Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Bá Nhứt Yết Ma [根本說一切有部百一羯磨] »» Bản Việt dịch quyển số 7 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Bá Nhứt Yết Ma [根本說一切有部百一羯磨] »» Bản Việt dịch quyển số 7

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.5 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.6 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh - Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An - Thích Tâm Nhãn - Thích Đạo Luận
PHÁP SÁM HỐI CHÚNG GIÁO TỘI (TIẾP THEO)
[482c28] Cụ thọ Ô-ba-ly thưa với Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, người đang hành pháp biến trú, thấy có bí-sô khách đến không chịu cáo bạch, việc ấy phải làm thế nào?
Phật dạy:
- Nếu có khách đến phải [483a01] nên cáo bạch.
Bấy giờ, vị bí-sô đang hành biến trú, thấy có khách đến, họ chưa thu xếp y bát, vội đến thưa:
- Cụ thọ, tôi bí-sô tên… cố ý tiết tinh phạm tội tăng-già-phạt-thi-sa… (nói đầy đủ như trước). Còn lại… ngày, mong cụ thọ biết cho.
Vị bí-sô khách nổi sân, bảo:
- Thôi thôi, người ngu si chớ đến trước ta nói về việc hành biến trú.
Bí-sô kia quá xấu hổ, cúi đầu im lặng bỏ đi. Các bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Từ nay trở đi, nếu có bí-sô khách đến chưa thu xếp y bát, không nên cáo bạch.
Vào lúc khác, vị kia cáo bạch từng người, họ cũng nổi sân như trước. Phật dạy:
- Không nên cáo bạch từng người. Nên tập hợp Tăng chúng lại rồi mới cáo bạch, hoặc đánh kiền chùy, bảo bạch y và cầu tịch[1] đi chỗ khác; đến nơi có bí-sô để cáo bạch. Không nên đến chỗ trú xứ không có bí-sô. Khi đi đến đó không nên ở lại đêm. Vào buổi chiều, tùy lúc thời tiết ấm lạnh, nên lấy nước nóng đưa cho các bí-sô rửa chân và đưa dầu thoa. Nếu họ không cần dùng dầu thì cất giữ lấy. Sau đó, nên chánh niệm quán tưởng cho đến sáng rồi mới đi nghỉ. Các bí-sô khi hành biến trú và ma-na-tha phải làm như Ta dạy. Nếu người nào không làm đúng bị tội vượt pháp.[2]
Bấy giờ có bí-sô đang hành biến trú không được bố trí phòng ở và không được phân lợi vật.
Phật dạy:
- Nên cho họ phòng xấu và cho họ nhận lợi vật sau.
Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Thế Tôn:
- Thưa Đại đức, như có người đang hành biến trú và hành ma-na-tha, nghe có bí-sô là người tranh đấu, là người ưa thích bình luận, hoặc là người không có tàm quí, lười biếng, muốn đến chỗ ấy, thì người hành biến trú phải làm gì với người đó?
Phật dạy:
- Người hành biến trú biết họ là kẻ ác mà muốn đến chỗ đó thì đối trước bí-sô xả pháp mình đang hành. Nên xả như thế này: Trước vị kia, ngồi xổm chắp tay, thưa rằng:
Cụ thọ ghi nhận cho! Tôi tên…, cố ý tiết tinh phạm tội tăng-già-phạt-thi-sa, che giấu trong nửa tháng. Tôi tên… đã cầu xin Tăng-già hành pháp biến trú. Tăng-già đã cho tôi… tùy theo số ngày che giấu hành pháp biến trú. Khi tôi đang hành pháp biến trú, nghe có bí-sô muốn đến đây. Họ là người ưa tranh đấu, ưa bình luận. Họ muốn gây sự bất lợi cho tôi. Tôi tên… nay đối trước cụ thọ xả pháp hành biến trú. Tôi đã hành được… (bao nhiêu) ngày, và còn lại… (bao nhiêu) ngày. Cụ thọ biết cho, tôi là bí-sô thanh tịnh. Nếu kẻ ác kia bị ngăn chặn bỏ đi rồi, tôi sẽ đến bí-sô thiện tịnh [483b01] kia thọ lại pháp biến trú.
(Nếu thọ lại) nên thọ như thế này: Lễ bái xong, ngồi xổm, chắp tay, thưa rằng:
Cụ thọ ghi nhận cho! Tôi là bí-sô tên…, trước đây cố ý tiết tinh phạm tội tăng-già-phạt-thi-sa, che giấu nửa tháng tùy theo số ngày che giấu, Tăng-già đã cho tôi hành pháp biến trú. Khi tôi đang hành pháp biến trú, nghe có bí-sô muốn đến chỗ này. Vị này là người ưa tranh đấu ưa bình luận. Vị ấy muốn gây sự bất lợi cho tôi, do duyên sự này tôi đã xả pháp biến trú đang hành. Nay tôi tên… đến trước cụ thọ, thọ lại pháp đã hành trước, đã hành… (bao nhiêu) ngày, còn lại… (bao nhiêu) ngày. Mong cụ thọ ghi nhận cho.
Đối với pháp biến trú đã xả và thọ lại như vậy. Phục bổn biến trú, trùng thâu biến trú và hành ma-na-tha đều hành như thế.
(Đến đây đã nói xong phần tác pháp chúng giáo).
Chú thích:
[1] Cầu tịch: xem cht. 1, tr. 57.
[2] Tội vượt pháp: xem cht. 2, tr. 20.
SỐ TĂNG THỌ CẬN VIÊN
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, giả sử dùng một pháp bạch, một pháp yết-ma, một người bỉnh sự[1] cho hai người cùng thọ cận viên được không?
Phật dạy:
- Được.
- Hai người này ai lớn tuổi đạo hơn?
Phật dạy:
- Bằng nhau.
- Bạch Đại đức, giả sử dùng một pháp bạch, một pháp yết-ma, một người bỉnh sự cho ba người cùng thọ cận viên được không?
Phật dạy:
- Được.
- Ba người này ai lớn tuổi đạo hơn?
Phật dạy:
- Bằng nhau.
- Bạch Đại đức, giả sử dùng một pháp bạch, một pháp yết-ma, một người bỉnh sự cho bốn người cùng thọ cận viên được không?
Phật dạy:
- Không được.
- Bạch Đại đức có gì sai?
Phật dạy:
- Không được thành số chúng[2] để tác pháp.[3]
Chú thích:
[1] Hán: nhất bỉnh sự nhân 一秉事人, là vị bí-sô gọi là duy-na của Tăng, đại diện Tăng trả lời câu hỏi của vị Thượng tọa đại diện Tăng tác pháp yết-ma.
[2] Nếu 4 giới tử trở lên thành số Tăng không thể là đối tượng tác pháp, yết-ma bất thành.
[3] Tác pháp, Hán: bỉnh sự 秉事.
THƯA THỈNH
Bạch Đại đức, trong đời tương lai có các bí-sô trí nhớ kém,[1] sức khỏe yếu, lại không đủ khả năng thọ nhận các pháp,[2] họ không biết Thế Tôn diễn thuyết pháp này ở đâu. Trường hợp này phải như thế nào?
Phật dạy:
- Tại sáu thành phố lớn,[3] nhớ ở đâu thì nói ở đấy. Hoặc ở những nơi thường trú lâu dài khác; tùy một nơi nào đó nói ra không có lỗi.
- Bạch Đại đức, nếu có người quên tên vua các nước, thì phải nói tên ai?
Phật dạy:
- (Nếu có người quên tên vua các nước) thì nói tên vua Thắng Quang.[4] Trưởng giả thì nói tên Cấp Cô Độc.[5] Ô-ba-tư-ca[6] thì nói tên Tỳ-xá-khư.[7]
- Bạch Đại đức, sau này có người quên tên thành phố nơi Phật đản sanh, thì nói thành phố nào?
Phật dạy:
- Nên nói Bà-la-nê-tư,[8] vua tên Phạm Thọ,[9] trưởng giả tên San-đà-na,[10] ô-ba-tư-ca tên Ô-bao-sái-đà.[11] Được tùy ý nói như vậy.
- Như Thế Tôn dạy, có năm trường hợp không nên ghi chép: 1. Ba-la-đề-mộc-xoa; 2. Giải thích giới; 3. Các Tỳ-nại-da khác; 4. Giải thích luật; 5. Các vật của thí chủ cúng dường và vật riêng của từng người. (Vật riêng của từng người là vật không phải của Tăng).
Bạch đức Thế Tôn, trong đời tương lai, các bí-sô thân yếu trí kém, cho đến lời tựa của Giới kinh còn không thể nhớ, [483c01] lưu truyền lại cho những người ấy phải làm thế nào? Phật dạy:
- Nên ghi chép trên lá
Chú thích:
[1] Hán: Quả kỳ niệm lực 寡其念力.
[2] Hán: Thân khí phục luy 身器復羸.
[3] Sáu thành phố lớn 六大城: thành Xá-bà-đề 舍婆提城 (Skt. Śrāvastī, Xá-vệ), Bà-chỉ-đa 婆枳多城 (Skt. Sāke, P. Sāketa, nằm phía Nam thành Xá-vệ, Trung Ấn Độ. Vị trí hiện nay gần Fyzabad), Chiêm-bà 瞻婆城 (Skt./P. Campā, xưa nằm về mạn Nam nước Tỳ-xá-ly, Trung Ấn Độ. Nay là Bhagalpur thuộc Bengal), Tỳ-xá-ly 毘舍離城 (Skt. Vaiśāli, P. Vesāli. Vị trí hiện nay tương đương với vùng Besārh, đông ngạn sông Gandak, bắc ngạn sông Hằng Ấn Độ), Ba-la-nại 波羅捺城 (hoặc gọi thành Bà-la-nê-tư 婆羅痆斯城: Skt. Vārāṇasī, P. Bārāṇasī, nay là thành phố Benares, cũng là Varanasi), và Vương Xá 王舍城 (Skt. Rājagṛha, P. Rājagaha, thủ đô nước Magadha, thuộc Trung Ấn Độ. Nền cũ ở vùng Rajgir, tiểu bang Bihar, phía Nam thành phố Patna).
[4] Vua Thắng Quang: xem cht. 1, tr. 148.
[5] Cấp Cô Độc 給孤獨: Skt. Anāthapiṇḍada, P. Anāthapiṇḍika, thương xót, bố thí cho người cô độc; hoặc gọi ông là Tu-đạt (Skt.=P. Sudatta), dịch là khéo cho, khéo bố thí…
[6] Ô-ba-tư-ca: xem cht. 4, tr. 53.
[7] Tỳ-xá-khư 毘舍佉: hay gọi Tỳ-xá-khư Lộc Tử Mẫu, P. Visākhā Migāramātā, là con gái một vị trưởng giả ở nước Ương-già (Aṅga), bà nghe đức Phật thuyết pháp chứng quả Dự lưu; bà là người có công ủng hộ Tam bảo nhiều nhất. Tỳ-xá-khư (Visākhā) cũng là tên ngôi sao mọc vào tháng hai, có nghĩa là trưởng dưỡng, sự sinh trưởng của công đức.
[8] Ba-la-nê-tư: tức Ba-la-nại, xem cht. 1, tr. 244.
[9] Vua Phạm Thọ 梵授: Skt. Brahmadatta, hoặc gọi Phạm-ma-đạt-đa 梵摩達多.
[10] Trưởng giả San-đà-na 珊陀那: Tán-đà-na 散陀那, P. Sandhāna, ông là cư sĩ nổi danh sống tại thành Vương Xá.
[11] Ô-bao-sái-đà 鄔褒灑陀: P. Uposathā, một nữ đệ tử tại gia ở Sāketa (Bà-chỉ-đa). Bà thực hiện rất nhiều công đức, và được sinh vào Tāvatiṃsa (Tam thập tam), nơi ở của bà được gọi là Uposatha-vimāna (thiên cung trai giới). Truyện kể rằng tại Sāketa, bà được gọi là Uposathā do bà đã sống thọ trì trai giới.
SẮM GẬY - BẠCH NHỊ[1]
- Vị ấy nên xin phép chúng Tăng tác yết-ma sắm gậy. Xin như thế này: Trải tòa…, bạch như sau:
1. Thưa thỉnh
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Tôi bí-sô tên… tuổi già, sức yếu, nếu không có gậy thì không thể đi đứng vững vàng. Tôi bí-sô tên… nay xin Tăng-già cho pháp sắm gậy. Mong Tăng-già cho tôi bí-sô… tuổi già, sức yếu, tác pháp cho sắm gậy. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
2. Tác bạch
Thứ đến sai một bí-sô tác bạch rồi yết-ma:
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… già bệnh sức yếu, nếu không có gậy thì không thể đi lại vững vàng. Bí-sô… vì già bệnh, nay cầu xin Tăng-già yết-ma cho sắm gậy. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già, thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già yết-ma cho bí-sô… già bệnh sức yếu sắm gậy. Đây là lời tác bạch.
3. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… già bệnh, sức yếu, nếu không có gậy thì đi đứng không vững vàng. Vị… này vì già bệnh, nay cầu xin Tăng-già yết-ma cho sắm gậy. Nay Tăng-già yết-ma cho bí-sô… vì già bệnh sắm gậy. Nếu các cụ thọ đồng ý yết-ma cho bí-sô… vì già bệnh sắm gậy thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói.
Tăng-già đã yết-ma cho bí-sô… vì già bệnh sắm gậy xong. Tăng-già đồng ý vì im lặng, nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Yết-ma sắm gậy như thế; đãy đựng bát cũng như vậy. Hoặc có thể cho yết-ma cả gậy và đãy bát một lần, như yết-ma bạch nhị sai phân ngọa cụ. Bí-sô phân phòng xá và phân thức ăn cũng tiến hành như vậy. Mười hai hạng người đều được phép.
Chú thích:
[1] Hán: Súc trượng 畜杖, Ngũ phần 26, T22n1421, p175b24; Tăng-kỳ 31, T22n1425, p483a3; Tứ phần 53, T22n1428, p960a19.
CHO NGOẠI ĐẠO SỐNG CHUNG TRONG BỐN THÁNG - BẠCH TỨ[1]
Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Thế Tôn:
- Nếu có hạng ngoại đạo mới phát tâm thanh tịnh, đến với chánh pháp, cầu xin xuất gia, phải làm như thế nào?
Phật dạy:
- [484a01] Ngoại đạo đó thỉnh một bí-sô làm Ô-ba-đà-da,[2] trong bốn tháng mặc y phục của ô-ba-dà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung.
Các bí-sô không biết sống chung thế nào, Phật dạy:
- Nếu có ngoại đạo đến cầu xin xuất gia, vị Ô-ba-dà-da của họ phải hỏi các pháp chướng ngại. Nếu họ thanh tịnh thì nên thâu nhận, truyền cho ba quy y và năm học xứ thành ô-ba-sách-ca[3] phòng hộ (nghĩa là phòng hộ thân, ngữ, ý, không cho khiếm khuyết lỗi lầm. Cách dịch cũ là luật nghi chính là dịch nghĩa). Hiện tiền Tăng-già phải họp lại hết, bảo vị ngoại đạo kia lễ bái, rồi ngồi xổm trước Thượng tọa chắp tay thưa thế này:
1. Thưa thỉnh
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Tôi là ngoại đạo tên…, theo Ô-ba-đà-da tên… xin xuất gia. Tôi là ngoại đạo tên…, nay theo Tăng-già cầu xin trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung. Ngưỡng mong đại đức Tăng-già cho tôi là ngoại đạo tên… trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn của Tăng, cùng sống chung. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
2. Tác bạch
Sau đó bảo ngoại đạo rời chỗ không nghe được, đứng ở chỗ thấy được. Tăng sai một bí-sô tác bạch trước, sau đó yết-ma:
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Vị ngoại đạo tên… theo Ô-ba-đà-da tên… xin xuất gia. Nay vị ngoại đạo… này theo Tăng-già xin phép trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già cho phép. Nay Tăng-già cho phép ngoại đạo tên… trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung. Đây là lời tác bạch.
3. Yết-ma
Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Vị ngoại đạo tên…, theo Ô-ba-đà-da… xin xuất gia. Nay vị ngoại đạo… xin Tăng-già trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung. Tăng-già cho phép ngoại đạo… trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung.
Nếu các cụ thọ đồng ý cho ngoại đạo tên… trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung thì im lặng.
Vị nào không đồng ý thì nói ra. Đây là yết-ma lần thứ nhất.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Tăng-già đã cho ngoại đạo tên… trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng, cùng sống chung đã xong. Tăng-già [484b01] đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Nếu ngoại đạo này đã được Tăng-già cho phép trong bốn tháng được mặc y của Ô-ba-đà-da, ăn thức ăn bình thường của Tăng thì xếp họ vào hàng cầu tịch để sai khiến.
Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Thế Tôn:
- Thưa Đại đức, nếu ngoại đạo kia tâm đã điều phục mới cho họ xuất gia. Không biết thế nào là tâm đã điều phục?
Phật dạy:
- Nếu trước mặt ngoại đạo kia, tán thán những tánh đức của Phật-đà, Đạt-ma,[4] Tăng-già và nói về các hành động của ngoại đạo kia. Nếu ngoại đạo ấy khi nghe tán thán về ân đức của Tam bảo và nghe về các hành động của ngoại đạo, xem thử có cảm tình thích thú hay ôm lòng phẫn nộ. Nếu có thái độ không vui phát khởi sân hận là tâm của ngoại đạo ấy chưa được điều phục. Ngược lại, nếu họ không có những thái độ trên, cho đến không khởi sân hận là tâm đã điều phục.
Chú thích:
[1] Tứ phần 34, p807a3.
[2] Ô-ba-đà-da: xem cht. 4, tr. 17.
[3] Ô-ba-sách-ca: xem cht. 1, tr. 18.
[4] Đạt-ma: xem cht. 4, tr. 19.
Y CHỈ
- Như Thế Tôn dạy, thành tựu năm pháp, đủ năm tuổi hạ, (bí-sô) được rời y chỉ, du hành nhân gian, thế nào là năm?
1. Biết phạm (tội); 2. Biết không phạm; 3. Biết tội nhẹ; 4. Biết tội nặng; 5. Hiểu biết rõ ràng và đọc tụng thọ trì thông suốt kinh Biệt giải thoát (giới bổn).
Bạch Đại đức, thành tựu năm pháp, đủ năm tuổi hạ được rời y chỉ, du hành nhân gian. Vậy chỉ bốn tuổi hạ, thông suốt năm pháp, người này được phép rời y chỉ không?
Phật dạy:
- Không được. Vì yêu cầu đủ năm tuổi hạ là tiêu chuẩn quy định.
- Bạch Đại đức, người đủ năm tuổi hạ, nhưng chưa thông thạo năm pháp được phép rời y chỉ không?
Phật dạy:
- Không được. Thành tựu năm pháp là tiêu chuẩn quy định.
- Bạch Đại đức, nếu bí-sô thông suốt ba tạng, chứng biết ba minh,[1] trừ sạch ba cấu (tham, sân, si); nhưng chỉ mới vừa đủ ba tuổi hạ, người này có cần y chỉ không?
Phật dạy:
- Không phải do những gì chưa đắc đã đắc, hoặc chưa chứng, hay đã chứng, hoặc chưa ngộ hay đã ngộ được rời y chỉ mà vì tùy thuận pháp quy định. Do đó cần phải đủ năm hạ, thành tựu năm pháp mới được rời thầy y chỉ.
- Bạch Đại đức, (bí-sô) đến trú xứ khác được phép không cần y chỉ trong bao lâu?
Phật dạy:
- Nếu không ý định ở lại lâu, không cầu thêm y chỉ thì được phép ở lại năm đêm.
- Như Thế Tôn dạy, (bí-sô) được mười tuổi hạ, thành tựu năm pháp, được phép rời y chỉ, cho đến được thâu nhận cầu tịch.
Bạch Đại đức, nếu bí-sô thọ cận viên rồi, tuổi đời tám mươi, tuổi hạ được sáu mươi, nhưng đối với kinh Biệt giải thoát chưa đọc tụng thuộc, chưa hiểu ý nghĩa, trường hợp này phải như thế nào?
Phật dạy:
- Trường hợp này, dù đủ sáu mươi tuổi họ cũng phải y chỉ.
- Bạch Đại đức, họ nên y chỉ ai?
[484c01] Phật dạy:
- Họ phải y chỉ người lớn tuổi hơn mình. Nếu không có người già thì y chỉ người nhỏ tuổi hơn cũng được.
- Bạch Đại đức, như vậy sự lễ bái đối với thầy phải như thế nào?
Phật dạy:
- Trừ việc lễ bái ra, các việc khác đều phải làm. Người này còn gọi là bí-sô già nhỏ.
Chú thích:
[1] Hán: Tam minh 三明: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh.
SA-DI XUẤT GIA[1]
- Như Thế Tôn dạy, người bảy tuổi có thể đuổi quạ, được phép xuất gia. Bạch Đại đức, người đủ sáu tuổi có khả năng đuổi quạ nơi nhà ăn của Tăng-già, được phép xuất gia không?
Phật dạy:
- Không được, cần phải đủ bảy tuổi là mức quy định.
- Bạch Đại đức, như đủ bảy tuổi nhưng không thể đuổi quạ nơi nhà ăn của Tăng-già, được phép xuất gia không?
Phật dạy:
- Không được, cần phải biết đuổi quạ, đây là tiêu chuẩn quy định.
Chú thích:
[1] Tứ phần 34, p810c29. Thập tụng 21, T23n1435, p151b29.
GIÁO GIỚI NI KHÔNG ĐƯỢC CHÚNG SAI[1]
- Bạch Đại đức, bí-sô thành tựu bảy đức, được phép đi giáo thọ bí-sô-ni. Nếu chưa sai vị ấy thì nên sai. Nếu đã sai thì không được hủy bỏ.
Thế nào là bảy? 1. Trì giới; 2. Đa văn; 3. Ở địa vị kỳ túc; 4. Nói thông thạo ngôn ngữ ở đô thị; 5. Chưa từng làm ô nhiễm bí-sô-ni; 6. Có khả năng thuyết giảng rộng về sự khai giá của tám pháp tha thắng;[2] 7. Có khả năng phô diễn khéo léo về tám pháp tôn kính.[3]
Thế nào là trì giới? Không vi phạm một trong bốn pháp tha thắng.
Thế nào là đa văn? Đọc tụng thuộc kinh Biệt giải thoát.
Thế nào là ở địa vị kỳ túc? Đủ hai mươi tuổi hạ, hoặc hơn.
Thế nào là nói thông thạo ngôn ngữ đô thị? Là hiểu nói thông thạo ngôn ngữ ở đô thành lớn đó.
Thế nào là chưa từng làm ô nhiễm bí-sô-ni? Thân chưa bao giờ xúc chạm bí-sô-ni.
Hai điều sáu và bảy có thể xem văn để biết rõ.
Đầy đủ bảy đức này thì nên sai họ như sau: Trải tòa, đánh kiền chùy, tác bạch xong hỏi vị nào có khả năng:
- Này bí-sô…, thầy có thể giáo thọ bí-sô-ni về tăng thượng giới,[4] tăng thượng tâm,[5] tăng thượng tuệ[6] không?
Vị kia đáp:
- Được.
Thứ đến sai một bí-sô tác bạch rồi yết-ma (Ni chúng đến thỉnh giáo thọ có nghi thức riêng. Văn sau sẽ rõ, Thượng tọa tính toán thời gian để trả lời việc này).
Chú thích:
[1] Căn bản 31, p794a26: Ba-dật-để-ca 21, học xứ: Giáo giới bí-sô-ni không được chúng sai.
[2] Tám pháp tha thắng 八他勝法: tức 8 pháp ba-la-di của ni.
[3] Tám pháp tôn kính: xem cht. 3, tr. 53.
[4] Tăng thượng giới 增上戒: P. adhisīla.
[5] Tăng thượng tâm 增上心: Tăng thượng ý 增上意, P. adhicitta, tâm định cao hơn.
[6] Tăng thượng tuệ 增上慧: P. adhipaññā.
SAI GIÁO THỌ NI - BẠCH NHỊ[1]
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… có khả năng đến truyền dạy (giáo thọ) chúng bí-sô-ni về tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thượng tụê. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai bí-sô tên… đến truyền dạy chúng bí-sô-ni về tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thượng tuệ. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Thứ đến yết-ma:
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… có khả năng đến truyền dạy cho chúng bí-sô-ni về tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thượng tuệ. Nay Tăng-già sai bí-sô… [485a01] truyền dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ cho chúng bí-sô-ni, nếu các cụ thọ đồng ý sai bí-sô… truyền dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ cho chúng bí-sô-ni thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói. Tăng-già sai bí-sô… đến truyền dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ cho chúng bí-sô-ni đã xong. Tăng-già đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Bí-sô này đã được yết-ma rồi nên đến truyền dạy cho chúng bí-sô-ni, đó là hợp pháp.
Phật dạy:
- Nếu không có người truyền dạy đầy đủ thì truyền dạy tóm lược. Ta sẽ chỉ rõ nghi thức:
Mỗi nửa tháng các chúng bí-sô-ni phải đến chỗ trú xứ bí-sô. Sau khi đảnh lễ đại Tăng, thưa như sau:
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Chúng bí-sô-ni ở chùa (tên)… hòa hợp, hôm nay đảnh lễ dưới chân Đại đức Tăng-già chùa…, thành kính thăm hỏi quý Đại đức có ít bệnh, ít não chứ? Sinh hoạt có thoải mái, sức khỏe có an ổn không? Bí-sô-ni chúng con trong nửa tháng này đến cầu người truyền dạy bí-sô-ni.
Thượng tọa hỏi:
- Này các chị em, chúng bí-sô-ni chùa… có hòa hợp không?
Ni trả lời:
- Chúng đều hòa hợp.
Hỏi: - Trong nửa tháng vừa qua không có lỗi lầm phải không?
Ni đáp: - Không có.
- Này chị em, nên biết rằng, trong chúng ở đây không có bí-sô nào có thể đến truyền dạy chúng bí-sô-ni trong nửa tháng này. Này các chị em nên tự siêng năng tu sửa, chớ phóng dật.
Ni chắp tay đáp:
- Lành thay.
Khi bí-sô-ni vào chùa bí-sô, lúc đến cửa chùa phải thưa trước với bí-sô mới được vào. Nếu không thưa trước bị tội vượt pháp.
Nên thưa như thế này: Đối trước một bí-sô lễ bái xong, thưa rằng:
- Bạch Đại đức, con là bí-sô-ni tên… nay muốn vào chùa.
Bí-sô đáp rằng:
- Nếu không phải đến gây lỗi lầm thì được vào.
Vị ni đáp:
- Không phải.
Vị kia đáp: - Tốt.
Nếu không nói như vậy sẽ bị tội vượt pháp.
Chú thích:
[1] Tứ phần 12, p647b9.
CAN GIÁN BÍ-SÔ-NI TẠP TRÚ - BẠCH TỨ[1]
Bấy giờ ở thành Thất-la-phạt, có hai bí-sô-ni, một người tên Khả Ái, một người tên Tùy Ái,[2] họ sống một cách tạp loạn. Chư ni mới bạch với bí-sô. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy chư ni nên can gián riêng, cho đến bạch tứ yết-ma để can gián hai vị đó. Nếu có những trường hợp tương tự cũng tiến hành như trước. Tập hợp chúng, sai một vị ni tác bạch yết-ma:
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Hai bí-sô-ni Khả Ái, Tùy Ái [485b01] sống tạp loạn với nhau, trạo cử, vỗ đánh đùa giỡn nhau. Chư ni đã can gián riêng họ đừng sống tạp loạn nữa. Sống tạp loạn làm cho thiện pháp bị tổn hoại, không phát triển được sự lợi ích. Nên sống độc cư, sống độc cư thì thiện pháp được tăng trưởng, sự lợi ích không bị tổn hoại. Hai vị ấy khi được can gián riêng vẫn cố chấp hành động sai trái của mình không từ bỏ, còn nói rằng việc này là đúng, ngoài ra đều hư vọng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-bi cho bí-sô-ni Khả Ái, Tùy Ái pháp yết-ma không bỏ đời sống tạp loạn, không nhận can gián. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Thứ đến yết-ma chuẩn theo lời bạch mà làm.
Chú thích:
[1] Bí-sô-ni tỳ-nại-da 6, T23n1443, p938b8: Tăng-già-phạt-thi-sa 15, học xứ: Tạp loạn trụ.
[2] Khả Ái 可愛, Tùy Ái 隨愛. Tứ phần: Tô-ma 蘇摩, Bà-phả-di 婆頗夷; Ngũ phần: Tu-hưu-ma 修休摩, Bà-phả 婆頗. Tăng-kỳ: Chân Đàn 真檀, Uất-đa-la欝多羅. Thập tụng: Đạt-ma 達摩, Đàm-di 曇彌. Thullanandā với các tỳ-kheo-ni đệ tử.
CAN GIÁN, NGĂN CHẶN SỐNG RIÊNG - BẠCH TỨ[1]
Các bí-sô-ni vâng lời Phật dạy tác pháp bạch tứ yết-ma, can gián hai ni đó về hành động cố chấp không bỏ, không được ở bên nhau, mỗi người sống riêng. Khi ấy, ni Thổ-la-nan-đà đến chỗ ở của hai bí-sô-ni kia nói:
- Cụ thọ,[2] sao không cùng sống tạp loạn với nhau? Chỉ có sống tạp loạn với nhau thiện pháp mới tăng trưởng, không bị suy tổn.
Các ni nghe vậy bạch lại các bí-sô, các bí-sô bạch lên Phật, Phật dạy:… cho đến bạch tứ yết-ma, can gián Thổ-lan-nan-đà nên bỏ ác kiến về chuyện khuyên sống tạp loạn. Nếu có trường hợp giống thì cũng can gián như vậy, chuẩn như trên mà làm:
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Hai bí-sô-ni Khả Ái, Tùy Ái sống tạp loạn. Tăng-già bí-sô-ni đã tác pháp bạch tứ yết-ma, khi ngăn chặn đời sống tạp loạn của hai bí-sô-ni kia, tức không cho họ gần nhau, mỗi người phải sống riêng, thì ni Thổ-la-na-đà đến chỗ hai bí-sô-ni kia bảo: Cụ thọ, nên chung sống đời sống tạp loạn thì thiện pháp mới tăng trưởng; nếu sống riêng thì thiện pháp suy tổn. Tăng-già bí-sô-ni đã can gián ngăn chặn nhưng cố chấp không bỏ, còn nói là việc đó là chân thật, những điều khác đều hư dối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni bạch tứ yết-ma đối với bí-sô-ni Thổ-la-nan-đà về hành động không bỏ ác kiến, khuyên sống đời sống tạp loạn. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Thứ đến yết-ma chuẩn theo lời bạch mà làm.
Chú thích:
[1] ibid. 6, p938c29: Tăng-già-phạt-thi-sa 16, học xứ: Khuyên chớ nên ở riêng.
[2] Cụ thọ: xem cht. 1, tr. 29.
BÍ-SÔ-NI TÁC PHÁP KHÔNG KÍNH LỄ - BẠCH NHỊ[1]
Nếu có bí-sô[2] và bí-sô-ni sống chung tạp loạn, Tăng-già hòa hợp tác pháp yết-ma xả trí.[3] Chúng bí-sô-ni tác pháp không lễ bái bí-sô này.
Theo pháp phải tiến hành như sau: Trải tòa, đánh kiền chùy, ni chúng tập hợp xong, [485c01] sai một bí-sô-ni tác bạch rồi yết-ma:
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô tên… đã bị Tăng-già hòa hợp tác pháp yết-ma xả trí và Tăng-già bí-sô-ni cũng tác pháp yết-ma không lễ bái. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già bí-sô-ni, thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni tác pháp yết-ma không lễ bái đối với bí-sô tên… Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô tên… đã bị Tăng-già hòa hợp tác pháp yết-ma xả trí và Tăng-già bí-sô-ni tác pháp yết-ma không lễ bái. Nay Tăng-già bí-sô-ni tác pháp yết-ma không lễ bái đối với bí-sô tên... Nếu các cụ thọ đồng ý cho bí-sô tên… yết-ma không lễ bái thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói ra. Tăng-già bí-sô-ni đã tác yết-ma không lễ bái đối với bí-sô tên… xong. Tăng-già bí-sô-ni đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Bí-sô nào bị Tăng-già tác yết-ma xả trí và Tăng-già bí-sô-ni cũng tác yết-ma không lễ bái thì vị ấy bị các bí-sô-ni không nói chuyện, không lễ bái nữa. Nhưng khi gặp họ, bí-sô-ni cũng nên đứng dậy vì họ thuộc chúng ở trên.
Chú thích:
[1] Bí-sô-ni tỳ-nại-da 5, p931a21: Ba-la-thị-ca 8, học xứ: Theo người bị cử.
[2] ibid., p931a21: có bí-sô tên Căn Bản 根本. Tứ phần: tỳ-kheo Xiển-đà. Ngũ phần: Xiển-đà bị Tăng tác yết-ma bất kiến tội (ngoan cố không chịu nhận tội, bị Tăng xả trí). Tăng kỳ: bất kiến tội cử yết-ma 不見罪舉羯磨. Thập tụng: Ca-lưu-la Đề-xá 迦留羅提舍 bị Tăng tác yết-ma bất kiến tẫn 不見擯. Pāli: Tỳ-kheo Ariṭṭha bị Tăng xả trí (samaggena saṅghena ukkhitta).
[3] Yết-ma xả trí: xem cht. 1, tr. 87.
CAN GIÁN, NGĂN CẢN BÍ-SÔ-NI THÂN CẬN PHỤNG SỰ - BẠCH TỨ
Sau khi đã tác pháp rồi, không cho lễ bái nhưng lại thân cận,[1] thì tác yết-ma xả trí, tiến hành như sau:
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô tên… có hành động phi pháp, Tăng-già đã tác pháp yết-ma xả trí. Song bí-sô-ni… biết hành động phi pháp của vị kia và cũng biết vị ấy bị yết-ma xả trí mà vẫn đi theo thân cận thừa sự, khiến cho bí-sô… không tuân theo lời dạy của Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già ngăn bí-sô-ni này không cho thân cận, thừa sự bí-sô… kia. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Yết-ma chuẩn theo văn bạch mà thành.
Chú thích:
[1] Sau khi bí-sô Căn Bản bị yết-ma xả trí nhưng bí-sô-ni Thổ-la-nan-đà vẫn thân cận lễ bái.
Ở VỚI TRẺ CON MỘT PHÒNG - BẠCH NHỊ[1]
Bấy giờ có bí-sô-ni tên Cấp-đa sinh ra con nhỏ tên Ca-nhiếp-ba, không ở cùng phòng. Đứa bé ở một mình khóc la. Các bí-sô-ni đem việc này bạch các bí-sô. Bí-sô bạch Phật.
Phật dạy:
- Cấp-đa nên xin chúng bí-sô-ni yết-ma cho phép [486a01] ở cùng phòng với em bé. Cách tác pháp yết-ma: Trải tòa, đánh kiền trùy, thưa khắp các chúng. Chúng tập hợp v.v… chắp tay bạch như sau:
1. Thưa thỉnh
Tăng-già bí-sô-ni lắng nghe! Tôi là bí-sô-ni Cấp-đa sinh con nhỏ. Nay cầu xin Tăng-già bí-sô-ni yết-ma cho phép ở chung phòng với con nhỏ. Ngưỡng mong Tăng-già bí-sô-ni cho phép tôi là Cấp-đa cùng con nhỏ được ngủ cùng phòng. Việc này đáng thương, ngưỡng mong các ngài thương tưởng.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
2. Tác bạch
Thứ đến, sai một bí-sô-ni tác bạch rồi yết-ma:
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni Cấp-đa này sinh con là Ca-nhiếp-ba. Cấp-đa cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép ngủ chung một phòng với con nhỏ. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni yết-ma cho phép Cấp-đa cùng con nhỏ ngủ chung phòng. Đây là lời tác bạch.
3. Yết-ma
Thứ đến tác yết-ma:
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni Cấp-đa sinh con trai là Ca-nhiếp-ba. Nay Cấp-đa cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép ngủ chung một phòng với con nhỏ.
Nay Tăng-già bí-sô-ni cho phép Cấp-đa cùng con nhỏ ngủ chung phòng. Nếu các cụ thọ đồng ý cho phép Cấp-đa cùng con nhỏ ngủ chung phòng thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói. Tăng-già bí-sô-ni đã cho phép Cấp-đa cùng con nhỏ ngủ chung phòng. Tăng-già bí-sô-ni đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Tăng-già bí-sô-ni đã tác pháp yết-ma cho phép Cấp-đa được phép cùng con nhỏ ngủ chung phòng, việc chớ nghi ngờ nữa. Đây là trẻ mới sinh nên tạm cho ở cùng phòng, khi nó lớn lên sẽ căn cứ theo pháp luật ngăn sự ở chung sau.
Chú thích:
[1] Tỳ-nại-da tạp sự 31, T24n1451, p360b25.
BÍ-SÔ-NI QUA LẠI THÂN MẬT VỚI NGƯỜI THẾ TỤC - BẠCH NHỊ
Bí-sô-ni gặp phải năm đói kém, mọi người thiếu thốn khốn khổ, khất thực khó khăn; đến nỗi ngay trong cả thân tộc cũng phải nói rằng: Tôi không thể cung cấp thức ăn được cho nhiều người. Nếu người đến một mình tôi sẽ cung cấp. Vị này nên cầu xin chúng bí-sô-ni yết-ma cho qua lại người thế tục thân thuộc. Nên cầu xin như sau: Trải tòa, đánh kiền chùy, thưa khắp với chúng. Ni chúng đã tập hợp..., chắp tay bạch như sau:
1. Thưa thỉnh
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Tôi bí-sô-ni tên…, năm nay gặp phải đói kém, mọi người thiếu thốn khốn khổ, khất thực khó khăn. Tôi tên… cầu xin Tăng-già bí-sô-ni yết-ma [486b01] cho phép qua lại các nhà thế tục thân tộc. Ngưỡng mong Tăng-già bí-sô-ni yết-ma cho phép tôi tên… được phép qua lại các nhà thế tục thân tộc. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
2. Tác bạch
Thứ đến, Tăng sai một bí-sô-ni tác bạch rồi yết-ma:
Đại đức ni Tăng-già lắng nghe! Bí-sô-ni tên…, năm nay gặp phải đói kém; mọi người thiếu thốn khốn khổ, khất thực khó khăn. Nay vị bí-sô-ni… này cầu xin Tăng-già bí-sô-ni yết-ma cho phép qua lại các nhà thế tục thân tộc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni yết-ma cho bí-sô-ni tên… được phép qua lại các nhà thế tục thân tộc. Đây là lời tác bạch.
3. Yết-ma
Thứ đến yết-ma:
Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni tên… gặp phải năm đói kém, mọi người thiếu thốn khốn khổ, khất thực khó khăn. Nay bí-sô-ni… cầu xin Tăng-già bí-sô-ni yết-ma cho phép qua lại các nhà thế tục thân tộc. Nay Tăng-già bí-sô-ni yết-ma cho bí-sô-ni… được qua lại nhà thế tục thân tộc. Nếu các cụ thọ đồng ý yết-ma cho bí-sô-ni… được qua lại các nhà thế tục thân tộc thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói ra.
Tăng-già bí-sô-ni đã yết-ma đồng ý cho bí-sô-ni… qua lại các nhà thế tục thân tộc xong. Tăng-già bí-sô-ni đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Sau khi Tăng-già bí-sô-ni tác pháp yết-ma, bí-sô-ni này được phép đi một mình đến các nhà thế tục thân tộc và tùy ý thọ thực. Nhưng đến khi đời sống đầy đủ thì không được lui tới nữa. Nếu tiếp tục qua lại bị tội vượt pháp.
CHUYỂN CĂN[1]
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, có bí-sô-ni thình lình chuyển căn. Trường hợp này phải như thế nào?
Phật dạy:
- Nên đưa họ đến ở trú xứ của bí-sô. Thứ bậc tính theo tuổi hạ cũ.
- Bạch Đại đức, có bí-sô chuyển căn, trường hợp này phải như thế nào?
Phật dạy:
- Nên đưa họ đến ở trú xứ của bí-sô-ni. Vẫn tính theo tuổi hạ cũ.
- Bạch Đại đức, nếu họ chuyển căn nữa thì phải làm như thế nào?
Phật dạy:
- Đây có thể căn cứ vào các trường hợp trước, đưa họ đến chỗ khác. Nếu họ chuyển căn đến lần thứ ba thì phải tẫn xuất, không thể cho cộng trú.
- Bạch Đại đức, nếu có cầu tịch khi đang thọ cận viên căn họ chuyển, thành cận viên không?
Phật dạy:
- Thành thọ cận viên. Nên đưa họ đến trú xứ bí-sô-ni.
- Bạch Đại đức, khi đang thọ cận viên, nếu có cầu tịch phát biểu: “Này các cụ thọ, đừng truyền cận viên cho tôi”. Người này thành thọ cận viên được không?
Phật dạy:
- Không thành. Này Ô-ba-ly, như người đã thọ cận viên, [486c01] nếu nói: “Tôi là người cầu tịch (căn cứ vào lời nói này là có tâm muốn xả)” thì mất cận viên; huống gì đang thọ cận viên.
- Đại đức, như đang thọ cận viên tự nói tôi là người thế tục, vậy có thành cận viên không?
Phật dạy:
- Không thành. Ô-ba-ly! Như thọ cận viên xong, nếu nói tôi là người thế tục còn mất cận viên, huống là đang thọ.
- Như Thế Tôn dạy, bí-sô nào muốn xả học xứ, người ấy nên trú niệm, tâm quyết định xả; đối trước một bí-sô, ngồi xổm, chắp tay, thưa như sau:
Cụ thọ, ghi nhận cho! Tôi, bí-sô tên…, đối với pháp bất tịnh hạnh tôi không thể phụng trì. Tôi bí-sô tên… nay đối trước cụ thọ xả học xứ, bỏ hình tướng xuất gia trở lại dung nghi thế tục. Thưa cụ thọ, từ nay nên biết tôi là người thế tục. (Nói ba lần).
Vị kia đáp: - Thiện.
Nếu đối trước người tâm trí bị điên cuồng, mà xả học xứ thì không thành xả. Các chúng khác, căn cứ đây thì biết.
Chú thích:
[1] Tỳ-nại-da tạp sự 32, p366b7.
KHIẾN CHO SỢ - BẠCH TỨ[1]
Bấy giờ, Phật ở thành Thất-la-phạt, có nhóm bí-sô tên Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca (dịch là sắc vàng đỏ)[2] v.v… ưa tranh tụng, ưa tranh luận. Họ thường gây ra những sự tranh tụng trong chúng, làm cho chúng Tăng sống không an lạc; khiến cho sự tranh cãi ngày càng gia tăng. Các bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Này các bí-sô, nên tác pháp yết-ma khiến sợ cho nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca…, nếu có những trường hợp tương tự cũng yết-ma như thế. Có năm việc nếu tác yết-ma khiến sợ thì rơi vào phi pháp yết-ma, phi yết-ma tỳ-nại-da yết-ma và khi Tăng-già tác pháp bị tội vượt pháp. Thế nào là năm?
1. Không thẩm vấn; 2. Không ức niệm; 3. Sự việc không thật; 4. Không tự nhận tội; 5. Tác pháp không có sự hiện diện.[3]
Lại có năm điều kiện tác yết-ma khiến sợ là yết-ma như pháp, là yết-ma như Tỳ-nại-da và Tăng-già không có lỗi.
1. Trước đó có thẩm vấn; 2. Làm cho họ ức niệm; 3. Sự việc thật có; 4. Tự nhận tội; 5. Tác pháp có sự hiện diện.
Nên tác pháp theo trình tự. Tiến hành tiền phương tiện như trước. Thứ đến sai một bí-sô bạch tứ yết-ma:
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Đây là nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca…, tranh đấu gây loạn Tăng-già, làm phát sinh sự tranh cãi. Họ thường gây ra những việc tranh chấp làm cho Tăng-già sống không an lạc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì [487a01] Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tác pháp yết-ma khiến sợ cho nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca…. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca…, tranh đấu gây loạn Tăng-già, làm phát sinh sự tranh cãi. Họ thường gây ra những việc tranh chấp làm cho Tăng-già sống không an lạc.
Nay Tăng-già tác yết-ma khiến sợ cho nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca… Nếu các cụ thọ đồng ý tác yết-ma khiến sợ cho nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca… thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói ra. Đây là yết-ma lần thứ nhất.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Tăng-già đã tác yết-ma khiến sợ cho nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca…, Tăng-già đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Bí-sô nào bị Tăng-già đã tác yết-ma khiến sợ rồi thì không được độ người xuất gia, và truyền cận viên cho người. Như trước đã trình bày đầy đủ.
Sau khi các bí-sô tác yết-ma khiến sợ cho nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca... Họ nhận chịu pháp yết-ma và cực kỳ kính cẩn Tăng-già, không khinh mạn Tăng-già, hy vọng Tăng-già giúp đỡ. Họ sống trong cương giới luôn luôn kính lễ Tăng-già, mong Tăng-già tác yết-ma thâu hồi, và tự thưa với Tăng rằng:
“Tôi là Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca xin chấm dứt vĩnh viễn những việc tranh chấp này”.
Các bí-sô đem việc này bạch Phật.
Phật dạy:
- Này các bí-sô, trước đây Tăng vì nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca… tác yết-ma khiến sợ. Nay vì Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca… tác pháp yết-ma thâu hồi. Nếu có những trường hợp tương tự như thế xảy ra, thì có năm pháp tác yết-ma khiến sợ. Bí-sô chưa thâu hồi không được thâu hồi. Thế nào là năm?
1. Dựa vào thế lực của vua; 2. Dựa vào các quan lại; 3. Dựa vào người khác; 4. Dựa vào ngoại đạo; 5. Dựa vào Tăng-già. Những người như vậy không được thâu hồi.
Lại có năm pháp không được thâu hồi. Thế nào là năm?
1. Thờ phụng ngoại đạo; 2. Thích thú thân cận bạn ác; 3. Cúng dường ngoại đạo; 4. Không muốn cùng Tăng-già hòa hợp; 5. Không muốn sống chung với Tăng-già. Người như vậy không nên thâu hồi.
Lại có năm pháp không nên thâu hồi: 1. Mắng chửi bí-sô; 2. Sân hận; 3. Chê trách; 4. Làm việc không đáng làm; 5. Không học tập học xứ của bí-sô.
Lại có năm pháp nên thâu hồi. Thế nào là năm?
1. Tại trú xứ của Tăng-già tự biểu hiện cung kính, không sinh khinh mạn; 2. Cầu mong sự giúp đỡ; 3. Bản thân thường kính lễ; 4. Ngay trong cương giới, thỉnh cần thâu hồi; 5. Tự trình bày: “Đối với những việc tranh chấp như thế này tôi không làm nữa.”
Đây là năm pháp nếu [487b01] người chưa được thâu hồi thì nên thâu hồi.
Lại có năm pháp nên thâu hồi. Thế nào là năm?
1. Không dựa vào vua; 2. Không dựa vào quan; 3. Không dựa vào người khác; 4. Không dựa vào ngoại đạo; 5. Không dựa vào Tăng-già. Đó gọi là năm pháp.
Lại có năm pháp nên giải yết-ma khiến sợ. Thế nào là năm?
1. Không có hành động thờ phụng ngoại đạo; 2. Không thân cận bạn ác; 3. Không cúng dường ngoại đạo; 4. Nguyện cùng Tăng-già hòa hợp; 5. Nguyện sống chung với Tăng-già. Đó gọi là năm pháp.
Lại có năm pháp cho giải yết-ma khiến sợ. Thế nào là năm?
1. Không mắng chửi bí-sô; 3. Không sân hận; 3. Không chê trách; 4. Làm việc đáng làm; 5. Thường học tập học xứ của bí-sô. Đó gọi là năm pháp.
Chú thích:
[1] Tứ phần 44, p889a14 (Chương xi. Khiển trách, bản Việt dịch).
[2] Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca 半豆盧呬得迦: P. Paṇḍuka-lohitaka. Tứ phần 44: Lô-hê-na 盧醯那.
[3] Hán: bất đối diện tác 不對面作. Đối tượng yết-ma không hiện diện. P. asammukhā kataṃ.
YẾT-MA THÂU HỒI
Người đã được điều phục rồi nên cho phép họ yết-ma thâu hồi. Tác pháp tiền phương tiện như trước, chuẩn theo đó nên biết, cho đến… Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca… thưa như thế này:
1. Thưa thỉnh
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Chúng tôi là bí-sô Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v… là những người tranh chấp, là người cạnh tranh, tôi thường xuyên gây tranh cãi khiến cho Tăng-già sống không an lạc. Do đó Tăng-già vì chúng tôi tác yết-ma khiến sợ. Tôi được yết-ma rồi, ở trong Tăng-già, chúng tôi cực kỳ cung kính, không sinh khinh mạn, mong cầu giúp đỡ, bản thân thường kính lễ, trong cương giới thỉnh cầu được thâu hồi. Tôi vĩnh viễn không còn tranh chấp nữa. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già giải yết-ma khiến sợ cho chúng tôi là Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng chúng tôi.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
2. Tác bạch
Thứ đến, sai một bí-sô bạch tứ yết-ma:
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Đây là nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v..., tranh đấu gây loạn Tăng-già, làm phát sinh sự tranh cãi. Họ thường gây ra những việc tranh chấp làm cho Tăng-già sống không an lạc. Trước đây Tăng-già tác yết-ma khiến sợ cho nhóm bí-sô Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v.... Nhóm bí-sô Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... khi được tác yết-ma rồi, đối với Tăng-già biểu hiện thái độ cực kỳ cung kính, không sinh khinh mạn. Nay họ cầu xin Tăng-già giải yết-ma khiến sợ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho nhóm bí-sô Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... giải yết-ma khiến sợ. Đây là lời tác bạch.
3. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... [487c01] đấu tranh gây loạn, khiến Tăng-già phát sinh sự tranh cãi. Họ thường gây ra những việc tranh chấp làm Tăng-già sống không an lạc. Trước đây Tăng-già tác yết-ma khiến sợ cho nhóm Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... Sau khi nhóm bí-sô Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... bị yết-ma, họ biểu hiện thái độ cực kỳ cung kính, không sinh kiêu mạn với Tăng-già. Nay họ cầu xin Tăng-già giải yết-ma khiến sợ. Nay Tăng-già cho các bí-sô Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... giải yết-ma khiến sợ. Vị nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói ra. Đây là yết-ma lần thứ nhất.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Tăng-già đã cho các nhóm bí-sô Bán-đậu-lô-hứ-đắc-ca v.v... giải yết-ma khiến sợ. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gió Bấc


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Kinh Bi Hoa


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự giết hại

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.42.22 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập