Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Tối Trừng »»
(安慧, Ane, 794-868): vị tăng của Thiên Thai Tông Nhật Bản, sống vào đầu thời Bình An, Thiên Thai Tọa Chủ đời thứ 4, xuất thân vùng Hà Nội (河內, Kawachi), con của dòng họ Đại Bạch (大狛). Ông theo xuất gia Quảng Trí (廣智, Kōchi) ở Tiểu Dã Tự (小野寺) vùng Hạ Dã (下野). Năm 13 tuổi, ông theo Tối Trừng (最澄, Saichō) học Mật Giáo và Thiên Thai Chỉ Quán; sau khi vị này qua đời thì theo hầu Viên Nhân (圓仁, Ennin). Vào năm 827, ông trúng tuyển kỳ thi Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經) và được thọ giới. Đến năm 835, ông làm giảng sư cho tiểu quốc Xuất Vũ (出羽, Dewa) và sau đó được bổ nhiệm là một trong 10 Thiền sư của Định Tâm Viện (定心院). Năm 864, ông kế thừa chức Thiên Thai Tọa Chủ. Trước tác của ông có Hiển Pháp Hoa Nghĩa Sao (顯法華義鈔) 10 quyển, Tức Thân Thành Phật Nghĩa (卽身成佛義) 1 quyển.
(s: Bodhidharma, 菩提達磨, ?-495, 346-495, ?-528, ?-536): xưa kia người ta viết chữ Ma là 摩, nhưng về mặt truyền thống thì viết là 磨. Các học giả Cận Đại thì viết là 磨, khi xem Đại Sư như là vị Tổ sư; còn viết là 摩 khi xem như là nhân vật lịch sử. Theo hệ thống truyền đăng của Thiền Tông, Đại Sư là vị Tổ thứ 28 của Tây Thiên (Ấn Độ), và là sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Những truyền ký về Đạt Ma thì xưa nay đều y cứ vào bản Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄, năm 1004) cũng như Bồ Đề Đạt Ma Chương (菩提達磨章); nhưng theo những nghiên cứu gần đây, người ta có khuynh hướng cấu thành truyền ký về ông dựa trên những tư liệu xưa hơn hai tư liệu vừa nêu trên. Tư liệu về Đạt Ma Truyện thì có nhiều loại như Lạc Dương Già Lam Ký (洛陽伽藍記, năm 547), Đàm Lâm Nhị Chủng Nhập (曇琳二種入, khoảng năm 600), Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, năm 645), Truyền Pháp Bảo Ký (傳法寳記, khoảng năm 712), Lăng Già Sư Tư Ký (楞伽師資記, khoảng năm 713, 716), Lịch Đại Pháp Bảo Ký (歷代法寳記, khoảng năm 774), Bảo Lâm Truyện (寳林傳, năm 801), Tổ Đường Tập (祖堂集, năm 952), v.v. Thông qua Bảo Lâm Truyện từ đó các ký lục của Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記, năm 1061), v.v., được hình thành. Lại nữa, chúng ta cần phải lưu ý đến những văn bản như Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ (內證佛法相承血脈譜, năm 819) của Tối Trừng (最澄, Saichō), Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận (菩提達摩南宗定是非論, năm 732), Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa (問答雜徴義) của Thần Hội (神會), rồi Thiền Môn Sư Tư Tương Thừa Đồ (禪門師資相承圖), Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序), Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao (圓覺經大疏鈔) của Tông Mật (宗密). Từ đó, xét về tiểu sử của Đạt Ma, ta thấy rằng Đại Sư sanh ra ở nước Ba Tư (波斯) hay Nam Thiên Trúc (南天竺). Theo như tài liệu mới thành lập sau này cho thấy rằng ông là người con thứ 3 của quốc vương nước này. Ông kế thừa dòng pháp của Bát Nhã Đa La (s: Prajñātara, 般若多羅), rồi sau đó sang Trung Quốc. Bảo Lâm Truyện thì cho rằng ông đến Quảng Châu (廣州) vào ngày 21 tháng 9 năm thứ 8 (527) niên hiệu Phổ Thông (普通) nhà Lương. Bản ghi rõ ngày tháng thì có Bảo Lâm Truyện này, nhưng đời sau lại có khá nhiều dị thuyết xuất hiện. Sự việc vua Lương Võ Đế (武帝, tại vị 502-549) xuất hiện trong câu chuyện Đạt Ma, lần đầu tiên được tìm thấy trong Nam Tông Định Thị Phi Luận và Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa; còn các tư liệu trước đó thì không thấy. Câu trả lời “vô công đức (無功德, không có công đức)” của Đạt Ma đối với vua Lương Võ Đế, mãi cho đến bản Tổ Đường Tập mới thấy xuất hiện. Về sau, Đạt Ma đến tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (嵩山少林寺), ngồi xoay mặt vào vách tường suốt 9 năm trường. Còn câu chuyện Huệ Khả (慧可) tự mình chặt tay giữa lúc tuyết rơi rồi dâng lên cho Đạt Ma để cầu pháp, lần đâu tiên được ghi lại trong Lăng Già Sư Tư Ký; nhưng Tục Cao Tăng Truyện thì lại cho rằng Huệ Khả gặp bọn cướp giữa đường và bị chặt tay. Môn nhân của Đạt Ma có 4 nhân vật nổi tiếng là Đạo Dục (道育), Huệ Khả (慧可), Ni Tổng Trì (尼總持) và Đạo Phó (道副). Đại Sư có trao truyền cho Huệ Khả 4 quyển Kinh Lăng Già, y Ca Sa, và bài kệ phú pháp. Bài này được ghi lại trong Bảo Lâm Truyện. Bản Lạc Dương Già Lam Ký có ghi rằng lúc khoảng 150 tuổi, Đạt Ma tán thán cảnh sắc hoa mỹ của chốn già lam Vĩnh Ninh Tự (永寧寺), rồi xướng danh hiệu Nam Mô, chấp tay mà thị tịch. Còn việc Đạt Ma bị giết chết bằng thuốc độc có ghi lại trong Truyền Pháp Bảo Ký. Trong Lịch Đại Pháp Bảo Ký có đề cập rằng Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支) và Quang Thống Luật Sư (光統律師, tức Huệ Quang [慧光]) đã trãi qua 6 lần bỏ thuốc độc hại Đạt Ma. Về năm Ngài thị tịch, Bảo Lâm Truyện có ghi là vào ngày mồng 5 tháng 12 năm Bính Thìn (536), đời vua Hiếu Minh Đế (孝明帝, tại vị 515-528) nhà Hậu Ngụy. Trong khi đó, bản bia minh của Huệ Khả thì ghi ngày mồng 5 tháng 12 năm thứ 2 (536) niên hiệu Đại Đồng (大同). Bản Tổ Đường Tập thì ghi là năm thứ 19 (495) niên hiệu Thái Hòa (太和); và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thì ghi là ngày mồng 5 tháng 10 cùng năm trên; hưởng thọ 150 tuổi. Ngài được an táng tại Hùng Nhĩ Sơn (熊耳山), nhưng theo vị sứ nhà Đông Ngụy là Tống Vân (宋雲), ông gặp Đạt Ma ở Thông Lãnh (葱嶺) đang quảy một chiếc hài đi về hướng Tây; nên khi trở về nước, ông cho mở quan tài ra để xem hư thực, mới phát hiện bên trong quan tài chỉ còn lại một chiếc hài mà thôi. Tương truyền vua Võ Đế soạn bài bia minh tháp. Vua Đại Tông ban cho Đạt Ma thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư (圓覺大師); trong bản văn tế của Chiêu Minh Thái Tử (昭明太子) thì gọi là Thánh Trụ Đại Sư (聖胄大師). Những soạn thuật của Đại Sư được lưu truyền cho đến nay có Nhị Chủng Nhập (二種入), Tâm Kinh Tụng (心經誦), Phá Tướng Luận (破相論), An Tâm Pháp Môn (安心法門), Ngộ Tánh Luận (悟性論), Huyết Mạch Luận (血脈論), được thâu tập thành bản gọi là Thiếu Thất Lục Môn (少室六門). Còn trong Thiền Môn Nhiếp Yếu (禪門攝要) của Triều Tiên có thâu lục Huyết Mạch Luận, Quán Tâm Luận (觀心論), Tứ Hành Luận (四行論). Sau này trong các văn bản được khai quật ở động Đôn Hoàng (敦煌) còn có Nhị Nhập Tứ Hành Luận (二入四行論), Tạp Lục (雜錄), Tuyệt Quán Luận (絕觀論), Vô Tâm Luận (無心論), Chứng Tâm Luận (證心論), Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn (達磨禪師觀門), Đạt Ma Thiền Sư Luận (達磨禪師論), v.v. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phần nhiều đó là những trước tác của chư Tổ sư khác nhưng lại lấy tên Đạt Ma; và người ta cũng công nhận rằng trước tác của Đạt Ma chỉ là Nhị Chủng Nhập mà thôi. Nếu căn cứ vào bản này, ta thấy rằng tư tưởng của Đạt Ma là Tứ Như Thị (四如是, bốn điều như vậy) và Nhị Nhập Tứ Hạnh (二入四行). Tứ Như Thị là Như Thị An Tâm (如是安心), Như Thị Phát Hạnh (如是發行), Như Thị Thuận Vật (如是順物) và Như Thị Phương Tiện (如是方便). Nhị Nhập là Lý Nhập (理入) và Hạnh Nhập (行入). Còn Tứ Hạnh là 4 yếu tố được hình thành từ Hạnh Nhập. Tâm yếu làm cơ sở cho Thiền pháp của Đạt Ma được xem như là y cứ vào 4 quyển Kinh Lăng Già; nhưng đó không phải là văn bản giải thích về mặt học vấn của kinh này, mà nhằm nhấn mạnh việc cần phải lấy trọn tinh thần kinh. Theo Tục Cao Tăng Truyện, giới Phật Giáo đương thời rất chú trọng đến nghiên cứu, giảng diễn kinh luận; trong khi đó, Đạt Ma thì lại cổ xúy Thiền mang tính thật tiễn của cái gọi là “không vô sở đắc (空無所得, không có cái gì đạt được)”; cho nên ông bị học giả lúc bầy giờ phê phán mãnh liệt. Từ đó, các thuật ngữ như giáo ngoại biệt truyền (敎外別傳), bất lập văn tự (不立文字), dĩ tâm truyền tâm (以心傳心), kiến tánh thành Phật (見性成佛), v.v., được thành lập. Thời đại thay đổi cho đến thời Lục Tổ Huệ Năng (慧能) trở về sau, những thuật ngữ này trở nên rất thịnh hành, thông dụng; vậy ta có thể khẳng định rằng manh nha của chúng vốn phát xuất từ thời Đạt Ma.
(勤操, Gonzō, 754-827): vị tăng của Tam Luận Tông Nhật Bản, sống dưới hai thời đại Nại Lương và Bình An, húy là Cần Tháo (勤操), thường gọi là Thạch Uyên Tăng Chánh (石淵僧正), xuất thân vùng Cao Thị (高市), Đại Hòa (大和, Yamato), họ Tần (秦). Năm 12 tuổi, ông theo học Tam Luận với Tín Linh (信靈, Shinrei) và Thiện Nghị (善議, Zengi) của Đại An Tự (大安寺, Daian-ji); đến năm 770, ông được chọn trong số ngàn vị tăng đắc độ. Đến năm 794, ông làm chức Đường Đạt (堂達, Dōtatsu, tên vị tăng dâng bức Chú Nguyện Văn hay Nguyện Văn lên cho vị Chủ Sám hoặc Chú Nguyện Sư khi hành pháp sự). Năm 796, ông cầu nguyện siêu độ cho bạn đồng học là Vinh Hảo (榮好) và bắt đầu tiến hành tổ chức Pháp Hoa Bát Giảng (法華八講, còn gọi là Thạch Uyên Bát Giảng [石淵八講]) tại Thạch Uyên Tự (石淵寺) ngay dưới chân núi Cao Viên (高圓). Vào năm 813, ông luận phá vị tăng Pháp Tướng Tông tại Đại Cực Điện (大極殿) trong cung nội và từ đó mở rộng uy thế của Tam Luận. Năm 820, ông nhậm chức Biệt Đương (別當, Bettō, tên vị tăng quan chuyên trách quản lý sự vụ của những ngôi đại tự) của Hoằng Phước Tự (弘福寺, Gūfuku-ji) và kiêm luôn chức Biệt Đương của Tây Tự (西寺) trong Bình An Kinh khi đang xây dựng. Năm 826, ông được thăng chức Đại Tăng Đô, từng thân giao với Tối Trừng (最澄, Saichō) cũng như Không Hải (空海, Kūkai) và chứng tỏ ông có nhận thức về Phật Giáo mới của Thiên Thai, Chơn Ngôn. Sau ông qua đời tại Đông Bắc Viện của Tây Tự và được truy tặng chức Tăng Chánh.
(大安寺, Daian-ji): ngôi chùa của Phái Cao Dã Sơn (高野山派) thuộc Chơn Ngôn Tông, tọa lạc tại Daianji-cho (大安町), Nara-shi (奈良市), là một trong 7 ngôi chùa lớn của Phật Giáo Nam Đô, còn gọi là Nam Đại Tự (南大寺, Nandai-ji). Theo Đại An Tự Già Lam Duyên Khởi Tinh Lưu Ký Tư Tài Trương (南大寺伽藍緣起并流記資財帳) có ghi lại việc Thánh Đức Thái Tử (聖德太子, Shōtoku Taishi) phó thác cho Điền Thôn Hoàng Tử (田村皇子, sau này là Thư Minh Thiên Hoàng [舒明天皇, Jomei Tennō]) xây dựng ngôi đại tự với tên gọi là Hùng Ngưng Tự (熊凝寺, Kumagori-dera). Đây chính là khởi nguyên của Đại An Tự. Trong Thánh Đức Thái Tử Truyện Tư Ký (聖德太子傳私記) cũng cho rằng Hùng Ngưng Tự là tiền thân của ngôi già lam này. Trong Nhật Bản Thư Kỷ (日本書紀, Nihonshōki) có ghi rằng vào năm thứ 11 (639) đời Thư Minh Thiên Hoàng, nhà vua ra chiếu chỉ xây Đại Cung và Đại Tự bên bờ sông Bách Tế, cho dựng ngôi tháp 9 tầng và đổi tên chùa là Bách Tế Đại Tự (百濟大寺, Kudara-no-ōdera). Đến năm thứ 2 (673) đời vua Thiên Võ Thiên Hoàng (天武天皇, Temmu Tennō), chùa lại được dời về vùng Cao Thị (高市, Takechi) và lấy tên là Cao Thị Đại Tự (高市大寺, Takechi-no-ōdera). Sau đó, chùa lại đổi tên là Đại Quan Đại Tự (大官大寺, Daikandai-ji), trở thành một trong 3 ngôi chùa quan lớn và hưng thịnh đến tột đỉnh. Vào năm thứ 3 (710) niên hiệu Hòa Đồng (和銅), lúc kinh đô được dời về Bình Thành (平城, Heizei), chùa cũng chuyển về vị trí hiện tại và lấy tên là Đại An Tự. Từ quy mô già lam có dạng thức đặc thù được gọi là Cách Thức Đại An Tự, chiều cao của chùa, nó được gọi là Nam Đại Tự (南大寺, Nandai-ji) để sánh với Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) và Tây Đại Tự (西大寺, Saidai-ji). Với tư cách là trung tâm học vấn của Tam Luận Tông, chùa đã một thời hưng thạnh. Chính từ đây đã xuất hiện những bậc danh tăng như Đạo Từ (道慈, Dōji), Cần Tháo (勤操, Gonzō), Hành Biểu (行表, Gyōbyō), Tối Trừng (最澄, Saichō), Lương Biện (良辨, Rōben), v.v. Đến thời đại Bình An, sau mấy lần bị hỏa tai vào năm thứ 11 (911) niên hiệu Diên Hỷ (延喜), năm đầu (1071) niên hiệu Khoan Nhân (寬仁), ngôi già lam bị cháy rụi khá nhiều và sau đó được tái thiết ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, vào khoảng cuối thời Bình An, cũng cùng chung số phận với những ngôi đại tự khác của vùng Nam Đô, chùa lâm vào tình trạng suy vi. Đến thời Liêm Thương, cùng với việc phục hưng giáo học, một số chùa như Nguyên Hưng Tự (元興寺, Gankō-ji), Tây Đại Tự, v.v., đã phát triển mạnh; nhưng trường hợp Đại An Tự thì lại càng suy thối hơn. Quần thể đường vũ hiện tồn được tái thiết dưới thời Minh Trị; bảo vật của chùa có bức tượng đứng Thập Nhất Diện Quan Âm (dưới thời Nại Lương) là tượng thờ chính, tượng Dương Liễu Quan Âm, Thiên Thủ Quan Âm, v.v., theo Cách Thức Đại An Tự.
(道邃, Dōsui, ?-?): vị tăng và là tổ thứ 7 (có thuyết cho là tổ thứ 8) của Thiên Thai Tông Trung Quốc, sống dưới thời nhà Đường, xuất thân Trường An (長安), họ Vương (王). Lúc trẻ ông đã làm quan, đến chức Giám Sát Ngự Sử (監察御史); sau xuất gia, đến năm 24 tuổi thì thọ Cụ Túc giới và chuyên tâm học giới luật. Trong khoảng niên hiệu Đại Lịch (大曆, 766-779), ông theo làm môn hạ của Kinh Khê Trạm Nhiên (荆溪湛然). Đến năm thứ 12 (796) niên hiệu Trinh Nguyên (貞元), ông lên Thiên Thai Sơn, sống tại đó trong vòng 10 năm, chuyên giảng Kinh Pháp Hoa, Chỉ Quán, v.v.; sau đó ông kế thừa chức Thiên Thai Tọa Chủ. Vào năm đầu (805) niên hiệu Vĩnh Trinh (永貞), ông truyền thọ giáo nghĩa Thiên Thai cũng như Đại Thừa Bồ Tát Giới cho vị tăng Nhật Bản là Tối Trừng (最澄, Saichō). Sau ông thị tịch tại Quốc Thanh Tự (國清寺), không rõ tuổi thọ bao nhiêu, và được ban thụy hiệu là Hưng Đạo Tôn Giả (興道尊者). Người đời vẫn thường gọi ông là Chỉ Quán Hòa Thượng (止觀和尚). Môn nhân của ông có những nhân vật xuất chúng như Thủ Tố (守素), Quảng Tu (廣修), Càn Thục (乾淑), v.v. Trước tác của ông có Đại Bát Niết Bàn Kinh Sớ Tư Ký (大般涅槃經疏私記) 10 quyển, Duy Ma Kinh Sớ Tư Ký (維摩經疏私記) 3 quyển, Ma Ha Chỉ Quán Ký Trung Dị Nghĩa (摩訶止觀記中異義) 1 quyển.
(道璿, Dōsen, 702-760): vị tăng sống dưới thời nhà Đường, một trong những người đem Thiền, Luật và Hoa Nghiêm truyền sang Nhật Bản, vị tổ thứ 2 của Thiền Tông Nhật Bản và cũng là sơ tổ của Hoa Nghiêm Tông Nhật Bản, sang Nhật dưới thời đại Nại Lương, húy là Đạo Tuyền (道璿), xuất thân Hứa Châu (許州, Tỉnh Hà Nam), hậu duệ của Vệ Linh Công (衛靈公). Ông thọ giới với Định Tân (定賓), theo học Luật với vị này, học Thiền và Hoa Nghiêm với Phổ Tịch (普寂), sau đó đến giáo hóa cho chúng tăng ở Đại Phước Tiên Tự (大福先寺). Khi Phổ Chiếu (普照, Fushō), Vinh Duệ (榮叡, Yōei) của Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji) sang nhà Đường cầu sư truyền giới luật, ông được hai vị này cung thỉnh sang Nhật. Vào năm 734, ông cùng với nhóm Bồ Đề Tiên Na (菩提僊那, Bodaisenna) và Phật Triết (佛哲, Buttetsu) lên thuyền sang Nhật; nhưng giữa đường gặp gió bão, đến năm 736 họ mới lên đất liền được và trú tại Đại An Tự (大安寺, Daian-ji). Năm 751, ông làm Luật Sư, năm sau thì làm Chú Nguyện Sư cho Lễ Cúng Dường Khai Nhãn Tượng Đại Phật tại Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji). Năm 754, ông đến vấn an Giám Chơn (鑑眞, Ganjin) khi vị này vừa sang Nhật và năm sau thì lui về ẩn cư tại Tỉ Tô Tự (比蘇寺) vùng Cát Dã (吉野, Yoshino). Đạo Tuyền là người rất tinh thông về Hoa Nghiêm lẫn Thiên Thai, và thông qua người đệ tử Hành Biểu (行表, Gyōhyō) của ông đã tạo ảnh hưởng lớn cho Tối Trừng (最澄, Saichō)—tổ khai sáng Thiên Thai Tông Nhật Bản. Vào năm đầu (760) niên hiệu Thượng Nguyên (上元), ông thị tịch, hưởng thọ 59 tuổi.
(德一, Tokuitsu, ?-?): vị học tăng của Pháp Tướng Tông Nhật Bản, sống vào khoảng đầu thời kỳ Bình An, tương truyền là con trai của Huệ Mỹ Trọng Ma Lữ (惠美仲麻呂). Ông học ở Nại Lương (奈良, Nara), sau chuyển đến vùng Đông Quốc (東國, Tōgoku), trú tại Hội Tân (會津, Aizu, thuộc Fukushima-ken [福島縣]) và lập chùa ở Khủng Ba Sơn (筑波山), vùng Thường Lục (常陸, Hitachi, thuộc Ibaraki-ken [茨城縣]). Ông đã từng luận tranh với Tối Trừng (最澄, Saichō) xung quanh vấn đề giáo học của Pháp Tướng Tông và Thiên Thai Tông, về tánh chân thật của tư tưởng Tam Thừa và tư tưởng Nhất Thừa. Từ đó, ông bắt đầu viết cuốn Phật Tánh Sao (佛性抄), Trung Biên Nghĩa Cảnh (中邊義境) 3 quyển, Giá Dị Kiến Chương (遮異見章) 3 quyển, Huệ Nhật Vũ Túc (惠日羽足) 3 quyển, Trung Biên Nghĩa Cảnh Tàn (中邊義境殘) 20 quyển, v.v. Ngoài ra, ông còn soạn bản Chơn Ngôn Tông Vị Quyết Văn (眞言宗未決文) để trình bày 11 điều nghi vấn đối với giáo học Chơn Ngôn Tông của Không Hải (空海, Kūkai). Miếu thờ Đức Nhất hiện có ở Huệ Nhật Tự (惠日寺), Fukushima-ken (福島縣).
(叡山大師傳, Eizandaishiden): 1 quyển, do Nhất Thừa Trung (一乘忠) soạn, còn gọi là Tỷ Duệ Đại Sư Truyện (比叡大師傳), Truyền Giáo Đại Sư Truyện Ký (傳敎大師傳記), Đại Sư Nhất Sanh Ký (大師一生記), được thành lập vào năm thứ 2 (825) niên hiệu Thiên Trường (天長), sau khi Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng (最澄, Saichō) qua đời 2 năm. Nội dung tác phẩm này thuật rõ từ khi Tối Trừng ra đời, tên họ, xuất thân, xuất gia, lên núi tu hành, học tập kinh điển, khai giảng Pháp Hoa, rồi sang nhà Đường cầu pháp, sự tích khi còn tham học bên Trung Quốc, sau đó đem truyền pháp môn Thiên Thai vào Nhật và khai sáng Thiên Thai Tông, quá trình đi tuần lễ chiêm bái ở Cửu Châu (九州, Kyūshū), Nam Đô (南都, Nanto), Quan Đông (關東, Kantō), sự nỗ lực kiến lập đại giới, di huấn và lúc thị tịch, sự vinh quang sau khi ông qua đời, danh sách những nhà ngoại hộ đắc lực, v.v. Thư tịch này còn dẫn dụng các sử liệu phong phú như những bức nguyện văn, tờ biểu dâng lên triều đình do chính tay Tối Trừng viết, sắc chiếu của vua ban cũng như Quan Phù, v.v.; là tư liệu chính xác và căn bản nhất nói về cuộc đời cũng như con người Tối Trừng. Vào năm đầu (1704) niên hiệu Bảo Vĩnh (寳永), lần đầu tiên Tú Vân (秀雲) của Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan) cho phổ biến dưới tên gọi là Duệ Sơn Tứ Đại Sư Truyện (叡山四大師傳); và đến năm thứ 4 (1767) niên hiệu Minh Hòa (明和) thì chính thức được san hành. Bản của Tú Vân được thâu lục vào trong Tục Quần Thư Loại Tùng (續群書類從, phần Truyện Bộ) 8, Sử Tịch Tập Lãm (史籍集覽) 12, phần Thiên Thai Tông Hiển Giáo Chương Sớ (天台宗顯敎章疏) 2 của Nhật Bản Đại Tạng Kinh (日本大藏經). Tuy nhiên, một phần của bản này bị sai lộn thứ tự, nên cần phải lưu ý khi dùng làm tham khảo. Riêng tả bản xưa nhất hiện đang được tàng trữ tại Thạch Sơn Tự (石山寺) thì vẫn còn nguyên vẹn, không bị sai sót về thứ tự như bản trên; cho nên bộ Truyền Giáo Đại Sư Toàn Tập (傳敎大師全集) thì y cứ vào bản này.
(行滿, Gyōman, ?-?): vị tăng của Thiên Thai Tông Trung Quốc, sống vào thời nhà Đường, xuất thân Tô Châu (蘇州). Ông xuất gia năm 20 tuổi, đến năm 25 tuổi thì thọ Cụ Túc giới và học Luật trong vòng 5 năm. Vào năm 768 (niên hiệu Đại Lịch [大曆] thứ 3), ông trú ở Phù Tra Tự (浮槎寺), lúc bấy giờ Trạm Nhiên (湛然) đang thuyết giảng Thiên Thai Chương Sớ (天台章疏) ở Kinh Khê (荆溪), ông liền đi theo vị này. Sau khi Trạm Nhiên thị tịch, ông trú ở Phật Lũng Tự (佛隴寺) trên Thiên Thai Sơn và tận lực truyền trì pháp môn. Đến năm 804 (niên hiệu Trinh Nguyên [貞元] thứ 20), vị tăng người Nhật Bản là Tối Trừng (最澄) sang Trung Hoa, thường đến thọ học giáo điển Thiên Thai với ông. Trước tác của ông có Niết Bàn Kinh Sớ Tư Ký (涅槃經疏私記) 12 quyển, Niết Bàn Kinh Âm Nghĩa (涅槃經音義) 1 quyển, Lục Tức Nghĩa (六卽義) 1 quyển, Học Thiên Thai Tông Pháp Môn Đại Ý (學天台宗法門大意) 1 quyển, v.v.
(惠運, Eun, 798-869): vị tăng của Chơn Ngôn Tông Nhật Bản, sống vào đầu thời Bình An, họ là An Đàm (安曇), xuất thân vùng Sơn Thành (山城), là một trong 8 vị tăng sang nhà Đường (gồm Tối Trừng, Không Hải, Thường Hiểu, Viên Hành, Viên Nhân, Huệ Vận, Viên Nhân và Tông Duệ). Ban đầu ông theo học giáo học Pháp Tướng Tông với Thái Cơ (泰基) ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), cũng như Trọng Kế (仲繼) ở Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji); rồi sau khi thọ giới vào năm 824 (niên hiệu Thiên Trường [天長] nguyên niên), ông đến làm môn hạ của Thật Huệ (實惠, Jitsue) thuộc Chơn Ngôn Tông. Ông đã từng làm chức Kiểm Hiệu cho việc sao chép các kinh điển tại vùng Quan Đông (關東, Kantō), rồi làm Giảng Sư ở Quan Thế Âm Tự (觀世音寺) vùng Trúc Tử (筑紫). Sau đó, vào năm 842 (niên hiệu Thừa Hòa [承和] thứ 9), ông lên thuyền sang nhà Đường. Tại Thanh Long Tự (青龍寺) ở Trường An, ông được Nghĩa Chơn (義眞) ban cho phép Quán Đảnh, và sau đó đi tuần bái khắp Ngũ Đài Sơn và Thiên Thai Sơn. Đến năm 847 (năm thứ 14 cùng niên hiệu trên), ông trở về nước, trên lên triều đình bản Bát Gia Thỉnh Lai Mục Lục (八家請來目錄). Năm sau, ông khai sáng An Tường Tự (安祥寺, Anjō-ji) ở kinh đô Kyoto. Về sau, ông được cử làm Tăng Đô, nên được gọi là An Tường Tự Tăng Đô (安祥寺僧都).
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.47.172 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập