Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Truyền Pháp Bảo Ký »»
(s: Bodhidharma, 菩提達磨, ?-495, 346-495, ?-528, ?-536): xưa kia người ta viết chữ Ma là 摩, nhưng về mặt truyền thống thì viết là 磨. Các học giả Cận Đại thì viết là 磨, khi xem Đại Sư như là vị Tổ sư; còn viết là 摩 khi xem như là nhân vật lịch sử. Theo hệ thống truyền đăng của Thiền Tông, Đại Sư là vị Tổ thứ 28 của Tây Thiên (Ấn Độ), và là sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Những truyền ký về Đạt Ma thì xưa nay đều y cứ vào bản Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄, năm 1004) cũng như Bồ Đề Đạt Ma Chương (菩提達磨章); nhưng theo những nghiên cứu gần đây, người ta có khuynh hướng cấu thành truyền ký về ông dựa trên những tư liệu xưa hơn hai tư liệu vừa nêu trên. Tư liệu về Đạt Ma Truyện thì có nhiều loại như Lạc Dương Già Lam Ký (洛陽伽藍記, năm 547), Đàm Lâm Nhị Chủng Nhập (曇琳二種入, khoảng năm 600), Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, năm 645), Truyền Pháp Bảo Ký (傳法寳記, khoảng năm 712), Lăng Già Sư Tư Ký (楞伽師資記, khoảng năm 713, 716), Lịch Đại Pháp Bảo Ký (歷代法寳記, khoảng năm 774), Bảo Lâm Truyện (寳林傳, năm 801), Tổ Đường Tập (祖堂集, năm 952), v.v. Thông qua Bảo Lâm Truyện từ đó các ký lục của Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記, năm 1061), v.v., được hình thành. Lại nữa, chúng ta cần phải lưu ý đến những văn bản như Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ (內證佛法相承血脈譜, năm 819) của Tối Trừng (最澄, Saichō), Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận (菩提達摩南宗定是非論, năm 732), Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa (問答雜徴義) của Thần Hội (神會), rồi Thiền Môn Sư Tư Tương Thừa Đồ (禪門師資相承圖), Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序), Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao (圓覺經大疏鈔) của Tông Mật (宗密). Từ đó, xét về tiểu sử của Đạt Ma, ta thấy rằng Đại Sư sanh ra ở nước Ba Tư (波斯) hay Nam Thiên Trúc (南天竺). Theo như tài liệu mới thành lập sau này cho thấy rằng ông là người con thứ 3 của quốc vương nước này. Ông kế thừa dòng pháp của Bát Nhã Đa La (s: Prajñātara, 般若多羅), rồi sau đó sang Trung Quốc. Bảo Lâm Truyện thì cho rằng ông đến Quảng Châu (廣州) vào ngày 21 tháng 9 năm thứ 8 (527) niên hiệu Phổ Thông (普通) nhà Lương. Bản ghi rõ ngày tháng thì có Bảo Lâm Truyện này, nhưng đời sau lại có khá nhiều dị thuyết xuất hiện. Sự việc vua Lương Võ Đế (武帝, tại vị 502-549) xuất hiện trong câu chuyện Đạt Ma, lần đầu tiên được tìm thấy trong Nam Tông Định Thị Phi Luận và Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa; còn các tư liệu trước đó thì không thấy. Câu trả lời “vô công đức (無功德, không có công đức)” của Đạt Ma đối với vua Lương Võ Đế, mãi cho đến bản Tổ Đường Tập mới thấy xuất hiện. Về sau, Đạt Ma đến tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (嵩山少林寺), ngồi xoay mặt vào vách tường suốt 9 năm trường. Còn câu chuyện Huệ Khả (慧可) tự mình chặt tay giữa lúc tuyết rơi rồi dâng lên cho Đạt Ma để cầu pháp, lần đâu tiên được ghi lại trong Lăng Già Sư Tư Ký; nhưng Tục Cao Tăng Truyện thì lại cho rằng Huệ Khả gặp bọn cướp giữa đường và bị chặt tay. Môn nhân của Đạt Ma có 4 nhân vật nổi tiếng là Đạo Dục (道育), Huệ Khả (慧可), Ni Tổng Trì (尼總持) và Đạo Phó (道副). Đại Sư có trao truyền cho Huệ Khả 4 quyển Kinh Lăng Già, y Ca Sa, và bài kệ phú pháp. Bài này được ghi lại trong Bảo Lâm Truyện. Bản Lạc Dương Già Lam Ký có ghi rằng lúc khoảng 150 tuổi, Đạt Ma tán thán cảnh sắc hoa mỹ của chốn già lam Vĩnh Ninh Tự (永寧寺), rồi xướng danh hiệu Nam Mô, chấp tay mà thị tịch. Còn việc Đạt Ma bị giết chết bằng thuốc độc có ghi lại trong Truyền Pháp Bảo Ký. Trong Lịch Đại Pháp Bảo Ký có đề cập rằng Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支) và Quang Thống Luật Sư (光統律師, tức Huệ Quang [慧光]) đã trãi qua 6 lần bỏ thuốc độc hại Đạt Ma. Về năm Ngài thị tịch, Bảo Lâm Truyện có ghi là vào ngày mồng 5 tháng 12 năm Bính Thìn (536), đời vua Hiếu Minh Đế (孝明帝, tại vị 515-528) nhà Hậu Ngụy. Trong khi đó, bản bia minh của Huệ Khả thì ghi ngày mồng 5 tháng 12 năm thứ 2 (536) niên hiệu Đại Đồng (大同). Bản Tổ Đường Tập thì ghi là năm thứ 19 (495) niên hiệu Thái Hòa (太和); và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thì ghi là ngày mồng 5 tháng 10 cùng năm trên; hưởng thọ 150 tuổi. Ngài được an táng tại Hùng Nhĩ Sơn (熊耳山), nhưng theo vị sứ nhà Đông Ngụy là Tống Vân (宋雲), ông gặp Đạt Ma ở Thông Lãnh (葱嶺) đang quảy một chiếc hài đi về hướng Tây; nên khi trở về nước, ông cho mở quan tài ra để xem hư thực, mới phát hiện bên trong quan tài chỉ còn lại một chiếc hài mà thôi. Tương truyền vua Võ Đế soạn bài bia minh tháp. Vua Đại Tông ban cho Đạt Ma thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư (圓覺大師); trong bản văn tế của Chiêu Minh Thái Tử (昭明太子) thì gọi là Thánh Trụ Đại Sư (聖胄大師). Những soạn thuật của Đại Sư được lưu truyền cho đến nay có Nhị Chủng Nhập (二種入), Tâm Kinh Tụng (心經誦), Phá Tướng Luận (破相論), An Tâm Pháp Môn (安心法門), Ngộ Tánh Luận (悟性論), Huyết Mạch Luận (血脈論), được thâu tập thành bản gọi là Thiếu Thất Lục Môn (少室六門). Còn trong Thiền Môn Nhiếp Yếu (禪門攝要) của Triều Tiên có thâu lục Huyết Mạch Luận, Quán Tâm Luận (觀心論), Tứ Hành Luận (四行論). Sau này trong các văn bản được khai quật ở động Đôn Hoàng (敦煌) còn có Nhị Nhập Tứ Hành Luận (二入四行論), Tạp Lục (雜錄), Tuyệt Quán Luận (絕觀論), Vô Tâm Luận (無心論), Chứng Tâm Luận (證心論), Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn (達磨禪師觀門), Đạt Ma Thiền Sư Luận (達磨禪師論), v.v. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phần nhiều đó là những trước tác của chư Tổ sư khác nhưng lại lấy tên Đạt Ma; và người ta cũng công nhận rằng trước tác của Đạt Ma chỉ là Nhị Chủng Nhập mà thôi. Nếu căn cứ vào bản này, ta thấy rằng tư tưởng của Đạt Ma là Tứ Như Thị (四如是, bốn điều như vậy) và Nhị Nhập Tứ Hạnh (二入四行). Tứ Như Thị là Như Thị An Tâm (如是安心), Như Thị Phát Hạnh (如是發行), Như Thị Thuận Vật (如是順物) và Như Thị Phương Tiện (如是方便). Nhị Nhập là Lý Nhập (理入) và Hạnh Nhập (行入). Còn Tứ Hạnh là 4 yếu tố được hình thành từ Hạnh Nhập. Tâm yếu làm cơ sở cho Thiền pháp của Đạt Ma được xem như là y cứ vào 4 quyển Kinh Lăng Già; nhưng đó không phải là văn bản giải thích về mặt học vấn của kinh này, mà nhằm nhấn mạnh việc cần phải lấy trọn tinh thần kinh. Theo Tục Cao Tăng Truyện, giới Phật Giáo đương thời rất chú trọng đến nghiên cứu, giảng diễn kinh luận; trong khi đó, Đạt Ma thì lại cổ xúy Thiền mang tính thật tiễn của cái gọi là “không vô sở đắc (空無所得, không có cái gì đạt được)”; cho nên ông bị học giả lúc bầy giờ phê phán mãnh liệt. Từ đó, các thuật ngữ như giáo ngoại biệt truyền (敎外別傳), bất lập văn tự (不立文字), dĩ tâm truyền tâm (以心傳心), kiến tánh thành Phật (見性成佛), v.v., được thành lập. Thời đại thay đổi cho đến thời Lục Tổ Huệ Năng (慧能) trở về sau, những thuật ngữ này trở nên rất thịnh hành, thông dụng; vậy ta có thể khẳng định rằng manh nha của chúng vốn phát xuất từ thời Đạt Ma.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.230.170 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập