Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Đệ tử Phật có hai thành phần là tại gia và xuất gia. Tại gia thì đầu tiên thụ năm giới để làm nền tảng ngăn ba đường ác, cầu phước cõi trời và cõi người. Vì chưa thể vĩnh viễn xa lìa những duyên trần gia đình quyến thuộc, nên thụ thêm ba giới cộng với năm giới trên trong một ngày một đêm để trồng nhân duyên vĩnh viễn xuất gia ở đời vị lai.
Hàng xuất gia, về hành nghiệp thì trước sau có ba bậc thượng, trung, hạ. Xuất gia bậc hạ thì trước tiên lấy mười giới làm căn bản, suốt đời thụ trì. Tuy bỏ nhân duyên gia đình, quyến thuộc, nhưng việc làm thì như người thế tục. Người xuất gia này, so với người đã thụ cụ túc giới thì vẫn là tại gia, nên gọi là xuất gia bậc hạ. Xuất gia bậc trung thì đã bỏ tất cả duyên vụ và công việc ở đời, lãnh thụ đủ tám vạn bốn nghìn nhân duyên hướng đến đạo. Tuy xả các duyên sự và việc làm thế gian, nhưng ba nghiệp thân miệng và ý chưa hoàn toàn thanh tịnh, kết sử trong tâm vẫn còn, chưa thể xa lìa, so với bậc trên thì chưa đủ, sánh với bậc dưới thì đã hơn, cho nên gọi là xuất gia bậc trung. Xuất gia bậc thượng, đó là những người có căn cơ nhanh mạnh và nhạy bén, đã xa lìa được kết sử trói buộc, được sức thiền định và trí tuệ; do được sức thiền định và trí tuệ nên tâm được giải thoát; vì tâm được giải thoát nên thanh tịnh ba nghiệp thân, miệng và ý, ra khỏi ngôi nhà phiền não duyên sự, vĩnh viễn ở trong ngôi nhà mát mẻ vắng lặng nên gọi là xuất gia bậc thượng.
Lại nữa, hàng xuất gia bậc trung sau khi thụ giới cụ túc, vẫn còn chưa biết hết tất cả oai nghi phép tắc của sa-môn, nên cần phải nương tựa một vị tôn túc trưởng lão có đức hạnh. Tôn giả Ưu-ba-li thưa Đức Phật: “Thành tựu được mấy pháp mới không còn nương tựa bậc tôn túc?”. Đức Phật đáp: “Phải thành tựu hai mươi lăm pháp thì mới không còn nương tựa”. Nói rộng thì hai mươi lăm pháp, nhưng nói gọn thì chỉ cần biết hai bộ giới[2] để làm căn bản. Ở đây chỉ nói thành tựu mười pháp mà thôi. Mười pháp:
1.Không thông thạo nghĩa chung và riêng của hai bộ giới. Đó là trong một thiên giới thì hoặc là đồng hoặc là khác; hoặc trong giới của Tăng thì nhẹ, trong giới của ni thì nặng; hoặc trong giới của ni thì nhẹ, trong giới của Tăng thì nặng; hoặc trong thiên trước thì có, thiên sau thì không, hoặc trong giới bản thì có, giới khác thì không; hoặc trong giới khác thì có mà giới bản thì không. Các bộ giới như thế không biết phân biệt, nên gọi là không thông thạo giới.
2.Không biết là tội hay không phải tội: Tức không biết đó là tội trong Phật pháp mà chẳng phải tội của thế gian, là tội của thế gian mà chẳng phải tội trong Phật pháp; hoặc chẳng biết đó là tội trong Phật pháp cũng là tội của thế gian; hoặc chẳng biết đó không phải là tội trong Phật pháp cũng chẳng phải tội của thế gian. Tội trong Phật pháp mà chẳng phải tội của thế gian đó là những hành vi cất chứa tiền bạc, lìa ba y sau khi Phật đã chế giới. Tội của thế gian mà chẳng phải tội trong Phật pháp, đó là các hành vi như sát sinh, trộm cắp trước khi Phật chế giới. Tội trong Phật pháp cũng là tội của thế gian, tức những hành vi như phạm các giới dâm, nói dối… sau khi Phật đã chế giới. Không phải tội trong Phật pháp cũng chẳng phải tội của thế gian, tức những hành vi chặt phá cỏ cây… trước khi Phật chế giới. Nếu tì-kheo ăn ban đêm, tì-kheo cùng ăn nên quán ba việc tạo nên thức ăn này. Nếu không quán mà vẫn dùng thức ăn này thì phạm tội. Nếu có người đáng tin cùng dùng thức ăn ban đêm thì không phạm tội. Không biết các việc như vậy gọi là không biết là tội hay chẳng phải tội.
3.Không biết nhẹ hay nặng: Không biết nhẹ, như sa-di vừa phạm giới dâm thì trong lòng vô cùng hổ thẹn phát thệ nguyện đến chết cũng không tái phạm, suốt đời luôn thay đổi nơi an trụ, không thụ nhận lời thỉnh thụ thực, cúi xin Tăng thương xót cho làm tì-kheo, suốt đời khuyên người làm phước. Người này hiện đời tuy không được mầm đạo, nhưng mai sau chỉ chịu tội nhẹ. Không biết phạm giới nặng mà chịu tội nhẹ gọi là không biết nhẹ. Không biết nặng, như có tì-kheo vào thời Phật Ca-diếp vì bẻ phá lá cây, nên bị đọa vào loài rồng, đến hôm nay vẫn còn chịu tội báo. Chẳng biết phạm tội nhẹ mà chịu quả báo nặng, nên gọi là chẳng biết nặng.
4.Chẳng biết tội vô tàn[3] trong hữu tàn, tội hữu tàn trong vô tàn. Tội hữu tàn trong vô tàn: như trộm của người khác năm tiền, sau đó hối hận trả lại; như giết chiên-đà-la... ; do không biết việc này nên gọi là không biết tội hữu tàn trong vô tàn. Chẳng biết vô tàn trong hữu tàn: như trong ba mươi Xả đọa, nếu với tâm ý gần gũi mong cầu được ca-sa tốt đẹp, sau đó chủ của tấm ca-sa kia đòi lại, nếu không trả, mà giá trị tấm y nhiều hơn năm tiền thì phạm tội Ba-la-di. Không biết vô tàn trong hữu tàn: như vậy gọi là không biết vô tàn.
5.Không biết một lần chế định: Nghĩa là không biết có những giới điều trước sau hoàn toàn không khai cho, hoặc có những giới điều khi gặp một nhân duyên thì chỉ khai cho một lần.
6.Không biết hai lần chế định: Tức không biết có những giới điều hợp hai ba nhân duyên lại mới chế định ra một giới, hoặc có nhân duyên đưa đến hai lần khai hoặc sáu lần khai cho.
7.Không biết có giới điều chỉ chế định riêng cho từng vùng: Như tại nước Danh Tịnh không nên thụ thực. Ở những nơi thờ nước thì không được tắm giặt và đại tiểu tiện trong dòng sông, những nơi rét lạnh thì cho mặc áo nhiều lớp. Những nơi này làm thì không phạm, nhưng nơi khác thì phạm. Không biết như vậy, gọi là không biết chế định riêng.
8.Không biết có những giới điều chế chung cho tất cả: Như không biết sát sinh là việc mà tất cả các nơi Phật đều cấm.
9.Không biết yết-ma bố-tát: Bố-tát, Trung Quốc dịch là tịnh trụ, trưỡng dưỡng. Tì-kheo hòa hợp, nếu làm một trăm lẻ một yết-ma mà không biết hòa hợp thì gọi là không biết yết-ma.
10.Không biết yết-ma thỉnh tuế: Thỉnh tuế là xin người nêu ra lỗi của mình. Như thấy, nghe hay nghi ngờ người khác nói lỗi của mình, bấy giờ nếu có từ năm người trở lên, thì làm một trăm lẽ một yết-ma để rộng đường tự tứ. Bấy giờ Tăng cần phải sai hai người để tự tứ. Sở dĩ có hai người là bởi sau khi Tăng tự tứ xong, thì hai người này tự đối diện nhau để nêu ra tội; không được cầu người khác để tự tứ vì Tăng không sai. Nếu có ba bốn người thì ba lần nói tự tứ. Nếu chỉ một người thì tâm nghĩ miệng nói. Không biết điều này gọi là không biết yết-ma thỉnh tuế. Nếu một tì-kheo không biết mười việc nêu trên, thì dù đủ năm hạ hay nhiều hơn cũng phải nương tựa bậc tôn túc trưởng lão có đức. Nếu không nương tựa thì hàng ngày đều phạm tội Đột-cát-la. Nếu biết mười pháp trên, đã đủ năm hạ thì được lìa thầy nương tựa. Sau đó nên học phép tắc làm thầy, cho đến mười tuổi hạ mới được độ người. Nếu không biết năm pháp thì không được độ người. Năm pháp:
1.Tụng đọc làu thông giới luật của hai bộ Tăng-Ni.
2.Giải quyết được tâm nghi ngờ của đệ tử.
3.Đệ tử ở nơi xa, có khả năng bảo trở về.
4.Có khả năng phá dẹp tà kiến cho đệ tử và dạy bảo không cho tạo ác.
5.Nếu đệ tử có bệnh thì chăm sóc, chữa trị giống như cha mẹ nuôi con.
Nếu đã có năm pháp này, lại đầy đủ mười tuổi hạ thì có thể làm Hòa thượng cho người. Nếu không biết thì suốt đời không được độ người, nếu độ thì phạm tội Đột-cát-la. Đã lìa thầy nương tựa thì được độ người. Độ người thì nên có đồ chúng, lại nên biết cách tụ tập đại chúng. Nếu trong chúng có người không biết pháp, thì trăm người, nghìn người không được ở chung trong một trú xứ. Ưu-ba-li hỏi Đức Phât: “Thế nào là tì-kheo đồng xứ an trụ giống như loài dê câm?”. Phật đáp: “Nếu tì-kheo không biết bốn pháp thì sẽ như vậy. Bốn pháp:
1.Không biết giới, không biết việc của giới, tức không thông thạo ý nghĩa giới luật của hai bộ nhất định thuận với kinh.
2.Không biết việc tụng giới, không biết vào ngày mười bốn hay ngày mười lăm, tụng rộng hay lược. Từ bốn người trở lên phải kiểm số và tụng rộng; hai ba người thì ba lần thuyết bố-tát. Văn thuyết như sau: Trưởng lão nhớ nghĩ! Hôm nay ngày 14 hoặc ngày 15 Tăng bố-tát. Trưởng lão nhớ nghĩ, biết con thanh tịnh, không chướng ngại đạo pháp, vì đầy đủ chúng giới (ba lần); một người thì tâm niệm miệng thuyết bố-tát. Nếu khi tụng giới có sự nạn mà mới tụng phần Tựa, hoặc thiên thứ hai, thứ ba thì nên bạch nhất yết-ma: “Hôm nay có sự nạn, tôi đọc phần tựa của giới kinh xong, những phần khác thì như Tăng đã thường nghe”. Nếu Tăng hỏi mà không biết những việc trên thì gọi là không biết việc thuyết giới.
3.Không biết yết-ma: Những việc nên bạch nhất lại bạch nhị, nên bạch nhị lại bạch tứ, biệt chúng không đúng pháp. Không đúng pháp tức là trước yết-ma sau mới bạch, người có việc không hiện diện, dù có hiện diện nhưng không nói có việc ấy mà vội xướng biệt chúng; việc đáng dặn dò lại không dặn dò; người có việc ở bên ngoài cương giới yết-ma, thì chúng trong cương giới lại đồng thuận; kết nội giới rồi mới kết ngoại giới; đó gọi là biệt chúng không đúng pháp. Hoặc chúng phi pháp tụ tập tại một nơi, hoặc chúng hòa hợp bố-tát phi pháp. Những việc như thế gọi là không biết yết-ma.
4.Không biết hội tọa: Tức khi thuyết giới hay tự tứ mà có khách tăng đến thì cần nói lại hay không nói lại, nên cho nghe theo thứ tự hay không để cho nghe theo thứ tự; tì-kheo đến trước nên ra khỏi cương giới thì tùy tiện ra khỏi cương giới, tì-kheo khách cũng như vậy; hoặc có lúc tì-kheo khách đến ít, tuy không nên nói lại, nhưng ví như tì-kheo ấy có đức cao, hoặc kẻ ngang bướng có thể dẫn đến việc tranh đấu thì cũng nên nói lại mà không nói. Như vậy gọi là không biết hội tọa. Nếu trong chúng không biết bốn việc ấy thì không được ở cùng một trụ xứ. Bấy giờ nên thỉnh một vị rành rẽ phép tắc đến, nếu thỉnh không được, thì toàn chúng nên nương vào những chúng biết phép tắc nào đó mà an trụ. Nếu không thỉnh cũng không chịu nương thì toàn chúng đó phạm tội Đột-cát-la.
Đã lìa thầy nương tựa, lại được độ người, đồ chúng có trật tự, thứ lớp, thì nên làm sạch sẽ thân miệng, đắp y phục sạch và dùng thức ăn thanh tịnh. Làm sạch sẽ thân thể thì rửa sạch sau khi đại tiểu tiện, cắt móng tay. Làm sạch sẽ miệng thì đánh răng, súc miệng, nạo lưỡi. Nếu sau khi đại tiểu tiện mà không rửa tay thì phạm tội Đột-cát-la cũng không được ngồi trên tọa cụ sạch của Tăng và lễ lạy, dẫu có lễ lạy cũng không được phước. Nếu không chải răng mà ăn hoặc uống thuốc hoặc uống nước thì đều bị tội Đột-cát-la. Nếu không đắp y sạch vào thôn xóm thì phạm tội Đột-cát-la. Thức ăn thanh tịnh, tức không phải thức ăn mà Đại tăng đã chạm vào, không cùng với người không đáng tin ăn uống và nghĩ đêm chung một nơi, thức ăn không chứa trong bát bất tịnh, bát được rửa bằng tháo đậu, không dùng bát gỗ và thức ăn trong đó, thức ăn không tự tay trồng tỉa, làm ra và mua bán mà được. Tất cả những thức ăn như vậy thì gọi là thức ăn thanh tịnh. Sở dĩ người đắp y sạch được ngồi theo tư thế ‘cứ tọa’ mà thụ thực, là do lúc Đức Phật mới thành đạo, thụ nhận bát cháo của cô gái nhà bán cháo xong, Ngài suy nghĩ: “Nếu có đệ tử xuất gia thì ngồi như thế nào, ăn như thế nào?”. Bấy giờ Ngài quán phép tắc của chư Phật, thì đều thấy các Ngài đều đắp y sạch, chỉ ngồi theo tư thế ‘cứ tọa’ thụ thực ngày một bữa. Cho nên Ngài chế định đệ tử của mình cũng thực hành theo như thế. Sở dĩ đắp y sạch là muốn hạn chế, đề phòng phạm các giới; sở dĩ ngồi theo tư thế ‘cứ tọa’ là vì giữ y sạch, lại ngược lại với phép tắc của thế tục, cũng vì ngồi trên thảm cỏ thì dễ thụ thực. Nếu ngồi không đúng cách thì phạm chín tội Đột-cát-la: ngồi hai chân buông ra phía trước, hai chân dang rộng, rung hai chân, đứng, tréo chân, ba y phủ chân, nhón chân, xếp chồng hai chân, xếp chồng hai đùi.
Người nữ phân chia hương, chạm vào tay tì-kheo, nhân đó tì-kheo khởi tâm dục, liền bỏ đạo. Vị thầy mới hỏi, đệ tử trình bày nguyên nhân. Do đây có người thưa với Phật. Đức Phật chế định: “Nếu ngồi mà nhận hương từ tay người nữ thì phạm tội Đột-cát-la”. Sở dĩ không ăn nhiều bữa mà chỉ ăn một bữa là do nếu làm ra, hoặc xin, cho đến rửa bát... sẽ tốn nhiều thời gian, cũng là tăng trưởng phiền não dâm, nộ, si lại cũng chẳng khác người thế tục, vì thế chỉ ăn một bữa. Dù biết đầy đủ các oai nghi, phép tắc khác nhau của sa-môn, nhưng chưa bàn đến sự nghiệp mà người xuất gia phải hành trì. Sự nghiệp của người xuất gia: Tọa thiền, tụng kinh và các việc giáo hóa. Nếu đầy đủ ba việc này thì đó là người xuất gia đúng pháp, nếu không thực hành thì luống uổng một phen sống chết, chỉ tạo nhân đau khổ mà thôi.
Nếu tì-kheo thành tựu mười pháp sau, thì được độ và trao giới cụ túc cho người: Một, thành tựu giới, hai, thành tựu oai nghi; ba, sợ hãi với các tội nhỏ; bốn, học rộng, có thể ghi nhớ pháp mà Phật đã giảng thuyết; năm, thông thạo hai bộ luật, hiểu phân biệt rõ ý nghĩa trong đó; sáu, có khả năng dạy đệ tử tăng trưởng giới học, tâm học và tuệ học; bảy, có khả năng giải tỏa mối nghi và bảo người giải tỏa mối nghi cho đệ tử; tám, có năng lực chữa trị bệnh và bảo người khác chữa bệnh cho đệ tử; chín, nếu đệ tử khởi tà kiến thì có khả năng giáo huấn khiến bỏ và bảo người khác bỏ; mười, có khả năng gọi đệ tử từ phương xa trở về, cũng có thể bảo người khác gọi về.
Nếu tì-kheo đủ mười tuổi hạ hoặc nhiều hơn, lại thành tựu chín pháp sau thì được truyền trao giới cụ túc cho người khác, đó là: phải biết tội nặng, tội nhẹ, tội thô, tội chẳng thô, tội hữu dư, tội vô dư, tội có yết-ma, tội không yết-ma, nhân duyên của tội.
Nếu tì-kheo đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ mà thành tựu năm pháp sau đây thì được truyền trao giới cụ túc cho người: có khả năng giúp đệ tử tăng trưởng giới học, tâm học, tuệ học, những việc làm đều chu toàn và cẩn thận, luôn buộc niệm hiện tiền.
Lại nữa, tì-kheo đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ mà thành tựu năm pháp sau đây thì được trao giới cụ túc cho người: có khả năng giúp đệ tử tăng trưởng giới học, tâm học, tuệ học, thông minh và có biện tài.
Lại nữa, tì-kheo đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ mà thành tựu năm pháp sau đây thì được truyền trao giới cụ túc cho người: thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến.
Lại nữa, tì-kheo phải thành tựu năm pháp: Một, bản thân trụ nơi giới, dạy người trụ nơi giới; bản thân trụ nơi định, dạy người trụ nơi định; bản thân trụ nơi tuệ, dạy người trụ nơi tuệ; bản thân trụ nơi giải thoát, dạy người trụ nơi giải thoát; bản thân trụ nơi giải thoát tri kiến, dạy người trụ nơi giải thoát tri kiến.
Lại nữa, tì-kheo đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ mà thành tựu năm pháp sau đây thì được truyền trao giới cụ túc cho người: một, thành tựu chúng vô học giới, thành tựu chúng vô học định, thành tựu chúng vô học tuệ, thành tựu chúng vô học giải thoát, thành tựu chúng vô học giải thoát tri kiến.
Lại nữa, tì-kheo đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ mà thành tựu năm pháp sau đây thì được truyền trao giới cụ túc cho người: có khả năng dạy đệ tử tăng trưởng giới, tăng trưởng Phạm hạnh, biết phạm hay chẳng phạm, biết đã hối lỗi hay chưa hối lỗi, đủ mười hạ hay trên mười hạ. Độ sa-di, làm y chỉ cho người cũng như vậy.
Tất cả các tì-kheo thượng-hạ tọa hãy nên nghe cho rõ! Hôm nay là ngày đầu năm, mọi người các nơi đều tụ họp. Thật khó gặp Đức Phật, thật khó được nghe giáo pháp, bậc hiền khó tụ hội, ngày đầu năm lại chóng qua. Hôm nay các hiền giả tận mắt thấy được bao nhiêu lần sinh bao nhiên lần chết. Ngày nay đã được sinh thân, đã được thụ giới, đã được nghe pháp, đã được hạnh tốt. Những lỗi đã phạm từ năm trước đến hôm nay, hoặc là tham dâm hoặc là sân hận, hoặc là ngu si, hôm nay sẽ nói ra hết những tướng lỗi lầm đã phạm, cam chịu ngu si chứ không dám che giấu. Người phạm tội ở trong chúng, do tự xem thường mà nói dối, nên phạm tội Vô gián, liền khinh giới và tự hủy giới. Như tì-kheo phạm giới dâm tên là Ca-lưu-đa, tì-kheo phạm giới trộm cắp tên là Ca-lưu-hoàn, tì-kheo phạm giới sát tên là Ca-lưu đều ở nước La-duyệt-kì, tì-kheo phạm giới vọng ngữ tên là Ca-lưu-hoàn tại nước Xá-vệ vọc âm xuất tinh. Tì-kheo Ca-lưu-đa tại nước La-duyệt-kì tự xây phòng ốc để an trú. Tì-kheo Ca-lưu ở tại nước Xá-vệ dẫn năm trăm đệ tử đến nước Ni-diễn...
Trong mười ba việc[4] có ba việc không được sám hối: Một là ôm giữ người nữ tại chỗ kín, hai là không thành thật giúp đỡ, ba là khởi tâm dâm đùa giỡn với phụ nữ và người hầu gái của nhà thí chủ. Ngoài ba việc này ra thì mười việc khác có thể sám hối. Nếu phạm tội mà để quá một ngày thì sám hối ba ngày. Nếu để quá ba ngày thì sám hối bảy ngày. Nếu để quá bảy ngày thì sám hối mười lăm ngày. Nếu để quá mười lăm ngày thì sám hối ba mươi ngày. Nếu quá ba mươi ngày thì sám hối chín mươi ngày.
Có chín mươi việc[5] mà tì-kheo nên sám hối. Nếu phạm tội này mà để quá một ngày thì sám hối ba ngày. Nếu để quá ba ngày thì sám hối bảy ngày. Nếu để quá bảy ngày thì sám hối mười lăm ngày. Nếu để quá mười lăm ngày thì sám hối ba mươi ngày. Nếu quá ba mươi ngày thì sám hối chín mươi ngày. Khi sám hối phải đầy đủ bốn vị tì-kheo.
Có mười việc sau đây thì một vị tì-kheo có thể làm Ma-ma-đế[6]: Có chính giới từ lâu, có tiếng tăm, có trí tuệ, có phương tiện, có khả năng tạo công đức, có đức hạnh, thuận lòng tì-kheo Tăng, vừa ý đàn việt, ra sức vì đàn việt, đủ mười hạ.
Có bốn việc mà tì-kheo nên rời đi: phòng ốc hư hoại, không có đàn việt, nơi nhiều ruồi muỗi trùng độc, đất nước có vua quan ganh tị. Lại có bốn việc khác mà tì-kheo nên làm: làm việc của của tháp; làm việc của tì-kheo Tăng; làm việc cho tam sư; học hết những sở tri của tam sư lại nên cầu thầu học đến chỗ sáng tỏ cùng tận.
Có bốn việc khi đến nước khác, tì-kheo không đắp ca-sa: nơi không có chùa tháp, không có tì-kheo Tăng, có trộm cướp, vua nơi đó không thích đạo.
Có bảy nơi mà một tì-kheo không nên dừng nghỉ: nơi tranh cãi ồn náo, nhà đồ tể, nơi cúng tế, dưới cầu, đầu cầu, trên con đường có tuần tra cảnh giới, nơi trống vắng, nơi trú ngụ của ác quỉ.
Khi đang nằm muốn đứng dậy ra khỏi phòng, tì-kheo cần lưu ý năm việc: Một, ngồi dậy rồi mới bước xuống giường, không được khiến giường phát ra tiếng; hai, trước khi mang giày nên đập giũ sạch; ba, chỉnh thân ngay ngắn và đắp pháp y; bốn, búng ngón tay ba lần trước khi mở cửa phòng và không được làm cho cửa phát ra tiếng; năm, nếu trong phòng có tượng Phật thì không được quay lưng về phía tượng, không được đứng ngay cửa nói chuyện với người khác.
Có năm việc tì-kheo không được phạm khi súc miệng: Một, không được ngồi xổm; hai, không được hướng về tháp Phật, cũng không được quay lưng về đó; ba, không được hướng về hay quay lưng về phía hòa thượng a-xà-lê; bốn, không được súc miệng trên ngòi rảnh hoặc trên đất thanh tịnh; năm, không được nói chuyện cũng không được nhận lễ kính của người khác.
Tì-kheo sử dụng cành dương cần phải biết năm việc: nên cắt đúng độ dài, nên chẻ lớn nhỏ đúng cách, đầu dùng để chà răng không quá ba phân (tương đương chín milimet); răng thưa thì nên chà trong kẻ răng ba lần; dùng nước súc miệng.
Nạo lưỡi, tì-kheo cần phải biết năm điều: không nên nạo quá ba lần, mặt lưỡi chảy máu thì dừng, không được vung tay qua mức làm nước bắn dơ tăng-già-lê và chân, không vất cành dương đã dùng trên đường đi, nên bỏ ở chỗ kín.
Khi đắp ca-sa, tì-kheo phải biết mười điều: Một, tay vừa gải thân thì không được đắp ca-sa mà phải rửa tay rồi mới đắp; hai, chưa rửa tay thì không được cầm ca-sa; ba, không được kéo ca-sa từ trên giá xuống, mà nên đưa tay phải lồng vào đẩy ngược lên còn tay trái thì đỡ phía dưới mà nhận lấy; bốn, sau khi tay trái nhận lấy ca-sa thì nên giũ nhẹ rồi mới đắp; năm, không được từ phía trước ném ca-sa lên vai; sáu, nên cầm lấy ca-sa không cho rơi xuống đất; bảy, nên hạ hai đầu cho bằng, không để ca-sa chạm vào chân; tám, khi đắp ca-sa không được hướng hay quay lưng về phía tháp Phật; chín, khi đắp không được hướng hoặc quay lưng về Thượng tọa hoặc tam sư[7]; mười, khi gấp ca-sa không được dùng miệng ngậm, cũng không được vung tay.
Khi nhiễu tháp, tì-kheo phải biết năm điều: cúi đầu nhìn xuống đất, không được đạp côn trùng, không được nhìn hai bên, không được khạc nhổ, không được dừng lại nói chuyện với người khác.
Lúc nhiễu tháp, tì-kheo cũng nên nghĩ nhớ đến mười lăm việc: Một, nghĩ nhớ đến công đức của Phật; hai, nghĩ nhớ đến giới kinh của Phật; ba, nghĩ nhớ đến trí tuệ Phật; bốn, nghĩ đến ân của Phật to lớn, thật khó báo đáp; năm, nghĩ nhớ đến Phật đã tinh tấn tu tập cho đến đạt được niết-bàn; sáu, nghĩ nhớ đến tì-kheo Tăng; bảy, nên nghĩ nhớ đến ân thầy; tám, nghĩ đến ân cho mẹ; chín, nghĩ đến ân của bạn đồng học; mười, nghĩ nhớ đến tất cả chúng sinh và nguyện cho họ xa lìa hết những nỗi khổ; mười một, nên nghĩ đến học tuệ; mười hai, nên nghĩ đến việc trừ ba độc; mười ba, nên nghĩ đến việc cầu đạo xuất li; mười bốn, nhìn thấy cỏ mọc trên tháp, nghĩ tưởng dùng tay trừ bỏ chứ không được nhổ; mười lăm, thấy có vật bất tịnh thì liền dọn sạch.
Lại nữa, tì-kheo phải lưu ý năm điều: Một, nếu trời mưa thì nên cởi giày dưới tháp rồi mới vào tháp lễ Phật; hai, đã theo thứ tự kính lễ và thăm hỏi từ bậc Thượng tọa đến hạ tọa; ba, Tăng có việc nếu sai làm thì nên làm; bốn, nếu có đi ra ngoài thì nên thông báo cho chúng biết; năm, nghe tiếng bảng thì liền ra khỏi phòng tụ họp.
Buổi tối tì-kheo vào phòng cần phải lưu ý năm việc: Một, trước khi vào nên đứng lại búng ngón tay ba lần rồi vào, và không làm cho cửa phát ra tiếng; hai, giày dép dính bùn đất nên cởi để bên ngoài; ba, nên đúng pháp giải y mắc vào nơi đã định; bốn, phủi sạch giày dép rồi đem đặt vào nơi khuất; năm, rửa chân rồi nghỉ ngơi, tùy theo sở nguyện.
Sắp lên giường ngủ, tì-kheo phải chú ý năm việc: Một, khoan thai bước lên giường; hai, không được bò lên giường; ba, không được khiến giường phát ra tiếng; bốn, không được giũ mạnh mền màn, giường chiếu làm phát ra tiếng; năm, rửa chân và lau khô.
Khi đã lên giường, tì-kheo cũng cần phải biết năm việc: Không nên ngáp phát ra tiếng lớn; không được quát mắng, hắt hơi lớn tiếng; không được than thở và suy nghĩ việc thế gian; không được ngồi tựa vách; ngồi dậy phải đúng lúc, nếu muốn ngồi dậy bất thường được thì nên tự trách.
Có năm chỗ tì-kheo nên kinh hành: Ở những nơi vắng vẻ, trước tăng phòng, trước giảng đường, bên tháp, bên cạnh gác thờ Phật. Lại có năm việc khác mà tì-kheo phải biết: Không được ngồi trên gác, không được cầm gậy đi trong chùa, không được nằm mà tụng kinh, không được mang guốc, không được đưa chân cao đạp đất phát ra tiếng.
Khi nằm, tì-kheo phải biết năm điều: Một, đầu hướng về Phật; hai, không được nằm mà nhìn Phật; ba, không được duỗi thẳng hai chân; bốn, không được quay mặt vào vách cũng không được nằm úp; năm, không được dựng hai đầu gối, hai chân duỗi ra co vào, nên nằm nghiêng về hông phải, đầu phải gối lên bàn tay phải và hai chân xếp chồng.
Nửa đêm thức dậy tụng kinh, tì-kheo cần phải biết năm điều: Một, không được nghĩ ta tụng kinh giới làu thông, người khác không bằng ta; hai, dẫu tụng đọc không làu thông cũng không được nói ta tụng không làu thông, không được suy nghĩ chỉ vì việc của tì-kheo kia làm loạn ý ta; ba, không được ngồi nghĩ đến điều xấu của người; bốn, nếu trời sáng, muốn hỏi những điều nghi thì không được nói những việc khác, chỉ trình bày những tri kiến về điều mình chưa hiểu mà thôi; năm, không được nghĩ: nên thụ trì những lời trong kinh này để gạn hỏi bắt bí người khác; như có niệm này thì không phải là người học phép tắc của bậc hiền.
Khi ở trong chùa, tì-kheo nên biết mười lăm điều: Một, không được dùng giày dép mang ra sau nhà để lên tháp Phật; hai, không được đi theo chiều bên trái; ba, không được quay lưng về Phật mà bước ra khỏi cổng; bốn, không được khạc nhổ trong tháp Phật; năm, không được ngồi trên lan can của tháp; sáu, không được lấy vật không đúng pháp đặt không đúng chỗ; bảy, không được dùng quá nhiều nước của ma-ma-đức[8] để rửa tay; tám, không được dùng bậy khăn tay của đại chúng; chín, không được rửa chân bên giếng của mọi người; mười, không được dùng bậy người và vật của đại chúng, nếu muốn sử dụng thì nên báo cho người chủ biết; mười một, không được đùa giỡn mắng chửi hàng bạch y; mười hai, không được cúi đầu khi nói chuyện với người khác; mười ba, không được ngồi trên giường của vị Thượng tọa; mười bốn, không được ngồi xoạc chân trước giường vị Thượng tọa; mười lăm, không được ngồi chung với vị Hòa thượng a-xà-lê.
Lại nữa, tì-kheo nên biết mười điều: Một, không được trèo lên cây; hai, không được cầm quả lê ném cho người khác; ba, không được dùng nước tưới ướt người khác; bốn, trong nước có trùng không được uống hoặc rửa; năm, bị người mắng chửi thì không được mắng lại; sáu, đối với súc sinh, tì-kheo không được nổi giận mắng chửi và đánh đập; bảy, không được ác khẩu mắng chửi người là súc sinh; tám, không được nằm ngồi trên giường có khắc họa chạm trổ; chín, không được thoa phấn sáp, đeo hoa hương vào người; mười, không được đàn ca, múa hát và không được đi xem nghe các món ấy.
Khi thụ thực, tì-kheo phải biết năm điều: Một, khi dùng cơm, tì-kheo không được nói là biết bao giờ mình sẽ chết, chỉ cần dùng no đủ khi có người mang cơm đến; hai, khi dùng cơm đã no, nếu có người mang đến cúng dường thì không được nhận; ba, cơm dùng còn dư không được ném cho người khác, không được ném bỏ trên cỏ; bốn, cơm dư ấy chỉ được đặt trên đất sạch; năm, có người thừa chút ít cơm thỉnh tì-kheo nhận cơm ấy, tì kheo không được bỏ đi mà nên nhận.
Lại có mười điều mà tì-kheo nên biết: Một, khi đến trai đường nên búng ngón tay và vào thẳng; hai, trước tiên nên nhìn vào chỗ ngồi; ba, dưới chỗ ngồi có tiền bạc, dao, các loại dưa thì không nên ngồi lên trên; bốn, nếu dưới chỗ ngồi có vũ khí, áo quần, vật dụng, hoặc chăn màn thì không được ngồi lên trên; năm, nếu có vàng bạc, đồ vật sơn phết đẹp ở trước mặt thì không được chỉnh sửa y phục, hình tướng; sáu, không được nhiều lần quay nhìn người nữ của nhà thí chủ; bảy, phải biết phép tắc ngồi; tám, chưa thụ thực không được thuyết pháp cho người nghe; chín, không được đòi hỏi thức ăn; mười, khi thụ thực chưa no thì không được nói chuyện.
Có mười trường hợp mà tì-kheo không nên đỉnh lễ: Một, khi đi ra sau nhà rồi trở lại, trên đường đi không được lễ người và cũng không được nhận lễ của người; hai, Thượng tọa đang nằm không được đỉnh lễ và Thượng tọa cũng không nên nhận lễ; ba, khi Thượng tọa súc miệng không được đỉnh lễ và Thượng tọa cũng không nên nhận lễ; bốn, Thượng tọa thâu dọn khay mâm dùng để thụ thực chưa xong không được đỉnh lễ và trước khi thâu dọn Thượng tọa cũng không nên nhận lễ; khi Thượng tọa dùng cơm, không được đỉnh lễ và Thượng tọa cũng không nên nhận lễ của người; sáu, Thượng tọa đang tụng kinh hay trì kinh; bảy, khi Thượng tọa đang ở chỗ thấp, mình ở chỗ cao; tám, Thượng tọa ở phía trước hoặc đã quay lưng đi, thì không được từ phía sau đỉnh lễ Thượng tọa; chín, khi ở trên tòa không được lễ Thượng tọa; mười, khi đội mũ không được đỉnh lễ Phật.
Khi tam sư trên tòa, tì-kheo phạm tội nặng mặc quần nê-hoàn-tăng cần phải biết năm điều: Một, không được mặc lộn ngược phía trên thành phía dưới; hai, bốn phía phải ngang bằng; ba, đầu nếp gấp phải gần bên trái; bốn, gút của thắt lưng phải ở bên phải; năm, buộc thắt lưng ba vòng và không được thòng hai đầu giây.
Khi mặc niết-bàn-tăng để lộ thân, tức phía trên không có tăng-kì-chi thì cần phải chú ý mười điều: Một, không được đắp ca-sa; hai, không được lên tháp và trước tượng Phật; ba, không được vào giảng đường; bốn, không được đứng trước mặt tam sư; năm, không được cùng với vị Thượng tọa thuyết kinh; sáu, không được ngồi chung với Thượng tọa; bảy, không được ngồi trên giường của ma-ba-lợi[9]; tám; không được vào phòng của Thượng tọa; chín, không được vào nhà ăn và đến trước chúng tăng; mười, không được bước ra khỏi cửa, hoặc cách lầu ba thước.
Tì-kheo sử dụng ba pháp y phải chú ý năm điều: Một, khi mặc nê-hoàn-tăng mà phía trên không mặc tăng-kì-chi thì không được mặc trung-ni-vệ[10], không mặc trung-ni-vệ không thì không được đắp y an-đà-hội; hai, nếu có trung-ni-vệ mà phía trên không có an-đà-hội thì không được đắp uất-đa-la-tăng; ba, nếu đắp an-đà-hội mà trên không có uất-đa-la-tăng thì không được đắp tăng-già-lê; bốn, nên đắp ba y trong ngoài đều bằng nhau; năm, không được nhiều hơn ba màu, đi đứng đúng phép tắc mới là đạo pháp.
Tì-kheo trì bát phải biết năm việc: Một, có đai mang cho chắc; hai, bát mang phía hông trái; ba, khi đi thì chuyển bát hướng về phía trước; bốn, không được để bát kéo xuống gần bụng dưới; năm, dùng cơm xong nên đưa bát trở về vị trí cũ.
Khi rửa bát, tì-kheo phải biết năm điều: Nên dùng tháo đậu[11], hoặc xà phòng; hai, không được rửa ở chỗ đất sạch; ba, khi rửa không được hướng về phía tháp Phật, tì-kheo Tăng và tam sư; bốn, không được nhún nhảy mà đổ nước; năm, không được dùng khăn dơ lau bát mà nên có khăn sạch riêng, nếu dùng tay chà cho khô là tốt nhất, nếu muốn rời gấp pháp hội thì nên phơi bát dưới ánh mặt trời hoặc hơ lửa cho khô.
Tì-kheo giữ khóa phòng nhà có năm điều cần chú ý: Một, khi muốn ra khỏi phòng, trước tiên nên lấy chìa khóa đã treo ở móc từ trước móc vào ngón tay; hai, khi đóng cửa, không được vừa cầm chìa khóa vừa kéo cửa và phải nhìn kĩ; ba, khi mở cửa không được vừa cầm chìa khóa vừa đẩy mạnh cửa mà phải từ từ mở ra; bốn, đặt vào chỗ cũ, gần và dễ lấy; năm, cứ bảy ngày thì nên chùi sạch rỉ sét.
Lại có năm điều tì-kheo cần phải biết: Một, không được ngồi liền kề với người nữ; hai, không được theo hỏi thầy thuốc giỏi về các loại thuốc men; ba, không được tranh nói với người thế tục; bốn, khi ngồi nói chuyện với bà lão, tì-kheo không được nói dối là không có việc gấp; năm, ví như có nhân duyên không vừa ý thì liền đứng dậy bỏ đi.
Khi đến nhà người tụng kinh, tì-kheo nên biết năm điều: Một, nên có bốn người cùng đi; hai, khi đến, nên tùy theo thứ tự ngồi đúng như pháp; ba, quan sát kĩ nhân duyên có nên tụng kinh hay không; bốn, nếu người ngồi dưới không muốn nghe tụng kinh thì nên dừng; năm, nếu trong hội có người say, dùng lời ác soi mói kinh thì không nên tiếp tục tụng đọc.
Có ba trường hợp nên đến chỗ quan phủ, quan huyện: Một, vì việc của Tam sư; hai, vì người bệnh hoặc chết nên họ đến thỉnh tì-kheo tụng kinh; ba, họ thỉnh tì-kheo đến thụ trai. Lại có bảy trường hợp mà tì-kheo không nên đi: Một, không được vọng đến vì dò xét sự tình; hai, không được cứ mỗi việc thì đều đến; ba, không được gượng ép đến vì theo lời thỉnh của họ; bốn, dẫu đến cũng không được nói về các việc thuốc men; năm, nếu họ mời tì-kheo đến để hỏi việc thế gian, hoặc gạn hỏi về dị kinh thì không được đến; sáu, nếu họ mời đến để dạy tướng số, xem sao hạn, năm tháng tốt xấu thì tì-kheo không được đến; bảy nếu nước bên cạnh khởi binh, họ mời tì-kheo đến để nghị bàn về việc quân thì phải theo phép tắc của bậc hiền, không nên đến.
Khi lên tòa thuyết kinh, có năm pháp mà tì-kheo cần phải biết: Một, trước hết phải lễ Phật; hai, nên lễ kinh pháp và Thượng tọa; ba, chân bước lên tăng-kì-đề[12] rồi đứng ngay ngắn; bốn, lại quay người hướng về tòa và bước lên; năm, hai tay đặt lên tòa rồi ngồi xuống. Khi đã ngồi lại có năm pháp cần phải biết: Một, chỉnh sửa pháp y rồi an tọa; hai, sau khi dứt tiếng kiền chùy thì mới xướng tụng; ba, nên tùy nhân duyên mà đọc tụng; bốn, nếu có người không vừa ý thì cũng không được nổi giận; năm, nếu có người cúng dường thì nên đặt phẩm vật trước mặt.
Có năm trường hợp tì-kheo không nên thuyết kinh: Một, gặp người không cung kính tam sư; hai, người phạm giới; ba, người phỉ báng Phật đạo; bốn, tì-kheo hỏi kinh không đúng phép tắc; năm, không được thuyết giới kinh cho hàng cư sĩ, nếu thuyết thì phạm tội.
Lại có năm hạng người không nên thuyết pháp cho họ nghe: Một, người khoác tay nhau; hai, ngồi chung giường nhỏ; ba, người biết chút ít kinh điển đến gạn hỏi; bốn, người không chịu nghe thuyết kinh; năm, người bệnh, người say rượu.
Tì-kheo muốn tọa thiền phải biết mười pháp: Một, tùy thời; hai, có giường tòa; ba, được nhuyến tọa; bốn, có nơi vắng vẻ; năm, được gặp thiện tri thức; sáu, nên có đàn việt tốt; bảy, có ý tốt; tám, có thuốc tốt; chín, có thể uống thuốc; mười, nên được thiện trợ. Tùy thời tức là tùy thuận bốn mùa; giường tòa an ổn chính là thằng sàng[13], nhuyến tọa chính là đệm ngồi bằng lông thú; nơi vắng vẻ chính là trong rừng núi, bên cội cây… cũng có thể một nơi riêng biệt trong chùa, không sinh hoạt chung với đại chúng; thiện tri thức là vị Phạm hạnh đồng cư; đàn việt tốt là người không để hành giả phải mong cầu điều gì; ý tốt nghĩa là có khả năng quán tưởng; thuốc tốt tức có thể chế phục ý; có thể uống thuốc tức không nghĩ nhớ đến muôn vật; thiện trợ chính là dây thắt lưng dùng khi tọa thiền.
Dây thắt lưng dùng để tọa thiền phải đủ mười điều kiện: rộng một thước, dài tám thước, đầu có móc, may ba lớp, không được dùng cỏ tươi, không được dùng móc bằng vàng, nên làm bằng lau sậy khô, làm đúng như pháp, không quá hai ba lớp, không được dùng tơ kết vào, buộc thắt đúng pháp, không được buộc khi dây đã bị ướt.
Có năm trường hợp không được dùng thắt lưng tọa thiền: Một, khi cùng đại chúng tọa thiền; hai, khi vào thành; ba, hết chín mươi ngày hạ; bốn, ở cùng với tam sư, vì cung kính; năm, đến nhà cư sĩ hoặc nhà khách. Khi an ổn ở một mình trong thất riêng, thì được dùng riêng cho mình.
Lại có mười trường hợp không được mang thắt lưng: khi lễ Phật, khi vào trong chúng, khi lên tháp Phật, khi kinh hành, khi trời mưa đi khất thực, vào thất của tam sư, khi hỏi kinh, khi đỉnh lễ hòa thượng a-xa-lê, khi lễ chúng tăng, vào buổi chiều khi tắm rửa.
Có năm trường hợp được vào ngôi thất khác mà tì-kheo nên biết: Một, thăm hỏi, thăm bệnh, hỏi kinh, có vật muốn mượn, đại chúng sai đến gọi tì-kheo khác. Khi đến lại cần phải biết năm việc: Đứng bên ngoài thất búng ngón tay, khi vào nên cởi mũ, đỉnh lễ, đứng ngay ngắn đến khi người bảo ngồi thì mới được ngồi, không được quên mang kinh vào.
Khi hỏi kinh, tì-kheo phải biết năm pháp: nên đúng pháp bước xuống giường tòa; không được cùng ngồi mà hỏi; chỉ hỏi chỗ không hiểu; không được để ý niệm chạy theo nhân duyên bên ngoài; nếu đã hiểu thì nên đỉnh lễ sát đất rồi ra về.
Tì-kheo ra khỏi phòng thất cần biết năm điều: Một, không được bảo: “Mua vật ấy đến đây, tôi muốn ăn!”; hai, không được mang dưa cho sa-di và bảo: “Chú mang trao cho ta, ta muốn ăn!”; ba, không được đùa giỡn nằm trên giường của người khác; bốn, không được khạc nhổ trên đất sạch của người khác; năm, có người quở trách đúng pháp thì không được sân hận bỏ đi, đó là vì cung kính vậy.
Hòa thượng nên có mười lăm đức tính: Một, biết giới; hai, giữ nghiêm giới; ba, không phạm giới; bốn, hiểu kinh; năm, tự giữ mình; sáu, dạy kinh điển; bảy, dạy giới luật; tám, dạy tu thiền; chín, nên dạy thụ nhận theo thứ lớp; mười, nên dạy phép tắc; mười một, vốn có ẩn đức; mười hai, có thể hết lòng vì đàn việt; mười ba, không có tâm giấu giếm gì riêng cho mình; mười bốn, có người mang vật đến cúng dường đều nói là vật của đại chúng; mười lăm, có khả năng xem bệnh và chữa lành.
Hòa thượng lại có mười đức đối với đệ tử: Một, có khả năng ban cho đệ tử y phục và thức ăn; hai, trao cho và dạy kinh điển; ba, giảng giải khiến cho đệ tử hiểu ý nghĩa trong kinh; bốn, có những lời hay trong kinh sâu mầu đều giảng dạy cho đệ tử hiểu; năm, đệ tử có hỏi thì nên trả lời; sáu, nên phân biệt giảng thuyết kĩ ba đường ác; bảy, nên giảng dạy khiến trí tuệ đệ tử mở thông cho bằng hoặc hơn mình; tám, dạy trì giới và phân biệt khiến biết các hành vi; chín, nên dạy hiểu rõ giới luật và tùy đó noi theo; mười, nên thẩm xét ý của đệ tử mà trao dạy có chừng mực.
A-xà-lê nên có năm đức tính: Một, nên thông thạo bốn bộ A-hàm; hai, trì giới và đầy đủ đức; ba, có tuệ đức; bốn, có đại đức; năm, nên tự giữ mình. Lại có năm pháp: Một, làm thầy thì nên tự giữ giới; hai, nếu quần áo, chăn màn của đệ tử rách nát thì nên chu cấp; ba, đệ tử có bệnh thì nên chăm sóc; bốn, nên dạy đệ tử bố thí, phân biệt giảng nói tội phúc; năm, mười hạ thì nên làm hòa thương, hiểu biết đầy đủ những điều cần thiết. A-xà-lê lại phải dạy đệ tử mười việc: Một, dạy đệ tử học tuệ, dạy tụng kinh nhiều; ba, giảng dạy để đệ tử hiểu kinh; bốn, dạy những bộ kinh sâu mầu; năm, dạy đệ tử không nên tranh luận kinh điển với người khác; sáu, dạy giới luật; bảy, dạy thụ nhận từ từ; tám, dạy biết giới; chín, dạy trì giới; mười, dạy tùy thuận Hòa thượng, đến mười hạ phải thông suốt những việc cần biết.
Tì-kheo hầu thầy cần phải biết hai mươi việc: Một, kính sợ thầy; hai, nghe lời thầy dạy; ba, thuận theo ý thầy; bốn, hiểu lời thầy nói; năm, không được trái lời thầy dạy; sáu, hai thời sáng tối đều đến thăm hỏi có an ổn không; bảy, khi đến phòng thầy nên đắp ca-sa và cởi mũ; tám, đến trước phòng thầy nên dừng lại và búng ngón tay ba lần, không được ngang nhiên xông vào; chín, nên đỉnh lễ sát đất rồi quì xuống thưa hỏi; mười, nếu thầy nói: “Hiền giả, ai đến đó?” rồi thầy nói việc làm của anh không đúng pháp, anh có biết mình phạm lỗi không, nếu có thì liền sám hối: “Con ngu si”, nếu không có thì cũng không được nói lại, thầy bảo lui thì đứng dậy đỉnh lễ rồi ra khỏi phòng; mười một, nên mang thau chậu dùng để rửa ráy của thầy đi đổ nước dơ, chà rửa sạch sẻ rồi cho nước và mang vào; mười hai, quét phủi giường chiếu, xếp chăn màn của thầy; mười ba, gấp ca-sa của thầy treo vào chỗ cũ; mười bốn, chỉ đi hoặc đứng, thầy vừa bảo ngồi cũng chưa được vội ngồi, đợi thầy bảo ba lần mới được ngồi, nếu thầy có hỏi thuộc kinh hay không mà không bảo tụng thì không nên vội tụng; mười lăm, nếu tự hỏi kinh giới, thì nên xem thử đúng lúc nên hỏi hay không nên hỏi; mười sáu, thông báo cho thầy biết khi gội đầu cạo tóc; mười bảy, thông báo cho thầy biết khi rửa ráy; mười tám, thông báo cho thầy biết khi ra ngoài; mười chín, thông báo cho thầy biết khi làm việc cho Tăng; hai mươi, thông báo cho thầy biết khi bị bệnh, uống thuốc.
Tì-kheo may pháp y cho thầy cần phải biết năm điều: Một, đỉnh lễ sát đất; hai, trình bày đúng sự việc: “Con đến…”, “Con hôm nay mang đến”, “Con thưa như vậy”; ba, nếu thầy im lặng không trả lời thì đứng dậy đỉnh lễ rồi lui ra; bốn, nếu thầy cho phép bảo may, thì nên như pháp mà vâng lời; năm, nếu thầy bảo như thế không được, chiều rộng và dài tấm y của ta như thế, như thế, thì nên theo lời thầy mà may y, không được trái lời.
Lại có năm điều về pháp y, tì-kheo cần biết: Một, chưa đủ ba y thì nên gấp rút may cho đủ; hai, đã đủ thì không may thêm; ba, pháp y đã cũ rách thì nên may; bốn, pháp y chưa thật quá cũ rách thì không nên may; năm, nên may đúng cách thức và có thể dùng ba màu: xanh, vàng, mộc lan để may y.
Khi nhuộm y tì-kheo cần phải biết năm điều: Một, dùng thau chậu sạch; hai, ở chỗ kín; ba, sào phơi hoặc móc áo cứng chắc; bốn, không được bỏ đi khi đang nhuộm; năm, nên luôn luôn quan sát.
Tì-kheo đắp pháp y vào nhà đàn việt nên chú ý năm điều: Một, không được phanh ngực áo mà vào nhà đàn việt; hai, không được mắc pháp y trên cánh tay mà vào; ba, không được dùng tay cầm pháp y mà vào; bốn, không được vắt pháp y trên vai mà vào; năm, không được nhìn ngó hai bên mà vào.
Đắp pháp y đi khất thực, tì-kheo cần biết năm điều: Một, trên đường đi, nếu gặp tam sư thì nên trịch y lộ vai phải; hai, đắp y phủ hai vai và cao đến yết hầu; ba, tay phải được lộ ra từ phía dưới; bốn, khi đi vào nơi có bùn nước thì được một tay vén y; năm, khi vào nhà sợ dơ y thì được dùng hai tay vén y.
Có mười tám trường hợp không được đắp tăng-già-lê: Một, làm việc trong tháp; hai, làm việc của Tăng chiêu-đề; ba, làm việc của tì-kheo Tăng; bốn, vá chưa xong; năm, giặt chưa khô; sáu, sa-di mang khóa phòng ra ngoài chưa về; bảy, gió lớn; tám, trời mưa; chín, nước dâng; mười, lửa cháy lớn; mười một, gặp việc quan; mười hai, có giặc cướp; mười ba, làm việc với người nữ; mười bốn, nơi có bùn dơ; mười lăm, sương móc rơi nhiều; mười sáu, trời mù mịt tối tăm; mười bảy, vào núi; mười tám, đi xa.
Khi phơi pháp y, tì-kheo cần biết năm điều: Một, không được phơi khi gió thổi mạnh; hai, sáu ngày phơi một lần; ba, không được phơi trên đường người qua lại; bốn, không phơi quá lâu; năm, không được xếp liền mà phải thâu y cho hết.
Khi giặt pháp y, tì-kheo cần biết năm điều: Một, không được dùng chân đạp; hai, không được dùng hai tay vò; ba, không được hai tay cầm đưa lên cao; bốn, không được cầm y đùa cười với người khác; năm, khi phơi khô, không được xếp y để dưới chiếu.
Về pháp y, tì-kheo cần phải biết mười điều: Một, đặt trên mũ sạch; hai, muốn xếp và mang vào phòng thì phải trao cho người khác rồi nhận lại; ba, đem y vào phòng treo lên chỗ cũ; bốn, không được treo các y phục khác vào nơi ấy; năm, không được gấp pháp y để lót nằm; sáu, không có ba y thì không được vào ngồi trong chúng tăng; bảy, không đủ ba y thì không được vào chùa nghỉ ngơi; tám, ra sau nhà, tay chưa sạch thì không được cầm pháp y; chín, ra sau nhà, khi chưa dùng nước rửa tay thì không được cầm pháp y; mười, ra sau nhà, nên cởi ca-sa và tăng-kì-chi.
Lại có năm việc mà tì-kheo cần phải biết: Một, từ ngày rằm này đến ngày rằm kia gội đầu, cạo tóc cần phải báo; hai, tắm rửa nên báo; ba, cắt móng tay, móng chân cần phải báo; bốn, tự biết là việc thường ngày, hoặc việc nhỏ nhặt thì không nên báo; tự biết không hợp thời thì không nên báo.
Khi báo muốn ra ngoài, có năm pháp cần biết: Một, đỉnh lễ thầy; hai, đứng ngay ngắn thưa đúng sự việc; ba, thầy đã chấp nhận thì nên đỉnh lễ; bốn, thầy ngăn cấm thì không được trái; năm, trở về thất đọc tụng kinh điển.
Khi vào nhà tắm, có hai mươi lăm điều mà tì-kheo cần phải biết: Một, phải cúi đầu đi vào, không được nhìn lên trên; hai, ngồi theo thứ tự, chớ ngồi dưới ánh nắng; ba, không được đọc kinh hoặc nói những lời xằng bậy; bốn, không được dùng nước rửa vật dụng cúng dường; năm, không được lấy nước dùng hằng ngày để tắm; sáu, không được dùng nước để dập tắt lửa; bảy, không được chê trách là lửa nhiều hay ít; tám, không được dùng nhiều nước của người khác; chín, không được giặt khăn tay và y trong phòng tắm; mười, tắm xong thì nên ra ngoài; mười một, có Hòa thượng a-xà-lê trong đó thì không nên vào; mười hai, tam sư đang tắm nếu đang đi vào thì lập tức quay ra; mười ba, bấy giờ nên cầm y phục đứng ngoài cửa chờ đợi; mười bốn, đã ra khỏi phòng tắm thì thay y và nên giặt giũ khăn tắm; mười lăm, khi vào phòng tắm thì nên báo; mười sáu, khi vào nên mang theo dầu mè; mười bảy, nên dùng đất chà rửa; mười tám, nên dùng tháo đậu; mười chín, nên dùng tro; hai mươi, nên dùng nước ấm trước rồi mới dùng nước lạnh; hai mốt, nên tụng ít lời kinh; hai mươi hai, nên mang nước đến chỗ mình tắm; hai ba, không được đứng tắm trước Thượng tọa; hai mươi bốn, nếu không phải ngày cúng dường thì cũng nên bố thí pháp cho đàn việt; hai mươi lăm, tắm xong không được đứng trước gió mà phải gấp vào phòng.
Vào nhà sưởi ấm có hai mươi lăm điều mà tì-kheo cần phải biết: Một, nên ngồi theo thứ tự; hai, mỗi người tự đọc kinh; ba, nên tư duy niệm đạo; bốn, không được vô cớ đứng dậy đến trước Thượng tọa; năm, không được cùng các hạ tọa nói việc thế gian; sáu, nghe tiếng kiền chùy thì trước tiên đến lễ Phật; bảy, kế đến lễ tì-kheo Tăng; tám, không được xuống ngồi chỗ của hạ tọa; chín, không được quay qua lại nói chuyện; mười, không được làm dơ tịnh địa; mười một, không được quát mắng hạ tọa; mười hai, không được trách mắng người về lửa nhiều hay ít; mười ba, không được nhiều lần đứng dậy ra vào; mười bốn, khi đi không để chân phát ra tiếng; mười lăm, khi ra rồi thì nên đóng cửa phòng lại; mười sáu, nếu cửa đã đóng thì nên búng ngón tay; mười bảy, không được đẩy mạnh cửa phát ra tiếng; mười tám, đã búng ngón tay rồi thì an nhiên đọc kinh; mười chín, không được nói chuyện trong lúc đọc kinh; hai mươi, khi người đọc kinh thì không được nói bậy; hai mươi mốt, đọc kinh xong, không được nhiều lần đứng dậy ngồi xuống khiến giường phát ra tiếng làm động tâm người khác; hai mươi hai, đọc kinh xong không được bỏ đi nằm trước; hai mươi ba, tài thí chưa xong không được mở cửa bỏ đi; hai mươi bốn, nên lễ Phật; hai mươi lăm, nên lễ bậc Thượng tọa.
Vào phòng nhà, có năm việc mà tì-kheo cần phải biết: Một, lễ bậc Thượng tọa; hai, không được cởi ca-sa đặt trước Thượng tọa rồi bỏ đi; ba, không được kêu la lớn tiếng; bốn, không được tụ tập nói chuyện cười đùa; năm, Thượng tọa đang thuyết kinh, nên nhất tâm lắng nghe.
Lại có năm việc mà tì-kheo cần phải biết: Một khi người thuyết kinh, có đúng sai gì cũng không được chặn lời giữa chừng; hai, khi thuyết xong rồi mới từ từ đứng dậy hỏi điều nghi; ba, không được có ác ý với nhau khi tranh luận nghĩa kinh; bốn, không được sân hận nằm trên chỗ của người khác; năm, luôn suy nghĩ tự trách.
Khi hỏi kinh, có ba việc nên hỏi, có ba việc không nên hỏi: Một, thân an ổn thì nên hỏi; hai, khi người vui vẻ thì nên hỏi; ba, người tự thuyết kinh tùy thuận thời gian và nhân duyên thì nên hỏi; bốn, người không an ổn thì không nên hỏi; năm, người không vui vẻ thì không hỏi; sáu, người nói chuyện khác thì không hỏi. Chú thích:
[2] Hai bộ giới 二部戒: Giới của hai bộ Tăng-Ni.
[3] Hữu tàn vô tàn有殘無殘: Phạm bốn thiên sau, chẳng phải vĩnh viễn chướng đạo, chính là Hữu tàn mà nói là Vô tàn; phạm một thiên đầu tiên thì vĩnh viễn đánh mất mầm đạo, chính là Vô tàn mà nói là Hữu tàn. Đó chính là không biết Hữu tàn Vô tàn.
[4] Mười ba việc 十三事: Mười ba Tăng tàn.
[5] Chín mươi việc 九十事: Chín mươi tội Đọa.
[6] Ma-ma-đế 摩摩帝: Tri sự, một chức vụ của tăng lo liệu quản lí các việc của Tăng trong chùa. Có thuyết cho là Tự chủ, tức chủ một ngôi chùa.
[7] Tam sư三師: Ba vị thầy trên đàn truyền giới cụ túc: Hòa thượng đàn đầu, yết-ma a-xà-lê và giáo thọ a-xà-lê.
[8] Ma-ma-đức 摩摩德: Còn gọi là Ma-ma-đế, tức là Tự chủ hay Tri sự, từ goi chung chức vụ quản lí các công việc của Tăng trong chùa viện.
[9] Ma-ba-lợi 摩波利: Người dịch căn cứ theo đức tính phải có và công việc nên tạm dịch là Điển tòa, chứ tìm khắp trong tạng không thấy giải thích. Trong bộ Phiên Phạn ngữ dịch là Bất hộ nhưng nếu đặt vào đây thì không có nghĩa gì. Trong kinh Thí dụ cũng có từ này, nhưng không thấy giải thích. Vì thế người dịch vẫn còn nghi. Nếu có sai sót xin đính chính cho.
[10] Trung-ni-vệ 中尼衛: Áo lót bên trong, sát với thân.
[11] Tháo đậu 澡豆: Bột đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ... dùng để tẩy sạch tay chân hoặc thân thể, là một trong mười tám vật tùy thân của tì-kheo.
[12] Tăng-kì-đề 阿僧提: Bục nhỏ đặt bên dưới tòa.
[13] Thằng sàng 繩床: Một loại ghế hay giường xếp mà mặt ghế và tựa lưng được kết bằng dây.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.135.4 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.