Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
1. Đức Tính Chân Thật Của Như Lai
Tôi nghe như vầy. Một thời đức Thế tôn ở nước Xá vệ, trong khu lâm viên Chiến thắng Thiện thí. Bấy giờ hoàng đế Ba tư nặc và hoàng hậu Mạt lới chứng về Pháp và bàn với nhau. Rằng con gái ta là Thắng man (2) , hiền lành, thông minh, học rộng, nhiều trí. Nếu con gái ta được thấy đức Thế tôn thì sẽ hiểu biết mau chóng mà không hoài nghi gì cả về Pháp cực kỳ sâu xa. Ta nên phái một người khéo khuyến dụ đến phát khởi sự chân thành tin tưởng cho con ta. Bàn như vậy nên hoàng đế với hoàng hậu viết thư ca tụng đức tính chân thật của đức Thế tôn. Rồi phái một sứ giả tên Chân đề la (3) kính cẩn mang thư ấy đến quốc đô Vô đấu (4) , dâng cho hoàng hậu Thắng man. Hoàng hậu mở đọc thì kính theo, vui mừng, lòng thấy hiếm có, và nói với Chân đề la những lời chỉnh cú sau đây.
Ta nghe cái tiếng
Như lai thế tôn,
lại nghe nói rằng
Ngài rất khó gặp.
Những lời trên đây
nếu thật như vậy
thì ta sẽ thưởng
y áo cho người.
Và nếu chính xác
đức Phật thế tôn
vì lợi thế giới
mà Ngài xuất hiện,
thì tất thương ta
cho ta thấy Ngài.
Mới nghĩ và nói như vậy thì tức khắc đức Thế tôn đã ở trong không gian. Ngài biểu hiện cái thân không thể nghĩ và bàn một cách bình thường, và phóng ra khắp cả ánh sáng rất lớn. Hoàng hậu Thắng man và thân quyến đều qui tụ lại, chắp tay mà chiêm ngưỡng và lễ bái, tán dương đức Đại đạo sư như sau (5) .
Sắc thân tinh tế
của đức Thế tôn,
cả thế giới này
không ai bằng được,
Ngài đã siêu việt
so sánh nghĩ bàn,
thế nên chúng con
tôn quí kính lạy.
Sắc thân Thế tôn
thật vô cùng tận,
tuệ giác của Ngài
cũng là như thế,
Pháp đức Thế tôn
thường trú bất diệt,
thế nên chúng con
tôn quí qui y.
Ngài khéo thuần hóa
tội ác của tâm,
lại còn chế ngự
nhược điểm của thân (6) ,
Ngài đến vị trí
không thể nghĩ bàn,
thế nên chúng con
tôn quí kính lạy.
Thế tôn lý giải
các pháp sở tri,
cái thân trí tuệ (7)
không gì chướng ngại,
đối với các pháp
Ngài không quên mất,
thế nên chúng con
tôn quí kính lạy.
Chúng con lạy bậc
Vượt quá cân lường,
chúng con lạy bậc
Không gì sánh bằng,
chúng con lạy bậc
Tự tại với pháp,
chúng con lạy bậc
Siêu việt tư duy.
Xin Ngài thương xót
che chở chúng con,
làm cho chúng con
tăng trưởng giống Pháp.
Con nguyện từ nay
đến thân cuối cùng,
hường xuyên đối diện
trước đức Thế tôn.
Con tu phước đức
đời này đời khác,
nguyện nhờ sức mạnh
phước đức như vậy,
con được Thế tôn
thường xuyên thu nhận.
Hoàng hậu Thắng man nói những lời chỉnh cú ấy rồi, cùng thân quyến và mọi người đem đỉnh đầu của mình lạy dưới chân đức Thế tôn. Và lúc bấy giờ Ngài đã nói những lời sau đây cho hoàng hậu.
Như lai quá khứ
đã vì tuệ giác
mà từng khai thị
chỉ dạy hoàng hậu.
Ngày nay hoàng hậu
lại gặp Như lai,
rồi suốt vị lai
cũng gặp như vậy.
Nói những lời ấy rồi, tức thì ở giữa đại hội, đức Thế tôn đã thọ ký vô thượng bồ đề cho hoàng hậu Thắng man. Rằng hôm nay hoàng hậu đã ca tụng đức tính siêu việt của Như lai. Do thiện căn này, trải qua vô số kiếp, ở trong chư thiên và nhân loại, hoàng hậu sẽ làm đế vương tự tại. Mọi sự hưởng dụng đều đủ tất cả. Và sinh ra ở đâu cũng được gặp Như lai, đối diện ca tụng không khác gì hôm nay. Hoàng hậu lại hiến cúng vô lượng Thế tôn, qua hai mươi ngàn vô số kiếp, sẽ được trở thành đức Phật, với danh hiệu Phổ quang, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp. Thế giới của đức Phổ quang không có các nẻo đường dữ, không có suy già bịnh khổ, không có những cái tên của ác nghiệp. Người của thế giới ấy thân hình đẹp đẽ, hưởng đủ 5 thứ vui đẹp tinh tế, thuần túy thích thú, hơn cả chư thiên Tha hóa tự tại. Người của thế giới ấy lại toàn là đi mau đến đại thừa. Những ai tu học đại thừa như vậy thì sinh đến thế giới ấy.
Khi hoàng hậu Thắng man được đức Thế tôn thọ ký như vậy thì vô số chư thiên và nhân loại trong lòng phấn chấn, cùng nguyện vãng sinh thế giới của đức Phổ quang. Đức Thế tôn thọ ký cho họ được vãng sinh cả. 2. Mười Điều Nhận Lãnh (8)
Lúc bấy giờ hoàng hậu Thắng man nghe đức Thế tôn thọ ký cho rồi, thì tức khắc chắp tay đứng trước Ngài mà phát 10 lời thề rộng lớn, bằng cách tác bạch như vầy.
(Thứ 1) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng vi phạm đối với giới pháp đã thọ.
(Thứ 2) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng khinh thường đối với các bậc sư trưởng.
(Thứ 3) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng giận dữ đối với mọi người.
(Thứ 4) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng ganh ghét đối với những người và những việc hơn mình.
(Thứ 5) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng keo lẫn dầu lúc chỉ có một ít thực phẩm.
(Thứ 6) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không vì bản thân mà nhận lãnh và cất chứa của cải; con có nhận lãnh gì cũng chỉ vì giúp đỡ những người nghèo khổ.
(Thứ 7) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không mong trả ơn mà thực thi 4 nhiếp pháp; con thu nhận mọi người một cách không có tâm lý ham lợi, không có tâm lý chán đủ, không có tâm lý hạn chế.
(Thứ 8) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai không nơi nương tựa, bị giam cầm, bịnh tật, và bao nhiêu nguy khốn, thì không bao giờ con bỏ họ, nguyện đem lại yên ổn cho họ, lợi ích cho họ khỏi mọi khốn đốn.
(Thứ 9) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai thề làm ác giới, phá hủy tịnh giới của đức Thế tôn, thì, trong thành thị và thôn xóm thuộc trách nhiệm của con, đáng chế ngự thì con chế ngự, đáng thu phục thì con thu phục. Tại sao, vì chế ngự và thu phục thì chánh pháp tồn tại lâu dài, chánh pháp tồn tại lâu dài thì chư thiên nhân loại tăng lên mà các nẻo đường ác giảm xuống. Có nghĩa con làm cho bánh xe chánh pháp của đức Thế tôn luôn luôn chuyển tới phía trước.
(Thứ 10) bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con nhận lãnh chánh pháp mà không bao giờ quên mất, tại sao, vì quên mất chánh pháp là quên mất đại thừa, quên mất đại thừa là quên mất các pháp ba la mật, mà quên mất các pháp ba la mật thì thế là bỏ mất đại thừa. Nếu bồ tát không quyết định về đại thừa thì nhận lãnh chánh pháp không có bền chắc, và như thế thì không đủ khả năng vượt ra ngoài lĩnh vực phàm phu, mất mát thật là lớn lao.
Bạch đức Thế tôn, hiện tại và vị lai có những vị bồ tát nhận lãnh chánh pháp, đầy đủ lắm sự ích lợi rộng lớn, phát nguyện rộng lớn như trên, và được đức Thế tôn, chúa tể của thánh hiền, chứng biết cho. Nhưng người thiện căn kém cỏi, có thể có kẻ hoài nghi -- Vì 10 nguyện rộng lớn khó mà thành đạt, nên có thể có kẻ (đã phát 10 nguyện ấy rồi mà) quay lại với những thói bất thiện, lãnh lấy khổ não. Vì lợi ích cho những người như vậy mà hôm nay, đối trước đức Thế tôn, con xin phát nguyện chân thành. Rằng bạch đức Thế tôn, ngày nay con phát 10 nguyện rộng lớn như thế này, nếu chắc thật, không hư ngụy, thì ngay bây giờ con cầu nguyện trên đại hội này sẽ mưa xuống bông hoa của chư thiên, tấu lên âm nhạc của chư thiên. Hoàng hậu Thắng man đối trước đức Thế tôn tác bạch như vậy thì trong không gian tức thì mưa thiên hoa, tấu thiên nhạc, tán dương như vầy: Tốt lắm, hoàng hậu Thắng man, đúng như hoàng hậu đã nói, chắc thật chứ không thể khác được. Bấy giờ đại hội nhìn thấy quang cảnh linh thiêng như vậy thì hết cả hoài nghi, lòng đại hoan hỷ, đồng thanh nói lớn: Chúng tôi nguyện cùng hoàng hậu Thắng man sinh ra ở đâu cũng đồng nhất chí nguyện và hoạt động. Đức Thế tôn, vào lúc bấy giờ, thọ ký cho cả đại hội đều được như ý. 3. Ba Điều Đại Nguyện
Vào lúc bấy giờ, đối trước đức Thế tôn, hoàng hậu Thắng man lại lập ra 3 nguyện vĩ đại, và bằng sức mạnh của 3 nguyện ấy mà lợi ích vô biên cho các loại chúng sinh. Nguyện thứ nhất là con đem thiện căn của con mà nguyện đời nào cũng được cái trí về chánh pháp. Nguyện thứ hai là con sinh ra ở đâu cũng được cái trí về chánh pháp rồi thì con nguyện diễn nói cho chúng sinh một cách không mỏi mệt. Nguyện thứ ba là con vì thu nhận giữ gìn chánh pháp mà nguyện không tiếc thân mạng. Nghe 3 lời nguyện như vậy, đức Thế tôn nói với hoàng hậu Thắng man, rằng như mọi hình sắc đều ở trong không gian, hằng sa các nguyện của bồ tát đều gồm trong 3 nguyện như vậy. Ba nguyện như vậy thật là chân thật, vĩ đại. 4. Thu Nhận Chánh Pháp
Hoàng hậu Thắng man, lúc ấy, lại thưa, bạch đức Thế tôn, nay con muốn dựa vào sức mạnh uy thần và hùng biện của đức Thế tôn mà trình bày về 1 (trong 3) đại nguyện (nói trên). Kính xin đức Thế tôn cho phép. Đức Thế tôn bảo, Thắng man, hoàng hậu cứ nói theo ý mình. Hoàng hậu Thắng man bạch đức Thế tôn, rằng hằng sa các nguyện của bồ tát tất cả đều nhập vào một đại nguyện. Một đại nguyện ấy chính là nguyện thu nhận chánh pháp của đức Thế tôn. Thu nhận chánh pháp, cái nguyện như vậy vĩ đại thật sự. Đức Thế tôn dạy, tốt lắm, Thắng man; hoàng hậu từ lâu thật đã tu tập trí tuệ, và phương cách của trí tuệ, một cách sâu sắc, tinh tế. Ai hiểu được lời hoàng hậu nói thì người ấy trường kỳ gieo trồng gốc rễ điều lành (9) . Cái nguyện thu nhận chánh pháp mà hoàng hậu nói, thì chư vị Như lai quá khứ vị lai và hiện tại đã nói, sẽ nói và đang nói. Như lai được vô thượng bồ đề, cũng thường nói bằng nhiều dạng thức về sự thu nhận chánh pháp. Tuệ giác của Như lai không có giới hạn, Như lai tán dương công đức của sự thu nhận chánh pháp cũng không có giới hạn, tại sao, vì sự thu nhận chánh pháp thật có công đức vĩ đại, có lợi ích vĩ đại.
Hoàng hậu Thắng man lại thưa, bạch đức Thế tôn, con xin dựa vào sức mạnh uy thần của Ngài mà trình bày thêm nữa về tính cách vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp. Đức Thế tôn bảo, Như lai cho phép hoàng hậu trình bày. Hoàng hậu Thắng man nói, tính cách vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp là thủ đắc tất cả vô lượng Phật pháp, cho đến thu nhận tám vạn hành uẩn (10) .
(Một), bạch đức Thế tôn, như khi thành kiếp (11) mở đầu, thì không gian nổi lên những sắc mây và mưa xuống những châu ngọc, sự thu nhận chánh pháp cũng vậy, nó là đám mây thiện căn mưa xuống vô lượng phước báo.
(Hai), bạch đức Thế tôn, lại như thành kiếp mở đầu, nước lớn tạo ra đại thiên thế giới và 400 ức đại lục, sự thu nhận chánh pháp cũng vậy, xuất sinh vô lượng pháp tạng đại thừa, cùng với thần lực của bồ tát, các loại pháp môn, sự yên vui đầy đủ của thế gian và xuất thế, sự chưa từng có của chư thiên nhân loại.
(Ba), bạch đức Thế tôn, lại như địa cầu gánh vác được 4 gánh nặng, đó là biển cả, núi non, cây cỏ và sinh vật, những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp cũng vậy, có sức gánh vác 4 trọng trách quá hơn địa cầu, ấy là đem thiện căn thuộc nhân loại và chư thiên mà thành thục cho những kẻ xa rời bạn tốt, không có đa văn, sống phi chánh pháp; ai cầu thanh văn thì chỉ dạy pháp thanh văn; ai cầu duyên giác thì chỉ dạy pháp duyên giác; ai cầu đại thừa thì chỉ dạy pháp đại thừa. Như thế đó gọi là thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp có sức gánh vác 4 trọng trách hơn cả địa cầu. Tựa như địa cầu, những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp có sức gánh vác 4 trọng trách ấy, làm người bạn không mời cho cả mọi người, lòng thương to lớn thương xót và đem lại lợi ích cho mọi người, làm người mẹ chánh pháp cho đời.
(Bốn), bạch đức Thế tôn, lại như địa cầu sinh ra 4 loại ngọc: ngọc vô giá, ngọc giá cao, ngọc giá vừa, ngọc giá thấp, những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp cũng vậy, y như địa cầu xây dựng cho người: mọi người gặp họ thì được 4 thứ ngọc lớn, hơn hết trong mọi thứ ngọc, ấy là mọi người gặp được người bạn tốt này thì có kẻ thu hoạch thiện căn chư thiên nhân loại, kẻ có thu hoạch thiện căn của thanh văn, có kẻ thu hoạch thiện căn của duyên giác, có kẻ thu hoạch thiện căn của đại thừa. Như thế đó gọi là những thiện nam hay thiện nữ tựa như địa cầu xây dựng cho người, ai gặp cũng được thu hoạch một trong 4 thứ ngọc lớn.
Bạch đức Thế tôn, sản xuất ngọc lớn nói trên là do thu nhận chánh pháp một cách chân thật. Bạch đức Thế tôn, thu nhận chánh pháp là không có chánh pháp nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà chánh pháp chính là sự thu nhận chánh pháp. Bởi vì, bạch đức Thế tôn, không có ba la mật nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà sự thu nhận chánh pháp chính là ba la mật. Tại sao, vì những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp đối với ai đáng đem bố thí mà thành thục thì đem bố thí mà thành thục cho, đến nổi hy sinh cả thân mạng, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là bố thí ba la mật; đối với ai đáng đem trì giới mà thành thục, thì giữ 6 căn, sạch 3 nghiệp, cho đến hoàn chỉnh uy nghi, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là trì giới ba la mật; đối với ai đáng đem nhẫn nhục mà thành thục, thì dẫu họ chưởi mắng, lăng nhục, phỉ báng, quấy phá, cũng đem tâm không giận và tâm lợi ích, đem sức mạnh nhẫn nhục tối thượng, đến nỗi thần sắc cũng không biến đổi, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là nhẫn nhục ba la mật; đối với ai đáng đem tinh tiến mà thành thục, thì không có tâm biếng nhác, lơ là, mà lại nổi dậy ý muốn mãnh liệt, siêng năng thượng thặng, bốn cử động đi đứng nằm ngồi đều tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là tinh tiến ba la mật; đối với ai đáng đem thiền định mà thành thục, thì đem sự không rối loạn mà thành tựu chánh niệm, không bao giờ quên mất nhữngviệc đã làm, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là thiền định ba la mật; đối với ai đáng đem trí tuệ mà thành thục, thì họ vì lợi ích mà hỏi pháp nghĩa, mình phải không mỏi mệt mà giảng giải một cách trọn vẹn về các học thuyết, các minh xứ, cho đến mọi thứ kyՠthuật, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là trí tuệ ba la mật. Do vậy, bạch đức Thế tôn, không có ba la mật nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà thu nhận chánh pháp chính là ba la mật.
Hoàng hậu Thắng man lúc ấy lại thưa, bạch đức Thế tôn, nay con xin dựa vào uy thần và hùng biện của Ngài mà nói về sự vĩ đại (của sự thu nhận chánh pháp). Đức Thế tôn hỏi, sự vĩ đại ấy như thế nào? Hoàng hậu thưa, bạch đức Thế tôn, thu nhận chánh pháp không biệt lập với sự thu nhận chánh pháp, không biệt lập với người thu nhận chánh pháp. Thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp thì chính họ là sự thu nhận chánh pháp. Tại sao? Vì thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp thì họ vì chánh pháp mà hy sinh thân thể tính mạng và tài sản. Vì họ hy sinh thân thể nên đạt đến cái thì gian cuối cùng của sự sống chết, tách xa già bịnh, được pháp thân của đức Thế tôn, cái thân thường còn không hư hỏng, không biến đổi, tuyệt đối vắng lặng, không thể nghĩ bàn. Vì họ hy sinh tính mạng nên đạt đến cái thì gian cuối cùng của sự sống chết, tách hẳn sự chết, được sự thường còn không giới hạn, thành tựu mọi phẩm chất không thể nghĩ bàn, an trú nơi thần lực của hết thảy Phật pháp. Vì họ hy sinh tài sản nên đạt đến cái thì gian cuối cùng của sự sống chết, siêu việt chúng sinh, quả báo viên mãn một cách không cùng tận và không giảm bớt, công đức trang nghiêm một cách không thể tư duy mà mô tả, được chúng sinh tôn trọng hiến cúng. Bạch đức Thế tôn, thiện nam hay thiện nữ hy sinh thân thể tính mạng và tài sản mà thu nhận chánh pháp thì được chư vị Thế tôn thọ ký. Bạch đức Thế tôn, khi chánh pháp sắp mất, có những tỷ kheo tỷ kheo ni ưu bà tắc ưu bà di kết phe kết nhóm với nhau, nổi lên mọi sự tranh chấp, khi đó nếu thiện nam hay thiện nữ nào đem cái tâm không dua nịnh, quanh co, không lừa đảo, dối trá, ưa thích chánh pháp, thu nhận chánh pháp, thì họ nhập vào trong nhóm thiện hữu (12) . Nhập vào nhóm thiện hữu thì chắc chắn được chư vị Thế tôn thọ ký. Bạch đức Thế tôn, con thấy sự thu nhận chánh pháp có sức mạnh vĩ đại đến như thế đó. Chính đức Thế tôn (cũng lấy sức mạnh vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp) mà làm con mắt, làm căn bản của Pháp, làm sự lãnh đạo Pháp, làm sự thông suốt Pháp.
Bấy giờ, khi nghe hoàng hậu Thắng man nói về uy lực vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp, thì đức Thế tôn tán dương như vầy: Đúng như vậy, đúng như vậy, tốt lắm, Thắng man, đúng như hoàng hậu đã nói về uy lực vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp. Một đại lực sĩ mà chạm nhẹ vào tử huyệt (13) , người ta cũng đau đớn, bịnh nặng thêm lên: cũng y như vậy, Thắng man, chút ít sự thu nhận chánh pháp cũng làm cho ma vương đau khổ, buồn rầu, kêu gào, than thở. Thắng man, Như lai không thấy một thiện pháp nào làm cho ma vương buồn rầu bằng một chút của sự thu nhận chánh pháp. Thắng man, con bò chúa hình đẹp, thân lớn, thì làm mờ cả đàn bò; cũng y như vậy, Thắng man, người tu đại thừa thì giả sử mới có chút ít sự thu nhận chánh pháp cũng có khả năng làm khuất mờ tất cả thiện pháp của thanh văn duyên giác. Thắng man, núi chúa Tu di cao lớn tráng lệ, làm mờ tất cả núi non; cũng y như vậy, Thắng man, người mới tới đại thừa, vì lợi ích cao cả mà không kể thân mạng, thu nhận chánh pháp, như thế cũng đã hơn tất cả thiện căn của những người ở lâu trong đại thừa mà đoái hoài thân mạng. Thế nên, Thắng man, hãy đem sự thu nhận chánh pháp mà khai thị hoán cải mọi người. Như vậy, Thắng man, sự thu nhận chánh pháp có phước lợi vĩ đại, có quả báo vĩ đại. Thắng man, chính Như lai tán dương công đức của sự thu nhâển chánh pháp đến vô số kiếp cũng không thể cùng tận giới hạn, cho nên sự thu nhận chánh pháp thành tựu vô số công đức (như trên đã nói). 5. Xác Quyết Nhất Thừa
Đức Thế tôn dạy Thắng man, hoàng hậu nay hãy nói thêm nữa về sự thu nhận chánh pháp mà Như lai đã nói toàn thể chư vị Như lai đều ưa thích. Thắng man thưa, bạch đức Thế tôn, thu nhận chánh pháp thì gọi là đại thừa. Tại sao, vì đại thừa thì xuất ra tất cả thiện pháp của thế gian và xuất thế, của thanh văn và duyên giác. Bạch đức Thế tôn, như hồ A nậu là nơi phát nguyên của 8 con sông lớn, đại thừa là nơi phát nguyên tất cả thiện pháp của thế gian và xuất thế, của thanh văn và duyên giác. Bạch đức Thế tôn, mọi hạt giống, mọi cây cỏ rừng rú đều do địa cầu mà sinh ra và lớn lên, cũng y như vậy, mọi thiện pháp của thế gian và xuất thế, của thanh văn và duyên giác đều do đại thừa mà sinh ra và lớn lên. Thế nên, bạch đức Thế tôn, trú ở đại thừa, thu nhận đại thừa, thì như thế là trú ở và thu nhận mọi thiện pháp của thế gian và xuất thế, của thanh văn và duyên giác.
Bạch đức Thế tôn, như Ngài dạy về 6 điều, đó là chánh pháp còn, chánh pháp mất, biệt giải thoát, tỳ nại da, chính xuất gia, thọ cụ túc. Ấy là đức Thế tôn vì đại thừa mà nói 6 điều như vậy. Làm sao biết được? Vì chánh pháp còn thì chánh pháp ấy là đại thừa: đại thừa còn là chánh pháp còn. Chánh pháp mất thì chánh pháp ấy là đại thừa: đại thừa mất là chánh pháp mất. Biệt giải thoát với tỳ nại da, 2 điều này nghĩa một mà tên khác. Tỳ nại da (hay biệt giải thoát) là giới học đại thừa, tại sao, vì nương tựa (14) đức Thế tôn mới chính xuất gia và thọ cụ túc. Do vậy, giới học đại thừa là tỳ nại da (hay biệt giải thoát), là chính xuất gia, là thọ cụ túc.
Bạch đức Thế tôn, la hán không có chính xuất gia và thọ cụ túc, vì sao, vì la hán không nương tựa đức Thế tôn thì (không có) chính xuất gia và thọ cụ túc (15) . La hán còn có tư tưởng sợ hãi nên qui y đức Thế tôn. La hán đối với các hành vẫn có tư tưởng sợ hãi, tình trạng như một kẻ cầm kiếm muốn tự hại mình, do vậy, la hán không chứng được sự xuất ly và sự an lạc tuyệt đối. Bạch đức Thế tôn, nương tựa là nương tựa với bậc không cầu sự nương tựa nữa. Mọi sinh vật không có nơi nương tựa, nên sinh vật nào cũng sợ hãi, và muốn yên ổn nên sinh vật nào cũng tìm nơi nương tựa. La hán cũng vậy, vì có tư tưởng sợ hãi nên qui y đức Thế tôn. Thế nên la hán và duyên giác sinh pháp đang còn, phạn hạnh chưa lập, việc làm chưa xong, còn có đoạn trừ, chưa được cứu cánh, cách xa niết bàn. Tại sao, vì chỉ có đức Thế tôn, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, mới chứng niết bàn, thành tựu vô lượng công đức ngoài tầm tư duy và thảo luận, cái gì đáng đoạn trừ thì đã đoạn trừ cả rồi, đã thanh tịnh tuyệt đối, làm một bậc cho chúng sinh chiêm ngưỡng, siêu việt lĩnh vực nhị thừa và bồ tát. La hán đâu có được như vậy. La hán được niết bàn, đó chỉ là lời nói phương tiện của đức Thế tôn. Thế nên la hán cách xa niết bàn. Bạch đức Thế tôn, ngài nói la hán duyên giác quán sát giải thoát bằng 4 tuệ giác (16) cứu cánh, được chỗ yên nghỉ; nói như thế toàn là đức Thế tôn nói theo ý người khác, nói không trọn nghĩa. Tại sao con biết như vậy? Vì chết có 2 loại, một là từng đời, hai là thay đổi. Chết từng đời là chúng sinh (chết đời này rồi chết đời khác) một cách liên tục. Chết thay đổi là ý sinh thân của la hán, duyên giác và bồ tát tự tại (17) , cho đến khi thành tựu vô thượng bồ đề, (chỉ thay đổi cấp độ mà thôi). Trong 2 loại chết đó, lấy loại chết từng đời mà nói la hán và duyên giác sinh ra cái tuệ giác ta sinh đã hết; do chứng được niết bàn chưa toàn (18) nên sinh ra cái tuệ giác phạn hạnh đã lập; phàm phu không làm được, 7 bậc đang còn tu học (19) chưa làm xong, các phiền não liên tục đã đoạn trừ trọn vẹn, nên sinh ra cái tuệ giác việc làm đã xong. Còn nói sinh ra cái tuệ giác không còn đời sau, thì la hán duyên giác không thể đoạn trừ tất cả phiền não, nên không trọn vẹn cái tuệ giác không còn mọi sự thọ sinh.
Tại sao như vậy? Vì la hán và duyên giác còn thừa phiền não mà không phải đoạn trừ đã hết, do vậy, các vị ấy không thể trọn vẹn không còn mọi sự thọ sinh. Phiền não có 2 loại, một là phiền não trú địa, hai là phiền não phát sinh. Phiền não trú địa có 4, là kiến của 3 cõi, ái của cõi Dục, ái của cõi Sắc, ái của cõi Vô sắc; 4 phiền não này tạo ra mọi phiền não. Còn phiền não phát sinh (thì có 2 loại). Có loại tương ứng với tâm trong từng sát na (thì gọi là phiền não trú địa); còn loại vô minh trú địa thì vô thỉ đến giờ không tương ứng với tâm (20) . Bạch đức Thế tôn, 4 phiền não trú địa tuy tạo ra phiền não, nhưng so với vô minh trú địa thì toán học và ví dụ cũng không thể đối tỷ. Vô minh trú địa thế lực của nó còn hơn cả ái của cõi Vô sắc. Ví như sắc đẹp, sức mạnh và uy thế của ma vương, và tùy thuộc của nó, làm khuất mờ tất cả chư thiên Tha hóa tự tại; vô minh trú địa cũng vậy, nó làm khuất mờ tất cả 4 phiền não trú địa, nó làm chỗ dựa cho phiền não nhiều hơn hằng sa, và cũng chính nó làm cho 4 phiền não trú địa tồn tại lâu dài. Nó thì tuệ giác la hán duyên giác không thể đoạn trừ, mà đoạn trừ nó thì chỉ có tuệ giác của đức Thế tôn. Bạch đức Thế tôn, đúng như vậy, đúng như vậy, sức mạnh vô minh trú địa rất lớn. Bạch đức Thế tôn, như do thủ làm duyên tố mà nghiệp nhân hữu lậu tạo ra 3 hữu, vô minh trú địa cũng vậy, chính nó làm duyên tố mà nghiệp nhân vô lậu tạo ra ý sinh thân của la hán, duyên giác và bồ tát đại lực (21) . Ý sinh thân của 3 địa vị này, cùng với nghiệp nhân vô lậu, toàn là do vô minh trú địa làm căn cứ. Vô minh trú địa vừa có duyên tố, vừa làm duyên tố. Bạch đức Thế tôn, do vậy, 3 ý sinh thân, cùng với nghiệp nhân vô lậu, toàn là do vô minh trú địa làm duyên tố, giống như ái của cõi Vô sắc. Nhưng, bạch đức Thế tôn, ái của cõi Vô sắc không giống với tác dụng của vô minh trú địa, vô minh trú địa khác với 4 phiền não trú địa: vì khác với 4 phiền não trú địa nên chỉ có đức Thế tôn mới đoạn trừ được. La hán duyên giác chỉ đoạn trừ 4 phiền não trú địa nên lậu tận lực không được tự tại, không thể hiện chứng. Do vậy, nói (la hán duyên giác) lậu tận (chỉ là) lời nói thêm của đức Thế tôn. Thế nên la hán duyên giác với bồ tát tối hậu thân toàn bị vô minh trú địa che khuất, không biết không thấy các pháp, vì không thấy không biết các pháp nên cái đáng đoạn trừ thì chưa đoạn trừ, cái đáng chấm hết thì chưa chấm hết: vì chưa đoạn trừ chưa chấm hết các pháp (đáng đoạn trừ và đáng chấm hết), nên chỉ được sự giải thoát chưa toàn chứ không phải sự giải thoát hoàn toàn, được sự thanh tịnh chưa toàn chứ không phải sự thanh tịnh tất cả, được công đức chưa toàn chứ không phải công đức toàn bộ. Bạch đức Thế tôn, vì được giải thoát chưa toàn chứ không phải giải thoát hoàn toàn, cho đến được công đức chưa toàn chứ không phải công đức toàn bộ, nên biết khổ chưa hết, đoạn tập chưa hết, chứng diệt chưa hết, và tu đạo chưa hết.
Hoàng hậu Thắng man bấy giờ lại thưa: bạch đức Thế tôn, nếu biết khổ chưa hết, đoạn tập chưa hết, chứng diệt chưa hết, tu đạo chưa hết, thì như thế dầu hướng về niết bàn mà chỉ gọi là diệt độ một phần, niết bàn một phần. Nếu biết khổ hoàn toàn, đoạn tập hoàn toàn, chứng diệt hoàn toàn, tu đạo hoàn toàn, thì trong cái thế giới vô thường đổ nát, vị này chứng được cái niết bàn thường còn, vắng lặng và trong mát. Vị này làm người che chở và làm chỗ nương tựa cho cái thế giới không ai che chở, không nơi nương tựa. Nhưng thấy các pháp có cao có thấp thì không chứng niết bàn. Tuệ giác đồng đẳng, giải thoát đồng đẳng, thanh tịnh đồng đẳng, mới chứng niết bàn. Nên niết bàn là đồng đẳng một mùi vị. Một mùi vị ấy là mùi vị giải thoát. Nếu vô minh trú địa mà không đoạn trừ và không chấm hết, thì không được mùi vị đồng nhất và đồng đẳng của niết bàn. Vì sao, vì vô minh trú địa không đoạn trừ và không chấm hết, thì mọi tội lỗi nhiều hơn hằng sa đáng đoạn trừ không đoạn trừ, đáng chấm hết không chấm hết; vì tội lỗi nhiều hằng sa không đoạn trừ và không chấm hết, nên công đức nhiều hơn hằng sa sẽ không trọn vẹn, không thực hiện. Dó đó mà biết vô minh trú địa là nơi phát sinh tất cả phiền não cần phải đoạn trừ: chính từ nó mà phát sinh phiền não nhiều hơn hằng sa, chướng ngại cho tâm, chướng ngại cho chỉ, chướng ngại cho quán, chướng ngại cho định, chướng ngại đẳng trì, chướng ngại da hành, các tuệ giác, các đạo quả, chướng ngại chứng đắc các lực, vô úy. Phải là tuệ giác bồ đề của đức Thế tôn và tuệ giác kim cang của đức Thế tôn mới đoạn được loại phiền não phát sinh này. Loại phiền não phát sinh này nương tựa vô minh trú địa, do vô minh trú địa làm nhân tố và duyên tố. Loại phiền não phát sinh này tương ứng với tâm trong từng sát na, nhưng vô minh trú địa thì vô thỉ đến giờ không tương ứng với tâm. Bạch đức Thế tôn, nhiều hơn hằng sa, tất cả những gì cần phải đoạn trừ bởi tuệ giác bồ đề và tuệ giác kim cang, thì toàn là vô minh trú địa làm căn cứ mà cấu trúc. Tựa như mọi hạt giống và rừng rú đều do địa cầu mà sinh ra và lớn lên, nếu địa cầu hư hỏng, thì mọi hạt giống và rừng rú cũng hư hỏng theo, cũng y như thế ấy, những gì nhiều hơn hằng sa cần phải đoạn trừ bởi tuệ giác bồ đề và tuệ giác kim cang của đức Thế tôn toàn là do vô minh trú địa mà sinh ra và lớn lên. Nếu vô minh trú địa bị đoạn trừ, thì những gì nhiều hơn hằng sa cần phải đoạn trừ bởi tuệ giác bồ đề và tuệ giác kim cang của đức Thế tôn cũng tùy theo mà đoạn trừ. Như thế đó, những gì nhiều hơn hằng sa cần phải đoạn trừ, tức tất cả phiền não trú địa và phiền não phát sinh đoạn trừ cả rồi, thì thực hiện được phẩm chất của đức Thế tôn nhiều hơn hằngsa và ngoài tầm nghĩ bàn, đối với toàn thể các pháp thì chứng được thần thông vô ngại, chứng được trí và chứng được kiến, siêu thoát lỗi lầm, thủ đắc công đức, làm bậc đại pháp vương, tự tại đối với các pháp, đạt đến vị trí tự tại đối với các pháp, và như sư tử gầm lên, rằng ta sinh đã hết, phạn hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn đời sau. Như sư tử gầm lên, đức Thế tôn đã căn cứ vào nghĩa lý cứu cánh mà ghi nhận và tuyên ngôn quyết định như vậy.
Bạch đức Thế tôn, không còn đời sau, tuệ giác này có 2 loại. Loại thứ nhất là các đức Thế tôn sử dụng năng lực thuần hóa mà chiến thắng ma quân, siêu việt thế giới, mọi người chiêm ngưỡng, chứng đắc pháp thân thanh tịnh và ngoài tầm nghĩ bàn, được sự tự tại đối với các pháp sở tri, cao hơn tất cả, không ai trên nữa, không còn làm gì, không thấy có nữa vị trí chứng đắc, hoàn hảo 10 lực, bước lên vị trí tối thắng vô úy, đối với các pháp thì quan sát vô ngại, như sư tử gầm lên, tuyên cáo không còn đời sau. Loại thứ hai là la hán duyên giác vượt được sự sợ hãi của sự sống chết vô cùng, hưởng thụ cái vui giải thoát, nghĩ rằng nay ta đã hết sợ sống chết, không chịu khổ não. Bạch đức Thế tôn, la hán và duyên giác quan sát như vậy, gọi là không còn đời sau, nhưng họ không chứng được niết bàn là chỗ yên nghỉ bậc nhất. Đối với vị trí chưa chứng được đó, dầu không gặp giáo pháp (đại thừa) đi nữa, họ cũng tự biết chỉ chứng được vị trí chưa toàn, và quyết định sẽ chứng được vô thượng bồ đề. Tại sao như vậy, vì thanh văn và duyên giác toàn là sẽ nhập vào đại thừa. Mà đại thừa là Phật thừa. Do vậy, 3 thừa là 1 thừa, chứng 1 thừa là chứng được vô thượng bồ đề. Vô thượng bồ đề là niết bàn. Niết bàn là pháp thân của đức Thế tôn. Mà pháp thân chính là nhất thừa, chứ không có Thế tôn nào khác, không có pháp thân nào khác. Thế tôn là pháp thân, chứng được pháp thân cứu cánh chính là nhất thừa cứu cánh. Nhất thừa cứu cánh thì (thường trú), siêu việt sự liên tục. Tại sao như vậy, bởi vì Thế tôn tồn tại không có giới hạn, đồng đẳng với thì gian cuối cùng. Thế tôn đem đại bi vô giới hạn và đem đại nguyện vô giới hạn mà lợi ích cho thế giới: nói như vậy là nói đúng. Nếu nói Thế tôn là thường trú, là bất tận, là bậc mà thế giới nương tựa được tuyệt đối: nói như vậy cũng là nói đúng. Ấy vậy, bậc mà cùng tận thì gian vị lai làm nơi nương tựa vô tận, thường trú và cứu cánh cho cái thế giới không ai che chở, không nơi nương tựa, bậc ấy là Phật, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp. Còn Pháp là giáo pháp nhất thừa, Tăng là tăng chúng tam thừa, 2 nơi qui y này không phải qui y cứu cánh, mà chỉ gọi là qui y phần ít. Tại sao, vì (nếu đã nói là) giáo pháp nhất thừa, chứng pháp thân cứu cánh, (thì đáng lẽ) sau đó không còn nói giáo pháp nhất thừa nữa; còn chúng tăng tam thừa thì vì sợ hãi (sinh tử) nên qui y đức Thế tôn, cầu xuất ly, cầu tu học, còn có việc làm, còn phải hướng về vô thượng bồ đề. Nên 2 nơi qui y trên đây không phải qui y cứu cánh, mà là qui y có giới hạn. Nếu chúng sinh được Thế tôn thuần hóa, qui y Thế tôn, được Pháp thấm nhuần, do tâm ưa thích mà qui y Pháp và Tăng tỷ kheo, thì 2 nơi qui y này là do Pháp thấm nhuần và tin tưởng mà qui y, còn qui y Thế tôn thì không phải do Pháp thấm nhuần và tin tưởng mà qui y. Qui y Thế tôn là qui y một cách chân thật; 2 sự qui y Pháp và Tăng (dựa vào) sự chân thật ấy mà gọi (chung) là cứu cánh qui y Thế tôn. Tại sao, bởi vì Thế tôn thì không khác Pháp và Tăng. Do vậy, Thế tôn là 3 qui y. Nói về nhất thừa là nói Thế tôn hoàn thiện 4 vô úy và nói như sư tử gầm. Nếu Thế tôn tùy ý muốn của người (thì Ngài) phương tiện nói nhị thừa là đại thừa. Vì thật ra theo chân lý bậc nhất thì không có nhị thừa, mà nhị thừa nhập vào nhất thừa. Nhất thừa chính là cái thừa chân lý bậc nhất. 6. Chân Lý Vô Biên
Bạch đức Thế tôn, thanh văn duyên giác khi mới chứng thánh đế, là không phải đem một cái trí đoạn trừ phiền não trú địa, cũng không phải đem một cái trí chứng 4 thứ biến tri và những công đức tùy thuộc, cũng không phải đem pháp mà biết khéo về 4 nghĩa của pháp. Bạch đức Thế tôn, cái trí xuất thế không có 4 trí đến dần và biết dần. Cái trí xuất thế không có sự đến dần, nên ví dụ như kim cương. Bạch đức Thế tôn, thanh văn duyên giác đem các cái trí thánh đế mà đoạn trừ các phiền não trú địa, chứ họ không có cái trí xuất thế bậc nhất. Chỉ có đức Thế tôn, bậc như lai ứng cúng chánh biến tri, không phải lĩnh vực thanh văn duyên giác, mới đem cái trí không một cách bất khả tư nghị mà phá vỡ tất cả cái vỏ phiền não. Cái trí cứu cánh phá vỡ tất cả cái vỏ phiền não ấy gọi là trí xuất thế bậc nhất. Cái trí đầu tiên về thánh đế không phải cái trí cứu cánh ấy, mà chỉ là cái trí hướng đến vô thượng bồ đề. Thế nên, bạch đức Thế tôn, nói bậc thánh chân thật thì không phải là nhị thừa, bởi vì nhị thừa chỉ thành tựu một ít công đức, nên họ được gọi là thánh mà thôi. Bạch đức Thế tôn, nói thánh đế thì cũng không phải thánh đế, và công đức thánh đế ấy, của thanh văn duyên giác. Thánh đế ấy chỉ có đức Thế tôn, bậc như lai ứng cúng chánh biến tri mới biết rõ trước tiên, rồi sau đó mới khai thị diễn nói cho mọi người đang ở trong vỏ vô minh, do vậy mà gọi là thánh đế. 7. Như Lai Tạng
Bạch đức Thế tôn, thánh đế như trên đã nói thì rất sâu, tinh tế, khó thấy, khó biết, không thể phân biệt, không phải lĩnh vực tư duy, thế giới không tin, chỉ có đức Thế tôn, bậc như lai ứng cúng chánh biến tri mới biết được. Tại sao, bởi vì thánh đế ấy là nói về Như lai tạng rất sâu. Như lai tạng là lĩnh vực của đức Thế tôn, không phải đối tượng của thanh văn duyên giác. Nơi Như lai tạng mà nói nghĩa lý thánh đế, thì Như lai tạng ấy rất sâu, tinh tế, và thánh đế được nói cũng rất sâu, tinh tế, khó thấy, khó biết, không thể phân biệt, không phải lĩnh vực tư duy, thế giới không tin, chỉ có đức Thế tôn, bậc như lai ứng cúng chánh biến tri mới biết đến. 8. Pháp Thân
Bạch đức Thế tôn, nếu ai không nghi hoặc gì về Như lai tạng đang bị ràng buộc trong vô số phiền não, thì người ấy cũng không nghi hoặc gì về Như lai pháp thân đã thoát khỏi tất cả phiền não. Bạch đức Thế tôn, nếu ai tâm trí thể hội trọn vẹn đối với lĩnh vực bất khả tư nghị và bí mật của đức Thế tôn là Như lai tạng và Như lai pháp thân, thì người ấy có thể tin, có thể hiểu, và có thể thắng giải về 2 loại thánh đế sẽ nói sau đây. Hai loại thánh đế ấy là có tác thành và không tác thành. Thánh đế có tác thành thì không tròn đầy nghĩa lý 4 thánh đế, vì sao, vì do người hộ trì mà vẫn không thể biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt và tu tất cả đạo, do vậy họ không thấu triệt hữu vi, vô vi, cùng với niết bàn. Còn thánh đế không tác thành thì tròn đầy nghĩa lý 4 thánh đế, vì sao, vì tự hộ trì lấy mà vẫn biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt và tu tất cả đạo. Như vậy là có 8 nghĩa thánh đế mà đức Thế tôn chỉ nói bằng 4 thánh đế. Nghĩa 4 thánh đế không tác thành thì chỉ có đức Thế tôn, bậc như lai ứng cúng chánh biến tri mới làm việc rốt ráo, không phải năng lực thanh văn duyên giác mà làm thấu. Không phải đem cái pháp hơn kém hay thấp vừa cao mà chứng được niết bàn, vậy đức Thế tôn làm việc rốt ráo về thánh đế không tác thành như thế nào? Là đức Thế tôn, bậc như lai ứng cúng chánh biến tri, đã biến tri các khổ, đoạn tận khổ tập là phiền não trú địa và phiền não phát sinh, chứng đắc khổ diệt của tất cả ý sinh thân, và tu tập tất cả đạo diệt khổ. Bạch đức Thế tôn, sự khổ diệt (22) thì không phải là pháp hủy hoại, tại sao, vì sự khổ diệt là không mở đầu, không tác động, không nổi dậy, không cùng tận, thường trú bất động, bản tánh thanh tịnh, ra khỏi vỏ phiền não. Bạch đức Thế tôn, vì Ngài hoàn thành những tuệ giác giải thoát và những pháp bất khả tư nghị, với số lượng nhiều hơn hằng sa, nên gọi là pháp thân. Bạch đức Thế tôn, pháp thân như vậy không tách rời phiền não, nên gọi là Như lai tạng. 9. Chân Thật Bí ẫn
Bạch đức Thế tôn, Như lai tạng là tuệ giác về cái tánh siêu việt của đức Thế tôn. Như lai tạng thì thanh văn duyên giác chưa hề thấy, chưa hề được, chỉ đức Thế tôn thấu triệt và chứng đắc. Tuệ giác về cái tánh siêu việt của Như lai tạng có 2 thứ. Một là là Như lai tạng như thật không, là tách rời tất cả phiền não không phù hợp tuệ giác giải thoát. Hai là Như lai tạng như thật hữu, là có đủ nhiều hơn hằng sa những pháp bất khả tư nghị phù hợp tuệ giác giải thoát. Hai tuệ giác về cái tánh siêu việt (của Như lai tạng) như vậy, các vị đại thanh văn do tin mà vào được. Bạch đức Thế tôn, tuệ giác về cái tánh siêu việt của thanh văn duyên giác là chuyển theo 4 đói tượng thác loạn (mà chưa biết 4 phâm chất) (23) , do vậy mà họ chưa từng thấy và chưa từng chứng sự khổ diệt hoàn toàn. Chỉ đức Thế tôn mới hiện chứng, vì đã hủy diệt mọi thứ phiền não và tu tập cái đạo diệt khổ. 10. Thánh Đế Duy Nhất
Bạch đức Thế tôn, trong 4 thánh đế, 3 thứ là vô thường, 1 thứ là thường trú. Tại sao, bởi vì 3 thứ thuộc về trạng thái hữu vi. Hữu vi là vô thường. Vô thường là hủy diệt: hủy diệt thì không phải chân lý, không phải thường còn, không phải là chỗ nương tựa. Do vậy, căn cứ nghĩa lý bậc nhất mà nói, thì 3 thứ thánh đế không phải chân lý, không phải thường còn, không phải là chỗ nương tựa. 11. Nương Tựa Duy Nhất
Bạch đức Thế tôn, còn 1 thứ thánh đế khổ diệt thì siêu việt hữu vi. Siêu việt hữu vi thì bản tánh thường trú. Bản tánh thường trú thì không phải là cái pháp hủy diệt. Không phải hủy diệt thì là chân lý, là thường còn, là chỗ nương tựa. Do vậy, bạch đức Thế tôn, căn cứ vào nghĩa lý bậc nhất mà nói thì thánh đế khổ diệt là chân lý, là thường còn, là chỗ nương tựa. 12. Thác Loạn, Chắc Thật
Bạch đức Thế tôn, thánh đế khổ diệt là bất khả tư nghị, vượt quá lĩnh vực tâm thức của chúng sinh, cũng không phải tuệ giác nhị thừa thấu đến. Tựa như người mù bẩm sinh không thấy hình sắc, hay trẻ con 7 ngày tuổi không thấy mặt trời, thánh đế khổ diệt cũng là như vậy, không phải đối tượng của kiến thức phàm phu, cũng không phải đối cảnh của tuệ giác nhị thừa. Kiến thức phàm phu là nhị biên, tuệ giác nhị thừa là trong sạch. Nhị biên là chấp trước 5 uẩn làm tự ngã rồi phát sinh đủ cách phân biệt. Nhị biên là thấy thường hay thấy đoạn. Nếu thấy sinh tử vô thường, thấy niết bàn thường còn, nhưng không phải đoạn kiến hay thường kiến, như thế gọi là chánh kiến. Những kẻ suy tính thì thấy quan năng, cảm giác và tư tưởng, toàn là hiện thực hủy diệt, họ không thấu tính cách liên tục, họ đui mù, không có mắt tuệ, nên nổi lên đoạn kiến; còn đối với sự liên tục của tâm thức thì hủy diệt trong từng đơn vị thì gian, họ không rõ đó là đối tượng ý thức, nên nổi lên thường kiến. Nhưng, những ý nghĩa trên đây quá tầm phân biệt cùng những kiến thức thấp hèn, chỉ do ngu phu nghĩ khác, thác loạn chấp trước, bảo là đoạn, bảo là thường. Bạch đức Thế tôn, người thác loạn thì 5 uẩn vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Còn tuệ giác trong sạch của nhị thừa thì chưa từng thấy lĩnh vực và pháp thân của đức Thế tôn, nhưng vẫn có vị tin tưởng đức Thế tôn, nên đối với Ngài họ thấy thường, thấy lạc, thấy ngã, thấy tịnh, thì đó không phải là những cái thấy thác loạn, mà chính là thấy chính xác. Tại sao, vì pháp thân Thế tôn là sự thường toàn hảo, sự lạc toàn hảo, sự ngã toàn hảo, sự tịnh toàn hảo. Ai thấy như vậy gọi là thấy chính xác. Thấy chính xác thì gọi là con Phật thật, sinh từ miệng Phật, sinh từ chánh pháp, sinh từ pháp hóa, được phần Phật pháp. Bạch đức Thế tôn, nói tuệ giác trong sạch thì chính là tuệ giác của nhị thừa. Tuệ giác trong sạch ấy, thánh đế khổ diệt còn không phải đối tượng của nó, huống chi thánh đế khổ diệt được biết bởi tuệ giác 4 nhập lưu? Tại sao, vì ai mới tu 3 thừa mà không ngu muội các pháp thì có thể chứng và có thể biết về ý nghĩa này. Bạch đức Thế tôn, vì lý do gì mà Ngài nói 4 nhập lưu? Bốn nhập lưu tuy là pháp thế gian, nhưng được một nhập lưu thì đã là tối thượng đối với mọi thứ nhập lưu; còn lấy nghĩa lý bậc nhất nói là nhập lưu, thì đó là chỗ qui túc, là thánh đế khổ diệt (24) . 13. Bản Tánh Thanh Tịnh
Bạch đức Thế tôn, sống chết là do Như lai tạng. Do như lai tạng mà nói cái thì gian trước hết là không thể biết được. Bạch đức Thế tôn, có Như lai tạng thì có sống chết, nói như vậy là nói khéo. Bạch đức Thế tôn, sống chết là giác quan hủy diệt, rồi liên tục làm cho giác quan chưa nổi lên thì nổi lên, như thế gọi là sống chết. Nên sống chết, 2 sự ấy là do Như lai tạng, nhưng kiến thức bình thường thì gọi là sống chết. Chết là các giác quan hủy diệt, sống là các giác quan nổi lên, mà Như lai tạng thì không sống không chết, không thăng lên không rơi xuống, siêu thoát trạng thái hữu vi. Như lai tạng thường trú, không hủy diệt, do vậy, bạch đức Thế tôn, Như lai tạng là chỗ nương tựa, là nắm giữ, là xây dựng cho kho tàng tuệ giác giải thoát, lại là chỗ nương tựa, là nắm giữ, là xây dựng cho các pháp hữu vi ngoài tuệ giác giải thoát. Bạch đức Thế tôn, không Như lai tạng thì không chán khổ sinh tử, không cầu vui niết bàn. Vì sao, vì 6 thức, và đối tượng của chúng, 7 pháp như vậy một thoáng không ngừng, không lãnh chịu đau khổ, không có khả năng chán sinh tử cầu niết bàn. Như lai tạng không có thì gian trước hết, không sinh không diệt, lãnh chịu đau khổ, và vì chán đau khổ mà cầu niết bàn. Bạch đức Thế tôn, Như lai tạng không tự ngã, không tái sinh, không sinh thể và không sinh mạng. Như lai tạng không phải là đối tượng của những người chấp thân, người thác loạn và người chấp không. Bạch đức Thế tôn, Như lai tạng là pháp giới tạng, là pháp thân tạng, là xuất thế tạng, là bản tánh thanh tịnh tạng. Cái Như lai tạng bản tánh thanh tịnh, theo chỗ con hiểu, thì dầu bị phiền não ô nhiễm, cũng vẫn là bất khả tư nghị, là lĩnh vực của đức Thế tôn. Tại sao, bạch đức Thế tôn, tại vì trong mỗi đơn vị thì gian, những tâm lý thiện và bất thiện, những phiền não đều không thể ô nhiễm (Như lai tạng): phiền não không chạm đến tâm, tâm không chạm đến phiền não, không chạm nhau thì làm sao ô nhiễm? Bạch đức Thế tôn, có phiền não thì có cái tâm nhiễm theo, cái tâm nhiễm theo phiền não ấy mà đã khó hiểu khó biết, chỉ đức Thế tôn, bậc làm mắt, làm trí, làm gốc của Pháp, làm tôn cao, làm dẫn đạo, làm chỗ dựa của Pháp, mới thấy biết đúng như sự thật. Lúc ấy đức Thế tôn khen ngợi hoàng hậu Thắng man, nói rằng tốt lắm, tốt lắm, đúng như hoàng hậu đã nói, cái tâm bản tánh thanh tịnh mà bị phiền não ô nhiễm, thì thật khó mà rõ biết. Thắng man, có 2 sự khó rõ biết, ấy là cái tâm bản tánh thanh tịnh thì khó rõ biết, mà tâm ấy bị phiền não ô nhiễm thì cũng là khó rõ biết. Hai sự như vậy, hoàng hậu và các vị bồ tát thành tựu đại pháp mới nghe và tiếp nhận được, còn các vị thanh văn chỉ do tin mà biết. 14. Con Thật Của Phật
Thắng man, nếu đệ tử Như lai có đức tin tăng thượng, thì người ấy có tuệ giác tùy thuận với Pháp, và được rốt ráo trong Pháp ấy. Tuệ giác tùy thuận với Pháp là quan sát giác quan, nhận thức và đối tượng; quan sát hành vi và kết quả của hành vi; quan sát sự ngủ của la hán; quan sát sự tâm tự tại, ưa thích cái vui thiền định; quan sát thần thông tuệ giác của nhị thừa. Do thành tựu 5 sự quan sát khéo léo này mà đệ tử thanh văn hiện tại vị lai của Như lai do đức tin tăng thượng và tuệ giác tùy thuận với Pháp mà khéo hiểu một cách rốt ráo về cái tâm bản tánh thanh tịnh và bị phiền não ô nhiễm. Thắng man, sự rốt ráo ấy là nhân tố đại thừa. Hoàng hậu phải biết, tin tưởng Như lai thì không phỉ báng Pháp sâu xa. Hoàng hậu Thắng man thưa, bạch đức Thế tôn, còn có ý nghĩa khác nữa hữu ích cho chúng sinh mà con xin dựa vào sức mạnh uy thần của Ngài để diễn nói. Đức Thế tôn dạy, tốt lắm, hoàng hậu cứ nói tùy ý. Hoàng hậu Thắng man thưa, bạch đức Thế tôn, có 3 loại thiện nam thiện nữ không tự thương tổn đối với Pháp sâu xa, sinh lắm công đức, đi vào đại thừa. Ba loại ấy là những ai? (Một), có người tự thành tựu cái tuệ giác về Pháp sâu xa. (Hai), có người thành tựu cái tuệ giác tùy thuận với Pháp sâu xa ấy. (Ba), có người không hiểu Pháp sâu xa, nhưng tín ngưỡng rằng Pháp ấy chỉ Phật mới biết, chứ không phải lĩnh vực của mình. 15. Hoàng Hậu Thắng Man
Trừ 3 loại thiện nam hay thiện nữ này, những người khác, đối với Pháp sâu xa, tùy mình thủ đắc mà chấp trước, nói quấy, chống đối chánh pháp, làm theo ngoại đạo, biến mình thành hạt giống thối nát. Thì dầu họ ở đâu cũng phải đến mà loại trừ. Những kẻ thối nát như vậy, chư thiên hay nhân loại đều nên cùng nhau chiến thắng. Thưa bạch như vậy rồi, hoàng hậu Thắng man cùng với thân quyến đem đỉnh đầu của mình mà lạy dưới chân đức Thế tôn. Đức Thế tôn tán dương, rằng tốt lắm, Thắng man, đối với Pháp sâu xa, hoàng hậu áp dụng phương tiện mà giữ gìn, chiến thắng những kẻ đối địch. Hoàng hậu thật là người khéo thấu suốt. Hoàng hậu đã thân gần cả trăm cả ngàn chư vị Như lai mới nói được những điều đã nói hôm nay. Lúc ấy đức Thế tôn phóng ra ánh sáng siêu việt, chiếu khắp đại hội, rồi thăng lên không gian cao bằng 7 cây đa la, dùng thần lực mà đi chân trong không gian, trở về nước Xá vệ. Hoàng hậu Thắng man cùng với thân quyến ngước nhìn đức Thế tôn, mắt không rời Ngài chút nào. Khi Ngài đi quá tầm mắt rồi, hoàng hậu hoan hỷ, phấn chấn, cùng với mọi người ca tụng đức tính của đức Thế tôn, nhất tâm nghĩ nhớ đến Ngài. Trở vào kinh thành Vô đấu, hoàng hậu khuyến khích Hữu xưng vương xây dựng đại thừa. Trong kinh thành Vô đấu, phu nhân giáo dục đại thừa cho con gái 7 tuổi sắp lên, Hữu xưng vương cũng đem đại thừa giáo dục cho con trai 7 tuổi sắp lên. Cả nước không ai mà không học tập đại thừa.
Lúc bấy giờ đức Thế tôn vào khu lâm viên Chiến thắng Thiện thí, gọi tôn giả A nan và nghĩ đến Đế thích. Đế thích cùng với tùy thuộc ứng theo ý nghĩ của đức Thế tôn mà đến, đứng trước đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo Đế thích, rằng Kiều thi ca, ông nên tiếp nhận và ghi nhớ kinh này, diễn giảng, khai thị, làm cho chư thiên Đao lợi được yên vui. Đức Thế tôn lại dạy tôn giả A nan, tôn giả cũng tiếp nhận, ghi nhớ, phân tích giảng nói cho 4 chúng. Đế thích thưa Phật, bạch đức Thế tôn, kinh này nên mệnh danh là gì? Chúng con nên kính nhớ như thế nào? Đức Thế tôn dạy, Kiều thi ca, kinh này thành tựu vô lượng công đức, năng lực nhị thừa còn không thấu được, huống chi người khác. Kiều thi ca, ông nên biết kinh này rất sâu xa, tinh tế. Kinh này là khối công đức lớn. Như lai sẽ nói cho ông, theo cách nói toát yêắu, về danh hiệu kinh này. Ông hãy nghe kyլ hãy khéo ghi nhớ. Lúc ấy tôn giả A nan và Đế thích cùng thưa: Tốt lắm, bạch đức Thế tôn, chúng con xin vâng theo huấn dụ của Ngài. Đức Thế tôn nói, (một), kinh này tán dương đức tính chân thật của Như lai, nên nhớ như vậy. (Hai), kinh này nói về 10 điều thệ nguyện bất khả tư nghị, nên nhớ như vậy. (Ba), kinh này đem (1 trong) 3 đại nguyện thống nhiếp mọi thệ nguyện, nên nhớ như vậy. (Bốn), kinh này nói sự thu nhận chánh pháp là bất khả tư nghị, nên nhớ như vậy. (Năm), kinh này nói hội nhập nhất thừa, nên nhớ như vậy. (Sáu), kinh này nói thánh đế vô biên, nên nhớ như vậy. (Bảy), kinh này nói về Như lai tạng, nên nhớ như vậy. (Tám), kinh này nói về pháp thân của Như lai, nên nhớ như vậy. (Chín), kinh này nói bản tánh siêu việt và chân thật bị ẩn khuất, nên nhớ như vậy. (Mười), kinh này nói ý nghĩa thánh đế duy nhất, nên nhớ như vậy. (Mười một), kinh này nói sự nương tựa duy nhất, thường trú, bất động và vắng lặng, nên nhớ như vậy. (Mười hai), kinh này nói về sự thác loạn và chân thật, nên nhớ như vậy. (Mười ba), kinh này nói về cái tâm bản tánh thanh tịnh mà bị phiền não che khuất, nên nhớ như vậy. (Mười bốn), kinh này nói về con thật của Như lai, nên nhớ như vậy. (Mười lăm), kinh này nói sự nói như sư tử gầm của hoàng hậu Thắng man, nên nhớ như vậy. Lại nữa, Kiều thi ca, kinh này loại trừ hoài nghi, xác quyết liễu nghĩa, hội nhập nhất thừa. Kiều thi ca, Như lai nay đem bản kinh hoàng hậu Thắng man nói như sư tử gầm này ký thác cho ông. Từ bây giờ cho đến ngày nào chánh pháp đang còn, ông hãy khai thị giảng nói cho tất cả khu vức. Đế thích thưa, tốt lắm, bạch đức Thế tôn, dạ, con xin bái lãnh huấn dụ của Ngài.
Lúc bấy giờ tôn giả A nan, Đế thích, và cả đại hội chư thiên, nhân loại, a tu la, càn thát bà, v/v, nghe những điều đức Thế tôn đã tuyên thuyết, ai cũng đại hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận, và kính cẩn thực hành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.124.80 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.