Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Tuyết Sơn »»
(半言): nửa lời, còn gọi là bán kệ (半偈, nửa bài kệ). Theo Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經) quyển 14, Phẩm Thánh Hạnh (聖行品), xưa kia khi Như Lai chưa xuất hiện trên đời, lúc bấy giờ đức Phật Thích Ca thị hiện là một người ngoại đạo Bà La Môn, tinh thông hết thảy các học vấn, hành vi rất nhu hòa, tịch tĩnh, tâm thanh tịnh, vô nhiễm. Vị ấy có chí nguyện muốn tìm học kinh điển Đại Thừa; nhưng trãi qua một thời gian lâu mà không có kết quả. Sau ông vào trong núi Tuyết Sơn tu khổ hạnh, hành Thiền định và chờ đợi đấng Như Lai xuất hiện để được nghe giáo pháp Đại Thừa. Thấy vậy, Trời Đế Thích bèn biến hóa thành một con quỷ La Sát rất hung dữ, đáng sợ, bay đến gần chỗ vị tiên nhân, rồi lớn tiếng tuyên thuyết nửa bài kệ tụng do trước kia đã từng nghe từ đức Như Lai rằng: “Chư hành vô thường, hữu sinh hữu diệt (諸行無常、有生有滅, các hành vô thường, có sinh thì có diệt)”, và đến bên tiên nhân đảo mắt hung tợn nhìn khắp bốn phương. Nghe xong nửa bài kệ này, tiên nhân cảm thấy như có được thuốc hay để trị lành căn bệnh lâu ngày, như rơi xuống nước mà được thuyền cứu vớt, như đất hạn hán lâu ngày gặp nước mưa, như thân hình bị giam hãm lâu ngày nay được phóng thích; nên thân tâm rất hoan hỷ. Tiên nhân đứng dậy nhìn quanh, chỉ thấy con quỷ La Sát thân hình hung tợn, nên rất hồ nghi không biết ai đã tuyên thuyết câu kệ vi diệu như vậy; cuối cùng mới biết do con quỷ La Sát thuyết. Vị tiên nhân chí thành cầu xin con quỷ nói tiếp nửa bài kệ sau; sau nhiều lần thử thách, con quỷ vẫn không bằng lòng; cho nên vị tiên nhân phát nguyện hiến cả thân mạng cho con quỷ đói, chỉ với mục đích là nghe được chánh pháp mà thôi. Nhân đó, quỷ La Sát thuyết nửa bài kệ sau: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc (生滅滅已、寂滅爲樂, Sinh diệt diệt hết, vắng lặng an vui)”. Nghe xong, vị Bà La Môn biết câu kệ này rất có lợi ích cho mọi người, liền khắc lên khắp nơi như vách đá, thân cây, v.v., để lưu truyền cho hậu thế. Sau đó, ông leo lên cây cao, buông mình xuống để xả thân cho con quỷ đói ăn, theo như lời phát nguyện. Lúc bấy giờ, trên không trung văng vẳng âm thanh vi diệu, các vua trời cùng Trời Đế Thích hiện nguyên thân hình đón lấy thân thể vị Bà La Môn, cung kính đãnh lễ và cầu xin hóa độ cho họ trong tương lai. Nhờ nhân duyên xả thân mạng để nghe được nửa câu kệ như vậy, sau 12 kiếp tu hành, vị Bà La Môn thành Phật trước cả Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, 彌勒). Hơn nữa, trong Bách Nghiệp Kinh (百業經), có đề cập đến câu chuyện tiền thân của đức Phật là của Tích Phổ Quốc Vương (昔普國王) cũng tương tự như vậy; song nội dung chuyện và văn kệ có phần khác. Đức vua là người có tâm từ bi lớn, chuyên bố thí khắp mọi người, thương yêu thần dân hết mực. Trời Đế Thích thấy vậy muốn thử tâm của nhà vua, bèn biến thành con quỷ La Sát, đến trước vua tuyên thuyết nửa bài kệ rằng: “Chư pháp giai vô thường, nhất thiết sinh diệt tánh (諸法皆無常、一切生滅性, các pháp đều vô thường, tất cả có tánh sinh diệt)”. Nghe xong pháp xong, đức vua sanh tâm hoan hỷ, liền cung kính đãnh lễ La Sát và cầu xin cho nghe nửa bài kệ sau với lời phát nguyện sẽ dâng hiến thịt máu của vua cho con quỷ. Trước lời thỉnh cầu chí thành của nhà vua, quỷ La Sát nói tiếp nửa bài kệ sau là: “Sinh diệt tức diệt tận, bỉ đẳng tịch diệt lạc (生滅卽滅盡、彼等寂滅樂, Sinh diệt đã diệt hết, ấy niềm vui vắng lặng)”. Sau khi nghe được cả bài kệ, đức vua lấy toàn bộ thịt máu của mình dâng cho quỷ La Sát. Lúc bấy giờ, đại địa chấn động, trời người rải hoa cúng dường và tán thán đại nguyện của Tích Phổ Quốc Vương. Sau này, Huyền Trang (玄奘, 602-664) có làm bài “Đề Bán Kệ Xả Thân Sơn (題半偈捨身山)” rằng: “Hốt văn bát tự siêu thi cảnh, bất tích đơn xu xả thử sơn, kệ cú thiên lưu phương thạch thượng, nhạc âm thời tấu bán không gian (忽聞八字超詩境、不惜丹軀捨此山、偈句篇留方石上、樂音時奏半空間, chợt nghe tám chữ siêu thi hứng, chẳng tiếc thân mình bỏ núi non, câu kệ còn lưu trên vách đá, nhạc âm vang vọng nửa không gian)”. Ngoài ra, Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 675-713), tác giả của bài Chứng Đạo Ca (証道歌), cũng có Bán Cú Kệ rằng: “Sanh dã điên đảo, tử dã điên đảo (生也顚倒、死也顚倒, sống cũng điên đảo, chết cũng điên đảo).”
(s: kalaviṅka, p: karavika, 迦陵頻伽): còn gọi là Ca La Tần Già (歌羅頻伽), Ca Lan Già (加蘭伽), Ca Lan Tần Già (迦蘭頻伽), Yết La Tần Già (羯羅頻迦), Ca Lăng Tần Già (迦楞頻伽), Ca Lăng Tỳ Già (迦陵毘伽), Ca Lăng Già (迦陵伽), Yết Lăng Già (羯陵伽), Yết Tỳ Già La (羯毘伽羅), Yết Lăng Già La (羯陵伽羅), Ca Tỳ Già La (迦毘伽羅), Hạt Thất Già La (鶡鵯伽羅), Ca Vĩ La (迦尾羅), v.v.; ý dịch là hảo thanh điểu (好聲鳥, chim có tiếng hót hay), mỹ dung điểu (美容鳥, chim có hình dáng đẹp), diệu thanh điểu (妙聲鳥, chim có âm thanh tuyệt diệu). Đây là tên của một loài chim, thường thấy chủ yếu ở Ấn Độ, xuất xứ từ trên Tuyết Sơn (s, p: Himālaya, 雪山); nó sắc màu đen mượt giống như chim sẻ, bộ lông rất đẹp, ở phần cổ có màu đỏ. Khi còn trong trứng, chim đã có thể cất tiếng hót, âm thanh trong trẻo, hòa nhã, vi diệu, so với tiếng của Trời, người, Khẩn Na La (s: kiṃnara, 緊那羅) cũng như tất cả những loài chim khác đều thua xa. Như trong A Di Đà Kinh Yếu Giải Tiện Mông Sao (阿彌陀經要解便蒙鈔, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 22, No. 430) quyển Trung có giải thích rằng: “Sơn cốc khoáng dã, kỳ trung đa hữu Ca Lăng Tần Già, xuất diệu âm thanh, nhược thiên nhược nhân, Khẩn Na La đẳng, vô năng cập giả (山谷曠野、其中多有迦陵頻伽、出妙音聲、若天若人、緊那羅等、無能及者, nơi hang núi đồng rộng, trong đó có nhiều chim Ca Lăng Tần Già, phát ra tiếng hót vi diệu, dẫu Trời dẫu người, Khẩn Na La vân vân, không thể sánh bằng).” Trong kinh điển Phật Giáo, thường lấy âm thanh của loài chim này để ví cho tiếng vi diệu của chư Phật, Bồ Tát; hoặc xem Ca Lăng Tần Già như là loài chim của thế giới Cực Lạc. Trong đồ hình Mạn Trà La Tịnh Độ, Ca Lăng Tần Già được vẽ dưới hình dạng đầu người thân chim. Trong Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận (大乘集菩薩學論, Taishō Vol. 32, No. 1636) quyển 23 có câu: “Mâu Ni Tam Nghiệp siêu Tam Hữu, thí nhược phù cừ bất trước thủy, Ca Lăng Tần Già tịnh diệu thanh, thị cố ngã kim khể cụ lễ (牟尼三業超三有、譬若芙蕖不著水、迦陵頻伽淨妙聲、是故我今稽具禮, Mâu Ni Ba Nghiệp vượt Ba Cõi, giống như hoa sen chẳng thấm nước, Ca Lăng Tần Già tiếng vi diệu, vì vậy con nay cúi đầu lạy).” Hay trong Phật Thuyết Hộ Quốc Tôn Giả Sở Vấn Đại Thừa Kinh (佛說護國尊者所問大乘經, Taishō Vol. 12, No. 321) quyển 3 có đoạn: “Phước Quang Thái Tử viên uyển chi nội, hữu chủng chủng phi điểu, Anh Vũ, Cù Dục, Uyên Ương, Nga Áp, Khổng Tước Xá Lợi, Câu Chỉ La Điểu, Câu Nỗ La Điểu, Ca Lăng Tần Già, Mạng Mạng Điểu đẳng (福光太子園苑之內、有種種飛鳥、鸚鵡、鴝鵒、鴛鴦、鵝鴨、孔雀舍利、俱枳羅鳥、俱拏羅鳥、迦陵頻伽、命命鳥等, trong vườn của Thái Tử Phước Quang có nhiều loại chim bay, như chim vẹt, sáo, uyên ương, vịt trời, chim sẻ Xá Lợi, chim Câu Chỉ La, chim Câu Nỗ La, chim Ca Lăng Tần Già, chim Mạng Mạng, vân vân).” Trong Tam Thời Hệ Niệm Nghi Quỹ (三時繫念儀範, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1465) lại có đoạn: “Lục thời hành đạo bảo lâm gian, Cửu Phẩm tiêu danh kim chiểu nội, thủy điểu thọ lâm năng thuyết pháp, Ca Lăng Tần Già cọng đàm Thiền, bảo lan bảo can ảnh linh lung, bảo tọa bảo tràng quang xán lạn (六時行道寶林間、九品標名金沼內、水鳥樹林能說法、迦陵頻伽共談禪、寶欄寶網影玲瓏、寶座寶幢光燦爛, sáu thời hành đạo nơi rừng báu, Chín Phẩm đề danh trong hồ vàng, chim nước rừng cây còn thuyết pháp, Ca Lăng Tần Già thảy bàn Thiền, lan can quý báu ảnh lung linh, tòa báu tràng phan sáng rực rỡ).”
(醍醐寺, Daigo-ji): ngôi chùa trung tâm của Phái Đề Hồ (醍醐派) thuộc Chơn Ngôn Tông, hiệu núi là Thâm Tuyết Sơn (深雪山), hiện tọa lạc tại Daigo (醍醐), Fushimi-ku (伏見區), Kyoto-shi (京都市). Theo truyền ký của chùa cho biết, Thánh Bảo (聖寶) là người khai sáng chùa vào năm 874 (niên hiệu Trinh Quán [貞觀] thứ 16). Ban đầu ông trú tại Tây Nam Viện của Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), vùng đất chùa này là khoảng giữa của Thạch Sơn Tự (石山寺) và Đông Đại Tự. Ông điêu khắc hai bức tượng Chuẩn Đề và Quan Âm, rồi an trí trên núi. Người con gái của nhà hào tộc vùng Sơn Khoa (山科, Yamashina) là Dận Tử (胤子) theo làm cung phi của Vũ Đa Thiên Hoàng (宇多天皇, Uda Tennō, tại vị 887-897) và hạ sanh Đề Hồ Thiên Hoàng (醍醐天皇, Daigo Tennō, tại vị 897-930). Hay đời sau Châu Tước Thiên Hoàng (朱雀天皇, Suzaku Tennō, tại vị 930-946) hạ sanh cũng nhờ cầu nguyện đức Chuẩn Đề. Với mối quan hệ dó, chùa được tầng lớp Hoàng Thất quy y theo. Vì thế, năm 904 (niên hiệu Diên Hỷ [延喜] thứ 4), Thích Ca Đường; rồi đến năm 907 thì Dược Sư Đường, Ngũ Đại Dường lần lượt được kiến lập, và đến năm 913 thì nơi đây trở thành chùa được cấp định ngạch của Hoàng triều. Vào năm 949 (niên hiệu Thiên Lịch [天曆] thứ 3), Pháp Hoa Tam Muội Đường được kiến lập dưới chân núi; đến năm 952, ngôi tháp 5 tầng hiện tồn được tạo dựng và coi như ngôi già lam được hoàn bị. Đối với các công trình kiến trúc này, hệ thống của Đề Hồ Thiên Hoàng đã có nỗ lực rất lớn; nhưng đến khi dòng họ Đằng Nguyên (藤原, Fujiwara) nắm chính quyền thì sự ngoại hộ từ phía Hoàng Thất trở nên thưa thớt dần, song đến thời Viện Chính thì chùa lại được phục hưng nhờ vị Tọa Chủ xuất thân dòng họ Nguyên (源, Minamoto). Tức là các vị Tọa Chủ đời thứ 13 là Giác Nguyên (覺源, con thứ 4 của Hoa Sơn Thiên Hoàng [花山天皇, Kazan Tennō, tại vị 984-986]), đời thứ 14 là Định Hiền (定賢, con của Nguyên Long Quốc [源隆國]), đời thứ 15 là Thắng Giác (勝覺) cũng như đời thứ 18 là Thật Vận (實運, con của Nguyên Tuấn Phòng [源俊房]), đời thứ 16 là Định Hải (定海, con của Nguyên Hiển Phòng Tử [源顯房子]), đời thứ 17 là Nguyên Hải (元海, con của Nguyên Nhã Tuấn [源雅俊]), v.v. Thêm vào đó, nhờ có các danh tăng xuất hiện nên mọi người đều quy ngưỡng về chùa này. Vốn là con cháu đích truyền của Dòng Tiểu Dã (小野流), là trung tâm nghiên cứu dòng pháp, hiện tại Đề Hồ Tự vẫn bảo quản khá nhiều sách khẩu truyền, nghiên cứu, đặc biệt là các đồ hình, tượng, v.v. Vào năm 1115 (niên hiệu Vĩnh Cửu [永久] thứ 3), tiếp theo việc kiến lập Tam Bảo Viện của Thắng Giác, Kim Cang Vương Viện của Thánh Hiền (聖賢), Lý Tánh Viện của Hiền Giác (賢覺), Vô Lượng Thọ Viện của Nguyên Hải, Báo Ân Viện của Thành Hiền (成賢), Địa Tạng Viện của Đạo Giáo (道敎) lần lượt xuất hiện, hình thành nên 6 dòng phái Đề Hồ. Về mặt chính trị, dưới thời đại Liêm Thương (鎌倉, Kamakura) thì không có can hệ gì, chùa trở thành trung tâm nghiên cứu sự tướng, đồ tượng cho các tông phái. Về sau, chùa bị cháy hơn phân nữa trong vụ loạn Ứng Nhân (應仁). Đến thời Nghĩa Diễn (義演) làm Tọa Chủ nơi đây, nhờ sự hỗ trợ của dòng họ Phong Thần (豐臣, Toyotomi), ông tiến hành phục hưng chùa. Đến thời đại Giang Hộ (江戸, Edo), nhờ sự bảo hộ phái Tân Nghĩa Chơn Ngôn Tông (新義眞言宗), nên chùa không bị dao động gì cả. Chùa hiện tồn rất nhiều quần thể kiến trúc cũng như bảo vật có giá trị cấp quốc bảo như Dược Sư Đường, Khai Sơn Đường, Như Ý Luân Đường, Kim Đường, 5 bức Ngũ Đại Tôn Tượng, Diêm Ma Thiên Tượng, Đại Nhật Kim Luân, A Di Đà Tam Tôn, v.v.
(s: Bhaiṣajya-rāja, 藥王): dịch âm là Bế Thệ Xả La Nhạ (鞞逝捨羅惹), là vị Bồ Tát thường ban các loại thuốc tốt để trị các bịnh khổ về thân lẫn tâm của chúng sanh. Đây là 1 trong 25 vị Bồ Tát của đức Phật A Di Đà. Theo Kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị Bồ Tát (觀藥王藥上二菩薩經) cho biết rằng, trong đời quá khứ vô lượng vô biên A Tăng Kỳ kiếp có đức Phật hiệu là Lưu Ly Quang Chiếu Như Lai (琉璃光照如來), quốc độ của Ngài tên là Huyền Thắng Phan (懸勝幡). Sau khi vị Phật này nhập Niết Bàn, vào đời tượng pháp có vị Tỳ Kheo tên Nhật Tạng (日藏) thông minh, nhiều trí tuệ, vì đại chúng mà diễn thuyết trí tuệ lớn bình đẳng thanh tịnh vô thượng của Đại Thừa. Khi ấy trong hội chúng có trưởng giả tên là Tinh Tú Quang (星宿光) nhân nghe được trí tuệ này tâm liền sanh hoan hỷ, bèn lấy thuốc tốt trên núi Tuyết Sơn đem dâng cúng dường cho Tỳ Kheo Nhật Tạng và chúng tăng, còn phát nguyện đem công đức này hồi hướng để được giác ngộ vô thượng. nếu chúng sanh nào nghe được tên của mình nguyện cho người ấy được diệt trừ 3 loại bịnh khổ. Lúc bấy giờ người em của trưởng giả là Điện Quang Minh (電光明) cũng theo người anh mình mang các loại thuốc tốt đến dâng cúng Tỳ Kheo Nhật Tạng và chúng tăng, cũng phát bồ đề tâm lớn, nguyện được thành Phật. Lúc đó toàn thể đại chúng đều tán thán trưởng giả Tinh Tú Quang là Dược Vương (vua của các loại thuốc), còn Điện Quang Minh là Dược Thượng. Về sau hai vị này đã chứng đắc ngôi vị Bồ Tát với tên gọi như vậy. Cũng kinh này cho biết rằng, hai vị Bồ Tát đã từng tu phạm hạnh trong khoảng thời gian lâu dài, các nguyện đã được tròn đầy, Dược Vương Bồ Tát sẽ thành Phật trong đời tương lai, hiệu là Tịnh Nhãn Như Lai (s: Vimala-netra, 淨眼如來) và Dược Thượng Bồ Tát cũng thành Phật hiệu là Tịnh Tạng Như Lai (s: Vimala-garbha, 淨藏如來). Lại nữa, trong phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự (藥王菩薩本事) của kinh Pháp Hoa cũng nói rằng, trong thời quá khứ vô lượng hằng hà sa kiếp có đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai (日月淨明德如來), tuổi thọ của vị Phật này là 42.000 kiếp. Lúc bấy giờ có vị Bồ Tát tên là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát (一切眾生喜見菩薩) tu tập khổ hạnh, tinh tấn kinh hành, nhất tâm cầu Phật. Trải qua 12.000 tuổi, chứng được Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội (現一切色身三昧). Vị này phủ lên mình các loại hương, dầu rồi đốt cháy thân mình cúng dường Phật trong vòng 1200 năm. Sau khi mạng chung, lại hóa sanh vào gia đình của vua Tịnh Đức, được Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai phó chúc cho. Sau khi vị Phật này qua đời, Bồ Tát đã tạo dựng 84.000 ngôi tháp. Chính bản thân của Ngài trong vòng 72.000 năm đã từng đốt cánh tay cúng dường các tháp ấy. Ngài còn có tên gọi là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát, tức là Dược Vương Bồ Tát bây giờ. Riêng phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự, cuốn 7, Kinh Pháp Hoa cho biết rằng vào thời quá khứ vô số kiếp có ngài Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật (雲雷音宿王華智佛) thuyết Kinh Pháp Hoa. Lúc bấy giờ có vị quốc vương tên là Diệu Trang Nghiêm (s: Śubha-vyūha, 妙莊嚴), phu nhân tên là Tịnh Đức (s: Vimala-datta, 淨德) và hai người con tên là Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn. Vị vua này tin vào tà kiến tu theo pháp của ngoại đạo nên phu nhân cùng với hai người con đã dùng nhiều loại phương tiện khác nhau khiến cho nhà vua đến chỗ của Tú Vương Hoa Trí Phật để nghe kinh Pháp Hoa và đã được lợi ích. Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn hiện tại là Dược Vương và Dược Thượng. Hình tượng của Dược Vương Bồ Tát thông thường trên đầu có đội mũ báu, tay trái nắm chặt lại đặt ngang hông, tay phải đặt trước ngực, ngón tay cái, ngón áp út và ngón tay giữa cầm cây dược thảo hình Tam Muội Da hình Hoa Sen.
(s: tri-kāya, 三身): ba loại thân của Phật, gồm có Pháp Thân (s: dharma-kāya, 法身), Báo Thân (s: sambhoga-kāya, 報身) và Ứng Thân (s: nirmāṇa-kāya, 應身). Với ý nghĩa là thân thể của chân lý (pháp), Pháp Thân là đương thể chân lý vĩnh viễn bất biến, là đức Phật lý tánh không sắc không hình mà đem lại ý nghĩa mang tính nhân cách cho lý thể của chân như. Báo Thân là thân Phật có tướng tốt hiển hiện tùy theo hạnh nguyện của nhân vị, tích chứa các hạnh làm nhân để thành Phật và đầy đủ công đức. Ứng Thân là thân Phật hóa hiện ứng theo căn cơ của chúng sanh. Theo Pháp Tướng Tông, Tam Thân là Tự Tánh Thân (自性身), Thọ Dụng Thân (受用身) và Biến Hóa Thân (變化身). Tự Tánh Thân tương đương với Pháp Thân, là thân nương tựa vào Thọ Dụng Thân và Biến Hóa Thân. Thọ Dụng Thân là thân để thọ dụng pháp lạc, gồm có 2 loại: Tự Thọ Dụng Thân (自受用身) và Tha Thọ Dụng Thân (他受用身). Tự Thọ Dụng Thân tương đương với Báo Thân và Tha Thọ Dụng Thân thì ứng với Ứng Thân. Còn Biến Hóa Thân là thân thị hiện đem lại lợi ích cho hàng Bồ Tát trước khi vào Thập Địa cũng như chúng sanh. Trong Thiếu Thất Lục Môn (少室六門, Taishō No. 2009) có giải thích về Tam Thân rằng: “Phật hữu Tam Thân giả, Hóa Thân Báo Thân Pháp Thân; nhược chúng sanh thường tác thiện căn, tức Hóa Thân hiện; tu trí tuệ tức Báo Thân hiện; giác Vô Vi tức Pháp Thân hiện; phi đằng thập phương tùy nghi cứu tế giả, Hóa Thân Phật dã; đoạn cảm tu thiện Tuyết Sơn thành đạo giả, Báo Thân Phật dã; vô ngôn vô thuyết trạm nhiên thường trú giả, Pháp Thân Phật dã (佛有三身者、化身報身法身、若眾生常作善根、卽化身現、修智慧卽報身現、覺無爲卽法身現、飛騰十方隨宜救濟者、化身佛也、斷惑修善雪山成道者、報身佛也、無言無說湛然常住者、法身佛也, Phật có ba thân là Hóa Thân, Báo Thân, và Pháp Thân; nếu chúng sanh thường tạo căn lành, tức Hóa Thân hiện; nếu tu trí tuệ tức Báo Thân hiện; hiểu rõ Vô Vi tức Pháp Thân hiện; thân bay cùng khắp mười phương, tùy nghi cứu độ là Hóa Thân Phật; thân đoạn trừ các hoặc, tu thiện và thành đạo ở Tuyết Sơn là Báo Thân Phật; thân không nói lời nào, không thuyết lời nào, vắng lặng thường trú là Pháp Thân Phật).” Tại Chánh Điện Chùa Trúc Lâm, thành phố Huế, có câu đối rằng: “Hương lí kết tường vân Tam Thân viên hiển, hoa khai trình diệu tướng Thập Hiệu hùng tôn (香裡結祥雲三身圓顯、花開呈妙相十號雄尊, trong hương kết mây lành Ba Thân lộ rõ, hoa nở trình tướng báu Mười Hiệu hùng tôn).”
có tên gọi khác như Dương Nguyệt (陽月), Hợi Nguyệt (亥月), Cát Nguyệt (吉月), Lương Nguyệt (良月), Khôn Nguyệt (坤月), Chánh Dương Nguyệt (正陽月), Tiểu Dương Xuân (小陽春), Thần Vô Nguyệt (神無月), Thập Nguyệt (拾月), Thời Vũ Nguyệt (時雨月), Sơ Sương Nguyệt (初霜月), Ứng Chung (應鐘, 應鍾), Sơ Đông (初冬), Mạnh Đông (孟冬), Thượng Đông (上冬), Khai Đông (開冬), Huyền Đông (玄冬), Huyền Anh (玄英), Tiểu Xuân (小春), Đại Chương (大章), Thỉ Băng (始冰), Cực Dương (極陽), Dương Chỉ (陽止), Mạnh Đông (孟冬), Nguyên Đông (元冬), Tiểu Lương (小良), Ứng Nguyệt (應月), Lập Nguyệt (立月), Tiểu Hòa Xuân (小和春), Âm Nguyệt (陰月), Lộ Nguyệt (露月), Phi Âm Nguyệt (飛陰月). Một số câu hay cho tháng Mười như Mai truyền Xuân ý (梅傳春意, Mai truyền ý Xuân), Cúc ngạo sương chi (菊傲霜枝, Cúc ngạo nghễ cành sương), hàn uy vị chấn (寒威未振, uy lực cái lạnh chưa đến nỗi), ái cảnh sơ khai (愛景初開, cảnh đẹp mới bày), đấu tiêu chỉ Bắc (鬥杓指北, chuôi sao về hướng Bắc), nhật ảnh hồi Nam (日影回南, bóng mặt trời trở về hướng Nam), nhật lâm chiết mộc (日臨折木, mặt trời đến bẻ cây), Nam chi nhật noãn (南枝日暖, cành Nam mặt trời ấm), Đông các hàn khinh (東閣寒輕, gác Đông se lạnh), hòa khí như Xuân (和氣如春, khí trời ôn hòa như mùa Xuân). Một số từ dùng cho Lập Đông (立冬) như nguyên anh khải tú (元英啟秀, hoa cỏ khởi sắc), thanh nữ ty hàn (青女司寒, cô gái tự nhiên màu xanh làm chủ cái lạnh), sương lăng Mai nhụy (霜淩梅蕊, sương thấm nhụy hoa Mai), tuyết ngạo sương chi (雪傲霜枝, tuyết cười ngạo cành sương), Dương Xuân tương Hạ (陽春將夏, tháng Mười như Hè), Xuân ý phương xa (春意方賒, ý Xuân còn xa). Một số từ dùng cho tháng Mười nhuận như Tiểu Dương dư nhuận (小陽餘閏, tháng Mười còn nhuận), Dương Nguyệt tăng trưởng (陽月增長, tháng Mười kéo dài). Một số từ dùng cho truy điệu vào tháng này như phong mộc thanh phân (風木聲分, tiếng gió cây rã rời), Tuyết Sơn dung lão (雪山容老, dáng núi tuyết già cỗi).
có tên gọi khác như Phạp Nguyệt (乏月), Hoang Nguyệt (荒月), Dương Nguyệt (陽月), Nông Nguyệt (農月), Càn Nguyệt (乾月), Tỵ Nguyệt (巳月), Úy Nguyệt (畏月), Vân Nguyệt (雲月), Hòe Nguyệt (槐月), Mạch Nguyệt (麥月), Chu Nguyệt (朱月), Dư Nguyệt (餘月), Thủ Hạ (首夏), Hạ Thủ (夏首), Mạnh Hạ (孟夏), Sơ Hạ (初夏), Duy Hạ (維夏), Thỉ Hạ (始夏), Hòe Hạ (槐夏), Đắc Điểu Vũ Nguyệt (得鳥羽月), Hoa Tàn Nguyệt (花殘月), Trọng Lữ (仲侶、仲呂), Thuần Dương (純陽), Thuần Càn (純乾), Chánh Dương Nguyệt (正陽月), Hòa Nguyệt (和月), Mạch Thu Nguyệt (麥秋月), Mạch Hầu (麥候), Mạch Tự (麥序), Lục Dương (六陽), Mai Nhục (梅溽), Mai Nguyệt (梅月), Thanh Hòa (清和), Chu Minh (朱明), Phạp Hạ (乏夏), Xuân Dư (春餘), Hòe Tự (槐序), Anh Tự (櫻序). Một số câu hay cho tháng Tư như Hòe phong mị Hạ (槐風媚夏, gió đưa cây Hòe nịnh hót mùa Hè), mạch Hạ phiên Thu (麥夏翻秋, mùa Hè lúa chuyển sang Thu), ngũ phong mạch thục (五風麥熟, năm gió làm lúa chín), tế vũ mai phì (細雨梅肥, mưa nhẹ làm cho Mai tươi tốt), Chu Minh bố lệnh (朱明布令, Chu Minh ban lệnh), Xích Đế ty quyền (赤帝司權, Xích Đế nắm quyền). Một số từ dùng cho tháng Tư nhuận như nguyệt tiêu kỷ nhuận (月蕭紀閏, trăng tiêu điều tháng năm nhuận), thử khí sơ lai (暑氣初來, khí nóng bắt đầu đến), vân đường nghênh Hạ (雲堂迎夏, nhà mây đón mùa Hè), Tuyết Sơn tống Xuân (雪山送春, núi tuyết tiễn Xuân đi). Một số từ dùng cho truy điệu vào tháng này như Mai hoàng sầu vũ (梅黃愁雨, Mai vàng buồn mưa), mạch thục bi phong (麥熟悲風, lúa chín sầu gió). Từ dùng cho Lập Hạ là Hạ hành triệu thỉ (夏衡肇始, mùa Hè thật sự bắt đầu), viêm đức phương tân (炎德方新, khí nóng càng mới), quỳ hoa hướng dương (葵花向陽, hoa Quỳ hướng về mặt trời), trúc diệp thùy âm (竹葉垂陰, lá tre tìm bóng râm), tân hà thiếp thủy (新荷貼水, sen mới bám vào nước), trĩ trúc thành âm (稚竹成陰, tre non thành bóng râm), lục long hành Hạ (六龍行夏, sáu rồng đi khắp mùa Hè), vạn tính thư Hạ (萬姓舒憂, muôn họ thư thả hưởng mùa Hè).
(s: stūpa, p: thūpa, 塔): âm dịch là Tốt Đổ Bà (窣睹婆、窣堵婆), Tốt Đổ Ba (窣堵波), Tốt Đô Bà (窣都婆), Tẩu Đẩu Bà (藪斗婆), Tẩu Đẩu Ba (數斗波), Tô Thâu Bà (蘇偷婆), Tố Đổ Ba (素睹波), Suất Đô Bà (率都婆), Tốt Đô Bà (卒都婆); dịch tắt là Tháp Bà (塔婆), Thâu Bà (偷婆), Đâu Bà (兜婆), Phật Đồ (佛圖), Phù Đồ (浮圖、浮屠), Phật Tháp (佛塔); ý dịch là cao hiển xứ (高顯處), công đức tụ (功德聚), phương phần (方墳), viên trũng (圓塚), đại trũng (大塚), trũng (塚), phần lăng (墳陵), tháp miếu (塔廟), miếu (廟), quy tông (歸宗), đại tụ (大聚), tụ tướng (聚相), linh miếu (靈廟). Nguyên lai chỉ cho nơi an trí vật Xá Lợi, v.v., của đức Phật, lấy gạch ngói, v.v., dựng thành vật kiến trúc; nhưng đời sau phần lớn hỗn đồng với nghĩa Chi Đề (s: caitya, 支提), mà chỉ chung cho nơi đức Phật Đản Sanh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân, Nhập Niết Bàn, nơi các đức Phật quá khứ kinh hành, thánh địa liên quan đến tiền sanh của đức Phật, hang Bích Chi Phật (s: pratyeka-buddha, 辟支佛), cho đến những nơi an trí tượng chư Phật, Bồ Tát, hay di cốt của chư vị cao tăng, Tổ sư, v.v. người ta thường lấy đất, đá, gạch ngói, gỗ, v.v., xây dựng nên vật kiến trúc để lễ bái cúng dường. Tuy nhiên, Ma Ha Tăng Kỳ Luật (摩訶僧祇律, Taishō Vol. 22, No. 1425) quyển 33, Pháp Hoa Nghĩa Sớ (法華義疏, Taishō Vol. 34, No. 1721) quyển 11, v.v., phân biệt rõ rằng nơi nào có Xá Lợi đức Phật thì gọi là Tháp, nơi nào không có là Chi Đề. Căn cứ vào đó, 8 ngôi tháp có an trí Xá Lợi đức Phật ở Câu Thi Na (s: Kuśinagara, p: Kusinagara, 拘尸那), Ma Kiệt Đà (s, p: Magadha, 摩掲陀), v.v., là Tốt Đổ Ba; còn các ngôi tháp nơi đức Phật đản sanh ở Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛), nơi Thành Đạo dưới cây Bồ Đề ở Phật Dà Già Da (s: Buddha-gayā, 佛陀伽耶), nơi Chuyển Pháp Luân ở Vườn Lộc Uyển (s: Mṛgadāva, p: Migadāya, 鹿苑), nơi đại thần thông của Tinh Xá Kỳ Viên (p: Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇園精舍), nơi có ba đường bậc cấp báu (khi đức Phật từ trên cung trời Đao Lợi [s: Trāyastriṃśa, p: Tāvatiṃsa, 忉利] xuống) ở gần khúc Nữ Thành (曲女城), nơi tuyên thuyết kinh điển Đại Thừa ở núi Kỳ Xà Quật (s: Gṛdhrakūṭa, p: Gijjhakūṭa, 耆闍崛山), nơi cư sĩ Duy Ma Cật (s: Vimalakīrti, 維摩詰) thị hiện tướng bệnh ở Am La Vệ Lâm (菴羅衛林), nơi đức Phật nhập Niết Bàn ở rừng Sa La (沙羅), v.v., được gọi là Bát Đại Linh Tháp (八大靈塔, tám ngôi tháp lớn linh thiêng), đều thuộc về Chi Đề. Về nguồn gốc tạo dựng tháp, có thể suy tận thời đại đức Phật, như Thập Tụng Luật (十誦律, Taishō Vol. 23, No. 1435) quyển 56 cho biết rằng trưởng giả Tu Đạt (p: Sudatta, 須達) đã từng cầu xin lấy tóc và móng tay của đức Phật, dựng tháp thờ cúng dường. Hay Ma Ha Tăng Kỳ Luật quyển 33 có ghi rằng vua Ba Tư Nặc (s: Prasenajit, p: Pasenadi, 波斯匿) cũng từng bắt chước đức Phật, kiến lập tháp Phật Ca Diếp (s: Kāśyapa Buddha, 迦葉佛) để lễ bái cúng dường. Sau khi đức Phật nhập diệt, có 8 quốc gia như Ba Bà (波婆), Nhân Già La (人遮羅), La Ma Già (羅摩伽), v.v., nhờ Bà La Môn Hương Tánh (香姓) phân chia Xá Lợi cho, các nước ấy đều tự đem trở về dựng tháp cúng dường; và đây được xem như là khởi điểm của việc kiến tạo Tốt Đổ Ba. Ngoài ra, theo A Dục Vương Truyện (阿育王傳, Taishō Vol. 50, No. 2042) quyển 1, Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (善見律毘婆沙, Taishō Vol. 24, No. 1462) quyển 1, v.v., cũng cho biết thêm rằng sau khi đức Phật diệt độ khoảng 200 năm, nhân dịp quân lâm đến vương quốc Ma Kiệt Đà, vua A Dục (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育) đã cho kiến lập 84.000 bảo tháp ở khắp các địa phương của lãnh thổ này. Theo khảo chứng của học giả Nhật Bản là Dật Kiến Mai Vinh (逸見梅榮, Henmi Baiei, 1891-1977), cổ tháp trong di tích Sanchi, ngói tạo tháp ở vị trí trung tâm được vua A Dục làm từ thời xưa. Nếu nói chung về nghĩa của Tháp (gồm Tháp Bà lẫn Chi Đề), có rất nhiều kiến trúc nổi tiếng trên khắp thế giới, tỷ dụ như: (1) Tháp của di tích Bharhut (巴赫特, Ba Hách Đặc) ở miền Trung Ấn, thân tháp đã bị đỗ nát hoàn toàn, chỉ còn lại lan can bằng đá, cổng đá; suy định thuộc loại cổ tháp, được dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước CN, dưới thời vua Huân Ca (熏迦). (2) Lan can đá cổ ở vùng phụ cận Đại Tháp Phật Đà Già Da, được dựng vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước CN. (3) Các Chi Đề ở những di tích Phật Giáo trứ danh như hang động thứ 10 của Ajanta (阿旃多, A Chiên Đa), hang động thứ 17 của Nāsik (那西克, Na Tây Khắc), ở Kārlī (迦利, Ca Lợi), Bedsā (貝德沙, Bối Đức Sa), v.v., đều được tạo dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 1 trước CN; là các di sản tiểu biểu quan trọng của tháp Phật thời cổ đại. (4) Ca Nị Sắc Ca (s: Kaniṣka, p: Kanisika, 迦膩色迦) của nước Kiền Đà La (s, p: Gandhāra, 犍馱羅) thuộc Bắc Ấn, vị vua thống trị vào khoảng thế kỷ thứ 1 sau CN, đã từng kiến lập một ngôi tháp cao đến 32 thước dưới Tuyết Sơn thuộc nước Ca Tất Thí (s: Kapiśa, 迦畢試). Rồi nhà vua lại cho dựng ngôi Tước Ly Phù Đồ (雀離浮圖) ở nước Kiền Đà La, cao hơn 220 thước, gồm 13 cấp; cho nên Lạc Dương Già Lam Ký (洛陽伽藍記, Taishō Vol. 51, No. 2092) quyển 5 gọi đó là “Tây Vức Phù Đồ tối vi đệ nhất (西域浮圖最爲第一, ngôi tháp số một trong những ngôi tháp ở Tây Vức [Ấn Độ]).” (5) Tại địa phương Kiền Đà La còn có một số di tích tháp cổ, đều được kiến tạo vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước sau CN cho đến thế kỷ thứ 2, 3 sau CN; như tháp Đạt Nhĩ Mã Lạp Tư Sá (達爾瑪拉茲卡, Darmarajka), Mã Ni Kháp Lạp (瑪尼恰拉, Manikyala), Tháp Khố Đặc Y Ba Hy (塔庫特伊巴希, Takt-i-Bahi), Á Lực Mã Tư Cát Đức (亞力瑪斯吉德, Ali Masjid), v.v. (6) Tại địa phương A Nậu La Đà Bổ La (阿㝹羅陀補羅, Anuradhapura) của Tích Lan (錫蘭, Sri Lanka), vẫn còn mấy tòa cổ tháp, trong đó có Tháp Viên (p: Thūpārāma, 塔園) do vua Thiên Ái Đế Tu (p: Devānampiya-tissa, 天愛帝須) kiến lập, được xem như là ngôi tháp xưa nhất của đất nước này. Lại có Vô Úy Sơn Phật Tháp (p: Abhayagiri, 無畏山佛塔) được vua Bà Tha Già Mã Ni (p: Vaṭṭagāmaṇi, 婆他伽馬尼) kiến lập vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước CN, cao hơn 120 thước, đường kính đáy tháp khoảng 115 thước. Ngoài ra, ngôi Lỗ Uyển Duy Lợi Tháp (魯宛維利塔, Ruwanveli) vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước CN, được xem như tháp cổ nổi tiếng nhất. (7) Ngôi Thụy Đức Cung Phật Tháp (瑞德宮佛塔, Shwedagon) ở thủ đô Rangoon (蘭貢, Lan Cống), Miến Điện (緬甸, Myanmar), thân tháp cao đến 118 thước. Ngôi Tu Mã Đỗ Tháp (修瑪杜塔, Shwemaudau) ở cố đô Pegu (庇古, Tí Cổ), cao 102 thước; tầng bên ngoài tháp đều được trang sắc bằng vàng ròng, chung quanh có mấy mươi tòa tháp nhỏ. Bên cạnh đó, còn có Tô Lôi Tháp (蘇雷塔, Soolay) ở Rangoon; vùng phụ cận của Mandalay cũng có khoảng 450 ngôi tháp nổi tiếng khác. Tại Pagan có một số như Đạt Tân Vưu Tháp (達濱尤塔, Tapinyu), Cáo Đạt Ba Lâm Tháp (告達巴林塔, Gauda-palin), A Nan Đà Tháp (阿難陀塔, Ānanda), v.v. (8) Tại Thái Lan, có rất nhiều tháp Phật vẫn còn tại cố đô Ayuthia (猶地亞, Do Địa Á). Ngoài ra, ngôi Phỉ Lạp Thác Mỗ Ma Yết Đề Tháp (菲拉托姆麻歇提塔, Phra-Thomma chedi) tại thủ đô Bangkok (曼谷, Mạn Cốc), thân tháp cao đến 125 thước; ngôi Thanh Tự Tháp (青寺塔, Wat Ching), đều là những kiến trúc Phật Giáo trứ danh. (9) Các ngôi Duy Ân Thường Tháp (維恩常塔, Vienchang), Khoa Ma Nghênh Tháp (科摩迎塔, Chom-yong) của Lào, đều là những ngôi tháp cổ quan trọng. (10) Ngôi Bà La Phù Đồ (婆羅浮屠, Buro-Budur) ở xứ Java (爪哇, Trảo Oa) là ngôi tháp có quy mô rộng lớn, hình tứ giác, trên đỉnh có một tòa tháp lớn, chung quanh bao bọc bởi 72 tháp nhỏ với hình dáng tương đồng với tháp lớn kia; trong mỗi tháp có an trí tượng Phật, toàn bộ thể hiện hình dáng Kim Tự Tháp của Ai Cập; mỗi tháp dài rộng 123 thước, cao 42 thước, được xem như là Thánh địa vĩ đại nhất, hùng tráng nhất hiện tồn của Phật Giáo Đại Thừa trên toàn cầu. (11) Tại Nepal (尼泊爾, Ni Bạc Nhĩ), có ngôi Tư ổ Nhã Mỗ Bố Na Đức Tháp (斯塢雅姆布那德塔, Swuyambhūnāth) ở Katmandu (加德滿都, Gia Đức Mãn Đô) cũng rất to lớn, hình trạng giống như bình bát úp xuống; trên có mấy mươi tầng vòng tròn, trên đỉnh tháp có bảo cái. (12) Tháp tại Tây Tạng được gọi là Lạt Ma Tháp (喇嘛塔), nhưng trong nước này có khá nhiều tháp nhỏ. (13) Tại Trung Quốc, ở phương Bắc, Đông Bắc cũng như Mông Cổ, vẫn còn rất nhiều tháp lớn; như Lợi Tự (利寺, Leh) ở Ladakh (拉達克, Lạp Đạt Khắc); ngôi Bố Đạt Lạp Miếu (布達拉廟) ở Nhiệt Hà (熱河). Những ngôi tháp có quy mô hoành tráng tại 4 ngôi chùa ở Đông Tây Nam Bắc của Thẩm Dương (瀋陽), Liêu Ninh (遼寧); tại Đại Tháp Viện Tự (大塔院寺) trên Ngũ Đài Sơn (五臺山) vùng Sơn Tây (山西); Tịnh Minh Tự (淨明寺) ở Thái Nguyên (太原), Sơn Tây; Vĩnh An Tự (永安寺), Diệu Ứng Tự (妙應寺) ở Bắc Bình (北平), v.v. Trong số đó, ngôi tháp ở Đại Tháp Viện Tự cao 86 thước, thuộc loại lớn nhất. Việc kiến tạo tháp Phật tại Trung Quốc khởi đầu từ thời Tam Quốc (三國, nghĩa hẹp là 220-280), tức nhân sự kiện Ngô chúa Tôn Quyền (孫權, tại vị 229-252) cảm đắc Xá Lợi nơi cao tăng Khương Tăng Hội (康僧會, ?-280), vô cùng thán phục, bèn xây tháp cúng dường, lấy hiệu là Kiến Sơ Tự (建初寺). Lúc bấy giờ là năm thứ 3 (240) niên hiệu Xích Ô (赤烏). Tuy nhiên, nếu theo Phật Tổ Thống Kỷ (佛祖統紀, Taishō Vol. 49, No. 2035) quyển 54 ghi chép, ngôi tháp tại Bạch Mã Tự (白馬寺) được kiến lập vào năm thứ 10 (67) niên hiệu Vĩnh Bình (永平) đời vua Minh Đế (明帝, tại vị 57-75) nhà Đông Hán, là tháp xưa nhất của Trung Quốc. Sau đó, sự tích kiến lập tháp trãi qua các triều đại rất nổi tiếng. Như vào năm thứ 2 (281) niên hiệu Thái Khang (太康) đời vua Võ Đế Tư Mã Viêm (武帝司馬炎, tại vị 266-290) nhà Tây Tấn, tăng sĩ Huệ Đạt (慧達) cảm đắc một tòa bảo tháp cao khoảng 45 thước, rộng 22 thước ở Huyện Mậu (鄮縣), Triết Giang (浙江), bèn dựng tháp để an trí tháp ấy. Đến năm đầu (516) niên hiệu Hy Bình (熙平) đời vua Hiếu Minh Đế Nguyên Hủ (孝明帝元詡, tại vị 515-528) nhà Bắc Ngụy, Linh Thái Hậu họ Hồ sai thợ kiến lập một tòa tháp bằng gỗ cao 9 tầng tại Vĩnh Ninh Tự (永寧寺), Lạc Dương (洛陽); tháp này cao đến 320 thước, cả ngoài trăm dặm đều có thể nhìn thấy được; nơi mái tháp có treo phong linh, thường phát ra âm thanh du dương, thanh thoát khi gió thoảng qua; tiếc thay tháp này hiện không còn nữa. Trong khoảng niên hiệu Chánh Quang (正光, 520-524) đời vua Hiếu Minh Đế Nguyên Hủ, tại Tung Nhạc Tự (嵩嶽寺) ở Tung Sơn (嵩山), Hà Nam (河南), có tạo dựng một ngôi tháp bằng gạch nung, cao khoảng 64 thước, có 12 góc, 15 tầng, được xem như là ngôi tháp tối cổ của Trung Quốc. dưới thời vua Dương Đế (煬帝, tại vị 604-618) nhà Tùy, nhà vua đã từng vì Đại Sư Trí Khải (智顗, 538-397), kiến lập một ngôi tháp cũng bằng gạch tại Quốc Thanh Tự (國清寺) trên Thiên Thai Sơn (天台山), cao khoảng 74 thước. Chính vua Thái Tông (太宗, tại vị 626-649) nhà Đường cũng từng đáp ứng lời thỉnh cầu của Đại Sư Huyền Trang (玄奘, 602-664) cho dựng một tòa tháp bằng gạch nung cao 58 thước tại Đại Từ Ân Tự (大慈恩寺), Tây An (西安). Ngoài ra, số lượng tháp được tạo dựng ở các tự viện Trung Quốc qua các triều đại, nhiều không thể kể xiết; nhưng nếu nói về loại bằng gỗ hiện tồn thì rất ít. Sau thời nhà Nguyên (元, 1206-1368) trở đi, vì chịu ảnh hưởng của văn hóa Lạt Ma Giáo, dạng thức của tháp cũng biến thành gọi là “hình thức bạch tháp (白塔式).” Dạng thức này vốn xuất phát từ Bắc Ấn và Đại Nguyệt Thị (大月氏), như Bạch Tháp ở Bắc Hải (北海), Bắc Bình (北平); Xá Lợi Tháp (舍利塔) ở Pháp Hải Tự (法海寺) thuộc Giang Đô (江都), Giang Tô (江蘇); Bách Linh Miếu Tháp (百靈廟塔) ở Võ Châu (武川), v.v., đều có quy chế kiến tạo khác xa với truyền thống của Trung Quốc. Về phía Nhật Bản, vào tháng 2 năm thứ 14 (585) đời Mẫn Đạt Thiên Hoàng (敏達天皇, Bidatsu Tennō, tại vị 572-585), đại thần Tô Ngã Mã Tử (蘇我馬子, Soga-no-Umako, ?-626) kiến lập một ngôi tháp trên phía Bắc đồi Đại Đã (大野, Ōno); trên đầu trụ tháp có an trí Xá Lợi do nhóm Tư Mã Đạt (司馬達) dâng cúng. Đây được xem như là tháp đầu tiên tại đất nước Phù Tang này. Đến năm thứ 15 (606) đời Suy Cổ Thiên Hoàng (推古天皇, Suiko Tennō, tại vị 592-628), Thánh Đức Thái Tử (聖德太子, Shōtoku Taishi, 574-622) tạo lập một ngôi Ngũ Trùng Tháp (五重塔, tháp năm tầng) tại Pháp Long Tự (法隆寺, Hōryū-ji), cho đến nay vẫn còn và được đánh giá như là tháp bằng gỗ tối cổ của thế giới. Theo Tục Nhật Bản Kỷ (續日本紀, Shokunihongi) quyển 30 cho biết, vào năm thứ 8 (764) niên hiệu Thiên Bình Bảo Tự (天平寶字), Hiếu Khiêm Thiên Hoàng (孝謙天皇, Kōken Tennō, tại vị 749-758) phát nguyện tạo dựng 1.000.000 ngôi tháp 3 tầng bằng gỗ, cao 15 thước, mãi cho đến năm đầu (770) niên hiệu Bảo Quy (寶龜) mới hoàn thành; đem an trí tại các chùa trên toàn quốc. Về chủng loại của tháp thì có rất nhiều, lấy dạng thức mà phân biệt, có các loại như tháp hình thức như cái bát úp xuống, tháp như khám thờ, tháp hình trụ, tháp nhạn, tháp nhà, tháp không vách, tháp Lạt Ma, tháp 37 tầng, tháp 17 tầng, tháp 15 tầng, tháp 13 tầng, tháp 9 tầng, tháp 7 tầng, tháp 5 tầng, tháp 3 tầng, tháp vuông, tháp tròn, tháp hình lục giác, tháp hình bát giác, đại tháp, tháp Đa Bảo, tháp Du Kỳ (瑜祇), tháp Bảo Khiếp Ấn (寶篋印), tháp 5 vòng tròn, tháp quả trứng, tháp vô phùng, tháp kiểu lầu gác, tháp mái rèm kín, tháp Kim Cang Bảo Tòa (金剛寶座), mộ tháp, v.v. Nếu phân biệt theo vật cất giữ bên trong tháp thì có tháp Xá Lợi, tháp tóc, tháp móng tay, tháp răng, tháp y áo, tháp bình bát, tháp chơn thân, tháp thân bằng tro, tháp thân đã hủy hoại, tháp bình, tháp Hải Hội (海會), tháp Tam Giới Vạn Linh (三界萬靈), tháp một chữ một viên đá, v.v. Nếu lấy vật liệu dựng tháp mà phân biệt thì có tháp bằng gạch nung, tháp bằng gỗ, tháp bằng đá, tháp bằng ngọc, tháp bằng cát, tháp bằng bùn, tháp bằng đất, tháp bằng phân, tháp bằng sắt, tháp bằng đồng, tháp bằng vàng, tháp bằng bạc, tháp bằng thủy tinh, tháp bằng Pha Lê, tháp bằng Lưu Ly, tháp bằng ngà voi, tháp bằng bảo vật, tháp bằng hương, v.v. Nếu lấy ý nghĩa tính chất mà phân biệt thì có tháp cầu phước, tháp báo ân, tháp Pháp Thân, tháp trường thọ, v.v. Nếu theo dạng thái của vị trí bày biện tháp mà phân biệt thì có tháp dạng đứng một mình, tháp dạng đối lập, tháp theo dạng hàng dọc, tháp theo dạng đứng hình vuông, v.v. Trong các dạng thức vừa nêu trên, loại tháp như cái bát úp xuống là tối cổ. Trong Thí Dụ Kinh (譬喻經, Taishō Vol. 4, No. 217) có nêu ra 10 loại công đức thù thắng của việc tạo tháp: (1) Không sanh vào nước biên giới xa xôi; (2) Không chịu sự nghèo nàn khốn khổ; (3) Không có thân ngu si, tà kiến; (4) Có thể đạt được ngôi vị vua của 16 nước lớn; (5) Thọ mạng lâu dài; (6) Có thể đạt được sức mạnh Kim Cang Na La Diên (金剛那羅延); (7) Có thể đạt được phước đức to lớn không sánh bằng; (8) Nhận được từ bi của chư Phật Bồ Tát; (9) Đầy đủ Ba Minh, Sáu Thần Thông, Tám Giải Thoát; (10) Được vãng sanh về cõi Tịnh Độ ở mười phương. Ngoài ra, Phật Thuyết Tạo Tháp Công Đức Kinh (佛說造塔功德經, Taishō Vol. 16, No. 699), Phật Thuyết Tạo Tháp Diên Mạng Công Đức Kinh (佛說造塔延命功德經, Taishō Vol. 19, No. 1026), v.v., cũng nêu ra các công đức như được sống lâu, sanh lên cõi trời, diệt 5 tội Vô Gián, thành Phật, v.v. Riêng trong Hữu Nhiễu Phật Tháp Công Đức Kinh (右繞佛塔功德經, Taishō Vol. 16, No. 700) nhấn mạnh rằng nhiễu quanh tháp thì có thể xa lìa tám nạn, đầy đủ sắc tướng kỳ diệu, có được phước mạng, của báu, cho đến làm thầy của Trời và người, v.v. Đề Vị Kinh (提謂經) cũng nêu ra 5 loại công đức của việc nhiễu quanh tháp: (1) Đời sau có được tướng tốt đoan chánh; (2) Được âm thanh tốt; (3) Được sanh lên cõi Trời; (4) Được sanh vào nhà vương hầu; (5) Chứng quả Niết Bàn. Nhiễu quanh tháp có hình thức nhất định là thường đi nhiễu bên phải, đầu cúi thấp nhìn xuống đất, không được đạp nhầm lên côn trùng trên mặt đất, không được nhìn hai bên phải trái, không được khạc nhổ trước tháp, không được đứng trong tháp nói chuyện với người. Bên cạnh việc tạo tháp, nhiễu tháp như vừa nêu trên, việc tu sửa tháp, quét tháp, lễ bái tháp, v.v., cũng đều có công đức không phải nhỏ. Trong Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記, Taishō Vol. 51, No. 2087) quyển 7, chương Ni Ba La Quốc (尼波羅國), có đoạn: “Tinh Xá Tây Nam hữu thạch Tốt Đổ Ba, Vô Ưu vương kiến dã (精舍西南有石窣堵波、無憂王建也, phía Tây Nam Tinh Xá có tháp bằng đá, do vua Vô Ưu kiến lập).”
(s: Śākya-muni, p: Sakya-muni, 釋迦牟尼): ý là bậc Thánh nhân xuất thân từ dòng họ Thích Ca; còn gọi là Thích Ca Văn Ni (釋迦文尼), Xa Ca Dạ Mâu Ni (奢迦夜牟尼), Thích Ca Mâu Nẵng (釋迦牟曩), Thích Ca Văn (釋迦文); gọi tắt là Thích Ca (釋迦), Mâu Ni (牟尼), Văn Ni (文尼); ý dịch là Năng Nhân (能仁), Năng Nhẫn (能忍), Năng Tịch (能寂), Tịch Mặc (寂默), Năng Mãn (能滿), Độ Ốc Tiêu (度沃焦), hay Thích Ca Tịch Tĩnh (釋迦寂靜), Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn (釋迦牟尼世尊), Thích Tôn (釋尊); là đấng giáo tổ của Phật Giáo. Nguyên do xưng hiệu của Ngài có thể tìm thấy trong Quán Chư Dị Đạo Phẩm (觀諸異道品) của Phật Bản Hạnh Tập Kinh (佛本行集經, Taishō Vol. 3, No. 190) quyển 20, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự (根本說一切有部毘奈耶雜事, Taishō Vol. 24, No. 1451) quyển 20, A Tỳ Đàm Bát Kiền Độ Luận (阿毘曇八犍度論, Taishō Vol. 26, No. 1543) quyển 30, v.v. Đức Thích Tôn vốn là Thái Tử của vua Tịnh Phạn (s: Śuddhodana, p: Suddhodana, 淨飯) thành Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛) thuộc miền Bắc Ấn Độ. Thành này hiện tại ở vùng phụ cận Tilori-Kot (提羅里克, Đề La Lí Khắc) thuộc phía Nam Nepal (尼泊爾, Ni Bạc Nhĩ), phía Đông Bắc sông Rapti (拉布提, Lạp Bố Đề). Diện tích tiểu quốc này khoảng 320 m2, thuộc vào vương quốc Kiều Tát La (s: Kauśala, Kośalā, p: Kosala, 憍薩羅). Đương thời Bắc Ấn thực hành chế độ Cộng Hòa quý tộc, phân thành 10 bang thành nhỏ, trong đó chọn ra vị lãnh đạo có thế lực nhất, và lúc bấy giờ vua Tịnh Phạn là vị lãnh tụ tối cao. Hoàng hậu Ma Da (s: Māyā, 摩耶), mẫu thân của đức Phật, là con gái của chủ Thành Thiên Tý (s: Devadaha, 天臂) thuộc bộ tộc Cư Lợi (居利) lân quốc. Trước khi hạ sinh Thái Tử, theo tập tục đương thời, phu nhân phải quay trở về Thành Thiên Tý để chờ ngày lâm bồn, dọc đường khi đang dừng chân nghỉ tại vườn Lâm Tỳ Ni (s, p: Lumbinī, 藍毘尼), ngay dưới gốc cây Vô Ưu (s: aśoka, 無憂), nàng hạ sinh Thái Tử. Theo Tu Hành Bản Khởi Kinh (修行本起經, Taishō Vol. 3, No. 184) quyển Thượng, Phẩm Giáng Thân (降身品), khi đản sanh, đức Thích Tôn đi bảy bước, đưa tay lên nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, Tam Giới giai khổ, ngô đương an chi (天上天下、唯我爲尊、三界皆苦、吾當安之, trên trời dưới đất, chỉ ta trên hết, Ba Cõi là khổ, ta sẽ làm yên).” Ngoài ra, các điển tịch như Vị Tằng Hữu Pháp Kinh (未曾有法經) của Trung A Hàm Kinh (中阿含經, Taishō Vol. 1, No. 26) quyển 8, dị xuất bồ tát bản khởi kinh (異出菩薩本起經, Taishō Vol. 3, No. 188), Phẩm Dục Sanh Thời Tam Thập Nhị Thụy (欲生時三十二瑞品) của Phổ Diệu Kinh (普曜經, Taishō Vol. 3, No. 186) quyển 2, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh (過去現在因果經, Taishō Vol. 3, No. 189) quyển 1, Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh (眾許摩訶帝經, Taishō Vol. 3, No. 191) quyển 3, Phẩm Thọ Hạ Đản Sanh (樹下誕生品) của Phật Bản Hạnh Tập Kinh (佛本行集經, Taishō Vol. 3, No. 190) quyển 8, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự (根本說一切有部毘奈耶雜事, Taishō Vol. 24, No. 1451) quyển 20, A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (阿毘達磨大毘婆沙論, Taishō Vol. 27, No. 1545) quyển 70, v.v., đều có ghi lại nhiều tướng lạ khác nhau khi đức Thích Tôn hạ sanh. Sau khi trở về cung, Thái Tử được đặt cho tên là Tất Đạt Đa (s: Siddhārtha, p: Siddhattha, 悉達多), hay Tát Bà Tất Đạt (s: Sarva-siddhārtha, p: Sabba-siddhattha, 薩婆悉達), Tát Bà Ngạch Tha Tất Đà (s: Sarvārtha-siddha, 薩婆額他悉陀), Tát Bà Hạt Thích Tha Tất Đà (薩婆曷刺他悉陀), Tất Đạt La Tha (悉達羅他), Tất Đạt (悉達); ý dịch là Nhất Thiết Nghĩa Thành (一切義成), Nhất Thiết Sự Thành (一切事成), Tài Cát (財吉), Cát Tài (吉財), Thành Lợi (成利), Nghiệm Sự (驗事), Nghiệm Nghĩa (驗義). Sau khi sanh con được 7 ngày, phu nhân qua đời, Thái Tử được dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī, 摩訶波闍波提) nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn. Theo Phẩm Tập Học Kỷ Nghệ (習學技藝品) của Phật Bản Hạnh Tập Kinh quyển 11, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Phá Tăng Sự (根本說一切有部毘奈耶破僧事, Taishō Vol. 24, No. 1450) quyển 3, v.v., cho biết rằng thưở thiếu thời Thái Tử từng theo học tập văn chương với Bà La Môn Tỳ Xa Mật Đa (s: Viśvamitra, 毘奢蜜多), học võ nghệ với Sàn Đề Đề Bà (s: Kṣāntideva, 羼提提婆), hết thảy đều thông hiểu. Khi trưởng thành, Thái Tử kết hôn với Da Du Đà La (s: Yaśodharā, p: Yasodharā, 耶輸陀羅), con gái của Thiện Giác Vương (s: Suprabuddha, 善覺王)—thành chủ của Thiên Tý Thành, hạ sanh La Hầu La (s, p: Rāhula, 羅睺羅). Theo Phẩm Du Quán (遊觀品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh quyển Hạ cho biết rằng Thái Tử từng ra bốn cửa thành dạo chơi, thấy các hình tượng già, bệnh, chết, vị Sa Môn (s: śramaṇa, p: samaṇa, 沙門), v.v., thâm cảm được nỗi thống khổ cũng như vô thường của kiếp người, bèn dấy khởi ý chí xuất gia tu đạo. Năm lên 29 tuổi (có thuyết cho là 19), nữa đêm Người rời khỏi vương cung, tự cởi bỏ áo mão để trở thành Sa Môn. Ban đầu, Thái Tử cầu đạo với tiên nhân Bạt Già Bà (s: Bhārgava, 跋伽婆) của nước Tỳ Xá Ly (s: Vaiśālī, p: Vesālī, 毘舍離), rồi đến thọ giáo với các hiền giả A La La Ca Lam (s: Ārāḍa-kālāma, 阿羅邏迦藍), Uất Đà Ca La Ma Tử (s: Udraka-rāmaputra, 鬱陀迦羅摩子) ở Thành Vương Xá (s: Rājagṛha; p: Rājagaha, 王舍城). Cuối cùng, Người đến Khổ Hạnh Lâm ở thôn Ưu Lâu Tần La (s: Uruvilvā, 優樓頻羅) thuộc phương Nam thành Già Da (s, p: Gayā, 伽耶) của vương quốc Ma Kiệt Đà (s, p: Magadha, 摩掲陀), bắt đầu cuộc sống khổ hạnh trong vòng 6 năm, và có 5 người thị giả do vua Tịnh Phạn phái đến cùng tu. Trong thời gian này, mỗi ngày Người chỉ ăn một hạt mè, một hột lúa mạch, đến nỗi thân hình khô gầy, tâm thể suy kiệt, nhưng cuối cùng vẫn không thành đạo; nên Người mới ngộ được rằng khổ hạnh không phải là nhân đạt đến đạo quả, bèn rời khỏi khu rừng này. Lúc bấy giờ, 5 người cùng tu ngộ nhận rằng Thái Tử thối thất đạo tâm, nên bỏ đi. Thái Tử đến tắm rửa bên dòng sông Ni Liên Thuyền (s: Nairañjanā, 尼連禪), thọ nhận bát sữa cúng dường của cô mục nữ. Sau khi phục hồi thể lực, Người đến dưới cây Tất Bát La (s: pippala, 畢鉢羅) ở thôn Già Da, lấy cỏ Cát Tường trãi thành tòa Kim Cang, ngồi Kiết Già xoay mặt về hướng Đông, thân ngay thẳng chánh niệm, tâm tĩnh lặng mặc chiếu, tư duy về đạo giải thoát. Sau 49 ngày, vào lúc trời hừng sáng ngày mồng 8 tháng 12, Người hoát nhiên đại ngộ, lúc đó là 35 tuổi (có thuyết cho là 32). Do nhân duyên này, cây Tất Bát La được gọi là Bồ Đề Thọ (s: bodhivṛkṣa, 菩提樹). Sự kiện đức Thích Tôn hàng phục ma quân, cho đến thành đạo được ghi lại trong các điển tịch như La Ma Kinh (羅摩經) của Trung A Hàm Kinh quyển 56, Lục Niên Cần Khổ Phẩm (六年勤苦品) và Hàng Ma Phẩm (降魔品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh quyển Hạ, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh quyển 3, phật bản hạnh tập kinh quyển 26~30, Ngũ Phần Luật (五分律, Taishō Vol. 22, No. 1421) quyển 15, v.v. Sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Lộc Dã (s: Mṛgadāva, p: Migadāya, 鹿野, tức Lộc Uyển), Thành Ba La Nại (s: Vārāṇasī, p: Bārāṇasī, 波羅奈), độ cho 5 vị thị giả đã từng cùng tu với Ngài trước đây. Các vị này sau trở thành những Tỳ Kheo nổi tiếng là A Nhã Kiều Trần Như (p: Ājñāta-Kauṇḍinya, p: Aññā-Koṇḍañña, 阿若憍陳如), A Thấp Bà Thị (s: Aśvajit, Aśvaka; p: Assaji, 阿濕婆恃), Bạt Đề (s: Bhadrika, p: Bhaddiya, 跋提), Ma Ha Nam (s, p: Mahānāma, 摩訶男), Bà Sa Ba (s: Bāṣpa, p: Vappa, 婆沙波, tức Thập Lực Ca Diếp [s: Daśabala-kāśyapa, p: Dasabala-kassapa, 十力迦葉]). Liên quan đến sự tích đức Phật lần đầu tiên chuyển Pháp Luân, diễn thuyết Tứ Thánh Đế (s: catvāri-āryasatyāni, p: cattāri-ariyasaccāni, 四聖諦), Bát Chánh Đạo (s: āryāṣṭāṇga-mārga, p: ariyāṭṭhaṅgika-magga, 八正道), v.v., Chuyển Pháp Luân Kinh (轉法輪經) của Tạp A Hàm Kinh (雜阿含經, Taishō Vol. 2, No. 99) quyển 15, Ngũ Phần Luật quyển 15, Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự quyển 39, v.v., có ký lục đầy đủ. Như trong Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa (法華經通義, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 31, No. 611) quyển 4 có đoạn rằng: “Thích Tôn sơ ư Lộc Uyển, tam chuyển Tứ Đế pháp luân, độ tham thị ngũ nhân, nhi Kiều Trần tiên ngộ, dĩ tối sơ đắc độ (釋尊初於鹿苑、三轉四諦法輪、度參侍五人、而憍陳先悟、以最初得度, đức Thích Tôn ban đầu tại Lộc Uyển, ba lần chuyển bánh xe pháp thuyết Tứ Đế, độ năm người hầu cận tham học, mà Kiều Trần Như ngộ trước, là người đắc độ đầu tiên).” Sau này, đức Phật tự xưng là Như Lai (s, p: tathāgata, 如來). Có rất nhiều ngữ nghĩa của từ này, nhưng nghĩa chung nhất của nó là “thừa như thật chi đạo, nhi thiện lai thử Ta Bà thế giới (乘如實之道、而善來此娑婆世界, mang đạo như thật mà khéo đến thế giới Ta Bà này).” Sau khi chuyển Pháp Luân lần đâu tiên, đức Thích Tôn đến nước Ma Kiệt Đà, hóa độ 3 anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (s: Uruvilvā-kāśyapa, 優樓頻羅迦葉), Na Đề Ca Diếp (s: Nadi-kāśyapa, 那提迦葉), Già Da Ca Diếp (s: Gayā-kāśyapa, 伽耶迦葉) của phái Bái Hỏa Giáo (拜火敎) và cả ngàn đệ tử của họ. Tiếp theo, Ngài hóa độ Xá Lợi Phất (s: Śāriputra, p: Sāriputta, 舍利弗) và Mục Kiền Liên (s: Maudgalyāyana; p: Moggallāna, 目犍連) thuộc Phái Ngụy Biện của Lục Sư Ngoại Đạo; về sau chính hai vị này trở thành đệ tử thượng túc của đức Phật. Sau đó, tại Thành Vương Xá, vua Tần Bà Ta La (s, p: Bimbisāra, 頻婆娑羅) quy y theo đức Phật; nhà vua cho xây dựng Tinh Xá trong vườn trúc do Trưởng giả Ca Lan Đà (s: Kalanda, 迦蘭陀) dâng cúng, lấy tên là Ca Lan Đà Trúc Lâm Tinh Xá (迦蘭陀竹林精舍). Đến đây, giáo đoàn Phật Giáo phát triển với thế lực mạnh. Về sau, đức Phật có trở về cố hương Ca Tỳ La Vệ một lần, số người quy y theo rất đông, trong đó có người em cùng cha khác mẹ Nan Đà (s, p: Nanda, 難陀), con trai La Hầu La, người em họ Đề Bà Đạt Đa (s, p: Devadatta, 提婆達多), người thợ hớt tóc Ưu Ba Ly (s, p: Upāli, 優波離), v.v., mọi người đều xuống tóc xuất gia. Ngài thuyết pháp cho trưởng giả Tu Đạt Đa (s, p: Sudatta, 須達多) ở Thành Xá Vệ (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛), nhân đó trưởng giả kiến lập ngôi Đại Tinh Xá trong khu rừng do Thái Tử Kỳ Đà (s, p: Jeta, 祇陀) tặng, để dâng cúng đức Phật. Đây gọi là Kỳ Hoàn Tinh Xá (p: Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇洹精舍) hay Kỳ Viên Tinh Xá (祇園精舍). Vào lúc này, vua Ba Tư Nặc (s: Prasenajit, p: Pasenadi, 波斯匿) cũng phát tâm quy y với đức Phật. Sau khi vua Tịnh Phạn băng hà, đức Phật lại trở về cố hương lần nữa. Về sau, bà di mẫu Ma Ha Bà Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī, p: Mahāpajāpatī, 摩訶波闍波提), công chúa Da Du Đà La (s: Yaśodharā, p: Yasodharā, 耶輸陀羅) cũng xuống tóc xuất gia, và đây được xem như là khởi đầu cho giáo đoàn Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼); trong đó Ma Ha Bà Xà Ba Đề là Tỳ Kheo Ni đầu tiên. Từ đó về sau, đức Thích Tôn đi khắp Ấn Độ thuyết pháp giáo hóa, bất luận giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, thảy đều được hưởng ân huệ giáo pháp của Ngài. Giáo pháp ấy ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa cũng như tôn giáo Ấn Độ. Sau khi Ngài thành đạo, những nơi Ngài đã từng trãi qua Kết Hạ An Cư, đều được ghi rõ trong Tăng Già La Sát Sở Tập Kinh (僧伽羅剎所集經, Taishō Vol. 4, No. 194) quyển Hạ. Theo đó, đức Phật đã từng trú qua các nơi như nước Ba La Nại, núi Linh Thứu (s: Gṛdhrakūṭa, p: Gijjhakūṭa, 靈鷲山), núi Ma Câu La (s: Makula, 摩拘羅), cõi Trời Ba Mươi Ba, cõi quỷ thần, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (祇樹給孤獨) ở Thành Xá Vệ, Chá Lê Sơn (柘梨山), v.v. Theo Phật Thuyết Bát Đại Linh Tháp Danh Hiệu Kinh (佛說八大靈塔名號經, Taishō Vol. 32, No. 1685), đức Phật từng tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn, sau từng sống tại rừng Tỳ Sa (毘沙), đỉnh núi Nhã Lí (惹里), các tụ lạc Đại Dã (s: Aḷāvī, 大野), Mao Nỗ (尾努), v.v. Hơn nữa, học giả Anh quốc T.W. Rhys Davids (1843-1922) căn cứ vào tích truyện Phật Giáo của Tích Lan, Miến Điện, bản pháp cú kinh chú (p: Dhammapada atthakathā, 法句經註) tiếng Pāli, v.v., cho rằng sau khi kiến lập vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, đức Phật đã từng trú tại Đại Lâm (p: Mahā-vana, 大林) của Thành Tỳ Xá Ly (s: Vaiśāli, 毘舍離), núi Ma Câu La, Tăng Ca Xá (p: Saṅkissa, 僧迦舍), Ba Lợi Lôi Nhã Tạp (s: Parileyyaka, 巴利雷雅卡), Mạn Đặc Lạt (p: Mantala, 曼特剌), v.v. Ngoài ra, Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 3, Phân Biệt Công Đức Luận (分別功德論, Taishō Vol. 25, No. 1507) quyển 2, Cao Tăng Pháp Hiển Truyện (高僧法顯傳, Taishō Vol. 51, No. 2085), v.v., cũng có ký lục như vậy. Tổng hợp các tư liệu trên, chúng ta có thể suy ra rằng địa phương hoằng pháp của đức Phật phần lớn tập trung tại hai thành Xá Vệ và Vương Xá. Về những sinh hoạt cuối đời của Ngài, Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō Vol. 2, No. 125) quyển 26, Phật Thuyết Nghĩa Túc Kinh (佛說義足經, Taishō Vol. 4, No. 198) quyển Hạ, Xuất Diệu Kinh (出曜經, Taishō Vol. 4, No. 212) quyển 16, Tỳ Ni Mẫu Kinh (毘尼母經, Taishō Vol. 24, No. 1463) quyển 4, Ngũ Phần Luật quyển 3, 21, 25, Tứ Phần Luật (四分律, Taishō Vol. 22, No. 1428) quyển 46, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Phá Tăng Sự quyển 13, 14, Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (善見律毘婆沙, Taishō Vol. 24, No. 1462) quyển 2, v.v., có ký lục rõ ràng. Lúc bấy giờ, Đề Bà Đạt Đa muốn bức bách đức Phật phải nhường lại giáo đoàn tăng chúng cho ông, nhưng ý đồ không thành, bèn phá tăng hoại Phật. Thêm vào đó, vua Lưu Ly (琉璃), con của vua Ba Tư Nặc, sau khi tức vị, tấn công Thành Ca Tỳ La Vệ, cố hương của đức Phật, diệt vong dòng họ Thích Ca. Vào năm cuối cùng khi đức Phật còn tại thế, Ngài rời nước Ma Kiệt Đà, đi về phía Bắc sông Hằng, kinh qua Tỳ Xá Ly, đến Thành Ba Bà (s: Pāvā, 波婆), thọ nhận bữa cơm cúng dường của người thợ vàng Thuần Đà (s, p: Cunda, 純陀), và nhân vì ăn loại nấm Tô Ca Lạp Ma Đạt Phạt (s: sūkaramaddava, 蘇迦拉摩達伐, tức nấm cây Chiên Đàn) mà mắc bệnh. Trước khi lâm chung, Ngài đến tắm lần cuối cùng tại dòng sông Câu Tôn (p: Kakuṭṭha, 拘孫河), rồi đến rừng Sa La Song Thọ (沙羅雙樹) ở Thành Câu Thi Na (s: Kuśinagara, p: Kusinagara, 拘尸那), đầu xoay về hướng Bắc, mặt hướng phía Tây, nằm thế cát tường. Vào nữa đêm, Ngài để lại lời giáo huấn cuối cùng cho chúng đệ tử, rồi sau đó thì an nhiên nhập diệt. Ban đầu, di cốt của đức Thích Tôn được an trí tại Thiên Quan Tự (s: Makuṭabandhana-cetiya, 天冠寺) của bộ tộc Mạt La (s, p: Malla, 末羅), sau đó hỏa táng. Khi tham gia lễ Trà Tỳ có sứ đoàn của 8 nước, gồm Câu Thi Na Yết La (拘尸那揭羅), Ba Bà (波婆), Giá La (遮羅), La Ma Già (羅摩伽), Tỳ Lưu Đề (毘留提), Ca Tỳ La (迦毘羅), Tỳ Xá Ly (毘舍離), Ma Kiệt Đà (摩揭陀), v.v., do vấn đề phân phối Xá Lợi (s: śarīra, p: sarīra, 舍利) mà nảy sinh đấu tranh lẫn nhau. Sau đó, nhờ sự điều đình của Bà La Môn Hương Tính (s: Doṇa, 香姓) mà được yên ổn, cho nên người này có được bình Xá Lợi. Từ đó, mỗi nước dựng tháp cúng dường, và đây là phát xuất của truyền thống thập tháp (10 ngôi tháp) ngày nay. Năm đức Phật nhập diệt, tại Hang Thất Diệp (s: Sapta-parṇa-guhā, 七葉窟) của Thành Vương Xá, cuộc kết tập kinh điển lần đầu tiên được tiến hành. Đương thời, Ma Ha Ca Diếp (s: Mahākāśyapa, p: Mahākassapa, 摩訶迦葉) là người triệu tập chủ yếu; A Nan (s, p: Ānanda, 阿難) và Ưu Ba Ly (s, p: Upāli, 優波離) thì tụng đọc các Kinh Luật của Phật thuyết trên cơ sở từng được nghe qua, rồi được đại chúng thảo luận, hiệu đính để trở thành tiêu chuẩn cho Kinh Luật đời sau. Về sau, trãi qua biết bao biến thiên, giáo pháp của đức Thích Tôn được phân thành hai hệ thống chính, truyền bá khắp nơi: Nam Truyền chủ yếu là tiếng Pāli và Bắc Truyền chủ yếu là kinh điển Hán dịch. Liên quan đến năm tháng xác thật đức Phật đản sanh, xuất gia, thành đạo, lần đầu chuyển Pháp Luân, tuổi thọ, nhập diệt, v.v., trong kinh điển có nhiều thuyết khác nhau. Về tuổi thọ, có 4 thuyết chính: (1) Tam Thế Đẳng Phẩm (三世等品) của Bồ Tát Tùng Đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh (菩薩從兜術天降神母胎說廣普經, Taishō Vol. 12, No. 384, tức Bồ Tát Xử Thai Kinh [菩薩處胎經]) quyển 23 cho là thọ 84 tuổi. (2) Bát Nê Hoàn Kinh (般泥洹經, Taishō Vol. 1, No. 6) quyển Hạ cho là 79 tuổi. (3) Thọ Lượng Phẩm (壽量品) của Kim Quang Minh Kinh (金光明經, Taishō Vol. 16, No. 663) quyển 1, Phật Thuyết Bát Đại Linh Tháp Danh Hiệu Kinh (佛說八大靈塔名號經, Taishō Vol. 32, No. 1685), Đại Bát Niết Bàn Kinh (p: Mahāparinibbāna-sutta, 大般涅槃經) bản tiếng Pāli, truyền thống của Miến Điện, v.v., cho là 80. (4) A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (阿毘達磨大毘婆沙論, Taishō Vol. 27, No. 1545) quyển 126 cho là hơn 80. Về niên đại đản sanh của Ngài, học giả hiện đại cũng có nhiều suy định khác nhau. Học giả Nhật Bản Vũ Tỉnh Bá Thọ (宇井伯壽, Ui Hakuju, 1882-1963) cho rằng năm Phật đản sanh là 466 trước CN. Trung Thôn Nguyên (中村元, Nakamura Hajime, 1912-1999) cũng ý cứ vào thuyết này, sau lấy sử liệu mới phát hiện của Hy Lạp, sau khi khảo chứng thì cho là năm 463 trước CN. Về ngày tháng đản sanh của đức Phật, có 5 thuyết khác nhau. (1) Trường A Hàm Kinh (長阿含經, Taishō Vol. 1, No. 1) quyển 4, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh (過去現在因果經, Taishō Vol. 3, No. 189) quyển 1, Phật Bản Hạnh Tập Kinh (佛本行集經, Taishō Vol. 3, No. 190) quyển 7, Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa (薩婆多毘尼毘婆沙, Taishō Vol. 23, No. 1440) quyển 2, v.v., cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Bồ Tát Giáng Than Phẩm (菩薩降身品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh (修行本起經, Taishō Vol. 3, No. 184) quyển Thượng cho là ngày mồng 7 hay 8 tháng 4. (3) Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh (太子瑞應本起經, Taishō Vol. 3, No. 185) quyển Thượng, Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi Kinh (異出菩薩本起經, Taishō Vol. 3, No. 188), Sanh Phẩm (生品) của Phật Sở Hành Tán (佛所行讚, Taishō Vol. 4, No. 192) quyển 1, Phật Thuyết Thập Nhị Du Kinh (佛說十二遊經, Taishō Vol. 4, No. 195), Phật Thuyết Quán Tẩy Phật Hình Tượng Kinh (佛說灌洗佛形像經, Taishō Vol. 16, No. 695), v.v., thì cho là ngày mồng 8 tháng 4. (4) Điều Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ Quốc (劫比羅伐窣堵國條) của Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記, Taishō Vol. 51, No. 2087) quyển 6 thì cho là ngày mồng 8 hậu bán tháng Vesākhā. (5) Thượng Tọa Bộ (上座部) cho là ngày 15 hậu bán tháng Vesākhā. Về ngày tháng xuất gia của đức Phật, có 5 thuyết. (1) Trường A Hàm Kinh cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh quyển 2 cho là ngày mồng 7 tháng 2. (3) Xuất Gia Phẩm (出家品) của Tu Hành Bản Khởi Kinh quyển Hạ cho là ngày mồng 7 tháng 4. (4) Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh quyển Thượng, Phật Thuyết Quán Tẩy Phật Hình Tượng Kinh, v.v., cho là mồng 8 tháng 4. (5) Bản Sanh Kinh Phật Truyện (本生經佛傳) bản tiếng Pāli cho là ngày thứ 15 của tháng A Sa Trà (s: Āsāḷhā, 阿沙荼). Về ngày tháng thành đạo của Ngài, có 4 thuyết. (1) Trường A Hàm Kinh quyển 4, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh quyển 3, Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 2, v.v., cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Bản Đại Sử (p: Mahāvaṃsa, 大史) tiếng Pāli cho là ngày trăng tròn tháng Vesākhā. (3) Đại Đường Tây Vức Ký quyển 8 cho là ngày mồng 8 hậu bán tháng Vesākhā. (4) Thượng Tọa Bộ cho là ngày 15 hậu bán tháng Vesākhā. Về ngày tháng lần đầu tiên chuyển Pháp Luân, có 2 thuyết. (1) Bồ Tát Xử Thai Kinh quyển 7 cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Đại Tỳ Bà Sa Luận quyển 182 cho là ngày mồng 8 của tháng Ca Lật Để Ca (s: Kārttika, 迦栗底迦, hay Ca Hi Na [迦絺那]). Về ngày tháng nhập diệt của Ngài, có 6 thuyết khác nhau. (1) Trường A Hàm Kinh quyển 4 cho là ngày mồng 8 tháng 2. (2) Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō Vol. 12, No. 374) quyển 1, Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 1, v.v., cho là ngày 15 tháng 2. (3) Bài tựa của Nhất Thiết Thiện Kiến Luật (p: Samantapāsādikā, 一切善見律) bản tiếng Pāli, Luật Tạng (p: Vinaya-piṭaka, 律藏) tiếng Pāli, chương thứ 3 của Đại Sử, Điều Câu Thi Na Yết La Quốc (拘尸那揭羅國條) của Đại Đường Tây Vức Ký quyển 6, v.v., cho là ngày 15 hậu bán tháng Vesākhā. (4) Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 2 cho là ngày mồng 8 tháng 8. (5) Đại Tỳ Bà Sa Luận quyển 191, Đại Đường Tây Vức Ký quyển 6 viện dẫn truyện của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (s: Sarvāstivādin, p: Sabbatthivādin, 說一切有部), cho là ngày mồng 8 hậu bán tháng Ca Lật Để Ca. (6) Phật Thuyết Quán Tẩy Phật Hình Tượng Kinh cho là ngày mồng 8 tháng 4. Bên cạnh đó, liên quan đến niên đại nhập diệt của đức Thích Tôn, cũng có nhiều thuyết bất đồng. Như học giả Vũ Tỉnh Bá Thọ của Nhật thì chủ trương là năm 386 trước CN. Tiến Sĩ Trung Thôn Nguyên cho là năm 383 trước CN. Pháp sư Ấn Thuận (印順, 1906-2005) của Trung Hoa thì chủ trương năm 390 trước CN. Tổng hợp tất cả những thông tin vừa nêu trên, ngày tháng đản sanh, xuất gia, thành đạo của đức Phật có thể phân thành 3 thuyết chính: (1) ngày 8 tháng 2, (2) ngày 8 tháng 4, (3) ngày 15 tháng 2. Ngày tháng nhập diệt cũng được chia thành 3 thuyết: (1) ngày 8 tháng 2, (2) ngày 15 tháng 2, (3) ngày 8 tháng 8. Ngoài ra, Nhị Giáo Luận (二敎論) của Đạo An (道安, 312[314]-385) nhà Bắc Chu, Câu Xá Luận Bảo Sớ (俱舍論寶疏) quyển 1, v.v., so sánh tháng của lịch Ấn Độ và lịch Trung Quốc, cho rằng tháng 2 của Ấn Độ tương đương với tháng 4 của Tàu. Thêm vào đó, vào ngày mồng 1 mỗi tháng của lịch Ấn Độ thì tương đương với ngày 16 âm lịch của Trung Quốc; ngày cuối tháng thì tương đương với ngày 15 của tháng kế tiếp theo lịch của Trung Quốc.
(s, p: sudhā, 酥酡): âm dịch là Tô Đà (蘇陀) hay Tu Đà (須陀), ý dịch là thức ăn Cam Lồ của trời, là loại thức ăn có vị ngon được lưu truyền ở Ấn Độ, món ăn trên trời được chế ra từ chất dịch của một loại cây. Cho nên thường có từ Tô Đà Vị (蘇陀味, mùi vị Tô Đà), Tu Đà Phạn (須陀飯, cơm Tu Đà). Trong Huyền Ứng Âm Nghĩa (玄應音義) 3 có đoạn rằng: “Tô Đà vị, cựu kinh trung tác Tu Đà phạn, thử thiên Cam Lồ thực (蘇陀味、舊經中作須陀飯、此天甘露飯, mùi vị Tô Đà, trong kinh xưa cho là cơm Tu Đà, đây chính là thức ăn Cam Lồ của trời)”. Hơn nữa, trong Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄) quyển 3 lại có câu: “Sái phi phi chi pháp vũ, phiến tạp tạp chi từ phong, quảng khai hương tích chi trù, phổ hiến Tô Đà chi soạn (洒霏霏之法雨、扇颯颯之慈風、廣開香積之廚、普獻酥酡之饌, Rưới lả chả dòng mưa pháp, thổi vi vu gió từ bi, rộng mở nhà bếp Hương Tích, dâng khắp món ăn Tô Đà).” Hay như Trong Tây Trai Tịnh Độ Thi (西齋淨土詩) của Phạn Kỷ Sở Thạch (梵琦楚石) nhà Nguyên, cũng có đoạn thơ nhắc đến hương vị Tô Đà trên cõi Tịnh Độ là: “Tô Đà tự chú lưu ly oản, Cam Lộ trường ngưng phỉ thúy bàn, bất tợ Tuyết Sơn đa dược vị, chúng sanh vô phước biến thành toan (酥酡自注琉璃盌、甘露長凝翡翠盤、不似雪山多藥味、眾生無福變成酸, Tô Đà tự rót lưu ly chén, Cam Lộ đọng lâu phỉ thúy bàn, chẳng giống Tuyết Sơn nhiều vị thuốc, chúng sanh vô phước biến chua thành).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.218.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập