Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Yết Ma »»
(寶杵): chày báu, tên gọi khác của Kim Cang Chử (s: varja, 金剛杵), Hàng Ma Chử (降魔杵); âm dịch là Phược Nhật Ra (縛日囉), Phạt Chiết Ra (伐折囉), Bạt Chiết Ra (跋折囉), Phạt Xà Ra (伐闍囉). Loại pháp khí này nguyên xưa kia là vũ khí của cổ đại Ấn Độ, do vì nó cứng rắn, có thể đột phá các thứ vật chất khác, nên gọi là Kim Cang Chữ. Trong Mật Giáo, Kim Cang Chử tượng trưng cho Bồ Đề Tâm có thể phá tan phiền não, được dùng như là đạo cụ hay vật dụng đặc biệt để tu pháp. Các đấng chủ tôn trong Hải Hội Mạn Trà La (曼荼羅海會) đều có cầm cây Bảo Chử này. Hành giả của Chơn Ngôn Tông cũng thường mang theo đạo cụ này bên mình. Nó còn tượng trưng cho trí tuệ đại dụng của Như Lai Kim Cang (如來金剛), có thể phá trừ nội ma của ngu si, vọng tưởng cũng như ma chướng của ngoại đạo. Ban đầu, Kim Cang Chữ có mũi nhọn, rất bén; về sau khi nó được dùng làm pháp khí thì hình thức có thay đổi khá nhiều. Có rất nhiều loại Kim Cang Chử với các chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đồng, sắt, đá, thủy tinh, gỗ đàn, xương người, v.v. Chiều dài của Kim Cang Chữ cũng khác nhau như loại dài 8 ngón tay, 10 ngón, 12 ngón, 16 ngón, 20 ngón, v.v. Với tư cách là một loại pháp khí của Phật Giáo, Kim Cang Chử có nhiều hình dáng khác nhau: Độc Cổ (獨股, một đầu), Nhị Cổ (二股, hai đầu), Tam Cổ (三股, ba đầu), Tứ Cổ (四股, bốn đầu), Ngũ Cổ (五股, năm đầu), Cửu Cổ (九股, chín đầu), Tháp Chử (塔杵, chày hình tháp), Bảo Chữ (寶杵), v.v. Trong số đó, loại Độc Cổ, Tam Cổ và Ngũ Cổ là thường gặp nhất; tượng trưng cho pháp giới độc nhất, Tam Mật Tam Thân (三密三身) và Ngũ Trí Ngũ Phật (五智五佛). Độc Cổ, Tam Cổ, Ngũ Cổ, Bảo Chử và Tháp Chử được gọi là Ngũ Chủng Chử (五種杵, năm loại chày). Trong đó, Độc Cổ là loại có hình thức tối cổ, mũi nhọn dài, là vật cầm tay của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ (密迹金剛力士). Trong đó, loại Độc Cổ Chử có hình thức cổ nhất, là vật thường cầm trên tay của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ (密跡金剛力士). Ngoài ra, Kim Cang Thủ (金剛手) trong 40 tay của Thiên Thủ Quan Âm (千手觀音), một trong 108 bàn tay của Kim Cang Vương Bồ Tát (金剛王菩薩) đều cầm loại Độc Cổ này. Trong 5 loại này, Độc Cổ Chử tương ứng với Liên Hoa Bộ (蓮華部), đặt ở phương Tây của đại đàn. Tam Cổ Chử tương ứng với Yết Ma Bộ (羯磨部), đặt ở phương Bắc của đại đàn. Về cách dùng của Kim Cang Chử, khi cầu thành tựu sự vật, tu pháp của Kim Cang Bộ thì dùng loại Ngũ Cổ Chữ; khi gia trì thì dùng Tam Cổ Chử; khi hành đạo niệm tụng, tu pháp của Phật Bộ, Liên Hoa Bộ thì dùng Độc Cổ Chử; khi tu pháp Đại Uy Đức Minh Vương (大威德明王) thì dùng loại Cửu Cổ Chử. Ngũ Cổ Chử còn gọi là Ngũ Trí Kim Cang Chử (五智金剛杵), Ngũ Phong Kim Cang Chử (五峰金剛杵), Ngũ Phong Quang Minh (五峰光明), Ngũ Cổ Kim Cang (五股金剛); 5 thân hay 5 đỉnh nhọn của loại này tượng trưng cho Ngũ Trí Ngũ Phật (五智五佛). Hình tượng của Bồ Tát Vi Đà (s: Skanda, p: Khanda, 韋馱) thường có cầm trên tay cây Kim Cang Chử hay Bảo Chử để hàng phục ma quân, dẹp yên tà ma, bảo vệ chánh pháp. Cho nên, trong Thiền môn vẫn thường tụng bài xưng tán Bồ Tát Vi Đà rằng: “Vi Đà Thiên Tướng, Bồ Tát hóa thân, ủng hộ Phật pháp thệ hoằng thâm, Bảo Chử trấn ma quân, công đức nan luân, kỳ đảo phó quần tâm (韋馱天將、菩薩化身、擁護佛法誓弘深、寶杵鎮魔軍、功德難倫、祈禱副群心, Vi Đà Thiên Tướng, Bồ Tát hóa thân, ủng hộ Phật pháp thệ nguyện thâm, Chày Báu nhiếp ma quân, công đức khó lường, cầu nguyện khắp nhân tâm).” Trong Trùng Biên Chư Tôn Truyện (重編諸天傳, CBETA No. 1658) có câu: “Đế Thích Kim Cang Bảo Chữ, năng diệt A Tu La (帝釋金剛寶杵、能滅阿修羅, Chày Báu Kim Cang của Đế Thích có thể diệt trừ A Tu La).” Hay như trong Hám Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập (憨山老人夢遊集, CBETA No. 1456) quyển 34 của Hám Sơn Đức Thanh (憨山德清, 1546-1623) có bài tán về Tứ Tý Quan Âm Đại Sĩ (四臂觀音大士) rằng: “Thông thân thủ nhãn, hà chỉ hữu tứ, ư vô tận trung, liêu nhĩ như thị, Bảo Chữ không ma, chơn kinh vô tự, tổng thị thần thông, bất tư nghì sự (通身手眼、何只有四、於無盡中、聊爾如是、寶杵空魔、眞經無字、總是神通、不思議事, khắp mình tay mắt, sao chỉ có bốn, trong vô tận ấy, vẫn cứ như vậy, Chày Báu dẹp ma, chơn kinh không chữ, thảy là thần thông, chuyện chẳng nghĩ bàn).”
(寳林傳, Hōrinden): nguyên bản là Đại Đường Thiều Châu Song Phong Sơn Tào Hầu Khê Bảo Lâm Truyện (大唐韶州雙峰山曹候溪寳林傳, Daitōshōshūsōhōzansōkōkeihōrinden), tất cả gồm 10 quyển, nhưng bản hiện hành thì khuyết mất quyển 7, 9 và 10, còn quyển 2 thì có bổ sung thêm Thánh Trụ Tập (聖胄集), do Chu Lăng Sa Môn Trí Cự (朱陵沙門智炬, hay Huệ Cự [慧炬]) biên, được thành lập vào năm thứ 17 (801) niên hiệu Trinh Nguyên (貞元). Thư tịch này tương truyền từ xưa đã được Viên Nhân (圓仁, Ennin, 794-864, vị tăng của Thiên Thai Tông Nhật Bản) mang từ bên Trung Quốc về Nhật. Nó được lưu truyền rộng rãi dưới thời nhà Đường, nhưng khi Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄) và Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記) được thành lập và đưa vào Đại Tạng thì nó mất đi ý nghĩa lịch sử và về sau thì tán thất luôn. Bản hiện lưu hành là bản kết hợp của hai bản: bản sở thâu trong Đại Tạng Kinh mới được phát hiện gần đây (quyển 1~5) và Thanh Liên Viện Tàng Bản (quyển 6). Tác phẩm này nói về hệ phổ truyền pháp từ 28 vị tổ của Tây Thiên, qua 6 vị tổ ở Đông Độ cho đến Mã Tổ Đạo Nhất, Thạch Đầu Hy Thiên, và ghi lại đầy đủ lời nói cũng như việc làm của mỗi vị tổ sư. Đương nhiên, phần nhiều ký thuật ấy đều là hoang đường hư cấu, không phải là một sáng tác hoàn toàn, nhưng vì nó dựa trên cơ sở của các Đăng Sử đời sau như Thánh Trụ Tập (聖胄集), Tổ Đường Tập (祖堂集), Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄), Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記), v.v., cho nên các định thuyết về lịch sử Thiền Tông thì chiếm phần nhiều. Đặc biệt, Kệ Truyền Pháp để làm chứng phú pháp vốn bắt đầu trong Lục Tổ Đàn Kinh (六祖壇經), và điểm đáng chú ý nơi đây là tác phẩm này đã phóng lớn Kệ Truyền Pháp cho tất cả các tổ sư. Ảnh hưởng phản tác đối với thư tịch này rất lớn, và thông qua tác phẩm Tục Bảo Lâm Truyện (續寳林傳, đầu thế kỷ thứ 10), bản tục biên của Nam Nhạc Duy Kính (南嶽惟勁, ?-?), đệ tử của Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存), chúng ta có thể biết được điều đó.
(s: Amogha-siddhi, t: Don-yod-grub-pa, 不空成就佛): hay Bất Không Thành Tựu Như Lai (不空成就如來), gọi tắt là Bất Không Phật (不空佛); còn có các danh hiệu khác như Thiên Cổ Lôi Âm Phật (天鼓雷音佛), Thiên Cổ Âm Phật (天鼓音佛), Lôi Âm Vương Phật (雷音王佛); là tên gọi của một trong 5 vị Phật thuộc Kim Cang Giới (金剛界) của Mật Giáo, ngự ngay trung tâm của vòng Nguyệt Luân ở hướng chánh Bắc. Ngài tượng trưng cho Thành Sở Tác Trí (成所作智) của Ngũ Trí, là Bộ chủ của Nghiệp Bộ (業部). Trong Hội Thành Thân, thân của Ngài thể hiện sắc màu vàng; tay trái bắt ấn, để trên gót chân, tay phải đưa ngang ngực, ngồi xếp bằng trên tòa sen. Tuy nhiên, trong Phật Mẫu Khổng Tước Tôn Kinh Khoa Thức (佛母孔雀尊經科式, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1479) lại giải thích thân Ngài màu đen: “Phụng thỉnh Bắc phương Thành Tựu Phật, kỳ thân hắc sắc phóng quang minh, thủ ấn chấp trì Diệu Hàng Ma, chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ (奉請北方成就佛、其身黑色放光明、手印執持妙降魔、眾等志心歸命禮, cung thỉnh Bắc phương Thành Tựu Phật, thân Ngài sắc đen phóng hào quang, tay ấn cầm giữ Diệu Hàng Ma, chúng con chí tâm cung kính lễ).” Mật hiệu của Ngài là Bất Động Kim Cang (不動金剛), chủng tử là aḥ, hình Tam Muội Da là Chày Yết Ma Chữ Thập. Trong Thai Tạng Giới gọi Ngài là Thiên Cổ Lôi Âm Phật. Tác phẩm Phật Danh Thích Điển Truyện Lược (佛名釋典傳略) cho biết rằng Bất Không Thành Tựu Phật đại biểu cho Thành Sở Tác Trí của Tỳ Lô Giá Na Phật (s: Vairocana, 毘盧遮那佛, tức Đại Nhật Như Lai [大日如來]); phần lớn hóa hiện sắc màu xanh lục, vàng kim; thường hiện hình tượng ngự giá trên Đại Bàng Kim Xí Điểu (大鵬金翅鳥) có thể hàng phục ác long, rắn độc. Ngài còn tượng trưng có thể lấy trí tuệ lớn để thành tựu sự nghiệp của tất cả chư Như Lai cũng như của chúng sanh. Hành giả Phật Giáo nếu gặp phải phiền não, lo âu, nên chí thành cầu xin sự gia trì Phật lực của đức Bất Không Thành Tựu, thì có thể được tự lợi và lợi tha, khiến cho hết thảy chúng sanh xa lìa khổ não. Trong Mật Giáo, Uế Tích Kim Cang Vương (穢跡金剛明王), đấng có đức chuyển hóa từ “bất tịnh” thành “thanh tịnh”, chính là hóa thân của Bất Không Thành Tựu Phật. Về ấn quyết của Ngài, trong Phật Thuyết Du Già Đại Giáo Vương Kinh (佛說瑜伽大敎王經, Taishō Vol. 18, No. 890) có đề cập rằng: “Dĩ hữu thủ tác Vô Úy tướng, thử thị Bất Không Thành Tựu Phật căn bản ấn (以右手作無畏相、此是不空成就佛根本印, dùng tay phải làm hình tướng Vô Úy, đây là ấn căn bản của Bất Không Thành Tựu Phật).” Về chư vị Bồ Tát quyến thuộc của Ngài, Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修設瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1081) cho biết rằng: “Thành Tựu Phật tứ Bồ Tát giả, nhất Kim Cang Nghiệp Bồ Tát, nhị Kim Cang Ngữ Bồ Tát, tam Kim Cang Dược Xoa Bồ Tát, tứ Kim Cang Quyền Bồ Tát (成就佛四菩薩者、一金剛業菩薩、二金剛語菩薩、三金剛藥叉菩薩、四金剛拳菩薩, bốn vị Bồ Tát của Thành Tựu Phật là, một Kim Cang Nghiệp Bồ Tát, hai Kim Cang Ngữ Bồ Tát, ba Kim Cang Dược Xoa Bồ Tát, bốn Kim Cang Quyền Bồ Tát).” Trong Kim Cang Đảnh Du Già Trung Phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm Luận (金剛頂瑜伽中發阿耨多羅三藐三菩提心論, Taishō Vol. 32, No. 1665) có giải thích rằng: “Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật, do thành Thành Sở Tác Trí, diệc danh Yết Ma Trí dã (北方不空成就佛、由成成所作智、亦名羯磨智也, Bất Không Thành Tựu Phật ở phương Bắc do thành tựu Thành Sở Tác Trí, nên cũng được gọi là Yết Ma Trí).” Phật Thuyết Du Già Đại Giáo Vương Kinh (佛說瑜伽大敎王經, Taishō Vol. 18, No. 890) quyển 5 lại giải thích thêm rằng: “Phục thứ hàng phục pháp, trì tụng giả tiên tưởng Hồng tự, hóa thành Bất Không Thành Tựu Phật, thân tướng lục sắc quảng đại viên mãn (復次降伏法、持誦者先想吽字、化成不空成就佛、身相綠色廣大圓滿, lại nữa về pháp hàng phục, người trì tụng nên trước tưởng tượng chữ Hồng, hóa thành Bất Không Thành Tựu Phật, thân tướng màu xanh lục, to lớn tròn đầy).” Trong Kim Cang Đảnh Du Già Tam Thập Thất Tôn Lễ (金剛頂瑜伽三十七尊禮, Taishō Vol. 18, No. 879) có đảnh lễ danh hiệu của Ngài: “Nam Mộ Tác Biến Hóa Thân Bất Không Thành Tựu Phật (南慕作變化身不空成就佛, Kính Lễ Phật Bất Không Thành Tựu Có Thân Biến Hóa).”
(辨長, Benchō, 1162-1238): vị Tăng của Tịnh Độ Tông, sống vào khoảng đầu và giữa thời kỳ Liêm Thương, trú trì đời thứ 2 của Thanh Tịnh Hoa Viện (清淨華院), Tổ khai sơn Thiện Đạo Tự (善導寺), Tổ của Dòng Trấn Tây (鎭西流); húy là Biện Trường (辨長), thông xưng là Trấn Tây Thượng Nhân (鎭西上人), Khủng Tử Thượng Nhân (筑紫上人), Thiện Đạo Tự Thượng Nhân (善導寺上人), Nhị Tổ Thượng Nhân (二祖上人); hiệu là Thánh Quang Phòng (聖光房), Biện A (辨阿), thụy hiệu là Đại Thiệu Chánh Tông Quốc Sư (大紹正宗國師); xuất thân vùng Hương Nguyệt (香月), Trúc Tiền (筑前, Chikuzen, thuộc Fukuoka-ken [福岡縣]); con của Cổ Xuyên Đàn Chánh Tả Vệ Môn Tắc Mậu (古川彈正左衛門則茂). Ông theo thọ pháp với Thường Tịch (常寂) ở Minh Tinh Tự (明星寺) vùng Trúc Tiền, rồi học giáo học Thiên Thai trên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan). Năm 1193, ông bôn ba tận lực tái kiến ngôi tháp 3 tầng ở đây. Rồi đến năm 1197, ông lên kinh đô Kyoto để đặt làm tượng thờ cho ngôi tháp này, nhờ vậy ông gặp Nguyên Không (源空, Genkū, tức Pháp Nhiên), được vị này khai hóa và từ đó ông chuyển sang pháp môn Niệm Phật. Đến năm 1204, ông trở về cố hương; rồi vào năm 1228, ông chuyên tu pháp môn Biệt Thời Niệm Phật (別時念佛) ở Vãng Sanh Viện (徃生院) vùng Phì Hậu (肥後, Higo), viết cuốn Mạt Đại Niệm Phật Thọ Thủ Ấn (末代念佛授手印) và lập nên huyết mạch của Tịnh Độ Tông. Về sau, ông đi bố giáo khắp các địa phương vùng Cửu Châu (九州, Kyūshū); lấy Thiện Đạo Tự ở vùng Trúc Hậu (筑後, Chikugo) làm đạo tràng căn bản để tạo cơ sở phát triển. Trước tác của ông để lại cho hậu thế có Mạt Đại Niệm Phật Thọ Thủ Ấn 1 quyển, Tịnh Độ Tông Yếu Tập (淨土宗要集) 6 quyển, Triệt Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập (徹選擇本願念佛集) 2 quyển, Niệm Phật Danh Nghĩa Tập (念佛名義集) 3 quyển, v.v.
