Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Lâm Tỳ Ni »»
(s: Buddha-gayā, 菩提道塲): còn gọi là Bồ Đề Già Da (菩提伽耶), Phật Đà Già Da (佛陀伽耶), Bồ Đề Tràng. Là vùng đất mà đức Phật đã thành chánh giác, nằm ở vùng Bodhgayā cách 7 dặm gần thành phố Già Da về phía Nam của bang Bihar, Ấn Độ, mặt hướng về sông Ni Liên Thuyền (s: Nairañjanā, 尼連禪) thuộc chi lưu của sông Hằng. Vùng đất này nguyên xưa kia là tụ lạc Ưu Lâu Tần Loa (s: Uruvelā, 優樓頻螺) về phía Nam của thành Già Da thuộc nước Ma Kiệt Đà thời Ấn Độ cổ đại. Theo kinh điển có ghi, sau 6 năm trãi qua khổ hạnh, đức Phật đã đến nơi đây ngồi kiết già trên toà Kim Cang dưới gốc cây Tất Bát La, chứng ngộ 12 Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế v.v., và chứng quả chánh giác, cho nên cây Tất Bát La còn được gọi là cây Bồ Đề. Vào thời Trung Đại Thành Già Da bị giáo đồ Bà La Môn chiếm hữu trở thành lãnh địa của giáo phái này. Đặc biệt thánh địa nơi đức Phật đã thành đạo thì được gọi là Phật Đà Già Da, cùng với nơi đức Phật đản sanh (Lâm Tỳ Ni [s, p: Lumbinī, 藍毘尼]), nơi đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên (vườn Lộc Uyển [s: Mṛgadāva, p: Migadāya, 鹿苑]), nơi nhập Niết Bàn (rừng Sa La Song Thọ của thành Câu Thi Na [s: Kuśinagara, p: Kusinagara, Kusinārā, 拘尸那、倶尸那]) được xem như là 4 thánh tích lớn của Phật Giáo. Sau khi đức Phật nhập diệt, trãi qua các đời, người đã xây dựng ở nơi đây nhiều ngôi tháp để cúng dường, kiến tạo các tinh xá, già lam. Nhưng đến nay không còn nữa mà chỉ còn lại một số các di tích mà thôi.
(迦惟衛): từ gọi tắt của Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛), âm dịch là Ca Duy La Duyệt (迦維羅閲), Ca Duy La Việt (迦維羅越), Ca Duy La Vệ (迦維羅衛), Ca Tỳ La Bà Tô Đô (迦毘羅婆蘇都), Ca Tỷ La Bà Tốt Đổ (迦比羅皤窣堵), Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ (劫比羅伐窣堵), Bà Đâu Thích Xí Sưu (婆兜釋翅搜), Ca Duy La (迦維羅), Ca Di La (迦夷羅), Ca Tỳ La (迦毘羅); ý dịch là Thương Thành (蒼城, thành màu xanh), Hoàng Xích Thành (黃赤城, thành màu vàng đỏ), Diệu Đức Thành (妙德城, thành có uy đức diệu kỳ), Hoàng Đầu Tiên Nhân Trú Xứ (黃頭仙人住處, chỗ ở của vị tiên nhân đầu vàng), Hoàng Phát Tiên Nhân Trú Xứ (黃髪仙人住處, chỗ ở của vị tiên nhân tóc vàng), v.v. Đây là tên của thành đô do dòng họ Thích Ca cai quản, hay tên một quốc gia. Tương truyền Ca Tỳ La Tiên Nhân (迦毘羅仙人), vị tổ của Phái Số Luận (s: Sāṅkhya, p: Saṅkhyā, 數論), đã từng sống tại thành đô này, nên có tên gọi như vậy. Hiện tại nó ở tại vùng Đề La Lạp Khấu Đặc (s: Tilorakoṭ, 提羅拉寇特) thuộc địa phương Ta-rai của vương quốc Nepal, là nơi đức Phật đản sanh. Quốc vương của thành này là vua Tịnh Phạn (s: Śuddhodana, p: Suddhodana, 淨飯), hoàng thân của đức Thích Ca; vườn Lâm Tỳ Ni (s, p: Lumbinī, 藍毘尼), nơi đức Phật đản sanh, là biệt trang của nhà vua, nằm về phía Tây thành. Sau khi dòng họ Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly (s: Virūḍhaka, 毘瑠璃) của nước Kiều Tát La (s: Kauśala, Kośalā, p: Kosala, 憍薩羅) thảm sát, thành Ca Tỳ La Vệ đi đến tình trạng suy vong, vùng đất này dần dần bị hoang phế. Khi cao tăng Pháp Hiển (法顯, 340?-?) nhà Tấn của Trung Quốc sang chiêm bái, thành quách nơi đây đã hoàn toàn lụi tàn và dân chúng chỉ còn lại mấy mươi người mà thôi. Đến khi Huyền Trang (玄奘, 602-664) thời nhà Đường sang Tây du, ông vẫn còn thấy các ngôi già lam, tháp và trụ đá lớn do A Dục Vương (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) kiến lập nên. Trụ đá ấy được khai quật vào năm 1897. Trong Phật Quốc Ký (佛國記) của cao tăng Pháp Hiển (法顯, 340?-?) nhà Tấn có giải thích về Thành Ca Tỳ La Vệ rằng: “Tùng thử đông hành giảm nhất do diên, đáo Ca Duy La Vệ Thành, thành trung đô vô vương dân, thậm như khâu hoang, chỉ hữu chúng tăng dân hộ số thập gia nhi dĩ (從此東行減一由延、到迦維羅衛城、城中都無王民、甚如坵荒、只有眾僧民戶數十家而已, từ đây đi về hướng đông, chưa đầy một do tuần, đến Thành Ca Duy La Vệ, trong thành đều không có vua và dân, thậm chí như đất hoang, chỉ có chúng tăng, hộ dân vài chục nhà mà thôi).” Trong Thủy Kinh Chú (水經註), phần Hà Thủy (河水) của Lịch Đạo Nguyên (酈道元, 466 hay 472-527) nhà Bắc Ngụy (北魏, 386-534) có đoạn rằng: “Hằng thủy hựu đông nam, kinh Ca Duy La Vệ Thành bắc, cố Bạch Tịnh vương cung dã (恆水又東南、逕迦維羅衛城北、故白淨王宮也, sông Hằng lại chảy về hướng đông nam, đi thẳng về phía bắc Thành Ca Duy La Vệ, là vương cung của vua Tịnh Phạn).” Hay như trong Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự Kinh (七佛父母姓字經, Taishō No. 4) lại có câu: “Kim ngã tác Thích Ca Văn Ni Phật, phụ tự Duyệt Đầu Đàn Sát Lợi Vương, mẹ tự Ma Ha Ma Da, sở trị quốc danh Ca Duy La Vệ (今我作釋迦文尼佛、父字閱頭檀剎利王、母字摩訶摩耶、所治國名迦維羅衛, ta nay làm Thích Ca Văn Ni Phật, cha tên là Duyệt Đầu Đàn Sát Lợi Vương, mẹ là Ma Ha Ma Da, trị vì nước tên là Ca Duy La Vệ).”
(s: Kanakamuni-buddha, p: Konāgamana-buddha, 拘那含牟尼佛): âm dịch là Ca Na Ca Mâu Ni (迦那迦牟尼), Yết Nặc Ca Mâu Ni (羯諾迦牟尼), ý dịch là Kim Tiên Nhân (金仙人) Kim Sắc Tiên (金色仙), Kim Tịch (金寂), vị thứ 5 trong 7 vị Phật thời quá khứ, và vị thứ 2 trong ngàn vị Phật thời hiền kiếp. Trong Kinh Đại Bản (大本經) của Trường A Hàm (Dīgha-nikāya, 長阿含) bản tiếng Pāli và Hán dịch, cũng như các bản dị dịch của Thất Phật Kinh (七佛經), Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự Kinh (七佛父母姓字經), v.v., có nêu rõ lúc ngài ra đời, tên dòng họ, cha mẹ, nơi xuất thân, vợ con, thành đạo dưới gốc cây gì, thi giả, đệ tử đầu tiên là ai, v.v. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, hình như ngài được xem như là vị Phật có thật trong thời quá khứ, và hình như có ngôi tháp an trí kim thân xá lợi của ngài. Theo Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記), quyển 6 của Huyền Trang (玄奘), ở vùng phụ cận của thành Xá Vệ (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛城) có di chỉ thành đô nơi xuất thân của vị Phật này. Ở phía Bắc các tháp có tôn thờ di thân xá lợi của ngài, trước tháp có trụ đá với đầu sư tử phía trên và tương truyền trụ đá này do vua A Dục (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) dựng nên. Trên thực tế trụ đá này được phát hiện vào năm 1895 tại địa phương Nigāri Sāgar thuộc phía Bắc vườn Lâm Tỳ Ni (s, p: Lumbinī, 藍毘尼). Chung quanh trụ đá ấy có những dòng chữ của vua A Dục ghi rằng: “Vào năm thứ 14 sau khi tức vị, Thiên Ái Hỷ Kiến Vương (vua A Dục) đã kiến lập them ngôi tháp của Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, đến năm thứ 20 sau khi tức vị, nhà vua tự thân hành đến cúng dường và cho dựng trụ đá”. Như vậy trụ đá có đầu hình con sư tử như Huyền Trang ghi trong trước tác của ông là hoàn toàn nhất trí.
(s: Śākya-muni, p: Sakya-muni, 釋迦牟尼): ý là bậc Thánh nhân xuất thân từ dòng họ Thích Ca; còn gọi là Thích Ca Văn Ni (釋迦文尼), Xa Ca Dạ Mâu Ni (奢迦夜牟尼), Thích Ca Mâu Nẵng (釋迦牟曩), Thích Ca Văn (釋迦文); gọi tắt là Thích Ca (釋迦), Mâu Ni (牟尼), Văn Ni (文尼); ý dịch là Năng Nhân (能仁), Năng Nhẫn (能忍), Năng Tịch (能寂), Tịch Mặc (寂默), Năng Mãn (能滿), Độ Ốc Tiêu (度沃焦), hay Thích Ca Tịch Tĩnh (釋迦寂靜), Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn (釋迦牟尼世尊), Thích Tôn (釋尊); là đấng giáo tổ của Phật Giáo. Nguyên do xưng hiệu của Ngài có thể tìm thấy trong Quán Chư Dị Đạo Phẩm (觀諸異道品) của Phật Bản Hạnh Tập Kinh (佛本行集經, Taishō Vol. 3, No. 190) quyển 20, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự (根本說一切有部毘奈耶雜事, Taishō Vol. 24, No. 1451) quyển 20, A Tỳ Đàm Bát Kiền Độ Luận (阿毘曇八犍度論, Taishō Vol. 26, No. 1543) quyển 30, v.v. Đức Thích Tôn vốn là Thái Tử của vua Tịnh Phạn (s: Śuddhodana, p: Suddhodana, 淨飯) thành Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛) thuộc miền Bắc Ấn Độ. Thành này hiện tại ở vùng phụ cận Tilori-Kot (提羅里克, Đề La Lí Khắc) thuộc phía Nam Nepal (尼泊爾, Ni Bạc Nhĩ), phía Đông Bắc sông Rapti (拉布提, Lạp Bố Đề). Diện tích tiểu quốc này khoảng 320 m2, thuộc vào vương quốc Kiều Tát La (s: Kauśala, Kośalā, p: Kosala, 憍薩羅). Đương thời Bắc Ấn thực hành chế độ Cộng Hòa quý tộc, phân thành 10 bang thành nhỏ, trong đó chọn ra vị lãnh đạo có thế lực nhất, và lúc bấy giờ vua Tịnh Phạn là vị lãnh tụ tối cao. Hoàng hậu Ma Da (s: Māyā, 摩耶), mẫu thân của đức Phật, là con gái của chủ Thành Thiên Tý (s: Devadaha, 天臂) thuộc bộ tộc Cư Lợi (居利) lân quốc. Trước khi hạ sinh Thái Tử, theo tập tục đương thời, phu nhân phải quay trở về Thành Thiên Tý để chờ ngày lâm bồn, dọc đường khi đang dừng chân nghỉ tại vườn Lâm Tỳ Ni (s, p: Lumbinī, 藍毘尼), ngay dưới gốc cây Vô Ưu (s: aśoka, 無憂), nàng hạ sinh Thái Tử. Theo Tu Hành Bản Khởi Kinh (修行本起經, Taishō Vol. 3, No. 184) quyển Thượng, Phẩm Giáng Thân (降身品), khi đản sanh, đức Thích Tôn đi bảy bước, đưa tay lên nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, Tam Giới giai khổ, ngô đương an chi (天上天下、唯我爲尊、三界皆苦、吾當安之, trên trời dưới đất, chỉ ta trên hết, Ba Cõi là khổ, ta sẽ làm yên).” Ngoài ra, các điển tịch như Vị Tằng Hữu Pháp Kinh (未曾有法經) của Trung A Hàm Kinh (中阿含經, Taishō Vol. 1, No. 26) quyển 8, dị xuất bồ tát bản khởi kinh (異出菩薩本起經, Taishō Vol. 3, No. 188), Phẩm Dục Sanh Thời Tam Thập Nhị Thụy (欲生時三十二瑞品) của Phổ Diệu Kinh (普曜經, Taishō Vol. 3, No. 186) quyển 2, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh (過去現在因果經, Taishō Vol. 3, No. 189) quyển 1, Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh (眾許摩訶帝經, Taishō Vol. 3, No. 191) quyển 3, Phẩm Thọ Hạ Đản Sanh (樹下誕生品) của Phật Bản Hạnh Tập Kinh (佛本行集經, Taishō Vol. 3, No. 190) quyển 8, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự (根本說一切有部毘奈耶雜事, Taishō Vol. 24, No. 1451) quyển 20, A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (阿毘達磨大毘婆沙論, Taishō Vol. 27, No. 1545) quyển 70, v.v., đều có ghi lại nhiều tướng lạ khác nhau khi đức Thích Tôn hạ sanh. Sau khi trở về cung, Thái Tử được đặt cho tên là Tất Đạt Đa (s: Siddhārtha, p: Siddhattha, 悉達多), hay Tát Bà Tất Đạt (s: Sarva-siddhārtha, p: Sabba-siddhattha, 薩婆悉達), Tát Bà Ngạch Tha Tất Đà (s: Sarvārtha-siddha, 薩婆額他悉陀), Tát Bà Hạt Thích Tha Tất Đà (薩婆曷刺他悉陀), Tất Đạt La Tha (悉達羅他), Tất Đạt (悉達); ý dịch là Nhất Thiết Nghĩa Thành (一切義成), Nhất Thiết Sự Thành (一切事成), Tài Cát (財吉), Cát Tài (吉財), Thành Lợi (成利), Nghiệm Sự (驗事), Nghiệm Nghĩa (驗義). Sau khi sanh con được 7 ngày, phu nhân qua đời, Thái Tử được dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī, 摩訶波闍波提) nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn. Theo Phẩm Tập Học Kỷ Nghệ (習學技藝品) của Phật Bản Hạnh Tập Kinh quyển 11, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Phá Tăng Sự (根本說一切有部毘奈耶破僧事, Taishō Vol. 24, No. 1450) quyển 3, v.v., cho biết rằng thưở thiếu thời Thái Tử từng theo học tập văn chương với Bà La Môn Tỳ Xa Mật Đa (s: Viśvamitra, 毘奢蜜多), học võ nghệ với Sàn Đề Đề Bà (s: Kṣāntideva, 羼提提婆), hết thảy đều thông hiểu. Khi trưởng thành, Thái Tử kết hôn với Da Du Đà La (s: Yaśodharā, p: Yasodharā, 耶輸陀羅), con gái của Thiện Giác Vương (s: Suprabuddha, 善覺王)—thành chủ của Thiên Tý Thành, hạ sanh La Hầu La (s, p: Rāhula, 羅睺羅). Theo Phẩm Du Quán (遊觀品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh quyển Hạ cho biết rằng Thái Tử từng ra bốn cửa thành dạo chơi, thấy các hình tượng già, bệnh, chết, vị Sa Môn (s: śramaṇa, p: samaṇa, 沙門), v.v., thâm cảm được nỗi thống khổ cũng như vô thường của kiếp người, bèn dấy khởi ý chí xuất gia tu đạo. Năm lên 29 tuổi (có thuyết cho là 19), nữa đêm Người rời khỏi vương cung, tự cởi bỏ áo mão để trở thành Sa Môn. Ban đầu, Thái Tử cầu đạo với tiên nhân Bạt Già Bà (s: Bhārgava, 跋伽婆) của nước Tỳ Xá Ly (s: Vaiśālī, p: Vesālī, 毘舍離), rồi đến thọ giáo với các hiền giả A La La Ca Lam (s: Ārāḍa-kālāma, 阿羅邏迦藍), Uất Đà Ca La Ma Tử (s: Udraka-rāmaputra, 鬱陀迦羅摩子) ở Thành Vương Xá (s: Rājagṛha; p: Rājagaha, 王舍城). Cuối cùng, Người đến Khổ Hạnh Lâm ở thôn Ưu Lâu Tần La (s: Uruvilvā, 優樓頻羅) thuộc phương Nam thành Già Da (s, p: Gayā, 伽耶) của vương quốc Ma Kiệt Đà (s, p: Magadha, 摩掲陀), bắt đầu cuộc sống khổ hạnh trong vòng 6 năm, và có 5 người thị giả do vua Tịnh Phạn phái đến cùng tu. Trong thời gian này, mỗi ngày Người chỉ ăn một hạt mè, một hột lúa mạch, đến nỗi thân hình khô gầy, tâm thể suy kiệt, nhưng cuối cùng vẫn không thành đạo; nên Người mới ngộ được rằng khổ hạnh không phải là nhân đạt đến đạo quả, bèn rời khỏi khu rừng này. Lúc bấy giờ, 5 người cùng tu ngộ nhận rằng Thái Tử thối thất đạo tâm, nên bỏ đi. Thái Tử đến tắm rửa bên dòng sông Ni Liên Thuyền (s: Nairañjanā, 尼連禪), thọ nhận bát sữa cúng dường của cô mục nữ. Sau khi phục hồi thể lực, Người đến dưới cây Tất Bát La (s: pippala, 畢鉢羅) ở thôn Già Da, lấy cỏ Cát Tường trãi thành tòa Kim Cang, ngồi Kiết Già xoay mặt về hướng Đông, thân ngay thẳng chánh niệm, tâm tĩnh lặng mặc chiếu, tư duy về đạo giải thoát. Sau 49 ngày, vào lúc trời hừng sáng ngày mồng 8 tháng 12, Người hoát nhiên đại ngộ, lúc đó là 35 tuổi (có thuyết cho là 32). Do nhân duyên này, cây Tất Bát La được gọi là Bồ Đề Thọ (s: bodhivṛkṣa, 菩提樹). Sự kiện đức Thích Tôn hàng phục ma quân, cho đến thành đạo được ghi lại trong các điển tịch như La Ma Kinh (羅摩經) của Trung A Hàm Kinh quyển 56, Lục Niên Cần Khổ Phẩm (六年勤苦品) và Hàng Ma Phẩm (降魔品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh quyển Hạ, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh quyển 3, phật bản hạnh tập kinh quyển 26~30, Ngũ Phần Luật (五分律, Taishō Vol. 22, No. 1421) quyển 15, v.v. Sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Lộc Dã (s: Mṛgadāva, p: Migadāya, 鹿野, tức Lộc Uyển), Thành Ba La Nại (s: Vārāṇasī, p: Bārāṇasī, 波羅奈), độ cho 5 vị thị giả đã từng cùng tu với Ngài trước đây. Các vị này sau trở thành những Tỳ Kheo nổi tiếng là A Nhã Kiều Trần Như (p: Ājñāta-Kauṇḍinya, p: Aññā-Koṇḍañña, 阿若憍陳如), A Thấp Bà Thị (s: Aśvajit, Aśvaka; p: Assaji, 阿濕婆恃), Bạt Đề (s: Bhadrika, p: Bhaddiya, 跋提), Ma Ha Nam (s, p: Mahānāma, 摩訶男), Bà Sa Ba (s: Bāṣpa, p: Vappa, 婆沙波, tức Thập Lực Ca Diếp [s: Daśabala-kāśyapa, p: Dasabala-kassapa, 十力迦葉]). Liên quan đến sự tích đức Phật lần đầu tiên chuyển Pháp Luân, diễn thuyết Tứ Thánh Đế (s: catvāri-āryasatyāni, p: cattāri-ariyasaccāni, 四聖諦), Bát Chánh Đạo (s: āryāṣṭāṇga-mārga, p: ariyāṭṭhaṅgika-magga, 八正道), v.v., Chuyển Pháp Luân Kinh (轉法輪經) của Tạp A Hàm Kinh (雜阿含經, Taishō Vol. 2, No. 99) quyển 15, Ngũ Phần Luật quyển 15, Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự quyển 39, v.v., có ký lục đầy đủ. Như trong Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa (法華經通義, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 31, No. 611) quyển 4 có đoạn rằng: “Thích Tôn sơ ư Lộc Uyển, tam chuyển Tứ Đế pháp luân, độ tham thị ngũ nhân, nhi Kiều Trần tiên ngộ, dĩ tối sơ đắc độ (釋尊初於鹿苑、三轉四諦法輪、度參侍五人、而憍陳先悟、以最初得度, đức Thích Tôn ban đầu tại Lộc Uyển, ba lần chuyển bánh xe pháp thuyết Tứ Đế, độ năm người hầu cận tham học, mà Kiều Trần Như ngộ trước, là người đắc độ đầu tiên).” Sau này, đức Phật tự xưng là Như Lai (s, p: tathāgata, 如來). Có rất nhiều ngữ nghĩa của từ này, nhưng nghĩa chung nhất của nó là “thừa như thật chi đạo, nhi thiện lai thử Ta Bà thế giới (乘如實之道、而善來此娑婆世界, mang đạo như thật mà khéo đến thế giới Ta Bà này).” Sau khi chuyển Pháp Luân lần đâu tiên, đức Thích Tôn đến nước Ma Kiệt Đà, hóa độ 3 anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (s: Uruvilvā-kāśyapa, 優樓頻羅迦葉), Na Đề Ca Diếp (s: Nadi-kāśyapa, 那提迦葉), Già Da Ca Diếp (s: Gayā-kāśyapa, 伽耶迦葉) của phái Bái Hỏa Giáo (拜火敎) và cả ngàn đệ tử của họ. Tiếp theo, Ngài hóa độ Xá Lợi Phất (s: Śāriputra, p: Sāriputta, 舍利弗) và Mục Kiền Liên (s: Maudgalyāyana; p: Moggallāna, 目犍連) thuộc Phái Ngụy Biện của Lục Sư Ngoại Đạo; về sau chính hai vị này trở thành đệ tử thượng túc của đức Phật. Sau đó, tại Thành Vương Xá, vua Tần Bà Ta La (s, p: Bimbisāra, 頻婆娑羅) quy y theo đức Phật; nhà vua cho xây dựng Tinh Xá trong vườn trúc do Trưởng giả Ca Lan Đà (s: Kalanda, 迦蘭陀) dâng cúng, lấy tên là Ca Lan Đà Trúc Lâm Tinh Xá (迦蘭陀竹林精舍). Đến đây, giáo đoàn Phật Giáo phát triển với thế lực mạnh. Về sau, đức Phật có trở về cố hương Ca Tỳ La Vệ một lần, số người quy y theo rất đông, trong đó có người em cùng cha khác mẹ Nan Đà (s, p: Nanda, 難陀), con trai La Hầu La, người em họ Đề Bà Đạt Đa (s, p: Devadatta, 提婆達多), người thợ hớt tóc Ưu Ba Ly (s, p: Upāli, 優波離), v.v., mọi người đều xuống tóc xuất gia. Ngài thuyết pháp cho trưởng giả Tu Đạt Đa (s, p: Sudatta, 須達多) ở Thành Xá Vệ (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛), nhân đó trưởng giả kiến lập ngôi Đại Tinh Xá trong khu rừng do Thái Tử Kỳ Đà (s, p: Jeta, 祇陀) tặng, để dâng cúng đức Phật. Đây gọi là Kỳ Hoàn Tinh Xá (p: Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇洹精舍) hay Kỳ Viên Tinh Xá (祇園精舍). Vào lúc này, vua Ba Tư Nặc (s: Prasenajit, p: Pasenadi, 波斯匿) cũng phát tâm quy y với đức Phật. Sau khi vua Tịnh Phạn băng hà, đức Phật lại trở về cố hương lần nữa. Về sau, bà di mẫu Ma Ha Bà Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī, p: Mahāpajāpatī, 摩訶波闍波提), công chúa Da Du Đà La (s: Yaśodharā, p: Yasodharā, 耶輸陀羅) cũng xuống tóc xuất gia, và đây được xem như là khởi đầu cho giáo đoàn Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼); trong đó Ma Ha Bà Xà Ba Đề là Tỳ Kheo Ni đầu tiên. Từ đó về sau, đức Thích Tôn đi khắp Ấn Độ thuyết pháp giáo hóa, bất luận giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, thảy đều được hưởng ân huệ giáo pháp của Ngài. Giáo pháp ấy ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa cũng như tôn giáo Ấn Độ. Sau khi Ngài thành đạo, những nơi Ngài đã từng trãi qua Kết Hạ An Cư, đều được ghi rõ trong Tăng Già La Sát Sở Tập Kinh (僧伽羅剎所集經, Taishō Vol. 4, No. 194) quyển Hạ. Theo đó, đức Phật đã từng trú qua các nơi như nước Ba La Nại, núi Linh Thứu (s: Gṛdhrakūṭa, p: Gijjhakūṭa, 靈鷲山), núi Ma Câu La (s: Makula, 摩拘羅), cõi Trời Ba Mươi Ba, cõi quỷ thần, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (祇樹給孤獨) ở Thành Xá Vệ, Chá Lê Sơn (柘梨山), v.v. Theo Phật Thuyết Bát Đại Linh Tháp Danh Hiệu Kinh (佛說八大靈塔名號經, Taishō Vol. 32, No. 1685), đức Phật từng tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn, sau từng sống tại rừng Tỳ Sa (毘沙), đỉnh núi Nhã Lí (惹里), các tụ lạc Đại Dã (s: Aḷāvī, 大野), Mao Nỗ (尾努), v.v. Hơn nữa, học giả Anh quốc T.W. Rhys Davids (1843-1922) căn cứ vào tích truyện Phật Giáo của Tích Lan, Miến Điện, bản pháp cú kinh chú (p: Dhammapada atthakathā, 法句經註) tiếng Pāli, v.v., cho rằng sau khi kiến lập vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, đức Phật đã từng trú tại Đại Lâm (p: Mahā-vana, 大林) của Thành Tỳ Xá Ly (s: Vaiśāli, 毘舍離), núi Ma Câu La, Tăng Ca Xá (p: Saṅkissa, 僧迦舍), Ba Lợi Lôi Nhã Tạp (s: Parileyyaka, 巴利雷雅卡), Mạn Đặc Lạt (p: Mantala, 曼特剌), v.v. Ngoài ra, Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 3, Phân Biệt Công Đức Luận (分別功德論, Taishō Vol. 25, No. 1507) quyển 2, Cao Tăng Pháp Hiển Truyện (高僧法顯傳, Taishō Vol. 51, No. 2085), v.v., cũng có ký lục như vậy. Tổng hợp các tư liệu trên, chúng ta có thể suy ra rằng địa phương hoằng pháp của đức Phật phần lớn tập trung tại hai thành Xá Vệ và Vương Xá. Về những sinh hoạt cuối đời của Ngài, Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō Vol. 2, No. 125) quyển 26, Phật Thuyết Nghĩa Túc Kinh (佛說義足經, Taishō Vol. 4, No. 198) quyển Hạ, Xuất Diệu Kinh (出曜經, Taishō Vol. 4, No. 212) quyển 16, Tỳ Ni Mẫu Kinh (毘尼母經, Taishō Vol. 24, No. 1463) quyển 4, Ngũ Phần Luật quyển 3, 21, 25, Tứ Phần Luật (四分律, Taishō Vol. 22, No. 1428) quyển 46, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Phá Tăng Sự quyển 13, 14, Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (善見律毘婆沙, Taishō Vol. 24, No. 1462) quyển 2, v.v., có ký lục rõ ràng. Lúc bấy giờ, Đề Bà Đạt Đa muốn bức bách đức Phật phải nhường lại giáo đoàn tăng chúng cho ông, nhưng ý đồ không thành, bèn phá tăng hoại Phật. Thêm vào đó, vua Lưu Ly (琉璃), con của vua Ba Tư Nặc, sau khi tức vị, tấn công Thành Ca Tỳ La Vệ, cố hương của đức Phật, diệt vong dòng họ Thích Ca. Vào năm cuối cùng khi đức Phật còn tại thế, Ngài rời nước Ma Kiệt Đà, đi về phía Bắc sông Hằng, kinh qua Tỳ Xá Ly, đến Thành Ba Bà (s: Pāvā, 波婆), thọ nhận bữa cơm cúng dường của người thợ vàng Thuần Đà (s, p: Cunda, 純陀), và nhân vì ăn loại nấm Tô Ca Lạp Ma Đạt Phạt (s: sūkaramaddava, 蘇迦拉摩達伐, tức nấm cây Chiên Đàn) mà mắc bệnh. Trước khi lâm chung, Ngài đến tắm lần cuối cùng tại dòng sông Câu Tôn (p: Kakuṭṭha, 拘孫河), rồi đến rừng Sa La Song Thọ (沙羅雙樹) ở Thành Câu Thi Na (s: Kuśinagara, p: Kusinagara, 拘尸那), đầu xoay về hướng Bắc, mặt hướng phía Tây, nằm thế cát tường. Vào nữa đêm, Ngài để lại lời giáo huấn cuối cùng cho chúng đệ tử, rồi sau đó thì an nhiên nhập diệt. Ban đầu, di cốt của đức Thích Tôn được an trí tại Thiên Quan Tự (s: Makuṭabandhana-cetiya, 天冠寺) của bộ tộc Mạt La (s, p: Malla, 末羅), sau đó hỏa táng. Khi tham gia lễ Trà Tỳ có sứ đoàn của 8 nước, gồm Câu Thi Na Yết La (拘尸那揭羅), Ba Bà (波婆), Giá La (遮羅), La Ma Già (羅摩伽), Tỳ Lưu Đề (毘留提), Ca Tỳ La (迦毘羅), Tỳ Xá Ly (毘舍離), Ma Kiệt Đà (摩揭陀), v.v., do vấn đề phân phối Xá Lợi (s: śarīra, p: sarīra, 舍利) mà nảy sinh đấu tranh lẫn nhau. Sau đó, nhờ sự điều đình của Bà La Môn Hương Tính (s: Doṇa, 香姓) mà được yên ổn, cho nên người này có được bình Xá Lợi. Từ đó, mỗi nước dựng tháp cúng dường, và đây là phát xuất của truyền thống thập tháp (10 ngôi tháp) ngày nay. Năm đức Phật nhập diệt, tại Hang Thất Diệp (s: Sapta-parṇa-guhā, 七葉窟) của Thành Vương Xá, cuộc kết tập kinh điển lần đầu tiên được tiến hành. Đương thời, Ma Ha Ca Diếp (s: Mahākāśyapa, p: Mahākassapa, 摩訶迦葉) là người triệu tập chủ yếu; A Nan (s, p: Ānanda, 阿難) và Ưu Ba Ly (s, p: Upāli, 優波離) thì tụng đọc các Kinh Luật của Phật thuyết trên cơ sở từng được nghe qua, rồi được đại chúng thảo luận, hiệu đính để trở thành tiêu chuẩn cho Kinh Luật đời sau. Về sau, trãi qua biết bao biến thiên, giáo pháp của đức Thích Tôn được phân thành hai hệ thống chính, truyền bá khắp nơi: Nam Truyền chủ yếu là tiếng Pāli và Bắc Truyền chủ yếu là kinh điển Hán dịch. Liên quan đến năm tháng xác thật đức Phật đản sanh, xuất gia, thành đạo, lần đầu chuyển Pháp Luân, tuổi thọ, nhập diệt, v.v., trong kinh điển có nhiều thuyết khác nhau. Về tuổi thọ, có 4 thuyết chính: (1) Tam Thế Đẳng Phẩm (三世等品) của Bồ Tát Tùng Đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh (菩薩從兜術天降神母胎說廣普經, Taishō Vol. 12, No. 384, tức Bồ Tát Xử Thai Kinh [菩薩處胎經]) quyển 23 cho là thọ 84 tuổi. (2) Bát Nê Hoàn Kinh (般泥洹經, Taishō Vol. 1, No. 6) quyển Hạ cho là 79 tuổi. (3) Thọ Lượng Phẩm (壽量品) của Kim Quang Minh Kinh (金光明經, Taishō Vol. 16, No. 663) quyển 1, Phật Thuyết Bát Đại Linh Tháp Danh Hiệu Kinh (佛說八大靈塔名號經, Taishō Vol. 32, No. 1685), Đại Bát Niết Bàn Kinh (p: Mahāparinibbāna-sutta, 大般涅槃經) bản tiếng Pāli, truyền thống của Miến Điện, v.v., cho là 80. (4) A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (阿毘達磨大毘婆沙論, Taishō Vol. 27, No. 1545) quyển 126 cho là hơn 80. Về niên đại đản sanh của Ngài, học giả hiện đại cũng có nhiều suy định khác nhau. Học giả Nhật Bản Vũ Tỉnh Bá Thọ (宇井伯壽, Ui Hakuju, 1882-1963) cho rằng năm Phật đản sanh là 466 trước CN. Trung Thôn Nguyên (中村元, Nakamura Hajime, 1912-1999) cũng ý cứ vào thuyết này, sau lấy sử liệu mới phát hiện của Hy Lạp, sau khi khảo chứng thì cho là năm 463 trước CN. Về ngày tháng đản sanh của đức Phật, có 5 thuyết khác nhau. (1) Trường A Hàm Kinh (長阿含經, Taishō Vol. 1, No. 1) quyển 4, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh (過去現在因果經, Taishō Vol. 3, No. 189) quyển 1, Phật Bản Hạnh Tập Kinh (佛本行集經, Taishō Vol. 3, No. 190) quyển 7, Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa (薩婆多毘尼毘婆沙, Taishō Vol. 23, No. 1440) quyển 2, v.v., cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Bồ Tát Giáng Than Phẩm (菩薩降身品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh (修行本起經, Taishō Vol. 3, No. 184) quyển Thượng cho là ngày mồng 7 hay 8 tháng 4. (3) Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh (太子瑞應本起經, Taishō Vol. 3, No. 185) quyển Thượng, Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi Kinh (異出菩薩本起經, Taishō Vol. 3, No. 188), Sanh Phẩm (生品) của Phật Sở Hành Tán (佛所行讚, Taishō Vol. 4, No. 192) quyển 1, Phật Thuyết Thập Nhị Du Kinh (佛說十二遊經, Taishō Vol. 4, No. 195), Phật Thuyết Quán Tẩy Phật Hình Tượng Kinh (佛說灌洗佛形像經, Taishō Vol. 16, No. 695), v.v., thì cho là ngày mồng 8 tháng 4. (4) Điều Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ Quốc (劫比羅伐窣堵國條) của Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記, Taishō Vol. 51, No. 2087) quyển 6 thì cho là ngày mồng 8 hậu bán tháng Vesākhā. (5) Thượng Tọa Bộ (上座部) cho là ngày 15 hậu bán tháng Vesākhā. Về ngày tháng xuất gia của đức Phật, có 5 thuyết. (1) Trường A Hàm Kinh cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh quyển 2 cho là ngày mồng 7 tháng 2. (3) Xuất Gia Phẩm (出家品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh quyển Hạ cho là ngày mồng 7 tháng 4. (4) Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh quyển Thượng, Phật Thuyết Quán Tẩy Phật Hình Tượng Kinh, v.v., cho là mồng 8 tháng 4. (5) Bản Sanh Kinh Phật Truyện (本生經佛傳) bản tiếng Pāli cho là ngày thứ 15 của tháng A Sa Trà (s: Āsāḷhā, 阿沙荼). Về ngày tháng thành đạo của Ngài, có 4 thuyết. (1) Trường A Hàm Kinh quyển 4, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh quyển 3, Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 2, v.v., cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Bản Đại Sử (p: Mahāvaṃsa, 大史) tiếng Pāli cho là ngày trăng tròn tháng Vesākhā. (3) Đại Đường Tây Vức Ký quyển 8 cho là ngày mồng 8 hậu bán tháng Vesākhā. (4) Thượng Tọa Bộ cho là ngày 15 hậu bán tháng Vesākhā. Về ngày tháng lần đầu tiên chuyển Pháp Luân, có 2 thuyết. (1) Bồ Tát Xử Thai Kinh quyển 7 cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Đại Tỳ Bà Sa Luận quyển 182 cho là ngày mồng 8 của tháng Ca Lật Để Ca (s: Kārttika, 迦栗底迦, hay Ca Hi Na [迦絺那]). Về ngày tháng nhập diệt của Ngài, có 6 thuyết khác nhau. (1) Trường A Hàm Kinh quyển 4 cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō Vol. 12, No. 374) quyển 1, Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1, v.v., cho là ngày 15 tháng 2. (3) Bài tựa của Nhất Thiết Thiện Kiến Luật (p: Samantapāsādikā, 一切善見律) bản tiếng Pāli, Luật Tạng (p: Vinaya-piṭaka, 律藏) tiếng Pāli, chương thứ 3 của Đại Sử, Điều Câu Thi Na Yết La Quốc (拘尸那揭羅國條) của Đại Đường Tây Vức Ký quyển 6, v.v., cho là ngày 15 hậu bán tháng Vesākhā. (4) Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 2 cho là ngày mồng 8 tháng 8. (5) Đại Tỳ Bà Sa Luận quyển 191, Đại Đường Tây Vức Ký quyển 6 viện dẫn truyện của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (s: Sarvāstivādin, p: Sabbatthivādin, 說一切有部), cho là ngày mồng 8 hậu bán tháng Ca Lật Để Ca. (6) Phật Thuyết Quán Tẩy Phật Hình Tượng Kinh cho là ngày mồng 8 tháng 4. Bên cạnh đó, liên quan đến niên đại nhập diệt của đức Thích Tôn, cũng có nhiều thuyết bất đồng. Như học giả Vũ Tỉnh Bá Thọ của Nhật thì chủ trương là năm 386 trước CN. Tiến Sĩ Trung Thôn Nguyên cho là năm 383 trước CN. Pháp sư Ấn Thuận (印順, 1906-2005) của Trung Hoa thì chủ trương năm 390 trước CN. Tổng hợp tất cả những thông tin vừa nêu trên, ngày tháng đản sanh, xuất gia, thành đạo của đức Phật có thể phân thành 3 thuyết chính: (1) ngày 8 tháng 2, (2) ngày 8 tháng 4, (3) ngày 15 tháng 2. Ngày tháng nhập diệt cũng được chia thành 3 thuyết: (1) ngày 8 tháng 2, (2) ngày 15 tháng 2, (3) ngày 8 tháng 8. Ngoài ra, Nhị Giáo Luận (二敎論) của Đạo An (道安, 312[314]-385) nhà Bắc Chu, Câu Xá Luận Bảo Sớ (俱舍論寶疏) quyển 1, v.v., so sánh tháng của lịch Ấn Độ và lịch Trung Quốc, cho rằng tháng 2 của Ấn Độ tương đương với tháng 4 của Tàu. Thêm vào đó, vào ngày mồng 1 mỗi tháng của lịch Ấn Độ thì tương đương với ngày 16 âm lịch của Trung Quốc; ngày cuối tháng thì tương đương với ngày 15 của tháng kế tiếp theo lịch của Trung Quốc.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.193.54 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập