng hòa hợp, nên cáo bạch rằng: Các Đại đức, ngày mai tôi sẽ vì Tăng hành bát có phạm. Này các cụ thọ, mỗi người phải tập hợp đủ và mang theo bát của mình.
Đến sáng hôm sau, khi Tăng-già đã tập hợp đủ, vị bí-sô kia đem bát có phạm, đến đứng trước Thượng tọa, tán thán bình bát đó, rồi bạch với Thượng tọa rằng:
Bát này sáng sạch tròn đầy có thể dùng được, ngài cần dùng thì lấy. Nếu Thượng tọa lấy bát này thì đem bát cũ của Thượng tọa đưa đến Thượng tọa thứ hai và cứ tiếp tục đưa đi như vậy cho đến vị cuối cùng. Nếu vị Thượng tọa không cần bát ấy thì đưa đến cho Thượng tọa thứ hai. Khi đưa cho Thượng tọa thứ hai, nếu Thượng Tọa thứ nhất đòi lại, khi vị ấy đòi lần thứ nhất, lần thứ hai thì không nhất thiết phải đưa. Nếu vị này đòi đến lần thứ ba thì đưa bát ấy cho Tăng. Thượng tọa đòi đó phạm tội ác tác, phải phát lồ sám hối. [497c01] Như vậy, cho đến nếu vị hạ tọa ba lần đòi lại bát, đến lần thứ ba thì đưa cho Tăng, xử lý giống như trường hợp của vị Thượng tọa, cần phải sám hối. Hành bát như vậy cho đến cuối cùng. Bát cuối cùng nên trao cho bí-sô phạm tội xả đọa, dặn thầy ấy rằng:
- Bát này không được thủ trì, cũng không nên vứt bỏ, từ từ thọ dụng, thường phải giữ gìn cho đến khi bát bể.
Bí-sô hành bát có phạm, nếu không thi hành đúng như vậy, phạm tội vượt pháp. Phật dạy:
- Này các bí-sô, bí-sô giữ bát có phạm, có những pháp cần phải làm, nay Ta sẽ dạy:
Khi đi khất thực để bát có phạm vào trong bọc (đãy) bát đẹp, còn bát đang sử dụng thì để vào bọc khác. Nếu được thức ăn ngon thì để vào bát có phạm, thức ăn thô thì để vào bát đang thủ trì. Bát có phạm để qua một bên, bát đang thủ trì thì dùng để ăn uống. Khi rửa, phơi, xông, hay đi đường, thì bát có phạm đều phải để nơi sạch sẽ, dùng như vậy cho đến khi bể. Bí-sô giữ bát có phạm nếu không thực hiện đúng theo những pháp thức như vậy là phạm tội vượt pháp.
Trên đây chỉ trình bày về phương pháp xả bát. Nếu có dư y cùng các việc khác, phải đối chiếu rõ ràng. Người biết pháp phải xả các vật bị phạm này, nên nói như thế này: “Đây là vật của tôi bị phạm ni-tát-kỳ, nay xả cho các cụ thọ tùy ý sử dụng”.
Bí-sô phạm xả đọa có thể làm gián cách. Gián cách ở đây có nghĩa là sau một ngày đêm hay hai ngày đêm, nên đem vật này trả lại cho bí-sô kia và bảo rằng:
- Này cụ thọ, nên tùy ý sử dụng.
Sau đó, bí-sô bị phạm ni-tát-kỳ ba-dật-để-ca, không kính (Thánh) giáo ba-dật-để-ca,[1] và các tội phương tiện đột-sắc-ngật-lý-đa,[2] đối trước một bí-sô như pháp phát lồ sám hối. Cần bạch như vầy:
Cụ thọ xin ghi nhận cho, tôi là bí-sô tên… phạm ni-tát-kỳ ba-dật-để-ca, không kính Thánh giáo ba-dật-để-ca, và các tội phương tiện đột-sắc-ngật-lý-đa. Nay tôi đối trước cụ thọ phát lồ sám hối tội ấy. Tôi không che dấu. Do phát lồ sám hối nên được an lạc. Không phát lồ sám hối thì không an lạc.
Bí-sô kia hỏi: - Thầy thấy tội không?
Đáp: - Thấy.
Hỏi: - Sau này thầy có khéo hội trì các giới không?
Đáp: - Hộ trì cẩn thận.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Cuối cùng, người hỏi nói: - Nên như vậy!
Người phát lồ đáp: - Lành thay!
Sau đó, bí-sô nên thủ trì phân biệt vật kia, hoặc đem xả thí cho người khác không nên nghi hoặc. Nếu không làm gián cách đối với vật này, mà có được thêm vật khác nữa thì đều phạm tội xả đọa. [498a01] Đối với bí-sô và bí-sô-ni trong trường hợp vật dụng là y hoặc là bát, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-để-ca. Y này nếu không xả, không làm gián cách, không phát lồ sám hối tội mà lại được thêm vật khác là bị chồng thêm tội xả đọa, do ô nhiễm của vật bị phạm ở trước phát sinh. Nếu y đã xả, lại làm gián cách, phát lồ sám hối tội rồi mà được thêm các vật khác thì không phạm.
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, như Thế Tôn dạy, bí-sô cần giữ 13 loại y vật dụng. Vậy nên cất giữ bằng cách nào?
Phật dạy: - Cần phải ghi nhớ tên từng loại để giữ. Mười ba loại là gì?
1. Tăng-già-chi (y nhiều lớp); 2. Uất-đản-la-tăng-già (y mặc trên); 3. An-đát-bà-sa (y mặc bên dưới) (Ba y này gọi là chi-phạt-la. Người Sulik[3] phương Bắc gọi pháp y là cà-sa với ý nghĩa là màu đỏ thẫm. Đây không phải là dụng ngữ của luật văn. Người ở Trung phương đều gọi là chi-phạt-la);[4] 4. Ni-sư-đãn-na[5] (Ngọa cụ); 5. Nê-phạt-tán-na[6] (Quần); 6. Phó-nê-phạt-tán-na[7] (Quần phụ); 7. Tăng-cước-kỳ-ca[8] (Y che nách. Xưa gọi là y che vai, chiều dài phủ tới cánh tay phải, đây chắc chắn là không đúng. Cách mặc y này là che nách bên phải rồi vắt qua lên trên tay trái mới đúng theo Phật chế. Một số phái lâu nay tự chế đủ kiểu y tăng-kỳ-chi, số lượng nhiều, tốn kém mà chưa thấy có cái nào đạt được sự chiết trung một cách hợp pháp. Vừa trái với Thánh giáo, còn tự chuốc lấy tội lỗi. Tuy họ thấy luật ghi rõ ràng, nhưng e là không chịu sửa đổi. Sửa là cần sửa cái gọi là y che vai, bỏ là cần bỏ các kiểu tăng-kỳ-chi kia. Nói rộng ra như các chỗ khác); 8. Phó-tăng-cước-kỳ-ca[9] (Áo lót phụ); 9. Ca-da-bao-chiết-na[10] (Khăn lau thân); 10. Mộc-khước-bao-chiết-na[11] (Khăn lau mặt); 11. Kê-xá-bát-thích-để-yết-thích-ha[12] (Y cạo tóc, mặc khi cạo tóc); 12. Kiến-đậu-bát-thích-để-xa-đạn-na[13] (Y che ghẻ); 13. Tỳ-sát-xã-bát-lợi-sắc-gia-la[14] (Y làm thuốc).
Tụng tóm lược:
Ba y cùng ngọa cụ,
Hai quần, hai áo lót
Khăn lau thân, lau mặt,
Y cạo tóc, che ghẻ,
Y làm thuốc sau cùng.
Tất cả các loại y đó đều phải ghi tên và thủ trì như ba y. Nên thủ trì bằng cách nói: “Ngọa phu cụ này, nay tôi thủ trì, đã làm thành y để sử dụng” Nói ba lần như vậy. Ngoài ra, các vật khác cũng căn cứ theo đây mà làm.
- Bạch Đại đức, ngoài mười ba tư cụ y này ra, có thêm y dư, phải làm thế nào?
Phật dạy:
- Ngoài mười ba loại tư cụ y ra, nếu có y dư, nên đem đến hai bậc thầy và các bậc tôn túc khác để ký gửi. Đem vật dư này đến trước vị bí-sô khác nói như thế này: “Cụ thọ ghi nhận cho, tôi tên là… có y dư này chưa làm pháp phân biệt, nay phân biệt là phù hợp (Xưa dịch thuyết tịnh là lấy theo ý). Nay tôi đối trước cụ thọ [498b01] làm pháp phân biệt và chọn Ô-ba-đà-da làm người ký gửi. Nay tôi giữ vật này. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
(Trong đây chỉ nói, đối với hai thầy để ký gửi với ý nghĩa là y này đã thuộc của thầy kia, nói lên sự từ bỏ tham trước, không còn thuộc về mình. Nhưng cũng không cần thỉnh người đến làm thí chủ. Theo luật văn, chỉ cần ở xa nêu tên người mà ta muốn gửi đến là được, không cần phải báo cáo cho họ biết. Nếu người kia qua đời thì có thể tùy ý ký gởi cho người khác. Cách phân biệt pháp y chỉ có duy nhất một cách này, không có chuyện triển chuyển thí hay chân thật thí.[15] Nếu có văn chỗ nào ghi khác đi, thì đó không phải là giáo nghĩa của Hữu bộ. Nói ký gửi, là muốn nói rõ người kia có thể gửi gắm).
Phật bảo Ô-ba-ly:
- Khi gặp chướng nạn, có sáu việc chỉ cần tâm niệm cũng được thành tựu: 1. Thủ trì ba y; 2. Xả ba y; 3. Phân biệt y dư; 4. Xả biệt thỉnh; 5. Làm trưởng tịnh (bố-tát); 6. Làm tùy ý (tự tứ).
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, y không cắt rọc được phép thủ trì không?
Phật dạy:
- Không được, trừ có duyên sự khác mới được phép.
- Bạch Đại đức, được phép mặc y không cắt rọc vào thôn xóm, thành ấp không?
Phật dạy:
- Không được, trừ phi có duyên sự khác thì cho phép.
- Bạch Đại đức, được mặc y không cắt rọc vào nhà người xuất gia ngoại đạo không?
Phật dạy:
- Không được. Nếu những người kia muốn theo ngoại đạo thì được.
- Bạch Đại đức, y không cắt rọc phải thủ trì như thế nào?
Phật dạy:
- Nên tác bạch thủ trì như vầy: Tôi tên là… có y tài này, nay tôi muốn được thủ trì. Tôi sẽ làm thành y bảy điều, hai khoảng dài, một khoảng ngắn. Nếu không có duyên sự khác, tôi sẽ nhuộm, cắt, may để sử dụng. Lần thứ hai, thứ ba cũng bạch như vậy. Đối với y năm điều cũng căn cứ theo đây. (Nếu có lụa trắng, vải trắng muốn làm hai y dưới, nhưng vì duyên sự cấp bách không rảnh để làm thì cắt vải trắng đó ra thành miếng cũng được phép thủ trì. Nếu đem nhuộm màu đi, rồi may thành điều y rõ ràng thì càng đúng pháp. Lại nữa, khi thủ trì y ở trong đàn tràng, có thể vén y lên người cũng không có lỗi gì. Trong trường hợp bất đắc dĩ, không có người để tác bạch, đương sự thuộc lòng được văn bạch trên, hoặc có thể viết ra giấy, hoặc tụng đọc lời văn đó cũng được chấp nhận. Lại nữa, các vị cầu tịch chỉ có y mạn điều là pháp phục, song, vẫn có hiện tượng [sa-di] lại quấn y năm điều, thật là phạm tội lạm dụng. Ở đất Thần Châu [Trung Quốc] này, hiện tượng này xảy ra từ lâu. Đây là việc làm phi pháp, không được cho sa-di quấn y như vậy.) Chú thích:
[1] Không kính (Thánh) giáo ba-dật-để-ca: xem cht. 2, tr. 235.
[2] Thiện kiến luật tỳ-bà-sa quyển 09 nói: Có tám loại tội Đột-kiết-la. Hỏi: Tám loại đó là gì? Đó là: 1. Phương tiện đột-kiết-la, 2. Cộng tướng đột-kiết-la, 3. Trọng vật đột-kiết-la, 4. Phi tiền đột-kiết-la, 5. Tỳ-ni đột-kiết-la, 6. Tri đột-kiết-la, 7. Bạch đột-kiết-la, 8. Văn đột-kiết-la (Skt.: 1. Pubbapayogadukkaṭa. 2. Sahapayoga-. 3. anāmāsa-. 4. Durūpaciṇṇa-. 5. Vinaya-. 6. ñāta-. 7. ñatti-. 8. Paṭissava-).
[3] Tiếng Phạn: Surika, tiếng Ba-tư trung cổ: Sulik, Hán dịch: Tốc-lợi 速利 hoặc Tô-lý 蘇哩, tức người Sogdiana hoặc Sogdia ngày nay. Đây là nền văn minh cổ xưa của người Iran và là một tỉnh của Đế chế Achaemenid, Ba Tư. Vùng lãnh thổ của người Sogdia tương ứng cho các tỉnh Samarkand và Bokhara ở Uzbekistan hiện nay cũng như tỉnh Sughd của Tajikistan ngày nay.
[4] Hán: Chi-phạt-la 支伐羅, Skt. cīvara, còn gọi là chí-phược-la 至縛羅, dịch là y. Đây là tên gọi chung cho ba y (Tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, và an-đà-hội) của Phật chế. Thông thường cho rằng cà-sa (Skt. kasāya) là tên gọi chung của ba y, nhưng trong Nam Hải ký quy nội pháp truyện 2, (Nghĩa Tịnh soạn) T54n2125, p212, b20-21 thì cho rằng: “Ba y này đều gọi là chi-phạt-la, người ở các nước phương Bắc phần nhiều thường gọi pháp y là cà-sa với nghĩa là màu đỏ thẫm, đây không phải là dụng ngữ trong văn luật.
[5] Ni-sư-đãn-na: xem cht. 1, tr. 345.
[6] Nê-phạt-tán-na 泥伐散娜: Skt. nivāsana.
[7] Phó-nê-phạt-tán-na 副泥伐散娜: Skt. pratinivāsana.
[8] Tăng-cước-kỳ-ca 僧脚欹迦: Skt. saṅkakṣikā.
[9] Phó-tăng-cước-kỳ-ca 副僧脚欹迦: Skt. pratisaṅkakṣikā, cũng một loại y che nách.
[10] Ca-da-bao-chiết-na 迦耶褒折娜: Skt. kāyaproñchana.
[11] Mộc-khước-bao-chiết-na 木佉褒折娜: Skt. mukhaproñchana.
[12]Kê-xá-bát-thích-để-yết-thích-ha 雞舍鉢喇底揭喇呵: Skt. keśapratigrahaṇa, khăn choàng lúc cạo tóc.
[13]Kiến-đậu-bát-thích-để-xa-đạn-na 建豆鉢喇底車憚娜: Skt. kaṇḍūpraticchadana, vải băng mục ghẻ.
[14] Tỳ-sát-xã-bát lợi-sắc-gia-la 鞞殺社鉢利色加羅: Skt. bheṣajapa-riṣkāra, mảnh vải dùng thay đổi thuốc khi bệnh .
[15] Thức-xoa-ma-na-ni giới bổn 1, X40n725, p779c5-6: Tịnh thí có hai loại, 1. Chân thật tịnh thí, nghĩa là, thật sự cho người khác luôn; 2. Triển chuyển tịnh thí, nghĩa là, tác pháp cho người khác rồi nhưng đương sự được phép cất giữ. PHẦN CUỐI - THUYẾT MINH VỀ LƯỢC GIÁO
Bấy giờ, đức Phật ở giữa hai cây Sa-la, nơi đất của tộc Tráng sĩ[1] trong thành Câu-thi-na, sắp nhập niết-bàn, Ngài bảo với các bí-sô rằng:
Trước đây, Ta vì các người nói rộng giáo pháp Tỳ-nại-da, nhưng chưa nói về Lược giáo. Nay các người hãy lắng nghe về Lược giáo (Phạn ngữ Tăng-khấp-đa tỳ-nại-da).[2] Chẳng hạn như, có những việc từ trước đến nay, Ta chưa cho phép cũng như chưa ngăn cấm, nhưng nếu việc này thuận theo sự không thanh tịnh, trái ngược với thanh tịnh, thì đó là bất tịnh, không được làm.
Nếu việc gì thuận theo thanh tịnh, trái ngược sự bất tịnh, thì đây chính là thanh tịnh, nên tùy thuận làm theo.
Hỏi: - Vì ý gì mà khi sắp viên tịch, đức Thế Tôn lại dạy Lược giáo này?
Đáp: - Vì sau khi đức Đại Sư diệt độ, cho đến khi Thánh giáo chưa bị diệt hết, Ngài không muốn để ngoại đạo có thể chê trách rằng:
[498c01] “Thế Tôn là đấng đầy đủ Nhất thiết trí, thế gian có những việc mà nếu không khai mở hay ngăn chặn lại, thì hàng đệ tử muốn làm, biết phải thế nào?” Gần, là để ngăn ngừa nạn vấn này; xa, là vì xét thấy có lợi ích về lâu về dài cho sau này, nên chế ra như vậy. Lại vì muốn cho hàng đệ tử Thanh Văn sống an lạc, không trở ngại trong cuộc sống, nên cần phải nói.
Như Thế Tôn dạy: “Những việc gì thuận theo bất tịnh, ngược lại thanh tịnh thì không nên làm; thuận theo thanh tịnh ngược lại bất tịnh thì nên làm”, không biết lời này có ý nghĩa gì?
Đáp: - Có sự việc trước đây Phật chưa cho phép, hay chưa ngăn ngừa, nay nếu làm mà bị người thế tục chê cười, thì đây là việc bất tịnh không nên làm. Ví dụ như việc gì? Chẳng hạn như, các xứ ở Tây Trúc lúc bấy giờ, người sang kẻ hèn đều nhai chung trầu, cau, vôi trắng, hương liệu với nhau để thưởng thức vị ngon của nó. Nếu bí-sô vì bệnh duyên, muốn trừ mùi hôi miệng, thầy thuốc bảo dùng thì không lỗi. Nhưng nếu dùng để nhuộm miệng, đỏ môi thì không được. Lại như việc dùng đất đỏ để nhuộm y, từ trước đến nay không cấm mà cũng không cho phép, nhưng nếu lúc bấy giờ mặc y đó mà giống với ngoại đạo, làm cho người thế tục phỉ báng chê trách thì theo lý việc này phải ngăn cấm, không được dùng. (Y vàng ở Trung Quốc cũng đồng với lý này). Lại nữa, có những việc không cho phép, cũng không ngăn cấm, nhưng lúc bấy giờ sử dụng mọi người không chê trách thì không phạm. Chẳng hạn như việc dùng dây buộc eo hông, Phật chỉ dạy có ba loại, nhưng đối với các loại khác, Ngài không cho phép mà cũng không cấm. Ngoài ra, đối với các loại dây dùng buộc eo hông, nếu người đương thời thấy không có gì xấu hổ, thì dùng không có lỗi.
Như Phật dạy về tám màu sắc chính dùng để nhuộm vật, trong đó, cho phép dùng ba màu: màu xanh, màu bùn, màu đỏ thẫm. Màu xanh và màu bùn như đã trình bày ở trước; màu đỏ thẫm như màu vỏ cây bồ-đề. Ngoài ra, việc nhuộm màu bằng rễ, lá, hoa, quả thì không cho cũng không cấm. Nay thấy có người đem các loại vỏ cây đỏ, cây càn-đà[3] v.v… thậm chí dùng cả cây long hoa[4] để nhuộm màu, nếu người đương thời không chê bai, thì dùng không lỗi. Những trường hợp như vậy đều thanh tịnh.
(Phật chỉ cho sử dụng muỗng, không nói về đũa. Ngày nay sử dụng đũa, đây là theo sự khai mở của Lược giáo. Trường hợp làm tòa cao trên nhà ăn, rồi ngồi xếp bằng trên ấy ăn cơm, đều trái ngược với Lược giáo cho phép, nhưng hiện tượng này đã trở thành thói quen, rất khó nói).
Như Phật dạy:
- Có ba loại vật dùng để rửa tay: một, đất mặn; hai, phân bò khô; ba, tháo đậu;[5] đây là cho phép. Như các loại cây dạ hợp,[6] mộc xuyến,[7] cây bồ kết, tháo đậu, đều có thể dùng để rửa tay. Các thứ này không cho phép cũng không ngăn cấm. Nếu không độc, không có trùng thì sử dụng không có lỗi. Các trường hợp như vậy nên suy xét, quán sát kỹ rồi mới làm. (Ở phần các Pháp thọ thực trong Luật ngũ phần có nói về Lược giáo, nhưng xưa nay nhiều người không cho đó là Lược giáo, cũng không hiểu thâm ý trong đó. Đúng là văn của Luật ngũ phần có khác với văn Lược giáo ở đây, nhưng gần đây tôi [Nghĩa Tịnh] kiểm tra bản gốc của Ngũ phần và Hữu bộ thì thấy cả hai bản vốn không khác nhau, chỉ là do dịch phẩm ở các thời trước có chút sai lệch, làm cho lời văn có khác nhau thôi. Tôi mong mỏi những người có học sau này, phải cố gắng nghiên cứu xem xét về ý nghĩa của Lược giáo, không được nói và làm theo cái sai).
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, tóm lại trong luật (Tỳ-nại-da) có bao nhiêu pháp yết-ma [499a01].
Phật dạy:
- Nói tóm lược thì có ba pháp. Ba pháp đó là gì? Đó là: đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ. Nếu nói đầy đủ thì có một trăm lẻ một pháp yết-ma.
- Bạch Đại đức, trong một trăm lẻ một pháp đó, pháp đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ mỗi pháp lại có mấy pháp?
Phật dạy:
- Yết-ma đơn bạch có hai mươi hai pháp. Yết-ma bạch nhị có bốn mươi bảy pháp. Yết-ma bạch tứ có ba mươi hai pháp. Chú thích:
[1] Hán: Tráng sĩ sinh địa 壯士生地. Tráng sĩ là dịch từ từ chữ Phạn “Malla”, tức chỉ bộ tộc Mạt-la, hoặc dịch là Lực sĩ. (xem thêm cht. 3, tr. 350).
[2] Tăng-khấp-đa tỳ-nại-da 僧泣多毘奈耶: Skt. Saṃkṣipta-vinaya, dịch ý là Lược giáo. Nghĩa là, khi đức Thế Tôn sắp niết-bàn, Ngài lược dạy về giáo pháp Tùy phương tỳ-ni (隨方毘尼). Tùy phương tỳ-ni, nghĩa là đối với những việc đức Phật chưa ngăn cấm, hoặc chưa khai mở trong giới luật; hoặc những sự kiện mới chưa được cho phép, chưa được phế bỏ, có thể được phép châm chước, khai mở hoặc phế bỏ tùy theo phong tục, tập quán của địa phương đó.
[3] Càn-đà 乾陀: Skt. gandha, dịch ý nghĩa là Hương. Còn gọi là cây Càn-đà-la, cây Kiện-đà v.v... Tên khoa học là Hyperanthera moringa, vỏ dày, lá như lá anh đào, vỏ cây có thể dùng làm chất nhuộm. Tăng đoàn Phật giáo thường dùng cây này để nhuộm y, màu nhuộm bằng cây này gọi là màu Càn-đà (màu vàng pha chút hồng).
[4] Long hoa 龍花, Skt. puṃnāga, tên khoa học: Calophyllum Inophyllum, tức cây mù u theo cách gọi trong Tiếng Việt. Đây là cây cành thấp, lớn chậm với tán rộng. Chiều cao từ 8–20 m. Lá cứng, gân phụ rất nhiều và song song. Hoa trắng to, rộng 25mm. Hoa nở quanh năm nhưng thường nở vào hai mùa riêng biệt cuối mùa Xuân và cuối mùa Thu. Quả có nhân cứng màu xanh, rất tròn, có đường kính 2–3 cm và có một hạt. Quả khi chín chuyển sang màu vàng hoặc đỏ nâu. Hạt có chứa một chất dầu, màu vàng lục, mùi riêng biệt gọi là dầu mù u.
[5] Tháo đậu 澡豆, là một thứ bột đậu dùng để tắm giặt; cũng một trong 18 vật dụng mang theo của tỳ-kheo, được làm thành từ bột xay của các loại đậu nhỏ, đậu lớn, đậu ma-sa, đậu Hòa Lan, cỏ Ca-đề-bà-la, Lê-tần-đà-tử.
[6] Cây dạ hợp 夜合樹: Skt. śirīṣa, dịch âm thi-lợi-sa, tên khoa học Acacia sirissa. Loại cây mọc ở Ấn Độ, có nghĩa là tốt lành, thường tiết ra chất nhựa dùng để chế thuốc thơm.
[7] Mộc xuyến 木串: hay gọi mộc hoạn tử 木患子, hạt cây này có thể dùng làm tràng hạt, tên Phạn ariṣṭa (a-lê-sắc-ca-tử). YẾT-MA ĐƠN BẠCH CÓ MƯỜI HAI PHÁP
1. Sai người chỉ dạy nơi chỗ khuất.
2. Hỏi pháp chướng ngại.
3. Bao-sái-đà (bố-tát).
4. Khi bao-sái-đà tất cả Tăng đều có tội.
5. Khi bao-sái-đà tất cả Tăng đều nghi ngờ về tội.
6. Tự tứ.
7. Khi tự tứ tất cả Tăng đều có tội.
8. Khi tự tứ tất cả Tăng đều nghi ngờ về tội.
9. Khi tự tứ trong chúng tranh cãi về tội.
10. Khi tự tứ trong chúng quyết định về tội.
11. Ngày Tăng hạ an cư.
12. Giữ y vật của người qua đời.
13. Cử người quản lý vật dụng của bí-sô qua đời.
14. Xuất y kiết-sỉ-na (y ca-thi-na).
15. Nói thô tội của người khác.
16. Đưa y cho cụ thọ Thật Lực Tử.
17. Khinh chê trước mặt.
18. Mượn cớ khinh chê.
19. Cho pháp học gia.
20. Xả học pháp cho học gia.
21. Úp bát.
22. Mở bát. BẠCH NHỊ YẾT-MA CÓ BỐN MƯƠI BẢY PHÁP
1. Kết tiểu giới trường.
2. Kết đại giới.
3. Kết giới không mất y.
4. Khi trưởng tịnh không đến được.
5. Điên cuồng.
6. Sai người tác pháp tùy ý (tự tứ).
7. Sai người phân ngọa cụ.
8. Kết tịnh trù.
9. Chia y vật để làm y kiết-sỉ-na.
10. Người trương y kiết-sỉ-na.
11. Người giao y kiết-sỉ-na.
(Dưới đây là yết-ma bạch nhị cho 12 người được Tăng sai phân vật).
12. Sai người chia phòng.
13. Sai người chia thức ăn.
14. Sai người chia cháo.
15. Sai người chia bánh trái.
16. Sai người chia tạp vật.
17. Sai người cất giữ vật dụng.
18. Sai người cất giữ y.
19. Sai người chia y.
20. Sai người cất giữ y tắm mưa.
21. Sai người chia y tắm mưa.
22. [499b01] Sai người sai việc lặt vặt.
23. Sai người xem dọn phòng xá.
24. Chọn người bình chánh.
25. Chọn người bình chánh lần thứ hai.
26. Đưa người tranh chấp đi nơi khác.
27. Pháp hành thẻ.
28. Xem xét đất làm phòng nhỏ.
29. Xem xét đất làm chùa lớn.
30. Sai bí-sô đi thẩm tra.
31. Không rời y tăng-già-chi.
32. Cho bí-sô công tác làm ngọa cụ (phu cụ).
33. Hành bát có phạm tội.
34. Thông báo đến nhà thế tục.
35. Bí-sô-ni tác yết-ma không lễ bái.
36. Giáo thọ bí-sô-ni.
37. Thị sát đường rừng có hiểm nạn.
38. Nhận nuôi đệ tử.
39. Nhận nuôi đệ tử không giới hạn.
40. Sắm gậy.
41. Sắm đãy (bọc) bát.
42. Cùng lợi dưỡng, nhưng bố-tát riêng trong 5 năm.
43. Cho thức-xoa học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm.
44. Tác bản pháp tịnh hành.
45. Cho bí-sô-ni Cấp-đa ở cùng phòng với con nhỏ.
46. Cho phép bí-sô-ni qua lại nhà thân quyến thế tục.
47. Thọ nhận ngày (an cư) khi ra ngoài cương giới. BẠCH TỨ YẾT-MA CÓ BA MƯƠI HAI PHÁP
1. Thọ cận viên.
2. Cho ngoại đạo sống chung trong bốn tháng.
3. Giải đại giới, tiểu giới.
4. Tăng-già trước đây bị phá, nay hòa hợp trở lại.
5. Tăng-già hòa hợp trưởng tịnh.
6. Can gián việc phá Tăng.
7. Can gián đừng hỗ trợ việc phá Tăng.
8. Can gián người có dục, sân, si, và sợ hãi.
9. Can gián nói lời thô ác.
10. Tác pháp khiến cho sợ hãi.
11. Chiết phục.
12. Trục xuất.
13. Cầu xin lỗi.
14. Giấu không nhận tội.
15. Không hối lỗi xả trí.
16. Không bỏ ác kiến xả trí.
17. Cho hành biến trú.
18. Phục bổn biến trú.
19. Trùng thâu, phục bổn biến trú.
20. Hành ý hỷ (ma-na-đỏa).
21. Xuất tội (Tăng tàn).
22. Cho ức niệm điều phục.
23. Cho bất si điều phục.
24. Cho cầu tội tánh.
25. [499c01] Trục xuất cầu tịch (sa-di).
26. Thâu nhiếp.
27. Can gián bí-sô-ni theo phục tùng.
28. Can gián sống chung với bí-sô-ni.
29. Can gián sống riêng.
30. Trao học pháp cho người phạm ba-la-thị-ca.
31. Chống đối gây phiền não đối với lời giáo huấn của đại chúng.
32. Im lặng gây phiền não đối với lời giáo huấn của đại chúng.
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, trong một trăm lẻ một pháp yết-ma, có bao nhiêu pháp được gửi sự tùy thuận (gửi dục)? Bao nhiêu pháp không được gửi sự tùy thuận?
Phật dạy:
- Này Ô-ba-ly, ngoại trừ pháp kết cương giới ra, còn lại tất cả pháp khác đều được phép gửi dục.
- Bạch Đại đức, trong một trăm lẻ một pháp yết-ma, có bao nhiêu pháp phải làm với chúng bốn người? Bao nhiêu pháp phải làm với chúng năm người? Bao nhiêu pháp phải làm với chúng mười người? Bao nhiêu pháp phải làm với chúng hai mươi người?
Phật dạy:
- Quy định với chúng bốn mươi người, tác pháp xuất tội làm trái Bát kính pháp cho bí-sô-ni. Chúng hai mươi người, tác pháp xuất tội cho bí-sô. Chúng mười người cho tác pháp thọ cận viên. Chúng năm người cho tác pháp thọ cận viên ở vùng biên giới và pháp tự tứ. Chúng bốn người, tác pháp cho các việc khác.
- Bạch Đại đức, yết-ma nghĩa là gì?
Phật dạy:
- Là nguyên do của sự việc. Nghĩa là, vì nguyên do đó mà tiến hành tác pháp, nên gọi là yết-ma.
- Bạch Đại đức, lời giải thích này con chưa hiểu rõ ý nghĩa.
Phật dạy:
- Chẳng hạn như, vì việc gì đó mà tiến hành tác pháp yết-ma. Dùng lời nói tác bạch nêu nguyên do đó ra, gọi là yết-ma.
- Bạch Đại đức, yết-ma khiến cho sợ hãi nghĩa là sao?
Phật dạy:
- Yết-ma này căn cứ vào sự việc mà đặt tên. Bí-sô nào ưa gây gổ tranh đấu nên tác pháp yết-ma khiến sợ hãi cho họ, với ý muốn làm cho họ sợ hãi, không còn tạo ra ác sự nữa, nên gọi là yết-ma khiến cho sợ hãi. Các yết-ma khác căn cứ vào đây mà biết.
- Bạch Đại đức, Tỳ-nại-da lấy gì làm thể? lấy gì làm sở duyên? lấy gì làm y xứ? lấy gì làm công cụ? Lấy gì làm sinh khởi? Lấy gì làm tự tánh? Lấy gì làm quả báo? Đây là bảy điều thiết yếu mong Ngài dạy cho.
Phật bảo Ô-ba-ly:
- Tỳ-nại-da lấy văn tự kinh làm thể; lấy việc tu hành như lời dạy làm sở duyên; lấy ba nghiệp thân, miệng, ý làm sở y. Lấy yết-ma cần tiến hành làm nguyên do; lấy sự phát lồ sám hối tội đã phạm làm sinh khởi; lấy tất cả các tội làm tự tánh; lấy việc sinh thiên, giải thoát làm quả báo.
[500a01] Phật dạy Ô-ba-ly:
- Đây là một trăm lẻ một pháp yết-ma. Nếu việc chấp hành pháp yết-ma còn ở thế gian, thì biết rằng Phật pháp chưa bị diệt khỏi thế gian.
Bấy giờ Ô-ba-ly cùng đại chúng nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. TỤNG TÓM LƯỢT YẾT-MA ĐƠN BẠCH
Bình vấn,[1] đối chúng vấn,[2]
Trưởng tịnh,[3] biết tội,[4] nghi,[5]
Tùy ý,[6] biết tội, nghi,[7]
Tranh (cãi) tội[8] và quyết định,[9]
An cư,[10] giữ y (người) mất,[11]
Giữ đồ,[12] xuất kiết-sỉ,[13]
Nói tội người,[14] và y,[15]
Cả hai việc khinh chê,[16]
Mở bát cũng đơn bạch,[17]
Thọ học pháp[18] và xả,[19]
Úp bát là đơn bạch,
Hai mươi hai phải biết. Chú thích:
[1] Sai người dạy (Bình giáo sư) chỗ khuất – Đơn bạch, quyển 1.
[2] Hỏi pháp chướng ngại – Đơn bạch, quyển 1.
[3] Xem trong Thuyết minh pháp kết cương giới – quyển 3.
[4] Khi bao-sái-đà tất cả Tăng đều có tội – Đơn bạch, quyển 4.
[5] Khi bao-sái-đà tất cả Tăng đều nghi ngờ về tội (trong phần khi bao-sái-đà tất cả Tăng đều có tội – Đơn bạch), quyển 4.
[6] Trong phần “Sai người làm tùy ý”, quyển 4.
[7] Trong phần “Sai người làm tùy ý”, quyển 4.
[8] Khi tiến hành tùy ý, trong chúng trang cãi về tội – Đơn bạch, quyển 4.
[9] Khi tác tùy ý, trong chúng quyết định tội – Đơn bạch, quyển 4.
[10] Tất cả Tăng-già an cư mùa hạ – Đơn bạch, quyển 4.
[11] Giữ y vật của người chết – Đơn bạch, quyển 9.
[12] Cử (bí-sô) quản lý vật dụng của người qua đời – Đơn bạch, quyển 9.
[13] Xuất y kiết-sỉ-na – Đơn bạch, quyển 4.
[14] Nói thô tội người khác – Đơn bạch, quyển 5.
[15] Cho Thật Lực Tử y – Đơn bạch, quyển 5.
[16] Trong phần Khinh chê hủy báng trước mặt; Mượn cớ khinh tiện hủy báng – Bạch tứ, quyển 5.
[17] Mở bát – Đơn bạch, quyển 9.
[18] Tác pháp học gia – Đơn bạch, quyển 5.
[19] Xả pháp học gia – Đơn bạch, quyển 5. TỤNG TÓM LƯỢT YẾT-MA BẠCH NHỊ
Kết đàn tràng đại giới,[1]
Không mất y,[2] trưởng tịnh,[3]
Tùy ý phân ngọa cụ,[4]
Năm loại kết tịnh trù,[5]
Xử phân kiết-sỉ-na,[6]
Sai trương y phó y,[7]
Có mười hai hạng người,
Đều là người phân vật,[8]
Phòng, cơm, cháo, bánh, quả,[9]
Cất tạp vật và y,[10]
Y tắm mưa, phân y,
Sai người xem phòng xá,[11]
Chọn bình chánh hai lần,[12]
Hành thẻ,[13] xem phòng nhỏ,[14]
Chùa lớn,[15] người thẩm tra,[16]
Bất ly[17] và phu cụ,[18]
Hành bát,[19] cáo thế tục,[20]
Ni không lễ,[21] giáo thọ,[22]
Quán hiểm,[23] nuôi đệ tử,[24]
Vô hạn,[25] sắm gậy,[26] đãy,[27]
Năm năm đồng lợi dưỡng,[28]
Cho thức-xoa,[29] bản pháp,[30]
Cho phép ni Cấp-đa
Cùng trẻ con ngủ chung,[31]
Ni được đến nhà người,[32]
Thọ ngày ra ngoài giới,[33]
Bạch nhị bốn mươi bảy,
Đều chuẩn theo đây biết. Chú thích:
[1] Thuyết minh pháp kết cương giới và pháp kết đại cương giới, quyển 3.
[2] Kết giới không mất y – Bạch nhị, quyển 3.
[3] Khi lễ bao-sái-đà (trưởng tịnh) không đến – Bạch nhị, quyển 4.
[4] Sai người phân ngọa cụ – Bạch nhị, quyển 4.
[5] Kết tịnh trù – Bạch nhị, quyển 9.
[6] Phân y vật để làm y kiết-sỉ-na – Bạch nhị, quyển 4.
[7] Sai người trương y kiết-sỉ-na – Bạch nhị, quyển 4.
[8] Sai người phân ngọa cụ, sai người giữ y, sai người phân chia y – Bạch nhị, quyển 4.
[9] Trong phần Súc trượng – Bạch nhị, quyển 7.
[10] Sai người giữ vật dụng – Bạch nhị, quyển 4.
[11] Sai người xem xét phòng xá – Bạch nhị, quyển 4.
[12] Dịch ý. Hán: Giản trùng, giản truyền phó 簡重簡傳付. Chọn người bình chánh – Bạch nhị; Chọn người bình chánh lần thứ hai – Bạch nhị, qyuển 9.
[13] Chuyển người tranh tụng đến nơi khác – Bạch nhị, quyển 9.
[14] Xem xét đất làm phòng nhỏ – Bạch nhị, quyển 5.
[15] Xem xét đất làm chùa lớn – Bạch nhị, quyển 5.
[16] Sai người xem xét phòng xá – Bạch nhị, quyển 4.
[17] Không rời y tăng-già-chi – Bạch nhị, quyển 3.
[18] Cho bí-sô công tác làm phu cụ (khi chưa qua) 6 năm – Bạch nhị, quyển 5.
[19] Hành bát có phạm, quyển 10.
[20] Thông báo đến các nhà cư sĩ – Bạch nhị, quyển 5.
[21] Bí-sô-ni tác pháp không kính lễ – Bạch nhị, quyển 7.
[22] Sai giáo thọ ni – Bạch nhị, quyển 7.
[23] Thị sát đường đi nguy hiểm trong rừng – Bạch nhị, quyển 5.
[24] Nhận nuôi đệ tử – Bạch nhị, quyển 3.
[25] Ni nhận nuôi đệ tử không giới hạn – Bạch nhị, quyển 3.
[26] Sắm gậy – Bạch nhị, quyển 7.
[27] Sắm đãy bát (trong phần sắm gậy) – Bạch nhị, quyển 7.
[28] Cùng lợi dưỡng nhưng thuyết giới (bố-tát) riêng trong năm năm – Bạch nhị, quyển 5.
[29] Thọ thức-xoa-ma-na, quyển 2.
[30] Tác bản pháp tịnh hành, quyển 2.
[31] Ở với trẻ con một phòng – Bạch nhị, quyển 7.
[32] Bí-sô-ni qua lại thân mật với người thế tục – Bạch nhị, quyển 7. TỤNG TÓM LƯỢT YẾT-MA BẠCH TỨ
Thọ cận viên,[1] cộng trú,[2]
Giải giới, trước phá hòa,[3]
Trưởng tịnh,[4] can phá Tăng,[5]
Và can đồng bọn giúp,[6]
Can người dục, sân, si,[7]
Lời thô ác,[8] khiến sợ,[9] [500b01]
Chiết phục,[10] tẫn (trục xuất),[11] cầu tạ (xin lỗi),[12]
Bất kiến hối,[13] xả già,[14]
Biến trú, phục bổn, trùng,[15]
Ý hỷ và xuất tội,[16]
Cho ức niệm,[17] bất si,[18]
Cầu tội,[19] đuổi cầu tịch,[20]
Thâu nhiếp,[21] gián tùy giá,[22]
Tạp trú[23] và biệt trú,[24]
Trao học (pháp),[25] kiêm vi giáo,[26]
Mặc não[27] - ba mươi hai.
Nói một trăm lẻ một pháp yết-ma là đưa ra con số tổng thể, chứ xem trong Đại luật thì thấy số lượng khác nhau, tùy theo số lượng đó mà gọi cũng không trở ngại gì. Lại nữa, Thánh giáo cho phép hoặc tác pháp đơn bạch thành tựu, hoặc bạch nhị, bạch tứ thành tựu; nếu căn cứ theo lý mà tương ưng với nhau thì dung thông nhau được. Còn nếu đem các bản yết-ma với hơn hai trăm quyển Đại luật ra mà so sánh đối chiếu là mất rất nhiều thời gian và công sức, nên xin người hậu học chớ nghi ngờ. Chú thích:
[1] Thọ cận viên – Bạch tứ, quyển 1.
[2] Cho ngoại đạo sống chung trong bốn tháng – Bạch tứ, quyển 7.
[3] Tăng-già hòa hợp – Bạch tứ, quyển 8.
[4] Tăng-già hòa hợp trưởng tịnh – quyển 8.
[5] Can gián phá Tăng – Bạch tứ, quyển 8.
[6] Can gián người trợ giúp phá Tăng – Bạch tứ, quyển 8.
[7] Yêu cầu chấm dứt nói: dục, sân, si, bố – Bạch tứ, quyển 9.
[8] Can gián nói lời thô ác – Bạch tứ, quyển 9.
[9] Khiến cho sợ - Bạch tứ, quyển 7.
[10] Chiết phục – Bạch tứ, quyển 8.
[11] Trục xuất – Bạch tứ, quyển 8.
[12] Yết-ma xin lỗi – Bạch tứ, quyển 8.
[13] Giấu không nhận tội – Bạch tứ, quyển 8.
[14] Không bỏ ác kiến – Bạch tứ, quyển 8.
[15] Biến trú, phục bổn, trùng: tức Biến trú, phục bổn Biến trú, trùng thâu căn bản. Xem quyển 6, Pháp sám hối chúng giáo tội, tr. 189.
[16] Xem quyển 6.
[17] Cho ức niệm – Bạch tứ, quyển 9.
[18] Cho bất si – Bạch tứ, quyển 9.
[19] Cho cầu tội tánh – Bạch tứ, quyển 9.
[20] Trục xuất (tẫn) cầu tịch ác kiến – Bạch tứ, quyển 8.
[21] Thâu nhiếp – Bạch tứ, quyển 8.
[22] Can gián, ngăn cản bí-sô-ni thân cận phụng sự – Bạch tứ, quyển 7.
[23] Can gián bí-sô-ni tạp trú – Bạch tứ, quyển 7.
[24] Can gián, ngăn chặn sống riêng – Bạch tứ, quyển 7.
[25] Trao học pháp cho người (phạm ba-la-thị-ca) – Bạch tứ, quyển 5.
[26] Chống lại lời dạy, gây phiền não chúng – Bạch tứ, quyển 9.
[27] Im lặng gây phiền não (chúng) – trong phần chống lại lời dạy, gây phiền não chúng – Bạch tứ, quyển 9.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.199.20 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.