(s: Bodhidharma, 菩提達磨, ?-495, 346-495, ?-528, ?-536): xưa kia người ta viết chữ Ma là 摩, nhưng về mặt truyền thống thì viết là 磨. Các học giả Cận Đại thì viết là 磨, khi xem Đại Sư như là vị Tổ sư; còn viết là 摩 khi xem như là nhân vật lịch sử. Theo hệ thống truyền đăng của Thiền Tông, Đại Sư là vị Tổ thứ 28 của Tây Thiên (Ấn Độ), và là sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Những truyền ký về Đạt Ma thì xưa nay đều y cứ vào bản Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄, năm 1004) cũng như Bồ Đề Đạt Ma Chương (菩提達磨章); nhưng theo những nghiên cứu gần đây, người ta có khuynh hướng cấu thành truyền ký về ông dựa trên những tư liệu xưa hơn hai tư liệu vừa nêu trên. Tư liệu về Đạt Ma Truyện thì có nhiều loại như Lạc Dương Già Lam Ký (洛陽伽藍記, năm 547), Đàm Lâm Nhị Chủng Nhập (曇琳二種入, khoảng năm 600), Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, năm 645), Truyền Pháp Bảo Ký (傳法寳記, khoảng năm 712), Lăng Già Sư Tư Ký (楞伽師資記, khoảng năm 713, 716), Lịch Đại Pháp Bảo Ký (歷代法寳記, khoảng năm 774), Bảo Lâm Truyện (寳林傳, năm 801), Tổ Đường Tập (祖堂集, năm 952), v.v. Thông qua Bảo Lâm Truyện từ đó các ký lục của Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記, năm 1061), v.v., được hình thành. Lại nữa, chúng ta cần phải lưu ý đến những văn bản như Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ (內證佛法相承血脈譜, năm 819) của Tối Trừng (最澄, Saichō), Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận (菩提達摩南宗定是非論, năm 732), Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa (問答雜徴義) của Thần Hội (神會), rồi Thiền Môn Sư Tư Tương Thừa Đồ (禪門師資相承圖), Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序), Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao (圓覺經大疏鈔) của Tông Mật (宗密). Từ đó, xét về tiểu sử của Đạt Ma, ta thấy rằng Đại Sư sanh ra ở nước Ba Tư (波斯) hay Nam Thiên Trúc (南天竺). Theo như tài liệu mới thành lập sau này cho thấy rằng ông là người con thứ 3 của quốc vương nước này. Ông kế thừa dòng pháp của Bát Nhã Đa La (s: Prajñātara, 般若多羅), rồi sau đó sang Trung Quốc. Bảo Lâm Truyện thì cho rằng ông đến Quảng Châu (廣州) vào ngày 21 tháng 9 năm thứ 8 (527) niên hiệu Phổ Thông (普通) nhà Lương. Bản ghi rõ ngày tháng thì có Bảo Lâm Truyện này, nhưng đời sau lại có khá nhiều dị thuyết xuất hiện. Sự việc vua Lương Võ Đế (武帝, tại vị 502-549) xuất hiện trong câu chuyện Đạt Ma, lần đầu tiên được tìm thấy trong Nam Tông Định Thị Phi Luận và Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa; còn các tư liệu trước đó thì không thấy. Câu trả lời “vô công đức (無功德, không có công đức)” của Đạt Ma đối với vua Lương Võ Đế, mãi cho đến bản Tổ Đường Tập mới thấy xuất hiện. Về sau, Đạt Ma đến tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (嵩山少林寺), ngồi xoay mặt vào vách tường suốt 9 năm trường. Còn câu chuyện Huệ Khả (慧可) tự mình chặt tay giữa lúc tuyết rơi rồi dâng lên cho Đạt Ma để cầu pháp, lần đâu tiên được ghi lại trong Lăng Già Sư Tư Ký; nhưng Tục Cao Tăng Truyện thì lại cho rằng Huệ Khả gặp bọn cướp giữa đường và bị chặt tay. Môn nhân của Đạt Ma có 4 nhân vật nổi tiếng là Đạo Dục (道育), Huệ Khả (慧可), Ni Tổng Trì (尼總持) và Đạo Phó (道副). Đại Sư có trao truyền cho Huệ Khả 4 quyển Kinh Lăng Già, y Ca Sa, và bài kệ phú pháp. Bài này được ghi lại trong Bảo Lâm Truyện. Bản Lạc Dương Già Lam Ký có ghi rằng lúc khoảng 150 tuổi, Đạt Ma tán thán cảnh sắc hoa mỹ của chốn già lam Vĩnh Ninh Tự (永寧寺), rồi xướng danh hiệu Nam Mô, chấp tay mà thị tịch. Còn việc Đạt Ma bị giết chết bằng thuốc độc có ghi lại trong Truyền Pháp Bảo Ký. Trong Lịch Đại Pháp Bảo Ký có đề cập rằng Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支) và Quang Thống Luật Sư (光統律師, tức Huệ Quang [慧光]) đã trãi qua 6 lần bỏ thuốc độc hại Đạt Ma. Về năm Ngài thị tịch, Bảo Lâm Truyện có ghi là vào ngày mồng 5 tháng 12 năm Bính Thìn (536), đời vua Hiếu Minh Đế (孝明帝, tại vị 515-528) nhà Hậu Ngụy. Trong khi đó, bản bia minh của Huệ Khả thì ghi ngày mồng 5 tháng 12 năm thứ 2 (536) niên hiệu Đại Đồng (大同). Bản Tổ Đường Tập thì ghi là năm thứ 19 (495) niên hiệu Thái Hòa (太和); và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thì ghi là ngày mồng 5 tháng 10 cùng năm trên; hưởng thọ 150 tuổi. Ngài được an táng tại Hùng Nhĩ Sơn (熊耳山), nhưng theo vị sứ nhà Đông Ngụy là Tống Vân (宋雲), ông gặp Đạt Ma ở Thông Lãnh (葱嶺) đang quảy một chiếc hài đi về hướng Tây; nên khi trở về nước, ông cho mở quan tài ra để xem hư thực, mới phát hiện bên trong quan tài chỉ còn lại một chiếc hài mà thôi. Tương truyền vua Võ Đế soạn bài bia minh tháp. Vua Đại Tông ban cho Đạt Ma thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư (圓覺大師); trong bản văn tế của Chiêu Minh Thái Tử (昭明太子) thì gọi là Thánh Trụ Đại Sư (聖胄大師). Những soạn thuật của Đại Sư được lưu truyền cho đến nay có Nhị Chủng Nhập (二種入), Tâm Kinh Tụng (心經誦), Phá Tướng Luận (破相論), An Tâm Pháp Môn (安心法門), Ngộ Tánh Luận (悟性論), Huyết Mạch Luận (血脈論), được thâu tập thành bản gọi là Thiếu Thất Lục Môn (少室六門). Còn trong Thiền Môn Nhiếp Yếu (禪門攝要) của Triều Tiên có thâu lục Huyết Mạch Luận, Quán Tâm Luận (觀心論), Tứ Hành Luận (四行論). Sau này trong các văn bản được khai quật ở động Đôn Hoàng (敦煌) còn có Nhị Nhập Tứ Hành Luận (二入四行論), Tạp Lục (雜錄), Tuyệt Quán Luận (絕觀論), Vô Tâm Luận (無心論), Chứng Tâm Luận (證心論), Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn (達磨禪師觀門), Đạt Ma Thiền Sư Luận (達磨禪師論), v.v. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phần nhiều đó là những trước tác của chư Tổ sư khác nhưng lại lấy tên Đạt Ma; và người ta cũng công nhận rằng trước tác của Đạt Ma chỉ là Nhị Chủng Nhập mà thôi. Nếu căn cứ vào bản này, ta thấy rằng tư tưởng của Đạt Ma là Tứ Như Thị (四如是, bốn điều như vậy) và Nhị Nhập Tứ Hạnh (二入四行). Tứ Như Thị là Như Thị An Tâm (如是安心), Như Thị Phát Hạnh (如是發行), Như Thị Thuận Vật (如是順物) và Như Thị Phương Tiện (如是方便). Nhị Nhập là Lý Nhập (理入) và Hạnh Nhập (行入). Còn Tứ Hạnh là 4 yếu tố được hình thành từ Hạnh Nhập. Tâm yếu làm cơ sở cho Thiền pháp của Đạt Ma được xem như là y cứ vào 4 quyển Kinh Lăng Già; nhưng đó không phải là văn bản giải thích về mặt học vấn của kinh này, mà nhằm nhấn mạnh việc cần phải lấy trọn tinh thần kinh. Theo Tục Cao Tăng Truyện, giới Phật Giáo đương thời rất chú trọng đến nghiên cứu, giảng diễn kinh luận; trong khi đó, Đạt Ma thì lại cổ xúy Thiền mang tính thật tiễn của cái gọi là “không vô sở đắc (空無所得, không có cái gì đạt được)”; cho nên ông bị học giả lúc bầy giờ phê phán mãnh liệt. Từ đó, các thuật ngữ như giáo ngoại biệt truyền (敎外別傳), bất lập văn tự (不立文字), dĩ tâm truyền tâm (以心傳心), kiến tánh thành Phật (見性成佛), v.v., được thành lập. Thời đại thay đổi cho đến thời Lục Tổ Huệ Năng (慧能) trở về sau, những thuật ngữ này trở nên rất thịnh hành, thông dụng; vậy ta có thể khẳng định rằng manh nha của chúng vốn phát xuất từ thời Đạt Ma.
(s: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa, p: uposatha, posatha, 布薩): âm dịch là Ưu Ba Bà Tố Đà (優波婆素陀), Ưu Bà Ta (優婆娑), Bố Tát Đà Bà (布薩陀婆), Bố Sái Tha (布灑他), Bố Sa Tha (布沙他), Ổ Ba Bà Sa (鄔波婆沙), Bô Sa Đà (逋沙陀), Bao Sái Đà (褒灑陀), Ổ Bô Sa Tha (鄔逋沙他); ý dịch là Trưởng Tịnh (長淨), Trưởng Dưỡng (長養), Tăng Trưởng (增長), Thiện Túc (善宿), Tịnh Trú (淨住), Trường Trú (長住), Cận Trú (近住), Cọng Trú (共住), Đoạn (斷), Xả (捨), Trai (齋), Đoạn Tăng Trưởng (斷增長), hay Thuyết Giới (說戒). Nghĩa là vào mỗi nữa tháng, chư vị Tỳ Kheo cùng sống chung tập trung tại một trú xứ nhất định, hoặc tại Bố Tát Đường (s: uposathāgāra, 布薩堂, còn gọi là Nhà Thuyết Giới), cung thỉnh vị Tỳ Kheo hành trì giới luật tinh chuyên thuyết giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa (s: prātimokṣa, p: pātimokkha, 波羅提木叉), để phản tỉnh, xem xét lại trong nữa tháng vừa qua bản thân có tuân thủ đúng với giới bổn hay không. Nếu có người phạm giới, thì sẽ sám hối ngay trước đại chúng, giúp cho chúng tăng có thể an trụ lâu trong tịnh giới, làm tăng trưởng thiện pháp và công đức. Nếu như hàng Phật tử tại gia, vào trong 6 ngày trai mà thọ trì Bát Quan Trai Giới (s: aṣṭāṅga-samanvāgatopavāsa, p: aṭṭhaṅga-samannāgata uposatha, aṭṭhaṅgika uposatha, 八關齋戒), cũng được gọi là Bố Tát, nghĩa là có thể làm cho tăng trưởng thiện pháp. Hình thức Bố Tát vốn phát xuất từ nguồn gốc tế lễ từ thời Phệ Đà (s: Veda, 吠陀) của Ấn Độ; tức là ngày trước lễ Tế Đầu Tháng (s: darśā-māsa, 新月祭) và Tế Giữa Tháng (s: paurṇa-māsa, 滿月祭), người ta cử hành một lễ cúng tế dự bị, được gọi là Bố Tát. Chủ yếu vào ngày cúng tế này, mọi người không ăn, an trú trong giới pháp thanh tịnh, khiến cho cả thân lẫn tâm đều được trong sạch. Về sau, truyền thống này được truyền thừa đến thời đức Phật, nhóm ngoại đạo Ni Kiền Tử (s: Nirgrantha-putra, Nirgrantha-jñātaputra, p: Nigaṇtha-putta, 尼乾子) cũng thường tập trung tại một trú xứ nào đó, tác pháp hành trì 4 giới như không ăn, v.v. Đức Thế Tôn cũng cho phép Tăng chúng tiến hành pháp sự này; cho nên hình thức Bố Tát của Phật Giáo vốn căn cứ vào tập quán nói trên. Theo như sự chế định của Phật, vào dịp này chúng tăng nên tụng toàn bộ giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa; và nếu gặp các duyên nạn thì có thể tụng một phần của giới bổn cũng được. Tứ Phần Luật (四分律) quyển 58 phân Bố Tát thành 4 loại là: (1) Tam Ngữ Bố Tát (三語布薩); (2) Thanh Tịnh Bố Tát (清淨布薩), (3) Thuyết Ba La Đề Mộc Xoa Bố Tát (說波羅提木叉布薩) và (4) Tự Tứ Bố Tát (自恣布薩). Trong khi đó, Ngũ Phần Luật (五分律) quyển 18 lại phân làm 5 loại khác là: (1) Tâm Niệm Khẩu Ngôn Bố Tát (心念口言布薩), (2) Hướng Tha Thuyết Tịnh Bố Tát (向他說淨布薩), (3) Quảng Lược Thuyết Giới Bố Tát (廣略說戒布薩), (4) Tự Tứ Bố Tát (自恣布薩) và (5) Hòa Hợp Bố Tát (和合布薩). Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (善見律毘婆沙) quyển 16 thì liệt kê 9 loại là: (1) Thập Tứ Nhật Bố Tát (十四日布薩), (2) Thập Ngũ Nhật Bố Tát (十五日布薩), (3) Hòa Hợp Bố Tát (和合布薩), (4) Tăng Bố Tát (僧布薩), (5) Chúng Bố Tát (眾布薩), (6) Nhất Nhân Bố Tát (一人布薩), (7) Thuyết Ba La Đề Mộc Xoa Bố Tát (說波羅提木叉布薩), (8) Tịnh Bố Tát (淨布薩) và (9) Sắc Bố Tát (敕布薩). Ngay như ngày Bố Tát, các kinh điển cũng nêu lên khác nhau. Như Đại Thiên Nại Lâm Kinh (大天捺林經) của Trung A Hàm (中阿含經) quyển 14, Tăng Nhất A Hàm Kinh (增一阿含經) quyển 16, v.v., cho rằng mỗi tháng vào 6 ngày trai giới là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 thì tiến hành Bố Tát. Tứ Phần Luật quyển 58 thì cho rằng mồng 1, 14, 15 là những ngày Bố Tát. Đại Trí Độ Luận (大智度論) quyển 13 thì giải thích ngày mồng 1, mồng 8, 14, 16, 23, 29. Nhìn chung, mỗi tháng 3 lần Bố Tát, dần dần sinh ra quy định mỗi nữa tháng một lần. Hơn nữa, từ xưa phong trào Bố Tát và ăn chay vốn đã rất thịnh hành tại Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Việt Nam. Trong Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Uy Nghi (大比丘三千威儀, Taishō No. 1470) quyển Thượng có đoạn rằng: “Bố Tát giả, Tần ngôn tịnh trú, nghĩa ngôn trưởng dưỡng Tỳ Kheo hòa hợp; nhược tác bách nhất Yết Ma, nhi bất tri hòa hợp, thị danh bất tri Bố Tát (布薩者、秦言淨住、義言長養比丘和合、若作百一羯磨、而不知和合、是名不知布薩, Bố Tát, Tàu dịch là tịnh trú [an trú trong thanh tịnh], nghĩa là nuôi lớn sự hòa hợp của chúng Tỳ Kheo; nếu thực hành trăm lẽ một pháp Yết Ma mà không biết hòa hợp, có nghĩa là không biết Bố Tát).” Hay như trong Thọ Thập Thiện Giới Kinh (受十善戒經, Taishō No. 1486 ) giải thích rằng: “Kim ư tam thế chư Phật, A La Hán tiền, Hòa Thượng tăng tiền, chí thành phát lộ, Ngũ Thể đầu địa, sám hối chư tội, thị danh hành Bố Tát pháp (今於三世諸佛、阿羅漢前、和上僧前,至誠發露,五體投地,懺悔諸罪,是名行布薩法, nay đối trước ba đời chư Phật, trước A La Hán, trước Hòa Thượng tăng, chí thành bộc bạch, năm vóc gieo đất, sám hối các tội, ấy gọi là hành pháp Bố Tát).” Trong Nhập Bố Tát Đường Thuyết Kệ Văn Đẳng (入布薩堂說偈文等, Taishō No. 2852) có bài Thanh Tịnh Diệu Kệ Văn (清淨妙偈文) rằng: “Thanh tịnh như mãn nguyệt, thanh tịnh ưng Bố Tát, thân khẩu nghiệp thanh tịnh, nhĩ nãi đồng Bố Tát (清淨如滿月、清淨應布薩、身口業清淨、爾乃同布薩, trong sạch như trăng rằm, trong sạch nên Bố Tát, nghiệp thân miệng trong sạch, ngươi hãy cùng Bố Tát).”
(s: Navagrahā, 九曜): 9 loại thiên thể chiếu sáng rất quan trọng trong hiện tượng thiên văn, còn gọi là Cửu Chấp (九執), tùy theo ngày giờ mà không xa rời nhau, có nghĩa nắm chặt nhau (chấp trì). Nghi quỹ trọng yếu của Cửu Diệu được thuyết trong Túc Diệu Kinh (宿曜經, 2 quyển, Bất Không [不空] dịch, Taishō 21, 1299), Thất Diệu Nhương Tai Quyết (七曜攘災決, Đường Kim Câu Tra [唐倶金吒] soạn, Taishō 21, 1308), Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp (七曜星辰別行法, Nhất Hành [一行] soạn, Taishō 21, 1309), Phạm Thiên Hỏa La Cửu Diệu (梵天火羅九曜, Nhất Hành [一行] soạn, Taishō 21, 1311). Về đồ hình của Cửu Diệu có Cửu Diệu Tôn Tượng (九曜尊像), Cửu Diệu Bí Lịch (九曜秘曆), v.v., phần lớn có các yếu tố thiên văn của Trung Quốc. Căn cứ vào lịch Ấn Độ bằng tiếng Phạn, Cửu Diệu được phân thành:
(1) Nhật Diệu (s: Āditya, 日曜): còn gọi là Thái Dương (太陽), Nhật Tinh (日精、日星), Nhật Đại Diệu (日大曜); hình tượng bàn tay phải xòe ra cầm nhật luân (bánh xe mặt trời), tai trái kê lên đầu gối, mang thiên y và cỡi trên mình 3 con bạch mã (hay 5 con ngựa, trong Phạm Thiên Hỏa La Cửu Diệu có thể nhầm sao này với Nguyệt Diệu);
(2) Nguyệt Diệu (s: Soma, 月曜): còn gọi là Nguyệt Thiên Diệu (月天曜), Nguyệt Tinh (月精、月星), Mộ Thái Âm (暮太陰), Thái Âm (太陰); hình tượng bàn tai phải xòe ra cầm hình mặt trăng có con thỏ nằm trên, tay trái đưa lên ngang ngực và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; hoặc hình tượng trên đỉnh đầu có con chim bồ câu, mang y Yết Ma, hai tay bỏ trong tay áo và cầm nguyệt luân (vòng tròn mặt trăng), cỡi lên trên 5 cánh chim bồ câu;
(3) Hỏa Diệu (s: Aṅgāraka, 火曜): còn gọi là Huỳnh Hoặc Tinh (熒惑星, Sao Hỏa), Hỏa Tinh (火精、火星), Hỏa Đại Diệu (火大曜), Phạt Tinh (罰星); hình tượng tay phải đặt trên bắp đùi, tay trái cầm cái giáo dài mũi nhọn, chân phải hơi nhếch lên một chút, ngồi với tư thế hai bàn chân giao nhau; tuy nhiên trong đồ hình Bắc Đẩu Mạn Trà La (北斗曼茶羅) thân hình vị này có màu đỏ, tóc rực lửa dựng ngược, mang áo và mũ trời, chung quanh lửa cháy, thân đứng với 4 tay;
(4) Thủy Diệu (s: Budha, 水曜): còn gọi là Thần Tinh (辰星), Thủy Tinh (水精、水星), Thần Tinh (辰星), Trích Tinh (滴星), Thủy Đại Diệu (水大曜); hình tượng chấp tay, ngồi xếp bằng hai bàn chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng tay phải cầm bình, tay trái cầm xâu chuổi và ngồi bán già trên tòa hoa sen;
(5) Mộc Diệu (s: Bṛhaspati, 木曜): còn gọi là Tuế Tinh (歳星), Nhiếp Đề (攝提), Đại Chủ (大主), Mộc Đại Diệu (木大曜), Mộc Tinh (木精); hình tượng ngón tay áp út và ngón giữa của bàn tay phải cong lên, ngón tay cái ấn xuống trên hai ngón kia, tai trái để lên bắp đùi và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng tay trái cầm cây gậy trên có hình bán nguyệt, hay hình ông lão đứng, đội mũ đầu heo, tay trái cầm cây gậy;
(6) Kim Diệu (s: Śukra, 金曜): còn gọi là Thái Bạch Tinh (太白星), Trường Canh (長庚), Na Hiệt (那頡), Kim Tinh (金星、金精), Kim Đại Diệu (金大曜); hình tượng mang thiên y, tay phải để ngang ngực, tay trái đưa lên với 4 ngón tay bẻ gập lại và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng hai tay cầm bình và xâu chuỗi; hay hình người nữ đội con gà trên đầu và gãy đàn Tỳ Bà (琵琶);
(7) Thổ Diệu (s: Śanaiścara, 土曜): còn gọi là Trấn Tinh (鎭星), Thổ Tinh (土星、土精), Thổ Đại Diệu (土大曜); hình tượng ông lão khỏa thân đứng, mang quần da nai, tay phải cầm cây gậy tiên; hay hình Bồ Tát tay cầm bình; hoặc hình ông lão cỡi trâu, tay trái cầm tích trượng, có 2 đồng tử cầm giáo đứng hầu hai bên;
(8) La Hầu (s: Rāhu, 羅睺): còn gọi là Hoàng Phan Tinh (黃旛星), Thực Thần (蝕神), Thái Dương Thủ (太陽首); hình tượng ẩn trong mây với 2 bàn tay hai bên khuôn mặt giận dữ; bên cạnh đó còn có hình tượng giận dự với 3 mặt và tóc rực lửa, trên mỗi đỉnh đầu có đầu rắn và từ ngực trở xuống ẩn trong mây;
(9) Kế Đô (s: Ketu, 計都): còn gọi là Tuệ Tinh (彗星), Báo Vĩ Tinh (豹尾星), Kỳ Tinh (旗星), Thực Thần Vĩ (蝕神尾), Thái Âm Thủ (太陰首), Nguyệt Bộc Lực (月勃力); hình tượng nữa thân phải lộ ra khỏi mây, tay phải để ngang ngực, tay trái đưa lên cao; hay hình có khuôn mặt giận dữ, khỏa thể một nữa ẩn trong đám mây đen; hoặc hình tướng giận dữ có 3 mặt, trên mỗi mặt có 3 con rắn, từ ngực trở xuống ẩn trong mây. Trong đồ hình Bắc Đẩu Mạn Trà La thân hình vị này có màu đỏ, 3 mặt và 4 tay, tóc dựng ngược, mang áo và mũ trời, chân trái duỗi ra và cỡi lên con rồng. Ngoài ra còn có hình tượng tay phải ẩn trong đầu rồng, cầm lỗ tai con thỏ, tay trái cầm cương rồng và tóc người).
Trong Tân Đường Thư Lịch Chí (新唐書曆志) quyển 18 có ghi rằng vào năm thứ 6 (718) niên hiệu Khai Nguyên (開元) đời vua Huyền Tông, Thái Sử Giám Cù Đàm Tất Đạt (太史監瞿曇悉達) vâng chiếu phiên dịch Lịch Cửu Diệu; nó cũng tương tự với loại lịch Thái Dương bằng tiếng Phạn. Nếu phối hợp phương vị, Nhật Diệu thuộc về phương Sửu Dần, Nguyệt Diệu thuộc phương Tuất Hợi, Hỏa Diệu thuộc phương Nam, Thủy Diệu là phương Bắc, Mộc Diệu ở phương Đông, Kim Diệu ở phương Tây, Thổ Diệu ở trung ương, La Hầu ở phương Thìn Tỵ (Đông Bắc), Kế Đô thuộc phương Mùi Thân (Tây Nam). Hơn nữa, theo Thuyết Bản Địa của Nhật Bản, Nhật Diệu là Quan Âm (觀音, hay Hư Không Tạng [虛空藏]), Nguyệt Diệu là Thế Chí (勢至, hay Thiên Thủ Quan Âm [千手觀音]), Hỏa Diệu là Bảo Sanh Phật (寳生佛, hay A Rô Ca Quan Âm [阿嚕迦觀音]), Thủy Diệu là Vi Diệu Trang Nghiêm Thân Phật (微妙莊嚴身佛, hay Thủy Diện Quan Âm [水面觀音]), Mộc Diệu là Dược Sư Phật (藥師佛, hay Mã Đầu Quan Âm [馬頭觀音]), Kim Diệu là A Di Đà Phật (阿彌陀佛, hay Bất Không Quyên Sách [不空羂索]), Thổ Diệu là Tỳ Lô Giá Na Phật (毘盧遮那佛, hay Thập Nhất Diện Quan Âm [十一面觀音]), La Hầu là Tỳ Bà Thi Phật (毘婆尸佛), Kế Đô là Bất Không Quyên Sách (不空羂索). Người xưa thường phối hợp Cửu Diệu này với tuổi tác của con người để phán đoán tốt xấu.
(大眉性善, Daibi Shōzen, 1616-1673): vị tăng của Hoàng Bá Tông Trung Quốc, hiệu là Đại Mi (大眉), tự Lương Giả (良者), họ Hứa (許), xuất thân Huyện Tấn Giang (晉江縣), Tuyền Châu (泉州, Tỉnh Phúc Kiến), sanh ngày 14 tháng 2 năm thứ 44 (1616) niên hiệu Vạn Lịch (萬曆). Năm 17 tuổi, ông đến đầu sư với Ẩn Nguyên Long Kỷ (隱元隆琦) ở Sư Tử Nham (獅子巖), Phúc Thanh (福清), cùng thầy sắp xếp kế hoạch sang du hóa Nhật Bản. Đến năm thứ 3 (1654) niên hiệu Thừa Ứng (承應), ông cùng với Ẩn Nguyên sang Nhật và đã từng làm chức Duy Na cho Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji) ở Trường Khi (長崎, Nagasaki), Phổ Môn Tự (普門寺, Fumon-ji) ở Phú Điền (富田), Nhiếp Tân (攝津, Settsu, thuộc Ōsaka-fu [大阪府]). Vào năm đầu (1661) niên hiệu Khoan Văn (寛文), ông làm Đô Tự (都寺) cho Vạn Phước Tự (萬福寺, Manfuku-ji) ở Hoàng Bá Sơn (黃檗山), Vũ Trị (宇治, Uji, thuộc Kyōto-fu [京都府]), đến năm sau ông xây dựng Đông Lâm Am (東林庵) trong núi và lui về ẩn cư. Đến năm thứ 5 (1665) cùng niên hiệu trên, ông kế thừa dòng pháp của Ẩn Nguyên. Vào tháng 2 năm thứ 10 (1670), ông làm Yết Ma A Xà Lê (羯摩阿闍梨) cho ba Giới Đàn trên Hoàng Bá Sơn. Đến mùa Thu năm đầu (1673) niên hiệu Diên Bảo (延寶), ông nhường Đông Lâm Am lại cho Thiết Nhãn Đạo Quang (鐵眼道光), xây dựng Pháp Tàng Viện (法藏院) để tàng trữ các bản khắc gỗ của kinh tạng. Vào ngày 18 tháng 10 cùng năm này, ông thị tịch, hưởng thọ 58 tuổi đời và 42 hạ lạp. Trước tác của ông có Đông Lâm Đại Mi Hòa Thượng Ngữ Lục (東林大眉和尚語錄) 1 quyển. Đệ tử nối dòng pháp của ông có Mai Lãnh Đạo Tuyết (梅嶺道雪).
(大雲寺, Daiun-ji): hiện tọa lạc trong Thành Bạch Mã (白馬城, Hoạt Đài), Huyện Hoạt (滑縣), Phủ Đại Danh (大名府, Tỉnh Hà Nam). Vào ngày 15 tháng giêng năm thứ 20 (732) niên hiệu Khai Nguyên (開元), Hà Trạch Thần Hội (荷澤神會) thiết lập Đại Hội Vô Già (無遮大會) tại chùa này, tuyên bố rõ rằng Lục Tổ Huệ Năng (慧能) là chánh thống của Nam Tông Đạt Ma, còn Bắc Tông chỉ là phương tiện thuyết mà thôi và tiến hành nêu cao vai trò của Lục Tổ, bài xích Bắc Tông.
(道宣, Dōsen, 596-667): vị tăng Luật Tông dưới thời nhà Đường, còn được gọi là Nam Sơn Luật Sư (南山律師), Nam Sơn Đại Sư (南山大師), tổ sáng lập ra Nam Sơn Luật Tông, người Ngô Hưng (呉興), Triết Giang (浙江), có thuyết cho là vùng Đơn Đồ (丹徒), Nhuận Châu (潤州), Giang Tô (江蘇), họ Tiền (錢), tự là Pháp Biến (法遍). Năm 16 tuổi, ông xuất gia, theo Huệ Quân (慧頵) ở Nhật Nghiêm Tự (日嚴寺) và Trí Thủ (智首) ở Đại Thiền Tự (大禪寺) học Luật; sau ông đến trú tại Phỏng Chưởng Cốc (倣掌谷, phía Nam Trường An), tạo dựng Bạch Tuyền Tự (白泉寺) và chuyên tâm nghiên cứu, hoằng truyền Tứ Phần Luật, cho nên tôn phái của ông được gọi là Nam Sơn Luật Tông. Ông đã từng đi khắp nơi thuyết giảng Luật học và cùng tham gia phiên dịch với Huyền Trang (玄奘). Ông đã từng sống qua vài nơi như Sùng Nghĩa Tự (崇義寺), Phong Đức Tự (豐德寺) và Tịnh Nghiệp Tự (淨業寺). Vào năm thứ 3 (658) niên hiệu Hiển Khánh (顯慶), ông vâng sắc chỉ đến trú trì Tây Minh Tự (西明寺) ở Trường An. Không bao lâu sau, ông soạn ra Thích Môn Chương Phục Nghi (釋門章服儀), Thích Môn Quy Kính Nghi (釋門歸敬儀), v.v. Vào năm thứ 2 (662) niên hiệu Long Sóc (龍朔), vua Cao Tông ra sắc lệnh các tăng ni phải lễ bái nhà vua, ông cùng với Huyền Trang dâng thư kháng tranh, nên việc này được đình chỉ. Đến tháng 2 năm thứ 2 (667) niên hiệu Càn Phong (乾封), ông sáng lập giới đàn tại Tịnh Nghiệp Tự, các nơi đến cầu giới hơn 20 người. Cũng vào tháng 10 năm này ông thị tịch, hưởng thọ 72 tuổi đời và 52 hạ lạp. Ông được ban cho thụy hiệu Trừng Chiếu (澄照). Trước tác của ông có Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao (四分律刪繁補闕行事鈔) 12 quyển, Yết Ma Sớ (羯磨疏) 3 quyển, Giới Bổn Sớ (戒本疏) 6 quyển, Thập Tỳ Ni Nghĩa Sao (拾毘尼義鈔) 6 quyển, Tỳ Kheo Ni Nghĩa Sao (比丘尼義鈔) 6 quyển, được gọi là 5 bộ trọng yếu của Luật học. Trong đó, Hành Sự Sao là bộ sách không thể thiếu khi nghiên cứu về Tứ Phần Luật. Ngoài ra ông còn soạn ra bộ Đại Đường Nội Điển Lục (大唐內典錄) 10 quyển, là sách mục lục chỉnh lý toàn bộ kinh điển đang hiện hành. Ngoài ra, ông còn biên tập Cổ Kim Phật Đạo Luận Hành (古今佛道論行) 4 quyển, Quảng Hoằng Minh Tập (廣弘明集) 30 quyển, v.v., để tuyên dương Phật Giáo. Hơn nữa, ông còn trước tác Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳) 10 quyển, Thích Thị Lược Phổ (釋氏略譜), Thích Ca Phương Chí (釋迦方志), Tam Bảo Cảm Thông Lục (三寳感通錄), v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.220.221 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập