Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Phẩm 1: Thần Thông Tại Cung Đao Lợi
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Thế tôn (5) ở tại Đao lợi thiên cung, thuyết pháp cho mẹ. Bấy giờ các đức Phật đà và các đại bồ tát, nhiều đến hai lần không thể nói hết (6) , ở khắp mười phương vô lượng thế giới hệ (7) , đều đến tụ tập, tán dương đức Thế tôn có cái năng lực ở trong thời kỳ dữ dội đầy cả năm thứ vẩn đục, vận dụng sức mạnh của tuệ giác và thần thông rộng lớn siêu việt (8) mà thuần hóa những kẻ ương ngạnh, làm cho họ biết được cái gì đau khổ, cái gì yên vui. Các đức Phật đà lại phái thị giả vấn an đức Thế tôn.
Khi ấy đức Thế tôn mỉm cười, phóng ra ánh sáng ngàn vạn ức sắc thái (9) : ánh sáng đại viên mãn, ánh sáng đại từ bi, ánh sáng đại trí tuệ, ánh sáng đại bát nhã, ánh sáng đại tam muội, ánh sáng đại cát tường, ánh sáng đại phước đức, ánh sáng đại công đức, ánh sáng đại qui y, ánh sáng đại tán thán... Phóng ra ánh sáng không thể nói hết sắc thái (10) như vậy rồi, đức Thế tôn lại xuất ra âm thanh đủ mọi sắc thái mầu nhiệm (11) : âm thanh bố thí ba la mật, âm thanh trì giới ba la mật, âm thanh nhẫn nhục ba la mật, âm thanh tinh tiến ba la mật, âm thanh thiền định ba la mật, âm thanh bát nhã ba la mật; âm thanh từ bi, âm thanh hỷ xả, âm thanh giải thoát, âm thanh vô lậu, âm thanh trí tuệ và đại trí tuệ, âm thanh sư tử hống và đại sư tử hống, âm thanh vân lôi và đại vân lôi ...
Đức Thế tôn xuất ra âm thanh hai lần không thể nói hết sắc thái như vậy rồi (12) , quốc độ Sa bà này và các quốc độ phương hướng khác, có vô số ức thiên long quỉ thần cũng đến tụ tập tại Đao lợi thiên cung, tức thiên chúng ở các tầng trời Tứ thiên vương, Đao lợi, Tu diệm ma, Đâu suất đà, Hóa lạc, Tha hóa tự tại; Phạn chúng, Phạn phụ, Đại phạn; Thiểu quang, Vô lượng quang, Quang âm; Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh; Phước sinh, Phước ái, Quảng quả; Vô tưởng; Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện kiến, Thiên hiện, Sắc cứu cánh; Đại tự tại; cho đến Phi phi tưởng (13) ; thiên chúng như vậy cùng với long chúng, quỉ chúng và thần chúng đều đến tụ tập. Các quốc độ khác và quốc độ này lại có thần biển, thần sông, thần rào, thần cây, thần núi, thần đất, thần suối, thần lúa, thần ngày, thần đêm, thần không gian, thần thiên giới, thần ẩm thực, thần thảo mộc, thần chúng như vậy cũng đến tụ tập. Các quốc độ khác và quốc độ này còn có các chúa quỉ lớn, như chúa quỉ Mắt dữ, chúa quỉ Ăn huyết, chúa quỉ Ăn tinh chất, chúa quỉ Ăn thai trứng, chúa quỉ Gây bịnh tật, chúa quỉ Trừ độc, chúa quỉ Từ tâm, chúa quỉ Phước lợi, chúa quỉ Rất yêu kính, những chúa quỉ như vậy cũng đến tụ tập.
Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo đại bồ tát Văn thù, vị thái tử của đức Pháp vương, rằng ông hãy quan sát, các đức Phật đà và đại bồ tát, cùng thiên long quỉ thần, ở thế giới này hay thế giới khác, ở quốc độ này hay quốc độ khác, hiện đến tụ tập tại Đao lợi thiên cung đây, coi biết được hay không biết được số lượng bao nhiêu? Đại bồ tát Văn thù thưa, bạch đức Thế tôn, đem năng lực thần trí của con mà tính đến ngàn đời đi nữa, cũng không thể biết được. Đức Thế tôn dạy, Như lai lấy mắt Phật mà nhìn, cũng vẫn không cùng tận được số lượng ấy. Vậy mà số lượng ấy toàn do Địa tạng đại sĩ (14) , từ xa xưa đến bây giờ và sau này, đã hóa độ đang hóa độ và sẽ hóa độ, đã tác thành đang tác thành và sẽ tác thành.
Đại bồ tát Văn thù thưa, bạch đức Thế tôn, từ quá khứ, con đã thực hành thiện pháp lâu lắm, đã thực hiện tuệ giác vô ngại, nên nghe đức Thế tôn dạy thì con tin tưởng và tiếp nhận tức khắc. Nhưng tuệ giác còn kém như các vị Thanh văn, nhất là tám bộ thiên long (15) và những kẻ trong vị lai, thì dẫu được nghe lời nói thành thực của đức Thế tôn cũng vẫn nghi ngờ, có cung kính mà tiếp nhận đi nữa, vị tất đã khỏi dị nghị. Do đó, con thỉnh cầu đức Thế tôn nói một cách rộng rãi, trong nhân địa, Địa tạng đại sĩ đã lập thệ nguyện gì, đã làm công hạnh nào, mà thành tựu được sự không thể nghĩ bàn như đức Thế tôn vừa dạy.
Đức Thế tôn dạy, Văn thù, cả đại thiên quốc độ này có bao nhiêu cỏ, cây, lùm, rừng, lúa, mè, tre, lau, núi, đá và bụi, mỗi vật giả thiết là một sông Hằng; rồi số cát trong các sông Hằng ấy, mỗi hạt giả thiết là một thế giới hệ; số bụi của các thế giới hệ này, mỗi hạt giả thiết là một kiếp; mỗi kiếp này tích lũy bao nhiêu hạt bụi thì đem cả ra mà giả thiết mỗi hạt là một kiếp nữa. Vậy mà Địa tạng đại sĩ, từ khi thực hiện quả vị Đệ thập địa cho đến ngày nay, thì gian còn nhiều hơn cả ngàn lần số lượng về kiếp đã giả thiết trên đây, huống chi thì gian mà Địa tạng đại sĩ thực hiện quả vị Thanh văn và quả vị Duyên giác. Văn thù, thần lực và nguyện lực của vị đại sĩ này không thể nghĩ bàn. Trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào nghe được danh hiệu của vị đại sĩ này mà xưng tụng, chiêm ngưỡng, lễ bái, trì niệm, hiến cúng, cho đến vẽ, khắc, đắp, sơn hình tượng của đại sĩ, thì người ấy sẽ được trăm lần sinh lên tầng trời Đao lợi này, một thì gian lâu dài (16) không rơi vào đường dữ.
Văn thù, Địa tạng đại sĩ trong quá khứ lâu xa, trước đây những kiếp nhiều đến hai lần không thể nói hết, bản thân làm một vị đại trưởng giả. Thời kỳ ấy, thế giới hệ này có đức Phật xuất hiện, danh hiệu là Sư tử phấn tấn cụ túc vạn hạnh như lai. Vị đại trưởng giả nhìn thấy tướng hảo của đức Như lai ấy ngàn phước trang nghiêm, nhân đó bạch hỏi ngài đã thực hành hạnh nguyện gì mà được tướng hảo như vậy. Đức Sư tử phấn tấn cụ túc vạn hạnh như lai dạy rằng, muốn thực hiện thân thể như vầy thì phải trải qua thì gian lâu xa, cứu độ bao kẻ tội khổ. Văn thù, lúc ấy vị đại trưởng giả nhân lời huấn dụ này mà phát nguyện, "cùng tận biên cương của thì vị lai, trải qua những kiếp không thể tính kể đi nữa, con vẫn nguyện vì chúng sinh tội khổ trong sáu đường (17) mà vận dụng mọi cách phương tiện, làm cho họ giải thoát tất cả, bấy giờ bản thân con mới bước lên quả vị Phật đà". Vì đối trước đức Sư tử phấn tấn cụ túc vạn hạnh như lai, Địa tạng đại sĩ đã lập thệ nguyện lớn lao như vậy, nên ngày nay, dẫu đã trải qua những kiếp nhiều đến trăm ngàn vạn ức trăm triệu (18) không thể nói hết, đại sĩ vẫn còn làm bồ tát (19) .
Thêm nữa, trong quá khứ, cách nay những kiếp vô số (20) không thể nghĩ bàn, bấy giờ thế giới hệ này có đức Phật xuất hiện, danh hiệu là Giác hoa định tự tại vương như lai. Đời sống của ngài đến bốn trăm ngàn vạn ức kiếp vô số. Trong thời kỳ giáo pháp tương tự (21) của ngài, có một nữ nhân thuộc giai cấp Bà la môn, phước cũ sâu dày, quần chúng khâm phục, đi đứng nằm ngồi đều được chư thiên hộ vệ.
Nhưng mẹ của nữ nhân lại mê tín tà thuyết, thường khinh Tam bảo. Nữ nhân như bực thánh ấy giải thích đủ cách để khuyên mẹ, ý nguyện làm cho mẹ phát sinh kiến thức chân chính. Mẹ của nữ nhân chưa tin hoàn toàn, thì chẳng bao lâu sinh mạng đã kết thúc, nghiệp thức (22) sa vào vô gián ngục. Nữ nhân Bà la môn biết mẹ sinh tiền bài bác nguyên lý nhân quả, thì tính chắc phải tùy theo nghiệp dữ mà sa vào đường dữ, nên phát mãi nhà cửa, sắm nhiều hoa hương và phẩm vật hiến cúng, làm việc hiến cúng lớn lao tại chùa tháp thờ phụng đức Giác hoa định tự tại vương như lai.
Nữ nhân Bà la môn thấy đức Giác hoa định tự tại vương như lai qua hình tượng của ngài trong một ngôi chùa tháp, được đắp vẽ thể hiện đủ mọi nét đẹp từ bi và trang nghiêm. Nữ nhân chiêm bái dung nhan của ngài, lòng thành kính ngưỡng mộ lại bội phần tăng lên. Nữ nhân tự nghĩ, Phật là bậc đại giác, hoàn thành cái trí thấu triệt toàn bộ vũ trụ. Nếu ngài còn, mẹ con mất, con đến hỏi, chắc chắn biết được sa lạc chỗ nào. Nữ nhân khóc khá lâu, lại thiết tha chiêm ngưỡng đức Giác hoa định tự tại vương như lai. Thốt nhiên nghe trong không gian có tiếng bảo, nữ nhân đang khóc kia, con đừng quá bi lụy, ta sẽ chỉ cho con biết chỗ mẹ con sinh đến. Nữ nhân chắp tay, hướng lên không gian mà thưa, vị nào định giải tỏa lo buồn cho con đây? Từ khi mất mẹ đến giờ, con thương nhớ ngày đêm, không có chỗ nào khả dĩ hỏi để biết thế giới mẹ con sinh đến. Trong không gian lại có tiếng nói, ta là Giác hoa định tự tại vương như lai đã nhập diệt mà con đang chiêm ngưỡng lễ bái đó. Thấy con nhớ mẹ quá hơn những kẻ thường tình, nên ta đến chỉ cho con. Nữ nhân Bà la môn nghe nói như vậy thì cả người đổ xuống, chân tay rã rời, hai bên đỡ cứu một lát mới tỉnh, lại hướng lên không gian mà tác bạch, xin Phật thương con, dạy cho con biết liền thế giới mẹ con sinh đến. Con cảm thấy cơ thể và tâm trí của con sắp phải chết mất. Đức Giác hoa định tự tại vương như lai dạy nữ nhân, con hiến cúng rồi trở về nhà liền đi, ngồi ngay thẳng mà trì niệm danh hiệu của ta, thì sẽ biết ngay chỗ mẹ con sinh đến.
Nữ nhân lạy Phật, về nhà tức khắc. Vì nhớ thương mẹ, nữ nhân ngồi ngay thẳng, trì niệm danh hiệu của đức Giác hoa định tự tại vương như lai, suốt một ngày đêm. Bỗng thấy mình đến nơi một bờ biển, nước biển sôi sục, có nhiều thú dữ toàn là mình sắt, lướt nhảy trên mặt biển, xua bên này đuổi bên kia. Thấy trăm ngàn vạn kẻ, nam có nữ có, nổi lên ngập xuống trong biển ấy, bị các thú dữ tranh nhau mà ăn. Lại thấy quỉ dạ xoa hình thù kỳ dị, lắm tay lắm mắt, nhiều chân nhiều đầu, nanh chĩa ngoài miệng, và sắc nhọn như gươm, một mặt xua đuổi tội nhân đến cho thú dữ, mặt khác chúng tự chụp bắt, túm đầu chân lại. Thảm cảnh vạn trạng, không đủ can đảm mà nhìn mãi.
Nữ nhân Bà la môn nhờ năng lực của sự niệm Phật nên không sợ hãi gì cả. Một chúa quỉ tên Vô độc, bước đến cúi đầu đón tiếp, hỏi, lành thay bồ tát, người cần gì mà đến đây? Nữ nhân hỏi chúa quỉ, chỗ này là gì? Chúa quỉ thưa, chỗ này là lớp biển thứ nhất, ở về phía tây dãy núi đại thiết vi. Nữ nhân hỏi, tôi nghe nói giữa dãy núi ấy có địa ngục ở trong đó, thật chăng? Chúa quỉ thưa, thật. Nữ nhân hỏi, vì sao mà tôi đến được nơi địa ngục này? Chúa quỉ thưa, phi thần lực thì nghiệp lực, phi hai lực ấy thì không thể nào đến được.
Nữ nhân lại hỏi, lớp biển này vì sao mà nước sôi sục, có nhiều tội nhân và lắm thú dữ? Chúa quỉ thưa, tội nhân ấy là những kẻ làm ác ở châu Diêm phù (23) mà mới chết. Trải qua bốn mươi chín ngày, nếu không có ai kế tự để làm công đức mà cứu vớt cho họ, khi còn sống họ cũng không tạo nhân tố thánh thiện (24) , thì sẽ y theo nghiệp dữ đã làm mà cảm ra quả khổ địa ngục, quả khổ mà đương nhiên trước hết phải bơi qua lớp biển này. Phía đông lớp biển này, cách mười vạn do tuần, có một lớp biển nữa, khổ sở gấp đôi biển này. Phía đông lớp biển sau này lại còn một lớp biển khác nữa, khổ sở càng gấp đôi. Do nhân tố độc ác của ba nghiệp thân miệng ý mà cảm ra, và cùng mang tên biển nghiệp, là ba chỗ này đây. Nữ nhân lại hỏi chúa quỉ, nhưng địa ngục ở chỗ nào? Chúa quỉ thưa, giữa ba lớp biển này toàn là địa ngục (25) , số lượng đến hàng trăm hàng ngàn, và khác biệt với nhau. Khổ sở lớn nhất thì có mười tám. Kế đó thì có năm trăm, khổ sở vô lượng. Kế đó nữa thì có trăm ngàn, cũng vô lượng khổ sở.
Nữ nhân lại hỏi, mẹ tôi mới mất, không biết nghiệp thức phải đến chỗ nào? Chúa quỉ hỏi lại, mẹ người khi sống quen làm hạnh nghiệp gì? Nữ nhân nói, mẹ tôi tà kiến, phỉ báng Tam bảo, có lúc hơi tin rồi lại bất kính, chết mới mấy ngày mà không biết sinh đến chỗ nào? Chúa quỉ hỏi, mẹ người tên họ là gì? Nữ nhân nói, cha mẹ tôi đều là dòng dõi Bà la môn, cha là Thi la, mẹ là Duyệt đế lợi. Chúa quỉ chắp tay mà bạch, xin thánh nữ trở về, khỏi cần lo buồn thương nhớ. Nữ tội nhân Duyệt đế lợi đã sinh chư thiên cách nay ba ngày, được biết rằng nhờ hiếu nữ làm phước cho mẹ bằng sự hiến cúng chùa tháp thờ phụng đức Giác hoa định tự tại vương như lai. Không phải một mình mẹ của thánh nữ được thoát địa ngục, mà tội nhân vô gián ngục trong ngày ấy cũng được vui vẻ, cùng sinh lên chư thiên với mẹ người. Nói rồi, chúa quỉ chắp tay thi lễ mà cáo thoái.
Nữ nhân Bà la môn liền như mộng tỉnh, ý thức việc này rồi, tức khắc đến trước hình tượng của đức Giác hoa định tự tại vương như lai thờ trong chùa tháp mà phát nguyện cao rộng, "nguyện cùng tận thì gian vị lai, có bao kẻ tội khổ, con xin tìm đủ cách mà làm cho họ giải thoát".
Đức Thế tôn bảo đại bồ tát Văn thù, chúa quỉ Vô độc lúc ấy là bồ tát Tài thủ ngày nay, còn nữ nhân Bà la môn thì chính là Địa tạng đại sĩ. Phẩm 2: Thân Phân Hóa Qui Tụ Lại
Khi ấy, tất cả thân hình của Địa tạng đại sĩ phân hóa tại các địa ngục của những thế giới hệ nhiều đến trăm ngàn vạn ức, không thể nghĩ bàn tính kể, vô số con số vô số, đều đến tụ tập tại Đao lợi thiên cung. Do thần lực của đức Thế tôn mà từ các phương xứ của mình, thân hình phân hóa nào cũng dẫn theo những người đã thoát khỏi đường dữ, và nhiều đến số lượng ngàn vạn ức trăm triệu, đồng cầm hương hoa đến hiến cúng đức Thế tôn. Những người đi theo này, nhờ Địa tạng đại sĩ giáo hóa mà đối với tuệ giác vô thượng (26) đã vĩnh viễn không còn thoái chuyển. Những người này, từ bao kiếp lâu xa, đã bị trôi cuốn trong đại dương sinh tử, chịu khổ trong sáu đường một cách liên tục. Ngày nay, nhờ từ bi cao cả và thệ nguyện sâu xa của Địa tạng đại sĩ mà họ thực hiện được đạo quả. Khi đến Đao lợi, lòng họ quá mừng, chiêm ngưỡng đức Thế tôn đến nỗi mắt không rời ngài một thoáng.
Vào lúc ấy, đức Thế tôn đưa cánh tay vàng xoa trên đỉnh đầu hết thảy thân hình của Địa tạng đại sĩ đã phân hóa tại các thế giới hệ nhiều đến trăm ngàn vạn ức, không thể nghĩ bàn tính kể, vô số con số vô số, mà bảo, Địa tạng đại sĩ, Như lai đã ở trong thời kỳ dữ dội đầy cả năm thứ vẩn đục mà giáo hóa những kẻ ương ngạnh, làm cho tâm tính của họ thuần hậu, xa bỏ đường tà, quay về nẻo chánh. Nhưng trong mười phần, có một vài phần vẫn còn thói dữ. Chính Như lai cũng vẫn phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức (27) , vận dụng đủ cách mà hóa độ. Kẻ trình độ cao thì nghe Như lai dạy là tin tưởng và tiếp nhận tức khắc. Kẻ quả báo tốt thì ân cần khuyến hóa vẫn được thành tựu. Kẻ ám độn thì giáo hóa thật lâu mới biết quay về. Còn kẻ nghiệp nặng thì không sinh tâm kính ngưỡng. Những kẻ như trên đây, khác nhau đến mấy, Như lai cũng phân hóa thân hình mà cứu độ. Hoặc hiện thân nam tử, hoặc hiện thân nữ nhân. Hoặc hiện thân thiên chúng và long chúng, hoặc hiện thân quỉ chúng và thần chúng. Hoặc hiện núi rừng, dòng nước, đồng bằng, sông ngòi, ao hồ, suối giếng, ích lợi khắp cả mọi người, ai cũng được độ thoát (28) . Hoặc hiện thân Đế thích, hoặc hiện thân Phạn vương, hoặc hiện thân Luân vương. Hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân quốc chúa, hoặc hiện thân tể tướng, hoặc hiện thân thuộc quan. Hoặc hiện các thân tỷ kheo, tỷ kheo ni, thiện nam, tín nữ. Cho đến các thân Thanh văn, La hán, Duyên giác, Bồ tát, Như lai cũng hiện ra để hóa độ. Không phải Như lai hiện ra trước họ chỉ có thân hình Phật đà mà thôi.
Địa tạng đại sĩ, hãy quan sát mà coi, Như lai đã bao kiếp, siêng và khổ, hóa độ những kẻ tội khổ, ương ngạnh và khó dạy. Tựu trung, kẻ nào chưa thuần hậu thì phải tùy nghiệp dữ mà chịu quả khổ. Trong quả khổ ấy, nếu họ sa vào đường dữ, lãnh chịu khổ sở khốc liệt, thì đại sĩ hãy nhớ hôm nay, tại Đao lợi thiên cung, Như lai đem người Sa bà trong quãng từ nay đến ngày Di lạc từ tôn xuất thế, thiết tha ký thác cho đại sĩ, mà làm cho họ được thoát thống khổ, được gặp Phật đà, được tiếp nhận sự thọ ký của các ngài (29) .
Khi ấy, bao nhiêu thân hình của Địa tạng đại sĩ phân hóa tại các thế giới hệ đều hợp lại một bản thân, cảm kích rơi lệ mà thưa với đức Phật của mình (30) , rằng bạch đức Thế tôn, bao kiếp đến nay, con nhờ đức Thế tôn dìu dắt mà được thần lực siêu việt và tuệ giác vĩ đại. Thân hình phân hóa của con khắp các thế giới hệ nhiều đến như cát của trăm ngàn vạn ức sông Hằng, mỗi thế giới hệ con lại phân hóa trăm ngàn vạn ức thân hình, mỗi thân hình con hóa độ trăm ngàn vạn ức người, làm cho họ qui kính Tam bảo, rời sinh tử, đến niết bàn. Hễ biết làm lành theo lời huấn thị của đức Thế tôn, thì điều lành ấy bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một mảy bụi, hay chỉ bằng một chút lông tóc đi nữa, con cũng hóa độ cho họ dần dần được ích lợi lớn lao. Kính xin đức Thế tôn đừng vì những kẻ tội ác trong tương lai mà lo nghĩ. Ba lần như vậy, Địa tạng đại sĩ tác bạch, kính xin đức Thế tôn đừng vì những kẻ tội ác trong tương lai mà lo nghĩ.
Đức Thế Tôn xưng tụng Địa tạng đại sĩ, lành thay, Như lai tán trợ cho sự đáng mừng của đại sĩ. Đại sĩ có năng lực hoàn thành cái thệ nguyện vĩ đại mà đại sĩ đã phát ra từ bao kiếp lâu xa, sắp hoàn tất sự hóa độ rộng lớn và thực hiện tuệ giác vô thượng. Phẩm 3 : Quán Sát Nghiệp Quả Chúng Sinh
Bấy giờ thân mẫu của đức Thế tôn là hoàng hậu Ma da, chắp tay một cách cung kính mà hỏi đức Địa tạng, bạch đại sĩ, người Diêm phù gây nghiệp dữ và chịu quả khổ như thế nào? Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa Phật mẫu, ngàn vạn thế giới hệ nơi có địa ngục nơi không, nơi có nữ nhân nơi không, nơi có Phật pháp nơi không, Thanh văn Duyên giác cũng vậy, nơi có nơi không, không phải chỉ có mỗi một việc nghiệp quả địa ngục. Ma da hoàng hậu lại thưa, bạch đại sĩ, nhưng tôi xin nghe trước về nghiệp dữ, và đường dữ do nghiệp dữ ấy cảm ra, của người Diêm phù. Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa Phật mẫu, xin ngài nghe và tiếp nhận, tôi sẽ nói đại lược về điều ấy. Phật mẫu thưa, xin đại sĩ nói cho.
Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa Phật mẫu, tại châu Diêm phù phía nam này, nghiệp dữ gây quả khổ có những danh xưng như thế này. Kẻ nào bất hiếu đến nỗi sát hại cha mẹ thì sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào làm chảy máu thân Phật, phỉ báng Tam bảo, khinh thường kinh pháp, cũng sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào xâm phạm của tăng chúng thường trú, làm bẩn tăng ni, ngay trong chốn già lam mà mặc ý làm sự không phải phạn hạnh hay sự sát hại sinh mạng, thì sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào giả làm sa môn mà tâm hạnh không phải sa môn, lạm dụng của tăng chúng thường trú, lừa đảo thế nhân, vi phạm giới luật, tạo các nghiệp dữ, thì sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào trộm cắp tài vật, thóc gạo, đồ ăn, đồ uống và đồ mặc của tăng chúng thường trú, cho đến một vật không cho mà lấy, thì sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi (31) . Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa Phật mẫu, những kẻ làm những nghiệp dữ trên đây thì phải sa vào vô gián ngục, nơi có năm sự không xen cách (32) , mong mỏi khổ sở tạm ngừng một lát cũng không thể có được.
Ma da hoàng hậu lại hỏi, bạch đại sĩ, vô gián ngục là gì? Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa Phật mẫu, địa ngục phần nhiều ở giữa dãy núi đại thiết vi. Loại lớn thì có mười tám sở. Loại kế đó thì có năm trăm, tên gọi khác nhau. Loại kế đó nữa thì có trăm ngàn, tên gọi cũng khác. Vô gián ngục là, thành các địa ngục chu vi hơn tám vạn dặm, làm toàn bằng sắt; thành ấy cao một vạn dặm, trên thành lửa dồn lại, ít có chỗ trống; trong thành, ngục sở liền nhau nhưng tên gọi khác nhau, tựu trung có một ngục sở tên vô gián ngục. Ngục sở ấy chu vi một vạn tám ngàn dặm. Tường ngục cao một ngàn dặm, toàn làm bằng sắt; lửa trên suốt dưới, lửa dưới thấu trên; rắn sắt và chó sắt phun lửa mà đuổi tội nhân, lại bò và chạy qua lại trên tường ngục. Trong ngục có cái giường rộng đầy vạn dặm; một người thọ hình tự thấy thân mình nằm khắp mặt giường, mà ngàn vạn người cùng lúc thọ hình thì ai cũng tự thấy thân mình nằm khắp mặt giường. Do nghiệp dữ của những người ấy mà cảm ra quả khổ như vậy.
Tội nhân vô gián ngục phải chịu đủ thứ cực hình. Trăm ngàn dạ xoa và quỉ dữ nanh như gươm, mắt như điện, móng như đồng, móc kéo tội nhân. Dạ xoa khác, cầm kích sắt lớn mà đâm tội nhân, vào mình, vào miệng, vào mũi, vào bụng, vào lưng, rồi dồi lên trên không mà giơ kích đỡ lấy, hoặc xóc để trên giường. Chim ưng bằng sắt ăn mắt tội nhân. Rắn sắt quấn cổ tội nhân mà xiết. Cả trăm đốt và khớp của cơ thể đều bị đóng đinh dài. Lưỡi bị lôi ra mà cày, ruột bị rút ra mà chặt, miệng bị rót nước đồng sôi, mình bị quấn giây sắt nóng. Chết đi sống lại cả ngàn vạn lần trong mỗi một ngày đêm: nghiệp dữ cảm ra như vậy. Vậy mà phải trải qua cái kiếp có cả ức năm, cầu thoát nhưng khó mong thoát khỏi. Hễ thế giới hệ này hư rã thì chuyển qua thế giới hệ khác, thế giới hệ khác hư rã thì chuyển qua thế giới hệ khác nữa, thế giới hệ khác nữa hư rã thì chuyển qua thế giới hệ khác khác nữa. Sau khi thế giới hệ này kết thành thì lại bị chuyển về. Quả khổ vô gián ngục là như vậy.
Vì năm sự sau đây, do nghiệp dữ cảm ra, nên mệnh danh vô gián. Một là cực hình chịu suốt ngày đêm cho đến hết số lượng một kiếp, không lúc nào gián đoạn, nên mệnh danh vô gián. Hai là một tội nhân cũng tự thấy mình đầy cả ngục, mà nhiều tội nhân thì ai cũng tự thấy mình đầy cả ngục, nên mệnh danh vô gián. Ba là hình cụ như chỉa ba, gậy, chim ưng, rắn, sói, chó, cối giã, cối xay bằng đá, cưa, đục, đồ chặt, đồ phát, vạc nấu, nước sôi, lưới sắt, giây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống để quấn đầu, sắt sôi để dội thân, viên sắt nóng để bắt nuốt khi van đói, nước sắt sôi để bắt uống khi kêu khát, từ năm này qua năm khác, trọn hết số lượng một kiếp vài trăm triệu năm, cực hình liên hợp mà lại liên tục, không có gián đoạn, nên mệnh danh vô gián. Bốn là bất kể nam nữ, mọi rợ văn minh (33) , già trẻ, sang hèn, rồng thần, trời quỉ, hễ tạo nghiệp dữ thì cảm quả khổ và đồng chịu như nhau, nên mệnh danh vô gián. Năm là sa vào vô gián ngục thì từ khi mới vào cho đến hết số lượng một kiếp, mỗi một ngày đêm chết đi sống lại đến cả vạn lần, cầu lấy một lát tạm ngừng cũng không thể có được, trừ phi nghiệp dữ hết rồi mới được chết hẳn mà sinh làm loài khác: sống chết liền liền như vậy nên mệnh danh vô gián.
Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa Phật mẫu, vô gián ngục nói đại lược là như vậy. Nếu nói rõ ràng về tên hình cụ và sự khổ sở trong đó, thì suốt một kiếp muốn nói cho hết vẫn không hết được. Ma da hoàng hậu nghe rồi, buồn và lo, chắp tay đảnh lễ mà lui về chỗ của mình. Phẩm 4 : Nghiệp Quả Của Người Diêm Phù
Địa tạng đại sĩ khi ấy thưa rằng, bạch đức Thế tôn, con nhờ thần lực của đức Thế tôn mà khắp trong trăm ngàn vạn ức thế giới hệ, con phân hóa thân hình cứu vớt những kẻ đang chịu quả khổ của nghiệp dữ. Phi thần lực từ bi vĩ đại của đức Thế tôn, con không thể có sự phân thân đó. Nay con lại được đức Thế tôn đem sáu đường chúng sinh, trong quãng từ nay đến ngày Di lạc từ tôn xuất thế, ký thác cho con, dạy con cứu độ cho họ giải thoát. Dạ, bạch đức Thế tôn, con xin vâng lời. Xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ. Đức Thế tôn dạy, Địa tạng đại sĩ, kẻ chưa giải thoát thì thức tánh bất định: làm dữ thì kết thành khổ quả, làm lành thì cảm ra phước báo, và làm dữ làm lành gì cũng tùy hoàn cảnh chi phối; rồi luân chuyển năm đường liên miên bất tận, trải qua những kiếp nhiều như cát bụi mà vẫn còn mê mờ, lầm lẫn, vẫn bị chướng ngại, tai nạn. Y như cá lội trong lưới, cuốn theo dòng nước chảy mãi: đã sẩy vào trong dòng nước có lưới rồi thì dẫu có lúc tạm thoát ra khỏi lưới đi nữa, cũng sẽ mắc lại lưới ấy mà thôi (34) . Nên vì họ mà Như lai lo nghĩ. Nay đại sĩ đã muốn hoàn thành lời nguyện căn bản và lời thề trọng đại trong nhiều kiếp đã qua, hóa độ những kẻ tội khổ một cách sâu rộng, thì Như lai còn lo nghĩ gì nữa.
Khi lời ấy được đức Thế tôn nói ra thì trong pháp hội có một vị đại bồ tát danh hiệu Định tự tại vương, thưa với ngài, bạch đức Thế tôn, Địa tạng đại sĩ từ bao kiếp đến nay, kiếp nào đã phát nguyện gì mà ngày nay được đức Thế tôn ân cần xưng tụng, con thỉnh cầu đức Thế tôn tóm tắt mà dạy cho chúng con. Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Định tự tại vương, hãy nghe cho kyլ hãy khéo nghĩ và nhớ, Như lai sẽ nói cho các người.
Trong quá khứ, cách nay bằng những kiếp nhiều đến vô lượng vô số trăm triệu không thể nói hết, lúc ấy có đức Phật danh hiệu Nhất thế trí thành tựu như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật: thế tôn. Ngài sống đến sáu vạn kiếp. Khi chưa xuất gia, ngài làm một tiểu quốc vương, kết bạn với một tiểu quốc vương lân bang, cùng nhau thực thi mười nghiệp lành, lợi ích dân chúng. Nhưng dân chúng lân bang đa số làm ác. Hai vị quốc vương mới bàn tính phương cách thích hợp. Một vị nguyện thành Phật sớm để hóa độ cho hết dân chúng ấy. Một vị nguyện nếu không hóa độ trước những kẻ tội khổ, làm cho họ được yên vui và được toàn giác, thì bản thân chưa muốn thành Phật. Định tự tại vương, vị quốc vương nguyện thành Phật sớm là Nhất thế trí thành tựu như lai, còn vị quốc vương nguyện hóa độ lâu dài những kẻ tội khổ mà chưa muốn thành Phật là Địa tạng đại sĩ.
Lại nữa, trong quá khứ, cách nay vô lượng vô số kiếp, có đức Phật xuất hiện thế gian, danh hiệu của ngài là Thanh tịnh liên hoa mục như lai. Ngài sống đến bốn chục kiếp. Trong thời kỳ giáo pháp tương tự của ngài, có một vị La hán đem phước đức mà hóa độ cho người. Nhân tuần tự hóa độ, vị La hán ấy gặp một nữ nhân tên Quang mục, thiết trai hiến cúng. Vị La hán hỏi muốn cầu nguyện điều gì, Quang mục thưa, gặp ngày mẹ con mất, con muốn nhờ phước hiến cúng tôn giả để cứu vớt cho mẹ con; không biết mẹ con hiện nay sinh đến chỗ nào? Vị La hán thương mà nhập định quan sát, thấy mẹ Quang mục đọa vào đường dữ, chịu khổ khốc liệt. Ngài hỏi Quang mục, mẹ con lúc sống làm nghiệp dữ nào mà nay phải chịu khổ lớn ở trong đường dữ? Quang mục thưa, thói quen của mẹ con chỉ thích ăn cá và ba ba. Thích ăn nhất là cá và ba ba con. Bằng cách hoặc chiên hoặc nấu, mẹ con tha hồ mà ăn. Số lượng sinh mạng của chúng, tính ra, chết đến ngàn vạn mà còn hơn nữa. Xin tôn giả thương mà dạy cho con biết làm cách nào để cứu mẹ. Vị La hán từ bi chỉ dạy cách thức, khuyên Quang mục hãy chí thành trì niệm danh hiệu của đức Thanh tịnh liên hoa mục như lai, lại đắp vẽ hình tượng của ngài mà thờ phụng, thì người còn kẻ mất đều được phước báo.
Quang mục nghe vậy, tức khắc hy sinh những gì mình luyến tiếc, nhờ vẽ liền tượng Phật mà tôn thờ. Cùng cực tôn kính, Quang mục khóc mà chiêm ngưỡng và lạy. Ngay phần sau của đêm ấy, Quang mục mộng thấy thân Phật ánh vàng rực rỡ, đồ sộ như núi Tu di, phóng ánh sáng lớn mà bảo Quang mục, mẹ con không bao lâu nữa sẽ sinh trong nhà con, hễ biết đói lạnh là biết nói. Sau đó, nữ tỳ trong nhà Quang mục sinh một đứa bé, chưa đầy ba ngày mà đã biết nói. Cúi đầu, tủi khóc, đứa bé bảo Quang mục, trong phạm vi sinh tử, hễ tự làm nghiệp dữ thì tự chịu quả khổ. Ta là mẹ con đây, lâu nay phải ở trong chỗ đen tối. Từ khi biệt ly với con, ta sa mãi vào trong địa ngục lớn. Nhờ phước con làm mới được sinh làm người, nhưng làm người hèn hạ mà chết yểu, năm mười ba tuổi sẽ lại bị sa vào đường dữ. Con có cách gì cứu mẹ cho khỏi? Quang mục nghe nói, biết đích mẹ mình, nghẹn ngào khóc mà hỏi, nếu là mẫu thân thì phải biết tội mình đã làm nghiệp dữ nào mà phải sa vào đường dữ ? Đứa bé nói, sát sinh và mắng nhiếc, vì hai nghiệp dữ ấy mà phải chịu quả khổ. Phi cái phước con làm để cứu nạn cho mẹ, thì vì hai nghiệp dữ ấy lẽ đáng mẹ chưa được giải thoát. Quang mục hỏi, quả khổ địa ngục như thế nào? Đứa bé nói, quả khổ ấy nói ra thật bất nhẫn. Mà có nói đi nữa, trăm ngàn năm cũng không cùng.
Quang mục nghe như vậy, hướng lên không gian, khóc mà tác bạch, con cầu nguyện cho mẹ con thoát hẳn địa ngục, hết mười ba tuổi thì không còn nghiệp dữ để sa vào đường dữ. Phật đà mười phương xin thương tưởng con, chứng minh cho con vì mẹ mà phát thệ nguyện rộng lớn: Nếu mẹ con được thoát hẳn ba nẻo đường dữ và thân người hèn hạ, cho đến cái thân nữ nhân cũng vĩnh viễn không làm nữa, thì trước hình ảnh đức Thanh tịnh liên hoa mục như lai, con nguyện từ nay sắp đi, cho đến trăm ngàn vạn ức kiếp sau này, bao nhiêu những kẻ tội khổ ở trong địa ngục ngạ quỉ súc sinh của các thế giới hệ, con thề cứu vớt cho họ thoát khỏi những chỗ ấy; những kẻ tội khổ thành Phật cả rồi con mới thành. Phát thệ nguyện rộng lớn như vậy rồi, Quang mục nghe rõ tiếng nói của đức Thanh tịnh liên hoa mục như lai, bảo, Quang mục, lòng từ bi của con thật lớn lao, khi con biết vì mẹ mà phát nguyện vĩ đại. Ta thấy mẹ con hết mười ba tuổi, bỏ quả báo này rồi, sẽ sinh làm một phạn chí, sống lâu trăm năm. Hết quả báo ấy thì vãng sinh Vô ưu quốc độ, sống lâu với những kiếp không thể tính kể. Về sau thành Phật thì hóa độ sâu rộng, trong đó có nhân loại và chư thiên, và số người được hóa độ nhiều như cát sông Hằng.
Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Định tự tại vương, vị La hán đem phước đức hóa độ Quang mục lúc ấy là bồ tát Vô tận ý ngày nay. Mẹ của Quang mục nay là bồ tát Giải thoát. Còn Quang mục thì chính là Địa tạng đại sĩ; trong những kiếp lâu xa của quá khứ, đại sĩ đã từ bi như vậy, phát ra thệ nguyện nhiều như cát sông Hằng, hóa độ chúng sinh một cách sâu rộng. Sau này, bất cứ nam tử hay nữ nhân, có kẻ không làm lành, có kẻ làm dữ, có kẻ phủ nhận nguyên lý nhân quả, có kẻ tà dâm vọng ngữ, có kẻ lưỡng thiệt ác khẩu, có kẻ phỉ báng đại thừa, những kẻ nghiệp dữ như vậy tất sa đường dữ. Nhưng nếu gặp bạn tốt khuyến khích qui y Địa tạng đại sĩ thì dẫu chỉ bằng thì gian đàn chỉ (35) một cái, những kẻ ấy cũng thoát được quả khổ trong ba đường dữ. Nếu ai hết lòng tôn kính, qui y, chiêm ngưỡng, lễ bái, xưng tụng, hay phụng hiến hoa hương, y phục (36) , bảo vật, ẩm thực, thì trong vị lai, trăm ngàn vạn ức kiếp thường ở trên chư thiên, hưởng thụ sự yên vui tuyệt diệu. Phước báo chư thiên hết rồi, sinh xuống nhân gian, cũng vẫn còn trăm ngàn kiếp thường làm quốc chúa, nhớ được nhân quả gốc ngọn về đời trước của mình.
Định tự tại vương, Địa tạng đại sĩ có cái thần lực lớn lao, và bất khả tư nghị, ích lợi sâu rộng cho mọi người như vậy. Bồ tát các người hãy nhớ kinh này và truyền bá rộng rãi. Đại bồ tát Định tự tại vương thưa, bạch đức Thế tôn, xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ. Chúng con, ngàn vạn bồ tát đại sĩ, chắc chắn có năng lực vâng theo uy thần của đức Thế tôn mà truyền bá kinh này một cách rộng rãi tại châu Diêm phù, lợi ích chúng sinh. Thưa đức Thế tôn như vậy rồi, đại bồ tát Định tự tại vương chắp tay cung kính đảnh lễ mà lui về chỗ của mình.
Lúc ấy bốn vị Thiên vương ở bốn phương hướng cùng đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, từ những kiếp lâu xa, Địa tạng đại sĩ đã phát đại nguyện như trên, vì lý do nào mà ngày nay sự hóa độ của đại sĩ vẫn chưa hết, đại sĩ vẫn còn lặp lại đại nguyện ấy, chúng con thỉnh cầu đức Thế tôn dạy cho chúng con rõ. Đức Thế tôn bảo bốn vị Thiên vương, lành thay, Như lai nay vì lợi ích sâu rộng cho các ông, cho hết thảy chư thiên, nhân loại và các loài khác, trong hiện tại và vị lai, nói về những phương tiện mà Địa tạng đại sĩ ở trong các nẻo đường sinh tử của châu Diêm phù, thuộc thế giới hệ Sa bà này, thương mà cứu những kẻ tội khổ. Bốn vị Thiên vương thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con nguyện muốn được nghe.
Đức Thế tôn dạy bốn vị Thiên vương, từ những kiếp lâu xa cho đến ngày nay, Địa tạng đại sĩ hóa độ chúng sinh mà vẫn chưa hoàn tất đại nguyện, là vì một mặt thương những kẻ tội khổ trong thì hiện tại, mặt khác nhìn đến vô số kiếp thuộc thì vị lai, những kẻ tội khổ vẫn dây dưa không ngừng, nên đại sĩ vẫn phải lặp lại thệ nguyện trọng đại.
Vị đại sĩ như vậy, ở tại châu Diêm phù của thế giới hệ Sa bà, đã vận dụng trăm ngàn vạn ức phương tiện mà giáo hóa. Bốn vị Thiên vương, Địa tạng đại sĩ gặp người sát sinh thì nói về quả khổ chết yểu vì tội cũ, gặp người trộm cắp thì nói về quả khổ nghèo nàn và khốn khó, gặp người tà dâm thì nói về quả khổ làm bồ câu uyên ương (37) ; gặp người ác khẩu thì nói về quả khổ bà con đánh cãi nhau, gặp người chê bai thì nói về quả khổ không lưỡi hoặc lở miệng; gặp người giận dữ thì nói về quả khổ xấu xí lại tàn tật, gặp người keo lẫn thì nói về quả khổ sở cầu hay trái ý; gặp người ăn uống vô độ thì nói về quả khổ đói khát và bịnh cổ, gặp người săn bắn tha hồ thì nói về quả khổ kinh hãi điên cuồng mà mất mạng, gặp người phản nghịch cha mẹ thì nói về quả khổ trời đất giết chết bằng tai nạn, gặp người thiêu đốt núi rừng thì nói về quả khổ cuồng sảng mà tự lấy cái chết, gặp cha ghẻ mẹ ghẻ ác độc thì nói về quả khổ trở lại gây ra roi vọt và phải chịu lấy ngay trong đời này, gặp người lưới bắt chim non thì nói về quả khổ cốt nhục phân ly; gặp người phỉ báng Tam bảo thì nói về quả khổ mù điếc câm ngọng, gặp người khinh ngạo giáo pháp thì nói về quả khổ ở lâu trong các đường dữ, gặp người phá tán lạm dụng của tăng chúng thường trú thì nói về quả khổ nhiều đời luân hồi địa ngục, gặp người làm bẩn phạn hạnh vu khống tăng ni thì nói về quả khổ ở lâu trong loài súc sinh; gặp người sát hại sinh vật bằng nước sôi, bằng lửa, bằng sự chém chặt, thì nói về quả khổ luân hồi đền mạng lẫn nhau, gặp người phá giới phạm trai thì nói về quả khổ cầm thú đói khát, gặp người tiêu dùng phi lý thì nói về quả khổ nhu cầu thiếu thốn, gặp người ta tao cao ngạo thì nói về quả khổ tôi tớ hèn hạ, gặp người đâm thọc gây rối thì nói về quả khổ không lưỡi hay nhiều lưỡi; gặp người kiến thức sai lầm thì nói về quả khổ sinh chỗ không có Phật pháp (38) .
Đại loại như vậy, người Diêm phù từ thân miệng ý tạo ra nghiệp dữ và kết thành quả khổ có đến hàng trăm hàng ngàn sắc thái, nay Như lai chỉ nói sơ lược. Đối với nghiệp dữ và quả khổ khác nhau như vậy của người Diêm phù, Địa tạng đại sĩ vận dụng hàng trăm hàng ngàn phương tiện mà giáo hóa cho họ. Vì lẽ những người ấy, sau khi chịu những quả khổ như Địa tạng đại sĩ đã nói (39) , họ còn sa vào địa ngục, trải qua đời kiếp khó có hy vọng thoát khỏi. Nên các ông hộ vệ dân chúng và hộ vệ đất nước thì đừng để nghiệp dữ mê hoặc mọi người.
Bốn vị Thiên vương nghe đức Thế tôn dạy, buồn và khóc, chắp tay lạy ngài mà lui về chỗ của mình. Phẩm 5 : Danh Xưng Địa Ngục
Khi ấy đại bồ tát Phổ hiền bạch đức Địa tạng, thưa đại sĩ, tôi thỉnh cầu ngài nói cho tám bộ, cho bốn chúng (40) , cho cả mọi người trong hiện tại vị lai, về tên gọi và cực hình của địa ngục, nơi chịu quả khổ của những kẻ tội ác ở thế giới hệ Sa bà, trong đó có châu Diêm phù, để bao kẻ sau này, trong thời kỳ giáo pháp cuối cùng, biết rõ quả khổ ấy. Địa tạng đại sĩ nói, thưa nhân giả, tôi sẽ dựa vào uy thần của đức Thế tôn và của nhân giả mà nói đại lược về tên gọi và cực hình của địa ngục.
Thưa nhân giả, phía đông Diêm phù có dãy núi tên thiết vi. Giữa dãy núi ấy đen tối thăm thẳm, không có ánh sáng của mặt trời mặt trăng, có địa ngục lớn nhất tên cực vô gián, có địa ngục tên đại a tỳ, có địa ngục tên bốn góc, có địa ngục tên dao bay, có địa ngục tên tên lửa, có địa ngục tên núi ép, có địa ngục tên phóng giáo, có địa ngục tên xe sắt, có địa ngục tên giường sắt, có địa ngục tên bò sắt, có địa ngục tên áo sắt, có địa ngục tên ngàn mũi nhọn, có địa ngục tên lừa sắt, có địa ngục tên nước đồng sôi, có địa ngục tên ôm cột đồng, có địa ngục tên lửa tuôn, có địa ngục tên cày lưỡi, có địa ngục tên chặt đầu, có địa ngục tên đốt chân, có địa ngục tên ăn mắt, có địa ngục tên viên sắt, có địa ngục tên cãi cọ, có địa ngục tên rìu sắt, có địa ngục tên giận nhiều ... Địa tạng đại sĩ nói với đại bồ tát Phổ hiền, thưa nhân giả, trong dãy núi thiết vi có những địa ngục như vậy, số lượng vô số. Lại còn có địa ngục kêu la, địa ngục rút lưỡi, địa ngục phẫn giải, địa ngục xích đồng, địa ngục voi lửa, địa ngục chó lửa, địa ngục ngựa lửa, địa ngục bò lửa, địa ngục núi lửa, địa ngục đá lửa, địa ngục giường lửa, địa ngục cầu lửa, địa ngục chim ưng lửa, địa ngục cưa răng, địa ngục lột da, địa ngục uống huyết, địa ngục đốt tay, địa ngục đốt chân, địa ngục đâm ngược, địa ngục nhà lửa, địa ngục nhà sắt, địa ngục sói lửa ... Những địa ngục như vậy mỗi thứ còn có những địa ngục nhỏ phụ thuộc, hoặc một hoặc hai, hoặc ba hoặc bốn, cho đến hàng trăm hàng ngàn, và tên gọi khác nhau.
Địa tạng đại sĩ nói với đại bồ tát Phổ hiền, thưa nhân giả, tất cả địa ngục ấy được cảm ra bởi nghiệp lực của những kẻ làm ác ở châu Diêm phù. Nghiệp lực cực lớn: cao như núi cao, sâu như biển cả, hại cả thánh đạo. Vì vậy, mọi người đừng khinh thường lỗi nhỏ, cho là không hại gì. Bởi lẽ chết rồi, quả báo đủ cả, mảy may cũng phải chịu lấy. Chí thân như tình cha con đi nữa, cũng đường ai nấy đi. Túng sử gặp nhau, cũng không được chịu thay cho nhau (41) . Tôi nay dựa vào uy thần của đức Thế tôn, sắp kể ra đây một cách sơ lược cảnh tượng cực hình của trong địa ngục. Ước mong nhân giả nghe qua lời ấy. Đại bồ tát Phổ hiền nói, chính vì tôi biết từ lâu (42) về quả khổ ba đường dữ, nên mong muốn đại sĩ nói để làm cho sau này, trong thời kỳ giáo pháp cuối cùng, những kẻ làm ác nghe lời đại sĩ mà biết quay về với Phật.
Địa tạng đại sĩ nói, thưa nhân giả, cực hình địa ngục như thế này. Có chỗ kéo lưỡi tội nhân cho bò cày. Có chỗ moi tim tội nhân cho dạ xoa ăn. Có chỗ đun vạc sôi cuồn cuộn mà nấu thân tội nhân. Có chỗ nung đỏ cột đồng mà bắt tội nhân ôm lấy. Có chỗ phun lửa táp vào tội nhân. Có chỗ toàn là băng lạnh. Có chỗ tràn đầy phẫn giải. Có chỗ phóng toàn viên sắt có cạnh sắc gai nhọn (43) . Có chỗ đâm toàn giáo lửa. Có chỗ chỉ đánh lưng bụng. Có chỗ chỉ đốt tay chân. Có chỗ rắn sắt quấn xiết. Có chỗ xua chó sắt cắn. Có chỗ toàn là bắt cỡi lừa sắt ... Thưa nhân giả, cực hình như vậy trong các địa ngục được có bởi hàng trăm hàng ngàn hình cụ toàn là đồng, sắt, đá và lửa. Cả bốn thứ này đều do nghiệp dữ chung của mọi người cảm ra. Nếu kể cho rõ về cực hình địa ngục, thì trong mỗi chỗ đã có cả trăm cả ngàn cảnh tượng thảm khốc, huống chi nhiều chỗ. Tôi nay dựa vào uy thần của đức Thế tôn và của nhân giả mà nói sơ lược như trên. Nói và giải thích cho rõ thì trọn đời cũng không hết được. Phẩm 6 : Thế Tôn Tuyên Dương
Vào lúc bấy giờ, toàn thân đức Thế tôn phóng ra ánh sáng vĩ đại, chiếu khắp cõi Phật tương đương số cát của trăm ngàn vạn ức sông Hằng, rồi xuất ra âm thanh vĩ đại, tuyên cáo hết thảy bồ tát đại sĩ cùng thiên long quỉ thần (44) trong các cõi Phật ấy, rằng các người hãy nghe, hôm nay Như lai sẽ xưng tụng tán dương việc Địa tạng đại sĩ khắp trong thế giới hệ mười phương, vận dụng sức mạnh của uy thần và từ bi vô cùng vĩ đại, siêu việt, cứu vớt hộ trì hết thảy những kẻ tội khổ. Sau khi Như lai nhập niết bàn, các người, bồ tát đại sĩ và thiên long quỉ thần, hãy làm mọi cách mà kính giữ kinh này, để cho ai nấy đều thực hiện được cái vui niết bàn.
Khi lời ấy của đức Thế tôn được nói ra thì trong pháp hội có một vị đại bồ tát danh hiệu Phổ quảng, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, hôm nay con thấy đức Thế tôn xưng tụng Địa tạng đại sĩ có uy thần và từ bi rất vĩ đại và siêu việt, nên con thỉnh cầu đức Thế tôn vì những người trong thời kỳ giáo pháp cuối cùng mà nói về việc Địa tạng đại sĩ đem lại ích lợi trong nhân loại và chư thiên (45) , lúc tạo tác nguyên nhân cũng như lúc hưởng chịu kết quả, để tám bộ thiên long cùng những kẻ trong tương lai biết tôn kính tiếp nhận huấn dụ của đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Phổ quảng, và cả bốn chúng, hãy nghe cho kyլ Như lại sẽ nói cho các người một cách sơ lược về việc Địa tạng đại sĩ lợi ích bằng cách tạo ra phước đức trong nhân loại và chư thiên. Đại bồ tát Phổ quảng thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con xin tuân lời ngài, nguyện muốn được nghe.
Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Phổ quảng, trong thì vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào nghe danh hiệu của Địa tạng đại sĩ mà chắp tay, xưng tụng, lễ bái hay ngưỡng mộ, thì người ấy siêu thoát cái tội đáng lẽ phải chịu khổ trong ba mươi kiếp.
Phổ quảng, thiện nam hay thiện nữ nào vẽ hình tượng của Điạ tạng đại sĩ, hay làm hình tượng đại sĩ bằng đất đá, keo sơn, bạc vàng, đồng sắt, thì dầu một chiêm ngưỡng hay một lễ bái, kẻ đó vẫn được trăm lần sinh lên Đao lợi, trong một thì gian lâu dài không sa vào đường dữ. Giả sử phước báo chư thiên hết rồi, sinh xuống nhân gian, cũng vẫn còn làm quốc chúa, không mất lợi ích lớn lao.
Phổ quảng, nữ nhân nào chán thân nữ nhân, chí thành hiến cúng Địa tạng đại sĩ qua tượng vẽ, tượng làm bằng đất đá, keo sơn, đồng sắt, với cách ngày nào cũng tinh tiến hiến cúng hương hoa, ẩm thực, y phục, gấm lụa (46) , tràng phan, bảo vật, thì nữ nhân ấy, hết cái thân quả báo nữ nhân này rồi, trăm ngàn vạn kiếp không còn sinh vào thế giới có nữ nhân, huống chi phải làm lại thân ấy. Ngoại trừ trường hợp vì thệ nguyện từ bi, phải làm thân nữ nhân để hóa độ kẻ khác, thì thiện nữ ấy, nhờ sức thần của đức Địa tạng mà mình hiến cúng và nhờ sức mạnh của công đức hiến cúng đức Địa tạng, nên trăm ngàn vạn kiếp không còn làm thân nữ nhân nữa.
Phổ quảng, nữ nhân nào chán ngán cái thân xấu xí bịnh hoạn, thì hãy đối trước hình tượng Điạ tạng đại sĩ mà chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái. Làm như vậy dẫu thì gian chỉ bằng bữa ăn, nữ nhân ấy cũng ngàn vạn đời được cái thân tướng mạo toàn hảo, không mọi bịnh hoạn (47) . Nếu nữ nhân xấu xí ấy không chán thân nữ nhân, thì trong trăm ngàn vạn ức đời thường làm vương nữ, vương phi, con gái tể tướng, quí tộc, đại trưởng giả, sinh ra là đoan trang, tướng mạo tuyệt hảo. Vì lòng chí thành nên chiêm bái Địa tạng đại sĩ được phước như vậy.
Phổ quảng, thiện nam hay thiện nữ nào đối trước hình tượng Địa tạng đại sĩ mà diễn tấu nhạc khí (48) , ca vịnh, tán dương, hương hoa hiến cúng, lại khuyến cáo một người cho đến nhiều người cùng làm như vậy, thì những người ấy, trong hiện tại cũng như trong tương lai, luôn luôn được hàng trăm hàng ngàn quỉ thần ngày đêm hộ vệ, không để cho việc dữ lọt vào tai họ, huống chi để họ bị mọi sự ngang trái.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, nếu có người ác, quỉ ác và thần ác, thấy thiện nam hay thiện nữ nào biết qui y, tôn kính, hiến cúng, xưng tụng, chiêm ngưỡng hay lễ bái hình tượng Địa tạng đại sĩ mà mỉa mai, phỉ báng rằng vô phước và vô ích, hoặc nhe răng ra mà cười, hoặc công kích sau lưng trước mặt, hoặc lôi cuốn một người hay nhiều người chung nhau phỉ báng, thì sự phỉ báng này dầu chỉ một lát mà thôi, kẻ phỉ báng ấy, ngàn vị Phật đà của Hiền kiếp nhập diệt cả rồi, quả khổ của sự phỉ báng làm cho họ vẫn còn ở trong vô gián ngục, chịu hình phạt rất nặng. Hiền kiếp qua rồi mới được làm ngạ quỉ, ngàn kiếp sau đó mới được làm súc sinh, ngàn kiếp sau đó nữa mới được làm người. Dẫu được làm người, nhưng làm người nghèo nàn hèn hạ, giác quan không đủ, phần nhiều bị nghiệp dữ trở lại kết nơi tâm lý, nên không bao lâu lại sa vào đường dữ. Phổ quảng, phỉ báng sự hiến cúng Điạ tạng đại sĩ của người khác mà còn bị quả khổ như vậy, huống chi chính mình phỉ báng Địa tạng đại sĩ bằng kiến thức ác hại.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, nam tử hay nữ nhân đau ốm liệt giường mòn gối, cầu sống không được, muốn chết không xong. Ban đêm mộng thấy quỉ dữ, thấy bà con, thấy đi vào đường hiểm, thấy lắm sự kinh hãi (49) , thấy đi với quỉ thần. Rồi ngày tháng dần dà chuyển thành lao bại, trong giấc ngủ kêu la thảm thiết. Như vậy toàn là đang bị luận định về nghiệp dữ, nặng nhẹ chưa quyết, nên chết đã khó mà lành càng khó hơn. Mắt phàm nam nữ làm sao rõ được việc ấy. Vậy thân nhân nên đối trước tượng Phật đà hay tượng Bồ tát, cao tiếng mà tụng cho bịnh nhân một biến kinh này. Lại nên đem tài sản mà bịnh nhân vốn luyến tiếc, như y phục, đồ quí, ruộng vườn, nhà cửa, đối trước bịnh nhân, cao tiếng nói rõ mình tên họ như vậy, xin vì bịnh nhân mà đối trước kinh Phật và tượng Phật đem tài sản của bịnh nhân hiến cúng kinh tượng, hoặc tạo tượng Phật đà hay tượng Bồ tát, hoặc làm chùa tháp, hoặc cúng vào qụ hương đèn, hoặc hiến cúng tăng chúng thường trú. Hãy nói ba lần như vậy cho bịnh nhân nghe và biết. Giả sử bịnh nhân ý thức đã tản, đến nỗi hơi thở đã hết, cũng vẫn một ngày cho đến bảy ngày, cao tiếng mà nói và cao tiếng tụng kinh. Như vậy thì bịnh nhân ấy, sau khi chết, nghiệp dữ đã làm dẫu nặng đến như năm tội sa vào vô gián ngục đi nữa (50) , cũng vẫn thoát khỏi lâu dài, sinh ra ở đâu cũng tự biết đời trước của mình. Ấy là bịnh nhân được làm cho mà hiệu quả đến như vậy, huống chi chính thiện nam hay thiện nữ nào tự sao chép kinh Địa tạng hoặc khuyên người sao chép, tự đắp vẽ tượng Địa tạng hay khuyên người đắp vẽ, thì kết quả nhận được thật đại lợi ích. Vì lý do ấy, Phổ quang, hễ thấy ai đọc hay tụng kinh Địa tạng, cho đến chỉ chốc lát xưng tụng hay tôn kính kinh này mà thôi, các người cũng phải vận dụng trăm ngàn phương tiện, khuyến khích cho họ nỗ lực mà đừng có thoái chí, thì quyết chắc trong hiện tại cũng như trong tương lai, họ thực hiện được ngàn vạn ức công đức bất khả tư nghị.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, những kẻ chiêm bao hay ngủ say, thấy các quỉ thần với bao nhiêu biến dạng buồn có, khóc có, rầu có, than có, sợ có, hãi có. Ấy toàn là cha mẹ con cái, anh em chị em, hay vợ chồng bà con, trong quá khứ một đời mười đời hay trăm đời ngàn đời, hiện ở trong đường dữ mà chưa được thoát khỏi, không biết hy vọng vào đâu làm phước cứu vớt, nên họ báo mộng cho những kẻ xương thịt trong quá khứ, trông mong làm phước để cứu họ thoát khỏi đường dữ. Phổ quảng, các người hãy vận dụng thần lực làm cho những kẻ xương thịt ấy biết đối trước tượng Phật đà hay tượng Bồ tát, chí tâm tự tụng kinh này hay cung thỉnh người khác tụng cho, số lượng phải ba biến hay bảy biến. Như vậy, những kẻ bà con còn ở trong đường dữ kia, hễ tiếng tụng kinh đủ biến chấm dứt, thì họ cũng được siêu thoát, mộng mị cũng không bao giờ còn thấy họ nữa.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, những kẻ thấp thỏi, như những người làm tôi tớ cho đến những người không còn tự chủ, ý thức nghiệp cũ mà muốn sám hối, thì hãy chí thành chiêm bái hình tượng Địa tạng đại sĩ, và ít nhất cũng trong một tuần bảy ngày, trì niệm danh hiệu của đại sĩ cho được vạn biến, thì những người ấy hết quả báo này rồi, trong ngàn vạn đời sau thường sinh chỗ tôn quí, lại không còn trải qua quả khổ ở trong ba đường dữ.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, tại châu Diêm phù này, sát đế lợi hay bà la môn, trưởng giả hay cư sĩ, mọi người thuộc giai cấp và sắc tộc khác nhau, có con mới sinh thì bất cứ nam hay nữ, trong một tuần bảy ngày, hãy sớm đọc tụng cho chúng bản kinh không thể nghĩ bàn này, lại trì niệm cho chúng danh hiêu của Địa tạng đại sĩ đủ số vạn biến. Như vậy, những trẻ sơ sinh ấy, bất cứ nam hay nữ, nếu đời trước có nghiệp dữ để sẽ chịu quả khổ thì cũng tiêu tan được cả, yên vui, dễ nuôi, tăng thêm tuổi thọ; nếu sinh ra bởi phước đức, thì hạnh phúc và tuổi thọ lại càng thêm lên.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, mỗi tháng các ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hâm ba, hâm bốn, hâm tám, hâm chín hay ba mươi, là những ngày kê cứu tội ác để phán định nặng nhẹ. Mà người Diêm phù thì cử động (51) hay suy tư toàn là nghiệp, toàn là tội, huống chi lại còn mặc ý sát sinh trộm cướp tà dâm vọng ngữ, nghiệp dữ cả trăm cả ngàn. Trong những ngày thập trai trên đây, nếu kẻ nào biết đối trước tượng Phật đà, tượng Bồ tát hay tượng Hiền thánh mà tụng một biến kinh này, thì khu vức người ấy cư trú, đông tây nam bắc chu vi một trăm do tuần, không có mọi sự tai nạn, và nhà ở của người ấy thì bất cứ lớn nhỏ, từ hiện tại đến vị lai, trong cả trăm cả ngàn năm thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài. Mỗi ngày thập trai biết tụng kinh này một biến, việc ấy, ngay trong đời này, đã làm cho cả nhà không có tai họa, bịnh tật, ăn mặc sung túc.
Đại loại như vậy, Phổ quảng, các người nên biết Địa tạng đại sĩ, xuất từ thần lực vĩ đại, có những sự ích lợi cho người đạt đến số lượng trăm ngàn vạn ức, không thể nói hết. Đối với Địa tạng đại sĩ, người Diêm phù có sự liên hệ lớn lao. Người ở đây nghe danh hiệu hay thấy hình tượng của đại sĩ, cho đến nghe kinh này dầu chỉ được ba chữ hay năm chữ, một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa (52) , hiện tại cũng đạt được sự yên vui tuyệt diệu, mà vị lai thì trăm ngàn vạn đời luôn luôn sinh ra trong nhà tôn quí, tướng mạo và tánh tình đều hoàn hảo.
Lúc ấy đại bồ tát Phổ quảng nghe đức đại giác Thế tôn tán dương và xưng tụng Địa tạng đại sĩ rồi, quì xuống, chắp tay mà thưa thêm nữa, rằng bạch đức Thế tôn, từ lâu rồi con đã biết vị đại sĩ này có thần lực siêu việt và nguyện lực vĩ đại như đức Thế tôn đã dạy. Nhưng con muốn làm cho bao kẻ sau này biết được những sự ích lợi xuất từ thần lực và nguyện lực ấy, nên đã thỉnh vấn đức Thế tôn. Con xin cung kính tiếp nhận những lời đức Thế tôn huấn dụ.
Bạch đức Thế tôn, kinh này ngài mệnh danh là gì, và dạy chúng con truyền bá như thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Phổ quảng, kinh này có ba danh hiệu: có thể mệnh danh là Bản nguyện của Địa tạng đại sĩ, cũng có thể mệnh danh là Bản hạnh của Địa tạng đại sĩ, lại có thể mệnh danh là Năng lực hạnh nguyện của Địa tạng đại sĩ. Cả ba danh hiệu ấy đều căn cứ vào thệ nguyện trọng đại và ích lợi chúng sinh của Địa tạng đại sĩ đã phát ra từ bao kiếp lâu xa. Vì lý do ấy, các người hãy thể theo đại nguyện như vậy mà truyền bá kinh này.
Đại bồ tát Phổ quảng nghe đức Thế tôn huấn dụ, chắp tay cung kính, làm lễ mà lui về chỗ của mình. Chú thích:
(1) Bản dịch này đáng lẽ cũng chia kinh Địa tạng làm 2 cuốn như Chính 13/777-790, nhưng vẫn chia làm 3 cuốn như nguyên bản thường là để dễ thích ứng với thì gian trì tụng.
(2) Tạm dịch tên 23 định như sau: 1. định có thể phát ra trí giác, 2. định đầy đủ trí giác vô biên, 3. định đầy đủ trí giác trong sạch, 4. định đầy đủ trí giác hổ thẹn, 5. định đầy đủ trí giác các thừa, 6. định đầy đủ trí giác không lo, 7. định đầy đủ trí giác thần thông, 8. định soi khắp thế gian, 9. định đèn đuốc chư Phật, 10. định ánh sáng kim cương, 11. định trí giác khó phá, 12. định ánh sáng của điện, 13. định đầy đủ mùi vị hơn hết, 14. định đầy đủ tinh chất hơn hết, 15. định đầy đủ đồ dùng hơn hết, 16. định dẫn ra trí tuệ không cãi, 17. định dẫn ra phấn chấn hơn hết, 18. định dẫn ra ánh sáng đường đời, 19. định khéo ở kim cương hơn hết, 20. định dẫn ra quán sát tăng thượng, 21. định đầy đủ từ bi, 22. định dẫn ra phước đức, 23. định ánh sáng điện biển.
(3) Ngũ trược, hay ngũ trược ác thế, mà trong kinh Thập luân, ngài Huyền tráng đã dịch ngũ trược ác thời, là thời kỳ dữ dội đầy cả 5 thứ vẩn đục -- thời kỳ mà nói chung là kiếp trược (thời kỳ vẩn dục: thời kỳ dữ dội), vì có kiến trược (kiến thức vẩn đục: kiến thức sai lầm), có phiền não trược (tâm lý vẩn đục: tâm lý độc ác), có chúng sinh trược (con người vẩn đục: con người xấu kém), và có mạng trược (đời sống vẩn đục: đời sống ngắn ngủi). Giai đoạn ngũ trược thì dẫn đến giai đoạn tam tai, tức là 3 tai nạn đao binh, tật dịch, cơ cẩn (chiến tranh, nhiễm độc, nhân mãn). Sự dữ dội của tam tai thì cứ nhìn vào thế giới ngày nay cũng đủ thấy, không đợi phải tả lúc ấy con người thấy cái gì cũng là vũ khí, và một lá cỏ giết người còn hơn tất cả binh chủng toàn cõi Ấn độ xưa.
(4) Phải nói rõ vị thứ đối với mình của người mình cầu an cầu siêu cho. Nếu nhiều người cùng lúc lễ bái trì tụng thì chỉ bạch "Đệ tử chúng con nguyện cầu siêu cho những người quá vãng và cầu an cho những người hiện còn".
(5) Khuy cơ đại sư nói, khi giải thích chữ Phật trong câu "nhất thời Phật tại", rằng xét bản chữ Phạn của các kinh đều gọi đức bổn sư là Bạc dà phạn (Thế tôn). Đức Bổn sư dạy để chữ ấy vì chữ ấy gồm đủ các đức tính. Nhưng dịch chủ ý muốn vắn tắt nên để chữ Phật (Vạn 33/71B).
(6) Hai lần không thể nói hết là 1 trong những số rất nhiều.
(7) Thế giới hệ nghĩa là một hệ thống thế giới. Thế giới, quốc độ, hầu hết những chữ ấy tôi đã đổi ra chữ thế giới hệ, để mong hình dung nổi một thế giới của hóa thân Phật giáo hóa. Nên tạm đối chiếu thế giới hệ như vậy với các thiên hà trong thiên văn. Nhưng thế giới hệ chỉ là đại thiên thế giới (tam thiên đại thiên thế giới), chưa phải hoa tạng thế giới hay thế giới chủng.
(8) Chính văn bất khả tư nghị có khi để nguyên, có khi được dịch là siêu việt, có khi được dịch là không thể nghĩ bàn. Bất khả tư nghị có nghĩa là siêu việt tư duy và mô tả. Ở chỗ khác, từ ngữ này có khi chỉ cho thật tướng "ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt": chỉ cho Không. Nhưng ở kinh này thì từ ngữ này hầu hết chỉ có nghĩa siêu việt, vĩ đại, không thể nghĩ và nói cho thấu; có khi chỉ có nghĩa phi thường, đặc biệt, không thể nghĩ và nói một cách bình thường.
(9) Ánh sáng ngàn vạn ức sắc thái, chính văn là bách thiên vạn ức đại quang minh vân, dịch đủ là vầng mây ánh sáng rực rỡ đủ cả trăm ngàn vạn ức sắc thái. Ánh sáng ngàn vạn ức sắc thái là ánh sáng biểu thị vô số các pháp mà Phật có và muốn truyền đạt, tức đại viên mãn, v/v. Nhìn vào ánh sáng này, bực thượng căn nhìn ra và có được các pháp ấy. Thuyết pháp và nghe pháp như vậy là sắc trần thuyết pháp. Mà lục trần đều thuyết pháp cả. Nên thế giới Hương tích thuyết pháp bằng hơi thơm và đó là hương trần thuyết pháp. Phải coi thêm các chú thích 11 và 12 dưới đây.
(10) Không thể nói hết cũng là 1 số nhiều, sau số hai lần không thể nói hết.
(11) Â thanh đủ mọi sắc thái mầu nhiệm, chính văn là chủng chủng vi diệu chi âm, dịch sát là âm thanh đủ thứ mầu nhiệm. Âm thanh đây là tiếng. Chưa phải nói, chưa phải ngôn ngữ. Tức như tiếng Phật mở cửa tháp Đa bảo hay 2 tiếng dằng hắng và đàn chỉ trong Pháp hoa. Âm thanh đây có lúc cũng là nói, nhưng chỉ như Phật nói "Thiện lai tỷ kheo" (cách Phật truyền giới; người được nói với, nghe, là thành tỷ kheo). Âm thanh đủ sắc thái mầu nhiệm là âm thanh biểu thị vô số các pháp mà Phật có và muốn truyền đạt, tức lục độ, v/v. Các bậc thượng căn nghe âm thanh này là nghe ra và có được các pháp ấy. Thuyết pháp và nghe pháp như vậy là thanh trần thuyết pháp. Sau ánh sáng và âm thanh, Phật nói, chỉ là nói lại những gì 2 thứ ấy biểu thị, và nói cho những ai phải hiểu bằng lời nói. Lời nói cũng là thanh trần, nhưng sau âm thanh nhiều lắm, đến nỗi văn thân, danh thân và cú thân thì đã là bất tương ưng hành pháp.
(12) Ánh sáng và âm thanh mà Phật phóng xuất là vài thần lực của ngài, có tác dụng vừa biểu thị các pháp mà ngài muốn truyền đạt, vừa làm cho những người có cơ duyên đến dự pháp hội Phật tuyên thuyết về các pháp ấy - tức kinh này đây.
(13) Phi phi tưởng là Phi tưởng phi phi tưởng, nhưng gọi tắt là Phi phi tưởng lại chỉnh hơn.
(14) Kinh này hay dùng chữ đại sĩ đễ gọi đức Địa tạng. Bản dịch này dùng toàn chữ này thay hết những chữ khác nữa đã gọi ngài. Và chỉ ngài mới gọi bằng chữ đại sĩ.
(15) Tám bộ thiên long là 8 bộ loại: 1. Thiên: chư thiên, 2. Long: chúa thủy tộc, 3. Dạ xoa: quỉ thần phi hành không gian, 4. Càn thát bà: nhạc thần tấu nhạc thế tục của Đế thích, 5. A tu la: thần hay chiến đấu với Đế thích, 6. Ca lâu la: thần kim sí điểu, 7. Khẩn na la: ca thần tấu nhạc chánh pháp của Đế thích, 8. Ma hầu la dà: thần địa long. Tám bộ thiên long cũng gọi là 8 bộ, 8 bộ long thần, thiên long quỉ thần. Tám bộ này khác 8 bộ quỉ chúng của 4 Thiên vương thống lãnh. Trong 8 bộ, thiên và long linh nhất nên hay gọi là 8 bộ thiên long. Lại nữa, 8 bộ thiên long thường kèm theo từ ngữ ờnhân phi nhânở, có nghĩa tất cả 8 bộ khi đến Phật thì hiện thân người, nhưng gốc của họ không phải loài người, nên gọi là nhân phi nhân (người không phải người). Trường hợp nhân phi nhân có nghĩa nhân loại và loài khác, thì từ ngữ này cũng hay đi sau từ ngữ 8 bộ thiên long, nhưng loài khác là 8 bộ thiên long (và 8 bộ quỉ chúng).
(16) Thì gian lâu dài, chính văn là vĩnh. Vĩnh nghĩa là vĩnh viễn, lâu dài, rất lâu. Kinh này phần nhiều là 2 nghĩa sau.
(17) Sáu đường (lục đạo) là địa ngục, quỉ, súc sinh (thường gọi là 3 đường dữ) và trời, người, a tu la (trời và người thường gọi là đường lành). Sáu đường có khi thu lại 5 đường (ngũ đạo) thì a tu la gồm vào trong quỉ và trời. Đường, chính văn là đạo, có nghĩa những nẻo đường chúng sinh qua lại lên xuống; cũng gọi là thú, có nghĩa những hướng chúng sinh đi mau đến. Do đó, 6 đường có khi cũng dịch 6 loài.
(18) Trăm triệu, chính văn là na do tha, ngài La thập dịch là cai, ngài Khuy cơ giải là trăm triệu (Vạn 52/447B).
(19) Đọc thấy như thế này đừng nghĩ thành Phật rồi không còn độ sinh nữa. Trái lại. Thành Phật là để độ sinh, và độ sinh mới nhiều hơn. Nên chính đức Địa tạng cũng hiện thân Phật mà độ sinh (Chính 13/725). Như vậy, nói như trên đây về đại nguyện của đức Địa tạng chỉ là đề cao một đại nguyện đặc biệt của một vị đại sĩ độc đáo. Những cách nói sau này cũng vậy.
(20) Kiếp vô số là a tăng kỳ tiếp. A tăng kỳ là vô số (1 trong các số rất lớn). A tăng kỳ kiếp là thời kỳ dài vô số.
(21) Giáo pháp tương tự, chính văn là tượng pháp. Sự tồn tại của giáo pháp Phật có 3 thời kỳ: thời kỳ giáo pháp nguyên chất (chánh pháp, có sự giải thoát kiên cố), thời kỳ giáo tương tự (tượng pháp, có sự thiền định kiên cố) và thời kỳ giáo pháp cuối cùng (mạt pháp, chỉ có sự đấu tranh kiên cố). Hiện nay là thời kỳ giáo pháp cuối cùng của đức Bổn sư.
(22) Nghiệp thức, chính văn là hồn thần, 1 chữ có vẻ cố ý dùng cho phổ thông. Nhưng chữ ấy có những ý tưởng trái với Phật pháp. Chữ ấy đúng ra phải nói là nghiệp thức, tức di thục thức trong Duy thức học hay thức và hữu trong 12 duyên khởi, là trung hữu trong 4 hữu, nên phải đổi lại cho xác. Nghiệp thức là thức đã huân tập nghiệp một cách thành thục, nên ngay hiện tại mà đã hình thành nghiệp quả vị lai: đang là con người mà đã thấy sẽ là ông trời hay con vật (nghiệp quả vị lai ấy là sinh trong 12 duyên khởi).
(23) Diêm phù, nói giản dị, là thế giới loài người chúng ta đây.
(24) Nhân tố thánh thiện, hay nhân tố thánh thiện và thượng đẳng, là dịch những chữ thiện nhân, thánh nhân, thánh phần, thánh sự, thiện sự, thiện duyên, thánh thượng nhân. Những chữ này, ở kinh này, dầu gồm có chữ thánh cũng vẫn chưa phải chỉ cho nhân tố vô lâểu, mà chỉ là những việc thiện kinh này đề ra, quan trọng là niệm Phật, trì kinh này, bố thí hiến cúng, không sát sinh ... Việc thiện như vậy là nhân tố sinh nhân thiên. Và sẽ trở thành nhân tố vô lậu nếu biết hồi hướng cho chúng sinh, nghĩa là làm cho nhân tố thánh thiện vượt lên (siêu thánh nhân) như kinh này dạy rõ.
(25) Toàn là địa ngục, chính văn là thị giai địa ngục, thị, có bản chép đại: sai.
(26) Tuệ giác vô thượng, chính văn là a nậu đa la tam miệu tam bồ đề, dịch ý là vô thượng chánh đẳng giác: tuệ giác biết đúng, biết khắp và biết hơn hết. Tuệ giác ấy là của Phật, và được gọi tắt là vô thượng bồ đề (tuệ giác vô thượng).
(27) Phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức là, theo kinh Phạn võng (Chính 24/997), Phật từ bản thân phân hóa một ngàn thân, một ngàn thân này mỗi thân phân hóa một trăm ức thân nữa. Như vậy ngàn trăm ức nghĩa là một ngàn và một ngàn lần trăm ức. Thân Phật trong lịch sử loài người là 1 trong số một ngàn lần trăm ức. Nhưng một ngàn và một ngàn lần trăm ức như vậy chỉ là nói Phật phân hóa thân Phật, chưa nói Phật phân hóa thân khác và phân hóa cảnh vật - là 2 sự phân hóa mà kinh Địa tạng này kể ra một số ở dưới. Phật nói chính ta cũng phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức, Phật ấy, đối với chúng ta thì chỉ là một trong số một ngàn lần trăm ức, nhưng đối với đức Địa tạng thì ít nhất cũng là bản thân đã phân hóa ra ngàn trăm ức thân hình (như Phạn võng nói) lại phân hóa thân khác và phân hóa cảnh vật (như một phần nữa của kinh này nói).
(28) Bản in năm 2514 (1970) tôi đã chuyển văn một chút mà dịch: Hoặc hiện sông núi, bình nguyên, ao hồ, suối giếng, lợi ích tất cả, toàn là tác dụng hóa độ. Nay trích ra đây để làm cho câu này rõ nghĩa hơn. Về chữ bình nguyên, chính văn là nguyên, không nên cố hiểu như có bộ thủy rồi dịch là suối nguồn.
(29) Dịch sát: ... thì đại sĩ hãy nhớ, tại cung trời Đao lợi này ta đã thiết tha ký thác, mà làm cho chúng sinh thế giới hệ Sa bà trong quãng từ nay đến ngày Di lạc từ tôn xuất thế, đều được giải thoát, xa hẳn mọi sự thống khổ, gặp Phật thọ ký cho.
(30) Đức Phật của mình, chính văn là kỳ Phật. Chữ kỳ Phật ấy là chữ duy nhất và rất đúng. Trong phần dẫn nhập, phẩm 1 đã nói thần lực tại cung Đao lợi có 1 phần không nói mà thấy rất rõ, đó là biến cung Đao lợi vốn rất lớn và trang nghiêm càng lớn và trang nghiêm vô tận, trường hợp như Bồ đề tràng trong Hoa nghiêm. Đến phẩm này, khi nói "đức Thế tôn đưa cánh tay vàng xoa trên đỉnh đầu hết thảy thân hình của Địa tạng đại sĩ đã phân hóa tại các thế giới hệ nhiều đến vô số con số vô số". Nói như vậy mà không thêm ít nhất là mấy chữ "bằng thần lực" vào trước hay sau mấy chữ đức Thế tôn, nhưng ta vẫn thấy thần lực ấy rất rõ. Đó là nói về Phật. Còn đức Địa tạng thì nội một việc phân thân cũng đã thấy ngài là vị pháp thân đại sĩ. Nên đức Phật của ngài, như trên, không phải chỉ là đức Phật chúng sinh thấy được.
(31) Năm nghiệp dữ trong đoạn này nói, xét ra chính là 5 thứ mà các phẩm sau gọi là 5 tội sa vào vô gián ngục, mặc dầu trong chi tiết thì nói cho người xuất gia nhiều hơn. Trong đoạn này chính văn có câu "thiên vạn ức kiếp" cần phải nói đến. Câu này không phải chỉ có trong đoạn này, mà kinh này còn nhiều chỗ nữa cũng nói và có khi nói khác một chút. Câu này theo văn tự thường và thường hiểu là ngàn vạn ức kiếp. Ý nghĩa câu này thì ngoại trừ nói tổng quát, khoa dụ hay cảnh cáo, nói để biểu thị sự tối đa, còn có chỗ như đoạn này lại có ý nói đến đại kiếp. Nhưng sự sống lâu tại vô gián ngục, theo 2 ngài Khuy cơ và Cát tạng là các vị đáng học nhất, khi giải thích Pháp hoa (phẩm Thí dụ) nói "nhập a tỳ ngục, cụ túc nhất kiếp" (Chính 9/15) thì kiếp ấy là tiểu kiếp (tiểu kiếp của ngài La thập dịch là trung kiếp của ngài Huyền tráng dịch). Tham chiếu Vạn 42/401B và Vạn 52/410B và 411A. Do vậy, "thiên vạn ức kiếp" phải dịch một kiếp ngàn vạn ức năm (và ức kiếp nên dịch một kiếp có ức năm ...).
(32) Năm sự ấy nói ngay ở dưới. Nhưng nói tắt và xác hơn thì cái tên vô gián ngoài cái nghĩa của luận Câu xá nói chịu khổ một cách không có sự tạm ngừng hay không có sự vui xen vào, còn có cái nghĩa của luận Thành thật nói đọa vào vô gián ngục thì không có đời nào hay sát na nào xen cách vào. Nghĩa là đời này chết là đời sau đọa liền, không có đời nào xen cách; hơn nữa, sát na này chết là sát na sau đọa liền, không có sát na nào xen cách. Học lý này cho thấy đọa vô gián ngục nặng ở chỗ không có cái thì gian 49 ngày để có thể làm phước cứu vớt hiệu quả hơn.
(33) Dịch sát: mọi Khương, rợ Hồ, các sắc tộc phương đông và các sắc tộc phương bắc. Tức là chỉ nói về mọi rợ. Nhưng ý thì ở đây rõ ràng phải nói cả mọi rợ và văn minh.
(34) Đã sẩy vào trong dòng nước có lưới rồi, thì dẫu có lúc tạm thoát ra khỏi lưới đi nữa, chính văn là thoát nhập tạm xuất (sẩy vào tạm thoát). Chữ sẩy khá giống từ ngữ bất giác vọng động. Không bản chính nào chép thoát hoặc tạm xuất (thảng hoặc tạm thoát). Với ví dụ này, kinh này nói giải thoát có 2: thoát đường dữ (thoát lưới) và thoát cả 5 đường luân hồi (thoát dòng nước). Đó là nói về quả. Nói về nhân thì ví dụ này cho thấy giải thoát là thoát thức tánh bất định (thoát dòng nước) và thoát hoàn cảnh chi phối (thoát lưới); hoặc cạn hơn, giải thoát là thoát nghiệp dữ (thoát lưới) và thoát hoàn cảnh chi phối (thoát dòng nước). Như vậy sự giải thoát kinh này tuy có 2: có sự thoát tạm và có sự thoát hẳn; nhưng sự thoát tạm (thoát lưới: thoát nghiệp dữ và đường dữ địa ngục) là cần kíp nhất và kinh này rất quan tâm.
(35) Đàn chỉ, thường cắt nghĩa là gảy móng tay, có nghĩa móng tay này gảy móng tay khác. Nhưng xét ra có lúc và có chỗ không ổn. Đàn là đánh, gõ, gảy; chỉ là ngón tay, không phải móng tay. Như vậy đàn chỉ là đánh hay gõ ngón tay vào vật khác (như gõ cửa) hay có nơi dùng 8 ngón tay của 2 bàn tay đánh vào nhau (gần như vỗ tay). Đàn chỉ như vậy thì đúng nhu cầu của Tăng luật. Còn đàn chỉ theo nghĩa tốc độ (như kinh này nói ở đây) thì cắt nghĩa thế nào cũng được.
(36) Y phục ở đây là vải lụa gấm vóc dùng làm khăn, đãy và hộp mà che phủ chứa đựng.
(37) Chính văn đủ thì có 3: tước, cáp (bồ câu) và uyên ương. Riêng tước, thường nói là chim sẻ, nhưng Địa tạng khoa chú (Vạn 35/264A) nói là khổng tước (con công) : loại chim dâm bậy nhất.
(38) Kiến thức sai lầm, chính văn là tà kiến, cốt yếu chỉ cho các chủ thuyết phủ nhận nguyên lý nhân quả, nhất là nguyên lý nhân quả về thiện ác và nghiệp báo. Tà kiến là ác kiến: kiến thức độc hại. Chỗ không có Phật pháp, chính văn là biên địa: những địa phương biên thùy, nói rộng ra là những nơi không có Phật giáo hay tư tưởng Phật giáo. Tuy nhiên, tà kiến và quả báo tà kiến như thế này chưa đủ để diễn tả những chủ thuyết độc hại nhân loại hiện nay.
(39) Khổ báo hay phước báo đều có 3 giai đoạn. Ba giai đoạn của khổ báo: giai đoạn chịu trước, chịu ngay trong đời này hay đời kế tiếp; giai đoạn chính thức, chịu ngay trong đời kế tiếp hay các đời sau (trừ trường hợp sinh thân đọa địa ngục); giai đoạn còn thừa, chịu trong các đời sau. Xét những quả khổ được nói trong đoạn kinh này thì thấy phần nhiều giai đoạn chịu trước, cũng có thứ là giai đoạn còn thừa. Hai giai đoạn này hay giống nhau, và phần nhiều chịu trong loài người, còn giai đoạn chính thức thì toàn đọa 3 đường dữ mà khổ nhất là địa ngục.
(40) Bốn chúng là tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Bốn chúng còn là người (4 chúng trên), trời, rồng và thần (tức 8 bộ). Lại có pháp số 4 chúng nữa tuy không chính thức mà rất đáng chú ý. Là với một pháp thoại của Phật có 1. người phát khởi: người khơi động để Phật nói, 2. người đương cơ: những người đối tượng của pháp Phật nói, 3. người ảnh hưởng: những người làm trang trọng cho cuộc nói pháp ấy, 4. người kết duyên: những người kết duyên lành với pháp ấy để tương lai chứng ngộ.
(41) Dịch sát: không bằng lòng chịu thay. Nhưng nghĩa chính là bằng lòng chịu thay cũng không được.
(42) Vì tôi biết từ lâu, chính văn là ngô dĩ cửu tri. Chữ dĩ ở đây là vì, không phải chữ dĩ là đã như bản khác chép. Chép dĩ là đã thì thừa và non.
(43) Viên sắt có cạnh sắc gai nhọn, chính văn là tật lê. Tật lê phải viết bộ thảo, không phải bộ kim. Tật lê là vũ khí bằng sắt, làm giống trái tật lê, thứ trái có 3 cạnh 4 gai, tức là có nhiều cạnh sắc gai nhọn. Vũ khí này mắc vào một đầu giây xích. Người sử dụng móc tay vào đầu dây xích còn lại, rồi cánh tay giật tới giật lui với một tốc độ mau và mạnh, vũ khí tật lê vung tới vung lui làm cho nạn nhân khó né tránh cho khỏi. Vũ khí người học võ còn có cái gọi là tật lê chùy, quân khí cũng có thứ gọi là thiết tật lê.
(44) Lược bớt chữ nhân phi nhân, chỉ để ngắn gọn mà thôi.
(45) Đem lại lợi ích trong nhân loại và chư thiên, chính văn là lợi ích nhân thiên. chính văn ấy tuy cũng có thể hiểu và dịch là lợi ích cho nhân loại và chư thiên, nhưng không chính xác với việc và ý bằng sự hiểu và dịch như đã dịch. Dịch như đã dịch, có nghĩa là đem lại sự yên vui tuyệt diệu (thắng diệu lạc mà ở đây gọi là lợi ích) cho nhân thiên và mọi loài (chính văn gọi là 6 đường chúng sinh). Thắng diệu lạc hay lợi ích như vậy tuy còn siêu việt lên nữa chứ không phải chỉ có ở trong phạm vi nhân thiên, nhưng phần chính vẫn là ở trong phạm vi ấy, nên gọi là "đem lại lợi ích trong nhân loại và chư thiên".
(46) Y phục gấm lụa: coi lại chú thích 36 .
(47) Không mọi bịnh hoạn, chính văn là vô chư tật bịnh. Có bản chép thiếu 4 chữ này : sai.
(48) Diễn tấu nhạc khí, chính văn là tác chư kỹ nhạc. Câu này có chỗ còn là biểu diễn kịch nghệ và hòa tấu nhạc khí. Dĩ nhiên kyՍ nhạc ở đây là kỹ nhạc Phật giáo. Riêng chữ kỹ phải viết bộ thủ hay bộ nhân, nghĩa là kỹ thuật diễn tấu; không phải viết bộ nữ, có nghĩa là kỹ nữ.
(49) Lắm sự kinh hãi, chính văn là yểm mị. Mị là ngủ say. Yểm là bóng đè, ma đè, ác mộng, nói chung là những sự làm kinh hãi.
(50) Năm tội sa vào vô gián ngục, chính văn là ngũ vô gián tội, còn được dịch là 5 nghiệp dữ vô gián hay dịch tắt hơn: 5 tội vô gián. Dịch thật rõ thì ngũ vô gián tội là 5 tội sa vào địa ngục có 5 sự không xen cách. Năm tội hay nghiệp dữ ấy, ở kinh này, là tội đã nói trong phẩm 3 (coi lại chú thích 31 ).
(51) Cử động, chính văn là cử chỉ, dịch đúng và đủ thì phải là hoạt động (cử) và đình chỉ (chỉ), có nghĩa làm hay ngưng gì của chúng ta cũng là tội lỗi nếu làm hay ngưng với dụng ý và hậu quả xấu.
(52) Một câu đủ nghĩa, chính văn và nhất cú. Nhất cú không phải là 1 câu, mà là 1 câu đủ nghĩa, như nói các pháp vô thường, chúng sinh có giác tánh, v/v. Còn 1 bài chỉnh cú, chính văn là nhất kệ. Kệ, mà dịch ý là tụng, có 2 loại chung và riêng. Loại riêng là thể văn chỉnh cú, 4 câu làm 1 kệ, mỗi câu có 3 đến 8 chữ. Loại chung là lối tính tổng số chữ : bất cứ thể văn chỉnh cú hay thể văn trường hàng, cứ đếm 8 chữ làm 1 câu, 4 câu làm 1 kệ, và mấy kệ là tổng số chữ của mỗi kinh luận. Nhất kệ (1 bài chỉnh cú) là chỉ cho cả 2 loại kệ ấy: chỉ cho bất cứ 4 câu liên tiếp nào thuộc thể văn chỉnh cú, hay chỉ cho bất cứ 32 chữ liên tiếp nào trong tổng số chữ.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.3.17 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.